BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tri Kiến
NGHIỆP QUẢ LUÂN HỒI

Nguyên-Bình

(Trích dẫn từ kinh tạng Pali do Tỷ kheo Thích Minh Châu Việt dịch)


1. Sự kiện này cần phải thường xuyên quán sát bởi nam nhân hay bởi nữ nhân, bởi tại gia hay bởi xuất gia: Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy. (TC II, 77)

Xin lưu ý:
Như vậy chính chúng ta tạo nên phước, chính chúng ta gây tai họa cho chính chúng ta, không phải do ai khác.

2. Các chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng. Các chúng sanh nào làm những ác hạnh về thân, lời, ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời, ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, cõi trời, cõi đời này. (TC I, 185)

3. Sự kiện này không xảy ra, không có được là quả dị thục của thân làm ác có thể là khả lạc, khả hỉ, khả ý. Sự kiện này có xảy ra là quả dị thục của thân làm ác là không khả lạc, không khả hỉ, không khả ý.

Sự kiện này không xảy ra, không có được là quả dị thục của miệng nói ác có thể là khả lạc, khả hỉ, khả ý. Sự kiện này có xảy ra là quả dị thục của miệng nói ác là không khả lạc, không khả hỉ, không khả ý.

Sự kiện này không xảy ra, không có được là quả dị thục của ý nghĩ ác có thể là khả lạc, khả hỉ, khả ý. Sự kiện này có xảy ra là quả dị thục của ý nghĩ ác là không khả lạc, không khả hỉ, không khả ý.

Sự kiện này không xảy ra, không có được là quả dị thục của thân làm thiện có thể là không khả lạc, không khả hỉ, không khả ý. Sự kiện này có xảy ra là quả dị thục của thân làm thiện là khả lạc, khả hỉ, khả ý.

Sự kiện này không xảy ra, không có được là quả dị thục của miệng nói thiện có thể là không khả lạc, không khả hỉ, không khả ý. Sự kiện này có xảy ra là quả dị thục của miệng nói thiện là khả lạc, khả hỉ, khả ý.

Sự kiện này không xảy ra, không có được là quả dị thục của ý nghĩ thiện có thể là không khả lạc, không khả hỉ, không khả ý. Sự kiện này có xảy ra là quả dị thục của ý nghĩ thiện là khả lạc, khả hỉ, khả ý.

Sự kiện này không xảy ra, không có được là người đầy đủ thân làm ác, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi lành, cõi trời, cõi đời này. Sự kiện này có xảy ra là người đầy đủ thân làm ác, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Sự kiện này không xảy ra, không có được là người đầy đủ miệng nói ác, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi lành, cõi trời, cõi đời này. Sự kiện này có xảy ra là người đầy đủ miệng nói ác, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Sự kiện này không xảy ra, không có được là người đầy đủ ý nghĩ ác, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi lành, cõi trời, cõi đời này. Sự kiện này có xảy ra là người đầy đủ ý nghĩ ác, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Sự kiện này không xảy ra, không có được là người đầy đủ thân làm thiện, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Sự kiện này có xảy ra là người đầy đủ thân làm thiện, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi lành, cõi trời, cõi đời này.

Sự kiện này không xảy ra, không có được là người đầy đủ miệng nói thiện, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Sự kiện này có xảy ra là người đầy đủ miệng nói thiện, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi lành, cõi trời, cõi đời này.

Sự kiện này không xảy ra, không có được là người đầy đủ ý nghĩ thiện, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Sự kiện này có xảy ra là người đầy đủ ý nghĩ thiện, do nhân ấy, do duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh cõi lành,cõi trời, cõi đời này. (TC I, 38-39)

Xin lưu ý:
Như vậy nhân lành hay nhân thiện đưa đến phước báu. Nhân không lành hay nhân bất thiện đưa đến tai họa.

Chính ta tạo nhân lành thì chính ta hưởng quả lành. Chính ta tạo nhân dữ thì chính ta chịu quả dữ, nói khác đi là chịu tai họa.

4. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ kheo, các nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập, nếu không cảm thọ kết quả, dầu kết quả ấy sanh khởi ngay trong đời hiện tại hay trong đời sau, thời các nghiệp ấy không có chấm dứt. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ kheo, các nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập, nếu không cảm thọ kết quả thời khổ không có chấm dứt. (TC III, 552)

Xin lưu ý:
Như vậy đã gieo nhân là phải gặt quả, không có trường hợp nào có nhân mà không có quả.

Cũng không có trường hợp ai xá tội cho ai được cả. Dù là Trời, Thần Thánh, Phật đều không xá tội hoặc giải tội cho chúng ta nếu như chúng ta đã gây tội.

Do đó không thể chấp nhận sự cầu nguyện để mong được an ổn hay được siêu độ mà phải tinh tấn làm lành lánh dữ.

Cũng nên lưu ý rằng, ngay các bậc đã hoàn toàn đoạn tận tham sân si, đã hoàn toàn giải thoát, cũng vẫn phải cảm thọ quả dị thục của các nghiệp đã làm khi trước.

