Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

Trung A H m Kinh
Mục Lục Tổng Quát
01. PHẨM BẢY PHÁP
02. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
03. PHẨM XÁ-LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
04. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
05. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
08. PHẨM UẾ
09. PHẨM NHÂN
10. PHẨM LÂM
11. PHẨM ĐẠI (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần sau) 
13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT
14. PHẨM TÂM
15. PHẨM SONG
16. PHẨM ĐẠI (Phần sau)
17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
202. Kinh Trì Trai
203. Kinh Bô-Lị-Ða
204. Kinh La-Ma
205. Kinh Ngũ Hạ Phần Kết
206. Kinh Tâm Uế
207. Kinh Tiễn Mao (I)
208. Kinh Tiễn Mao (II)
209. Kinh Bệ-Ma-Na-Tu
210. Kinh Tỳ-Kheo-Ni Pháp Lạc
211. Kinh Đại Câu-Hy-La
18. PHẨM LỆ

 

Source: LotusMedia lotusmedia.net
 
中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI

209. KINH BỆ-MA-NA-TU[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Dị học Bệ-ma-na-tu, [02]  sau giờ ngọ, thung dung đến chỗ Phật, chào hỏi xong, hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, sắc này hơn, sắc này hơn. Này Cù-đàm, sắc này hơn.” [03]

Thế Tôn hỏi:

“Này Ca-chiên, [04] đó là những sắc nào?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, nếu sắc nào không có sắc khác tối thượng, tối diệu, tối thắng hơn, Cù-đàm, sắc đó là tối thượng, sắc đó là tối thắng.”

Thế Tôn bảo:

“Ca-chiên, cũng như có người nói như vầy, ‘Nếu trong nước có người con gái rất đẹp, ta muốn được người con gái đó’. Nếu có người hỏi người đó như vầy, ‘Ông biết trong nước có người con gái rất đẹp, nhưng có biết tên gì, họ gì, sanh sống như thế nào? Là cao hay thấp, thô hay tế, trắng hay đen, hoặc không trắng không đen, là con gái Sát-đế-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam phương Bắc?’ Người đó đáp, ‘Tôi không biết’. Người kia lại hỏi, ‘Ông không biết, không thấy trong nước có người con gái rất đẹp, tên họ như vậy, sanh sống như vậy, dài, ngắn, thô, tế, trắng, đen, không trắng không đen, con gái Sát-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc, mà lại nói như vầy, ‘Ta muốn được người con gái đó được ư’?’

“Cũng vậy, Ca-chiên, ông nói như vầy, ‘Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng’. Nhưng khi hỏi sắc đó thì ông lại không biết.”

Dị học Bệ-ma-na-tu thưa:

“Bạch Cù-đàm, cũng như tinh vàng tử ma là thứ cực diệu, người thợ vàng khéo mài dũa, sửa sang khiến cho trong suốt, nhờ dùng tấm lụa trắng đem giữa nắng, sắc của nó cực diệu, ánh sáng chiếu sáng lấp lánh. Cũng vậy, bạch Cù-đàm, tôi nói ‘Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng’.

Thế Tôn bảo:

“Ca-chiên, nay Ta hỏi ông, tùy theo chỗ hiểu biết mà đáp. Ý ông nghĩ sao? Vàng ròng tử ma nhờ dùng lụa trắng, để giữa nắng mà sắc của nó cực diệu chiếu sáng lấp lánh, và ánh sáng con đom đóm trong đêm tối chiếu sáng lấp lánh, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượïng, tối thắng?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng con đom đóm đối với ánh sáng của vàng ròng tử ma thì ánh sáng đom đóm tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng đèn dầu trong đêm tối và ánh lửa đống cây lớn trong đêm tối, trong hai ánh sáng ấy, cái nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng lửa đống cây lớn trong đêm tối đối với ánh sáng đèn dầu thì ánh sáng lửa đống cây lớn sáng hơn.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ thế nào? Ánh sáng chiếu của lửa đống cây lớn trong đêm tối và ánh sáng chiếu của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám, ánh sáng nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của sao Thái bạch đối với ánh sáng lửa đống cây lớn, thì ánh sáng sao Thái bạch sáng hơn.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám và ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng nửa đêm trời không u ám, trong hai ánh sáng ấy, cái nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trăng đối với ánh sáng của sao Thái bạch thì ánh sáng của mặt trăng sáng hơn.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng vào nửa đêm trời không u ám và ánh sáng chiếu tỏa mặt trời vào mùa thu đứng ngay giữa bầu trời trong suốt không u ám, trong hai ánh sáng đó cái nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trời, so với ánh sáng của mặt trăng thì ánh sáng mặt trời sáng hơn.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ca-chiên, có rất nhiều chư Thiên, nay ánh sáng của mặt trời và ánh sáng của mặt trăng này tuy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ánh sáng đó cũng không bằng ánh sáng của chư Thiên. Ta ngày xưa đã từng cùng chư Thiên tụ tập luận sự. Những điều Ta nói đều vừa ý chư Thiên ấy, nhưng Ta không nói, ‘Sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng.” Này Ca-chiên, còn ông, với lửa đóm, lửa sâu, sắc rất tệ xấu mà nói ‘Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng’. Và khi được hỏi lại nói không biết.”

