BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Sống Thiền - Ðạo Lý Tỉnh Giác Trong Ðời Sống Thường Ngày
Từ Thám dịch


LỐI SỐNG SÁNG TẠO

Lối Sống Sáng Tạo

H: Tôi có ấn tượng là Phật pháp có tính cách rất cá nhân.

T: Nó có vẻ như thế, nhưng chúng ta không phải là những sinh vật cô lập. Chúng ta sống trong xã hội. Như vậy những gì ảnh hưởng tới cá nhân sẽ ảnh hưởng tất cả những người chung quanh. Phật giáo tập trung rất nhiều trên sự giác ngộ của mỗi cá nhân. Mặc dầu Phật giáo không bỏ quên cộng đồng, nó phải bắt đầu với cá nhân. Khi mỗi cá nhân được chính trực và hoàn toàn được cân bằng ở nội tâm, y tự nhiên kéo những người khác vào sự hài hoà đó, và cả cộng đồng nữa. Nói cách khác, một sự cân bằng tức thời được tạo ra cho một tình thế nào đó.

H: Làm sao điều nầy có thể xảy ra?

Không có công thức kỳ diệu nào cho nó, nhưng có hai yếu tố căn bản: kiên nhẫn và trí tuệ (panna) đem lại sự hài hoà.

H: Phải chăng kiên nhẫn là một hình thức thụ động?

Nếu bạn kiên nhẫn và bao dung nhưng thiếu trí tuệ, sự kiên nhẫn và bao dung đó có thể mang hình thức thụ động. Trong trường hợp đó, người ta có thể tự để cho mình bị người khác lạm dụng bằng nhiều cách. Ðó không phải là lối sống thông minh, bởi vì sống thông minh là phải tránh hai thái cực: thụ động và nóng nảy.

Thời nay, người ta luôn luôn sống vội vàng và có khuynh hướng bị bịnh thiếu kiên nhẫn. Chúng ta bị lây bịnh thích hành động tức khắc, làm liền, khởi sự liền, và làm cái gì trong sự hối hả. Chúng ta không dành thì giờ để suy tư, dừng lại, nghiền ngẫm, và để cho sự vật tự chúng phô diễn. Chúng ta có khuynh hướng phản ứng bằng một tâm thức có nề nếp rối loạn - thay vì hành động một cách bình tĩnh và tập trung - do đó chúng ta tạo thêm rắc rối.

Hành động nào thiếu trí tuệ thì có tính phá hoại. Sống thông minh có nghĩa là quán xét và nhìn thấy giây phút thích hợp, cơ hội thích hợp và tình thế thích hợp để có thể hành động. Trong Phật giáo, đây gọi là Chánh Nghiệp (samma kammanta), tức hành động khôn khéo và trọn vẹn. Tóm lại, sống thông minh có nghĩa là sống khôn khéo và sáng tạo.

H: Như vậy, nếu sự thông minh và kiên nhẫn đều cần thiết cho lối sống khôn khéo, chúng liên hệ với nhau như thế nào? Làm sao chúng có thể đi chung?

Trí tuệ (panna) và kiên nhẫn giống như hai mặt của một đồng xu. Nếu có trí tuệ thì sự kiên nhẫn tự nó đến. Sự kiên nhẫn thiếu trí tuệ chỉ là giả thiện, nó không thể bền lâu, bởi vì sớm hay muộn bạn cũng hết kiên nhẫn. Sự bao dung chân thật phải xuất phát từ trí tuệ. Bạn thấy, trí tuệ sẽ đem đến Tứ Vô Lượng Tâm (brahma viharas) - tức là Từ (metta: tình thương không điều kiện), Bi (karuna: lòng muốn ban vui cứu khổ), Hỉ (mudita: tâm hoan hỉ, không ghen ghét) và Xả (upekha: tâm bình thản, không thiên chấp). Chỉ có Từ, Bi và Xả làm cho con người trở nên thánh thiện thật sự. Tâm Bình Thản làm cho người đó không còn bám níu, Từ và Bi làm cho người đó hoà đồng với người khác, và Trí Tuệ làm cho người đó có hành động chánh đáng. Tất cả những điều nầy dẫn tới sự thánh thiện thật sự.

H: Vậy làm sao mình có thể sống hòa đồng với người khác?

Ðây là một câu hỏi cực kỳ quan trọng. Ðó là vấn đề chú tâm trên sự quân bình của chính mình, và là điều căn bản nhất. Trong bất cứ tình huống nào mà bạn phải đối diện - dù là cá nhân, xã hội, nghề nghiệp, gia đình, bạn bè, vv...- sự quân bình phải bắt đầu từ đó...với chính bạn. Nếu bạn lắc lư thì làm sao có thể làm cho người khác cân bằng được? Sự cân bằng phải bắt đầu ngay ở đây, bên trong chính bạn. Bằng không thì bạn có thể làm chìm tàu vì sự lắc lư của mình.

Chỉ khi nào bạn được hoàn toàn vững vàng và chính trực thì bạn mới có thể vươn tới nội tâm của người khác. Bạn không thể thay đổi họ một cách cố ý và bắt buộc. Sự thay đổi, trước hết, phải đến từ bên trong chính bạn. Sự cân bằng phải bắt đầu ngay bên trong chính bạn. Chỉ khi nào bạn được cân bằng bên trong, sự cân bằng nầy sẽ lan ra toàn bộ tình thế và sẽ tự nó ảnh hưởng đến sự quân bình của người khác. Sự kiện nầy xảy ra tức thời. Sự an tịnh của chính bạn sẽ làm cho những người khác và tình thế đáp ứng lại một cách rất tự nhiên. Chúng ta cần giữ một trái tim cởi mở, để cho khi làm bất cứ chuyện gì, hành động của chúng ta là từ tâm từ bi, chớ không kém hơn. Lối sống tình thương nầy tạo ra năng lực lớn lao cho một đời sống hài hòa, sáng tạo và đầy niềm vui.

Thương và Ghét

Cô ấy vừa tốt nghiệp trường cao đẳng; quen biết với cô ấy thật là như được một luồng gió mát. Cô ta đầy sinh lực, thông minh và vui vẻ, với một tâm hồn tươi trẻ luôn luôn học hỏi. Chúng tôi trở thành bạn tâm linh với nhau.

Cô nói với tôi về một người mà cô ghét từ khi còn học trường cao đẳng. Cô không ưa hắn đến nỗi kể cả trong giấc mộng hắn cũng làm cô bực bội. Do đó cô hỏi tôi về Thương và Ghét.

S: Bà có thể giải thích cho tôi về Thương và Ghét?

T: Ồ, cô thấy, thương và ghét không khác nhau lắm đâu. Chúng là hai khía cạnh của tâm phân biệt, giống như hai mặt của một đồng xu.

S: Nhưng chúng ta cảm thấy rất khác.

