BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Ngập Sâu Trong Ân Sủng
Cuộc đời ly kỳ và Giáo pháp của Nữ Thiền sư Dipa Ma
Thiện Nhựt phỏng dịch


Chương 13: Ngập sâu trong ân sủng

Lời giáo huấn của một vị đại sư có thể mang nhiều hình thức. Một trong những lối giáo hoá mạnh mẽ nhứt và nhiệm mầu nhứt chính là sự thân giáo, phát xuất từ bản thân hiện diện của vị thầy. Như nhiều người đã xác nhận, chính lối sống bình dị, trong sáng và từ hoà của Dipa Ma trên thế gian nầy đã cống hiến một sự khuyến khích có sức mạnh thúc bách ta dấn bước trên con đường đạo pháp.

Ngay cả khi bà đã lìa đời rồi, nhiều người đệ tử vẫn còn tiếp tục thể nghiệm được sự hiện diện của bà. Jack Kornfield có nói, vào những giờ phút khó khăn lớn lao hoặc hứng khởi sâu đậm của ông, lòng ông xúc động vô cùng trước sự tỉnh giác cảm thông về anh linh của bà. Theo vị thiền sư Munindra, nghiệp lành của các bực đã giác ngộ, như Ðức Phật hoặc Dipa Ma, luôn luôn có sẵn đó cho chúng ta thừa tiếp vào công cuộc tu tập, nếu chúng ta biết tìm đến.

Dipa Ma cũng đã hoá hiện đến với những người chưa hề quen biết bà và những bản tường trình vẫn tiếp tục nói về sự hiện diện của bà, hơn cả chục năm sau khi bà mất. Ðối với các đệ tử, được thấy bà trong giấc mộng hay trong tâm ảnh hoặc cảm nhận sự có mặt của bà như tăng thêm năng lực, thường xảy ra trước khi họ đi vào tình trạng định lực thật thâm sâu. Một vị dạy về thiền quán, thường thể nghiệm được sự hiện diện của bà, có nói rằng, "Bạn có thể gọi đó là ân sủng. Dầu đó là gì gì đi chăng nữa, mỗi khi nó xuất hiện, tôi rất cảm tạ mối ân sâu đó."

Dipa Ma đã đến với tôi trong nhiều lối. Một trong những thí dụ khá lý thú đã xảy ra khi tôi tham dự khoá an cư ở miền Tây Nam và đang soạn quyển sách nầy.

Trên tường trước bàn viết của tôi có treo một bức phóng ảnh màu, dài cở một tấc rưỡi ngang một tấc, in hình của Dipa Ma đang toạ thiền. Một hôm, sau khi treo lên một bức ảnh khác của Dipa Ma, mới và đẹp hơn, tôi quẳng tấm phóng ảnh cũ vào sọt rác. Bỗng tôi cảm thấy xốn xang hối hận: "Có lẽ mình chẳng nên quẳng tấm hình đi." Tôi mơ hồ nhớ lại lời răn trong Phật giáo chớ có quẳng các pháp khí đi, vì khiếm lễ như thế sẽ đem lại nghiệp quả xấu. Tôi tư lự một hồi: "Hành động vừa rồi có quay lại ám ảnh ta chăng?" Sau cùng tôi quyết định: "Vô lý! Ðó chỉ là một phóng ảnh. Nó đã nằm trong sọt rác, rồi sẽ được vứt xuống hố. Tôi đã treo thế vào đó một bức ảnh đẹp hơn. Tôi chẳng có khiếm lễ chút nào!" Thảo luận chấm dứt!

Vài tháng sau, vào một xế trưa hè nóng bức, tôi đang phụ giúp để triệt hạ một cái cổng sắp sụp đổ ở ngoài sân. Khi chúng tôi kéo cái ngạch đá rời khỏi bức tường, ở tận trong cùng phiá dưới của khung cửa, tôi nhìn thấy một cái ổ chuột lông đuôi xù (packrat). Mẹ chuột đã sưu tập được cả một cuộc triển lãm các đồ vật đầy màu sắc, nếu ta mà thưởng ngoạn đến, chắc cũng khá thích thú.

Khi tôi bước lại gần hơn, có một cái gì đập vào mắt tôi. Ở giữa ổ chuột, bên cạnh mấy cọng lá xương rồng, tờ giấy thiếc mỏng, vài miếng plastic đỏ, đôi viên phân chuột, và một cây viết bi mực xanh, có bức ảnh của Dipa Ma đang tham thiền còn nằm đó, hoàn toàn nguyên vẹn. Ðang mỉm cười nhìn tôi.

Ðúng như thật sự việc đã xảy ra, đó là bức ảnh mà tôi đã nhìn thấy mấy năm trước kia ở trên tường thư viện, khi tôi đến viếng Hội Thiền Minh sát (Insight Meditation Society) lần đầu tiên. Một sự khởi đầu và một hồi kết cuộc -- tất cả là một.

Bà vẫn còn đang dạy tôi.

Giữa sự khổ đau, vẫn còn hiện hữu của ánh sáng. - Khi tôi đang đau khổ hay khi tôi gặp những thân chủ cũng đang đau đớn thật nhiều, (...) thì Dipa Ma "hiện lên". "Hiện lên" chẳng phải theo nghĩa bà thật sự có mặt tại nơi đây, nhưng còn hơn nữa, với đức độ của sự bà hiện diện giữa nơi khốn khổ triền miên. Bà đã hiện lên trong tâm tư tôi trong những trường hợp như thế.

Khi điều nầy xảy ra, sự quân bình nội tâm của tôi trở nên tốt đẹp hơn, và có sự gia tăng trong niềm từ bi. Bà đã hiện nhiều lần trong khi tôi đang (...) làm việc với một người cũng đang đau đớn dữ dội. Bà nhắc nhở tôi biết rằng, "Trong những giờ phút đen tối nhứt của sự khốn khổ, vẫn còn có sự hiện hữu của ánh sáng". -- Roy Bonney

Sức mạnh thiền tập của tôi vẫn ở bên cạnh bạn. - Tôi cảm thấy thật sâu xa như tôi vẫn còn đang tiếp tục thọ nhận lời bà giảng dạy. Một thí dụ để chứng minh điều đó đã xảy ra sau khi bà vừa mới mất, đầu tháng Chín năm 1989.

