Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

Trung A H m Kinh
Mục Lục Tổng Quát
01. PHẨM BẢY PHÁP
02. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
11. Kinh Diệm Dụ
12. Kinh Hòa-Phá
13. Kinh Độ
14. Kinh La-Vân
15. Kinh Tư
16. Kinh Già-Lam
17. Kinh Già-Di-Ni
18. Kinh Sư Tử
19. Kinh Ni-Kiền
20. Kinh Ba-La-Lao
03. PHẨM XÁ-LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
04. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
05. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
08. PHẨM UẾ
09. PHẨM NHÂN
10. PHẨM LÂM
11. PHẨM ĐẠI (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần sau) 
13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT
14. PHẨM TÂM
15. PHẨM SONG
16. PHẨM ĐẠI (Phần sau)
17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
18. PHẨM LỆ

 

Source: LotusMedia lotusmedia.net
 
中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

2. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG

15. KINH TƯ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng.

“Nếu kẻ nào cố ý tạo nghiệp[02], Ta nói rằng kẻ ấy phải thọ lấy quả báo. Hoặc thọ ngay trong đời hiện tại, hoặc thọ vào đời sau. Nếu tạo nghiệp mà không cố ý, Ta nói rằng người ấy không nhất thiết phải thọ quả báo.

“Ở đây, thân cố ý tạo ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ khổ quả. Miệng có bốn nghiệp, ý có ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ báo, thọ khổ quả.

“Những gì là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, phải thọ khổ báo? Một là sát sanh, quá hung dữ, uống máu, cứ muốn sát hại, không thương xót chúng sanh, cho đến loài côn trùng. Hai là lấy của không được cho, đắm trước tài vật của kẻ khác, chiếm lấy với ý muốn trộm cắp. Ba là tà dâm; người kia chính mình xâm phạm tới người nữ có cha giữ gìn, hoặc có mẹ gìn giữ, hoặc được cả cha và mẹ giữ gìn, hoặc được chị em giữ gìn, hoặc được anh em gìn giữ, hoặc được cha mẹ vợ[03] gìn giữ, hoặc được người thân thuộc gìn giữ, hoặc được người cùng dòng họ gìn giữ; hoặc được bảo vệ bằng đe dọa hình phạt hay roi vọt[04], hoặc đã được thuê, hoặc đã được hứa hôn, cho đến chỉ mới nhận tràng hoa làm tin. Đó là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo.

“Những gì là bốn nghiệp do miệng cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo? Một là nói dối; người kia hoặc ở giữa đám đông, hoặc trong quyến thuộc, hoặc ở tại vương gia, nếu có ai kêu mà hỏi rằng: ‘Ngươi có biết thì nói’. Nhưng nó không biết mà nói là biết, biết nói là không biết; không thấy nói là thấy, thấy nói không thấy. Vì mình, vì người, hoặc vì của cải, biết rồi mà lại nói dối. Hai là nói hai lưỡi; muốn ly gián người khác nên nghe nơi người này đem nói với người kia vì muốn phá hoại người này. Nghe nơi người kia đem nói với này vì muốn phá hoại người kia. Những kẻ hợp nhau muốn tạo ly tán; những kẻ đã ly tán lại muốn cho xa rời để kết bè đảng, vui thích bè đảng, khen ngợi bè đảng. Ba là nói thô ác; người ấy nếu có nói năng gì thì lời lẽ thô tục, hung bạo, tiếng dữ trái tai, không ai mến nổi, làm cho người khác phải khổ não, khiến cho không được định tâm. Bốn là nói lời thêu dệt; người ấy nói không đúng lúc, nói không thành thật, nói lời không đúng nghĩa, nói lời không đúng pháp, nói không tịch tĩnh[05], lại còn khen ngợi sự không tịch tĩnh, trái ngược thời gian mà lại không khéo dạy dỗ, không khéo la mắng. Đó là bốn nghiệp do miệng cố ý tạo, bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo.

“Những gì ba nghiệp của ý cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo? Một, tham lam; thấy tài vật và các tư cụ sinh sống của người khác thường tham lam ước muốn sao cho được về của mình. Hai là sân nhuế; trong ý ôm ấp oán ghét, nghĩ rằng: chúng sanh kia đáng giết, đáng trói, đáng bắt, đáng loại bỏ, đáng đuổi đi, mong cho kẻ kia thọ khổ vô lượng. Ba là tà kiến; sở kiến điên đảo, thấy như vầy, nói như vầy: ‘Không có bố thí, không có trai phước, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này, đời sau; không có cha mẹ, trên đời không có bậc chân nhân đi đến chỗ chí thiện, khéo vượt qua, khéo hướng đến, ở đời này và đời sau mà tự chứng tri, tự giác ngộ, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú. Đó là ba nghiệp do ý cố tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ ấy khổ báo.

