BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lịch Sử Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm
Maha Thongkham Medhivongs


  

THIÊN THỨ MƯỜI BA (d)

NHỮNG CHUYỆN LẠ XẢY RA TRONG BỐN MƯƠI LĂM NĂM
TRUYỀN ÐẠO CỦA ÐỨC PHẬT TỔ CỒ ÐÀM (tt)

-ooOoo-

HÓA ÐỘ PHẠM THIÊN TÀ KIẾN PHAKÀ

DUGGÀHADITTHIBHUJAGENA SUDATTHA- HATTHAM
BHRAHMAM VISUDDHIJUTIMIDDHIBA KÀBHID- HÀNAM.
NÀNÀGADENA VIDHINÀ JITAVÀ MUNINDO
TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMANGALÀNI.

Nghĩa: Ðức Phật cảm thắng Phạm Thiên tên Bá Ca (Phakà) người tự cho mình là cao thượng vì đức trong sạch có thần thông và chấp hẳn tà kiến. Ðức Chánh Biến Tri đã cảm thắng được vị Ðại Phạm Thiên ấy. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho sự hạnh phúc phát sanh đến người.

CHUYỆN TÍCH

Lúc nọ đức Ðại Giác ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc gần thành Thất La Phiệt. Ngài gọi chư Tỳ khưu Tăng đến và dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, có lúc nọ Như Lai ngự dưới cội cây to tại rừng Subhavana. Khi ấy tâm của vị Phạm Thiên tên là Bá Ca sanh tà kiến nghĩ rằng: Không có già, không có chết, cũng không có Niết Bàn. Nầy chư Tỳ khưu khi ấy Như Lai hiểu rõ ý nghĩ của vị Phạm Thiên, đứng lên, trong nháy mắt Như Lai ở trong cõi Phạm Thiên, cũng ví như người duỗi tay ra và co vào.

Khi Phạm Thiên Bá Ca thấy Như Lai từ xa ngự đến; liền tỏ lời thỉnh cầu Như Lai ngự vào tòa lầu đài của y. Xong mới bày tỏ ý tưởng, và sự tin tưởng của ông ta.

Khi ấy Như Lai liền dạy rằng: Nầy Phạm Thiên, ta lấy làm kinh sợ dùm ngươi, vì ngươi đã bị vô minh che ám, làm tối mê, nói lời tà kiến. Những vật gì không thường ngươi cho là thường, vật gì bị hư hại ngươi lại cho là bền vững. Hơn nữa ngươi lại có ý kiến si mê lầm lẫn rằng: Vật nầy không già, không chết, không thay đổi, không sanh. Ngươi lại nói: Vật gì rất cao quí là nhân diệt khổ, vật ấy không bao giờ có. Nầy Bá Ca những lời của người nói toàn là lời tà kiến. Vì nguyên nhân bởi Ma vương theo bên ngươi và tìm thế phá hoại đời ngươi. (Ma vương nơi đây đức Thế Tôn ngụ ý dạy là Phiền não Ma vương).

Nầy các thầy Tỳ khưu, Như Lai biết rõ rằng: Ma vương đã ngự trị trong tâm của Phạm Thiên tên Bá Ca, nên Phạm Thiên Bá Ca mới nói với Như Lai như vậy. Khi ấy Như Lai liền dạy rằng: Nầy Ma vương, ngươi là hạng ác quỉ. Chắc ngươi tưởng rằng: Như Lai không biết: ngươi đang tàng ẩn trong thâm tâm của Phạm Thiên Bá Ca để làm cho Phạm Thiên Bá Ca phải bị dưới quyền sai khiến của ngươi. Ngươi lầm tưởng rằng: Ngươi là thiện nhân, Như Lai là đấng tối cao trong tam giới không ở dưới quyền kiểm soát của ngươi. Như Lai đã tạo ra Trí tuệ Ba la mật đến bờ cao thượng. Nầy các thầy Tỳ khưu khi Như Lai dạy như vậy Phạm Thiện Bá Ca mới nói với Như Lai rằng: Nầy người giải thoát kia, không có vật gì hoàn toàn an vui giải thoát khỏi bốn cái khổ vĩ đại đâu.

