BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode VU Times or CN-Times font


Đường đến Giác ngộ: 37 phần Bồ đề

Tỳ kheo Chánh Minh
Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu


Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn VU Times hay CN-Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli.

Chương VII-c

BẢY GIÁC CHI
(Bojjhaṅga)

5- Tịnh giác-chi (passaddhi sambojjaṅga)

Chữ Passaddhi từ chữ Pa + ngữ căn Sambh, nghĩa là an-tịnh, đặc-tính của Passaddhi là làm dịu sự nóng bức do phiền-não dục (kilesadara vūpasam) gây ra. Passaddhi đối với tâm giống như bóng mát đối với người bị ánh-nắng mặt trời chiếu rọi.

Passaddhi là một sở-hữu đối trị với phóng-dật. Passaddhi có hai là: kāya passaddhi (tịnh-thân) và ciṭṭa passaddhi (tịnh-tâm). Kāya (thân) ở đây không có nghĩa là thể-xác, thân ở đây chỉ cho các sở-hữu, thành-phần của tâm. Nói cách khác, kāya chỉ cho thọ-uẩn, hành-uẩn (ngoại-trừ kāyapassaddhi) và tưởng-uẩn cùng có mặt với tâm.

Kāyapassaddhi (tịnh-thân) là trạng-thái an-tịnh của cácsở-hữu cùng hiện-hữu với tâm. Còn ciṭṭa passaddhi (tịnh-tâm) là trạng-thái an-tịnh của tâm.

Tịnh có thể ví như người đang bị nóng bức, được cơn mưa tưới xuống, trở nên mát-mẽ, thoải-mái, dễ chịu. Làm cho tâm an-tịnh là việc khó thực-hiện, tâm luôn luôn chao-động có khuynh-hướng không bao giờ ở yên một chỗ. Tâm ví như cá vớt ra khỏi mặt nước, ném trên mặt đất.

Vāriyo’va ṭhale khiṭṭo
Okamokaṭa ubhaṭo
Pariphandaṭi’ midaṃ ciṭṭaṃ
Māradheyyaṃ pahāṭave.

"Cá bị vớt lên khỏi nước và vứt trên đất khô như thế nào,
tâm dao-động cũng dường thế ấy.
Vậy phải cách xa cảnh giới của dục-vọng". (Pháp Cú 34)

Sở dĩ tâm không được an-tịnh là do có tham, sân, si ngự-trị, chính tham, sân, si làm cho tâm bất an. Nhưng tham, sân, si ngự-trị được tâm là do đâu? Do dục. Nói cách khác, tịnh có được là do xa lìa dục (vọng). Dục (vọng) được xa lìa khi hành-giả chứng được sơ-thiền, cho dù hành-giả có đạt đến cận-định, tâm tuy yên-lặng nhưng chưa an-tịnh hoàn toàn vì còn liên-hệ đến dục.

Cũng nên phân biệt dục-lạc và dục. Dục-lạc là những khoái-lạc do năm trần-cảnh mang lại, còn dục là những gì thuộc về năm trần-cảnh mà chúng-sanh muốn thụ-hưởng nó (kāma paribhuñjaṭi -paribhuñjaṭi là ăn uống). Ðược gọi là dục-vọng bởi vì những trần-cảnh có đặc-tướng vui ít nguy hại nhiều.

Ðức Phật có dạy rằng: "appassādā kāmā bahudukkhā, ādīnavo, eṭṭhabhiyyo - các dục (vọng) vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy-hiểm ở đây nhiều hơn". Và đức Phật có dạy rằng:

"Cho dù có chánh-kiến, thấy được nguy-hiểm của dục, nhưng chưa đắc được sơ-thiền, chưa thoát khỏi dục (vọng) chi phối.

Bao giờ chứng-đắc được sơ-thiền hay một pháp cao-thượng hơn, khi ấy mới khỏi bị dục (vọng) chi phối". (kinh Tiểu khổ-uẩn -Trung-bộ kinh).

Và sự-kiện các dục có vui ít khổ nhiều, được Ðức Thế-tôn trình-bày rộng-rãi trong bài kinh Ðại khổ-uẩn (mahādukkhakkhandha suṭṭa) ở Trung-bộ kinh. Tâm chỉ an-tịnh khi hành-giả trau dồi tư-tưởng xa lìa những ác bất-thiện pháp, đồng thời không nghĩ đến các trần-cảnh.

Chỉ có trau dồi tư-tưởng như thế, tâm mới trụ vững trong sự an-tịnh bằng các tầng thiền, ít nhất phải là sơ-định, khi ấy hành-giả mới có thể tu-tập và làm cho sung-mãn tịnh giác-chi.

Nếu hành-giả thiên về thiền Quán, khi đạt được tuệ Sinh-diệt, khi ấy hành-giả sẽ dễ-dàng tu-tập tịnh giác-chi. Hành-giả chuyên tu về Minh-sát, khi đạt đến tuệ Sinh-diệt thường phát-sanh một trong 10 phiền-não quán (kilesa vipassanā), trong đó có tịnh, pháp ấy là pháp tốt nhưng sở dĩ gọi là phiến-não, vì nó cản trở hành-giả tiến cao hơn, nếu như hành-giả bám chấp vào nó.

Lẽ thường, tâm an-tịnh không hề chấp-nhận một tư-tưởng xấu nào cả, nhiều người nghĩ rằng: "giải-thoát là tự-do không hạn-chế", để rồi sống buông-lung. Còn như tự rèn-luyện, tự khép-mình vào khuôn-khổ, kỷ-cương là bị trói-buộc, mất tự-do. Họ gọi những người sống tự chế-ngự là bị pháp trói chặc (pháp phược), bị giới trói chặc (giới phược), là những người có chấp-thủ (upādāna), chưa được giải-thoát...

