Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Ý, Tình, Thân

Thích Trí Siêu


 6. Vấn đề của Ý

Ý là đầu dây mối nhợ của phiền não, là anh cả trong Ba Mình. Chúng ta sống hạnh phúc hay khổ đau đều từ Ý mà ra. Ý luôn hoạt động không ngừng (trừ khi ta ngủ mê), nó suy nghĩ cái này, tưởng nhớ cái kia, suy tư, phán xét, lo lắng, v.v... Nhiều lúc ta muốn nó nghỉ một chút cho ta khỏe, nhưng nó vẫn tiếp tục làm việc. Ý thức làm việc rất siêng năng, đến nỗi nó có thể làm cho ta phát khùng hay điên lên được, phải uống thuốc an thần, thuốc ngủ hoặc lấy súng bắn vào đầu thì nó mới yên.

Vọng tưởng

Trên văn tự, vọng có nghĩa là sai, tưởng là những ý tưởng hay nhận thức. Vọng tưởng có nghĩa là ý nghĩ sai lầm. Ban đêm đi một mình trên đường vắng, ánh trăng lờ mờ chiếu xuống một lùm cây, nhìn vào đó ta tưởng là ma rồi hoảng hồn ù té chạy. Bóng cây mà tưởng là ma.

"Trong ngôn ngữ thông dụng hàng ngày, chữ tưởng thường được hiểu là tưởng lầm. Tôi tưởng hôm nay trời đẹp, hóa ra trời xấu. Tôi tưởng anh đến hôm qua, ai dè hôm nay anh mới đến. Tôi tưởng sự vật như thế này, nhưng thực tế sự vật lại như thế khác. Cứ thế "tưởng" được dùng theo nghĩa hiểu lầm, tưởng lầm. Như vậy vô tình nó cho thấy sự nhận thức (tưởng) của ta thường là một sự nhận thức sai lầm"[15]. Sự vật vô thường mà ta tưởng là thường, sự vật vô ngã mà ta cho là có ngã.

Trong giới thiền môn, mỗi khi đang ngồi thiền ý nghĩ khởi lên loạn xạ kéo ta đi thì đa số gọi đó là vọng tưởng, nhưng đối với tôi cái đó không phải vọng tưởng mà là tạp niệm tức sự nhớ nghĩ lung tung bất định.

Trong tiếng Pháp chữ tưởng được dịch là "croire", tiếng Anh là "believe", vọng tưởng được dịch là "fausse croyance" hoặc "wrong belief". Danh từ vọng tưởng mà tôi đề cập ở đây và trong suốt tập sách này có nghĩa là sự tin tưởng sai lầm chứ không phải ý nghĩa vọng tưởng của Thiền Tông. Vọng tưởng ở đây bao gồm cả thành kiến (préjugé), quan niệm (concept), tập quán (coutume), phóng chiếu (projection)[16], v.v...

Nếu để ý quan sát dòng tư tưởng hay suy nghĩ của mình ta sẽ thấy nó khởi lên và trôi chảy theo một chiều hướng khá nhất định. Nói cách khác, cái thói quen suy nghĩ và nhận thức của ta bị ảnh hưởng bởi những cái tưởng của ta. Sống ở đời ai nấy đều có tưởng, không tin tưởng cái này thì tin tưởng cái kia. Người tin Phật, người tin Chúa, người tin Allah, ngay đến những người vô thần không theo đạo tưởng mình không có lòng tin nhưng thật ra họ đã tin vào cái tưởng vô thần của họ, tin vào mãnh lực đồng tiền, hoặc tin vào chủ nghĩa này chế độ nọ, v.v...

Trên chân lý tuyệt đối, tất cả những cái tưởng của chúng ta phần nhiều sai lầm vì chúng ta chưa giác ngộ, chưa thấy được bản tánh và pháp tánh, nhưng trên phương diện tương đối những cái tưởng của ta đôi khi có cái đem lại hạnh phúc và cũng có cái đem lại khổ đau. Cái tưởng đem lại khổ đau tôi gọi là vọng tưởng (fausse croyance, wrong belief).

Thời xa xưa tất cả mọi người đều tin tưởng mặt đất bằng phẳng và mặt trời mọc lên lặn xuống từ lòng đất. Sau đó người ta nhận ra mặt đất không phải thẳng mà là tròn và mặt trời bay vòng quanh trái đất. Mãi đến thế kỷ thứ 15, Copernic chứng minh là trái đất quay xung quanh mặt trời nhưng lúc đó trái với sự tin (tưởng) của quần chúng nên ông bắt buộc phải từ bỏ sự khám phá của mình nếu không sẽ bị đưa lên dàn hỏa thiêu.

Bà con của vọng tưởng gồm có: tưởng tượng, mơ tưởng, mộng tưởng và ảo tưởng. Tưởng tượng (imagination) là nghĩ tưởng và hình dung ra những chuyện chưa có hoặc không có. Thông thường những ý tưởng tượng này không kéo dài nên chỉ thoáng chốc là ta sực tỉnh, biết mình tưởng tượng. Mơ tưởng và mộng tưởng có vẻ giống nhau, nhưng mơ nhẹ hơn mộng, tiếng Anh mơ tưởng là daydream tức là giấc mơ ban ngày. Thí dụ tôi thèm chức tước quyền hành nên tôi mơ tưởng ngày nào đó tôi sẽ làm tổng thống, sẽ có người hầu kẻ hạ và tôi sẽ ra lệnh này nọ, v.v... Nếu ý tưởng này chỉ thoáng khởi lên rồi biến mất thì đó là tưởng tượng, nhưng nếu nó trở đi trở lại hoài thì gọi là mơ tưởng. Nếu mơ như vậy hoài đến nỗi tôi bắt đầu tưởng mình là tổng thống thật, đi đâu cũng ra oai, hách xì xằng, sai khiến kẻ khác, bắt họ phải hầu mình. Đây là tôi đã đi vào mộng tưởng, sống trong mộng mà không hay, cứ tưởng là thật. Bát Nhã Tâm Kinh có nói Bồ Tát khi dùng trí huệ Bát Nhã quán chiếu thâm sâu thì sẽ xa lìa điên đảo mộng tưởng, đạt đến Niết Bàn. Như thế thì biết mộng tưởng rất quan trọng và là một vấn đề lớn cần giải quyết. Ảo tưởng (illusion) là những ý tưởng sai lầm không đúng với sự thật, nó giống như trò ảo thuật khởi lên trong tâm mà ta không biết cứ tưởng là thật.

Quan niệm

Quan niệm (hay khái niệm) là những ý nghĩ, suy tư, cảm giác, nhận xét mà ta đóng lại thành khung cứng ngắc.

Ở Việt Nam người ta quan niệm lúc con còn nhỏ thì cha mẹ nuôi, đến khi cha mẹ già yếu thì con phải nuôi lại (Trẻ cậy cha, già cậy con). Nhưng ở Pháp người ta lại nghĩ khác, cha mẹ nuôi con đến 18 tuổi hoặc đến khi con học ra trường là hết bổn phận. Khi cha mẹ già yếu, con cái không bắt buộc phải nuôi lại. Hơn thế nữa, cha mẹ nên đi vào nhà dưỡng lão để khỏi làm phiền con cái.

Ở Phi châu, có một bộ lạc nọ, khi cha mẹ già yếu, họ bắt hai ông bà phải leo lên một cái cây cao, con cháu ở dưới đua nhau rung cây thật mạnh cho hai ông bà té xuống chết. Nếu rung xong mà ông bà không té thì con cháu đem về nuôi tiếp. Họ quan niệm (nghĩ) rằng xứ nghèo không đủ ăn, người nào già quá không đủ sức ôm cây thì nên chết cho rồi, khỏi sống làm khổ con cháu.

Ở Tây phương ngày nay, vợ chồng mới cưới nhau vài tháng mà không ưng ý thì ra toà ly dị, đó là việc bình thường, tự nhiên, không có gì trái luân thường đạo lý.

Theo truyền thống phong tục Á Đông, người đàn bà phải trung thành với chồng, ngay cả sau khi chồng đã chết. Một phụ nữ tiết hạnh là người ở giá thờ chồng nuôi con. Vì quan niệm như vậy nên cô không bao giờ dám nghĩ đến việc tái giá hay yêu đương một người đàn ông khác.

