BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Hãy tìm hiểu về tôn giáo nầy
(What is this religion?)

Hòa thượng Dhammananda
Tỳ kheo Pháp Tâm chuyển dịch


NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMÀSAMBUDDHASSA
Tôi đem hết lòng thành kính làm lễ Đức Thế Tôn, Ứng cúng, Chánh Biến Tri.

Để góp phần vào sự hoằng Phật Pháp, tôi xin trích dịch một bài luận thuyết của ngài DHAMMANANDA để cống hiến cho đồng bào, phật tử và giúp quí vị thêm tài liệu trong sự nghiên cứu để tìm hướng đi chân chính cho cuộc đời.

Đây là lần đầu tiên làm, nên không tránh khỏi những khuyết điểm sơ sót. Vậy xin các ngài Đại đức Cao Tăng hoặc các bậc cao minh tha thứ và chỉ giáo cho, tôi xin muôn vàn cảm tạ.

Sau đây tôi xin thành tâm kính dâng quả phúc này đến thầy tế độ Hòa thượng Tăng thống Giới Nghiêm, thầy Yết ma Thượng tọa Hộ Nhẫn, Chủ trì Thiền Lâm Tự Huế, song thân Trần Điệu và Lê Thị Bướm cùng các bậc hữu ân.

Đồng thời, tôi xin hồi hướng quả phúc này đến các bậc Đại đức Cao Tăng, thân bằng quyến thuộc nhất là ông bà nội Trần Sậy và Trần Thị Lưng cùng toàn thể thiện nam tín nữ và phật tử nhất là Trần Thị Ngọc Châu và Đoàn Vâng Xuân Thúy đã quá vãng xin hưởng được sự an vui.Và tôi cũng không quên cám ơn Ngài DHAMMANANDA tác giả quyển sách nầy.

Phật Bảo Tự, ngày 07-03-1970
Tỳ Khưu Pháp Tâm


LỜI NÓI ĐẦU

Mỗi người cần phải có một Tôn giáo và Tôn giáo đó phải là tôn giáo không đầu độc người theo trong sự mê tín dị đoan, phải minh bạch và hợp với lý trí. Người nào không có Tôn giáo, người đó sẽ trở nên nguy hiểm đối với xã hội. Hiện nay các nhà khoa học và các nhà tâm lý học đã lan tràn khắp chân trời của chúng ta. Nhưng họ chẳng đem đến cho ta mục đích thiết thực trong đời sống, duy chỉ có tôn giáo mới làm được việc này. Do đó, con người cần chọn một tọn giáo hợp với luận lý, đạo đức và khoa học do đức tín của chính mình. Không ai có quyền ép buộc người khác tuân theo tôn giáo của họ và đừng để cho ai lợi dụng sự nghèo hèn, sự thất bại hoặc tình cảm của mình để cho họ bắt chẹt mình phải tuân theo tôn giáo của họ.

Đã là con người, chúng ta nên tự do chọn một tôn giáo hiệp theo sở thích, khả năng và lý trí của chúng ta. Nếu theo tôn giáo một cách mù quáng, không cần đến sự tìm hiểu thì sẽ làm mất đi giá trị tinh thần của chính mình và tôn giáo đó.

Loài người khác hẳng loài thú là nhờ có lý trí và tri giác để phân biệt giữa sự đúng và sai, điều phải lẻ trái, việc thiện hoặc ác. Con người có thể tùy cơ ứng biến trong mọi trường hợp. Vì vậy, con người nên nghiên cứu, tìm hiểu hầu chọn tôn giáo nào hợp theo chân lý, không có giáo điều nào huyền bí thần thoại.

CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO

Tôn giáo, tôi sẽ đề cập trong bài luận này, nó có một hệ thống giáo dục hợp với khoa học, đã được khai sáng ra cách đây hơn 25 thế kỷ do một vị thầy hoàn toàn giác ngộ và đầy đủ lòng từ bi bác ái.

Tôn giáo này còn được hiểu như là: "Con đường trung đạo, chánh đạo, một hệ thống triết học và là một tôn giáo tự do và chân lý". Nó dạy cho chúng ta làm ba điều chánh gọi là: tránh xa tội lỗi, làm việc lành và làm cho tâm trong sạch do sự bài trừ tất cả thể trạng bẩn nhơ.