Nhưng nếu hỏi những người ấy rằng: "bậc Thánh có phạm giới không? có làm điều ác không?" có bao giờ các Ngài có những hành-vi phi đạo-đức không? phi luân-lý không? Họ sẽ né tránh hoặc trả lời quanh co.

Giáo-lý của đức Phật được xem là là căn-bản của phạm-hạnh có năm điều:

1) Buddho so bhagavā bodhāya dhammaṃ deseṭi: đức Phật bậc giác-ngộ, thuyết-pháp đưa đến giác-ngộ.

2) Danṭo so bhagavā damaṭhādha dhammaṃ deseṭi: Thế-tôn vị đã điều-phục, thuyết-giảng pháp đưa đến điều-phục.

3) Sanṭo so bhagavā samaṭhāya dhammaṃ deseṭi: Thế-tôn bậc an-tịnh, thuyết-giảng pháp đưa đến an-tịnh.

4) Tinno so bhagavā ṭaraṇāya dhammaṃ deseṭi: Thế-tôn bậc đến bờ kia, thuyết-giảng pháp đưa đến bờ kia.

5) Parinibbuṭo so bhagavā parinibbānāya dhammaṃ deseṭi: Thế-tôn bậc tịnh-lạc, thuyết-giảng pháp đưa đến tịnh-lạc. (kinh Udumbarikā -sīhanāda, Trường-bộ kinh).

Trong năm điều căn-bản của Ðấng Ðại-giác, điều-phục (danṭo) được nói đến, tức là cái "tâm" phải được rèn-luyện cho đúng phương-pháp mới trở nên tốt đẹp, để rồi không còn có tự ngã.

An-tịnh lại là một điều khác của căn-bản phạm-hạnh, chỉ khi nào tâm được an-tịnh, khi ấy tâm mới được điều-phục.

Tâm được an-tịnh khi được uốn nắn trong vòng trật-tự, trong sự tiến-bộ chân-chánh, khi ấy tâm mới trở nên hữu-ích cho mình và cho người. Cái tâm náo-động, bất-chánh, hành-xử vô trật-tự đó mới chính là hiểm-họa cho mình lẫn cho người. Như thế, không nên gọi là "tâm bị trói-buộc bởi pháp, bởi giới-hạnh" được.

Giả sử rằng: Nếu tâm bị trói-buộc như thế mà đưa đến giác-ngộ, đưa đến tịnh-lạc thì tâm cũng nên bị trói-buộc, còn hơn tâm tự-do phóng túng để rồi rơi vào đọa lạc.

Thật ra, chính đức Phật dạy rằng: "Chánh-pháp còn phải bỏ huống chi là tà-pháp". (Tăng-chi kinh)

Trong bài kinh Raṭṭhavivāṭa suṭṭa (kinh Trạm-xe) trong Trung-bộ, Ngài Punna manṭānipuṭṭa đáp lời của trưởng-lão Sārīpuṭṭa rằng:

"Anupādā pari nibbānaṭṭhaṃ kho āvuso.
Bhagavaṭī brahmacariyaṃ vussaṭīṭi:

- Này hiền-giả! sống đời sống phạm-hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ðức Thế-tôn với mục-đích không nắm giữ trước viên tịch (parinibbāna)".

Như vậy, tâm an-tịnh là giai đoạn tu tập, khi thành-đạt mục đích giải-thoát hoàn toàn, tâm tự nhiên không còn nắm giữ thiện hay bất thiện nữa.

Nhưng giữ được tâm an-tịnh trước những chướng-ngại quả là khó, chính cái đức-độ khó có được ấy, mới là điều đáng cho hành-giả tận-lực cố-gắng để thành-tựu.

Nhờ kiểm-soát, gìn-giữ tâm an-tịnh, hành-giả xây-dựng cho chính mình đức-tính dũng-mãnh, người có tâm an-tịnh sẽ không cảm thấy yếu-đuối, khiếp-nhược, phiền-lụy bởi Tám ngọn gió đời (aṭṭhaloka dhamma - bát phong) là:

- Ðược lợi (lābha) - mất lợi (alābha).
- Ðược danh (yasa) - mất danh (ayasa).
- Bị chê (nindā) - được khen (pasaṃsā).
- An lạc (sukha) - đau-khổ (dukkha).

Chúng ta tìm thấy những bài học an-tịnh trước những nghịch-cảnh trong những câu chuyện bổn-sanh như là: Ðức Bồ-tát có đứa con duy nhất, chẳng may bị rắn cắn chết ở ruộng cày, Ngài trầm-tĩnh nhờ người nhắn bảo nhà: hôm nay chỉ mang một phần cơm ra ruộng thôi. Người nhà hiểu ý Ngài, mẹ, con gái, người tớ của người chết đều ra ruộng, tất cả đều trầm-tĩnh thiêu xác chết.

Ngạc-nhiên, vua trời Ðế-thích giả dạng đến hỏi thăm: Vì sao họ không khóc trước cái chết của người thân yêu? Bà mẹ trả lời:

- "Không ai mời nó cũng đến, không ai xua đuổi nó cũng đi. Ðến thế nào, ra đi thế ấy, vậy than khóc rên rỉ có ích gì, khi nó chẳng còn biết chi".

Hoặc câu chuyện Bồ-tát Temiya, giả vờ câm, điếc, tê-liệt, chấp-thuận mọi thứ thử-thách của Hoàng-tộc, những thử-thách mà xét ra người không có dũng-khí sẽ bỏ cuộc ngay. Cuộc thử-thách đâu phải chỉ diễn ra một ngày, một tháng hay một năm, nó kéo dài suốt mười sáu năm dài. Bồ-tát chịu đựng sự thử-thách ấy, với mục-đích gì? Với mục-đích được xuất-gia, xa lánh các vương-quyền. Chỉ bấy nhiêu thôi.