Như Lai liền dạy rằng: Như Lai đã biết rằng: Ngươi có thần thông quảng đại. Rồi Như Lai bảo cho Phạm Thiên biết rằng: Trí tuệ của Như Lai có thể hiểu thông những gì trong tam giới mà không có nhân vật nào hiểu rõ được. Như Lai có trí tuệ hiểu rõ quả của chúng sanh thọ hưởng đã làm trong kiếp trước và đời vị lai, Như Lai biết rõ việc trong tam thế của tất cả chúng sanh như hiểu rõ có bao nhiêu nước của đại dương. Như Lai là đấng có trí tuệ vô lượng vô biên hơn tất cả nhân vật trong tam giới. Như Lai được hồng danh là đấng Cao thư?ng hơn tất cả chư Thiên, Phạm Thiên và nhân loại bởi Như Lai là đấng có trí tuệ vô lượng vô biên.

Phạm Thiên liền nói: Nầy người tìm cõi chết kia ơi, người đến khoe với ta rằng: Thấy rõ quả tội phước của chúng sanh, ta vẫn chưa tin, vậy ông không nên nói lời ấy với ta nữa, ông là người tà kiến đáng lẽ ra phải bị đọa vào địa ngục.

Như Lai liền bảo rằng: Nầy Phạm Thiên, ngươi dùng câu ấy nói với Như Lai có ích chi cho ngươi. Tất cả chư Phật quá khứ hằng có tâm từ bi thuyết pháp độ tín đồ đắc đạo quả nhiều không số kể. Như Lai cũng thuyết pháp độ đời như các vị quá khứ. Nầy Phạm Thiên, ngươi không nên theo về tà kiến. Không phải tà kiến chỉ xấu không thôi mà nó lại là nguyên nhân làm hại cho người làm những điều tội ác. Nầy Phạm Thiên, ngươi hằng tự khoe mình là bực có thần thông quảng đại không ai bằng. Vậy ngươi hãy tàng hình cho ta xem ta mới khen ngươi.

Phạm Thiên tàng hình liền, nhưng đức Thế Tôn dùng thần thông không cho y dùng phép ấy được. Khi Ngài để cho ông ta tàng hình được Ngài lại chỉ chỗ của ông ta đang ẩn trú nơi đầu non góc núi nào cũng như là ở ngay trước mắt Ngài. Phạm Thiên tức mình liền hóa ra một hột cát ở giữa đại dương. Ðức Thế Tôn liền lượm hột cát ấy lên để trong lòng bàn tay. Thật tam giới rộng lớn vô lượng vô biên nơi nào Phạm Thiên cũng có thể đến được. Nhưng không có chỗ nào khả dĩ gọi là trốn khỏi đức Thế Tôn được. Phạm Thiên Bá Ca lấy làm hổ thẹn mới trở vào ngồi trong lầu của ông ta. Khi đức Thế Tôn vừa ngự đến thì chư Phạm Thiên hàng chánh kiến liền rủ nhau đến nơi Phật ngự để nghe đức Thế Tôn thuyết pháp độ ông Phạm Thiên tà kiến ấy, khi thấy ông Phạm Thiên Bá Ca không còn lối nào thoát khỏi Tuệ giác Phật, nên đồng hoan hô đức Thế Tôn và cười chê vị Phạm Thiên tà kiến kia.

Phạm Thiên Bá Ca không thể chịu được lời cười chê của các vị Phạm Thiên khác, nên ông lại nói với đức Phật rằng: Nầy ông Sa môn, vậy ông hãy tàng hình đi, nếu ông tránh khỏi mắt ta thì ta khen ông.

