BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Ngập Sâu Trong Ân Sủng
Cuộc đời ly kỳ và Giáo pháp của Nữ Thiền sư Dipa Ma

Thiện Nhựt phỏng dịch

Nguyên tác:
Knee Deep In Grace
The Extraordinary Life and Teaching of Dipa Ma
by Amy Schmidt


Kính dâng Ðức Thánh Mẫu,
mẹ của chúng ta
và trong chúng ta.

Thân kính tặng các bà mẹ Việt nam,
Thân tặng quí Ðạo hữu Diệu Nhẫn và Nguyên Khiêm.
-- Thiện Nhựt

Mục lục

Lời mở đầu
Tựa
Dẫn nhập: Tìm gặp Dipa Ma

Phần I: Cuộc đời ly kỳ

Chương 1: Sanh trong đạo Phật
Chương 2: Thức tỉnh
Chương 3: An lạc chẳng lung lay

Phần II: Con đường chuyển hoá

Chương 4: Tận sức và Vượt qua
Chương 5: Nhìn thấu qua các vọng tưởng
Chương 6: Sự Giải thoát sâu xa nhứt
Chương 7: Bạn sống đời bạn ra sao?
Chương 8: Ðảnh lễ Tình thương
Chương 9: Thần thông tự tại
Chương 10: Thích nữ vô uý

Phần III: Di huấn của Dipa Ma

Chương 11: Mười bài học để sống đời
Chương 12: Trước mặt Thầy: vấn đáp
Chương 13: Ngập sâu trong ân sủng

Những người đã cộng tác
Vài nét về nữ tác giả
Các nhà biên tập
Thiện Nhựt xin thưa vài lời...

-ooOoo-

Lời mở đầu

Ðôi khi trong cuộc đời, chúng ta gặp được một người thật khác thường, đã thay đổi hẳn nếp sống của chúng ta, chỉ bằng cách sống giản dị mình chính là mình. Dipa Ma chính là người đó. Tôi được nghe nói về bà lần đầu khi theo học Thiền với sư phụ Anagarika Munindra tại Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya) bên Ấn độ vào năm 1967. Sư phụ tôi đã huấn luyện bà Dipa Ma ở Miến điện khi thầy còn hành thiền và giảng dạy trong chín năm trước đó. Thầy thường kể lại, bà là một thiền giả được nhiều sự chứng đắc khác thường, mà quí vị sẽ đọc thấy ngay trong tập sách nầy. Ðiều mà sư phụ tôi chẳng nói thành lời, nhưng lại rất hiển nhiên khi tôi gặp bà lần đầu tiên, là đức tánh đặc biệt của tư cách bà đã làm cảm động bất cứ ai đã gặp bà. Một đức tánh tĩnh lặng cao độ cuả sự an hoà tràn ngập tình thương. Sự lắng yên đó và tình thương đó rất khác lạ với những gì mà tôi đã kinh nghiệm qua. Cả hai đức tánh đó chẳng phải là cái bản ngã, và chúng chẳng đòi hỏi gì, cũng chẳng cần đến bất cứ gì, đền đáp lại. Thật giản dị, trong sự vắng bóng của tự ngã, tình thương và an hoà là những gì còn lưu lại đó.

Dipa Ma làm nẩy sanh nơi ta những nỗ lực tốt đẹp nhứt, chẳng phải vì qui tắc, mà chính là vì nguồn cảm hứng bà gợi lên. Bà chỉ cho thấy những gì có thể làm được, bằng cách nhận ngay những gì có thể được -- và điều đó đã nâng bổng lên thanh sắt đang chận ngang các nguyện vọng của chúng ta. Bà đặt niềm tin tưởng chẳng hề lay chuyển nơi khả năng của mỗi chúng ta bước chơn lên con đường đạo pháp. Sự tin tưởng đó được chuyển đi cùng với sự hoàn toàn chấp nhận vào cảnh huống chúng ta đang sống, kèm theo sự chẳng ngừng khuyến khích nên đào sâu thêm sự hiểu biết qua việc thực tập liên tục.

