BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Hạnh phúc mộng và thực:
Giảng giải Kinh Tam-Di-Đề (Samiddhi Sutta)

Thích Nhất Hạnh


  CHƯƠNG 3 (tt)

3.2 Pháp Thoại Ngày 8 tháng 9 năm 1994

Thưa đại chúng, hôm nay là ngày mồng 8 tháng 9 năm 1994, chúng ta đang ở xóm Thượng trong khóa mùa Thu, và học tiếp Kinh Samiddhi.

NGŨ DỤC TẠO NÊN NHỮNG CƠN SỐT

Nhắc lại một phần bài giảng hôm trước, thầy Samiddhi nói: Đức Thế Tôn có dạy, trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái lợi rất bé mà tai họa rất lớn. Tôi nay đang an trú trong hiện pháp, lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy, hiện pháp này vượt thoát thời gian, đến để mà thấy, có tác dụng đưa chúng ta đi lên và tự mình mỗi người có thể hiểu được và thông đạt được.

Ta biết rằng câu trả lời này thầy Samiddhi lấy trọn trong kinh ra nên rất đúng với Chánh Pháp. Câu đó được dịch từ tiếng Hán, và ta cũng đã đọc câu bằng tiếng Pali. Theo văn học Phật Giáo Bắc Tông câu trả lời này còn có thêm một danh từ nữa là vô chư nhiệt não, nghĩa là không có sự nóng sốt, là lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy. Khi an trú trong giáo pháp và sống trong giờ phút hiện tại, ta có thể tránh được những ngọn lửa phiền não đốt cháy. Chúng ta đã biết rằng những ngọn lửa phiền não này là những ngọn lửa phát sinh từ ao ước hưởng thụ năm thứ dục lạc. Giáo sư Démiéville dịch là "sans fièvre", tức là không có sự nóng sốt, không có cơn sốt. Danh từ tiếng Phạn là Nirjvara. Vara nghĩa là con sốt. Chữ Hán dịch là vô chư nhiệt não, không bị đốt cháy bởi những phiền não. Khi đi lạc vào mê hồn trận của danh, của lợi, của tài và của sắc, ta bị những ngọn lửa phiền não đốt cháy. Nếu thoát ra được và an trú được trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, thì ta không bị những cơn sốt đó hãm hại, cho nên gọi là vô chư nhiệt não. Vì vậy trong bài tụng tiếng Pali quí vị nên thêm vào năm chữ "là xa lìa nhiệt não" ngay sau câu "là hiện thân thọ chứng" cho đầy đủ. Khi tụng, ta sẽ tụng như vầy:

Diệu Pháp của Đức Thế Tôn là thiện thuyết,
Là hiện thân thọ chứng,
Là xa lìa nhiệt não,
Là vượt thoát thời gian,
đến để mà thấy,
Là dẫn đạo đi lên,
Là tự mình thông hiểu ...

Vậy thì diệu pháp của Đức Thế Tôn là thiện thuyết, tức là khéo diễn bày; là hiện thân thọ chứng (Sanditthika), nghĩa là với kiếp này, với cái thân thể và tâm hồn này ta có thể thực chứng được mà không phải mong ước ở tương lai; là xa lìa nhiệt não, tức không có những cơn sốt của phiền não; là vượt thoát thời gian (Akalika); là đến để mà thấy (Ehipassika); là dẫn đạo đi lên (Upanayika); là tự mình thông hiểu (Paccattamveditabbo Vinnuhiti).

Sau khi nghe câu trả lời, vị Thiên giả thấy mình chưa hiểu nên đã hỏi tiếp:

- "Tại sao Đức Thế Tôn lại nói trong cái vui phi thời của ái dục vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái lợi rất bé mà tai họa rất lớn? Tại sao Đức Thế Tôn lại nói an trú hiện pháp là lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, tự mình thông đạt, tự mình có thể giác tri".

Lúc bấy giờ thầy Samiddhi hơi ngại vì đã một lần thầy giảng nghĩa mà không đúng với ý của Đức Thế Tôn, nên lần này thầy cẩn thận hơn trong khi trả lời:

- "Tôi mới xuất gia được có mấy năm, không đủ sức giảng bày rộng rãi những giáo pháp và luật nghi mà Đức Như Lai tuyên thuyết. Hiện Đức Thế Tôn đang cư ngụ gần đây, nơi rừng tre Ca Lan Đà, thiên nữ có thể tới với Người để trình bày những nghi vần của thiên nữ. Đức Như Lai sẽ dạy cho thiên nữ chánh pháp để tùy nghi thọ trì".

Đây cũng là cái cơ hội để thầy đưa vị Thiên giả đến với Đức Như Lai. Các Sư cô và Sư chú có thể học bài học này, để khi gặp các vị Thiên giả đến hỏi chuyện lăng nhăng, quí vị có thể đưa họ đến với tôi, tôi sẽ giúp quí vị độ được các vị Thiên giả nào đó.

Vị thiên nữ nói

"Thưa khất sĩ, Đức Như Lai đang được các vị Thiên giả có nhiều uy lực túc trực bao quanh, tôi không dễ gì có cơ hội để tới gần Người mà hỏi Đạo. Nếu thầy có thể đến Đức Thế Tôn để thỉnh vấn trước giùm tôi thì tôi sẽ xin đi theo thầy".

Hôm trước tôi đã giảng câu này rồi. Ngày xưa, muốn đến gặp Bụt cũng khó, vì các thị giả không cho vô. Vì vậy tuy là một vị thiên nữ, cô cũng không dễ dàng trực tiếp gặp Đức Thế Tôn. Mà phải nhờ một Sư chú dẫn tới. Vậy mới biết các Sư chú, Sư cô là phước điền tốt, là "thượng đẳng điền" nên mới có thể tới với Đức Thế Tôn một cách rất dễ dàng. Thầy Samiddhi biết được điều đó cho nên thầy nói:

- Tôi sẽ đi giúp thiên nữ.

Vị thiên nữ nói: "Thưa Tôn giả vâng, tôi sẽ đi theo Tôn giả".

Lúc ấy vị khất sĩ kia đến nơi Bụt ở, cúi đầu làm lễ dưới chân Người, lui ra đứng một bên, và đem câu chuyện đã nói với vị thiên nữ thuật lên cho Bụt nghe. Rồi thầy thưa tiếp:

Bạch Đức Thế Tôn, nếu vị thiên giả kia có tâm thành khẩn thì giờ này cô ta đã có mặt ở đây rồi, còn nếu không thì có lẽ vị ấy đã không tới.

