BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tính xã hội và nhân bản của Phật Giáo qua các hạnh Ba-la-mật

Minh Chi
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam


Nếp sống đạo đức Phật giáo không thể thực hiện với những người sống một mình trong rừng sâu, xa lánh xã hội và mọi người. Tuy rằng nhiều người phương Tây không hiểu đạo Phật, cho rằng đạo Phật chủ trương một cuộc sống phủ định xã hội và thế giới hiện thực.

Nếu chúng ta nghiên cứu với thái độ không thành kiến các giới luật mà Đức Phật chế định cho hàng tại gia cũng như xuất gia, dưới ánh sáng của kinh điển đạo Phật Nguyên thủy cũng như đạo Phật Đại thừa, chúng ta thấy rất rõ tình xã hội, tính nhân bản thể hiện đầy đủ trong những giới luật đó.

Trong các kinh sách Phật giáo Nam tông và Bắc tông đều nói tới những hạnh Ba-la-mật, mà Đức Phật Thích Ca khi còn là Bồ-tát đã kiên trì thực hành trong nhiều kiếp sống, để cuối cùng khi Ngài giáng sanh ở Ấn Độ, làm thái tử con vua Suddhodana, Ngài đạt được quả Thánh vô thượng tức là thành Phật.

Những người tin theo Phật giáo Đại thừa, phát tâm Bồ đề, cầu đạt quả Phật, cũng phấn đấu trong kiếp sống hiện tại và trong nhiều kiếp sống sau này, thực hành các giới hạnh Ba-la-mật. Ba-la-mật nguyên chữ Sanskrit là Paramita, có nghĩa là bờ bên kia, nghĩa bóng là hoàn thiện, hoàn mỹ; không còn thiếu sót, khuyết điểm gì nữa, đạt tới trình độ lý tưởng.

Những người phát tâm tu các hạnh Ba-la-mật phải phấn đấu thực hành những giới hạnh đó đến chỗ toàn thiện toàn mỹ, không những trong kiếp sống hiện tại và trong nhiều kiếp sống liên tiếp, cho đến kỳ thành được Phật quả. Kinh sách Đại thừa nói tới 6 hạnh Ba-la-mật, còn kinh sách Phật giáo Nguyên thủy (Kinh tạng Pàli) nói tới 10 hạnh Ba-la-mật. Tuy số hạnh có khác nhau, nhưng nội dung của các giới hạnh thì tương tự, chỉ khác về cách phân loại và phân tích.

*

Phân tích các giới hạnh Ba-la-mật, theo kinh sách Nam tông, cũng như Bắc tông, chúng ta càng thấm thía ý nghĩa xã hội nhân bản và tích cực của đạo Phật, càng thấy những lời phê phán về tính vị kỷ, tiêu cực của đạo Phật là hồ đồ, không căn cứ. Sau đây là 10 hạnh Ba-la-mật theo Nam tông:

1. Hạnh bố thí (P. Dana): Đứng đầu các hạnh Ba-la-mật là hạnh bố thí, có công năng chế ngự và loại bỏ mọi tư tưỏng vị kỷ, phát triển và mở rộng tư tưởng vị tha, cả hai loại tư tưởng đó đều ở dạng tùy miên trong mỗi chúng ta ("tùy miên" là tiềm ẩn, không bộc lộ, có điều kiện mới bộc lộ thành lời nói và hành động). Nếu biết thực hành hạnh bố thí, thì tư tưởng vị tha tùy miên sẽ phát triển, tư tưởng vị kỷ tùy miên sẽ bị suy giảm dần, cho đến lúc, người Phật tử chứng đạt lý vô ngã, trở thành bậc A-la-hán. Nhờ tu hạnh bố thí, người Phật tử có được niềm hân hoan của sự hy sinh và phục vụ, vì đã thiết thực làm giảm nhẹ nỗi đau khổ của đồng loại. Như nhà văn hào Nga vĩ đại Lev Tolstoi viết: "Bản thân sự hy sinh đem lại một niềm vui không thể tả được". Đó là niềm vui chân thật lắng tận đáy sâu tâm hồn, người ngoài chỉ có thể thấy ánh lên đôi chút trên sắc mặt chúng ta mà thôi. Đó là niềm vui mà Đức Phật thường nói, niềm vui của xả, của giải thoát, làm nâng cao con người, giúp cho con người thoát khỏi cái vỏ vị kỷ vốn ràng buộc và làm khổ con người.

