Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

Trung A Hàm Kinh
Mục Lục
01. PHẨM BẢY PHÁP
02. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
03. PHẨM XÁ-LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
04. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
05. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
08. PHẨM UẾ
09. PHẨM NHÂN
10. PHẨM LÂM
11. PHẨM ĐẠI (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần sau) 
13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT
14. PHẨM TÂM
15. PHẨM SONG
16. PHẨM ĐẠI (Phần sau)
192. Kinh Ca-Lâu-Ô-Ðà-Di
193. Kinh Mâu-Lê-Phá-Quần-Na
194. Kinh Bạt-Ðá-Hòa-Lợi
195. Kinh A-Thấp-Bối
196. Kinh Châu-Na
197. Kinh Ưu-Bà-Ly
198. Kinh Điều Ngự Ðịa
199. Kinh Si Tuệ Ðịa
200. Kinh A-LÊ-TRA
201. Kinh Trà-Ðế
17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
18. PHẨM LỆ

 

Source: LotusMedia lotusmedia.net
 
中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

16. PHẨM ÐẠI
(Phần Sau)

200. KINH A-LÊ-TRA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tỳ-kheo A-lê-tra [02] vốn là một người Già-đà-bà-lê [03] sanh ác kiến như vầy, ‘Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại.[04]”

Các Tỳ-kheo nghe như vậy, đi đến chỗ Tỳ-kheo A-lê-tra hỏi:

“Này A-lê-tra, thật thầy có nói như vầy, ‘Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại chăng’?’.”

Khi ấy A-lê-tra đáp:

“Này chư Hiền, tôi thật sự hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại.’”

Các Tỳ-kheo khiển trách A-lê-tra rằng:

“Thầy chớ nói như vậy; chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn. Xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này A-lê-tra, dục có chướng ngại. Đức Thế Tôn đã dùng vô lượng phương tiện để nói dục có chướng ngại. Này A-lê-tra, thầy nên xả bỏ ác kiến ấy đi.”

Tỳ-kheo A-lê-tra bị các Tỳ-kheo khiển trách, nhưng vẫn cố chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói, ‘Đây là điều chân thật, ngoài ra là hư vọng.’ Và lặp lại ba lần như vậy.

Chúng Tỳ-kheo không thể khuyên Tỳ-kheo A-lê-tra xả bỏ ác kiến ấy liền đứng dậy ra về, và đến chỗ Phật cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi sang một bên bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo A-lê-tra sanh ác kiến như vầy: Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Hành dục không bị chướng ngại’. Bạch Thế Tôn, chúng con nghe vậy, liền đi đến chỗ Tỳ-kheo A-lê-tra hỏi rằng: ‘Này A-lê-tra, thầy có thật nói như vầy: Tôi hiểu Đức Thế Tôn thuyết pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại chăng’?’ Tỳ-kheo A-lê-tra trả lời chúng con rằng, ‘Này chư Hiền, thật sự tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy: Hành dục là không bị chướng ngại.’ Bạch Thế Tôn, chúng con khiển trách rằng, ‘Này A-lê-tra, chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn. Xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này A-lê-tra, dục có chướng ngại. Đức Thế Tôn đã dùng vô lượng phương tiện nói dục có chướng ngại. Này A-lê-tra, thầy nên xả bỏ ác kiến ấy đi.’ Chúng con khiển trách, nhưng Tỳ-kheo A-lê-tra vẫn cố chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói, ‘Đây là điều chân thật, ngoài ra là hư vọng.’ Và lặp lại ba lần như vậy. Bạch Thế Tôn, chúng con không thể khuyên Tỳ-kheo A-lê-tra xả bỏ ác kiến ấy, liền đứng dậy ra về.”

Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo một Tỳ-kheo:

“Hãy đến chỗ Tỳ-kheo A Lê Tra, nói như vầy, ‘Thế Tôn cho gọi thầy’.”

