BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Hoà thượng Dhammananda
Nhà truyền giáo nổi tiếng của Phật giáo Mã lai

Thích Nguyên Tạng


Sau khi thiết lập ngôi Tam Bảo tại vườn Lộc Uyển, cổ thành Ba La Nại, Ðức Thế Tôn đã gởi 60 vị Tỳ kheo A La Hán đến các tỉnh thành Ấn Ðộ để giáo hóa chúng sinh, mang ánh sáng của Chánh Pháp để làm an lạc cuộc đời. Trước đó, Ðức Phật đã khuyên nhủ các đệ tử nên cống hiến cuộc đời của mình cho mục đích giáo hóa độ sanh: "Hãy ra đi này các Tỳ kheo, vì sự an lạc và hạnh phúc cho số đông, vì sự tốt đẹp cho đời, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Không nên đi hai người cùng một chỗ...(Go forth, O monks, for the benefit and happiness of the many, for the good of the world, for the welfare and happiness of gods and men! Let not the two of you go the same way...).

Hơn hai ngàn năm sau, bức thông điệp cao quý ấy vẫn được duy trì và thực hiện tốt đẹp bởi các đệ tử của Ngài. Trong các nhà truyền giáo Tích Lan trong thế kỷ 20 này như Pháp sư Anagarika Dharmapala, Narada Maha Thera, Sayadaw U Thitilla và Piyadassi Maha....Ðặc biệt tại Mã Lai, các nhà truyền giáo tiên phong có Hòa thượng A. Pemaratana tổ khai sơn chùa Mahindarama tỉnh Penang, Hòa thượng tiến sĩ Sumangala, Hòa thượng K Gunaratana Nayaka Thera, Hòa thượng Kim Beng, Hòa thượng Chuk Mor và Hòa thượng Dhammananda. Cả ba vị đầu đều đã viên tịch, nay chỉ còn lại HT. Dhammananda, 81 tuổi, một người vẫn hoạt đôĩng tích cực để chấn hưng Phật Giáo tại Mã Lai và cũng được xem là người có công tạo dựng nền tảng cho Phật Giáo Nam Tông tại Mã Lai.

Thuở Thiếu Thời:

Hòa thượng Dhammananda, thế danh Martin (vì sanh ra trong thời gian đô hộ của Thực dân Anh quốc, nên phải dùng tên tiếng Anh), sinh ngày 18 tháng 3 năm 1919 trong một gia đình trung lưu, cha là cụ ông K. A. Garmage tại làng Kirinde, tỉnh Matara, miền Nam nước Tích Lan (Ceylon), Ngài là người con trưởng trong một gia đình có 6 anh chị em.

Ngài bắt đầu học tiểu học năm 7 tuổi tại trường làng Kirinde. Không giống như những làng khác ở Tích Lan, Kirinde không bị hề hấn đến chiến dịch truyền đạo của Ky Tô giáo. Nhờ thế mà Phật Giáo vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến sinh hoạt của người dân và ngôi chùa của địa phương. Nhờ thế mà ngài đã tham gia vào những sinh hoạt Phật Giáo của trường và cộng đồng trong thời gian này. Bên cạnh người mẹ mộ đạo, ngài được người cậu ruột là một Tăng sĩ trụ trì ngôi chùa của địa phương này giúp đỡ và hướng dẫn ngài học Phật chẳng bao lâu ý tưởng xuất gia học đạo phát khởi trong tâm hồn của ngài.

Năm 12 tuổi, Ngài xuất gia làm chú tiểu (samanera) với Hòa thượng K Dhammaratana Maha Thera ở chùa Kirinda với pháp danh là Dhammananda, (Pháp Hỷ,nghĩa là "người chứng nghiệm hạnh phúc qua giáo Pháp" (one who experiences happiness through the Dhamma). Tiếp đó Ngài được gởi vào trường để học Phật Pháp trong vòng 10 năm trước khi đăng đàn thọ Tỳ kheo giới (Bhikkhu) vào năm Ngài 22 tuổi (1940). Hòa thượng đàn đầu trong giới đàn này là Trưởng Lão K. Ratanapala Maha Thera tại chùa Kotawila.