Nếu chưa cảm thọ hết kết quả của các nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập thời chưa thể nhập vào Vô Dư Niết Bàn. Bậc Alahán kể từ khi chứng ngộ Hữu Dư Niết Bàn cho đến khi nhập Vô Dư Niết Bàn, trong thời gian ấy không có tạo nghiệp nữa, nhưng vẫn phải cảm thọ quả dị thục các nghiệp cũ đã tư niệm, đã làm, đã tích tập khi chưa đắc quả Thánh.

5. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ kheo, suy tư chính là nghiệp. Sau khi suy tư, tạo các nghiệp về thân, về lời, về ý. (TC II, 401)

6. Mắt cần phải quán là nghiệp cũ được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ.
Tai cần phải quán là nghiệp cũ được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ.
Mũi cần phải quán là nghiệp cũ được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ.
Lưỡi cần phải quán là nghiệp cũ được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ.
Thân cần phải quán là nghiệp cũ được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ.
Ý cần phải quán là nghiệp cũ được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ.
Ðây được gọi là nghiệp cũ.

Và thế nào là nghiệp mới?
Hiện tại, phàm làm gì với thân, với lời hay với ý, đây được gọi là nghiệp mới. (TƯ IV, 223)

Xin lưu ý:
Như vậy, do hạnh nghiệp cũ đã tạo mà chúng sanh ở cõi người chẳng hạn có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và cả tâm ý thuộc về cõi người và một chúng sanh ở cõi súc sanh thì lại có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm ý thuộc cõi súc sanh tương ứng.

Xin lưu ý:
Như vậy, hãy cẩn thận trong việc làm, hành động về thân, về lời và về ý, vì đây là nghiệp mới có ảnh hưởng đến phước họa của chính chúng ta.

Sự suy tư thuộc về ý nghiệp và chúng ta phải hết sức lưu ý lời dạy: "Này các Tỷ kheo, Ta tuyên bố rằng "suy tư chính là nghiệp, sau khi suy tư tạo các nghiệp về thân, về lời, về ý" (TC IIB, 458), để chớ có để tâm suy tư rơi vào sự suy tư bất thiện như là tham của người, sân hại người và tà kiến.

7. Này Tapassi, Ta chủ trương ba loại nghiệp để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp tức là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp là khác, khẩu nghiệp là khác, ý nghiệp là khác. Trong ba loại nghiệp này được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Ta chủ trương ý nghiệp là tối quan trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp. Thân nghiệp không bằng được, khẩu nghiệp không bằng được. (TBK II, 82)

Xin lưu ý:
Ý nghiệp dẫn đầu các nghiệp. có ý nghiệp rồi thân nghiệp mới khởi lên, khẩu nghiệp mới khởi lên. Do đó ý nghiệp là quan trọng, là tối quan trọng để tác thành các nghiệp.

8. Có bốn loại nghiệp này, Ta đã tự chứng tri, chứng ngộ và tuyên thuyết. Thế nào là bốn?

Có nghiệp đen đưa đến quả báo đen. Có nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng. Có nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng. Có nghiệp không đen trắng đưa đến quả báo không đen trắng, nghiệp đưa đến sự đoạn tận các nghiệp.

Thế nào là nghiệp đen đưa đến quả báo đen? Ở đây, có người tạo ra thân hành có tổn hại, tạo ra khẩu hành có tổn hại, tạo ra ý hành có tổn hại. Sau khi tạo ra thân hành có tổn hại, khẩu hành có tổn hại, ý hành có tổn hại, vị này phải sanh vào thế giới có tổn hại. Vì phải sanh vào thế giới có tổn hại, vị này cảm xúc những cảm xúc có tổn hại. Do cảm xúc những cảm xúc có tổn hại, vị này cảm thọ những cảm thọ có tổn hại thuần nhất khổ thọ như các chúng sanh trong địa ngục. Như vậy, sự sanh khởi của một chúng sanh tùy thuộc ở chúng sanh, nó sanh khởi tùy thuộc hành động của nó và khi nó đã sanh, thời các cảm xúc kích thích nó. Do vậy, Ta nói: "Các chúng sanh là thừa tự hạnh nghiệp của mình".

Thế nào là nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng? Ở đây, có người làm thân hành không có tổn hại, làm khẩu hành không có tổn hại, làm ý hành không có tổn hại. Sau khi làm thân hành không có tổn hại, làm khẩu hành không có tổn hại, làm ý hành không có tổn hại, vị này được sanh vào thế giới không có tổn hại. Vì được sanh vào thế giới không có tổn hại, vị này cảm xúc những cảm xúc không có tổn hại. Do cảm xúc những cảm xúc không có tổn hại, vị này cảm thọ những cảm thọ không có tổn hại thuần nhất lạc thọ như chư thiên Biến tịnh thiên. Như vậy, sự sanh khởi của một chúng sanh tùy thuộc ở chúng sanh, nó sanh khởi tùy thuộc hành động của nó và khi nó đã sanh thời các cảm xúc kích thích nó. Do vậy, Ta nói: "Các chúng sanh là thừa tự hạnh nghiệp của mình".