Phải, ban đầu chúng khác nhau, nhưng chúng đều phát xuất từ thói quen phân biệt, và đều dẫn tới đau khổ. Chúng ta thương hay ghét một người nào là căn cứ trên sự 'thích' hay 'không thích'. Chúng ta tự động phân loại người khác tùy theo những định kiến của chúng ta. Nếu họ đáp ứng được lý tưởng của chúng ta và có vẻ hợp với sở thích thì tâm chúng ta lập tức bám níu vào họ; nhưng nếu họ thuộc loại không hợp với sở thích thì tâm chúng ta bắt đầu chối từ họ. Bằng cách nầy, chúng ta đi tới Thương và Ghét.

S: Nhưng làm sao chúng ta có thể chấm dứt Thương và Ghét? Tôi thấy bực mình trong cả hai trường hợp.

Hãy nghĩ về trường hợp cô thương một người vào lúc nào đó, nhưng một lúc khác sau đó thì lại ghét y. Hắn cùng là một người, tại sao tình cảm của cô lại thay đổi?

S: Có lẽ là vì người ấy và bản thân tôi đều thay đổi.

Ðúng vậy. Ðiều đó có nghĩa là tình thương của chúng ta thay đổi với tình huống, có nghĩa là cảm xúc của chúng ta là vô thường, tương đối với thời gian và nơi chốn.

S: Cảm xúc của chúng ta là vô thường?

Thật đúng vậy. Ðây là điều mà Ðức Phật gọi là Maya, ảo tưởng của tâm thức. Cảm xúc của chúng ta là ảo tưởng sinh ra từ tâm khái niệm; chúng phát xuất từ bản ngã. Theo Phật giáo, bởi vì bản ngã chỉ là ảo tưởng, tất cả những gì phát sinh từ tâm khái niệm cũng đều là ảo hóa. Nó không có thực chất, thường tính và bình an tính. Do đó tình thương thế tục là không bền, nó có thể trở thành sự ghét.

Khoảng một tuần sau, cô ấy lại đến gặp tôi, và lần nầy cô rất hớn hở nói với tôi:

S: Bây giờ tôi hoàn toàn hiểu những gì bà nói về Thương và Ghét. Tôi gặp người đó hôm trước đây, và thật đáng ngạc nhiên thay, tôi tự thấy mình đi đến với hắn và chào hỏi hắn mà không ngần ngại. Tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi không còn cảm thấy thù nghịch với hắn nữa. Trước đây, tôi rất ghét thấy bản mặt hắn. Thật là một sự giải tỏa lớn lao đối với tôi! Bây giờ tôi cảm thấy mình được tự do!

Tôi muốn hỏi cô một điều: lần nầy trước khi cô gặp người đó, cô cảm thấy còn sự ghét bỏ trong tâm mình hay không?

S: Ừ nhỉ, khi nghĩ về điều đó, thật là tôi không có.

Và ngay bây giờ đây, cô còn ghét hắn không?

S: Không.

Vậy thì, có cái gì khác, trước và sau?

Cô ấy bật cười và nói:

S: Thật rất đúng!

Ừ, cô đã thoát khỏi sự thương và ghét nầy trước khi cô gặp hắn phải không?

S: Phải, đúng vậy.

đã làm gì để được tự do như thế?

S: A, tôi có làm gì đâu. Tôi tự mình được tự do.

Ðúng vậy. Chúng ta tự mình không có thương và ghét. Chỉ khi nào chúng ta bắt đầu thích hay không thích thì chúng ta mới bị rắc rối bởi cảm xúc sau đó. Ngay khi chúng ta vừa nhận ra rằng chúng nó chỉ là ảo tưởng do chúng ta tự tạo ra, chúng ta được tự do. Chúng ta được trở về tình trạng ban đầu trong đó không có thương và ghét. Chỉ khi nào tâm mình bắt đầu làm việc với 'thích' và 'không thích' thì thương và ghét trở thành gánh nặng và chúng ta tạm thời bị mất tự do.

Ðây là một thí dụ thực tế cho thấy khi đám mây ảo tưởng được vén lên thì chúng ta sẽ có được tự do và giác ngộ về giây phút hiện tại.

Hạnh Phúc

Ngày kia, một người bạn thấy tôi đang đọc sách Phật nên hỏi:

'Bà đang muốn tìm hạnh phúc?

T: Phải

R: Bà đã tìm được chưa?

Ðược rồi.

R: Làm sao tìm được?

Bởi nhận thức rằng tôi không thể tìm thấy nó.

R: Sao lại thế?

Không có cái gì gọi là cảm giác hạnh phúc thường trực và vĩnh cữu trong cõi đời nầy. Khi chúng ta gặp người, sự vật, hoặc biến cố làm chúng ta hài lòng - chúng ta có cảm giác sung sướng hay khoái lạc - nhưng đó chỉ là tạm bợ.

Chúng ta mơ ước cảm giác khoái lạc, nghĩ rằng nếu chúng ta có được tất cả những gì mong muốn thì chúng ta sẽ được hạnh phúc. Khi chúng ta cố tìm hạnh phúc ở bên ngoài, cuối cùng chúng ta ở trong vòng lẩn quẩn. Chúng ta không bao giờ có được sự thỏa mãn trọn vẹn từ người khác, và chúng ta cũng không thể cho họ điều đó được. Chúng ta quên rằng những người khác cũng ở trong tình thế như chúng ta. Họ mong đợi chúng ta đem lại cho họ cùng loại thỏa mãn đó.

Ngay khi chúng ta cố tìm hạnh phúc, thì chúng ta đã ở trên con đường không hạnh phúc rồi.

R: Có lối thoát nào không?

Có, có một lối thoát. Chúng ta chỉ tìm được hạnh phúc khi chúng ta ngưng đi tìm nó.

R: Nhưng điều nầy rất khó.

Ðó là mâu thuẫn. Ngay giây phút chúng ta muốn hạnh phúc, chúng ta bắt đầu bám níu vào nó trong bản tâm. Trước tiên, chúng ta bám níu vào ý niệm riêng của chúng ta về hạnh phúc. Chúng ta liên hệ với thế giới bên ngoài như là suối nguồn thỏa mãn và chúng ta đi tìm những gì chúng ta cho là có liên hệ với hạnh phúc - như là gom chứa tài sản, thành công, danh vọng hay quyền thế. Ngay khi chúng ta trở thành dính níu với bất cứ ý niệm nào - hạnh phúc, thành công hay cái gì khác - chúng ta đã bị căng thẳng rồi. Sự bám níu chính nó là một tình trạng căng thẳng, và những gì phát xuất từ nó cũng là căng thẳng. Thí dụ như bạn hãy nắm tay lại thành một nắm. Ngay khi bạn bắt đầu nắm tay lại, bạn phải dùng năng lượng để giữ cho các ngón tay liền chặc với nhau. Khi bạn buông nắm tay, bàn tay bạn lại được tự do.

