BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thiền Tập

Cư Sĩ Nguyên Giác biên dịch


Một Vị Giải Thoát

"Này các Tỷ-kheo, nước của đại dương chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy pháp và luật này chỉ có một vị là vị giải thoát." (Udana, Tự Thuyết Kinh)

*

"Như Lai chỉ dạy một điều: đau khổ và chấm dứt mọi đau khổ." (Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, tập I)

*

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Bồ Tát Quán Tự Tại quán chiếu sâu xa Bát nhã ba la mật đa, soi thấy năm uẩn đều không, vượt hết mọi khổ ách. (Bát Nhã Tâm Kinh)

-ooOoo-

Thị cố Tu Bồ Đề! Chư bồ tát ma ha tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm; ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.

Cho nên, Tu Bồ Đề! Các đại bồ tát hãy sanh tâm trong sạch như thế, chớ nên trụ sắc mà sanh tâm, chớ nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm; nên không chỗ trụ, mà sanh kỳ tâm. (Kinh Kim Cang, phẩm Trang Nghiêm Tịnh Độ)

*

Luminous is this mind, brightly shining, but it is colored by the attachments that visit it. This unlearned people do not really understand, and so do not cultivate the mind. Luminous is this mind, brightly shining, and it is free of the attachments that visit it. This the noble follower of the way really understands; so for them there is cultivation of the mind.

Chiếu sáng là tâm này, chiếu sáng rực rỡ, nhưng nó bị tô màu bởi các chấp thủ dính mắc [từ ngòai] bám vào nó. Điều này, phàm phu không thực sự hiểu, và do vậy không tu tập tâm này. Chiếu sáng là tâm này, chiếu sáng rực rỡ, và nó xa lìa mọi chấp thủ dính mắc [từ ngòai] bám vào nó. Điều này, bậc thánh đệ tử thật sự hiểu; do vậy, với các ngài, có việc tu tập tâm này. (Từ Anguttara Nikaya, Tăng Chi Bộ Kinh, bản Anh dịch của Gil Fronsdal -- trong Teachings of the Buddha, p.2, kết tập bởi Jack Kornfield, NXB Shambhala, 1993)

*

Develop a state of mind like the earth, Rahula. For on the earth people throw clean and unclean things, dung and urine, spittle, pus and blood, and the earth is not troubled or repelled or disgusted. And as you grow like the earth no contacts with pleasant or unpleasant will lay hold of your mind or stick to it.

Similarly you should develop a state of mind like water, for people throw all manner of clean and unclean things into water and it is not troubled or repelled or disgusted. And similarly with fire, which burns all things, clean and unclean, and with air, which blows upon them all, and with space, which is nowhere established.

Hãy để tâm như mặt đất, Rahula. Vì trên mặt đất, người ta ném ra những thứ sạch và nhơ, phân thú và nứơc tiểu, nước bọt, mủ và máu, và mặt đất thì không hề phiền hà gì, không hề đối kháng lại, cũng không hề phẫn nộ. Và khi con trưởng thành như đất, thì không có chạm xúc nào với yêu và ghét sẽ vương vào tâm con, hay dính mắc vào nó.

Tương tự, con hãy để tâm như nước, vì người ta ném mọi thứ kiểu cách của sạch và nhơ vào nước, và nó thì không hề phiền hà gì, không hề đối kháng lại, cũng không hề phẫn nộ.

Và tương tự [để tâm như] với lửa, hằng đốt hết mọi thứ, sạch và nhơ, và [tương tự như] với không khí, thổi lên trên mọi thứ, và [tương tự như] với hư không, vốn không nơi nào để trụ." (Từ Majjhima Nikaya, Trung Bộ Kinh, bản Anh dịch của A. L. Basham -- trong Teachings of the Buddha, p.26, kết tập bởi Jack Kornfield, NXB Shambhala, 1993)

-ooOoo-

Để nói cái gì là cốt tủy của Phật Pháp, tôi muốn đưa ra câu nói ngắn, "Đừng để dính mắc vào bất cứ gì cả." ("Nothing whatsoever should be clung to.") Có một chỗ trong Trung Bộ Kinh, khi một người tới tìm Đức Phật và hỏi ngài là ngài có thể tóm gọn giáo pháp của ngài vào một câu, và nếu có thể, thì đó là câu gì. Đức Phật trả lời rằng ngài có thể, "Sabba dhamma nalam abhinivesaya." Các từ "Sabbe dhamm" có nghĩa là "mọi thứ, mọi vật, mọi pháp," còn "nalam" nghĩa là "không nên để," và "abhinivesaya" nghĩa là "bị dính mắc vào."

