Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 
Trường A Hàm Kinh
Phàm Lệ
Phần I
01. Kinh Ðại Bản
02. Kinh Du Hành.
03. Kinh Ðiển Tôn
04. Kinh Xà-Ni-Sa
Phần II
05. Kinh Tiểu Duyên.
06. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành.
07. Kinh Tệ-Tú
08. Kinh Tán-Ðà-Na.
09. Kinh Chúng Tập.
10. Kinh Thập Thượng.
11. Kinh Tăng Nhất
12. Kinh Tam Tụ
13. Kinh Ðại Duyên Phương Tiện.
14. Kinh Thích Ðề Hoàn Nhân Vấn.
15. A-Nậu-Di.
16. Kinh Thiện Sanh.
17. Kinh Thanh Tịnh.
18. Kinh Tự Hoan Hỉ.
19. Kinh Ðại Hội.
Phần III
20. Kinh A-Ma-Trú.
21. Kinh Phạm Ðộng.
22. Kinh Chủng Ðức.
23. Kinh Cửu-La-Ðàn-Ðầu.
24. Kinh Kiên Cố.
25. Kinh Lõa Hình Phạm Trí.
26. Kinh Tam Minh.
27. Kinh Sa-Môn-Qủa.
28. Kinh Bố-Tra-Bà-Lâu.
29. Kinh Lộ Già.
Phần IV
30. Kinh Thế Ký (bao gồm toàn bộ các phẩm nhỏ liệt kê dưới đây).
Phẩm 01: Kinh Diệm Phù Ðề.
Phẩm 02: Kinh Uất-Ðan-Viết.
Phẩm 03: Kinh Chuyến Luân Thánh Vương.
Phẩm 04: Kinh Ðịa Ngục.
Phẩm 05: Kinh Long Ðiểu.
Phẩm 06: Kinh A-Tu-Luân.
Phẩm 07. Kinh Tứ Thiên Vương.
Phẩm 08: Kinh Ðao-Lợi Thiên.
Phẩm 09: Kinh Tam Tai.
Phẩm 10: Kinh Chiến Ðấu.
Phẩm 11: Kinh Ba Trung Kiếp.
Phẩm 12: Kinh Thế Bản Duyên.

 

Source: LotusMedia lotusmedia.net
KINH TRƯỜNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

PHẦN IV

30. KINH THẾ KÝ

PHẨM 5: LONG ĐIỂU

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại rồng. Những gì là bốn? Một, sanh ra từ trứng; hai, sanh ra từ bào thai; ba, sanh ra từ nơi ẩm thấp; bốn, sanh ra từ hóa sinh. Đó là bốn loại rồng.

“Có bốn loại Kim sí điểu. Những gì là bốn? Một, sinh ra từ trứng; hai, sinh ra từ bào thai; ba, sinh ra từ nơi ẩm thấp; bốn, sinh ra từ hóa sinh. Đó là bốn loại Kim sí điểu.

“Ở dưới đáy nước đại dương có cung điện của vua rồng Ta-kiệt, ngang dọc là tám vạn do-tuần. Tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Giữa hai ngọn núi chúa Tu-di cùng núi Khư-đà-la có hai cung điện của vua rồng Nan-đà và Bạt-nan-đà. Mỗi cung điện ngang dọc sáu mươi do-tuần. Tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu... cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Bắc bờ đại dương có một cây lớn tên là Cứu-la-thiểm-ma-la. Loại cây này cả vua rồng và Kim sí điểu cũng có, gốc cây to bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, tàn cây phủ chung quanh năm mươi do-tuần. Phía Đông của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ trứng và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ trứng. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu ngàn do-tuần, tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Nam của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ thai và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ thai. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu ngàn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Tây của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp. Mỗi cung điện ngang dọc sáu ngàn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Bắc của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ hóa sinh và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ hóa sinh. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu ngàn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ trứng, nếu muốn bắt loài rồng để ăn, thì từ nhánh phía Đông của cây Cứu-la-thiểm-ma-la bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng cũng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng được sinh ra từ thai, từ nơi ẩm thấp, từ hóa sinh được.

“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ thai, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Đông cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ thai muốn ăn loài rồng sinh ra từ thai, thì từ nhánh phía Nam của cây này bay xuống và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, mới bắt loài rồng cũng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng sinh ra từ ẩm thấp, từ hóa sinh được.

“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Đông bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn, thì từ nhánh phía Nam cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp muốn ăn loài rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp, thì từ nhánh phía Tây của cây này bay xuống và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng tám trăm do-tuần, thì bắt loài rồng cũng sinh ra từ nơi ẩm thấp để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng sinh ra từ hóa sinh được.

“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Đông bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn, thì từ nhánh phía Nam cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa muốn ăn loài rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp, thì từ nhánh phía Tây của cây này bay xuống và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng tám trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp để ăn. Khi nào Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa, nếu muốn ăn loài rồng sinh ra từ biến hóa, thì từ nhánh phía Bắc cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng một ngàn sáu trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sanh ra từ biến hóa để ăn một cách tùy ý tự tại. Đó là loài rồng bị loài Kim sí điểu ăn thịt.