Tu học tại Tích Lan :

Tiếp đó ngài đã ghi danh vào học trường Dhammarama Pirivena và rồi Học viện Phật giáo Vidyawardhana tại thủ đô Colombo, niên khóa 1935-1938. Giáo sư chính thức của Ngài là HT. Kotawila Deepananda Nayaka Thera. Năm 1938, Ngài tốt nghiệp tại trường này và tiếp tục học tại trường Vidyalankara Pirivena, ở Peliyagoda, là một đại học Phật giáo rất nổi tiếng ở Tích Lan vào thời bấy giờ. Trong bảy năm lưu học tại đây, ngài đã học Pali, Sanskrit, Triết học, Tam Tạng Kinh Ðiển và nhiều môn học xã hội khác để trang bị cho chương trình giáo dục phổ cập và hoằng dương Phật Pháp của ngài về sau. Ở tuổi 26, Ngài đã hoàn tất chương trình học tại nơi đây.

Bảy năm được đào tạo trong môi trường Phật học và lối sống nghiêm khắc của Tu viện tại đây đã mang lại những hữu ích về sau trong sứ mạng truyền giáo của Ngài. Vị Pháp sư tinh thần của Ngài tại đại học này là Trưởng lão Lunupokune Sri Dhammananda Nayaka Thera, một bậc học giả uyên bác của Phật giáo Tích Lan.

Tu học tại Ấn Ðộ:

Tiếp đó, vào năm 1945, HT. Dhammananda được đại học Hindu, Ấn Ðộ cấp học bổng và Ngài đã lên đường du học. Bạn cùng khóa với ngài lúc ấy hiện nay còn Hòa thượng P. Pannananda Nayaka Maha Thera, (đang ở Tích Lan); Hòa Thượng Tiến sĩ. H. Saddhatissa Maha Thera (ở Luân đôn); Hòa thượng Tiến sĩ U. Dhammaratana (chủ tịch Hội Ðại Bồ Ðề, Ấn) và Hòa thượng Tiến sĩ Amritananda Thera (Chủ Tịch Hội Ðồng Tăng Già Nepal). Sau bốn năm học tại đây, HT. Dhammananda đã tốt nghiệp với bằng cấp Cao học về Triết học Ấn Ðộ vào năm 1949. Một trong số những giáo sư nổi tiếng của Ngài tại đại học này là cố Tiến sĩ S. Radhakrishnan, cũng là vị tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Ấn Ðộ.

Hoằng Pháp tại quê nhà:

Sau khi tốt nghiệp, Ngài trở về Tích Lan và mở một Trường Phật giáo Sudharma tại Kotawila để giúp cho dân chúng học Phật. Ngài cũng cho phát hành một tờ báo tiếng Tích Lan để phổ biến giáo lý. Những lớp giáo lý, những bài thuyết pháp và nhiều hoạt động giáo dục khác của ngài đều truyền cảm hứng đẹp đẽ cho dân làng quy hướng về Chánh Pháp. Trong số những vị phụ giúp Ngài lúc đó có Ðại đức K.Pemaloka và đại đức K. Hemasiri, những người về sau vẫn theo Ngài đến Mã Lai để tiếp tục công tác truyền giáo tại Brickfields.

Sứ mạng truyền giáo tại Mã Lai:

Năm 1952, Hòa thượng K. Sri Pannasara Nayaka Thera, Viện Trưởng Tu viện Vidyalanakara Pirivena, đã nhận một lá thư từ Hội Phật Giáo Sasana Abhiwurdhi Wardhana, Mã Lai. Hội này có một ngôi chùa ở Brickfields, được xem là một Hội Phật Giáo lâu đời nhất trong cộng đồng Tích Lan tại Mã Lai. Hội muốn thỉnh cầu một vị Tăng mã Lai để hướng dẫn đời sống tâm linh cho cộng đồng Tích Lan tại xứ sở này.