Tâm của chúng ta cũng thế. Khi nó ở trong tình trạng nắm chặc, nó không bao giờ có tự do. Nó không bao giờ có thể kinh nghiệm được bình an và hạnh phúc, dù cho bạn có được tất cả tài sản, danh vọng và quyền lực trên thế gian nầy.

R: Vậy thì làm sao chúng ta làm sao có lối thoát?

Chỉ có cách buông xả thôi.

R: Buông xả cái gì?

Dục vọng muốn được hạnh phúc của bạn.

Tình Thương và Lòng Bi Mẫn

A: Thế nào là lòng bi mẫn thật sự?

T: Tâm Bi (karuna trong tiếng Pàli) là một trong bốn vô lượng tâm (brahma viharas), tức là bốn đức tính tự có sẳn của Trí Tuệ (panna). Ba đức tính khác là tâm Từ (metta: tình thương vô điều kiện), tâm Hỉ (mudita: tâm hoan hỉ, không ghen ghét) và tâm Xả (upekha: tâm bình thản). Một hành động bi mẫn không phải biệt lập, mà nó cũng biểu hiện những đức tính khác của Trí Tuệ.

A: Giả sử như anh có một người bạn ghiền rượu và anh muốn giúp đỡ cô ấy. Anh phải hành động thế nào cho đúng nếu cô ấy không chịu nghe lời khuyên của anh?

B: Ngay cả nếu con trai tôi là một nạn nhân, tôi cũng đề nghị nó vào bịnh viện. Tôi sẽ cố gắng hết sức giúp nó nếu nó chịu đi. Bằng không thì thôi, tôi sẽ không nổi giận hay nói gì cả.

Phải, điều đó rất đúng nếu bạn muốn nói rằng chúng ta không thể nào giúp một người chưa sẳn sàng để được giúp đỡ, nhưng ở đây chúng ta phải hết sức cẩn thận xét tâm mình. Chỉ có một đường chỉ rất nhỏ giữa sự bình thản và lãnh đạm. Nếu chúng ta cố làm một hành động bi mẫn một cách biệt lập, không có trí tuệ hướng dẫn, thì có sự nguy hiểm.

B: Tại sao thế?

Bởi vì trước hết, chỉ có trí tuệ mới có thể phân biệt giữa sự bình thản và sự lãnh đạm. Một người có thể rất khéo léo tách mình ra khỏi cảm xúc về một tình huống hay liên hệ với người khác. Nhưng sự tách rời đó không hẳn là sự bình thản thật sự; mà có thể chỉ là sự lầm lạc, và sự lầm lạc nầy có thể dẫn tới sự lãnh đạm và bỏ quên. Bạn có thể bị dẫn tới suy nghĩ sai lầm rằng khi mình đã làm hết bổn phận rồi thì thôi, phần còn lại không can hệ tới mình nữa. Bạn cũng phải phân biệt giữa việc làm tròn bổn phận một cách lãnh đạm, và hành động với tâm Từ và tâm Bi. Chỉ có một sự cách biệt rất nhỏ nhiệm giữa hai loại hành động nầy.

B: Vậy thì sự bình thản (Upekha: tâm xả) là gì nếu nó không phải là sự tách rời?

Tách rời là đối nghĩa với bám níu. Nó có nghĩa là tách mình ra khỏi sự liên hệ với một người hay một vật nào.

Sự bình thản vượt thoát cả hai nghĩa bám níu và tách rời

Nó có nghĩa là nhìn sự vật đúng như thực tế, không bám níu hay vất bỏ. Nó siêu thoát cả dính níu và tách rời.

B: Sự bình thản và lãnh đạm khác nhau như thế nào?

Sự lãnh đạm là kết quả của sự thiếu quan tâm, thiếu tình thương. Trong khi đó:

Sự bình thản phát sinh từ trí tuệ và tình thương. Tự nó không phải là một đức tính biệt lập.

Nó là một phần trong toàn bộ của Trí Tuệ, tâm Từ, tâm Bi và tâm Hỉ. Cũng thế, tâm Bi không phải là cảm xúc biệt lập. Nếu nó biệt lập thì đó có thể chỉ là cảm xúc phát sinh do sự điều-kiện-hóa hạnh kiểm dựa trên ý tưởng về lòng Bi, chớ không phải thật sự là lòng Bi.

A: Vậy thì thế nào là lòng bi mẫn thật sự?

Lòng Từ và lòng Bi thật sự, là những biểu hiện tức thời của Trí Tuệ (panna). Nếu có Trí Tuệ thì đã có Từ, Bi, Hỉ và Xả rồi. Một hành động bi mẫn đơn thuần cũng bao gồm tất cả những đức tính đó.

Thí dụ như trường hợp đứa con ghiền rượu, trí tuệ sẽ giúp bạn đủ sáng suốt để nhìn toàn bộ tình hình: bịnh ghiền đang hoành hành thế nào trên con bạn và nó có hại đến người khác hay không; toàn bộ gia đình bị ảnh hưởng thế nào, những sự khổ đau về tâm lý, xã hội và tài chánh gây ra bởi nạn ghiền rượu, vv...Bạn có thể tự tách ly và không bị ảnh hưởng bởi việc nó từ chối đề nghị của bạn, nhưng sự bình thản của bạn không nên trở thành sự lãnh đạm.

Có một sự khác biệt rất lớn và hết sức quan trọng giữa hành động tách rời mình ra khỏi cảm xúc và hành động tách rời mình ra khỏi tình thế.

Bạn vẫn có thể thật sự quan tâm và tích cực dấn thân vào bất cứ tình thế nào mà không cần phải phát tiết năng lực cảm xúc. Tuệ giác của bạn trên toàn bộ tình thế và tình thương của bạn đối với gia đình sẽ đưa bạn đến hành động đúng đắn trong tình thế đó.

B: Như vậy chúng ta có thể nói rằng trí tuệ và tình thương sẽ kiểm soát và quân bình tâm Xả?

Phải, đúng thế. Tình thương giữ cho bạn còn dấn thân vào tình thế; lòng Bi làm cho bạn hòa đồng với người khác, sự bình thản (tâm Xả) giúp bạn siêu thoát cảm xúc và nhìn sự vật một cách khách quan; và trí tuệ giúp bạn nhận ra giải pháp đúng đắn cho vấn đề hay tình thế, có lợi cho chính bạn và người khác.

A: Còn tâm Hỉ thì sao? Làm sao niềm vui có thể đến trong hành động có tính toàn bộ nầy?

