BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thương yêu là thông cảm

Bình Anson

NXB Tôn Giáo
TL. 2005 - PL. 2549


  

-10-

Thân bệnh, Tâm an

Tỳ-khưu Visuddhicara
Bình Anson trích dịch

"Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, là bệnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, lại tự cho là không bệnh, dù chỉ trong một giây phút, người ấy là người ngu dại. Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: 'Dù cho thân tôi có bệnh, tâm tôi sẽ không bị bệnh'. Này Gia chủ, Gia chủ cần phải tu tập như thế."

-- (Tương Ưng, 22.1).

Tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ về cái chết với bất cứ ai quan tâm muốn tìm hiểu về vấn đề này. Suy nghĩ về cách thức chúng ta có thể trực diện với cái chết - can đảm, thanh thản, tỉnh thức, và với một nụ cười, nếu muốn. Suy nghĩ về cách đương đầu với khổ đau, cách sống bằng trí tuệ và lòng từ bi, hay bằng nhiều phương pháp mà chúng ta có thể tu tập cho đến khi ta chết.

Thông thường, người ta không thích nói về cái chết. Chúng ta cảm thấy khó chịu mỗi khi chủ đề này được đề cập, nhất là vào những dịp vui như sinh nhật hay ngày Tết đầu năm. Nhiều người tin rằng nếu đề cập đến chữ "Chết" vào những dịp đó là có thể gây tai hại và mang đến sự rủi ro, xui xẻo, chết chóc! Theo thiển ý, tôi cho rằng chúng ta nên thường xuyên suy ngẫm về cái chết, ngay cả trong những dịp vui đó. Tại sao? Bởi vì qua một ngày sinh, qua một năm mới, ta không trẻ hơn nhưng lại già đi, và năm tháng trôi qua đang đưa ta đến gần nhà mồ. Khi suy ngẫm như thế, chúng ta có thể nhân dịp đó thẩm định lại đời sống mình, xét lại vị trí của mình, xem mình có đi đúng hướng hay không - hướng của trí tuệ và từ bi.

Là một nhà sư, tôi thường hành thiền quán về cái chết. Việc này nhắc nhở tôi sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn, không uổng phí ngày giờ vô ích, nhưng tôi phải thú nhận thỉnh thoảng tôi có lãng phí thì giờ quý báu, vì tâm tôi đôi khi rất bướng bỉnh và lười biếng. Tuy nhiên, do quán soi thường xuyên về cái chết, tôi tự nhắc nhở rằng mình phải dành nhiều thì giờ hành thiền tinh tấn hơn nữa, để thanh lọc những ô nhiễm của tham, sân và si trong tâm.

Ðức Phật khuyên chúng ta nên thường xuyên suy ngẫm về cái chết mỗi ngày hay vào bất cứ lúc nào. Việc đó làm khơi dậy trong chúng ta sự tỉnh thức bức xúc - ý thức cấp bách để phấn đấu tích cực hơn nữa, nhằm loại bỏ khổ đau do tâm ô nhiễm mang lại.

Khi chúng ta bàn luận công khai, hiểu biết rõ ràng về cái chết, ta sẽ chấp nhận đó là chuyện bình thường. Chúng ta biết cách đối phó với nó tốt hơn. Ðiều này rất quan trọng, đơn giản là vì tất cả chúng ta đều phải chết. Không ai có thể thoát khỏi cái chết. Và nếu chúng ta không thể hiểu biết cái chết ngay bây giờ, làm sao chúng ta có thể hiểu vấn đề đó khi chúng ta nằm trên giường lúc lâm chung, vào lúc sắp thở hơi cuối cùng? Lúc đó, làm sao chúng ta thể vượt qua được sợ hãi và bối rối? Cho nên, tốt hơn là chúng ta học hỏi rốt ráo về cái chết ngay bây giờ.

Xin chào Tử thần

Một ngày nào đó khi tôi chết, tôi muốn chết với một nụ cười trên môi. Tôi muốn ra đi bình thản, chào tử thần như một người bạn, có thể nói vui vẻ: "Xin chào Tử thần, và xin chào từ biệt cõi đời". Tôi sẽ ra đi thanh thản với nụ cười trên môi. Cái chết êm đẹp biết bao! Tất cả những người xúm quanh tôi không cần phải khóc. Họ nên vui vẻ vì thấy tôi đang mỉm cười. Cái chết chẳng là cái gì mà phải sợ hãi. Hãy đối xử cái chết như một người bạn. Hãy sẵn sàng nói lời chào tử thần và chào từ biệt cõi đời.

