BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thư gửi bạn
(Phát triển trí tuệ)

Liễu Pháp
06-2002


Ðã khá lâu chúng ta ít biên thư cho nhau, có lẽ cũng vì bận bịu gì đó mà cũng có thể một lý do gì khác, chẳng hạn nghĩ rằng những gì mình viết cho nhau từ bấy lâu nay rồi cũng qua đi trong quên lãng, chẳng có gì tồn tại lâu và cũng chẳng ích lợi gì mấy. Thực sự, thăm hỏi sức khoẻ của nhau hoặc được biết những gì đang xảy ra trong đời sống thì cũng tốt vì thăm hỏi ân cần thì cảm thấy ấm lòng nhất là khi ở xa, ít có dịp hàn huyên. Tuy vậy hỏi và trả lời những chuyện này mãi thì cũng sẽ hết chuyện thôi ... Từ nay chúng ta thử thỉnh thoảng suy nghĩ rồi viết cho nhau về một đề tài nào đó, biết đâu nhờ vậy mình có dịp suy tư nhiều hơn hay sâu hơn về một đề tài mà mình chưa có dịp dành thì giờ để suy nghĩ.

Ðề tài thì chẳng thiếu gì, chẳng hạn vấn đề gia đình, vấn đề con cháu, vấn đề hạnh phúc hay đau khổ, vấn đề bản thân, vấn đề văn hóa, vấn đề cuộc sống, vật chất và tâm linh, vấn đề tu học...Mình viết cho nhau, giữa bạn bè thân quen, ghi lên giấy những cảm nghĩ đến trong tâm như những nét tạp ghi, không cần sắp xếp cẩn thận, chỉ để chia xẻ, trao đổi và để cùng suy nghĩ với nhau. Khoảng chừng 20 năm trước, trong một buổi vấn đạo, một thiền sư khuyên mình hãy về tìm bạn mà cùng tu học; có lẽ đây phần nào cũng cùng một ý hướng như vậy.

Lần này chúng ta hãy thử suy nghĩ và thảo luận về sự phát triển trí tuệ. Sự phát triển trí tuệ ai cũng thấy rất là cần thiết cho mọi hành xử hằng ngày, từ những sự chọn lựa thông thường cho đến những quyết định quan trọng trong đời sống; đó là chưa nói tới những bước ngoặc (turning points) trong cuộc đời khi mà một quyết định có thể thay đổi hẳn một lối sống hay có thể chuyển nghiệp và làm thay đổi kiếp sống này và ảnh hưởng các kiếp sau... Sự chọn lựa hay quyết định thường phải có ở những ngã tư đường, khi mình đang ở vào một vị thế, một hoàn cảnh hay một tình huống mà mình phải chọn lựa, như là khi đi đến một ngã tư, phải quyết định đi thẳng, quẹo phải hoặc quẹo trái hoặc dừng lại. Thường thì sau khi hoàn thành một giai đoạn nào đó của cuộc sống, phải có sự chọn lựa cho một giai đoạn khác; đôi khi vì một biến cố, một hoàn cảnh thay đổi hay một sự giác ngộ, ta quyết định một sự thay đổi...Nhiều khi ta đang đi qua một ngã tư mà không hay biết, cứ cắm đầu đi thẳng, dường như không thấy hai lối rẻ phải hoặc rẻ trái, mãi lâu về sau mới nhận ra được ngã tư đã đi qua, sau khi bình tâm, phản tĩnh hoặc khi trí tuệ mình được phát triển hơn...