Và thế nào là nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng? Ở đây, có người làm thân hành có tổn hại và không tổn hại, làm khẩâu hành có tổn hại và không tổn hại, làm ý hành có tổn hại và không tổn hại. Sau khi làm thân hành có tổn hại và không tổn hại, khẩu hành có tổn hại và không tổn hại, ý hành có tổn hại và không tổn hại, vị này được sanh vào thế giới có tổn hại và không tổn hại. Vì được sanh vào thế giới có tổn hại và không tổn hại, vị này cảm xúc những cảm xúc có tổn hại và không tổn hại. Do cảm xúc những cảm xúc có tổn hại và không tổn hại, vị này cảm thọ những cảm thọ có tổn hại và không tổn hại, có lạc thọ, khổ thọ xen lẫn như một số loài người, một số chư thiên và một số chúng sanh trong đọa xứ. Như vậy, sự sanh khởi của một chúng sanh tùy thuộc ở chúng sanh, nó sanh khởi tùy thuộc hành động của nó và khi nó đã sanh thời các cảm xúc kích thích nó. Do vậy, ta nói: "Các chúng sanh là thừa tự hạnh nghiệp của mình".

Và thế nào là nghiệp không đen trắng đưa đến quả báo không đen trắng, nghiệp đưa đến sự đoạn tận các nghiệp? Ở đây, chỗ nào có ý chí đoạn trừ nghiệp đen đưa đến quả báo đen, chỗ nào có ý chí đoạn trừ nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng, chỗ nào có ý chí đoạn trừ nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng. Chỗ nào có ý chí như vậy được gọi là nghiệp không đen trắng đưa đến quả báo không đen trắng, nghiệp đưa đến sự đoạn tận các nghiệp. (TBK II, 119)

Xin lưu ý:
Các nghiệp đem đến tổn hại còn gọi là các bất thiện nghiệp và được gọi là nghiệp đen. Các nghiệp đem đến không tổn hại gọi là các thiện nghiệp và được gọi là nghiệp trắng. Chữ nghiệp ở đây là để chỉ cho nghiệp nhân, và chữ quả ở đây là để chỉ cho nghiệp quả. Thánh đạo tám ngành là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt.

9. Này Sariputta, có năm loại sanh thú này, thế nào là năm? Ðịa ngục, bàng sanh, ngạ quỉ, loài người và chư thiên. (TBK I, 172)

10. Và này các Tỷ kheo, thế nào là các nghiệp sai biệt? Này các Tỷ kheo, có nghiệp đưa đến cảm thọ địa ngục, có nghiệp đưa đến cảm thọ loài bàng sanh, có nghiệp đưa đến cảm thọ cõi ngạ qủi, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới loài người và có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới chư thiên. (TC II, 401)

Xin lưu ý:
Như vậy, chính chúng sanh tạo ra cõi dữ cho mình rồi phải tái sanh vào. Chính chúng sanh tạo ra cõi lành cho mình rồi được tái sanh vào. Không do một vị tạo hóa hay một vị thần nào đứng ra xét xử để cho đi tái sanh. Chính chúng sanh là chủ của nghiệp rồi chính chúng sanh là kẻ thừa tự của nghiệp mình tạo. Vì thế cần phải hết sức cố gắng làm lành, lánh dữ.

11. Này các gia chủ, do nhân hành phi pháp, hành phi chánh đạo, ở đây, có một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các gia chủ, có 3 loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo; có 4 loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo; có 3 loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo.

Thế nào là 3 loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo? Ở đây, này các gia chủ, có người sát sanh, tàn nhẫn, bàn tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình. Người này lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác hoặc ở thôn làng, hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy. Người ấy sống tà hạnh đối với các dục lạc, giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.

Thế nào là 4 loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo? Ở đây, này các gia chủ, có người vọng ngữ, đến chỗ tập hội hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì ngươi biết." Dẫu cho nó không biết, nó nói: "Tôi biết.", dẫu cho nó biết, nó nói: "Tôi không biết." Hay dẫu cho nó không thấy, nó nói: "Tôi thấy." hay dẫu cho nó thấy, nó nói: "Tôi không thấy." Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì. Và người ấy là người nói 2 lưỡi: nghe điều gì ở chỗ này, đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, nó ly gián những kẻ hòa hợp, hay xúi dục những kẻ ly gián, ưa thích phá hoại, vui thích phá hoại, thích thú phá hoại, nói những lời đưa đến phá hoại. Và người ấy là người nói lời thô ác. Bất cứ lời gì thô ác, tàn ác, khiến người đau khổ, làm người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến thiền định, người ấy nói những lời như vậy. Và người ấy là người nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chân, nói những lời phi nghĩa, nói những lời phi pháp, nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích.

Và thế nào là 3 loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo? Ở đây, này các gia chủ, có người có tham ái, tham lam tài vật của kẻ khác, nghĩ rằng: "Ôi mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình." Lại có người có tâm sân, khởi lên hại ý, hại niệm như sau:"Mong rằng những loại hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại." Lại có người có tà kiến, có tưởng điên đảo như: không có bố thí, không có kết quả của bố thí, không có tế lễ, không có cúng dường, các hành vi thiện ác không có kết quả dị thục, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trong đời không có các Samôn, Bàlamôn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và về cho đời sau. (TBK 1, 434)

Xin lưu ý:
Như vậy sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói phù phiếm, tham dục, sân hận và tà kiến là mười điều bất thiện. Thực hành mười điều này là tạo nên mười bất thiện nghiệp.

