BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Ðến Sài Gòn từ Thuận Hóa, Thăng Long và Luy Lâu

Tiến Sĩ Lê Hiếu Liêm

Thế Kỷ 21, tháng 8-1998, California, Hoa Kỳ


 

(Góp ý với nhà văn Sơn Nam, Sài Gòn, nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn)

Nhà văn Sơn Nam nhận định "Cách đây 300 năm, đúng vào triều Nguyễn, thời điểm này nhà Nguyễn đã coi Phật giáo là quốc đạo." (Giác Ngộ số 92). Quan điểm này khá táo bạo và mới lạ. Trên cùng tờ báo, đã có một độc giả trích dẫn một số quan điểm của vài tác giả khác và kết luận: "Qua một số trích dẫn trên thì không thể nói là nhà Nguyễn đã coi Phật giáo là quốc đạo, mà Phật giáo là tín ngưỡng của nhân dân." (GN số 107). Tôi bác bỏ quan điểm này và hoàn toàn đồng ý với nhận định của nhà văn Sơn Nam: Phật giáo là quốc đạo của Việt Nam khi Sài Gòn được chính thức khai sinh, hay Phật giáo là quốc đạo của Việt Nam Ðàng Trong, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của các Chúa Nguyễn đầu tiên, từ giữa thế kỷ 16, đạt đến cực điểm vào cuối thế kỷ 17, với sáu sự kiện nổi bật:

1. Chúa Nguyễn chinh phục vùng đất cuối cùng của Chiêm Thành, vùng đất Phan Rang, Phan Rí, vào năm 1693, kết thúc vĩnh viễn cuộc tranh hùng Chiêm-Việt kéo dài suốt 15 thế kỷ (Chiêm Thành là hậu thân của nước Lâm Ấp, lập quốc vào thế kỷ thứ hai).

2. Việc Chúa Nguyễn Phúc Chu quy y Tam Bảo và thọ bồ tát giới với đại sư Thạch Liêm, đồng thời bảo trợ cho việc tổ chức một giới đàn vĩ đại tại Huế (Thuận Hóa) với hơn 3,000 giới tử, trong đó có trên 1,400 tăng, ni vào năm 1695.

3. Sự khai sinh chính thức của thành phố Sài Gòn vào năm 1698 bằng một sắc chỉ của chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu, sau khi tiến chiếm vùng Prey Kor (Sài Gòn), Kampeap Srekatrey (Biên Hòa), Bà Rịa theo lời cầu cứu của một viên quan Chân Lạp nổi loạn.

4. Việc quân Chúa Nguyễn chinh phạt Nam Vang vào năm 1700, vua Chân Lạp là Nặc Thu đến đầu hàng, nhưng quân của Chúa Nguyễn đã tự ý rút về, không chiếm đóng Chân Lạp.

5. Vào năm 1708, Mặc Cửu, một nhà đại tư bản có tầm cỡ quốc tế, hoạt động hàng hải, buôn bán trên toàn vùng Ðông Á và Ðông Nam Á, lãnh chúa của vùng Hà Tiên, Rạch giá, Cà Mâu, Phú Quốc, đã đem lụa, ngọc đến Thuận Hóa dâng toàn bộ vùng đất này cho Chúa Nguyễn. Ðiều này chứng tỏ vương quốc Phật Giáo Ðàng Trong của vị quân vương Phật tử Nguyễn Phúc Chu là vương quốc hùng cường, hưng thịnh nhất tại bán đảo Hoa-Ấn.

6. Việc đúc đại hồng chung nặng 3285 ký đặt tại chùa Linh Mụ vào năm 1710 với lời chú nguyện rất độc đáo, do chính người lãnh đạo quốc gia viết ra "Mưa hòa gió thuận, quốc thái dân an, chúng sanh trong pháp giới đều thành đại viên chủng trí."

Ðiểm đáng chú ý là cả sáu sự kiện quan trọng này đều được thực hiện bởi một người Phật tử nhiệt thành hay đều xẩy ra trong thời gian trị vì của ông.

Khởi đầu từ vùng Bình Trị Thiên hoàn toàn thiếu tài nguyên thiên nhiên, không những thế còn khan hiếm người có học vấn, vùng đất này khi Nguyễn Hoàng mới vào cai trị, cũng như nhiều vùng Nam Bộ lúc mới mở mang, kiếm một trường dạy học chữ Nho chưa chắc đã có, hành trang lập quốc và mở nước của họ không có gì khác hơn là một bảo vật vô giá, đó là Phật giáo. Chính Phật giáo đã là yếu tố mạnh mẽ quy tụ, đoàn kết nhân tâm, là nguồn gốc sâu đậm của nền chính trị nhân từ và sáng suốt, là sức bật vạn năng đã đưa những đám người phiêu bạt ít học thành một tập thể có văn hóa, đạo đức rất cao và chuyển hóa mầu nhiệm vùng Bình Trị Thiên nhỏ bé thành một vương quốc hùng mạnh nhất tại Ðông Nam Á.

