BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


 

KINH PHÁP CÚ
DHAMMAPADA

Tác giả: Nārada Mahāthera
Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

3. TÂM - CITTA VAGGA

Hãy giữ vững cái tâm chao động của ta

1.Phandanaṁ capalaṁ cittaṁ durakkhaṁ dunnivārayaṁ

Ujuṁ karoti medhāvī - usukāro' va tejanaṁ.

2. Vārijo'va thale khitto - okamokata ubbhato

Pariphandati'midaṁ cittaṁ- māradheyyaṁ pahātave.

1. Cái tâm, chập chờn, chao động 1, khó canh phòng, khó kiểm soát - người thiện trí giữ vững tâm ngay ngắn giống như thợ chuốc tên uốn nắn cho tên được ngay. 33.

2. Cá bị vớt lên khỏi nước và vứt trên đất khô như thế nào thì tâm chao động cũng dường thế ấy. Vậy, phải lánh xa cảnh giới của dục vọng 2. 34.

Tích chuyện

Tâm của một vị Tỳ-khưu bị những tư tưởng xấu chế ngự. Ðức Phật khuyên dạy thầy nên giữ vững tâm, khắc phục tư tưởng xấu.

Chú thích

1. Tâm - Citta, do căn "cit" là suy gẫm. Phạn ngữ citta thường được giải thích là "cái gì hay biết một đối tượng" (cinteti = vijānāti). Ðúng ra, quả thật không phải có cái gì suy gẫm về một đối tượng, như danh từ này hàm ý. Về một quan điểm cùng tột, có thể định nghĩa citta là sự hay biết một đối tượng vì Phật giáo phủ nhận có một cái gì chủ quan, như một linh hồn trường cửu, để suy gẫm và hiểu biết. Theo Phật giáo, không có sự phân biệt giữa tâm và thức, cả hai đều có thể dùng như đồng nghĩa với Citta.

2. Pahātave dùng trong nghĩa pahatabba, phải được lánh xa.

Hãy kiểm soát tâm

3. Dunniggahassa lahuno - yattha kāmanipātino

Cittassa damatho sādhu -cittaṁ dantaṁ sukhāvahaṁ.

3. Cái tâm, khó kiểm soát, lanh lẹ, phóng đi khắp nơi: nắm được tâm là tốt. Tâm có kiểm soát dẫn đến hạnh phúc. 35.

Tích chuyện

Nhờ sự hướng dẫn của chư Sư, một thiếu phụ có tâm đạo nhiệt thành đắc quả A-Na-Hàm (Anāgāmi, Bất Lai) từng thánh thứ ba, cùng với nhiều phép thần thông như đọc tư tưởng của người khác (tha tâm thông), trước khi các vị sư ấy đắc. Hiểu được rằng chư tăng còn đang thiếu thốn về mặt vật chất nên bà hết lòng hộ trì. Sau đó không bao lâu các Ngài cũng đắc quả A-La-Hán. Một tăng sĩ ở nơi khác nghe tiếng về năng lực tinh thần của bà, đến viếng và lưu lại tại chùa. Bà tận lực hỗ trợ thầy. Vị tăng sĩ lo sợ những tư tưởng xấu có thể phát sanh, đến bạch cùng Ðức Phật. Ðức Phật khuyên thầy nên giữ vững cái tama khó kềm chế của thầy.

Hãy canh chừng tư tưởng

4. Sududdasaṁ sunipuṇaṁ - yatthakāmanipātinaṁ

Cittaṁ rakkhetha medhāvī- cittaṁ guttaṁ sukhāvahaṁ.

4. Rất khó tri giác cái tâm. Tâm vô cùng tế nhị. Người thiện trí canh phòng tâm. Tâm được canh phòng nghiêm nhặt dẫn đến hạnh phúc. 36.

Tích chuyện

Một thiện tín có nhiệt tâm tu học, xuất gia theo Ðức Phật, nhưng sớm thấy rằng đời sống thiêng liêng đạo hạnh rất là khó khăn, rắc rối, vì giới luật quá nhiều. Ðức Phật khuyên thầy không nên lo âu vì luật giới mà chỉ lo canh phòng tư tưởng của mình.