Ngã tư đường thì chắc chắn là không ít trong đời sống của chúng ta. Những ngã tư đường thông thường ai cũng có, như khi lớn lên chọn một ngành để học, chọn một nghề để sinh sống, chọn một nơi để sống, chọn một bạn đời, v.v.. Có những ngã tư đường khác đặc biệt hơn mà không hẳn ai cũng có, ví dụ như khi gặp được nhân duyên nào đó, phát triển được trí tuệ hơn trước hoặc đạt được một giác ngộ, có người đă thay đổi hẳn đời sống của mình, không tiếp tục đi thẳng mà quyết định rẻ trái hoặc rẻ phải theo trí tuệ hướng dẫn vào thời điểm đó. Ví dụ một việc gì đó mới xẩy ra trong đời sống của một người, chứng kiến một biến cố hoặc nhận chân một sự đổi thay, đã làm người đó mở mắt ra, làm người đó tỉnh ngộ, thấy đời quả không như mình tưởng; chẳng hạn nhận thấy đời quả là vô thường, chẳng có gì tồn tại lâu dài hoặc thấy nhiều sự việc xảy ra mình chẳng kiểm soát hay điều khiển được gì hoặc thấy sự vật, hiện tượng nào tuy cũng có những đặc tính riêng nhưng không đứng riêng lẽ được mà phải tùy thuộc vào những điều kiện, những yếu tố mình không thấu hiểu được... Suy tư thêm một chút, người đó nhận thấy bấy lâu nay, qua nhiều năm tháng, mình đã bỏ hầu hết thời giờ chạy theo công việc, chạy theo vật chất, tiền bạc, ái dục hoặc địa vị, danh vọng, nghĩ rằng phải dành hết thì giờ như vậy để xây dựng cho một tương lai nào đó cho mình hoặc gia đình mình; nay thì thấy sự suy nghĩ này đã bắt đầu lung lay, cái tương lai dự tưởng đó không hẳn tùy thuộc vào mình mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác... Có người trong chúng ta nhiều năm đeo đuổi một lý tưởng, một mục đích nào đó, nay sự biến đổi của thời cuộc làm cho người đó vở lẽ, nhận chân được sự không tưởng, sự vô nghĩa của những gì mình đã theo đuổi... Từ đó, người này không còn chỉ biết chạy theo công việc hoặc lý tưởng mà bắt đầu để tâm tìm hiểu hơn về đời sống, về con người, đọc sách về triết lý, tìm hiểu tôn giáo. Có người bỏ nhiều thì giờ khảo cứu về một hệ thống triết lý, nghiên cứu một hệ thống tâm lý học nào đó; có người để tâm tìm thầy, tìm bạn để học đạo, tìm giải đáp cho nhiều thắc mắc về cuộc đời... Ðặc biệt trong đời sống, thắc mắc về sự đau khổ và hạnh phúc có thể là vấn đề hàng đầu, hạnh phúc thì thường không trọn vẹn và chẳng tồn tại lâu dài, đau khổ thì dường như không thể tránh khỏi, đầy rẫy, không kể xiết... và dường như ai cũng có. Nhìn chung quanh và khắp nơi, đau khổ tràn đầy. Phần lớn là do người gây cho người. Tìm hiểu về tù đày ở nước mình chỉ trong khoảng 50 mươi năm trở lại, không thể hiểu nỗi tại sao con người lại có thể tạo cho nhau những đau khổ khốn cùng như vậy. Còn thấy đâu là lương tri, là tình cảm; sân hận phải ngập trời mới che mờ tất cả trí tuệ, chỉ còn lại si mê. Si mê chúng ta thấy hằng ngày trên thế giới, si mê đến độ không còn kể tính mạng của mình, ôm bom để giết chính mình và một số người cho là thù địch, không kể đàn bà trẻ con, không kể một người hay hằng ngàn người (9/11/01 tại Mỹ); rồi hằng ngàn tấn bom lại cũng do sự sân hận đổ xuống một đất nước nghèo khổ vừa mới trải qua một cuộc chiến tranh tổn hại. Ðã có được bao nhiêu người thâu nhận được "thông điệp cho toàn thế giới" của Tỳ Kheo Bodhi (BPS Newsletter, No 34, 1996) về sự tự tìm hiểu và chuyển hóa chính mình? Xưa nay đã có một ý thức hệ nào, một triết lý, một tôn giáo nào ngoài Phật Pháp đem lại sự giải quyết rốt ráo về vấn đề đau khổ của nhân loại?

Nhận chân nhiều đau khổ trong cuộc đời, cố tìm nguyên nhân để giải quyết, có thể nói là một trong những ngã tư đường khởi đầu nhưng rất là quan trọng. Các ngã tư đường cũng như các nhân duyên đưa đẩy trong cuộc sống, có lẽ chẳng có nhân duyên nào là nhân duyên nhỏ hay vô cớ; nhân duyên như các khoan nối liền dây xích, có khoan thì nhỏ hơn các khoan khác, nhưng không có khoan này thì không thể nối liền và không đến được các khoan khác được...Một nhân duyên nhỏ đôi khi mình tưởng là không đáng để ý, nhưng mà hãy coi chừng, đôi khi nó có thể mang lại cho mình một kinh nghiệm, một sự thức tỉnh hay giác ngộ quí hoá. Một ví dụ: Gần đây, bà xã mình tình cờ nói một đôi chuyện tuy thông thường mà làm mình suy nghĩ. Hằng tuần bà và con gái út tình nguyện đi đưa cơm cho các người cần được giúp đở (trong chương trình Meals On Wheels - đưa cơm cho người già hoặc bệnh) và lâu ngày rất quen biết, gần gủi một số người này; bà thường hay mua vài món quà nhỏ tặng họ, nhất là mấy người già không con cái hoặc con cháu ở xa ít thăm viếng. Hỏi tại sao thích cho quà như vậy thì được trả lời "thấy họ thường buồn bã, làm họ vui lên một chút thì cũng bớt khổ..."  Một hôm, bà đi mua mấy món quà mang theo trong xe và đi đưa thức ăn, nhưng khi trở về thì coi bộ không vui; hỏi ra thì một người quen đã vào bệnh viện và một người khác không còn nữa; bà nói: "mới còn đó tuần trước mà nay đi rồi, quả là vô thường"...Bà thường hay gọi điện thoại nói chuyện với mấy người cô đơn này, hay đúng hơn là để nghe họ kể lễ tâm sự; nói rằng "biết lắng nghe cũng làm nhẹ bớt đau khổ". Ðây chính là ý nghĩa của chữ "Từ Bi". (Mình đã học chữ này bao nhiêu năm mà nghĩ lại đã có mấy lần áp dụng? Hằng ngày trong lúc thiền tập, mình đều có quán tâm từ, nhưng trong đời sống đã làm được những gì cụ thể về phương diện này? Xét lại bản thân, mình đã ít chú trọng về hạnh Bố Thí, ít hành hạnh Nhẫn Nhục, như vậy là mình đã thiếu sót trong việc hành Lục Ðộ). Từ khi dời về sống ở một tiểu bang không có chùa chiền ở gần, mình nghĩ bà phải nhớ nhiều về ngôi chùa đẹp đẽ gần nhà ở Minnesota, nơi bà thường đến lễ Phật và cúng Phật; mình hỏi bà có nhớ đi chùa cúng Phật không thì được trả lời: "nhớ đi chùa lạy Phật thì có, còn ở đây bố thí, cúng dường chúng sanh, thì khác chi cúng Phật" (Làm dịu bớt nỗi khổ con người, cúng dường chúng sanh không khác gì cúng Phật, thật là chí lý). Một câu nói thông thường, một sự việc xãy ra hằng ngày cũng có thể giúp ta phản tỉnh, cảm nhận thành một kinh nghiệm, một giác ngộ, như một khoan nhỏ của chuổi dài nhân duyên trong tiến trình giác ngộ...

