BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Giáo Nguyên Thủy

Ân Đức Tam Bảo

Hòa thượng Bửu Chơn


[1.3]

 

6. Anuttaro (Vô-Thượng-Sĩ)

Tại sao Ðức Phật có hiệu là ANUTTARO (Vô-Thượng-Sĩ)?

Bởi Ngài có đức-hạnh không ai sánh bằng.

Trong kinh Samyutta Nikãya có câu Phật-ngôn như vầy:

"Như-Lai chẳng thấy trên thế-gian này, luôn cả Chư-Thiên, Ma-Vương và Phạm-Thiên, trong thế-hệ này luôn cả đạo-sĩ, Bà-La-Môn, Vua Chúa và Nhân-Loại, có chúng-sanh nào đức-hạnh cao thượng hơn Như-Lai".

Thật vậy, trong thế-gian này không ai có thể sánh bằng Ðức Phật vì Ngài có những ân-đức cao quí-trọng kể sau đây:

1. Rupakãyesu Anuttaro: Quí trọng vì Sắc Thân không tội-lỗi, tật nguyền, có oai-nghi (đi, đứng, nằm, ngồi), tốt đẹp, đằm thắm, đầy-đủ 32 tướng hảo và 80 tướng phụ có hào-quang phóng ra sáng ngời, nhân-loại và Chư-Thiên không ai sánh bằng.

2. Silesu Anuttaro: Quí trọng vì Giới-Hạnh. Giới có 2:

- Lokiya Sila: Phàm-Giới
- Lokuttara Sila: Thánh-Giới

a) Phàm-Giới là Ngũ-Giới, Bát-Quan-Trai-Giới, Thập Giới và Cụ-Túc-Giới. Ðức Phật đã luôn-luôn gìn-giữ những giới ấy không bẩn-nhơ trong lúc còn lăn-hụp trong vòng sanh-tử luân-hồi trọn 4 A-Tăng-Kỳ và 100 ngàn đại kiếp của quả địa-cầu. Lại nữa, Ngài đã thực-hành trọn đủ Giới Ba-La-Mật:

Silã Pãrami: Bậc-Hạ
Silã Upparami: Bậc-Trung
Silã Paramattha Parãmi: Bậc-Thượng

b) Thánh-Giới: Từ vô số kiếp quá khứ, Ngài đã thực-hành viên mãn 3 Pháp Chân-Chánh là:

Sammãvãcã: Chánh-Ngữ
Sammã Kammanto: Chánh-Nghiệp
Sammã ãjivo: Chánh-Mạng

khiến cho phát sanh Thánh-Ðạo diệt tận các Pháp Ác.

3. Samãdhimhi Anuttaro: Quí trọng vì Thiền-định. Thiền-định có 2:

Upacãra Samãdi: Cận-Ðịnh
Appanã Samãdhi: Nhập-Ðịnh

Cận-Ðịnh là trạng thái Tâm lành an-trụ trong một cảnh-giới song chưa vững chắc.

Nhập-Ðịnh là trạng thái Tâm lành an trụ kiên-cố trong một cảnh-giới. Nhập-Ðịnh có 2:

Lokiya Samãdhi: Phàm-Ðịnh là định trong thế gian, là thiền của phàm-nhân có lực tiêu-hoại. Phàm-Ðịnh có 8: 4 Bậc thiền trong cõi Sắc-Giới (Rũpãvacara Samãpatti) và 4 Bậc thiền trong cõi Vô-Sắc-Giới (Arũpãvacara Samãpatti)

Lokuttara Samãdhi: Thánh-Ðịnh là định xuất thế gian, là thiền của bậc thánh-nhân, chắc vững, không hư-hoại.

4. Pannãsu Anuttaro: Quí trọng vì Trí-Tuệ:

a) Mahãpanno: Ngài có Trí-Tuệ vô-lượng vô-biên, Chư-Thiên và nhân-loại không ai sánh bằng.
b) Pathuppanno: Có Trí-Tuệ thậm-thâm, sâu dày như quả địa cầu.
c) Hãsappanno: Có Trí-Tuệ làm cho chúng-sanh vui-thích trong khi nghe Ngài thuyết Pháp.
d) Javanappanno: Có Trí-Tuệ thông-hiểu mau lẹ các Pháp
e) Tikkhanappanno: Có Trí-Tuệ sắc-bén.
f) Nibbedhikappanno: Có Trí-Tuệ trong sự thuyết Pháp là không bao giờ lẫn-lộn hoặc vấp-váp trong khi thuyết Pháp.

Những Trí-Tuệ ấy chẳng phải Ðức Phật mới đắc được trong khi thành đạo, ngay trong những kiếp quá-khứ lúc còn Bồ-Tát tu huệ Ba-La-Mật (Pannã Parãmi), Ngài có tên là Mahodatha, Vidhura ... đã có Trí-Tuệ trội hẳn các bậc trí-thức khác trong thời-gian bấy giờ.

5. Purisasilamãcãresu: Quí trọng vì sanh làm người Nam (Thái-tử Sỉ-Ðạt-Ta) đầy đủ ngũ quan, diện mạo phi-phàm, học lực xuất chúng, thông hiểu trọn bộ kinh: phệ-đà, kiếm cung, tài-lực siêu phàm bạt-tụy, không người nam nào có thể sánh bằng, ai-ai cũng đều cảm-phục kính-nể.

6. Bhavassa Sammãcãresu: Quí trọng vì phẩm-hạnh thanh cao hơn tất-cả chúng-sanh trong Tam-Giới.

7. ParapuggalaVimuttinnãne: Quí trọng vì Trí-Tuệ thông-hiểu phương-pháp giải-thoát khỏi các Pháp-Ác (Phiền-Não) hơn các bậc trí-thức khác.