Ðương nhiên, không ai thoát khỏi cái chết. Tất cả chúng ta đều phải ra đi. Như Ðức Phật đã nói: "Ðời sống mong manh, bất định, nhưng cái chết là điều chắc chắn". Trong cuộc sống, chúng ta thường đau khổ khi chia lìa xảy ra với cái chết của một người thân. Khi còn bé, tôi thường khóc than đau khổ và đắng cay mỗi khi trong gia đình có người thân qua đời - ông bà tôi, cha tôi, anh tôi, và tôi thường trách móc Thượng Đế. Sau nầy, khi lớn lên và có chút ít hiểu biết về đạo Phật, tôi không còn cảm thấy khổ sở nhiều như trước nữa. Tôi hiểu rằng không có một vị Thượng Ðế nào đến bắt các thân nhân của tôi để mang về cõi chết. Nếu chúng ta chấp nhận sự sống, chúng ta phải chấp nhận cái chết. Chết là phần thiết yếu của sự sống. Như Ðức Phật đã dạy, chính vô minh đã làm cho vạn vật lẩn quẩn trong vòng khổ đau, và chúng ta cứ trôi lăn hết kiếp này đến kiếp khác theo những hành vi của chúng ta. Thiện nghiệp đem đến điều lành và ác nghiệp đem đến điều xấu. Những lời dạy của Ðức Phật giúp tôi hiểu rõ thêm về bản chất của mọi sự việc trên đời.

Về sau này, là một nhà sư, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh bệnh hoạn, chết chóc. Khi đến thăm người bệnh, tôi thông cảm với họ. Tôi cố gắng hết mình để an ủi họ. Tôi tụng kinh cầu an, những bài kinh ghi lại lời Phật dạy. Tôi thường nói với họ lời Ðức Phật: "Thân bệnh nhưng đừng để tâm bệnh". Ta có thể không làm được gì nhiều cho thân, nhưng ta có thể làm được gì đó cho tâm. Ta có thể giữ tâm bình tĩnh khi đau yếu, bệnh hoạn. Ta có thể theo dõi sự tăng giảm của cơn đau, nó đến và đi, sinh diệt như thế nào. Ta có thể hiểu biết bản chất của khổ đau. Ta có thể đối mặt với nó và học hỏi từ nó. Đây chính là một cuộc thử nghiệm - làm sao để hiểu rõ bản chất của sự sống, làm sao để hiểu rõ rằng không có cái "ngã" thường còn nơi đây, mà chỉ có sự thay đổi liên tục của sinh và diệt, giống như dòng sông trôi chảy bất tận; làm sao để hiểu rõ chính vô minh, tham ái, luyến chấp, sân hận, sợ sệt, v.v. của chúng ta là nguyên nhân của khổ đau.

Bằng sự hiểu biết đó, chúng ta điềm nhiên đón nhận cái đau đớn. Ta xem điều đó là chuyện bình thường. Ta có thể giữ bình tĩnh và ôn hòa, thậm chí không một chút gì ngã lòng, thất vọng. Ta có thể mỉm cười ngay cả trong lúc đau đớn, và cơn đau có thể dịu đi được phần nào.

Chánh Niệm khi đau bệnh

Ngày hôm qua, một vị sư bạn tôi vừa qua đời. Ngài bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối cùng trong tám tháng qua. Tôi đến thăm vài ngày trước khi ngài chết. Lúc đó, ngài đang ở trong cơn đau đớn khốc liệt. Tôi cố gắng giúp ngài dùng một ít nước canh nhưng ngài không ăn được. Trông ngài rất hốc hác, tiều tụy, và hầu như không nói được. Bệnh ung thư đã tàn phá thân thể ngài, và không phải là một điều dễ dàng để giữ tinh thần được bình tĩnh và thanh thản. Nhưng tôi biết ngài là một người có mức thiền định vững vàng, và tôi chắc chắn ngài luôn tinh tấn hành thiền trong những giờ phút cuối cùng này.

Tôi nhớ lại một dịp khác khi đến thăm một cụ già bị bệnh nan y. Cụ đang ở trong cơn đau dữ dội. Ðau đớn hiện rõ trên nét mặt cụ. Có những giọt mồ hôi trên trán và mặt cụ. Tôi dùng khăn nhẹ nhàng lau mồ hôi cho cụ. Tôi ghé vào tai cụ thì thầm nhắc nhở cụ giữ chánh niệm, quán sát cơn đau càng điềm tĩnh càng tốt, vì khi còn khỏe mạnh, cụ là một thiền sinh tinh tấn. Tôi cảm thấy vui khi nhìn thấy vẻ đau đớn biến mất trên mặt cụ. Một lúc sau đó, khi thân nhân đến thăm thì tôi ra về. Một vài giờ sau, cụ qua đời. Tôi vui vì đã có thể giúp cụ một chút gì đó trước khi cụ mất.

