Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Tâm Từ

Tỳ kheo Hộ Pháp

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


 [01]

Lời ngỏ

Tâm từ, theo cách nghĩ đơn giản là tình thương đối với người hay chúng sinh nào đó, khi ta nhận thấy người ấy, chúng sinh đó dễ thương. Như vậy thật ra đó chưa phải là tâm từ.

Quyển sách nhỏ "Tâm Từ"do sư Hộ Pháp biên soạn, đọc từ đầu đến cuối mới hiểu rõ: có được tâm từ không phải đơn giản.

Trong cuộc sống của nhân loại nói riêng, tất cả chúng sinh, sinh vật nói chung, tâm từ là một nguồn sinh lực cần thiết không những để cho tâm tính con người hiền hoà, mà còn tạo một môi trường mát mẻ để cho mọi sinh vật được tăng trưởng tốt đẹp, tạo cho cảnh vật thiên nhiên thêm xanh tươi phát triển.

Phật tử Tổ đình Bửu Long nhận thấy những lợi ích lớn lao của tâm từ, nên xin ấn hành quyển sách nhỏ này để cống hiến quý độc giả gần xa làm món quà pháp quý giá, nhất là đối với hành giả nào muốn tiến hành thiền định với đề mục niệm rải tâm từ.

Trong những ngày lễ đáng ghi nhớ như: lễ mừng thọ, lễ tang, lễ thăng chức, lễ tân gia, lễ khai trương, v.v... chúng ta nên tặng sách đến các vị khách quý làm món quà lưu niệm. Trong quyển sách, có thêm trang đầu để ghi tên vị khách và ý nghĩa của ngày lễ ấy. Ðó không những là pháp thí thanh cao, thiện pháp tăng trưởng, mà còn tạo được tình cảm sâu sắc, khó quên đối với vị khách quý ấy.

Với thiện tâm trong sáng
Phật tử Tổ đình Bửu Long

-ooOoo-

Lời mở đầu

Tâm từ, nói một cách nôm na là tình thương yêu, là một tình cảm thiêng liêng đối với tất cả chúng sinh dầu nhỏ dầu lớn, là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống của mỗi chúng sinh.

Tất cả sinh vật [1] hiện hữu nói chung, tất cả mọi chúng sinh nói riêng, thường có hai nhu cầu thiết yếu:

- Nhu cầu về vật chất: như vật thực, y phục, chỗ ở, thuốc trị bệnh, v.v...

- Nhu cầu về tinh thần: ở đây chỉ muốn đề cập đến tình cảm thiêng liêng, tình thương yêu đối với tất cả chúng sinh gọi là tâm từ, chỉ có trong thiện tâm trong sáng mà thôi, là một món ăn tinh thần ngon lành bổ dưỡng không những nhất thời, mà còn nuôi dưỡng thiện tâm tăng trưởng, đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai, cả cho mình lẫn cho tất cả mọi chúng sinh nữa; cho nên, tâm từ là một nguồn sinh lực quý giá, một thứ bảo bối bảo vệ an toàn cho thân tâm.

Ðể có được tâm từ không phải là việc dễ dàng, mà đòi hỏi hành giả cần phải có nền tảng vững chắc để tâm từ phát sanh, có tâm tinh tấn không ngừng, có đức nhẫn nại, kiên trì thực hành niệm rải tâm từ đúng theo phương pháp, thì tâm từ mới có thể phát sanh và tăng trưởng, chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho mình và những người gần gũi thân cận, cùng tất cả chúng sinh, không ngoại trừ một ai.

Bởi vì, hành giả niệm rải tâm từ rộng lớn vô lượng, vô biên đến tất cả chúng sinh, hoà đồng giữa mình cùng với tất cả chúng sinh; chan hoà cùng khắp, mọi sinh vật tiếp nhận sự an lành, mát mẻ trong một môi trường sinh khí phát xuất từ tâm từ, làm cho các sinh vật được tươi tốt và tăng trưởng.

Vậy tâm từ là gì?

Tâm từ chính là tâm sở vô sân đồng sanh trong đại thiện tâm có đối tượng là tất cả chúng sinh. Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, không ngoại trừ một chúng sinh nào. Người có tâm từ vô lượng vô biên rải khắp cùng mọi sinh vật; tâm từ rải đến nơi nào, chúng sinh muôn loài hưởng được an lành mát mẻ nơi ấy; tâm từ rải khắp mọi nơi thì chúng sinh muôn loài hưởng được an lành, mát mẻ khắp mọi nơi.

Ngược lại với tâm từ là "tâm từ giả", cũng là tình thương yêu, nhưng lại phát sanh từ tâm tham trong đối tượng chúng sinh nào đáng hài lòng, người nào đáng hài lòng, v.v...

Nếu đối tượng chúng sinh, con người ấy làm điều gì không đáp ứng được tâm tham muốn, thì chủ thể, người mong muốn ấy cảm thấy bất mãn, thất vọng; nghĩa là tham mà không được như ý của mình, thì chính tâm tham ấy làm nhân duyên phát sanh tâm sân thù ghét, phá hoại đối tượng chúng sinh, con người ấy. Do đó, tình thương yêu phát sanh từ tâm tham gọi là "tâm từ giả".

Sự khác nhau giữa "tâm từ giả"tâm từ do theo tâm và đối tượng.

- Tâm từ giả đồng sanh với tâm tham, có đối tượng là chúng sinh, con người đáng yêu theo tâm tham của mình; nếu đối tượng chúng sinh, con người ấy không còn thoả mãn theo tâm tham, thì làm nhân duyên phát sanh tâm sân làm hại đối tượng ấy. Ðó là tính chất của "tâm từ giả".

- Tâm từtâm sở vô sân đồng sanh với thiện tâm, có đối tượng là tất cả chúng sinh, không ngoại trừ một ai, dầu trong số tất cả chúng sinh ấy, biết có chúng sinh là kẻ thù của mình, thì thiện tâm vẫn không thay đổi, hành giả vẫn niệm rải tâm từ cầu mong tất cả chúng sinh:

- Không oan trái lẫn nhau,
- Không khổ thân,
- Không khổ tâm,
- Giữ gìn thân tâm thường được an lạc.

Ðó là tính chất đặc biệt của tâm từ.

Hành giả niệm rải tâm từ là người cần phải có tâm từ trước tiên; cũng ví như người thí chủ muốn làm phước bố thí, cần phải hội đủ các điều kiện:

- Tác ý thiện tâm bố thí.
- Có vật thí đầy đủ sẵn sàng.
- Có người thọ thí xong.