Hoffding viết: "Niềm vui đó lớn và mạnh mẽ đến mức, nếu so sánh thì tất cả mọi niềm vui khác đều mất hết ý nghĩa.Một phút vĩ đại và đẹp đẽ có thể vượt trên cả một cuộc đời kéo dài nhưng trống rỗng..." (Cuốn "Đạo đức" của Schleicher, 1903, trang 78-79, bản dịch Pháp văn của Poitevich).

Người Phật tử tu hạnh bố thí Ba-la-mật không bao giờ nghĩ tới chuyện đền ơn trả nghĩa, như quên không thấy mình là người bố thí, cũng không thấy người được mình giúp đỡ. Hành động bố thí của người Phật tử tu hạnh Ba-la-mật hoàn toàn vị tha, không bợn chút vị kỷ. Trong các truyện Bổn Sanh (Jatakas) kể về hạnh bố thí của Đức Phật Thich Ca khi Ngài còn tu hạnh Bồ-tát, chúng ta thấy Bồ-tát trong nhiều trường hợp đã bố thí cả thân mạng của mình để cứu sống cho một bầy hổ đói (Jatakas-mala), hy sinh cả vương quốc của mình, cả vợ con mình để thực hành triệt để hạnh bố thí.

Về mục đích cao cả và hoàn toàn vị tha của vị Bồ-tát tu hạnh bố thí, sớ giải tập "Early Pitaka" viết như sau: "Khi bố thí thức ăn, vị Bồ-tát cầu mong cho người mình giúp đỡ được sống thọ, có dung sắc đẹp đẽ, được hạnh phúc, sức khoẻ, trí tuệ, và quả Thánh cao nhất là Niết-bàn. Khi bố thí thức uống, vị Bồ-tát cầu chúc cho người được mình bố thí không còn thèm khát dục vọng. Khi bố thí quần áo, vị Bồ-tát cầu chúc cho người được mình bố thí có được hạnh tàm và quý, biết xấu hổ và sợ hãi khi phạm tội lỗi. Khi bố thí mùi vị, vị Bồ-tát cầu chúc cho người mình giúp đỡ có được hương thơm của giới đức. Khi bố thí vòng hoa và hương liệu, vị Bồ-tát cầu chúc cho người mình giúp đỡ có được những giới hạnh của chư Phật. Khi bố thí chỗ ngồi, vị Bồ-tát cầu chúc cho người mình giúp đỡ đạt tới quả vị Giác ngộ vô lượng. Khi bố thí nơi ở, vị Bồ-tát cầu mong làm nơi y chỉ nương tựa của thế gian. Khi bố thí ánh sáng, cầu mong có được con mắt: con mắt thịt (nhục nhãn), mắt trí tuệ (tuệ nhãn), con mắt chư Thiên (Thiên nhãn), con mắt của Phật pháp (Phật nhãn), con mắt thấy biết tất cả (chánh biến tri), cầu mong có được thân sắc toả sáng hào quang của Phật, có được tiếng nói dịu ngọt như tiếng nói của Phạm Thiên, có được hương thơm toả ra làm mọi người ưa thích, bố thí thuốc men để cầu chứng được quả Niết-bàn bất tử, giải phóng nô lệ để cho mọi người thoát khỏi tù ngục của dục vọng, tự nguyện xuất gia, không có con cái để nuôi dưỡng nơi mình tấm lòng người cha hiền đối với mọi người, tự mình không có vợ để trở thành đấng thế tôn, từ bỏ vương quốc thế gian để cầu có được vương quốc của chánh pháp."

