BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode VU Times font


Tâm Sở Vấn Đáp

Phần I - Thế nào là Tâm sở Tợ tha?

Tỳ kheo Chánh Minh
Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu


Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn VU Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli.

Tâm sở Nhất hành

32- Hỏi: Thế nào là tâm sở Nhất hành (ekaggatā cetasika).

Đáp:

Chữ Ekaggatā được phân tích thành:

Eka + agga + tā = ekaggatā.

Eka là một, agga là cao tột. Vậy ekaggatā là điểm cao tột, nên ekaggatā còn được dịch là nhất điểm.

Khi ekaggatā phát triển vững vàng, có sức mạnh trở thành Định (samādhi), đó là đỉnh cao của pháp chỉ tịnh nghiệp xứ (samatha kammaṭṭhāna).

Ekaggatā dịch là Nhất hành vì có trạng thái không chao động, đồng thời trợ giúp cho tâm cùng các tâm sở đồng sanh cùng “đứng yên” như nó. Tức là tâm cùng các tâm sở có một hành tướng là yên lặng trong cảnh. Ví như ngọn lửa không chao động khi không có gió, hoặc ví như mặt nước yên lặng, không bị sóng làm gợn lăn tăn. Khi có gió ngọn lửa vẫn đứng yên, hoặc nước đã kết thành băng, gặp gió vẫn không xao động, đó là khi tâm sở Nhất hành đã phát huy đầy đủ sức mạnh, gọi là Định.

Đức Phật có dạy: “Các pháp lấy định là đỉnh cao” [1] 

Chính tâm sở Nhất hành giúp cho tâm cùng các tâm sở khác xâu kết vào nhau, không bị rời rạc, ví như sợi chỉ xâu kết các cánh hoa dính vào nhau.

Khi chưa có sức mạnh tâm sở Nhất hành chỉ có thể giữ các danh pháp đồng sanh lại với nhau, cùng an trú trong cảnh, khi tâm sở Nhất hành được huân tập có sức mạnh đầy đủ, nó tập hợp tất cả các danh pháp đồng sanh trở thành một điểm, ví như những sợi chỉ được xe lại cùng chui vào lỗ kim may.

Chúng ta có thể dùng bốn hình ảnh như sau để mô tả ba ý nghĩa trạng thái của tâm sở Nhất hành là:

Trên bàn (ví như cảnh) có nhiều đồng tiền bằng kim loại, có 4 hình ảnh như sau:

Hình ảnh 1: các đồng tiền rời rạc với nhau. Đây không phải là ý nghĩa của Nhất hành tâm sở.

Hình ảnh 2: Các đồng tiền được đặt sát vào nhau không có kẻ hở (như một vòng tròn). Đây là ý nghĩa thông thường của Nhất hành tâm sở.

Hình ảnh 3: Các đồng tiền được xếp thành bốn chồng, đặt sát vào không có kẻ hở với nhau. Đây là Nhất hành tâm sở ở giai đoạn cận định (upacārasamādhi).

Hình ảnh 4: trên bàn chỉ có một chồng đồng tiền và đồng tiền trên cùng ví như Định (samādhi).

Pāli có giải tự tiếng ekaggatā như sau:

- Ārammaṇa cittaṃ samaṃ ādhiyati = ekaggatā.

Giữ tâm quân bình (không lay động) trong cảnh, gọi là Nhất hành”.

Trong Mahāṭīkā có giải rằng:

“- Ādhiyatīti thapeti = ekaggatā.

Gìn giữ các pháp trên một đối tượng (cảnh), gọi là Nhất hành”.

“- Sammā vā samadhāna mattaṃ eva vā etaṃ cittassāti = samādhi.

Thực tính giữ vững tâm và các pháp (tương ưng), gọi là Định”.

Tóm lại, tâm sở Nhất hành là pháp gìn giữ các pháp khác trụ vững trong cảnh.

 

33- Hỏi: Tứ ý nghĩa của tâm sở Nhất hành ra sao?

Đáp:

Tứ ý nghĩa của tâm sở Nhất hành là:

- Trạng thái: Không loạn động đối với cảnh (avikhepalakkhaṇaṃ). Hay: Không chao động đối với cảnh (avisāralakkhaṇaṃ).
- Phận sự: Tập hợp các danh pháp đồng sanh (sahātānaṃ sampiṇḍanaraso).
- Thành tựu: Hiện bày sự yên lặng (upasama paccupaṭṭhāna).
- Nhân cần thiết: Yên vui (sukhapadaṭṭhāna).

Giải thích:

Trạng thái: đặc tính của tâm sở Nhất hành trái với hoài nghi (vicikicca) và nhất là phóng dật (uddhacca). Khi gặp cảnh, vì có nhiều cách phân vân, lưỡng lự đối với cảnh, nên hoài nghi không thể trú vững trong cảnh, đã có nghi hoặc thì không thể có sự “kết dính” , “khắng khít” với cảnh được. Còn phóng dật lại có trạng thái lao chao, loạn động, nên cũng không trú vững trong cảnh và như thế cũng không có sự “kết dính” đối với cảnh.

Trái lại tâm sở Nhất hành có sự trú vững trong cảnh, chính sự “kết dính” với cảnh đã khiến cho Nhất hành có sự yên lặng, không bị loạn động trong cảnh, cho dù cảnh có rung động như thế nào đi nữa. Ví như mũi kim đính vào mảnh vải trên khung thêu, dù khung thêu có ngả nghiêng xoay chuyển như thế nào, mũi kim vẫn yên lặng tại chỗ đính vào. Đây là trạng thái của tâm sở nhất hành.

Cảnh được lắng yên thì Nhất hành càng tăng trưởng sức mạnh, khi cảnh hoàn toàn yên lặng thì tâm sở Nhất hành hiển lộ sức mạnh trở thành ĐỊNH (samādhi).

Phận sự: Khi tâm sở Nhất hành sanh khởi, nó tóm thâu những danh pháp đồng sanh “kết dính vào nhau” không cho rời rạc, phân tán. Ví như bụi bám trên đường lộ, một người muốn quét bụi cần phải lấy nước rảy trên mặt đường, bụi sẽ kết dính vào nhau và bụi sẽ không bay tung tóe khi bị quét. Hay ví như những cánh hoa được kết dính vào nhau bởi sợi chi, khi gặp gió các cánh hoa không bị rời rạc tung bay.

Nước có tác dụng”gom thâu” bụi dính vào nhau, không cho bụi bay tung tóe khi quét, sợi chỉ có tác dụng kết dính những cánh hoa, không cho các cánh hoa rời rạt khi gặp gió như thế nào, thì tâm sở Nhất hành có tác dụng “gom thâu” các danh pháp đồng sanh với nó dính chặt vào nhau như thế ấy. Đây là phận sự của tâm sở Nhất hành.

