BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thủ bản cho nhơn loại
Handbook for Mankind

Tỳ-kheo Phật Lệ (Buddhadàsa Bhikkhu)
Cư sĩ Thiện Nhựt chuyển dịch


[01]

Cái nhìn về Phật giáo

Nếu chúng ta mở một quyển sách mới nào nói về nguồn gốc các tôn giáo, chúng ta thấy có một điểm mà tất cả mọi tác giả đều đồng ý nhau. Họ đều bảo rằng tôn giáo, sở dĩ đã phát sanh ra trên thế giới, là vì sự lo sợ. Con người sơ khai sống trrong rừng rú sợ sấm sét, bóng tối và bão tố, cùng những sự vật chung quanh mà y chẳng thể hiểu nổi hay kiểm soát được. Phương pháp của y để tránh sự hiểm nghèo khi nhìn thấy các hiện tượng đó, là tỏ ra quỳ lụy và tùng phục, hay tôn kính hoặc phủ phục xuống, tùy theo cách nào mà y cho là thích nghi nhứt. Về sau, khi sự hiểu biết và kiến thức của con người đã phát triển, sự sợ hãi các sức mạnh của thiên nhiên đó chuyển thành sự lo âu về một hiện tượng khó hiểu hơn. Các tôn giáo căn cứ trên sự tôn kính các đối tượng lo sợ, ví dụ như các hiện tượng thiên nhiên, hồn ma hay các thần linh, về sau nầy đã bị chê bai là vô lý và buồn cười. Và rồi nỗi lo sợ của con người từ từ trở nên tế nhị hơn và thành mối lo sợ phải chịu đau khổ, nỗi đau khổ mà chẳng có phương tiện vật chất nào có thể làm vơi bớt được. Y lại sợ đến những nỗi đau khổ dính liền với sự sinh đẻ, sự già nua, sự đau đớn và sự chết chóc, sự thất vọng và sự tuyệt vọng khởi lên vì tham dục, sân hận và si mê, mà chẳng có quyền lực hay tài sản nào có thể làm nhẹ bớt đi được. Cách đây lâu lắm ở Ấn độ, một quốc gia với nhiều nhà tư tưởng, nhiều bực nghiên cứu, có các người thông minh dẹp qua một bên sự thờ kính các nhân vật siêu nhiên và bắt đầu tìm kiếm các phương thức để chinh phục sự sinh đẻ, già nua, đau đớn và chết chóc, các phương thức để loại trừ tham, sân, si. Từ sự tầm kiếm đó khởi sanh ra Phật giáo, một tôn giáo cao hơn đặt căn bản trên Trí huệ, một phương tiện để chinh phục sinh đẻ, già nua, đau đớn và chết chóc, một phương pháp để tận diệt các lậu hoặc tinh thần. Phật giáo có nguồn gốc nơi sự lo sợ, nhưng lại là loại lo sợ sau chót hết, cũng như các tôn giáo khác đã căn cứ trên Trí huệ. Đức Phật đã khám phá phương cách để chinh phục tuyệt đối các điều mà con người lo sợ: Ngài đã khám phá ra một phương pháp thực tiễn để loại trừ đau khổ, phương pháp đó nay được gọi là Phật giáo.

"Phật giáo" có nghiã là "lời dạy của bực giác ngộ". Một vị Phật là một bực đã giác ngộ, người đã nắm được chơn lý về mọi sự vật, người biết rõ "cái gì thật là cái gì", và vì thế mà có thái độ thích nghi đối với mọi sự vật. Phật giáo là một tôn giáo đặt căn bản trên Trí huệ, khoa học và kiến thức, mà mục tiêu là diệt trừ nỗi khổ và nguồn gốc của sự khổ. Thờ kính các bảo vật thiêng liêng bằng các nghi thức, lễ bái, cúng tế phẩm vật, hay cầu nguyện, đó chẳng phải là Phật giáo. Đức Phật đã bác bỏ các điều ấy, xem chúng như chẳng lành mạnh và đáng buồn cười. Ngài cũng bác bỏ việc xem các thần linh như là đấng Tạo hoá tạo ra muôn vật, cũng như việc tin sằng là các thần linh cư trú mỗi người riêng tại một vì tinh tú trên trời. Do vậy, chúng ta thấy Đức Phật đã có những lời tuyên bố như sau:

"Kiến thức, thiện xảo và khả năng đưa đến thành công và lợi lạc và là những điềm lành, tự chúng đã tốt sẵn rồi, đâu cần chi đến sự chuyển vận của các tinh cầu trên không gian. Với sự lợi lạc thu lượm được từ nơi các đức tánh đó, ta có thể thắng hoàn toàn vượt qua mấy người điên rồ, đần độn cứ mãi ngồi tính toán về thiên văn." Và:

"Nếu nước trong sông (như sông Hằng chẳng hạn) có thể thật sự rửa sạch được mọi tội lỗi và đau khổ, thì loài rùa, loài cua, loài cá, loài sò hến, sống trong các dòng sông thiêng liêng ấy, có lẽ nay thoát được mọi tội lỗi và khổ đau rồi." Và:

"Nếu một người có thể loại trừ sự khổ bằng cách cúng tế phẩm vật, lễ bái hay cầu nguyện, thì có lẽ chẳng còn ai trên thế giới nầy phải chịu khổ đau, vì ai ai cũng có thể lễ bái và cầu nguyện. Nhưng mà, con người vẫn còn phải chịu khổ đau ngay trong khi lễ bái, thờ kính và thực hành các nghi lễ, điều đó cho thấy rõ ràng rằng đấy chẳng phải là con đường đi đến giải thoát."

Muốn được giải thoát, trước hết chúng ta phải quan sát sự vật một cách thật cặn kẽ để có thể biết được và hiểu rõ bản chất thật sự của chúng. Rồi chúng ta lại phải có thái độ thật thích nghi đối với bản chất thật sự đó. Đấy mới là lời dạy của Phật giáo mà chúng ta cần phải biết và ghi sâu điều ấy vào tâm khảm. Phật giáo chẳng có dính dấp gì đến sự phủ phục lễ bái và kính nhường trước các vật dễ sợ, chẳng hề xem trọng các nghi thức, tế lễ như rảy nước thánh, hay vẽ bùa, phù phép khác, kể cả đối với các hồn thiêng hay thần linh. Trái lại, Phật giáo dựa theo lý trí và Trí huệ, cho nên chẳng cần chi đến các phỏng đoán hay các giả thiết nào, nhưng đòi hỏi chúng ta phải hành động sao cho phù hợp với lý trí cùng trí huệ của chúng ta, và chẳng được tin bằng lời vào bất cứ ai. Nếu có ai nói với chúng ta điều gì, chúng ta đừng nên tin ngay mà chẳng đặt vấn đề. Chúng ta phải nghe họ nói và xem xét điều ấy. Rồi nếu chúng ta thấy có lý, thì chúng ta có thể chấp nhận tạm thời và bắt đầu tự mình kiểm chứng lại xem có đúng không. Đây là nét đặc trưng quan trọng nhứt của Phật giáo đã khiến cho Phật giáo khác hẳn các tôn giáo khác trên thế giới.

Tôn giáo là một môn đa diện. Nhìn dưới một khía cạnh, tôn giáo được thấy ra như thế nầy, xem theo khiá cạnh khác, tôn giáo trông ra như thế kia. Lắm người đã nhìn đến tôn giáo dưới một khía cạnh sai lầm, và đối với Phật giáo cũng chẳng phải là ngoại lệ. Nhiều người cùng nhìn vào Phật giáo, với nhiều thái độ khác biệt nhau, nên thường có những cái nhìn chẳng giống nhau. Bởi vì mỗi chúng ta dĩ nhiên tin tưởng vào ý kiến riêng của mình, cho nên chơn lý đối với mỗi chúng ta tương hợp với sự hiểu biết riêng biệt và quan điểm riêng của từng người. Do đó, "chơn lý" chẳng phải là cùng một thứ với nhiều người khác nhau. Họ xét các vấn đề, có người xét sâu, có kẻ xét cạn, và với nhiều phương pháp khác biệt nhau, với trình độ trí năng cũng khác nhau. Một người chẳng chịu chấp nhận là đúng, theo quan niệm riêng của y về Chơn lý, bất cứ điều nào vượt khỏi trí thông minh, hiểu biết và kiến thức của y. Và mặc dầu vậy, tuy bề ngoài anh có vẻ tỏ ra đồng ý với kẻ khác về thế nào là chơn lý, nhưng bên trong anh lại biết rằng, đó chẳng phài là chơn lý, như chính anh đang thấy. Quan niệm của mỗi người về chơn lý có thể thay đổi và phát triển với sự gia tăng từ từ hằng ngày của trình độ thông minh, hiểu biết và kiến thức, mãi cho đến ngày người ấy đạt đến cái Chơn lý tột cùng; và mỗi chúng ta lại có nhiều cách để quan sát và thử nghiệm lại trước khi đặt niềm tin vào. Như thế, nếu Phật giáo được nhìn với nhiều trình độ trí thức, thì nhiều hình ảnh khác nhau sẽ được thấy ra, đó cũng giản dị, vì Phật giáo đã chỉ được nhìn dưới một khiá cạnh mà thôi. Như chúng tôi có nói, Phật giáo là một phương pháp thực tiễn để giải thoát ta ra khỏi sự đau khổ, bằng cách nhận chân ra được, cũng như Đức Phật đã làm, bản thể chân thực của muôn sự vật. Nay, bất cứ bản văn kinh điển nào rồi ra cũng gánh chịu thêm các tư liệu mà người đời sau đã tìm ra dịp để gán ghép vào, và Tam Tạng Kinh Điển của chúng ta cũng chẳng thoát khỏi thông lệ đó. Về các đời sau, người ta đã thêm vào nhiều đoạn căn cứ trên các tư tưởng đương thời, hoặc để sách tấn lòng tin tưởng của dân chúng, hoặc do bầu nhiệt huyết mộ đạo quá mức. Thật đáng tiếc thay, ngay cả các nghi thức tế lễ, được phát triển và trộn lẫn với tôn giáo đó, đã được chấp thuận và công nhận coi như là Phật giáo chánh tông. Các việc cúng tế như sắp bánh, trái vào diã dâng lên "anh linh" Đức Phật, làm tựa như dâng thực phẩm cúng dường cho một Tỳ-kheo đi khất thực, các điều nầy chẳng hợp với các nguyên tắc trong Phật giáo. Thế mà, có nhiều môn phái lại xem đó mới thật là đường lối hành trì chân thực của Phật giáo, rồi lại giảng dạy và gìn giữ các nghi thức ấy rất nghiêm nhặt.

Nghi thức và tế lễ thuộc loại kể trên càng ngày càng nhiều đến mức che mờ cả Phật giáo chánh tông và mục đích nguyên thủy của nó. Hãy lấy một thí dụ về thủ tục trao truyền giới luật cho một vị Tỳ-kheo (ở Thái lan). Vào dịp nầy, lễ biếu tặng phẩm cho vị tân Tỳ-kheo đã thành một thông lệ. Khách đến dự lễ được mời mang tới thực phẩm và dự khán buổi lễ, và kết quả là quá ồn ào và say sưa. Lễ lạc ấy được tổ chức cả tại hai nơi, gia đình và tu viện. Vị tân Tỳ-kheo lại rời Tăng đoàn chỉ vài ngày sau đó, và có thể trở thành một người chán việc tu hành hơn cả trước khi được thọ giới. Ta cần nên ghi nhớ rõ trong tâm rằng chẳng hề có những chuyện như thế vào thời Đức Phật. Việc ấy chỉ được tạo nên và phát triển sau nầy. Việc truyền giới vào thời Đức Phật rất giản dị, có nghiã là, một người sau khi được cha mẹ chấp thuận, liền rời nhà và gia đình. Vị ấy là một người đã thanh toán xong mọi việc ở nhà, và xuất gia để đến sống gần Đức Phật và gia nhập Tăng đoàn. Khi gặp trường hợp thuận tiện, người ấy xin thọ giới Tỳ-kheo, và có lẽ trong khoảng đời còn lại, chẳng bao giờ gặp lại cha mẹ hay gia đình nữa. Mặc dầu có vài vị Tỳ-kheo trở về thăm viếng cha mẹ lại, trong vài trường hợp thích nghi, nhưng điều đó rất hiếm. Giới luật cũng có điều khoản cho phép Tỳ-kheo về thăm nhà, khi có lý do chánh đáng; nhưng vào thời Đức Phật, việc ấy chẳng phải là việc thường làm. Tỳ-kheo thọ giới chẳng có sự tham dự của cha mẹ và vị ấy cũng chẳng thiết lễ mừng biến cố quan trọng đó, để rồi chỉ vài ngày sau đó lại rời Tăng đoàn, chẳng khá hơn chi lúc còn chưa thọ giới; đấy là những việc thường xảy ra ngày nay.

