Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

Trung A H m Kinh
Mục Lục Tổng Quát
01. PHẨM BẢY PHÁP
02. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
03. PHẨM XÁ-LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
04. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
05. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
08. PHẨM UẾ
09. PHẨM NHÂN
10. PHẨM LÂM
11. PHẨM ĐẠI (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần sau) 
13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT
14. PHẨM TÂM
172. Kinh Tâm
173. Kinh Phù-Di
174. Kinh Thọ Pháp (I)
175. Kinh Thọ Pháp (II)
176. Kinh Hành Thiền
177. Kinh Thuyết
178. Kinh Lạp Sư
179. Kinh Ngũ Chi Vật Chủ
180. Kinh Cù-Ðàm-Di
181. Kinh Đa Giới
15. PHẨM SONG
16. PHẨM ĐẠI (Phần sau)
17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
18. PHẨM LỆ

 

Source: LotusMedia lotusmedia.net
 
中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

14. PHẨM TÂM

176. KINH HÀNH THIỀN[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Trong thế gian quả thật có bốn loại hành thiền. Những gì là bốn? Hoặc có hành thiền xí thạnh mà gọi là suy thoái. Hoặc có hành thiền suy thoái mà gọi là xí thạnh. Hoặc có hành thiền suy thoái thì biết như thật là suy thoái. Hoặc có hành thiền xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Tại sao gọi là người hành thiền xí thạnh mà cho là suy thoái?

“Người hành thiền kia ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ và lạc phát sanh do ly dục, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Tâm người đó tu tập chánh tư duy, đang từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là sự tịch tịnh thù thắng. Người hành thiền đó lại nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền, giác và quán đã tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, có hỷ và lạc phát sanh do định, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó gọi là tịch tịnh thù thắng. Nhưng người hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền ly hỷ và dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí mà thân có cảm giác lạc, điều được Thánh nói là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ đệ Tam thiền hướng đến đệ Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng người hành thiền đó lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền định, khổ diệt, lạc diệt, hỷ và ưu vốn đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ đệ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu an trụ nơi Vô lượng không xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu an trụ Vô lượng thức xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả thức vô lượng xứ, nhập Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ Vô sở hữu xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô sở hữu xứ hướng đến phi tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng: “Tâm ta lìa bốn tướng mà hướng đến chỗ khác, nên mất vô xứ Vô sở hữu xứ, diệt mất định”. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô sở hữu xứ hướng đến phi tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Thế nào là hành thiền suy thoái mà cho là xí thạnh?

“Vị hành thiền ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Nhị thiền, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Sơ thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Nhị thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền với giác và quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Tam thiền. Nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Nhị thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Tam thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Vị hành thiền ly hỷ, ly dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm an trụ lạc, chứng đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Tứ thiền. Nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Tam thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Tứ thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền với lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô lượng không xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tứ thiền thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Tứ thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô lượng không xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô lượng không xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô lượng thức xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ ấy, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tư tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô lượng thức xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô sở hữu xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tư tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô sở hữu xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Thế nào là hành thiền suy thoái thì biết như thật là suy thoái?

“Vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, nhập Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, chứng Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ, nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô sở hữu xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa khỏi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ ấy, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô lượng thức xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa khỏi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô sở hữu xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô lượng không xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy bèn nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô lượng thức xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả các sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng sự ái lạc sắc, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô lượng không xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định.    Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng đệ Tam thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Tứ thiền; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, ly hỷ, ly dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi được Thánh xả, niệm, an trú lạc trụ, chứng đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng đệ Nhị thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Tam thiền; diệt định’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, giác và quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Sơ thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Nhị thiền; diệt định’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng sự ái lạc dục, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Sơ thiền, diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Thế nào là hành thiền mà xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh?

“Vị hành thiền ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Sơ thiền hướng đến đệ Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy giác quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị ấy bèn nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy ly hỷ, ly dục, xả, vô cầu, an trụ, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trụ lạc trụ, chứng đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không làm mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng, Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ ấy, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi bèn biết rõ tâm ấy mà không làm mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Thế gian quả thật có bốn loại hành thiền, vì vậy mà Ta giảng thuyết”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 46.

-ooOoo-

trang trước

đầu trang

trang kế


[Thư mục BuddhaSasana]