“Tuy nhiên có những loại rồng lớn mà loài Kim sí điểu không thể ăn thịt được. Đó là: Vua rồng Ta-kiệt-la, Nan-đà, Bạt-nan-đà, Y-na-bà-la, Đề-đầu-lại-tra, Thiện-kiến, A-lô, Ca-câu-la, Ca-tỳ-la, A-ba-la, A-nậu-đạt, Thiện-trú, Ưu-diệm-ca-bà-đầu, Đắc-xoa-ca. Đó là các loài vua rồng lớn không bị loài Kim sí điểu bắt ăn thịt.”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có chúng sanh nào thọ trì giới rồng, tâm ý nghĩ đến loài rồng, đầy đủ pháp của rồng, thì sẽ sinh về trong loài rồng. Nếu có chúng sanh nào trì giới Kim sí điểu, tâm ý nghĩ đến loài Kim sí điểu, đầy đủ pháp của Kim sí điểu, thì sẽ sinh về trong loài Kim sí điểu. Hoặc có chúng sanh trì giới của thỏ, tâm ý nghĩ về loài thỏ, cắt ; đầy đủ pháp của thỏ, thì sẽ sinh vào loài thỏ, cắt. Hoặc có chúng sanh trì giới của chó, hoặc trì giới của trâu, hoặc trì giới của nai, hoặc trì giới câm, hoặc trì giới Ma-ni-bà-đà , hoặc trì giới lửa, hoặc trì giới mặt trăng, hoặc trì giới mặt trời, hoặc trì giới nước, hoặc trì giới cúng dường lửa, hoặc trì pháp khổ hạnh ô uế. Những người ấy nghĩ rằng: Ta trì pháp câm này, pháp Ma-ni-bà-đà, pháp lửa, pháp mặt trăng, mặt trời, pháp nước, pháp cúng dường lửa, các pháp khổ hạnh; ta trì công đức này là để sinh lên cõi Trời. Đây là những thứ tà kiến.”

Phật dạy:

“Ta nói những người tà kiến này chắc chắn sẽ đi vào hai nơi: Hoặc sinh vào địa ngục, hay sinh vào hàng súc sanh. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có những lý luận như vầy, những quan điểm như vầy: Ngã và thế gian là thường còn, đây là thật, ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian là vô thường, đây là thật, ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian vừa thường vừa là vô thường, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường, đây là thật ngoài ra đều hư dối; Ngã và thế gian là hữu biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian là vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian vừa hữu biên vừa vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian chẳng phải hữu biên cũng chẳng phải vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối; Thân tức mạng, đây là thật ngoài ra đều hư dối hoặc Thân khác mạng khác, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Chẳng phải có mạng chẳng phải không mạng, đây là chắc thật ngoài ra đều là hư dối; hoặc Không mạng không thân, đây là thật ngoài ra đều là hư dối.

“Hoặc có người nói: Có cái chết của đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều là hư dối. Có người nói: Không có cái chết của đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều là hư dối. Hoặc có người nói: Vừa có cái chết đời khác như vậy và không có cái chết đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều hư dối. Lại có người nói: Chẳng phải có chẳng phải không cái chết đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều hư dối.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào có những lý luận như vầy, những kiến giải như vầy: Thế gian là thường, đây là lời nói chắc thật ngoài ra đều hư dối, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về thân, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Ngã và thế gian là thường. Những ai chủ trương là vô thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian cho nên nói rằng: Ngã và thế gian là vô thường. Những ai chủ trương là vừa thường vừa vô thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Thế gian vừa thường vừa vô thường. Những ai chủ trương rằng chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, có kiến chấp về mạng, có kiến chấp về thân, có kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Ngã và thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường.

“Những ai chủ trương thế gian là hữu biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng là hữu biên; thân là hữu biên; thế gian là hữu biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, thì những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập vào thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã là có biên. Những người chủ trương ngã và thế gian là vô biên, những người này hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng là vô biên, thân là vô biên, thế gian là vô biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã và thế gian là vô biên. Những ai chủ trương thế gian này vừa hữu biên vừa vô biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng vừa hữu biên vừa vô biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã vừa hữu biên vừa vô biên. Những ai chủ trương ngã và thế gian là không phải hữu biên không phải vô biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng và thân chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã chẳng phải hữu biên chẳng phải là vô biên.

“Những người chủ trương mạng tức là thân, thì đối với thân này có kiến chấp về mạng; đối với thân khác, có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Mạng tức là thân. Những người chủ trương mạng khác với thân, thì đối với thân này có kiến chấp về mạng, đối với thân khác không có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Mạng khác với thân. Những ai chủ trương mạng chẳng phải có, chẳng phải không, thì đối với thân này không có kiến chấp về mạng, đối với thân khác lại có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Chẳng phải có, chẳng phải không. Những ai chủ trương không có thân, mạng, thì đối với thân này họ không có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Không có mạng, không có thân.