Khi ấy, người thí chủ mới thành tựu phước thiện bố thí.

Cũng như vậy, hành giả niệm rải tâm từ, trước tiên phải có đầy đủ tâm từ, rồi mới niệm rải tâm từ ấy đến tất cả chúng sinh, không ngoại trừ chúng sinh nào.

Hành giả nên niệm rải tâm từ bằng tiếng Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật, là một thứ tiếng phổ thông đối với các hàng chư thiên, phạm thiên, lại còn có thể tạo được cảm giác nơi các loài chúng sinh; điều quan trọng, khi tâm niệm, hành giả cần phải hiểu rõ ý nghĩa từng chữ, từng câu Pāḷi ấy.

Quyển sách nhỏ này bần sư đã dày công biên soạn, chỉ dẫn tiến hành niệm rải tâm từ theo nhiều phương pháp như:

- Phương pháp theo bài kinh Tâm Từ (Mettāsutta).
- Phương pháp theo bộ Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga).
- Phương pháp theo bộ Paṭisambhidāmagga, v.v...

Ðể giúp cho quý hành giả, độc giả tìm hiểu, nghiên cứu, chọn lựa phương pháp tiến hành niệm rải tâm từ nào thích hợp với bản tánh, với căn duyên của mỗi hành giả, để cho sự tiến hành niệm rải tâm từ đạt được hiệu quả tốt nhất.

Sư Hộ Pháp

-ooOoo-

 TÂM TỪ

 Tâm từ dịch nghĩa từ danh từ tiếng Pāḷi: mettacitta.

- Mettà: từ, thương, tình thương.
- Citta: tâm, sự biết.

Mettācitta: tâm từ, biết thương, tình thương cao thượng, tình thương cả mình lẫn tất cả chúng sinh; cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho mình và mọi chúng sinh đồng nhau cả thảy.

Ðối tượng của tâm từ là chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính (piyamanāpasattapaññatti), thuộc chế định pháp.

Tâm từ là tâm nào?

Thật ra, tâm từ không có tâm riêng biệt trong các loại tâm [2]. Tâm từ này là một trong những phận sự biết đối tượng của tâm sở vô sân (adosacetasika), khi đối tượng là chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính, thuộc chế định pháp.

Tâm sở vô sân thuộc loại tâm sở tịnh hảo (sobhanacetasika) đồng sanh với tất cả tịnh hảo tâm [3] (sobhanacitta) có 6 đối tượng: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần gồm có đối tượng chân nghĩa pháp và chế định pháp.

Nếu tâm sở vô sân đồng sanh với tịnh hảo tâm không biết đến đối tượng chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính, thì tâm sở vô sân ấy không gọi là tâm từ.

Nếu tâm sở vô sân đồng sanh với tịnh hảo tâm biết đối tượng chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính, thì khi ấy tâm sở vô sân ấy gọi là tâm từ.

Tâm từ, tình thương là một trong 4 đức tính (từ, bi, hỉ, xả) trong tâm của người mẹ, người cha; nên thường gọi mẹ là từ mẫu, gọi cha là từ phụ.

Xét theo tâm, thì tâm từ và tâm bi không bao giờ đi đôi, không đồng sanh với nhau, bởi vì chúng có đối tượng chúng sinh khác nhau:

Tâm từ có đối tượng chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính (piyamanāpasattapaññatti), cầu mong tất cả chúng sinh được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.

Tâm bi có đối tượng chúng sinh đang bị khổ đau (dukkhitasattapaññatti). Tâm bi cảm thấy thương xót, cầu mong cứu giúp chúng sinh ấy thoát khỏi cảnh khổ ấy.

Do đó, khi nào có tâm từ, thì khi ấy không có tâm bi; và ngược lại khi nào có tâm bi, thì khi ấy không có tâm từ.

Tâm từ là tình thương:

Tình thương có 3 loại:

- Tình thương với tâm tham ái (taṇhāpema).
- Tình thương trong gia đình (gehasitapema).
- Tình thương với tâm từ (mettā-adosa).

1- Tình thương với tâm tham ái như thế nào?

Tình thương với tâm tham ái là tình thương giữa người nam với người nữ có quan hệ tình cảm yêu đương thắm thiết, gắn bó với nhau do tâm tham, hài lòng với nhau; tình thương này thường có giới hạn giữa người nam với người nữ, mỗi người tự xem như thuộc sở hữu của nhau, do tâm tham ấy nên thường xảy ra khổ tâm.

- Hai người nam và nữ sống chung hoà hợp với nhau, nếu người này bị bệnh hoạn ốm đau v.v..., thì người kia cũng bị khổ tâm lo lắng, chăm sóc, chữa trị cho mau khỏi bệnh; nếu chữa trị bệnh không khỏi, người ấy từ bỏ cõi đời, thì làm cho người kia khổ tâm sầu não thương tiếc đến người thương đã quá vãng.

- Nếu người này nghi ngờ lòng chung thuỷ của người kia hoặc bị phụ bạc, phản bội, thì cảm thấy khổ tâm dẫn đến thù ghét, đành phải từ bỏ nhau v.v...

Ðó là tình thương với tâm tham ái giữa nam với nữ.

Ðức Phật dạy: "Tham ái là nhân sanh khổ đế". Cho nên, khi tham mà được hài lòng, thì sẽ làm nhân sanh khổ lâu dài; khi tham mà không được hài lòng, thì sẽ làm nhân sanh khổ dữ dội.

Tâm tham là nhân, mà tâm sân là quả. Cho nên, thương bao nhiêu, thì khổ cũng bấy nhiêu!

2- Tình thương trong gia đình như thế nào?

Tình thương trong gia đình là tình thương giữa những người trong gia đình, dòng họ có cùng huyết thống, và những người khác dòng họ như con dâu, con rể v.v... có mối liên quan mật thiết, đã trở thành những thành viên trong gia đình, dòng họ. Tình thương này cũng có giới hạn những người trong gia đình, dòng họ như: ông bà, cha mẹ, con cháu, anh chị em, chú bác, cô dì v.v... là những người thân quyến.

Tình thương của những người này luôn luôn mong muốn sự khoẻ mạnh, sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài lẫn nhau. Nhưng nếu có người nào trong gia đình, dòng họ bị bệnh hoạn ốm đau, thì những người thân cũng bị khổ tâm lo chăm sóc, chữa trị người ấy, cầu mong cho mau lành bệnh; nếu chữa trị không được, người ấy phải từ bỏ cuộc đời (chết), thì những người thân trong gia đình khổ tâm sầu não thương tiếc đến người ấy.