Tôn giáo này đóng một vai trò quan trọng về sự hướng dẫn con người làm thế nào hợp theo luận lý và đạo đức. Một ngày nọ, vị thượng sư đã nói rằng: "Những lời nào mà tôi đã nói ra không nên vội tin mà cũng không nên vội bỏ, hãy suy xét rồi sẽ thực hành ".

Tôn giáo này khuyến khích con người nên nghiên cứu tìm hiểu giáo lý của nó một cách đầy đủ, và còn để họ tự do xem xét đặng quyết định, chấp thuận những giáo lý ấy hay không?

Tôn giáo này không van nài cầu khẩn hoặc đem vật chất lo lót cho ai để theo nó, ngoài sự hiểu biết về giáo lý của nó.

Những nghi thức, những phong tục rườm rà không làm cho tôn giáo ấy có ý nghĩa và giá trị thực sự. Không có sự mê tín dị đoan không có sự thực hành huyền hoặc thần thoại và không có giáo lý huyền bí ở trong tôn giáo này. Mọi điều đều được sáng tỏđối với sự lựa chọn của những người theo, họ tự do tìm hiểu, nghien cứu những giáo lý và học hỏi những câu hỏi bất cứ khi nào họ muốn làm cho sáng tỏ những nổi nghi ngờ thắc mắc trong lòng họ. Nhợ vị sáng lập ra tôn giáo vĩ đại này, Ngài chấp thuận nó là một tôn giáo cao quí nhất đáng cho mọi người đặt niềm tin vào. Vì vậy con người không nên tin tưởng điều gì một cách vội vàng, hoặc xem nó như đã có từ trước do đấng trượng phu Ngài đã thuyết, mà dùng đến lý trí và sự tri giác của mình.

Tôn giáo này dạy rằng : con đường bát chánh đạo cao quí gồm có: 1/- Chánh kiến (hiểu thấy đúng đắn), 2/- Chánh tư duy (suy nghĩ chính chắn), 3/- Chánh ngữ (lời nói chân thật), 4/- chánh nghiệp (nghề nghiệp chân cánh), 5/- Chánh mạng (nuôi mạng sống chân chánh), 6/- Chánh tinh tấn (siêng năng chuyên cần làm việc phước thiện hiệp theo lẽ đạo), 7.- Chánh niệm (ghi nhớ những điều chơn chánh), 8/- Chánh định (gom tập tâm không cho chạy theo ảo tưởng). Nó như là một con đường trung đạo hiệp nhất, chỉ có con đường bát chánh đạo này mới đưa chúng sanh đang bị chìm đắm, trầm luân thoát khỏi sự đau khổ cõi đời được.

Con đường trung đạo này chẳng phải là con đường huyền hoặc, chẳng phải là con đường thuộc về nghi thức, chẳng phải chủ thuyết đọc đáo hoặc hoài nghi, chẳng phải chủ thuyết bi quan hoặc yếm thế, chẳng phải chủ thuyết tuyện đối hoặc lạc quan, nó là con đường về sự giác ngộ, một phương tiện để thoát khỏi sự thống khổ. Tôn giáo này không bao giờ dạy rằng: Loài người đang chịu sự khổ não trong tyhế gian này ngày nay vì do những tội lỗi của tổ tiên truyền lại, mà trái lại mỗi người đều mang theo cái phước hoặc tội tùy thuộc riêng mỗi cá nhân họ đã tạo. Chính họ chịu sự đau khổ hoặc họ hưởng được sự an vui.

Người nào theo con đường trung đạo đã được đưa ra do tôn giáo này chắc chắn sẽ tìm thấy chân hạnh phúc và sự thanh bình thật sự.

GIEO NHÂN NÀO GẶT QUẢ NÁY

Tôn giáo này làm cho ý nguyện sâu xa và cao thượng của con người được toại nguyện và còn có thể đem lại một động cơ và khuynh hướng tốt cho đời sống hằng ngày của con người, giúp họ giao thiệp với bạn bè, ngoài ra còn cho họ một lý tưởng trong đời sống. Nó không đầu độc những sự sợ sệt lo âu vào trong con người. "Làm thiện sinh ra thiện và làm ác sinh ra ác","Mọi hành động điều có sự phản ứng của nó " đây là những luật định thông thường. Tôn giáo này hoàn toàn đồng ý với những định luật đó. Vì vậy con người gieo gì thì phải gặt cái đó.