Khi nghe vị thiên giả đồng ý đi theo để gặp Bụt, thầy Samiddhi liền đến nơi Bụt ở. Làm lễ Bụt xong thầy lui ra đứng một bên và thuật lại hết cho Bụt nghe câu chuyện thầy đi tắm sông, gặp thiên nữ chất vấn thế nào và thầy đối đáp ra sao. Thầy Samiddhi thuật chuyện cho Bụt nghe xon mà không thấy vị thiên nữ đâu. Có lẽ lúc này thầy đi vị Thiên giả cũng đi theo, nhưng không đi theo sát bên thầy, cho nên khi thầy vào tiếp xúc trực tiếp với Bụt thì không có vị Thiên giả đứng gần đó, Vì vậy cho nên thầy mới nói: Bạch Đức Thế Tôn, nếu vị thiên giả kia có tâm thành khẩn thì giờ này cô ta đã có mặt ở đây rồi, còn nếu không thì có lẽ vị ấy đã không tới.

Trong bản Biệt Dịch Tạp A Hàm cũng như trong bản Pali Samyutta Niakaya ta không thấy có câu ấy, nghĩa là không đặt vấn đề thành khẩn. Tuy nhiên câu này cũng có cái nghĩa riêng của nó. Qua câu này ta thấy rằng có thể vị Thiên giả có ý thao thức hỏi đạo, hoặc vị Thiên giả không thật sự thao thức hỏi đạo mà chỉ vì thấy người khất sĩ kia là một người còn trẻ mà đi tu, bỏ gia đình, bỏ tất cả danh lợi ngoài đời, không hưởng thụ dục lạc, nên hiếu kỳ muốn tìm hiểu vậy thôi. Chúng ta nên biết rằng, không phải những vị Thiên giả như thế chỉ có mặt ở thời xưa mà thôi. Thời nay các vị Thiên giả như thế cũng có mặt, và thầy Samiddhi không phải chỉ có mặt hai ngàn sáu trăm năm về trước mà thầy Samiddhi cũng đang có mặt bây giờ và ở đây. Chừng nào còn có thầy Samiddhi, thì chừng đó còn có những vị Thiên giả đặt câu hỏi là tại sao còn trẻ mà bỏ gia đình, bỏ xã hội để đi tu, và chừng nào còn những vị Thiên giả như vậy thì chừng đó thầy Samiddhi vẫn còn phải trả lời.

Lúc bấy giờ có tiếng vị Thiên giả từ xa nói vọng lại: "Thưa Tôn giả tôi đang có mặt đây, tôi đang có mặt đây".

Lúc đó Đức Thế Tôn mới nói lên một bài kệ:

Chúng sanh tuỳ ái tưởng,
Dĩ ái tưởng nhi trú,
Dĩ bất tri ái cố,
Tắc vi tử phương tiện.

Tôi dịch là:

Chúng sanh theo dục tưởng,
Trú trong dục tưởng ấy,
Không biết dục là gì,
Nên đi vào nẻo chết.

Có thể Đức Thế Tôn đã dạy bằng văn xuôi, nhưng các thầy không nhớ hết, và để khỏi quên cái tinh túy của lời Đức Thế Tôn dạy, nên các thầy hồi đó đã đúc kết những lời của Đức Thế Tôn bằng lại bằng lời kệ.

Chúng sanh tùy ái tưởng, Dĩ ái tưởng nhi trú (Chúng sanh theo dục tưởng, trú trong dục tưởng ấy). Chữ ái này đồng nghĩa với chữ dục. Ta thường gọi là Dục Ái hay Ái Dục. Tiếng Phạn thường dùng chữ Chandaraga, nghĩa là tham ái hay dục ái. Tiếng Anh có thể dùng chữ Craving tức là sự thèm khát. Còn chữ Tưởngđây là chữ Tưởng trong năm uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức), có nghĩa là tri giác, tiếng Anh là Perception. Hai câu trên có nghĩa là chúng sinh đi theo những tri giác về ái dục của mình, và lấy cái tri giác về ái dục đó làm chỗ cư trú. Nói như vậy có nghĩa là mình có một ý niệm về hạnh phúc và mình có những ham muốn (ái dục). Hạnh phúc là một chuyện, mà ái dục là một chuyện, hai cái khác nhau nhưng thường ta hay lẫn lộn. Đây là vấn đề chung của tất cả mọi người.

Ý NIỆM VỀ HẠNH PHÚC LÀ NHỮNG CHƯỚNG NGẠI CỦA HẠNH PHÚC

Trong ta, mỗi người đều có một ý niệm về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng hạnh phúc là phải như thế này hay như thế kia. Nếu ta không được như thế này hay như thế kia thì ta kết luận là ta không có hạnh phúc. Ta cho rằng bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc của mình, và trong nhiều trường hợp, ý niệm về hạnh phúc của mình là chướng ngại căn bản để mình đạt tới hạnh phúc. Ví dụ mình ham muốn đậu được cái bằng cấp đó, và nghĩ rằng nếu không có cái bằng cấp đó thì không bao giờ mình có hạnh phúc cả. Như vậy tức là mình đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc. Trong khi mình đang có vô số cơ hội để có hạnh phúc, mình đánh mất hết, chỉ vì mình đã tự đóng khung cái hạnh phúc của mình vào trong cái ý niệm có bằng cấp kia. Đó là một cái muốn, một thứ ái dục, ái dục về bằng cấp. Trong đời sống tu hành cũng vậy. Là một ông thầy tu mình có thể nghĩ rằng muốn nói cho thiên hạ nghe thì mình phải có một cái bằng cấp vì có bằng cấp thì thiên hạ mới nể, thuyết pháp người ta mới nghe. Vì vậy cho nên mình phải xông xáo ra đời vài ba năm để học và giật cho được bằng cấp đó. Mình đâu có biết rằng vì ý niệm về bằng cấp mà sự nghiệp tu hành của mình có thể sẽ bị hư hỏng. Tóm lại tất cả đều do ý niệm của mình mà ra, và ý niệm thường rất dễ bị sai lạc.

