Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

Trung A H� m Kinh
Mục Lục Tổng Quát
01. PHẨM BẢY PHÁP
02. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
03. PHẨM XÁ-LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
04. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
05. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
08. PHẨM UẾ
09. PHẨM NHÂN
10. PHẨM LÂM
11. PHẨM ĐẠI (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần đầu)
142. Kinh Vũ Thế
143. Kinh Thương-Ca-La
144. Kinh Toán Số Mục-Kiền-Liên
145. Kinh Cù-Mặc Mục-Kiền-Liên
146. Kinh Tượng Tích Dụ
147. Kinh Văn Ðức
148. Kinh Hà Khổ
149. Kinh Hà Dục
150. Kinh Uất-Sấu-Ca-La
151. Kinh Phạm Chí A-Nhiếp-Hòa
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần sau) 
13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT
14. PHẨM TÂM
15. PHẨM SONG
16. PHẨM ĐẠI (Phần sau)
17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
18. PHẨM LỆ

 

Source: LotusMedia lotusmedia.net
 
中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

12. PHẨM PHẠM CHÍ
(Phần Ðầu)

147. KINH VĂN ĐỨC[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Phạm chí Sanh Văn[02], sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, Ngài nghe cho mới dám trình bày.”

Thế Tôn nói:

“Này Phạm chí, muốn hỏi gì xin cứ hỏi.”

Phạm chí Sanh Văn bèn hỏi:

“Đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, hoặc có người tại gia, hoặc có người xuất gia học đạo, nhưng vì mục đích gì mà bác văn, tụng tập?”

Thế Tôn đáp:

“Đệ tử của Ta, hoặc tại gia hay xuất gia học đạo mà bác văn, tụng tập là muốn tự điều phục, muốn tự tịch tịnh, tự tìm cầu cứu cánh tịch diệt. Này Phạm chí, đệ tử của Ta tại gia hay xuất gia học đạo vì mục đích này mà bác văn tụng tập.”

Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:

“Này Cù-đàm, bác văn tụng tập có sự sai biệt chăng? Bác văn tụng tập có công đức chăng?”

Thế Tôn nói:

“Này Phạm chí, bác văn tụng tập có sự sai biệt, bác văn tụng tập cũng có công đức.”

Phạm chí Sanh Văn hỏi:

“Cù-đàm, bác văn tụng tập có sự sai biệt gì? Có công đức gì?”

Thế Tôn nói:

“Này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử ban ngày làm các công nghiệp cốt để mưu cầu lợi ích, nhưng công nghiệp của họ thất bại, không thành. Khi những công nghiệp của họ thất bại không thành, họ không ưu sầu, phiền muộn, khóc than; không vật mình, áo não; cũng không phát cuồng. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử ban ngày làm các công nghiệp mà những công nghiệp ấy thất bại không thành; dù những công nghiệp ấy đã thất bại không thành, họ vẫn không ưu sầu phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não; cũng không phát si phát cuồng, này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử có những yêu thương mà bị đổi thay, tán thất, không còn sum họp, cách biệt chia lìa, nhưng vẫn không ưu sầu phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não, cũng không phát si phát cuồng. Này Phạm chí, nếu da văn Thánh đệ tử có những yêu thương mà bị đổi thay, tán thất, không còn sum họp, cách biệt, chia lìa, nhưng vẫn không ưu sầu, phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não, cũng không phát si phát cuồng, này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng những tài vật sở hữu này thảy đều vô thường, nên nghĩ đến sự xuất gia học đạo. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử biết rằng những tài vật sở hữu thảy đều vô thường nên nghĩ đến sự xuất gia học đạo, này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử sau khi biết rằng tài vật sở hữu thảy đều vô thường, bèn cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử sau khi biết rằng những sở hữu tài vật thảy đều vô thường, bèn cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình sống không gia đình học đạo, này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử có thể nhẫn nại đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, chí rận, gió nắng bức bách, tiếng dữ, gậy hèo cũng có thể nhẫn; thân thể gặp các thứ bệnh tật rất đau đớn đến gần như tuyệt mạng và những điều không khả lạc thảy đều có thể nhẫn nại. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử có thể kham nhẫn đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, chí rận, gió nắng bức bách, tiếng dữ, gậy hèo cũng có thể nhẫn; thân thể gặp các bệnh tật rất đau đớn đến gần như tuyệt mạng và những điều không khả lạc thảy đều có thể nhẫn nại, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại những điều không hoan lạc. Khi những điều không hoan lạc đã sanh, trong lòng không hề bị vướng bận. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại những điều không hoan lạc; những điều không hoan lạc đã sanh, trong tâm không hề bị vướng bận, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại sự sợ hãi. Khi sự sợ hãi phát sanh, trong tâm không hề bị vướng bận. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại sự sợ hãi, khi sự sợ hãi phát sanh, trong tâm không hề vướng bận, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử khi sanh khởi ba niệm ác bất thiện là: niệm dục, niệm nhuế và niệm hại, với ba niệm ác bất thiện này, trong tâm không hề bị dính trước. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử phát sanh ba niệm ác bất thiện, niệm dục, niệm nhuế và niệm hại, với ba niệm ác bất thiện này mà trong tâm không hề bị dính trước, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không đọa pháp ác, quyết định đi đến chánh giác, tối đa bảy lần tái sanh. Sau khi bảy lần qua lại nhân gian thiên thượng rồi đạt đến khổ biên. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không đọa pháp ác, quyết định đi đến chánh giác, tối đa bảy lần tái sanh; sau khi bảy lần qua lại nhân gian và thiên thượng rồi đạt đến khổ biên, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, dâm, nộ và si đã mỏng, chứng đắc Nhất lai, chỉ một lần qua lại thiên thượng và nhân gian rồi đạt đến khổ biên. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, dâm, và nộ si đã mỏng, chứng đắc Nhất lai, chỉ một lần qua lại thiên thượng và nhân gian rồi đạt đến khổ biên, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử năm hạ phần kết đã đoạn tận, sanh vào nơi kia mà Bát-niết-bàn, chứng đắc pháp bất thối, không trở lại thế gian này. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử năm hạ phần kết đã đoạn tận, sanh vào nơi kia mà Bát-niết-bàn, chứng đắc pháp bất thối, không trở lại thế gian này, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử có tịch tịnh giải thoát, ly sắc, chứng vô sắc, với định như thế mà[03] thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ quán mà vĩnh viễn đoạn trừ các lậu. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử có tịch tịnh giải thoát, ly sắc, chứng vô sắc, với định như thế mà thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ quán mà vĩnh viễn đoạn trừ các lậu, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử với các như ý túc là thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã đoạn tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử này với các như ý túc là thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã đoạn tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.”

Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, bác văn tụng tập có sự sai biệt này, có công đức này. Còn có sự sai biệt nào, còn có công đức nào tối thượng, tối diệu, tối thắng nữa chăng?”

Thế Tôn nói:

“Này Phạm chí, bác văn tụng tập này có sự sai biệt này và với công đức này không còn có sự sai biệt, không còn có công đức nào tối thượng, tối diệu, tối thắng nữa.”

Phạm chí Sanh Văn bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời quy y cho đến tận mạng.”

Phật thuyết như vậy. Phạm chí Sanh Văn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Không thấy các bản tương đương.
[02] Xem kinh số 146 trên.
[03] Như kỳ tượng định; với một thiền định thích hợp nào đó.

-ooOoo-

trang trước

đầu trang

trang kế


[Thư mục BuddhaSasana]