Những hành động xấu xa tội lỗi do người nào đã phạm, tùy theo sự tham lam, sân hận và si mê. Những sự yếu kém như thế chỉ có thể bị đánh bại do sự tự kềm chế lấy mình. Sung sướng và đau khổ, con người đã từng trải trong cõi đời này không phải tùy thuộc uy quyền bên ngoài mà tùy vào những hành động, lời nói và việc làm thiện hay ác của họ. Họ đã phạm chẳng phải trong kiếp này hoặc một trong những kiếp quá khứ, mà họ đã tạo ra rất nhiều. Vì chính nguyên nhân đó, Tôn giáo này dạy rằng: "Hiện tại chúng ta là kết quả của những gì mà chúng ta đã tạo và chúng ta sẽ gặt quả của những gì mà chúng ta đang làm". Do lời dạy này, nhân và quả đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày. Trong cái vòng tròn nhân và quả, không thể tưởng tượng được nhân là đầu tiên vì nhân hằng trở nên quả và quả trái lại trở nên nhân.

ĐẤNG THƯỢNG SƯ

Vì sáng lập ra Tôn giáo duy nhất này không phải là một vị thần tiên, nhưng là một vị Thầy cao cả đã thực sự sống trong thế gian này. Ngài không bao giờ giới thiệu hoặc tự cho Ngài là một siêu nhân, nhưng là một con người đã giác ngộ chân lý, sự bí mật của cuộc đời và nguyên nhân thực sự của sự đau khổ và hạnh phúc. Ngày nay vị Thầy cao cả này không phải chỉ được ca tụng do hàng trăm triệu tín đồ của Ngài mà còn do những nhà trí thức học giả khắp thế giới đều ca tụng Ngài. Con Người cao quí này còn gọi là vị giải phóng, nhà cách mạng xã hội, nhà dân chủ, nhà mô phạm, nhà đại từ đại bi đã sống một cuộc đời cao thượng này, nhưng hiện nay Ngài không còn nữa, Ngài đã ra đi đến một nơi vô sanh bất diệt, hưởng thọ được 80 tuổi, để lại hậu thế một kho tàng Pháp bảo là những lời vàng ngọc của Ngài cho quần sanh hầu thực hành theo những gì mà Ngài đã vạch sẳn, để hưởng hạnh phúc trong cõi đời này và sẽ đến nơi vô sanh bất diệt là nơi thanh bình hạnh phúc và trường tồn vĩnh cửu.

Đấng thượng Sư, Ngài đã khuyên giải và an ủi đến những gia đình có người chết, Ngài đã giúp đỡ cho những người nghèo khổ đã bị đời sống bạc đãi bỏ quên, Ngài làm cho cuộc sống những kẻ gian ngoa xảo trá trở nên cao quí và đời sống của những kẻ đê hèn, tội lỗi trở nên hiền lương chất phát. Ngài khuyến khích những kẻ nhu nhược nên đoàn kết, làm sáng tỏ si mê, gạn lộc những mê tín dị đoan, hướng dẫn ra những sự tối tăm, bước lên nấc thang và làm cho trở nên bậc cao quí. Tất cq3 các vị giàu sang, nghèo khổ, thánh nhân hoặc phàm nhân đều quí mến Ngài.

Những đấng minh quân hay bạo chúa, các vị Hoàng tử, Tướng tá có tiếng tốt hay gian ác, mhữmg nhà bá hộ giàu lòng bác ái hay bỏn xẻn keo kiệt, các bậc hiền triết hay tự tôn tự đại, những kẻ khốn cùng, những người ăn mày, những người lao động, những người sát nhân ác đức, ngưỡi cô gái mãi dâm bị người đời khinh rẻ, tất cả đều được lợi ích và quay đầu hướng thiện khi nghe những lời dạy bảo cao siêu và đầy từ ái của Ngài. Gương cao quí của Ngài là nguồn từ bi bác ái đối với tất cả quần sanh.

Sắc mặt, hình dung Ngài trầm tĩnh ung dung tự tại làm cho bất cứ những ai nhìn thấy Ngài thì tôn kínhngay. Những lời an lành và đầy khoan dung của Ngài đã đựoc mọi người lãnh hội với niềm vui khó tả, là một ân huệ duy nhất đối với những ai đã có cơ hội nghe thấy và thực hành theo lời lẽ đó.

