BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Đôi nét về Giới Luật

Thượng tọa Thích Phước Sơn


Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, các đệ tử của Phật cảm thấy bơ vơ vì vừa vắng bóng bậc Đạo Sư thân thiết và cao cả của mình. Trong tình cảnh đó, mọi người ai cũng mong được chiêm ngưỡng lại hình ảnh của bậc Đạo Sư, như một hiện hữu bất diệt. Hình ảnh ấy chính là Pháp thân, hay Giáo pháp và Giới luật của Phật. Vì vậy, khi vừa hoàn tất việc trà tì của Đức Thế Tôn, Tôn giả Ca Diếp liền tức tốc triệu tập các vị trưởng lão Tỷ kheo tổ chức đại hội kết tập Pháp tạng. Đây là lâờn kết tập Pháp tạng đầu tiên ngay trong mùa Hạ năm Phật nhập Niết bàn. Cuộc kết tập này do vua A Xà Thế bảo trợ, với sự tham dự của 500 vị đại A la hán, Tôn giả Ca Diếp chủ tọa, Tôn giả A Nan đọc tụng kinh giáo và Tôn giả Ưu Ba Li đọc tụng giới pháp. Thầy đọc ròng rã đến 80 lần mới hoàn thành bộ phận giới luật, nên đặt tên là bộ Bát Thập Tụng luật.

Thế rồi, các vị trưởng lão tuần tự trao truyền cho nhau. Trước hết là Trưởng lão Ca Diếp, vốn là đệ tử thượng túc có uy tín của Đức Thế Tôn, có trách nhiệm nặng nề nhất trong việc duy trì. Đến lúc cuối đời, Tôn giả trao truyền lại cho A Nan; A Nan truyền cho Mạt Điền Địa; Mạt Điền Địa truyền cho Thương Na Hòa Tu; Thương Na Hòa Tu truyền cho Ưu Ba Cúc Đa. Đến đây thì bộ Bát Thập Tụng luật phát sinh diễn biến. Theo giáo sử cho biết, Tôn giả Ưu Ba Cúc Đa có 5 người đệ tử kiệt xuất, mỗi vị bèn dùng bộ Bát Thập Tụng luật làm cơ sở, biên soạn lại thành một bộ luật theo quan điểm riêng cho bộ phái của mình. Do vậy, mà có 5 bộ phái và 5 bộ luật sau đây xuất hiện:

1. Đàm Vô Đức bộ (Dharma-gupta) có luật Tứ Phần, gồm 60 quyển.

2. Tát Bà Đa bộ (Sarvasti-vàda) có luật Thập Tụng, gồm 61 quyển.

3. Di Sa Tắc bộ (Mahisàsaka) có luật Ngũ Phần gồm 30 quyển.

4. Ca Diếp Di bộ (Kàsyapiya) có Giải Thoát Giới kinh, gồm 1 quyển.

5. Bà Ta Phú La bộ (Vàtsi-putriya) có luật Ma Ha Tăng Kỳ, gồm 40 quyển.

Đó là 5 bộ luật đã được truyền dịch sang Hán tạng, và còn được bảo quản khá tốt trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, thuộc các tập 22, 23 và 24. Trong đây, riêng có bộ Ca Diếp Di chỉ có một quyển giới bản của Tỷ kheo, còn Quảng luật (bộ luật đầy đủ) thì chưa được truyền dịch. Ngoài ra, 4 bộ còn lại thì gồm đủ cả quảng luật và giới bản của Tỷ kheo, Tỷ kheo ni cũng như các Kiền độ (Khanda: Chủ đề riêng). Đối với các bộ này thì bộ Luật Tứ Phần được xem là phong phú, quy mô và hoàn chỉnh hơn hết; đồng thời nội dung của nó được bố cục rất giống với bộ luật Pàli. Bộ luật Pàli này thuộc Phật giáo Nam truyền (Nam tông), được xem là còn giữ nguyên vẹn tinh thần của Bát Thập Tụng luật, mặc dù đã trải qua nhiều lần tu chỉnh.