12. Này các gia chủ, do nhân hành đúng pháp, hành đúng chánh đạo, ở đây, có một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh cõi lành, cõi trời, cõi đời này.

Này các gia chủ, có ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo; có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo; có ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

Thế nào là ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Ở đây, này các gia chủ, có ngưỡi từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quí, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác hoặc ở thôn làng, hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy. Từ bỏ sống theo tà hạnh đối với các dục lạc, không giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở,có cha che chở,có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.

Và thế nào là bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Ở đây, này các gia chủ, có người từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, đến chỗ tập hội hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay dến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi:" Này người kia, hãy nói những gì ngươi biết". Nếu biết, người ấy nói: "Tôi biết", nếu không biết, người ấy nói: "Tôi không biết". Hay nếu thấy, người ấy nói: "Tôi thấy", nếu không thấy người ấy nói: "Tôi không thấy". Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ , hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì. Từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác. Những lời nói nhu nhòa, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, người ấy nói những lời như vậy. Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về pháp, nói những lời về luật, nói những lời đáng giữ gìn. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có lợi ích.

Và thế nào là ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Ở đây, này các gia chủ, có người không có tham ái, không có tham lam tài vật của kẻ khác, không nghĩ rằng:" Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình." Lại có người không có tâm sân, không khởi lên hại ý, hại niệm nhưng nghĩ rằng:" Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không oán thù, không nhiễu loạn, được an lạc, lo nghĩ tự thân. Có chánh kiến, có tưởng chân chánh như sau : có bố thí, có kết quả của bố thí, có tế lễ, có cúng dường, các hành vi thiện ác có kết quả dị thục, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trong đời có các Samôn, Bàlamôn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự trị, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và đời sau. (TBK I, 628)

Xin lưu ý:
Như vậy từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong dục vọng, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói thô ác, từ bỏ nói phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, từ bỏ tà kiến, có chánh kiến là mười điều thiện. Làm mười điều này là tạo nên mười nghiệp thiện.

13. Có năm nghịch tội này, này các Tỷ kheo, đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị. Thế nào là năm? Ðoạt mạng mẹ, đoạt mạng cha, đoạt mạng vị Alahán, với ác tâm làm thân Như Lai chảy máu và phá hòa hợp tăng. (TC II,154)

Xin lưu ý:
Như vậy người tu tập chớ có phạm vào năm nghịch tội này.

14. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là phá hòa hợp tăng? Ở đây, này Upali, các Tỷ kheo thuyết phi pháp là pháp, thuyết pháp là phi pháp; thuyết phi luật là luật, thuyết luật là phi luật; thuyết điều Như Lai không nói, không thuyết là điều Như Lai nói, Như Lai thuyết, thuyết điều Như Lai nói, Như Lai thuyết là điều Như Lai không nói, không thuyết; thuyết điều Như Lai không thường làm là điều Như Lai thường làm, thuyết điều Như Lai thường làm là điều Như Lai không thường làm; thuyết điều Như Lai không chế đặt là điều Như Lai chế đặt; thuyết điều Như Lai chế đặt là điều Như Lai không chế đặt.

Chính do 10 sự này, chúng phá hoại, chúng chia rẽ, chúng hành bất cộng yết ma, chúng tuyên đọc giới bổn khác biệt. Cho đến như vậy là chúng tăng bị phá hoại. (TC III, 371)

Xin lưu ý:
Người tu tập cầu tìm chánh pháp vi diệu, tuyệt đối chớ nên vi phạm một trong năm nghịch tội này. Khi nói pháp cần cẩn trọng để tránh phá hòa hợp tăng.

15. Này các Tỷ kheo, sát sanh được thực hiện, được tu tập, được làm cho viên mãn đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngã quỉ. Quả dị thục hết sức nhẹ của sát sanh là được làm người với tuổi thọ ngắn.

Lấy của không cho đuợc thực hiện được tu tập, được làm cho viên mãn đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngã quỉ. Quả dị thục hết sức nhẹ của lấy của không cho là đuợc làm người với sự tổn hại tài sản.

Tà hạnh trong các dục được thực hiện, được tu tập, được làm cho viên mãn đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngã quỉ. Quả dị thục hết sức nhẹ của tà hạnh trong các dục là được làm người với sự oán thù của kẻ địch.

Nói láo được thực hiện, được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngã quỉ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói láo là được làm người bị vu cáo không đúng sự thực.

Nói hai lưỡi được thực hiện, được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngã quỉ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói hai lưỡi là được làm người với bạn bè bị đổ vỡ.

Nói thô ác được thực hiện được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngã quỉ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói thô ác là được làm người và phải nghe những tiếng không khả ý.

Nói phù phiếm đựơc thực hiện, được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngã quỉ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói phù phiếm là được làm người và phải nghe những lời khó chấp nhận.