Thành kiến

Là người Việt Nam nên tôi có một lối suy tư riêng của người Việt Nam. Tôi suy tư như vậy vì tôi quan niệm như vậy. Vì quan niệm như vậy nên tôi mới có một cái nhìn (thành kiến) như vậy. Chữ thành kiến rất hay và có ý nghĩa. Thành kiến theo nghĩa đen là cái thấy đã thành hình trước khi nhìn thấy sự việc.

Thí dụ: Tôi quan niệm rằng tất cả những người đi buôn đều là gian lận. Vì quan niệm như thế nên trong một bữa tiệc, bạn bè tôi giới thiệu ông A và cho biết ông là một nhà thương gia nổi tiếng. Vừa mới nghe như thế là tôi có thành kiến ngay với ông A, mặc dù ông chưa làm gì hại tôi nhưng trong đầu tôi đã thấy ông A là người gian lận, lưu manh, xảo quyệt và tôi cảm thấy ghét ông ta ngay lập tức.

Ở Việt Nam trước kia, khi đất nước mới bị chia đôi, dân chúng ở ngoài Bắc có thành kiến là những người giàu có, điền chủ đều là người ác, bóc lột dân nghèo, nên họ có phong trào kết tội và đấu tố người giàu.

Một khi đã có thành kiến rồi thì ta không tiếp xúc được với thực tại nữa. Ta đã đeo vào một cặp mắt kính màu để nhìn sự vật nên cái thấy của ta bị méo mó. Thành kiến là một loại vọng tưởng rất nguy hiểm, thường gây nghi ngờ và chia rẽ.

Tập quán

Tập quán là những thói quen đúc kết từ truyền thống văn hóa, giáo dục, xã hội.

Ở Á Đông, chịu ảnh hưởng Nho Giáo, người ta quan niệm là "nam nữ thọ thọ bất thân". Nam nữ chưa quen nhau thì không được có những cử chỉ thân mật như nắm tay, sờ vai, ôm ấp, mỉm cười, v.v... Khi gặp nhau chào hỏi chỉ đứng xa vẫy tay hoặc cúi đầu là đủ. Sau khi tị nạn qua Pháp, vào trường Trung Học, mỗi ngày gặp bạn bè chào hỏi, có vài cô bạn đầm ôm hôn lên má làm tôi sững sờ, vừa mắc cở vừa hồi hộp, tim đập liên hồi. Về nhà, tôi cứ tưởng là chắc mấy cô ấy để ý thích mình nên mới ôm hôn như vậy. Cái tập quán Á Đông của tôi đã khiến cho tôi tưởng bở, tưởng mấy cô đầm kia thích mình, nhưng thật ra họ chả thích gì tôi tí nào, tập quán của họ là như thế! Gặp bạn trai thì bắt tay, gặp bạn gái thì hôn trên má (faire la bise). Bắt tay hay hôn má chỉ là xã giao, không có một chút tình ý gì bên trong hết! Vì không hiểu phong tục tập quán của mình và của người nên tôi đã ngộ nhận. Do đó tập quán cũng thường đưa đến ngộ nhận, và ngộ nhận tức là vọng tưởng.

Phóng chiếu

"Trong đời sống hàng ngày, có những ý nghĩ, tình cảm mà ta không nhận ra chúng là của riêng ta, phát xuất từ ta và ta phóng chiếu chúng vào sự vật và người khác, rồi tưởng hay đinh ninh sự vật và người khác là như thế. Danh từ bình dân là "suy bụng ta ra bụng người"."Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", cảnh vật tự nó đâu có vui buồn, vì trong tâm ta buồn rồi ta phóng chiếu cái buồn của mình lên cảnh vật nên thấy (tưởng) cảnh vật buồn. Nhiều lúc còn đổ tại cảnh buồn nên làm ta buồn[17]." Trong sự liên hệ tình cảm, chúng ta thường xuyên phóng chiếu mà không biết.

Thực tại không phải như ta tưởng

Có một ông vua nọ muốn biết người mù nhìn sự vật ra làm sao. Vua bèn cho gọi năm anh mù đến, cho mấy anh sờ vào một con voi rồi tả cho vua nghe.

Anh sờ trúng cái vòi thì nói con voi giống như vòi nước.

Anh sờ trúng tai voi thì nói con voi giống như cái quạt.

Anh sờ trúng bụng voi thì nói con voi giống như cái trống.

Anh sờ trúng chân voi thì nói con voi giống như cột nhà.

Anh sờ trúng đuôi voi thì nói con voi giống như cái chổi.

Năm anh mù tả con voi theo kiểu của mình, không ai giống ai, người nào cũng cho mình đúng rồi cãi nhau um xùm làm vua vừa buồn cười vừa thương hại. Buồn cười vì anh nào cũng cho mình biết được con voi, thương hại vì các anh mù mà không biết mình mù, chỉ sờ thấy một phần nhỏ mà tưởng là mình đã thấy toàn thân con voi.

Đức Phật thuyết pháp trong suốt 45 năm, để lại biết bao nhiêu kinh điển. Chúng ta mỗi người chỉ học và nghiên cứu vài bộ hoặc vài chục bộ kinh rồi tưởng mình biết hết đạo Phật. Khi nghe quý thầy giảng đạo, tôi thấy đạo Phật của thầy A không giống đạo Phật của thầy B, đạo Phật của thầy B không giống đạo Phật của thầy C, và v.v...

Chẳng cần nói đến đạo Phật của quý thầy khác nhau, hãy chỉ nói về đạo Phật của thầy A. Hai vợ chồng tôi cùng đi nghe thầy giảng 2 tiếng đồng hồ. Về nhà hỏi lại thì mỗi người đã nghe và hiểu khác nhau rồi. Tôi thích Thiền nên trong suốt buổi giảng, tôi chỉ nghe thấy những gì có liên quan đến Thiền thôi. Vợ tôi thích Tịnh Độ, những gì thầy nói có liên quan đến Tịnh Độ thì nàng thâu nhận ngay, còn những chi tiết khác thì không nhớ gì hết!

Thầy nói pháp suốt 2 tiếng đồng hồ, nhưng những gì tôi nghe được gom lại không quá 15 phút. Những gì thầy nói trong 1 giờ 45 phút kia đã rơi đi đâu mất hết. Nhưng về nói chuyện với vợ thì tôi cứ đinh ninh rằng mình đã nghe hết những gì thầy nói trong 2 tiếng đồng hồ. Trớ trêu thay, vợ tôi cũng tưởng y như tôi nên không biết ai đã nghe đúng. Thật ra mỗi người chỉ nghe và thâu nhận những gì mình thích nghe mà thôi.

Trong một khu rừng nọ, các loài thú đang chung sống bình yên. Một hôm bỗng nhiên có tiếng sấm nổ vang rền trên bầu trời báo hiệu giông bão sắp đến. Có một chú thỏ đang say sưa giấc ngủ bị giật mình tỉnh dậy. Nửa tỉnh, nửa mê, thỏ hoảng hồn co chân bỏ chạy. Trên đường chú gặp hai anh nai vàng đang đứng ngơ ngác, thấy thỏ hoảng hốt, hai anh nai hỏi duyên cớ. Thỏ vừa chạy vừa la: "Trời sụp! Trời sụp! Chạy mau". Hai anh nai vốn nhẹ dạ, nghe nói vậy liền cắm đầu chạy theo. Ba con chạy một quãng gặp ba con ngựa vằn đang gặm cỏ. Thấy thỏ và nai phóng chạy hoảng hốt, ngựa hỏi tại sao thì cả ba con cùng đáp: "Trời sụp! Trời sụp! Chạy mau". Thế là ba con ngựa vằn hoảng sợ chạy theo thỏ và nai. Dần dần các con thú khác cũng hùa vào chạy theo. Nhóm thú chạy như thế càng ngày càng đông khiến các con thú khác dù không biết ất giáp gì cũng vội vàng tin là trời sụp rồi kéo nhau chạy trối chết.

Tương tựa như vậy, khi nghe ai nói một tin gì đó, chúng ta liền tin rồi đem rao truyền tiếp, nhiều khi còn thêm mắm thêm muối cho câu chuyện thêm lâm ly rùng rợn và nhất là thích nghe những tin đồn xấu về người khác.

Vì thế đức Phật đã nói: Chớ có tin bất cứ điều gì vì nghe đồn hay nói lại. (Xem phần trước, Kinh Kalama).

Câu chuyện sau đây về "Ba cái lọc" của nhà hiền triết Hy Lạp Socrate cũng tương tựa như vậy.