Mặc dầu Dipa Ma chỉ sang Tây phương có hai chuyến, nhưng ảnh hưởng của bà đối với nền Phật học ở Mỹ châu thật là sâu xa. Bà là vị thiền sư nữ giới đầu tiên hoàn toàn thành mãn theo truyền thống Theravada (Phật giáo Nguyên thủy), đã đến giảng dạy trên đất nước nầy. Mặc dầu sự sùng tín của bà đối với truyền thống rất thâm sâu, bà vẫn tin tưởng mãnh liệt rằng các sự thành tựu về tâm linh của nữ phái (kể luôn cả các bà nội trợ) có thể bằng -- hay, lắm khi, sâu đậm hơn -- về phía nam giới chiếm đa số trong hàng giáo phẩm. Trong ý hướng đó, Dipa Ma đã trở nên con người mẫu dũng mãnh làm gương sáng cho phụ nữ và cả nam giới nữa. Ảnh hưởng của bà đối với thật nhiều hành giả vẫn còn âm vang trong cộng đồng đạo pháp.

Tôi rất hoan hỉ và biết ơn đối với Amy Schmidt đã cho ra đời quyển sách tuyệt vời nầy. Ðây là một cơ hội quí báu cho nhiều người trong chúng tôi được nhắc nhở lại những mẩu chuyện, những cuộc gặp gỡ với Dipa Ma và là dịp tốt cho những người khác được biết đến Dipa Ma lần đầu.

Joseph Goldstein
Hội Thiền Minh Sát
( Insight Meditation Society )
Tháng Ba năm 2002

-ooOoo-

Tựa

Ân sủng, theo nghĩa là một sự ban phước lành của Ơn Trên, được hưởng thọ không do tầm cầu mà có, thật ra nói theo nghĩa chặt chẽ, chẳng phải là một ý niệm Phật học. Tuy nhiên, dầu có hay không đi chăng nữa, chúng tôi cũng xem đó là một sự thi ơn của Trời; kinh nghiệm về ân sủng rất thường thấy nơi nhóm chúng tôi đang thực tập về thiền định. Nếu chúng ta nhìn rõ vào cuộc đời của chúng ta -- các cơ duyên giúp chúng ta theo đuổi con đường tâm linh, mọi dịp may được gặp gỡ và tu tập với các bực đại sư đã chứng đắc cao, sự thành thật trong nguyện ước của chúng ta mong được nội tâm giải thoát -- chúng ta sẽ thấy rõ rằng chúng ta đang"tràn ngập sâu trong niềm ân sủng". Từ các Chương về tiểu sử thuộc Phần I của quyển sách nầy, xuyên các mẩu chuyện của những người đã gặp gỡ được Dipa Ma, ở Phần II, và lời giảng dạy của bà tại Phần III, thì danh từ "ân sủng" đã được nhắc đến nhiều lần, với ý nghĩa là tánh chất ly kỳ, chẳng thể định nghĩa được, mở rộng cõi lòng, của các dịp được thân cận với vị thầy tâm linh nầy.

