BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Sơ lược lịch sử Thiền tông Trung Hoa

Thích Nhất Hạnh


Danh từ Thiền Tông xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ tám. Trước đó chỉ có những tên như Lăng-Già Tông, Ðông Sơn Tông, Ðạt-Ma Tông, Hà Trạch Tông, Ngưu Ðầu Tông v.v... Tất cả đều thuộc về truyền thống Phật giáo lấy thiền tọa làm cơ bản.

Vào giữa thế kỷ thứ năm, có một vị tăng người Ấn tên là Gunabhadra (Cầu Na Bạt Ðà La hay Ðức Hiền, 394-468) phiên dịch Kinh Lăng-Già (Lankàvatàra) ra Hán văn. Học trò của Gunabhadra cùng với một số bạn hữu tổ chức học tập kinh này và lập thành một tông phái gọi là Lăng-Già Tông. Kinh Lăng Già thường được xem như một kinh căn bản của Thiền học.

Vào thế kỷ thứ bảy, tại tỉnh Hồ Nam, một vị cao tăng tên Ðạo Tín (580-651) thành lập một tu viện chuyên về tọa thiền trên núi Ðông Sơn. Học trò của Ðạo Tín là Hoằng Nhẫn (602-675) tiếp tục giáo hóa hàng trăm đệ tử tại tu viện này. Trong số những cao đệ của Hoằng Nhẫn có Thần Tú, Huệ Năng và Pháp Trí. Thần Tú (706) sau này đi giáo hóa phương Bắc. Huệ Năng (658-713) đi giáo hóa ở phương Nam. Còn Pháp Trì (635-702) về ở chùa U Thê núi Ngưu Ðầu ở Nam kinh để truyền giáo, thành lập Ngưu Ðầu Tông, trong đó Thiền có khuynh hướng Tịnh Ðộ. Hầu hết các sách vở thiền đều nói Pháp Dung (594-647), đệ tử của Ðạo Tín, là người sáng lập Ngưu Ðầu Tông. Kỳ thực Pháp Dung không sáng lập Ngưu Ðầu Tông, mà cũng không phải là đệ tử của Ðạo Tín [1].

Truyền thống khai sáng bởi Ðạo Tín và Hoằng Nhẫn được gọi là Ðông Sơn Tông, bởi cả hai người bắt đầu giáo hóa tại núi Ðông Sơn.

Thần Tú ở phương Bắc thành lập Bắc Tông. Sự sử dụng công án được phát sinh từ truyền thống Bắc Tông này.

Huệ Năng ở phương Nam thành lập Nam Tông. Kỳ thực chính đệ tử của Huệ Năng là Thần Hội (668-760) mới thực là người thành lập Nam Tông. Phần lớn những tài liệu về lịch sử thiền đều do Nam Tông cung cấp, bởi vì truyền thống Bắc Tông suy tàn sau đó chỉ vài thế hệ. Nam Tông khác Bắc Tông ở chỗ khai thác triệt để ý niệm Ðốn Ngộ trong khi Bắc Tông nghiêng về Tiệm giáo. Lúc bấy giờ thanh thế của truyền thống đã lớn, Thần Hội cảm thấy chủ yếu phải dựng lại lịch sử của truyền thống Thiền. [2]

Do đó, sử dụng những sự kiện lịch sử, Thần Hội đã vạch ra truyền thống thiền Ấn Ðộ với 28 vị tổ sư bắt đầu là Ca Diếp tổ thứ nhất cho đến Bồ-Ðề Ðạt-Ma tổ thứ 28, và truyền thống thiền Trung Hoa với 6 vị tổ bắt đầu từ Bồ-Ðề Ðạt-Ma, qua Huệ Khả, Tăng Xán, Ðạo Tín, Hoằng Nhẫn đến Huệ Năng, tức là thầy của chính mình.