Uống rượu men rượu nấu được thực hiện, được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngã quỉ. Quả dị thục hết sức nhẹ của uống rượu men rượu nấu là được làm người với tâm điên loạn. (TC III, 95)

16. Này các Tỷ kheo, ai nói như sau: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, nó cảm thọ quả như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, thời không có đời sống phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt.

Và này các Tỷ kheo, ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, nó cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là như vậy, thời có đời sống phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt.

Ở đây, này các Tỷ kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa nó vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được trong đời sau, nói gì là nhiều.

Hạng người như thế nào, này các Tỷ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn và nghiệp ác ấy đưa nó vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn và nghiệp ác ấy đưa nó vào địa ngục.

Hạng người như thế nào, này Tỷ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ và nghiệp ác ấy đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được trong đời sau, nói gì là nhiều? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, nghiệp ác ấy đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được trong đời sau, nói gì là nhiều.

Ví như, này các Tỷ kheo, có người bỏ một nhúm muối vào trong một chén nước nhỏ, các ngươi nghĩ thế nào, nước trong chén nhỏ ấy có vì nhúm muối này trở thành mặn và không uống được không?

-Thưa có vậy, bạch Thế Tôn.
-Vì cớ sao?
-
Vì nước trong chén nhỏ này, bạch Thế Tôn, ít, do nhúm muối này, trở thành mặn không uống được.
-Còn này các Tỷ kheo, ví như có người bỏ một nhúm muối vào sông Hằng, các ngươi nghĩ thế nào, nước sông Hằng ấy có vìø nhúm muối này trở thành mặn và không uống được không?
-Thưa không, bạch Thế Tôn.
-Vì cớ sao?
-Lớn là cả nhóm nước sông Hằng này, bạch Thế Tôn. Nhóm nước ấy không vì nhúm muối này trở thành mặn và không uống được.
-Cũng vậy, này các Tỷ Kheo, ở đây, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn và nghiệp ác ấy đưa nó vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ Kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ và nghiệp ác ấy đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được trong đời sau, nói gì là nhiều. (TC I, 284)

Xin lưu ý:
Tính chất nghiệp quả là dị thục, có nghĩa là nghiệp nhân đã đổi khác đến độ thuần thục trở thành quả. Vì vậy có thể đoạn giảm mức độ tai họa của nghiệp ác bằng cách tu tập nghiệp thiện, bằng cách tu tập để không còn tâm ích kỷ nhỏ nhen, để tự ngã được rộng lớn, đạt được sự kham nhẫn lớn lao.

Thế nào là tự ngã? Thế Tôn dạy rằng: "Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết tự ngã: Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, có giữ giới, có đa văn, có bố thí, có trí tuệ, có biện tài. Nếu Tỷ-kheo biết như vậy, được gọi là vị biết tự ngã". (TC 3A, 113)

Như vậy là tu tập để tự ngã rộng lớn tức là tu tập phát triển sáu pháp: Tịnh tín, giới hạnh, bố thí, đa văn, trí tuệ và biện tài. Do viên mãn sáu pháp này, tâm ích kỷ cố chấp bị phá sạch do đó được gọi là tự ngã rộng lớn.

14. Nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến lạc thọ, nó sẽ cảm giác lạc thọ.

Nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến khổ thọ, nó sẽ cảm giác khổ thọ.

Nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến bất khổ, bất lạc thọ, nó sẽ cảm giác bất khổ, bất lạc thọ. (TBK III, 487)

17. Này Ànanda, người nào trong đời làm 10 điều bất thiện, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục thì hoặc là do một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do nó làm lúc trước, hay là do một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do nó làm về sau hay trongkhi mệnh chung, một tà kiến được nó chấp nhận và chấp chặt.

Ở đây, này Ànanđa, người nào trong đời làm 10 điều bất thiện, sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào cõi lành, cõi trời, cõi đời này, thì hoặc là do một thiện nghiệp đưa đến cảm giác lạc thọ do nó làm lúc trước, hay do một thiện nghiệp đưa đến cảm giác lạc thọ do nó làm về sau hay trong khi mệnh chung một chánh kiến được nó chấp nhận và chấp chặt.

Này Ànanđa, người nào trong đời làm 10 điều thiện, sau khi thân hoại mệnh chung được sanh vào cõi lành, cõi trời, cõi đời này, thì hoặc là do một thiện nghiệp đưa đến cảm giác lạc thọ do nó làm lúc trước, hay do một thiện nghiệp đưa đến cảm giác lạc thọ do nó làm về sau, hay trong khi mệnh chung một chánh kiến được nó chấp nhận và chấp chặt.

Này Ànanđa, người nào trong đời làm 10 điều thiện, sau khi thân hoại mệnh chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục thì hoặc là do một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do nó làm lúc trước, hay do một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do nó làm về sau, hay trong khi mệnh chung một tà kiến được nó chấp nhận và chấp chặt.