Ngài có ý chí cương quyết, trí tuệ thâm trầm, tình thương đại đồng, từ bi vô biên, không vị kỷ. Ngài đã từ bỏ cuộc sống vinh hiển đầy đủ uy quyền trong thế gian, để sống một đời hoàn toàn trong sạch không mê chấp. Những đức tính cao cả đó đã làm giáo lý của Ngài được truyền tụng cho đến hết nguyện lực cuối cùng của Ngài.

Tất cả những yếu tố đó đã làm cho một phần năm quần chúng trên thế giới ngày nay kính trọng và xem Ngài như là vị giáo chủ tối cao của họ.

Đức Thầy cao cả này đã hy sinh mọi dục thú ở đời để quan tâm đến chúng sanh đang đau khổ, do đó mà Ngài đã giác ngộ được chân lý, và Ngài chỉ dạy con đường cho chúng sanh thoát khỏi sự thống khổ. Ngài hăng hái đi tham những kẻ nghèo khổ tật nguyền, trong khi đó các vị vua chúa và các quan tướng lại đến thăm Ngài.

Trong 45 năm sau khi Ngài giác ngộ, Ngài đã hiến trọn đời Ngài, vì sự quan tâm và thương xót đến chúng sanh đang đau khổ mà Ngài chỉ nghỉ ngơi hai giờ trong một ngày. Đấng thượng sư này chẳng sợ ai và cũng không đầu độc những nổi sợ sệt lo âu vào người nào. Đó là một trong những điểm chính đáng được gieo rải khắp trong thế giới chiến tranh liên tiếp của chúng ta, vật quí báu nhất chính là kiếp sống con người, thế mà đã bị cưỡng bách và làm tôi mọi cho năng lực nhục dục và đã được trang bị bằng những khí giới sợ sệt hoài nghi và oán hờn. Ngài là một khoa học gia hoàn toàn trong lãnh vực đời sống, đến đổi những lời dạy của Ngài đã được rất nhiều người ca tụng như là một Tôn giáo khoa học độc nhất. Ngài xem xét con người một cách kỹ lưỡng về tên và hình thể và biết rằng con người đó có khả năng có thể đạt đến chân lý. Ngài rọi vào tia ánh sáng giác ngộ đánh tan đi màng vô minh (Sự tối mê ngu dốt) che lấp. Đối với đạo đức Ngài có một hệ thống kỷ luật cao nhất và Ngài là một nhân vật điển hình hoàn toàn về tất cả những đạo đức do Ngài đã giảng dạy, đời Ngài không còn một vết nhơ nào nữa.

Ngài không còn e dè trong vấn đề thuyết phục tất cả thủ lảnh các tôn giáo khác để tin theo, tuy vậy Ngài không bao giờ cưỡng bách, bắt buộc, họ như là những phương tiện để lợi dụng.

Ngài là một vị giúp việc hiền hòa đối với quần sinh, không quản ngại hoặc chú trọng đến sự khen chê, trách móc, chính Ngài không than van ngay khi Ngài gặp sự đau đớn khốc liệt nhất.

THANH BÌNH HẠNH PHÚC VÀ TỊCH TỊNH

Đấng thượng sư đã chỉ con đường đi đến nơi thanh bình hạnh phúc và tịch tịnh cho mọi quần sinh. Con đường trong giáo lý của Ngài thì hợp tự do, luận lý, đạo đức, khoa học và có thể làm cho thấy rõ hướng đi đến nơi giác ngộ.

Ngày nay, kim ngôn của đấng minh sư về sự thanh bình thì rất quan trọng hơn trước. Khi con người đã bị say đắm trong sự sân hận, tham lam, ganh tỵ và ngã mạn.

Vị Thầy này được sanh trong thế gian nầy đã vẹt tan đi cái màng vô minh đen tối của sự si mê ngu dốt và hướng dẫn chúng sanh ra khỏi sự đau khổ ở thế gian nầy khắp thế giới vẫn còn nhiều người chưa tin tưởng hoặc thực hành một nghi thức thuộc về tôn giáo. Tuy vậy, nếu họ chịu khó nghiên cứu và tìm hiểu những gì mà đấng thượng sự đã dạy, họ có thể làm sáng tỏ những nghi ngờ thắc mắc trong lòng họ một cách dễ dàng, và bất cứ khi nào họ đã tin tưởng đến tôn giáo, tôn giáo đó có thể đóng góp và làm họ được an vui hạnh phúc.