Mình nhớ hồi mới lớn còn ở bậc trung học, đã nhiều lần đi lên đồi cao, hòa mình với cảnh thiên nhiên, nhìn xuống thành phố Huế xinh đẹp với dòng sông Hương quen thuộc, không khỏi ngông cuồng mơ mộng lấp biễn vá trời...(Tuổi trẻ thì thường mơ mộng ngông cuồng, muốn trị quốc, bình thiên hạ, nhưng khổ nỗi là không nghĩ đến là phải tu thân trước khi muốn tề gia hay bình thiên hạ!).. Rồi hết bậc trung học, phải chọn ngành vào đại học, không biết phải chọn ngành gì, thử đi vào Toán Lý Hoá, rồi Toán Ðại Cương rồi Cao Ðẳng Sư Phạm, cuối cùng lại ra trường ngành Ðiện (một ngành ít khi nghĩ tới mấy năm trước đó, nhưng ngành gì, nghề gì sau này mới hiểu cũng chỉ là để mà sinh sống mà thôi, miễn là không phạm tới Chánh Mạng và Chánh Nghiệp..), nhưng trong thâm tâm bao nhiêu năm vẫn thích học Triết và mơ được học ở trường Sorbone bên Pháp (!). Biết rằng cơ hội xuất ngoại sẽ rất khó đến, tuy nhiên vẫn hy vọng "ngày nào đó cơ hội sẽ đến" và tự nhủ "tại sao lại không bắt đầu đọc Albert Camus, Jean Paul Sartre, Simone De Beauvoir...?". Nghĩ lại, thấy cũng không có gì lạ, cái triết lý hiện sinh, "Kẻ Xa Lạ" của Albert Camus đã đem lại sự mới lạ cho nhiều người chịu ảnh hưởng của văn hoá đông phương (chịu ảnh hưởng của Khổng, Lão và Phật giáo). Sự mơ mộng học triết ở Sorbone có lẽ bắt nguồn từ những năm học chương trình Pháp ngữ ở trường Thiên Hựu Huế mà có lẽ cũng do sách báo của nhóm Sáng Tạo, Bách Khoa ở Sài Gòn; điều này cũng chứng tỏ ảnh hưởng của văn hóa Pháp, của 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, cái cộng nghiệp của dân trong nhiều nước thời thực dân đế quốc. Có lẽ đây chỉ là những nhân duyên gần, còn có thể có những nhân duyên khác mà mình không biết được. Cái mơ mộng học triết, đến sự ưa thích đọc sách văn hoá, tìm hiểu tôn giáo...rồi đi tìm tòi một triết lý sống, một lối sống đã chứng tỏ có nhiều câu hỏi chưa đươc giải đáp. Có lần mình đã dự một khoá huấn luyện của Werner Erhart, huấn luyện thể chất và tâm lý mà sau này mình mới biết chẳng ích lợi gì. Tuy trong cuộc đời thiếu gì người trải qua các giai đoạn "đi tìm tòi" như vậy (mệnh danh là kẻ tìm kiếm, seeker, mà không biết mình đi tìm cái gì) nhưng nghĩ lại cũng không khỏi thấy buồn cười cho cái tuổi trẻ vô tư, năng động, muốn làm một cái gì mà chẳng biết mình muốn gì... Như trên có nói, những ngã tư đường hay những chọn lựa nào đó trong cuộc đời ta có khi chỉ lãng phí thì giờ, có khi là nhân duyên tốt cho về sau, thường thì lúc chọn lựa đó mình không thể biết sẽ ra thế nào, chỉ chọn lựa tùy theo sự hiểu biết của trí tuệ có giới hạn lúc đó mà thôi; về sau khi mọi sự việc liên hệ đã xãy ra, mình mới có sư cảm nhận đúng đắn hơn (hind-sight). Có những nhân duyên đưa đẩy, đến rồi đi, tiếp nối nhau, chúng ta không rõ những nhân duyên này có liên hệ gì với nhau hay không và những chọn lựa hay quyết định của ta có thực sự quan trọng như ta nghĩ chăng? Có nhiều sự việc nhiều năm trước ta cho rất là quan trọng, nay nghĩ lại thì thấy chẳng quan trọng gì. Có những câu hỏi về con người, về vạn vật, về cuộc sống, chẳng hạn về sự đau khổ của con người mà ta thường không trả lời được. Nhận chân được sự giới hạn của trí tuệ của mình là một giác ngộ rất cần thiết, giúp ta thấy được rằng mình cần phải tìm cách phát triển trí tuệ.