Mặc dù ta thấy có hạnh phúc trong cuộc sống, nhưng vẫn có khổ đau đi kèm. Hạnh phúc hình như rất phù du - nó ra đi không đợi chờ, để rồi được thay thế bằng phiền muộn và bất thỏa lòng. Bởi vì sự sống kết thúc bằng cái chết, nên tự nó là một thảm kịch. Có người nói đời sống giống như một củ hành: khi bạn bóc ra, nó làm bạn chảy nước mắt. Ðức Phật nói sinh là khổ đau, vì sinh dẫn đến suy tàn và chết. Chúng ta nên hiểu rõ điều này. Nếu ta chấp nhận sự sống, ta phải chấp nhận cái chết. Nếu ta khóc khi người nào đó chết, ta cũng nên khóc vào lúc người ấy chào đời. Vào lúc đứa trẻ sinh ra, mầm mống của cái chết đã ở trong nó. Nhưng ta lại mừng rỡ khi đứa trẻ được sinh ra. Chúng ta cười vui và chúc mừng cha mẹ đứa bé. Nếu ta hiểu sinh là sẽ dẫn đến chết, thì khi cái chết đến, ta có thể đối mặt với nó bằng một nụ cười.

Nhìn con người chết trong đau đớn ra sao, thân thể của họ bị suy sụp vì bệnh tật, và thấy tất cả đời sống phải kết liễu bằng cái chết, tôi phát tâm làm hai điều: Thứ nhất, đến lúc chết, tôi muốn chết với nụ cười trên môi. Tôi muốn mình có thể giữ chánh niệm và được thanh thản. Nói một cách khác tôi muốn giữ bình tĩnh. Tôi muốn có thể vẫn mỉm cười, dù cái đau đớn hành hạ tôi đến thế nào đi nữa. Tôi muốn có thể mỉm cười với tất cả khách khứa, bạn bè đến thăm viếng. Tôi muốn có thể mỉm cười với tất cả bác sĩ và y tá đang săn sóc tôi. Tôi muốn có thể mỉm cười với những bệnh nhân khác để giúp họ được an vui, thanh thản. Thứ hai, nhận thấy được sự kiện loài người chúng ta và muôn loài chúng sinh khác đều chịu quá nhiều khổ đau, tôi nghĩ rằng việc tối thiểu mà chúng ta có thể làm được khi còn sống là góp phần vào việc giảm bớt khổ đau chung quanh ta.

Ðức Phật dạy rằng mọi thứ trên thế gian này đều vô thường. Nếu hành thiền tinh tấn, ta có thể hiểu sâu xa hơn về sự thật của vô thường, và sẽ không bị trói buộc vào tâm và thân này. Ta biết chắc chắn thân này không phải của ta, tâm này cũng chẳng phải của ta. Hiểu biết như thế, ta sẽ xả bỏ. Ta không bị trói buộc vào những thứ dục lạc thô kệch của đời sống. Ta sống khôn ngoan hơn. Ta đón nhận tuổi già một cách an nhiên. Và ta không sợ chết.

Ðức Phật nói khổ đau gắn liền với đời sống. Chúng ta phải học hỏi cách tiếp cận và vượt qua nó. Chỉ bằng cách áp dụng chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày và hành thiền đều đặn, chúng ta mới có thể thâm nhập vào chân lý của khổ đau. Khi thông hiểu được khổ đau một cách sâu đậm, ta sẽ tinh tấn để loại bỏ nguyên nhân của nó. Đó là tham ái, những trói buộc của đời sống, những cám dỗ của cảnh tượng hấp dẫn, âm thanh dịu dàng, mùi vị dễ chịu, và xúc chạm êm đềm. Chúng ta sẽ cố gắng thanh tịnh tâm, loại trừ các ô nhiễm.

Ðức Phật dạy rằng khi tâm ta được tẩy sạch tham, sân và si, ta sẽ vượt qua được tất cả mọi khổ đau. Chúng ta sẽ không bao giờ phản ứng lại bằng luyến chấp và sân hận. Thay vào đó, sẽ có trí tuệ và từ bi trong ta. Chính điều này là chấm dứt khổ đau. Không bám víu nữa, ta sẽ không bao giờ khổ đau. Cả đến cơn đau thể xác cũng không làm tinh thần nao núng, vì tâm không phản ứng bằng ác cảm và sân hận. Tâm sẽ bình an, chấp nhận và hiểu biết. Khi ta chết trong lúc có trí tuệ và an định này, Ðức Phật nói điều đó là sự chấm dứt khổ đau. Không còn tái sinh, không còn trở lại vòng sinh tử. Nếu không có tái sinh, sẽ không có suy tàn, chết chóc, và phiền khổ. Chấm dứt! Hạ màn! Toàn thể khổ não được dập tắt. Lúc đó, ta có thể nói giống như các vị thánh thời xưa đã tuyên bố: "Làm được điều đáng phải làm. Ðã được sống một cuộc đời thánh thiện".