Thành tựu của tâm sở Nhất hành được hiện rõ dưới trí tuệ của bậc hiền trí hoặc của hành giả khi quán xét về danh- sắc.

Tâm được yên lặng trú vững trong cảnh, ví như ngọn lửa đứng yên, không lay động ở nơi lặng gió. Đây là sự thành tựu của tâm sở Nhất hành, tức là khi ấy Nhất hành có sức mạnh gom giữ các pháp đồng sanh, không cho bị tán loạn từ một hấp lực nào khác.

Nhân cần thiết của tâm sở Nhất hành là sukha (an lạc), nghĩa thông thường của sukha là an vui, hạnh phúc.

Nhưng ở đây cần nên hiểu là sự an vui này (sukha) đối nghịch với hoài nghi và phóng dật.

Lẽ thường, người có sự an vui ở thân, tâm tư người ấy dễ dàng yên lặng.

Đức Phật có dạy: “thân yên lặng dẫn đến tâm yên lặng, tâm yên lặng dẫn đến phiền não yên lặng”.

Nên sukha ở đây ám chỉ thân yên lặng, vì sao vậy? Vì rằng tâm là một pháp chủng có khuynh hướng tìm sự an lạc, nếu không gặp hoặc xa lìa môi trường an lạc, tâm sẽ chao động ngay. Đức phật có dạy:

“Vājiro’va thale khi
Ekamokata ubbhato
Pariphandati’midaṃ cittaṃ
Māratheyyaṃ pahātave.

Như cá quăng trên bờ.
Vất ra ngoài thủy giới.
Tâm này vùng vẫy mạnh.
Hãy đoạn thế lực Ma”.
[2] 

Cá vất lên bờ nó vùng vẫy mạnh, nhưng khi thả trở vào môi trường nước, nó không còn vùng vẫy nữa vì được môi trường thích hợp. Cũng vậy, khi tâm gặp được sự an vui sẽ không có sự chao động mạnh, còn khi gặp được lạc, tâm yên lặng để thụ hưởng, do đó chi Lạc của thiền là pháp đối trị với phóng dật, đồng thời cũng là nhân cần thiết để sanh Định.

Cũng nên ghi nhận rằng: khi có thân Lạc, tâm quá phấn chấn không thể yên lặng được thì tâm sở Nhất hành không thể phát huy sức mạnh để trở thành Định (samādhi).

Chỉ an vui trong chốc lát cũng là nhân cần thiết trợ sanh cho tâm sở Nhất hành nhanh chóng.

 

34- Hỏi: Nhân cần thiết của tâm sở Nhất hành là sukha (lạc), vì sao thọ khổ hay thọ xả cũng có tâm sở Nhất hành?

Đáp:

Nên hiểu rằng sukha ở đây không phải thọ lạc, thọ lạc chỉ là một chi phần của sukha. Những điều an vui không hẳn phải phát sanh từ thọ lạc, tuy phần nhiều là như thế.

Không bị ràng buộc, vướng mắc cũng là sự an vui, nhưng tâm nhận lãnh an vui này bằng sự thản nhiên, như trường hợp người thản nhiên khi không có bệnh, khi không vướng nợ ai cả …

Như vậy sự an vui có nơi thọ xả, là nhân cần thiết cho tâm sở Nhất hành cũng là điều dễ hiểu. Bậc chứng đắc Tứ thiền (thiền bốn bậc) có Định, nhưng tâm hợp với xả thọ là điển hình cho trường hợp “an vui thản nhiên” trợ cho tâm sở Nhất hành.

Còn đối với thọ khổ hay thọ ưu thì sao?

Đây là trường hợp đặc biệt, khi tâm có thọ khổ hay thọ ưu, thì chính, Tâm và Tưởng là hai pháp tạo ra sự an lạc “giả tạm” hay “an lạc tạm thời”, như một người đang đói tưởng tượng ra những món ăn để tạm thời quên cơn đói.

Ngoài ra, còn có sức mạnh của tinh tấn, tinh tấn giúp cho tâm chịu đựng cảnh không hài lòng, giúp tâm tạm thời an vui trong cảnh không tốt đẹp. Bấy nhiêu đó cũng đủ giúp cho tâm sở Nhất hành sanh lên.

 

35- Hỏi: Tâm sở Nhất hành có phải là chi thiền không? Chi Ưu của thiền có phải là bất thiện không?

Đáp:

Thiền (jhāna) xuất phát từ ngữ căn jhe là suy gẫm. Ngài Buddhaghosa (Giác Âm) có giải thích:

Ārammaṇa’upanijjhanato paccanīkajhāpanato vā jhānaṃ. Suy gẫm bám sát vào đối tượng hay thiêu đốt phiền não gọi là thiền”.

Như vậy chi thiền là những pháp thiêu đốt, đối trị với nghịch pháp, như:

- Chi Tầm (vitakka) đối trị với hôn trầm, thụy miên.
- Chi Tứ (vicāra) đối trị với hoài nghi.
- Chi Hỷ (pīti) đối trị với sân.
- Chi Lạc (sukha) đối trị với phóng dật.
- Chi Định (samādhi) đối trị với tham dục.
- Chi Xả (upekkhā) đối trị với hối (kukkucca).
- Chi ưu đối trị với Hỷ (somanassa).

Bao giờ hiển lộ được sức mạnh để đối trị pháp nghịch, pháp ấy mới được gọi là chi thiền, trong trường hợp không đối trị được pháp nghịch, thì không thể gọi là chi thiền.

Như trong tâm tham hữu trợ (sasaṅkhārika) hay tâm sân hữu trợ, tuy có tâm sở Tầm nhưng vẫn có hôn trầm - thụy miên, nên tâm sở Tầm không phải là chi thiền vì chưa hiển lộ được sức mạnh để đối trị với hai pháp nghịch là hôn trầm và thụy miên.

Tương tự trong tâm Si hợp hoài nghi, tuy tâm sở Tứ có mặt nhưng không thể áp chế được hoài nghi, nên tâm sở Tứ không phải là chi thiền.

Nên ghi nhận “ở đây chỉ nói đến chánh thiền”, riêng trong phần duyên hệ có câu:

Pháp bất thiện trợ pháp bất thiện bằng thiền duyên” là nói đến tà thiền (micchājhāna).

Hành giả tu tập thiền chỉ tịnh (samatha) đạt đến cận định, có bốn chi thiền là: tầm, tứ, hỷ và lạc. Rõ ràng khi ấy vẫn có tâm sở Nhất hành, nhưng tâm sở này chưa trở thành chi Định của thiền vì chưa áp chế được tham dục.