Có một anh chàng nói: "Hạnh phúc của đời tôi là phải cưới cho được cô này, nếu không cưới được cô ấy thà rằng chết còn hơn, hạnh phúc không thể nào có được!". Như vậy anh chàng đã cột đời của mình vào trong ý niệm là phải cưới cho được cô kia. Cưới không được thì đời không còn có ý nghĩa gì cả. Tại sao đời không có ý nghĩa gì nữa cả. Đời còn nhiều nghĩa lắm chứ! Nhưng tại mình không thấy được tất cả những cái nghĩa khác của cuộc đời mà chỉ thấy có một nghĩa đó mà thôi. Cái đó gọi là ý niệm. Ý niệm đó ở trong trong đạo Bụt gọi là Tưởng, một cái Tưởng của mình về hạnh phúc.

Muốn sử dụng vô số những điều kiện để có hạnh phúc, muốn đừng dẫm lên những điều kiện của hạnh phúc mà đi, ta đừng nên bị ràng buộc vào một ý niệm nào về hạnh phúc cả. Khi đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc là ta không còn cơ hội nào khác để có hạnh phúc nữa. Ý niệm hạnh phúc đó gọi là dục tưởng.

Ý NIỆM VỀ HẠNH PHÚC HAY DỤC TƯỞNG LÀ ĐỐI TƯỢNG CẦN QUÁN CHIẾU

Ý niệm về hạnh phúc có thể là một ý niệm cá nhân, mà cũng có thể là một ý niệm có tính cách cộng đồng, gọi là tâm thức cộng đồng. Nếu ta hỏi một người Mỹ bình thường phải có những điều kiện nào mới có hạnh phúc, thì người ấy sẽ liệt kê những điều kiện tồi thiểu mà một người Mỹ phải có để có thể gọi là một người có hạnh phúc. Trước hết là phải có một trình độ học thức tương đương với BA hay BS, nghĩa là phải tốt nghiệp Đại học cấp một. Kế đến là phải có công ăn việc làm, tương đương với trình độ học vấn, lương đủ cao để có thể thuê một căn nhà, mua một chiếc xe. Trong nhà phải có TV, tủ lạnh. Thiếu một trong những thứ ấy người đó sẽ chưa có hạnh phúc. Cái hạnh phúc đó gọi là ước lệ. Đó là ý niệm về những điều kiện mà mình tin là cần thiết và là căn bản của hạnh phúc. Nhưng nếu xét kỹ lại, ta thấy rằng rất nhiều người đang có những điều kiện như vậy, nhưng không hạnh phúc gì cả. Họ có thể đang bị đau khổ cùng cực. Ngay cả khi có nhiều hơn, trên cả những điều kiện đã đòi hỏi, họ vẫn khổ đau vô cùng. Vậy thì ý niệm về hạnh phúc (dục tưởng) là một điều cần phải được quán chiếu, cần phải tìm hiểu vì ta có thể chết vì nó.

Đừng nói gì ngoài đời, ngay ở trong đạo, người đã tu rồi, cũng có thể có một ý niệm về hạnh phúc. Ví dụ mình nghĩ là phải có một ngôi chùa riêng để tự do sắp đặt theo ý mình, để không phải làm theo điều người khác sai phái. Chừng nào làm trụ trì, làm viện chủ của một ngôi chùa rồi thì mới có quyền, mình có thể bảo chú này, cô kia làm theo điều này, điều nọ. Mình nghĩ: có một ngôi chùa riêng để làm chủ là điều kiện của hạnh phúc. Nhưng than ôi, khi đã có một ngôi chùa riêng rồi mình mới biết rằng cái ý niệm về hạnh phúc có thể không đúng chút nào. Thật ra có một ngôi chùa, có một trung tâm tu học không phải là điều dỡ. Ta có thể căn cứ vào điều kiện đó để tạo rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho người. Nhưng không hẳn phải làm chủ một ngôi chùa mới có thể làm được những điều đó. Nếu mình là một người có hạnh phúc, có khả năng hướng dẫn tu học và tạo dựng hạnh phúc cho người, thì không có chùa mình vẫn làm được việc đó như thường. Mình lại khỏi phải chăm sóc và lo lắng cho ngôi chùa như một vị trụ trì. Nhiều khi không có chùa mình có thể tạo hạnh phúc cho mình và cho người người gấp mười, gấp trăm lần khi mình có một ngôi chùa! Được tấn phong là Thượng Tọa hay Hòa Thượng có phải là điều kiện của hạnh phúc không? Có nhiều người rất đau khổ vì không gọi bằng những danh từ đó. Khi được gọi bằng một danh từ khác họ thấy trong người như có lửa đốt, như bị sốt rét. Tại sao đáng lý mình được gọi bằng danh từ ấy mà người ta gọi mình bằnh danh từ này? Khi có sốt rét, khi bị một ngọn lửa đốt cháy, mình biết rằng mình đang bị một dục tưởng trấn ngự, dù đó là một cái danh rất nhỏ. Vì vậy dục tưởng hay ý niệm về hạnh phúc là một đối tượng mà mọi chúng ta cần phải quán chiếu. Khi quán chiếu và đập vỡ được cái dục tưởng ấy rồi thì mình được giải thoát, và tự nhiên ta có vô số hạnh phúc. Điều kiện hạnh phúc có mặt rất nhiều trong ta và chung quanh ta, sở dĩ ta không sử dụng được chúng là vì ta đang kẹt vào trong cái gọi là dục tưởng.

Trong hai câu cuối cùng của bài kệ Bụt nói cho vị Thiên giả, Dĩ bất tri ái cố, Tắc vi tử phương tiện, Bụt dạy rất rõ rằng "vì chúng sinh không biết bản chất của dục là gì (cố nghĩa là lý do), cho nên cái dục ấy trở thành phương tiện của sự chết". Phương tiện của sự chết tức là công cụ của thần chết. Thần chết tiếng Phạn là Mara, tức là Ma vương. Ma vương là biểu tượng cho con đường đi về đau khổ, chết chóc. Vì vậy chữ chếtđây còn có nghĩa là con đường lầm lạc, con đường tối tăm, con đường tà ma. Nẻo chết là nẻo của phiền não, của sự đốt cháy, của sự vắng mặt hạnh phúc, vắng mặt thanh tịnh, vắng mặt an lạc. Trong Tạp A Hàm Biệt Dịch bài kệ đó rất hay:

Danh sắc trung sinh tưởng,
Vị vị chân thật giả,
Đương tri như tư nhân,
Thị danh thuộc tử kỉnh.