Nói dứt tiếng thì đức Thế Tôn biến mất liền, chẳng những là ông Phạm Thiên tà kiến ấy không thấy mà tất cả chư Phạm Thiên có mặt nơi ấy cũng không ai trông thấy cả. Khi ấy các vị Phạm Thiên đều nghe tiếng đức Thế Tôn thuyết pháp ở giữa đám Phạm Thiên mà không sao thấy người. Thuyết xong thời pháp Ngài liền hiện ra cho chư Phạm Thiên thấy.

Lại bị thất bại một lần nữa nên ông Phạm Thiên Bá Ca cả thẹn đi một nơi xa các vị Phạm Thiên khác. Ðức Thế Tôn nghĩ: Phạm Thiên Bá Ca là người có thần thông hơn cả các vị khác, mà tìm nơi ngồi yên như thế nầy, chắc chắn y buồn phiền lắm, vậy ta phải làm sao hóa độ cho được. Rồi đức Thế Tôn liền cố tình thuyết pháp những chuyện tích của ông Phạm Thiên Bá Ca đã làm khi xưa mà chính bản thân ông ta cũng không nhớ và biết được, nhờ đức Thế Tôn nhắc nên ông được nhớ thêm năm trăm kiếp trước kiếp ấy, đến cùng năm trăm kiếp ấy ông không còn biết được thêm. Ðức Thế Tôn lại nhắc cho ông ta nhớ thêm một kiếp nữa là làm cho ông nhớ thêm được năm trăm kiếp nữa. Ðức Thế Tôn hành động như thế nhiều lần làm cho Phạm Thiên ấy cảm phục trí tuệ vô lượng vô biên của đấng Ðại Giác và ông ta tin chắc rằng: Ông ta không thể nào bằng đức Thế Tôn được. Ông phát tâm trong sạch và kính mến đức Thế Tôn nên ông bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Ngài là đấng Ðại Từ Bi nên Ngài mới ngự đến cõi Phạm Thiên nầy, dùng hào quang của Ngài sáng bao trùm cả cõi Phạm Thiên, Ngài lại còn dùng ánh sáng giải thoát là Pháp bảo đem tiền tích của tôi ra nhắc tôi. Nhờ nơi ấy mà làm cho trí tuệ tôi phát sanh, suy nghĩ thấy vô số kiếp luân hồi của tôi từ trước. Thật đức Thế Tôn là đấng siêu việt cao cả nhứt trong tam thế. Tôi đã phá được lưới vô minh và tà kiến.

Khi đức Thế Tôn biết rằng: Phạm Thiên Bá Ca đã diệt được tà kiến nên Ngài thuyết: Nầy Phạm Thiên, Như Lai là đấng cao cả, trưởng thượng hơn hết trong tam giới nầy, là đấng mà chúng sanh nương nhờ được. Hơn ấy nữa tâm của Như Lai không hề rung động và bão tố. Rồi đức Thế Tôn thuyết Tứ Diệu Ðế.

Sau khi dứt thời pháp có một muôn vị Phạm Thiên đắc đạo quả và phát tâm trong sạch với Tam bảo.

Riêng Ma vương cảm thấy rất hổ thẹn vì nghĩ rằng: Nếu như thế nầy thì nền móng của ta sắp bị sụp đổ. Vậy ta phải nhập vào làm cho vị Phạm Thiên nầy chống lại với ông Sa môn Cồ Ðàm. Nghĩ xong Ma vương liền nhập vào cho vị Phạm Thiên. Vị Ðại Phạm Thiên ấy liền nói: Thưa ông Sa môn Cồ Ðàm, Ngài đem pháp Tứ Diệu Ðế ra dạy tín đồ chắc chắn sẽ không đem gì lợi ích lại cho đệ tử ông đâu. Vì họ sẽ bị đọa vào bốn đường ác để chịu khổ thôi. Vậy từ đây Ngài đừng bao giờ đem lý thuyết ra dạy đời nữa. Tất cả Phạm Thiên có mặt nơi đây đều là nhờ cúng dường thần lửa, nên được sanh vào cõi nầy.