Tâm an-tịnh là tâm không hề chao-động trước cảnh được mất, không bàng-hoàng trước nghịch-cảnh của đời sống, đó là lợi-ích khiêm-tốn của tâm an-tịnh. Tâm an-tịnh được hành-giả tu-tập làm sung-mãn sẽ đưa hành-giả giải-thoát ra mọi khổ-lụy, tuyệt-đỉnh là giải-thoát khỏi khổ luân-hồi. Tịnh giác-chi là pháp trợ giúp hành-giả vượt qua những khổ-não, cuối cùng đưa đến giải-thoát trọn vẹn.

Muốn tu-tập tịnh giác-chi, trước tiên phải an lập được tâm an-tịnh qua pháp thiền Chỉ hay Quán, hành-giả cần nỗ-lực tinh-cần đạt cho được sơ-định hoặc tuệ Sinh-diệt. Trong giai-đoạn đầu, hành-giả cần có tác-ý lìa bỏ dục (vọng), lìa bỏ những bất-thiện pháp.

Tiếp theo là trình-bày những nhân trợ sanh tịnh giác-chi. Có bảy điều làm sanh-khởi và tăng-trưởng tịnh giác-chi:

1) Thọ-dụng vật-thực tốt. Ở đây ý nói là những vật-thực còn đủ chất dinh-dưỡng, chưa bị hư thối, dùng vật-thực thích-hợp cơ thể, khiến phát-sanh dễ chịu, không rơi vào khó chịu, bực bội.

2) Thời-tiết thích-hợp. Là tìm trú-xứ có khí-hậu thích-hợp với cơ thể, loại khí-hậu dễ chịu.

3) Điều hòa bốn oai-nghi cho thích-hợp với hoàn cảnh và thời-tiết.

4) Giữ tâm quân-bình trước nghịch cảnh lẫn thuận cảnh.

5) Thân-cận với những người có tâm dung hòa, có tâm không kiêu-mạn, có tâm không cáu-kỉnh, không dùng vật gì để đáng đập, hành hạ kẻ khác.

6) Không thân-cận với người kiêu-mạn, náo-động, hung hăng

7) Có khuynh-hướng về sự tĩnh-lặng.

6- Ðịnh giác-chi (Samàdhi sambojjhaṅga).

Ðịnh là sở-hữu ekaggaṭā (Nhất-hành) nghĩa là an-trú vào một cảnh, tương-tự như niệm, tinh-tấn, tùy công-năng của nó trong lãnh-vực nào, nó mang tên theo lãnh-vực ấy, như định-quyền, định-lực, định giác-chi, chánh-định.

Ðịnh đi theo tuệ Minh-sát có tên gọi là Không-định là loại định an-trú vào tướng vô-ngã, Vô-tướng định là loại định an-trú vào tướng vô-thường, Vô-nguyện định là loại định an-trú vào tướng khổ.

Thông thường, Định là dùng để chỉ cho thiền Chỉ, là loại định trong tám tầng thiền: 4 tầng thiền hữu-sắc và 4 tầng thiền vô-sắc. Trong lãnh-vực này có ba loại định là:

1. Tiên -khởi định.
2. Cận -định.
3. An-chỉ định.

Tiên-khởi định là loại định thông-thường, trụ vào ấn-tướng ban đầu (còn có tên gọi là sát-na định -khaṇa samādhi). Cận-hành định là loại định già mạnh có được bốn chi-thiền là: tầm, tứ, hỷ, lạc. An-chỉ định là chỉ cho tám tầng thiền mà hành-giả chứng đạt được.

Tiên-khởi định và cận-hành định có thể gom vào cận-định. Ðiều-kiện giúp cho định sanh-khởi tốt đẹp là sự an-tịnh (passaddhi), chỉ có tâm an-tịnh mới dễ-dàng trụ trong đề mục thiền.

Tâm có an-tịnh và trụ mới thấy sự vật đúng theo chân-tướng, như nước yên-lặng không còn xao-động, hành-giả mới thấy rõ những gì ở đáy chén nước.

Ðịnh là trạng-thái ổn-định vững-chắc của tâm, ví như ngọn lửa không chao-động ở nơi không có gió. Khi tâm đã trú-vững trong đề mục thì không thể có những ngọn gió năm trần-dục được, nên đức Phật gọi trạng-thái sơ-thiền là: "Trạng-thái hỷ-lạc có tầm có tứ, do ly-dục, ly bất-thiện pháp sanh". Trạng-thái nhị-thiền là: "Trạng-thái hỷ-lạc không tầm không tứ, do định sanh...".

Nhưng đó không phải là định giác-chi, vì nó không hướng về giải-thoát, bao giờ định hướng về giác-ngộ đạo-quả, hướng về Níp-bàn giải-thoát khổ, khi ấy mới gọi là định giác-chi.

Trong kinh tạng có ghi câu chuyện: Trưởng-lão Sārīpuṭṭa theo lời thỉnh-cầu của ông Bà-la-môn lâm trọng-bệnh sắp mệnh-chung. Trưởng-lão Sārīpuṭṭa thuyết-giảng pháp thoại hướng dẫn Bà-la-môn ấy an-trú vào sơ-định trước khi lâm-chung. Sau khi mệnh-chung ông Bà-la-môn tái-sanh về cõi sơ-thiền là vị phạm-thiên. Nghe được câu chuyện, đức Phật rầy Ngài Sārīpuṭṭa: Vì sao chỉ an-trú vị ấy vào cảnh giới phạm-thiên, trong khi vị ấy có khả-năng chứng-đắc đạo-quả.