8. Pubbenivãsãnussatinnãne: Quí trọng vì Trí-Tuệ biết rõ các tiền-kiếp của Ngài và của các chúng-sanh là đắc Túc-Mạng-Thông.

9. Dibbacakkhunnãne: Quí trọng vì Ngài có Thiên-Nhãn-Thông.

10. Kammavipãkannãne: Quí trọng vì Trí-Tuệ biết rõ cái quả của mỗi chúng-sanh đều do nghiệp thiện hoặc ác đã tạo.

11. Yamakappãtihãriyannane: Quí trọng vì Ngài đã dùng lưỡng-thông là thần-thông hóa thân làm 2 vị Phật:

- Một vị ở cõi trời Ðao-Lợi thuyết tạng Luận độ Phật mẫu liên tiếp trong ba tháng hạ thứ 7.

- Một vị đi trì-bình mỗi buổi sáng ở Bắc-Cu-Lu-Châu.

12. Lokavivaranappãtihãriyannãne: Quí trọng vì Ngài đã dùng thần-thông làm cho Chư-Thiên, nhân-loại và chúng-sanh trong địa ngục đồng nhìn thấy nhau rõ-ràng sau khi Ngài thuyết xong Tạng Luận, từ cõi trời Ðao-Lợi trở xuống trần-gian.

13. Apattikusalatãya: Quí trọng vì Ngài hiểu biết rành-mạch sự phạm tội, vị tăng nào phạm tội (Giới-Luật) hoặc không phạm tội. Ngài đều rõ biết.

14. Apattivutthanakusalatãya: Quí trọng vì Ngài hiểu biết rành-mạch cách thoát khỏi tội là nếu vị tăng nào sơ-ý phạm tội, Ngài từ-bi cho phép thực-hành những phương-thế giải-tội (sám-hối...)

15. Dhãtukusalatãya: Quí trọng vì Ngài hiểu biết rành-mạch bản-chất Tứ-Ðại Hữu-thức (Upãdinnaka Dhãtu) của chúng-sanh và bản-chất Tứ-Ðại Vô-thức (Anupãdinnaka Dhãtu) của Ðất, Núi, Cây, Ðá... luôn cả bản-chất của chúng-sanh vui-thích trong Tứ-Ðại là Ðất, Nước, Gió, Lửa.

16. Manasikãrakusalatãya: Quí trọng vì Ngài rành-mạch cách chú Tâm, điều chi Ngài để Tâm ghi nhớ thì không bao giờ quên.

17. Thãnãthãnakusalatãya: Quí trọng vì Ngài rành-mạch trong nguyên-nhân (Hetu) hay không phải nguyên-nhân. Nhân đây là nhân lành, có 3 là:

a) Alobho: Không Gian-Tham
b) Adoso: Không Sân-Hận
c) Amoho: Không Si-Mê

18. Dvisu Iddhisu: Quí trọng vì Thần-lực có 2:

a) Cittiddhi: Thần-Lực do Tâm là Tâm thanh-tịnh nhờ thiền.
b) Vimamsiddhi: Thần-Lực do Trí-Tuệ là Trí-Tuệ sáng suốt nhờ Minh-Sát.

19. Dvisu Anuttariyesu: Quí trọng vì 2 oai-đức cao thượng không ai sánh bằng là:

a) Silãnuttariya: Giới Cao-Thượng
b) Pannãnuttariya: Trí-Tuệ Cao Thượng

20. Tisukathãvatthũsu: Quí trọng vì 3 hạnh Tuyệt-Luận là:

a) Dãna: Bố-Thí
b) Sila: Trì-Giới
c) Bhãvana: Tham-Thiền

21. Tisusamãdhisu: Quí trọng vì 3 bậc Thiền-Ðịnh là:

a) Vitakkavicãrasamadhi: Bậc Thiền có đủ Tầm Sát
b) Avitakkasavicãrasamadhi: Bậc Thiền không có Tầm nhưng có Sát
c) Avitakka Avicãrasamãdhi: Bậc Thiền không Tầm và không Sát.

22. Tisu Pãtihãriyesu: Quí trọng vì những điều phi-thường xảy ra khi Ngài lên pháp-tòa, trong lúc đang thuyết pháp và khi xuống pháp-tòa.

23. Catũsu Satipatthãnesu: Quí trọng vì thông thấu Tứ-Niệm-Xứ là:

a) Kãyãnupassanã Satipatthãna: Niệm Thân
b) Vedanãnupassanã Satipatthãna: Niệm Thọ
c) Cittãnupassanã Satipatthãna: Niệm Tâm
d) Dhammãnupassanã Satipatthãna: Niệm Pháp.

24. Catũsu Sampadãsu: Quí trọng vì 4 điều đầy đủ (Sampadã) khiến cho sự phước-thí được quả-báu cao-thượng.

a) Cetanã Sampada: Ðầy đủ cả 3 tác-ý:

Pubba Cetanã: Tác-ý đầu tiên là suy-tính trước khi làm phước.
Muncana Cetanã: Tác-ý trong khi làm là Tâm vui thích trong lúc đang làm phước.
Aparãpara Cetanã: Tác-ý suy-nghĩ thỏa-thích sau khi làm rồi.

b) Paccaya Sampada: Ðầy đủ tứ vật dụng (y-phục, vật thực, cốc liêu, thuốc trị bệnh).

c) Vatthu Sampada: Ðầy-đủ các vật cúng-dường.

d) Gunãtireka Sampadã: Ðầy đủ ân-đức của cả 2 bậc thánh-Nhân là A-La-Hán khi các Ngài vừa xuất Ðại-định.

