BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Chìa Khóa Vào Chơn Lý Thiên Nhiên

Tỳ khưu Phật Lệ
(Buddhadàsa Bhikkhu)
Thiện Nhựt phỏng dịch

Nguyên tác: Key to Natural Truth, Buddhadàsa Bhikkhu

 

Nội dung

1. Tựa
2. Kinh Kàlàma, xin cứu giúp chúng con!
3. Hai thứ ngôn ngữ: nói thường và nói Pháp.

Tựa

Bi kịch của đời sống con người là một bí ẩn mà chúng ta đang phải sống. Nguồn gốc căn bản, ý nghĩa và mục đích của đời sống, phần đông chúng ta đều chẳng biết được rõ, khiến cho chúng ta còn chẳng sống được trọn vẹn đầy đủ và sung sướng. Mặc dầu chẳng nên và cũng chẳng cần thiết phải như thế, nhưng các quan kiến méo mó cùng các tư tưởng vượt ngoài vòng kiểm soát đã đưa đẩy cuộc đời thông thường trở thành một bí ẩn. Ngay cả cuộc đời mà mỗi chúng ta cứ gọi là "đời riêng của tôi", cũng bị che mờ bởi sự hỗn tạp và náo động của các tình cảm, tin tưởng, ý kiến và hiểu lầm. Còn chưa hiểu rõ đời, chúng ta sống một cách thiếu thích nghi và tương phản với Thiên nhiên và Chơn lý của nó. Lối sống như thế thật là cằn cỗi, chật chội, nhỏ bé, ích kỷ và đầy khổ sở. Làm cách sao mà ta thoát ra khỏi, để đi vào một cuộc đời thanh lương, an hoà và hoan hỉ mà ta biết đó là tự nhiên và đúng đắn?

Nhiều nhân vật cảm khái rất sâu xa khi đi tìm cách làm sáng tỏ được cái bí ẩn đó và sự khổ đau bi thảm của nó. Đức Phật là một trong những bực ấy, đã thành công hoàn toàn, cả cho chính Ngài và cho toàn thể nhơn loại. Sự thành công của Ngài đã xuyên qua sự thực hiện trực tiếp Chánh Pháp, Chơn lý Thiên nhiên, để giải thoát tâm ra khỏi mọi sự khốn khó và các khổ nạn. Như là kết quả tự nhiên của sự giác ngộ của Ngài, Ngài đã đặt trọn đời Ngài vào việc giúp đỡ những kẻ khác được giác ngộ theo. Theo lời Ngài, "Chánh Pháp được ta khéo giảng, tựa như dựng đứng lên những gì đã bị lật úp xuống, như mở ra những gì đã bị đậy kín; nó được tuyên giảng vang lên; các mép tơi tả đã được cắt đứt bỏ hết."

Giải thích và vạch rõ con đường đến với Chơn Lý Thiên Nhiên là tất cả những gì mà một chúng sanh có thể làm cho kẻ khác, nhưng còn chưa đủ giúp ta làm sáng tỏ cái bí ẩn cuả cuộc đời và tìm ra được an lạc. Chúng ta còn chưa thành công trong việc tìm hiểu ý nghĩa của tặng phẩm của Ngài. Sự thất bại đó do bởi các ý kiến của chúng ta, sự khiếm khuyết tỉnh thức, sự lười biếng, sự lãnh đạm thờ ơ, và v.v... Chìa khoá trong tập sách nầy, do đó, nhắm vào ý định giúp mở ra một con đường quang đãng, dễ sống theo, để đưa sự mê mờ và yếu kém của chúng ta vào được ngõ thông hiểu đúng đắn về Chánh Pháp (Chơn Lý Thiên Nhiên), khiến cho Chánh Pháp trở lại rạng chiếu vào đời sống, phát hiện bí ẩn của nó, và dập tắt hết mọi khổ sở (dukkha).

Có năm "chìa khoá" tại đây. Chià khóa thứ nhứt là Kinh Kàlàma (Kàlàma Sutta) đặt thành căn bản của thái độ trong Phật học: ta chỉ tin tưởng vào một điều gì, sau khi đã quan sát kỹ nó, suy tư cặn kẽ cẩn thận về nó, thử nghiệm nó và tự chính mình, nhận thấy ra điều ấy đúng. Con đường Phật giáo về Trí huệ trở nên vô nghĩa cho những ai đã hờ hững với nguyên tắc đó; các kẻ ấy biến nó thành một sự việc khác mất. Chìa khoá đó được tìm thấy trong một loạt các bài đoản luận do Ajahn Buddhadàsa viết, và được mệnh danh là "Saccasàra từ thiền viện Suan Mokkh" (chữ sacca có nghĩa là "Chơn Lý", và chữ sàra có nghĩa chung vừa là "cốt tủy" vừa là "thông điệp")(...)

Chìa khoá thứ hai là bài "Hai thứ ngôn ngữ", được Roderick Bucknell (khi còn là Tỳ kheo Ariyananda), dịch vào năm 1970. (...) Chià khoá thứ ba là bài"Nhìn vào bên trong" cũng do Roderick Bucknell dịch và được phổ biến lần đầu. Hai bài tham luận đó giúp ta cách ứng dụng các nguyên tắc nêu trong Kinh Kàlàma. Bài "Hai thứ ngôn ngữ" chỉ rõ cách phân biệt giữa hai cấp bực của ngôn ngữ, thường quấn quít vào nhau, trong các bài giảng pháp và trong văn chương. Cả hai cấp bực ngôn ngữ đó cần phải được nhận chân ra và thông hiểu sự sai biệt, nếu chúng ta muốn thọ hưởng được lời giáo huấn của Đức Phật, và Ajahn Buddhadàsa đã cho nhiều thí dụ để có thể làm đúng được như thế.