Tất cả những việc biếu tặng phẩm cho vị tân Tỳ-kheo, các buổi lễ ăn mừng vào dịp thọ giới đó -- những điều mà ta chẳng thể điên rồ đến độ gọi đấy là Phật giáo! Hơn thế nữa, người ta còn phô trương thêm, chẳng hề nghĩ đến sự hoang phí tiền bạc của mình và của kẻ khác. Cái "Tân Phật giáo" đó lại lan rộng khắp nơi để trở thành phổ quát. Chánh pháp, lời giáo huấn chân thật trước kia được xem là tối thượng, nay đã bị trùm kín bởi các lễ nghi đó khiến cho toàn thể mục tiêu của Phật giáo đã bị che mờ, ngụy tạo và biến đổi. Ví dụ như việc thọ giới Tỳ-kheo đã trở nên một cuộc cờ để gỡ thể diện cho các chàng trai trẻ đang bị người đời chê rằng còn chưa được gia nhập vào hàng tu sĩ một ngày nào, hoặc là một điều kiện tiên quyết cần có đủ trước khi đi cưới vợ (vì có gia nhập Tăng đoàn một thời gian mới được xem như đã trưởng thành), hay là đã vì một lý do thầm kín nào khác. Tại một vài nơi, việc thọ giới Tỳ-kheo lại được xem như một dịp tốt để quyên góp tiền bạc, vì dân chúng thường sẵn sàng dâng hiến, đó là một cách làm giàu. Thế mà người ta lại gọi đó là Phật giáo! Và bất cứ ai mà chỉ trích việc đó thì lại bị chê chẳng hiểu Phật pháp là gì, hay đã cả gan dám chống đối với Phật pháp!

Một thí dụ khác nữa là lễ Dâng y Kathina. Ý định ban sơ của Đức Phật là có được nhiều vải vóc, đủ cho tất cả các Tỳ-kheo, trong một lúc, có thể hợp lại cùng nhau cắt may cho đỡ mất thời giờ. Nếu chỉ có được mỗi một bộ y, thì sẽ được cấp cho một Tỳ-kheo nào, không cứ là phải một vị thâm niên nhứt, mà là người mà tăng chúng nhận thấy xứng đáng để mặc, hay là đang thật cần; và bộ y đó được hiến cho vị ấy, nhân danh cả Tăng đoàn. Ý của Đức Phật là để tránh cho bất cứ Tỳ-kheo nào có dịp tự đề cao mình. Vào ngày đó, mọi người chẳng kể cấp bực, phải nhún nhường, lăn mình vào toàn thể, mỗi người một tay, cắt, may, chụm củi, bổ lõi cây nấu để nhuộm áo, và các việc nào khác nữa cốt sao cho các bộ y được hoàn tất trong cùng một ngày. Cắt vải, may thành áo, là công việc được nỗ lực và hợp tác nhau mà làm. Đó là cao ý của Đức Phật muốn công tác ấy được thi hành như thế, đâu cần có sự tham dự của các cư sĩ tại gia. Nhưng ngày nay, nó đã trở nên một dịp hội hè, vui nhộn, có cả các trò chơi, cười nói ồn ào và quyên góp tiền nong. Đó cũng giống như một buổi cắm trại ăn chơi chung cuối tuần, mất đi hết cả ý nghiã và thành quả mong muốn của buổi ban đầu.

Các sự việc như thế chính là ung nhọt đã mọc lên và phát triển trong Phật giáo. Ung nhọt đó mang lắm hình thức khác nhau, nhiều đến nỗi chẳng thể kể ra cho xiết. Đó là loại ung nhọt cực độc đang sanh sôi từng thời kỳ và đang bao trùm, che mờ cả các chất liệu tốt là cốt lõi thực sự của Phật giáo, và đã biến hoại gần hết gương mặt đẹp đẽ của Phật giáo. Một hậu quả của việc nầy là sự khởi sanh ra rất nhiều môn phái, đông đảo có, thưa thớt có, như là hậu duệ của tôn giáo chánh tông. Môn vài môn phái còn đi xa hơn, dung túng cả tình dục. Vì thế, thật là cần thiết cho chúng ta phải phân biện mới có thể nhận thức ra thế nào là Phật giáo chân thật và nguyên thủy. Chúng ta chẳng nên bám chặt vào cái vỏ bề ngoài, hay quá bấu níu vào các nghi thức, các lễ tế, khiến cho mục tiêu thực sự bị mờ dần chẳng còn nom thấy được nữa. Sự tu tập đứng đắn của Phật giáo căn cứ trên sự thanh lọc các hành vi của thân và miệng, cùng với sự thanh lọc về tâm ý, nhờ đấy mà đạt tới Trí huệ và chánh kiến. Đừng bao giờ nghĩ rằng điều nầy, điều kia chính là Phật giáo, bởi vì ai ai cũng bảo như thế. Ung nhọt đang lan rộng không ngừng kể từ ngày Đức Phật tịch diệt, bành trướng khắp mọi phương cho đến nay đã trương phồng lên khá to tướng rồi. Ung nhọt đó chẳng thể nào được đồng hoá với Phật giáo, và thật là sai lầm khi các tôn giáo khác trỏ vào các biến thái nhục nhã đó và coi đấy chính là Phật giáo. Thật là bất công, bởi vì các biến thái đó chẳng có chút nào là Phật giáo cả, chúng chỉ là những cục bướu, (hoặc những cây chùm gởi) bám vào Phật giáo mà thôi. Những ai trong chúng ta có quan tâm đến Phật giáo để làm nơi nương tựa cho mọi người hoặc để tạo sự an lạc riêng cho bản thân, cần phải hiểu rõ cách làm thế nào để nắm lấy cho được cốt lõi của Phật giáo, chớ chẳng phải chỉ bấu níu vào mớ que chà, gai nhọn vô giá trị. Nay, ngay cả Phật giáo chánh tông cũng là đa diện, có một sự kiện mà khi bám vào có thể đưa đến sự hiểu biết sai lầm về ý nghiã chơn thật của Phật giáo. Thí dụ như, nếu nhìn dưới quan điểm của một triết gia đạo đức, Phật giáo được coi như một tôn giáo về luân lý. Có bài giảng pháp về công đức và tội lỗi, thiện và ác, sự thành thật, sự biết ơn, sự hoà đồng, tâm vô lượng và nhiều điều khác nữa. Tam Tạng Kinh Điển tràn đầy các bài pháp về đạo đức. Lắm người mới bước chơn vào Phật học đã nhìn Phật giáo dưới khía cạnh ấy và được thu hút bởi điều nầy.

Nhìn dưới một phương diện sâu xa hơn, Phật giáo như Chơn lý, chơn lý được lắng sâu dưới bề mặt mà kẻ thường nhơn còn chưa thấy ra. Nhận ra được Chơn lý đó tức là có trí thông đạt về sự rỗng không của mọi sự vật, lẽ vô thường, sự bất toại nguyện và tánh cách vô ngã của muôn pháp; là trí thức thấu đáo về bản thể của sự đau khổ, về việc loại trừ hoàn toàn sự đau khổ, và về cách đạt đến sự tiêu diệt hoàn toàn sự khổ đau; là sự thông suốt các điều ấy như là Chơn lý tuyệt đối, đã chuyển hoá con người mà ta cần phải hiểu biết đến. Đó là Phật giáo như là Chơn lý.

Phật giáo như là một Tôn giáo, khi Phật giáo được xem như một hệ thống thực tập căn cứ trên đạo đức, định lực và trí huệ, và điểm cao tột là trí huệ giải thoát, một hệ thống mà khi thực hiện hoàn toàn đầy đủ sẽ giúp cho ta phá vở và vượt thoát khỏi hẳn sự khổ đau. Đấy là Phật giáo như một Tôn giáo.

Kế đến, Phật giáo được xem là khoa Tâm lý học, như đã được trình bày trong Phần thứ ba của Tam Tạng Kinh Điển, nơi đây bản thể của tâm thức được mô tả rất chính xác trong mọi chi tiết. Nền tâm lý học Phật giáo là nguồn cảm hứng và ngạc nhiên phấn khởi cho các nhà học giả về tâm thần ngày nay. Nền tâm lý học ấy còn sâu xa và tỉ mỉ hơn cả các kiến thức hiện đại về tâm linh.

Một khía cạnh khác của Phật giáo như là một khoa Triết học. Kiến thức triết học có thể nhận thức rõ ràng qua các lập luận dựa theo các chứng cứ hợp với luận lý học, nhưng còn chưa được thực nghiệm chứng minh. Phật giáo đối ngược với khoa học mà kiến thức lại do kết quả của sự quan sát bằng mắt, hay xuyên qua những thực nghiệm vật lý cùng chứng cớ, hoặc qua cặp "mắt nội tâm" của sự trực giác. Những kiến thức thâm sâu như tánh không chẳng hạn cũng chỉ là triết học đối với một người còn chưa thâm nhập vào Chơn lý, hoặc là khoa học đối với một hạng người khác đã làm như vậy, như với bực đã hoàn toàn giác ngộ, hay bực A la hán, đã thể nghiệm rõ ràng điều ấy với trực giác. Nhiều phương diện của Phật giáo, nhứt là Bốn Chơn Lý Nhiệm mầu, đều mang đủ tánh chất khoa học khi các Chơn lý ấy có thể kiểm chứng lại bằng các chứng cứ trắc nghiệm rõ ràng qua sự nội quán. Đối với những ai được trang bị đầy đủ với ý thức và quan tâm đến việc khảo cứu và sưu tầm, định lý nhân quả chỉ là khoa học. Phật giáo chẳng phải chỉ là cái gì mơ hồ và mông lung, chẳng phải chỉ là triết lý, với các đề mục do con người xướng tạo ra.

Nhiều người đã nhìn Phật giáo như Văn hoá. Bất cứ ai với quan niệm coi trọng nền văn hoá đều nhận thấy nhiều phương diện của sự hành trì theo Phật giáo đều phù hợp với tất cả mọi nền văn hoá và cũng có nhiều điểm rất đặc thù của Phật giáo còn cao xa hơn những gì nói trong các nền văn hoá khác.