Đừng để dính mắc vào bất cứ gì cả. Rồi Phật nhấn mạnh điểm này bằng cách nói rằng bất kỳ ai đã nghe câu này là đã nghe toàn bộ Phật Pháp, bất kỳ ai lấy câu này mà tu tập thì đã tu tập tất cả Phật Pháp, và bất kỳ ai đã nhận được quả của pháp tu tập điểm này thì đã nhận được toàn bộ quả của Phật Pháp. (Từ sách Heartwood of the Bodhi Tree, tác giả Buddhadasa Bhikkhu, NXB Wisdom, 1994.)

*

Có nhiều diễn tả khác nhau về giác ngộ, nhưng tất cả các truyền thống Phật Giáo cùng gặp nhau nơi một hiểu biết về những gì giải thoát tâm. Đức Phật bày tỏ điều đó một cách rõ ràng và không mơ hồ: "Không có bất cứ gì nên được dính mắc vào như là ‘tôi’ hay ‘của tôi.’ Bất cứ ai đã nghe sự thật này là đã nghe toàn bộ Giáo Pháp, bất cứ ai tu tập sự thật này là đã tu tập toàn bộ Giáo Pháp, bất cứ ai đã chứng ngộ sự thật này là đã chứng ngộ toàn bộ Giáo Pháp." Đó là kinh nghiệm chung nhất cốt tủy về giải thoát -- trung tâm của Một Pháp về sự giải thoát. Không có bất cứ gì nên được dính mắc vào như là ‘tôi’ hay ‘của tôi.’ (Nothing whatsoever is to be clung to as "I" or "mine.") (Từ sách One Dharma, p.134, tác giả Joseph Goldstein, NXB HarperCollins, 2003.)

*

Consciousness without feature, without end, luminous all around: here water, earth, fire and wind have no footing. Here long and short, coarse and fine, fair and foul, name and form are, without remnant, brought to an end. From the cessation of [the activity of] consciousness, each is here brought to an end. (Translator’s brackets.)

Ý thức với không một đặc tướng nào, với không một mục đích nào, chiếu sáng quanh khắp: nơi đây nước, đất, lửa và gió không có chỗ đứng nào. Nơi đây, dài và ngắn, thô và tế, đẹp và xấu, danh và tướng đều được mang tới chỗ tịch diệt, không còn vết tích dư thừa nào. Từ sự tịch diệt [các hành họat] của ý thức, mỗi mỗi nơi đây đều được mang tới chỗ tịch diệt. (Trong ngoặc là của người Anh-dịch.) (từ Trường Bộ Kinh, bản Anh-dịch của Joseph Goldstein, dẫn từ sách One Dharma, p.170, NXB HarperCollins, 2003.)

*

Thông rằng: Các nhà chú giải xưa nói: kéo mối bên trái, bên phải là dụ cho sự nương y vào hai bên không, có, nên không thể mở nút. Nên cần phải ở trong Viên Quán, nơi Căn không sanh phân biệt, nơi Cảnh không sanh bám nắm, thì nút mở ra. Phàm đợi Quán rồi mới mở ra được, thế vẫn chỉ là kéo mối phải, mối trái mà thôi, nơi chỗ tâm của mối nút có ăn nhằm gì ? Chẳng như lời lẽ của nhà Thiền rất kín đáo nhiệm mầu vậy. (Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, bản Việt dịch của Thubten Osall Lama -- Nhẫn Tế Thiền Sư, NXB Thành Hội PG/TPHCM.)

*

Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn; Tri kiến vô kiến, tức tư Niết Bàn.

[Vậy nên nay ông] chính nơi tri-kiến, lập ra tướng tri-kiến, thì tức là cỗi-gốc vô-minh; chính nơi tri-kiến, không có tướng tri-kiến, thì đó là vô-lậu chân-tịnh Niết-bàn. (Kinh Thủ Lăng Nghiêm, bản Việt dịch của Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.)