Lúc bấy giờ vị Tỳ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật nhiễu quanh ba vòng rồi đi. Khi đến chỗ Tỳ-kheo A-lê-tra liền nói:

“Đức Thế Tôn gọi thầy.”

Tỳ-kheo A-lê-tra liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống môït bên. Đức Thế Tôn nói:

“Này A-lê-tra, thật ngươi có nói như vầy, ‘Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại’ chăng?’.”

A-lê-tra đáp:

“Bạch Thế Tôn, thật sự con hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại’.”

Đức Thế Tôn khiển trách:

“Này A-lê-tra, bằng cách nào mà ngươi hiểu Ta thuyết pháp như vậy? Ngươi nghe từ miệng người nào nói Ta thuyết pháp như vậy? Này người ngu si kia, Ta không nói một chiều mà ngươi lại nói một chiều chăng? Khi nghe các Tỳ-kheo khiển trách, ngươi khi ấy phải đúng như pháp mà trả lời. Nay để Ta hỏi lại các Tỳ-kheo đã.”

Liền đó, Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

“Các ngươi cũng hiểu như vầy, rằng Ta nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại’ chăng?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Các thầy hiểu Ta nói pháp như thế nào?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Dục có chướng ngại, Thế Tôn nói dục có chướng ngại. Dục như bộ xương khô, Thế Tôn nói dục như bộ xương khô, dục như miếng thịt, Thế Tôn nói dục như miếng thịt. Dục như bó đuốc, Thế Tôn nói dục như cây đuốc trong tay. Dục như hầm lửa, Thế Tôn nói dục như hầm lửa. Dục như rắn độc, Thế Tôn nói dục như rắn độc. Dục như mộng, Thế Tôn nói dục như mộng. Dục như đồ vay mượn, Thế Tôn nói dục như đồ vay mượn. Dục như trái cây, Thế Tôn nói dục như trái cây [05]’ Chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vậy.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi hiểu Ta nói pháp như vậy. Vì sao? Vì Ta cũng nói như vầy, ‘Dục có chướng ngại, Ta nói dục có chướng ngại. Dục như bộ xương khô, Ta nói dục như bộ xương khô. Dục như miếng thịt, Ta nói dục như miếng thịt. Dục như bó đuốc, ta nói dục như cây đuốc trong tay. Dục như hầm lửa, Ta nói dục như hầm lửa. Dục như rắn độc, Ta nói dục như rắn độc. Dục như mộng, Ta nói dục như mộng. Dục như đồ vay mượn, Ta nói dục như đồ vay mượn. Dục như trái cây, Ta nói dục như trái cây.’”

Đức Thế Tôn lại khen:

“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi hiểu Ta nói pháp như vậy. Nhưng A-lê-tra ngu si này tiếp thọ và lãnh hội nghĩa và văn điên đảo. Kia nhân tiếp thọ và lãnh hội nghĩa và văn điên đảo cho nên xuyên tạc Ta, để tự gây thương hại cho mình. Có phạm, có tội. Đó là điều mà các phạm hạnh có trí không hoan hỷ, và là một đại tội [06] Này người ngu si kia, có biết chỗ ác bất thiện này chăng?”

Lúc ấy Tỳ-kheo A-lê-tra bị Đức Thế Tôn khiển trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không lời để biện bạch, suy nghĩ mông lung.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi khiển trách ngay mặt Tỳ-kheo A-lê-tra, rồi nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu pháp Ta nói mà ý nghĩa được hiểu biết đầy đủ, tường tận thì nên thọ trì đúng như vậy. Nếu pháp Ta nói mà ý nghĩa không được hiểu biết đầy đủ, tường tận thì phải hỏi lại Ta hay các vị Phạm hạnh có trí. Vì sao? Hoặc có người ngu si ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa. Chúng do tự mình hiểu biết điên đảo và ghi nhớ điên đảo mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa [07] Chúng vì tranh luận mà biết nghĩa này, chứ không vì giải thoát mà biết nghĩa này. Chúng biết pháp này vì mục đích ấy nên không đạt đến nghĩa này, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì chúng ghi nhớ và hiểu biết điên đảo về pháp.