Chìa khoá thứ ba chỉ cho ta cách kiểm soát lại các sự thật đã được những kẻ khác dạy ta. Ngay đây, Đại Đức Buddhadàsa phản ứng chống lại các khuynh hướng của chúng ta thường để cho tâm bị thu hút vào các sự vật bên ngoài, và hướng chúng ta theo đúng chiều hướng của sự thật tâm linh. Người nhấn mạnh rằng, chúng ta phải nhìn xa, vượt qua khỏi sự thật tương đối và phiến diện để tìm ra được Chơn lý thực sự. Chìa khoá để làm được như thế là phải biết "hướng nội". Để giúp ta bắt đầu làm sự nội quán nầy, Người chỉ cho thấy sự khác biệt giữa việc quan sát các hiện tượng vật lý bên ngoài và sự quán tưởng các hiện tượng tâm linh bên trong. Chỉ xuyên qua sự quán tưởng nầy, Chánh Pháp mới có thể được thực hiện trực tiếp và một cách độc lập.

"Hạnh phúc và Khát vọng" (Happiness & Hunger) là chìa khoá thứ tư, được tôi dịch và xuất hiện lần đầu năm 1987 trong tờ nội san "Tiến hoá và Giải thoát" (Evolution/ Liberation) của Thiền viện Suan Mokkh. Mục tiêu của bài tham luận nầy là làm sáng tỏ thêm động cơ chủ lực đã thúc đẩy hành giả nghiên cứu và thực tập Chánh Pháp. Ta thường có khuynh hướng đòi hỏi ở Chánh Pháp những điều mà Chánh Pháp chẳng có chủ đích cung cấp cho. Đôi khi ta lại đùa giỡn cả với Chánh Pháp. Với những ai cố đi tìm hạnh phước, tưởng nên xét lại những gì họ đang thực sự cần đến, và xem coi Chánh Pháp có thể cung cấp được cho họ các điều đó hay không.

Chìa khoá cuối cùng là bài "Chánh Pháp Chơn Lý về Sự Tịch Tĩnh và Minh sát vào thời đại nguyên tử" (The Dhamma Truth of Samatha Vipassanà For the Nuclear Age), tôi mới vừa dịch gần đây. Bài tham luận nầy bàn về vài vấn đề quan trọng thường bị lẫn lộn. Trước hết, lối sống mà Đức Phật chỉ dạy là một con đường thống nhứt. Nếu ta tự tiện cắt nó ra từng đoạn, một cách ngược với Thiên nhiên, thì con đường đó chẳng thể nào vận hành được. Nếu ta cố tình chỉ thực tập có một khiá cạnh nào đó thôi, thì ta cũng sẽ chẳng đạt được ngay cả khiá cạnh ấy, nói chi là trọn con đường Chánh Pháp. Thứ hai, ta tự tạo nên các vấn đề khó khăn và khổ sở cho mình, thời ta phải tự mình giái quyết lấy. Ta chớ nên để các sự thật cá nhơn của ta làm cản trở mất con đường của chơn lý thực sự, có thể đem đến sự giải thoát cho ta. Sau cùng, ta đang sống trong một thế giới càng ngày càng nguy hiểm hơn, ta chẳng có dư thì giờ để phung phí. Ta phải nên mẫn cán, thận trọng và thực tập một cách chân thành.

Nhiều người đã đóng góp vào công cuộc thực hiện tập sách nầy, kể từ Ajahn Buddhadàsa với các nhà thông dịch. Với sự trợ giúp của các pháp hữu đã dò đọc và bình luận về các bài tham luận, tôi đã làm công việc hiệu đính, nhứt là dung hợp lại cách hành văn và các từ ngữ, để cho thông điệp của Ajahn Buddhadàsa càng sáng tỏ càng hay.

Sau đó, Rod Bucknell sửa chữa lại lần nữa, rồi Hội Nghiên cứu và Thực tập Chánh Pháp đã lo lắng các việc sắp xếp về kỹ thuật. Và giờ đây bạn có trong tay tập sách Pháp thí (Dhamma dàna) nầy, hoàn mãn được ước vọng của mọi người.

Sau cùng, ta nên nhắc cho nhớ lại lần nữa rằng, Đức Phật có nói: "Ta tuyên bố chỉ có khổ sở (dukkha) và sự dập tắt hết khổ sở mà thôi." Đây cũng là một chìa khoá khác, cũng thật cần thiết, tuy nhiên ta lại thường đọc tụng, nghiên cứu và "thực tập" Chánh Pháp với nhiều ước vọng khác trong đầu, như để đắc được một kinh nghiệm nầy, một tình trạng nọ, hoặc một đạo quả kia... Mặc dầu điều Khổ sở nầy được hàm chứa xuyên qua năm bài tham luận, ta cũng nên đem ra bàn luận tại đây về danh từ Khổ sở (dukkha), với hy vọng là mọi người sẽ ngưng việc né tránh nó. Tầm quan trọng của Khổ sở trong đời sống thông thường, cũng như trong việc thực tập theo Chánh Pháp, có khuynh hướng bị vài người xem quá nhẹ.