[Thế nên, giờ đây] chính nơi Thấy Biết mà lập ra Tướng có Thấy Biết, đó là cội gốc Vô Minh. Chính nơi Thấy Biết mà chẳng có Tướng Thấy Biết, đó là Niết Bàn chân tịnh, vô lậu. (Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, bản Việt dịch của Thubten Osall Lama -- Nhẫn Tế Thiền Sư, NXB Thành Hội PG/TPHCM.)

*

In the same way, monks, I have taught the Dhamma compared to a raft, for the purpose of crossing over, not for the purpose of holding onto. Understanding the Dhamma as taught compared to a raft, you should let go even of Dhammas, to say nothing of non-Dhammas.

Tương tự, các tỳ kheo, ta đã dạy [rằng] Chánh Pháp cũng hệt như một chiếc bè, dùng để vượt qua [sông], không để ôm giữ lấy. Hiểu rằng Chánh Pháp được dạy cũng hệt như chiếc bè, các ngươi nên buông bỏ ngay cả Chánh Pháp nữa, chứ nói gì tới Phi Pháp. (Alagaddupama Sutta, Trung Bộ Kinh, bản Anh-dịch của Thanissaro Bhikkhu.)

-ooOoo-

Bài Pháp Khẩn Cấp
Bahiya Sutta

Bản kinh dưới đây là "Bahiya Sutta," trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikaya) trong Tam Tạng Pali, thuộc nhóm các Kinh Phật Tự Thuyết (còn gọi là Cảm Hứng Ngữ, Udana). Bản kinh kể chuyện Đức Phật dạy Pháp một cách khẩn cấp cho ngài Bahiya, trong lúc rất là bận rộn và đang cùng Chư Tăng đi trên đừơng khất thực. Ngài Bahiya đã tới giữa đường, quỳ lạy Phật để xin dạy Pháp. Đức Phật hai lần từ chối, nhưng ngài Bahiya liên tục nài nỉ vì lo sợ đời sống vô thường, vì sợ chưa hiểu Pháp mà có thể sớm qua đời khác. Đức Phật mới dạy cho cách tu tập. Ngài Bahiya tức khắc chứng thánh quả A La Hán, vui mừng nhận Pháp ra đi. Khi Đức Phật khất thực và thọ thực xong, thì được tin ngài Bahiya bị bò húc chết. Đức Phật ra lệnh hỏa thiêu, xây tháp như đối với một vị tỳ kheo, và nói rằng ngài Bahiya đã vào Niết Bàn tối hậu.

Kinh này có nhiều điểm đặc biệt, nhưng đáng chú ý nhất là điểm Đức Phật dạy bài pháp yếu vài câu này trong lúc hết sức bận rộn và khẩn cấp. Bận rộn, vì Đức Phật đã ba lần từ chối với cớ đang kinh hành khất thực cùng Chư Tăng. Khẩn cấp, vì Đức Phật, với Tam Minh tất nhiên thấy trứơc rằng ngài Bahiya sắp gặp tử nạn, nên muốn dốc hết túi để giao chìa khóa giải thoát cho Bahiya.

Nhưng, làm cách nào ngài Bahiya -- một người đời thường, chưa từng quy y hay thọ giới gì cả... mà lúc tìm nghe pháp thì vẫn còn mang phong thái ngoại đạo, với kiểu lấy vỏ cây làm áo, và được gọi tên bằng Bahiya Áo Vỏ Cây -- sau khi nghe bài pháp yếu vài câu lại có thể "hốt nhiên đốn ngộ" và xóa sạch ác nghiệp muôn đời ngàn kiếp để vừa khi bị bò húc chết là nhập Niết Bàn vô dư ngay? Có nghĩa là, ngay khi tâm vừa đốn nhập được, thì vô lượng nghiệp tội sẽ không còn ràng buộc được nữa? Như vậy, khoảng cách giữa một người đời thường cho tới ngôi vị Thánh Quả A La Hán thực ra chỉ cách nhau vài sát na tâm? Thực ra, ngài Bahiya đã tu từ vô lượng kiếp rồi, đã là một tỳ kheo từ thời Phật Ca Diếp. Không có gì là tự nhiên cả, và ngài Bahiya sau này được Đức Phật nói là trường hợp chứng đạo mau nhất, xuất sắc nhất. Trường hợp ngài Bahiya cũng là nhân duyên cho bài kệ thứ 101 trong Phẩm Ngàn, Kinh Pháp Cú.