Năm ấy, tôi theo khoá tập thiền ba tháng ở Hội Thiền Minh sát (IMS, Insight Meditation Socieyty), và phải chịu đựng một cuộc toạ thiền đặc biệt đau đớn về thể xác, và một lời phát nguyện khởi lên trong tâm tôi: " Tôi quyết ngồi cho qua cái đau nầy, tôi có đủ sức mạnh để nhìn thẳng vào nó." Khi cơn đau trở nên dữ dội quá, tôi bỗng cảm thấy như đang tràn ngập hình bóng của Dipa Ma. Tôi cảm nhận được sự hiện diện của bà và thấy bà cống hiến cho tôi: "Sức mạnh thiền tập của tôi hiện đang có mặt ở đây, với bạn đó." Và rồi đấy, một nguồn năng lực dồi dào dâng trào lên, rồi tôi đã đủ sức mạnh để vượt xuyên qua suốt cơn đau." -- Janne Stark

Khiêm nhẫn. - Vào khoảng thời gian gần lễ thọ giới tỳ kheo ni của tôi, mặc dầu đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày bà mất, tôi vẫn cảm thấy như bà đến nói với tôi, bảo rằng, công việc tu tập của tôi là phải học về hạnh khiêm nhẫn. Nhìn ngược lại những tháng năm tôi sống trong tu viện, tôi mới hiểu ra điều đó thật là đúng một cách rất sâu xa.

Chúng tôi trồng hai cây để tưởng niệm đến Dipa Ma. Một cây trồng trong vườn Cittaviveda của nữ tu viện Phật giáo tại Chithurst, Anh quốc. Hoà thượng và các vị tỳ kheo khác có đến dự. Chúng tôi tìm được gần tịnh xá tỳ kheo ni một nơi thích hợp để đào đất trồng xuống. Khi đào lỗ, chúng tôi bắt gặp được một mảnh sành nằm dưới đáy hố, lượm lên thấy có hàng chữ ghi lời cầu nguyện Ðức Chúa. Phải chăng đó là một dấu hiệu hùng hồn chứng tỏ sự siêu thoát của các tôn giáo?

Vài năm sau, việc tưởng niệm đến Dipa Ma lại được nới rộng thêm ra bằng dự án xây cất một cây cầu bắt ngang qua dòng nước chảy trong khuôn viên vườn các tỳ kheo ni. Tôi rất vui thích với ý kiến đó, vì hình ảnh vượt qua dòng sông khiến tâm tôi liên tưởng thật sâu xa đến bà.

Tuy nhiên, trong khi thảo luận chi tiết việc xây cầu, có một điều nào đó xảy ra đã làm cho tôi tức giận. Mặt tôi lúc ấy tái xanh lại và cơn giận thật là mãnh liệt. Sau đó, tôi tìm đến gần bên cây đã trồng độ trước, thấy cành lá trở nên uá xào.

Rồi cây ấy lại chết mất. Ðấy là một thông điệp thật rõ ràng gởi đến cho tôi về hậu quả của sự sân hận. Một vật để tưởng niệm Dipa Ma chẳng thể nào tạo nên được với tâm còn chưa rửa sạch hiềm hận. Về sau, cây cầu cũng được xây lên với tấm bảng đồng vinh danh Dipa Ma.

Chúng tôi cũng có trồng một cây sồi để tưởng niệm Dipa Ma, tại khu Phật động trong vườn cây ăn trái của Tu viện Phật giáo Amaravati ở Hertfordshire, Anh quốc. Cây nầy lớn rất nhanh, cành lá sum sê, tươi thắm.

Mỗi khi tôi cảm thấy lòng mình bực tức hay bị thách thức, tôi tìm đến ngồi dưới bóng cây đó và đọc chú, niệm kinh hướng về Dipa Ma. Ðôi khi tôi lại đặt một bệ thờ trên cành cây và bước đi thiền hành. Khi làm như thế, sau một lúc, tôi thấy toàn thân tôi thư giản hoà vào niềm an lạc từ bi và thông cảm của bà, và mặc dầu hoàn cảnh bên ngoài còn chưa được cải thiện, nhưng vấn đề khó khăn chẳng còn quá cấp bách nữa. -- Ajahn Thanasanti

Luôn luôn có mặt. - Bà như ánh ngọn nến của Chánh pháp luôn bùng cháy rạng rỡ trong tâm tôi. Bà luôn luôn hiện diện nơi tôi.

Khi bà còn sanh tiền và ngay cả bà đã khuất núi, sự có mặt của bà chẳng hề rời xa tôi. Lúc tôi tham thiền, món quà quí báu nhứt mà tôi tìm thấy chính là cảm nhận bà ngay trong nội tâm tôi. Tôi lắng nghe bà nói: "Bạn sẽ tìm thấy mọi lời giải đáp ngay từ bên trong bạn. Hãy tiếp tục lắng nghe." -- Michelle Levey

Sự hướng dẫn của bà chẳng hề phai nhạt. - Tôi đi cùng bà ra phi trường, khi bà rời Hội Thiền Minh sát (IMS, Insight Meditation Society) vào năm 1980. Tôi đã ở bên cạnh bà thời gian rất lâu, và tôi hiện đang cảm thấy một nỗi ưu phiền rất sâu đậm. Tôi khóc sướt mướt và tim tôi nặng trĩu. Nỗi đau đớn vô cùng sâu xa cũng tựa như lúc mẹ tôi mất đi khi tôi lên ba tuổi rưỡi. Dipa Ma quay lại nhìn thẳng vào mắt tôi và nói:

-- Ðừng quá lo lắng. Tôi sẽ luôn luôn ở cạnh bạn.

đặt hai bàn tay bà lên ngay trên tim tôi và ngay phút ấy, sự đau đớn, nỗi ưu phiền, mọi thứ đều tan rã hết, và tôi cảm như đang được ngập tràn ánh sáng. Kinh nghiệm nầy tôi giữ mãi cho riêng tôi trong nhiều năm, nhiều nhiều năm mà chưa chia xẻ cùng một ai, bởi vì nó thật sâu xa, thật khó mà diễn tả lại được với kẻ khác.