Một hành động sẽ không có niềm vui nếu nó được làm trên căn bản bổn phận thuần túy. Niềm vui cũng thiếu nếu bạn giúp người vì thương hại. Bổn phận và sự thương hại thì chưa đủ cho lòng Bi thật sự. Niềm vui chỉ có mặt khi hành động phát xuất từ trí tuệ, tình thương, lòng bi mẫn và sự bình thản. Hành động đó đầy niềm vui vì nó không bị câu thúc bởi sự bám níu hay đè nặng bởi lo âu và căng thẳng.

Tình thương và niềm vui làm cho lòng Bi được vững bền. Người ta không bỏ cuộc dễ dàng cho đến khi đạt được kết quả tốt trong nghịch cảnh. Một hành động đầy niềm vui không có bám níu vào cảm xúc sẽ làm cho sự dấn thân được hoàn mãn. Ðó là hành động phát xuất từ một tâm hồn tự do.

B: Bà nói tâm hồn tự do là nghĩa thế nào?

Tâm hồn tự do là một tâm hồn không bị dính níu vào bất cứ gì, kể cả một khái niệm về lòng Bi.

B: Bà nói vậy nghĩa là sao?

Một tâm hồn tự do là một tâm hồn luôn luôn ở trong giây phút hiện tại. Bởi vì không bị dính níu vào đâu, nó có thể nhìn toàn bộ tình thế và thích ứng với những điều kiện chủ chốt - do đó bạn có thể hành động thích hợp.

Giả sử như người ghiền rượu là bạn của anh. Anh sẽ hành động hơi khác với trường hợp y là con trai của anh. Ðối với con, anh có trách nhiệm đạo đức lớn hơn đối với một người bạn rất nhiều. Hơn nữa, sự đối xử của anh sẽ thay đổi tùy theo vị thế và sự liên hệ của anh đối với người bạn đó, thái độ và sự đáp ứng của y, vv...Có nhiều yếu tố quyết định để anh có thể dấn thân đến mức độ nào. Trái lại nếu anh có một đứa con lâm bịnh, anh sẽ không ngần ngại đem đứa nhỏ vào bịnh viện, dù đứa nhỏ có hài lòng về quyết định của anh hay không. Mỗi tình huống là duy nhất và không có qui tắc cố định nào có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Chỉ có một tiêu chuẩn mà Ðức Phật vạch ra là chúng ta nên hành động thế nào để lợi người và lợi mình.

B: Như vậy không có qui tắc cứng ngắc và mau lẹ nào cho lòng bi mẫn?

Lý do chúng ta có buổi luận đàm nầy là vì tôi rất e ngại rằng sự tổng quát hóa của tôi có thể bị hiểu lầm là những chỉ dẫn cho hành động, ngay cả trên phương diện lòng Bi. Một ý tưởng cố định, hay một chỉ dẫn cho hành động, có thể là không đúng cho mọi trường hợp.

Sự dính níu dẫn đến sự điều-kiện-hóa, và mỗi khi bạn gặp một tình thế tương tợ thì bạn phản ứng theo nề nếp đó, mặc dù là tình thế có thể sai khác. Tâm thức phải hoàn toàn không bị dính níu thì lòng Bi mới thật sự đến. Mỗi tình thế là duy nhất và không giống với tình thế khác, nên chúng ta phải đối phó với nó một cách khác biệt, tùy theo yêu cầu và lợi ích của tình thế cá biệt đó. Nếu không có tuệ giác sáng tỏ và nếu hành động của bạn đem lại tai hại, thì bạn và người khác phải đau khổ một cách vô ích.

Tâm Bình Thản và Tâm Lãnh Ðạm

Tôi có một người bạn luôn luôn đến thăm tôi để bàn luận về Phật pháp mỗi khi anh có dịp tới thành phố. Anh là một Phật tử thuần thành đã học hỏi và thực tập Phật pháp nhiều năm ở Tích-lan với ông thầy viện chủ của anh. Anh ấy đã viết thơ cho tôi trước là anh muốn bàn luận bài viết của tôi về Tình Thương và Lòng Bi Mẫn. Anh vào đề ngay khi vừa tới nơi.

G: Tôi rất cảm kích về bài viết 'Tình Thương và Lòng Bi Mẫn' và tôi rất mừng khi bà viết về đề mục đó, bởi vì đây chính là một trong những vấn đề mà tôi phải đối diện với đứa con trai đang tuổi thanh niên của tôi. Thật đúng là khi đã nghiên cứu Phật pháp thì chúng ta học cách tách ly khỏi những người khác, nhưng như bà đã nói, thật là khó phân biệt giữa sự bình thản và sự lãnh đạm. Và thường khi chúng ta lầm lẫn hai thứ nầy. Tôi thấy khi tự tách ly, tôi cũng xa cách với người khác.

T: Phải, khi chúng ta bắt đầu học Phật và tìm cách áp dụng giáo pháp vào đời sống, chúng ta bắt đầu bằng cách tự tách ly, buông xả. Ðó là bởi vì chúng ta vốn đã bị điều kiện hóa, trên phương diện tâm lý và cảm xúc, để bám níu vào bất cứ gì có liên hệ với chúng ta. Chúng ta học cách tách mình khỏi tình thế thay vì bị nhận chìm và kẹt cứng trong đó, để chúng ta có thể nhìn nó một cách khách quan hơn.

G: Như là trở thành một chứng nhân?

Phải, lúc ban đầu chúng ta phải học cách làm chứng nhân chớ không dính líu với cảm xúc. Chúng ta cần phải khách quan để có thể nhìn tình huống 'như nó là' (đúng như thực tế) mà không thiên lệch.

Nhưng làm như thế thì chúng ta có thể đi tới tách mình quá mức, trừ phi chúng ta có sự hướng dẫn rõ ràng. Sự tách ly có thể lấn áp các cảm xúc khác như là sự quan tâm và chú ý đến hạnh phúc và lợi lạc của người khác. Ðiều nầy có thể dẫn tới sự phân cách tâm lý đối với họ, bởi vì chúng ta có thể nhận lầm sự thỏa mãn của mình và cho rằng mình đã làm xong bổn phận và không còn gì phải làm nữa.

G: Ðiều đó thật là đúng. Tôi cảm thấy rất khó khăn khi thuyết phục con tôi về những gì mà tôi nghĩ là sẽ tốt nhất cho nó. Bởi vì nó không thật sự đáp ứng, tôi đã trở nên tách ly phần nào lúc nầy. Tôi nghĩ là mình đã làm xong bổn phận, và từ đó thì chấp nhận hay không là tùy nó. Nếu nó không chịu thì tôi làm gì được đây? Tôi thường nghĩ như thế. Nhưng bây giờ thì tôi thấy thật là không nên.

Phải, khi chúng ta tự tách ly theo cách nào đó, thì chúng ta cũng có khuynh hướng tách ly theo những cách khác.

G: Tại sao nó xảy ra như thế?