Một hôm có một người đến gặp Socrate và nói:

- Này Socrate, tôi phải kể cho anh nghe bạn của anh đã có những hành vi gì!

- Khoan đã! Nhà hiền triết cản lại. Điều mà anh muốn nói với tôi đã được sàng qua ba cái lọc chưa?

- Ba cái lọc là cái gì? Người kia ngạc nhiên hỏi.

- Đúng! Ba cái lọc. Chúng ta hãy kiểm lại xem điều anh muốn kể cho tôi có lọt qua ba cái lọc này không.

- Cái lọc thứ nhất là sự thật. Anh đã kiểm lại điều anh muốn kể có đúng là sự thật không?

- Ơ! Cái này tôi không chắc, vì tôi chỉ nghe kể lại thôi.

- Như vậy thì không lọt qua được cái lọc thứ nhất rồi! Nhưng thôi, anh nghe đây, cái lọc thứ hai là tốt lành. Anh đã kiểm lại điều anh muốn kể, mặc dù không hoàn toàn đúng sự thật nhưng ít nhất nó có tốt lành không?

- Ơ! Ơ! Điều này không có gì hay ho tốt lành cả mà ngược lại ...

- Hừ! Vậy coi thử nó có lọt qua được cái lọc cuối này hay không? Điều anh muốn kể cho tôi có đem lại lợi ích gì không?

- Lợi ích hả? Chắc không quá ....!!!!

- Thôi đủ rồi! Socrate mỉm cười. Điều mà anh muốn kể cho tôi nghe vừa không đúng sự thật, vừa không tốt lành và không đem lại lợi ích gì. Vậy thì tôi không muốn nghe và khuyên anh hãy nên quên nó đi là tốt nhất!

Đi dạo vườn hoa, tôi thấy một bông hồng to, đỏ thắm tuyệt đẹp. Về nhà gặp bạn, tôi muốn chia xẻ cho bạn niềm vui của tôi và tả lại cái bông hồng để bạn cùng thưởng thức vẻ đẹp của nó. Làm như thế tôi nghĩ rằng bạn sẽ biết và cảm nhận được bông hồng. Nhưng cái bông hồng mà tôi đang kể cho bạn không phải là bông hồng mà tôi đã thấy lúc nãy nữa. Nói cách khác là tôi đang trao cho bạn một mớ danh từ về bông hồng chứ không phải là bông hồng (tự thân).

Chúng ta thường lầm lẫn giữa ý tưởngthực tại, cũng như lẫn lộn danh từsự vật.

Có một lần đi xem triển lãm tranh hình, tôi thấy có một tấm hình lớn, trên đó chụp một trái táo và ở dưới đề một câu như sau: "Đây không phải là một trái táo[18]". Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu tác giả bức tranh muốn nói gì. Túng thế tôi quay lại hỏi vài người quan khách xung quanh, may thay có người hiểu ý nghĩa nói cho tôi biết đây không phải một trái táo mà chỉ là hình của một trái táo. Nghe xong vỡ lẽ, tôi chắp tay thầm phục tác giả bức tranh đã vô tình dạy cho tôi một bài học, bài học ghi nhận sự vật đúng như thật. Hình ảnh trái táo không phải là trái táo. Nhờ đó tôi ngộ ra:

Danh từ trái táo không phải là trái táo.

Ý tưởng về trái táo cũng không phải là trái táo.

Cũng thế, bản đồ Paris không phải là thành phố Paris. Những danh từ, ý tưởng và bản đồ giúp cho ta có một khái niệm về thực tại và sự vật, nhưng khi có trong tay thì ta lại xoay ra xem chúng là thực tại rồi quên đi thực tại. Thực tại luôn luôn biến đổi từng sát na, trong khi đó danh từ, ý tưởng và bản đồ thì cứng ngắc không thay đổi. Cho dù ngày nay với máy chụp hình tối tân, bạn đem ra chụp cảnh Paris thì cái hình kia cũng chỉ là một hình ảnh của thành phố Paris được chụp vào ngày 18 tháng 5 năm 1999. Và nếu bạn trở lại Paris một tháng sau hay một năm sau để chụp lại thì cảnh Paris đã thay đổi rồi.

Thực tại rơi rớt

Bình thường đa số chúng ta đều cho mình biết được thực tại (réalité), cái gì tôi thấy, biết, nghe, hiểu đều là sự thật (vérité). Vì thế nên mới có ngã kiến (tức là cái thấy của tôi) và kiến thủ (khư khư cho cái thấy của tôi là đúng). Nhưng thực ra chúng ta chỉ nắm bắt được những mảnh vụn của thực tại xuyên qua nhiều cái lọc (filtre) hay lăng kính.

Thực tại (trần cảnh)

 

 

Tri giác (lục căn)

Lọc thứ 1

 

Văn hóa, xã hội

Lọc thứ 2

 

Kinh nghiệm bản thân

Lọc thứ 3

 

Nhận thức (thức)

Lọc thứ 4

 

Bóng dáng thực tại

 

Thực tại là sự việc hay cảnh vật bên ngoài (trần cảnh). Nó không đúng sai, phải trái, thiện ác, đẹp xấu, to nhỏ v.v... Nó là nó, danh từ đạo Phật gọi là như thị. Trong Bát Nhã Tâm Kinh nói là bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm ...

Đứng trước thực tại (trần cảnh), ta thâu nhận nó qua những giác quan của mình là lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu các giác quan của ta không được chính xác như mắt lé cận thị, tai điếc, mũi nghẹt, lưỡi khô, thân bệnh, ý đang tán loạn, vui buồn v.v... thì thực tại bị méo mó đi một phần. Do đây tri giác trở thành một cái lọc (filtre) hay lăng kính (miroir) thứ nhất. Và thực tại ban đầu trở thành thực tại số 1.

Kế tiếp thực tại số 1 lại được nhìn ngắm qua cái lọc thứ 2 là gia tài văn hóa, xã hội mà ta đã sinh ra và lớn lên. Nếu là người Việt Nam thì ta sẽ thấy sự việc đó như thế này, và nếu là người Mỹ hay Pháp thì ta sẽ thấy sự việc như thế khác, nói theo Duy Thức Học là ta chịu ảnh hưởng của cộng nghiệp. Từ đó thực tại số 1 lại bị biến thái và trở thành thực tại số 2.

Kế tiếp, cũng cùng là người Việt Nam nhưng tôi có những kinh nghiệm riêng tư, không giống như những người Việt Nam khác. Tôi có một đời sống khác, tình cảm khác, người yêu khác, công việc khác, v.v... tóm lại là một biệt nghiệp khác. Do đó cái thực tại số 2 kia sẽ được nhìn qua cái lọc thứ 3 là kinh nghiệm bản thân và trở thành một thực tại số 3.

Cuối cùng khi Ý của tôi muốn nhận thức thực tại thì nó chỉ thấy được cái thực tại số 3 chứ không còn thấy được cái thực tại ban đầu nữa. Sau khi nhận thức được cái thực tại số 3 này, Ý thức của tôi mới đóng khung (lọc thứ 4) nó qua hình ảnh, ngôn ngữ, khái niệm và cho đó là thực tại thứ thiệt. Cái thực tại sau cùng mà Ý nhận thức được chỉ còn là một bóng dáng, một mảnh vụn của thực tại, hay là một thực tại rơi rớt, méo mó vì đã trải qua nhiều cái lọc.

Tuy vậy đa số chúng ta cứ tưởng là mình nắm bắt được thực tại, cho là mình biết đúng, thấy đúng sự thật và từ đó muốn bao nhiêu người khác phải tin và nghe theo ý kiến của ta.

Jean Rostand, trong quyển "Ce que je crois", có nói: "Kẻ ngu thì tưởng là mình biết, người trí thì biết là mình tưởng" (les téméraires croient qu'ils savent, les sages savent qu'ils croient).

Làm sao biết vọng tưởng, vọng tình?

Tiến trình phiền não phát xuất từ ba anh Ý, Tình, Thân (Ba Mình) hoặc nói cách khác là do vọng tưởng, vọng tình và vọng nghiệp sinh ra. Hai cặp ba này liên quan rất mật thiết. Vì Ý vô minh nên khởi vọng tưởng, vọng tưởng nếu không được hóa giải thì sinh ra vọng tình, vọng tình nếu không được hóa giải thì đưa đến tạo nghiệp khổ đau.