Khổ (Dukkha) có thể được hiểu theo hai nghĩa: thứ nhứt, như là một cảm giác của loài chúng sanh hữu tình, và thứ hai, như một đặc tánh phổ quát của tất cả hiện tượng. Theo nghĩa thứ nhứt, Khổ (Dukkha) được giải thích như là "khó mà chịu đựng nổi, vất vả lắm phải đương đầu với". Kinh nghiệm về cái cảm nhận đó -- nó chẳng phải là một tình cảm -- là nó chẳng hề làm thỏa ý bao giờ, chẳng hề gây thích thú, hoặc sung sướng chi cả, và có thể đưa tới thống thiết và ê chề. Nguyên nhân tạo nên Khổ sở luôn luôn là một hình thức nào của khát vọng, luyến ái, và mê mờ. Theo nghĩa nầy, Khổ sở có thể được diễn dịch ra như là "sự đau đớn, sự khốn đốn, sự thống thiết, sự bức xúc (stress)". Sự thực tập đứng đắn về Chánh Pháp sẽ phá giải được nỗi Khổ sở đó, kể từ hình thức thô phù nhứt cho đến các loại Khổ thật tế nhị mà phần đông con người còn chưa hề thấy đến.

Nghĩa thứ hai, rộng hơn và tế nhị hơn nghĩa thứ nhứt, là "hình thù đáng ghét, xấu xí khi được nhìn đến". Khi sự minh triết thâm viễn phát hiện được thật sự chúng ra như thế nào, thì các sự vật chịu điều kiện hoá (= các pháp hữu vi) đều được thấy ra như là chẳng hấp dẫn, xấu xí, đáng ghét, chẳng đáng tin cậy và hay áp bức. Lối nhìn của chúng ta luôn khoá cứng vào những gì hấp dẫn, nhưng Pháp nhãn lại thấy ra muôn sự vật đều chỉ là ảo giác, và dối gạt. Đặc tánh phổ quát thứ nhì luôn luôn đi theo sau, và đào sâu thêm đặc tánh thứ nhứt, tức là sự vô thường (aniccam). Thật ra, cả hai nghĩa của Khổ (Dukkha) đều do ở sự vô thường cả. Tất cả các hiện tượng vô thường, tự nơi bản chất của chúng, đều là khổ (theo nghĩa thứ hai); và cũng là khổ (theo nghĩa thứ nhứt), bởi vì tâm đã dại khờ ôm giữ lấy chúng. Nghĩa thứ hai của Khổ có thể được diễn dịch như là "bất toại nguyện, hay có sức đè nén".

Một khi đã thông hiểu được Khổ rồi, thì Niết bàn (Nibbàna) liền tiếp theo sau. Niết bàn là sự tận diệt (Nirodha) hoàn toàn tận gồc rễ của Khổ sở. Niết bàn chỉ khởi hiện sau khi Khổ đã hoàn toàn bị xâm nhập sâu xa. Theo sát nghĩa thì Niết bàn là "sự thanh lương, hay là sự mát mẽ" Nó được mô tả như là sự chấm dứt của tham lam, sân hận và ngu si; và như là sự kết liễu của mọi khát vọng, luyến ái, vị kỷ và vô minh. Khi các tình trạng "nóng bỏng" đó lại tái khởi nữa thì đấyNiết bàn tạm thời. Niết bàn vĩnh cửu khi các tình trạng trên đây chẳng thể nào khởi hiện trở lại nữa. Sự tiến triển từ Khổ đến Niết bàn là cứu cánh duy nhứt của sự thực tập theo Chánh Pháp. Chẳng có gì khác hơn thế mà được xem như thích ứng hơn, cho dầu nói trong tập sách nầy, hay là ở ngoài đời. Do đó, sự khảo sát của chúng ta về các chìa khoá phải nên là sự khảo sát về điều mà Đức Phật đã mô tả như là đề tài duy nhứt mà Ngài đã giảng dạy -- Khổ và sự tận diệt Khổ. Nỗ lực của chúng ta sẽ nhờ đó mà đem lại các kết quả: an hoà và tự tại.

Chúng tôi xin cám ơn các bạn độc giả đã lưu tâm đến tập sách nầy. Nguyện cầu mọi chúng sanh khám phá ra được con đường đến với Chơn Lý Thiên Nhiên và thành tựu mỹ mãn.

Tỳ kheo Santikaro
Thiền viện Suan Mokkhabalarama
Chaiya, Thái lan
Tháng Mười Một, năm 1988.

-ooOoo-

Hởi kinh Kàlàma! Xin cứu giúp chúng con!

Thông điệp Chơn lý từ Tu viện Suan Mokkh, Tháng Năm 1988.
Bản dịch Anh văn của Dr. Supaphan Na Bangchang và Tỳ Kheo Santikaro.

----*----

Tất cả các dân tộc trên thế giới, kể cả dân Thái, đều ở trong cùng một tình trạng giống như dân bộ lạc Kàlàma tại vùng Kesaputtanigama, xứ Ấn độ, vào thời Đức Phật còn tại thế. Làng của họ ở vào nơi có nhiều vị đạođi ngang qua. Mỗi vị đạo sư dạy rằng giáo lý riêng của họ là Chơn lý duy nhứt, và các vị đạo sư khác trước họ, hay sau họ, cũng đều sai cả. Dân chúng Kàlàma chẳng thể nào quyết định được phải chấp nhận và tuân theo giáo lý nào. Một hôm Đức Phật du hành ngang qua làng họ, và dân Kàlàma liền mang vấn đề đó thưa cùng Ngài, rằng họ chẳng biết phải tin theo vị đạo sư nào. Do đó, Đức Phật liền thuyết giảng cho họ nghe bản Kinh, ngày nay được biết đến dưới tên là Kinh Kàlàma (Kàlàma Sutta) mà chúng ta sẽ nghiên cứu ở đây.

