BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


 

KINH PHÁP CÚ
DHAMMAPADA

Tác giả: Nārada Mahāthera
Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

16. THÂN ÁI - PIYA VAGGA

Hãy tránh những gì phải tránh

1. Ayoge yuñjam attānaṁ - yogasmiñ ca ayojayaṁ

Atthaṁ hitvā piyaggāhī - pihet' attānuyoginaṁ.

1. Gắn bó vào những gì phải tránh 1, không gắn bó vào những gì phải theo đuổi 2, và từ bỏ mục tiêu 3, kẻ chạy theo dục lạc sẽ ganh tị người chuyên cần 4. 209.

Hãy từ bỏ cái "thân" và cái "không thân"

2. Mā piyehi samāgañchi - appiyehi kudācanaṁ.

Piyānaṁ adassanaṁ dukkhaṁ appiyānañ ca dassanaṁ.

2. Không nên tự ràng buộc vào những gì thân yêu 5, không bao giờ tự ràng buộc vào những gì không thân. Không gặp những gì mình thân yêu, và gặp những gì mình không thân yêu, cả hai (trường hợp) đều đau khổ. 6 210.

Không nên thân yêu

3. Tasmā piyaṁ na kayirātha - piyâpāyo hi pāpako

Ganthā tesaṁ na vijjanti - yesaṁ natthi piyâppiyaṁ.

3. Do đó, không nên thân yêu, vì xa lìa những gì thân yêu là khổ. Với người không có gì thân hay không thân, không còn dây trói buộc. 211.

Tích chuyện

Một chàng thanh niên được cha mẹ hết lòng thương yêu, xuất gia Tỳ-khưu mà không được cha mẹ ưng thuận trước. Về sau, cha mẹ thầy cũng xuất gia. Tuy nhiên cha mẹ và con không thể sống rời nhau và không thể dứt tình phụ mẫu. Nghe câu chuyện, Ðức Phật giảng những lời trên.

Chú thích

1.- Gắn bó vào những gì phải tránh - là lân la đến những nơi không thích hợp với đời sống xuất gia.

2.- Không gắn bó vào những gì phải theo đuổi - là không chuyên cần chánh niệm (yoniso manasikāra).

3.- Mục tiêu - là thực hành giới, định, tuệ, cao thượng.

4.- Thầy Tỳ-khưu không có sự phân biệt chơn chánh, từ bỏ mục tiêu là thực hành Giới, Ðịnh, Tuệ, luyên ái theo nhục dục ngũ trần, trở về đời sống cư sĩ. Về sau thầy Tỳ-khưu ấy sẽ ăn năn và sanh lòng ganh tỵ sự thành công của những vị chuyên cần.

5.- Những gì thân yêu - kể cả người, thú và vật.

6.- Cả hai trường hợp đều đau khổ - một đàng là luyến ái, đàng khác là oán ghét.

Thân yêu sanh sầu muộn

4. Piyato jāyati soko - piyato jāyati bhayaṁ

Piyato vippamuttassa - natthi soko kuto bhayaṁ.

4. Thân yêu sanh sầu muộn. Thân yêu sanh lo sợ. Người đã trọn vẹn cắt đứt tình thân không còn sầu muộn, càng ít lo sợ. 212.

Tích chuyện

Một người cha nọ lấy làm sầu muộn vì đứa con thân yêu vừa chết, Ðức Phật đến thăm và an ủi ông với những lời trên.

Trìu mến sanh sầu muộn

5. Pemato jāyati soko - pemato jāyati bhāyaṁ

Pemato vippamuttassa - natthi soko kuto bhayaṁ.

5. Trìu mến sanh sầu muộn. Tríu mến sanh lo sợ. Người đã trọn vẹn dập tắt lòng trìu mến không còn sầu muộn, càng ít lo sợ. 213.