Người đã kiểm soát tâm sống tự do

5. Dūraṅgamaṁ ekacaraṁ - asarīraṁ guhāsayaṁ -

Ye cittaṁ saññamessati - mokkhanti mārabandhanā.

5. Lao mình vào cuộc hành trình xa xôi dịu vợi, đó đây đơn độc 1, không thể xác 2, nằm trong một cái hang 3: Ðó là tâm. Ai chế ngự được tâm là thoát khỏi mọi ràng buộc của Ma Vương. 37.

Tích chuyện

Hai cậu cháu xuất gia sống đời thiêng liêng. Ngày kia có người dâng đến cháu hai xấp vải. Cháu dâng lại cậu một xấp, nhưng cậu từ chối, không nhận. Người cháu buồn ý và, khi đang quạt cho cậu, nảy sanh ra ý nghĩ rời bỏ đời tăng sĩ. Rồi, theo dòng tư tưởng, thầy mơ sẽ bán xấp vải, lấy tiền mua một con dê. Thầy sẽ cưới vợ và có con. Thầy sẽ dắt vợ và con đến chùa lễ cậu. Trên đường đến chùa, bỗng nhiên vợ thầy giết con. Thầy nổi giận, đánh vợ. Vừa quạt vừa mơ như thế, thầy quơ cây quạt nhằm cậu. Người cậu đọc được tư tưởng cháu, dẫn dắt cháu trở về thực tế. Thầy Tỳ-khưu cháu lấy làm hổ thẹn buông cây quạt xuống, bỏ chạy. Cậu chụp cháu lại, đem đến Ðức Phật. Nhơn cơ hội, Ðức Phật mô tả bản chất vô thường, luôn luôn trôi chảy của tâm như trên.

Chú thích

1. Ðơn độc - vì không thể có hai chập tư tưởng phát sanh cùng một lúc, trong một khoảnh khắc nhứt định.

2. Cái tâm vô hình, không có hình thể, không có màu sắc.

3. Guhāsayaṁ, tức là ý căn.

Ðức Phật không có chỉ rõ một nơi nào, nhứt quyết đó là ý căn, như trường hợp năm căn kia, mắt là nhãn căn, tai là nhĩ căn v.v... Vào thời bấy giờ người ta tin rằng trái tim là ý căn, và dĩ nhiên, những người Upanishads hỗ trợ sự tin tưởng ấy. Nếu muốn, Ðức Phật cũng có thể giảng giải theo chiều hướng đó, nhưng Ngài không làm vậy. Trong kinh Nhân quả tương quan (Paṭṭhāna), Ðức Phật đề cập đến ý căn với những danh từ gián tiếp như yam rupām nissāya, tùy thuộc nơi cái vật chất ấy. Nhưng cái vật chất ấy là gì, Ngài không quả quyết. Theo quan điểm của những nhà chú giải như Ðại đức BuddhagosaAnuruddha thì trái tim (hadayavatthu) là ý căn.

Trong khi chính Ðức Phật không xác nhận cũng không phủ nhận chủ thuyết được nhiều người theo cho rằng trái tim là ý căn, nếu ta quả quyết rằng quan điểm của Phật giáo về vấn đề này là như thế nào thì liệu có thể chứng minh được không?

Người giác tỉnh không sợ sệt

6. Anavaṭṭhitacittassa - saddhammaṁ avijānato

Pariplavapasādassa - paññā na paripūrati.

7. Anavassutacittassa - ananvāhatacetaso

Puññapāpapahīnassa - natthi jāgarato bhayaṁ.

6. Người mà tâm không vững. Người không biết chánh Pháp. Người mà niềm tin giao động. Trí tuệ 1 của người như thế không bao giờ toàn hảo. 38.

7. Người không bị (tham ái) thấm nhuần. Người không bị (sân hận) thâm nhiễm. Người đã vượt lên khỏi cả hai, thiện và ác 2Ṇgười giác tỉnh 3 như thế không bao giờ sợ sệt. 39.