Thời nay, con người thế tục có thể học tập rất nhiều ngành về kinh tế, xã hội và kỹ thuật phát triển. Các viện đại học giảng dạy hầu hết mọi môn. Và về các vấn đề tâm linh, riêng ở nước Thái nầy, cũng đã có rất nhiều vị giảng sư, rất nhiều cách giải thích về Giáo pháp của Đức Phật, và rất nhiều trung tâm quán tưởng, khiến cho chẳng ai biết được chắc lời dạy nào đáng để thâu nhận hoặc cách thực tập nào cần phải tuân theo. Như thế, ta có thể nói ngày nay chúng ta đang lâm vào tình trạng của dân chúng Kàlàma ngày xưa.

Đức Phật đã dạy họ, và cả chúng ta nữa, đừng chấp nhận hoặc tin tưởng bất cứ điều gì ngay tức khắc. Ngài đưa ra mười điều kiện căn bản cần quan tâm đến, hầu tránh khỏi được tình trạng làm nô lệ tinh thần cho bất cứ ai, ngay cả cho chính Đức Phật nữa. Nguyên tắc nầy giúp ta biết được cách nào để chọn các lời giáo huấn có đủ khả năng để dập tắt hẳn sự khổ sở (dukkha). Đức Phật đã đưa ra mười thí dụ trong Kinh Kàlàma, như sau đây:

1. Mà anussavena: Đừng chấp nhận và tin tưởng vào điều gì chỉ vì điều đó đã được lưu truyền và được nhắc lại qua nhiều năm. Sự nhẹ dạ dễ tin đó là đặc điểm của hạng người thiếu trí óc, mù mờ (...), giống như các người ở Bangkok đã từng tin rằng những ai sanh vào những năm "ma" sẽ phải gánh chịu tai ương (theo niên lịch cổ truyền của Thái, mỗi chu kỳ mười hai năm, có những năm "ma" vào các tuổi con rắn nhỏ, con rắn lớn, con ngựa, và con dê).

2. Mà paramparàya: Đừng tin tưởng chỉ vì vài tập tục đã trở thành truyền thống. Người ta thường có khuynh hướng bắt chước theo những gì kẻ khác làm và rồi truyền lại thói quen đó, như trong câu chuyện con thỏ quá sợ hãi vì trái cây (...) rớt xuống. Các con thú khác trông thấy thỏ đang bỏ chạy vùn vụt, cũng hoảng hốt, khích động nhau lên và cùng chạy cả theo con thỏ. Nhiều con thú vấp ngã, gãy cổ, hoặc nhào lọt xuống hố chết. Bất cứ sự thực tập Thiền Minh sát (Vipassanà) nào, được bắt chước làm theo kẻ khác, giản dị xem như là theo một truyền thống, rồi cũng sẽ đưa đến các hậu quả tương tự.

3. Mà itikiràya: Đừng chấp nhận và tin tưởng chỉ vì các bản tường trình và tin tức đang lan rộng ra xa qua làng mình, hoăc ngay cả trên thế giới. Chỉ có các kẻ quá ngu ngơ mới bị ảnh hưởng bởi các "tin đồn", vì họ chẳng chịu xử dụng đến trí thông minh.

4. Mà pitakasampadànena: Đừng chấp nhận và tin tưởng chỉ vì điều ấy được trích dẫn trong Kinh Điển (Pitaka). Danh từ Pitaka (= Kinh Điển) được dùng để chỉ các kinh tạng trong Phật giáo, ở đây có nghĩa là những gì được viết ra hoặc ghi chép trên một văn kiện xứng đáng nào. Các giáo lý ghi nhẩm được truyền thọ qua cửa miệng, chẳng nên lẫn lộn với Pitaka, Kinh điển. Pitaka, Kinh điển, là một loại sự vật bị điều kiện hoá (= các pháp hữu vi) đều nằm trong tay kiểm soát của con người. Kinh điển có thể được tạo nên, chấn chỉnh lại và được biến đổi do bàn tay con người. Cho nên, chúng ta chẳng thể tin cậy hoàn toàn vào từng chữ, từng lời, nói trong đó. Ta cần xử dụng sức mạnh của khả năng phân biện nơi trí ta để xét xem áp dụng chúng cách nào vào việc dâp tắt được sự khổ sở. Các môn phái khác nhau trong Phật giáo đều có riêng các quyển giáo điều qui luật của mỗi nhóm, với rất nhiều chỗ tương phản nhau.

5. Mà takkahetu: Đừng tin tưởng chỉ vì điều đó phù hợp với Takka (cách lập luận theo khoa luận lý). Đây chỉ giản dị là một ngành học dùng để nghiên cứu cách tìm ra sự thật. Takka, luận lý, mà ta thường gọi là "logic" cũng có thể đi sai chiều, nếu các dữ kiện hoặc các phương pháp của nó chẳng được đúng đắn.

6. Mà nayahetu: Đừng tin tưởng điều gì chỉ vì nó riêng đúng với Naya (lối lý luận diễn dịch và qui nạp). Thời nay, Naya được gọi là "Triết học". Ở Thái lan, danh từ Triết học được phiên dịch là "Bát nhã"(Prajnà), mà người Ấn độ chẳng chịu chấp nhận, bởi vì Naya chỉ là một quan điểm, một lập trường thôi. Nó chẳng phải là Trí huệ cao tôt và tuyệt đối, mà ta thường gọi là Bát nhã, Pannà hay là Prajnà. Naya, hoặc Nyàya, chỉ là một ngành tư tưởng đã lý luận dựa theo căn bản các điều phỏng định hay giả thuyết. Nó có thể chẳng được đứng đắn, nếu sự lý luận hoặc sự chọn lưạ các giả thuyết, chẳng được thích nghi.

7. Mà àkàraparivitakkena: Đừng tin tưởng hoặc chấp nhận điều gì, chỉ vì điều ấy ứng đúng vào lý lẽ thông thường (common sense) của mình, thực ra chỉ giản dị là một phán đoán vội vả dựa theo các thói quen suy nghĩ. Chúng ta thường thích dùng cách nầy quá nhiều nên nó thành một tập quán mất rồi. Các triết gia khoác lác rất ưa dùng cách nầy và xem nó như là khôn lanh lắm.