Phật giáo, với Việt Nam Ðàng Trong trong buổi đầu dựng nước, đã trở thành một quốc đạo đầy hùng khí cao ngất, một lực lượng tinh thần có khả năng dời non lấp biển. Ðây chính là đặc điểm nổi bật nhất của Phật giáo tại Việt Nam Ðàng Trong, trong thế kỷ 16, 17, cũng như của Phật giáo thời đại Lý Trần trong các thế kỷ 11, 12, 13 và 14.

Quan điểm coi Phật giáo chỉ là một tín ngưỡng là quan điểm quá đơn sơ, không nói lên được mức độ phát triển của Phật giáo. Nhận định của nhà văn Sơn Nam không những chính xác mà còn thâu tóm được nội dung văn hóa, chính trị, của cả một thời đại.

Thật vậy nói Phật giáo là tín ngưỡng của nhân dân, trong giai đoạn này hay các giai đoạn khác là cũng như nói Phật giáo là một tôn giáo, là một cách nói vô thưởng vô phạt, mà ta có thể dùng để chỉ cho bất cứ một tín ngưỡng hay một tôn giáo nào. Phật giáo có cái gì đặc biệt trong giai đoạn này? Và Phật giáo có quan hệ gì đến sự hình thành của Sài Gòn? Ðó mới là điểm để chúng ta thảo luận. Từ "một tín ngưỡng của nhân dân" hay một tôn giáo đến quốc đạo là cả một bước phát triển dài, mà tại Việt Nam, không một tôn giáo nào vượt qua nổi suốt 2000 năm qua, trừ Phật giáo.

Từ tín ngưỡng đến quốc đạo

Một tín ngưỡng hay tôn giáo phải tiến lên một mức phát triển vượt bực mới trở thành một tín ngưỡng của số đông quần chúng hay một tôn giáo lớn. Từ đó, nó còn phải phát triển ở một mức độ phi thường mới trở thành một tín ngưỡng của đại đa số nhân dân hay thành tôn giáo lớn nhất của đất nước.

Nhưng đây chỉ là điều kiện cần nhưng chưa phải đủ để nó có thể trở thành quốc đạo. Ðể trở thành quốc đạo, tức nền tảng tinh thần, chủ đạo văn hóa (mainstream), và nói rộng ra, là lối nghĩ, lối sống của đại đa số nhân dân thì tôn giáo lớn nhất này, hay tín ngưỡng của đại đa số nhân dân này, còn phải vượt qua một bước ngoặc lớn, đó là nó đã vượt qua khuôn khổ của một tôn giáo, một tín ngưỡng để trở thành, hay hòa nhập làm một, với nền văn hóa dân tộc. Và không những thế, trở thành chủ đạo chính trị của đất nước.

Trong suốt 2000 năm qua, dù Phật giáo lúc nào cũng là tín ngưỡng của đại đa số nhân dân, lúc nào cũng là tôn giáo lớn nhất của đất nước, nhưng chỉ trong những thời thịnh đạt huy hoàng nhất, Phật giáo mới trở thành quốc đạo của Việt Nam, đó là các thời Sĩ Nhiếp -- với thủ đô Phật giáo Luy Lâu (Hà Bắc) -- đây cũng là thủ đô chính trị - văn hóa của toàn cõi Lĩnh Nam vẫn còn là một cõi chạy dài từ hồ Ðộng Ðình, đến Hoành Sơn - thời Lý Nam Ðế, với tên nước là Vạn Xuân và với chùa Khai Quốc, thời Lý Trần - thời kinh thành Thăng Long được khai sinh - bởi một quân vương Phật tử là Lý Công Uẩn và bóng dáng kỳ vĩ của đại sư Vạn Hạnh, và thời các Chúa Nguyễn trong buổi đầu lập quốc - thời thành phố Sài Gòn được chính thức chào đời.

Người ký giấy khai sinh cho thành phố Sài Gòn là Chúa Nguyễn Phúc Chu, khi ông chỉ mới 24 tuổi. Ông là cư sĩ pháp danh Hưng Long, pháp hiệu Thiên Túng đạo nhân, đệ tử đời 30 phái thiền Tào Ðộng, một người thọ bồ tát giới tại gia. Ông cũng là người đã đúc đại hồng chung chùa Linh Mụ với lời chú nguyện tuyệt đỉnh từ bi và trí tuệ, được đúc ngay trên chuông: Ta không muốn gì cho ta, cho triều đại ta, ta chỉ muốn mưa thuận gió hòa, nhân dân thái bình an lạc và mọi người đều thành Phật. Và đằng sau tất cả sự nghiệp vĩ đại này là bóng dáng lạ lùng của đại sư Thạch Liêm.

Không có quân vương Phật tử Lý Công Uẩn và đại sư Vạn Hạnh thì chắc gì đã có thủ đô Thăng Long - Hà Nội. Không có quân vương Phật tử Nguyễn Phúc Chu và đại sư Thạch Liêm, chắc gì đã có thành phố Sài Gòn. Và cũng không phải tình cờ mà chiếu dời đô từ Hoa Lư nhỏ hẹp về Thăng Long mênh mông được soạn bởi một thiền sư và kiến trúc sư của thủ đô ngàn năm văn vật này là một tăng sĩ: Ngài Vạn Hạnh.

Và dĩ nhiên không phải là ngẫu nhiên mà Chúa Nguyễn Phúc Chu và các Chúa Nguyễn khác đã đưa Việt Nam tiến cả 1000 cây số về phương Nam, chỉ trong hơn 100 năm ngắn ngủi.