Khi đối trị được tham dục, hành giả đắc Sơ định, khi ấy Nhất hành trở thành chi Định của thiền.

Về chi Ưu của thiền.

Ở đây là nói đến hành giả đã đắc Sơ định, suy gẫm quán xét thấy rằng “Tầm - Tứ là một chướng ngại của Nhị thiền (thiền bốn bậc)”, có trạng thái chán nản Tầm - Tứ, muốn dứt bỏ Tầm - Tứ để tiến đạt đến Nhị thiền. Trạng thái chán nãn này là chi Ưu của thiền. Đức phật có dạy:

“Có loại thọ ưu nên thân cận, có loại thọ ưu nên đoạn trừ” [3] .

Loại ưu nên thân cận là chỉ cho chi thiền Ưu này, đó là pháp thiện, còn ưu trong tâm sân thuộc về bất thiện cần phải đoạn trừ.

 

36- Hỏi: Do nhân nào mà tâm sở Nhất hành (ekaggata cetasika) khi trở thành chi thiền luôn có trong các tâm thiền, trái lại các chi thiền khác lần lượt bị loại bỏ?

Đáp:

Chi Định là chi thiền hòa hợp trong các tâm thiền, vì Định là tên gọi trực tiếp của thiền (jhāna). Những chi thiền khác không phải là tên gọi của thiền, đó chỉ là những pháp tánh có công năng “quét sạch” những chướng ngại (nīvaraṇa- triền cái), nhằm trợ giúp cho tâm sở Ekaggata (Nhất hành) trở thành chi thiền.

Đức Phật có dạy:

-“Có năm uế nhiễm của vàng là: sắt, đồng, thiếc, chì và bạc. Do các uế nhiễm ấy, vàng bị uế nhiễm, không được nhu nhuyến, không được dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn và không chơn chánh chịu sự tác thành…

Cũng vậy, này các tỷ kheo, có năm uế nhiễm này của tâm là: tham dục, sân, hôn trầm - thụy miên, trạo hối, nghi. Do năm uế nhiễm này, tâm bị uế nhiễm, không được hu nhuyến, không được dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không chơn chánh định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc…” [4] .

Đoạn kinh trên nêu rõ ý nghĩa của Định và tâm sở Nhất hành, nghĩa là “bao giờ gột sạch được uế nhiễm tham dục, bấy giờ tâm sở Nhất hành mới trở thành chi Định của thiền”.

Bốn chi thiền: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc giúp tâm loại trừ dần những uế nhiễm. khi chỉ còn tham dục, tâm sở Nhất hành phát huy sức mạnh, áp chế được tham dục và trở thành chi Định trong các tâm Thiền.

Bốn chi thiền: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc ví như bốn viên đại thần có năng lực dẹp tan những thế lực đối nghịch của Ấu chúa (tâm sở Nhất hành), giúp ấu chúa lên ngôi vua, khi Đức vua vững mạnh trên ngôi báu, có khả năng cai trị quốc độ vững vàng, thì đến lúc các vị lão thần “lần lượt cáo lão từ quan”.

Cũng vậy, các chi thiền: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc lần lượt bị loại bỏ theo từng cấp bậc thiền chứng, nhưng Định (đức vua) không thể loại bỏ được.

 

Tâm sở Mạng quyền

37- Hỏi: Thế nào là tâm sở Mạng quyền (jīvitindriyacetasika).

Đáp:

Phân tích từ jīvitindrya được jīvita + indriya = jīvitindriya.

Gọi là jīvita (mạng) vì bảo tồn đời sống danh pháp tồn tại ba sátna (khaṇa): sanh - trụ - diệt.

Pāli có giải như vầy:

“Jivanti sahājāta dhammā etenāti = jivitaṃ: Gìn giữ các pháp đồng sanh được tồn tại, gọi là Mạng”.

Gọi là indriya (quyền) vì có khả năng cai quản, kiểm soát các pháp đồng sanh cùng làm một phận sự.

Pāli có giải rằng;

“Indanti parama issariyaṃ karoṇtīti = indriyāni: Đang thực hiện nhiều sự kiểm soát cao nhất, gọi là quyền”.

Kết hợp hai từ trên trở thành jīvitindriya nghĩa là “cai quản sự tồn tại của các pháp, gọi là Mạng quyền”.

Có hai loại Mạng quyền là danh Mạng quyền (nāma jīvitindriya) và sắc Mạng quyền (rūpa jīvitindriya).

Danh Mạng quyền bảo tồn đời sống danh pháp tồn tại 3 sátna tiểu.

Sắc Mạng quyền bảo tồn đời sống sắc pháp tồn tại 51 sátna tiểu (= 17 sátna tâm). Trong đó sát na Sanh là sátna khởi đầu, sátna Diệt là sát na thí7 51 (sátna cuối cùng), sátna Trụ gồm 49 sátna ở giữa.

Sắc Mạng quyền là loại sắc do nghiệp tạo, tuy thảo mộc cũng có sự sống nhưng không có loại sắc Mạng quyền này, chúng tồn tại là do sự vận chuyển của sắc thời tiết (utusamuṭṭhānarūpa) và sắc vật thực (āhārarūpa) riêng của chúng, chúng không có sắc do Tâm tạo hay do Nghiệp tạo.

Đối với chúng sanh hữu tình cõi năm uẩn, danh - sắc Mạng quyền đồng sanh với tâm Tục sinh (tâm khởi đầu kiếp sống - paṭisandhiviññāṇa), đồng diệt với tâm Tử (tâm cuối cùng chấm dứt một kiếp sống- cuticitta). Nên hiểu rằng: Danh - sắc Mạng quyền được tồn tại trong kiếp sống đó, không có nghĩa là chúng thường hằng, không bị hoại diệt trong suốt thời gian tuổi thọ của chúng sanh ấy, chúng vẫn phải sinh diệt liên tục, khi Mạng quyền này diệt đi, một Mạng quyền khác sanh lên, “cả hai Mạng quyền ấy giống nhau như là một”, do đó nói rằng “loại Mạng quyền này tồn tại suốt trong kiếp sống của chúng sanh ấy”.

Đối với chúng sanh cõi bốn uẩn (cõi Vô sắc), chỉ có danh Mạng quyền đồng sanh với tâm Tục sinh.

Đối với chúng sanh cõi Vô tưởng, chỉ có sắc Mạng quyền làm việc tục sinh.

Như vậy sự chết xem như là sự chấm dứt “hoặc danh Mạng quyền, hoặc sắc Mạng quyền hoặc cả hai loại Mạng quyền”.