Danh sắc trung sinh tưởng nghĩa là từ trong phạm vi danh và sắc, đã phát sinh ra những tri giác, những nhận thức. Danh và Sắc ở đây có nghĩa là tinh thần và vật chất. Danh (nama) tức là những cảm thọ, tri giác, tâm tư và nhận thức của chúng ta (Thọ, Tưởng, Hành, Thức); còn Sắc (rupa) là thân thể, là sinh lý của chúng ta. Nói tóm lại, Danh tức là những yếu tố làm ra con người thuộc về phương diện tinh thần, còn Sắc là các yếu tố làm ra con người đứng về phương diện vật chất. Trong lãnh vực của Danh và Sắc, ta đã làm phát sinh ra những tri giác, nghĩa là ta có những tri giác về danh và về sắc.

Vị vi chân thật giả: chúng ta cho những tri giác đó chính xác, là chân thực.

Đương tri như tư nhân: phải biết rằng người này.

Thị danh thuộc tử kỉnh: là những người đang đi trên con đường dẫn về cái chết, kỉnh tức là con đường.

Bài kệ này tôi dịch là:

Những tri giác phát sinh từ danh và sắc,
Người đời thường nhận lầm chúng là những gì có thật,
Kẻ nào đang kẹt vào tình trạng này,
Là kẻ đang đi trên con đường ma.

Con đường ma là con đường của khổ đau, của thiêu cháy. Ta phải học kỹ bài kệ này, vì nó là mấu chốt của Kinh Samiddhi. Thầy Phật Âm (Buddghosa) tác giả Thanh Tịnh Đạo Luận, sống vào thế kỷ thứ năm, đã hiểu bài này một cách rất tỏ tường và đã giảng nghĩa bài này rất chính xác. Cố nhiên là Thầy căn cứ trên văn bản tiếng Pali. Rất tiếc là bản dịch của Pali Texts Society không phù hợp với các thấy của thầy Phật Âm.

Thầy Phật Âm nói "Con người có nhiều nhận thức về năm uẩn, tức là về Danh và Sắc. Người có trí thì thấy những đối tượng của tri giác đó không thật, không có có ngã, mà chỉ là năm uẩn luôn luôn biến chuyển mà thôi". Như vậy cái thấy của thầy rất phù hợp với hai câu trong Biệt Dịch Tạp A Hàm "Danh sắc trung sinh tưởng, Vị vi chân thật giả", nghĩa là trong lãnh vực của năm uẩn là Danh và Sắc, người ta có những nhận thức sai lầm, cho nó là chân thật, vì vậy cho nên người ta đang đi trên con đường khổ đau, đang đi trên con đường chết. Trong khi đó, bản Pali Texts Society dịch là:

Men are alone of what is told by Names,
Take up their stand on what is so expressed,
If this they have not rightly understood,
They go their ways under the yolk of Death.

Trong bản tiếng Pali, akkeyya sannino sattà có nghĩa là chúng sinh có những tri giác về những cái được phát hiện ra. Vì vậy akkheyyàni này có thể dịch là những cái được tuyên bố ra, những cái được nói ra. Nhưng cũng có thể được dịch là những cái được phát hiện ra, được trình bày ra, chỉ bày ra. Tiếng Anh là what is proclaimed, what has been proclaimed, what has been shown, what has been expressed. Nghĩa chính của nó là "sự biểu hiện ra". Năm uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) là phát hiện từ Danh Sắc, mà Danh Sắc là phát hiện từ Thức (Thức này là viết hoa; còn thức trong các danh từ như Tàng thức, Nhất Thiết Chủng thức thì không viết hoa). Từ Thức mà phát sinh ra Danh Sắc, từ Danh Sắc mà phát sinh ra năm uẩn. Sự biểu hiện đó, sự phát sinh đó được trình bày, được chỉ bày ra. Khi dịch bản Pali ta có thể dịch đúng như trong bản Biệt Dịch Tạp A Hàm. Bản dịch này rất hay, còn hay hơn ở Tạp A Hàm, và rất dễ hiểu. Vì vậy từ bài kệ tiếng Pali, ta có thể dịch ra tiếng Anh như sau:

Men have notions of what that have been expressed, that have been shown, they take up their stand on these perceptions, and that is why they go their way under the yolk of Death.

Ta thấy ba bản văn, bản Pali và hai bản tiếng Hán, cùng mang một ý như nhau: Khi ta có một cái ý niệm về hạnh phúc, ta có thể bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc đó, và ta đi vào nẻo đường của khổ đau, là vì ta không biết được bản chất của cái mà ta gọi là hạnh phúc. Chúng chỉ là đau khổ trá hình mà thôi. Nhìn quanh ta thấy có vô khối người đang đi như vậy vì họ không biết bản chất của đối tượng mà họ đang đi tìm hay đi theo. Bài kệ này là câu trả lời căn bản của Bụt về vấn đề hạnh phúc.

Thường thì ta có một ý niệm về hạnh phúc và ta nắm lấy ý niệm đó mà không biết rằng như vậy là ta đang đi trên con đường của khổ đau. Ngôn ngữ của Kinh điển có khuynh hướng giải thích về những cái nguy hại, những tính cách giả tạo của ái dục, khuyên ta xa lìa ái dục, rũ bỏ những ảo tưởng, mà chưa có đủ những ngôn từ, những lời nói để giúp ta tìm thấy cái hạnh phúc chân thật. Vì vậy trong khóa tu này ta phải thiết lập lại sự thăng bằng. Phần nói về ái dục là phần khai thị bên phía tiêu cực. Phần trình bày về hạnh phúc chân thật là phần khai thị về phía tích cực. Thầy Samiddhi đã trích dẫn lời của Bụt nói "trong ái dục vị ngọt thì rất ít, mà vị cay đắng rất nhiều; cái lợi rất nhỏ mà cái hại rất lớn; nó làm cho chúng ta bị đốt cháy, nó làm cho chúng ta đi theo con đường của thần chết", rồi thầy Samiddhi cũng nói "tới với Chánh Pháp, sống với cái Pháp và Luật của Thế Tôn thì chúng ta có thể hạnh phúc trong giây phút hiện tại, chúng ta xa lìa được những phiền não đốt cháy, chúng ta có thể hiện pháp lạc trú, nghĩa là tìm thấy an lạc, hạnh phúc, giải thoát ngay trong hiện tại". Vì vậy trong Kinh Samiddhi ta thấy sự diễn bày về phần tích cực của hạnh phúc tương đối nhiều hơn trong những kinh khác. Kinh Samiddhi không những chỉ nói về các tai hại, quá hoạn của ái dục, mà chỉ nói về các tai hại, quá hoạn của ái dục, mà còn nói tới cái tự do, cái thênh thang của hạnh phúc chân thật. Trong danh từ "quá hoạn", quá có nghĩa là những cái lỗi lầm, tiếng Pháp gọi là les defauts; hoạn là sự nguy hiểm, les dangers.