Để hiểu một số nét khái yếu, ta có thể tuần tự trình bày qua mấy điểm sau đây:

I. ĐỊNH NGHĨA GIỚI LUẬT

Muốn biết rõ nội dung vấn đề, trước hết ta nên đề cập sơ qua về cách định nghĩa truyền thống của từ Giới luật. Chữ Pàli Sìla, phiên âm là Thi la, dịch nghĩa là Giới. Như vậy, Giới là những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia dùng để ngăn ngừa tội lỗi của 3 nghiệp. Do thế, Giới được định nghĩa là:

- Phòng phi chỉ ác: Ngăn ngừa điều sai trái, chặn đứng việc xấu ác.

- Biệt biệt giải thoát: Giữ được giới nào, giải thoát được việc đó.

- Xứ xứ giải thoát: Nơi nào giới luật được tuân thủ, thì nơi ấy cuộc sống được thanh thoát.

- Tùy thuận giải thoát: Hướng về con đường giải thoát.

- Thanh lương: Làm cho cuộc sống mát mẻ, thoải mái.

- Chế ngự: Có năng lực kiềm chế những việc xấu.

Đó là vài định nghĩa tổng quát về Giới. Còn Luật, chữ Phạn là Vinaya, phiên âm là Tì nại da, nói gọn là Tì ni, dịch nghĩa là Điều phục: Chế ngự, nhiếp phục; Diệt: Diệt trừ điều ác v.v... Như vậy, Luật là những nguyên tắc do Phật quy định dành cho Tỷ kheo, Tỷ kheo ni áp dụng khi sống trong tập thể Tăng đoàn. Nó có công dụng như những hướng dẫn cần thiết để nghiêm trì giới cấm, đồng thời là những phương thức xử lý hữu hiệu các sự vi phạm giới pháp. Nếu nói một cách tách bạch thì Luật bao hàm cả giới, còn Giới chỉ là một bộ phận của Luật. Nhưng nói một cách khái quát thì Giới, Luật tuy gọi khác nhau mà cùng chung một tính chất, vì thế nên có tên ghép là Giới luật.

II. PHÂN LOẠI GIỚI LUẬT

Nếu đứng trên lập trường phóng khoáng, nhìn nhận quá trình phát triển của Phật giáo từ khởi thủy cho đến hiện tại, thì ta có thể phân chia giới luật ra làm 2 loại là: Giới Thanh văn và giới Bồ tát.

1. Giới Thanh văn: Loại này có các cách phân chia theo công dụng tính chất và phương diện.

* Về công dụng, Giới được chia thành 2 loại là: Chỉ trì và tác trì:

a) Chỉ trì: Không làm việc bất thiện tức là hành trì. Đây chỉ cho các loại giới bản của Tỷ kheo, Tỷ kheo ni.

b) Tác trì: Thực hiện các điều Phật quy định tức là hành trì. Đây chỉ cho các Kiền độ, các pháp Yết ma.

* Về tính chất, Giới được chia thành 2 loại: Tánh giới và Già giới.

a) Tánh giới: Tính chất của việc đó là giới. Nghĩa là việc đó nếu vi phạm thì có tội (dù Phật có chế định hay không chế định). Ví dụ như sát sinh, trộm cắp thì chuốc lấy quả báo xấu. Bốn giới căn bản của Phật giáo là sát sinh, trộm cắp, tà dâm và nói dối thuộc về loại này. Loại này còn gọi là Tánh trọng giới.

b) Già giới: Những điều ngăn cấm để khỏi dẫn đến phạm các trọng tội. Ví dụ như uống rượu, tích trữ vàng bạc. Những việc này bản thân nó không có tội, nhưng chúng là những nguyên nhân làm lũng đoạn tinh thần dẫn đến phạm vào các tội ác. Loại này còn gọi là Thế gian cơ hiềm giới.