Những người lớn trong gia đình thường cầu mong cho các con, cháu được tốt lành, không có điều gì không hay xảy ra; nhưng nếu có người con, cháu nào hư hỏng, làm điều không tốt, những người lớn trong gia đình khổ tâm không chịu nổi, thì rầy la, thậm chí còn đánh đòn để răn dạy đứa con, cháu hư hỏng ấy. Ðó là tình thương trong gia đình, dòng họ; nếu tình thương này xuất phát từ tâm tham, thì dù tham được hài lòng hoặc không được hài lòng, cũng có thể làm nhân duyên phát sanh tâm sân làm cho khổ tâm; nếu tình thương này xuất phát từ tâm thiện, thì tâm thiện ấy cũng bị giới hạn trong gia đình, dòng họ, khó được trong sạch hoàn toàn.

Cả hai loại tình thương trên gọi là tâm từ giả, bởi vì tình thương ấy phát sanh từ tâm tham, bị phiền não làm ô nhiễm, bị biến đổi theo đối tượng.

3- Tình thương với tâm từ như thế nào?

Tình thương với tâm từ là tâm từ rải khắp đến tất cả chúng sinh không giới hạn, không ngoại trừ một chúng sinh nào, cầu mong tất cả chúng sinh thường được an lạc.

Tâm từ này có chi pháp là tâm sở vô sân (adosacetasika) đồng sanh với thiện tâm có đối tượng tất cả chúng sinh không giới hạn, không ngoại trừ một chúng sinh nào, (không có phân biệt ông bà, cha mẹ, anh chị em, v.v... thân quyến trong gia đình, dòng họ).

Do đó, dù đối tượng chúng sinh có biến đổi tốt hoặc xấu v.v..., thì thiện tâm có tâm sở vô sân, tâm từ vẫn không biến đổi theo đối tượng chúng sinh ấy.

Tình thương này gọi là tâm từ, bởi vì tình thương phát sanh từ thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, không bị biến đổi theo đối tượng hạng chúng sinh nào.

Tính chất đặc biệt của tâm từ:

- Tâm từ là một trong 4 đề mục thiền định vô lượng tâm (appamaññā) (tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả). Hành giả tiến hành thiền định với đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả mọi chúng sinh không giới hạn, không loại trừ chúng sinh nào, có khả năng chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc giới cho đến đệ tứ thiền sắc giới; vì đề mục thiền định này còn tuỳ thuộc vào chi thiền lạc (sukha); nên không thể chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới; còn đệ ngũ thiền sắc giới, thì phải diệt chi thiền lạc, thay bằng chi thiền xả.

- Tâm từ là một trong 4 đức tính của bậc Phạm thiên (Brahmavihāra). Bậc Phạm thiên có 4 đức tính cao thượng là từ, bi, hỉ, xả.

- Tâm từ là một trong 10 pháp hạnh ba la mật để chứng đắc thành Ðức Phật Toàn Giác hoặc Ðức Phật Ðộc Giác hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác...

Cuộc sống ở trên đời, nếu người nào thường có tâm từ, thì người ấy được phần đông mọi người thương yêu, quý mến, kính trọng, nên tránh được nhiều điều rắc rối, mọi công việc được suôn sẻ, dễ thành công trong cuộc đời.

Ðối với người tại gia cũng như bậc xuất gia, tâm từ đóng một vai trò quan trọng, hỗ trợ cho việc tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ để chứng đắc các pháp cao thượng.

Tâm từ thể hiện 3 môn [4] :

1- Kāyakammamettā: Tâm từ được thể hiện ra bằng thân hành thiện với mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt.

2- Vacīkammamettā: Tâm từ được thể hiện ra bằng khẩu nói điều thiện với mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt.

3- Manokammamettā: Tâm từ phát sanh trong ý thức thiện tâm, cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến cho tất cả mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt.

1- Tâm từ được thể hiện ra bằng thân hành thiện với mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt như thế nào?

- Những người có tâm từ cùng sống chung với nhau trong một ngôi chùa hoặc một ngôi nhà hoặc một nơi tập thể, mỗi người đều có chung một ý nghĩ giống nhau rằng: "Ta nên sống làm cho hài lòng đối với các người bạn của ta. Ta với các bạn, tuy thân khác nhau, song tâm vẫn giống nhau như một".

Mỗi người đều có ý nghĩ giống nhau như vậy, thì chắc chắn họ sống với nhau rất hoà hợp như sữa hoà với nước, cùng nhau an hưởng được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.

Như vậy, điều trước tiên, ta phải có tâm từ được thể hiện ra bằng thân hành thiện, hành động tốt giúp đỡ các người bạn những công việc nặng, nhẹ; những nhu cầu vật chất, tinh thần, v.v...

- Khi có mặt các bạn, ta nên sẵn sàng cùng nhau chung sức vào công việc chung cho được thành tựu tốt đẹp, đó cũng chính là công việc riêng của mỗi người; bởi vì nếu việc chung được hoàn thành, thì việc riêng mới được đầy đủ trọn vẹn. Khi bạn bị bệnh hoạn ốm đau, ta phải có bổn phận chăm nom săn sóc, chữa trị bệnh cho bạn chóng khỏi bệnh.

- Khi vắng mặt bạn, ta nên làm giúp những công việc dở dang của bạn cho xong, quét dọn chỗ ở sạch sẽ, giặt giũ quần áo của bạn; nếu bạn phơi quần áo khô xong, ta nên đem vào xếp cất gọn gàng, khi bạn đi về bị mưa ướt, có áo quần sạch sẽ để thay, có cơm ăn nước uống, v.v...

Ðó là tâm từ được thể hiện ra bằng thân hành thiện đối với các bạn cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt.

2- Tâm từ được thể hiện ra bằng khẩu nói điều thiện với mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt như thế nào?

- Những người có tâm từ, trong thiện tâm nghĩ những điều thiện đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho mọi người, mọi chúng sinh.

- Khi có mặt các bạn, hội họp nhau trong tình thương yêu hoan hỉ, không nói những điều nhảm nhí vô ích, mà đàm luận chánh pháp, nói với nhau trong 10 chuyện như: chuyện ít tham muốn, chuyện biết tri túc, chuyện nên sống nơi thanh vắng, chuyện không sống chung chạ với mọi người, chuyện tinh tấn tiến hành thiền tuệ, chuyện giữ gìn giới hạnh trong sạch, chuyện tiến hành thiền định tâm vững chắc, chuyện tiến hành thiền tuệ thấy rõ chân lý Tứ thánh đế, chuyện giải thoát bằng Thánh Ðạo - Thánh Quả, chuyện trí tuệ quán xét tri kiến giải thoát, v.v... Họ sống và hoan hỉ thực hành theo chánh pháp, thường được sự an lạc trong kiếp hiện tại.