Dù người nào có tin tưởng Ngài hoặc không, tuy vậy giáo lý của ngài vẫn có ảnh hưởng đối với tất cả mọi chủng tộc. Giáo pháp của ngài được truyền bá trong thế gian này không dùng đến áp lực hoặc phải đổ một giọt máu nào, Giáo pháp đó làm tỏ lối đi để cho loài người có thể vượt khỏi thế giới đau khổ phi lý nầy đến một thế giới mới đầy đủ ánh sáng, tình thương thanh bình, và hạnh phúc. Giáo lý của Ngài trải qua 25 thế kỷ vẫn còn đủ sức đương đầu với bao nhiêu sự thử thách, không thay đổi hoặc đưa vào những luận thuyết mới lạ, chen lẫn trong giáo lý căn bản nguyên vẹn của Ngài. Giáo lý này không đi ngược lại với những sự chứng nghiệm hoặc phát minh của các nhà khoa học tân tiến thuộc thế hệ ngày nay. Mặc dầu đạo đức rất cần thiết đến sự đạt đến nơi cứu cánh tịnh tịch, nhưng chính nó vẫn chưa đủ, nó cần phải hiệp theo lý trí. Đạo đức và lý trí giống như đôi cánh chim, lý trí còn được so sánh như cặp mắt của con người, đạo đức ví như cặp chân. Đạo đức còn có thể sánh như chiếc xe chở con người đến ngõ giải thoát, nhưng chìa khóa hành động để mở ngõ là lý trí.

CHÂN HẠNH PHÚC THIÊN ĐÀNG

Những người theo tôn giáo này không bao giờ xem họ như những người được ban ân huệ, mà họ có thể có cơ hội để đến thiên đàng. "Chính ta đã tại ra địa ngục và chính ta tạo ra thiên đàng tùy theo lối sống của chính ta ". Theo đúng lời giáo huấn này, chúng tôi tin tưởng rằng: Bất cứ ai cũng có thể hưởng hạnh phúc thiên đàng lâu dài tùy theo họ hướng dẫn cuộc đời cuqả họ một cách chân chánh bất cứ đều gì mà họ tin tưởng họ dều dùng lý trí suy xét. Thiên đàng không để dành riêng cho một ai cũng không bị đọt chiếm do một môn phái đặc biệt nào hoặc để dành cho người nào có đạo, nhưng nó là nơi để chung cho tất cả.

CẢM PHỤC VÀ TRI KIẾN

Sự mến phục, hiểu thấy và kính trọng về những thể trạng của con người nào đều căn cứ vào luận lý cao quí, những điều đó đã được duy trì do những tín đồ của tôn giáo này. Sự quảng đại bao dung, từ bi thương xót đến những chúng sanh khác, thì không giới hạn chỉ dành riêng cho loài người mà còn lan tràn khắp tất cả mọi loại.

LẼ SỐNG

Tôn giáo này sáng tỏ và có ý nghĩa đến đổi nó giải đáp tất cả mọi phương diện những câu hỏi thiết yếu và nó còn cung cấp một nền căn bản để giúp loài người hướng đến đời sống thiện mỹ hơn.

Tôn giáo này không phân loài ngươì ra làm hai nhóm là: Được cứu lỗi và bị đày đọa, nhưng nhờ sức mạnh văn minh tinh thần đã cải thiện đời sống dã man và trở nên thuần lương, chất phát.

Những tín đồ của tôn giáo này không có tin vào sự cầu khẩn hoặc van xin, họ chỉ tin vào sự quan trọng do chính hành động họ tạo và tin vào kết quả do sự suy nghĩ mà đưa họ đến sự chiến thắng, điều khiển, trong sạch chính họ, thoát khỏi tội lỗi và giác ngộ. Sự trầm tư mặc tưởmg có ích lợi như viên thuốc bổ quí báu của tâm lẫn trí.

CON NGƯỜI CÓ THỂ TỰ TẠO ĐỜI SỐNG

Các tín đồ của tôn giáo này tin rằng: Trí là một sức mạnh hoàn toàn, nó vừa là người sáng tạo vừa là kẻ phá hoại con người và là kẻ kiến trúc cho số mạng của con người. Do đó, con người có khả năng gieo trồng bất cứ điều gì nếu họ biết làm thế nào để sử dụng trí óc của họ.