Nhưng làm sao biết mình có vọng tưởng? Làm sao ngưng được vọng tưởng? Phải chăng mỗi khi có ý nghĩ khởi lên đều là vọng tưởng? Theo Thiền tông, hễ khởi ý niệm là vọng, dù đó là niệm xấu hay tốt. Nhưng ở đây chúng ta không nói chuyện Thiền mà nói chuyện đời sống hàng ngày, vì chúng ta không thể ngồi thiền nhập định suốt ngày, không nói năng hay tiếp xúc với trần cảnh. Ngày nào còn sống ngày đó chúng ta còn phải suy tư, nghĩ tưởng vì phải đi làm kiếm ăn nuôi gia đình. Chỉ khi nào đắc quả A La Hán nhập Diệt-thọ-tưởng-định thì lúc đó mới không còn một chút ý tưởng. Hơn nữa chúng ta được cấu tạo bởi năm uẩn, trong đó có thọ, tưởng, hành, và thức nên suốt ngày chúng ta cảm thọ, tư duy, suy nghĩ, nhớ tưởng lung tung, đó là chuyện đương nhiên.

Trên phương diện tương đối hàng ngày, chúng ta không thể không có Tưởng, không tưởng cái này thì tưởng cái kia. Tưởng rồi tin vào cái tưởng của mình gọi là tin tưởng (croyance, belief). Những cái tưởng đúng hoặc gần với thực tại, với chân lý thì được gọi là chánh kiến, đạo đức hay minh triết vì nó đem lại an vui hạnh phúc, còn những cái tưởng méo mó sai lầm không đúng thực tại, tin vào đó sẽ đưa đến buồn phiền khổ đau thì gọi là vọng tưởng (fausse croyance). Ngay cả những cái ta cho là sự thật hay chân lý rồi khư khư bám chặt vào đó thì nó cũng trở thành một loại vọng tưởng.

Mỗi khi khởi tâm so sánh một chiều, phê bình cái này đúng, cái kia sai, hoặc lên án người này tốt, người kia xấu, đó là đang rơi vào vọng tưởng (xem lại phần vọng tưởng).

Vọng tưởng « phân biệt, so sánh, phê phán, lên án, chỉ trích phải trái, tốt xấu.

Làm sao biết mình có vọng tình? Đó là khi trong lòng có sự ưa ghét đối với cảnh vật, hoặc yêu người này ghét người kia.

Vọng tình « trong lòng ưa ghét, thương giận, lo buồn...

Khi tâm thấy người này đúng, người kia sai thì ta sẽ ưa người (đúng) này và ghét người (sai) kia. Tiếp theo ta muốn gần gũi thân cận (thủ) người đúng và xa lánh ghét bỏ (xả) người sai.

Vọng nghiệp « thủ xả, bám víu, xua đuổi.

Tóm lại mỗi khi trong lòng có sự ưa ghét đối với người hay vật là biết mình đã có vọng tưởng rồi. Vì có vọng tưởng nên mới sinh ra vọng tình (ưa ghét).

Cảnh giới Ý Đồ

Trong Duy Thức Học có danh từ chánh báo và y báo, cả hai đều là nghiệp quả hay quả báo. Chánh báo là thân mạng con người, còn y báo là môi trường ta sống trong đó. Tùy nghiệp nhân đã tạo mà ta có thể được chánh báo và y báo tốt như sinh ra thân thể khỏe mạnh, đẹp đẽ và sống trong một quốc gia giàu sang. Hoặc chánh báo tốt mà y báo xấu như thân thể khỏe mạnh, đẹp đẽ nhưng sống ở một nơi nghèo hèn khốn khổ. Hoặc chánh báo xấu mà y báo tốt như thân thể xấu xí, bệnh hoạn nhưng lại được sống trong một gia đình giàu sang. Hoặc cả chánh báo và y báo đều xấu như sinh ra thân thể xấu xí, bệnh hoạn và phải sống trong một xứ nghèo khổ.

Chúng ta có thể sống trong cùng một y báo, cùng một môi trường, gia đình, xã hội, quốc gia nhưng trong thâm tâm mỗi người lại có riêng một cảnh giới khác. Vì mỗi chúng ta đều có những vọng tưởng, quan niệm, thành kiến, tập quán, và kinh nghiệm tình cảm cá nhân, tất cả những cái đó cộng lại tạo ra một thế giới riêng biệt trong tâm ý mà tôi gọi là "cảnh giới Ý Đồ". Ý đồ là bản đồ của tâm Ý. Thế giới tâm ý được đóng khung thành một bản đồ gồm có những con đường quen thuộc mà Ý của ta hay đi trong đó, với những quy tắc mà tình cảm và hành động của ta thường tuân theo.

Tâm của ta là một họa sĩ khéo, luôn vẽ vời ra đủ loại tranh ảnh, có cái đúng với thực tại, có cái méo mó và có cái hoàn toàn tưởng tượng không thực. Cái đúng với thực tại, Duy Thức Học gọi là tánh cảnh, cái hơi méo mó gọi là Đới chất cảnh, và cái hoàn toàn tưởng tượng được gọi Độc ảnh cảnh. Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh đều là thế giới tự biến của mỗi cá nhân.

Thí dụ: Hôm lễ Phật Đản tôi đi dự lễ Khánh Thành chùa mới và cùng lúc được nghe thầy trụ trì giảng về ý nghĩa công đức xây chùa cúng Phật. Cảnh chùa và buổi giảng có thực, đó là Tánh cảnh. Nhưng về đến nhà tôi chỉ còn nhớ mái chùa cong cong, với tượng Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên đứng trên đầu con rồng đang phun nước, đây là những mảnh vụn của thực tại mà tôi mang về được, gọi là Đới chất cảnh. Sau đó tôi nghĩ thầm (tưởng tượng) mai mốt mỗi cuối tuần sẽ đến chùa lễ Phật, làm công quả và học đạo với thầy, cái này gọi là Độc ảnh cảnh, tức cảnh hiện ra một mình trong tâm ý tôi, vì việc này chưa xảy ra và có thể sẽ không bao giờ xảy ra.

Nếu so sánh với Duy Thức thì cảnh giới Ý Đồ có thể tương đương với Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh. Nhưng cảnh giới Ý Đồ ở đây còn bao gồm nhiều thứ khác như đã nói ở trên. Phần đông chúng ta tưởng mình cùng nói chung một thứ tiếng, cùng thấy một cảnh, cùng chung một lý tưởng, cùng theo một đạo Phật, v.v... nhưng cảnh giới Ý Đồ cho thấy thực tế không phải như vậy chút nào.

Một thí dụ khác: Tôi và bạn cùng theo đạo Phật, nhưng khi nói đến chữ Phật tôi tưởng ngay đến Phật Thích Ca trong khi đó bạn lại nghĩ đến Phật A Di Đà. Khi nói đến giải thoát thì tôi nghĩ đến Niết Bàn, còn bạn lại nghĩ đến Cực Lạc. Khi nhắc đến một ngôi chùa đẹp thì trong tâm tôi hiện ra chùa Một Cột ở Hà Nội, còn trong đầu bạn hiện ra chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn. Chúng ta cùng nói đến Phật, giải thoát và chùa nhưng cả ba hoàn toàn khác nhau vì đức Phật trong cảnh giới Ý Đồ của tôi không phải là đức Phật trong cảnh giới Ý Đồ của bạn. Trong bản đồ (tâm ý) của bạn cũng có đầy đủ những thứ giống như của tôi (Phật, chùa, giải thoát) nhưng khác một điều là nó do chính bạn vẽ nên hai cái bản đồ không thể giống y như nhau được.

Biết được mỗi chúng ta đều có một cảnh giới Ý Đồ riêng là điều quan trọng trong việc giao tiếp và truyền thông. Nhờ hiểu được như thế ta sẽ không độc tài muốn mọi người phải tuân theo ý của mình, không buồn bực khi thấy người khác không hiểu mình, không vội nghe theo những tin đồn.

Chương trình tâm ý

Qua những phần trước: vọng tưởng, quan niệm, thành kiến, tập quán, phóng chiếu, và cảnh giới Ý Đồ, chúng ta có một chương trình tâm ý (programme mental). Trong xã hội văn minh ngày nay, tất cả máy móc, cơ khí, điện tử đều được điều khiển bởi chương trình tự động. Nhất là hệ thống vi tính (computer), nếu bạn muốn máy vi tính của bạn chạy được thì phải gắn những chương trình (programmes, logiciels, software) vào. Tâm ý của chúng ta cũng giống như vậy, sau khi được bỏ vào hay gắn vào những vọng tưởng, quan niệm, thành kiến, tập quán, v.v... nó cũng hoạt động theo chương trình mà ta đã thiết lập (một cách vô ý thức). Tâm ý hoạt động theo chương trình là sao? Đó là mỗi khi gặp một ngoại cảnh hay sự việc gì (input) nó liền cho ra một phản ứng (output) tự động khiến ta không kịp suy nghĩ hoặc suy nghĩ không ra.