Nếu tâm sở Tư định đoạt các nghiệp thì tâm sở Mạng quyền lại nuôi sống cho tâm sở Tư cùng các tâm sở khác. Ví như nước nuôi dưỡng hoa sen không bị mau héo tàn, hay ví như người nhủ mẫu nuôi dưỡng hài tử được tăng trưởng tốt đẹp, cũng vậy Mạng quyền nuôi dưỡng danh - sắc được tồn tại đúng với tuổi thọ của danh hay sắc pháp.

Tuy gọi là “có quyền”, nhưng mạng quyền chỉ thể hiện được sự cai quản trong lãnh vực “duy trì sự sống” mà thôi. Ví như trưởng phòng kế toán chỉ có quyền đối với nhân viên trong lãnh vực kế toán, ngoài ra anh không có quyền trong những lãnh vực khác.

Do đó, các danh - sắc pháp (ngoại trừ danh - sắc mạng quyền) phải nương vào Mạng quyền để tồn tại, ngược lại chính Mạng quyền cũng phải nương vào danh - sắc để trú vững. Như người lái xe phải nương vào chiếc xe để vượt đường xa, ngược lại chiếc xe cũng phải tùy thuộc vào người lái xe.

Lại nữa, tùy theo cõi mà tuổi thọ của hai loại Mạng quyền khác nhau, như cõi bàng sanh tuổi thọ của chúng ngắn hơn cõi người, cõi người ngắn hơn cõi chư thiên… danh mạng quyền cõi Không vô biên xứ ngắn hơn cõi Thức Vô biên xứ …. (đây là nói đến trường hợp phổ thông, không đề cập đến những trường hợp đặc biệt như yểu tử hay do bị nghiệp đoạn tận).

Hoặc tùy theo cách sanh ra, Mạng quyền có sự khác biệt nhau, như thai sanh, thấp sanh thì Mạng quyền có tuổi thọ ngắn hơn hóa sanh. Như danh- sắc Mạng quyền của nhân loại ngắn hơn danh - sắc Mạng quyền của chúng sanh là Ngạ quỷ (peta) hay chư Thiên (deva).

 

38- Hỏi: Hãy trình bày tứ ý nghĩa của tâm sở Mạng quyền.

Đáp:

Tứ ý nghĩa của tâm sở Mạng quyền là:

- Trạng thái: Trông nom, bảo trì các pháp đồng sanh (sahajānaṃ anupalanalakkhaṇa).
- Phận sự: Làm cho các pháp đồng sanh tồn tại đủ tuổi thọ (3 sátna tiểu) (sahajānaṃ pavattanarasaṃ).
- Thành tựu: Pháp đồng sanh tương ưng (với tâm sở mạng quyền) tồn tại đủ tuổi thọ (sahajanaṃ thapaṇapaccupaṭṭthāna).
- Nhân cần thiết: Có pháp đồng sanh đáng gìn giữ (yāpetabbapadaṭṭhānaṃ). Hay: Phải có ba uẩn ngoài ra (sesakhandhattayapadaṭṭhānaṃ).

Giải thích:

Trạng thái: Tâm sở Mạng quyền ví như nước nuôi dưỡng hoa sen được xinh tốt, không bị mau héo úa. Hay ví như người nhủ mẫu bảo dưỡng hài nhi, nhằm mang đến sự an lành cho đứa bé.

Nhưng nước chỉ có công dụng đối với những cánh hoa sen còn xinh tốt, không thể có công dụng đối với những hoa sen đã héo tàn, người bảo mẫu chỉ có thể chăm sóc gìn giữ hài nhi còn sống, chứ không thể bảo trì đứa bé đã chết phi thời (akālamaraṇa).

Cũng vậy, tâm sở Mạng quyền chỉ có vai trò trợ giúp các pháp tương ưng đang hiện hữu, đang ở giai đoạn tăng trưởng, chứ không thể trợ giúp những pháp tương ưng đã diệt hoặc “đang lão hóa” trở lại như cũ được. Trong giai đoạn lão hóa của các pháp đồng sanh, tâm sở Mạng quyền chỉ gìn giữ mạng sống của các pháp ấy cho đúng thời mà thôi, ví như vị lương y cố gắng duy trì mạng sống cho bịnh nhân, nhưng không chữa trị cho bịnh nhân hồi phục như cũ được.

Mặt khác hoa sen tuy sanh trong nước nhưng không sanh từ nước, nước không có khả năng tạo ra hoa sen, nước chỉ có khả năng giúp cho hoa sen xinh tốt mà thôi. Tương tự, đứa bé không phải do bảo mẫu sanh ra, người bảo mẫu chỉ có khả năng giúp đứa bé được an lạc, khỏe mạnh.

Tóm lại, nước đối với hoa sen, hay người bảo mẫu đối với hài tử chỉ có vai trò trợ giúp tăng trưởng. Cũng vậy, tâm sở Mạng quyền chỉ có vai trò trợ giúp các pháp đồng sanh được tăng trưởng và tồn tại đủ tuổi thọ.

Tâm và các tâm sở không phải sanh từ tâm sở Mạng quyền, các pháp này sanh từ nghiệp - cảnh - vật. Khi ba pháp này hoại thì chúng cũng hoại, đó là lẽ thường tình.

Mặt khác tâm và tâm sở là pháp hữu vi, chắn chắn chúng phải đi đến hoại vong, đó là định luật. Điều này nói lên “danh - sắc mạng quyền không phải là tác nhân tạo ra sự hoại diệt của danh - sắc”, tức là sự hoại diệt của danh - sắc không liên quan gì đến danh - sắc Mạng quyền.

Và sự trông nom, gìn giữ các danh pháp đồng sanh, đây là trạng thái của tâm sở Mạng quyền.

Phận sự: Tâm sở Mạng quyền duy trì đời sống các danh pháp đồng sanh với nó tròn đủ tuổi thọ là 3 sátna tiểu, khi các danh pháp đồng sanh với tâm sở Mạng quyền diệt thì chính tâm sở Mạng quyền cũng diệt, vì nó chỉ có nhiệm vụ bảo trì những pháp đồng sanh với nó mà thôi. Ví như số nước nuôi dưỡng trong hoa sen, khi nước hết thì hoa sen tàn, đồng thời khi hoa sen tàn thì số nước ấy cũng hết.

Khi tâm và tâm sở diệt, một tâm cùng tâm sở khác sanh lên, thế là danh Mạng quyền mới lại sanh lên để bảo trì danh pháp mới, sự kiện này liên tục tiếp diễn suốt thời gian tuổi thọ của chúng sanh ấy.

Tương tự như vậy đối với sắc pháp, nên cơ thể chúng sanh còn sống đặc biệt hơn cơ thể chúng sanh đã chết, sự đặc biệt này có được là do có sắc Mạng quyền.