Trong số 400 Tăng sĩ ở tu viện Vidyalankara Pirivena, Tỳ kheo Dhammananda đã được tuyển chọn để gởi đi hoằng Pháp tại Mã Lai. Ngài đã sẵn lòng tiếp nhận lời thỉnh cầu này dù Ngài rất muốn ở lại quê nhà để hoằng Pháp. Tuy nhiên, Ngài ý thức được rằng tại quê nhà còn nhiều vị tăng khác có thể làm công tác hoằng pháp, trong khi ấy tại Mã Lai, nhu cầu chấn hưng Phật Pháp là việc khẩn thiết, vì vào thời điểm ấy tình hình Phật Giáo tại Mã Lai, dù có nhiều chùa người Trung Hoa, nhưng phần lớn không có giảng dạy giáo lý và tổ chức tu học mà chỉ nặng phần lễ nghi và cúng kiến. Do đó HT. Dhammananda quyết định lên đường trong một thời gian ngắn. Ngài đã xuống tàu thủy vào sáng ngày 2 tháng giêng năm 1952. Ba ngày sau Ngài đã đến được cảng Penang, miền Bắc của Mã Lai.

Sự nghiệp hoằng Pháp tại Mã Lai:

Khi đến Penang, Ngài lưu trú tại chùa Mahindarama trước khi đón máy bay đến chùa Brickfields ở Kuala Lumpur. Tháng 3 năm 1952, Ngài nhận được một lá thư của Tổng Toàn quyền Anh tại Mã Lai, ông Gerald Templer, yêu cầu được gặp Ngài để tìm hiểu xem Phật Pháp có mối liên hệ nào với ý thức hệ Cộng sản (communist ideology) chăng. Vì lúc bấy giờ có nhiều nguồn tin cho rằng sẽ có những cuộc nổi dậy chống chính quyền từ các cộng đồng Phật Giáo người Hoa. Những ý tưởng sai lầm về Phật Giáo của ông Toàn quyền Gerald đã được HT. Dhammananda đả thông và hướng dẫn ông ta trở về nghiên cứu Ðạo Phật. Ngài nói với ông ta rằng "Ðạo Phật là một tôn giáo từ bi và không bạo động vì Ðức Phật hướng dẫn con người sống trong hòa hợp và hòa bình với chính mình và người khác" (Buddhism is a non-violent and compassionate religion taught by the Buddha to show Man to live in peace and harmony with oneself and others). Hòa thượng Dhammananda nhấn mạnh thêm rằng Ðạo Phật dạy cho con người tu tập tâm linh và sống có đạo đức, trong khi Cộng sản là một phong trào chính trị. Ðoán chắc HT. Dhammananda không phải là "đơn vị thứ năm" của Cộng sản, toàn quyền Gerald đã mời Hòa thượng giúp đỡ chính quyền về mặt tâm lý để trấn an quần chúng, nhất là cộng đồng di dân người Hoa tại Mã Lai, vì chính quyền hồ nghi rằng cộng đồng này có khuynh hướng theo chủ nghĩa Cộng sản.

Hòa thượng Dhammananda đã nắm lấy cơ hội ấy để mở rộng chương trình hoằng Pháp của Ngài trên khắp Mã Lai. Ngài đã giúp cho Hội Phật Giáo Sasana Abhiwurdhi Wardhana và Trung Tâm Phật Giáo Selangor cũng như Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế giới tại Mã Lai đẩy mạnh công tác truyền giáo. Kết quả cho thấy cộng đồng người Hoa đã quy hướng về với đạo Phật rất nhiều.

Trong hai thập niên 1950 và 1960, Phật Giáo Mã Lai rất nghèo nàn ở trong hầu hết các cộng đồng. Phật Giáo trong thời kỳ này chỉ là một vỏ bộc đầy những sinh hoạt mê tín dị đoan, tràn lan trên khắp Mã Lai. Phần lớn người Hoa trí thức đều chán ngán và bỏ theo đạo Ky Tô, vì họ nhìn thấy Ky Tô giáo có nhiều sinh hoạt tôn giáo tích cực, rõ ràng, hợp lý hơn do các nhà truyền giáo nước ngoài mang vào.

HT. Dhammananda cố gắng loại bỏ những quan điểm sai lầm về Phật Giáo trong tâm trí của quần chúng ở Mã Lai. Ngài đã phát động một phong trào diễn thuyết Phật Giáo rầm rộ trên toàn Mã Lai, phụ tá của Ngài bây giờ có các vị Tỳ kheo như K Gunaratana, Chuk Mor and Tỳ kheo Tiến sĩ người Mỹ Sumangalo đã làm cho phong trào ngày càng thêm thu hút và nhiều kết quả khả quan.