Ðức Thế Tôn lại dạy vị Ðại Phạm Thiên ấy một lần nữa và cho Ma vương biết rằng: Nên chuẩn bị trốn đi là vừa.

Phạm Thiên Bá Ca hết lòng trong sạch vâng giữ hành theo lời Phật dạy, hành theo Vô thường, Khổ não, Vô ngã, nghĩa là dùng Minh sát tuệ nhớ đến những pháp ấy không dám dễ duôi, và hết lòng ca tụng công đức Tam bảo.

Ðức Thế Tôn biết các vị Phạm Thiên ấy không còn tà kiến nữa nên Ngài trở về cõi đời.

Ðây tôi (tác giả) sưu tầm tám tích nầy để phối hợp tám câu kệ ngôn trong kinh tụng của Ngài Ðại Ðức Hộ Tông. Và chỉ thêm hầu quí vị thấy rằng: Ðây là những chuyện lạ trong thời kỳ Phật còn tại thế và bốn mươi lăm năm thuyết pháp của Ngài gặp những chuyện rắc rối như quí Ngài đã thấy.

CHUYỆN ÐỨC VUA SUPPABUDDHA (THIỆN GIÁC)

Khi đức Thế Tôn ngự tại chùa Nigrodha ở kinh đô Ca Tỳ La Vệ. Ðức vua Suppabuddha (Tàu dịch Thiện Giác) cột oan trái với Phật rằng: Sĩ Ðạt Ta bỏ con gái ta là Gia Du Ðà La đi xuất gia, con trai ta là Ðề Bà Ðạt Ða cũng xuất gia theo, Sĩ Ðạt Ta cũng chẳng ngó ngàng gì tới, trái lại còn oán thù ghét bỏ con ta.

Ngày kia ông nghĩ rằng: Ta sẽ không cho Sĩ Ðạt Ta đi thọ thực nơi nhà thí chủ thỉnh cầu đến để cúng dường. Ngài liền truyền quân lấy chướng ngại vật bít đường không cho đức Thế Tôn ngự đi thọ thực. Còn Ngài thì ngự nơi giữa đường uống nước.

Khi đức Thế Tôn và chư Tăng ngự đến nơi ấy không đi tới được, có người đến tâu với Ngài rằng: Có đức Thế Tôn ngự đến ngang qua nơi nầy.

Ngài bảo: Các người hãy trở lại và bảo cho Thái tử Sĩ Ðạt Ta biết rằng: Sĩ Ðạt Ta không lớn hơn ta, nên ta không nhường đường cho Sĩ Ðạt Ta.

Mặc dầu những người ấy hết lòng van xin cầu khẩn, Ngài cũng nhứt định không bao giờ nhường đường cho đức Thế Tôn ngự qua. Ngài ngồi tự nhiên và uống trà.

Ðức Thế Tôn bị chận đường nên không đi được, Ngài liền ngự trở về. Ðức vua Thiện Giác thấy đức Thế Tôn trở về Ngài liền cho mật vụ của Ngài theo và dạy rằng: Ngươi hãy theo dò coi Sa môn Cồ Ðàm có nói gì về việc ta cản đường không và trở lại cho ta biết.

Khi đức Thế Tôn ngự trở về Ngài không hề nói lời nào nhưng chỉ mỉm cười thôi. Ðức Ananda lấy làm lạ vì vị Chánh đẳng Chánh giác không bao giờ cười vì vui hay tỏ vẻ buồn. Nên Ngài liền hỏi đức Thế Tôn: Bạch đức Thế Tôn có chuyện chi lạ mà Ngài mỉm cười.

- Nầy Ananda , ngươi có thấy đức vua Thiện Giác chớ?

- Bạch Ngài, có thấy.

- Ngài chận đường của một đ?ng Giác Ngộ như Như Lai, Ngài sẽ bị đất rút chết tại nơi chân thang lầu của Ngài vào ngày thứ bảy kể từ ngày hôm nay. (Nghĩa là bỏ hôm nay còn sáu ngày nữa).