Bản kinh Udana này cũng cho thấy các nhân duyên với thiện tri thức rất quan trọng để tìm cơ hội giải thoát. Ngài Bahiya đã tự nghĩ mình đã chứng quả A La Hán từ khi chưa nghe tên Đức Phật, nhưng thực sự thì chưa phải. May nhờ hồi quá khứ lâu xa, ngài Bahiya trong nhóm 7 tỳ kheo lo buồn vì tới lúc mạt pháp của thời Phật Ca Diếp, cùng tinh tấn tu hành -- trong đó có một tỳ kheo sanh lên cõi trời Phạm Thiên, và chính vị trời này đã hiện ra để nói với ngài Bahiya rằng ngài chưa phải A La Hán, và cần tới thỉnh pháp Phật Thích Ca. Nếu không có vị trời này hiện ra thúc giục, thì ngài Bahiya hẳn là còn lang thang tà kiến lâu dài.

Nhưng tại sao Đức Phật lại hai lần từ chối giảng pháp cho ngài Bahiya? Đức Phật nhìn thấu suốt ba đời, tất nhiên phải biết rằng ngài Bahiya sắp tử nạn, thì tại sao Đức Phật chần chờ, để tới ba lần được thỉnh pháp? Thêm nữa, Đức Phật là đấng đại bi, ngay khi thấy người hữu duyên là tìm phương hóa độ liền, chứ đâu cần thỉnh pháp tới ba lần. Chính nơi đây, chúng ta mới thấy được cách hoằng pháp thâm diệu của Đức Phật.

Ngài Bahiya trên đường tìm tới Đức Phật đã ấp ủ trong tâm một khát khao giải thoát. Những câu hỏi về sinh tử, về pháp, về giải thoát, về quả vị A La Hán tất nhiên đã là nghi tình "miên mật" trong tâm ngài Bahiya. Ngài phải đi bộ từ xa về tìm Phật, kinh viết là một thành phố ở một quốc độ xa phía Bắc; trong khi đi tìm Phật như thế, niệm nghi tình về sinh tử và nỗi khát khao giác ngộ vẫn ấp ủ trong tâm ngài.

Đức Phật từ chối thuyết pháp hai lần, chính là hai lần đẩy mối khát khao cầu pháp này dần tới chỗ tâm thức hoàn toàn không còn chỗ bấu víu, tới chỗ đầu sào trăm trượng để sẽ nhảy cái ào vào một nơi không còn cái gì gọi là đất, nước, gió, lửa, không, thức... Thế rồi Đức Phật nói lên bài pháp vài câu, là ngài Bahiya chứng quả A La Hán liền. Có phải rằng trên đường đi tìm Phật, ngài Bahiya đã rơi vào một trạng thái tương tự như tham thoại đầu, và Đức Phật chính là người tháo đinh nhổ chốt?

Khi thuyết bài pháp yếu vài câu khẩn cấp này, Đức Phật còn bảo đảm với ngài Bahiya rằng hễ ai mà để tâm được như thế thì sẽ xa lìa đau khổ. Lời dạy của Phật trong bài pháp chỉ nói bốn câu về "thấy, nghe, thọ tưởng, thức tri" (seen, heard, sensed, cognized) nhưng là thông cho cả sáu căn, vì trong "thọ tưởng" là gồm cả ngửi, nếm và chạm xúc.

Theo bản chú giải của quý thầy Phật Giáo Miến Điện nibbana.com, khi trở về tu viện Jetavana, Đức Phật nói rằng ngài Bahiya đã chứng thánh quả A La Hán ngay khi nghe dạy pháp trên đường, giữa khi Phật và tăng chúng đang khất thực (Bahiya attained arahatship while he listened to my instructions given to him on the road when we were on the alms-round...), nghĩa là ngài Bahiya không cần tìm một chỗ nào để ngồi, để hít thở, để quán tâm, để nhìn căn, để ngó cảnh gì cả. Tại sao ngài Bahiya lại có thể đốt rụi hết tham sân si chỉ trong vài sát na?

Quý thầy Miến Điện còn phân tích rằng bài pháp này -- "Hãy tu thế này, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy, trong cái được nghe chỉ là cái được nghe... rồi ngươi sẽ không ở đây, không ở kia, không ở chặng giữa. Chỉ thế này là đoạn tận khổ." -- là tinh hoa, là cốt tủy của Minh Sát Thiền.