Những lời nguyện như trên của vị Bồ-tát tu hạnh Bố thí Ba-la-mật toát ra những tình cảm vị tha thật là cao quý. Đạo Phật phân biệt có hai loại bố thí chủ yếu: bố thí tài vật, như thức ăn, thức uống, các đồ vật dụng khác như thuốc men, quần áo... và bố thí giáo pháp, đạo lý. Người xuất gia không có tài sản riêng nên không thể bố thí tài vật mà chỉ có thể bố thí pháp, tức là làm chức năng của vị đạo sư tâm linh, hướng dẫn cuộc sống đạo đức hướng thượng của người Phật tử tại gia.

Trong kinh "Phật Thuyết Như Vậy" (trang 494), Đức Phật nói: "Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí: bố thí tài vật và bố thí pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí tối thượng trong hai loại bố thí này tức là bố thí pháp" (trang 494).

Một sự phân tích khác kể thêm hai loại bố thí nữa là vô úy thí và tùy hỷ thí.

Vô úy thí: che chở cho người hèn yếu, giúp họ thoát khỏi nỗi lo sợ, thí dụ bị bãm hiếp, bị đánh đập, áp bức. Vô úy thí là bố thí sự không lo sợ.

Tùy hỷ thí: chia sẻ niềm vui với người, tráI với thói thường thế gian hay ghen tỵ trước thành công của người khác. Người Phật tử trái lại, chia sẻ với lòng thành thực niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi người.

Như chúng ta thấy, với một sự phân tích như vậy của đạo đức học Phật giáo, bất cứ người nào cũng có thể thực hành bố thí, không kể là giàu hay nghèo, ngu hay trí...

Nhưng kinh sách Phật, khi giảng về hạnh bố thí, không hạn chế vào sự phân tích trên. Kinh Ưu Bà Tắc giới, quyển 5, phân tích có ba tình huống bố thí kém hiệu quả, công đức không lớn:

- Lúc đầu phát tâm bố thí nhiều, nhưng về sau giảm dần.
- Chọn đồ xấu, hư hỏng để bố thí cho người.
- Bố thí rồi lại hối tiếc.

Có thể nói, Phật giáo, trong các kinh sách của mình, hoặc là do Đức Phật giảng, hoặc là các đệ tử đồng đại hay là về sau này giảng, đã vạch ra rõ phân minh, thế nào là thiện, thế nào là ác, thậm chí còn nói rõ thế nào là thiện nhiều, thế nào là thiện ít, xử sự như thế nào để làm điều lành một cách hoàn thiện nhất như trong kinh Ưu Bà Tắc Giới quyển 5 đã phân tích như trên.

Mà không phải chỉ một kinh Ưu Bà Tắc Giới, kinh Kim Cang còn đưa ra tinh thần bố thí mà không vướng mắc vào tướng, gọi là vô trú tướng bố thí: "Sở vị bất trú sắc bố thí, bất trú thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí, Bồ-tát ưng như thị bố thí, bất trú ư tướng." Nghĩa là:"Gọi là không chấp sắc mà bố thí, không chấp thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vị Bồ-tát nên bố thí như vậy, không có chấp tướng." Phật nói rằng, nếu Bồ-tát bố thí mà không chấp tướng thì công đức vô lượng vô biên như hư không ở bốn phương vậy. Vị Bồ-tát khi tiến hành bố thí, không thấy mình bố thí, không thấy tài vật bố thí, cũng không thấy người được bố thí. Không thấy ở đây, không phải là không thấy bằng mắt, mà không chấp thủ, không vướng mắc.

2. Giữ giới Ba-la-mật: Người Phật tử tu hạnh Bồ-tát sống cuộc đời đạo đức hoàn toàn trong sạch, làm đầy đủ bổn phận của người tại gia và xuất gia, đồng thời biết chế ngự mình không để phạm lỗi lầm, dù là nhỏ nhặt. Kinh Singalovada, thuộc Trường Bộ kinh IV, trang 180-193, nêu cụ thể bổn phận của cha mẹ, con cái, chồng vợ, thầy trò, Tăng sĩ, người làm công. Tuy rằng Đức Phật nói lên khá cụ thể những bổn phận nói trên của người đời, cách đây hơn 2500 năm, nhưng những lời khuyên của Đức Phật đến nay vẫn không mất giá trị thời sự. Các bổn phận được sắp xếp theo 6 mục, có thể để cho tiện ghi nhớ:

- Con cái có bổn phận nuôi dưỡng cha mẹ, làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, giữ gìn gia đình và truyền thống, bảo vệ tài sản do cha mẹ để lại, làm tang lễ khi cha mẹ qua đời. Cha mẹ đối với con cái cũng có các bổn phận: ngăn chặn con cái không làm ác, khuyến khích con làm thiện, dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con, đúng thời để gia tài lại cho con.