Quốc đạo và quốc giáo

Phép lạ kỳ diệu này sẽ không thể nào có nếu Phật giáo không phải là quốc đạo của Việt Nam Ðàng Trong, nếu những triều đại này không phải là những triều đại của quân chủ Phật giáo. Chính Phật giáo hưng thịnh sinh động của thời Lý Trần đã tái sinh thành Phật giáo phát triển rực rỡ dưới thời các Chúa Nguyễn ở Ðàng Trong. Trong cả hai giai đoạn huy hoàng này của lịch sử đất nước, Phật giáo không những là tín ngưỡng của đại đa số nhân dân, không những là tôn giáo lớn nhất của quốc gia, mà còn là quốc đạo -- chủ đạo văn hóa, chính trị -- của Việt Nam. Và chính điều này là nền tảng sâu đậm nhất, là nguồn gốc vững chãi nhất, là nhân tố quan trọng nhất đã cho quê hương một thời đại Lý Trần hiển hách và một dãy đất dài chạy từ đèo Hải Vân đến mũi Cà Mâu. Thăng Long chính là một đỉnh cao, Sài Gòn chính là một đỉnh cao khác, của sự nghiệp "trụ tích trấn vương kỳ" (lấy tinh thần Phật giáo để xây dựng, phát triển quốc gia). Của các vị quân vương Phật tử, của các thế hệ tăng ni Phật tử Việt Nam, không những chỉ trong vài trăm năm qua, mà trong suốt hai ngàn năm nay.

Sự nghiệp dựng nước này chính là sự nghiệp của Phật giáo đã thành công trong sự vươn mình lên, hóa thân thành quốc đạo. Quốc giáo, tôn giáo được triều đình công nhận một cách chính thức là tôn giáo của quốc gia - không có giá trị gì bao nhiêu đối với Phật giáo Việt Nam. Một khi nó đã trở thành quốc đạo. Vì điều này có lợi cho chính quyền trong việc tranh thủ nhân tâm, đoàn kết, thống nhất lòng dân và tạo cho chế độ một sự chính thống sâu đậm, vững bền. Tuy nhiên, khi Phật giáo được công nhận là quốc giáo thì Phật giáo sẽ có nguy cơ bị biến chất và trở nên suy đồi. Cho nên lý tưởng của người Phật tử là thể hiện sinh động, mạnh mẽ Phật giáo trong cuộc đời để Phật giáo trở thành quốc đạo của đất nước, hay nói cách khác, để mọi người sống theo Phật pháp và quốc gia thành một cõi tịnh độ, và sự công nhận từ chính quyền chỉ là điều tất yếu. Còn dù được chế độ công nhận là quốc giáo mà tự thân Phật giáo không đủ sự hưng thịnh sinh động thì việc này không có lợi bao nhiêu cho Phật giáo cả.

Còn khi Phật giáo hay bất cứ một tôn giáo nào khác, được công nhận là quốc giáo, khi nó chưa trở thành trong hiện thực một quốc đạo tự nhiên của quốc dân, hay ít ra là một tôn giáo lớn nhất, một tín ngưỡng của đại đa số nhân dân, thì đây chỉ là một sự áp đặt thất nhân tâm và chỉ gây tai họa cho chính chế độ và cho đất nước. Nhất là khi nó chưa dung hóa với truyền thống văn hóa và đạo lý đã có từ ngàn xưa của dân tộc.

Sài Gòn, đỉnh cao của cuộc Nam tiến

Theo Việt Nam Sử Lược, thì "Năm Mậu Thân 1698 chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn Hữu Kính là kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Ðông Phố ra làm dinh, làm huyện, lấy Ðồng Nai làm huyện Phúc Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Ðặt Trấn Biên dinh (tức Biên Hòa) và Phan Trấn dinh (tức là Gia Ðịnh) sai quan vào cai trị. Lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào lập thôn xã và khai khẩn ruộng đất." Theo Việt Sử Xứ Ðàng Trong 1558-1777 thì: "Với phủ Gia Ðịnh, bây giờ chúa Nguyễn đã có đất nghìn dặm, bốn vạn hộ dân."

Ðiều kỳ diệu là các chúa Nguyễn đã làm thế nào để có thể Nam tiến, mở mang bờ cõi cả ngàn cây số khi đất nước bị phân đôi, hơn 9/10 lãnh thổ dân số thuộc về chúa trịnh (Ðàng Ngoài), hai bên đã đánh nhau đến bảy trận lớn, gây tàn phá, chết chóc và kiệt quệ cho cả hai miền, thế mà chỉ với một mảnh đất Thuận Hóa, Quảng Nam chật hẹp, khô cằn, khắc nghiệt, Việt Nam đã lớn lên gấp đôi về lãnh thổ trong vòng một, hai thế kỷ? Và nếu chỉ kể riêng lãnh thổ của Nguyễn Hoàng khi ông mới đến lập nghiệp thu hẹp trong vùng Quảng Bình, Thuận Hóa, thì các vị quân vương nhà Nguyễn đã mở mang lãnh thổ rộng lớn hàng chục lần vương quốc của họ, trong một thời gian ngắn ngủi của vài thế hệ.