“Đa văn Thánh đệ tử xả bỏ nghiệp bất thiện của thân, tu thân thiện nghiệp, xả bỏ nghiệp bất thiện của miệng và ý, tu thiện nghiệp miệng và ý. Đa văn Thánh đệ tử đầy đủ giới đức tinh tấn như vậy, thành tựu tịnh nghiệp nơi thân, thành tựu tịnh nghiệp nơi miệng và ý, lìa sân nhuế, lìa não hại, từ bỏ ngủ nghỉ, không trạo cử và cống cao, đoạn nghi, vượt kiêu mạn, chánh niệm, chánh trí, không còn ngu si, tâm vị ấy đi đôi với từ, biến mãn một phương thành tựu và an trú. Cũng vậy, với hai, ba, bốn phương và tứ duy, thượng, hạ, biến mãn, tâm đi đôi với từ, không thù không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại vô biên vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Người kia suy nghĩ rằng: ‘Tâm ta xưa kia vốn nhỏ hẹp, không khéo tu. Tâm ta nay đây khéo tu, quảng đại vô lượng’. Đa văn Thánh đệ tử đối với tâm vô lường, khéo tu tập như vậy, nếu trước kia nhân có ác tri thức, vì đã phóng dật mà tạo nghiệp bất thiện, nay những thứ ấy không thể lôi kéo, không thể làm ô uế, không còn đi theo nữa. Giả sử có một trẻ thơ hoặc trai hay gái được sanh ra, liền có thể tu hành từ tâm giải thoát[06], về sau thân, miệng và ý có còn tạo những nghiệp bất thiện nữa chăng?”

Các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, không thể”.

“Vì sao vậy? Tự mình không làm nghiệp ác thì nghiệp ác ấy do đâu mà sanh? Do đó, người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ, thường phải siêng tu từ tâm giải thoát. Nếu người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ ấy, tu từ tâm giải thoát, thì không còn mang thân này đi đến đời sau mà chỉ theo tâm đi khỏi cõi này. Tỳ-kheo nên nghĩ như vầy: ‘Ta vốn vì buông lung mà tạo nghiệp bất thiện. Tất cả nghiệp ấy có thể thọ báo trong đời này, chớ không thể đi đến đời sau nữa’. Nếu có người thực hành từ tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa.

“Cũng vậy, tâm bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Người ấy suy nghĩ như vầy: ‘Tâm ta trước vốn nhỏ hẹp, không khéo tu tập. Tâm ta nay đây rộng lớn vô lượng, được khéo tu tập’. Đa văn Thánh đệ tử đối với tâm vô lượng, khéo tu tập như vậy, nếu trước kia nhân có ác tri thức, vì đã phóng dật mà tạo nghiệp bất thiện, nay những thứ ấy không thể lôi kéo, không thể làm ô uế, không còn đi theo nữa. Giả sử có một trẻ thơ hoặc trai hay gái được sanh ra, liền có thể tu hành xả tâm giải thoát, về sau thân, miệng và ý có còn tạo những nghiệp bất thiện nữa chăng?”

Các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, không thể”.

“Vì sao vậy? Tự mình không làm nghiệp ác thì nghiệp ác ấy do đâu mà sanh? Do đó, người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ, thường phải siêng tu xả tâm giải thoát. Nếu người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ ấy, tu xả tâm giải thoát, thì không còn mang thân này đi đến đời sau mà chỉ theo tâm đi khỏi cõi này. Tỳ-kheo nên nghĩ như vầy: ‘Ta vốn vì buông lung mà tạo nghiệp bất thiện. Tất cả nghiệp ấy có thể thọ báo trong đời này, chớ không thể đi đến đời sau nữa’. Nếu có người thực hành xả tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Không có Pāli tương đương, chỉ một ít điểm tương đồng, A.X 207 Cetanā, X. 208 Karaja-kāya.
[02] Hán: cố tác nghiệp 故 作 業. Pāli: sañcetanika kamma.
[03] Hán: phụ phụ mẫu 婦 父 母. Có lẽ muốn nói “cha mẹ của nàng dâu” tức cha mẹ chồng.
[04] Nghĩa là, được pháp luật bảo vệ.
[05] Hán: bất chỉ tức thuyết 不 止 息 說.
[06] Hán: từ tâm giải thoát  慈 心 解 脱. Pāli: mettaṃ cetovimuttiṃ, tâm giải thoát với từ.

-ooOoo-

trang trước

đầu trang

trang kế


[Thư mục BuddhaSasana]