Dĩ nhiên, ngay bây giờ chúng ta vẫn còn ở xa mục tiêu, nhưng người xưa có câu: "Hành trình ngàn dậm bắt đầu bằng một bước đi". Cho nên tôi là người lạc quan. Vâng, tôi là một Phật tử và là một người lạc quan; tôi tin rằng mỗi bước đi trên con đường chánh niệm sẽ mang ta đến gần mục tiêu hơn - mục tiêu Niết Bàn, sự kết thúc của mọi khổ đau. Là một người lạc quan, tôi thường nghĩ rằng sớm hay muộn, chúng ta sẽ đạt đến đó.

Ðối phó với bệnh tật

Chúng ta không nên xem bệnh tật và khổ đau như là một tác nhân nào đó có nhiều quyền lực tiêu diệt ta, khiến cho ta bó tay đầu hàng trong tuyệt vọng. Ngược lại, là Phật tử, chúng ta nên xem đó như là cuộc trắc nghiệm để ta hiểu lời dạy của Đức Phật đến mức nào, xem ta áp dụng sự hiểu biết về Phật Pháp như thế nào. Nếu ta không thể đương đầu bằng ý chí, nếu ta suy sụp, điều đó chứng tỏ rằng mức hiểu biết đạo pháp, sự tu tập của mình vẫn còn yếu kém.

Bệnh hoạn cũng là cơ hội giúp ta tu tập hạnh kiên nhẫn và bao dung. Làm sao ta có thể thực hành và phát triển các hạnh Ba-la-mật, như hạnh Nhẫn ba-la-mật, nếu ta không bị thử thách, không bị đặt vào những hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt?

Chúng ta cũng có thể xem sức khỏe không phải chỉ là sự vắng bóng của bệnh tật, mà còn là khả năng chịu đựng và lướt qua cơn bệnh. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ tận lực cố gắng chữa trị bệnh của mình. Nhưng nếu cơn bệnh trầm kha tiếp tục gia tăng, và không còn phương thức y học hiệu lực nào nữa, chúng ta nên chấp nhận và cam chịu với điều không thể tránh được.

Phân tích đến cùng, điều quan trọng không phải là chúng ta sống thọ bao lâu mà là chúng ta sống tốt đẹp được bao nhiêu, kể cả cách ta chấp nhận bệnh tật dễ dàng đến mức nào, và sau cùng chúng ta có thể chết thanh thản như thế nào.

Thật là tuyệt vời khi cuộc đời của chúng ta có thể được chữa lành, cho dù bệnh tật của mình không thể cứu chữa được. Tại sao? Bởi vì khổ đau là thầy giáo, và nếu chúng ta học kỹ bài học, chúng ta trở thành một người tốt hơn. Chẳng phải chúng ta đã từng nghe nhiều câu chuyện về những người chịu nhiều đau khổ, rồi thoát qua được, để trở thành một người tốt đẹp hơn? Nếu những người đó trước kia có tánh nóng nảy, ích kỷ, kiêu ngạo và thiếu suy nghĩ, giờ đây, sau cơn bệnh, họ trở thành kiên nhẫn, tốt bụng, tử tế và khiêm hạ hơn. Đôi khi họ nói rằng cơn bệnh là điều tốt cho họ, nó cho họ một cơ hội xem xét lại cách sống và những giá trị quan trọng hơn trong đời. Họ quý trọng gia đình và bạn bè hơn, và biết đánh giá cao thời gian họ dành cho những người thân yêu. Và khi lành bệnh, họ dành nhiều thời gian hơn cho người thân và làm những việc thật sự quan trọng và có ý nghĩa.

Ngay cả nếu chúng ta không thể hoàn toàn chữa trị được cơn bệnh, chúng ta vẫn có thể học hỏi, để từ đó vươn lên. Chúng ta hiểu được sự mong manh của cuộc đời và thấy lời dạy của Đức Phật đúng như thế nào - rằng cuộc đời trên thế gian này là không toàn hảo. Chúng ta trở nên tử tế hơn và cảm niệm nhiều hơn về lòng từ ái do người khác mang đến. Chúng ta sẵn sàng tha thứ những người đã làm khổ mình. Chúng ta thương yêu rộng rãi và sâu đậm hơn. Và khi cái chết đến, chúng ta chấp nhận ra đi trong an bình. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng cuộc đời chúng ta đã được chữa lành, bởi vì chúng ta hòa hợp với thế giới và chúng ta được thanh thản.