Sự phát triển trí tuệ là tối quan trọng cho tất cả mọi người... Mọi quyết định hay chọn lựa tùy thuộc vào trí tuệ của ta mà trí tuệ của ta có giới hạn và cần được phát triển để cho ta bớt vô minh, để có sự chọn lựa sáng suốt hơn, để nhận chân mọi việc một cách đúng đắn... Ðời người ngắn ngủi, nếu trí tuệ không được phát triển kịp thời thì các chọn lựa của ta (hoặc sự không chọn lựa gì cả) sẽ chẳng đưa ta tới đâu và lãng phí một đời. Nghĩ như vậy ta có thể cho sự phát triển trí tuệ đương nhiên là cần thiết, tuy nhiên ta vẫn chưa thấy rõ mục đích sâu xa của sự phát triển trí tuệ và ta phải phát triển trí tuệ như thế nào ?

Ðể giải đáp câu hỏi trên về mục đích thực sự của sự phát triển trí tuệ, ta cần phải phân biệt như sau: sự phát triển trí tuệ khởi đầu hay sự phát triển trí tuệ thông thường chỉ có mục đích là phát triển kiến thức giúp ta hiểu biết hơn, sáng suốt hơn, suy tư đúng đắn hơn để hành xử đúng đắn hơn trong đờì sống hằng ngày, chứ chưa phải là sự phát triển trí tuệ rốt ráo để đạt được "Nhất Thiết Liễu Trí", là trí tuệ biết được tất cả những gì cần biết, là mục đích tối hậu của sự tu tập, là trí tuệ hiểu rõ mọi pháp thế gian và siêu thế gian, là Trí Tuệ đã giải quyết được các nguyên nhân tạo ra đau khổ, là Trí Tuệ Giác Ngộ, Trí Tuệ Giải Thoát. Phần hai của câu hỏi là phát triển trí tuệ như thế nào: là học hỏi Phật Pháp và tu hành theo con đường thanh lọc tâm. Ðó là Pháp Học (pariyatti) Pháp Hành (patipatti). Phật Pháp chỉ rõ con đường Giới, Ðịnh, Huệ để chúng ta thực tập theo, để đạt được một trí tuệ không còn vô minh, một tâm không còn ô nhiễm. Vô minh là Si Mê, là bị mê mờ không thấy rõ, là một trong ba Tam Ðộc (Tham, Sân, Si). Si cũng chính là nhân của Tham và Sân, diệt được Si rốt ráo là đạt được một tâm trong sạch, không còn ô nhiễm, là có được một trí tuệ "qua tới bờ bên kia", một Trí Tuệ Giác Ngộ. Vì thế đạo Phật còn gọi là đạo Trí Tuệ, đi theo con đường Giới và Ðịnh để đến Huệ và cứu cánh là Diệt Khổ.