Mật thám của nhà vua nghe vậy liền về báo cho Ngài biết. Ðức vua nghe vậy mới phán rằng: Lẽ thường, nếu cháu ta nói điều nào thì chắc chắn là không sai chạy, vậy lần nầy ta phải làm sao cho cháu ta thành ra kẻ nói dối mới được. Nó nói ta bị đất rút tại chân cầu thang. Vậy thì kể từ hôm nay tới ngày thứ bảy ta sẽ không xuống nơi chân cầu thang; thì làm gì có chuyện ấy. Ðến khi quá bảy ngày thì ta lại bêu xấu chuyện nầy.

Ðức vua liền truyền đem những vật mà Ngài thường cần dùng hết lên từng lầu thứ bảy, rồi Ngài ngự trên từng lầu ấy, xong Ngài dạy đem thang lầu đi nơi khác; Ngài định không có thang thì Ngài không thể quên mà xuống đất được. Nơi cửa phòng Ngài để một đô vật thật tài; và mỗi từng lầu đều có để đô vật ở nơi ấy. Ngài dạy rằng: Khi nào thấy ta ra cửa nên đẩy vào, và khi nào ta đến thang lầu nên ném ta vào, hay ta xuống tới từng dưới thì các ngươi hãy ném ta lên. Sự sắp đặt của Ngài thật chu đáo, thời gian lặng lẽ qua sáu ngày rồi không có chuyện gì xảy ra.

Ðức Thế Tôn nghe sự canh phòng cẩn mật của nhà vua Ngài mới thuyết rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, đức vua Thiện Giác ở trên từng lầu bảy như vậy cũng còn chưa đủ, dầu cho Ngài có ngự trên tảng đá giữa hư không, hay ngồi trên hư không, hoặc đi thuyền ra giữa đại dương hay là ngồi trong hòm kín.

Một khi mà đức Chánh đẳng Chánh giác đã nói thì lời nói ấy không bao giờ sai chạy. Ðức vua sẽ bị đất rút như lời của Như Lai đã tiên tri. Ðức Thế Tôn liền thuyết câu kệ:

NA ANTALIKKHE NA SAMUDDAMAJJHE
NA PABBATÀNAM VIVARAM PAVISSA
NA VIJJATI SO JAGATIPPADESO
YATTHATTHITO MUCCEYYA PAPAKAMMA.

Nghĩa: Người ở trong hư không không tránh khỏi tử thần. Người giữa đại dương cũng chẳng tránh khỏi tử thần. Người vào ẩn trong hang núi cũng chẳng tránh khỏi tử thần. Trong vũ trụ nầy không có nơi nào có thể tránh khỏi tay tử thần được.

Chú giải: Ý câu nầy đức Phật dạy người mà muốn trốn tử thần nơi nào trong tam giới nầy đều không thể thoát khỏi. Sau khi dứt câu kệ có rất nhiều vị đắc Tu-đà-hườn quả.

Ðến ngày thứ bảy, bỗng dưng con ngựa của đức vua Thiện Giác lại sút chuồng. Con ngựa nầy hung dữ như sư tử khi sút chuồng ra gặp ai cắn nầy, ngoại trừ đức vua ra thì không còn ai trị nó được. Khi ấy đức vua đang ngự trên từng lầu thứ bảy, nghe tiếng huyên náo ở dưới, Ngài mới ngự ra nơi hành lang để xem coi chuyện gì. Quan hầu cho Ngài biết rằng: Ngựa sút chuồng đang cắn giết người.

Ðức vua nghe vậy lật đật chạy ra cửa xuống lầu để bắt ngựa. Những đô vật mà Ngài cắt để canh Ngài, thầy Ngài ra liền ôm lấy Ngài liệng xuống từng lầu sáu thay vì đẩy vào phòng. Các đô vật từng lầu sáu lại ôm Ngài thảy xuống từng lầu năm nhưng họ nghĩ rằng: Thảy trở lên lầu bảy. Cứ tuần tự như vậy đức vua tới từng dưới hết và nơi chân cầu thang là nấm mộ của Ngài.