Tiến sĩ Jack Engler là một trong những người Tây phương đầu tiên được tiếp xúc với Dipa Ma. Ngẫu nhiên, ông cũng được theo học cùng một vị thầy đã chỉ dạy cho Dipa Ma. Phần đóng góp của ông vào quyển sách nầy thật khá to tát: đa số các chi tiết về tiểu sử, cùng những trích dẫn về lời dạy của Dipa Ma, đều căn cứ vào các tài liệu mà ông đã viết đặc biệt cho quyển sách Ngập Sâu Trong Ân Sủng (Knee Deep in Grace) nầy. Các dữ kiện nầy, được rút ra cả từ các kinh nghiệm bản thân và các trắc nghiệm tâm lý của Dipa Ma, đã xác nhận rõ sự mô tả đúng theo truyền thống về các chuyển hoá của tâm một khi đã đạt đến sự giác ngộ thâm sâu. Sự chấp thuận của Jack Engler cho phép xử dụng các tài liệu đó đã khiến cho việc ghi chép lại cuộc đời của Dipa Ma rất đầy đủ. Tôi thật hết sức thâm tạ tấm lòng rộng rãi của ông. Công cuộc khảo cứu của Jack Engler đã trình bày sự chứng đắc rất kỳ diệu của Dipa Ma bằng các danh từ khoa học. Phần lớn các người đã gặp gỡ Dipa Ma, hay biết đuợc bà qua ảnh hưởng của bà đối với các vị thầy khác, đã nhìn bà qua nhiều lăng kính khác nhau. Trong trường hợp của tôi, bà là hiện thân của Ðức Mẹ Thiên Thần, một khuôn mẫu lý tưởng có trong mọi nền văn hoá. Câu chuyện sau đây vinh danh Dipa Ma được Cha Theophane, thuộc dòng tu khổ hạnh cấm khẩu (Trappist), tác giả quyển sách Truyện về Tu viện Thần bí (Tales of a Magic Monastery) cống hiến. Riêng đối với tôi, câu chuyện nầy gợi lên khiá cạnh siêu phàm của lòng từ bi vô lượng của Dipa Ma. Tâm của bạn giống như thế nào? Ðó là điều mà họ muốn biết. Họ khiêng vào một người vừa mới chết. Họ bắt đầu giải phẩu lấy trái tim. Các bạn chẳng tin những gì thấy ở đấy. Bạn đâu có ngờ -- người da trắng, da đen, kẻ vô thần, người giàu sang, kẻ bần cùng, người say rượu, đĩ điếm, thầy tu, chánh khách, trẻ con, thẩm phán, đấu thủ túc cầu, kẻ ngông cuồng, và tôi -- cả tôi nữa -- sao tôi lại vào đấy?

Ðó có phải là điều mà tôi sẽ trở nên, khi tôi chết? Khi họ mổ tim tôi ra, họ sẽ thấy được gì?

Nguyện cầu mọi người chúng ta mở rộng tâm cùng đến với niềm ân sủng luôn luôn sẵn còn ở đây!

-ooOoo-

Dẫn nhập

Tìm gặp Dipa Ma.

Từ lâu, trước khi tôi chưa hề được nghe đến tên bà, Dipa Ma đang đến gặp tôi.

Khi tôi lên mười chín tuổi, có ai đó đã trao cho tôi quyển Tất đạt ta (Siddhartha) của Herman Hesse. Tôi đã đọc bốn lần và gạch đít hầu hết mỗi câu. Quyển sách đã cho tôi niềm hi vọng. Sách nói -- và tôi mong mỏi, gần tuyệt vọng, điều đó thành sự thật -- rằng có một đường lối để ra khỏi sự khổ đau, rằng được giải thoát ngay trong cuộc đời nầy là chuyện có thể thực hiện được. Tôi đã bắt đầu thực tập Thiền (Transcendental Meditation), nhưng tôi còn chưa tìm thấy con đường đi vào Ðạo pháp (Dharma), hoặc là Phật pháp, mãi cho đến sáu năm về sau. Tại phía sau ngõ hẻm một tiệm cà phê hiệu Allegro, ở Tiểu bang Seattle, tôi nhìn thấy một tờ cáo thị của một nhóm học pháp, dán trên bảng Thông báo của họ. Tò mò, tôi liền ghé vào. Có ai đó đã mời tôi ngồi xuống để toạ thiền.