25. Catũsu Iddhipãdesa: Quí-trọng vì Tứ-Thần-Túc (cũng gọi là 4 pháp căn-bản để thực-hành cho đắc thần-thông):

a) Chandiddhipãda: Nguyện-Vọng Thần-Túc
b) Viriyiddhipãda: Tinh-tấn Thần-Túc
c) Cittiddhitãda: Tâm-năng Thần-Túc
d) Vimamsiddhipãda: Trí-Tuệ Thần-Túc.

26. Catũsu Maggesu Catũsu Phalesu: Quí trọng vì 4 quả bắt đầu từ Tu-Ðà-Hườn-Ðạo, Tu-Ðà-Hườn-Quả...

27. Catũsu Ariyavamsesu: Quí trọng vì 4 pháp Thánh Tông:

a) Appiccho: Có sự Ham-Muốn ít
b) Sallekho: Có sự Tri-Túc
c) Saddhã: Có Ðức-tin kiên-cố trong 10 Pháp Ba-La-Mật
d) Silam: Trì-Giới trong sạch theo Ngũ-Giới, Bát- Quan-Trai-Giới và Tứ-Thanh-Tịnh-Giới.

28. Catũsu vimuttinnãnesu: Quí trọng vì Trí-Tuệ, thông hiểu 4 phương-pháp giải-thoát khỏi các Pháp-Ác (Phiền-não):

a) Pannãvimuti: Giải-thoát bằng Thánh-Tuệ là Tuệ Xuất Thế-Gian.
b) Samuccheda Vimutti: Giải-thoát bằng sự đoạn tuyệt.
c) Vikkhambhana Vimuti: Giải-thoát bằng sự đè-nén của Thiền-Ðịnh.
d) Tadanga Vimutti: Giải-thoát các pháp-ác trong mỗi nấc Tâm do Minh-Sát-Tuệ.

29. Pancabalesu: Quí trọng vì Ngũ-Lực:

a) Saddha Balam: Tín-Lực là đức-tin dũng-mãnh nơi Tam-Bảo và Lý-Nhân-Quả để diệt trừ lòng mê tín, tà kiến
b) Viriya Balam: Tấn-Lực là tinh-tấn dũng-mãnh để diệt trừ sự lười-biếng, giải-đãi.
c) Sati Balam: Niệm Lực là trí nhớ dũng-mãnh để diệt trừ Tâm nhớ vẫn-vơ bên ngoài.
d) Samãdhi Balam: Ðịnh-Lực là Thiền-Ðịnh dũng-mãnh để diệt trừ Tâm không chăm-chú, không an-trụ.
e) Pannã Balam: Tuệ-Lực là Trí-Tuệ dũng-mãnh để diệt trừ Vô-Minh.

30. Pancindriyesu: Quí trọng vì Ngũ-Căn (Tinh-Thần):

a) Saddhindriyam: Tín-Căn là cội tin Ân-Ðức Tam-Bảo và tin nhân quả để diệt-trừ tà-kiến
b) Viriyindriyam: Tấn-Căn là cội Tinh-Tấn để diệt-trừ sự lười-biếng, giải-đãi
c) Satindriyam: Niệm-Căn là cội Trí-Nhớ để diệt-trừ Tâm nhớ vẫn-vơ bên ngoài
d) Samãdhindriyam: Ðịnh-Căn là cội Chánh-Ðịnh để diệt-trừ Tâm không an-trụ
e) Pannindriyam: Tuệ-Căn là cội Trí-Tuệ để diệt-trừ Vô-Minh.

31. Pancãbhinnãsu: Quí trọng vì Ngũ-Thông.

a) Dibbacakkhu: Nhãn-Thông
b) Dibba Sota: Nhĩ-Thông
c) Iddhividha: Thần-Thông
d) Paracitta Vijjã: Tha Tâm-Thông
e) Pubbenivãsãnussati: Túc-Mạng-Thông

Ngũ-Thông kể trên còn trong phạm-vi của hạng phàm-nhân, các bậc Thánh-Nhân đắc thêm Lậu-Tận-Thông (Asavakkhaya) là Tuệ biết rõ các Pháp Trầm-Luân để diệt-tận, cộng chung là 6 cái Thông (Abhinnã).

32. Chãsãdhãranannãreru: Quí trọng vì Trí-Tuệ Vô-Thường (Asãdhãranannãna), có 6:

a) Asayãnusayannãna: Huệ biết rõ các Pháp Khuynh-Hướng (ãsaya) và các pháp Ngủ-Ngầm (Anusaya) trong Tâm chúng-sanh.

b) Indriyaparopariyattinnãna: Huệ biết rõ căn-cơ dũng-mạnh hay yếu-hèn của chúng-sanh.

c) Yamãkappãtihãriyannãna: Huệ lanh-lẹ trong sự dùng lưỡng-thông là Thần-Thông hóa thân làm 2 vị Phật.

d) Mahãkarunãsamãpattinnãna: Huệ biết rõ phương-pháp tế độ chúng-sanh khi xả Ðại-Bi-Ðịnh.

e) Sabbannũtannãna: Huệ thông hiểu tất-cả mọi vật không dư sót (Toàn-giác).

f) Anãvarannãna: Huệ thông hiểu mọi vật không chướng ngại, không chi che án được.