- Học trò đối với thầy giáo có các bổ phận đứng dậy chào thầy, hầu hạ thầy, chăm học, tự mình phục vụ thầy, chuyên tâm học nghề. Thầy đối với trò cũng có các bổn phận: khéo dạy cho học trò những gì mình đã được học, giữ gìn những điều học được, dạy cho trò nắm vững tay nghề; khen học trò với các bạn bè quen biết, đảm bảo nghề nghiệp cho học trò.

- Chồng đối với vợ có các bổn phận: kính trọng vợ, chung thủy với vợ, giao quyền hành trong nhà cho vợ, mua sắm nữ trang cho vợ. Vợ đối với chồng có các bổn phận: làm tốt đẹp bổn phận của mình đối với chồng, khéo đón tiếp bà con, chung thủy với chồng, khéo giữ gìn tài sản của chồng, khéo léo nhanh nhẹn trong mọi công việc.

- Bè bạn đối đãi với nhau có các bổ phận: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt, che chở, bảo vệ nếu bạn phóng túng, giữ gìn tài sản của bạn nếu bạn hoang phí, làm nơi nương tựa cho bạn khi bạn gặp nguy hiểm, không xa bạn khi bạn gặp khó khăn, tôn trọng gia đình bạn.

- Người chủ đối với người làm công có các bổn phận: giao việc vừa sức, lo ăn uống và tiền công, lo điều trị thuốc men khi người làm công ốm, chia sẻ thức ăn ngon cho người làm công, cho nghỉ phép. Người làm công đối với chủ nhân có các bổn phận: thức dậy trước chủ, ngủ sau chủ, bằng lòng với số vật dụng được người chủ cung cấp, khéo làm công việc, đem danh tiếng tốt đẹp lại cho chủ...

- Gia chủ đối với các vị Sa môn và Bà la môn có các bổn phận: đối đãi với các vị ấy với lòng từ trong ý nghĩ, lời nói và hành vi ứng xử, niềm nở đón tiếp khi các vị ấy đến, cúng dường các vị ấy những vật dụng cần thiết. Các vị Sa môn và Bà la môn đối với các gia chủ có các bổn phận: ngăn làm điều ác, khuyến khích làm điều thiện, thương yêu gia chủ với lòng từ bi, giảng pháp, giảng đạo lý chưa từng được nghe, làm cho thanh tịnh, đúng đắn những điều được nghe, chỉ bày con đường tái sanh lên các cõi trời...

Ngoài những bổn phận nói trên, vị Bồ-tát Giữ giới Ba-la-mật phải giữ đủ năm giới, nếu là người tại gia, và giữ đủ các giới theo giới bổn Patimokkha, nếu là xuất gia làm Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni.

3. Viễn ly Ba-la-mật (P. Nekkhama): là sự từ bỏ mọi dục vọng, thèm muốn vị kỷ, cho tới mọi tư tưởng và ý nghĩ về cái Ta, cái của Ta. Mặc dù có khi vị Bồ-tát có thể làm quốc vương, đại thần, vị trưởng giả giàu có, sống trong cảnh giầu sang quyền quý, thế nhưng vị Bồ-tát không chút tham đắm, xem tất cả của cải, danh vọng thế gian chỉ là bèo bọt, tồn tại sớm chiều.