8. Mà ditthinijjhànakkhantiyà: Đừng tin tưởng điều gì chỉ vì điều ấy chống lại, hay là phù hợp, với các thành kiến hoặc lý thyết của mình. Quan điểm cá nhơn có thể sai lầm, hoặc phương pháp thực nghiệm và kiểm tra có thể chưa được đứng đắn, và rồi sẽ chẳng đưa ta đến với sự thật. Chấp nhận những gì phù hợp với các lý thuyết của mình có thể được xem như một phương thức khoa học nhưng thật ra, chẳng thể được đúng như thế, bởi vì các bằng chứng và các sự thực nghiệm còn chưa thích nghi.

9. Mà bhabbarupatàya: Đừng tin tưởng chỉ vì người nói xem ra đáng tin cậy. Hình dạng ở bên ngoài và kiến thức thực sự ở bên trong của một người có thể chẳng đồng nhứt. Chúng ta thường gặp các diễn giả bề ngoài có vẻ đáng tin cậy mà lại nói nhiều điều sai lầm và điên rồ. Thời bây giờ, chúng ta nên rất thận trọng đối với các máy vi tính vì các người soạn chương trình hay đưa vào, và lèo lái các dữ kiện, để tiếp dưỡng chúng với các tài liệu sai lầm hoặc xử dụng chúng chẳng đứng đắn. Đừng quá sùng mộ máy vi tính, vì làm như thế là đi ngược lại với nguyên tắc của Kinh Kàlàma.

10. Mà samano no garù ti: Đừng tin tưởng chỉ vì vị sa môn, hoặc pháp sư, hay diễn giả ấy là sư phụ của mình. Ý định của Đức Phật về điểm tối quan trọng nầy là chẳng ai nên làm nô lệ tinh thần cho một ai khác, ngay cả Đức Phật nữa. Đức Phật nhấn mạnh lắm lần về điểm nầy, và có nhiều vị đại đệ tử của Ngài, như trường hợp của Đại đức Xá lợi phất (Sariputta), đã tuân nhận lề lối ấy. Các vị đó chẳng tin ngay lời nói của Đức Phật khi vừa mới nghe xong, nhưng chỉ tín phục lời khuyến nhũ sau khi đã cứu xét và thử nghiệm qua sự thực hành một cách thích nghi. Các bạn hãy tự mình tìm xem coi có vị đạo sư nào của các tôn giáo khác trên hoàn cầu đã dành một sự tự do hết sức rộng rãi như thế cho các đệ tử và thính chúng của mình hay không! Như thế trong Phật giáo chẳng hề có một hệ thống tín điều độc đoán, chẳng hề có áp lực nào buộc phải tin theo mà chẳng được quyền xét lại và tự mình quyết định lấy. Đây chính là một đức tánh vĩ đại của Phật giáo đã giữ gìn cho các tín đồ khỏi phải trở thành nô lệ tinh thần của bất cứ ai, như đã được giải thích ở trên. Người Thái chúng ta chẳng nên nhắm mắt tin theo Tây phương một cách quá lệ thuộc như hiện nay. Sự tự do trí thức và tâm linh là điều tốt đẹp nhứt.

Mười thí dụ trong Kinh Kàlàma là một công sự phòng vệ kiên cố chống lại sự lệ thuộc tinh thần và sự đánh mất nhân bản của chính mình, tức là, chống lại sự hờ hững lảng quên mất sự thông minh và trí huệ của chính mình, khi phải ứng phó với những gì đang được nghe đến, hay được khuyến dạy, các điều mà trong ngôn ngữ của Chánh Pháp gọi là paratoghosa (= âm thanh của kẻ khác). Khi lắng nghe điều gì, ta nên để hết vào đó sự chú tâm cẩn thận và sự thẩm sát đầy đủ. Nếu có lý do để tin tưởng vào những gì đã nghe được và việc đó đưa đến thành quả là sự dập tắt hết các khổ sở, thì bấy giờ ta mới có thể tín phục nó trăm phần trăm.

Nguyên tắc của Kinh Kàlàma thích hợp với mọi người, mọi nơi, mọi thời đại, và mọi cảnh giới -- ngay cả trên cõi Trời (Deva). Thời buổi nầy, thế giới được thâu hẹp nhỏ lại bởi lối truyền thông tuyệt mỹ. Tin tức được trao đổi dễ dàng và nhanh chóng. Dân chúng có thể nhận được các kiến thức từ mọi phương hướng, mọi góc xó nào trên thế giới. Trong diễn trình đó, họ chẳng biết được phải tin những gì và vì thế, họ đang ở vào tình trạng của những người Kàlàma ngày xưa. Thật vậy, Kinh Kàlàma sẽ là nơi nương tựa cho họ. Xin bạn hãy đặt hết sự quan tâm và nghiên cứu nó thật cẩn thận, cho xứng đáng với giá trị của nó. Hãy cứu xét đến cơ may to lớn mà Đức Phật đã giảng Kinh Kàlàma. Đó là một tặng phẩm, một pháp thí, cho mọi người trên thế giới. Chỉ có những kẻ quá ngu khờ mới chẳng tìm thấy ra nổi các lợi lạc trong lời dạy của Đức Phật.