Tích chuyện

Một nông dân xuất gia sống đời thiêng liêng vì nghĩ rằng đời sống ở chùa sẽ được dễ dàng hơn. Sau đó, sáu lần thầy hườn tục và sáu lần đều xin trở lại. Ngày kia, khi nhìn thấy một thiếu phụ sắp lâm bồn phải chịu vô cùng đau đớn, anh nông dân thật sự nhàm chán thế tục. Trên đường đến chùa, anh hành thiền, đắc quả Tu-Ðà-Hườn (Sotāpanna, Nhập Lưu) và xin xuất gia với những vị tăng sĩ không mấy hoan hỉ chấp nhận vào Giáo hội một người đã nhiều lần ra đi và trở lại. Sau cùng, anh được thọ Cụ túc giới và cố gắng chuyên cần, sớm thành đạt đạo quả A-La-Hán. Các vị Tỳ-khưu đồng môn không tin, bạch với Ðức Phật và Ðức Phật giải thích trạng thái tâm của thầy, trước và sau khi chứng ngộ Niết-bàn.

Chú thích

1. Trí tuệ - đó là Tuệ minh sát

2. Hành động của một vị A-La-Hán, vị Thánh toàn hảo, không tốt hay xấu. Như vậy không có nghĩa là Ngài thụ động hay tiêu cực. Ngài vẫn tích cực, nhưng hoạt động của Ngài không vị kỷ và hướng về sự nâng đỡ, dìu dắt kẻ khác bước theo dấu chơn Ngài, đi trên con đường mà chính Ngài đã trải qua. Hành động của Ngài - thường được chấp nhận là tốt - không có năng lực tạo nghiệp. Tuy nhiên, Ngài không thể tránh khỏi hậu quả của những nghiệp đã tạo trong quá khứ. Bất luận hành động nào của một vị A-La-Hán cũng được gọi là duy tác (kriya), không phải là nghiệp (kamma), không có năng lực tạo nghiệp. Ðã nhận chơn được thực tướng của sự vật, cuối cùng Ngài phá tan xiềng xích của vòng luân hồi.

3. Người giác tỉnh - không nên lầm tưởng rằng các vị A-La-Hán không ngủ. Dầu ngủ hay thức các Ngài được xem là luôn luôn thức tỉnh bởi vì năm phẩm hạnh là niềm tin (saddhā), tinh tấn (viriya), tâm niệm (sati) tâm định (samādhi) và trí tuệ (paññā) của Ngài luôn giác tỉnh.

Hãy kiên cố tâm và không nên luyến ái

8. Kumbhūpamaṁ kāyamimaṁ viditvā - nagarūpamaṁ cittamidaṁ thapetvā

Yodetha māraṁ paññāydhena jitañ ca rakkhe anivesano siyā.

8. Người nhận thức rằng thể xác này (mỏng manh) như một cái lọ, kiên cố tâm này (bền vững) như một thành trì và tấn công Ma Vương 1 bằng khí giới trí tuệ. Người ấy phải cố giữ cái đã chiếm 2 và không luyến ái 3. 40.

Tích chuyện

Nhiều vị tăng sĩ đang hành thiền trong rừng bị các vị Trời ngụ trên cây làm chao động, trở về thỉnh giáo với Ðức Phật. Ngài khuyên các thầy nên rải tâm Từ đồng đều đến tất cả. Hành đúng lời dạy, về sau những vị ấy được chư Thiên hộ trì hữu hiệu. So sánh thể xác này với một món đồ gốm, nhóm tăng sĩ phát triển minh sát. Ðức Phật đọc tư tưởng các thầy, xuất hiện đến trước mặt và xác nhận điều ấy.

Chú thích

1. Ma Vương- ở đây có nghĩa dục vọng.

2. Chiếm - hay chinh phục, ở đây có nghĩa là những người mới phát triển minh sát (vipassanā).

3. Không luyến ái - không đeo níu theo những bậc thiền (jhnā) mà hành giả đã đạt được. Thiền là những trạng thái tâm (tâm sở) phát triển cao độ do nhờ chú tâm an trụ.