Sự phát triển của tổ chức hoằng Pháp:

Năm1961, HT. Dhammananda đã thảo luận với các nhà lãnh đạo cư sĩ Phật Giáo Mã Lai để thành lập một tổ chức truyền bá lời Phật dạy để đáp ứng lại nhu cầu bức thiết của Mã Lai. Năm 1962, Hội Truyền Bá Chánh Pháp (Buddhist Missionary Society - BMS) đã được thành lập tại chùa Phật Giáo Brickfields với các mục tiêu: Học hỏi, quảng bá Phật Giáo và văn hóa Phật Giáo; khuyến khích và cổ võ mọi người học hỏi và hành trì Phật Pháp; in ấn và phát hành Kinh sách Phật Giáo; cung cấp những pháp môn phù hợp để mọi người thực hành; an ủi, hướng dẫn, giúp đỡ cho mọi Phật tử trong các trường hợp đau bệnh hay chết chóc v.v...

HT. Dhammananda nghĩ rằng một trong những phương cách để truyền bá Phật Giáo là viết sách về nhiều lĩnh vực khác nhau để người tín đồ có thể nương theo đó mà hành trì trong đời sống hằng ngày. Vì thế Ngài bắt đầu viết những bài báo, rồi những cuốn sách nhỏ bỏ túi, nội dung của sách phản ảnh những thắc mắc của người Mã Lai. Một trong những tập sách đầu tiên là hướng dẫn cách trì tụng Kinh tiếng Pali của Ðạo Phật sao cho tương hợp với thời khoa học và tâm lý học. Từ đó Ngài tiếp tục viết nhiều tác phẩm khác để cung ứng cho nhu cầu học Phật của tín đồ tại Mã Lai. Tính đến nay Ngài đã viết trên dưới 50 tác phẩm, trong số này có nhiều tác phẩm đặc sắc như "Người Phật Tử phải tin gì ?" (What Buddhists believe); "Làm thế nào để sống khỏi sợ hãi và lo lâu" (How to live without fear and worry); "Bạn có tin tái sinh không?'' (Do you believe in Rebirth); "Hạnh Phúc lứa đôi" (A happy married life); "Thiền Ðịnh, con đường duy nhất" (Meditation, the only way); "Kho báu của Chánh Pháp" (Treasures of the Dhamma)..v.v... các tác phẩm đã nhanh chóng thu hút mọi giới Phật tử Mã Lai và đến nay những tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như Ấn Ðộ, Nam Dương, Triều Tiên, Mỹ Nam Phi, Bangladesh, Hòa Lan, Việt Nam..v.v....

Ðây là lần đầu tiên nền giáo dục Phật Giáo bằng tiếng Anh được phổ biến trong giới Phật tử ở Mã Lai, trước đó chỉ có những Kinh sách được viết chữ Tàu. Sự tác động mạnh này nhanh chóng ảnh hưởng đến giới thanh thiếu niên Mã Lai. Kết quả, HT. Dhammananda đã nhận hàng núi thư từ mọi giới, đặc biệt là học sinh và sinh viên để tìm hiểu về Phật học.

Mặc dù không phải là một nhà Pháp sư hùng biện, nhưng HT. Dhammananda đã làm say đắm giới trẻ với những bài giảng mang tính khoa học, trong sáng và rõ ràng của Ngài. Ðiều này đã giúp cho nhiều hội đoàn thanh niên Phật tử ra đời trong thập niên sáu mươi. Rất nhiều giới trẻ hoặc đã nghe giảng hoặc đã đọc sách của Ngài mà quy hướng về với Chánh Pháp.

Ngoài những ảnh hưởng bên ngoài xã hội, HT. Dhammananda cũng có công đưa Phật Giáo vào trong học đường Mã Lai. HT. Dhammananda đã kết hợp với Thượng tọa tiến sĩ Sumangalo, một Tăng sĩ người Mỹ, thành lập một Học viện Phật Giáo để làm việc với đại học Malaya, đại học Sains Malaysia, đại học Pertanian, Cao đẳng Kỷ thuật Malaysia, Viện Ngôn ngữ Mã Lai, Trường Ðại Học Sư Phạm Mã Lai, Trường Cao đẳng Tunku Abdul Rahman, Trường Cao đẳng Quân sự Hoàng gia (Royal Military college) và gần đây nhất là đại học Utara Malaysia ở Kedah. Tất cả những sinh viên của các trường trên đều có học những giờ căn bản về giáo lý Phật giáo do HT. Dhammananda và nhiều Pháp sư khác giảng dạy.