Theo bộ Lịch Sử Việt Nam thì "Xứ Thuận Hóa đầu thế kỷ XV có 5,662 suất đinh và 7,100 mẫu ruộng." Và "Cho đến thế kỷ XVI, vùng Thuận Hóa, Quảng Nam nói chung kinh tế còn lạc hậu, đất hoang còn nhiều và xóm làng cư dân còn thưa thớt." Ở Quảng Bình và Quảng Nam, dân số và ruộng đất chắc còn ít hơn nhiều con số 5,662 suất đinh của xứ Thuận Hóa (Huế - Thừa Thiên). Ðó là tất cả tài nguyên mà Nguyễn Hoàng có được khi về khai phá xứ Ðàng Trong vào năm 1558 với vài ngàn người lính. Thế nhưng đến năm 1776 "xứ Thuận Hóa số đinh tăng lên 126,857 người và số ruộng tăng lên 265,507 mẫu" cùng với hàng triệu mẫu đất từ vùng Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên đến tận mũi Cà Mâu.

Không những thế, cả vùng đất mới này, từ Thuận Quảng đến tận đồng bằng sông Cửu Long, theo nhận xét của một giáo sĩ Ý, Christoforo Borri, thì dân ở đây "sống hòa hợp với nhau, cư xử với nhau rất thẳng thắn, thật thà y như anh em được nuôi sống và khôn lớn lên cùng trong một nhà, mặc dù họ chưa từng thấy và biết nhau bao giờ" (theo sách đã dẫn). Chinh phục một vùng đất mới mênh mông, giáo hóa cho những kẻ giang hồ, phiêu bạt thành những người hiền lương, đạo đức, đây là cả một sự nghiệp lớn mà không phải thời nào cũng có. Chúa Nguyễn do đâu mà đã thành tựu sự nghiệp mở nước dựng văn tuyệt đẹp này?

Theo các cuốn sử về Phật giáo Việt Nam thì chúa Nguyễn Hoàng là người nhân đức và mộ đạo, xây cất nhiều chùa, mở đường cho các vị chúa và nhân dân sau này tin mộ đạo Phật. Bằng chứng? Năm Tân Sửu 1601 sau khi chúa vô trấn Thuận Hóa ba năm có hôm Chúa đi dạo chơi đến xã Hà Khê, huyện Hương Trà, thấy giữa cánh đồng nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước nhìn ra sông Hương, cảnh trí rất đẹp, ông cho xây chùa Thiên Mụ ở nơi đó, và đã thực hiện một lời tiên tri lưu truyền trong dân gian "sẽ có vị chân chúa đến xây chùa, để tụ hội khí thiêng cho bền long mạch." Năm Nhâm Dần 1602 rằm tháng Bảy, chúa đến chùa Thiên Mụ lập đàn chay bố thí và trùng tu chùa Sùng Hóa ở xã Triêm An, huyện Phú Vang. Năm Ðinh Mùi 1607, ông cho lập chùa Bửu Châu tại Trà Kiệu, Quảng Nam, năm Kỷ Dậu 1609 dựng chùa Kính Thiên (tức chùa Hoằng Phước) ở quận Thuận Trạch, Quảng Bình. Sau khi dựng trấn Quảng Nam ở xã Cần Húc, ông lập ngôi chùa phía sau trấn gọi là chùa Long Hưng.

Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vô trấn đấy dân được mùa no ấm, an cư lạc nghiệp... Buổi khai nguyên các chúa Nguyễn thì tinh thần Phật giáo đã theo cuộc di dân nhiều đợt định cư trước đó lan rộng rồi. Chúa thứ nhất là Nguyễn Hoàng mở tân kỷ nguyên sùng phụng Phật giáo làm gương cho các chúa sau này. Chúa Nguyễn Hoàng còn được gọi là chúa Tiên, tiếp nối là chúa Sãi (cũng có nghĩa là chúa Bụt), chúa Hiền, chúa Nghĩa nối tiếp sự nghiệp trị quốc theo Phật pháp và lấy Phật giáo làm quốc đạo. Và đỉnh cao hưng thịnh nhất là thời chúa Nguyễn Phúc Chu "Chúa hâm mộ đạo Phật vào bậc nhất" (theo Lược Khảo Phật giáo Việt Nam).

Chính trong thời vị chúa "hâm mộ đạo Phật vào bậc nhất" này mà Việt Nam Ðàng Trong (Nam Hà) đã đạt đến giai đoạn hưng mạnh, thịnh trị nhất, và từ đó, thành phố Sài Gòn đã được chính thức khai sinh. Tấm lòng hâm mộ Phật pháp của chúa Nguyễn Phúc Chu đã bộc lộ trong tâm sự giải bày cùng thiền sư Thạch Liêm "Ðệ tử từ bé nghe hai chữ Phật pháp đã sanh tâm kính ngưỡng, mới lúc gặp tu sĩ áo lam tức thì hoan hỉ, chẳng biết kiếp trước là ai? Làm phúc nghiệp gì? Mà nay sanh ra làm vua ở đây? Xin tôn sư chỉ điểm cho biết, hầu chẳng quên nghiệp trước, đội đức từ bi vô lượng" (sách đã dẫn). Xem thế đủ biết ông là một Phật tử nhiệt thành và chắc hẳn đã tu hành từ nhiều kiếp trước.