Ðây cũng là một thứ điều kiện hóa. Trước đây, chúng ta bị điều kiện hóa để bám níu vào tất cả. Khi chúng ta học Phật pháp, chúng ta được dạy cách tách ly hay buông xả; tuy nhiên thay vì bám níu vào mọi sự vật, bây giờ chúng ta lại bám níu vào ý niệm buông xả. Do đó chúng ta bị điều kiện hóa quá mức theo chiều ngược lại. Chúng ta buông xả hầu như tất cả. Do đó khi phải đối diện với một tình thế, chúng ta có khuynh hướng buông xả cả tình thế lẫn nhân vật. Kể cả buông xả cũng có thể trở thành thói quen.

G: Một thói quen?

Bạn xem, tâm thức mình là một thứ gì rất kỳ lạ. Nó có thói quen dính níu vào một cái gì - kinh nghiệm đã qua và ký ức, tri kiến và ý niệm cũ, vv...Bởi vậy, chúng ta không thể kinh nghiệm giây phút hiện tại mà không bám níu vào một cái gì. Chúng ta bám níu vào cả đến những giáo lý cao siêu nhất.

Ý niệm buông xả cũng chỉ là một khái niệm. Khái niệm nầy có ích khi chúng ta bắt đầu học Phật, hay khi chúng ta tu tập thiền định. Nhưng cuối cùng chúng ta trở thành quá giỏi trong việc tách ly, đến nỗi chúng ta không nhận ra là mình đang bám níu vào một khái niệm khác. Từ khái niệm bản ngã chúng ta chuyển qua khái niệm vô ngã, cái ý tưởng là 'nó không can hệ gì đến tôi'. Ðiều nầy dẫn đến sự dửng dưng và thiếu quan tâm đến người khác.

Do đó, bạn có thể vô tình đóng kín lòng mình và cả trái tim đối với những người thân nhất. Ðiều nầy tạo ra ngăn cách giữa bạn và những người liên hệ.

G: Ðây có phải là điều mà bà gọi là sự lãnh đạm chăng?

Phải, đúng vậy. Từ tách ly, chúng ta vô tình bước vào sự lãnh đạm. Xin nhắc bạn, đây không phải là sự lãnh đạm cố ý, không có ý định nào đằng sau nó. Ðó chỉ là sự điều kiện hóa. Khi nào tâm mình còn đáp ứng với người khác và tình thế theo một nề nếp nào, thì tình thương và lòng bi mẫn không còn chỗ để xảy đến.

G: Vậy thì tình thương làm sao đến?

Tình thương chỉ đến trong một tâm hồn hoàn toàn tự do, không bị dính níu với bất cứ khái niệm nào - ngay cả với khái niệm buông xả. Chúng ta phải học cách tự giải thoát mình khỏi khái niệm buông xả.

G: Nhưng làm sao chúng ta tự giải thoát khỏi khái niệm nầy?

Bằng cách tỉnh giác về giây phút hiện tại. Tôi muốn nhấn mạnh điểm nầy. Khi nào bạn nhận biết là mình đang bám níu vào khái niệm buông xả, bạn sẽ buông nó đi. Trong giây phút 'buông' đó, bạn được tự do.

Có câu chuyện ngụ ngôn về một thiền sinh mỗi tay cầm một cái bình. Khi thiền sư thấy y, ông ta hét: 'Buông nó đi!', và thiền sinh buông một bình. Thiền sư lại ra lịnh 'Buông nó đi!', và thiền sinh buông cái bình còn lại. Thiền sư lại hét: 'Buông nó đi!', và thiền sinh bỗng nhiên đắc ngộ. Tất cả mọi thứ đều được buông xả từ bản tâm, thiền sinh trở nên hoàn toàn tự do. Trong giây phút hoàn toàn tự do đó, thiền sinh kinh nghiệm được Thực Tế.

Khi chúng ta nhận biết mình bị điều kiện hóa về buông xả, chúng ta tức thời siêu thoát sự điều kiện hóa. Chúng ta thôi bám níu vào ý niệm buông xả sự quan tâm và chú ý đến người khác.

Chỉ trong những giây phút tâm được hoàn toàn tự do thì sự bình thản (tâm Xả) mới siêu thoát được cả hai tình trạng tâm thức dính níu và tách ly.

Chỉ khi đó tuệ giác mới tức thời xảy đến về giải pháp tốt nhất cho tình thế. Nếu tình thế cần sự quan tâm thì chúng ta quan tâm, nếu cần sự lo lắng thì chúng ta lo lắng; nếu cần hành động hay can thiệp thì chúng ta không ngần ngại. Chúng ta buông xả và nhặt lên cùng một lúc.

G: Xin bà giải thích thêm một chút.

Chúng ta cần phải buông xả sự bám níu vào một ý tưởng cố định - thí dụ như bản ngã và ý muốn thay đổi người khác. Nhưng đồng thời chúng ta phải nhặt lên những khía cạnh thực tế của đời sống. Nói tóm lại, hãy làm cho hành động bạn có tính thuần túy - đến thẳng từ trái tim bạn.

Thí dụ như trường hợp của một đứa trẻ còn vị thành niên, sự lãnh đạm về phần của cha mẹ thật là không nên, có khi nguy hiểm nữa. Trẻ con không đủ hiểu biết và chín chắn để có thể tự quyết định trên nhiều vấn đề. Chúng cần sự quan tâm và lo lắng liên tục của chúng ta. Khi nào hành động của chúng ta không phát xuất từ lòng vị kỷ, và chúng ta có đủ tuệ giác về nhu cầu của đứa trẻ, chúng ta có thể vươn tay tới nó. Nhưng nếu để cho ý tưởng buông xả tạo ra sự ngăn cách bên trong, thì chúng ta sẽ bị tê liệt. Trước hết, chúng ta cần đối phó với vấn đề nội tâm của chúng ta, tức ý muốn kiểm soát. Sau đó chúng ta mới có thể đối phó có hiệu quả với những vấn đề bên ngoài.

G: Nhưng còn vấn đề làm chứng nhân? Nếu chỉ là chứng nhân thì chúng ta không quan tâm và dấn thân.

Ðiều đó đúng. Lúc ban đầu, bạn cần học làm chứng nhân - để tách ly mình khỏi cảm xúc về tình thế. Nhưng làm chứng nhân chỉ là một giai đoạn trong tiến trình học tập cách nhìn khách quan. Khi chúng ta đã học cách nhìn khách quan xong, chúng ta phải bước trở vào những bi kịch của đời sống.

G: Nhưng có thể nào chúng ta lại bị kẹt cứng trong chu trình phiền não như trước?

Phải, đó là một sự nguy hiểm. Nếu bạn không đạt được tuệ giác nào nhờ sự rút lui của mình, bạn có thể lại bước vào chu trình phiền não cũ. Nhưng nếu bạn biết cách 'buông xả và nhặt lên' đồng thời thì bạn không còn bị kẹt cứng nữa.