Ðể khuyến khích và cổ động tầng lớp trẻ học và làm việc Phật, tổ chức của Ngài đã thu nhận giới trẻ vào làm việc cho các cơ sở hoằng Pháp, Học viện, in ấn và phát hành kinh... đã có rất nhiều cư sĩ tham gia và đã trở thành những người lãnh đạo các hội đoàn cư sĩ Phật tử, nổi bật trong số hiện nay có các đạo hữu như Mess Tan Gin Soon, Leong Kok Hing, Ang Choo Hong, Charlie Chia và Victor Wee, tất cả đều được ảnh hưởng đến đạo đức và tác phong làm việc của HT. Dhammananda.

Sự thừa nhận và tán dương về công hạnh hoằng Pháp:

Ðể thừa nhận và tuyên dương các công đức hoằng pháp của HT. Dhammananda tại Mã Lai, Tăng thống Phật Giáo Thái Lan, Ðại lão Hòa thượng Amunugama Rajaguru Sri Vipassi Maha Nayaka Thera ở Chùa Răng Phật (Buddha Tooth Relic), đã phong ban cho Ngài danh hiệu "Ðại đạo sư" (Chief Sangha Nayaka Thera) của Phật Giáo Mã Lai vào năm 1965.

Ngài cũng được cung thỉnh vào Ban chứng minh cho đại hội lần thứ 9 của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế giới (World Buddhist Followship) nhóm tại Kuala Lumpur từ ngày 13 đến 20 tháng 4 năm 1969. Trong kỳ đại hội, Ngài cũng được tuyên dương là một danh tăng của Phật Giáo Mã Lai.

Vào năm 1970, HT. Dhammananda khởi xướng và làm cố vấn tinh thần cho Hội Thanh Niên Phật Tử Mã Lai (The Young Buddhist Association of Malaysia - YBAM) đây là một tổ chức đại diện cho tất cả các hội đoàn Phật tử trẻ tuổi tại Mã Lai, hiện nay vẫn còn hoạt động rất mạnh.

Từ năm 1970 đến 1975, HT. Dhammananda khởi đầu những chuyến đi hoằng Pháp thế giới. Trước hết ngài đến Anh quốc giảng tại Lancaster University, Hull University, Manchester University và Oxford University. Sau đó Ngài đến Hoa Kỳ và được thỉnh giảng tại Dhamma Realm University và Trường University of Oriental Studies, trong dịp này Trường đại học Pháp giới (Dhamma Realm University) đã phong tặng bằng Tiến sĩ danh dự (Honorary Doctor of Philosophy) để ghi nhận và tán thán công hạnh hoằng Pháp và những công trình sáng tác của ngài. Bằng cấp này cũng được các đại học khác phong tăng cho ngài đại học Ðông Phương (University of Oriental Studies) năm 1975, đại học Nalanda ở Pháp vào năm 1976 và đại học Benares Hindu, Ấn Ðộ năm 1980, và đại học ở Sri Lanka vào năm 1991, ban tặng cấp bằng Tiến sĩ văn chương (D. Litt.) để thừa nhận những tác phẩm Phật học giá trị của Ngài đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực nền giáo dục tôn giáo tại Tích Lan.

Thiết lập chương trình đào tạo tăng tài ở Mã Lai:

Vào tháng 12 năm 1976, HT. Dhammananda đã khởi xướng và làm giám đốc chương trình đào tạo tăng tài cho Phật Giáo Mã Lai, chương trình đã được khắp nơi ở Mã Lai áp dụng và thành công đáng kể, ngay cả ở Singapore cũng làm theo mô hình này. Ðến nay chương trình vẫn được duy trì và số thanh niên Mã Lai phát tâm xuất gia ngắn hạn ngày càng đông.

Vào ngày 25 tháng 3 năm 1977, HT. Dhammananda đã thành lập Viện Phật Học Paramadhamma ở Tích Lan để tăng sĩ khắp nơi trên thế giới về tu học. Chương trình đào tạo từ ba đến năm năm, hoặc những khóa ngắn hạn cho những tăng sĩ hoặc cư sĩ lớn tuổi để đưa đi hoằng pháp ngay sau khóa học.