Đối với tất cả các phương diện khác biệt đó, người Phật tử thuần thành cần nên chú tâm đến khía cạnh Phật giáo là một tôn giáo. Chúng ta cần nên xem Phật giáo như một phương pháp thực tiễn, trực tiếp để thâu thập các kiến thức về bản thể chân thực của muôn sự vật, kiến thức nầy có thể khiến cho ta buông bỏ được mọi hình thức bám chặt và bấu níu, buông bỏ được sự ngu si, mê đắm, và trở nên hoàn toàn tự chủ đối với mọi sự vật. Đấy tức là đang đi sâu vào bản thể của Phật giáo. Phật giáo được nhìn dưới khía cạnh tôn giáo nầy có nhiều ích lợi hơn là được xem như một nền đạo đức học, hoặc như một chơn lý, như một kiến thức sâu xa mà chẳng thực dụng, và cũng lợi ích hơn là việc Phật giáo được xem như một nền triết học, như có chút gì để thưởng thức về đối tượng của sự phỏng định và về các luận cứ chẳng có giá trị chi đối với việc từ bỏ các lậu hoặc tinh thần, và chắc chắn là còn ich lợi hơn cả việc coi Phật giáo như là một nền văn hoá với các thái độ hấp dẫn đáng được chú ý trên quan điểm xã hội học.

Và ở mức tối thiểu nhứt, mọi người cũng phải nên xem Phật giáo như một Nghệ thuật, nghệ thuật sống; nói cách khác, như một khả năng được làm người và một thiện xảo sống một cuộc đời gương mẫu và đáng qúi trọng đã khiến cho kẻ khác khâm phục và cố gắng học đòi theo. Điều chúng ta cần phải thực hiện là phải đào luyện cho mình có được "Ba ngọn Kim đăng", thứ nhứt là giữ gìn đức hạnh thật trong sạch, thứ hai là tu tập tâm thức thật an tịnh và thích hợp với công năng của nó, và sau cùng, phát triển trí huệ thật dồi dào và sáng suốt để thông đạt bản thể của muôn sự vật, khiến cho muôn sự vật đó chẳng còn gây nên sự khổ đau cho chúng ta nữa. Khi nào cuộc đời của một ai đã có đủ ba ngọn đèn ấy, người ấy được xem như đã chế phục hoàn toàn được nghệ thuật sống. Các người Tây phương rất chú trọng đến Phật giáo như một nghệ thuật sống và luận bàn nhiều về khía cạnh nầy hơn tất cả mọi nhãn quan khác về Phật giáo. Đi sâu vào bản thể thực sự của Phật giáo, chúng ta có thể lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống đưa đến sự cổ võ tâm linh cùng niềm an lạc đã đẩy lùi được sự sút giảm tinh thần và sự mê vọng. Lại còn phá tan được các nỗi sợ hãi, như sự lo lắng một khi đã diệt tận hết các lậu hoặc tinh thần thì sẽ khiến cho cuộc sống trở nên quá khô khan, tiêu điều, chẳng còn chút nào là hương vị, hoặc sự âu lo việc giải thoát hoàn toàn khỏi các khát vọng sẽ làm khô cạn mọi tư tưởng và hành động; trong khi thật sự ra một người tổ chưc đời sống của mình đúng theo Nghệ thuật sống của Phật giáo lại là kẻ đã chiến thắng được mọi sự vật liên quan đến mình. Chẳng kể các sự vật ấy là súc sanh, con người, tài sản, hoặc bất cứ việc nào khác, và chẳng kể đến việc chúng đi vào ý thức của người ấy qua ngõ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, hay tâm thức, chúng đều đến như kẻ chiến bại vì chẳng thể nào che mờ, làm mê hoặc hay gây xáo trộn cho ta được cả. Sự chiến thắng trên mọi sự vật đó chính là chân hạnh phước.

Phật pháp sẽ đem lại nguồn vui vô biên đến cho một tâm hồn đã quen ưa thích pháp vị. Phật pháp có thể coi như một hình thức cần thiết của món ăn nuôi dưỡng tinh thần. Thực vậy, một người còn bị các lậu hoặc kềm chế vẫn tiếp tục ham thích thực phẩm qua các ngõ mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, rồi chạy đi tầm cầu tùy theo bản tánh của y. Nhưng có một phần khác, sâu bên trong tâm anh ta, lại chẳng đòi hỏi thứ vật thực đó. Phần ấy là yếu tố tự do và tinh khiết trong tâm hồn anh. Yếu tố đó mong có được niềm vui và lạc thú về sự nuôi dưỡng tinh thần, bắt đầu bằng niềm vui do đức hạnh thanh tịnh sanh ra. Đó là nguồn gốc sanh ra sự mãn nguyện của bực hoàn toàn giác ngộ, thân tâm an tịnh chẳng còn lậu hoặc nào có thể khuấy động nổi, và trí huệ sáng chiếu rọi vào bản thể mọi sự vật và chẳng hề móng tâm tham đắm về bất cứ sự vật nào. Các bực ấy đã "ngồi yên" lại rồi, chẳng còn bị thúc đẩy phải chạy đôn chạy đáo nữa như các hạng người mà Đức Phật đã dùng ẩn dụ ám chỉ là "khói ban đêm và lửa ban ngày".

"Khói ban đêm" ám chỉ sự thao thức mất ngủ. Người mắc bịnh mất ngủ nằm suốt đêm gát tay lên trán, tính toán việc mai sẽ làm điều nầy, điều nọ, nghĩ đủ cách để kiếm ra tiền, để làm giàu thật mau chóng và để có đủ các sự vật mong muốn. Tâm thức anh ta đầy ứ cả "khói". Anh chỉ có thể nằm dài ra đó cho đến sáng mới ngồi dậy chạy đi theo các ước vọng của "khói" mà anh đã nắm giữ suốt cả đêm. Các hoạt động cuồng nhiệt đó là điều mà Phật giáo gọi là "lửa ban ngày". Chúng là những triệu chứng của một tâm thức còn chưa an tịnh, một tâm thức còn đang thiếu thốn sự nuôi dưỡng tinh thần. Đó là một sự đói cào bịnh hoạn và sự khao khát thúc đẩy do một lậu hoặc gọi là khát vọng. Suốt đêm trường, nạn nhơn cố đè nén cả khói và nóng và đến sáng chúng trở thành lửa để nung đốt bên trong anh ta trọn ngày. Nếu một người cả đời chỉ phải lo dập "khói ban đêm" để sáng hôm sau thành "lửa ban ngày", thì làm thế nào mà y có thể tìm thấy được sự bằng an và mát mẻ? Ta hãy gợi lên trong trí hình ảnh bịnh trạng của y. Y phải gánh chịu suốt đời y sự đau khổ dày xéo, từ lúc chào đời cho đến khi nằm trong quan tài, cũng chỉ vì thiếu vắng sự sáng suốt có thể dập tắt hẳn khói và lửa đó. Để trị liệu căn bịnh ấy, ta phải biết ứng dụng cái kiến thức do Đức Phật đã ban cấp cho. Khói và lửa ấy suy giảm từ từ theo mức độ hiểu biết về bản thể chân thật của muôn sự vật.

Như chúng tôi có nói, Phật giáo có nhiều khía cạnh khác nhau. Cũng tựa như cùng một ngọn núi cao, khi được nhìn từ các phương hướng khác nhau, thấy ra được dưới nhiều hình dạng, cho nên Phật giáo đã mang lại nhiều lợi ích, tùy theo cách mà một người đã nhìn đến Phật giáo. Mặc dầu Phật giáo đã bắt nguồn từ sự lo sợ -- chẳng phải là cái lo sợ điên rồ, đần độn của kẻ ngu si đang qùi lạy trước các thần tượng hay hiện tượng kỳ dị nào -- mà là mối lo sợ có tánh cách cao hơn, lo sợ rằng có thể chẳng bao giờ đạt đến sự giải thoát khỏi sự áp bức của sinh đẻ, già nua, khổ đau và chết chóc, trong số các hình thức đau khổ mà chúng ta đã có kinh nghiệm. Phật giáo chân thực đâu phải là sách vở, thủ bản, chẳng phải là nhắc lại từng lời, từng lời, trích trong Tam Tạng Kinh Điển, cũng chẳng phải là các nghi thức tế lễ. Các điều đó chẳng phải là Phật giáo chân thực. Phật giáo chân thực là sự thực hành, xuyên qua hành động của thân, miệng, ý để phá bỏ các lậu hoặc, hoặc từng phần, hoặc toàn bộ. Ta đâu cần phải làm gì đối với các sách vở, các thủ bản. Ta đâu cần nương dựa vào các lễ nghi, hay các bùa phép phù phiếm bên ngoài, kể cả các thần linh. Trái lại, ta phải quan tâm trực tiếp đến việc làm của thân, lời nói của miệng và ý nghĩ trong tâm. Tức là, ta cần kiên trì trong nỗ lực kiểm soát và loại bỏ các lậu hoặc để cho trí huệ bừng chiếu sáng lên. Và do đó, ta mới có thể tự động sanh hoạt thích nghi, và được thoát khỏi sự khổ đau ngay từ lúc đó cho đến ngày cuối cùng.

Đó là Phật giáo chân thực. Đó là điều mà ta cần phải tìm hiểu cho thấu đáo. Xin đừng rong chạy điên rồ theo nắm bắt cái ung nhọt đã làm mờ ám Phật giáo, xem đó như là thứ thiệt.

-ooOoo-

Bản thể thực sự của muôn pháp.

Danh từ "tôn giáo" có nghiã rộng rãi hơn danh từ "đạo đức học". Đạo đức học bàn về thái độ và hạnh phước và cùng có chung một nghiã ở khắp nơi trên thế giới. Tôn giáo là một hệ thống các sự thực hành ở cấp bực cao hơn. Phương cách thực hành được các tôn giáo cổ võ lại sai biệt nhau rất nhiều.

Đạo đức học khiến ta trở nên con người tốt, có hành động phù hợp vớí các nguyên tắc tổng quát của đời sống cộng đồng khiến chẳng gây nguy khốn đến ta hay cho kẻ khác. Mặc dầu một người đã có đạo đức hoàn toàn, nhưng người ấy cũng khó thoát khỏi nỗi đau khổ dính liền với sự sanh, già, bịnh, chết, và cũng chẳng tránh được sự đè nén của các lậu hoặc tinh thần. Đạo đức học bất thần ngưng ngang lại trước sự tiêu trừ các khát vọng, yếm ố, ảo tưởng, và do đó chẳng thể nào gạt bỏ được sự đau khổ. Tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, còn đi xa hơn thế. Tôn giáo nhắm thẳng vào sự tận diệt hoàn toàn các uế trược, tức là, nhắm vào sự tiêu diệt các loại khổ đau dính liền với sự sinh đẻ, già nua, bịnh hoạn và chết chóc. Điều nầy đã cho thấy tôn giáo khác biệt như thế nào với đạo đức học, và Phật giáo còn vượt xa hơn các hệ thống đạo đức trên thế giới nói chung. Hiểu xong được điểm nầy, chúng ta mới quay sang chú tâm đến Phật giáo.

Phật giáo là một hệ thống có mục tiêu mang đến một sự hiểu biết kỹ thuật chẳng thể tách rời khỏi kỹ thuật thực hành của nó, một sự hiểu biết thực tiễn, có tổ chức, về bản thể chân thực của muôn sư vật, hay là "cái gì thực sự là cái gì". Nếu bạn ghi vào lòng định nghiã nầy, bạn chẳng còn gặp khó khăn chi khi tìm hiểu về Phật giáo.