Tích chuyện

Visākhā vừa mất đứa cháu thân yêu. Khi bà đến chùa, Ðức Phật đọc câu kệ trên để an ủi bà.

Luyến ái sanh sầu muộn

6. Ratiyā jāyati soko - ratiyā jāyati bhayaṁ

Ratiyā vippamuttassa - natthi soko kuto bhayaṁ.

6. Luyến ái sanh sầu muộn. Luyến ái sanh lo sợ. Người đã trọn vẹn dứt lìa luyến ái không còn sầu muộn, càng ít lo sợ. 214.

Tích chuyện

Vài vị hoàng tử ganh tỵ lẫn nhau vì một gái giang hồ. Ðức Phật giải thích về hậu quả tai hại của sự luyến ái.

Tham dục sanh sầu muộn

7. Kāmato jāyati soko - kāmato jāyati bhayaṁ

Kāmato vippamuttassa - natthi soko kuto bhayaṁ.

7. Tham dục sanh sầu muộn. Tham dục sanh lo sợ. Người đã trọn vẹn dập tắt tham dục không còn sầu muộn, càng ít lo sợ. 215.

Tích chuyện

Một hoàng tử bản tánh không ưa đàn bà, về sau đem lòng thương một mỹ nữ xinh đẹp mà ông chưa từng gặp, nhưng đã được chọn để làm vợ ông. Trong khi người ta đưa thiếu nữ vào cung hầu ông thì không may thình lình cô chết. Hoàng tử rất sầu muộn. Ðức Phật đọc câu kệ trên để khuyên giải hoàng tử.

Ái dục sanh sầu muộn

8. Taṇhāya jāyati soko - taṇhāya jāyati bhayaṁ

Taṇhāya vippamuttassa -natthi soko kuto bhayaṁ.

8. Ái dục sanh sầu muộn. Ái dục sanh lo sợ. Người đã trọn vẹn dập tắt ái dục không còn sầu muộn, càng lo sợ. 216.

Tích chuyện

Một vị Bà-La-Môn làm ruộng, được Ðức Phật đến thăm hằng ngày, nói rằng sau khi gặt lúa xong ông sẽ chia với Ðức Phật phân nửa mùa. Không may, một trận bão làm tiêu tan mùa màng và vị Bà-La-Môn lấy làm sầu muộn vì không thể giữ lời hứa. Ðức Phật đến thăm và khuyên giải ông. Ngài giảng về bản chất của ái dục.

Người giới hạnh được tất cả kính mộ

9. Sīladassanasampannaṁ - dhammaṭṭhaṁ saccavedinaṁ

Attano kammakubbānaṁ - taṁ jano kurute piyaṁ.

9. Người toàn hảo trong giới hạnh 1 và giác tuệ 2, kiên cố trong Giáo Pháp 3, chứng ngộ chơn lý 4, và làm tròn nhiệm vụ 5 - Người ấy được mọi người kính mộ. 217.

Tích chuyện

Vài người thanh niên cầm bánh trong tay khi Ðức Phật và chúng Tăng đi ngang qua mà không cúng dường. Ðến khi Ðại đức Ca-Diếp (Kassapa) ở phía sau đi tới thì các chàng thanh niên kia hoan hỉ kính dâng bánh đến Ngài. Ðại đức Ca-Diếp (Kassapa) khuyên các thanh niên nên dâng đến Ðức Phật và chư Tăng, lúc ấy đang ngồi bên đàng, gần đó. Các vị Tỳ-khưu tỏ vẻ không vui, cho rằng có sự thiên vị. Lúc bấy giờ Ðức Phật dạy rằng chí đến chư Thiên cũng hết lòng kính mộ Ðại đức Ca-Diếp và Ngài đọc câu kệ trên.