Với vài ngàn binh lính dân đinh năm, bảy ngàn người, chúa Nguyễn Hoàng và con cháu của ông đã không bị nghiền nát bởi hàng vạn binh sĩ của chúa Trịnh qua suốt bẩy lần đại tấn công liên tục trong gần nửa thế kỷ, mà trái lại ông và những người lãnh đạo tiếp theo đã ngăn chận được những cuộc tấn công này và đưa Việt Nam tiến những bước thật dài chưa từng có trong lịch sử. Phép lạ của Ðàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn đầu tiên chỉ được tìm thấy trong một điều sâu thẳm, vô hình, ít ai thấy, vì nó chìm sâu như móng chân cầu: đó là các chúa Nguyễn đã xây dựng Ðàng Trong trên nền tảng một quốc đạo -- một chủ đạo văn hóa - chính trị -- phù hợp với lòng dân và với hoàn cảnh đặc thù của đất nước. Quốc đạo đó chính là Phật giáo. Chính trên nền tảng của quốc đạo Phật giáo này mà Ðàng Trong đã trở thành một vương quốc hùng mạnh bẻ gãy những cuộc tấn công của Chúa Trịnh ở Ðàng Ngoài (Bắc Hà), Nam tiến chinh phục toàn bộ miền Trung và Nam Bộ, đưa đất nước vươn mình đến tận vịnh Thái Lan và tỏa ảnh hưởng trên toàn bán đảo Hoa-Ấn. Không những thế những chiến thuyền của Chúa Nguyễn đã đánh tan những chiến thuyền Hòa Lan, là đế quốc có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Các nhà truyền giáo ngoại quốc trong giai đoạn này đã hết sức ngạc nhiên và khâm phục trước lực lượng quân sự hùng mạnh cũng như trước mức độ văn hóa - đạo đức rất cao của Việt Nam Ðàng Trong dưới sự lãnh đạo của nhân từ và trí tuệ của các Chúa Nguyễn.

Nội dung của quốc đạo Phật giáo

Nội dung của quốc đạo Việt Nam trong thời đại này là gì? Ðó là lấy Phật pháp để trị quốc và người lãnh đạo quốc gia là những Phật tử hiểu đạo và biết áp dụng khôn ngoan đạo Phật vào việc chính trị. Họ biết lấy tâm hạnh bồ tát để lãnh đạo quốc gia trong viễn tượng vươn tới lý tưởng chuyển luân thánh vương, xây dựng đất nước thành một quốc đô thịnh vượng, an lạc -- một cõi Tịnh độ ngay giữa cuộc đời.

Những biện pháp cụ thể của việc lãnh đạo quốc gia theo chánh pháp là gì? Chúa Nguyễn Phúc Chu hỏi đại sư Thạch Liêm về sự trai giới và ông đã được giảng về sự trai giới của một người lãnh đạo như sau: Sự trai giới của bậc vua chúa không giống như người thường. Trai giới không phải chỉ giữ trong sạch thân, khẩu, ý, mà còn phải làm sao cho đất nước được thái bình, dân chúng ấm no, hạnh phúc. Trai giới là làm cho quốc gia từ trên xuống dưới được thanh lý chỉnh tề, không một người nào ngồi không đúng chỗ, không một việc nào chẳng giải quyết thỏa đáng. Làm được như thế mới là sự trai giới của một ông vua. Ðồng thời đại dư Thạch Liêm đã đề nghị chúa Nguyễn Phúc Chu thực hiện trai giới bằng cách trả tự do cho những người bị giam cầm oan ức, phóng thích những tù nhân ở trong ngục thất, chẩn cấp cho những người nghèo đói, tháo gỡ cho những người bị đè nén, ép uổng, bãi bỏ những luật lệ quá nghiêm khắc, dễ dãi cho người buôn thúng bán bưng và cho thợ thuyền. Ðó chính là sự trai giới của người lãnh đạo quốc gia (theo Phật Giáo Việt Nam Sử Luận và Lịch Sử Phật Giáo Ðàng Trong).

Việt Nam Ðàng Trong đã hưng thịnh một cách phi thường vì chúa Nguyễn Phúc Chu đã thực hành những biện pháp trai giới này hay nói cách khác đã lãnh đạo quốc gia bằng tinh thần khoan dung của Phật giáo và bằng chính Phật pháp, mà nền tảng là ngũ giới, thập thiện giới và lục độ. Chính trên sự hưng thịnh này, của Phật giáo và của Việt Nam Ðàng Trong mà Sài Gòn đã được chính thức ra đời.

Nếu không có nền tảng quốc đạo vững chãi và hợp lòng dân này, có lẽ vương quốc non trẻ của các Chúa Nguyễn đã bị xóa tên bởi đội quân đông đảo của chúa Trịnh ở Bắc Hà, hay nó chỉ quanh quẩn trong vùng Thuận Hóa, Quảng Nam nhỏ hẹp. Như một thế lực cát cứ tầm thường không làm được gì ích quốc lợi dân.