Dĩ nhiên, hành-giả muốn tu-tập định giác-chi, trước hết phải tu-tập định-nhập, tức là phải lìa bỏ trong tâm những bất-thiện pháp, không đắm-nhiễm trong dục. Không có bất-thiện pháp, đồng nghĩa là thiện-pháp, là làm bạn với thiện. Làm bạn với thiện là điều báo hiệu cho định giác-chi sanh-khởi và tăng-trưởng.

Ðiềm báo hiệu định tu-tập xuất hiện (tức sơ-định, nhị-định...) là giới thanh-tịnh. Hành-giả muốn trau dồi tâm định, phải có sự quyết tâm trau dồi giới-hạnh được tinh nghiêm, chính giới-hạnh nuôi dưỡng đời sống tâm linh ngày càng trong sáng như vỏ ốc xa-cừ được đánh bóng. Tâm được trau dồi sẽ tiêu trừ những khát-vọng, thanh-lọc những ô-nhiễm làm tâm trở nên tinh-khiết. Tâm không bị năm trần-cảnh làm loạn-động, đó là tâm định. Khi định được phát-triển cao độ, dầu ở trong hoàn cảnh trái nghịch nào cũng không làm nó lay động, nghiêng ngã.

Người thực-hành pháp thiền-định với nguyện vọng thành định giác-ngộ phải đương đầu với năm pháp chướng-ngại trong hai lãnh-vực: thiền-định và giác-ngộ. Năm pháp chướng-ngại đã được giải thích ở phần trước.

Ðối với những người muốn giải-thoát khổ, thì đắc thiền không phải là mục tiêu, mục tiêu cần nhắm đến là đạo-quả mà năm trần-cảnh là mối nguy hại không nhỏ. Cho dù hành-giả có đắc thiền, an-trú tâm vào định tướng chăng nữa, chỉ khinh suất dể-duôi chạy theo dục tất cả những gì tích lũy được chỉ còn là con số không.

Trong Chú giải Bổn-sanh, Bồ-tát của chúng ta có tên là Lohaṃsaka, là một đạo sĩ ở núi Tuyết-lãnh vùng Himalaya đã chứng-đắc được tám tầng thiền cùng với năm pháp thần-thông. Có lần, Ngài xuống núi tìm muối và dấm. Ðức-vua xứ Bārāṇasī hoan-hỷ với sắc tướng và đạo-hạnh của Ngài, cung-thỉnh Ngài ngự trú ở vườn ngự-uyển của đức-vua, chỉ vì dể-duôi, bị sắc đẹp của Hoàng-hậu cuốn hút. Thế là, Ngài phạm giới. tất cả tầng thiền và pháp thần-thông đều mất sạch, Ngài phải đi bộ về thảo-lư của mình trong vườn ngự-uyển. Về sau, Ngài nỗ-lực chứng-đắc lại những pháp thượng-nhân ấy, bay về núi rừng Tuyết-lãnh, sống luôn ở đó, không bao giờ bén mảng đến kinh-thành xa-hoa diễm-lệ nữa.

Câu chuyện về Devadaṭṭa cũng giúp chúng ta suy-gẫm về mối nguy-hiểm sống trong dục. Devadaṭṭa là vị tỳ-khưu trong Pháp-luật của đức Phật, ban đầu, vị ấy là bậc đạo-hạnh tốt đẹp, đến nỗi trưởng-lão Sārīpuṭṭa ca tụng ở trong thành Rājagaha (Vương-xá thành). Và Devadaṭṭa chứng-đắc năm pháp thần-thông phàm. Về sau, chỉ vì những lợi-dưỡng của trần-dục, Devadaṭṭa đã gây ra ác-nghiệp cho mình, cho cả người khác là vua Ajāṭasaṭṭu. Thế rồi, một tư-tưởng xuôi theo chiều dục-vọng là muốn lãnh-đạo tăng-chúng, ngay lập tức năm pháp thần-thông mất cùng lúc với ý nghĩ ấy, vì chạm phải đối-tượng không nên chạm đến là Tăng-chúng.

Có suy-gẫm những tác hại đầy nguy-hiểm của năm dục tăng-trưởng, chúng ta mới kinh-sợ trước năm dục-lạc và gìn-giữ tâm không đắm-nhiễm vào nó. Hành-giả đắc thiền, không còn tạo nghiệp bất-thiện, vì đã chế-ngự được năm pháp chướng-ngại. Tuy nhiên, những ô-nhiễm vẫn tiềm tàng sâu kín bên trong, chẳng khác gì những cây kim tẩm độc có thể làm chết người, được giấu dưới lớp chăn bông dày.

Biện-pháp an-toàn tối thiểu là phải làm sao có thể có được chất kháng-sinh không bị thiệt mạng, không bị khổ nếu chạm phải cây kim tẩm độc tính ấy. Biện-pháp an-toàn tối thiểu ấy là đạo-quả Dự-lưu, vị Thánh Dự-lưu không còn sợ-hãi đối với bốn khổ-cảnh. Trong đời sống thường nhật, các vị Thánh Dự-lưu vẫn tiếp chạm với năm dục trần như bà Visākhā, ông Anāṭhapiṇḍika, vua Bimbisāra... nhưng các vị ấy được an-toàn trước bốn khổ-cảnh.

Như thế, chúng ta thấy rằng: môi trường thiếu vắng hay không có dục-lạc là môi trường tốt đẹp giúp cho định chưa sanh được sanh-khởi, định đã sanh-khởi được tăng-trưởng.

Một sinh-viên chuyên cần học tập, chăm chú vào sách vở, rút vào nơi yên-tĩnh, cắt đứt liên lạc với mọi yếu tố chao-động bên ngoài, tự "trói-buộc" vào không gian thuận lợi trong việc học tập, người sinh-viên này sẽ thành-công trong kỳ thi tốt nghiệp. Cũng vậy, hành-giả tự rút mình vào tịnh-thất hay một nơi yên tĩnh nào đó, xa lánh những cuộc vui điên rồ, những tranh chấp tệ hại giữa những người đang quây quần trong dục-lạc, chú tâm vào thiền tịnh, chiến đấu không hề mệt mỏi với năm pháp chướng-ngại.