Tức là danh Mạng quyền bảo tồn tâm - tâm sở, còn sắc Mạng quyền bảo tồn sắc nghiệp.

Có câu hỏi rằng: “tâm sở Mạng quyền bảo trì danh pháp đồng sanh tồn tại ba sátna tiểu, vậy pháp nào bảo trì tâm sở Mạng quyền tồn tại ba sátna tiểu?”

Đáp: Chính tâm sở Mạng quyền tự bảo tồn mình tròn đủ ba sátna tiểu, ví như chiếc thuyền đưa hành khách sang bên kia sông, khi hành khách đến bờ bên kia thì chiếc thuyền cũng đến bờ kia. Chiếc thuyền bảo vệ hành khách an toàn khi sang sông thì chính nó cũng phải được an toàn, chiếc thuyền chìm thì tất cả hành khách đều rơi xuống nước. Chiếc thuyền ví như tâm sở Mạng quyền, hành khách sang sông ví như danh pháp đồng sanh với nó, bờ kia sông ví như sátna Diệt, bờ này ví như sátna Sinh.

Tâm sở Mạng quyền bảo vệ các pháp đồng sanh cũng tự bảo vệ chính mình như thế ấy. Đây là phận sự của tâm sở Mạng quyền.

Thành tựu: Khi hành giả quán xét thấy: “danh pháp này diệt đi, một danh pháp khác sanh lên không gián đoạn” giống như nước dòng sông trôi qua một điểm không hề gián đoạn, hành giả hiểu biết rằng: “Có một đời sống danh pháp đã diệt”, sự tồn tại của đời sống danh pháp có trước đó, là d0 danh Mạng quyền bảo trì.

Thật ra, sự sanh diệt của danh pháp cực nhanh hầu như chỉ thấy được 2 sátna Sanh hay sátna Diệt mà thôi, chỉ với Toàn giác trí mới thấy rõ ba sátna sanh- trụ- diệt, đồng thời thấy rõ sự thành tựu của Mạng quyền. Tức là danh pháp chỉ tồn tại trong khoảnh khắc, khoảnh khắc ấy gọi là ṭhītikhaṇa (sátna Trụ), đó là do công năng bảo tồn của tâm sở Mạng quyền. Đây là sự thành tựu của tâm sở Mạng quyền.

Nhân cần thiết của tâm sở Mạng quyền chính là các pháp đồng sanh với nó.

Công năng của tâm sở Mạng quyền là gìn giử các pháp đồng sanh cho được tồn tại, nếu không có pháp đồng sanh đáng gìn giử thì tâm sở Mạng quyền không thể có mặt. Ví như không có hài tử để gìn giử thì không có bảo mẫu.

 

Tâm sở Tác ý

39- Hỏi: Thế nào là tâm sở Tác ý (manasikāracetasika)?

Đáp:

Phân tích từ manasikāra được là: manasi + kāra.

Manasi là nơi tâm, nơi ý.

Kāra là làm, tạo tác. Có giải tự như sau:

“Kiriya = kāro: Sự làm ra, gọi là tác.

Theo nghĩa từng từ thì manasikāra là “việc làm của ý” dịch là tác ý. Nghĩa là hướng tâm (chú ý) đến đối tượng, cũng giống như bánh lái đưa con thuyền đến mục tiêu. Tâm không có Tác ý ví như con thuyền không có bánh lái, con thuyền sẽ mãi lênh đênh trên mặt nước, không thể định hướng đâu là bến đâu là bờ.

Có hai loại định hướng: định hướng đúng và định hướng sai.

Định hướng đúng được gọi là yoni so manasikāra (như lý tác ý), định hướng sai là ayoni so manasikāra (phi như lý tác ý).

Đức Phật có dạy: “Này các tỷ kheo, vị tỷ kheo với tâm bị đặt sai hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Níp Bàn, sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, vì tâm bị đặt sai hướng….

Này các tỷ kheo, vị tỷ kheo với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh tâm đặt đúng hướng có thể xuyên thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Níp Bàn, sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, vì tâm được đặt đúng hướng“. [5]

Bài kinh trên cho thấy: chính tâm sở Tác ý đã hướng tâm, nếu tâm đặt đúng hướng thì mang đến nhiều lợi ích.

Như lý tác ý là gì?

Theo nguyên nghĩa: Yoni là trung tâm, Tập Sớ giải thích là “nguyên nhân”, là “duyên - điều liện tạo ra”. So là đúng đắn, hiệp theo phương pháp. Yoni so là đúng theo phương pháp, “chú ý đúng theo phương pháp” là chú ý vào nguyên nhân, vào duyên, vào nhân quả. Một đôi khi “như lý tác ý” được dùng như nghĩa “trí tuệ”.

Vậy, như lý tác ý là hướng tâm về nhân duyên của các pháp, chú ý đến thực tính pháp.

Chính như lý tác ý này rất quan trọng, tất cả thịện pháp đều nương sanh từ đó, đồng thời cũng từ như lý tác ý mà tăng trưởng.

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỷ kheo, do pháp ấy các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các tỷ kheo như “như lý tác ý” [6] 

Và:

“Do như lý tác ý, này các tỷ kheo, các giác chi chưa sanh được sanh khởi và các giác chi đã sanh đi đến tu tập viên mãn.” [7] 

Phi như lý tác ý là gì? Là không lưu ý đến những gì liên quan đến nhân- duyên, nghiệp quả hay không chú ý đến những thực tính pháp.

Chính tâm sở Tác ý này là thành phần quan trọng, nó khiến cho tâm rơi vào ảnh hưởng của ác- bất thiện pháp bằng phi như lý tác ý hay khiến cho tâm làm bạn với thiện pháp bằng như lý tác ý.

Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỷ kheo, do pháp ấy các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi và các pháp thiện đã sanh được đoạn tận, này các tỷ kheo như “phi như lý tác ý” (sđd).

Một ý nghĩa khác của tâm sở Tác ý là: “làm thành cảnh cho tâm”. Có ba loại tác ý là:

- Tác ý làm thành cảnh (ārammaṇa) cho tâm, đây là việc làm của tâm sở Tác ý.
- Tác ý làm thành lộ tâm (cittavīthi), đây là việc làm của tâm Hướng ngũ môn (xem Tâm vấn đáp).
- Tác ý làm thành đổng lực (javana), đây là việc làm của tâm Hướng ý môn.

Pāli có giải về “tác ý làm thành cảnh cho tâm” như sau:

“Ārammaṇa manasipaṭpādāyatīti = ārammaṇapaṭipādako.

Làm thành cảnh cho tâm, gọi là tác ý thành cảnh”. Tức là tâm sở Tác ý.