Chính quốc đạo Phật giáo đã làm cho vùng đất cát cứ, ly khai -- trấn Thuận Hóa dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn -- thực chất chỉ là một tỉnh nhỏ mới khai khẩn, so với Thanh Hóa, Nghệ An cũng không bằng, đã lớn lên như Thánh Gióng, thành một vương quốc hưng thịnh nhất tại bán đảo Hoa-Ấn vào thời đó.

Cữi trên những đợt sóng thần cuồn cuộn, cao ngất của quốc đạo Phật giáo, các chúa Nguyễn, và dân tộc ta, đã đi và đã đến, chinh phục trọn vẹn đồng bằng sông Cửu Long và toàn miền Nam, đã đạp chân lên đầu những đỉnh núi Thất Sơn, đã tung vó ngựa đến mũi Cà Mâu và đã đưa những chiến thuyền tối tân, không thua kém những chiến thuyền Tây phương, khống chế biển Ðông và vịnh Thái Lan vào giữa thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Và từ đó, Sài Gòn đã chào đời chính thức vào năm 1698, và người đã ký giấy khai sinh cho Sài Gòn là quân vương Phật tử Nguyễn Phúc Chu.

Sài Gòn đã được sinh trên một chiếc nôi, chiếc nôi đó là vương quốc Phật giáo Ðàng Trong.

Ðến Sài Gòn từ Thuận Hóa, Thăng Long và Luy Lâu

Nếu không có quốc đạo Phật giáo và những quân vương Phật tử, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Chu, có lẽ vĩnh viễn, chúng ta không bao giờ có Sài Gòn, không bao giờ có đồng bằng sông Cửu Long, không bao giờ có một đất nước tuyệt đẹp, hình chữ S, chạy dài từ Nam Quan đến Cà Mâu.

Sẽ không bao giờ có Sài Gòn nếu không có Thuận Hóa, mảnh đất mà nơi đó, năm 1695, cách đây 303 năm, đã có một đại giới đàn 3,000 giới tử với 1,400 tăng, ni. Có bao giờ ta thấy 100 vị tỳ kheo mặc áo vàng chưa? Cả một góc phố sẽ tỏa ánh đạo vàng. 1,400 tăng, ni thọ giới xếp hàng đi khất thực theo truyền thống Phật giáo thời Ðức Phật, do đại sư Thạch Liêm dẫn đầu, đi từ chùa Thiền Lâm đến phủ quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, đã làm cả Thuận Hóa, cả quê hương sáng rực trong ánh đạo vàng.

Nhưng ta cũng sẽ chẳng bao giờ có Sài Gòn, có Thuận Hóa nếu ta không có Thăng Long. Thăng Long, một kinh thành Phật giáo rực rỡ trong 1000 năm trước. Thăng Long ta vẫn nghe quân vương Phật tử Lý Công Uẩn đọc chiếu dời đô "thế đất rồng cuộn hổ ngồi, ở ngay trung tâm đất nước." Lý Công Uẩn, một chú tiểu chùa làng Ðình Bảng, dưới sự dạy dỗ của đại sư Vạn Hạnh, đã trở thành một pháp khí của thời đại, đưa Việt Nam thành cọp, thành rồng từ 10 thế kỷ trước. Hay ngay cả Ðại tướng Lý Thường Kiệt như bia chùa Linh Xứng năm 1126 có khắc rõ "Tuy thân vương việc đời mà lòng vẫn hướng về đạo Phật" (Lịch sử Phật Giáo Việt Nam). "Thiên hạ Lý Trần bán vi tăng," một nửa dân số trong nước vào thời Lý Trần là tăng ni. Thế nhưng ta đã ba lần đánh tan hàng chục vạn quân Mông Cổ, ngay nơi kinh thành Thăng Long. Bằng quốc đạo Phật giáo. Như chiếc thảm thần vĩ đại trong thần thoại Ấn Ðộ, Quốc đạo này đã đưa dân tộc ta bay lên cao, làm nên những chiến công phi thường.

Thế kỷ 19, Việt Nam đã tự đánh mất quốc đạo siêu việt này, nên đã suy yếu cùng cực: 180 tên lính Tây phương đã đánh chiếm thành Thăng Long và năm thành quan trọng khác ở miền Bắc, như vào chỗ không người, như lấy đồ trong túi. Cái gì đã tạo ra sự khác biệt khủng khiếp này? Một đạo quân thiện chiến nhất thế giới, đã chinh phục cả Trung Hoa và cả một phần Âu Châu đã ba lần bị đánh bại ngay trên đồng bằng sông Hồng, trong thế kỷ 13. Cũng nơi này, Việt Nam đã trở thành một nước vô chủ trong thế kỷ 19. Chính chủ đạo văn hóa - chính trị của mỗi thời đại đã quyết định sự thịnh, suy, thành, bại của cả một dân tộc.