Biểu trưng một cách đầy đủ nhất cho thái độ xả viễn ly là cuộc sống xuất gia của Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni, thiểu dục, tri túc, nỗ lực không mệt mỏi cho sự phát triển tâm linh của bản thân, đồng thời cũng lo lắng cho tiến bộ tâm linh của các bạn đồng tu và mọi người khác. Một cuộc sống thanh tịnh ở trong nội tâm cũng như ở hình thức bề ngoài. Người xuất gia sống cuộc sống không chút ưu tư trong hiện tại, không hối tiếc quá khứ cũng không lo lắng tương lai. Người xuất gia không ở cố định một nơi, không bám vào một trú xứ cố định nào và sẵn sàng mọi nơi cần thiết vì hạnh phúc của chúng sanh. Có thể nói cuộc sống xuất gia là nếp sống lý tưởng đối với những ai cầu đạo giải thoát, cầu thoát ly các dục vọng. Nhưng không phải người nào tu hạnh Bồ-tát cũng đều có điều kiện xuất gia. Thế nhưng dù là tại gia hay xuất gia, người tu hạnh Bồ-tát luôn luôn nỗ lực sống nếp sống trong sạch, vô ngã vị tha, làm chủ bản thân và nội tâm mình, nhìn sự vật đúng như chúng tồn tại nghĩa là vô thường vô ngã, không bị chúng chi phối, nhằm động viên, phát huy những tiềm năng cao cả vốn có sẵn trong người mình.

4. Trí tuệ Ba-la-mật, từ Pàli của Trí tuệ là Panna, là sự hiểu biết thế giới, sự vật như chúng tồn tại khách quan, thật sự: mọi sự vật, quá trình thuộc thế giới hiện tượng đều là vô thường, vô ngã (không thực thể) do đó, nếu tham đắm chúng sẽ thất vọng và đau khổ.

Vị Bồ-tát phát tâm cứu độ chúng sanh, cũng không coi thường các kiến thức về thế gian và thế tục, bởi lẽ kiến thức này cần thiết cho sự nghiệp thâu nhiếp và hoá độ chúng sanh.

Có ba loại trí tuệ. Thứ nhất là văn tuệ (sutamaya panna),nghĩa là nghe nhiều mà có trí tuệ. Đó là ngày xưa, việc in ấn chưa có, hay là tuy có mà chưa phổ biến. Học trò nhờ nghe thầy giảng mà có kiến thức. Kinh tạng Pàli thường đề cao các bậc gọi là đa văn (bahussuta), như là những người được học nhiều, nghe nhiều. Thí dụ, ông A-Nan là thị giả của Đức Phật, được tán dương là đa văn đệ nhất, là vị đệ tử bác học hàng đầu. Thứ hai là tư tuệ, tức là nhờ suy nghĩ, tư duy mà có trí tuệ (cintamaya panna). Thứ ba là tu tuệ, là loại tri thức cao cấp, thành tựu được nhờ nếp sống đạo đức và thực hành thiền định. Nội dung của tu tập thiền định là chỉ (làm cho nội tâm bình lặng) và quán (dùng nội tâm bình lặng và sáng suốt để thấy sự vật như là chúng tòn tại, thấy bản chất của sự vật, một cái thấy siêu việt không phải bằng con mắt thịt, mà bằng con mắt tuệ, cũng không phải bằng tư biện logic.

Trí tuệ là hạnh hàng đầu của Phật tử, là mục đích thứ nhất trong tám mục đích của Bát chánh đạo, là một trong bảy giác chi (bảy pháp dẫn tới giác ngộ), là một trong bốn căn (cơ sở của sự giác ngộ), cũng là một trong bốn lực (bốn sức mạnh của người tu đạo giảI thoát). Chính trí tuệ trực tiếp dẫn đến giác ngộ và giải thoát tối hậu.

5. Tinh tấn Ba-la-mật: là quyết tâm và nỗ lực hoàn thiện, là sức mạnh tinh thần, là sức kiên trì liên tục, không buông lơi của người Phật tử tu hạnh Bồ-tát, trong sự phấn đấu loại bỏ những nết hư tật xấu vốn có, né tránh không mắc phải những nết hư tật xấu của người khác, phát triển những ưu điểm, những điều lành vốn có, học hỏi, bắt chước những ưu điểm, điều hay của người khác mà mình chưa có.