phát triển trí tuệ là giải quyết vấn đề Vô Minh. Vô minh là một khoen lớn trong 12 khoen trong dây xích Thập Nhị Nhân Duyên, khoan này đưa đẩy khoen kia, nhân duyên này tiếp nối nhân duyên kia, làm chúng ta luẩn quẩn trôi lăn trong đau khổ, kiếp này qua kiếp khác trong luân hồi sinh tử. Một trong 12 khoan trong Lý Duyên Khởi phải được chặt đứt thì xây xích trói buộc ta mới bung ra và giải thoát ta. Trong các pháp thoại về sự thực tập thiền quán, các thiền sư đã dạy chúng ta một trong các khoan có thể chặt đứt được bằng Thiền Minh Sát là khoan Thọ trong Thập Nhị Nhân Duyên; thiền Minh Sát đặt căn bản từ kinh Tứ Niệm Xứ, nói về bốn lãnh vực quán niệm: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Thiền Minh Sát, tùy theo truyền thống, có thể chuyên quán Thân, có thể chuyên quán Thọ hoặc quán Tâm, quán Pháp, v.v... Chúng ta có thể tìm hiểu sơ khởi bằng cách đọc các sách "Four Foundations of Mindfulness" của Ngài U Silananda, Con Ðường Chuyển Hóa của Ngài Thích Nhất Hạnh, các sách và pháp thoại khác về Tứ Niệm Xứ của các Ngài Achaan Naeb, Mahasi, Goenka... Tuy nhiên đi sâu hơn thì phải theo học "Khóa Ðặc Biệt về Tứ Niệm Xứ" của Ngài S.N.Goenka sau khi thiền tập ba khóa dài hạn 10 ngày và giữ ngũ giới thật trong sạch... (Kinh Tứ Niệm Xứ rất là quan trọng và là một đề tài sâu rộng mà chúng ta có thể tìm hiểu và thảo luận với nhau trong một dịp khác). Nói một cách tổng quát, ba chi về Ðịnh trong Bát Chánh Ðạo là căn bản của mọi phép Thiền Quán; phương pháp thiền tập có khác nhau về hình thức tùy theo tông phái (Bắc Tông, Nam Tông hay Mật Tông) nhưng căn bản không ngoài Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh. Ngay trong các phép thiền Nam Tông đều áp dụng Kinh Tứ Niệm Xứ mà phương pháp thực tập cũng có phần khác nhau; có truyền thống thì chuyên niệm cảm thọ (Ngài U Ba Khin, Goenka...), nhưng một truyền thống khác thì niệm phồng xẹp của bụng (Ngài Mahasi Sayadaw, U Silananda, U Pandita, U Kundala, ...). Nói chung, các Ngài dạy rằng tập định bằng phép quán niệm hơi thở hoặc một trong 40 đề mục của Thiền Chỉ để tập định trong giai đoạn đầu là cần thiết để tâm được ngừng nghĩ, tĩnh lặng. Tuy nhiên các Thiền Sư thường nhắc nhở thiền sinh đừng để tâm đi xa quá, đừng đi khỏi Sơ Ðịnh vào Cận Hành Ðịnh và Cận Ðịnh, đến các tầng thiền của Thiền Chỉ. Từ Sơ Ðịnh thiền sinh phải luôn tỉnh thức, giữ chánh niệm và biết chuyển qua Thiền Quán, quán sát những gì xảy ra ở sáu cửa giác quan, quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Mục đích của Thiền Chỉ là để đạt được sự vắng lặng của Tâm, đạt được trạng thái Tâm An Lạc và Nhập Ðịnh; qua được Cận Hành Ðịnh và Cận Ðịnh thì có thể khắc phục tạm thời năm trở ngại (ngũ triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, phóng dật, hoài nghi) nhưng mà sẽ không "thấy" , không nhận biết được Sinh-Diệt (một tuệ tối quan trọng).

Sự nhận biết này là do trí tuệ Minh Sát mà không do sự Ðịnh Tâm. Mục đích của Thiền Quán hay Thiền Minh sát là phát triển trí tuệ, để đạt được các tầng Tuệ và Giải Thoát, là phát triển trí tuệ đến một Trí Tuệ Giác Ngộ. Trong Thiền Quán, thiền sinh phải trải qua năm chi thiền, đó là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm. Nhờ sự tĩnh lặng, tâm dễ quán thấu được những gì xảy ra, tâm sẽ xuyên suốt vào đối tượng, thấy được sự liên hệ hỗ tương của Thân và Tâm, thấy được Danh Sắc, rồi Nhân Quả, Sinh Diệt, Tam Tướng, Xả. Nói rằng tâm xuyên suốt vào đối tượng không chỉ là nói một cách trừu tượng mà thôi. Trong phương pháp quán cảm thọ theo truyền thống của Ngài U Ba Khin, cái kỹ thuật "quét tâm" (sweeping) đưa tâm đi quan sát mọi cảm thọ suốt khắp thân thể, từ đầu tới chân, giúp ta nhận chân được rằng thân thể mà ta tưởng gồm các phần rắn chắc không hẳn là như vậy. Ở một giai đoạn nào đó, cái thân thể rắn chắc bị tan ra, quan sát kỹ thì thấy cái kiến trúc vật chất của thân thể chỉ là một khối những nguyên tử nhỏ li ti, khởi lên và biến đi, rồi khởi lên và biến đi; toàn thân thể chỉ là một khối những rung chuyển (mass of vibrations)... Minh Sát có nghĩa là quan sát rõ, thấy rõ, dịch từ chữ Pali "Vipassana" gồm chữ "Vi" có nghĩa "nhiều cách" và chữ "Passana" có nghĩa là "thấy", có nghĩa là "thấy nhiều cách", thấy rõ các "tướng", các bản chất của sự vật, thấy Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.

