BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tỉnh thức nhìn Tự ngã

Yeshe Wisdom Archive


 

Chúng ta thường sử dụng từ 'tự ngã' (ego) và ngộ nhận tự ngã như một loại thực thể vật lý (physical entity) mà không ý thức nó dưới góc độ tâm lý học. Vì thế, chẳng có gì cần thiết để khám phá. Thực ra, tự ngã là một phạm trù tinh thần chứ không phải là một yếu tố vật lý.

Chúng ta có ít thời gian dành để nhận thức về sự không có thật ngã (egolessness), nhưng chính sự tìm kiếm đó là những gì để phân biệt cho người với loài vật. Loài vật cảm nhận bằng thế giới cảm giác và sống theo bản năng. Cũng như chúng ta, chúng mến những người nuôi nấng và ghét những kẻ đối xử thô bạo với chúng.

Có lẽ bạn sẽ nghĩ: 'Vớ vẫn! Tôi có thể nhận thức, tôi có thể viết lách, tôi có thể kiếm tiền để trang trải cho những hưởng thụ của tôi...'. Nếu chỉ thế thì những con chuột cũng có thể tự chăm sóc với ý nghĩ cố chấp tương tự. Chúng có thể nhặt nhụm và dự trữ thức ăn gấp nhiều lần trọng lượng cơ thể chúng; hay như ở loài ong, với cuộc đời rất ngắn ngủi, thế mà chúng vẫn miệt mài tìm mật đủ để đảm bảo cuộc sống của mình có lẽ đến cả trăm năm! Vậy thì, đâu là điểm khác biệt giữa các loài kia với cái gọi là 'con người thông minh' khi cả hai đều cùng một quan điểm là sống để hưởng thụ? Và nếu như vậy thì loài ong kia còn thông minh hơn chúng ta, bởi chúng có một khối lượng dự trữ lớn để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ trong cuộc đời ngắn ngủi của chúng.

Vậy nên, thật là diễm phúc và rất ư quan trọng khi chúng ta có một cơ thể con người quý giá này. Chúng ta nên dành tất cả tâm lực để khám phá bản chất của thế giới tinh thần và hóa giải những phiền trược có căn duyên từ tự ngã vị kỷ.

Những gì chúng ta tạo tác từ khi sinh ra cho đến hôm nay đều xuất phát từ tự ngã. Tất cả đều rất tạm bợ, và niềm vui mà chúng ta có được quả là rất nhỏ bé. Nhưng không nên vì thế mà suy nghĩ bi quan: 'Ôi, tôi thật là xấu xa; đầu óc tôi hoàn toàn bị dẫn dắt bởi tự ngã'. Ðừng quá tự ti; trái lại, hãy vui mừng lên vì đã nhận thức ra được điều đó.

Nhận thức chỉ là vấn đề của trí óc, còn nỗ lực mới có thể đưa bạn ra khỏi sự kiểm soát của tự ngã. Năm này qua năm nọ, đời này qua đời khác, tự ngã được bồi đắp; và dưới sự tác động của những ảo ảnh về thế giới cảm giác do nó tạo ra, khiến bạn luôn vọng động, nhảy nhót không ngừng từ cái này sang cái nọ như thể bạn là kẻ mất trí. Dù chỉ một thoáng nhận thức như thế đã là giá trị biết bao và đáng để nỗ lực lắm chứ. Nếu không có sự nỗ lực tự cá nhân và không vận dụng khả năng trí tuệ của chính mình thì bạn không thể nào loại bỏ được những căn bệnh của tâm thức do tự ngã sinh ra. Không có ai có thể hóa giải những vấn đề của bạn nếu bạn không tự hành động với nỗ lực của chính mình. Thật là hão huyền khi bạn có quan niệm hoàn toàn sai lầm rằng: 'Thượng đế có quyền năng tối thượng, Ngài sẽ giúp tôi; đức Phật có khả năng làm mọi điều cho tôi. Tôi chỉ việc chờ đợi. Tôi không phải làm gì cả'. Ðó là điều phi sự thật. Bạn đã tạo tác thì bây giờ bạn phải gánh chịu, không ai khác hơn.