Kinh Kàlàma có thể được dân chúng ở mọi lứa tuổi dùng đến. Ngay cả trẻ con cũng có thể ứng dụng để trở thành các thiếu nhi giác ngộ (Bhodi, Bồ đề, giác ngộ), chớ chẳng còn là những thiếu nhi vô minh (Avijjà, vô mình, si mê). Bực làm cha mẹ phải dạy dỗ và luyện tập con cái thông hiểu được các lời khuyến nhũ của mình, thấy cho rõ các lời ấy hữu lý như thế nào và sẽ đưa đến các thành quả ra sao. Khi được mẹ cha chỉ dạy điều gì, các thiếu nhi phải hiểu rõ và thấy được lợi ích của việc thực hành theo lời dạy.

Thí dụ như, khi nghe bảo chớ nên dùng ma túy, thì các thiếu niên tin nghe theo, chẳng phải vì quá sợ hãi mà tin; mà trái lại, vì thấy rõ hậu quả của việc dùng ma tuý mà sợ nên mới, tự mình, quyết tâm từ khước chất ma túy.

Chẳng có bất cứ điều nào trong Kinh Kàlàma lại bảo rằng, trẻ con đừng nên tin vào bất cứ ai cả, cũng chẳng có lời khuyên nào nói rằng, đừng nên nghe theo người nào cả. Các lời khuyên trong Kinh tuyên bố, trẻ con và bất cứ ai khác nữa, chỉ nên nghe theo, và tin tưởng vào điều gì, sau khi thấy rõ ý nghĩa chơn thật của điều ấy và các lợi lạc sẽ thâu lượm được nhờ tin tưởng và thực hành theo. Khi một giáo chức dạy một điều gì, nếu đã chỉ rõ lý do đằng sau điều dạy đó, thì sẽ chẳng làm cho các học sinh trở nên ngoan cố. (...), và khiến chúng sẽ nghĩ lại thêm về điều đó. Trẻ con sẽ hiểu rõ nguyên tắc của Kinh Kàlàmà hơn, khi chúng lớn khôn lên. Chúng sẽ tự mình hoàn tất hết cả mười lời khuyên, khi trở nên người trưởng thành chín chắn, nếu chúng hiện được huấn luyện theo đúng tiêu chuẩn đó.

Khoa học giới trên hoàn cầu ngày nay sẽ vui lòng mà chấp nhận cả mười điều khoản trong Kinh Kàlàma, vì chúng đều phù hợp với phương pháp và đường lối nghiên cứu khoa học. Chẳng có một chút nào nghịch chống nhau, giữa các nguyên tắc của khoa học và của Kinh Kàlàma cả. Ngay cả đề mục thứ tám, ghi rằng ta chẳng nên chấp nhận điều nào chỉ vì nó phù hợp với các lý thuyết đã được quan niệm từ trước, cũng chẳng tương khắc chi với các nguyên lý khoa học. Các nhà khoa học chơn chánh đều nhấn mạnh đến sự kiểm điểm lại bằng thực nghiệm, chớ chẳng phải theo ý kiến hay lập luận riêng của họ, bởi vì đó là tiêu chuẩn chánh của họ để chấp nhận như thật một điều nào. Nhờ các tiêu chuẩn đó trong Kinh Kàlàma mà Phật giáo đã thoả mãn được các đòi hỏi và kỳ vọng của các nhà khoa học chơn chánh.

Nếu tuân theo nguyên tắc của Kinh Kàlàma, ta sẽ có đủ được kiến thức (...)và lý trí để thông hiểu về nghĩa lý và sự thật của các ý kiến và các mệnh đề được nghe lần đầu. Thí dụ như, khi ta nghe nói rằng, tham, sân và si rất là nguy hiểm và xấu ác, ta liền hiểu ngay lập tức và cặn kẽ, bởi vì ta đã biết rõ các điều ấy là như thế nào, qua kinh nghiệm bổn thân của ta. Ta tin, căn cứ vào nơi ta, chớ chẳng phải tin theo diễn giả. Đường lối thực hành đối với các trường hợp khác lại cũng như thế. Nếu có lời tuyên ngôn nào về một điều gì ta chưa hề thấy hay biết rõ từ trước, ta nên tìm hiểu về điều ấy, hoặc trước nhứt, tìm cách biết được điều ấy; rồi sẽ cứu xét xem có nên chấp nhận lời khuyên mới vừa được chỉ dạy. Ta chẳng nên chấp nhận điều gì, chỉ vỉ tin theo lời người nói.Ta phải chịu để mất nhiều thời giờ, tìm ra sự thật, dầu có phải chết mất trước khi tìm ra. Kinh Kàlàma có thể bảo vệ mọi người tránh được sự trở thành nô lệ tinh thần cho kẻ khác, dầu kẻ ấy thuộc vào hàng cao cấp nhứt.

Thường có vấn đề mỗi khi một loại thuốc men mới ra đời và được quảng cáo rầm rộ khắp nơi. Ta có nên tự hiến mình làm con "chuột tàu" cho người ta thí nghiệm chăng, khi quá tin vào các lời quảng cáo? Hoặc là ta nên chờ lúc nào có đủ lý do để dùng thử lần đầu chút ít, để xem coi nó thực sự có hiệu quả tốt không, trước khi hoàn toàn đặt tín nhiệm vào nó? Ta đáp ứng lại các lời tuyên ngôn mới và các lời chỉ dạy, cũng giống như ta đã đáp ứng lại sự quảng cáo các loại thuốc men mới, bằng cách dựa theo nguyên tắc trong Kinh Kàlàma, được xem như là một nơi nương tựa thực sự của mình.