Như vậy, này Ànanđa, có nghiệp vô hữu tợ vô hữu, có nghiệp vô hữu tợ hữu, có nghiệp hữu tợ hữu và có nghiệp hữu tợ vô hữu. (TBK III, 495)

Xin lưu ý:
Như vậy, việc tái sanh vào cõi dữ là do một trong ba nguyên nhân sau: hoặc là do một ác nghiệp cũ trổ quả lúc tái sanh, hoặc là do một ác nghiệp mới làm sau này trổ quả lúc tái sanh, hoặc là chấp nhận và chấp chặt một tà kiến lúc thân hoại mạng chung.

Còn việc tái sanh lên cõi lành là do một trong ba nguyên nhân sau: hoặc là do một thiện nghiệp cũ trổ quả lúc tái sanh, hoặc là do một thiện nghiệp mới làm sau này trổ quả lúc tái sanh, hoặc là chấp nhận và chấp chặt một chánh kiến lúc thân hoại mạng chung.

18. Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu.

Này thanh niên, con đường đưa đến đoản thọ tức là sát sanh, tàn nhẫn, bàn tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.

Con đường đưa đến trường thọ tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quí, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.

Con đường đưa đến nhiều bệnh hoạn tức là tánh hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.

Con đường đưa đến ít bệnh hoạn tức là tánh không hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy hay với cây đao.

Con đường đưa đến xấu sắc tức là phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn.

Con đường đưa đến đẹp sắc tức là không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dẫu cho bị nói nhiều cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, không tỏ lộ phẫn nộ, sận hận, bất mãn.

Con đường đưa đến quyền thế nhỏ tức là tật đố, đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, sanh tật đố, sanh tâm, ôm ấp tâm tật đố.

Con đường đưa đến quyền thế lớn tức là không tật đố, đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, không sanh tật đố, không sanh tâm, không ôm ấp tâm tật đố.

Con đường đưa đến tài sản nhỏ tức là không bố thí cho Samôn hay cho Bàlamôn đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.

Con đường đưa đến nhiều tài sản tức là có bố thí cho Samôn hay cho Bàlamôn đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.

Con đường đưa đến gia đình hạ liệt là ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với những người đáng đứng dậy, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những người đáng nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng tôn trọng, không cúng kính những người đáng cung kính, không cúng dường những người đáng cúng dường.

Con đường đưa đến gia đình cao quí là không ngạo nghễ, quá mạn, đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, đứng dậy đối với những người đáng đứng dậy, mời ngồi những người đáng mời ngồi, nhường chỗ đi cho những người đáng nhường chỗ đi, tôn trọng những người đáng tôn trọng, cung kính những người đáng cung kính, cúng dường những người đáng cúng dường.

Con đường đưa đến trí tuệ yếu kém tức là sau khi đi đến Samôn hay Bàlamôn không hỏi: "Thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không được lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?"

Con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ là sau khi đi đến Samôn hay Bàlamôn có hỏi:" Thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không được lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?" (TBK III, 475)

Xin lưu ý:
Như vậy con đường đưa đến trường thọ hay đoản thọ, ít bệnh hay nhiều bệnh, dung sắc đẹp hay dung sắc xấu, có quyền thế lớn hay có quyền thế nhỏ, có tài sản lớn hay có tài sản nhỏ, sanh vào gia đình cao quí hay sanh vào gia đình hạ liệt, có trí tuệ yếu kém hay được đầy đủ trí tuệ, đều là kết quả của những hạnh nghiệp đã làm tương ứng.

19. Có ba nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba? Tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp, sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp, si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.

Phàm nghiệp nào được làm vì tham, sanh ra từ tham, duyên khởi từ tham, tập khởi từ tham. Tại chỗ nào tự ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục, chỗ nào nghiệp ấy được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong hiện tại, hay trong đời sống kế tiếp hay trong một đời sau nữa.

Phàm nghiệp nào được làm vì sân, sanh ra từ sân, duyên khởi từ sân, tập khởi từ sân. Tại chỗ nào tự ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục, chỗ nào nghiệp ấy được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong hiện tại, hay trong đời sống kế tiếp hay trong một đời sau nữa.

Phàm nghiệp nào được làm vì si, sanh ra từ si, duyên khởi từ si, tập khởi từ si. Tại chỗ nào tự ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục, chỗ nào nghiệp ấy được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong hiện tại, hay trong đời sống kế tiếp hay trong một đời sau nữa. (TC I, 150)

Xin lưu ý:
Như vậy, một nghiệp đã làm sẽ đưa đến kết quả ngay trong kiếp hiện tại hoặc trong kiếp sống kế tiếp hay trong một kiếp sau nữa.

Suy ra thì phước hay họa đến với chúng ta ở kiếp này hoặc là do một nghiệp chúng ta đã làm ngay trong kiếp này, hoặc do một nghiệp chúng ta đã làm ở kiếp trước, hoặc ở một kiếp trước nữa. Vì thế việc làm lành tránh dữ ở ngay trong hiện tại vẫn là rất cần thiết.

Tham, sân, si là ba nguyên nhân gây nên ác nghiệp, gây nên bất thiện nghiệp do đó cần cố gắng đoạn trừ tham sân si trong khi tu tập.

20. Có ba nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba? Không tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp, không sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp, không si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.