Đức Phật thường xuyên động viên khích lệ đệ tử phấn đấu không mệt mỏi, ngày đêm tu học để gột sạch mọi phiền não, mọi điều dơ bẩn khỏi nội tâm. Kinh Pháp Cú, kệ 12 viết:

"Ai sống một trăm năm,
Lười nhác không tinh tấn,
Tốt hơn sống một ngày,
Tinh tấn tận sức mình."

Ý tứ của câu kệ trên là cả một đời lười biếng, không đáng sống bằng một ngày sống tinh tấn, làm hết sức mình. Tăng Chi Bộ kinh I, trg 440, phân biệt có bốn loại tinh cần. Tinh cần chế ngự, tinh cần đoạn tận, tinh cần tu tập và tinh cần hộ trì. Tinh cần chế ngự là nỗ lực làm cho những pháp bất thiện chưa sanh, từ nay không còn sanh khởi nữa. Tinh cần đoạn tận là nỗ lực đoạn trừ hết những pháp bất thiện và ác đã sanh khởi. Tinh cần tu tập là nỗ lực tu tập, thực hành những pháp thiện lành trước đây chưa sanh và tinh cần hộ trì là nỗ lực khiến cho những pháp thiện đã sanh khởi tiếp tục tăng trưởng và được duy trì.

Tất nhiên, vị Bồ-tát thực hành hạnh Tinh tấn Ba-la-mật, tuy nỗ lực như vậy, phấn đấu như vậy, nhưng với tâm an tịnh, không xao động, mặc dù vẫn đầy nhiệt tình. Trong kinh Phật Thuyết Như Vậy (Ittvutaka), vị Tỷ-kheo tinh tấn siêng năng được mô tả như sau:

"Này các Tỷ-kheo, hãy sống với đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn Patimokkha. Hãy sống đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ, chấp nhận và học tập trong các pháp học. Vị Tỷ-kheo trong khi đi, tham sân được từ bỏ, hôn trầm thuỵ miên, trạo hối, nghi đều được từ bỏ, đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, không thụ động, niệm được an trú, không thất niệm, thân được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh, nhất tâm. Nừu Tỷ-kheo, trong khi đi, có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là có nhiệt tâm, thường hằng, tinh tấn, siêng năng... Đức Phật nói tiếp là trong khi đi, đứng, nằm, ngồi mà nếu vẫn giữ được tâm như vậy thì vị Tỷ-kheo được gọi là người có nhiệt tâm, liên tục thường hằng, tinh tấn, siêng năng..." (trg 58).

6. Nhẫn nhục Ba-la-mật: vị Bồ-tát thực hành hạnh Nhẫn nhục Ba-la-mật chịu mọi thử thách của nghịch cảnh từ thiên nhiên (mưa, nắng, bão, gió) cũng như từ phía xã hội (bị nói vu, nói xấu, chê bai, và nhiều sự ngược đãi khác), nhưng không bao giờ tỏ vẻ sân hận hay là thoái chí trên con đường tu đạo giải thoát và cứu độ chúng sanh. Vị Bồ-tát luôn luôn thấy cái hay, cái đẹp trong người khác để khuyến khích tán thán, tuy vẫn thấy được khuyết điểm của người khác, nhưng không phải là để chê bai hay thành kiến, mà là để giúp đỡ, sửa chữa khuyết đIểm cho họ.

7. Trung thực Ba-la-mật: vị Bồ-tát tu hạnh Trung thực Ba-la-mật bao giờ cũng tôn trọng sự thật và lời hứa. Làm và nói, đối với vị Bồ-tát, bao giờ cũng đi đôi. Theo kinh Bổn Sanh (Harita Jataka) số 481, vị Bồ-tát trong các kiếp sống của mình có thể vi phạm cả bốn trong năm giới, tức là giết hại, lấy của không cho, tà dâm, uống rượu... nhưng không bao giờ được vi phạm giới nói dối, không trung thực. Trong kinh Giáo Giới La-Hầu-La, Đức Phật răn dạy La-Hầu-La rằng, một người nói dối có dã tâm thì không có việc ác gì mà anh ta không làm. Và Đức Phật dạy rằng, tuyệt đối không được nói dối, dù là nói để mà đùa. Đức Phật nói:"Này La-Hầu-La, đối với ai biết mà nói dối, không có tàm quý, thời Ta nói rằng, người ấy không việc ác gì mà không làm. Do vậy, này La-Hầu-La, ngươi phải học tập." (Trung Bộ kinh II).