Ngài bị đất rút và chết lại sanh vào A tỳ địa ngục là do nơi nghiệp của Ngài là cản đường không cho Phật đi thọ thực.

GIẢNG HÒA QUYẾN THUỘC

Lúc nọ lúa sắp chín mà trời hạn làm cho hai nước dòng Thích Ca và dòng Koliya (họ ngoại của đức Thế Tôn) lấy làm lo ngại cho số phận ruộng lúa của mình. Nên hội cả hai nước lại để nghị định sử dụng nước của con sông Rohinì. Giòng sông nầy là ranh giới của hai nước.

Người dòng Koliya nói: Sông Rohinì đã nhỏ lại nhằm lúc hạn hán nên nước rất là ít, nếu đem chia ra làm hai bên thì không bên nào được nước đủ để cung cấp cho ruộng lúa. Vậy xin quí vị nhường nước ấy cho chúng tôi.

Dòng Thích Ca nói: Nếu vậy thì vựa lúa của qúi quốc sẽ đầy, còn chúng tôi thì có gì. Vậy xin qúi vị nhường nước ấy lại cho chúng tôi.

- Chúng tôi không thể nào nhường được.

- Chúng tôi cũng vậy.

Hai bên cãi nhau bằng lời hết sức không phân được nên dùng đến võ lực. Dòng Koliya mới nói: Bọn chúng bây đem những đứa trẻ con xứ Ca Tỳ La Vệ đến đây, cái bọn lấy em gái mình làm vợ, bọn ấy ví như bầy chó rừng. Tượng binh, xa binh, mã binh, và khí cụ của bọn ấy có làm gì được chúng ta.

Còn những người dòng Thích Ca thì nói rằng: Các người nên về gọi những đứa bị bịnh cùi mà người ta đã ruồng bỏ; những kẻ ấy sống cách cô đơn không nơi nương tựa, sống trong bọng cây như những con thú ở hang thì tượng binh, xa binh, mã binh và khí giới của bọn ấy lại làm gì được chúng ta.

(Quí vị muốn biết tại sao hai bên chưởi mắng nhau như vậy xin xem Tiểu sử Thái tử Sĩ Ðạt Ta cùng một tác giả).

Những người đã gây sự với nhau toàn là quan quân chớ không có một vị hoàng tộc nào nơi đây. Khi trở về, những người ấy thuật lại những câu chưởi nhau làm cho hai dòng có tình quyến thuộc nóng giận.

Bên dòng Thích Ca hội nhau lại bàn với nhau rằng: Chúng ta phải tỏ cho họ biết rằng: Tài của những người lấy em gái làm vợ ra thế nào? Rồi truyền chuẩn bị quân mã chỉnh tề kéo ra nơi bờ sông Rohinì .

Dòng Koliya cùng hội nhau lại và bảo nhau rằng: Chúng ta phải cho bọn nầy biết uy lực của những kẻ ở trong bọng cây ra sao? Rồi cũng đưa binh mã ra trận nơi mé sông Rohinì .

Sáng ngày hôm ấy, đức Thế Tôn dùng tuệ nhãn xem coi chúng sanh nào có duyên để Ngài tế độ. Ngài thấy quyến thuộc bên cha và mẹ Ngài sắp đánh nhau. Ngài liền nghĩ nếu ta không đến nơi ấy thì cả hai bên đều bị tiêu hoại. Ðức Thế Tôn liền ngự đi trên hư không và đến nơi con sông Rohinì là nơi hai bên đã giàn mặt trận sáp chiến với nhau. Ngài liền ngự trên hư không nơi giữa con sông Rohinì .

Cả hai dòng Thích Ca cũng như Koliya đều trông thấy đức Thế Tôn ngự trên không giữa lòng sông thì lấy làm hổ thẹn nên lật đật để đồ giết người xuống.