Hồi cuối thập niên 1960 và nửa thập niên 1970, mình thiền tập theo phái "Nhất Thừa" đặt căn bản từ kinh Pháp Hoa; cuối thập niên 1980, mình có dự vài khoá thiền tập tại Tu Viện Kim Sơn (San Jose) - Ngài Nhất Hạnh dạy tỉnh thức, an trú trong hiện tại bằng phép quán niệm hơi thở theo kinh An Ban Thủ Ý. Trong những năm đầu thập niên 1990 (có thể nói là turning point), mình học thiền với các Ngài Kim Triệu, U Pandita ở Tu Viện Taungpulu (Watsonville, CA), Như Lai Thiền Viện (San Jose, CA), rồi sau đó với các Ngài U Silananda, U Kundala ở Toronto và Montréal, Thích Ca Thiền Viện (Riverside,CA) và các Ngài Kim Triệu, H. Gunaratana ở Chùa Phật Ân (Roseville, Minnesota). Những năm gần đây mình thiền tập theo phương pháp quán cảm thọ của Ngài U Ba Khin, do các Thầy Phụ Tá của Ngài Goenka dạy (Prairie Du Chien, WI và St. Paul, MN). Mùa hè này, mình sẽ dự khóa "Thiền Sinh Cũ với Ngài Goenka" và khóa "10 ngày". Nói những chuyện này để thấy trên con đường tu học, mình vẫn phải tùy thuộc vào các nhân duyên đưa đẩy, dần dần mới tìm được phương pháp có thể nói là thích hợp với mình, nhưng rồi có tiến xa được hay không lại là một chuyện khác, còn phải tùy thuộc nhiều yếu tố, liệu sẽ có được nhiều thuận duyên ít nghịch duyên để được tiến triễn hay không?

Giữ giới và thiền tập là thiết yếu, nhưng trạch pháp cũng rất là cần thiết để có sự hiểu biết căn bản, để khỏi lãng phí thì giờ vì đi lạc đường do sự hiểu biết nông cạn hay sai lầm. Chúng ta cần có một kiến thức căn bản về Phật Pháp, thí dụ học hỏi qua về Ngũ Uẩn, học hỏi về Căn, Trần, Thức để biết thêm giác quan thứ sáu là Ý Thức, nói nôm na là Cái Biết, là Tâm. Học để biết khái niệm, nhưng thế nào cũng có nhiều thắc mắc. Ví dụ chúng ta ai cũng biết rõ ràng năm căn Nhãn, Nhỉ, Tỉ, Thiệt, Thân, còn căn của Ý Thức là gì và ở đâu? Căn của Ý Thức phải chăng là Óc Não hay Quả Tim hay là một "physical property" khác ở trong cơ thể? Giải đáp cho thắc mắc này đâu phải dễ. Ði vào sự học hỏi Phật Pháp thì mình thấy Phật Pháp thật là cao siêu, thâm sâu. Chúng ta có đọc và học hỏi mấy thì cũng còn nhiều thắc mắc. Ví dụ để tìm hiểu về Vô Ngã, về Niết Bàn, ta có thể tìm đọc Kinh Vô Ngã Tướng (Mahasi Sayadaw, Phạm Kim Khánh dịch), What The Buddha Taught (Walpola Rahula), Vô Ngã Là Niết Bàn (Thích Thiện Siêu), Tuyệt Quán Luận của Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma, Kinh Pháp Bảo Ðàn (Thích Thanh Từ) ... thì ta cũng chỉ mới có một khái niệm về Vô Ngã, Niết Bàn. Ngài Lục Tổ ngộ đạo từ Kinh Kim Cang, dùng Kinh này như lưỡi gươm để chặt đứt mọi phiền não,phát triển thiền tông, còn chúng ta, cho dù có nghiên cứu hết Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng mà không tu tập thì vẫn còn trong vòng luẩn quẩn với nhiều thắc mắc tương tự như trên. Chúng ta phải nhìn nhận rằng trí tuệ hiện có của mình vẫn chưa được phát triển đến nơi đến chốn và sự phát triển trí tuệ bằng trạch pháp thì cần thiết mà chưa đủ, cần phải phát triển hơn bằng sự tu tập.

Thắc mắc về Phật Pháp cũng như về sự tu tập thì có nhiều. Sau đây là một thắc mắc mà mình nghĩ người khác cũng có thể có: Tuy mình vẫn trạch pháp và thiền tập để phát triển trí tuệ mà cảm thấy không tiến bộ mấy, tuy rằng cũng nhận thấy mình bớt được ít nhiều dính mắc với cuộc đời. Ðiều này làm mình phải nghĩ đến lý do tại sao lại cảm thấy chậm tiến bộ như vậy; sau đây mình thử suy nghĩ để tìm một vài lý do:

1) Phải chăng là do mình nóng lòng và mong ước nhiều quá?

2) Phải chăng là do mình chưa đủ tinh tấn chuyên cần trong sự tu tập? hoặc còn nhiều ái dục và giới luật chưa được trong sạch lắm?

3) Phải chăng là do căn cơ, nghiệp báo kiếp này và nhiều kiếp trước?