Bạn hãy tự quan sát lấy mình và tìm xem có thật là bạn đã biết cái gì thực sự là cái gì chưa. Ngay cả khi bạn biết được bạn là gì, đời sống là gì, công việc nào, bổn phận nào, mưu sanh, tiền tệ, tài sản, vinh dự, danh tiếng là như thế nào, bạn có dám tự hào là bạn đã biết được tất cả mọi sự vật rồi chăng? Nếu thật tình đã biết cái gì thực sư là cái gì, chúng ta đã chẳng bao giờ có những hành động chẳng thích nghi, và nếu chúng ta đã luôn luôn hành động thật thích nghi, thì chắc chắn chúng ta chẳng hề bị lâm vào cảnh phải chịu khổ sở. Cũng đúng như vậy, vì chúng ta còn mê mờ về bản thể chân thực của muôn pháp, cho nên chúng ta đã có những hành động chỉ thích nghi được ít nhiều, và do đó mà đau khổ mới là hậu quả đương nhiên vậy. Sự tu tập theo Phật giáo được đề ra là để dạy chúng ta hiểu rõ sự vật thật sự là như thế nào. Biết được điều nầy một cách thật rõ ràng chính là đắc được Đạo quả, và có thể đó là quả vị cuối cùng, Niết bàn, vỉ chính sự thông hiểu nầy đã diệt tan được các lậu hoặc. Cho đến khi nào chúng ta đã biết rõ được cái gì thực sự là cái gì, tức là bản thể chân thực của muôn pháp, thì nỗi vỡ mộng về sự vật (trên đời) sẽ hoá ra sự thán phục ngất ngây, rồi việc giải thoát khỏi mọi khổ đau tự nhiên lại tìm đến. Giờ đây, chúng ta đang thực tập ở một giai đoạn còn chưa được thông suốt muôn sự vật vốn như thế nào, nhứt là, ở giai đoạn còn chưa thấy rõ ra muôn sự vật đều vô thường và vô ngã. Chúng ta vẫn còn chưa nhận chân ra được đời sống và muôn sự vật mà chúng ta còn đang đắm say, khát vọng và hưởng thọ, cũng chỉ là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Đó chính là lý do khiến tại sao chúng ta cứ say mê chúng, thích thú chúng, khát vọng hưởng thọ chúng, cố bám chặt và bấu níu vào chúng. Khi biết noi theo phương pháp Phật giáo, chúng ta mới thông hiểu đứng đắn các sự vật, thấy được thật rõ ràng rằng chúng đều vô thường, bất toại nguyện và vô ngã, rằng chẳng có một chút gì thật sự về muôn pháp đáng giá cho ta tríu mến cả, và rồi đó, xảy ra ngay lập tức, sự vượt thoát ra khỏi ma lực kềm kẹp của chúng mà được tự do.

Cốt yếu mà nói, lời giảng dạy của Phật giáo, như đã được kết tập trong Tam Tạng Kinh Điển chẳng qua chỉ là các tri kiến về cái gì thực sự là cái gì, hay là bản thể chân thực của muôn pháp -- chỉ có thế mà thôi. Nên ghi nhớ thật kỹ định nghiã nầy. Đó là một định nghiã hoàn hảo và đáng được khắc ghi trong tâm khảm của những ai đang tu tập theo Phật giáo. Chúng tôi xin chứng minh giá trị xứng đáng của định nghiã nầy bằng cách cưú xét một thí dụ: Bốn Chơn lý Nhiệm mầu (Tứ Thánh Đế, Tứ Diệu Đế).

Thánh đế thứ nhứt, vạch trần muôn sự vật đều là đau khổ, chỉ cho ta thấy thật đúng muôn sự vật là như thế nào. Nhưng chúng ta đã thất bại chẳng nhận chân được muôn sự vật là nguồn gốc của khổ đau, và vì thế mà chúng ta khao khát chúng. Nếu chúng ta nhận định rõ chúng là nguồn gốc của khổ đau, chớ chẳng đáng cho chúng ta thèm khát, chẳng đáng cho chúng ta bám chặt vào và bấu níu đến, chẳng đáng được chúng ta tríu mến, thì chúng ta chắc chắn chẳng còn ham muốn đến chúng nữa.

Thánh đế thứ hai chỉ rõ rằng tham ái chính là nguyên nhân gây ra đau khổ. Lắm người còn chưa biết, chưa thấy, chưa hiểu rằng tham ái là nguyên nhân của đau khổ. Họ đã ham muốn điều nầy, điều nọ, cũng giản dị chỉ vì họ còn chưa hiểu bản thể của sự tham ái.

Thánh đế thứ ba chỉ rõ sự giải thoát khỏi đau khổ, Niết bàn, cốt ở sự tận diệt hoàn toàn các sự tham ái. Người ta chẳng hề nhận ra được Niết bàn là điều mà ta có thể đạt được vào bất cứ lúc nào và bất cứ tại nơi đâu, rằng Niết bàn có thể đến ngay khi sự ham muốn vừa được dập tắt hẳn. Cho nên, vì chẳng hiểu được các sự kiện của đời sống mà người ta đã chẳng chịu quan tâm đến việc trừ bỏ các ham muốn. Họ chẳng quan tâm đến Niết bàn vì họ còn chưa hiểu Niết bàn là gì cả.

Thánh đế thứ tư được gọi là Thánh đạo, nghiã là con đường đưa đến sự tận diệt các ham muốn. Người ta còn chưa hiểu đó là một phương pháp để tận diệt các ham muốn. Chẳng ai chịu tìm biết đến con đường Bát thánh đạo đang diệt trừ các sự tham ái. Họ còn chưa thừa nhận đó chính là một điểm nương tựa của họ, một lập trường vững chắc của họ, điều mà họ cần phải luôn luôn củng cố. Họ còn chưa biết lưu tâm đến Thánh Đạo của Đức Phật vốn là hòn ngọc qúi giá và tuyệt hảo nằm trong toàn bộ khối kiến thức của nhơn loại, trên thế gian nầy hay ở bất cứ cõi nào khác. Đấy là một thái độ khờ dại quá khủng khiếp! Chúng ta cần phải nên nhận rằng Bốn Thánh đế là một bức cẩm nang dạy rõ chúng ta cái gì thực sự là cái gì. Chúng ta được dạy rằng, đùa giỡn với tham ái sẽ đưa đến đau khổ, tuy thế chúng ta vẫn cố nài mãi vui chơi với điều đó cho tới lúc khổ đau dâng lên đến ngập đầu. Thật là rồ dại! Còn chưa thông hiểu cái gì thực sự là cái gì, nên chúng ta hành động chẳng chút thích nghi, còn các hành vi đứng đắn thật là hiếm hoi. Các hành vi ấy thật ra chỉ "thích nghi", khi xét theo các giá trị của bọn người còn đầy khát vọng cho rằng nếu làm một việc gì khiến mình có được điều mình cần, thì việc làm đó cũng đã được biện minh là chánh đáng rồi. Nhưng về phương diện tâm linh, hành động đó chẳng thể nào tự bào chữa như thế được. Giờ đây chúng ta hãy chiêm nghiệm về một bài Kệ trích trong Kinh điển, tóm tắt được cốt tủy của Phật giáo, tức là bài Kệ mà Tỳ-kheo Át bệ (Assaji) đã đọc cho Xá lợi phất nghe, trước khi vị sau nầy được thọ giới với Đức Phật. Xá lợi phất thưa với Tỳ-kheo Át bệ, xin được nghe tinh túy của đạo Phật bằng những lời lẽ thật vắn tắt. Ngài Át bệ đáp:

"Muôn pháp do nhân duyên sanh,
Cũng do nhân duyên mà diệt.
Thầy ta, Phật Đại Sa môn
Thường nói r
õ đúng như thế."

Thật vậy, mọi sự vật đều do các nguyên nhân phối hợp nhau mà thành. Chúng chẳng thể bị loại bỏ đi, trừ phi trước đã diệt xong các nguyên nhân đã tạo nên chúng. Đấy là lời cảnh cáo chúng ta chớ nên xem bất cứ sự vật nào như cũng có một tự ngã thường hằng. Chẳng có cái gì là thường hằng cả. Chỉ có các hậu quả khởi lên từ các nguyên nhân, phát triển được cũng do các nguyên nhân, và rồi sẽ tiêu diệt đi với sự chấm dứt của các nguyên nhân. Mọi hiện tượng cũng chỉ giản dị là những sản phẩm của các nguyên nhân. Thế gian nầy chỉ là một giao lưu tiếp nối chẳng ngừng của các lực lượng thiên nhiên tác động lẫn nhau và hằng biến đổi. Phật giáo vạch rõ cho chúng ta thấy rằng mọi sự vật đều thiếu mất một thực thể tự ngã. Chúng chỉ là một sự dâng trào liên tục các biến đổi, vốn tự bản chất là bất toại nguyện, vì đã sẵn thiếu tự do, phải tuân phục dưới hệ luật nhân quả. Sự bất toại nguyện đó được chấm dứt ngay một khi tiến trình biến đổi dừng lại, và tiến trình ấy sẽ ngưng lại một khi các nguyên nhân đã bị loại trừ, khiến cho chẳng còn sự tác động lẫn nhau nữa. Đây là một bản tường trình rất thâm sâu về "cái gì thực sự là cái gì", tức là về bản thể chân thật của muôn sự vật, mà chi có bực hoàn toàn giác ngộ mới có thể đưa ra được. Đấy là "trái tim" của Phật giáo. Nó chỉ cho ta thấy rằng mọi sự vật chỉ là bề ngoài mà thôi và chúng ta đừng nên để mình bị gạt gẫm trong việc ưa thích hay chán ghét chúng. Muốn khiến cho tâm thức được thật sự tự do thì cần phải tránh khỏi hoàn toàn sợi giây nhân quả ràng buộc bằng cách loại trừ triệt để các nguyên nhân. Bằng cách đó, sự bất toại nguyện do ưa thích hay chán ghét tạo nên sẽ được chấm dứt.

Nay chúng ta hãy tìm hiểu tại sao Đức Phật có ý định làm một tu sĩ khổ hạnh ẩn cư. Điều chi đã thúc đẩy Ngài trở thành Tỳ-kheo? Trong một bài pháp, Ngài có nói rõ điều ấy, sở dĩ Ngài đã xuất gia làm Tỳ-kheo là để tìm lời giải đáp thật đúng đắn cho câu hỏi:"Thế nào là điều thiện?". Tiếng Thiện (Kusala) được Đức Phật dùng ở đây, là để nói đến sự thiện xảo (khéo léo), đến chánh tri kiến tuyệt đối. Ngài đặc biệt muốn biết thật rõ ràng thế nào là đau khổ, nguyên nhân gây ra đau khổ là gì, thế nào là thoát khỏi hoàn toàn được sự đau khổ, và phương pháp nào dẫn đến sự thoát khổ hoàn toàn. Đó là đạt được chánh tri kiến tuyệt hảo về cái gì thực sự là cái gì, tức là về bản thể chân thật của muôn pháp.

Một khía cạnh quan trọng khác nơi Giáo pháp của Đức Phật là Ba Đặc tướng của muôn pháp, tức là sự vô thường (anicca), sự bất toại nguyện hay đau khổ (dukkha) và sự vô ngã (anatta). Nếu còn chưa hiểu biết rõ lời dạy đó thì còn chưa thông đạt được Phật giáo. Phật giáo vạch rõ cho chúng ta thấy rằng mọi sự vật đều vô thường, đều bất toại nguyện và đều vô ngã. Bảo rằng muôn sự vật đều vô thường tức là bảo rằng muôn sự vật cứ biến đổi triền miên, chẳng hề có một thực thể hay tự ngã nào có thể giữ sao cho khỏi biến đổi ngay cả trong một giây lát. Bảo rằng muôn sự vật là bất toại nguyện có nghiã là tự bên trong mọi vật đều có đặc tánh gây nên sự khổ đau và dày vò. Tự bản thân chúng đã là chẳng đáng yêu thích và thường làm ta vở mộng. Bảo rằng chúng là vô ngã có nghiã là bất cứ sự vật ở đâu cũng chẳng có một thực thể nào mà chúng ta có thể xem đó như là cái "tự ngã", hoặc để chúng ta có quyền coi đó như là "của ta". Nếu chúng ta bám chặt vào sự vật và bấu níu chúng thì hậu quả là chúng ta bị khổ đau ràng buộc ngay. Sư vật còn nguy hiểm hơn cả lửa, bởi vì, ít nhứt, hễ thấy lửa bốc cao lên thì ta chẳng tìm đến gần, còn sự vật nói ở đây chính là "lửa vô hình" chẳng nhìn thấy được. Và vì thế, chúng ta lại chạy đi bốc chơi từng nắm "lửa" đó, có biết đâu chúng luôn luôn làm ta đau đớn. Giáo lý đó chỉ dạy bản thể của muôn sự vật qua Ba Đặc tướng kể trên. Như thế, ta thấy rõ rằng Phật giáo giản dị chỉ là một hệ thống thực tiễn, có tổ chức, được đề ra để vạch rõ cái gì thực sự là cái gì.