Tôi vẫn có thái độ ngờ vực trong một thời gian thật lâu về câu bà nói, "Tôi sẽ luôn luôn ở cạnh bạn", nhưng sự hiện diện của bà đã củng cố và lưu lại rất lâu với tôi. Kể từ khi tôi bắt đầu toạ thiền đến nay đã mười tám năm, sự hướng dẫn của Dipa Ma chẳng bao giờ phai mờ cả.

Các người khác cũng có thể cảm nhận những giây phút như thế nữa. Năm nay, tôi có đến dự một buổi lễ thanh tịnh hoá ở Lakota của sắc dân da đỏ Sioux miền Tây, tiểu bang Iowa, Hoa kỳ. Tôi rất kinh hoàng trước một nghi thức mà bà chủ lễ, một vị nữ trrưởng lão Sioux, thực hành theo truyền thống của tổ tiên bà để lại. Tôi cảm thấy có cái chết, cái tự ngã đã chết mất. Tôi chẳng biết là mình còn có thể theo dõi đến hết buổi lễ chăng. Tôi muốn rời khỏi cuộc lễ, bởi vì tôi thầm nghĩ quá căng thẳng cho tôi chịu đựng nổi đến hết. Nước mắt chảy ràn rụa, tôi gục đầu xuống đất, đôi má dính đầy cát, mắt nhắm kín lại và tưởng niệm đến Dipa Ma.

Ngay trong giây phút đó, tôi chìm ngập trong ánh sáng và cả nỗi lo sợ vụt biến mất. Một niềm an lạc sâu xa thấm nhuần vào thân tâm tôi, từ lúc tôi khởi lên trong tâm hình ảnh của Dipa Ma. Vào lúc ấy, vị nữ trưởng lão buổi lễ ỏ Lakota trân trân nhìn tôi và nói: "Chị đang ngập tràn ánh sáng."

Trực giác tôi bảo tôi rằng Dipa Ma chẳng hề hiện trở lại trong hình hài nầy. Bà hiện đang vui thích giảng pháp tại một cảnh giới nào đó. Ðôi khi, mắt tâm tôi lại thấy rõ hình ảnh thật linh hoạt của bà nơi đó. Có ánh sáng thật chói lọi. Sự hiện diện của bà được ta cảm thấy như đang tuôn tràn trong ánh sáng.

Bà vẫn còn tiếp tục hướng dẫn chúng ta trên cảnh giới của quả đất nầy mãi cho đến bao lâu mà chúng ta còn cần đến bà. Bà là một trong những vị thiên thần theo bảo hộ chúng ta. Bà luôn luôn trông chừng chúng ta. -- Sharon Kreider

Nếu tôi làm được, thì bạn cũng làm được. - Trong một khoá an cư ba tháng, tôi gặp phải thật nhiều khó khăn. Trọn ngày, tôi cứ lo tranh đấu, cứ nỗ lực tranh đấu rất lâu.

Tại một buổi thiền quán, tôi lại thấy tôi đang ước mơ, phải chi tôi gặp gỡ được Dipa Ma, và tự hỏi thầm, "Bây giờ còn có cách nào liên lạc được với bà chăng?"

Bỗng nhiên, tôi vụt cảm thấy được sự hiện diện của bà và bà đang tiếp xúc với tôi, nhiệt liệt khuyến khích tôi bằng những lời nói, "Nếu tôi làm được điều đó, bạn cũng có thể làm được chớ."

Sau kinh nghiệm đó, tôi đã đi sâu vào một trạng thái thâm định kéo dài suốt cả hai tuần lễ. -- Ẩn danh

Thương điều khó thương. - Tôi chưa hề được nghe nói đến Dipa Ma, cho đến khi môt người bạn thân kể cho tôi nghe bà là một vị thiền sư vĩ đại và làm cách nào để tìm biết thêm về bà.

Mấy hôm sau, tôi đang ngồi một mình trong phòng, đọc bản tường thuật về đời bà. Khi tôi đọc tới trang ba, tôi bắt đầu cảm thấy một sự an lạc khó tả. Mọi sợ hãi, âu lo đã hoàn toàn lìa khỏi nơi tôi và tôi cảm thấy một sự thanh thoát sâu rộng đối với chính mình và đối với tất cả sự việc trong đời mình -- một sự an lạc trọn vẹn và một sự cởi mở hoàn toàn. Từ trước đến giờ, tôi chưa từng thể nghiệm được như thế. Ngay trong lúc việc đó xảy ra, thì tôi lại có cảm giác như có một sự hiện diện thể chất nào đang đứng trước mặt và hơi chếch về bên tay mặt: cái cảm giác biết mơ hồ có ai đang đứng gần mình, kéo dài lâu chừng năm phút.

Trong hai ngày sau đó, tôi cảm thấy như mình trôi bỗng lơ lửng, và các việc trước kia gây cho tôi âu lo và ưu phiền bây giờ đã mất đi tầm quam trọng của chúng. Ðó, cũng như tôi đã bước xuyên qua một cánh của đi vào một cảnh giới khác lạ. Tôi thường được nghe các vị thầy của tôi nói về "trái tim rộng mở" nhưng tôi còn chưa hiểu thực sự đó là gì, mãi cho đến bây giờ. Tôi bắt đầu thấy rõ trái tim chỉ cởi mở ra khi chẳng còn sự lo sợ trong đó. Thật là một kinh nghiệm phi thường và nó đã làm cho tôi phải khêu cháy sáng lại ý nghĩa của sự nhiệm mầu.

Kể từ ngày hôm đó, một câu nói cứ vờn qua vờn lại mãi trong tâm trí tôi, và tôi nghĩ nó phát xuất từ cửa miệng của Dipa Ma: "Hãy thương những gì khó thương." -- Pamela Kirby

Người ấy là ai? - Khi tôi tham dự khoá an cư từ bi tại Hội Thiền Minh sát (Insight Meditetion Society), có một đêm Joseph Goldstein đã thuyết giảng một thời pháp tuyệt vời về tâm từ bi, trong đó ông đã kể lại những mẩu chuyện về vị thầy của ông là Dipa Ma. Sau thời pháp, tôi rời thiền đường và cảm thấy như bị một nguồn năng lực cực mạnh lôi tôi đi. Tưởng chừng như tấm thân tôi là một cái viên qui (com ba, compass) đang được di chuyển hướng về một vật nào đó. Rõ ràng đó là sức mạnh từ bên ngoài tới, chớ chẳng phải do từ bên trong tôi, hoặc do tình cảm của tôi thúc đẩy.