Những đóng góp cho xã hội:

Ngoài những hoạt động Phật sự, HT. Dhammananda còn có nhiều đóng góp để phát triển cộng đồng. Năm 1960, Ngài là một trong những vị lãnh đạo Phật Giáo Mã Lai đứng lên đòi hỏi chính phủ Mã Lai tuyên bố ngày lễ Phật Ðản là ngày nghỉ của toàn dân, lời yêu cầu đã được chấp thuận và vẫn duy trì cho đến ngày nay. Giữa những năm 1960, Ngài hoạt động tích cực với Tổ chức liên tôn giáo Mã Lai (Malaysian Inter-Religious Organisation - MIRO) để kêu gọi các tôn giáo có mặt ở Mã Lai nên sinh hoạt trong sự hài hòa và tương kính lẫn nhau.

Năm 1984, Ngài là một trong những thành viên sáng lập của Hội đồng Tư Vấn Tôn giáo (Religious Consultative Council), bao gồm Phật Giáo, Hồi giáo, Ky Tô giáo để giúp cho chính quyền có những chính sách đúng đắn đối với các tôn giáo. Do những hoạt động tích cực đóng góp cho xã hội này mà ngày 7 tháng 6 năm 1991, Hoàng đế của Mã Lai đã phong tặng cho Ngài tước vị cao quý "Johan Setia Mahkota".

Sự nghiệp trước tác:

Ngoài những thời thuyết giảng giáo lý sâu sắc, rõ ràng và dễ hiểu, Hòa thượng Dhammananda còn cống hiến cho hàng vạn độc giả trên khắp thế giới qua những tác phẩm Phật học của ngài. Từ những tập sách nhỏ bỏ túi cho đến những tập sách dày mấy trăm trang với nội dung phổ cập cho mọi tầng lớp, từ học giả uyên bác cho đến học sinh tiểu học đều có thể đọc và tiếp nhận lời dạy của ngài. Qua ngòi bút của ngài, giáo lý thâm diệu của Ðạo Phật trở nên dễ hiểu, gần gũi và giải quyết thỏa đáng từng vần đề của đời sống hiện tại. Tác phẩm của ngài đã được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, không những nó được Phật tử tìm đọc mà những người không Phật tử cũng say mê không kém. Sau đây là một số tác phẩm của ngài:

Tại sao phải lo âu (Why worry?)
Hạnh phúc lứa đôi (A Happy Married life).
Tại sao phải có Ðạo Phật (Why Buddhism?)
Tại sao phải có Tôn giáo ? (Why Religion ?)
Những gì người Phật tử tin (What Buddhists believe).
Nhân loại hướng về đâu (Whither Mankind).
Tôn giáo nầy là gì (What is this Religion)
Kho báu của Chánh pháp (Treasure of the Dhamma)
Phật giáo như một Tôn giáo (Buddhism as a Religion)
Kinh Nhật Tụng của Phật Tử (Daily Buddhist Devotions)
Bạn có tin tái sinh không ? (Do you believe in Rebirth ?)
Thiền định, con đường duy nhất (Meditation, the only way)
Cẩm nang của Phật tử (Handbook of Buddhists)
Tôn giáo trong thời đại khoa học (Religion in a Scientific Age)
Những viên ngọc của trí tuệ Phật Giáo (Gems of Buddhist Wisdom)
Tại sao phải có bao dung về Tôn giáo (Why Religion tolerance ?)
Ðịa vị của Nữ giới trong Phật giáo (Status of Women in Buddhism)
Cuộc sống con người và những vấn nạn (Human life and Problems)
Phật giáo và những nhà Tư Tưởng Tự do (Buddhism and the Free Thinkers)
Những nhân vật vĩ đại trong Phật giáo (Great personalities on Buddhism)
Làm sao sống mà không sợ hãi và lo âu (How to live without fear and worry)
Phật giáo dưới con mắt của các nhà trí thức (Buddhism in the Eyes of Intellectuals)
Nguyên tắc đạo đức của Phật Giáo đối với phẩm cách của con người (Buddhist Principles for Human Dignity).
Kinh Pháp Cú với tranh minh hoạ và truyện tích (The Dhammapada with illustrations and stories)