- Khi vắng mặt bạn, họ thương nhớ bạn ấy, thường tán dương ca tụng những đức tính tốt của bạn trong tình thương yêu, kính mến nhau, giúp đỡ cho nhau mọi công việc dù nhỏ, dù lớn một cách rất hoan hỉ trong công việc chung. Riêng người bạn ấy là người sống gương mẫu, không những có giới hạnh trong sạch, tinh tấn tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, v.v... mà còn động viên, khuyến khích các bạn chớ nên dể duôi trong mọi thiện pháp.

Ðó là tâm từ được thể hiện ra bằng khẩu nói điều thiện đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc đến cho mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt.

3- Tâm từ phát sanh trong ý thức thiện tâm cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến cho tất cả mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt như thế nào?

Những người có tâm từ, niệm rải tâm từ cầu mong đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến những bạn đồng phạm hạnh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt rằng:

- Cầu mong các người bạn đồng phạm hạnh của tôi không oan trái với chúng sinh, không có khổ tâm, không có khổ thân, giữ gìn thân thường được an lạc lâu dài.

Ngoài ra, những người có tâm từ thường niệm rải tâm từ đến tất cả mọi hạng người, mọi chúng sinh không ngoại trừ chúng sinh nào rằng:

- Cầu mong tất cả chúng sinh cả thảy không oan trái với chúng sinh, không có khổ tâm, không có khổ thân, giữ gìn thân thường được an lạc lâu dài.

Ðó là tâm từ phát sanh trong ý thức thiện tâm, niệm rải tâm từ đến tất cả mọi hạng người, mọi chúng sinh như vậy.

 -ooOoo-

NIỆM RẢI TÂM TỪ

Theo bài kinh Tâm Từ (Mettāsutta)

Nguyên nhân của bài kinh Tâm Từ:

Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại xứ Sāvatthi, gần đến ngày an cư nhập hạ suốt ba tháng trong mùa mưa, chư Tỳ khưu từ mọi nơi đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, xin Ngài truyền dạy đề mục thiền định, đối tượng thiền tuệ thích hợp với bản tánh của mỗi Tỳ khưu.

Khi ấy, có nhóm năm trăm (500) Tỳ khưu, sau khi thọ giáo đề mục thiền định xong, dẫn nhau đến khu rừng núi thuộc dãy núi Himavantu, nơi ấy có cây cối xanh tươi, có nguồn nước trong lành, không gần cũng không xa xóm làng, chư Tỳ khưu ấy nghỉ đêm tại đó. Sáng hôm sau, chư Tỳ khưu ấy dẫn nhau vào xóm làng để khất thực, dân chúng vùng này khoảng một ngàn (1.000) gia đình, khi nhìn thấy đông đảo chư Tỳ khưu, họ vô cùng hoan hỉ, bởi vì những gia đình sống nơi vùng hẻo lánh này khó thấy, khó gặp được chư Tỳ khưu. Họ hoan hỉ làm phước, dâng cúng vật thực đến chư Tỳ khưu xong, bèn bạch rằng:

- Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, tất cả chúng con kính thỉnh quý Ngài an cư nhập hạ suốt ba tháng mùa mưa tại nơi vùng này, để cho tất cả chúng con có được cơ hội làm phước cúng dường bốn món vật dụng, thọ trì Tam quy, ngũ giới, nghe pháp. Kính xin quý Ngài hoan hỉ nhận lời thỉnh mời của tất cả chúng con.

Chư Tỳ khưu xét thấy chỗ ở, con người, vật thực... thích hợp cho việc tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, nên nhận lời thỉnh mời của họ. Họ vô cùng hoan hỉ làm 500 cốc nhỏ, giảng đường hội họp, có đầy đủ tiện nghi đối với chư Tỳ khưu, rồi làm lễ dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng.

Chư Tỳ khưu trú ngụ tại khu rừng núi, ngồi hành đạo dưới những cội cây, do oai lực giới đức trong sạch của quý Ngài, làm cho nhóm chư thiên ngự trong lâu đài của mình trên cội cây không thể ở yên ổn được, nên đành dẫn thân quyến xuống ở dưới mặt đất, bị mưa gió làm cho nhóm chư thiên này sống rất vất vả khổ cực. Nhóm chư thiên ấy biết rõ chư Tỳ khưu này sẽ ở đây suốt ba tháng mùa mưa, nên họ hội họp, bàn luận với nhau rằng: "Những vị Tỳ khưu này sẽ ở lại đây suốt ba tháng mùa mưa, chúng ta không một ai dám trở lại lâu đài của mình trên cây. Chúng ta làm cách nào để các vị ấy rời khỏi khu rừng núi này".

Rồi họ nhất trí với nhau rằng: "Chúng ta nên hoá ra những hình ảnh đáng ghê sợ, những thứ âm thanh rùng rợn, những mùi hôi khó chịu, v.v... khiến cho các vị ấy không thể nào tiếp tục ở lại nữa".

Thật vậy, chư Tỳ khưu đang tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, ban đêm nhìn thấy những hình ảnh đáng ghê sợ, nghe những thứ âm thanh rùng rợn, ngửi những mùi tanh hôi rất khó chịu, làm cho tâm một số đông chư Tỳ khưu bị dao động, không ổn định, phát sanh tâm sợ hãi. Do đó, nên thân hình gầy ốm, khuôn mặt xanh xao, hốc hác, phát sanh bệnh hoạn, làm cho tâm không thể an trú trong đề mục thiền định.

Một hôm, chư Tỳ khưu Tăng hội họp, vị Ðại Ðức trưởng nhóm hỏi chư Tỳ khưu rằng:

- Này chư pháp đệ, trước khi vào trú ngụ trong khu rừng núi này ai cũng khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, gương mặt tươi sáng v.v... Nhưng bây giờ quý pháp đệ có thân hình gầy gò, khuôn mặt xanh xao, hốc hác, bệnh hoạn, v.v... quý pháp đệ trú ngụ tại khu rừng núi này có điều gì không thuận lợi có phải không?

Chư Tỳ khưu bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, ban đêm, chúng con nhìn thấy những hình ảnh đáng ghê sợ, nghe những thứ âm thanh rùng rợn, ngửi những mùi tanh hôi rất khó chịu, làm cho tâm của chúng con bị dao động, không ổn định, phát sanh tâm sợ hãi, nên tâm của chúng con không thể an trú trong đề mục thiền định, phát sanh tình trạng như vậy, bạch Ngài.