* Về phương diện (hay khoa), Giới được chia làm 4 loại: Giới pháp, giới thể, giới hạnh và giới tướng.

a) Giới pháp: Những điều do Phật chế định.

b) Giới thể: Bản thể của giới. Giới thể này phát sinh khi thọ giới Cụ túc và chi phối giới tử suốt đời. Loại này được thành tựu nhờ 3 nhân tố: Giới tử chí thành, Giới sư thanh tịnh và Giới đàn trang nghiêm.

c) Giới hạnh: Các hành vi của 3 nghiệp hoạt hiện ra ngoài phù hợp với giáo pháp.

d) Giới tướng: Các tướng trạng của giới.

Thông thường, các Luật sư đem chia giới bản của Tỷ kheo, Tỷ kheo ni thành 5 thiên và 7 tụ.

- Năm thiên gồm có:

1. Thiên Ba la di: Các tội nghiêm trọng.

2. Thiên Tăng già bà thi sa: Các tội tương đối nghiêm trọng.

3. Thiên Ba dật đề: Các tội nhẹ hơn hai khoản trên.

4. Thiên Đề xá ni: Các tội thuộc về việc ăn uống.

5. Thiên Đột cát la: Các tội thuộc về oai nghi.

- Bảy tụ gồm có:

1. Tụ Ba la di.

2. Tụ Tăng già bà thi sa.

3. Tụ Thâu lan giá: Các tội liên quan đến hai khoản trên mà nhẹ hơn.

4. Tụ Ba dật đề.

5. Tụ Đề xá ni.

6. Tụ Ác tác: Những ác hạnh thuộc về thân.

7. Tụ Ác thuyết: Những ác hạnh thuộc về miệng.

Ngoài ra còn có lối phân chia qua các tên gọi như:

- Khai: Mở ra. Nghĩa là Thầy Tỷ kheo không được uống rượu, nhưng nếu có bệnh, thầy thuốc bảo phải uống rượu mới chữa khỏi thì được phép uống rượu để chữa bệnh.

- Già: Ngăn lại. Nghĩa là thầy Tỷ kheo sau khi khỏi bệnh thì ngăn cấm không cho dùng rượu thuốc nữa.

- Trì: Tuân thủ nghiêm nhặt.

- Phạm: Vi phạm.

- Danh: Tên gọi của giới.

- Chủng: Chủng loại của giới.

- Tánh: Tánh chất của giới.

- Tướng: Tướng trạng của giới

2. Giới Bồ tát:

Về giới Bồ tát đại khái có các cách chia sau đây: Chia theo tính chất, khinh trọng và ứng dụng.

* Về tính chất được chia thành 3 loại gọi là Tam tụ tịnh giới; đó là:

a) Nhiếp luật nghi giới: Bao gồm các giới bản. Đây thuộc về "Chư ác mạc tác" (không làm các việc ác).

b) Nhiếp thiện pháp giới: Bao gồm các việc thiện. Đây thuộc về "Chúng thiện phụng hành" (siêng làm các việc thiện).

c) Nhiếp chúng sanh giới (Nhiêu ích hữu tình giới): Làm các việc lợi ích cho chúng sanh.

* Về khinh trọng được chia làm 2 loại:

a) Mười giới trọng: 10 giới nặng.

b) Bốn mươi tám giới khinh: 48 giới nhẹ.

* Về ứng dụng chia thành 2 loại:

a) Định cọng giới: Do tu thiền định, tự nhiên thân tâm thanh tịnh, giới hạnh đầy đủ; nghĩa là người tu thiền định khi phát sinh hiệu quả, không cần thọ giới mà vẫn sống phù hợp với giới pháp.

b) Đạo cọng giới (Vô lậu giới): Do tu vô lậu nghiệp, phát sinh trí tuệ, không cần thọ giới mà đời sống vẫn phù hợp với giới pháp.

III. VỊ TRÍ CỦA GIỚI LUẬT

Toàn bộ giáo pháp của Phật được chia thành 3 tạng gọi là 3 tạng Thánh giáo, thì giới luật chiếm một tạng, gọi là Luật tạng. Trong 3 vô lậu học - 3 trọng tâm đưa đến giải thoát - thì giới chiếm vị trí hàng đầu.