“Cũng như có người muốn bắt được rắn, bèn đi tìm rắn. Khi đi tìm rắn, nó đi vào rừng hoang, thấy con rắn rất lớn, liền bước tới, dùng tay nắm lấy lưng rắn; con rắn ngóc đầu quay lại, hoặc mổ vào tay, chân, hoặc các chi thể khác. Nó làm công việc tìm bắt rắn, nhưng không đạt được mục đích, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì không biết rõ phương pháp bắt rắn. Cũng vậy, có thể có người ngu si ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa. Chúng do tự mình hiểu biết điên đảo và ghi nhớ điên đảo mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Chúng vì tranh luận mà biết nghĩa này, chứ không vì giải thoát mà biết nghĩa này. Chúng biết pháp này vì mục đích ấy nên không đạt đến nghĩa này, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì chúng ghi nhớ và hiểu biết điên đảo về pháp.

“Hoặc có một thiện gia nam tử ghi nhớ và hiểu biết về nghĩa và văn không điên đảo. Người ấy do tự mình ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo về nghĩa và văn mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Người ấy không vì tranh luận mà biết nghĩa này, nhưng vì giải thoát mà biết nghĩa này. Người ấy biết pháp này vì mục đích ấy nên đạt đến nghĩa này, không chuốc lấy cực khổ luống công, không tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo về pháp.

“Cũng như có người muốn bắt được rắn, bèn đi tìm rắn. Khi đi tìm rắn, người ấy tay cầm gậy sắt, đi trong rừng hoang, thấy một con rắn rất lớn, liền lấy gậy sắt đè lên đầu con rắn, rồi lấy tay nắm đầu nó. Con rắn kia tuy ngoặt đuôi lại, hoặc quấn tay chân, hoặc các chi thể khác, nhưng không thể mổ. Người kia làm như vậy để tìm bắt rắn và đạt được mục đích, không chuốc lấy cực khổ luống công, cũng không tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì người ấy khéo biết cách bắt rắn. Cũng vậy, hoặc có thiện gia nam tử ghi nhớ và hiểu biết về nghĩa và văn không điên đảo. Người ấy do tự mình ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo về nghĩa và văn mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Người ấy không vì tranh luận mà biết nghĩa này, nhưng vì giải thoát mà biết nghĩa này. Người ấy biết pháp này vì mục đích ấy nên đạt đến nghĩa này, không chuốc lấy cực khổ luống công, không tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo về pháp.

“Ta thường nói cho các ngươi nghe về thí dụ chiếc bè, là để cho các thầy biết xả bỏ, chứ không phải để chấp thủ.

“Ta thường nói cho các thầy nghe về thí dụ chiếc bè như thế nào, để các thầy biết xả bỏ chứ không phải để chấp thủ?

“Ví như, con nước từ núi đổ xuống, rất sâu, rất mênh mông, chảy xiết và cuốn trôi nhiều thứ. Ở khoảng giữa đó không có thuyền, bè, cũng không có cầu ngang. Một người đi đến, có việc ở bờ bên kia nên cần phải qua. Người ấy bèn nghĩ rằng, ‘Ở đây con nước từ trên núi chảy xuống, rất sâu, rất mênh mông, chảy xiết và cuốn trôi rất nhiều thứ. Ở khoảng giữa không có thuyền bè, cũng không có cầu ngang để có thể qua. Ta có công việc ở bờ bên kia cần phải qua phải dùng phương tiện gì để ta đến bờ bên kia được yên ổn?’ Rồi người ấy tự suy nghĩ, ‘Nay ở bên này, ta hãy góp nhặt cỏ, cây, cột lại làm bè [08] để bơi qua.’ Người ấy bèn ở bên bờ bên này, góp nhặt cỏ cây, cột lại làm bè rồi bơi qua. Đến bờ bên kia được yên ổn, rồi tự nghĩ rằng, ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích. Nhờ nó mà ta đã yên ổn bơi từ bờ bên kia đến bờ bên này. Nay ta hãy vác nó lên vai phải hoặc đội trên đầu mà đi.’ Người ấy bèn vác lên vai phải, hoặc trên đầu mà mang đi. Ý các ngươi nghĩ sao? Người ấy làm như vậy, có lợi ích gì đối với chiếc bè không?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn lại nói:

“Người ấy phải làm thế nào mới có thể có lợi ích đối với chiếc bè? Người ấy nghĩ như vầy, ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích, nhờ nó mà ta an ổn từ bờ bên kia đến bờ này. Nay ta có nên thả chiếc bè này trở lại trong nước, hoặc để nó trên bờ rồi bỏ đi chăng?’ Người ấy mang chiếc bè này thả lại trong nước, hoặc để nó bên bờ rồi bỏ đi. Ý các ngươi nghĩ sao? Người ấy làm như vậy, có thể có lợi ích đối với chiếc bè chăng?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, có.”

Thế Tôn lại nói:

“Cũng vậy, Ta thường nói cho các ngươi nghe về thí dụ chiếc bè là để cho các ngươi biết mà xả bỏ, chứ không phải để chấp thủ. Nếu các ngươi biết Ta thường nói thí dụ về chiếc bè, đối với pháp còn phải xả bỏ huống là phi pháp chăng?

“Lại nữa, có sáu kiến xứ [09] Những gì là sáu? Tỳ-kheo đối với những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội, hoặc ngoại, hoặc tinh, hoặc thô, hoặc diệu, hoặc bất diệu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả những sắc ấy không phải là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của sắc ấy, nó cũng không phải là tự ngã. Những gì thuộc thọ, tưởng, những gì thuộc về kiến này, đều thấy chúng không phải là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của chúng, ta sẽ không có, ta sẽ không hiện hữu, tất cả chúng đều không là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, và cũng không phải là thần ngã [10] Như vậy do tuệ, quán sát mà biết như thật về chúng.

“Những gì là thọ; những gì là tưởng [11]; những gì thuộc kiến này, đều không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, và cũng không phải là thần ngã. Như vậy do tuệ, quán sát mà biết như thật về chúng.

“Những gì thuộc về kiến này, thấy, nghe, nhận thức, biết [12], được thủ đắc, được quán sát, được tư niệm bởi ý, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này; tất cả chúng đều không là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của chúng, và cũng không phải là thần ngã. Như vậy, do tuệ quán sát mà biết như thật về chúng. Những gì thuộc kiến này, đây là thần ngã [13], đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau, là pháp thường trụ, không biến dịch, là pháp hằng hữu, không hủy hoại; tất cả chúng đều không phải là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của chúng, cũng không phải là thần ngã. Như vậy, do tuệ biết như thật về chúng.”

Bấy giờ có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải chắp tay hướng về Đức Phật bạch:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên trong mà có sợ hãi chăng [14]?”

Thế Tôn đáp:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên trong mà có sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, thấy như vầy, nói như vầy, ‘Kia trước đây hoặc giả không có; giả thiết có ta không được [15].’ Và do thấy như vậy, nói như vậy, người ấy ưu sầu, phiền muộn, khóc lóc, đấm ngực, phát cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là nhân bên trong mà có sợ hãi.”

Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên trongmà không có sợ hãi chăng?”

Đức Thế Tôn nói:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên trong mà không có sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, không thấy như vầy, không nói như vầy, ‘Kia trước đây hoặc giả không có; giả thiết có ta không được.’ Và do không thấy như vậy, không nói như vậy, người ấy không ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là nhân bên trong mà không có sợ hãi.”

Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên ngoài  [16] mà có sợ hãi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên ngoài có sự sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, thấy như vầy, nói như vầy, ‘Đây là thần ngã, đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau.’ Và do thấy như vậy, nói như vậy, mà hoặc giả gặp Như Lai hay đệ tử của Như Lai, thông minh trí tuệ nói năng khéo léo, thành tựu trí tuệ. Và bấy giờ Như Lai, hoặc đệ tử của Như Lai vì diệt trừ hết tất cả tự thân, cho nên nói pháp; vì xả ly tất cả lậu, tất cả ngã và sở tác của ngã; diệt kiết sử kiêu mạn, cho nên nói pháp. Người ấy được nghe Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai vì diệt tất cả tự thân cho nên nói pháp, vì xả ly tất cả lậu, tất cả ngã và sở tác của ngã, diệt kiết sử kiêu mạn, cho nên nói pháp; nó bèn ưu sầu, phiền muộn, khóc lóc, đấm ngực, phát si cuồng nói như vầy, ‘Ta sẽ đoạn hoại, không còn tái sanh nữa.’ Vì sao vậy? Này Tỳ-kheo, vì người ấy trong một thời gian dài, hằng sống với những điều không khả ái, không khả lạc, không xứng ý niệm ấy, cho nên nó ưu sầu, phiền muộn, khóc lóc, đấm ngực, phát si cuồng. Này Tỳ-kheo, như vậy là nhân bên ngoài mà có sợ hãi.”

Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên ngoài mà không có sợ hãi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là do bên ngoài mà không có sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, không thấy như vầy, không nói như vầy, ‘Đây là thần ngã, đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau.’ Và do không thấy như vậy, không nói như vậy, mà hoặc giả gặp Như Lai, hoặc đệ tử của Như Lai, thông minh trí tuệ, nói năng khéo léo, thành tựu trí tuệ; và bấy giờ Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai, vì diệt tất cả tự thân cho nên nói pháp; vì xả ly tất cả ngã và sở tác của ngã, diệt kiết sử kiêu mạn, cho nên nói pháp. Người ấy được nghe Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai, vì diệt tất cả tự thân cho nên nói pháp; vì xả ly tất cả lậu, tất cả ngã và sở tác của ngã, diệt kiết sử kiêu mạn, cho nên nói pháp. Người ấy không ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si mà nói như vầy, ‘Ta sẽ bị đoạn diệt, không còn tái sanh nữa.’ Vì sao vậy? Này Tỳ-kheo, vì người ấy trong một thời gian dài hằng sống với những điều khả ái, khả lạc, xứng ý niệm ấy, cho nên không ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là do bên ngoài mà không có sự sợ hãi.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo tán thán Đức Thế Tôn:

“Lành thay! Lành thay!”

Tán thán rồi, khéo léo ghi nhận và trì tụng, rồi im lặng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, ngươi chấp thủ những điều có thể được chấp thủ như vậy [17], mà sau khi chấp thủ lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si. Các ngươi thấy có cái có thể chấp thủ nào mà khi được chấp thủ ấy lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát si cuồng chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi y cứ vào cái sở y của kiến như vậy [18], mà kiến được y cứ ấy lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực. Các ngươi có thể y cứ vào tri kiến như vậy, mà tri kiến được y cứ ấy không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi chấp thủ thân như vậy, mà có thân nào là thường trụ không biến dịch, là pháp không hoại diệt chăng? Các ngươi có thấy sự chấp thủ nào về thân được chấp thủ như vậy mà là thường trụ, không biến dịch, là pháp không hoại diệt chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nói là do thần ngã mà có ta [19], không có thần ngã thì không có ta. Đó là thần ngã và sở hữu của thần ngã, đều không thể bắt được, không thể khái niệm được, và kiến xứ ràng buộc với kiết sử tùy miên ở trong tâm [20], cũng không thể bắt được, cũng không thể khái niệm được. Này Tỳ-kheo, như vậy há không phải là đầy đủ để nói về kiến và tương tục bởi kiến, như là Tỳ-kheo A-lê-tra, vốn là một người Già-đà-bà-lê chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn. Như vậy là đầy đủ để nói về kiến và tương tục bởi kiến, như Tỳ-kheo A-lê-tra, vốn là một người già-đà-bà-lê.”