Ngài Ðại Ðức trưởng nhóm dạy rằng:

- Này chư pháp đệ, như vậy, chỗ ở nơi này không thích hợp cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Ðức Phật cho phép Tỳ khưu an cư nhập hạ hai kỳ:

1- An cư nhập hạ đầu: Kể từ ngày 16 tháng 6 cho đến 15 tháng 9 (ÂL).
2- An cư nhập hạ sau: Kể từ ngày 16 tháng 7 cho đến 15 tháng 10 (ÂL).

Vậy, chúng ta còn có đủ thời gian trở về hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, xin phép Ngài an cư nhập hạ sau ở một nơi khác. Quý pháp đệ nghĩ thế nào?

Tất cả chư Tỳ khưu đều đồng tâm nhất trí nghe theo lời vị Ðại Ðức trưởng nhóm, sửa soạn lên đường trở về xứ Sāvatthi, đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, Ngài truyền dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, Như Lai đã chế định, ban hành đến tất cả chư Tỳ khưu: "Trong mùa mưa, chư Tỳ khưu phải an cư nhập hạ suốt ba tháng tại một nơi, không được phép đi ở nơi khác, nếu không có nguyên nhân chính đáng". Vậy, do nguyên nhân nào mà các con bỏ chỗ ở cũ.

Chư Tỳ khưu kính bạch Ðức Thế Tôn rõ những tai hoạ xảy ra do nhóm chư thiên trong khu rừng núi ấy, cho nên, chư Tỳ khưu không thể tiếp tục an cư nhập hạ suốt ba tháng mùa mưa. Kính xin Ðức Thế Tôn cho phép an cư nhập hạ sau tại một nơi chốn khác.

Quán xét thấy không có chỗ ở nào thuận lợi hơn nơi khu rừng núi cũ ấy, Ðức Thế Tôn khuyên dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, chỗ ở khác thuận lợi hơn không có, các con nên trở lại chỗ ở cũ; lần này, Như Lai sẽ dạy các con bài kinh Mettāsutta [5]paritta bảo vệ cho các con được an toàn, để các con làm đề mục thiền định và làm nền tảng tiến hành thiền tuệ, thích hợp đối với các con.

Ðó là nguyên nhân mà Ðức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Mettāsutta: kinh Tâm Từ này.

Sau khi học tập bài kinh này xong, thực hành theo lời giáo huấn của Ðức Thế Tôn, chư Tỳ khưu cùng nhau trở lại khu rừng núi cũ. Khi ấy nhóm chư thiên trong khu rừng núi ấy cảm thấy mát mẻ, an lạc do năng lực tâm từ của chư Tỳ khưu, nên vô cùng hoan hỉ hộ độ chư Tỳ khưu sống yên ổn tiến hành thiền định với đề mục niệm rải tâm từ, chứng đắc bậc thiền sắc giới làm nền tảng, làm đối tượng để tiến hành thiền tuệ. Trong mùa an cư nhập hạ ấy, toàn thể chư Tỳ khưu đều chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng; đến ngày làm lễ Pavāraṇā, tất cả chư Tỳ khưu đều làm lễ Suddhipavāraṇā: lễ thỉnh mời hoàn toàn thanh tịnh của chư bậc Thánh A-ra-hán gọi là Mahapavāraṇā: đại lễ thỉnh mời thanh tịnh.

Nội dung bài kinh Mettāsutta (Kinh Tâm Từ)

Giai đoạn thứ nhất:

Pháp hành phần đầu của đề mục niệm rải tâm từ (Mettāpubbabhāgapaṭipadā).

Hành giả là bậc Thiện trí thông minh sáng suốt mong muốn những sự lợi ích cõi người, cõi trời và cõi Niết Bàn. Ðối với những hành giả trú ngụ nơi rừng núi, muốn tiến hành đề mục niệm rải tâm từ, Ðức Phật dạy những hành giả ấy, trước khi tiến hành đề mục niệm rải tâm từ, cần phải nên thực hành đầy đủ 15 pháp hành gọi là Mettāpubbabhāgapaṭipadā: Pháp hành phần đầu của đề mục niệm rải tâm từ, đúng theo tinh thần cốt lõi của bài kinh Mettāsutta này.

Những hành giả có trí tuệ sáng suốt mong muốn sự lợi ích cao thượng chứng ngộ Niết Bàn. Ðối với hành giả tiến hành đề mục niệm rải tâm từ, trước tiên cần phải thực hành đầy đủ 15 pháp hành (sau đó bắt đầu tiến hành đề mục niệm rải tâm từ) như sau:

1- Sakko: là người có khả năng, nghĩa là có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tính chân thật, có sức khoẻ tốt, có sự tinh tấn không ngừng, trí tuệ có khả năng hiểu biết rõ về pháp học và pháp hành.

2- Uju: là người ngay thẳng, chân thật, hành thiện pháp, không hề gian dối bằng thân, bằng khẩu.

3- Sahuju: là người có tính tình trung thực, hành thiện pháp bằng ý nghĩ.

4- Suvaco: là người dễ dạy, khuyên dạy thế nào, thì thực hành như thế ấy, không phải là người cứng đầu khó dạy.

5- Mudu: là người nhu mì, tính hiền lành, thân hành động nhẹ nhàng mềm mỏng; khẩu nói lời êm dịu, dễ nghe; ý nghĩ những điều thiện, thương yêu, kính mến mọi người.

6- Anatimāni: không ngã mạn, không tự cho mình hơn người hoặc bằng người hoặc thua người; đối với người lớn hơn mình, thì cung kính lễ phép; đối với người bằng mình, thì sống hoà nhã; đối với người nhỏ hơn mình, thì tận tình giúp đỡ.

7- Santussako: là người biết tri túc trong của cải của mình. Tri túc trong của cải có 3 ý nghĩa:

- Hài lòng trong của cải mình đã có sẵn.
- Hài lòng trong của cải của mình đang có được.
- Hài lòng trong của cải dù tốt dù xấu (tâm không coi trọng đồ tốt, không coi khinh đồ xấu).

8- Subharo: là người dễ nuôi, người khác nuôi dưỡng như thế nào cũng hoan hỉ như thế ấy, không hề lựa chọn, phân biệt tốt xấu, ngon dở, nhiều ít, có không, v.v...

9- Appakicco: là người ít công ít việc. Ðối với hành giả tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ ít công việc chừng nào tốt chừng ấy; vì ít công việc thì mới có nhiều thì giờ hành đạo.