Đoạn trên dịch theo bản Anh dịch, cho thấy những chữ "đây, kia, giữa" là chỉ về không gian. Trong bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, thì ngài lại diễn ra theo nghĩa thời gian:

"...này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa."

Nếu kết hợp nghĩa các bản dịch, chúng ta thấy rằng khái niệm về không gian và thời gian thực sự đã biến mất khi nói về cảnh giới giải thoát, nghĩa là khái niệm về "cái bây giờ và ở đây" (here and now) thực sự cũng chỉ là những pháp bất toàn hình thành với khung sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp... Nhưng ngay khi giải thoát thì cái khung bây giờ và ở đây này, luôn cả cái bầu trời ba cõi sáu đường không còn buộc mình được nữa, bởi vì hoàn toàn không còn cái gì gọi là tôi và của-tôi nữa, cho dù cũng vẫn đang sinh diệt với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp... Đó là giải thích theo quý thầy Miến Điện. Nếu giải thích theo ngôn ngữ Bắc Tông, thì cũng nói hệt như trên nhưng sẽ có thêm ngôn ngữ trừu tựơng hơn với các học phái Tánh Không và Duy Thức, như rằng "cái bây giờ và ở đây" thực ra cũng chỉ là thức biến, là ảnh hiện trong mộng thôi, cũng hệt như vô lượng giấc mộng đều có vô lượng "cái bây giờ và ở đây," và "cái bây giờ và ở đây" đó sinh diệt liên lỉ không ngừng, miệt mài theo nó chỉ vô ích, trong khi đó thì Thực Tướng vốn Vô Tướng, và khi chiếu kiến thì ngũ uẩn đều giai Không... Không đây nghĩa là Tánh Không, chứ không có nghĩa trong nghĩa đối với "có." Đã thâm nhập Vô Tướng thì vô lượng "cái bây giờ và ở đây" đều trở thành cảnh giới Bất Động, cho dù chúng vẫn sinh diệt không thôi. Đây là đã thấy được tánh bất động của nước, mà không còn chụp bắt bọt sóng sinh diệt nữa.

Câu hỏi có thể đẩy xa thêm nơi đây là, cái nghĩa "minh tâm kiến tánh" trong bản kinh này ra sao? Và có phải tinh hoa Minh Sát Thiền thực sự không dị biệt gì với pháp yếu Thiền Tông?

"Trong cái được thấy, sẽ chỉ là cái được thấy..."

"In the seen will be merely what is seen..."

hay là cách dịch khác,

"In reference to the seen, there will be only the seen..."

hay là cách dịch khác nữa,

"when you see an object, be conscious of just the visible object..."

Ba bản Anh dịch trên không khác nhiều, trong đó hai cách dịch đầu dùng trong Phật Giáo Thái Lan, và cách dịch cuối được dùng trong Phật Giáo Miến Điện.

Có phải đây là thấy sông chỉ là sông, thấy núi chỉ là núi, thấy hoa chỉ là hoa... Như vậy, khi Phật cầm bông hoa đưa lên, ngài Ca Diếp nhìn thấy gì? Có phải rằng 1,250 vị tỳ kheo đều nhìn thấy đây là hoa, thấy đây cũng hệt như là những vô lượng sắc thanh hương vị xúc pháp trong cái khung "bây giờ và ở đây," thấy có Phật cầm hoa đưa lên, và thấy có hoa được đưa lên? Nếu không thấy như thế thì phải thấy làm sao?

Dưới cái nhìn Thiền Tông, đúng là "trong cái được thấy, chỉ là cái được thấy."

Ngắn gọn, nghĩa là "như thị, như thị... thế đó, thế đó... suchness, suchness..." Cũng là Chân Như, là Bhutatathata, là Suchness of Existence, là True Thusness... là cái được thấy chỉ là cái được thấy.