Lý do thứ ba thì có lẽ khó bàn và khó kiểm chứng được. Hai lý do đầu thì chúng ta có thể có ý kiến, đúng hay sai hoặc khách quan hay không là một chuyện khác, nhưng cũng có thể thảo luận, góp ý kiến với nhau:

  • Sự cảm thấy chậm tiến bộ có lẽ là do sự mong ước, trông chờ; sự mong ưóc (expectation) có thể là một trở ngại cho ta trong tiến trình tu học. Có lần trước khi dự một khoá thiền dài hạn, mình chuẩn bị tinh thần với nhiều mong ước, hy vọng sẽ tu tập có kết quả ... nhưng trong buổi pháp thoại đầu tiên được dạy ngay là đi vào thiền quán thì không nên mong ước gì cả, chỉ cần có sự tin tưởng vào Tam Bảo, cố gắng chuyên cần hành thiền, giữ Chánh Niệm bén nhạy, Ðịnh căn sẽ tiến triễn vững chắc và làm phát triển Tuệ căn. Sự mong ước này có lẽ do mình thiếu kiên nhẫn, thiếu nhẫn nhục, một trong 6 chân của Lục Ðộ mà mình xét thấy cần phải thực hành nhiều hơn.
  • Mình chưa có thể để hết thì giờ toàn phần vào việc tu học, chưa xuất gia, chưa phải là một hành giả toàn phần (devoted yogi), còn phải dính mắc nhiều với cuộc đời thì đương nhiên kết quả của tu tập phải chậm thôi. Nói vậy không có nghĩa là đã giải đáp được vấn đề, tại sao có những người khác, cũng là cư sĩ như chúng ta, lại tiến bộ nhanh và dễ dàng hơn ta? Phải chăng họ đã tinh tấn nhiều hơn ta? Phải chăng mình còn nhiều ái dục và vô minh hơn họ? Ðiều này có phần hữu lý và giải đáp được phần nào lý do về cường độ của sự tu tập; một thiền sư có dạy rằng sự tinh tấn phải đều đặn liên tục (diligent, steadfast), mãnh liệt (ardent) và phải là sự cố gắng kiên cường anh dũng (heroic effort). Phải quyết tâm thắng được chính mình, sự tu tập đòi hỏi một sự quyết chí (strong determination) nhất là trong sự thiền tập.Tuy nhiên, sự tu tập không chỉ là thiền tập mà cần phải hành đủ Lục Ðộ. Ví dụ ta không giữ giới luật được trong sạch thì khó mà có Ðịnh căn phát triển; ta cũng cần phải hành hạnh bố thí, tập nhẫn nhục, phát triển tâm từ, thỉnh thoảng ôn lại 37 phẩm trợ đạo mà kiểm điểm sự tu tập của mình...
  • Phải chăng những người tiến bộ nhanh có nghiệp quả khá hơn mình hoặc có căn cơ tốt với nhiều ba-la-mật? Người đã tu tập nhiều từ nhiều kiếp trước, nay tiếp tục trở lại, tiến bộ nhanh hơn thì cũng hợp lý. Căn cơ hay nghiệp báo với trí tuệ của ta bây giờ thì chưa biết rõ được, nhưng có trong Phật pháp thì ta phải tin thôi, chờ chừng nào đạt được Nhất Thiết Liễu Trí mới kiểm chứng được.