10- Sallahuvutti: là người có đời sống nhẹ nhàng; đi lại nhẹ nhàng, giống như con chim có đôi cánh để bay, có cái mỏ để kiếm ăn vừa đủ nuôi mạng trong ngày. Hành giả có đời sống nhẹ nhàng, đối với bậc xuất gia chỉ cần có 8 món vật dụng cần thiết hằng ngày, nhất là tam y mặc che thân, có cái bát để đi khất thực nuôi mạng trong ngày.

11- Santindriyo: là người biết thu thúc lục căn thanh tịnh. Khi mắt nhìn thấy sắc đẹp hoặc xấu; khi tai nghe âm thanh hay hoặc dở; khi mũi ngửi mùi thơm hoặc hôi; khi lưỡi nếm vị ngon hoặc dở; khi thân xúc giác cứng hoặc mềm, nóng hoặc lạnh v.v...; khi tâm biết các đối tượng đáng hài lòng hoặc không đáng hài lòng, hành giả biết thu thúc lục căn thanh tịnh không để cho phiền não tham, sân, si phát sanh, chỉ có thiện tâm phát sanh mà thôi.

12- Nipako: là người có trí tuệ thông minh sáng suốt, hiểu biết rõ sự lợi ích cao thượng Niết Bàn, chỉ mong thực hành pháp hành thiền tuệ để mau chóng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn giải thoát khổ sanh mà thôi.

13- Appagabbho: là người có thân, khẩu, ý được trau dồi thuần đức.

14- Kulesu ananugiddho: là người không quyến luyến trong các gia đình, để tránh tình trạng vui cùng vui với nhau, khổ cùng khổ với nhau.

15- Yena viññū pare upavadeyyuṃ, na ca khuddamācare kiñci: những bậc Thiện trí chê trách điều ác nào, không làm điều ác ấy dù là rất nhỏ.

Ðó là 15 pháp hành mà hành giả phải nên thực hành đầy đủ trước khi tiến hành đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh. Nếu hành giả thực hành không đầy đủ 15 pháp hành này trước, thì sự tiến hành đề mục niệm rải tâm từ không đạt được hiệu quả tốt trong pháp hành thiền định.

Ví dụ:

Người nông dân trước khi gieo trồng hạt giống xuống đất, cần phải làm cỏ cho sạch, cày sâu bừa kỹ, dẫn nước vào, rải phân, v.v... đó là giai đoạn đầu phải làm đầy đủ, tiếp theo mới gieo giống, khi ấy hạt giống mới có đủ điều kiện nảy mầm thành cây rồi tăng trưởng...

Nếu người nông dân làm không đầy đủ khâu đầu tiên, thì việc gieo trồng không đạt được hiệu quả tốt trong nông nghiệp.

Giai đoạn thứ nhì:

Phương pháp tiến hành niệm rải tâm từ.

Sau khi thực hành đầy đủ 15 pháp hành phần đầu của bài kinh Tâm Từ, đến giai đoạn thứ nhì, hành giả bắt đầu tiến hành niệm rải tâm từ theo tinh thần cốt lõi bài kinh Tâm Từ (Mettāsutta) có 2 phần:

I- Phần đầu: Hành giả niệm rải tâm từ, cầu mong tất cả chúng sinh được sự tiến hoá, sự an lạc gọi là: hitasukhāgamapatthanāmettā.

Trong phần này, niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh có ba phương pháp:

1- Sabbasaṅgāhikamettā: Tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh tổng hợp.
2- Dukabhāvanāmettā: Tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh có 2 nhóm.
3- Tikabhāvanāmettā: Tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh có 3 nhóm.

1- Tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh tổng hợp như thế nào?

Tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh tổng hợp gom vào nhau, không phân loại chúng sinh khác nhau. Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh không giới hạn, theo bài kệ trong bài kinh Tâm Từ như sau:

"Sukhino vā khemino hontu.
Sabbe sattā bhavantu sukhitattā".
(Cầu mong tất cả chúng sinh, thân thường an lạc, được bình an vô sự; tâm thường được an lạc).

Khai triển phương pháp niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh tổng hợp này theo trạng thái có ba phương pháp tiến hành:

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh rằng:

"Sabbe sattā sukhino hontu".
(Cầu mong tất cả chúng sinh, thân thường được an lạc).

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh rằng:

"Sabbe sattā khemino hontu".
(Cầu mong tất cả chúng sinh, sống được bình an vô sự).

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh rằng:

"Sabbe sattā sukhitattā bhavantu".
(Cầu mong tất cả chúng sin,h tâm thường được an lạc).

Ðó là phương pháp tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh tổng hợp chung trong tam giới [6] gồm có 31 cõi, có 4 loại chúng sinh [7] không giới hạn, không ngoại trừ hạng chúng sinh nào.

2- Tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh có 2 nhóm như thế nào?

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh có 2 nhóm gồm 4 loại như sau:

- Tasa thāvara duka: chúng sinh còn sợ và không còn sợ.
- Diṭṭhādiṭṭha duka: chúng sinh được nhìn thấy và không được nhìn thấy.
- Dūra santika duka: chúng sinh ở xa và ở gần.
- Bhūtā sambhavesi duka: chúng sinh là bậc Thánh A-ra-hán và bậc Thánh Hữu Học, với hạng phàm nhân.

Phương pháp tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh có 2 nhóm tuần tự như sau:

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh có 2 nhóm rằng:

"Ye keci pāṇabhūtatthi tasā vā thāvarā vā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā".
(Cầu mong tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh còn sợ (hạng phàm nhân và bậc Thánh Hữu Học
[8]); và hạng chúng sinh không còn sợ (bậc Thánh A-ra-hán), thân tâm thường được an lạc).

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh có 2 nhóm rằng:

"Ye keci pāṇabhūtatthi diṭṭhā vā adiṭṭhā vā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā".
(Cầu mong tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh được nhìn thấy và hạng chúng sinh không được nhìn thấy, thân tâm thường được an lạc).

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh có 2 nhóm rằng:

"Ye keci pāṇabhūtatthi dūrā vā avidūrā vā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā".
(Cầu mong tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh ở nơi xa và hạng chúng sinh ở nơi gần, thân tâm thường được an lạc).

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh có 2 nhóm rằng:

"Ye keci pāṇabhūtatthi bhūtā vā sambhavesī vā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā".
(Cầu mong tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh đã thành rồi (bậc Thánh A-ra-hán); và hạng chúng sinh còn phải tái sanh kiếp sau (bậc Thánh Hữu Học và hạng phàm nhân), thân tâm thường được an lạc).