Bạn thấy, khi bước trở vào những bi kịch của đời sống, bạn bước vào một cách khác. Bây giờ, bạn hành động với hiểu biết sáng suốt chớ không phải với sợ hãi hay ngu tối. Trước kia, bạn nhìn tình thế qua bản ngã - bạn nhìn sự vật qua lăng kính. Không thể thấy được toàn bộ tình thế nếu chúng ta muốn kiểm soát tình thế. Trước đây, điều quan trọng hơn là thỏa mãn bản ngã của mình. Bây giờ, sau khi bước lui và bỏ đi lăng kính, bạn có thể thấy được toàn bộ khung cảnh của những gì đang xảy ra chung quanh.

Khi bạn càng có tự do trong giây phút hiện tại, bạn càng có thể thấy rõ ràng tình thế. Sự sáng tỏ nầy đem đến với nó sự nhạy cảm và lòng bi mẫn đối với người khác, nhờ đó bạn vẫn còn dấn thân mặc dầu họ không đáp ứng tức thời. Bạn có thể kiên nhẫn tìm cách làm lợi lạc cho người khác, bởi vì bạn không bị cảm xúc đè nặng. Hành động dấn thân tự nó trở thành niềm vui bởi vì đó là một hành động tự do, một hành động từ tình thương thuần túy và sự tức thời. Bạn là một phần của toàn thể, bạn không còn bị cô lập đối với người khác. Bạn liên hệ với họ mà không đánh mất chính mình trong những vấn đề của họ. Bạn đứng tự do, nhưng không xa cách. Ðó là sự bình thản thật sự.

Lạc Thú Giác Quan

SDD: Tôi vừa đọc được một bài viết về lạc thú xác thân của một giáo sư Phật học nổi tiếng, ông nói tại sao lạc thú giác- quan là tai họa cho nhân loại. Ông giải thích tại sao sự bám níu vào lạc thú xác thân tạo ra nhiều vấn đề cho xã hội.

T: Thật đúng là có sự quá trụy lạc trong lạc thú giác quan. Rõ ràng là xã hội tân thời đã quá chú trọng đến lạc thú xác thân đến nỗi trở thành nô lệ cho chúng. Chúng ta hãy nhìn một cách khách quan vào cội rễ của vấn đề. Bằng không, chúng ta lại rơi vào cạm bẫy của sự chối bỏ thế giới giác quan hay chạy trốn nó, và cuối cùng thì điều nầy cũng tai hại như là làm nô lệ cho chúng. Có thể chúng ta bị kẹt cứng trong sự chối từ thế giới giác quan.

SDD: Sao lại thế?

Nếu bạn nghĩ rằng quá chú tâm tới thế giới giác quan là cội rễ của vấn đề, thì bạn có thể có cảm giác tội lỗi khi hưởng thụ lạc thú. Bạn có thể trở nên sợ hãi việc kinh nghiệm lạc thú giác quan. Ðiều nầy dẫn tới sự trốn tránh và ám ảnh sợ hãi, nếu bạn không cẩn thận.

SDD: Vậy thì giải pháp cho vấn đề là thế nào?

Sự khao khát lạc thú xác thân phần lớn là do cảm giác bất an và sự thiếu tuệ giác. Chúng ta không biết mình thiếu cái gì, nên chạy tìm ở bên ngoài. Chúng ta cố lấp đầy khoảng trống cảm xúc bằng đủ loại giải trí. Và dĩ nhiên, với ngành thương mại ào ạt hiện nay, việc thuận tiện nhất cho chúng ta là đắm mình vào đủ loại kinh nghiệm đem lại lạc thú giác quan. Nhưng rồi thế nào chúng ta cũng nhận thấy là chu trình trụy lạc - tìm kiếm không có chấm dứt. Không thể có sự thỏa mãn tuyệt đối và bền lâu từ lạc thú xác thân, bởi vì chúng ta không có tự do trong giây phút hiện tại.

SDD: Tại sao như thế?

Tâm chúng ta, trong tình trạng bất an, cần phải bám níu vào một cái gì - sở hữu vật chất, lạc thú giác quan, giải trí, tài sản, danh tiếng, thành công, ...gần như bất cứ thứ gì trên thế gian nầy - để lấp đầy khoảng trống cảm xúc. Thật ra, những thứ nầy chỉ cho chúng ta cảm giác an ninh giả dối hay sự thỏa mãn tạm thời thôi.

SDD: Làm sao đối phó với cảm giác bất an?

Chỉ có một cách đối phó với cảm giác bất an mà thôi.

SDD: Ðó là cách nào?

Ðó là đi đến sự hiểu biết là chúng ta không thể tìm được an ninh bất cứ ở đâu và trong bất cứ gì.

SDD: Ồ, sao lại thế?

Chính là sự tìm kiếm an ninh đã làm cho tâm chúng ta bất an; bởi vì tâm bị trói buộc vào sự tìm kiếm cho nên nó không được tự do kinh nghiệm những gì có thể tìm được trong giây phút hiện tại. Chúng ta có khuynh hướng phóng tâm vào tương lai, cho nên chúng ta không thể sống hoàn toàn trong giây phút hiện tại; chúng ta chỉ kinh nghiệm được hiện tại phần nào thôi. Do đó chúng ta không kinh nghiệm được sự tươi mát của giây phút hiện tại. Nhưng nếu mỗi giây phút xảy tới được kinh nghiệm trọn vẹn, vẻ đẹp và niềm vui của khung cảnh chung quanh sẽ trở nên rất hiển nhiên đến nỗi chúng ta không cần tìm sự thỏa mãn ở nơi nào khác.

SDD: Nhưng làm sao chúng ta học cách sống trong giây phút hiện tại?

Chúng ta lại trở lại cách sống tỉnh giác với giây phút hiện tại.

SDD: Tỉnh giác về cái gì? Tỉnh giác về thân thể hay là về chuyện ta đang làm?

Tỉnh giác về thân thể giúp bạn hiện hữu trong giây phút hiện tại, nhưng điều quan trọng nhất là nhận biết sự tự do của chính mình trong giây phút đó. Nếu bạn bắt đầu muốn nầy muốn nọ, nghĩ về quá khứ và nghĩ cách hưởng thụ trong tương lai, bạn không còn tự do. Giây phút hiện tại bị dục vọng xâm chiếm và do đó sự tự do bản nhiên của bạn trong giây phút đó sẽ bị mất đi.

SDD: Bà muốn nói là chúng ta bản nhiên vốn là tự do nhưng đã tự làm mình mất tự do?

Phải, giống như là bạn bị cột chặc bằng một sợi dây vô hình, bởi chính bạn chớ không do ai khác.

SDD: Bà muốn nói là, khi mình nhận biết rằng không có sợi dây nào trói mình, thì mình đã được tự do rồi?