Không chỉ là thấy vô lượng biến hiện, không chỉ là thấy vô lượng bọt sóng, không chỉ là thấy sông, thấy núi, thấy hoa... mà qua đó là thấy "cái được thấy." Do vậy, ngài Ca Diếp nhìn hoa thì thấy tâm. Hoa không rời tâm, cảnh không rời thức... Nhìn hoa thấy tâm, nhìn cảnh thấy thức... Thức thì vô lượng biến hiện, nhưng giải thoát thì chỉ một, bởi vì nếu đuổi theo "vô lượng cái được thấy" thì tới vô lượng kiếp cũng mênh mang bập bềnh, vì chưa thấy được vô ngã tánh của "vô lượng cái được thấy".

Nhưng còn những khoảnh khắc nào, những sát na nào nằm giữa những khi hoa được cầm lên và được nhìn thấy, giữa những khi tiếng sỏi chạm vào trúc và được nghe ra... để rồi sau mép bờ đó thì mọi chuyện bỗng nhiên khác hẳn? Sau đó thì cũng vẫn là thấy và nghe, nhưng sẽ là thấy tánh tứơng viên dung, và sẽ là nghe lý sự bất dị. Đó là khi thấy sóng thì nhận ra nước, và khi thấy ảnh hiện thì nhận ra gương soi.

Đó là đất, nước, gió, lửa, không, thức... Trong đó, tất cả các pháp đều vô ngã, tất cả các pháp đều duyên sanh, và tất cả các pháp đều duyên theo thức và đều là thức biến. Vạn pháp duy thức... Thấy được thức biến hiện, thấy được vô lượng thức biến, thì thấy vô ngã tánh của vạn pháp, thì thấy tánh vô tự tánh của vạn pháp, thì sẽ nhận ra tâm đang hiển lộ và qua đây thì thấy Tánh.

Vấn đề chỉ là, làm sao khi thấy "vô lượng cái được thấy" là thấy ngay cảnh giới giải thoát...

Hơn hai thập niên trứơc, người dịch được Hòa Thượng Tịch Chiếu (Chùa Tây Tạng, tỉnh Bình Dương) dạy rằng, "Cũng hệt như vàng. Khi đã làm ra nhẫn vàng, vòng vàng, xuyến vàng, thoa vàng, và vô lượng vật dụng khác... thì tất cả vàng đó vẫn đều bình đẳng vô sai biệt, nhưng đang hiển lộ qua vô lượng hình tứơng khác nhau. Chỉ có tứơng sai biệt của nhẫn, vòng, xuyến, thoa... mới có vô lượng phân biệt đẹp xấu, cao thấp, lớn nhỏ, ưa ghét. Nhưng tánh vàng nơi vô lượng hiển tứơng đó vẫn bình đẳng, vô phân biệt... cũng hệt như tánh nước trong vô lượng bọt sóng, hay như tánh chiếu của gương trong vô lượng ảnh hình. Phải thấy được tánh. Nhưng ngòai các tướng nhẫn, vòng, xuyến, thoa... thì sẽ không thấy được tánh vàng. Cho nên mới gọi là thực tứơng vốn vô tướng. Cảnh giới này là ly ngôn thuyết, lìa văn tự..."

Đúng là "trong cái được thấy, chỉ là cái được thấy..."

Tới đây, chúng ta có thể đẩy câu hỏi xa thêm. Như về cái thấy. Khi chưa có căn và cảnh, thì thức nằm ở đâu? Như khi bào thai nằm trong bụng mẹ, khi căn chưa phát triển và cảnh thì không có... Trong một bài giảng đầu năm 2005 về Thành Duy Thức Luận, Thượng Tọa Tuệ Sỹ giải thích, trừơng hợp này thì thức chưa đủ duyên để phát sinh, nhưng không thể nói là lúc đó không có tâm, vì lý duyên khởi nói rằng tất cả pháp đều phải đủ duyên mới sinh khởi, và ngay cả thức cũng cần đủ duyên mới hiển lộ.

Dù vậy, dù lý luận thế nào đi nữa, chúng ta cũng vẫn không thể đo lường được hiện tượng ngài Bahiya chứng quả A La Hán chỉ trong vài sát na. Vì sao ngài không qua từng bậc sơ thiền, nhị thiền, vân vân... Vì sao ngài không ngồi tập thở phì phò, rồi tập chỉ, tập quán... như chúng ta? Chỗ này thực sự là ly ngôn thuyết, bất khả tư nghì. Cảnh giới này phàm phu như người dịch không hiểu nổi.