NHỮNG HÌNH ẢNH BỤT DÙNG ĐỂ TƯỢNG TRƯNG CHO BẢN CHẤT CỦA DỤC LẠC

Ái dục, trước hết được ví như một khúc xương trần. Xương trần tiếng Anh là "bare bone", tức là một khúc xương không còn một chút thịt nào hết. Khi ta quăng một miếng xương trần cho con chó thì nó rất thích. Nó tranh với những con chó khác để chiếm cho được miếng xưong ấy mà gặm. Nhưng con chó không bao giờ thỏa mãn được sự thèm khát của nó cả. Một miếng xương trần không thể làm thỏa mãn cơn đói của một một con chó. Ái dục đối với ta cũng vậy. Ta nghĩ rằng có được đối tượng của ái dục, ôm lấy đối tượng ấy ta sẽ được thỏa mãn sự thèm khát của ta và ta sẽ có hạnh phúc. Nhưng đó là một ý niệm về hạnh phúc cần được quán chiếu. Nếu một miếng xương trần không thể nào làm no một con chó, thì đối tượng của ái dục không bao giờ làm thỏa mãn cái khát khao của một con người. Càng theo ái dục, ta càng bị phiền não đốt cháy. Phiền não ở đây là sự không được thỏa mãn. "Kiều Thu này Tố em ơi, ta đang lửa đốt tơi bời mái tây", ta bị lửa đốt là vì ta không được thỏa mãn cái tưởng của ta!

Hình ảnh khúc xương trần là hình ảnh đầu tiên mà Bụt đưa ra để nói về bản chất của dục. Con chó có biết rằng khúc xương đó chỉ là một miếng xương trần hay không? Con chó có biết khúc xương đó không bao giờ có thể làm cho nó hết đói hay không? Có thể là nó biết, nhưng biết thì biết, nó vẫn chạy theo miếng xương trần và gặm miếng xương trần như thường. Gặm một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày mà cứ gặm hoài. Người ta biết điều đó cho nên họ mới làm ra những khúc xương trần bằng một hợp chất plastic. Nhìn con chó gặm khúc xương trần, ta phải nhìn lại bản thân của mình. Ta cũng có cái khuynh hướng ấy, chạy theo khúc xương trần, gặm ngày qua ngày khác, và không bao giờ ta thấy cơn thèm khát của ta được thỏa mãn cả. Chúng sanh đi theo những tri giác của mình về ái dục, và nương náu vào trong những ý niệm, những tri giác của ái dục đó, mà không biết được bản chất của ái dục cho nên chúng sinh trở thành công cụ của thần chết, đi vào trong tử lộ. Thật không có gì rõ ràng hơn!

Hình ảnh thứ hai mà Bụt đưa ra là một miếng thịt sống. Ái dục là miếng thịt sống. Có một con chim bay ngang qua tiệm bán thịt, đớp miếng thịt sống và bay lên trên không. Nó tưởng sẽ được ăn miếng thịt đó, không ngờ từ đằng xa có con chim lớn hơn bay tới. Chuyện này xảy ra ở Ấn Độ rất thường, vì ở Ấn Độ có rất nhiều kên kên. Khi một con chim nhỏ đang ngậm miếng thịt mà thấy một con chim lớn bay tới, nếu muốn được an thân, muốn khỏi bị con chim kia mổ chết, nó phải nhả miếng thịt ra lập tức. Nếu không miếng thịt không còn mà nó cũng chưa chắc được yên thân. Đó là những tai nạn của vật dục, của ái dục, gọi là quá hoạn.

Hình ảnh thứ ba của Bụt đưa ra là một bó đuốc rơm. Người cầm bó đuốc rơm đi ngược gió thế nào tay người đó cũng bị đốt cháy. Bó đuốc rơm cầm ngược gió là tượng trưng cho những tai nạn của ái dục. Chui vào cái bẫy của ngũ dục, thế nào ta cũng bị đốt cháy.

Hình ảnh thứ tư mà Bụt đưa ra là hố than hồng. Ở Ấn Độ, ngày xưa những người bị phong hủi không được sống chung với làng xóm. Họ phải rủ nhau vào trong rừng để sống, vì vậy có những cộng đồng riêng của người cùi. Đôi khi họ phải sống trong những cái hang. Ngày nay ở Việt Nam cũng có những trại cùi, trong đó người bệnh không có nhà để ở. Làng Mai chúng ta có những chương trình để giúp cho cộng đồng người cùi như vậy. Thầy Chân Phương ở Việt Nam đã từng thay thế chúng ta đi thăm và làm nhà cho những người cùi ở. Những người bị bệnh cùi đau khổ rất nhiều vì sự ngứa ngáy. Ngày xưa họ đào những cái hố, chặt cành cây quăng xuống, đốt thành một hố lửa than, để những khi ngứa quá họ tới gần hơ tay, hơ chân cho thật nóng và gãi cho đã ngứa. Đối với những người không bị bệnh cùi, tới gần cái hố lửa than như vậy là một cực hình vì nóng bức chịu không nổi. Tuy nhiên với người cùi thì tới gần cái hố than nóng bức là một sự khoái lạc. Bụt nói cái khoái lạc của dục vọng cũng giống như thứ khoái lạc của những người cùi đang đưa tay chân hơ trên lửa nóng. Với những người khỏe mạnh, đó là một một khổ thọ, chỉ có những người bị bệnh mới cho đó là hạnh phúc mà thôi. Vì vậy cho nên hạnh phúc tìm thấy trong dục lạc là thứ hạnh phúc có bản chất của đau khổ. Người có tu học thấy điều đó rất rõ, nhưng người không tu thì không thấy được sự thật đó.

Hình ảnh thứ năm của Bụt đưa ra là một con rắn đôc. Khi ta bị rắn độc cắn cái nọc độc ấy đi vào trong cơ thể làm cho ta mê man, đau đớn. Ái dục cũng tương tự như vậy. Khi ôm lấy cái ái dục trong người, ta sẽ bị ái dục làm cho khổ đau cùng cực, giống như khi bị nọc rắn độc chạy vào người.