Thực ra, Tôn giáo này đã là một cái nhà đầy đủ ánh sáng và được mọi người kính yêu vì sự dắt dẫn loài người đến nơi thanh bình, hạnh phúc và tuyệt đối.

Thế giới ngày nay đòi hỏi, phân tích cho rõ về nguồn gốc loài người, thuộc về kinh tế, quốc tế, xã hội và những tư tưởng.

Để giải đáp những vấn đề phước tạp đó con người nên thực hiện lòng từ thiện, thông cảm tương thân tương ái lẫn nhau, và điều đó, có thể phát triển mạnh mẽ, nhờ sự hướng dẫn của tôn giáo này, làm cho tiêm nhiểm sự kết hợp luân thường đạo lý trong trí để thực hiện lòng bác ái.

Đã là con người phải hiểu rằng: Sự mở mang thuộc về tinh thần quan trọng. Hơn sự khuếch trương về vật chất đối với`sự hạnh phuc và an lạc của loài người. Họ còn phải thực hiện sự chân thật, công bằng bình đẳng, bác ái và từ bi, lúc đó chính họ sẽ trả lời những câu hỏi trên và thế gian này sẽ trở nên một chỗ thiện mỹ hơn.

TÔN GIÁO CHÂN CHÍNH

Không có đạo đức nào hơn sự rải tình thương khắp cả quần sinh. Không có hạnh phúc thanh cao hơn sự yên lặng tinh thần, không có sự chân thật nào rõ ràng hơn sự hiểu thấy chân tướng của vạn vật, không có tôn giáo nào cao quí hơn cả sự phát triển thuộc về lý trí hợp với chân lý và không có triết lý nào sâu xa hơn điều nào mà có thể đem lại về những kết quả có thể làm cho mọi người thấy một cách hữu hiệu.

TÔN GIÁO TỰ DO

Tôn giáo này không ngăn chặn hay cấm đoàn người nào nghiên cứu, tìm hiểu giáo lý của các tôn giáo khác. Bởi vì lòng tin mảnh liệt thì không cần đến những điều gì cả. Kẻ cuồng trí không thể cho phép chính họ được hướng dẫn bằng một nguyên lý hay tốt hơn do điểm thiết yếu về sự quan sát và phân tích hợp với khoa học. Do đó, người theo tôn giáo này phải là một con người tự do chọn lựa có tâm hồn khoáng đạt, không chấp trước, không nhờ cậy người nào mở mang kiến thức của họ.

Nếu quí vị cố gắng đọc thêm một ít nữa về con đường hợp đạo đức của tôn giáo này quí vị sẽ tìm thấy rằng: Quí vị sẽ đã phá những sự hiểu lầm từ trước mà quí vị đã sẳn có`về tôn giáo này. Con người không nên đánh giá trị của một tôn giáo nào một cách vội vã, bằng cách quan sát những hành động nào đó đã có sẳn do một số tín đồ không được học hỏi thay vì con người nên luôn luôn cố gắng tìm hiểu những giáo lý căn bản của tôn giáo đó.

CON NGƯỜI VÀ THƯỢNG ĐẾ

Thay vì đặt con người và số mạng của họ dưới quyền điều khiển độc đoán của một thượng đế mà không một ai biết người là ai rồi tôn trọng người là bậc có quyền lực tối cao.

Tôn giáo này nâng cao địa vị loài người, và thừa nhận rằng: Con người có đức tin nhưng đức tin phải hợp với lý trí.

Tôn giáo Ngài bảo chúng ta nên làm việc nghĩa đối với mọi người mà không cần một ân huệ nào cả.

Các tín đồ thuộc tôn giáo này tránh xa điều tội lỗi không phải vì sợ sệt thượng đế trừng phạt, nhưng vì hiểu rằng đó là những nguyên nhân đem đến sự đau khổ cho chúng sanh. Họ làm những việc thiện giúp đỡ kẻ khác không phải làm cho thượng đế hài lòng, hầu mong cầu ân huệ, nhưng vì lòng vị tha, thương xót đến những kẻ khác.