33. Sattavisuddhidesanãsu: Quí trọng vì sự thuyết-pháp về 7 Pháp Thanh-Tịnh.

a) Sĩla Visuddhi: Thanh-Tịnh do sự Trì-Giới

b) Citta Visuddhi: Thanh-Tịnh do sự sửa trị Tâm làm cho phát-sanh Cận-định và Nhập-định.

c) Ditthi Visuddhi: Thanh-Tịnh do sự hiểu thấy chân-chánh là Tuệ thấy rõ "Danh và Sắc" (Ngũ-Uẩn), do sự hòa hợp của Tứ-Ðại và hằng bị chi phối bởi 3 tướng Vô-
Thường, Khổ-Não, Vô-Ngã.

d) Kankhãvitarana Visuddhi: Thanh-Tịnh do Tuệ thấy rõ nhân-duyên của Danh-Sắc và dứt khỏi hoài-nghi đối với Danh-Sắc trong Tam-Thế.

e) Maggãmaggannãnadassana Visuddhi: Thanh-Tịnh do Tuệ không sai lầm theo 10 Phiền-Não của Minh-Sát, thấy rõ là Ðạo hay chẳng phải là Ðạo.

f) Patipadãnãnadassana Visuddhi: Thanh-Tịnh do Tuệ thấy rõ cách thực tiến-hóa là nên thực-hành 9 pháp Minh-Sát-Tuệ.

g) Nãnadassana Visuddhi: Thanh-Tịnh do Tuệ Xuất-Thế-Gian thấy rõ 4 Thánh-Ðạo và 4 Thánh-Quả.

34. Sattãkhinãsavabalesu: Quí trọng vì thông hiểu Ðạo-Tuệ của 7 bậc Thánh-nhân là những bậc hữu học (Sekkho Puggalo) có mãnh-lực diệt-tận từng giai-đoạn các Pháp Trầm-Luân; nhất là 10 Sử (Samyouana: Pháp Thẳng-Thúc). 7 bậc Thánh-nhân ấy là:

Tu-Ðà-Hườn đạo
Tu-Ðà-Hườn quả
Tu-Ðà-Hàm đạo
Tu-Ðà-Hàm quả
A-Na-Hàm đạo
A-Na-Hàm quả
A-La-Hán đạo.

35. Navasattãvãsadesanãsu: Quí trọng vì sự thuyết-pháp về 9 chỗ trú-ngụ của chúng-sanh.

36. Dasakasinãyatanesu: Quí trọng vì 10 đề Kasina.

a) Pathavi Kasina: Ðề-mục đất
b) Apo Kasina: Ðế-mục nước
c) Vãgo Kasina: Ðề-mục gió
d) Tejo Kasina: Ðề-mục lửa
e) Nĩla Kasina: Ðề-mục màu xanh
f) Pita Kasina: Ðề-mục màu vàng
g) Lohita Kasina: Ðề-mục màu da
h) Odãta Kasina: Ðề-mục màu trắng
i) Akãsa Kasina: Ðề-mục hư-không
j) Aloka Kasina: Ðề-mục ánh-sáng.

37. Ekãdasamettãnisansadesanãsu: Quí trọng vì hiểu rõ 11 phước-báu do sự rải lòng bác-ái:

a) Sukham supati: Khi ngủ được an-vui.
b) Sukham Patibujjhati: Khi thức dậy cũng được an-vui.
c) Na Pãpakam Supinam Passati: Không nằm mộng thấy điều dữ xấu-xa.
d) Manussãnam Piyohoti: Mọi người đều thương mến.
e) Amanussãnam Piyohoti: Phi-nhân cũng thương mến.
f) Devatã Rakkhantri: Chư-Thiên thường hộ-trì.
g) Nãssa Aggi, Visam, Sattham Kamati: Lửa, thuốc độc và khí-giới không làm hại được.
h) Tuvãtam Cittam Samãdhiyati: Tâm nhập thiền một cách mau lẹ.
i) Mukhavanno Vippasidati: Màu da, gương mặt được tươi-tỉnh sáng-sủa.
j) Asammulho Kãlam Karoti: Khi sắp lâm chung, Tâm được bình-tĩnh không mê loạn.
k) Uttarim appativijjhanto Brahmalokũpagohoti: Nếu chưa đắc đạo-quả cao thượng thì khi chết được sanh về cõi trời Phạm-Thiên (Sắc-Giới).

38. Dvãdasãkusaladesanãsu: Quí trọng vì biết rõ Tâm của chúng-sanh ở trong đều tội-lỗi là 12 Ác-Tâm (Akusalacitta):

8 Tâm Gian-Tham
2 Tâm Sân-Hận
2 Tâm Si-Mê

39. Terasa Dhutangagunesu: Quí trọng vì thông hiểu cách hành 13 Pháp Ðầu-Ðà.

a) Pamsukũlika: Hành bằng cách lượm vải bỏ để may-mặc.
b) Tecivarika: Hành bằng cách chỉ có tam-y.
c) Pindapãtika: Hành bằng cách chỉ đi khất-thực không thọ trai tăng.
d) Sapadãnacãrika: Hành bằng cách thường đi khất-thực theo mỗi nhà mỗi xóm.
e) Ekãsanika: Hành bằng cách chỉ ngồi thọ-thực một chỗ (chỉ thọ một ngày một lần thôi).
f) Pattapindika: Hành bằng cách chỉ thọ-thực trong bát mà thôi.
g) Khalupashãbhatika: Hành bằng cách khi đã ngăn (không dùng, không thọ-lãnh) vật-thực người dâng rồi thì không được phép thọ-thực nơi nào nữa.
h) Arannika: Hành bằng cách chỉ ở trong rừng (không được ở trong xóm làng).
i) Rukkhammũlika: Chỉ ở nơi cội cây (không được ở cốc, lều hoặc chỗ có che lợp).
j) Abbhokãsika: Chỉ ở ngoài trời, khoảng trống (dầu dưới bóng cây cũng không được).
k) Sosanika: Chỉ ở nơi mồ mả hoặc chỗ bỏ tử-thi.
l) Yathãsanthalika: Chỉ ở chỗ nào chư-tăng đã chỉ định đầu tiên, không dời đổi.
m) Nesajjiaka: Chỉ ngồi chớ không nằm (đi, đứng được).