Hình ảnh thư bảy là của vay mượn. Của vay mượn không phải là của ta, không bao giờ nó thuộc về ta cả. Cũng như vậy, đối tượng của ái dục không phải là của ta, nó không thuộc về ta. Ai nghĩ rằng những đối tượng của ái dục thuộc về mình là người đó đang nhận lầm của mà mình vay mượn là của mình.

Hình ảnh cuối cùng mà Bụt dùng là cây sây trái. Cây sây trái dẽ bị người ta tới leo trèo, phá phách, làm cho tan nát. Cũng vậy, khi có trong tay những yếu tố của tài, sắc, danh, thực, thụy ta sẽ bị người tới cướp. Họ sẽ đánh, sẽ phá làm cho ta thất điên bát đảo, cho đến khi ta không còn gì trong tay họ mới chịu.

Đó là những tai nạn của ái dục. Trong kinh, những hình ảnh này được lập đi lập lại rất nhiều để nói về những quá hoạn của năm thứ dục lạc.

Cách đây chừng năm sáu năm, trong một khóa tu cho người Pháp tại Paris, có một cô sinh viên Pháp nói: "Bạch Thầy, con biết rất rõ ngũ dục là quá hoạn. Chúng con thường tổ chức những buổi khiêu vũ riêng cho người trẻ, trong đó nhạc mở lớn, tiếng reo hò và cười đùa rất lớn. Chúng con tìm cách chôn vùi những niềm đau, nỗi khổ của chúng con dưới âm thanh rộn rã, trong những tiếng cười đùa suốt sáng thâu đêm. Nhưng chúng con biết rằng trong chiều sâu của tâm thức, chúng con có rất nhiều đau khổ. Có những lúc đang khiêu vũ, tự nhien con đứng khựng lại và thấy ràng âm nhạc ấy, những bước nhảy ấy, tiếng ca hát, tiếng cười đùa ấy chi là một lớp màn rất mỏng, không đủ để che dấu những niềm đau nổi khổ đầy ắp trong chúng con. Những niềm đau nỗi khổ đó đang tìm cách chọc thủng bức màn để chui ra".

Vì vậy, trên phương diện tiêu cực, Bụt đã dạy rằng "Trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái lợi rất bé mà tai họ rất lớn". Trên phương diện tích cực, Bụt cũng giải thích về hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc ở đây không khải là một sự hứa hẹn mơ hồ nơi tương lai. Người không học đạo đã buông lời phê bình rất cạn cợt. Họ nói đạo Bụt không thực tế, đạo Bụt đi tìm cái hạnh phúc ở đâu xa vời. Niết Bàn là một cái gì viễn vông, xa xôi và mơ hồ. Họ nói giống cô thiên nữ đã nói với Thầy Samiddhi. Trong khi đó thì không có một nền giáo lý thực tiễn cho bằng đạo Bụt, không có một vị giáo chủ nào khuyên chúng ta nên mở hai mắt thật lớn để tiếp xúc với những gì đang ở ngay trước mặt chúng ta, và phải thấy được rất rõ rằng ái dục là ái dục, phải thấy được rất rõ rằng khúc xương trần chỉ là khúc xương trần, hố lửa cháy hừng chỉ là một hố lửa cháy hừng, con rắn độc chỉ là con rắn độc. Không có giáo thuyết nào, không có nền triết học nào thực tế cho bằng Đạo Bụt, vì Bụt bảo chúng ta phải mở rộng hai con mắt để nhận thức sự vật như tự tánh của thực tại để thấy rõ được bản chất chân thực của từng uẩn. Phải thấy vô thường là vô thường, phải thấy vô ngã là vô ngã, phải thấy hiểm nguy là hiểm nguy, thì tại sao lại có thể nói rằng Đạo Bụt đi tìm một thứ hạnh phúc trong tương lai, mơ hồ, không thực tế?

Sau khi nói xong bài kệ, Bụt hỏi vị thiên giả "Con có hiểu bài kệ ấy không? nếu không thì cứ nói". Vị thiên giả thưa "con chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con chưa hiểu bạch Đức Thiện Thệ". Thiện Thệ tiếng Phạn là Sugata, nghĩa là người đã khéo kéo bước qua, người đã khéo léo bước tới. Bụt đọc cho vị thiên giả một bài kệ thứ hai để giúp cho vị thiên giả có thể hiểu được bài kệ thứ nhất. "Biết bản chất của dục, sẽ không sinh dục tâm, dục không dục tưởng không, không ai xúi được mình". Một khi đã thấy được bản chất của dục rồi thì dục tưởng sẽ không còn phát sinh. Lúc đó dục cũng không mà dục tưởng cũng không. Nhờ vậy không một người nào có thể xúi được mình đi trở về con đường của đoạn trường, con đường của thần chết. Trong Tạp A Hàm, bài kệ này là:

Nhược tri sở ái giả,
Bất ư bỉ thử ái,
Bỉ thử vô sở hữu,
Tha nhân mạc năng thuyết".

"Nhược tri sở ái giả", nghĩa là nếu ta biết được cái bản chất của sở ái, của ái dục, thì "Bất ư bỉ thử ái" đối với với cái ái dục đó, mình sẽ không sinh ra ái tưởng nữa. Như vậy, nếu ta biết được bản chất đối tượng của tham dục rồi thì không vì cái dục tưởng kia mà sanh tâm tham ái nữa. "Bỉ thử vô sỡ hữu". Bỉ thử là cả hai cái (ái và ái tưởng), nghĩa là cả hai cái đều không còn nữa. "Tha nhân mạc năng thuyết", nghĩa là kẻ kia không thể nào còn nói được gì nữa. Kẻ kia có nói gì đi nữa, chúng ta cũng không bị lung lay. "Kẻ kia" ở đây có nghĩa là trong xã hội, chúng ta thường có một ý niệm về hạnh phúc có tính cách cộng đồng. Ai cũng nghĩ rằng phải có cái đó mới có hạnh phúc, vì vậy mà chúng ta chạy theo cái đó, không suy nghĩ. Điều này cũng là một đối tượng quán chiếu rất quan trọng của thiền quán.

CÓ THỂ CÓ HẠNH PHÚC NGOÀI NĂM THỨ DỤC LẠC KHÔNG?