“Lại nữa, có sáu kiến xứ. Những gì là sáu? Tỳ-kheo, đối với những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội, hoặc ngoại, hoặc tinh, hoặc thô, hoặc diệu, hoặc bất diệu, hoặc gần hoặc xa; tất cả sắc ấy đều không phải sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của sắc ấy, cũng không phải là thần ngã. Như vậy do tuệ mà quán sát biết như thật về sắc. Những gì thuộc về thọ, tưởng, thuộc về kiến này đều thấy chúng không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, ta sẽ không có, ta sẽ không hiện hữu, tất cả chúng đều không là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là tự ngã. Như vậy, do tuệ mà quán sát biết như thật về chúng. Những gì thuộc về kiến này, thấy, nghe, nhận thức, biết, được thủ đắc, được quán sát, được tư niệm bởi ý, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này; tất cả chúng đều không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là thần ngã. Như vậy do tuệ mà quán sát biết như thật về chúng. Những gì thuộc kiến này, ‘đây là tự ngã, đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau, là pháp thường trụ, không biến dịch, là pháp hằng hữu, không hủy hoại’; tất cả chúng đều không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là thần ngã. Như vậy, do tuệ quán sát mà biết như thật về chúng.

“Này Tỳ-kheo, những gì thuộc về sáu kiến xứ ấy mà thấy không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là thần ngã, và do không kiến chấp như vậy, nên không chấp thủ thế gian này. Do không chấp thủ thế gian này nên không có sợ hãi. Do không sợ hãi mà chứng đắc Niết-bàn, biết như thật rằng, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Đó gọi là Tỳ-kheo băng hào, vượt hào, phá đổ thành quách, không cửa, được gương Thánh trí tuệ.

“Thế nào là Tỳ-kheo băng hào [21]? Hào vô minh đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được bằng hào.

“Thế nào là Tỳ-kheo vượt hào [22]? Hào hữu ái đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa, như vậy là Tỳ-kheo đã vượt hào.

“Thế nào là Tỳ-kheo phá đổ thành quách [23] Sanh tử vô cùng đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo phá đổ thành quách.

“Thế nào là Tỳ-kheo không cửa [24]? Năm hạ phần kiết đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được không cửa.

“Thế nào là Tỳ-kheo được gương Thánh trí tuệ [25]? Ngã mạn đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được gương Thánh trí tuệ.

“Đó gọi là Tỳ-kheo băng hào, vượt hào, phá đổ thành quách, không cửa, được gương Thánh trí tuệ.

“Như Lai chánh giải thoát như vậy, dù Nhân-đà-la [26], dù Thiên Y-sa-na [27], dù Phạm thiên và quyến thuộc, không ai có thể tìm thấy thức sở y của Như Lai. Như Lai là Phạm, Như Lai là Mát lạnh, Như Lai là Không phiền nhiệt, Như Lai là Bất dị [28] Ta nói như vầy, Các Sa-môn Phạm chí xuyên tạc Ta bằng những lời hư vọng không chân thật rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm chủ trương hư vô [29] Quả thật có chúng sanh, nhưng lại chủ trương là đoạn, diệt, hoại [30]. Nhưng nếu trong đó không có, thì Ta đã không nói rằng, ‘Như Lai ấy trong đời hiện tại, được nói là không ưu phiền, nếu có ai mạ lỵ, đánh đập, sân hận, trách mắng Như Lai; trong trường hợp đó Như Lai không sân hận, không thù hận, trọn không có hại tâm.’ Nếu có ai đánh đập, mạ lỵ, sân hận, trách mắng Như Lai, ý Như Lai thế nào? Như Lai tự nghĩ như vầy, ‘Có hành vi tạo tác nào của Ta trong quá khứ để đưa đến sự kiện này.’ Đối với sự mạ lỵ, đánh đập, sân hận, trách mắng Như Lai, Như Lai nghĩ như vầy, ‘Nếu có ai cung kính cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự Như Lai; Như Lai không do đó mà vui thích, không do đó mà hoan hỷ, tâm không do đó mà hoan lạc.’ Nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng thừa sự Như Lai, thì ý Như Lai thế nào? Như Lai tự nghĩ, ‘Ta nay do những gì được biết, do những gì được đoạn trừ mà đưa đến sự kiện này?’ Nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự Như Lai, Như Lai nghĩ như vậy.”