Hồi nhỏ đi học ở Việt Nam tôi rất sợ bị kêu lên trả bài, vì mỗi khi trả bài không thuộc tôi bị thầy giáo tát hoặc cô giáo nhéo lỗ tai và chửi: "Sao ngu quá vậy"! Trong gia đình thì tôi không bao giờ được quyền nói lên ý kiến của mình, vì ông bà, cha mẹ, cô chú thường nói: "Con nít tụi bay im đi, biết cái gì mà nói". Qua những dữ kiện trên, tâm trí tôi lặng lẽ thiết lập một chương trình: "Tôi là người ngu, im đi, biết cái gì mà nói, nói bậy sẽ bị ăn đòn". Lớn lên tuy đã tốt nghiệp kỹ sư và đi làm lâu năm nên tôi biết rõ công việc của mình, nhưng mỗi khi phải đi họp (réunion, meeting) trong sở thì tôi rất sợ, tim đập mạnh, đầu óc tê cứng, tay chân lạnh ngắt, lúc đó tôi giống như một tù nhân sắp bị đưa ra pháp trường. Trong sở làm, từ chủ hãng cho đến nhân viên, ai nấy đều quý mến tôi vì tôi làm việc tốt và chăm chỉ, lúc nào cũng đối xử đàng hoàng lịch sự với mọi người, nhưng không hiểu tại sao đến các buổi họp là tôi sợ hãi, mặc dù biết sợ như vậy là vô lý làm tôi ăn nói vụng về. Nguyên nhân gây ra sợ hãi chính là cái chương trình cũ (old program) mà tôi đã đưa vào tâm mình năm xưa ở tiểu học, mỗi khi bị đứng ra trước một nhóm người để nói thì chương trình này nhảy ra hoạt động, nó nói: "Tôi là người ngu, im đi, biết cái gì mà nói, nói bậy sẽ bị người ta chửi".

Hồi cô Tám được ba tuổi, cha cô phải đi quân dịch và tử trận bỏ lại hai mẹ con cô bơ vơ. Vài năm sau mẹ cô mắc bệnh qua đời bỏ cô ở lại cho bà ngoại nuôi nấng. Lúc đó tuy hãy còn nhỏ không biết suy nghĩ nhiều nhưng trong tiềm thức bé Tám đã âm thầm đưa vào (set up) một chương trình: "Tôi là người bị bỏ rơi, những người tôi thương trước sau gì cũng bỏ rơi tôi"! Lớn lên lập gia đình, cô không dám lấy người cô thương mà lại lấy một người khác vì sợ nếu lấy người đó thì họ sẽ bỏ cô. Vì lấy chồng mà không thương nên cô không có hạnh phúc, thường buồn bực và bất mãn. Bởi gia đình không hạnh phúc nên cô hay lo sợ là chồng sẽ bỏ cô. Đúng như cô dự đoán mong chờ, sau hai chục năm chung sống chồng cô đã bỏ đi cưới người khác. Tuy không thương yêu gì chồng nhưng cô cảm thấy rất đau khổ, cái chương trình "bị bỏ rơi" lại hiện hành làm cô khóc suốt ngày, người ngoài tưởng cô nhớ chồng nhưng thật ra cô khóc cho thân phận "bị bỏ rơi". Cô Tám có năm đứa con, ba đứa đã lập gia đình, cứ mỗi lần làm đám cưới cho con, bên ngoài cô tỏ vẻ vui mừng nhưng trong lòng đau như cắt vì cảm thấy lại "bị bỏ rơi nữa". Hai đứa còn lại đang ở với cô vì còn đi học và sắp ra trường. Cô rất mong con cái học thành tài nhưng trong thâm tâm cô nơm nớp lo sợ học xong chúng nó sẽ ra ở riêng và cô sẽ sống cô đơn. Mấy đứa lớn tuy đã lập gia đình nhưng ở gần và hàng tuần đều ghé thăm mẹ nhưng cô không thấy được sự hiếu thảo đó mà tiếp tục sống trong hồi hộp lo âu sợ "bị bỏ rơi".

Chúng ta thường sống với những chương trình cũ rích không hợp thời hợp thế, chúng làm ta mắc kẹt không sống an vui hạnh phúc được trong hiện tại. Công trình tu tập là làm sao nhận diện được những chương trình lỗi thời này để xóa bỏ và thay thế bằng những chương trình mới hợp thời và hữu ích hơn.

Tất cả những mặc cảm như tự ti, tự tôn, tội lỗi, v.v... đều là những chương trình nằm sâu trong tiềm thức. Mặc có nghĩa là thầm lặng, cảm là cảm nhận, mặc cảm là sự cảm nhận âm thầm lặng lẽ trong tâm thức. Mặc cảm tự ti (complexe d'infériorité) là âm thầm cảm nhận, cho rằng mình là người ngu, dở, thua kém kẻ khác. Vì bị chương trình tự ti điều khiển nên ta trở thành nhút nhát, sợ hãi, mắc cở. Càng nhút nhát, sợ hãi, mắc cở thì ta lại càng tự ti, càng thấy mình dở và thua kém. Mặc cảm tự tôn (complexe de supériorité) là âm thầm cho mình là người tài giỏi hơn kẻ khác. Vì bị chương trình tự tôn điều khiển nên ta dễ kiêu mạn, ăn nói phách lối, khinh người. Mặc cảm tội lỗi (culpabilité) là âm thầm cho mình có tội, mỗi khi gặp chuyện không may, dù lớn dù nhỏ xảy ra đều ăn năn hối hận tự trách lỗi tại mình nên mới ra nông nỗi như vậy. Người này thường bị ăn năn hối hận dày vò, sống trong hồi hộp, sợ hãi, sợ bị trừng phạt.

 Những mặc cảm này, xem ra có vẻ không nguy hiểm vì không làm hại người khác một cách trực tiếp, nhưng chúng cũng là một loại phiền não vì làm ta khổ sở. Nếu khổ sở, không hạnh phúc thì từ từ ta sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh như vợ chồng, con cháu, cha mẹ, anh em và làm họ khổ lây.

-ooOoo-

 

7. Vấn đề tình cảm

Trong các báo chí, tạp chí văn nghệ, truyền tin, ngoài những tin tức chính trị, kinh tế, xã hội, người ta rất thích những mục tình cảm của các minh tinh màn ảnh, như tài tử này lấy tài tử kia, cô nọ ly dị chồng, anh kia lừa dối vợ, v.v... Đời sống xã hội hôm nay có thể gom lại trong hai chữ Tình và Tiền, nghe qua hơi cải lương nhưng sự thật là vậy.

Người tu thường được dạy là phải xa lánh ngũ dục: tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ (tài, sắc, danh, thực, thùy), vì năm thứ này thu hút và cám dỗ con người đi vào nẻo khổ. Riêng đối với sắc dục (tức sự ham mê sắc đẹp và tình dục) thì kinh sách thường ví nó như rắn độc và dạy ta phải xa lánh. Nhưng xét cho kỹ, sắc đẹp không lợi hại bằng tình cảm, đâu phải ai cũng mê nữ tài tử xi-nê hay người mẫu (top model), mà dù có mê đi nữa cũng đâu thể lân la thân cận hay làm gì được. Người tu hành cầu giải thoát cần phải xa lìa sắc đẹp và tình dục nhưng đó chỉ là một loại cám dỗ thô kệch không nguy hiểm bằng tình cảm. Tình cảm vi tế không hình tướng nhưng nó trói buộc và sai sử con người gấp trăm ngàn lần.

Đa số phiền não khổ đau đều nằm trên phương diện của Tình. Tình ở đây bao gồm tất cả tình cảm (sentiment), tình dục (sexualité), cảm thọ (sensation, feeling) và cảm xúc (émotion)[19].

Thí dụ tôi có tánh hay giận (sân), giận là một cảm xúc, khi giận thì tôi cảm thấy nóng mặt khó thở, tức ngực, đó là một cảm thọ, và tôi đâm ra ghét người kia, ghét là một tình cảm.