9. Aciraṁ vat'ayaṁ kāyo - paṭhaviṁ adhisessati

Chuddho apetaviññāṇo niratthaṁ'va kaḷingaram.

9. Rồi đây, than ôi! thể xác này sẽ trải nằm trên mặt đất, bị vứt qua một bên, hết tâm, và cũng vô dụng như một khúc gỗ cháy 1. 41.

Tích chuyện

Ðức Phật chăm sóc một tăng sĩ bệnh mà các vị khác không dám đến gần. Chính tay Ngài lau rửa cho vị Tỳ-khưu mình mẩy lầy lở hôi thúi ấy. Sau khi làm xong Ngài ngồi lại trên đầu giường và thuyết cho thầy một thời Pháp về bản chất vô thường của thể xác.

Chú thích

1. Kaḷingaraṁ, - một khúc gỗ mụt thúi, không có giá trị không thể dùng được vào bất luận việc gì.

Tâm hướng về điều bất thiện là kẻ thù tệ hại nhứt

10. Diso disaṁ yaṁ taṁ kayirā verī vā pana verinaṁ

Micchāpanihitaṁ cittaṁ - pāpiyo naṁ tato kare.

10. Bất luận điều (nguy hại) nào mà kẻ thù có thể gây cho kẻ thù, hay người oán hận cho người oán hận, một cái tâm hướng về chiều ác 1 có thể gây nguy hại còn to lớn hơn nhiều. 42.

Tích chuyện

Một nhà chăn nuôi gia súc giàu có thỉnh Ðức Phật đến nhà. Khi Ðức Phật ra về, ông tiễn chơn Ngài đi một đỗi xa và lúc trở lại rủi bị một mũi tên lạc trúng chết. Các vị Tỳ-khưu bàn luận rằng nếu Ðức Phật không đến viếng chắc nhà chăn nuôi gia súc kia khỏi phải chết. Ðức Phật giải thích rằng dầu thế nào chăng nữa, ông ấy không thể lẩn tránh nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ và Ngài thêm rằng một cái tâm hướng về điều bất thiện trở thành kẻ thù nguy hiểm nhứt cho chính mình.

Chú thích

Tâm hướng về chiều đó - Ðó là tâm hướng và mười loại bất thiện nghiệp là:

1. sát sanh, 2. trộm cắp, 3. tà dâm, 4. nói dối, 5. nói lời đâm thọc, 6. nói lời thô lỗ cộc cằn, 7. nói lời nhảm nhí, 8. tham lam, 9. sân hận, và 10. tà kiến.

Tâm hướng thiện còn hơn một người cha hay người mẹ nhiều

11. Na taṁ mātā pitā kayirā - aññe vā pi ca ñātakā

Sammā panihitaṁ cittaṁ seyyaso naṁ tato kare.

11. Ðiều mà không một người mẹ, một người cha, hay bất luận thân bằng quyến thuộc nào có thể làm được, tâm hướng thiện có thể, và nhờ đó, đưa ta lên. 43.

Tích chuyện

Người khá giả kia nảy sanh ý nghĩ tham ái khi gặp một vị A-La-Hán. Kế đó ông kiểm soát được tâm, xin xuất gia và sớm đắc quả A-La-Hán. Nghe sự thay đổi thuận lợi và sự thành đạt mỹ mãn ấy, Ðức Phật ca ngợi Ngài và thêm rằng tâm hướng thiện có thể đem lại phước báu to lớn mà không một ông cha hay bà mẹ nào có thể đem lại.

Chú thích

1. Tâm hướng thiện - đó là tâm hướng về mười loại hành động thiện (kusala) là:

1. Bố thí, 2. Trì giới, 3. Hành thiền, 4. Cung kính bậc thưởng thượng, 5. Phục vụ, 6. Hồi hướng phước báu, 7. Hoan hỉ với phước báu của người khác, 8. Nghe Giáo Pháp, 9. Truyền bá Giáo Pháp và 10. Củng cố chánh kiến.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet này (Bình Anson, 01-2004).


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 08-01-2004