Hành thiền trong mọi tình huống

Khi bị bệnh và nằm liệt giường, chúng ta không nên thất vọng, nản chí. Ta vẫn có thể hành thiền khi nằm trên giường. Ta quan sát tâm và thân của mình. Ta vun bồi sự định tâm và sức mạnh bằng cách quán niệm hơi thở. Ta theo dõi hơi thở, thở vào và thở ra. Ta có thể quan sát bụng phồng lên và xẹp xuống khi thở vào và khi thở ra. Ta chú tâm vào chuyển động phồng xẹp, và hòa nhập với nó. Việc này giúp ta được an định. Từ sự an định này, trí tuệ được phát sinh. Ta nhìn thấy tính nhất thời và hủy diệt của tất cả mọi hiện tượng, và từ đó, thấu hiểu sự thật về vô thường, bất toại nguyện và vô ngã.

Nếu chúng ta đã học tập và biết cách áp dụng hành thiền quán niệm, thời gian có thể trôi qua dễ dàng. Ta có thể quán sát nhiều đề mục trong bất cứ tư thế nào, dù nằm, ngồi, đi hay đứng. Ta quán sát tư thế, oai nghi của mình, và ghi nhận các cảm giác phát sinh trong thân. Quán sát chúng với tâm ổn cố và bình thản. Thêm vào đó, tâm cũng là đề mục để quán niệm. Ta quán sát, ghi nhận các trạng thái của tâm: buồn bã, thất vọng, bồn chồn, lo lắng, suy tư, v.v. Chúng sinh khởi rồi tàn diệt, nhường chỗ cho tỉnh giác, an lạc và minh triết. Trạng thái thiện và bất thiện đến rồi đi. Chúng ta có thể quán sát tất cả bằng sự hiểu biết trong thanh thản.

Chúng ta cũng có thể biểu lộ lòng thương yêu, từ mẫn bằng pháp hành thiền từ bi. Lập đi lập lại nhiều lần trong tâm, rải tâm từ đến tất cả chúng sinh:

- Nguyện cho tất cả chúng sinh được khỏe mạnh và hạnh phúc.
- Nguyện cho tất cả chúng sinh thoát khỏi tổn hại và hiểm họa.
- Nguyện cho tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau tinh thần.
- Nguyện cho tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau thể xác.
- Nguyện cho tất cả chúng sinh biết chăm sóc bản thân trong an vui
.

Chúng ta rải tâm từ đến các vị bác sĩ, y tá đang chăm sóc mình, và các bệnh nhân đồng cảnh ngộ. Chúng ta rải tâm từ đến những người thân, họ hàng và bè bạn chúng ta. Hơn thế nữa, thỉnh thoảng chúng ta suy niệm về Phật Pháp, nhớ lại những gì chúng ta đã đọc, nghe hay hiểu biết. Suy nghĩ như vậy, chúng ta đối diện khổ đau của mình bằng trí tuệ và tỉnh giác.

*

Ðức Phật dạy chúng ta nên tinh tấn trau dồi tâm, hành thiền, và tu tập như thế, ngay cả khi ta bị ốm đau. Vào những thời điểm đó, chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn để tập trung chánh niệm. Nào ai biết Niết Bàn hay tuệ giác tối thượng có thể đạt được vào lúc lâm chung, khi trút hơi thở cuối cùng! Trong kinh, Ðức Phật có kể trường hợp một người bị bệnh - cơ thể bị hoành hành bởi cảm giác đau đớn, nặng nề, buốt giá, hủy hoại, khó chịu, làm cạn dần sức sống; nhưng người ấy vẫn không ngã lòng. Người ấy cảm nhận được samvega - một ý thức cấp bách phấn đấu dù ở vào những giờ phút cuối cùng. "Người ấy đã tinh tấn đúng mức" Ðức Phật nói, "Tâm của người ấy kiên quyết hướng về Niết Bàn, người ấy trực nhận được chân lý tối thượng bằng trí tuệ của mình".

Bằng cách đó, chúng ta sống hòa hợp, thảnh thơi trong thế gian, an định trong bệnh tật. Và khi cái chết đến, chúng ta ra đi trong an bình, thanh thản.

(Trích dịch: "Loving And Dying",
Bhikkhu Visuddhicara)

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | Mục lục



[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-05-2005