Khi ấy đức Thế Tôn mới phán hỏi rằng: Tâu nhị vị Ðại vương, chẳng hay quí vị tranh giành chi nơi đây?

Một trong những vị hai bên đều bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn chúng tôi không biết.

Ðức Thế Tôn hỏi: Vậy ai là người biết rõ nguyên nhân chuyện nầy.

Hai vị chúa tể của hai dòng liền bắt đầu điều tra thì mới biết rõ rằng: Sở dĩ mà có trận giặc nầy nguyên lai là giành nước ở con sông Rohinì .

Khi ấy mới bạch với đức Thế Tôn: Bạch đức Thế Tôn nguyên lai vì nước con sông Rohinì mà ra.

- Tâu Ðại vương, vậy nước có giá trị tới bực nào?

- Bạch đức Thế Tôn nước ấy có giá trị rất ít.

- Tâu Ðại vương, vậy dòng hoàng tộc có giá trị tới độ nào?

- Bạch đức Thế Tôn đã gọi là dòng hoàng tộc thì giá trị vô lượng vô biên.

Nếu vậy quí vị vịn vào nước kia giá trị rất nhỏ mà lại làm cho hàng hoàng tộc giá trị vô lượng vô biên kia phải tiêu diệt chăng?

Tất cả quyến thuộc hai bên lấy làm thẹn không ai trả lời. Ðức Thế Tôn liền gọi quyến thuộc cả hai bên lại mà dạy rằng: Tâu chư Ðại vương, tại sao quí vị làm những chuyện hồ đồ như thế nầy. Nếu không có Như Lai thì tức nhiên con sông Rohinì nầy sẽ đẫm máu trong ngày hôm nay rồi. Thật quí vị làm việc không nên làm. Quí vị là người nhiều oan trái. Còn Như Lai là người vô oan trái. Quí vị là người đa mang nhiều phiền não, nên bị phiền não ấy thiêu đốt nóng nảy đau khổ, còn Như Lai là người mát mẻ thanh tịnh vì không bận mọi việc nhứt là không còn phiền não. Quí vị là người còn ham mê theo ngũ trần. Như Lai lại là người không còn tí mến tiếc những nhơ bẩn ấy. Ðức Thế Tôn thuyết câu kệ:

SUSUKHAM VATAJIVÀMA
VERINESU AVERINO
VERINESU MANUSSESU
VIHÀRÀM AAVERINO v.v...

Nghĩa: Khi tất cả mọi người có oan trái ta không có. Khi mọi người đều có oan trái ta không có gọi là ta sống an vui.

Khi mọi người bị đau khổ ta không có (bị đau khổ). Khi mọi người bị đau khổ, ta không có gọi là ta sống an vui.

Khi tất cả mọi người đều tìm kiếm (sự khoái lạc của trần dục) ta không có (tìm kiếm trần dục) gọi là ta sống an vui.

Chú thích: Ý câu Phật ngôn nầy dạy người có oan trái, bị đau khổ, chạy theo tìm kiếm Tài, Sắc, Lợi, Danh. Những điều ấy hằng đem lại sự khổ đau trong luân hồi của con người. Ta là người không có những điều ấy nên ta sống một đời nhàn hạ an vui không buồn rầu đau khổ vì được hay mất những vật ấy.

Sau khi dứt thời pháp có nhiều người đắc Tu-đà-hườn quả. Xin nhắc quí vị thấy: Khi ta thấy có kim thân Phật đứng hai tay xòe ra và đưa ra trước, hay tay dựng đứng lên, đó là hình hiện tượng đức Thế Tôn khuyên quyến thuộc tại con sông Rohinì .