Sau phút do dự ban đầu, tôi quyết định đi khám phá ra năng lực đó -- nó từ đâu tới, nó sẽ đun đẩy đến đâu. Quanh quẩn tìm kiếm một hồi, tôi nhận thấy ra rằng tôi đang bị sức đó lôi kéo đi lên lầu và xuyên qua hành lang đi tới căn phòng số M101. Khi vừa cầm đến tay nắm ổ khoá ở cửa phòng, tôi biết ngay là bất cứ cái chi phía sau cánh cửa nầy, đó chính là nguồn gốc của năng lực ấy.

Khi bước vào trong phòng, tôi thấy sức lôi kéo trở nên mãnh liệt, chẳng thể kháng cự lại được. Thân tôi rúng động và tôi phải ngồi bệt xuống trong góc phòng. Thế rồi, theo hướng mà năng lực đã phát ra, tôi để ý đến một bức ảnh của một người mà tôi độ chừng là đàn ông, vận y phục trắng, đang ngồi toạ thiền. Rồi thì, tựa như cơn gió lốc quay cuồng, sức mạnh ấy quấn lấy tôi, đưa đến trước bức ảnh. Tôi bước tới và cầm lấy bức ảnh, và rõ ràng là sức lôi kéo thay đổi mỗi khi tôi đưa bức ảnh lại gần hay đẩy ra xa, hoặc lộn ngược trên dưới.

Tôi ngạc nhiên hỏi thầm, "Người nầy là ai vậy?" Rồi tôi lại nghĩ, "Chắc tôi sẽ bỏ rơi cả gia đình, cuốn gói đi theo vị thầy nầy. Thật là mãnh liệt quá chẳng thể lờ bỏ qua đi."

Sau đó, tôi ngồi lại trong phòng một thời gian và thiền quán với bức ảnh, thân tâm chìm đắm trong cảm giác mãnh liệt ấy. Kinh nghiệm nầy khiến khởi sanh trong tâm tôi ý niệm về tâm từ bi, an lạc và định tĩnh, kéo dài đến mấy ngày, và cho đến nay nó vẫn còn ảnh hưởng đến tôi ở một giai tầng thâm sâu hơn.

Sau nầy, tôi được một nhơn viên trong Hội cho biết, bức ảnh đó chẳng phải là hình của một người đàn ông, mà chính là của Dipa Ma. -- David Grant

Khởi niệm triệu thỉnh sự hiện diện của Dipa Ma. - Vài học viên của Dipa Ma đã cống hiến các ý kiến về cách triệu thỉnh sức hiện diện của Dipa Ma:

* Tôi cầu nguyện bà vào mọi thời. Dưới nhiều hình thức, bà là một phần của chính tôi. Sự hiện diện của bà chẳng bao giờ chẳng có đó. Một điều còn thiếu sót trong Thiền Minh sát (Vipassana) là toàn thể phương diện sùng mộ, nên tôi cố đem nó trở vào lại trong việc tu tập hằng ngày của tôi.

Tôi bắt đầu mỗi buổi sáng bằng việc khởi lên trong tâm niệm chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ sư, tất cả các bực đại giác. Tôi cảm được sự hiện diện của quí Ngài, cầu nguyện cùng quí Ngài, thỉnh cầu quí Ngài dìu dắt tôi và nêu gương sáng cho tôi. Rồi thì suốt trọn cả ngày, tôi rước các Ngài vào ngự trong tâm tôi. Dipa Ma là một trong các vị ấy. -- Jack Engler

* Người Tây Tạng đôi khi bảo rằng, năng lực đạo hạnh của Ngài Milerapa (một vị Tổ sư Phật giáo Tây Tạng) vẫn còn lưu lại nơi đây. Tôi cảm nghĩ rằng lòng sùng mộ đạo pháp của Dipa Ma, sự hăng say của bà, chí quyết tâm của bà, những gì bà đã khắc phục, những gì bà đã vượt qua khỏi -- tất cả đại hùng lực ấy vẫn còn sẵn sàng đấy để được thừa dụng. Bằng vào sự tưởng niệm đến bà, bằng vào sự quán chiếu đến bà, đại hùng lực ấy còn đó để được san sẻ cho ta. Chúng ta có thể hướng tâm ngưỡng vọng đến sự toàn giác của bà.

Mỗi khi các nỗi khó khăn chợt đến, tôi cố gắng tưởng tượng, "Dipa Ma, thầy ở đâu rồi?", hoặc cố ứng cảm, sâu vào nội tạng, cái ý chí sắt đá của bà vẫn còn đang thấm nhuần trong tâm tôi. Khi tôi tưởng niệm đến hình ảnh hoặc cảm quan của bà, tôi liền ngưng được tức khắc sự chìm đắm chới với của lòng tôi trong các vọng tưởng mà trí tôi đang khơi lên bằng các mẩu chuyện tâm sự của nó. Tôi nhớ lại được rằng có thể vượt qua khỏi các vọng tưởng đó. -- Kate Wheeler

* Trải bao năm qua, tôi đã gặp gỡ khá nhiều vị thầy dạy thiền. Thường thường ở đầu buổi toạ thiền, tâm tôi khởi dựng lên để quy y hình bóng một cây bồ đề có Ðức Phật cùng các vị thầy tổ. Bằng mắr tâm, tôi quán thấy từng vị một và cảm nhận được các đức tánh độc đáo đầy năng lực của mỗi vị. Thật là tuyệt diệu khi cảm thông được với các bực đó. Khi tôi quán thấy Dipa Ma, tôi cảm nhận được nơi bà sự hoà hợp giữa tánh không với tâm từ. Hình ảnh bà mang đến một niềm sâu kín phi thường nơi tâm tư. -- Joseph Goldstein

* Việc tập Thiền của tôi (tác giả Amy Schmidt) với Dipa Ma là đặt trọn tâm tôi dưới sư che chở săn sóc của bà.