Tôn giáo này dạy cho quí vị làm thế nào để tìm thấy một con đường đến sự hoàn toàn thiện và trí tuệ siêu việt không cần một vị thượng đế phiếm chỉ. Sự hiểu biết cao siêu không cần đến tha lực.

Hệ thống đạo đức thế gian và ngay cả sự trừng phạt, tất cả cái đó không do ai đặt ra mà do định luật thiên nhiên sẳn có và do con người chúng ta tạo ra, sự sinh tồn vẫn tiếp diễn không một sự phân ly "Linh hồn bất diệt" chân hạnh phúc tuyệt đối`không có thiên đàng giả tạm. Có thể xảy ra những hình phạt, nhưng không có vị cứu thế nào tha thứ hoặc gánh chịu thế cho ai. Nơi tịch tịnh, trong đó mọi người đều là vị cứu tính của chính họ. Còn người nào được sinh trong kiếp này và ở trên quả địa cầu đều do kết quả mà họ đã gieo.

Không có sự vui thú nhục dục, cuộc đời còn kéo dài chăng? không có tin tưởng sự vô sanh bất diệt con người có thể ở hợp luân thường đạo lý chăng? Không van xin cầu khẩn đến thượng đế con người có thể tiến bộ đến chân lý chăng? đấng sáng lập tôn giáo này trả lời rằng: Đúng thế, những điều sau cùng đó có thể đạt đến được do công việc thiện, do sự làm cho tinh khiết, kỷ luật và trí tuệ.

Những đức tinh tốt đó sẽ mang lại sự yên tĩnh, thanh bình, hạnh phúc và cứu cảnh đối với đời sống.

ĐỊNH LUẬT VŨ TRỤ

Định luật vũ trụ như đã giảng giải ở trong tôn giáo này đã giải về vấn đề đau khổ, sự bí ẩn về số mạng và thuyết tiền định do một số tôn giáo đưa ra, các Thần đồng hoặc siêu nhân, cùng sự bất đồng của nhân loại. Tìm hiểu về định luật đó lam cho họ thỏa mãn, hy vọng, tự tin và lòng can đảm hợp theo định lý. Sự hiểu biết đó làm cho họ tinh tấn (siêng năng). Thiện tâm và nhiệt thành của họ tăng lên mãi và khuyến khích con người làm phước thiện, nhẫn nại và xem xét, vì họ hiểu rằng: không có thế giới nào hoàn toàn thiện hoặc hoàn toàn ác trong vũ trụ này, duy chỉ có một nơi hoàn toàn an lạc họ có thề đến đó khi nào họ diệt được ái dục và đánh tan màng vô minh.

TÔN GIÁO TỐI TÂN

Đây không phải là lý thuyết nhưng là một con đường thực dụng cho đời sống, đạy là tôn giáo xưa nhất trong lịch sử. Tuy vậy, vẫn tối tân nhất trong mọi phương diện. Nó khuyên con người không nên làm nô lệ cho bất cứ thần tiên hoặc uy quyền tối thượng nào, nhưng nên khai thác uy lực ẩn kín, tìm tàng trong con người bằng cách dùng sự tinh tấn và lý trí để chiến thắng những khó khăn đó.

Người ta muốn có những đức tinh tốt nên nhờ vào tôn giáo hợp lý sẽ làm vừa lòng trong kiếp này và trong đời vị lai, tôn giáo đó phải là tôn giáo hợp khoa học, luận lý đạo đức và sự tiến bộ văn minh. Tôn giáo này sẽ làm cho tín đồ của nó được hãnh diện trong thế giới văn minh này.

Thực ra, tôn giáo này là một khoa học trên các khoa học khác, xã hội học ở trên tất cả xã hội học khác và tiến bộ hơn tất cả sự tiến bộ thuộc lĩnh vực tinh thần.

KHÔNG PHÂN BIỆT GIAI CẤP

Đây là một tôn giáo lần đầu tiên trong lịch sử đã đứng lên cách mạng hàng rào giai cấp giữa người và người, đưa sự bình đẳng vao trong loài người, nhờ có cơ hội bình đẳng đó mà con người có thể nhận ra lối đi trong đời. Tôn giáo này còn đưa sự tự do thật sự đến phái yếu để nghiên cứu học hỏi và thực hành một tôn giáo, sự bình đẳng xã hội nam –nữ bình quyền đầu tiên trong lịch sử của thế giới đều do tôn giáo này chủ xướng.