Ðó là phương pháp niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh có 2 nhóm trong tam giới.

3- Tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh có 3 nhóm như thế nào?

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh có 3 nhóm gồm 3 loại như sau:

Dīgha rassa majjhima tika: chúng sinh có thân hình dài, ngắn, trung bình.
Mahantāṇuka majjhima tika: chúng sinh có thân hình to, nhỏ, trung bình.
Thulāṇuka majjhima tika: chúng sinh có thân hình mập, ốm, trung bình.

Phương pháp tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh có thân hình khác nhau phân chia làm 3 nhóm tuần tự như sau:

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh có 3 loại thân hình rằng:

"Ye keci pāṇabhūtatthi dīghā vā rassā vā majjhimā vā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā".
(Cầu mong tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh có thân hình dài, thân hình ngắn, thân hình trung bình (không dài không ngắn), thân tâm thường được an lạc).

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh có 3 loại thân hình khác rằng:

"Ye keci pāṇabhūtatthi mahantā vā aṇukā vā majjhimā vā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā".
(Cầu mong tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh có thân hình to lớn, thân hình nhỏ bé, thân hình trung bình (không lớn không nhỏ), thân tâm thường được an lạc).

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh có 3 loại thân hình khác nữa rằng:

"Ye keci pāṇabhūtatthi thūlā vā aṇukā vā majjhimā vā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā".
(Cầu mong tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh có thân hình mập mạp, thân hình gầy ốm, thân hình trung bình (không mập không gầy), thân tâm thường được an lạc).

Ðó là phương pháp niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh có 3 loại thân hình khác nhau trong tam giới.

Tóm lại, ba phương pháp niệm rải tâm từ: tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh tổng hợp; tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh có 2 nhóm; tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh có 3 nhóm. Cả ba phương pháp này đều có tâm từ cầu mong cho tất cả chúng sinh trong tam giới, được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc gọi là hitasukhāgamapatthanāmettā: niệm rải tâm từ cầu mong tất cả chúng sinh đều được sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.

II- Phần hai: Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ, cầu mong chúng sinh không có sự thoái hoá, sự khổ não không xảy đến với chúng sinh gọi là: ahitadukkhānagamapatthanāmettā.

Phần này, niệm rải tâm từ trong những trường hợp như sau:

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh rằng:

"Na paro paraṃ nikubbetha".
(Cầu mong người này không nên lừa đảo làm khổ người kia).

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh rằng:

"Katthaci kiñci naṃ nātimaññetha".
(Cầu mong người này không khinh thường người khác bất cứ nơi nào).

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh rằng:

"Byārosanā paṭighasaññā aññamaññassa dukkhaṃ na iccheyya".
(Cầu mong chúng sinh đừng làm khổ lẫn nhau bằng thân hoặc bằng khẩu do tâm sân oán thù).

Ðó là phương pháp tiến hành niệm rải tâm từ đến chúng sinh cầu mong chúng sinh không có sự thoái hoá, sự khổ não không xảy đến với chúng sinh, chỉ có sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc thường phát sanh đến tất cả chúng sinh mà thôi.

Tâm từ như thế nào?

Tâm từ là tình thương đối với tất cả chúng sinh như Ðức Phật dạy:

"Mātā niyaṃ puttaṃ, ekaputtaṃ āyusā anurakkhe yathā, evampi sabbabhūtesu aparimāṇaṃ mānasaṃ bhāvaye".

Ví như một từ mẫu thương yêu đứa con duy nhất, bà đặt trọn vẹn tình thương yêu của mình nơi đứa con ấy, giữ gìn, dưỡng dục đứa con yêu quý độc nhất bằng sanh mạng của mình như thế nào, hành giả tiến hành niệm rải tâm từ vô lượng đến tất cả chúng sinh không giới hạn cũng như thế ấy.

"Uddhaṃ adho ca tiriyañca, asam-bādhaṃ averaṃ asapattaṃ".

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến toàn thể thế giới chúng sinh hướng trên, 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên; hướng dưới 11 cõi dục giới; ở khoảng giữa 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, với tâm từ trong thiện tâm không hẹp lượng, toả rộng khắp vô lượng vô biên, không có tâm sân oan trái là kẻ thù bên trong, không có kẻ thù bên ngoài. Do năng lực tâm từ vô lượng nên xoá bỏ được giới hạn ranh giới giữa các chúng sinh, giữa mình với tất cả chúng sinh đều mang tính chất đồng đẳng với nhau. Hành giả chứng đắc bậc thiền sắc giới với đề mục niệm rải tâm từ vô lượng đến tất cả chúng sinh không giới hạn.

Ðề mục niệm rải tâm từ này có khả năng chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc giới cho đến đệ tứ thiền sắc giới, nhưng không thể chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới, bởi vì đề mục niệm rải tâm từ này luôn luôn cần có chi thiền lạc; còn đệ ngũ thiền sắc giới thì cần phải diệt chi thiền lạc thay bằng chi thiền xả. Do đó, đề mục niệm rải tâm từ không thể chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới.

"Tiṭṭhaṃ caraṃ nisinno vā, sayāno vā yāvatā’ssa vitamiddho, etaṃ satiṃ adhiṭṭheyya. Idha etaṃ brahmaṃ vihāraṃ āhu".

Khi hành giả đang đứng hoặc đang đi hoặc đang ngồi hoặc đang nằm mà không buồn ngủ, khi ấy tâm an trú trong bậc thiền sắc giới với tâm từ vô lượng.

Ðức Phật dạy: "Hành giả có bậc thiền với tâm từ đó là cách sống cao thượng".

Tâm từ với thiền tuệ:

Ðề mục niệm rải tâm từ có đối tượng chúng sinh thuộc chế định pháp (paññattidhamma), cho nên, khi hành giả tiến hành thiền định với đề mục này, chỉ có khả năng chứng đắc bậc thiền sắc giới, nhưng chắc chắn không thể chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết Bàn được.

Muốn chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết Bàn, hành giả cần phải tiến hành thiền tuệ, có đối tượng danh pháp, sắc pháp thuộc chân nghĩa pháp (paramatthadhamma). Vì vậy, sau khi đã chứng đắc bậc thiền sắc giới nào rồi, hành giả cần phải thoát ra khỏi bậc thiền sắc giới ấy, dùng tâm thiền hoặc chi thiền của bậc thiền ấy làm nền tảng, làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ.