Con người có những tình cảm rất phức tạp, ngoài thất tình (hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục) còn có những tình cảm éo le uẩn ức như bất mãn, ganh tị, mặc cảm tội lỗi, kiêu mạn, tự phụ, lo âu, sợ hãi, nhút nhát, khủng hoảng, v.v...

Tình cảm

Người Á đông ít khi nào biểu lộ tình cảm cho nên trong ngôn ngữ hằng ngày chúng ta không thấy sự khác biệt giữa tình cảm, cảm thọ và cảm xúc như người Tây phương. Và cả ba danh từ này cũng ít khi được dùng vì đa số hay dùng chữ cảm thấy hoặc nghe thấy mà thôi, nhất là người Nam hay dùng chữ nghe để chỉ sự cảm thọ như: tôi nghe nóng/lạnh trong người, tôi nghe đau nhức/khó chịu trong bụng, v.v...

Tình là khả năng nhận biết những cảm giác[20] đến từ bên ngoài qua sáu giác quan (lục căn). Con người hữu tình nên khi tiếp xúc với sự vật bên ngoài thì phát sinh cảm (thọ). Cảm thọ được nhận thức phát sinh ra tình cảm. Ta có thể vẽ ra như sau để dễ hiểu:

Lục căn + lục trần cảm thọ (sensation)

Cảm thọ + nhận thức tình cảm (sentiment)

Cảm thọ có ba loại: dễ chịu, khó chịu và bình thường.

Tình cảm có nhiều loại, nhưng đều bắt nguồn từ hai loại: ưa và ghét. Khi gặp cảm thọ dễ chịu thì ưa, gặp cảm thọ khó chịu thì ghét. Từ ưa nên sinh ra nhiều loại khác như thương, thích, yêu, lo, buồn, ghen, v.v... Từ ghét nên sinh ra giận hờn, sợ hãi, khinh bỉ, kiêu mạn, v.v...

Khi ta đang khát gặp được một người cho ta nước uống. Khát nước là một khổ thọ, được uống nước là một lạc thọ. Khi được lạc thọ thì tâm sinh ra ưa mến người cho nước, đây là tình cảm.

Giao thiệp với một người nào đó mà ta thấy dễ chịu (cảm thọ) thì từ từ ta sẽ quý mến thương yêu người này, ngoài đời gọi là có cảm tình.

Tình cảm luôn luôn có đối tuợng, ưa là ưa ai, ưa cái gì, và ghét là ghét ai, ghét cái gì?

Tình cảm dù ưa hay ghét đều là sợi dây trói buộc con người vào thế giới luân hồi. Đa tình thì đa sầu. Trong Kinh Lăng Nghiêm chương IV, đoạn IV, Phân biệt tình tưởng nhẹ nặng, đức Phật có nói tưởng nhiều thì bay lên, tình nhiều thì đi xuống, tình và tưởng bằng nhau thì không bay lên, không đọa xuống, sinh nơi nhân gian, tưởng sáng suốt nên thông minh, tình u ám nên ngu độn[21]. Tưởng chính là ý tưởng hay lý trí, tình là tình cảm. Là người ai cũng có tình cảm nhưng phần đông là vọng tình, tức là tình cảm ái luyến ích kỷ, dẫn đến ưa ghét, giận hờn. Tu hành là chuyển hóa tình cảm thành từ, bi, hỷ, xả.

Chiếm hữu

Lúc nhỏ sống trong gia đình ta cần tình thương của cha mẹ. Lớn lên ta đi tìm tình thương nơi một người khác phái, nếu là trai thì ta đi tìm một người con gái nào "dễ thương" có thể ban cho ta tình thương mà trước kia ta thèm khát mong chờ nơi mẹ hay chị. Nếu là gái thì ta đi tìm một người con trai nào vui vẻ, săn đón, bảo vệ, chiều chuộng ta như trước kia ta đã từng đòi hỏi mong chờ nơi cha hoặc anh.

Đối với cha mẹ ta không thể độc quyền đòi hỏi cha mẹ phải thương yêu một mình ta nếu có nhiều anh em. Nhưng nay đối với người tình hay hôn phối thì ta có thể chính thức đòi hỏi người đó phải thương yêu riêng một mình ta thôi. Nếu chẳng may người đó cũng thương yêu luôn cha mẹ hay anh em thì ta sẽ cảm thấy khó chịu, không vui vì nghĩ rằng ta không được thương yêu một cách trọn vẹn.

Muốn thương và được thương tự nó không có gì xấu, nhưng vấn đề là khi thương chúng ta chỉ muốn chiếm hữu và độc quyền. Ta chỉ muốn thương yêu một mình người đó và muốn người đó cũng chỉ thương yêu một mình ta, không muốn một người nào khác xen vào. Rồi từ từ ta muốn chiếm hữu luôn người đó từ thể xác lẫn tinh thần, có nghĩa là ta muốn người đó phải đi đứng, nói năng, suy nghĩ giống như ta. Khi đi đâu thì ta cũng muốn người đó đi theo. Khi ta thích cái gì thì cũng muốn người yêu của ta phải thích luôn cái đó, muốn biến người yêu của mình thành một hình nhân thứ hai, một thứ sở hữu. Ta không còn biết đến quyền tự do, sở thích và nhân phẩm của người kia nữa mà chỉ biết người kia là của ta, thuộc về ta mà thôi. Nếu được như thế thì đỡ quá nhưng thực tế trái ngược vì người kia cũng muốn ta trở thành sở hữu của họ, muốn ta biến thành như cái họ muốn và từ đó sinh ra giằng co tranh chấp quyền lợi, ai là chủ ai là tớ?

Tự ái

Tự ái tương đương với ngã ái (atmasneha) tức là thương yêu ái luyến cái Ta. Khi cái Ta được tâng bốc khen tặng, đề cao thì ta vui sướng thích thú, khi cái Ta bị đụng chạm, chỉ trích, xem thường thì ta buồn bực khó chịu. Trên phương diện tình cảm chúng ta muốn cái Ta (ngã) được mọi người chú ý, khen ngợi và thương yêu. Nhiều tự ái chừng nào thì dễ đau khổ chừng nấy. Những bậc ông bà, cha mẹ, thường cho mình lớn tuổi trải đời, hiểu biết nên hay đòi hỏi người nhỏ tuổi như con cháu phải kính nể và nghe lời mình. Nếu chẳng may chúng không nghe lời thì buồn giận, tức tối, ăn ngủ không yên, nhiều lúc phát sinh bệnh tật. Những người có học thức, chức tước, địa vị càng cao thì cái ngã cũng lớn theo và tự ái càng nhiều. Bởi vậy người tu hành phải biết xóa bỏ tự ái thì được an vui.

Tìm người lý tưởng

Sống ở đời chúng ta luôn luôn cần một đối tượng để biểu lộ tình cảm của mình, do đó chúng ta thường mơ màng đi tìm một người lý tưởng để thương yêu và phục vụ. Lấy chồng để thương yêu, phục vụ chồng, có con thì thương yêu và chăm sóc cho con. Đến khi nhận ra "Tu là cõi phúc, tình là giây oan" thì ta tìm đến đạo. Nhưng khi vào đạo, ta lại tiếp tục mang theo tình cảm của mình dưới sự trá hình, ta đi chùa này vì ưa mến thầy này, không đi chùa kia vì không có tình cảm với ni sư kia, v.v... Đến chùa này thì ta được mọi người quý mến để ý, còn đến chùa kia thì chả có ai chào hỏi săn đón. Ta theo thầy này vì thầy tài giỏi từ bi, không theo thầy kia vì thầy có vẻ sân, si, ái, ố, v.v...

Vị thầy nào từ bi, hiền lành, có tài thuyết pháp, lại thông kinh điển thì dễ bị đóng khung "ông thầy lý tưởng" và chắc chắn sẽ có nhiều Phật tử "thương thầy". Thương ở đây có nhiều trình độ từ cạn đến sâu. Thương cạn thì đến chùa nấu nướng quét dọn công quả cho thầy, điều này đa số Phật tử già trẻ đều làm và không ai chỉ trích. Thương sâu đậm là tưởng nhớ đến thầy nhiều hơn, muốn đích thân săn sóc, lo lắng cho thầy và gần gũi thân cận với thầy, nếu thầy khó tính không để ý đến sự chăm lo của mình thì buồn tủi, giận hờn. Trường hợp này tuy chưa có gì gọi là phạm giới nhưng thật ra đã bị dính mắc trầm trọng rồi. Đến với đạo để cầu giải thoát mà vô tình lại trói buộc mình vào tình cảm sai lầm.