Chúng ta vừa xét qua vì sao chúng ta phải hiểu rõ bản thể chân thực của muôn pháp. Chúng ta cũng đã học được cách làm thế nào để thực hành cho phù hợp với bản thể chân thực đó. Còn có một giáo lý khác nữa, thường được mệnh danh Giáo lý Căn bản nhứt. Điều nầy gồm có ba điểm ngắn gọn: "Tránh các điều ác, siêng làm các việc lành, thanh lọc tâm ý!" Đây là nguyên lý của sự thực tập. Đã biết rằng muôn sự vật đều vô thường, chẳng có chi đáng giá, chẳng phải là sở hữu của chúng ta, và do đó chẳng xứng đáng để chúng ta bấu níu hay để say đắm, chúng ta cần phải có hành vi thật thích nghi đối với chúng, và có thái độ thận trọng về chúng. Và, tránh các điều ác có nghiã là chẳng chống phá lại các tiêu chuẩn đạo đức và phải dứt bỏ sự khát khao và tríu mến. Mặt khác, con người cần làm điều thiện, tức là điều tốt lành theo đúng như lời dạy của bực hiền nhơn. Hai điều thiện, ác nầy cũng chỉ là hai giai đoạn trong Đạo đức học. Điều thứ ba, dạy ta phải luyện sao cho tâm ta được trong sạch chẳng bợn chút ô nhiễm nào, mới thật là Phật giáo chân trực. Điều nầy dạy ta phải làm sao cho tâm ý được hoàn toàn tự do. Khi nào tâm ý còn chưa thoát khỏi sự ngự trị của muôn sự vật, thì tâm ý ấy còn chưa thể gọi là một tâm ý thanh tịnh. Sự tự do tinh thần cần phải phát xuất từ sự hiểu biết thật sâu xa về cái gì thực sự là cái gì. Cho đến khi nào mà con người còn khiếm khuyết sự hiểu biết ấy, thì con người ấy vẫn còn vô ý thức chạy đuổi theo muôn sự vật để yêu thích hay để chán ghét bằng cách nầy hay cách khác. Cho đến khi nào con người còn chưa giữ được thái độ dửng dưng trước các sự vật, thì còn chưa thể bảo đó là có tự do. Căn bản mà nói, chúng ta là con người, nên phải bị lệ thuộc vào hai loại tình cảm, ưa thích và chán ghét (có liên quan đến các cảm thọ khổ và sướng). Chúng ta nô lệ vào khí sắc của chúng ta và chẳng có chút tự do thực sự nào, giản dị chỉ vì chúng ta còn chưa biết bản thể chân thật của các khí sắc, hay cái gì thực sự là cái gì. Sự ưa thích có đặc điểm là nắm bắt các sự vật và chụp giữ lấy; còn chán ghét thì có đặc điểm là xô đẩy và xua đuổi chúng. Cho đến khi nào vẫn còn hai tình huống đó, thì tâm thức vẫn chưa được tự do. Cho đến khi nào vẫn còn sự ưa thích hay sự chán ghét điều nầy, điều nọ, thì vẫn còn chưa có cách nào để tâm thức được thanh lọc và thoát khỏi bạo lực áp chế của muôn sự vật. Cũng chính vì lý do nầy mà lời dạy cao cả nhứt trong Phật giáo là lên án sự bám chặt và bấu níu vào sự vật, dầu khả ái hay kinh tởm, và kết tội nặng nề bất cứ sự dính mắc nào vào cả hai điều thiện và ác. Khi tâm thức đã thanh lọc khỏi hai loại phản ứng tình cảm đó, thì nó mới trở nên độc lập với mọi sự vật.

Các tôn giáo khác chỉ khuyên ta nên tránh điều ác và đeo đuổi theo việc lành. Các tôn giáo ấy khuyên ta nên nắm bắt và tríu mến điều lành, kể cả biểu tượng của sự toàn thiện là Thượng đế. Phật giáo đi xa hơn thế, lên án tất cả mọi sự tríu mến. Hâm mộ điều thiện là sự thực tập đúng đắn ở cấp trung gian, nhưng điều ấy chẳng đưa chúng ta lên bực cao hơn, cho dầu chúng ta có làm thêm điều gì nữa. Ở cấp thấp, chúng ta tránh điều ác, đến cấp trung ta nỗ lực làm điều lành, trong khi ở bực cao thì chúng ta mới khiến cho tâm thức vượt lên khỏi sự ngự trị của cả hai: thiện và ác. Tình trạng tríu mến vào đạo quả do điều thiện mang đến còn chưa phải là sự giải thoát hoàn toàn khỏi sự khổ đau, bởi vì trong khi kẻ làm ác phải chiụ các nỗi đau khổ dành cho kẻ ác, thì người hành thiện cũng phải gánh các sự đau khổ dành cho người lành. Khi hành thiện, người ta cũng thể nghiệm một thứ khổ đau của riêng người hành thiện. Một bực Trời thiện cũng có những khổ đau của các bực Trời, và ngay cả các bực Phạm thiên cũng chịu các khổ đau của Phạm thiên. Nhưng sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau chỉ xảy ra khi ta cố vùng vẫy cho tự do và vượt lên trên cả điều mà chúng ta gọi là thiện, để trở thành bực Thánh, bực đã siêu thoát mọi cảnh huống thế tục và cuối cùng đã đạt đến tình trạng của một bực toàn thiện, A la hán.

Giờ đây, như chúng ta vừa thấy, Phật giáo là giáo pháp của Đức Phật, bực đã hoàn toàn giác ngộ; và người Phật tử là người đang thực tập theo lời dạy đó. Đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ về điều gì? Giản dị là Ngài thấu hiểu rõ bản thể của muôn pháp. Và do đó, Phật giáo chỉ cho ta thấy được sự thật của mọi vật như thế nào, hay là cái gì thực sự là cái gì. Bổn phận của chúng ta là phải nên thực tập cho đến khi nào chúng ta hiểu rõ được sự thật ấy. Chúng ta có thể tin chắc rằng, một khi đạt được sự thông suốt hoàn toàn đó, thì sự khát vọng sẽ được sự thông hiểu đó dập tắt hẳn, bởi vì sự mê mờ liền chấm dứt vào ngay lúc sự hiểu biết khởi lên.

Mỗi khía cạnh của sự thực tập theo Phật giáo đều mang đến sự hiểu biết. Toàn bộ mục tiêu của bạn, khi quyết tâm theo con đường thực tập để đào sâu Phật pháp, cũng giản dị là để có thêm tri kiến. Nhưng nên nhớ, phải là chánh tri kiến, cái tri kiến đạt được qua trí huệ sáng suốt, chớ chẳng phải tri kiến của thế tục, tri kiến từng phần, tri kiến nửa vời, ví dụ như cái tri kiến vụng về lẫn lộn giữa tốt và xấu, hoặc xem căn nguyên của đau khổ như là nguồn gốc của hạnh phước. Bạn hãy nỗ lực hết mình để nhìn vào muôn sự vật trên bình diện đau khổ, và rồi tìm hiểu từ từ, từng bước một.

Tri kiến thâu thập được bằng cách ấy sẽ là tri kiến Phật giáo căn cứ trên các nguyên lý Phật giáo. Học tập theo đường lối ấy, ngay cả một người tiều phu đốn củi chưa biết đến sách vở là gì, cũng có đủ khả năng đi sâu vào bản chất của Phật giáo; trong khi một học giả về tôn giáo với nhiều cấp bằng đại học mải mê nghiên cứu về Tam Tạng Kinh Điển nhưng chẳng nhìn sự vật trên bình diện đau khổ đó, thì có thể còn chẳng thấu triệt được chút nào về giáo lý. Những người trong chúng ta có chút đỉnh thông minh cũng đủ sức để quan sát và nghiên cứu các sự vật và tìm hiểu ra được bản thể chân thực của chúng. Mỗi sự vật chúng ta gặp được, chúng ta phải nghiên cứu để có thể hiểu rõ ràng bản thể chân thực của nó. Và chúng ta phải hiểu rõ bản thể và căn nguyên của sự đau khổ đã làm cháy xém và thiêu đốt chúng ta. Khởi lập sự tỉnh thức, trông chừng và chờ đợi, quan sát theo cách đã mô tả các nỗi đau khổ đã đến với ta, đấy là phương cách tốt nhứt để thâm nhập vào Phật pháp. Điều nầy còn tốt hơn thập bội là học Phật pháp xuyên qua Tam Tạng Kinh Điển nữa.

Cắm cúi học hỏi Phật pháp trong Tam Tạng Kinh Điển trên phương diện từ chương chẳng làm sao mà hiểu thấu nổi bản thể chân thực của sự vật. Dĩ nhiên, Tam Tạng Kinh Điển chứa đầy các lời giải thích về bản thể sự vật, nhưng khổ một nỗi, người ta cứ đọc và học như là con két, nhai đi nhai lại những gì mà họ còn có thể nhớ được. Họ chẳng thể nào xuyên nhập vào bản thể của sự vật được. Nếu trái lại, họ biết quay về nội quán bên trong và chính mình khám phá ra các sự kiện về đời sống tinh thần, tìm thấy ra trực tiếp tự bản thân mình các đặc tánh của các lậu hoặc tinh thần, của sự đau khổ, của thiên nhiên; nói cách khác, của tất cả mọi sự vật có liên hệ đến mình, thì họ mới có thể đi sâu vào Phật pháp thực sự. Rất có thể một người chưa hề đọc đến Tam Tạng Kinh Điển, hay chưa hề được nghe nói đến, nhưng nếu anh ta hoàn thành sự suy tầm chi tiết mỗi khi đau khổ nổi lên trong anh và nung đốt tâm tư của anh, thì ta có thể nói quyết là anh đang học tập về Tam Tạng Kinh Điển một cách trực tiếp, và hơn nữa, đã học tập một cách còn đứng đắn hơn những kẻ đang vùi đầu đọc kinh điển. Bọn người nầy chỉ biết mỗi ngày vuốt ve các quyển Tam Tạng Kinh Điển mà chẳng có lấy được chút hiểu biết nào về nền Giáo pháp bất tử, lời dạy chứa trong kinh.

Cũng cùng thế ấy, chúng ta có thân tâm nầy, chúng ta đang xử dụng đến nó, chúng ta huấn luyện lấy chúng ta, và chúng ta làm những việc có liên hệ với chúng ta mỗi ngày, mà lại chẳng biết rõ điều nào về chúng ta cả, chẳng có đủ khả năng để giải quyết thoả đáng các vấn đề của chính chúng ta. Chúng ta vẫn còn gánh chịu sự đau khổ, và sự khao khát vẫn còn hiện diện đây để tạo nên càng ngày càng nhiều đau khổ, theo cùng với tuổi tác của chúng ta, tất cả chỉ vỉ chúng ta còn chưa tự hiểu lấy mình. Chúng vẫn còn chưa hiểu đời sống tinh thần chúng ta đang sống. Tìm hiểu cho được Tam Tạng Kinh Điển và những gì sâu thẩm ẩn kín trong ấy là việc cực kỳ khó khăn. Chúng ta hãy tìm học về Phật pháp bằng cách tìm biết về bản thể của chính chúng ta. Chúng ta hãy tìm biết về những gì đã tạo nên cái thân thể nầy và tâm tư nầy. Chúng ta hãy học ngay về đời sống: cái cuộc đời đang quay cuồng theo vòng tròn ham muốn, hành động theo sự ham muốn, và gặt hái kết quả của các hành động đó, lại để nuôi dưỡng thêm lớn các ham muốn nữa, và cứ như thế mãi, ngày qua ngày chẳng hề ngừng nghỉ; cuộc đời bị bó buộc phải quay cuồng trong vòng lẩn quẩn Luân hồi, biển khổ, hoàn toàn cũng chỉ vì sự ngu tối chẳng hiểu biết được về bản thể chân thực của muôn sự vật hay là "cái gì thực sự là cái gì".