Ðối tượng của pháp hành thiền tuệ đó là tâm thiền hoặc chi thiền của bậc thiền ấy thuộc về danh pháp, và tâm thiền ấy phát sanh do nương nhờ sắc ý căn (hadayavatthurūpa) thuộc về sắc pháp. Hành giả tiến hành thiền tuệdanh pháp, sắc pháp ấy làm đối tượng thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của danh pháp sắc pháp ấy; thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp ấy; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp ấy, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo - Nhập Lưu Thánh Quả Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được phiền não tà kiến nơi ngũ uẩn hoài nghi không còn dư sót nữa.

Ðức Phật dạy:

"Diṭṭhiñca anupagamma, sīlavā dassanena sampanno".

Bậc Thánh Nhập Lưu hoàn toàn không còn tà kiến chấp ngã nơi ngũ uẩn nữa, bởi do Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được phiền não tà kiến nơi ngũ uẩnhoài nghi không còn dư sót nữa; cho nên, bậc Thánh Nhập Lưu có giới đức hoàn toàn trong sạch (có định và tuệ chưa hoàn toàn).

Bậc Thánh Nhập Lưu tiếp tục tiến hành thiền tuệ có danh pháp, sắc pháp ấy làm đối tượng thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của danh pháp sắc pháp ấy; thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp ấy; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp ấy, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhất Lai Thánh Ðạo - Nhất Lai Thánh Quả Niết Bàn; rồi Bất Lai Thánh Ðạo - Bất Lai Thánh Quả Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn tâm tham ái trong ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) ở cõi dục giới, chỉ còn tâm tham ái trong cõi sắc giới và cõi vô sắc giới mà thôi.

Ðức Phật dạy:

"Kāmesu vineyya gedhaṃ".

Bậc Thánh Nhất Lai có khả năng diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái trong ngũ trần loại thô cõi dục giới, còn loại vi tế chưa diệt được; đến bậc Thánh Bất Lai mới có khả năng diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái trong ngũ trần loại vi tế cõi dục giới không còn dư sót, song tâm tham ái trong cõi sắc giới và vô sắc giới chưa diệt được. Cho nên, bậc Thánh Bất Lai không tái sanh trở lại cõi dục giới, chỉ còn tái sanh lên cõi sắc giới phạm thiên và cõi vô sắc giới phạm thiên mà thôi.

Bậc Thánh Bất Lai tiếp tục tiến hành thiền tuệ có danh pháp, sắc pháp ấy làm đối tượng thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của danh pháp sắc pháp ấy; thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp ấy; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp ấy, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo - A-ra-hán Thánh QuảNiết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi tâm tham ái trong cõi sắc giới và cõi vô sắc giới không còn dư sót, sẽ tịch diệt Niết Bàn ngay kiếp hiện tại ấy, không còn tái sanh trở lại kiếp sau khác nữa, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ðức Phật dạy:

"Na hi jātuggabbhaseyyaṃ puna reti".

Hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo - A-ra-hán Thánh Quả và Niết Bàn, đã diệt đoạn tuyệt tất cả tâm tham ái không còn dư sót rồi, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, chắc chắn sẽ tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sanh kiếp sau khác nữa, giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

(Giải thích xong bài kinh Tâm Từ).

Nhận xét trước và sau bài kinh Tâm Từ

Lần trước, chưa học và hành bài kinh Tâm Từ (Mettāsutta), 500 chư Tỳ khưu vào trú ngụ tại khu rừng núi, làm cho nhóm chư thiên ở cội cây nơi ấy khổ thân khổ tâm. Nhóm chư thiên ấy đã hoá ra những cảnh tượng rùng rợn, làm cho chư Tỳ khưu kinh hồn hoảng sợ phải từ bỏ khu rừng núi ấy trở về hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, xin phép an cư nhập hạ ở một nơi khác.

Lần sau, học và hành bài kinh Tâm Từ này, 500 chư Tỳ khưu trở lại vào trú ngụ tại khu rừng núi cũ, làm cho nhóm chư thiên ở cội cây nơi ấy thân tâm an lạc, mát mẻ do năng lực niệm rải tâm từ của chư Tỳ khưu; nhóm chư thiên ấy hoan hỉ hộ trì chư Tỳ khưu trú ngụ tại khu rừng núi ấy, thân tâm thường được an lạc, tinh tấn tiến hành thiền định với đề mục niệm rải tâm từ, chứng đắc bậc thiền sắc giới, và tiếp theo tiến hành thiền tuệ, tất cả 500 chư Tỳ khưu đều chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Ðạo - A-ra-hán Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy.

Năm trăm chư Tỳ khưu này là những bậc có giới đức trong sạch, có đầy đủ pháp hạnh ba la mật để chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán, nhưng thiếu pháp hành niệm rải tâm từ làm cho chư thiên mát mẻ, an lạc, nên chư thiên đã gây trở ngại cho việc tiến hành thiền tuệ của chư Tỳ khưu. Nhưng về sau, chư Tỳ khưu học và hành đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh không giới hạn, làm cho chư thiên ở cội cây trong khu rừng núi ấy thân tâm được an lạc, mát mẻ; thay vì làm cho chư Tỳ khưu kinh hồn hoảng sợ như trước, thì chư thiên lại hoan hỉ hộ trì chư Tỳ khưu an cư nhập hạ, thân tâm an lạc, tinh tấn tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, tất cả đều chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy. Bởi vậy cho nên, pháp hành niệm rải tâm từ là một pháp hành cần thiết hỗ trợ không những đối với hành giả tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, mà còn là pháp hành hỗ trợ cho tất cả mọi người, mọi chúng sinh được thân tâm an lạc, mát mẻ trong tình thương, yêu quý mến lẫn nhau.

-ooOoo-


[1] Sinh vật: vật có sự sống như tất cả chúng sinh, động vật, thực vật,... chúng có sự sanh, sự tăng trưởng, sự già, sự chết.

[2] Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm, và tâm sở có 52 tâm sở; trong số tâm, tâm sở này không có tâm nào trực tiếp gọi là tâm từ.

[3] Tịnh hảo tâm gồm có 59 hoặc 91 tâm.

[4] Majjhimanikāya, Mūlapaṇṇāsa, Cuḷagosingasutta & Aṭṭhakathā.

[5] Khuddakanikāya, bộ Suttanipāta, kinh Mettāsutta, toàn bài kinh xin xem ở phần sau.

[6] Tam giới: dục giới có 11 cõi, sắc giới có 16 cõi, vô sắc giới có 4 cõi.

[7] 4 loại chúng sinh: thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hoá sinh.

[8] Bậc Thánh Hữu Học có 3 hạng: bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2003)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-08-2003