Có nhiều người tu hay sợ và tránh né đàn bà, còn các bà cụ thì hay làm cảnh sát canh chừng quý thầy, không cho nữ Phật tử lại gần, sợ họ cám dỗ quý thầy, hoặc sợ quý thầy sa ngã.

Tội nghiệp các cụ muốn giữ cho quý thầy yên thân tu hành, nhưng điều quan trọng là các thầy lớn cần phải giảng dạy cho đệ tử hiểu rõ về tâm lý nam nữ để họ trưởng thành và tự bảo vệ lấy mình. Đương nhiên một người giữ giới đúng đắn là tự bảo vệ lấy mình rồi, đâu cần phải học gì thêm. Nhưng giới luật chỉ là hàng rào ngăn chặn bên ngoài, không ngăn cản được tâm ái luyến bên trong. Một người có thể giữ giới rất kỹ bề ngoài nhưng trong tâm vẫn thầm yêu trộm nhớ như thường. Tình yêu có thể xảy đến ngay lần đầu (coup de foudre) khi mới gặp người kia qua ánh mắt, giọng nói, cử chỉ, dáng đi, không cần phải gần gũi qua lại mới rơi vào tình yêu (fall in love).

Yêu thương là một bản năng tự nhiên của con người, nhưng yêu thương làm sao cho đúng, đúng chỗ, đúng cách, đúng thời, nếu không thì tình thương sẽ trở thành tình lụy, tình sầu.

Yêu một thầy tu hoặc một người đã có gia đình là yêu không đúng chỗ.

Yêu mà lợi dụng, chiếm hữu, đòi hỏi người kia làm theo ý mình là yêu không đúng cách.

Khi người thân yêu của mình còn sống mà lơ là không chăm sóc, đến khi họ mất rồi mới tiếc nuối khóc than là yêu không đúng thời.

Tình dục

Tình dục tuy có mang chữ tình nhưng nó liên quan đến sinh lý thuộc về thân, còn được gọi là tính dục, sẽ được bàn đến ở chương sau (vấn đề của thân).

Thèm khát

Khi ưa, muốn, thích một cái gì mà không được thỏa mãn thì đâm ra thèm khát. Đối tượng của tình dục là người khác phái hoặc nhục dục, còn thèm khát thì có đủ loại đối tượng. Tu hành biết sắc dục là nguy hiểm nên ta không ưa thích sắc đẹp trai gái nữa, nhưng cái năng lượng ham muốn kia sẽ đi tìm một thứ khác như thích uống trà, thích ăn tương, thích nghe nhạc, thích quần áo đẹp, thích hút thuốc, thích sưu tầm đồ sứ, bonsai, v.v... Những thứ này giới luật không cấm nên ta có thể thỏa mãn, nhờ đó không bị thèm khát dằn vặt. Nhưng nếu không may những thứ ta thích lại bị cấm đoán như ăn thịt, uống rượu, v.v... thì chắc chắn sẽ có thèm khát. Thí dụ như chuyện "một sư cô nọ tu hành lâu năm, một hôm lâm bệnh nặng sắp từ trần, trước khi chết sư cô xin được uống một muỗng nước mắm nhưng người xung quanh không cho vì sợ công phu tu hành mấy chục năm của cô sẽ tan mất theo muỗng nước mắm[22]" và cuối cùng sư cô đã chết trong sự thèm khát. Hoặc một vị sư kia mồ côi cha mẹ được bỏ vào chùa từ nhỏ, tuy tu hành giữ giới tinh nghiêm, tận đáy lòng thầy vẫn thèm khát tình mẹ và thầm mơ ước được một người nữ ôm thầy vào lòng như mẹ ôm con, đơn giản vậy thôi, không có tình ý hay tình dục gì bậy bạ hết, nhưng giới luật không cho phép điều đó. Thầy đành ôm ấp niềm mơ ước này cho đến cuối đời và yêu cầu cho gọi một bà già đến gần để thầy nắm tay trước khi nhắm mắt.

Tình yêu và ái luyến

Ngoài đời người ta thường lầm lẫn giữa thương yêu (love) và ái luyến (attachment). Ái luyến xuất phát từ lòng vị kỷ, muốn chiếm làm của mình, không muốn rời mất. Tình yêu nam nữ thế gian đượm mùi ái luyến và tình dục, yêu nhau chỉ muốn quấn quít bên nhau, yêu người vì thích sắc đẹp hoặc tình dục. Khi chiếm hữu không được thì ghét, không thỏa mãn tình dục được thì chán, tình yêu ban đầu biến đi đâu mất, nhường chỗ lại cho tình hận, tình sầu, tình lụy.

Tình yêu thực sự là mong muốn người kia được sung sướng hạnh phúc, không đòi hỏi mong chờ, không muốn họ phải trở thành như ý ta muốn (xem chương Đi tìm hạnh phúc).

Cảm xúc

Trong đạo Phật chúng ta hay dùng danh từ phiền não để chỉ những tâm sở bất thiện như: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, v.v... nhưng trong tiếng Anh và tiếng Pháp người ta thường dùng danh từ emotions (cảm xúc) để ám chỉ phiền não. Phiền não (kilesa, klesa) đã được định nghĩa theo kinh điển ở phần trước (chương Đi tìm phiền não), ở đây tôi bàn theo quan niệm Tây phương. Làm chủ và điều khiển được cảm xúc là một vấn đề rất quan trọng đối với mọi người dù Âu hay Á, vì một khi cảm xúc khởi lên thì ta hoàn toàn bất lực bị nó điều khiển làm khổ mình và người khác.

Đi làm không bình tĩnh nổi nóng với chủ thì chắc chắn mất việc. Có vợ mà để ý thương cô thư ký thì gia đình sẽ đổ vỡ. Kinh tế xã hội xuống dốc thì lo sợ thất nghiệp. Lỡ thất nghiệp thì xấu hổ mắc cở. Kiếm việc hoài không ra thì bất mãn chán đời, v.v...

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cứ loanh quanh lẩn quẩn trong thế giới tình cảm và cảm xúc, người thì giận chồng con, người buồn cha mẹ, người tức bạn bè, v.v...

Cảm xúc (émotion) khác cảm thọ (sensation) chỗ nào? Khi nghe một bản nhạc hay ta cảm thấy dễ chịu, đó là một cảm thọ. Nhưng nếu nghe bản nhạc hay mà ta bật khóc hoặc bật cười thì đây là một cảm xúc vì nó đã kích động một điều gì đó. Cảm xúc là một cảm thọ bị biến thái bởi tình và tưởng hoặc ký ức tạo ra xúc động mạnh. Cảm xúc có nhiều loại, có loại tốt cũng như loại xấu, ta không nên từ chối hay phủ nhận chúng. Một số người tu có khuynh hướng cho rằng tất cả là không (có), là huyễn, là giả, nên làm ngơ không tìm cách giải quyết, cứ bỏ mặc hoặc đè nén cảm xúc. Nếu cảm xúc bị đè nén lâu ngày thì sinh ra nội kết hoặc tệ hơn nữa là sinh ra bệnh tâm thể (psychosomatique). Tu hành là tìm cách hoá giải những cảm xúc xấu và khai triển cảm xúc tốt.

Cảm xúc xấu (émotions négatives) gồm có: giận, hờn, kiêu ngạo, ganh tị, lo, sợ, thèm khát, bất mãn, nhút nhát, mắc cở, mặc cảm tội lỗi, chán nản, v.v...

Cảm xúc tốt (émotions positives) gồm có: vui, mừng, thương, mến, cởi mở, can đảm, v.v...

Những cảm xúc trên vì không có hình tướng nên được xếp vào loại tâm sở. Trong Duy Thức Học có nêu ra những tâm sở thiện và bất thiện. Những cảm xúc xấu có thể được xem là tâm sở bất thiện, và cảm xúc tốt là tâm sở thiện.