Phàm nghiệp nào được làm vì không tham, sanh ra từ không tham, duyên khởi từ không tham, tập khởi từ không tham, vì rằng tham được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây Tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.

Phàm nghiệp nào được làm vì không sân, sanh ra từ không sân, duyên khởi từ không sân, tập khởi từ không sân, vì rằng sân được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây Tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.

Phàm nghiệp nào được làm vì không si, sanh ra từ không si, duyên khởi từ không si, tập khởi từ không si, vì rằng si được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây Tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. (TC I, 151)

Xin lưu ý
Tham sân si ví như sức gió thổi đẩy thuyền đi xa bờ. Càng xa bờ bao nhiêu, ví như nghiệp được tạo nhiều bấy nhiêu. Không tham, không sân, không si ví như sức chèo chống đưa thuyền lại gần bờ. Càng gần bờ bao nhiêu, ví như nghiệp được đoạn tận nhiều bấy nhiêu.

* * *

Ðến đây chúng ta có thể tóm lược lý thuyết nghiệp quả luân hồi như sau:

1. Chính ta là chủ nhân của nghiệp, chính ta tạo nghiệp.

2. Chính ta phải thừa tự nghiệp đã tạo, chính ta thọ hưởng quả báo của nghiệp.

3. Nghiệp lành đưa đến quả lành, tức là phước báu.

4. Nghiệp dữ đưa đến quả dữ, tức là tai họa.

5. Suy tư chính là nghiệp. Sau khi suy tư, tạo các nghiệp về thân, về lời, về ý.

6. Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong dục vọng, nói láo, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến là mười nghiệp dữ.

Không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong dục vọng, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói thô ác, không nói phù phiếm, không tham dục, không sân hận, không tà kiến là mười nghiệp lành.

Tham dục ở đây là thèm muốn của người khác. Sân hận là ghét giận muốn người bị hại. Tà kiến ở đây là tin và chấp nhận những ý kiến sai khác mâu thuẫn với lý thuyết nghiệp quả luân hồi do Thế Tôn thuyết giảng.

7. Trong diễn biến tạo các nghiệp thì ý nghiệp là quan trọng nhất.

8. Cõi dữ là do kết quả của nghiệp dữ tương xứng. Cõi lành là do kết quả của nghiệp lành tương xứng.

9. Có ba cõi dữ: địa ngục, ngạ quỉ và bàng sanh. Có hai cõi lành: loài người và chư thiên.

10. Ngũ nghịch đại tội là nghiệp dữ ghê gớm nhất, nếu phạm vào chắc chắn sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào đọa xứ, địa ngục.

11. Quả của nghiệp đã tạo mang tính chất dị thục, nghĩa là không giống hệt nghiệp nhân đã tạo và khi chín muồi mới kết thành quả.

Vì thế hai người cùng tạo một nghiệp ác nhỏ mọn giống nhau mà một người thì rơi vào địa ngục, còn người kia thì cảm thọ khổ ít oi ngay trong kiếp hiện tại.

Nếu tâm có được tu tập thì mức độ nghiệp quả sẽ giảm nhẹ đi. Nếu đạt được tâm giải thoát thì nghiệp quả sẽ rất nhẹ. Vì thế mới có sự giải thoát.

12. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là nghiệp cũ. Hiện tại phàm làm gì với thân, với lời, với ý là nghiệp mới. Do đó phải cảnh giác mỗi khi làm, nói hay suy nghĩ để tránh gây nghiệp xấu.

Nếu có ai dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp hay ý nghiệp, có khả năng đưa đến loại cảm thọ nào, nó sẽ cảm xúc loại cảm thọ ấy.

13. Thánh đạo tám ngành là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt.

14. Chấp nhận và chấp chặt tà kiến lúc mệnh chung sẽ bị tái sanh ngay vào cõi dữ.

15. Giữ vững được chánh kiến lúc mệnh chung thì chắc chắn tái sanh ngay vào cõi lành.

Vì vậy cần đạt được chánh kiến để có điều kiện tiếp tục tu tập ở kiếp sau nếu chưa giải thoát.

Ở cõi dữ không thể tu tập được vì ở đây không có thiện pháp, chỉ có kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu.

16. Một nghiệp đã làm sẽ phải cảm thọ kết quả ngay trong kiếp này hoặc một kiếp tới hoặc môït kiếp sau nữa.

17. Một nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập nếu chưa cảm thọ kết quả, thời các nghiệp ấy không có chấm dứt.

18. Tham sân si gây nên sự hình thành của nghiệp.

Không tham, không sân, không si gây nên sự đoạn diệt của nghiệp.

Do đó, việc tu tập hướng đến giải thoát phải dựa trên căn bản ly tham, ly sân, ly si.

Tri kiến về nghiệp quả luân hồi là chánh kiến hữu lậu.

Chánh kiến hữu lậu có năm tính chất:

1. Thiết thực hiện tại
2. Có quả tức thời
3. Ðến để mà thấy
4. Có khả năng hướng thượng
5. Ðược người trí tự mình giác hiểu.

Nếu tin vào nghiệp quả luân hồi thì khi gặp tai họa sẽ can đảm chấp nhận, như người đã phạm lỗi lầm không tránh né trách nhiệm của mình. Nhờ tinh thần này đau khổ sẽ đoạn giảm. Như vậy là "thiết thực hiện tại".