Như vậy, tâm sở Tác ý có hai tính chất: chú ý đến cảnh và tạo thành cảnh cho tâm.

Lẽ thường, cảnh là một nhu cầu không thể thiếu của tâm pháp, không có cảnh thì tâm không thể sanh khởi, tâm không sanh khởi thì các pháp nương sanh tâm cũng không hình thành. Có hai loại cảnh là: cảnh bên ngoài (cảnh ngoại phần) và cảnh bên trong (cảnh nội phần).

- Cảnh bên ngoài khi xâm nhập vào các sắc thần kinh, làm rúng động dòng tâm hữu phần (bhavaṅga cita), tâm sở Tác ý sanh khởi hướng tâm đến một điểm nào đó trong cảnh, giúp cho tâm nhận biết cảnh, ví như khi đứng trước một bức họa, người họa sĩ chỉ chú ý đến những nét độc đáo, hoặc chỉ chú ý đến màu sắc mà thôi, ngoài ra không lưu ý những gì ngoài ra đó. Điều này rất rõ đối với hành giả tu tập đề mục hơi thở, tâm sở Tác ý hướng tâm chú ý nơi hơi thở xúc chạm với thân là mũi hoặc môi trên, ngoài ra không lưu ý đến những điểm khác.

Sự hướng tâm của tâm sở Tác ý có ý nghĩa đặc biệt như thế, khác với sự hướng đến cảnh của tâm Hướng ngũ môn, tâm Hướng ngũ môn hướng các pháp đồng sanh đến cảnh có tính “rộng” như một người đứng trong nhà đưa mắt nhìn ra ngoài xem “cái gì” vừa xuất hiện.

- Đối với cảnh bên trong (nội phần), tâm sở Tác ý cũng hướng tâm chú ý vào một điểm của cảnh, để tâm nhận biết cảnh.

Gọi làm thành cảnh cho tâm”, là tâm sở Tác ý làm nổi bật những nét đặc biệt của cảnh để tâm biết cảnh mau chóng.

Đức Phật có dạy: [8]

“Tất cả các pháp lấy Tác ý làm sanh khởi”. Là nói đến ý nghĩa “làm thành cảnh cho tâm” của tâm sở Tác ý.

 

40- Hỏi: Hãy giải thích rõ Như lý tác ý và nhân sanh của Như lý tác ý?

Đáp:

Như lý tác ý là hướng tâm hay chú ý hiệp đúng theo phương pháp, tức là theo cách thức của trí tuệ. Cũng nên ghi nhận: “như lý tác ý không phải là trí tuệ”, khi tâm sở Tác ý hướng tâm vào cảnh một cách đúng đắn, đó là việc làm của Tác ý, không phải là việc làm của trí, chính Như lý tác ý này có khả năng làm sanh khởi những pháp đưa đến giải thoát như Giác chi, bát Chánh đạo. Còn khi nhận cảnh Níp Bàn cắt đứt nghiệp luân hồi, đó là việc làm của trí, đây là hai pháp khác nhau.

Ngài Nāgasena có trả lời vua Milanda rằng:

“Chú ý đúng theo phương pháp có trong tâm của tất cả bàng sanh như trâu, bò, heo, ngựa… nhưng không có trí tuệ, chỉ nhân thiên mới có” [9]

Trí tuệ ở đây, Ngài Nāgasena (Na Tiên) ám chỉ trí tuệ chứng đắc thiền định hay Thánh Đạo.

Rõ ràng: “chú ý đúng phương pháp là khác, trí tuệ là khác”. Chú ý đúng theo phương pháp làm duyên cho trí tuệ sanh khởi và tăng trưởng vững mạnh.

Bàng sanh có trí tuệ không? Có chứ.

Vì sao Ngài Nāgasena không đề cập đến trí tuệ của bàng sanh?

- Vì bàng sanh không có khả năng nhận thức tam tướng, Ngài Nāgasena đề cập đến trí ở đây là nói đến trí chứng đắc thiền định hay Đạo quả, nếu Ngài trả lời theo cách thông thường, sẽ khiến vua Milanda bắt bẻ: “Vậy bàng sanh cũng đắc Đạo quả sao?”, hoặc khiến vua Milanda hiểu lầm: “Bàng sanh cũng có thể đắc Đạo quả”. Với mục đích chấm dứt sự hiểu sai có thể xảy ra cho vua Milanda, đồng thời khẳng định “súc sanh không thể chứng đạt thiền định hay Đạo quả”, nên Ngài Nāgasena xác định “chỉ có nhân, thiên mới có trí tuệ (thiền định hay Đạo quả)”.

Đức Phật có dạy:

“Này các tỷ kheo, điềm đi trước là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là như lý tác ý. Tỷ kheo thành tựu như lý tác ý, này các tỷ kheo, được chờ đợi rằng: Bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn”. [10]

Và: “Này các tỷ kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước Thánh Đạo tám ngành sanh khởi chính là đầy đủ như lý tác ý (yonisomanasikārasampadā)”. [11]

Hai đoạn kinh trên (S.v, 31 - 79) cho chúng ta thấy hai sự chú tâm của Như lý tác ý là: “Chú tâm làm sanh khởi Thất giác chi, chú tâm làm sanh khởi Bát chánh đạo”, hai điều này xem như là đỉnh cao của Như lý tác ý.

Sự chú tâm có hai loại:

- Chú tâm đúng phương pháp hiệp theo trí tuệ.
- Chú tâm đặc biệt.

Chú tâm đúng theo phương pháp trí tuệ thường xuất hiện ở “tác ý thành lộ và tác ý thành đổng lực”. Trong giai đoạn “tác ý thành lộ (do tâm Hướng ngũ môn đảm trách)” nếu có như lý tác ý thì cảnh không quá thô xấu hoặc sẽ tốt đẹp hơn, giúp cho những tâm quả thiện có cơ hội sanh khởi.

Trong giai đoạn “tác ý thành đổng lực (do tâm Hướng ý môn đảm trách)”, nếu có như lý tác ý thì tâm thiện sanh khởi, tâm bất thiện không có cơ hội hiện bày.

Thế nào là chú tâm đặc biệt?

Như đã giải thích: tâm sở Tác ý hướng tâm cùng các pháp đồng sanh với nó vào một khía cạnh của cảnh, đó chỉ là Như lý tác ý thông thường. cách này bàng sanh vẫn có.

Như lý tác ý làm hiển lộ tam tướng cho tâm nhận biết (làm thành cảnh đặc biệt cho tâm), là như lý tác ý đặc biệt. Chính loại như lý tác ý này không có nơi bàng sanh và cũng chính loại như ý tác ý này mới làm sanh khởi tuệ quán được.