Ngay lúc đó, tôi cảm nhận rằng tôi đang tìm gặp được một chút gì sâu xa, đầy ý nghĩa, trong sự thực tập nầy, khiến tôi biết ngay là tôi cần phải ở nán lại. Một vị sư từ Thái lan đến viếng nhóm bạn đạo và giảng về sự giác ngộ. Vị ấy nói sự giác ngộ là mục tiêu của việc tham thiền, rằng sự giác ngộ đó chẳng thể nào mô tả được, vượt khỏi thân và tâm, vượt khỏi mọi sự khổ đau. Tôi còn chưa thắc mắc vì những gì vị ấy đã nói ra, điều làm tôi băn khoăn chính là những gì còn chưa diễn được bằng lời: một vẻ im lặng kỳ bí bao trùm lời vị ấy nói, một sự an tĩnh sâu xa trong đôi mắt của người. Ðêm ấy, đi bộ dưới trời mưa về nhà, tôi bị một cảm giác mạnh bắt tôi đứng dừng lại. Dưới cơn mưa tầm tả xối xả trên mặt tôi, giữa màn đêm tăm tối, tôi phát nguyện, sẽ dành trọn cuộc đời còn lại của tôi, để tìm cho được sự giác ngộ. Cho dù phải trải qua bao lâu, cho dù phải gánh chịu những gì, tôi quyết chẳng dừng lại cho đến khi tôi thể nghiệm được sự an tĩnh đó cho chính tôi.

Thỉnh thoảng có nhiều vị sư Phật giáo đến viếng nhóm chúng tôi: một vị đã được truyền giới ở Miến điện (nay là Myanmar), nhiều vị theo truyền thống Thái lan. Các vị ấy, đã đến đây, bao giờ cũng là nam tu sĩ cả, lúc nào cũng nói về các bực đại sư của họ, cũng lại thuộc nam giới. "Vậy chớ, trong tông phái, các nữ tu sĩ ở đâu rồi?", tôi lấy làm lạ tự hỏi. "Còn nữ bổn sư của tôi tìm ở đâu?"

Hi vọng tìm học thêm về các nữ tu sĩ Phật giáo, tôi bắt đầu tìm tòi trong các Kinh, sách Phật, điều đó lại làm cho tôi nản lòng. Chẳng những Kinh sách ít khi nói tới các nữ tu sĩ, mà các bản cổ văn còn lại thường để lộ một cái nhìn xem nhẹ phụ nữ chúng tôi. Cũng như nữ giới vào thời đại đó, tôi liền xếp lại các quan niệm về vai trò kiểu mẫu của nữ tu sĩ Phật giáo, và chỉ biết lăn mình vào sự thực tập của chính mình thôi.

Sau năm năm cố gắng chẳng ngừng, tôi bắt đầu cảm thấy cần phải có những thời kỳ dài thực tập ráo riết. Nhiều bạn hữu mách cho tôi về khoá an cư ba tháng mùa thu hằng năm tại tại Hội Thiền Minh Sát (Insight Meditation Society) ở Barre, tiểu bang Massachusetts. Tôi xin ghi tên tham dự và được thâu nhận. Ba tháng trong im lặng -- nhiều bạn tôi nghĩ, có lẽ tôi đã khùng rồi.

Trung tâm an cư, do các thiền sư Sharon Salzberg, Joseph Goldstein, Jack Kornfield và các người khác thành lập, được các cánh đồng và khu rừng nhỏ bao quanh. Ngôi nhà chính nguy nga, kiến trúc theo xưa bằng gạch, vốn là tư dinh của vị Thống đốc, được xây vào năm 1911. Sau khi rộn ràng mở mấy thùng hành lý ra và đến gặp người bạn Thụy sĩ, ở cùng phòng xong, tôi được hướng dẫn đi thăm viếng nhà ngang dãy dọc, nơi mà tôi sẽ an trú và thực tập thiền trong những chín mươi ngày sắp đến. Thoáng nhìn quanh quang cảnh, tôi nhận thấy nhiều tượng Phật và hình ảnh các vị thiền sư, những tượng ảnh đầy ý nghĩa khích lệ tâm linh được an vị trong các trang thờ ở góc tường. Tất cả đều là hình ảnh của đàn ông.