Từ đó, nhờ năng-lực của tâm định, hướng tâm quán-xét để thấu đạt những trạng-thái cao siêu mà đức Phật gọi là trạng-thái của bậc Thánh. Chính vì thế, đức Thế-tôn thường khuyên nhắc chư tỳ-khưu:

Idha bhikkhave! bhikkhu araññagaṭo vā rukkhamūlagaṭo vā suññagāragaṭo...".

"Ở đây, này các tỳ-khưu! vị tỳ-khưu đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến nơi thanh vắng không nhà.
"Ở đâu có định ở đó có tuệ. Ở đâu có tuệ ở đó có định". (Tăng-chi kinh)

Ðịnh ở đây là định an-trụ vào vô-thường tướng, vào khổ-tướng, vào vô-ngã tướng.
Tuệ ở đây là tuệ Minh-sát được già mạnh.

Bấy giờ, hành-giả khảy mỏ, phá vỡ cái trứng vô-minh, để mở tung cảnh an-lạc trong lành siêu-thế.

Một câu hỏi được Ngài Sārīpuṭṭa nêu lên, được ghi lại trong bài kinh Mahā gosiṅga suṭṭa (Ngưu giác-lâm đại-kinh) ở Trung-bộ là: "Hạng tỳ-khưu nào có thể làm chói sáng khu rừng Gosiṅga?".

Lần lượt các vị thánh như Ngài Ānanda, Revaṭa, Anuruddha, Mahā kassapa, Moggallāna, Sārīpuṭṭa trình-bày sở đắc của mình, có thể làm chói sáng rừng Gosiṅga. Và Ðức Thế-tôn tán thán tất cả đều khéo nói, rồi Ngài dạy rằng:

"Này Sārīpuṭṭa! vị tỳ-khưu sau khi trì bình khất thực về, sau bữa ăn. ngồi kiết già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt với ý nghĩ rằng: "Ta sẽ không từ bỏ tư thế này, cho đến khi tâm của ta được khéo giải-thoát các lậu-hoặc"".

"Này Sārīpuṭṭa! hạng tỳ-khưu này có thể làm chói sáng khu rừng Gosiṅga".

Thật tuyệt vời, thật ý nhị, đầy cảm hứng với lời dạy đơn giản đầy tính thiết-thực của Ðức Thế-tôn. Hạng phàm-nhân như chúng ta cũng có thể làm chiếu sáng khu rừng, với điều-kiện nỗ-lực thực-hành những lời dạy của Ðức Thế-tôn.

Một vị thiên nhân bạch hỏi Ðức Thế-tôn rằng:

"Nội triền và ngoại triền
Chúng-sanh bị triền-phược
Con hỏi Goṭama!
Ai thoát khỏi triền này".

Ðức Thế-tôn đáp rằng:

"Người có trí trú giới
Tu-tập tâm và tuệ
Nhiệt-tâm và thận-trọng
Vị tỷ kheo thoát triền..."
. (Tương-ưng kinh)

Và Ngài Buddhaghosa dùng kệ-ngôn này mở đầu cho bộ sách Thanh-tịnh-đạo của Ngài.

Triền (sañyojana) là pháp trói-buộc chúng-sanh vào khổ luân-hồi. Tóm lại, định giác-chi là loại định đi chung với tuệ Minh-sát, an-trụ vào ba tướng giải-thoát là Không-tướng, Vô-tướng và Vô-nguyện tướng.

Nguyên-nhân trợ sanh là làm tăng-trưởng định giác-chi có 11 điều là:

1) Có sự sạch sẽ thân thể cùng vật-dụng.

2) Ðiều hòa quân-bình năm Quyền.

3) Biết rành ấn-tướng của đề mục tức là: biết ấn-tướng nào cần giữ, ấn-tướng nào cần phải từ bỏ.

4) Biết phương-pháp làm tâm tăng-thượng, là tâm đang lui sụt do nhân nào, thì chấm dứt được nhân ấy, khiến tâm trở nên hưng-phấn, hân-hoan. Phương-pháp này cần vận dụng đến ba giác-chi là: trạch-pháp giác-chi, tấn giác-chi và hỷ giác-chi.

5) Biết cách kềm giữ tâm không cho tán-loạn (phóng-dật) do tinh-cần quá độ chẳng hạn... phương cách này cần vận dụng ba giác-chi là: tịnh giác-chi, xả giác-chi và định giác-chi làm cho ba pháp ấy sanh-khởi.

6) Biết cách làm cho tâm hân-hoan khi tâm khô héo, sở dĩ tâm rơi vào thụ-động là do ít vận dụng trí hay không nhận được sự an-vui, do thiếu pháp hỷ làm tâm tươi nhuận. Hoặc giả tâm khô khan là do sự vắng-lặng các Quyền như tín, tấn, niệm, tuệ. Khi tâm rơi vào trạng-thái buồn vơ vẫn, man-mác, do quán-xét về tám nỗi khổ: sanh, lão, bệnh, tử và bốn khổ-cảnh trong quá-khứ lẫn hiện-tại, rồi liên tưởng đến vị-lai. Cần phải đình chỉ nỗi buồn ấy, nên làm cho tâm hân-hoan bằng cách suy niệm về ba ân-đức: Phật-Pháp-Tăng giúp trợ sanh pháp hỷ, đem lại sự thích-thú hân-hoan cho tâm.

Không tham việc đã qua
Không mong việc sắp tới
Sống ngay trong hiện-tại
Do vậy, sắc thù diệu.