Tổng kết lại, Phật giáo là một hệ thống thực tiễn, có tổ chức, được đề ra để phát giác cho chúng ta biết cái gì thực sự là cái gì. Một khi chúng ta đã nhận chân ra được sự vật đúng như thực sự chúng đang là như thế, chúng ta chẳng còn cần đến một ai để dẫn dắt hoặc chỉ dạy cho chúng ta nữa. Chúng ta có thể tiếp tục thực tập lấy một mình. Ta tiến trên con đường Thánh Đạo, càng nhanh hơn mỗi khi ta loại trừ được các lậu hoặc và dẹp bỏ các hành động chẳng thích nghi. Rồi đến mức tột cùng, ta sẽ đạt được một sự việc tốt đẹp nhứt của nhơn loại, được gọi là Đạo quả Niết bàn. Và điều ấy mỗi người có thể tự mình làm lấy, bằng cách thấu hiểu thật rõ ràng ý nghiã tối hậu của "cái gì thực sự là cái gì".

-ooOoo-

Ba đặc tướng phổ quát

Chúng ta sắp bàn luận về Ba Đặc tướng chung cho tất cả muôn sư vật, tức là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã.

Bất cứ sự vật nào cũng đều có tánh cách biến đổi chẳng ngừng; chúng chẳng hề ổn cố. Bất cứ sự vật nào cũng có đặc tướng làm cho bất toại nguyện; hễ thấy đến chúng thì khởi lên sự phá tan ngộ nhận và sự vỡ mộng nơi những ai đã có được sự thông suốt minh triết về bản thể của chúng. Chẳng có chút xíu nào nơi sư vật khiến ta có thể biện minh được việc xem sự vật ấy là "của ta". Dưới nhãn quan còn khiếm khuyết của chúng ta, muôn sự vật đều hiện lên như là có "tự ngã"; nhưng đến khi nhãn quan của chúng ta trở nên thanh tịnh hơn, chính xác và chẳng bị che mờ, thì chúng ta mới nhận rõ ra là chẳng có một thực thể tự ngã nào hiện hữu nơi muôn pháp cả.

Ba Đặc tướng đó là phương diện giáo lý mà Đức Phật đã nhấn mạnh đến nhiều nhứt, hơn bất cứ phương diện nào khác. Toàn bộ giáo pháp, nếu được đúc kết lại, thì chỉ tóm lược giản dị bằng sự thông đạt về vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Ba đặc tướng đó đôi khi được minh thị nhắc đến, đôi khi lại được diễn đạt dưới các ngôn từ khác nữa, nhưng trên căn bản chúng đều nhắm đến việc chứng minh một chơn lý chung duy nhứt. Tánh cách vô thường của muôn sự vật đã được giảng dạy vào trước thời Đức Phật, nhưng nó còn chưa được khai triển thật thâm sâu như Đức Phật đã làm. Cũng vậy, sự bất toại nguyện trước cũng đã được thuyết giảng, nhưng còn chưa đủ sâu sắc. Ý niệm nầy chưa được cứu xét trên quan điểm nhân quả, và chẳng có lời hướng dẫn nào về phương cách làm thế nào để diệt trừ hoàn toàn sự bất toại nguyện đến tận gốc rễ. Các đạo sư xưa còn chưa hiểu thấu được bản thể thực sự của nó, như Đức Phật đã thông suốt khi Ngài đạt đến sự giác ngộ. Còn về sự vô ngã, nơi nghiã tột cùng của nó, thì chỉ riêng được Phật giáo giảng dạy mà thôi. Học thuyết nầy dạy rằng khi một người đã hiểu tận tường "cái gì thực sự là cái gì" rồi, thì sẽ biết bất cứ sự vật nào cũng chẳng hề có "tự ngã", hoặc thuộc về một "tự ngã" nào. Điều nầy chỉ có Đức Phật mới giảng dạy đến, vì Ngài là một bực đã thông suốt hoàn toàn ý nghiã của "cái gì thực sự là cái gì", tức là bản thể chân thực của muôn pháp.

Các phương cách thực tập để đưa tới sự thấu hiểu cả ba đặc tướng đó thì có rất nhiều; nhưng chỉ có một sự kiện duy nhứt đáng ghi nhớ được phát hiện ra là, một khi đã đạt tới sự minh triết hoàn toàn rồi thì chẳng hề thấy còn có sự bám chặt hay bấu níu nào nữa. Đâu có điều chi đáng cho chúng ta nắm giữ, để lấy hay để trở thành. Tóm lại, chẳng gì đáng giữ, chẳng gì đáng thành cả. Chỉ khi nào ta nhận chân ra khi được gì, hoặc trở thành gì, đều là mê lầm, dối gạt, ảo ảnh, chừng đó ta mới thật sự thấu triệt được sự vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Một người có thể đọc tụng công thức "vô thường, khổ, vô ngã" sáng và chiều, hàng trăm, hàng ngàn lần mà vẫn còn chưa có thể thấu hiểu nổi ba đặc tướng ấy. Đâu phải nhờ nghe hay đọc tụng mà nhận ra được bản thể của ba đặc tướng.

Giờ đây, Trí huệ trực giác, hay là điều mà chúng ta gọi là "kiến Pháp", chẳng hề bao giờ cùng một loại với sự suy tư thuần lý cả. Ta chẳng bao giờ "thấy" được Pháp qua đường lối suy tư thuần lý. Trí huệ trực giác chỉ có thể đạt được qua phương cách nội quán chân thực. Thí dụ như ta đang cứu xét đến một tình trạng trong đó ta đã vô tình làm cho mình bị kẹt dính vào một điều gì gây nên đau khổ. Nếu khi nhìn thật kỹ kưỡng vào tiến trình các biến cố đó, ta trở nên chán ngấy, vỡ mộng và tỉnh ngộ ra đối với điều ấy, thì ta có thể nói đó là ta đang "thấy Pháp", hay là ta đang đạt được trí huệ sáng tỏ. Trí huệ sáng tỏ đó được phát triển đúng thời cho đến khi nó trở nên hoàn hảo, và có năng lực mang đến sự giải thoát ra khỏi muôn sự vật. Nếu một người cứ đọc tụng sang sảng: "vô thường, khổ, vô ngã" và nghiên cứu ba đặc tướng đó, ngày và đêm, mà chẳng hề vỡ mộng ra trước sự vật, chẳng hề vứt bỏ được sự khao khát được sự vật ấy, hay buông rơi mưu đồ trở thành nọ, kia, hoặc cắt đứt ý định nắm bắt và bấu níu vào sự vật, thì người ấy còn chưa đạt đến Trí huệ. Tóm lại, thông đạt được vô thường, bất toại nguyện và vô ngã chung qui chỉ là nhận chân ra được chẳng có gì đáng để , để thành cả.

Có một danh từ Phật học bao quát được trọn cả ý nghiã của ba đặc tướng, là danh từ tánh Không (Sunnata), hay rỗng vắng, sự rỗng vắng của tự ngã, sự rỗng vắng của bất cứ bản thể tinh hoa nào mà chúng ta được quyền bám níu vào, với tất cả quyền năng của chúng ta, và xem đó như là "của ta". Sự quán chiếu, thường đưa đến sự thông suốt rằng muôn sự vật đều khiếm khuyết một tự thể đáng để bám níu vào, chính là cốt tủy thực sự của tôn giáo. Đó chính là chìa khoá của sự tu tập theo Phật giáo. Khi nào chúng ta đã biết thật rõ rằng mọi sự vật đều khiếm khuyết một tự ngã thì chúng ta có thể nói là đã biết rõ được toàn bộ Phật pháp rồi. Chỉ mỗi một từ ngữ "rỗng vắng tự ngã" cũng đủ tóm tắt được cả các danh từ vừa "vô thường", vừa "bất toại nguyện" và vừa "vô ngã". Khi sự vật nào cứ thường xuyên biến đổi, khiếm khuyết một yếu tố thường hằng bất biến, thì vật ấy mới có thể được gọi là rỗng vắng. Khi vật ấy được nhìn thấy như tràn đầy khả năng gây ra sự giác tỉnh, thì vật ấy có thể được mô tả như là rỗng vắng mọi thực thể mà ta có quyền bấu níu vào. Và khi chúng ta khám phá ra, bằng sự quán chiếu, rằng vật ấy chẳng chứa một thành tố nào thường hằng để có thể gọi đó là "tự ngã", rằng đấy chỉ là thiên nhiên đang thay đổi và chuyển lưu đúng theo các định lý thiên nhiên, mà ta chẳng có quyền gọi đó là tự ngã được, thì vật ấy mới có thể được mô tả như là rỗng vắng một tự ngã vậy. Ngay khi một người đã nhận chân ra được sự trống rỗng của muôn sự vật, thì liền khi ấy khởi lên nơi anh ta sự bừng tỉnh rằng chẳng có gì đáng để hay để trở thành cả. Cái cảm tưởng chẳng còn ham muốn để hay để trở thành nữa lại có mãnh lực bảo vệ ta khỏi phải rơi vào hàng nô lệ cho mọi phiền não hay bất cứ tình cảm nào. Một khi con người đã đạt đến tình trạng đó, thì kể từ khi ấy trở đi, chẳng thể nào lại khởi lên một tâm trạng bất thiện nữa. Người ấy chẳng còn để bị lôi cuốn dính mắc vào bất cứ sự việc gì. Người ấy cũng chẳng hề, dưới mọi hình thức, bị thu hút hoặc bị cám dỗ bởi bất cứ điều gì. Tâm tư người ấy đã biết thế nào là tự do, tự tại, và hoàn toàn thoát khỏi mọi khổ đau.