Kinh Kàlàma đòi hỏi chúng ta phải đủ trí huệ sáng suốt trước khi đặt niềm tin vào đâu. Nếu ai muốn có niềm tin đi trước, thì nên phải là niềm tin bắt đầu bằng sự sáng suốt của trí huệ, chớ chẳng phải niềm tin đã xuất phát từ sự vô minh. Đối với Bát Chánh Đạo, nguyên tắc cũng vẫn lànhư thế: lấy Chánh tri kiến làm điểm khởi hành, rồi để cho niềm tin nẩy nở ra từ sự sáng suốt của Chánh tri kiến. Đó là đường lối tiến hành an toàn nhứt. Ta chẳng bao giờ nên mù quáng tin ngay lập tức vào một điều gì, và cũng chẳng nên để mình bị bắt buộc phải tin vì sợ hãi, hoặc vì hối lộ, hay vì những việc tương tợ khác.

Thế giới ngày nay bị tràn ngập bởi sức mạnh của việc quảng cáo khiến cho dân chúng trở thành nô lệ của nó. Nó có thể làm cho người ta móc bóp ngay ra mua những vật mà họ chẳng cần ăn, chẳng cần có, và chẳng cần xử dụng đến. Thật là chuyện thường tình nếu ta cần phải tuyệt đối cống hiến nguyên tắc trong Kinh Kàlàma cho các bạn đồng đội của ta trong thời đại nầy. Sự tuyên truyền còn hại hơn là sự quảng cáo thông thường, hay là điều mà tiếng Pali gọi là paratoghosa (= âm thanh của kẻ khác). Ngay cả với sự quảng cáo thường, ta cũng nên dựa theo nguyên tắc trong Kinh Kàlàma, huống hồ là đối với sự tuyên truyền tràn đầy những sự lưà phỉnh ẩn ý. Vậy thì, ta có thể nói Kinh Kàlàma có thể giúp ích cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế.

Tôi thỉnh cầu tất cả các bạn, hãy cứu xét, thẩm sát, và trắc nghiệm xem coi ở đâu có được một sự tự do về tinh thần rộng lớn hơn sự tự do nói trong Kinh Kàlàma. Nếu có ai bảo rằng Phật giáo là một tôn giáo của tự do, thì còn có lý lẽ nào để tranh cãi hay chống đối với lời tuyên ngôn đó chăng? Cái thế giới đang bị tự do nhiễm độc nầy, có thực sự biết đến, hay thọ hưởng được sự tự do phù hợp với nguyên tắc của Kinh Kàlàma không? Có phải sự khiếm khuyết về tự do đó, do sự vô minh mù quáng và sự lãnh đạm đối với Kinh Kàlàma, đã gây ra chăng? Vài người còn đòi bảo rằng Kinh đó dạy ta đừng tin, hay đừng nghe theo bất cứ gì. Hơn nữa, vài người đã thực sự nói rằng, Đức Phật thuyết giảng Kinh Kàlàma nầy chỉ để cho dân chúng Kàlàma vào thời ấy mà thôi. Tại sao ta chẳng chịu mở mắt ra nhìn và lưu tâm đến việc dân chúng ngày nay đã trở thành nô lệ tinh thần, họ mất tự do còn nhiều hơn dân Kàlàma vào thời Đức Phật? Nầy các thân hữu, nầy các người tôn thờ tự do, tôi thỉnh cầu các bạn hãy cứu xét cẩn thận cốt tủy và mục tiêu của Kinh Kàlàma cùng ý định của Đức Phật khi Ngài giảng dạy Kinh ấy. Rồi thì, Phật tánh giác ngộ nơi các bạn sẽ phát triển sởn sơ và hùng mạnh, hơn là còn ốm o và ươn yếu. Xin đừng điên rồ đi hiềm ghét và sợ hãi Kinh Kàlàma. (...)

Giờ đây, xin hãy nhìn xa hơn nữa để thấy được các lợi điểm nằm tiềm ẩn trong Kinh Kàlàma. Kinh Kàlàma còn giúp chúng ta tránh được các cuộc tranh luận thiển cận và thiếu khéo léo thường dẫn đến những trận gây gổ, ấu đả dữ dội. Thí dụ như ấn định một đạo luật chẳng thể sửa đổi được, chung cho tất cả mọi gia đình, về vai trò của người chồng hay của người vợ, (...) là một việc làm điên rồ. Tất cả đều tùy thuộc vào điều kiện và trường hợp của mỗi gia đình riêng biệt. Căn cứ theo nguyên tắc trong Kinh Kàlàma và trong qui luật duyên sanh ( idappaccayatà), chúng ta chỉ có thể nói đến nhiệm vụ nào thích hợp với người chồng hoặc với người vợ, tùy theo các trường hợp riêng của mỗi gia đình cá biệt. Xin đừng phát biểu các ý kiến thiên vị về một phiá và đi trái ngược với nguyên tắc thiên nhiên.

Liên quan đến sự phá thai, dân chúng thường tranh luận đến đỏ cả mặt về việc nên hay không nên cho phép; mà chẳng chịu đi nghiên cứu để tìm xem trong trường hợp nào đáng chấp thuận, trong trường hợp nào không. Một khi chúng ta tuân theo các nguyên tắc lý luận của Phật học, mỗi hoàn cảnh, tự nó, sẽ nói lên cho ta biết những gì thích hợp và những gì không. Xin đừng bám mãi vào lập trường thiên vị về một phiá.

Trong trường hợp ăn thịt hoặc ăn rau, dân chúng thường mù quáng tranh luận nhau từ cực đoan nầy đến cực đoan kia. Vấn đề là người ta hay bám níu vào việc xem thực phẩm như, hoặc là thịt, hoặc là rau. Đối với người Phật tử, chẳng có thịt mà cũng chẳng có rau, chỉ có các nguyên tố trong thiên nhiên. Trong tình trạng nào mà ta nên ăn thịt, và trong trường hợp nào mà ta chẳng nên ăn như thế, có thể được phân biện rõ ra bằng cách áp dụng nguyên tắc trong Kinh Kàlàma. Chỉ vì mỗi một lý do đó, mà Đức Phật đã chẳng hề nói một cách quyết định rằng chỉ nên ăn thịt thôi hoặc chỉ nên ăn rau thôi, hoặc chẳng được ăn thịt hay chẳng nên ăn rau. Phát ngôn thiếu thận trọng chẳng phải là đường lối của người Phật tử.