Đấng thượng sư Ngài tuyên bố rằng: Các cửa ngõ vô sanh bất diệt đã rộng mở cho tất cả những ai dù cho địa vị cao sang hay thấp hèn, hiền lương hoặc tội lỗi muốn quay đầu về với chân thiện mỹ và mong mỏi đến đó. Ngài không có ép buộc tín đồ của Ngài trở nên nô lệ cho chính Ngài hoặc giáo lý của Ngài mà Ngài để cho họ hoàn toàn tự do suy nghĩ.

VÔ THƯỜNG

Tôn giáo này phân chúng sanh ra làm hai phần, hồn và xác tất cả đều ở trong trạng thái biến đổi, không duy trì hay sát na trong một thời gian. Sự phát triển hoàn toàn về trạng thái hợp luận lý đạo đức này vẫn thay đổi một cách`chắc chắn. Vì vậy nên con người gây ra sự chém giết lẫn nhau và làm cho bánh xe luân hồi tiếp tục xoay chuyển. Do đó chẳng có gì tồn tại thường, luôn cả trong thế giới này lẫn thế giới khác. Tôn giáo này tin rằng: Nhiều chúng sanh tùy thuộc hệ thống trong mỗi thế giới khắp cả vũ trụ.

NHỮNG MỆNH LỆNH VÀ GIỚI LUẬT

Không có những mệnh lệnh nào trong tôn giáo này bắt buộc phải tuân theo. Thay vì chỉ có`những điều giới để quí vị tùy ý xem xét. Do sự xem giới luật như: Tránh xa sự sát sinh (không giết, không bảo người khác giết bất cứ chúng sanh nào), sự trộm cấp (không lấy vật gí mà người khác chưa cho), sự tà dâm (không quyến rủ vợ, chồng con người khác theo minh), sự nói dối (không nói những việc có nói không, không nói có hoặc tự mình đặt ra làm cho người khác tin) và sự uống rượu hoặc các chất say. Họ có thể làm cho trong sạch chính họ và còn giúp sinh vật khác sống một cách an lành.

MỤC ĐÍCH CỦA CHÚNG TÔI

Mục đích của chúng tôi trong việc ấn tống bài luận thuyết này không phải làm cho người khác phải theo đức tin của chúng tôi, nhưng chỉ làm cho thấy rõ đường chân nẽo chánh để tìm đến sự thanh bình hạnh phúc. Và để thực hành tôn giáo tùy theo sự tôn sùng tin ngưỡng của họ, miễn sao đừng tin tưởng một cách mù quáng. Chúng tôi khuyến khích mọi người thực hành tôn giáo của chính họ, nếu họ có thể tìm thấy sự chân chính thanh nhàn hạnh phúc, hợp lý trí và thoát khỏi sự thống khổ cõi đời trong tôn đó.

Tôn giáo này còn có thể trả lời bất cứ vấn đề gì về tinh thần hoặc nó có thể vạch cho một hướng đi tươi sáng và làm sáng tỏ ý nghĩ của quí vị có liên quan đến tôn giáo và triết học. Nó còn giúp quí vị hiểu đới văn minh A Châu. Quí vị sẽ tìm thấy trong tôn giáo này một sự hướng dẫn tinh thần trong thế giới tân tiến này, để xa lánh những điều xấu xa tội lỗi.

Tôn giáo này đã đem lại cho thế giới một tinh thần mới, hy vọng và con đường mới. Sự chân thật và những điều thiết yếu mà đã được tìm hiểu và thấu rõ trong ngày hôm nay cũng như nó đã có từ trước.

Quí vị đã có lý tưởng chưa? Nếu có hoặc không, chúng tôi mời quí vị bỏ chút ít thì giờ để nghiên cứu về tôn giáo này và những tư tưởng vị sáng lập ra nó, chúng tôi sẳn sàng giúp quí vị.

Tôn giáo vĩ đại đã được đề cập trong bài luận này là Phật Giáo Nguyên thủy và người sáng lập ra tôn giáo này chẳng ai khác hơn là Đức Phật GOTAMA (Thích Ca).

Dịch xong 07-03-1970
Tại Phật học viện Phật Bảo,
Đà Nẳng.

-ooOoo-

Chân thành cám ơn anh Thạch Sóc đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, tháng 7-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 17-07-2003