Tất nhiên, nếu sự thật đó nói ra gây đau khổ và bất hạnh cho người khác thì vị Bồ-tát sẽ giữ yên lặng, không nói. Nhưng vị ấy đã nói ra lời gì thì đó là lời nói thật. Còn nếu đó là lời nói thật có lợi cho người thì dù nói ra có thiệt hại cho mình đi nữa, vị Bồ-tát cũng không ngần ngại nói lên sự thật đó. Trong kinh Phật Thuyết Như Vậy, từ Như Lai (chỉ Đức Phật) được định nghĩa như là Bậc Thánh nhất trí trong lời nói và việc làm. "Này các Tỷ-kheo! Như Lai đã nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên được gọi là Như Lai" (tr.500).

8. Quyết tâm Ba-la-mật: người Phật tử tu hạnh Bồ-tát trên thì cầu chứng Phật quả vô thượng, dưới thì nguyện độ thoát tất cả chúng sanh, phải nuôi dưỡng một quyết tâm rất lớn, trong sự nghiệp tu đạo Bồ-tát của mình. Nếu thiếu quyết tâm lớn mà giữa đường gặp khó khăn, người Phật tử sẽ rất dễ thối chí. Đức Phật Thích Ca khi còn là thái tử, mặc dù sống trong cảnh giàu sang quyền quý, mặc dù có vợ đẹp con xinh, nhưng đã thể hiện quyết tâm của mình bằng hành vi được gọi là "một sự từ bỏ vĩ đại", nghĩa là cởi bỏ tất cả, danh vọng, tiền tài, gia đình êm ấm, chỉ vì mục đích cao cả là cầu đạo giải thoát để cứu vớt chúng sanh ra khỏi cảnh già, đau, chết và bất hạnh khác của cuộc đời.

Người Phật tử tu hạnh Bồ-tát có thể gặp phải vô vàn khó khăn, gian khổ trong hành trình lâu dài cầu đạo giải thoát vô thượng, nhưng quyết tâm của vị ấy không bao giờ giữa đường thối lui.

9. Từ Ba-la-mật: từ là lòng từ, lòng của vị Bồ-tát thương yêu chúng sanh như người mẹ thương yêu con một của mình vậy. Hạnh từ đã được nói và phân tích trong mục Bốn vô lượng tâm, cho nên ở đây không bàn thêm.

10. Xả (P. Upekkha): xả là thái độ không dao động trước khen và chê, hạnh phúc hay bất hạnh. Từ Pàli Upekkha gồm có Upa, một trạng từ với nghĩa một cách đúng đắn, chính xác, khách quan. Và Ikkha, với nghĩa thấy, biết. Nhờ thấy biết đúng đắn, giữ được thái độ nội tâm bình lặng, không dao động. Không nên hiểu thái độ xả là bàng quan, vô trách nhiệm, thiếu tình cảm giữa người và người. Cần nói thêm rằng, người Phật tử tại gia tu hạnh Bồ-tát rất khó giữ được thái độ xả giữa một thế giới, trong một xã hội đầy mâu thuẫn và biến động, trong đó sự vùi dập, gièm pha, vu cáo, nói xấu... đều là chuyện thường ngày và thường tình. Tuy vậy, vị Bồ-tát tại gia hay xuất gia đều phải tu tập hạnh Xả Ba-la-mật, tu tập đến mức hoàn thiện, khiến cho ngoại cảnh dù biến động thế nào cũng không thể chi phối mình được nữa. Đó là thái độ đạt tới được của vua Trần Nhân Tông, khi vua viết câu thơ chữ Hán, kết thúc bài phú văn Nôm "Cư trần lạc đạo": "Đối cảnh vô tâm mặc vấn thiền."