Bảo rằng dân chủ luôn luôn và tuyệt đối là điều tốt đẹp, đó là phát ngôn với cái đầu trốn chui vào cát (như con đà điểu). Những ai cố binh vực dân chủ, đã chẳng cứu xét rằng một nền dân chủ của những người ích kỷ còn tệ hại hơn một thể chế độc tài dưới quyền lãnh đạo của một người vị tha thống trị nhơn danh Chánh Pháp (Dhamma) và công lý. Một nền dân chủ của những người ích kỷ có nghĩa là được tự do xử dụng lòng ích lỷ của họ theo một cung cách hết sức kinh khủng và hãi hùng. Cho nên, vấn đề cứ kéo dài mãi giữa những người theo dân chủ vị kỷ. Xin hãy ngưng việc tuyên bố rằng dân chủ là tuyệt đối tốt đẹp và độc tài là tuyệt đối xấu xa. Thay vì thế, xin hãy đeo giữ theo nguyên tắc là cả hai đều tốt đẹp nếu chúng căn cứ trên Chánh pháp. Mỗi dân tộc nên chọn một thể chế nào thích hợp nhứt với các tình trạng mà dân tộc đang phải đương đầu.

Bảo rằng vị Thủ tướng phải chỉ là một người được bầu vào Quốc hội, và chẳng thể bao giờ là người chưa được dân chúng tự do chọn lựa một cách trực tiếp, đó chỉ là lời nói bập bẹ ấp úng với những kẻ điếc lác và mù loà. Thật ra, chúng ta cần tìm xem cho rõ tình thế như thế nào và các nguyên nhân cùng điều kiện ra sao, rồi mới hành động đúng đắn chiếu theo định luật duyên sanh. Đó mới thật là đường lối chơn chánh của Phật đạo, xứng hợp với sự kiện Phật giáo là hiện thân của nền dân chủ dưới hình thức một chủ nghĩa xã hội đạo pháp (dhammic socialism). Bởi thế cho nên, sự bầu cử các nhân viên của Quốc hội, sự thiết lập một Chánh phủ, cơ cấu của thể chế chánh trị, và ngay cả sự phát triển về xã hội và kinh tế, cũng nên được thi hành theo đúng nguyên tắc trong Kinh Kàlàma. Xin hãy cứu xét từng thí dụ một và các bạn sẽ khám phá ra sự kiện là chúng ta cần phải luôn luôn nương tựa vào nguyên tắc của Kinh Kàlàma.

Hơn bao giờ hết, thế giới hiện đại cần đến Kinh Kàlàma làm nguyên tắc căn bản về điều hành. Thế giới đang quay cuồng với các lậu hoặc của nhơn loại. Thế giới ấy thu nhỏ lại nhờ ở sự vận tải và truyền thông được cải tiến rất tân kỳ. Và nó cũng đang gần kề với sự tự hủy diệt, bởi vì khiếm khuyết sự tỉnh thức thích đáng, sự thông minh và trí huệ. Dưới mãnh lực của các lậu hoặc ô nhiễm, thế giới đang sùng mộ chủ nghĩa vật chất, tình dục và xa hoa, bởi vì nó thiếu hẳn các tiêu chuẩn như đã ghi trong Kinh Kàlàma. Chẳng ai biết đến việc phải chọn lựa cho phù hợp với nguyên tắc Kinh ấy. Hậu quả là thế giới hoàn toàn chẳng thích hợp với hoà bình, cứ mãi gia tăng từ giờ từng phút các tôi phạm và những điều bất thiện ác hại khác. Ta hãy tận diệt hết tất cả các vấn đề khó khăn đó và các điều bất thiện xấu ác, bằng cách nương tựa vào Kinh Kàlàma, giữ lấy đó mà làm các tiêu chuẩn của chúng ta. Vậy chúng ta hãy hô thật to, vang lên khỏi lồng ngực lời kêu gọi:

"Hởi Kinh Kàlàma, xin hãy cứu giúp chúng con!"

Đ kết luận, Kinh Kàlàma (Kàlàma Sutta) chẳng hề bao giờ cấm chúng ta tin tưởng vào bất cứ điều gì; Kinh ấy chỉ khuyến thỉnh chúng ta nên tin tưởng với một sự thông minh độc lập và trí huệ. Kinh đó chẳng hề cấm đoán chúng ta nghe theo điều gì. Kinh ấy chỉ giản dị thỉnh cầu chúng ta đừng để sự thông minh và trí huệ của chúng ta trở thành nô lệ. Hơn nữa, Kinh ấy giúp chúng ta có đủ khả năng để suy tư, cứu xét, thẩm sát và quyết định với sự tế nhị tối đa và chính xác, để cho chúng ta có thể tìm thấy ra được các cây kim vàng lẫn lộn trong các đống rơm cao nghều nghệu như đỉnh núi.

Hởi Kinh Kàlàma, xin hãy đến với chúng con! Hởi Kinh Kàlàma, xin hãy đến tự mình đầu tư trọn vẹn vào trong tâm, trong trí của tất cả mọi Phật tử, tất cả mọi chúng sanh, trên cõi thế gian nầy!

Kinh Kàlàma hởi! Xin cứu giúp chúng con!

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02

Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 02-09-2004