Có quốc đạo Phật giáo, ta có thành Thăng Long, ta có thời đại Lý Trần, ta có Thuận Hóa, ta có Sài Gòn và có tất cả. Mất quốc đạo Việt Nam, Việt Nam có ngay vua Lợn, vua Quỷ vào cuối thế kỷ 16 trong đời nhà Lê, và đất nước đi vào tan rã, nội chiến. Cũng vậy, mất quốc đạo Phật giáo, Sài Gòn đã loạn lạc, suy sụp, tan rã, rối ren tơi bời và phải ngã gục và đầu hàng trong cuối thế kỷ 19. Ngược lại, có quốc đạo Phật giáo, ta có Chúa Tiên, Chúa Sãi, Chúa Hiền, Chúa Nghĩa và minh vương Nguyễn Phúc Chu (xứng đáng để được gọi là Chúa Phật) ta có một Nam Hà hùng mạnh, ta một dân tộc hiền lương, đạo đức và anh dũng. Và ta có Sài Gòn, có một giải giang sơn mới lạ, phì nhiêu, xinh đẹp và hấp dẫn vô cùng.

Với quốc đạo Phật giáo, ta đã thật sự hùng cường. Ta phải thật sự mạnh mới chiếm được Sài Gòn, giữa bao thế lực Chân Lạp, Xiêm La và các nước Tây phương. Cũng như ta phải thật sự mạnh mới chiếm được Thuận Hóa, mới giữ được Thăng Long trong cuộc tranh hùng với Trung Hoa, Mông Cổ, Chiêm Thành suốt bao thế kỷ.

Và ta đã không bao giờ có Sài Gòn, có Thuận Hóa, có Thăng Long - Hà Nội nếu ta không có, từ 20 thế kỷ trước, Luy Lâu (Hà Bắc), trung tâm Phật giáo ra đời sớm nhất, kỳ cựu nhất tại Ðông Á, Trung tâm Phật giáo đã chinh phục Trung Hoa bằng Phật pháp, bằng giáo pháp vĩ đại của một người được sinh đẻ, xuất gia, tu học và thành danh ở Việt Nam, ngài Khương Tăng Hội (xem tác phẩm Khương Tăng Hội Toàn Tập), nơi đây đã mở đầu cho sự bẻ gãy gông cùm Bắc thuộc -- nghĩa là cho sự giải phóng dân tộc -- bằng một ngòi bút của một người Việt Nam khác, ngài Mâu Tử, tác giả Lý Hoặc Luận, tác giả về Phật học và tôn giáo đối chiếu bằng chữ Hán đầu tiên trên thế giới, người đã phê bình từ cuối thế kỷ thứ hai: "Trung Hoa không phải là trung tâm của thế giới" (Xem thêm tác phẩm Nghiên Cứu Về Mâu Tử).

Chính Trung tâm Phật giáo Luy Lâu ở Hà Bắc, nơi đầy đặc các ngôi chùa Phật giáo cổ kính, đây cũng là thủ phủ của nước Việt Nam Lĩnh Nam rộng lớn nói chung, và của xứ Giao Châu nói riêng, đã cho ta hầu như tất cả.

Chính Phật giáo, ngay từ cuối thế kỷ thứ hai, đã cảm hóa Sĩ Nhiếp, một người tinh thông Nho học và một đệ tử của Lão giáo, trở thành "nhà cai trị Phật giáo" (Buddhist ruler) đầu tiên của Việt Nam (theo tác phẩm The Birth of Vietnam). Từ Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, ta có một thủ đô Phật giáo Luy Lâu và một vương quốc Phật giáo độc lập, đó là Việt Nam trong thời Sĩ Nhiếp, tuy trên danh nghĩa thuộc Ðông Ngô nhưng trong thực chất là một xứ độc lập, tự chủ. Từ nền tảng hùng hậu này, từ gốc rễ bền vững này, mà trong đêm dài hung hãn của hơn một ngàn năm Bắc thuộc, ta có Lý Nam đế dựng nước Vạn Xuân và dựng chùa Khai Quốc trong thế kỷ thứ sáu. Có những anh hùng Ngô Quyền, Lê Ðại Hành trong cuối thế kỷ 10, và thời đại Lý Trần với thủ đô Thăng Long từ đầu thế kỷ 11 (1009) đến cuối thế kỷ 14. (Xem thêm tác phẩm Phật Giáo và Quốc Ðạo Việt Nam).

Từ Thăng Long ta có Nguyễn Hoàng, tiếp nối các quân vương Phật tử thời Lý Trần, mang gươm đi mở nước với quốc đạo Phật giáo, mở đến Quy Nhơn, Tuy Hòa, đến Gia Ðịnh, Biên Hòa, đến Châu Ðốc, Hà Tiên.

Tôi dám nói "hầu như tất cả" vì Việt Nam sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Hai Bà Trưng (năm 43) hầu như đã bị diệt chủng về văn hóa: Mã Viện tàn sát hàng chục ngàn người, lưu đày 300 lãnh tụ người Việt đến Linh Lăng, Hà Nam, Trung Hoa; thâu tóm và phá hủy hết đỉnh cao và biểu tượng kì vĩ của văn hóa Việt Cổ, những chiếc trống đồng tinh xảo. Ðất nước chưa có chữ viết, chưa có sách vở hay bia đá để ghi lại bất cứ cái gì. Nền văn hóa, học thuật chỉ thuần túy truyền khẩu. Dân số quá ít và văn hóa, văn minh, tư tưởng, học thuật cũng như tôn giáo, tín ngưỡng còn quá đơn sơ làm sao đương đầu nổi với đế quốc Trung Hoa hùng mạnh, đông đảo được trang bị bằng một nền văn hóa lâu đời và sáng chói. Và nhất là phải chịu sự thống trị của họ hơn 1000 năm?