Ví như người thợ mộc muốn khoan một cái lỗ trên thân gỗ, trước tiên y đặt mũi khoan vào nơi thích hợp (ví như “như lý tác ý thông thường”), rồi y ra sức khoan mũi khoan vào gỗ, những thớ gỗ bên trong theo mũi khoan trào ra ngoài, người thợ mộc nhận thấy màu sắc, chất gỗ… mà lớp gỗ bên ngoài che khuất đi. Cũng vậy, như lý tác ý đặc biệt là làm cho tam tướng ẩn bên trong cảnh lộ ra, giúp cho tuệ quán sinh khởi để quán sát ba tướng của hữu vi pháp.

Nên Ngài Nāgasena có trả lời câu hỏi của vua Milinda rằng:

- Bạch Đại Đức, người không còn tái sanh nữa, là do pháp nào?

- Tâu Đại vương, người không còn tái sanh nữa là do có ba pháp: Ý nghĩ đúng phương pháp (yonisomanasikāra), trí tuệ (paññā) và tích trữ thiện pháp đầy đủ. [12]

Ở câu hỏi thứ 8 của vua Milinda, Ngài Na Tiên cũng nêu lên tướng trạng của như lý tác ý là:

“Tâu Đại vương, tướng trạng của như lý tác ý (yoni so manasikāra lakkhaṇa) có hai là:

Sự tinh tấn là tướng trạng (ussāhalakkhaṇ).
Cách thu tóm (các pháp đồng sanh) là tướng trạng (gaharalakkhaṇa)”

Trong ví dụ trên cho thấy người thợ mộc khoan vào gỗ là sự tinh tấn, mũi khoan đi sâu vào gỗ ví như các pháp đồng sanh gom lại một chỗ.

Như vậy như lý tác ý đặc biệt chỉ xuất hiện trong lúc hành giả tu tập Vipassanā (quán Minh).

Nhân sanh như lý tác ý.

Có năm nhân làm sanh khởi Như lý tác ý là:

- Tích trữ thiện nghiệp trong quá khứ (pubbecakutapuññatā).
- Ở nơi có Chánh pháp hay có bậc thiện trí thức (patirūpadesāvasa).
- Thân cận bậc thiện trí thức (sappurisapanissaya).
- Được nghe Chánh Pháp (saddhammasāvana).
- An trú thân, ngữ, ý trong thiện pháp (atthasammapanidhi).

Trong năm điều trên, điều 1 là do nghiệp thiện được tích lũy trong quá khứ, bốn điều sau là nghiệp trong hiện tại.

 

41- Hỏi: hãy giải thích rõ ba loại tác ý?

Đáp:

Có ba loại tác ý là: Tác ý trợ sanh tâm lộ, tác ý trợ sanh đổng lực và tác ý tạo thành cảnh cho tâm.

1- Tác ý trợ sanh tâm lộ (vīthipaṭipādaka manasikāra).

Việc trợ sanh tâm lộ là do tâm Hướng ngũ môn (pañcadvāravajjanacitta) nhận lãnh.

Thường thì chúng sanh khi tiếp xúc với năm cảnh trần bên ngoài, phát sanh sự thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng.

Dĩ nhiên khi ấy không có sự liên hệ với “nhập thiền hay nhập quả định”, dòng tâm hữu phần đang trôi chảy bằng cách sinh diệt liên tục, cảnh tiếp chạm vào sắc thần kinh như cảnh sắc chạm vào thần kinh Nhãn, cảnh thinh chạm vào thần kinh Nhĩ…. bấy giờ tâm hữu phần chạm vào cảnh làm nảy sanh “sự chú ý”, ví như con ruồi chạm vào mạng nhện, làm rung mạng lưới khiến con nhện chú ý về hướng ấy, đó là nhân khiến Tâm Hướng ngũ môn sanh lên.

Tâm này có phận sự nhận cảnh mới đồng thời dẫn dắt các pháp đồng sanh với nó hướng về cảnh mới từ bên ngoài vào, rồi từ đó một loạt những tâm lộ hình thành, do đó tâm Hướng ngũ môn còn có tên gọi là tác ý thành tâm lộ.

Pāli có giải như sau:

“Vīthipatipādayatīti = vīthipatipādako.
Tác ý tạo điều kiện cho tâm lộ sanh lên, nên gọi tác ý thành lộ tâm”.

2- Tác ý trợ sanh đổng lực (javanapādaka manasikāra).

Việc trợ sanh tâm đổng lực (javanacitta) là do tâm Hướng ý môn (manodvāravajjanacitta) nhận lãnh.

Lẽ thường trong lộ tâm ngũ môn hay lộ tâm ý môn, xuất hiện những tâm đổng lực (javanacitta) để xử lý cảnh. Những tâm đổng lực này phải nương sanh vào tâm Hướng ý môn, nếu thiếu tâm Hướng ý môn thì dòng đổng lực không thể sanh khởi, cho dù đó là cảnh rất lớn, cảnh lớn, cảnh rất rõ, cảnh rõ (xem Quy trình tâm pháp).

Do đó tâm Hướng ý môn còn có tên gọi là “tác ý thành đổng lực” .

Pāli có giải như sau: “javanaṃpatipāyatīti = javanapādako: Tác ý tạo điều kiện cho tâm đổng lực sanh lên, gọi là tác ý thành đổng lực”.

Hai loại tác ý trên chính là điều kiện trợ sanh loại tâm “mới”, đặc biệt hơn loại tâm “cũ” là tâm hữu phần.

Nói cách khác, hai tâm Hướng môn làm duyên để các loại tâm “mới” sanh lên. Pāli có giải tự rằng:

“Purimanavate vinadisaṃ manaṃ karotīti = manasikāra: Trợ cho tâm đặc biệt sanh khởi, gọi là tác ý.”

Chính Như lý tác ý có vai trò quan trọng nhất trong “tác ý thành đổng lực”, nếu không có Như lý tác ý thì tâm đổng lực bất thiện sẽ sanh lên ngay, cho dù tâm nhận cảnh cực tốt như: Nghe Đức Phật giảng pháp mà tâm nghi hoặc.., còn như có Như lý tác ý thì tâm thiện sanh lên, cho dù có cảnh rất xấu, như trường hợp vị tỷ kheo quán tử thi…

3- Tác ý thành cảnh (ārammaṇapādaka manasikāra).

Đảm nhận phận sự này chính là tâm sở Tác ý.

Bất kể thời gian nào, tâm luôn luôn có cảnh để nhận biết, đó là việc làm của tâm sở Tác ý.

Có hai loại cảnh: cảnh của tâm hữu phần (cảnh cũ) và cảnh lạ trợ cho những tâm mới sanh lên (cảnh mới).