40. Cuddasabuđhannãnesu: Quí trọng vì Trí-Tuệ hoàn-toàn sáng-suốt, vô-lượng vô-biên, có 14:

a) Dukke Nãnam: Huệ thấy rõ Khổ-Ðế là chân-thật.
b) Dukkha Samudaye Nãnam: Huệ thấy rõ Tập-Ðế là chân-thật.
c) Dukkha Nirodhe Nãnam: Huệ thấy rõ Diệt-Ðế là thật.
d) Dukkha Nirodhagãminipatipadãya Nãnam: Huệ thấy rõ Ðạo-Ðế là thật.
e) Atthapatisambhidã: Huệ thấy rõ cái quả hay cái lý (thông-suốt cả nghĩa lý của chú giải).
f) Dhammapatisambhidã: Huệ biết rõ cái nhân hay suốt thông cả các pháp.
g) Nirutti Patisambhisã: Huệ biết rõ Ngũ-Căn hay suốt thông các thứ tiếng.
h) Patibhãna Patisambhidã: Huệ phân tách rõ-ràng và mau lẹ tất-cả sự vật.
i) 8 cái Huệ vừa kể trên + 6 cái Huệ đã giải ở chi số 32, thành 14 cái Huệ

41. Ekavisatikusaladesanãsu: Quí trọng vì sự thuyết-pháp về Sanginippakarana (trong Tạng-Luận) chia Tâm lành ra 21:

8 Kãmãvacarakusale: Thiên Tâm lành trong cảnh Dục-Giới
5 Rũpãvacarakusala: Thiên Tâm trong cảnh Sắc-Giới
4 Arũpãvacarakusala: Thiên Tâm trong cảnh Vô-Sắc-Giới
4 Lokuttarakusala: Thiên Tâm của bậc Thánh-Nhân.

42. Catuvisatipasayadesanãsu: Quí trọng vì sự thuyết-pháp Mãhãpatthãna (Duyên-Khởi-Ðại-Luận) về 24 cái nhân (Paccaya) [1] bắt đầu từ Hetuppaccaya (Nguyên-Khởi-Nhân) và cuối cùng là Avigatappaccaya (Bất-Tán-Nhân).

43. Kotisatasahassa Sancaritadhamma Vajirannãnesu: Quí trọng vì Huệ thông suốt hằng-hà vô-tận; Pháp Môn là Dukapatthãna, Tikapatthãna, Dukatikapatthãna, Tikadukapatihana... [2].

Do nhờ những Ân-Ðức quí trọng, không ai có thể sánh bằng vừa kể trên, nên Ðức Phật có hiệu là ANUTTARO (Vô-Thượng-Sĩ).

[1] "Hetu" là nhân sanh ra (Janaka), "Paccaya" là pháp củng cố (Upatthambhaka) cái nhân ấy. Nói một cách khác "Hetu" là cốt từ nguồn gốc (Mũla) vốn "Paccaya" là phù trợ nhân, ví như phận sự của hột giống làm cho mộc mầm non, còn phận sự của đất nước là phụ trợ cho cái mầm ấy được vững chắc. Tuy chia ra danh từ riêng biệt như thế, nhưng nói chung "Hetu" hay "Paccaya" cũng có thể gọi chung là "nhân" được.

[2] - Dukapatthãna: Luận về duyên khởi từng đoạn 2 chi
- Tikapatthãna: Luận về duyên khởi từng đoạn 3 chi
- Dukatikapatthãna: Luận về duyên khởi từng đoạn 2 và 3 chi
- Tikadukapatthãna: Luận về duyên khởi từng đoạn 2 và 3 chi.

Người nay như lá vàng khô
Phất-phơ đứng tựa cửa mồ diệt vong
Tu thân chớ đợi bên trong
Tư lương sao chửa dọn lòng lo tu

Một khi thần chết hiện về
Nào ai có thể chở che cho mình
Vợ con dầu có chí tình
Ngậm-ngùi chỉ biết làm thinh đứng nhìn.

 

7. Purisadammasãrathi (Ðiều-Ngự Trượng-Phu)

Tại sao Ðức Phật có hiệu là PURISADAMMASARATHI (Ðiều-Ngự Trượng-Phu)?

Bởi Ngài là đấng tế-độ những người hữu duyên nên tế-độ.

Người hữu-duyên.

Người Hữu-Duyên là người trong kiếp quá khứ đã thực-hành pháp Ba-La-Mật, là người năng bố-thí, chuyên cần trì-giới, tham-thiền, thính pháp.

Người đã thực-hành những hạnh thanh cao ấy là người đã tập duyên lành (Upanissaya) đáng được tế-độ. Tùy theo trình-độ phẩm hạnh thấp hoặc cao, thiện-duyên nhiều hoặc ít, Ðức Thế-Tôn dùng phương-tiện thích-ứng để tế-độ mỗi người Hữu-Duyên. Có 2 hạng người Hữu-Duyên:

- Buddhaveneyya: Hạng người do Ðức Phật tế-độ.
- Sãvakaveneyya: Hạng người do các bậc Thinh-Văn tế-độ.