Do mong việc sắp tới
Do tham việc đã qua
Nên kẻ ngu héo mòn
Như lá xanh rời cành. (Tương-ưng kinh)

7) Quân-bình tâm, là làm cho tâm không bị co rút bởi hôn-trầm thụy-miên, cũng không loạn-động bởi phóng-dật, cần có sự điều-hòa năm quyền ngang nhau.

Hành-giả cần giữ thái độ an-nhiên như người đánh xe để mặc cho hai con ngựa kéo xe đang chạy đều.

8) Không thân-cận người có tâm vọng động, ám chỉ những người chưa đạt được cận-định hay kiên-cố định.

9) Thân-cận người có tâm trí vững trong định, là người đạt được cận-định hay nhập-định.

10) Quán-xét về thiền và giải-thoát, là dùng trí xem xét lại từng chi-thiền, để xác định sự chứng-đắc thiền của mình.

11) Tác-ý đến sự tu-tập định giác-chi trong mọi oai-nghi.

7- Xả giác-chi (Upekkhā sambojjhaṅga).

Upekkhā ở đây đồng nghĩa với ṭaṭra majjhaṭṭaṭā. Ðặc-tính của upekkhā là xem đối-tượng một cách vô-tư, không thiên-lệch, ví như người đánh xe khéo điều khiển cặp ngựa song hành luôn đi ngang hàng nhau.

Xả là trạng-thái quân-bình tâm, không phải là sự lãnh-đạm dững dưng. Trạng-thái tâm quân-bình là kết quả từ tâm định tĩnh.

Lẽ thường, phàm-nhân khó tránh khỏi chao-động khi phải va chạm thường xuyên vào những cảnh thăng-trầm của cuộc sống. Người trau dồi đức tánh xả này, sẽ không cảm thấy phiền-lụy nhiều trước những cảnh thăng-trầm của cuộc đời, bình thản trước cảnh được hay mất của thế-gian.

Nhiều người không chịu đựng nỗi trước những hạnh-phúc bất ngờ xảy đến khiến phải ngất lịm, cũng như vật-vả khóc than, phiền-muộn khi tài-sản vật-chất bất ngờ "đội nón ra đi". Thậm chí, một lời hứa hảo-huyền về lợi-đắc cũng làm cho họ ôm ấp hy-vọng, khi lời hứa ấy theo gió đi xa, họ lại sầu-khổ, ta-thán. Họ sầu-khổ vì mất món lợi tưởng-tượng, một lợi-lộc xét ra không do họ tạo ra, họ mất cái chưa có trong tay, thế mà họ còn phiền-muộn thì nói gì đến những tài-sản họ có được. Nếu mất những cái họ có trong tay, họ có cảm giác "Chết đi được". Một lời khen xã-giao gọi là, mang đến vui mừng hớn hở cho họ, một lời vô-tình chê trách, họ ôm trong lòng nổi hận-thù truyền-kiếp.

Tất cả những điều ấy, nói lên trạng-thái tâm không được quân-bình.

Trái lại, người có trau dồi tâm quân-bình, sẽ có cái nhìn vô-tư, thản-nhiên trước những biến chuyển của thế-gian, trầm-tĩnh trước những lời khen ngợi, tự-tại trong sự dè bỉu chê bai (nếu sự chê trách ấy không đúng và có ác ý). Ðó là người làm chủ được mình, làm chủ được tâm.

"Selo yaṭhā ekaghano
Vāṭena na samīraṭi
Evaṃ nindāpasaṃsāsu
Na samiñjanṭi paṇḍiṭā
.

Như tảng đá vững-chắc,
không rung chuyển trước gió.
Dường thế ấy, bậc thiện-trí không bị lời tán dương hay chê trách làm chao-động
". (Pháp Cú 81)

Trong Bodhi cariyāvaṭāra, ngài Sanṭideva có viết như sau:

"Khi được ca tụng sẽ có người oán ghét ta. Như vậy, tại sao ta lại thoả thích?.
Khi bị khiển trách, cũng có người khen tặng ta. Như vậy tại sao ta lại than vãn?
".

Người tự chủ, luôn có nụ cười trên môi, xa lìa gương mặt cau có. Sẵn sàng đón tiếp khách lạ, cùng quen và chia sẻ những gì mình có. "Chân lý ấy là người bạn đáng tôn vinh". Có người bảo rằng: "Chỉ có Thánh nhân mới có thái độ trầm-tĩnh quân-bình tâm như thế". Ðúng vậy, đó là cái nhìn của bậc Thánh đối với cuộc đời, các ngài nhìn thế-gian này như nhìn ảo ảnh, như nhìn bọt nước, các ngài đã xa lìa dục-vọng.

Yaṭhā bubbulakaṃ passe
Yaṭhā passe marīcikaṃ
Evaṃ lokaṃ avekkhanṭaṃ
Maccurājā na passaṭi.

"Như ta nhìn bọt nước, như ta nhìn ảo ảnh.
Nếu ngươ øi kia nhìn thế-gian này như vậy.
Tử thần không còn tìm thấy người ấy nữa". (Pháp Cú :170)

Nhưng bậc Thánh từ đâu mà có? Từ sự tinh-cần tu-tập, rèn-luyện tâm, bậc Thánh có được là do từ phàm-phu, các Ngài đã đào bới, bứng đi những ô-nhiễm cấu uế ở trong tâm, không còn đắm say trong hảo-huyền giả tạm của thế-gian, các ngài xem danh-sắc này như mây nổi, như gió thổi, như giấc chiêm bao.

Các ngài cũng từ phàm-nhân, cố-gắng nỗ-lực điều-phục tâm, để rồi trở thành bậc vô-nhiễm trước mọi hệ lụy cuộc đời.