Giới luật chính là thọ mạng của Phật pháp (Tì ni tạng thị Phật pháp chi thọ mạng), như các quyển giới bản thường nói đến. Hoặc nói "Tạng Luật còn thì Phật pháp tồn tại, tạng Luật mất thì Phật pháp tiêu vong" (Tì ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ, Tì ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt). Giới luật cũng là người đại diện cho Phật, như Đức Phật đã dạy trong kinh Di Giáo:

"Nhữ đẳng Tỷ kheo, ư ngã diệt hậu đương tôn kính, trân trọng Ba la đề mộc xoa, như ám ngộ minh, bần nhân đắc bảo; đương tri thử tắc thị nhữ đẳng đại sư. Nhược ngã trụ thế, vô dị thử dã"
(Này các Tỷ kheo, sau khi ta nhập diệt, các thầy phải tôn kính, trân trọng giới luật, như người mù mà được sáng mắt, người nghèo mà được châu báu; phải biết rằng giới luật là vị đại sư cao cả của các thầy. Nếu ta còn sống ở đời thì cũng chẳng khác gì giới luật này).

Ngoài ra, trong quyển Trùng Trị Tì Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, ngài Trí Húc cũng minh định: "Năm phần pháp thân đều y cứ vào giới, ba môn vô lậu lấy giới làm đầu; không một Đức Như Lai nào không đủ giới thể; không một vị Bồ tát nào không tu giới ba la mật; không một kinh điển nào không đề cao giới pháp; không một bậc Thánh hiền nào không giữ giới hạnh trang nghiêm. Giống như đất, tất cả thiện pháp đều từ đó mà sinh trưởng; giới luật như thành quách, hành giả dựa vào đó mà xa lìa được ma chướng".

IV. NHỮNG LỢI ÍCH CỦA GIỚI LUẬT

Ở phần dẫn nhập của các bộ Quảng luật thường đề cập đến 10 lợi ích của giới như sau:

1. Để nhiếp phục Tăng chúng.

2. Để Tăng chúng được hoan hỷ.

3. Để Tăng chúng được sống an lạc.

4. Để chiết phục những người không biết hổ thẹn.

5. Để những người biết hổ thẹn được sống yên ổn.

6. Để những người chưa tin phát sinh lòng tin.

7. Để những người đã tin càng thêm tin tưởng.

8. Để diệt trừ các lậu hoặc (ô nhiễm) trong hiện tại.

9. Để ngăn ngừa các lậu hoặc trong tương lai.

10. Để cho chánh pháp được tồn tại lâu dài. (1)

Đồng thời kinh Trường Bộ cũng nêu ra 5 lợi ích của giới:

1. Người có giới đức sẽ hưởng được gia tài pháp bảo nhờ tinh tấn.

2. Người có giới đức được tiếng tốt đồn xa.

3. Người có giới đức không sợ hãi rụt rè khi đến các hội chúng đông đúc.

4. Người có giới đức khi chết tâm không rối loạn.

5. Người có giới đức sau khi mệnh chung được sinh về thiện thú thiên giới. (2)

V. NHỮNG VÍ DỤ VỀ GIỚI LUẬT

Để nói lên tính chất ưu việt của giới pháp, các bản nghi thức truyền giới thường nêu những ví dụ: "Giới như đám đất tốt muôn hạt giống lành từ đất mà sinh ra, giới như thuyền bè đưa người qua bể khổ, như chuỗi ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân". Hoặc nói: "Độ khổ hải chi châu hàng, di sinh nhai chi thê đăng" (Giới là thuyền bè đưa qua biển khổ, là thềm thang bắc qua bờ sinh tử). Nhưng câu phổ biến nhất là: "Giới như bộ áo giáp kiên cố để bảo vệ sự tấn công của lục trần".