Có một lần tôi được nghe trong cuốn băng ghi âm bài giảng pháp của bà cho một nhóm học viên ở nhà bà bên Ấn độ, lời nói dịu dàng đầy tình thương của bà, hướng về một học viên tới trễ, còn chưa tìm được chỗ ngồi trong căn phòng chật hẹp của bà, "Xin mời vào. Nếu hết chỗ rồi, thì cứ lại ngồi trên đùi tôi đây... Cháu đây, cũng như là con của tôi vậy." Mỗi khi tôi thấy buồn tủi, tôi tưởng tượng như nghe tiếng bà gọi tôi: "Lại đây con, lại ngồi trên đùi mẹ đây con!" Trong tâm tôi, tôi thấy tôi chạy ngay lại, gối đầu lên đùi bà, rồi bà dịu dàng, từ từ vuốt tóc tôi, trong khi tôi đang nức nở.

Xuyên qua sự quá vãng của Dipa Ma, cũng như của mỗi vị đại sư nào khác, chúng ta học hỏi làm cách nào để những lời di huấn của người trở thành gia tài cho chúng ta thọ hưởng. Bà là ngọn đuốc sáng trưng mà chúng ta hướng về, để có thể tự cứu lấy mình. Như Jack Kornfield có nói, "Ðiểm quan trọng chẳng phải là "rập khuôn" giống theo Dipa Ma hay một vị đại thiền sư hoặc vị thánh nào khác mà bạn đã được đọc qua. Ðiểm quan trọng còn hơn thế, thật khó nhiều hơn thế nữa: hãy sống với chơn ngã của bạn, và khám phá ra rằng tất cả những gì bạn đang đi tìm đó đã nằm sẵn, tại đây và hiện giờ, ngay trong tâm bạn."

* * *

Nơi mà các câu chuyện nầy chấm dứt, nguyện cầu câu chuyện của chính bạn bắt đầu tại đó, và nguyện cầu các lời chúc lành của Dipa Ma sẽ hướng dẫn bạn trên con đường về quê nhà:

Tất cả những gì tôi đã đạt được, sức mạnh, từ bi, tôi trao tặng bạn, để bạn có đủ lòng tin, để bạn được an lạc.

Ngưỡng vọng hồng ân của Ðức Phật, Chánh pháp và Tăng già,
Nguyện cầu tất cả đều an lành cho bạn,
Nguyện cầu bạn luôn luôn được an lạc,
Nguyện cầu bạn tránh khỏi mọi hiểm nguy,
V
à nguyện cầu bạn tiến bộ trong thiền quán.


Những người đã cộng tác

* Dipa Barua là con gái của Dipa Ma. Bà giúp việc trong Chánh Phủ Trung Ương ở Kolkata (Calcutta) và thường tham gia công tác trong các tổ chức xã hội và tôn giáo.

* Jyotishmoyee Barua là nội trợ ở Kolka và có năm con.

* Pritimoyee Barua là nội trợ ở Kolkata, và có hai con trai.

* Rishi Barua là cháu ngoại trai của Dipa Ma. Ông có bằng bằng Cử nhơn, trường cao đẳng St Xavier ở Kolkata và đang theo ban Cao học về Thương mại ở viện đại học Kolkata.

* Sudipti Barua được Dipa Ma hướng dẫn làm phụ giáo tại các khoá thiền ở Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya) và Kolkata. Bà có sáu con, nội trợ trong gia đình và chủ cửa tiệm bánh mì ở Kolkata.

* Roy Booney là nhiếp ảnh gia,(...) kiêm luật sư thuộc vùng Vịnh San Francisco. Ông gặp Dipa Ma vào năm 1974.

* Sylvia Boorstein là một trong các sáng lập viên của Thạch Linh Thiền viện (Spirit Rock Meditation Center) và là tác giả quyển sách Dễ Hơn Bạn Tưởng: Con Ðường Ði Ðến An Lạc của Phật Giáo (It"s Easier Than You Thinhk: The Buddhist Way to Happiness)và các quyển sách khác về sự thực tập đạo pháp.

* Daniel Boutemy tu tập theo phái Thiền thuộc Phật Giáo Nguyên thủy (Theravada) trong hai mươi bảy năm.(...) Ông tu theo với một số khá nhiều thiền sư ở Tây phương cũng như ở Ðông phương, cả về Thiền Minh sát (Vipassana) và Thiền na (Jhana).

* Robert Bussewitz, pháp danh Buzz Ananda, theo học tập Thiền Minh sát từ năm 1978 và dự nhiều cuộc hành hương viếng thăm các thánh tích ở Á châu, kể cả Tây tạng. Hiện cư trú ở Jamaica Plain, tiểu bang Massachusetts, Hoa kỳ.

* Sukomal Chowdhury, giám đốc hồi hưu và giáo sư tại trường Cao đẳng Phạn ngữ ở Kolkata, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức xã hội và tôn giáo. Giúp vào quyển sách nầy, ông đã dịch từ tiếng Bengali sang Anh- ngữ một tác phẩm nói về đời của Dipa Ma.

* Dipak Chowdhury là một nhân viên ngân hàng ở Kolkata, có hai con. Ông tham gia vào nhiều tổ chức xã hội và tôn giáo điạ phương, hoạt động hăng say trong công cuộc cứu giúp người nghèo.

* Howard Cohn tập luyện về thiền quán hơn hai mươi lăm năm. Ông là một nhơn viên giảng huấn đầu tiên của Thạch Linh Thiền viện (Spirit Rock Center), đã hướng dẫn nhiều khoá an cư khắp nơi trên thế giới, từ năm 1985. Giảng pháp của ông bao quát nhiều truyền thống từ Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), Zen, Dzogchen, và Advaita Vedanta.

* Matthew Daniell là một thiền giả về Thiền Minh sát đã lâu năm. Hiện ông dạy thiền quán Phật giáo và du gìa tại viện Ðại học Tufts.

* Jack Engler là một nhà tâm lý học giảng dạy và giám sát khoa tâm lý trị liệu tại Nha Phân tâm học của Bịnh viện Cambridge và của Trường Y khoa Harvard. Ông là nhân viên trong Chủ tịch đoàn của Trung Tâm Phật học Barre, ông từng theo học với thiền sư Munindra, Hoà thượng Mahasi và Thomas Merton. Hiện sống với vợ và con gái ở tiểu bang Massachusetts, Hoa kỳ.