Chú thích

1. Giới hạnh - bốn loại giới hạnh.

2. Giác tuệ - đó là tuệ giác có liên quan đến bốn Ðạo và bốn Quả siêu thế.

3. Kiên cố trong Giáo Pháp - đó là chín trạng thái siêu thế. Xem chú thích câu 115.

4. Chứng ngộ Chơn Lý - Saccavedinam, "nói chơn lý" (Bà Rhys Davids). Chơn Lý ở đây là Tứ Diệu Ðế.

5. Làm tròn nhiệm vụ - là thực hành đầy đủ Giới (Sīla), Ðịnh (Samādhi) và Tuệ (Paññā).

Người không luyến ái, ở phía trên dòng suối

10. Chandajāto anakkhāte - manasā ca phuṭo siyā

Kāmesu ca appaṭibaddhacitto - uddhaṁsoto'ti vuccati.

10. Người đã trau dồi chú nguyện thành đạt pháp ly ngôn 1 (tức Niết-bàn), người mà tâm không còn xúc động (với ba Quả vị), người mà tâm không bị dục lạc trói buộc - người như thế, gọi là "bậc thượng lưu". 218.

Tích chuyện

Vài người học trò hỏi thầy - vốn đã đắc quả A-Na-Hàm - xem thầy đã đắc từng thánh nào chưa. Ông thầy không trả lời câu hỏi rằng người cư sĩ có thể đắc quả A-Na-Hàm được không, ông chờ đến khi đắc quả A-La-Hán rồi sẽ giải đáp luôn. Bất hạnh thay, ông thầy sớm viên tịch và tái sanh vào Cảnh Giới Thanh Tịnh (Suddhāvāsa) là nơi mà chư vị A-Na-Hàm tái sanh vào để tiếp tục tu hành đến ngày đắc quả A-La-Hán. Mấy người học trò khóc lóc đến hầu Phật. Ðức Phật dạy rằng không ai có thể tránh khỏi chết. Mấy người học trò lấy làm tiếc rằng ông thầy chưa giải đáp câu hỏi. Nhơn đó Ðức Phật đọc câu kệ trên.

Chú thích

1. Pháp ly ngôn - Anakkhāta, không tuyên ngôn được, hay không thể dùng ngôn ngữ của người tại thế để diễn đạt được. Ðó là Niết-bàn. Gọi như thế vì ta không thể nói rằng Niết-bàn có được tạo ra không, hay ở đó có màu sắc như xanh đỏ v.v... không. (Bản chú giải).

2. Ba Quả vị - tức ba từng Thánh đầu tiên là Tu-Ðà-Hườn quả, Tư-Ðà-Hàm quả và A-Na-Hàm quả.

3. Bậc thượng lưu - ý nói chư vị A-Na-Hàm (Bất Lai). Sau khi viên tịch các Ngài sanh vào Cảnh Giới Thanh Tịnh và không khi nào tái sanh vào Dục Giới vì đã tận diệt mọi ái dục.

Phước báu đón rước người hành thiện

11. Cirappavāsiṁ purisaṁ - dūrato sotthim āgataṁ ñatimittā suhajjā ca - abhinandanti sāgataṁ.

12. Tath' eva katapuññam pi - asmā lokā paraṁ gataṁ

Puññāni paṭigaṇhanti - piyaṁ ñātiṁ' va āgataṁ.

11. Người đi xa nhà từ lâu, được thân bằng quyến thuộc đón mừng nồng hậu lúc trở về an toàn. 219.

12. Cùng thế ấy, người hành thiện, đi từ thế gian này đến thế gian kế, được hành động thiện của mình đón rước như người thân thuộc từ phương xa trở về. 220.

Tích chuyện

Một người giàu có, nhiều tâm đạo, đã làm nhiều điều lành. Ở trên một cảnh Trời đã có nơi sẵn sàng để đón rước ông trong khi ông còn sống ở đây. Ðức Phật giảng về hành động lành hiện tại và trạng thái an nhàn trong tương lai.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet này (Bình Anson, 01-2004).


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 08-01-2004