Thế thì, vì sao ta lại không theo gương các ngài nhỉ? Vì sao ta lại khước từ địa vị "bậc Thánh" mà xét ra ta có thể nhận được? Hãy lên đường, nếu ta muốn trở thành bậc cao quí như các ngài. Hành-giả cũng nên ghi nhận: thái độ thản-nhiên trước những biến-động, không phải là sự lãnh-đạm, thờ ơ mà là một thái độ khách-quan không thiên-lệch. đức Phật có dạy rằng:

"Sukhena phuṭṭhā aṭhavā dukhena
Na uccāvacaṃ paṇḍiṭā dassayanṭi".

Dù hạnh-phúc hay đau-khổ,
bậc thiện-trí không bồng bột
cũng không để tinh-thần suy sụp
. (Pháp cú 83)

Thái độ khách-quan là cái nhìn có trí-tuệ, có suy-nghiệm, đồng thời chấp-nhận: Ðó là sự-thật không thể khác được, là định-luật không thể biến cải được.

Ðịnh-luật gì? -Ðịnh-luật vô thường. Sự-thật gì? -Sự-thật khổ-lụy. Cái gì vô thường? Cái gì khổ-lụy? - Ðó là thế-gian. Thế-gian được cấu tạo bởi những gì? -Bởi danh-sắc.

Vậy thì, khóc than, vật-vả có ích gì, có làm thay đổi được khổ-lụy đâu, đồng thời làm sao có thể thích-thú hân-hoan với sự khổ chứ. Tốt nhất, chọn thái độ thản-nhiên, trầm-tĩnh.

Ko nu hāso kimānando
Niccaṃ pajjaliṭe saṭi
Andhakārena onaddhā
Padīpaṃ na gavessaṭha
.

"Thích-thú vui cười là gì, hoan-hỷ khoái-lạc là gì,
khi thế-gian không dứt bừng cháy, bị bao trùm trong đêm tối.
Sao không đi tìm ánh sáng?
". (Pháp cú 146)

Danh-sắc này là một gánh nặng khổ-não, chí đến bậc Thánh A-la-hán đã tận diệt mọi ô-nhiễm trong tâm, nhưng khi nghĩ đến danh-sắc sinh diệt không ngừng nghĩ này, các Ngài cảm thán rằng: "Ôi! gánh nặng danh-sắc, ta còn phải mang ngươi cho đến bao giờ nữa đây?". Cho đến bao giờ các Ngài viên tịch, bấy giờ toàn bộ các gánh nặng đều trút xuống: không còn phiền-não, không còn năm uẩn, không còn pháp-hành.

Thái độ trầm-tĩnh, có phải là tiêu cực, bi quan yếm thế không?- Không, chấp-nhận nó là sự khổ, nhưng không chấp-nhận bị giam hãm trong lao tù khổ-não mà tìm cách vượt ra khỏi khổ. Ðó là thái độ tích cực tiềm-ẩn trong sự trầm-tĩnh. Ðức Phật gọi đó là xả giác-chi.

Liên-hệ giữa xả giác-chi và giới, chính là chất say, men rượu, rượu và chất say làm mờ lý trí, đồng thời tác động đến tâm, khiến tâm không thể trầm-tĩnh được.

Có người hỏi rằng: Vì sao được gọi là bậc Thánh?

"Ngoại-trừ lãnh-vực chứng-đắc, diệt trừ ô-nhiễm chỉ có Ngài, ngang bằng Ngài hoặc cao hơn Ngài biết được mà thôi. Còn trong lãnh-vực ứng xử với thế-gian, các Ngài hoan-hỷ trong những hoàn cảnh khó hoan-hỷ, nhẫn nại trước những điều khó nhẫn nại, các ngài im lặng trong khi muốn nói, mang lợi-ích đến cho đời, trong khi Ngài chẵng cần thiết đến lợi-ích ấy lắm.

Chỉ thế thôi! Thật giản dị nhưng khó thực hành.

Ðức Phật vì lòng bi mẫn tế độ hai ông bà Bà-la-môn Māgandiya, giúp hai ông bà chứng-đắc quả A-na-hàm, lời thuyết-giảng về bản chất thể trược làm phật ý cô Māgandiyā con gái của ông.

Khi được làm Hoàng-hậu của vua Udena, Hoàng-hậu Māgandiyā thuê bọn côn đồ mắng chữi đức Thế-tôn tàn tệ, đến nỗi Ngài Ānanda là bậc Thánh Dự-lưu chịu không nỗi (vì lòng thương kính đức Thế-tôn).

Trong khi ấy, đức Thế-tôn vẫn im lặng chịu đựng, Ngài Ānanda bạch rằng:

- Bạch Thế-tôn! Dân chúng ở đây mắng nhiếc đức Thế-tôn quá lẽ. Bạch Thế-tôn, xin Thế-tôn hãy đi nơi khác.

- Này Ānanda! Ðến xứ khác họ cũng mắng chữi nữa thì sao?

- Bạch Thế-tôn! Thế-tôn sẽ ngự đến nơi khác nữa.

- Này Ānanda! Ðó không phải là cách tốt, này Ānanda! Nhân sanh nơi nào hãy diệt nơi ấy.

Rồi Ngài nói lên kệ-ngôn:

Ahaṃ nāgo’ va saṅgāme
Cāpāṭo paṭiṭaṃ saraṃ
Aṭivākyaṃ ṭiṭikkhissaṃ
Dussīlo hi bahujjano.

"Như voi chiến ở trận địa,
hứng lãnh lằn tên mũi đạn.
Cùng thế ấy, Như-lai sẽ chịu đựng lời nguyền rủa.
Ðúng vậy, phần đông sống không giới-luật". (Pháp-cú 320)

Có người không hoan-hỷ với trưởng lão Sārīpuṭṭa, nhân lúc Ngài đi trì bình khất thực, y từ sau đánh vào người Ngài, Ngài hỏi rằng: "cái chi vậy, cái chi vậy?". Những tín-đồ thấy Ngài vô cớ bị đánh đập, xông đến định đánh người kia, trưởng lão Sārīpuṭṭa dùng thân mình che chắn cho y khỏi bị đánh, Ngài hỏi rằng:

- Các ngươi định làm gì người này?.