Theo Thần Hội chính Bồ-Ðề Ðạt-Ma là người đầu tiên đã trao truyền kinh Lăng-Già cho Huệ Khả. Tăng Xán, tác giả "Tín Tâm Minh", là đệ tam tổ; Ðạo Tín trở thành đệ tứ tổ; Hoằng Nhẫn đệ ngũ tổ; Huệ Năng đệ lục tổ, và chính Thần Hội là người chính thức thừa kế Thiền.

Những sự kiện của Nam Tông cố nhiên nhắm tới tạo uy tín truyền thống cho Nam Tông và những điều nói về Bắc Tông do đó hẳn nhiên là không phản chiếu đầy đủ sự thực. Thần Hội đả kích Bắc Tông vì Bắc Tông lúc đó rất thịnh hành và khuynh hướng tiệm giáo của Bắc Tông lúc đó đang gây trở ngại cho Nam Tông khá nhiều. Bắc Tông lại được giới vua quan ủng hộ; trong khi Nam Tông chỉ được sự ủng hộ của giới Nho gia và Ðạo gia. Lúc này truyền thống được gọi là Ðạt-Ma Tông. Danh từ Thiền Tông vẫn chưa ra đời.

Trong lúc đó tại núi Ngưu Ðầu, trong truyền thống Ngưu Ðầu do Pháp Trì thành lập, có Huyền Tố (668-752) nỗ lực xiển dương ý niệm "bất lập văn tự". Ý niệm này, cùng với phương pháp sử dụng công án do Bắc Tông sáng tạo ảnh hưởng rất lớn tới các tông phái thiền về sau.

Bắc Tông tiêu trầm dần dần, trong khi Nam Tông phát triển mạnh. Sau Thần Hội, ta thấy có những cao tăng như Hy Thiên (700-790), Ðạo Nhất (707-786) và Pháp Khâm (714-792) v.v... Từ đó xuất hiện năm tông phái Thiền nổi tiếng: Lâm Tế, Tào Ðộng, Quy Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn. Những tông phái này sau được truyền sang Nhật Bản, Cao Ly và Việt Nam, thịnh hành nhất là hai phái Lâm Tế và Tào Ðộng.

Sau Thần Hội, ngoài danh từ Ðạt-Ma Tông, người ta còn gọi truyền thống Thiền là Hà Trạch Tông, vì Hà Trạch là nơi cư trú của Thần Hội. Danh từ Thiền Tông xuất hiện trong thời đại cửa thiền sư Bách Trượng (739-808) người đã tạo ra pháp chế Thiền môn, gọi là "Bách Trượng Thanh Quy" đưa sinh hoạt Thiền tách ra độc lập với Luật Viện.

Thiền là Phật giáo, nhưng là một hình thái Phật giáo của khu vực địa lý chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Cây Thiền Trung Hoa đem trồng ở những mảnh đất Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam đã có thể mọc lên tươi tốt, và hình thái tuy có những điểm khác biệt với hình thái của Thiền Trung Hoa, nhưng tựu trung, sự nhận diện vẫn rất dễ dàng. Ðã có một số các nhà học giả và các vị thiền gia muốn đem cây Thiền trồng ở Âu và Mỹ. Công việc này liệu có thành công hay không? Ðó là một câu hỏi chưa được trả lời. (...)

(Trích "Nẻo vào Thiền học",
nhà xuất bản Lá Bối, Paris, 1976)

[1] Thiền Tông Tư Tưởng Sử của Shindai J. Sekiguchi

[2] Danh xưng "Nam tông" và "Bắc tông" ở đây dùng trong bối cảnh Thiền tông Trung Hoa, để chỉ hệ phái Huệ Năng - Thần Hội và hệ phái Thần Tú. Ngày nay, danh xưng nầy được hiểu theo nghĩa khác: Nam Tông dùng để chỉ Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Nam truyền, Theravada) và Bắc Tông dùng để chỉ Phật giáo Ðại thừa (Phật giáo Bắc truyền, Mahayana). - [Bình Anson chú thích]


Chân thành cám ơn chị Hải Hạnh đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài pháp nầy.


[Trở về trang Thư Mục]