Hạng người nào Hữu-Duyên cùng Ðức Phật thì tự Ngài đến tế-độ, còn hạng người nào Ngài biết rõ hữu-duyên với bậc Thinh-Văn nào thì Ngài bảo vị ấy đến tế-độ.

Phương-tiện tế-độ chúng-sanh.

Ðức Thế-Tôn tùy theo tâm tánh và căn-cơ của mỗi hạng người mà giảng-giải rõ-ràng về phước hoặc tội:

- Chúng-sanh nào ưa thích những điều lành thì Ngài thuyết về các pháp hành Thiện, là hành Thiện do Thân (Kãya Sucarita), do Khẩu (Vaci Sucarita) và do Ý (Mano Mano Sucarita) cùng phước báu của các pháp ấy, hầu chúng-sanh đó phát Tâm thỏa-thích trong sự làm các điều thiện.

- Chúng-sanh nào ưa thích những điều ác, Ngài thuyết về các pháp hành Ác, là hành Ác do Thân (Kãya Duccarita), do Khẩu (Vaci Duccarita) và do Ý (Mano Duccarita) cùng quả báo của các pháp ấy, hầu chúng-sanh đó phát Tâm ghê-sợ những điều tội-lỗi và hồi Tâm làm các việc lành.

Kế tiếp với những hạng người đã trau-giồi giới-hạnh thanh-tịnh rồi, Ngài thuyết về các pháp Thiền-Ðịnh và phước báu do các pháp ấy từ bậc Sơ-Thiền đến Tứ-Thiền.

Với những bậc đã đắc Thiền-Ðịnh, Ngài lại giảng-giải về các pháp Minh-Sát, hầu những vị ấy tu-tập lần lần để phát sanh Trí-Tuệ thấy rõ thật tướng các pháp hữu-vi diệt-trừ Phiền-Não và đắc đạo-quả Thánh-Nhân từ Tu-Ðà-Hườn đến A-La-Hán.

Chúng ta không lấy làm lạ rằng trong tích xưa, có nhiều Chư-Thiên và bậc Ðại Thiện-Duyên, khi nghe qua một câu kệ-ngôn hoặc một thời pháp do Ðức Phật thuyết được, liền chứng đạo-quả Thánh-nhân ngay tại chỗ ngồi của mình. Nguyên do là các bậc ấy đã thực-hành viên-mãn, các pháp Ba-La-Mật và tập hợp Thiện-Duyên cao dày, quí báu từ vô-số kiếp quá-khứ, đến kiếp hiện-đại, hữu phước gặp Ðức Phật giảng dạy tế-độ cho, nên được nếm hương-vị an-vui tuyệt-đối, ví như trái cây đã chín mùi từ bao nhiêu ngày trên cành cao, chỉ một luồng gió nhẹ thoảng qua là rơi rụng vậy.

Trong kinh Anguttara Nikãya, có câu Phật-ngôn như vậy: "Này Kesi! Như-Lai huấn-luyện chúng-sanh đáng tế-độ khi thì bằng phương cách dịu-dàng, lúc thì bằng phương-tiện cứng rắn và khi thì bằng cả 2 cách: dịu-dàng và cứng rắn".

Nói tóm lại, Ngài tế-độ chúng-sanh bằng 3 phương-tiện sau đây:

1. Abhinnã: Ngài giảng dạy rõ-ràng về các điều thiện và điều ác.

2. Sanidãna: Ngài dạy bảo theo nguyên-nhân là tùy theo quả lành hoặc dữ xảy ra, Ngài chỉ cho thấy do nhân thiện hoặc nhân ác.

3. Sappãtihãriya: Ngài giáo-hóa bằng 3 pháp phi-thường là:

a) Iddhippãtihãra: Bằng cách dùng các pháp Thần-thông.
b) Adesanãpãtihãra: Bằng cách biết rõ Tâm của chúng-sanh.
c) Anusasanipatihãra: Bằng những lời khuyên-răn, nhắc-nhở và giao-huấn về Giới, Ðịnh, Huệ.

Ðức Thế-Tôn rất thông-thạo, rành-mạch trong sự giáo hóa chúng-sanh ví như nài voi đã thuần-thục trong sự tập luyện voi, bởi Ngài thông-hiểu Tâm của tất-cả chúng-sanh như đã giải trong hiệu Thế-Gian-Giải, đoạn "Chúng-Sanh Thế-Gian". Do nhờ hiểu biết tường-tận tánh nết, hạnh-kiểm, trình-độ Trí-Tuệ và duyên lành của mỗi chúng-sanh, nên Ngài mới có thể giáo-hóa Chư-Thiên và Nhân-Loại một cách dễ-dàng. Vì thế các bậc hữu-duyên nên tế-độ đều vâng theo lời khuyên bảo và giáo-huấn của Ngài.

Chúng-sanh được tế-độ.

Nếu dịch sát nghĩa thì chữ "Parisadammasãrathi" có nghĩa là Bậc Chỉ Ðạo (Sãrathi) những người Nam (Purisa) đáng được Giáo-Hóa (Damma).

Như thế thì Ðức Phật chỉ độ toàn những người Nam thôi hay sao? Không phải vậy, Ngài tế-độ cả người Nam và người Nữ, những lệ thường thì nói đến người Nam trước vì theo Phật-giáo người Nam hữu phước hơn người Nữ và hành-đạo cũng được tiện-lợi dễ-dàng hơn.