- Bạch Ngài! Chúng tôi sẽ đánh nó, vì nó vô cớ đánh Ngài.

- Người này đánh ta hay đánh các người?.

- Bạch Ngài! Nó đánh Ngài.

- Vậy thì các người hãy đi đi, đừng làm tổn hại đến người khác, trong khi người ấy không gây tổn hại đến các ngươi.

Và đám đông giải tán theo lời dạy của Ngài.

Câu chuyện bổn-sanh về đạo sĩ Jampūjīvaka, tiền thân là vị tỳ-khưu trụ trì ở một tự viện, do tâm sợ tổn thất lợi-đắc đã mắng chữi vị Thánh A-la-hán rằng:

"Ông không nên mặc y của tín thí dâng cúng, chỉ nên lõa-thể, không nên cạo tóc bằng dao cạo, nên cạo tóc bằng lá thốt nốt, không nên dùng vật-thực thượng vị, chỉ nên dùng phẩn làm vật-thực".

Vị Thánh A-la-hán suy nghĩ: "Người này đang bị ác dục xâm chiếm, nếu ta còn lưu trú ở đây, y sẽ tạo nhiều ác trọng-nghiệp, vậy ta hãy ra đi". Thế rồi, Ngài cầm y bát, lặng lẽ ra đi, không nói một câu.

Trong Milindapañhā (Mi-tiên vấn đáp) có ghi: Ngài Rohana trú ở xứ Kaṭaṇgara, thường xuyên đi khất thực trước nhà ông Bà-la-môn Sonuṭṭara, trọn bảy năm mười tháng, với mục-đích tế độ đồng tử Nāgasena. Suốt thời gian ấy, Ngài không nhận được vật gì, ngoài những lời thô kệch như chữi mắng... Cuối cùng Ngài cũng thành-tựu mục-đích là tế độ được đồng tử Nāgasena.

Còn rất nhiều và rất nhiều hình ảnh cao quí như thế xuyên qua kinh-điển và chú giải.

Như trong Trung-bộ kinh, bài kinh Puṇṇavāda suṭṭa (kinh Giáo-giới Phú-lâu-na), nói lên đức điềm tĩnh và nhẫn nại của Ngài Puṇṇa. Nếu hỏi giữa hội-chúng đông đảo rằng:

"Quí vị có làm được như các Ngài không?".

Phần đông sẽ lắc đầu, đáp rằng: "Khó làm lắm, khó làm lắm".

Có người sẽ trả lời rằng: "Chỉ có bậc Thánh mới làm được như vậy".

- Vâng! Ðúng thế, có làm được như vậy mới tiến gần đến bậc Thánh.

Nhưng xét cho cùng: mọi người có thể làm được chỉ với điều-kiện: "Có sự kiên-trì nhẫn nại với cái tâm trầm-tĩnh". Ðiều này không vượt quá khả-năng con người. Kinh-điển ghi nhận: có bốn con đường dẫn dắt chúng-sanh rơi vào đọa lạc là:

- Con đường tham-ái.
- Con đường sân-hận.
- Con đường sợ-hãi, nhu-nhược (bhaya).
- Con đường lầm-lạc si-mê.

Người nào đi trên một hay cả bốn con đường ấy, sẽ tạo nghiệp bất-thiện. Nhưng người nhờ trau dồi đức-tính trầm-tĩnh (upek-khā), luôn xa lánh những con đường ấy. Với sự tinh-khiết quân-bình tâm, người ấy nhìn rõ ràng sự vật, do không bị thiên-lệch vì cảm tính chấp trước, sẽ nhìn thấy diễn tiến của pháp-hành một cách vô-tư.

Hành-giả tu-tập tập xả giác-chi, nên quán-xét về nghiệp-báo, đó là nhân gần để nuôi dưỡng sự xa lìa bất-thiện nghiệp, đồng thời suy-gẫm về nghiệp quả của mình đã tạo, tất cả những vui, buồn, hạnh-phúc, đau-khổ ... đều là nhân, là quả cả. Biết được vậy rồi, hành-giả nhủ tâm rằng: "đó là nhân-quả, đó là nghiệp-báo, có chi đâu mà phải bận tâm".

Dần dần hành-giả phát hiện ra ân-đức cao quiù của sự điềm-tĩnh.

Nhân trợ sanh xả giác-chi

Có năm nhân trợ sanh và làm tăng-trưởng xả giác-chi là:

1) Bình thường với tất cả chúng-sanh, là giữ thái độ ôn-hòa, không tranh hơn thua, không thương, không ghét với mọi người, mọi giới.
2) Thản-nhiên với sự vận chuyển của pháp-hành.
3) Không thân-cận với người có tính bảo-thủ, là người có tính nắm giữ thương, ghét với mọi người mọi giới.
4) Thân-cận với người trung lập.
5) Chú tâm thiên về, hướng về xả giác-chi.

Ðối với hành-giả thiền Chỉ, xả giác-chi hiện rõ khi chứng-đắc tam thiền, một trạng-thái an lạc, bậc Thánh gọi là xả-niệm lạc-trú (upekkhaṭo saṭimā sukkha vihāri). Ðối với hành-giả thiền Quán, xả giác-chi hiện rõ khi chứng-đắc tuệ Hành-xả. Còn những giai-đoạn khác, xả giác-chi đang tu-tập và dần dần tăng-trưởng.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02.a | 02.b | 02.c | 02.d | 03 | 04 | 05 | 06 | 07.a | 07.b | 07.c | 08.a | 08.b

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 24-08-2003