Tự ngã vốn rất nhạy cảm, nếu bạn không tỉnh giác thì sẽ trở thành nô lệ của nó. Khi hoàn tất khóa thiền, tôi muốn bạn có ý nghĩ rằng: 'Ðây là khóa thiền của tôi, nó mang đến cho tôi sự tỉnh giác', như thế khóa học thiền của bạn mới có giá trị. Còn ngược lại, nếu bạn chỉ đến vì 'khóa thiền được hướng dẫn bởi các đức Lạt-ma trưởng lão của Tây Tạng' thì nó cũng chỉ là một hành động hướng ngã (ego-trip) mà thôi. Kết quả được những gì? Thói quen cũ (tập khí), quan điểm sai lệch (tà kiến) chẳng thay đổi tí nào. Ðức Bổn Sư đã giác ngộ bằng chính sự nỗ lực và trí tuệ của Ngài, nhưng chúng ta bây giờ vẫn còn lưỡng lự.

Nhận thức là một vấn đề rất cá nhân, nó tùy thuộc vào trí tuệ và nỗ lực của từng người. Chỉ trong một ngày, bạn có nhiều sự cảm nghiệm khác nhau, ngay cả khi bạn cố gắng tập trung vào cùng một đối tượng nhưng vẫn có nhiều kinh nghiệm ứng với trình độ và tâm trí của từng người.

Nếu bạn nghĩ rằng: 'Ôi, tôi có quá nhiều việc phải làm ở nhà, nào nhà tôi, gia đình tôi, bạn bè tôi... Thật khó để ngồi thiền được'. Như thế là tâm trí của bạn bị câu thúc bởi cuộc sống thế tục. Con người thưòng có khuynh hướng thích như vậy; và nếu bạn tiếp tục đi trên con đường ấy, cuộc đời của bạn sẽ kết thúc bằng cái chết mà không có gì cho chính mình. Bạn đành có một kết cục như vậy sao? Công việc trong đời sống vật chất cứ tiếp tục chồng chất, cái này tiếp cái nọ, xong cái này rồi đến cái kia... bạn chẳng bao giờ có được giây phút để thở phào nhẹ nhỏm: ' A ha, cuối cùng thì tôi cũng đã hoàn thành mọi việc. Bây giờ tôi có thể ngồi thiền được rồi'. Chắc chắn rằng, thời gian đó sẽ không bao giờ đến cả.

Khi đầu óc của bạn bị sai khiến bởi sức mạnh của tự ngã, điều đó như trường hợp thân thể bạn bị kim nhọn đâm liên tục, bạn có cảm nhận được sự khó chịu đó không? Từ đó bạn có thể hiểu tầm quan trọng biết bao của việc hóa giải những phiền não trong tâm trí và thoát khỏi sự sai sử của tự ngã. Mỗi khi bạn giải thoát khỏi chúng, bạn sẽ có một niềm hoan lạc vô biên; tự tại, giải thoát, Niết bàn... Không cần gọi tên nó là gì... Bạn sẽ không còn cầu cạnh tự ngã, không còn cố gắng để thỏa mãn nhu cầu của nó, không còn phải dâng hiến toàn bộ sức lực của mình để rồi nhận về là phiền não và sự nhiễm ô tâm trí. Nó như một mùi thối trong óc khiến bạn ngạt thở.

Từ nay trở đi, thay vì nhiệt tình đón nhận sự sai sử của tự ngã, hãy cảnh giác đối với nó với tất cả tinh thần. Hãy quan sát một cách tỉ mỉ dấu hiệu những nơi nó sẽ đến. Khi nó đến, thay vì lời chào hỏi thường lệ: 'Anh có khỏe không, tự ngã? Xin mời vào! Uống trà và ăn sô-cô-la nhé!', mà hãy nhìn nó bằng đôi mắt tỉnh giác. Nhìn kỹ vào nó. Khi mà bạn nhìn tự ngã của bạn bằng con mắt tỉnh giác thì nó sẽ tự động biến mất.

Nguyễn Ðức Sơn
(Dịch theo Mandala)


Source: Phat-Hoc Magazine, Kentucky, USA, http://www.win.net/phathoc/


[Trở về trang Thư Mục]