Thật đúng như vậy. Từ đó, bạn trở về với sự tự do bản nhiên trong giây phút hiện tại, và bạn có thể kinh nghiệm mọi sự liên hệ một cách tươi mát, trong đời sống thường ngày. Ngay cả những sự vật bình thường nhất cũng trở nên hoàn hảo, và bạn không cần phải đi tìm tự do ở nơi nào khác hay lệ thuộc vào những kinh nghiệm mới và lạc thú xác thân. Bạn thấy, sự tự do bản nhiên trong chúng ta là một cái gì vĩnh cữu, bởi vì nó là bản chất bẩm sinh của sự hiện hữu nơi chúng ta; nó là một món quà thiên nhiên của đời sống. Tất cả những gì bên ngoài chúng ta đều là giả tạo và kém khuyết.

Như vậy, để có tự do đối với lạc thú giác quan không phải là bám níu hay chạy trốn nó, mà chúng ta phải học cách để được tự do nội tâm. Từ căn bản tự do bên trong nầy, các giác quan không còn đe dọa hay lôi cuốn bạn được nữa. Do đó bạn có khả năng kinh nghiệm lạc thú giác quan mà không trở thành nô lệ cho chúng.

Thật ra, chúng ta học Phật pháp không phải là để tự khép kín đối với thế giới bên ngoài hay ngược lại làm nô lệ cho nó, mà là để đạt tới sự tự do bản nhiên và bẩm sinh của chúng ta. Từ đó chúng ta có thể kinh nghiệm thế giới đúng như thực tế, trong cái đẹp và cái xấu, trong cái bình thường và cái siêu việt - mà không bị trở ngại hay kẹt cứng trong những cạm bẫy của đời sống.

Hình Thức Bên Ngoài

D: Bà nói là chúng ta không nên bám níu vào hình thức và cũng không nên chối bỏ nó. Làm sao biết là chúng ta có bám níu hay không?

T: Ðiều đó tùy thuộc bạn có tự mâu thuẫn về hình thức hay không. Xã hội chúng ta cần vài loại hình thức. Người ta mong đợi bạn xử sự theo cách nào đó, và ăn mặc theo một lối nào đó. Chân lý tương đối nầy gọi là Pannati. Nó có nghĩa là hiểu biết hình thức nào thích hợp cho tình thế đó. Nhưng nếu bạn bám níu vào hình thức, tâm bạn trở nên cứng ngắc và bạn làm nô lệ cho hình thức. Ngược lại, nếu bạn chối bỏ hình thức mà bạn đang ở trong đó, bạn cũng bị nô lệ hóa.

D: Tại sao thế?

Khi bạn chối từ cái gì, bạn đang bám níu vào sự chối từ đó. Tâm bạn bị dính níu vào sự chối bỏ. Dù bám níu hay chối bỏ, tâm bạn bị dính níu và không bao giờ thoát khỏi sự xung đột. Bạn luôn luôn đấu tranh.

D: Làm sao thoát khỏi sự dính níu nầy?

Bạn phải siêu thoát nhị nguyên của hình thức và không hình thức.

Bạn bám níu hay chối bỏ bởi vì bạn đã dựng lên sự 'thích' hay 'không thích' trong tâm. Có thể là bạn chối bỏ một hình thức qui định. Mặc dù chân lý nầy là tương đối, nó vẫn là qui tắc được chấp nhận trong lúc đó. Nếu bạn nổi loạn chống lại hình thức, bạn không thể chấp nhận sự vật đúng như thực tế.

D: Nhưng làm sao chúng ta có thể chấp nhận một hình thức khi nó ngược lại với sự phán đoán tốt hơn của chúng ta?

Ðây đúng là trọng tâm của vấn đề. Chính là vì sự phán đoán giá trị mà chúng ta không thể nhìn sự vật 'như chúng là'. Chúng ta nhìn sự vật theo lối suy tư của chúng ta. Sự thích và không thích trở thành khuôn mẫu định chuẩn của chúng ta. Chúng ta chối bỏ ngay những gì không thích hợp với khuôn mẫu. Ngược lại nếu cái gì hợp khuôn thì chúng ta ôm lấy làm sở hữu. Tâm chúng ta luôn luôn nhảy chuyền giữa hai thái cực nầy, bám níu và chối bỏ. Khi nào bản tâm còn bị phân cực như thế, chúng ta luôn luôn bị dính níu vào thích và không thích, thì làm sao chúng ta có thể nhìn hình thức đúng như thực tế?

D: Vậy thì chúng ta phải làm sao?

Bạn không cần làm gì khác trừ việc học cách giữ tâm im lặng, không phán đoán hình thức. Khi bạn ngưng phán đoán thì thích và không thích cũng ngưng, và bám níu hay chối bỏ cũng không còn. Một khi dừng phán đoán, bạn sẽ thấy hình thức là hình thức, không hơn không kém. Bạn sẽ thấy nó 'như nó là' và bạn có thể liên hệ với nó một cách tự do.

Không bị cản trở bởi chối bỏ hay bám níu, bạn có thể hoạt động với cả hình thức hay không hình thức.

Nhận Thức Bình Thường

Khi là bạn thân, và càng thân hơn trong tâm linh, người ta có thể liên hệ với nhau một cách cởi mở và tự do mà không có một giới hạn nào.

E: Tôi nhận thức được một sự yên tịnh thật là bình an và tuyệt vời bên trong, đến nỗi tôi cảm thấy như là mình đang sống trong một tổ kén.

T: Ðây chỉ là một giai đoạn. Nó sẽ trôi qua, và sau đó sẽ trở thành bình thường. Sự bình an không có gì đặc biệt.

E: Nhưng đây không phải là bình thường! Tôi đã cảm nhận được sự bình an nầy khi còn rất trẻ, nhưng khi lớn lên tôi trở thành đầy nghẹt cảm xúc, mâu thuẫn và bực bội, và tôi đánh mất sự yên tịnh nầy. Bây giờ đây, nhờ thiền định và học Phật pháp mà tôi bắt đầu kinh nghiệm nó trở lại! Ðây nhất định là chuyện tuyệt vời chớ không phải bình thường. Tôi cho bình thường là những nóng giận và bực bội mà tôi có trước đây. Bây giờ chúng không còn nữa. Ðó là điều mà tôi cho là không bình thường.

Ðúng là cảm giác kỳ thú và tuyệt vời làm cho mình cảm thấy như mình được bao bọc trong tổ kén. Ðây chỉ là lúc ban đầu. Cảm giác tuyệt diệu nầy - hay bạn gọi nó là cái gì cũng được - sẽ tan đi giống như mọi chuyện khác. Ngay lúc nầy, bạn cảm thấy mình cách biệt với người khác, và có thể nghĩ là mình ở trên họ. Thật ra, không có trên hay dưới. Chúng ta đều là con người. Mỗi người trong chúng ta đều có sự yên tịnh nội tâm.