Tình thế thật là tuyệt vọng, như trứng chọi đá, không cách gì cứu vãn. Sự diệt chủng hay ít nhất là sự đồng hóa là điều hầu như không tránh được. Nhưng chính trong hoàn cảnh đen tối, bi thảm đó mà Phật giáo, từ Ấn Ðộ, bằng đường biển, đã tràn tới, nhẹ nhàng như bước chân của chim bồ câu và làm thay đổi cả cục diện chính trị, cả sinh mệnh văn hóa, của Việt Nam bị nô lệ, khinh khi, chà đạp...

Dân chúng, tuyệt đại đa số sống bằng nghề nông, gặp lúc hạn hán, cả đất nước có thể bị chết đói. Thế rồi có một nhà sư, sư Khâu Ðà La, chỉ gõ cây gậy xuống đất là nước phun lên như suối, hay ngay cả đệ tử của ông, bà Man Nương, cũng làm được phép lạ kỳ diệu này, cứu sống cả dân làng, cả dân trong một xứ. Nhờ những công đức như thế, chẳng mấy chốc mọi người, mọi nhà đều theo đạo Bụt... Từ nhân gian, đạo Phật hiện diện khắp nơi, sâu rộng, vững chãi. Còn giới trí thức thì kinh sách Phật giáo nhiều như rừng, sách Khổng - Lão chưa bằng một phần ngàn, đã từ từ được chảy tràn vào Giao Châu và dần dần thấm sâu trong tâm trí mọi người dân Việt... Từ dân gian, đạo Phật hiện diện khắp nơi, sâu rộng, vững bền. Và sức mạnh hạ tầng cơ sở này tác động ngược lên thượng tầng chính trị: Sĩ Nhiếp hướng về Phật giáo và trở thành "nhà cai trị Phật giáo" đầu tiên tại nước ta. Có thể nói từ cuối thế kỷ thứ hai, đầu thế kỷ thứ ba, Phật giáo là quốc đạo -- là chủ đạo văn hóa - chính trị -- của Việt Nam.

Kỷ niệm Sài Gòn 300 năm hôm nay, ta không thể không uống nước nhớ nguồn, không thể không nhớ đến và biết ơn ánh sáng trí tuệ và từ bi của Ðức Phật được bao vị thánh tăng, bao thế hệ tăng, ni, Phật tử, thắp sáng trên quê hương Việt Nam suốt 20 thế kỷ qua. Có Sài Gòn hôm nay là nhờ có Thuận Hóa trước đây, và có Thuận Hóa là nhờ có Thăng Long, và Thăng Long, cũng như nguồn sinh lực tâm linh, đạo lý vĩ đại nhất đã nuôi lớn Việt Nam từ thủa dựng nước đến nay, đều xuất phát từ Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Hà Bắc.

Một dòng sông lớn đôn hậu, tươi mát, hiền hòa đã chảy từ nơi đây, chảy ra khắp đất nước, chảy tràn khắp quê hương, chảy mãi trong lòng muôn dân: dòng sông Phật giáo Việt Nam.

Và từ suối nguồn Phật giáo, quê hương đã có một quốc đạo có dư khả năng để xây dựng một nước Việt Nam hưng thịnh, an lạc và vinh quang. Các thời đại vẻ vang của Sĩ Nhiếp, của Lý Nam Ðế, của các quân vương Phật tử Lý Trần và của các chúa Nguyễn đầu tiên, nhất là chúa Nguyễn Phúc Chu, đã chứng minh cho chân lý và niềm tin này.

Hoa Kỳ, tháng 5/1998, Mùa Phật Ðản 2542

Sách Tham Khảo

- Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, Nhà xuất bản Miền Nam, Sài Gòn 1971.
- Việt Sử Xứ Ðàng Trong 1558-1777, Phan Khoang, Xuân Thu, Hoa Kỳ 1983.
- Lịch Sử Việt Nam, Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1971.
- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội 1992.
- Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, Minh Chi, Lý Kim Hoa, Hà Thúc Minh, Hà Văn Tấn, Nguyễn Tài Thư, Viện Triết Học, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991.
- Lược Khảo Phật Giáo Sử Việt Nam, Vân Thanh, Sài Gòn 1974.
- Lịch Sử Phật Giáo Ðàng Trong, Nguyễn Hiền Ðức, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995.
- Khương Tăng Hội Toàn Tập, Lê Mạnh Thát, Tu Thư Vạn Hạnh, Sài Gòn 1975.
- Nghiên Cứu Về Mâu Tử, Lê Mạnh Thát, Tu Thư Vạn Hạnh, Sài Gòn 1982.
- Hai Ngàn Năm Việt Nam & Phật Giáo, Lý Khôi Việt, Phật Học Viện Quốc Tế, Hoa Kỳ 1981.
- Phật Giáo và Quốc Ðạo Việt Nam, Lý Khôi Việt, Viện Tư Tưởng Việt Phật, Hoa Kỳ 1997.
- The Birth of Vietnam, Keith Weller Taylor, University of California Press, Berkeley, 1983.


Source: The-Ky 21 Magazine, California, USA, August 1998 - http://kycon.com/theky21/


[Trở về trang Thư Mục]