Nếu tin vào nghiệp quả luân hồi thì sẽ cố gắng làm lành lánh dữ, do đó được sống an lạc vì tâm không bứt rứt ăn năn. Như vậy là "có quả tức thời".

Nếu tin vào nghiệp quả luân hồi và thực hành con đường đoạn giảm nghiệp bằng cách đoạn giảm tham sân si thì sẽ tự chứng được tình trạng thân tâm an lạc. Như vậy là "đến để mà thấy".

Nếu tin vào nghiệp quả luân hồi và thực hành theo thì tâm sẽ bớt dần tham sân si, nhờ đó tâm sẽ được trong sáng hơn, định tĩnh hơn, nhu thuận hơn. Như vậy là "có khả năng hướng thượng".

Nếu tin vào nghiệp quả luân hồi và thực hành theo, đồng thời trong khi sống thực hành lại tích cực tìm hiểu thêm, suy gẫm, ấn chứng vào cuộc sống thực tế thì sẽ thấy rõ dần tính chất hợp lý xác thực của lý thuyết này. Như vậy là "người trí tự mình giác hiểu".

Ðể có thể thành tựu chánh kiến hữu lậu, cần phải thường xuyên:

1. Như lý tác ý: tức là tác ý đến Ðức Phật và lời dạy của Ngài về nghiệp quả luân hồi.

2. Chánh niệm tỉnh giác: tức là tỉnh táo rõ biết và thường xuyên ghi nhớ được các tri kiến về nghiệp quả luân hồi.

3. Phòng hộ tâm yù: tức là ngăn ngừa để tâm không bị rơi vào tình trạng nhẹ dạ dễ tin, cũng không để tâm lang thang với các suy tư phù phiếm, vô bổ. Bất cứ tri kiến nào do nghe được hoặc do đọc thấy được, hoặc do tự tâm khởi lên, cũng cần phải quán sát với trí tuệ trước khi chấp nhận. Nếu thấy trái với lời dạy về nghiệp quả luânhồi thì phải phân tích kỹ xem tri kiến này phi lý ở điểm nào rồi khởi tâm từ bỏ.

Xin lưu ý:
Sự hiểu biết thấu đáo cộng với lợi ích thiết thực hiện tại mà tự thân cảm nhận được sẽ củng cố niềm tin vào lý thuyết nghiệp quả luân hồi.

* * *

Từ xưa đến nay có rất nhiều người với trí tuệ tự mình, sau khi nghe biết được lời giảng dạy của Thế Tôn về sự bất hợp lý và sự nguy hại của tà kiến, về sự hợp lý và sự ích lợi của chánh kiến, xúc cảm về những nhận thức mới, khởi tâm phát nguyện qui y:

"Thật vi diệu thay, thưa tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con nay xin qui y tôn giả Gotama, qui y Pháp và qui y Tỷ-kheo tăng. Mong tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cho đến khi mệnh chung. Con xin trọn đời qui ngưỡng." (TC I, 250)

* * *

"Không làm các điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy".
(Kinh Pháp Cú, 183)

Nơi nước đọng bùn nhơ,
Kết sen hồng thanh khiết,
Cõi hoặc khổ nguy nàn,
Thị hiện đệ tử Phật,
Trí tuệ sáng nhân gian".
(Suối Nguồn Vi Diệu, 58-59, Phạm Thiên Thư)

-ooOoo-

(Trích "VƯỢT KHU RỪNG RẬM TÀ KIẾN" trong chủ đề "SỰ THẬT VỀ CON ÐƯỜNG ÐƯA ÐẾN KHỔ DIỆT" gồm 4 tập:

1. VƯỢT KHU RỪNG RẬM (TÀ KIẾN)
2. QUA RẶNG NÚI CAO (ÁC GIỚI)
3. BỐN NGUỒN NƯỚC MÁT
4. THOÁT LỚP SƯƠNG MÙ

do Nguyên Bình trích dẫn từ kinh tạng Pali do Tỷ Kheo Thích Minh Châu Việt dịch).

Nguyên Bình
(30-12-2001)


Ghi Chú (về xuất xứ các đoạn kinh được trích dẫn):

Trường BK : Trường Bộ Kinh, ấn bản năm 1972
TBK : Trung Bộ Kinh, ấn bản năm 1982
TC : Tăng Chi Bộ Kinh, ấn bản năm 1981
TƯ : Tương Ưng Bộ Kinh, ấn bản năm 1982
Kinh Tập : Tập Kinh Kinh Tập, ấn bàn năm 1982
PTNV : Tập Kinh Phật Thuyết Như Vậy, ấn bản năm 1982
KPTT : Tập Kinh Phật Tự Thuyết, ấn bản năm 1982

Thí dụ:
(TƯ 3, 64) : Tương Ưng Bộ Kinh, Tập 3, trang 64
(TKB I, 294) : Trung Bộ Kinh, Tập I, trang 294

-ooOoo-

Chân thành cám ơn anh Trương Đăng Hiếu đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 09-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 29-09-2002