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có ai mạ lỵ đánh đập, trách mắng các ngươi; hay nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự các ngươi; các ngươi nhân đó cũng chớ nên sân hận, thù hằn, chớ có tâm hại, cũng chớ vui thích, hoan hỷ, cũng đừng có tâm hoan lạc. Vì sao? Hãy nghĩ rằng, ”Chúng ta không có thần ngã, không có sở hữu của thần ngã. Ví như nay đây, ngoài cửa Thắng lâm này có cỏ khô, cây khô, có một người mang đi đốt, tùy ý mà dùng. Ý các ngươi nghĩ sao? Cây cỏ khô kia có nghĩ rằng, ‘Người ấy mang ta đi đốt, tùy ý mà dùng không’?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Cũng vậy, nếu có ai mạ lỵ, đánh đập, sân hận, trách mắng các ngươi hay nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự các ngươi; các ngươi nhân đó cũng chớ nên sân hận, thù hằn, chớ có hại tâm cũng chớ có vui thích, hoan hỷ, cũng đừng có tâm hoan lạc. Vì sao? Hãy nghĩ rằng, ‘Ta không có thần ngã, không có sở hữu của thần ngã.’

“Pháp của Ta giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền, cho trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền, cho đến trời người như vậy, nếu có ai với chánh trí giải thoát mà mạng chung, với người ấy không giả thuyết có luân chuyển vô cùng.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với năm hạ phần kiết tận diệt mà mạng chung sẽ sanh ở chỗ kia mà vào Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại thế gian này.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với ba kiết sử đã tận diệt, dâm nộ si đã mỏng, chứng đắc Nhất vãng lai, sau khi qua lại nhân gian thượng một lần nữa, sẽ chứng đắc khổ biên.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được quảng bá, không có trống khuyết, được lau bố, tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với ba kiết sử đã tận diệt, đắc Tu-đà-hoàn, không đọa vào pháp ác, quyết định sẽ đến chánh giác, chỉ cần bảy lần qua lại cõi trời cõi người, sau bảy lần qua lại sẽ chứng đắc khổ biên.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được quảng bá, không có trống khuyết, được lan bố, tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với tâm tín lạc nơi Ta mà mạng chung, chắc chắn sẽ mau vào thiện xứ [31]