Cảnh cũ cũng là pháp hữu vi, do đó chúng cũng phải hoại diệt, chính tâm sở Tác ý tái tạo lại cảnh đó giúp cho tâm hữu phần sanh lên. Điều này cũng dễ hiểu, nhưng đối với cảnh mới trong nội phần thì sao? Cũng chính do tâm sở Tác Ý tạo ra, bằng cách thu gom các “vật liệu” trong cảnh cũ để tạo ra cảnh mới, ví như người thợ lành nghề, gom những gì có sẳn tạo thành cái mới.

Thế còn những gì tiếp nhận từ bên ngoài thì sao? Đối với năm cảnh trần mà tâm nhận được chỉ là “hình bóng” của thực thể, như con mắt khi nhìn thấy cành cây chẳng phải cành cây đi vào con mắt mà là “hình bóng của cành cây”, còn những âm thanh, vật xúc chạm vào thân cũng vậy, khi tâm nhận thức thì “thực thể” đã diệt rồi, chỉ còn dư hưởng mà thôi. Một vật sắc bén như gươm, đao chẳng hạn, khi chạm mạnh qua thân vài giây phút sau ta mới có cảm giác đau đớn, chứng tỏ “vật xúc chạm” không còn nhưng dư hưởng đang tác động vào thân, khi nghe thì chính âm thanh ấy đã diệt chỉ còn dư hưởng “ngân ngân” của âm thanh tác động đến thần kinh nhĩ, khi ăn nhằm chất cay, tuy uống nước để làm trôi chất cay, nhưng dư hưởng cay vẫn kéo dài …

Nói cách khác, những “hình bóng, dư hưởng” của thực thể khi chạm vào các sắc thần kinh làm dao động luồng hữu phần, nảy sinh xúc “mới” và tâm sở Tác ý thu gom những “tàn dư” ấy tái tạo thành hình ảnh giống như “thực thể’ để cho tâm nhận biết (dĩ nhiên hình bóng ấy nhỏ hơn so với thực thể). Do đó, tâm sở Tác ý được gọi là “tác ý làm thành cảnh cho tâm”.

Tức là cho dù cảnh “mới” ở bên trong hay cảnh ở bên ngoài cũng do tâm sở Tác ý tạo thành.

Pāli có giải:

“Ārammaṇaṃ manasi patipādayatīti = ārammaṇapatipādako.
Tác ý tạo thành cảnh (cho tâm), gọi là tác ý thành cảnh.”

Chính Như lý tác ý trong giai đoạn này cũng góp phần làm cho cảnh tốt đẹp để từ đó dễ dàng phát sanh tâm quả thiện, còn không Như lý tác ý thì cảnh tốt cũng trở thành xấu, cảnh xấu trở thành tệ hại khiến tâm quả bất thiện dễ dàng sanh khởi.

 

42- Hỏi: Hãy trình bày tứ ý nghĩa của tâm sở Tác ý?

Đáp:

Tứ ý nghĩa của tâm sở Tác ý là:

- Trạng thái: Dẫn dắt các pháp tương ưng hướng đến cảnh (sāranalakkhaṇa).
- Phận sự: Làm cho các pháp tương ưng khắn khít với cảnh (sampayojanaraso).
- Thành tựu: Luôn hướng đến cảnh (ārammaṇābhimukhībhava paccupaṭṭhāno).
- Nhân cần thiết: Phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno).

Giải thích:

- Trạng thái: Tâm sở Tác ý là pháp dẫn dắt tâm và tâm sở đồng sanh hướng đến cảnh. Như khi cảnh sắc tiếp xúc với thần kinh Nhãn, Nhãn thức phát sanh lên cùng với tâm sở Tác ý, chính tâm sở Tác ý lại hướng Nhãn thức cùng các pháp đồng sanh hướng đến cảnh như mình. Tâm sở Tácý cũng đóng vai trò tương tự khi cảnh khác tiếp xúc với các môn. Ví như người đánh xe điều khiển những con ngựa đến nơi mình muốn.

- Phận sự: Tâm sở Tác ý có phận sự làm cho các pháp đồng sanh khít khao trong cảnh, nghĩa là làm cho tâm cùng các tâm sở liên tục bám lấy cảnh không gián đoạn, do đó tâm và các tâm sở không hề gián đoạn trong sự biết cảnh, cho dù trong lúc ngủ dòng hữu phần vẫn liên tục sinh diệt và luôn luôn có cảnh cho chúng. Đồng thời những tâm sở đồng sanh với tâm hữu phần cũng luôn níu lấy cảnh. Đây là khả năng của tâm sở Tác ý.

- Thành tựu: Với trí tuệ, bậc trí hay hành giả thấy tâm luôn sanh diệt không gián đoạn, đồng thời cảnh luôn hiện khởi và tâm luôn hướg về cảnh. Đây là sự thành tựu của tâm sở Tác ý.

- Nhân cần thiết: Trợ sanh cho tâm sở Tác ý chính là cảnh trong thời trước đó, hoặc cảnh trong cả ba thời. Vì rằng không có cảnh thì tâm sở Tác ý mất phương hướng, không thể chú ý vào đâu được, chính cảnh dù là cảnh vị lai như trường hợp Đức Phật thọ ký cho những thiện nhân “trong tương lai, thiện gia tử này sẽ thành tựu như thế này… như thế này”, cũng là điều kiện giúp cho tâm sở Tác ý được tạo thành, đồng thời giúp cho tâm sở chú ý đến cảnh .

Ví như xe vừa lăn bánh không khí đồng thời chuyển động ngay cũng vậy, cảnh vừa xuất hiện thì tâm sở Tác ý hình thành để chú ý cảnh, sau đó Tác ý lại tiếp tục tạo thành cảnh khác cho tâm.

Bảy tâm sở: Xúc, Thọ, Tưởng, Tư, Nhất hành, Mạng quyền và Tác ý gom chung vào nhóm tâm sở Biến hành.

-----*-----


[1] A.v. 106.

[2] Pháp Cú kinh, câu 34 - HT. Thích Minh Châu dịch.

[3] Trường Bộ - Kinh Đế Thích vấn đạo.

[4] A.iii, 16.

[5] A.i, 8.

[6] A.i, 12.

[7] A.i, 14.

[8] A.v, 106.

[9] Milindapañhā (Mi-Tiên vấn đáp) - Đại Trưởng lão Giới Nghiêm dịch - phẩm 1, câu hỏi số 7.

[10] S.v, 79.

[11] S.v, 31 - Như lý tác ý

[12] Milindapañhā (Mi-Tiên vấn đáp) - Đại Trưởng lão Giới Nghiêm dịch - phẩm 1, câu hỏi số 7.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | Thư mục Vi Diệu Pháp

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2004).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 07-05-2004