Tất cả những tác phẩm trên đều được in và phát không cho người đọc, xin quý độc giả liên hệ đến địa chỉ sau đây để nhận sách miễn phí: The Corporate Body of the Buddha Educational Foundation 11th Floor, 55, Hang Chow S.Rd. Sec 1, Taipei, Taiwan R.O.C - Tel: (02) 3951198 - Fax: (02) 3913415

Kết luận:

Không còn nghi ngờ gì nữa, Hòa thượng Dhammananda đã có những đóng góp to lớn trong phong trào phục hưng lại Phật Giáo Mã Lai trong bốn thập niên qua. Nhiều tăng sĩ Therevada gốc Mã Lai đã xuất gia tu học và trở thành những vị tăng tài giỏi cho Phật Giáo Mã Lai như đại đức Mahinda, đại đức K. L. Dhammajothi và đại đức Sujivo, đều do công đào tạo của Ngài.

Bên cạnh đó ngài còn mời gọi những nhà truyền giáo khác như các vị Hòa Thượng Pandit P Pemaratana Nayaka Thera, Hòa Thượng tiến sĩ H Gunaratana Thera, Hòa Thượng Wimalajothi Thera, Hòa Thượng Dhammaratana Thera, và nhiều tăng sĩ khác đến Mã Lai để giúp Ngài trong công tác truyền giáo. Ngài cũng đã hợp tác và gần gũi với những nhà truyền giáo Ðại thừa khác như cố Ðại lão Hòa Thượng Tuyên Hóa, đến từ Vạn Phật Thánh Thành, Mỹ quốc; HT. Tinh Vân, đến từ Phật Quang Sơn, Ðài Loan; Ðức Dalai Lama thứ 14 đến từ Ấn Ðộ... để đem lại lợi ích cho quần chúng Mã Lai.

Ngài được xem là một tăng sĩ Nam Tông phóng khoáng, cởi mở và hợp tác với những tông phái khác của Phật Giáo. Khi tham dự diễn đàn ''Hai bậc Thầy một lời dạy" (Two Masters One Message) tổ chức ở Penang, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Phật Giáo đến từ nhiều tông phái. Ngài đã tuyên bố rằng: do nhu cầu của con người mà Phật Giáo có Tiểu Thừa và Ðại Thừa. Ðức Phật chỉ nói Pháp, chứ không dạy giáo lý cho Tiểu Thừa và Ðại Thừa hoặc Kim Cương Thừa.

Dù sinh ra và lớn lên ở Tích Lan, nhưng Ngài đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giáo hóa tại Mã Lai trong tinh thần vị tha và vô phân biệt đối với Phật tử thuộc nhiều sắc tộc, màu da và truyền thống khác nhau tại xứ sở này. Ðó là lý do tại sao Ngài nhận được nhiều sự ủng hộ, tán ngưỡng và kính phục của quần chúng Phật tử và nhiều cộng đồng khác ở Mã Lai và trên thế giới. Rõ ràng là Ngài có đầy đủ bảy phẩm hạnh của một bậc đại nhân (Seven Noble Qualities of a Great Man) mà Ðức Phật đã nói trong Kinh Sakha Sutta (A.N. 4:31) rằng: "Ngài là người đáng yêu, đáng kính trọng, học thức, là một cố vấn, một người chịu khó lắng nghe, sâu sắc trong đàm luận và không bao giờ chủ trương một cách vô căn cứ" (He is lovable, respectable, cultured, a counsellor, a patient listener, profound in discourse and never exhorting groundlessly).

Hiện nay HT. Dhammanda tuy đã trên tám mươi tuổi, nhưng ngài vẫn không mệt mỏi trong sứ mệnh giáo hóa ở Mã Lai. Có rất nhiều người đã đạt được an lạc và hạnh phúc qua công lao hoằng Pháp của ngài. Cách tốt nhất để mọi người đền đáp công ơn ấy là nghiêm trì Phật hạnh và chia xẻ những lợi ích ấy cho người khác. Nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ cho Ngài được pháp thể khinh an, trụ thế lâu dài để cho tứ chúng tựa nương tu học./.

Theo tài liệu: A Brief Introduction on His Life and Contributions to Malaysian Buddhism by Benny Liow Woon Khin, 9-2000, và nhiều tài liệu khác.

Thích Nguyên Tạng
quangduc@eisa.net.au

(hiệu đính: tháng 08-2000)


[Trở về trang Thư Mục]