Chúng ta không hơn hay kém người khác trên phương diện nầy.

Chúng ta chỉ được may mắn hơn người khác là chúng ta được ở trong hoàn cảnh có thể học tập để kinh nghiệm được tính bản nhiên nầy.

E: Bà muốn nói ai cũng có sự yên tịnh nầy trong tâm?

Dĩ nhiên. Hầu hết người ta không nhận thức được sự bình an nầy bởi vì họ bị kẹt cứng với cảm xúc và những gì xảy ra bên ngoài họ. Trong Phật giáo gọi đây là lầm lạc (moha). Sự kiện chúng ta biết quán tâm không làm chúng ta khác biệt với người khác. Nếu chúng ta nghĩ mình khác biệt, chúng ta tạo ra một hố sâu giữa họ và chúng ta. Chúng ta tạo ra một phân cách tâm lý và không bao giờ có thể hòa đồng với họ.

E: Nhưng tại sao bà nói nhận thức nầy là bình thường?

Ừ, bạn thấy, có thể đối với bạn ngay lúc nầy nó có vẻ đặc biệt bởi vì đã từ lâu bạn hoạt động với một tâm thức nổi sóng. Nhưng sự mới lạ nầy sẽ mòn đi và nhận thức bình an sẽ trở thành bản chất thứ hai. Khi bạn trở nên quen thuộc với tâm trạng tương đối mới đó, nó trở thành lối hiện hữu bình thường, nhận thức thường ngày. Chỉ có khác là trước kia nhận thức của bạn bị cột trói bởi ngoại cảnh, cảm xúc và rối loạn. Bây giờ nó đã biết cách ở lại trong sự bình an của chính nó.

E: Nhưng tại sao ta đánh mất bình an?

Chúng ta không bao giờ đánh mất bình an, nó lúc nào cũng ở đó. Chỉ vì chúng ta quá bận bịu với cảm xúc nên không nhận thức được tình trạng bình an của chúng ta. Tình trạng bình an nầy không có gì đặc biệt. Nhưng chúng ta phải rất cẩn thận ở đây. Nếu chúng ta cứ nghĩ sự yên tịnh nầy là đặc biệt, chúng ta bám níu vào nó. Sự bám níu nầy rất tế nhị và tinh vi nên rất khó nhìn ra trong tâm. Ta không nhận ra là mình vẫn còn đi trên con đường bản ngã vi tế. Khi điều nầy còn xảy ra thì, dù cho bạn có kinh nghiệm được an tịnh qua Ðịnh đi nữa, vẫn không có cơ hội cho Trí Tuệ (panna) xảy tới.

E: Tại sao vậy?

Một tâm thức rất tập trung, nếu chưa được hoàn toàn tự do, vẫn cản trở sự xuất hiện của trí tuệ. Bạn thấy, khi đạt được định, mặc dầu bạn có thể phá trừ phiền não phần nào, chúng vẫn chưa dứt tuyệt. Sự tập trung (định) giúp tâm mình có được sự nhạy bén hơn bình thường. Sự nhạy cảm là cái gì kinh nghiệm được bình an và im lặng một cách rõ ràng. Nhưng an tịnh do sự nhạy cảm đem lại có khuyết điểm là rất độc đáo và tuyệt vời nên người ta hay bám níu vào nó. Do đó mình trở thành quan trọng. Nhiều người bị kẹt cách nầy và không thể tiến xa hơn từ đó.

E: Chẳng lẽ chúng ta lại không cần định (samadhi) để đạt được trí tuệ (panna)?

Dĩ nhiên là cần, nhưng chúng ta phải hiểu rõ ràng. Có hai loại định. Ngoài loại Jhanic Samadhi (định sâu do tọa thiền) còn có loại Khanikha Samadhi (định tạm thời trong khi sinh hoạt). Loại định sau nầy tuy tạm thời nhưng đủ sức xuyên thấu để đạt ngộ. Khanika Samadhi có thể xảy ra mà không cần nỗ lực ngồi thiền, nếu tâm trạng và tình huống thích hợp. Ngay cả trong định tọa thiền (jhanic samadhi), sự đạt ngộ hay vô ngã (anatta) chỉ là tạm thời. Sau đó, ta trở về ý thức bình thuờng.

Sự xuất hiện của tuệ giác trong 'định tạm thời' thì xảy ra với ít hay không có những kinh nghiệm huyền diệu hay cảm giác hạnh phúc tuyệt vời thường gặp trong 'định tọa thiền'. Do đó hành giả không có cơ hội bám níu cảm giác hạnh phúc. Trước khi họ biết nó, thì họ đã trở lại với ý thức bình thường rồi.

E: Nhưng phải chăng những người có kinh nghiệm 'định tạm thời' cũng gom chứa được một vài kinh nghiệm mà họ cố bám vào?

Dĩ nhiên là có, và do đó trong mọi trường hợp cần có bàn tay hướng dẫn giúp họ tự giải phóng khỏi những thành đạt của chính họ. Như tôi đang nói đây, sự bám níu vào tiến bộ của chính mình trên đường tâm linh thì thật là rất vi tế, cho nên lúc nào chúng ta cũng khó thấy được nó trong tâm.

E: Một vị thầy có thể thấy biết điều nầy chăng?

Ðiều đó tùy thuộc vào sự nhạy cảm của vị thầy và kinh nghiệm riêng của thiền sinh. Nhưng một vị thầy minh triết thật sự phải có khả năng khám phá chỗ bám níu và đâu là vấn đề của thiền sinh để có thể giúp đỡ thích đáng. Tôi còn nhớ rõ cách đây 18 năm khi các sư phụ rầy tôi tơi bời vì đầu tôi 'phình to'. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình thật là may mắn được thọ hưởng lòng từ bi cao cả của các ngài.

E: Có lẽ bà cảm thấy rất đau vào lúc đó?

Dĩ nhiên là rất đau. Lúc đó tôi mới 33 tuổi và là người nữ duy nhất trong pháp hội. Bạn thử tưởng tượng xem tôi được thổi phồng cách nào với tất cả những lời khen tặng và sự chú ý mà tôi có được? Các vị sư phụ thấy được tất cả nên đích thân chỉnh tôi. Các ngài dạy tôi tinh yếu và giá trị của sự khiêm tốn. Từ đó tôi học được là sự thành đạt tâm linh không có trí tuệ và khiêm tốn là vô ích đối với bản thân và nhân loại.

Tinh yếu của con đường tâm linh chỉ là ở cái đẹp của sự bình thường, trong vòng thế tục và trong sự siêu thoát ngăn cách giữa tâm linh và sự bình thường.

-ooOoo-

Ðầu trang | Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 04-03-2003