Cuối bài kinh, Đức Phật còn nói lên một bài kệ tán thán cảnh giới giải thoát. Đây cũng là một bài kệ hết sức dị thường. Tuy nhiên, nơi đây chúng ta sẽ không bàn sâu thêm nơi đây vì đó là chuyện của quý thầy giảng sư.

Bản kinh "Bahiya Sutta" sau đây dịch sang Việt Ngữ chủ yếu dựa theo hai bản Anh văn -- cả hai đều dịch từ tiếng Pali, một của đại sư Thanissaro Bhikkhu, một của John D. Ireland. Ngòai ra, còn tham khảo thêm từ bản Việt dịch của Hòa Thượng Minh Châu, và bản Anh dịch của Daw Mya Tin, Burma Pitaka Association.

*

(Bắt đầu bản văn.)

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn đang ngụ gần Savatthi, trong Vườn Jeta, ở tự viện của Anathapindika. Vào lúc đó, Bahiya Áo Vỏ Cây đang ngụ trên bờ biển, ở Supparaka. Ông được thờ phượng, kính ngưỡng, ngợi ca, vinh danh và kính lễ -- thọ lãnh cúng dường y áo, thức ăn khất thực, nơi ngủ nghỉ, và dược phẩm.

Rồi, khi ông ở một mình, tâm niệm này chợt khởi, "Bây giờ, ta là một trong những người trên thế giới này đã chứng quả A La Hán hay đã vào con đường A La Hán?"

Rồi thì một vị trời, trong quá khứ từng là bà con huyết thống của Bahiya, đọc được tâm niệm đó. Với lòng từ bi và muốn làm lợi ích cho ông, vị trời này tới nói với Bahiya, "Ông Bahiya. Ông không phải A La Hán, mà cũng chưa vào con đường A La Hán. Ông không theo pháp tu để có thể là một A La Hán hay vào con đường A La Hán."

"Vậy thì trong thế giới này, kể cả chư thiên, ai là A La Hán hay đã vào con đường A La Hán?"

"Bahiya, tại một quốc độ xa phía Bắc, có một thành phố tên là Savatthi. Nơi đó có Thế Tôn đang ngụ cư; ngài là bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác. Ngài thực sự là một A La Hán và dạy Pháp dẫn tới quả A La Hán."

Rồi Bahiya, xúc động thâm sâu bởi lời của vị thiên, rời ngay khỏi Supparaka. Trên suốt dặm trường, chỉ nghỉ có một đêm, ông đi thẳng tới Savatthi, nơi Đức Phật đang ngụ ở Vườn Jeta, tại tự viện của Anathapindika. Vào lúc đó, nhiều vị tỳ kheo đang đi thiền hành ngòai trời.

Rồi Bahiya Áo Vỏ Cây tới gần các tỳ kheo đó và nói, "Thưa quý ngài, Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác đang ở đâu? Chúng tôi muốn gặp Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác."

"Này Bahiya, Thế Tôn đã vào giữa các nhà để khất thực."

Bahiya liền vội vã rời Vườn Jeta. Vào Savatthi, ông thấy Thế Tôn đang đi khất thực trong Savatthi -- hài lòng, khả ái, với các căn an tịnh và tâm an tịnh, đã chế ngự, đã thành tựu, đã tỉnh giác với các căn được phòng hộ. Thấy ngài, ông tới gần Thế Tôn, sụp xuống, đặt đầu lên bàn chân Đức Phật và nói, "Bạch Thế Tôn, xin hãy dạy Pháp cho con. Bạch Thiện Thệ, xin hãy dạy Pháp cho con, để con được lợi ích và an lạc lâu dài."

Nghe như thế, Đức Phật nói với Bahiya Áo Vỏ Cây, "Bây giờ không phải thời, Bahiya. Chúng ta đã vào giữa các nhà để khất thực."

Lần thứ nhì, Bahiya nói với Đức Phật, "Bạch Thế Tôn, nhưng khó để biết Thế Tôn sẽ còn sống bao lâu nữa, hay con sẽ còn sống bao lâu nữa. Bạch Thế Tôn, xin hãy dạy Pháp cho con. Bạch Thiện Thệ, xin hãy dạy Pháp cho con, để con được lợi ích và an lạc lâu dài."

Lần thứ nhì, Đức Phật nói với ông, "Bây giờ không phải thời, Bahiya. Chúng ta đã vào giữa các nhà để khất thực."