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 54. Tương đương Pāli, M. 22. Alagadupama-suttaṃ.
[02] A-lê-tra 阿 梨 吒. Pāli: Ariṭṭha.
[03] Bổn già-đà-bà-lê 本 伽 陀 婆 利. Pāli: Gadhabādhi-pubba. Trước kia là người huấn luyện chim ưng.
[04] Chướng ngại 障 礙, hoặc nói chướng đạo pháp 障 道 法. Pāli: anatāriyakā dhammā. Trường hợp này được ghi trong Luật tạng. Xem Tứ Phần Luật 17 (Đơn đề 68 và 69. No.1428, Đại 22, tr.682 và tt).
[05] Xem thí dụ Kinh 203 sau.
[06] Ở đây được gọi là Tăng-già-bà-thi-sa, vì không chịu nghe Tăng can gián. Xem Tứ Phần Luật (sđd., nt).
[07] Xem Kinh 1 trên.
[08] Để bản, bệ phiệt 椑 筏, bè cỏ (?); Tống-Nguyên-Minh: bạc phiệt 簿 筏, bè liếp. Pāli: kulla, chiếc bè.
[09] Kiến xứ 見 處. Pāli: diṭṭhiṭṭhāna, cơ sở của kiến chấp.
[10] Hán: diệc phi thị thần 亦 非 是 神. Pāli: na m’eso attā, cái đó không phải là tự ngã của tôi.
[11] Bản Hán không kể hành.
[12] Hán: kiến văn thức tri 見 聞 識 知. Pāli: diṭṭhaṃ sutaṃ mutaṃ viññātaṃ, cái được thấy, được nghe, được cảm giác, được nhận thức.
[13] Hán: thử thị thần 此 是 神. Pāli: so attā, đây là tự ngã. Xem cht.10 trên.
[14] Pāli: siyā nu kho bhante asati bahiddhā asati paritassanā ti, có thể có cái gì không thật hữu ở bên ngoài mà khiến cho có sợ hãi?
[15] Văn Hán đoạn này hơi tối nghĩa. Tham khảo Pāi: ahu vata me, taṃ vata me natthi, chao ôi, nó (trước kia) đã là của tôi, (nay) thực sự không là của tôi.
[16] Pāli:...ajjha ṃ asati..., không có thật ở bên trong. Xem cht.14 trên.
[17] Thọ như thị sở khả thọ 受 如 是 所 可 受. Pāli: taṃ attavādupādānāṃ upādiyetha yaṃsa..., các ngươi có thể chấp thủ Ngã luận thủ nào (cố chấp quan điển hữu ngã) mà...
[18] Y như thị khiến sở khả 依 如 是 見 所 可 依. Pāli: taṃ bhikkhave diṭṭhinissayaṃ nissayetha yaṃsa..., các ngươi có thể y chỉ sở y của kiến...
[19] Nhân thần cố hữu ngã 因 神 敨 有 我. Bản Pāli không thấy đề cập.
[20] Tâm trung sở hữu kiến xứ kết trước chư sử diệc bất khả đắc 心 中 所 有 見 處 結 著 諸 使 亦 不 可 得.
[21] Độ tiệm 度 塹. Pāli: ukkhittapaligho, người đã dẹp các chướng ngại.
[22] Quá tiệm 過 塹. Pāli: abbūhesiko, người đã nhổ lên cột trụ.
[23] Phá quách 破 墎.Pāli: saṃkiṇṇaparikkho, người đã lấp hào.
[24] Vô môn 無 門. Pāli: niraggaḷo, người đã tháo chốt cửa.
[25] Thánh trí tuệ kính 聖 智 慧 鏡. Pāli: ariyo oannaddhajo pannabhāro visaṃyutto, vị Thánh đã hạ cờ, đã đặt gánh nặng xuống, đã thoát ly.
[26] Nhân-đà-la 因 陀 羅. Pāli: Inda, tức Thiên Đế Thích.
[27] Y-sa-na 伊 舍 那. Pāli: Īsānā.
[28] Như Lai thị Phạm, Như Lai thị lãnh, Như Lai bất phiền nhiệt, Như Lai bất dị 如 來 是 梵, 如 來 是 冷, 如 來 不 煩 熱, 如 來 不 異.
[29] Ngự vô sở thi thiết 御 無 所 施 切. Pāli: venayiko Samano Gotamo, Sa-môn Cù-đàm, người dẫn đến chỗ hư vô.
[30] Thi thiết đoạn diệt hoại. Pāli: ucchedaṃ vināsaṃ vibhavaṃ paññāpeti, chủ trương đoạn diệt, hoại diệt, phi hữu.
[31] Còn một câu chót trong bản Hán: như thượng hữu dư 如 上 有 餘. Không rõ ý.

-ooOoo-

trang trước

đầu trang

trang kế


[Thư mục BuddhaSasana]