Ngay lúc đó dị học Bệ-ma-na-tu bị Thế Tôn quở trách trước mặt trong lòng buồn bã, cúi đầu im lặng, không còn lời nào biện bạch.

Sau khi Thế Tôn quở trách, muốn khiến ông ta hoan hỷ nên bảo:

“Này Ca-chiên, có năm công đức của dục [05] khả hỷ, khả ái, khả niệm, khả ái, có lạc tương ưng với dục.  [06]  ,Mắt nhận biết sắc, tai biết tiếng, mũi biết hương vị, lưỡi biết mùi, và thân biết cảm xúc. Này Ca-chiên, sắc hoặc có ái, hoặc không ái. Nếu có một người đối với sắc này mà khả ý, xứng ý, thích ý, thỏa ý, mãn nguyện ý, người ấy đối với sắc khác dù tối thượng, tối thắng vẫn không ham muốn, không tư duy, không nguyện cầu. Người đó cho sắc này là tối thắng tối thượng. Này Ca-chiên, thanh, hương, vị, xúc cũng lại như vậy. Này Ca-chiên, xúc hoặc có ái, hoặc không ái. Nếu có một người đối với xúc này mà khả ý, xứng ý, thích ý, thỏa ý, mãn nguyện ý, người đó đối với những xúc khác, dù tối thượng, tối thắng vẫn không ham muốn, không tư duy, không nguyện, không cần. Người đó cho xúc này là tối thượng, tối thắng vậy.

Bấy giờ Dị học Bệ-ma-na-tu chấp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm! Thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay. Sa-môn Cù-đàm vì tôi mà dùng vô lượng phương tiện nói, ‘Dục lạc, dục lạc đệ nhất’.[07]  Bạch Cù-đàm, cũng như do lửa cỏ mà đốt lửa cây, do lửa cây mà đốt lửa cỏ. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm vì tôi mà dùng vô lượng phương tiện, nói: ‘Dục lạc, dục lạc đệ nhất’.

Thế Tôn bảo:

“Thôi! Thôi! Này Ca-chiên, ông là người vì luôn luôn có sở kiến dị biệt, nhẫn thọ dị biệt, sở thích dị biệt, ý dục dị biệt, ý hướng dị biệt [08], cho nên không thấu triệt ý nghĩa những điều Ta nói.

“Này Ca-chiên, đệ tử Ta đầu hôm và cuối đêm thường không nằm ngủ, mà chánh định, chánh ý, tu tập đạo phẩm, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Những người ấy mới thấu triệt những điều Ta nói.”

Ngay lúc đó dị học Bệ-ma-na-tu nổi giận đối với Phật, nổi ghen ghét, không vừa ý, muốn vu báng Thế Tôn, muốn hạ nhục Thế Tôn, và ông vu báng Thế Tôn như vầy, hạ nhục Thế Tôn như vầy:

“Cù-đàm, có Sa-môn, Phạm chí, không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, ‘Vì sao Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’?”

Lúc đó Thế Tôn liền nghĩ rằng:

“Dị học Bệ-ma-na-tu nổi giận đối với Ta, nổi ghen ghét, không vừa ý, muốn vu báng Ta, muốn hạ nhục Ta, và vu báng Ta như vậy, hạ nhục Ta như vậy mà nói với Ta như vầy, ‘Cù-đàm, có Sa-môn, Phạm chí, không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, ‘Vì sao Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’?’.”

“Thế Tôn biết rồi bảo rằng:

“Này Ca-chiên, nếu có Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’; thì người đó phải nói như vầy, ‘Hãy gác qua biên tế đời trước, hãy gác qua biên tế đời sau’. Nhưng này Ca-chiên, Ta cũng nói như vầy, ‘Hãy gác qua biên tế đời trước, hãy gác qua biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử Tỳ-kheo của Ta đến, không nịnh hót, không lừa gạt, mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.