Hạnh phúc là gì? Quan niệm của người đời về hạnh phúc là gì? Trong thiền quán, khi chiếu ánh sáng vào, ta nhìn cho rõ ràng bản thân của ái dục, để thấy rằng những hình ảnh mà Bụt đưa ra là những hình ảnh rất tuyệt diệu. Hình ảnh của một khúc xương trần, một miếng thịt sống, một bó đuốc rơm cầm ngược gió, một hố than hồng, một con rắn độc v.v... rất là dễ sợ. Nhìn chung quanh, ta thấy biết bao người đã bị rắn độc cắn, biết bao người đã rơi vào hố than hồng, đang lăn theo đối tượng của dục vọng để gặm, để nhấm, để ham muốn, để hi cầu. Những người ấy không bao giờ thỏa mãn cả. Không cần phải nhìn xa, chỉ nhìn chung quanh là ta thấy được những điều Bụt dạy. Đó gọi là quán chiếu. Trong khi đó, người có tự do là người không ôm ấp một ý niệm về hạnh phúc, không ôm ấp dục tưởng, những người ấy có vô số cơ hội để có hạnh phúc ngay trong hiện tại. Trời mưa cũng có thể hạnh phúc, mà trời nắng cũng có thể hạnh phúc.

Ta học được gì từ bài kệ này của Bụt? Điều quan trọng nhất là muốn có hạnh phúc chân thật, ta phải đặt vấn đề nghi ngờ cái ý niệm của mình về hạnh phúc, tại vì mỗi chúng ta đều có ý niệm rằng nếu được như thế này, được như thế kia thì ta sẽ có hạnh phúc. Có thể ví cái ý niệm đó mà trong quá khứ mình đã đau khổ vô cùng. Gạt bỏ được ý niệm về hạnh phúc, mình sẽ bắt đầu có cơ hội hạnh phúc. Trước khi gạt bỏ được ý niệm đó, ta vẫn chưa có hạnh phúc. Tại sao?

Khi có một ý niệm về hạnh phúc rồi thì ta không thể an trú trong hiện tại được, vì ta cứ nghĩ rằng chừng tôi đạt được cái đó, chừng nào tôi thành tựu được cái kia, thì tôi mới có hạnh phúc. Khi có một dục niệm như vậy làm sao mà có hạnh phúc ngay trong hiện tại được? Cho nên điều kiện tiên quyết để có hạnh phúc là phải rời bỏ cái ý niệm về hạnh phúc đi để có thể an trú trong hiện tại. Bụt dạy rằng chúng ta có thể tiếp xúc với hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, hiện tại lạc trú là có nghĩa như vậy.

Trước đây tôi đã nói về sự thầm mong trở về quê hương của chúng ta. Hôm nay tôi nói thêm về quê hương đích thực.

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe,
Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương.

Quê hương này là quê hương đích thực. Quê hương này không phải là quê hương Pháp, quê hương Mỹ, quê hương Hòa Lan, quê hương Úc, hay quê hương Việt Nam, mà là cái quê hương tâm linh của chúng ta, nơi ta cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta đều có cơ hội trong bụng mẹ hơn chín tháng. Thời gian đó ta không lo lắng về quá khứ hoặc tương lai, còn hiện tại thì đã có mẹ lo hết. Ta có cảm tưởng rất an lành dầu ta còn rất bé. Khi ra đời rồi, cảm giác đó dần dần bị đánh mất, vì vậy trong ta có khuynh hướng muốn trở vế cái cung điện của đứa con, muốn trở về nằm trong bụng mẹ! Dầu ta có mỉm cười biết rằng trở về nằm trong bụng mẹ để có sự an toan là chuyện không thể làm được, nhưng trong tàng thức, cái ước muốn thâm trầm đó vẫn còn. Tại sao? Tại vì sự khác nhau về cách vận hành giữa ý thức và tàng thức. Ý thức biết rằng không làm thế nào để trở về trạng thái bào thai để có sự an toàn, đó là một chuyện không tưởng! Ý thức biết rất rõ như vậy, nhưng A Lại Gia Thức vẫn còn mang cái ước muốn đó. Quán chiếu xa thêm chút nữa, ta thấy rằng sự an toàn đó chỉ là một ý niệm an toàn mà thôi. Thực tế thì nơi êm ấm an toàn mà ta đã nằm là một phần thân thể của mẹ. Vì vậy sự an toàn hay bất ổn của ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào những ái, ố, hỷ, nộ của mẹ, tùy thuộc vào những chất dinh dưỡng hay độc tố mẹ dùng. Nếu một thi sĩ có cảm tưởng mình đã đánh mất thiên đường, mình đang đi lang thang, đang bị đày đọa, thì cái ý niệm về thiên đường đó cũng đã tạo được tạo ra từ cảm giác an toàn mà ta đã có trong thời gian còn trong bụng mẹ. Ra khỏi bụng mẹ tức là ra khỏi thiên đường.

Xét cho kỹ, ta vẫn còn thiên đường tới một mức độ nào đó. Nằm trong nôi, vẫn còn là nằm trong loại thiên đường. Ta nhớ rằng hồi còn bốn, năm tuổi, khi cha mẹ ta bận với công này việc nọ, ta thường đi thơ thẩn một mình ra vườn. Ta chơi với con ốc, con bướm, con sâu. Ta thơ thẩn một mình, làm quen với những gì chung quanh ta. Có khi ta sang hàng xóm chơi với bạn. Đến khi rảnh tay hay đi chợ về, mẹ gọi ta, cho một cái bánh in, một khúc mía thì ta có hạnh phúc rất nhiều. Tất cả những cái đó đều là những yếu tố của một thiên đường mà hiện giờ ta đã mất. Thiên đường ở đây có thể gọi là quê hương. Quê hương đầu tiên là bụng mẹ. Quê hương thứ hai là thời thơ ấu, là cây khế ngọt v.v...