Lại nữa, chẳng những chỉ riêng Nhân-Loại thôi, Ngài còn tế-độ luôn cả loài thú và phi-nhân (Chư-Thiên, Dạ-xoa, Ngã-Quỉ...) có duyên lành.

Hạng Nam (Purisa) được tế-độ có 3:

Tiracchãna Purisa: Thú Ðực
Manussa Purisa: Người Nam
Amanussa Purisa: Phi-Nhân Nam

Những thú đực như rồng chúa Apalãlo trong núi Hy-Mã-Lạp-Sơn, Cũlodara Mahodara trong thế-giới loài rồng. Aggisikha Dhũmasikha trong đạo Tích-Lan, Aravãla.., đã được Ðức Thế-Tôn có Tâm Bi-Mẫn dùng Thần-Thông tế-độ cho, khiến các rồng chúa ấy hết hung-dữ và dứt nộc-độc là lòng sân-hận, rồi thọ Tam-Qui Ngũ-Giới. Voi Dhanãpãlaka cũng được Ngài tế-độ cho thọ Tam-qui. Không phải chỉ có bao nhiêu ấy thôi, các thú khác nữa cũng được Ngài từ-bi tế-độ rất nhiều.

Những người Nam đã làm các điều tội-lỗi, hằng chấp tà-kiến như người con trai ngoại-đạo Nigantha (Jain) tên Saccaka, những người Bà-La-Môn tên Ambattha, Pokkharasãti, Sonadanda, Kutadanta..., đã được Ðức Thế-Tôn từ-bi thuyết-pháp tế-độ cho, khiến phát sanh đức tin trong sạch nơi Tam-Bảo, xa lìa Tà-Kiến; được Chánh-Kiến và đắc đạo-quả cao thượng. Những người Nam đã rơi vào lưới Huệ của Ngài và được tế-độ không phải chỉ bao nhiêu ấy thôi, còn rất nhiều không kể hết được.

Những phi-nhân Nam như các dạ-xoa Alavaka, Sũciloma, Kharaloma, Ðức Ðế-Thích (Sakka), Ðại-Phạm-Thiên Pakã... đã chấp Tà-Kiến và Ngã-Mạn, tự cho mình là bậc có đức-hạnh tối cao, được Ðức Phật thuyết pháp tế-độ cho đến khi phát Tâm tín thành Tam-Bảo.

Huấn-từ của Ðức Thế-Tôn.

Lời Ðức Thế-Tôn thốt ra để giáo-hóa chúng-sanh rất nhiều không thể kể xiết. Khi giáo-huấn, Ngài tùy theo:

Tâm Tính và duyên lành,
Trí-Tuệ và căn-cơ mỗi chúng-sanh,
Nguyên-nhân, thời buổi và cơ-hội,
Phong-tục tập quán mỗi quốc-độ...

Nói tóm lại, huấn-từ của Ngài có 3:

Sabbapãpassa Akaranam: Không nên làm điều ác.
Kusalassũpasampada: Nên làm các điều lành.
Sacittapariyodapanam: Nên trau dồi Tâm cho trong sạch.

1. Ðức Thế-Tôn bảo đừng làm điều ác là nên xa lánh 10 Pháp Hành Ác do Thân, Khẩu, Ý gọi là Thập-Ác:

Sát-Sanh
Trộm-Cắp
Tà-Dâm
Nói Dối
Nói Lời Ðâm Thọc
Nói Lời Ðộc-Ác (Chửi Rủi)
Nó lời Viễn-Vong Vô-Ích
Tham-Lam
Thù Oán
Tà-Kiến (không tin nhân-quả tội phước...)

2. Ngài khuyến-lệ nên làm các điều lành là nên hành 10 Phạm Hành Pháp (Punnakiriya):

- Bố-Thí
- Phụng-Sự Sốt-Sắng (Veyyãvacca)
- Ngũ-Giới
- Tứ-Vô-Lượng-Tâm (Appamannã)
- Xa lánh sự dâm-dục (Methunavirati)
- Chỉ Vui Thích Vô-Minh
- Không ngoại tình
- Tinh-Tấn Tri Bát-Quan-Trai (Uposatha)
- Bát-Thánh-Ðạo (Ariyamagga)
- Giáo-Pháp: Sasana (Giới, Ðịnh, Huệ)

3. Ngài dạy bảo nên trau-dồi Tâm cho sạch là nên cố-gắng diệt-tận các Phiền-não (Kilesa) và các pháp Ngủ-ngầm trong Tâm (Anusaya) là những điều làm cho Tâm bẩn nhơ và khiến chúng-sanh sa-đọa trong vòng sanh tử luân-hồi.

Những Phiền-Não ấy chia ra 2 hạng:

a) Phiền-Não Trọng-Ðại (Thô-Sơ), Tâm muốn Sát-Sanh, Tham muốn của cải người, mong làm của mình... có thể diệt trừ được bằng sự Trì-Giới và Thiền-Ðịnh.

b) Phiền-Não Vi-Tế, khó mà nhận thức được là căn nguyên làm cho phát-khởi các Phiền-Não khác, có thể diệt-tận được bằng Thánh-Tuệ.

Nếu tóm tắt thêm nữa, huấn-từ của Ðức Chánh-Biến-Tri có thể thâu ngắn lại trong 2 khuyên ngôn quí báu sau đây:

- Nên xa-lánh Sự Dễ-Duôi (Pamãda) (Sự giải đãi)
- Nên thực-hành Sự Không Dễ-Duôi (Appamãda).

1. Sự Dễ-Duôi hằng ngự trong Tâm của hạng người hay quên mình, thường buông-lung trí-nhớ, không nhất quyết làm một việc gì cho lâu dài, thành tựu.