Ngoài ra, nếu một người phạm giới do lợi dưỡng, tiếng khen, hay bị dục vọng sai khiến, thì gọi là Giới bị rách nát, như tấm vải bị cắt bỏ ở ngoài biên. Nhưng nếu vị ấy phạm giới trong lúc đang tu học tiến bộ, thì gọi là Giới bị lủng, như tấm vải bị cắt ở giữa. Khi một người phạm giới liên tục 2, 3 lần thì gọi là Giới bị hoen ố, như một con bò đen, bỗng có một mảng lông khác màu ở trên mình. Khi vị ấy phạm giới thường xuyên thì gọi là Giới bị lốm đốm, như một con bò màu vàng lại có nhiều đốm trắng khắp mình(3).

Người xuất gia thọ dụng 4 vật cúng dường liên quan đến việc trì giới có các ví dụ: Dùng như kẻ trộm, dùng như kẻ mắc nợ, dùng như hưởng gia tài tổ tiên, dùng như người chủ. Một người không có giới đức sử dụng 4 vật cúng dường, được gọi là dùng như kẻ trộm. Một người có giới mà không chân chính cảnh giác trong khi dùng 4 vật cúng dường thì gọi là dùng như kẻ mắc nợ. Trái lại, sử dụng 4 vật cúng dường để đạt được 7 bậc hữu học (4 đạo, 3 quả), thì gọi là dùng như hưởng gia tài của tổ tiên, vì họ là những người con của Như Lai, họ dùng những vật dụng như thừa hưởng gia tài của cha để lại. Thế nhưng, một vị đã đoạn trừ hết phiền não, không còn bị các dục vọng sai khiến, thì dùng các vật cúng dường như người chủ (4).

VI. SỰ UYỂN CHUYỂN CỦA GIỚI LUẬT

Trong lần kết tập Pháp tạng thứ nhất, sau khi Tôn giả Ưu Ba Li (Upali) khẩu tụng lại các giới, các vị trưởng lão phân vân về tính thiết thực của một số giới điều nhỏ nhặt. Bấy giờ Tôn giả A Nan liền thưa với đại hội:

"Ngã thân tùng Phật văn, ức trì Phật ngữ: Tự kim dĩ khứ, vị chư Tỷ kheo, xả tạp toái giới" (5).
(Bản thân tôi từng nghe và nhớ rõ những lời Phật đã dạy: Từ nay trở đi, Ta vì các Tỷ kheo, bỏ bớt những giới nhỏ nhặt).

Thế rồi, Tôn giả Ca Diếp hỏi A Nan, Phật có xác định những giới nào là nhỏ nhặt có thể bỏ được hay không, thì Tôn giả A Nan bảo là Phật không cho biết. Do đó, Ca Diếp lý luận rằng, nếu giờ đây chúng ta tùy tiện bỏ bớt những giới điều do Phật chế thì e rằng ngoại đạo sẽ chê bai: "Pháp của Sa môn Thích tử giống như mây khói, khi thầy còn sống thì những pháp do thầy chế định, các đệ tử tuân thủ một cách nghiêm túc, nhưng sau khi thầy nhập Niết bàn, họ không chịu thực hành nữa". Vì thế, để tránh những sự đàm tiếu của người ngoài trong hiện tại cũng như vị lai, Ca Diếp quyết định:

"Tự kim dĩ khứ, ưng cọng lập chế: Nhược Phật tiên sở bất chế, kim bất ưng chế. Phật tiên sở chế, kim bất ưng khước. Ưng tùy Phật sở chế nhi hành" (6)
(Từ nay trở đi, chúng ta cùng nhau lập ra quy ước: Nếu những gì trước đây Phật không chế định thì nay không nên đặt ra; Những gì trước đây Phật đã chế định thì nay không nên loại bỏ, mà nên tùy nghi tuân thủ những gì do Phật đã chế).