* Lesley Fowler là một học giả nhiều năm về Thiền Minh sát và là tác giả nhiều tập thơ và sách giả tưởng. Bà sống ở Úc đại lợi.

* Andrew Getz đã tu tập thiền quán từ năm mười ba tuổi kể cả một thời gian xuất gia trong một tự viện ở Á châu. Ông quan tâm đặc biệt về việc giảng dạy Trí huệ Bát nhã cho các thanh thiếu niên "bụi đời" trong một tổ chức mà ông cộng tác để thành lập, Hội Chơn Trời Mới Cho Thanh Thiếu Niên (Youth Horizons).

* Joseph Goldstein là một trong các sáng lập viên và giảng viên của Hội Thiền Minh Sát (Insight Meditation Society). Ông thường giảng pháp về thiền Minh sát tại các khoá an cư khắp nơi từ năm 1974. Tác giả nhiều sách, như quyển Pháp Nhứt Thừa (One Dharma) và quyển Thể nghiệm về Thiền Minh sát (The Experience of Insight), ông cộng tác thành lập Tùng lâm Forest Refuge, một tịnh xá để ẩn cư tu tập dài hạn.

* David Grant là giáo sư Trung học ở Portland, tiểu bang Maine, Hoa kỳ, nơi Ông đang sống cùng vợ và con gái.

* Asha Greer là một nữ nghệ sĩ, y tá, giáo sĩ cao cấp của truyền thống Sufi (một phái mật tông khổ hạnh của Hồi giáo). Bà là một trong các sáng lập viên của Cơ Sở Lạt Ma (Lama Foundation) ở tiểu bang New Mexico, Hoa kỳ và của Phong trào Cứu tế ở Charlottesville, tiểu bang Virginia. Bà sống ở Batesville, tiểu bang Virginia, Hoa kỳ.

* Pamela Kirby là một nhà xuất bản độc lập ở tiểu bang South Carolina, Bà sống ở Woodacre, tiểu bang California, Hoa kỳ.

* Sayadaw (Hoà thượng) Khippapanno (Kim Triệu) là một tu sĩ Việt Nam đã thọ giới tỳ kheo từ hơn năm mươi hai năm. Hiện Ngài đang trụ trì tại Thích ca Thiền viện gần Los Angeles và Kỳ viên Thiền viện (Jetavana Vihara) ở thủ đô Washington. Ngài dạy Thiền Minh sát từ năm 1982.

* Eric Kolvig hướng dẫn các khoá an cư thiền tập và giảng pháp khắp nơi ở Hoa kỳ. Ông hiện sống ở tiểu bang New Mexico.

* Jack Kornfield có xuất gia làm tỳ kheo ở Á châu. Ông là sáng lập viên của Hội Thiền Minh sát (Insight Meditation Society) và của Thạch Linh Thiền Viện (Spirit Rock Meditation Center). Ông giảng dạy thiền quán khắp nơi từ năm 1974. Ông trước tác nhiều sách về Phật pháp, như quyển A Path with Heart (Ðạo với Tâm) và quyển After the Ecstasy, the Laundry (Sau cơn xuất thần, là sự giặt gỵa).

* Sharon Kreider, vợ và mẹ của hai người con, bắt đầu thực tập thiền Minh sát ở Ấn độ từ năm 1977. Trị liệu viên có cấp bằng hoạt động với lứa tuổi thanh thiếu niên và gia đình họ, bà còn giảng dạy về khoa tâm lý và cách điều quản áp lực (stress management) tại trường Cao đẳng Cộng đồng Front Range ở Fort Collins, tiểu bang Colorado.

* Carol Constantian Lazell bắt đầu thực tập thiền Minh sát ở Hội Thiền Minh sát từ năm 1978 và ở trong ban nhơn viên từ năm 1981 đến 1983. Mẹ của một bé gái mười một tuổi, bà sống ở San Francisco và làm việc trong thư viện một trường tiểu học.

* Michelle và Joel Levey là tác giả của nhiều quyển sách, như Sống Quân bình (Living in Balance), Thiền quán Giản dị và Thư giản (Simple Meditation and Relaxation), Trí Huệ và Công tác (Wisdom at Work), và các sách khác (xin xem thêm www.wisdomwork.com) Hai người đã thực tập với nhiều vị thiền sư theo truyền thống khác nhau, và cả hai đều rộng giảng Phật pháp, đưa các nguyên lý đạo pháp vào dòng chánh lưu (dịch gượng đoạn: taking principles of the dharma into the mainstream) xuyên qua công tác của họ với cấp lãnh đạo và tổ chức hội đoàn văn hoá.

* Michael Liebenson Grady là thiền sư hướng dẫn tại Trung tâm Thiền Minh sát Cambridge. Ông tập thiền từ 1973.

* Ann Lowe là nghệ sĩ vẽ kiểu cho bìa bao sách. Bà sống ở San Lorenzo, tiểu bang New Mexico, cùng với chồng và hai con chó.

* Jacqueline Mandell là một thiền sư Phật giáo, mẹ của hai người con gái sanh đôi, và Chủ tịch của Hội Chỉ đạo từ Tâm thanh tịnh (Leadership From a Pure Heart). Michele McDonald Smith thực tập thiền Minh sát kể từ năm 1973 và giảng dạy khắp nơi kể từ năm 1982. Bà rất quan tâm đến việc bảo tồn giáo lý cổ điển và tìm phương cách trình bày lại dưới hình thức mà đại chúng có thể hiểu được dễ dàng.

* Maria Monroe bắt đầu thực tập Thiền Minh sát với thiền sư Munindra tại Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya) từ năm 1968 và thăm viếng Dipa Ma vào năm 1979. Bà dạy Thiền Minh sát trong khoảng thời gian 1979 1984. Bà hiện sống ở vùng Portland, tiểu bang Oregon, Hoa kỳ.

* Anagarika Munindra là vị thiền sư có danh tiếng quốc tế. Thọ giới tỳ kheo với Hoà thượng Mahasi, ông hiện trú tại Hàn lâm viện Quốc tế Thiền Minh sát (S.N. Goenka"s Vipassana International Academy) ở Igatburi, Ấn độ.