Rồi bỗng nhiên, tôi nhận ra nơi góc tường của thư viện một bức ảnh của một người đàn bà Ấn độ, mặc y phục trắng, ngồi giữa sân cỏ xanh mùa hạ, trông như một vầng mây bạc. Bà mang kiếng cận, gọng dầy bị hư dán miếng băng keo nhỏ. Xuyên qua đôi kiếng trắng, toả ra một luồng nhãn quang thật hết sức an tịnh và từ bi mà tôi chưa hề bao giờ được nhìn thấy. Chẳng thấy ghi tên bên dưới bức ảnh, nhưng tôi biết ngay là tôi đang chiêm ngưỡng một bực thầy, một người phụ nữ, đã chứng đắc được sự giải thoát cùng sự an tịnh thâm sâu trong nội tâm. Tôi băn khoăn chẳng biết rồi đây các thiền sư của tôi sẽ nói về bà hay không: tôi thầm hỏi lấy tôi, có thể nào bà sẽ làm bổn sư cho mình chăng.

Tôi chẳng phải chờ đợi lâu sự giải đáp nỗi thắc mắc dó. Sau vài ngày ở khoá an cư, các thiền sư bắt đầu nói đến người phụ nữ trong tấm hình. Khuê danh bà là Nani Bala Barua nhưng được mọi người biết đến dưới tên Dipa Ma ("Má của Dipa"), bà vừa mới từ trần hai tuần lễ trước. Mỗi người trong năm vị thiền sư ở đây đều biết bà với tư cách cá nhân và thương yêu bà rất sâu đậm. Hai vị đã là đệ tử của bà trong gần hai mươi năm. Nỗi đau buồn khi bà mất vẫn còn nau náu trong tâm họ. Tôi cảm thấy kinh hoàng khi biết chẳng bao giờ gặp được người phụ nữ đó nữa. Nhưng đồng thời lại bừng sáng nơi tâm tôi ý nghĩ nầy: xuyên qua các mẩu chuyện tôi đang nghe được và qua nguồn xúc cảm nơi các thiền sư đã trao truyền đến tôi, Dipa Ma hiện đang trở thành vị bổn sư của tôi.

Tôi cảm thấy có một sự liên hệ thân thuộc cùng bà, với những điểm giống nhau giữa hai cuộc đời của bà và của tôi. Ðời bà đã trải qua nhiều nỗi khổ đau cay đắng, mới mười hai tuổi đã phải rời gia đình, về nhà chồng, theo phong tục tảo hôn của Ấn độ. Ðời tôi cũng bị hoàn toàn xáo trộn một cách đột ngột vào năm mười hai tuổi: một buổi sáng, tôi thức giấc để khám phá ra mẹ tôi, người mà tôi trìu mến thiết tha nhứt, vừa tự tử hụt đêm qua. Mặc dầu mẹ tôi chẳng thành công trong việc tự sát mãi cho đến nhiều năm về sau, nhưng biến cố đã gây ảnh hưởng thật tai hại cho tôi. Giống như Dipa Ma, tuổi niên thiếu của tôi đã chấm dứt thình lình trong một đêm. Những biến cố khác trong tuổi đôi mươi của tôi cũng mường tượng với các sự mất mát và tranh đấu mà Dipa Ma đã trải qua, trước khi người tìm ra đường lối tu tập thiền định.

Khi còn thơ ấu, tôi rất mê thích các câu chuyện của những người Mỹ gốc Phi châu mặc dầu gặp bất hạnh nhưng đã vượt qua khỏi các sự thống khổ của họ để vươn lên thành những lãnh tụ vĩ đại và những vị thầy. Mahalia Jackson, hai vị Martin Luther King, Malcolm X, Paul Robeson, Marian Anderson, Frederick Douglass, Rosa Parks: các vị ấy là những nam, nữ thần tượng của tôi. Tôi muốn biết bằng cách nào mà Dipa Ma, một người nội trợ tầm thường, đã khắc phục chẳng những các khó khăn tự bản thân mà còn cả các sự ràng buộc khắc khe của chế độ phụ hệ trong nền văn hoá Á đông, để rồi dấn bước vào con đường thiền tập và giảng dạy lại cho nhiều người khác, theo phong cách rất khác lạ với thời đại của bà. Mặc dầu bà chẳng hề tự xem mình là lãnh tụ đấu tranh cho nữ phái, hay cho một thiểu số nào, Dipa Ma cũng gợi lên cho tôi nhớ đến các thần tượng hồi tôi còn bé, với tấm gương can đảm dũng mãnh của bà trước nghịch cảnh.