Ngày xưa ta không cần phải có những điêu kiện lớn lao mới có hạnh phúc, chỉ cần một cây khế để leo lên hái ăn là đã có đủ hạnh phúc rồi. Cây khế đó bây giờ có còn hay không? Trong thiên đường của ta chắc chắn lúc nào cũng có một cây khế. Ngày xưa tôi có nói với thầy bổn sư "Nếu cõi tịnh độ mà không có cây khế thì con không chịu về tịnh độ đâu!". Nói thế tại vì cây khế là một yếu tố rất cần thiết trong thiên đường của tôi. Cách đây hai hôm, lúc ở Sơn Cốc, tôi ngồi dưới một cây táo loại Golden Apple, trái bắt đầu chín và ăn một trái táo vừa mới hái trên cành, ăn rất thảnh thơi, ăn với tất cả sự có mặt của mình. Hồi còn nhỏ, tôi được ăn chuối, ăn cam, ăn xoài, ăn đủ thứ trái cây ngon, nhưng trái táo thì rất hiếm. Tôi thường nghĩ rằng sau này có cơ hội đi sang các nước tây phương, thế nào mình cũng tìm cách leo lên một cây táo và ăn một trái táo ngay trên cây thì mới đã! Cái ước mơ đó của tôi đã được thực hiện. Nhưng ngày hôm kia, khi ngồi dưới cây táo và ăn trái táo đó một cách rất chánh niệm, rất sâu sắc và rất hạnh phúc thì tôi biết rằng cái thiên đường kia nó nằm ở đó chứ không nằm ở đâu cả. Cây khế ngày xưa có còn hay không, đó là tùy theo nhận thức của mình. Cây khế ngày xưa còn đó, và nó có thể nằm dưới hình thức một cây táo hay cây mận. Tại sao lại phải cái thời gian đó, cái địa phương đó, cái cây tên đó thì nó mới thuộc về thiên đường của mình? Ta đã thực sự đánh mất cái thiên đường của ta hay chưa? Tại sao các Sư Chú, Sư Cô, Sư Anh, Sư Chị không phát giác ra được cái thiên đường của mình, mà cứ đi tìm hoài?

Quê hương là đường đi học,
Con về đuổi bướm vàng bay

Những hình ảnh ấy đã mất hay chưa? Những con đường thiền hành ở xóm Thượng, những con đường thiền hành ở xóm Hạ, những con bướm, những hạt sỏi, những lối rẽ đi quanh có bóng mát trưa hè ... những cái ấy có hay không?

Tại sao ta phải ước mơ, phải hoài vọng về một thiên đường trong quá khứ? Tại sao chúng ta không có khả năng thấy được rằng con đường đi học vẫn còn có mặt ngay trong giờ phút hiện tại? Nếu biết an trú trong hiện tại, biết nắm lấy hơi thở, thì ta có thể trở về ngay với quê hương của ta. Tại sao trong khi thầy trò đi thiền hành với nhau ta lại không cảm thấy được cái hạnh phúc cực kỳ mà ta đã có trong khi đi học trên những con đường quê hương? Ta phải có khả năng dừng lại trong giây phút hiện tại để khám phá ra cái sự thật đơn giản là quê hương của ta vẫn còn đó, quê hương đích thực của ta vẫn còn đó. Quê hương đích thực không phải và không thể nào chỉ nằm trong quá khứ! Quê hương đích thực cũng không thể chỉ nằm trong tương lai! Nếu đã là một quê hương đích thực thì nó phải có ngay trong hiện tại, nó phải có ngay bây giờ và ở đây.

Cái gì cấm ta, không cho ta trở về quê hương, trở về với thế giới của hạnh phúc, với thiên đường của ta? Cái gì bắt chúng ta phải than phiền rằng "thiên đường của ta đã mất"? Cái gì bắt ta phải đi tìm kiếm một thiên đường khác? Cái đó là dục tưởng, là ý niệm về hạnh phúc. Quê hương đích thực đã mất đâu? Thầy Samiddhi hiên đang có mặt bên cạnh chúng ta. Con sông mà thầy Samiddhi tắm, con đường mà thầy Samiddhi đi thiền hành cũng vẫn đang có mặt. Bụt cũng đang có mặt ở bên cạnh chúng ta. Sở dĩ ta chỉ than khóc, chỉ hoài niệm là tại ta đang kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc xa vời. Nếu có khả năng buông bỏ cái ý niệm đó về hạnh phúc thì ta có thể trở về an trú trong hiện tại, và bắt đầu khám phá ra được tất cả những yêu tố và điều kiện của hạnh phúc đang nằm ngay bây giờ và ở đây. Ngày xưa sở dĩ ta chơi được với một hòn sỏi, với một con bướm, với một giòng suối là vì ta không kẹt về tương lai, không tiếc nuối quá khứ. Sở dĩ ngày xưa ngồi trên bãi cát, ta say mê chơi với cát, tạo ra một lâu đài bằng cát, đem hết tất cả tâm tư và thân thể của mình để vui chơi, không kể đến hết tất cả tâm tư và thân thể của mình để vui chơi, không kể đến mặt trời đã lặn, không kể đến giờ cơm chiều đã qua, là tại sao? Tại vì lúc đó ta có khả năng an trú trong hiện tại và giờ đây ta đã đánh mất cái khả năng đó. Lỗi tại ai nếu không phải là lỗi của ý niệm về hạnh phúc mà ta đã đưa vào trong đầu của ta?

Vì vậy tưởng là những đối tượng quán chiếu quan trọng. Ta phải chiếu ánh sáng vào dục tưởng, phá cho nó tan tành để ta có thể thực hiện sự trở về với quê hương đích thực. Trở về được thì có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.

"Quê hương là chùm khế ngọt", chùm khế còn đó nhưng bây giờ nó có thể gọi là chùm mận; "Quê hương là đường đi học", đường đi học còn đó mà bây giờ nó có thể được gọi là đường thiền hành. Không phải chỉ nằm ở tỉnh đó, trong xã đó nó mới là đường đi học. Nó có thể ở xóm Thượng hay xóm Hạ. Quê hương là một cơn mưa và trong cơn mưa đó, ta xúm xít lại ăn bắp rang với nhau. Những cái đó là những cái vẫn còn cho ta tiếp xúc. Ta đã mất thiên đường hay chưa? Quê hương của ta đã mất hay chưa? Hạnh phúc của ta có thể có được hay không? Có thể có hạnh phúc ngoài năm thứ dục lạc hay không? Đó là những câu hỏi rất căn bản và cấp thiết. Và câu trả lời là câu trả lời của Bụt: Hạnh phúc ấy đang có mặt, và hạnh phúc ấy rất lớn.

Để tiếp nhận được hạnh phúc này ta cần thực tập, và trong khi thực tập ta có anh, có chị, có em, có bạn cùng thực tập với ta. Nếu mọi người đều cùng thực tập, thì sẽ trở thành rất dễ dàng và ta dễ có hạnh phúc. 

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01| 02 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 04

Source: Trang web Quảng Đức, www.quangduc.com 


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-04-2005