* Sandip Mutsuddi là một công chức của Chánh phủ tiểu bang ở Ấn độ. Ông là cha trong gia đình và sống ở Kolkata, Ấn độ.

* Daw Than Myint là cháu gọi Dipa Ma bằng dì. Bà hiện là giáo sư Cao đẳng ở Myanmar (Miến điện)

* Susan O"Brien sang Ấn độ năm 1979 cùng với Joseph, Sharon và các người khác, khi họ viếng Dipa Ma ở Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya) và tại nhà bà ở Calcutta. Bà Susan bắt đầu giảng thiền quán từ năm 1996 và là phối hợp viên của chương trình học khoá hàm thụ tại Hội thiền Minh sát (Insight Meditation Society).

* Ðại đức Rastrapala Mahathera là chủ tịch của Trung Tâm Quốc tế Thiền Minh sát tại Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya). Nơi đây, ông đã lấy tên của Dipa Ma để đặt tên cho đại giảng đường. Ông là một văn sĩ và giáo sư dạy thiền Minh sát.

* Bob Ray và vợ là Dixie, cùng là sáng lập viên của Trung tâm Tây Nam Ðời Sống Tâm Linh (Southwest Center For Spiritual Living). Bob hướng dẫn một nhóm ngồi Thiền hàng tuần tại Las Vegas, tiểu bang New Mexico, Hoa kỳ.

* Sharda Rogell thực tập thiền theo Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) từ năm 1979 và giảng dạy khắp nơi từ năm 1985. Chịu ảnh hưởng của các phái Advaita và Dzogchen, bà nhấn mạnh đến sự thức tỉnh tâm thức.

* Janice Rubin là nhiếp ảnh viên chuyên nghiệp, trụ sở ở Houston. Nhiều tác phẩm được xuất bản và tham dự các cuộc triển lãm quốc tế từ năm 1976, như cuộc triển lãm năm 2001 của bà và quyển sách Dự án Mikvah (The Mikvah Project) nghiên cứu về nghi thức cổ điển và bí ẩn của (...)phụ nữ Do thái.

* Sharon Salzberg là một trong các sáng lập viên của Hội Thiền Minh sát (Insigt Meditation Society) và một trong các giảng viên hướng dẫn. Bà thực tập thiền từ năm 1970 và giảng dạy khắp nơi từ năm 1974. Bà sáng tác nhiều quyển sách như: Niềm tin: Tin cậy vào Kinh nghiệm Sâu xa nhứt của Bạn (Faith: Trust Your Own Deepest Experience), Từ bi: Nghệ thuật cách mạng của An lạc (Lovingkindness: The Revolutionary Art of Happiness).

* Katrina Schneider đã thực tập ráo riết trong một tu viện giữa rừng sâu ở Miến điện, dưới sự hướng dẫn của Hoà thượng Taungpulu. Bà hiện sống tại Mỹ và áp dụng thiền quán vào công tác cứu giúp bịnh nhơn và dân chúng đau khổ vì bịnh trầm kha.

* Steven Schwartz thực tập thiền Minh sát hơn ba mươi năm và là một trong các sáng lập viên của Hội Tiền Minh sát (Insight Meditation Society). Ông là học viên của Dipa Ma suốt trong thời kỳ nầy và đứng ra bảo trợ chuyến du hành sang Mỹ quốc đầu tiên của bà.

* Steven Smith là một trong các sáng lập viên của Thiền Minh sát Hạ uy di (Vipassana Hawaii) và là giáo sư hướng dẫn tại Hội Thiền Minh sát (Insight Meditation Society). Ông lãnh đạo nhiều khoá an cư khắp nơi.

* Janne Stark vừa là mẹ, săn sóc gia đình, vừa là điều dưỡng trẻ con đi lẫm đẫm, vừa là quản lý viên các Phiên chợ Nông trại (Farmers" Market). Bà lãnh đạo một nhóm hành Thiền ở Portland, tiểu bang Oregon, Mỹ quốc.

* Ajahn Thanasanti được biết đến thiền quán Phật giáo năm 1979 khi tham dự một lớp do Jack Engler giảng pháp. Mười năm sau, bà đến Tu viện Amaravati bên Anh quốc và thọ giới Sa di ni. Năm 1991, bà thọ giới tỳ kheo ni do bổn sư của bà là Ajahn Sumedho truyền thọ. Bà hiện sống ở Úc đại lợi.

* Cha Theophane là tu sĩ thuộc dòng Trappist (tu khổ hạnh cấm khẩu) tại Tu viện Snowmass, ở tiểu bang Colorado. Cha là tác giả quyển Truyện về một Tu viện Thần bí (Tales of a Magic Monastery).

* Kate ("Lila") Wheeler dự khoá an cư Phật giáo lần đầu vào năm 1977. Bà có viết một cuốn đoản thiên tiểu thuyết nhan đề là "Khi Núi Biết Ði" (When Mountains Walked)và một Tập Truyện Ngắn, nhan đề "Chẳng Phải Từ Nơi Tôi Ðã Khởi Hành" (Not Where I Started From). Bà cũng viết nhiều bài đăng trong các báo New York Times và tạp chí khác, như "Tam Luân: Tạp chí Phật học" (Tricycle: The Buddhist Review). Bà hiện sống ở tiểu bang Massachusetts, Mỹ quốc.


Vài nét về nữ tác giả

Amy Schmidt là giảng sư thường trú của Hội Thiền Minh sát (Insight Meditation Society) ở Barre, tiểu bang Massachusetts, Hoa kỳ và là đồng sáng lập viên của tu viện Tăng Gìa Tây Nam (Southwest Sangha), một tịnh xá ẩn cư ở miền Nam tiểu bang New Mexico, Mỹ quốc. Là một cán bộ hợp lệ của ngành y tế xã hội, Amy Schmidt là đồng tác giả của quyển khảo luận "Undrestanding Alzheimer"s: A Guide for Families, Friends, and Health Care Providers " (Hiểu biết về bịnh lão nhược: Cẩm nang cho gia đình, bằng hữu và các nhà điều dưỡng y tế), ấn phẩm của Ðại học Washingtom, năm 1993. Các hình vẽ hí hoạ của bà được tìm thấy trong Budddha Laughing, (Ðức Phật Cười), Bell Tower, 1999.