Tại sao tôi phân biệt cảm xúc và tâm. Tâm giận và cảm xúc giận khác nhau chỗ nào? Khi ta suy tư, nghĩ tưởng chuyện gì trái ý thì tâm khởi một niệm giận, ở đây mới chớm nở trên phương diện của Ý, hãy còn thuộc về tâm tưởng, sau đó cái ý niệm giận kia tiếp tục hiện hành ra phía ngoài Tình làm ta cảm thấy bực bội khó chịu trong người, tới đây là phương diện của Tình và tôi gọi đó là cảm xúc, tức là những cái mà ta cảm nhận hay cảm thấy được bắt đầu xúc tác, muốn hiện hành và biểu hiện ra ngoài thân. Khi ta mới bị trái ý thôi thì có thể không ai thấy được, nhưng khi cảm xúc khởi lên thì người ngoài có thể thấy được. Thí dụ khi ta giận tức thì mặt đỏ bừng lên, khi sợ thì mặt mày tái mét, chân tay run lẩy bẩy, khi buồn thì dáng điệu ủ rũ, mặt mày u sầu, v.v... Có những tình cảm và cảm xúc trùng tên hoặc giống nhau nhưng đó là tùy cường độ, nếu nhẹ và còn nằm trong tâm ý thì thuộc tình cảm, nếu mạnh và bộc phát ra ngoài thì thuộc cảm xúc.

Duy Thức Học và A Tỳ Đàm khi nêu ra những phiền não thường đứng trên phương diện tâm ý và hình như không quan tâm gì đến tình cảm và cảm xúc. Ngày nay chúng ta thấy rõ là có những cảm xúc như buồn, lo, sợ, nhút nhát, hồi hộp, chán nản, v.v... mặc dù không được xem là phiền não nhưng nó cũng làm cho chúng ta đau khổ. Bởi thế ngày nay khi nói đến hai chữ phiền não chúng ta nên thêm vào những cảm xúc xấu (émotions négatives).

Nội kết

Nội kết là những sự bất mãn, không như ý, lâu ngày không có chỗ thoát nên đúc kết lại bên trong.

Khi ta giận một người nào mà không nói ra được, không trả đũa lại được, không tránh né được thì cái giận đó âm ỉ trong lòng biến thành nội kết.

Khi lỡ dại làm một điều gì sai quấy rồi ăn năn hối hận hoài không nguôi, bề ngoài làm bộ như không có chuyện gì nhưng bên trong niềm ân hận đó cứ theo ám ảnh làm ta không thể vui sống, đây là một nội kết, một mặc cảm tội lỗi.

Từ nhỏ đến lớn, lúc nào ta cũng sống bám víu vào một người nào đó, nếu không có ai xung quanh thì sợ hãi, bơ vơ lạc lõng, bởi thế nên ta phải lấy chồng như bao nhiêu người khác, dù bị chồng hành hạ, chửi mắng, hất hủi, đánh đập cũng không dám bỏ vì sợ sống một mình. Nỗi lo sợ bị bỏ rơi, phải sống một mình là một nội kết.

Nội kết là vết thương lòng hay niềm đau thầm kín (blessures, wounds), những vết thương này thường xảy ra hồi ta còn nhỏ vì lúc đó tâm hồn chưa đủ cứng rắn, chưa đủ vốn liếng để đối phó với cuộc đời đầy khó khăn. Ngoài ra ta còn mang theo nội kết của nhiều kiếp quá khứ chưa được giải tỏa, chúng nằm sâu trong tiềm thức, lâu lâu chờ cơ hội nhảy ra làm ta khổ sở, dễ sinh ra những thành kiến và từ đó ta đúc kết cho mình một chương trình (program) đối phó với cuộc đời, với người này thì ta có thành kiến này nên ta sẽ ăn nói, cư xử như vầy, còn với người kia thì ta có thành kiến như thế kia nên sẽ ăn nói và cư xử một cách khác, v.v... Nếu không hiểu đạo, không biết cách chuyển hóa thì sẽ tiếp tục tạo thêm nội kết.

Giữ chặt quá khứ

Kèm theo nội kết là bệnh chấp chặt quá khứ, nhiều người hay mắc phải bệnh "ôm giữ quá khứ" nhất là những điều bất hạnh, khổ đau, và uất ức. Niềm vui qua mau nhưng niềm đau nhớ đời. Mỗi khi có dịp gặp nhau nói chuyện, chúng ta thường lôi những chuyện cũ rích từ năm xửa năm xưa, nhắc đi nhắc lại những chuyện buồn bực rồi than thở trách móc, người này thế này, người kia thế nọ. Làm như vậy chúng ta vô tình ôm ấp những niềm đau như giữ của gia bảo, lâu lâu đem ra ngắm rồi cất đi, để mai mốt có dịp lại đem ra ngắm nữa.

Có những người thông minh hơn, biết những niềm đau quá khứ giống như thuốc độc nên không dám lôi ra vì sợ nó làm mình đau nên cố quên hoặc dìm nó xuống tận đáy lòng. Nhưng không may lâu lâu những hình ảnh này vẫn nhảy ra mà không đợi mời, tiếng Anh gọi là "flashback", flash là lóe lên, back là trở lui. Mỗi khi bị flashback thì ta bị rơi trở về quá khứ và sống lại những cảm xúc, cảm thọ khổ đau mặc dù hiện giờ ta không có gì đáng đau khổ hết. Trường hợp này tôi gọi là bị "ma quá khứ nhập". Sau vụ chiến tranh Việt Nam năm 1975, các cựu chiến binh Mỹ trở về nước thường bị bệnh này tức bị ma (quá khứ) nhập. Trở về Mỹ sống trong hòa bình, đoàn tụ gia đình, vật chất sung túc nhưng họ rất khổ sở mỗi khi bị lên cơn flashback, những hình ảnh khổ đau quá khứ trồi lên ụp lấy họ và đưa họ trở về dĩ vãng kinh hoàng. Người bị ma nhập giống như người điên vì họ không còn sống trong hiện tại mà sống trong một cảnh giới khác, một thế giới khác, một thế giới của hình ảnh và tâm tưởng (ảo tuởng). Chúng ta là những người "bình thường" (normal) nhưng mỗi khi con ma quá khứ hiện lên nhập vào thì ta cũng chẳng khác gì người điên. Đa số chúng ta đều bị quá khứ dẫn dắt, ôm ấp, chấp cứng những chuyện đã qua, quên sống trong hiện tại nên chúng ta thường là người bệnh hơn là người bình thường, bệnh mà không biết mình bệnh!

Chị Sáu hồi trước sống với một người chồng rất ích kỷ, ông ta có tánh độc tài hay bắt nạt vợ con. Sau khi ly dị, chị Sáu lấy được anh Ba là người hiền hòa, dễ mến và rất thương yêu chị. Nhưng lâu lâu anh Ba vô tình làm một điều gì đó khiến chị Sáu chợt nhớ lại hoàn cảnh xưa khi còn chung sống với anh Sáu và bỗng nhiên chị "nhìn" thấy anh Ba chẳng khác gì anh Sáu, cũng giống y hệt anh Sáu và chị đâm ra buồn rầu chán nản. Khi chị "nhìn" thấy như vậy tức là chị đã bị flashback, bị con ma quá khứ nhập và đương nhiên cả ngày hôm đó chị sống trong địa ngục. Chỉ khi nào "con ma quá khứ" biến đi trả chị về với hiện tại thì chị mới hồi tỉnh nhìn thấy anh Ba là anh Ba chứ không phải anh Sáu, và biết thưởng thức tình thương của anh Ba đang dành cho chị.

Chúng ta không sống hạnh phúc được vì lâu lâu bị ma quá khứ nhập. Tu hành là tập làm sao nhận diện được con ma quá khứ khi nó hiện ra và mời nó đi chơi chỗ khác, hoặc khi có flashback thì phải biết hồi tỉnh ngay đừng để nó dẫn mình đi vào thế giới mộng tưởng hay ác mộng.

-ooOoo-


[15] Trích Góp Nhặt, Thích Trí Siêu

[16] Xem Góp Nhặt

[17] Trích Góp Nhặt.

[18] "Ceci n'est pas une pomme" bắt nguồn từ bức tranh "Ceci n'est pas une pipe" của Magritte, họa sĩ người Bỉ.

[19] Để dễ hiểu trong việc phân tách danh từ nên tôi tạm dùng thêm tiếng Pháp và Anh.

[20] Cảm giác và cảm thọ cùng một nghĩa.

[21] Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Tâm Minh Lê Đình Thám

[22] "Hạnh phúc, mộng và thực". Thích Nhất Hạnh

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

 

Chân thành cám ơn Đại đức Thích Trí Siêu, France, đã gửi tặng bản vi tính.
(Bình Anson, 02-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 25-02-2004