Và ý kiến này đã được đại hội nhất trí tán thành. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn thấy đây chỉ là giải pháp dung hòa, có tính chất uyển chuyển, chứ không mang tính bắt buộc. Vì thật ra, vấn đề này, ở một chỗ khác Đức Phật cũng đã giải thích khá rõ:

"Tuy thị ngã sở chế nhi ư dư phương bất dĩ vi thanh tịnh giả, giai bất ưng hành. Tuy phi ngã sở chế nhi ư dư phương tất ưng hành giả; giai bất đắc bất hành" (7)
(Tuy là những điều do ta chế định, nhưng đối với những nơi khác không cho là hợp lý, thì đều không nên làm. Tuy là những điều không do ta chế định, nhưng đối với những nơi khác bắt buộc phải làm, thì không thể không làm).

Ngoài ra, trong lần kiết tập Pháp tạng thứ hai có một số vấn đề giới luật gây ra tranh luận, thì Tôn giả Ly Bà Đa - một trong những vị chủ trì cuộc kết tập - cũng đã đưa ra một giải pháp chiết trung:

"Nhược quán Tu Đa La, Tì ni, kiểm hiệu pháp luật, dữ Tu Đa La tương ưng, dữ pháp luật tương ưng, bất vi bản pháp; nhược dĩ tác, nhược vị tác, ưng tác" (8)
(Nếu xem xét và đối chiếu với kinh, với luật mà phù hợp với kinh, với luật, không trái với những nguyên tắc căn bản, thì những gì đã làm ta cứ tiếp tục, những gì chưa làm, ta cứ làm).

Như vậy, Giới luật hiển nhiên không phải là những giáo điều khô cứng, bất di bất dịch, mà là những nguyên tắc hướng dẫn cuộc sống trở nên tốt đẹp; nó vừa có tính khế lý mà cũng khế cơ và đồng thời luôn uyển chuyển và sinh động. Đây chính là những di huấn của Đức Phật và của các vị trưởng lão tiền bối như chúng ta đã thấy.

* * *

Tóm lại, qua những trình bày trên đây, chúng ta đã hiểu về ý nghĩa, sự phân loại, vị trí, lợi ích, các ví dụ và sự uyển chuyển của giới luật một cách tổng quát. Theo tinh thần chân chính của giới luật thì đó là những nguyên tắc chỉ đạo tối ưu để giúp hành giả sống một cuộc đời thánh thiện phù hợp với chân lý, đạt đến an vui, giải thoát. Thế nhưng, hiện nay chúng ta đang tuân thủ một loại giới luật do Đức Phật - người Ấn Độ - chế định cách đây 25 thế kỷ, mà không gian, thời gian khác nhau, trình độ hoàn cảnh bất đồng, phong tục tập quán mỗi nơi mỗi khác; do vậy, chắc chắn có một số giới điều không còn phù hợp với hiện tại và không thể phát huy hết hiệu quả của chúng một cách tích cực. Nhưng may thay, chính Đức Phật và các vị trưởng lão tiền bối đã thấy trước được vấn đề và đã dự liệu những giải pháp uyển chuyển tương đối khả thi. Do đó, thiển nghĩ, chúng ta không nên câu nệ một cách cứng nhắc vào các hình thức giới luật, mà cần phải linh động, vận duống tinh thần của giới luật, miễn sao đạt được kết quả thiết thực, đưa chúng ta đến mục tiêu giải thoát, giác ngộ, thì sẽ không cô phụ tâm nguyện đại bi của Đức Từ Phụ, và không trái với bản hoài của các bậc trưởng lão tiền bối không ngừng quan tâm đến sứ mệnh tiếp dẫn hậu lai.

-ooOoo-

Ghi chú:

(1) Ma Ha Tăng Kỳ luật, quyển 1, Đ.22, tr.228c

(2) Kinh Trường Bộ II, tr.86.

(3), (4) Thanh Tịnh Đạo Luận Toản Yếu, Thích Phước Sơn, tr.25; 27.

(5), (6), (8) Tứ Phần luật, quyển 54, Đ.22, tr.967b; 967b; 970a.

(7) Ngũ Phần luật, quyển 22, Đ.22, tr.153a.

-ooOoo-

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 70 & 71, 2002)

Chân thành cám ơn anh Pháp Đăng đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
05-05-2003