Trở lại với sự phát triển trí tuệ khởi đầu để được sáng suốt hơn trong mọi quyết định hay chọn lựa trong cuộc sống thì sự học hỏi Phật pháp (trạch pháp, Dhamma investigation) là một bước đầu quan trọng. Chưa nói tới thiền tập để thanh lọc tâm (Thanh Tịnh Ðạo), chúng ta cần có một sự hiểu biết đúng đắn và căn bản về con người (nhân sinh quan) và về vũ trụ (vũ trụ quan). Sự hiểu biết về thân, tâm do đọc sách hoặc nghe giảng là điều cần thiết. Ví dụ cuốn Buddha's Words giảng giải về Sắc Danh (thân tâm), các sách giảng dạy về sự tu tập của các Ngài Nhất Hạnh, Achan Chah, U Pandita, Achan Naeb, U Silananda... đã trả lời cho mình nhiều câu hỏi mà qua nhiều năm khoa học, các triết lý và tâm lý học hiện đại đã không giải đáp được cho mình. Tuy nhiên sự hiểu biết do học hỏi bằng sách vở hoặc do thầy dạy chí mới là văn huệ, các kiến thức cần thiết mà chưa toàn vẹn, một thứ kiến thức vay mượn của người khác. Chúng ta lại cần phải suy tư do chính mình để có sự thấu đáo về bất cứ một vấn đề nào: đó là tư huệ. Cần có tư huệ để tránh sự dễ dàng chấp nhận hoặc tin tưởng mù quáng, dù kiến thức đến từ bất cứ một nguồn gốc nào. Nhưng không thể dừng ở tư huệ vì đây mới chỉ là là thuần lý; nếu ta không có kinh nhiệm bản thân về một sự việc, một hiện tượng thì lấy gì mà kiểm chứng? Hơn nữa sự suy tư này cũng chỉ trong vòng đối đãi, những sự việc ở đời này chỉ là tục đế, không có một giá trị tuyệt đối như chân đế... Vì vậy phải có tu tập để có một sự hiểu biết rốt ráo bằng kinh nghiệm của chính mình: đó là tu huệ. Giác ngộ bằng thiện tập là trí tuệ thấu đạt bằng trực giác. Ví dụ ta học Thân (Sắc) và Tâm (Thọ, Tưởng, Hành ,Thức) qua sách vở hoặc nghe các bậc thầy giảng dạy và cho dù ta có nghiên cứu kỹ Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), để hiểu sự phân tích của Tứ Ðại, các loại Tâm Sở, Tâm Vương, ta vẫn chưa thực sự"thấy" được Thân và Tâm. Vi Diệu Pháp gồm 7 bộ, cần nhiều thì giờ để nghiên cứu, có thể đọc các sách "A Manual of Abhidhamma" của Ngài Narada, "A Comprehensive of Abhidhamma" của Ngài Bodhi; muốn nghe giảng giải về Vi Diệu Pháp thì tìm 52 cuốn băng giảng của Ngài Sayadaw U Silananda ở Như Lai Thiền Viện... Tuy nhiên cũng không hẳn là cần phải học hết Tam Tạng, trì giới và thiền tập mới là thiết yếu. Phải hành thiền cho đến khi bắt đầu có kết quả, đạt được tuệ đầu tiên, tuệ Danh Sắc, thì ta mới thực sự thấy rõ Thân và Tâm. Cũng tương tự, ai cũng có thể nói về Nhân-Quả, Sinh-Diệt, bản chất của sự vật, sự dứt bỏ dính mắc... nhưng thiền tập có kết quả rồi mới có các tuệ Nhân-Quả, tuệ Sinh Diệt, tuệ Thấu Ðạt Tam Tướng, tuệ Xả. Học hỏi về các tầng tuệ nên tự nhắc nhủ là đừng có sự mong cầu vì như đã nói ở trên sự mong cầu chỉ là trở ngại trong việc tu tập.

Các ngài Thiền Sư dạy rằng sự đạt được Ðạo và Quả sẽ đến khi tu tập có kết quả. Ngài U Pandita Sayadaw có dạy: "Không phải nhìn trời mà đắc đạo, cũng không phải nghiên cứu kinh điển mả thành đạo. Cũng không phải suy tư hay mong ước mà giác ngộ sẽ bùng vỡ trong tâm ta". Có những điều kiện cần thiết để đưa đến giác ngộ: có bảy yếu tố giác ngộ (Thất giác chi). Ðó là Niệm, Trạch Pháp,Tinh Tấn, Hỉ, Thư Thái, Ðịnh và Xả. Bảy yếu tố này có thể tìm thấy khi hành thiền Minh Sát, rõ nhất khi ta bắt đầu thấy sự sinh diệt của các hiện tượng. Yếu tố Chánh Niệm thật là quan trọng, phải thực hành Chánh Niệm thật kiên trì và không gián đoạn. Thực tập Chánh Niệm thật là lợi ích: Chánh Niệm giúp ta theo rõi sự việc đang xảy ra, nhớ mình đang phải làm gì và nhìn thấy sự vật đúng như bản chất của sự vật. Chưa nói tới chuyện đạt được đạo quả, Chánh Niệm đã là chìa khóa mở cho ta nghệ thuật sống trong hiện tại, an trú trong hiện tại, không đánh mất mình trong quá khứ và tương lai vì không giữ tâm ngay "bây giờ" và "ở đây"; Chánh Niệm quả thực có thể chuyển nghiệp trong quá khứ và thay đổi được tương lai. Chánh Niệm là yếu tố bắt buộc phải có để có sự tiến bộ ở mọi giai đoạn tu tập. Mỗi một hành giả như chúng ta phải phát triển Chánh Niệm (Sati, Awareness) và Xả (Upekkha, Equanimity) trên con đường dẫn đến Giải Thoát.

Nói tóm lại, mọi sự phát triển trí tuệ để mở mang kiến thức tổng quát đều ích lợi; tuy nhiên, sự phát triển trí tuệ bằng trạch pháp còn cần thiết hơn vì sự học hỏi Phật Pháp giúp ta phân biệt được những sự thật có tính cách đối đãi trong cuộc đời (tục đế) và giúp ta hiểu hơn về bản chất thực sự của sự vật, tìm thấy con đường để tu tập, để đi đến một sự phát triển trí tuệ rốt ráo. Với con đường các bậc Giác Ngộ đã vạch rõ, chúng ta chỉ cần có nhiều cố gắng, chuyên cần tu tập, hy vọng rằng với thuận duyên, con đường này sẽ đưa ta đến một tâm không còn ô nhiễm, một trí tuệ được phát triển rốt ráo. Ðó là Nhất Thiết Liễu Trí, đó là trí tuệ biết được tất cả những gì cần biết, đó là Giác Ngộ Giải Thoát.

6/2002,
Liễu Pháp

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
updated:
21-07-2002