Lời tuyên ngôn rằng "chẳng có chi đáng để có hay để trở thành" cần phải được hiểu theo một ý nghiã đặc biệt. Các tiếng "để có" "để trở thành" đây muốn nói đến "có" hay "trở thành" với một tâm tư ô nhiễm, với một tâm tư cứ muốn bám chặt lấy và bấu níu vào cho đầy đủ và trọn vẹn. Điều ấy chẳng có nghiã là ta có thể sống mà chẳng cần phải "có" hay là chẳng cần "trở thành" gì cả. Thông thường con người đâu có ai sống được mà chẳng cần đến gì. Ta cần tài sản, vợ con, ruộng vườn, v.v. Ta cần trở thành người tốt, chẳng ai tránh khỏi được việc thành người thắng hay kẻ bại, hoặc là một điạ vị nào trong xã hội. Thế thì tại sao ta lại được dạy rằng muôn sự vật đều chẳng đáng chi để mà hay để mà thành? Câu trả lời là: ý niệm hay trở thành chỉ là những ý niệm tương đối; chúng vốn là những ý tưởng của thế tuc, đặt căn bản trên sự vô minh. Nhưng nếu nói theo ngôn từ của chơn lý thuần túy và tuyệt đối, thì chúng ta đâu có thể "có" được gì hay là "thành" cái gì được. Tại sao lại như vậy? Giản dị bởi vì người muốn và chính sự vật được, cả hai đều vô thường, bất toại nguyện (gây đau khổ) và chẳng phải là sở hữu của ai hết. Nhưng kẻ nào còn chưa nhận chân ra được điều ấy thì lại nghĩ rằng: "Tôi đang có, tôi đang thành..." Chúng ta thường suy nghĩ máy móc như thế đó và chính cái ý niệm trở thành ấy là căn nguyên của phiền muộn và khốn khổ.

trở thành là hình thức của sự ham muốn, tức là muốn sao cho vật mình mong hoặc việc mình mong thành, chẳng bị trôi qua hay biến mất đi. Sự đau khổ khởi lên từ sự ham muốn được, hay thành được; hay nói vắn tắt hơn, từ chính sự ham muốn, và sự ham muốn lại khởi lên từ sự còn chưa thấu hiểu nổi rằng muôn sự vật đều mang tự bên trong chúng cái tánh cách bất toại nguyện. Lầm tưởng rằng sự vật đáng cho ta yêu thích, cái ý sai lạc nầy đã hiện diện từ lúc mới sanh ra, và nó là nguyên nhân của sự ham muốn. Theo sau sự ham muốn là các kết quả, hoặc phù hợp hay chẳng phù hợp với sự ham muốn. Nếu được kết quả đúng như sự ham muốn thì lại nổi lên một sự ham muốn khác còn lớn hơn nữa. Nhưng nếu kết quả chẳng như đã mong muốn, thì lại có các nỗ lực tranh đấu cách nầy hay cách khác mãi cho đến lúc thu lượm được kết quả mãn nguyện. Cứ đeo đuổi như thế ấy thì gây ra một hậu quả là vòng lẩn quẩn: hành động (nghiệp, karma), kết quả, hành động, kết quả, và vòng ấy được mệnh danh là Bánh Xe Luân Hồi (Samsara). Ngay đây, chữ Luân Hồi chẳng nên chỉ được xem như là cái chu kỳ bất tận của đời sống vật lý nầy kế tiếp đời sống vật lý khác.

Thật ra, danh từ ấy ở đây trỏ vào cái vòng lẩn quẩn của ba biến cố: ham muốn, hành động ứng theo sự ham muốn, kết quả của hành động đó; sự bất lực ngăn cản việc ham muốn, lại phải ham muốn thêm nữa, hành động, rồi lại có kết quả khác, rồi sự ham muốn lại gia tăng hơn nữa... cứ như thế đến vô cùng tận. Đức Phật gọi điều đó là Bánh Xe Luân Hồi, bởi vì nó cứ chuyển vận, lăn tròn mãi. Chính vì cái chu kỳ lẩn quẩn đó mà chúng ta cứ phải gánh chịu sư khổ đau dày vò. Phá vỡ được vòng lẩn quẩn đó chính là đạt đến sự tự do giải thoát khỏi mọi thống khổ, nói cách khác, là đạt đến Niết bàn. Chẳng kể đó là người cùng đinh hay một nhà triệu phú, đại vương hay hoàng đế, một bực Trời hay một bực Thiên vương, hay bất cứ ai đi nữa, hễ bị vướng vào vòng lẩn quẩn đó, thì kẻ ấy sẽ phải chịu đau khổ dày vò dưới hình thức nầy hay hình thức nọ, để đeo đuổi theo sự ham muốn của y. Ta có thể bảo rằng bánh xe Luân hồi đó chở đầy khẳm sự đau khổ. Để cải thiện tình trạng đó, đạo đức học đã tỏ ra chẳng mấy thích hợp. Muốn giải quyết vấn đề đó, chúng ta phải nương tựa vào các nguyên lý của Phật pháp.

Chúng ta vừa thấy sự khổ đau bắt nguồn từ sự ham muốn, và điều nầy được Đức Phật nói đến trong Thánh Đế thứ hai. Có ba loại ham muốn. Loại thứ nhứt là sự ham muốn về các giác quan, ham muốn được thích thú với sự vật: hình dáng và màu sắc, âm thanh, hương, vị và xúc chạm. Loại ham muốn thứ hai là ham muốn được trở thành, sự ham muốn thành như thế nầy, hoặc thành như thế kia, tùy theo sự việc mình cần. Và loại thứ ba là các ham muốn chẳng trở thành, ham muốn khỏi trở nên như vầy, như khác. Chỉ có ba loại ham muốn ấy mà thôi, và đó là một qui luật tuyệt đối. Xin được thách đố bất cứ ai tìm thêm ra được và chứng minh cho được sự hiện hữu một loại ham muốn nào khác nữa ngoài ba loại ấy.

Bất cứ ai cũng có thể quan sát để thấy rằng nơi nào có sự ham muốn là nơi đó có sự khốn khổ, và khi ta bị thúc dục phải hành động theo sự ham muốn, thì chắc chắn ta sẽ gánh chịu nỗi đau khổ tương xứng với sự ham muốn. Đang gặt hái được kết quả, ta lại bất lực trước việc nên chấm dứt sự ham muốn của chúng ta lại, bởi thế cho nên ta mới tiếp tục ham muốn thêm nữa. Lý do vì sao ta còn phải chịu đau khổ dài dài chính là vì ta còn chưa có đủ tự do đối với các sự ham muốn, vẫn còn làm nô lệ cho chúng. Thế nên, có thể bảo rằng người bất thiện hành động ác vì anh ta muốn điều bất thiện và rồi phải gánh chịu sự đau khổ tương xứng với bản thể của người bất thiện; còn người thiện lành muốn làm điều lành, thì cũng lại phải gánh chịu một nỗi khổ đau, một thứ khổ đau phù hợp với bản thể của người thiện lành. Nhưng đừng có hiểu sai lầm rằng đó là lời dạy chớ nên làm điều lành. Lời dạy đó chỉ có nghiã giản dị là khuyên ta phải nhận chân ra có rất nhiều mức độ đau khổ, thật tế nhị, mà con người trung bình còn chưa khám phá để thấy được. Chúng ta cần phải hành động theo lời khuyên của Đức Phật: nếu chúng ta muốn vùng vẫy để được tự do hoàn toàn thoát khỏi mọi sự đau khổ, thì việc giản dị hành thiện suông còn chưa đủ. Cần thiết phải có các hành động sao cho vượt khỏi và cao lên trên việc hành thiện nữa, những hành động để khiến cho tâm tư thoát ra khỏi tình trạng nô lệ vào bất cứ các ham muốn nào. Đấy là tinh hoa của lời Phật dạy. Tinh hoa ấy còn chưa có bất cứ tôn giáo nào trên thế giới làm hay hơn nổi, hoặc làm bằng cho được; vì thế cần phải ghi nhớ lấy cho thật cẩn thận. Thành công trong việc khắc phục cả ba loại ham muốn vừa kể, chính là đã đạt được sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau.

Làm cách nào ta có thể loại trừ, dập tắt tận gốc rễ và dẹp bỏ sự đau khổ một cách dứt khoát? Câu trả lời là: giản dị chỉ cần quan sát và ghi nhận sự vô thường, bất toại nguyện (đau khổ) và vô ngã, cho đến khi nào ta thấy được ra chẳng có chi đáng để ta ham muốn. Còn có chi đáng để ta muốn có, hay là để trở thành? Còn có cái gì nữa để một người khi được nó, hay trở thành nó, thì nó lại thất bại trong việc làm khởi lên một hình thức đau khổ? Bạn hãy tự hỏi câu nầy: Có điều gì mà ta có thể được, hay trở thành được mà chẳng đem lại sự khốn khổ và lo âu? Hãy nghĩ đi nghĩ lại cho chín chắn. Lấy vợ và có con, có làm cho ta thanh thản yêu đời hay là gia tăng gánh nặng trách nhiệm? Leo lên đến một điạ vị cao sang hoặc được khoác thêm một danh hiệu có phải là được thêm sự bằng an và êm ả hay chỉ mang thêm nhiều nghiã vụ nặng nề? Nhìn mọi sự vật theo chiều hướng nầy, ta thấy ra thực sự chúng chỉ mang lại gánh nặng và trách nhiệm. Và tại sao lại như vậy? Bất cứ một sự vật nào rồi ra cũng giản dị là một gánh nặng, chỉ vì đặc tánh của nó là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Đã được một sự vật nào, ta lại phải canh chừng nó, giữ nó còn ở đó mãi với ta, chở che nó cho nó còn được luôn luôn như ta mong muốn, hoặc để nó đem lại lợi ích cho ta mãi. Nhưng mà sự vật đó lại do bản chất là vô thường, bất toại nguyện và chẳng phải là sở hữu của bất cứ ai. Nó chẳng thể nào theo đúng ý nguyện và mục tiêu của ai cả. Nó cứ biến chuyển mãi, dựa theo bản thể của nó. Tất cả mọi nỗ lực của ta đều trái ngược và chống đối lại các qui luật của thiên nhiên -- là phải biến đổi chẳng ngừng -- và cuộc đời, với mọi mưu tính cố làm sao cho sự vật phải thật phù hợp với điều mình ước mong, thì lại tràn đầy sự khó khăn, khốn khổ.

Có một kỹ thuật giúp ta nhận chân ra được chẳng có gì đáng để ta hay để trở thành. Kỹ thuật ấy gồm có việc quan sát sự vật thật đủ sâu xa để khám phá ra rằng, với sự hiện diện của khát vọng, con người còn có một loại cảm giác nào đó nghiêng về việc muốn hay muốn trở thành, rằng khi sự ham muốn đã nhường bước hoàn toàn cho trí huệ đã thấu hiểu về bản thể chân thực của muôn pháp, thì thái độ của con người đối với việc muốn hay muốn thành lại khoác lên một dạng thức khác hơn. Để đưa ra một thí dụ dễ hiểu, chúng ta hãy cứu xét đến việc ăn uống. Một người ăn uống với sự ham muốn và thèm khát các món ngon khoái khẩu tất có những cử chỉ chẳng giống với người cũng ăn, nhưng với sự thông hiểu rõ ràng của trí huệ về bản thể thực sự của muôn pháp. Cách ăn của hai người phải khác nhau, cảm giác của họ trong khi ăn cũng chẳng giống nhau, và do đó mà hậu quả của việc họ ăn uống cũng chẳng đồng nhứt.

Giờ đây chúng ta phải hiểu ra rằng một người cũng có thể dùng thực phẩm nhưng chẳng có sự thèm khát nào về món ăn ngon. Đức Phật và các vị A la hán, các bực đã giũ sạch mọi khát vọng, cũng vẫn sanh hoạt, và công tác của các Ngài còn nhiều hơn bội phần những công việc còn đầy khát vọng của chúng ta. Do năng lực nào mà các Ngài đã hoạt động được như thế? Và do năng lực nào còn dính líu với sự ham muốn được sự vật nầy và thành được việc nọ mà chúng ta đã hoạt động? Câu trả lời là các Ngài đã xử dụng năng lực của Trí huệ, của sức hiểu biết sáng tỏ về "cái gì thực sự là cái gì", hay là bản thể chân thực của muôn pháp. Còn chúng ta ngược lại, được thúc đẩy bởi dục vọng, nên kết quả là chúng ta, chẳng giống với các Ngài nổi, mà phải lệ thuộc vào đau khổ triền miên. Các Ngài chẳng hề ham muốn để có, để được bất cứ gì, và kết quả là rất nhiều kẻ khác đã hưởng lợi lạc do nơi lòng từ thiện của các Ngài. Trí huệ của các Ngài đã nhắc nhở các Ngài nên nói rõ lên điều ấy cho mọi người cùng biết, hơn là giữ thái độ dửng dưng, và vì thế mà các Ngài đã truyền dạy Giáo pháp cho chúng ta đến ngày nay.