Nghĩa là tiếp xúc với ngoại cảnh mà giữ được thái độ xả, tức vô tâm, tâm không còn tham trước, chấp thủ thì cũng không cần tu thiền nữa. Bởi vì tâm không dao động, không còn bị ngoại cảnh chi phối tức là đỉnh cao của thiền rồi. Nội tâm của người tu hành xả phải như đáy sâu của đại dương, không có đợt sóng nào trên mặt biển làm xao động được. Có thể nói, 10 hạnh Ba-la-mật của vị Bồ-tát nói lên giá trị cao cả của nền đạo đức Phật giáo hoàn toàn vị tha, không bợn chút vị kỷ, một nếp sống có kỷ luật nội tâm vững chãi, trung thực, kiên trì, bình lặng, nhưng vẫn thấm nhuần một lòng từ bi vô hạn đối với tất cả chúng sanh, tất cả mọi loài hữu tình.

*

Sáu hạnh Ba-la-mật của Phật giáo Đại thừa

Như đã nói trên, giữa 6 hạnh Ba-la-mật của Phật giáo Đại thừa và 10 hạnh Ba-la-mật của Phật giáo Nguyên thuỷ, theo Kinh tạng Pàli, không có sự khác biệt mấy về nội dung, mà chỉ có sự khác nhau về con số và cách phân tích.

Sáu hạnh Ba-la-mật của Đại thừa là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Như vậy là năm hạnh trong sáu hạnh Ba-la-mật của Đại thừa đã có trong 10 hạnh Ba-la-mật của Phật giáo Nguyên thủy rồi. Chỉ trừ định, tức là thiền định. Thế nhưng xả cũng là một hành tướng của định và là hành tướng của thiền định ở trình độ cao, tức là hành tướng của tâm đã chứng tam thiền và tứ thiền. Cảnh giới Tam thiền được kinh Phật định nghĩa là xả niệm lạc trú, một trạng thái không còn các hoạt động tâm thức như tầm và tứ, và không còn cả hỷ nữa. Người hành thiền thấy niềm vui (lạc) trong xả. Và đến Tứ thiền thì ngay niềm vui (lạc) cũng không còn, cảnh giới Tứ thiền là cảnh giới xả niệm thanh tịnh và nhất tâm.

Như vậy, giữa 10 hạnh Ba-la-mật của Phật giáo Nguyên thủy và 6 hạnh Ba-la-mật của Phật giáo Đại thừa không có gì khác biệt về nội dung, cũng như về mức độ thâm sâu.

*

Thực là sai lầm và hồ đồ khi một số tác giả gán cho đạo đức của Phật giáo Nguyên thủy những tư tưởng như là vị kỷ, hẹp hòi, thụ động. Vị A-la-hán sở dĩ được kinh Phật gọi là bậc vô học là vì vị ấy không còn có nhược điểm và khuyết điểm nữa, mọi tư tưởng "tôi và của tôi" đều rũ sạch, nội tâm của vị A-la-hán hoàn toàn trong sáng, là vàng ròng rồi, không còn cần phải tinh luyện nữa. Sao lại có thể phê phán A-la-hán còn có tư tưởng vị kỷ, hẹp hòi? Với người mới chứng Sơ quả (tức Sotapanna: Tu đà hoàn), mọi tư tưởng về cái Ta cũng phải được loại bỏ rồi, huống hồ là đối với vị A-la-hán là vị đạt tới quả thánh cao nhất của Phật giáo Nguyên thủy. Thực vậy, người chứng Sơ quả đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên trong 10 kiết sử. Kiết sử là cái ràng buộc. Kiết sử đầu tiên là tư tưởng sai lầm về có cái Ta và của Ta (Sakkaya ditthi). Kiết sử hai là nghi và kiết sử ba là giới cấm thủ (chấp nhận và thực hành những lễ bái và cấm giới sai lầm, có hại).

Trích Tuần báo Giác Ngộ, số 226-227 (2004)

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 31-12-2004