“Có người bảo: Có cái chết của đời khác như vậy, vì thấy hiện tại có thân mạng và đời sau cũng có thân mạng du hành, cho nên họ bảo rằng: Có cái chết đời khác như vậy. Có người bảo: Không có cái chết của đời khác như vậy, vì người này bảo đời hiện tại có mạng, nhưng đời sau không có mạng, cho nên nói rằng: Không có cái chết của đời khác như vậy. Có người bảo: Vừa có cái chết của đời khác như vậy, vừa không có cái chết của đời khác như vậy, vì người ấy bảo đời hiện tại mạng bị đoạn diệt, đời sau mạng du hành, cho nên nói rằng: Vừa có mạng của đời khác như vậy, không có mạng của đời khác như vậy. Có người bảo: Chẳng phải có, chẳng phải không cái chết của đời khác như vậy, vì người ấy bảo thân, mạng hiện tại bị đoạn diệt; thân, mạng đời sau bị đoạn diệt, cho nên bảo rằng: Chẳng phải có, chẳng phải không cái chết của đời khác như vậy.”

Bấy giờ, Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Lâu xa về thời quá khứ có vị vua tên là Kính Diện. Một hôm nhà vua tập họp những người mù lại một chỗ và hỏi: Này những người mù từ khi mới sinh, các ngươi có biết con voi không? Họ đáp: Tâu đại vương, chúng tôi không biết! Nhà vua lại hỏi: Các ngươi có muốn biết hình loại con voi ra sao không? Họ đáp: Muốn biết. Bấy giờ nhà vua ra lệnh cho người hầu dắt con voi đến và bảo những người mù này dùng tay của mình sờ thử. Trong đó có người sờ trúng vòi voi, thì vua nói rằng đấy là con voi; có người sờ trúng ngà voi, có người sờ trúng tai voi, có người sờ trúng đầu voi, có người sờ trúng lưng voi, có người sờ trúng bụng voi, có người sờ trúng bắp đùi voi, có người sờ trúng chân voi, có người sờ trúng bàn chân voi, có người sờ trúng đuôi voi, thì vua cứ theo chỗ sờ được của họ mà bảo: Đó là con voi.

“Rồi vua Kính Diện liền ra lệnh dắt voi lui và hỏi những người mù: Voi giống như cái gì? Trong những người mù này, người sờ trúng vòi thì bảo voi giống như cái càng xe bị cong; người sờ trúng ngà thì bảo voi giống như cái chày; người sờ trúng tai thì bảo voi giống như cái nia; người sờ trúng đầu thì bảo voi giống như cái vạc; người sờ trúng lưng thì bảo voi giống như gò đất; người sờ trúng bụng thì bảo voi giống như bức tường; người sờ trúng bắp đùi thì bảo voi giống như gốc cây; người sờ trúng cái chân thì bảo voi giống như trụ cột; người sờ trúng bàn chân thì bảo voi giống như cái cối; người sờ trúng đuôi thì bảo voi giống như cây chổi. Họ tranh cãi nhau về việc đúng sai, người này bảo như vậy, người kia bảo không phải như vậy, vân vân và vân vân không dứt, đưa đến việc đấu tranh nhau. Lúc ấy nhà vua thấy vậy, hoan hỷ cười to. Rồi thì, vua Kính Diện nói bài tụng:

Những người mù tụ tập,
Tranh cãi tại nơi này,
Thân voi vốn một thể,
Tưởng khác sinh thị phi”.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Các dị học ngoại đạo lại cũng như vậy; không biết Khổ đế, không biết Tập đế, Tận đế và Đạo đế, sinh ra những kiến giải khác nhau, tranh chấp thị phi với nhau, họ tự cho mình là đúng, nên đưa đến mọi việc tranh tụng. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể biết như thật về Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ xuất yếu thánh đế, những vị ấỵ sẽ tự tư duy và khéo cùng nhau hòa hợp, cùng một lãnh thọ, cùng một Thầy học, như nước với sữa, thì pháp Phật mới rực rỡ, sống an lạc lâu dài.”

Bấy giờ Ðức Thế Tôn nói bài kệ:

Nếu người không biết khổ,
Không biết chỗ khổ sinh;
Lại cũng không biết khổ,
Sẽ diệt tận ở đâu;
Lại cũng không thể biết,
Con đường diệt khổ tập;
Thì mất tâm giải thoát,
Tuệ giải thoát cũng mất;
Không thể biết gốc khổ,
Nguồn sanh, già, bệnh, chết.
Nếu biết thật về khổ,
Biết nhân sinh ra khổ;
Cũng biết rõ khổ kia,
Sẽ diệt tận nơi nào;
Lại hay khéo phân biệt,
Con đường diệt khổ tập;
Thì được tâm giải thoát,
Tuệ giải thoát cũng vậy.
Người này chấm dứt được,
Cội gốc của khổ ấm;
Hết sanh, già, bệnh, chết,
Nguồn gốc của thọ, hữu.”

Này các Tỳ-kheo, cho nên các Thầy nên siêng cầu phương tiện tư duy về Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ xuất yếu thánh đế.

-ooOoo-

trang trước

đầu trang

trang kế


[Thư mục BuddhaSasana]

last upated: 07-02-2004