Tâm chúng-sanh mải say-mê theo sự cám-dỗ của Ngũ-Trần lục-dục, tự nghĩ rằng ta còn trẻ chưa già, còn đang mạnh chưa đau, còn vui chưa khổ.... nên ít có dịp tưởng nhớ đến các Pháp lành và các công-đức. Dẩu có nhớ đi nữa cũng làm qua-loa cho có chừng, khộng để hết Tâm-Trí vào sự thực-hành những Thiện-Pháp. Ðó là Tâm Dễ-Duôi.

Lại nữa, chẳng khác nào con cắc-kè chạy một đoạn đường rồi ngừng lại một chập, không bao giờ chạy một mạch đến đích; có người làm việc phước thí hoặc Trì-giới hoặc Thính-Pháp, Tham-Thiền... một hôm rồi bỏ luôn nhiều ngày; có người xuất gia trong một thời-gian rồi hoàn-tục, không còn tưởng nhớ chi đến Phật-Pháp nữa... Tất cả sự kiện ấy là trạng-thái của Tâm Dễ-Duôi.

Sự dễ-duôi là nguồn cội và chủ-động các Pháp Ác. Chúng-sanh nào làm nô-lệ cho sự dễ-duôi rồi thì bằng chất-chứa Phiền-Não trong thân tâm, phải chịu những sự thống-khổ của Sanh, Già, Ðau, Chết, đời này qua kiếp khác không ngừng.

2. Sự Không Dễ-Duôi Nghịch hẳn với Sự Dễ-Duôi. Người không Dễ-Duôi là người hằng có sự ghi nhớ trong Tâm, chẳng phải chỉ trong một thời-gian mà thôi, trong bất cứ lúc nào, nơi nào và hành động nào cũng vậy.

Ðặc-tính của người Không Dễ-Duôi có 5:

a) Sĩlepatitthito: Ở trong khuôn khổ giới-luật
b) Indriyesu Smavuto: Thâu-thúc Lục-Căn cho thanh-tịnh.
c) Bhojane Mattannu: Biết độ lượng trong sự ăn uóng
d) Jãgariyam Anuyanjati: Thường hay thức tỉnh, ít mê ngủ.
e) Bhãvagam Kusalam Dhamman: Tinh-Tấn tham thiền, hành-đạo để đắc những Pháp cao-siêu.

Sự Không Dễ-Duôi là bức tường ngăn-cản rất hiệu-quả các Pháp Ác không cho xâm-nhập và nảy-nở trong thân-Tâm được, là nguồn cội và chủ-động các Pháp Lành. Nên có câu Phật-ngôn như vậy:" Này các thầy Tỳ-Khưu! dấu chân của tất cả loài thú đều có thể nằm trọn trong dấu chân của con voi như thế nào; các thiện Pháp hằng qui-tụ cả thảy dưới năng lực của sự không dễ-duôi như thế ấy!".

"Appamãdo Amatam Padam ": Sự Không Dễ-Duôi là con đường đi đến nơi bất-diệt. Chúng-sanh nào có Tâm Không Dễ-Duôi, thường tưởng nhớ đến những pháp hành, chuyên cần thực-hành các công đức như Bố-Thí, Trì-Giới, Thính-Pháp, Tham Thiền... và cố gắng không ngừng gìn-giữ Lục-Căn thanh-tịnh, không cho duyên theo trần-dục; chúng-sanh ấy, chắc chắn một ngày kia sẽ diệt-tận được các Phiền-Não trọng đại, vi-tế và sẽ được nếm hương-vị Niết-Bàn là nơi Vô-Sanh Bất-Diệt vậy.

Vì thế, nên trong khi lâm trọng bệnh sắp nhập Niết-Bàn, Ðức Thế-Tôn nhìn hàng tứ-chúng đang ngồi đầy-dẫy trước mặt Ngài, người thì gương mặt âu-sầu, buồn-bã, người thì giọt lệ đầm-đìa... ai ai cũng đều tỏ vẻ ảo não, tiếc thương đấng Từ-phụ trong giờ vĩnh-biệt... Khi nhìn thấy cảnh tượng ấy, Ngài bèn thốt lời căn dặn như vậy:" Này các đệ tử! Các người nên nhớ rằng các Pháp Hữu-Vi đều phải bị tiêu hoại, ấy là lẽ dĩ nhiên. Các người không nên Dễ-Duôi, hãy cố-gắng hành những điều lợi-ích đến thân-Tâm cho được mau kết quả!" Ấy là lời cuối cùng của Ðức Thế-Tôn khi sắp lìa cõi thế-gian, tiếng Palĩ gọi là "Pacchimabuddhavacana " (Tối-Hậu-Ngôn).

Bao nhiêu lời ấy bao gồm trọn vẹn Giáo-Pháp mà Ðức Thế-Tôn đã khổ công truyền bá trong 45 năm trường dài đăng-đẳng, vì vậy chúng ta là hàng Phật-tử, hữu-duyên gặp được Chánh-Pháp, cũng nên khắc tạc nơi Tâm khảm lời di-huấn vàng ngọc của Ngài và cố-gắng thực-hành "Sự Không Dễ-Duôi" hầu thấy rõ con đường giải-thoát trong ngày tương-lai.

Do nhờ những Ân-Ðức Từ-Bi phổ-độ chúng-sanh vừa kể trên, nên Ðức Phật có hiệu là PURISADAMMASARATHI (Ðiều- Ngự-Trượng-Phu).

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 1.4 | 2.0 | 3.0

Chân thành cám ơn Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 18-04-2002