“Này Ca-chiên, cũng như một đứa trẻ nhỏ thân còn yếu, nằm ngửa. Cha mẹ nó buộc tay chân nó lại. Đứa bé đó sau lớn lên, các căn thành tựu, cha mẹ lại cởi trói tay chân cho nó ra. Nó chỉ nhớ khi được cởi trói, chớ không nhớ khi bị trói.

“Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, ‘Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử Tỳ-kheo Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối, mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.

“Này Ca-chiên, cũng như do dầu, do tim, mà đốt đèn, không có người thêm dầu, không có người đổi tim, dầu trước đã hết, sau lại không rót thêm thì không thể còn mà chóng tự tắt vậy.

“Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, ‘Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử của Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.

“Này Ca-chiên, cũng như có mười đống cây, hoặc hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi hay sáu mươi đống cây, dùng lửa mà đốt, tất cả đều bùng cháy, bèn thấy ngọn lửa. Đống lửa ấy nếu không có người thêm cỏ cây hoặc đổ thêm vỏ trấu vào củi trước đã hết, sau không thêm nữa, thì không thể còn mà chóng tự tắt vậy.

“Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, ‘Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử của Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.”

Khi thuyết pháp này Dị học Bệ-ma-na-tu xa lìa trần cấu, pháp nhãn của các pháp phát sanh. Lúc đó, Dị học Bệ-ma-na-tu thấy pháp, chứng pháp, giác ngộ bạch tịnh pháp, không còn thấy ai hơn, lại không do kẻ khác mà độ nghi, đoạn hoặc, không còn do dự, đã an trú quả chứng đối với pháp của Thế Tôn, chứng được vô sở úy, cúi đầu sát chân Phật mà thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con xin được theo Phật xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo, thực hành phạm hạnh.”

Thế Tôn dạy:

“Thiện lai Tỳ-kheo, hãy hành phạm hạnh! Dị học được theo Phật xuất gia học đạo, thọ cụ túc giới, được làm Tỳ-kheo, thực hành phạm hạnh. Tôn giả Bệ-ma-na-tu xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc rồi, biết pháp, thấy pháp, cho đến chứng được quả vị A-la-hán.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Bệ-ma-na-tu và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.80. Vekhannassa-suttaṃ. Biệt dịch No.90 Phật Thuyết Bệ-ma-túc kinh, Lưu Tống, Cầu-na-bạt-đà-la dịch.
[02] Bệ-ma-na-tu 鞞 摩 那 修. No.90 Bệ-ma-túc. Pāli: Vekhanassa paribbājaka, thầy của Sakuludāyi. Sau khi Sakuludāyi bị khuất phục bởi Phật (xem kinh 208 trên) ông thân hành đến tìm hiểu sự thật.
[03] Tối sắc; No.90: Hình sắc cực vô thượng diệu. Pāli: paramo vaṇṇo, ”màu sắc là trên hết”. Có lẽ chủ trương phân biệt sắc tộc. Xem cht.5, Kinh 208 trên.
[04] Ca-chiên 迦 旃. Pāli: Kaccana, họ của Vekhanassa.
[05] Ngũ dục công đức 五 欲 功 德. No.90: ngũ tánh dục. Pāli: Pañca-kāmagunā, năm phẩm chất hay yếu tố của dục vọng, chứ không phải phẩm chất của năm thứ dục vọng.
[06] No.90: Cận dâm, nhiễm trước. Pāli: Kāmūpasamhitā rajanivā.
[07] Dục lạc, dục lạc đệ nhất 欲 樂 欲 樂 第 一. Pāli: kāmehi kāmasukham; kāmasukhā kāmaggasukham tattha aggam akkhayāti, “do bởi các dục mà có lạc; từ lạc do dục ấy lạc dục tối thượng ấy được nói là tối thượng”.
[08] Dị kiến dị nhẫn dị lạc dị dục dị ý 異 見 異 忍 異 樂 異 欲 異 意. Pāli: aññadiṭṭhena aññakhantikena aññarucikena aññatrayogena aññatrācariyakena, quan điểm dị biệt, tin tưởng dị biệt, sở thích dị biệt, sở hành dị biệt, tông sư dị biệt.

-ooOoo-

trang trước

đầu trang

trang kế


[Thư mục BuddhaSasana]