Tôi rất khao khát được bước theo gót chơn bà. Tôi muốn biết tất cả về bà. Tôi đến gặp Joseph Goldstein khi mãn khoá ba tháng an cư và hỏi ông hay một vị thiền sư nào khác, có ý định viết về đời bà Dipa Ma không. Không, ông đáp, và chẳng có ai mà ông được biết, có ý định đó. Thật tình, ông chẳng có thời giờ để làm việc nầy. Rồi, với một giọng tràn đầy nhiệt tâm, ông nói tiếp: "Bạn nên làm việc đó!"

Ngày lại ngày, tôi nghiền ngẫm đề nghị do Joseph gợi lên. Làm sao mà tôi có thể viết về một người mà tôi chưa hề gặp gỡ? Nhiều bạn hữu trỏ cho thấy rằng, hằng triệu người học giáo pháp của Ðức Phật từ hơn hai mươi lăm thế kỷ lúc Ngài còn tại thế, chỉ có một nhóm nhỏ người đã được thân cận với Ngài. Ðiều đó cũng đúng với Chúa Jésus, với Mohamed, và cả với các vị lãnh đạo tâm linh khác nữa. Các mẩu chuyền về các Ngài, chính là những bản văn sống động của các Ngài.

Và như thế là tôi bắt đầu công cuộc sưu tầm về Dipa Ma qua các trần thuật của những ai đã biết bà. Trong tám năm, tôi đã kết tập những mẩu chuyện về bà do các đệ tử của bà tại Mỹ quốc, tại Ấn độ và Myanmar (Miến điện). Mỗi một bước đi trong hành trình, mỗi chuyến gặp gỡ, mỗi phút chia tay, mỗi lời trò chuyện, mỗi khi nhắc nhở kỷ niệm, tất cả đều đượm nồng tình thương: tình thương đối với Dipa Ma, tình thương về Phật đạo, tình thương về cuộc sống quí báu nầy.

Ðức Phật có mô tả Giáo pháp như "khéo đẹp ở đoạn đầu, khéo đẹp ở đoạn giữa, và khéo đẹp ở đoạn chót." Khi tôi được nghe người khác kể lại các mẩu chuyện, lời giảng dạy của Dipa Ma càng lộ ra vẻ khéo đẹp lần nầy và nhiều nhiều lần khác nữa. Ngay cả sau khi mất, bà vẫn còn sống mãi trong lòng người. Có lắm đệ tử bảo rằng họ vẫn còn được chính bà dẫn dắt cho trong việc tu tập của họ. Vài người mặc dầu chưa hề gặp gỡ bà lần nào, thuật lại rằng họ đã được bà giúp đỡ trong buổi thiền định của họ, hay đã thấy bà đến viếng họ trong giấc mơ. Ðôi người nói đã lắng nghe được tiếng của bà; có kẻ bảo họ cảm được sự hiện diện của bà. Tôi xem các điều huyền diệu nầy như là những món quà của sự ân sủng. Cho dầu chúng ta đang cảm thấy quá bơ vơ lạc lỏng nơi nội tâm chúng ta, hoặc cho dầu tình trạng thế giới có tuyệt vọng đến đâu đi nữa, cho dầu chúng ta đang ở bất cứ đâu, cho dầu chúng ta có biết đến hay chẳng biết đến, luôn luôn chúng ta đều được ngập tràn trong ân sủng.

Nguyện cầu các mẩu chuyện sau đây sẽ giúp đỡ Bạn trong chuyến hành trình tâm linh của Bạn! Nguyện cầu tất cả mọi chúng sanh đều được giải thoát!

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 2.1 | 2.2 | 3.1| 3.2

Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 06-02-2003