Giải thoát được khỏi các khát vọng còn mang đến nhiều lợi ích phụ thuộc khác. Một thân tâm dứt sạch các khát vọng có thể đi tìm và san sẻ thực phẩm theo sự thúc đẩy của Trí huệ biết phân biện, chớ chẳng phải là do sự ham muốn như trước kia. Nếu muốn vùng vẫy thoát ra khỏi mọi đau khổ và cất bước theo dấu chân của Đức Phật và các vị A la hán, thì ta phải gắng tập luyện hành động với sự phân biện hơn là với tham vọng. Nếu bạn là một sinh viên, bạn nên học tập phân biệt giữa điều phải với điều trái, điều thiện với điều ác, và chứng nghiệm lại sự học vấn là con đường hành động tốt nhứt cho bạn. Nếu bạn có được một nghề nào, thì cũng nên học tập phân biệt giữa điều phải với điều trái, điều thiện với điều ác, và tự lấy làm thoả mãn rằng nghề nghiệp ấy chính là một sự việc tốt nhứt cho bạn để hành động và đem lợi ích đến cho các người có liên hệ. Rồi đó bạn hãy làm đi, làm cho giỏi, và với tất cả sự thanh lương và sự trầm tĩnh mà Trí huệ của bạn đã cung cấp cho. Nếu, đang làm việc chi mà ta được thúc đẩy bởi sự ham muốn, thì lo âu sẽ đến với ta trong khi làm và vào lúc hoàn tất. Nhưng nếu ta đã làm việc đó với năng lực hướng dẫn của sự phân biện, thì ta chẳng khi nào phải ưu tư cả. Đấy chính là điểm khác biệt cần nên biết đến.

Và rồi lại còn một điều cần thiết nữa là ta phải luôn luôn ý thức rằng muôn pháp đều vô thường, bất toại nguyện và vô ngã; tức là chúng chẳng đáng cho ta để hoặc để trở thành. Và nếu ta còn phải dính líu đến chúng, thì ta nên hành động với sự phân biện, để cho các việc chúng ta làm chẳng bị hoen ố vì lòng ham muốn. Nếu chúng ta đã xử sự một cách thông minh và đứng đắn, thì chúng ta sẽ thoát khỏi đau khổ ngay từ đầu đến cuối. Tâm tư sẽ chẳng mù quáng bám chặt đến và bấu níu vào các sự việc chẳng đáng cho ta để hay để trở thành. Chúng ta có thể vững tâm là đã hành động với sự tỉnh thức và đã có đủ khả năng để tiến hành, đúng với truyền thống và thông lệ, hoặc rất phù hợp với luật pháp. Thí dụ như, mặc dầu ta đang làm chủ một thửa đất, hay một tài sản nào khác, thì đâu có cần thiết gì phải sanh bụng tham lam về chúng. Ta đâu cần phải bám níu vào sự vật cho đến mức chúng trở thành gánh nặng cho ta, đè trĩu vai ta và dầy vò tâm ta. Luật pháp đặt ra để bảo vệ mãnh đất của ta luôn luôn thuộc quyền sở hữu của ta. Ta nào cần phải lo lắng và ưu tư về nó. Có bao giờ nó lại rơi lọt qua các ngón tay ta mà biến mất đâu. Ngay cả khi có kẻ đến cướp lấy nó ra khỏi tay ta đi nữa, ta vẫn còn có thể kháng cự lại và bảo vệ nó một cách thông minh chớ. Ta có thể kháng cự lại mà chẳng để cơn giận dữ nổi lên trong ta, tránh cho ta khỏi bị nung đốt vì lửa giận. Nương tựa vào luật pháp, ta đề kháng lại mà chẳng vướng chút khổ đau nào. Chắc chắn là ta phải trông chừng tài sản của ta, nhưng nếu chẳng may mà chúng vuột khỏi nắm tay ta, thì dầu tình cảm xúc động đến mức nào đi nữa cũng đâu giúp ta cải thiện được gì. Muôn pháp đều vô thường, cứ biến đổi triền miên. Nhận chân ra điều nầy, cần gì phải điên tiết lên về bất cứ sự việc nào.

Sự "trở thành" thì cũng như thế. Chẳng cần thiết phải bấu níu vào tình trạng ta đang "là" như thế nầy hay như thế nọ, bởi thực sự ra chẳng có tình trạng nào là đáng toại nguyện cả. Mọi tình trạng đều mang đến đau khổ dưới hình thức nầy hay hình thức khác. Có một kỹ thuật thật giản dị mà chúng ta cần xét đến sau nầy, được gọi là Thiền Minh Sát (Vipassana), là sự thực tập trực tiếp về Phật pháp. Đó là kỹ thuật nội quán thật chặt chẽ, phát giác ra chẳng có gì đáng cho ta trở thành cả, tức là chẳng hề có một tình trạng nào thực sự đáng để mãn nguyện cả. Hãy nhìn kỹ vào vấn đề nầy: tìm xem coi bạn có thể khám phá ra được một tình trạng đắc ý nào chăng. Làm con, làm chồng, làm vợ, làm chủ, làm tớ, có tình trạng nào thật là đáng thích thú chăng? Ngay cả được làm một người với nhiều lợi điểm, như thắng trận chiếm thượng phong chẳng hạn, có đáng thích thú chăng? Thân phận của loài người có đáng thích thú chăng? Ngay cả thân phận một vị Trời hay một vị Thiên vương, có đáng thích thú chăng? Khi bạn đã đạt đến sự hiểu biết rõ ràng về "cái gì thực sự là cái gì", bạn sẽ thấy đâu có sự việc gì đáng thích thú về bất cứ phương diện nào. Chúng ta còn đang cố xoay trở vá viú một cách vô ý thức để cho được để trở thành. Nhưng tại sao ta lại cứ mạo hiểm đời ta vào việc đó một cách mù quáng, luôn luôn hành động dưới sự thúc đẩy của dục vọng? Ta cần phải hiểu rõ sự vật và sống cho khôn khéo, biết dấn thân vào công việc theo cách nào để cho sự vật chỉ gây đau khổ ở mức tối thiểu, hoặc lý tưởng hơn, chẳng gây chút nào đau khổ.

đây là một điểm khác nữa: chúng ta cần mang đến cho đồng loại, bạn hữu, và nhất là cho các người thân sống gần bên chúng ta, sự hiểu biết về sự vật là như thế đó, để khiến cho họ cùng có một chánh kiến đứng đắn như chúng ta đang có. Nhờ đó mà chẳng còn các sự xáo trộn nữa nơi gia đình, thành thị, quốc gia, và cuối cùng trên toàn cõi thế giới. Tâm tư của mỗi người sẽ được miễn trừ khỏi các khát vọng, dầu là khát vọng để nắm bắt lấy, hay khát vọng có được một ai tận tụy với mình hoặc mình được ấp ủ tưng tiu trong sự vật nào đó. Thay vì như thế, đời sống mọi người sẽ được hướng dẫn bởi Trí huệ, bởi ánh quang minh chẳng bị che mờ, hằng chiếu rọi đến chơn lý là chẳng hề có gì đáng cho ta nắm bắt lấy và bám níu vào cả. Mọi người đồng nhận chân ra, rằng muôn pháp đều vô thường, bất toại nguyện và khiếm khuyết hẳn một thực thể tự ngã, rằng chẳng một sự vật nào, trong số đó, là đáng cho ta mê đắm cả. Bổn phận của chúng ta là phải có đủ minh mẫn để từ bỏ chúng, để có được các quan kiến đúng đắn, và để theo sát lời dạy của Đức Phật. Người nào làm đúng điều nầy mới xứng đáng gọi là một Phật tử thực sự. Dầu chưa bao giờ gia nhập hàng tu sĩ, dầu chưa hề thọ trì các giới luật, nhưng người ấy thực sự đã đi sâu vào Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng. Tâm tư người ấy giống y với tinh thần của Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng. Tâm tư ấy sẽ chẳng bao giờ bị ô nhiễm, luôn luôn giác ngộ và trầm lặng, giản dị là chỉ vì nhờ vào việc chẳng nắm bắt lấy bất cứ sự vật gì đáng để hay để trở thành. Như thế, một người có thể thực sự trở nên một vị Phật tử thuần thành, tinh thông giáo lý, giản dị chỉ nhờ vào cái kỹ thuật biết quán sát và cảm nhận được sự vô thường, bất toại nguyện và vô ngã cho đến khi nào người ấy đã nhận chân ra được rằng chẳng có chi đáng để hay để trở thành cả.

Các hình thức thấp kém nhứt của việc ác bắt nguồn từ dục vọng và được nuôi dưỡng bởi sự ham muốn để hay để trở thành. Các hình thức hạng trung của việc ác gồm có hành động được thúc đẩy bởi dục vong ở mức độ vừa vừa. Còn các việc thiện được thực hiện cũng căn cứ trên sự ham muốn nhưng đó là sự ham muốn dưới một hình thức mỏng mảnh và tế nhị nhứt, sự ham muốn để hay để trở thành, trên một bình diện thiện lành. Nhưng ngay cả ở các hành vi thiện cao cấp nhứt, điều thiện vẫn dựa trên căn bản của sự ham muốn nhưng rất tế nhị, mỏng mảnh, đến nổi người đời chẳng xem sự ham muốn đó là việc xấu nữa. Nhưng sự thật là, cái hành động thiện đó chẳng bao giờ đem lại sự tự do thoát khỏi khổ đau hoàn toàn được. Một bực đã dẹp thật sạch các ham muốn rồi, tức là vị A la hán, là bực đã chấm dứt việc hành động dựa trên sự ham muốn và đã trở nên kẻ chẳng còn khả năng để làm việc ác nữa. Các hành động của Ngài vượt khỏi ra ngoài sự xếp loại các hành vi thiện và ác. Tâm tư các Ngài đã hoàn toàn tự do và siêu việt qua khỏi giới hạn của thiện và ác. Và do đó các Ngài được thung dung, chẳng hề vướng đau khổ. Đây là một nguyên lý căn bản trong Phật giáo. Dầu cho chúng ta có làm được đúng như thế không, hoặc có ước vọng làm được đúng như thế không, thì điều đó vẫn là phương cách để giải thoát khỏi sự đau khổ. Ngay hôm nay, có lẽ chúng ta còn chưa muốn điều đó, nhưng rồi sẽ có ngày chúng ta tự cảm thấy bó buộc phải nên muốn điều đó. Tuy chúng ta đã dẹp bỏ điều ác hoàn toàn rồi và nỗ lực hết mình để hành thiện, tâm tư chúng ta vẫn còn vướng vít các hình thức tế nhị khác của sự ham muốn. Thế thì chẳng còn cách nào khác hơn, để tận diệt chúng, là phải cố gắng vượt bức qua cho khỏi ma lực của ham muốn, cái ham muốn để hay để trở thành bất cứ gì. Nếu ở đó đã có Niết bàn, tức là sự giải thoát khỏi mọi loại đau khổ, thì chắc chắn ở đấy cũng phải có sự vắng bặt hoàn toàn và trọn vẹn của mọi dục vọng.

Nói tóm lại, hiểu biết được "cái gì thực sự là cái gì" là thấy ra muôn pháp đều vô thường, bất toại nguyện và khiếm khuyết một tự ngã. Khi chúng ta đã thực sự hiểu biết điều nầy rồi thì tâm tư chúng ta sẽ nhìn thấy sự vật theo chiều hướng chẳng còn muốn nắm bắt lấy và bám níu vào bất cứ sự vật gì. Nhưng nếu chúng ta vẫn còn phải nhúng tay vào việc theo lối "để mà hay để mà trở thành", thì chúng ta nên hành động một cách minh mẫn, có Trí huệ hướng dẫn, chớ chẳng phải do dục vọng thúc đẩy. Hành động được như thế, chúng ta vẫn giữ vẹn được tự do thoát khỏi mọi khổ đau.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03

Xem thêm bản Anh ngữ: Handbook for Mankind

Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 12-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 23-12-2003