Lần thứ ba, Bahiya nói với Đức Phật, "Bạch Thế Tôn, nhưng khó để biết Thế Tôn sẽ còn sống bao lâu nữa, hay con sẽ còn sống bao lâu nữa. Bạch Thế Tôn, xin hãy dạy Pháp cho con. Bạch Thiện Thệ, xin hãy dạy Pháp cho con, để con được lợi ích và an lạc lâu dài."

"Thế này, Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya.

"Khi với ông, này Bahiya, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy... [nhẫn tới]... trong cái được thức tri chỉ là cái được thức tri, thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bahiya, khi ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bahiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau."

Nghe xong bài pháp ngắn từ Đức Phật, tâm của Bahiya Áo Vỏ Cây tức khắc được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Sau khi nói bài pháp yếu cho Bahiya, Đức Phật bước đi.

Không bao lâu sau khi Đức Phật rời đi, một con bò cái có bầu húc vào Bahiya Áo Vỏ Cây và giết ông này. Rồi thì Đức Phật, đi khất thực tại Savatthi, thọ thực và trở về cùng với nhiều tỳ kheo, thấy rằng Bahiya đã chết. Khi thấy ông, Đức Phật nói với các tỳ kheo, "Các thầy tỳ kheo, hãy mang thi hài Bahiya, đặt lên cáng và mang đi, hỏa thiêu xác và xây tháp cho ông. Người đồng hành với quý ông trong thánh hạnh đã chết."

Các tỳ kheo trả lời, "Xin vâng lời Đức Phật."

Sau khi đặt thi hài của Bahiya trên một cái cáng, mang đi, hỏa thiêu, và rồi xây một tháp cho ông, các thầy tỳ kheo tới gặp Đức Phật, quỳ lạy, và ngồi xuống về một bên. Ngồi xuống rồi, các thầy tỳ kheo bạch với Đức Phật, "Bạch Thế Tôn, xác của Bahiya đã được thiêu xong, tháp cũng đã được xây xong. Nơi đến của Bahiya là gì? Kiếp tương lai của vị này là gì?"

"Các thầy tỳ kheo, Bahiya Áo Vỏ Cây là một người trí tuệ. Ông đã hành trì đúng Pháp, và không quấy rầy ta với tranh cãi về Pháp. Các tỳ kheo, Bahiya Áo Vỏ Cây đã nhập Niết Bàn tối hậu."

Rồi thì, nhận ra ý nghĩa lớn lao của việc đó, Đức Phật nhân việc này đọc lên các lời cảm hứng sau:

Nơi mà đất, nước, gió, lửa
không có chỗ đứng,
nơi đó các ngôi sao không chiếu sáng,
nơi không mặt trời thấy được,
nơi không mặt trăng xuất hiện,
Nhưng [l
à nơi] không hề có sự tối.

*

Và khi một vị hiền trí,
một vị Phạm hạnh với trí tuệ,
tự thân chứng được điều này,
thì vị này giải thoát khỏi tướng và vô tướng,
giải thoát khỏi hạnh phúc và đau khổ.

Lời cảm hứng này cũng được Đức Phật nói lên, tôi đã nghe như thế.

(Hết bản văn.)

GHI CHÚ: Để tham khảo, dưới đây là bài pháp ngắn gọn Đức Phật dạy, ghi nguyên văn theo ba bản Anh dịch.

-- Then, Bahiya, you should train yourself thus: In reference to the seen, there will be only the seen. In reference to the heard, only the heard. In reference to the sensed, only the sensed. In reference to the cognized, only the cognized. That is how you should train yourself. (Bản của Thanissaro Bhikkhu)

-- Herein, Bahiya, you should train yourself thus: 'In the seen will be merely what is seen; in the heard will be merely what is heard; in the sensed will be merely what is sensed; in the cognized will be merely what is cognized.' In this way you should train yourself, Bahiya. (Bản của John D. Ireland)

-- Bahiya, when you see an object, be conscious of just the visible object; when you hear a sound, be conscious of just the sound; when you smell or taste or touch something, be conscious of just the smell, the taste or the touch; and when you think of anything, be conscious of just the mind-object. (Bản của Daw Mya Tin)

- Hết-

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04

Chân thành cám ơn Cư sĩ Nguyên Giác đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2005)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-04-2005