Các nhà biên tập:

* Don Morreale là biên tập viên của tạp chí The Complete Guide to Buddhist America (Cẩm nang đầy đủ cho Phật tử Mỹ châu). Là một học giả lâu năm về Phật pháp, và một văn sĩ độc lập, ông hiện sống ở Denver, tiểu bang Colorado, Mỹ quốc.

* Madelaine Fahrenwald là một biên tập viên độc lập, và học giả lâu năm về Phật pháp.

(Muốn có thêm chi tiết về Dipa Ma, xin xem trên mạng lưới thông tin: www.dipama.com.)


Thiện Nhựt xin thưa vài lời...

Sau hơn ba tuần lễ vừa phỏng dịch vừa đánh máy, Thiện Nhựt đã làm xong nhiệm vụ của đạo hữu Diệu Nhẫn bên Washington gọi điện thoại qua giao phó: chuyển dịch quyển sách Knee Deep In Grace của Amy Schmidt. Kể như đã tạm xong phần vụ của Thiện Nhựt, còn việc xin phép tác giả và trao đến bạn đọc Việt nam, xin để đạo hữu Diệu Nhẫn lo chu tất.

Như bạn đọc đã xem qua nguyên tác, nội dung của quyển sách gồm có ba phần, mà phần Thiện Nhứt thích nhứt chính là phần đầu, thuật lại cuộc đời thật đơn sơ mà rất ly kỳ của Dipa Ma: một người nội trợ ốm yếu, bận rộn, chịu nhiều khổ sở, đã vượt qua tất cả để tu tập Thiền, chứng đắc giác ngộ và giải thoát ngay trong cuộc đời nầy. Chẳng cần phải dùng lời lẽ cao xa, dao to búa lớn, để ca tụng bà -- bà đâu có cần ta ca tụng bà -- chỉ cần khi đọc xong, cứ quay lại nhìn chính mình, mình nhìn vào lòng mình, và... thấy gì? có thấy muốn noi gương bà hay không, hay là vẫn cứ than thân trách phận, sao tôi khổ quá, chẳng có rảnh rang được một chốc để... tu. Bà có dạy, nên tu ngay trong lúc mình đang bận đấy!

Thiện Nhựt rất ngại ngùng khi nhận được sách từ nhà xuất bản gởi tới, quà tặng của Ðạo hữu Diệu Nhẫn, hàng chữ nhan đề Knee Deep In Grace. Chữ Grace là chữ mà Thiện Nhựt đã rất khổ tâm, một là nếu dịch là Hồng ân thì trùng với Hồng Ân của Ðức Phật; hai là Ðạo Phật rất công bằng, chẳng có đối xử riêng với Phật tử, chẳng phải là có ơn huệ riêng gì cho ai cả. Duyên may biết đến Phật, biết đến Pháp, đang đến và sẽ đến với tất cả mọi người chẳng phân biệt chủng tôc, tôn giáo chi cả, miễn là ta có sẵn sàng trong tâm để thừa tiếp duyên may.

Tôi chẳng hoàn toàn đồng ý với tác giả, với các người đã cộng tác với tác giả, về những cảm nghĩ của họ đối với các "kinh nghiệm" tâm linh, các "cảm giác" mà họ nhận thấy trong tâm họ về sự hiện diện của Dipa Ma ngay trong những ngày, tháng, năm mà bà đã lìa cõi đời nầy. Ðấy chẳng phải là tôi chối bỏ sự hiển linh của bực đã giác ngộ, nhưng tôi nghĩ rằng sự linh ứng còn tùy vào sức cảm thông của chính người đương sự. Mà sức cảm thông ấy, phải chăng đã dựa trên nghiệp duyên của từng người, mặc dầu việc hiển linh kia của bực đã giác ngộ và giải thoát đã rưới bủa xuống chung cho mọi sanh linh, tựa như cơn mưa rào thấm nhuần muôn vật. Một trong những "ân sủng" mà Ðức Phật đã ban cho mọi người Phật tử là bảo cho ai nấy đều rõ biết rằng: "Mình làm chủ nghiệp duyên của mình"; vận mạng mình nằm trong tay mình, ai biết thừa hưởng ơn huệ đó thì lo tu tập để cải thiện nghiệp, dầu đang ở trong hoàn cảnh khó khăn đến mức nào đi nữa.

Tôi rất hổ thẹn vì mặc dầu đã sống hơn hai mươi năm trên miền Bắc Mỹ châu nầy, tôi còn chưa quen rành với lối nói đặc thù, với nền văn hoá thực tiễn của người Mỹ, khiến cho việc phỏng dịch quyển sách quí báu nầy chưa được trôi chảy như ý muốn. Nhiều từ ngữ, nhiều ý văn đã "bị" tôi lướt bỏ qua, lại còn ở vài đoạn tôi "lén thêm" vào ít hình dung từ, đôi ba thành ngữ, cho "ra vẻ" Việt nam một chút. Tôi xin cáo lỗi với các tác giả, và xin sám hối trước với các đọc giả Việt nam, nếu có, khi đọc đến bản dịch nầy.

Sau cùng, tôi xin tán thán công phu nhiều năm trời của tác giả Amy Schmidt, người chỉ nghe đến Dipa Ma sau khi bà đã chết, sưu tập tài liệu, phỏng vấn thật nhiều người, để viết lại cuộc đời ly kỳ của một bà nội trợ Ấn độ, tranh đấu với hoàn cảnh khổ sở để tu tập chứng đắc giác ngộ và giải thoát rồi đem kinh nghiệm đó chỉ lại cho hàng xóm, cho bằng hữu cả Ðông và Tây phương. Nếu được phép tóm tắt lại quyển sách, tôi xin nói thêm: "Một người nội trợ ít học, khổ sở như bà đã làm được, sao ta lại chẳng làm được?"

Nguyện cầu mọi người thấm nhuần "ân sủng" của Dipa Ma trong hồng ân của Ðức Phật!

Montreal, 2003-01-01,
Thiện Nhựt

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 2.1 | 2.2 | 3.1| 3.2

Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2003).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 06-02-2003