MA VƯƠNG

Khi đức Thế Tôn ngự tại làng Bà la môn tên Paĩcasàlà. Ngày nọ Ngài thấy có năm trăm cô thiếu nữ có duyên đắc quả Tu-đà-hườn, nhân muốn độ năm trăm cô ấy nên đức Thế Tôn ở lại nơi ấy. Theo thường lệ, đến ngày lễ năm trăm cô ấy xuống tắm ở sông rồi mới trở về làng. Cũng trong ngày ấy, đức Thế Tôn ngự đến khất thực trong làng ấy.

Ma vương thấy Phật đi khất thực, muốn phá Phật nên nhập vào tất cả người trong làng làm cho họ không để bát cho Phật dầu một muỗng cơm. Ma vương liền đến cổng làng đợi đức Thế Tôn ra về, hiện ra nói với đức Thế Tôn rằng: Nầy ông Sa môn, ông không được vá cơm nào sao?

- Nầy Ma vương tâm dẫy đầy tội lỗi kia, chẳng phải chính ngươi làm cho người không dâng cúng cho Như Lai sao?

- Thưa ông Cồ Ðàm, vậy xin mời ông trở lại.

Sự thật thâm tâm của Ma vương định rằng: Nếu thầy Cồ Ðàm trở vào, ta sẽ nhập vào những người trong xóm ngạo báng ông ta.

Vừa khi ấy năm trăm cô thiếu nữ ấy cũng vừa về đến cổng làng. Trông thấy đức Thế Tôn liền đảnh lễ rồi đứng nép vào một nơi phải lẽ.

Ma vương nói: Thưa ông Cồ Ðàm, khi mà ông được cơm ít thì ông sẽ bị đói, cái ấy nó sẽ hành hạ khó chịu lắm.

Ðức Thế Tôn liền dạy rằng: Nầy Ma vương tâm đầy tội ác kia, mặc dầu hôm nay ta chẳng có được một hột cơm; nhưng ta cũng vẫn được an vui vì quả của phỉ lạc cũng ví như Phạm Thiên ở cõi Phạm Thiên. (Không biết đói khổ vì vật thực).

Ðức Thế Tôn liền thuyết câu kệ:

SUSUKHAM VATA JÌVAMA
YESAM NO NATTHI KÌNCANAM
PITIPHAKKHA BHAVISAMA
DEVA ABHASSARAM YATHA.

Nghĩa: Ta không có sự rung động (vì các sự việc) thì sống cách an nhàn. Ta có phỉ lạc là vật thực cũng như Phạm Thiên ở cõi Phạm Thiên tên Abhassara vậy.

Chú giải: Khi tâm không rung động vì còn phiền não, thì sống nơi nào cũng an nhàn sống với phỉ lạc như Phạm Thiên không cần vật thực.

Dứt thời pháp năm trăm cô thiếu nữ đắc Tu-đà-hườn quả. Ma vương hổ thẹn trốn đi.

TIỀN KIẾP CỦA ÐỨC PHẬT

Trước kia xứ Vesàlì rất thịnh vượng, đến lúc nọ hạn hán làm ruộng thất mùa lúa cao gạo kém, nhân dân nghèo đói; kẻ nghèo không chịu nổi sự đói rét nên chết, người chưa chết đem những người đã chết bỏ trong bãi tha ma. Nạn đói kém gió rét càng kéo dài, người chết càng nhiều đến đổi không ai chôn ai được, vì vậy nên trong những thôn xóm làng mạc vì người người chết quá nhiều không ai chôn nên mùi hôi thúi rất khó chịu. Nhân cơ hội ấy A tu la, Ngạ quỉ đến ăn những tử thi hôi thúi ấy hiện ra làm cho người kinh sợ bỏ trốn đi xứ khác làm ăn, và nhân vì sự hôi thúi ấy khiến sanh ra bịnh ôn dịch. Khi ấy trong thành Vesàlì có ba điều tai hại mà nhân dân lấy làm kinh sợ là: Ðói kém, Bịnh tật,và ma quỉ khuấy quá.

Dân chúng còn sống sót hay ở nơi xa hơn liền hội lại để vấn nạn nhà vua. Khi ấy thỉnh nhà vua lâm trào xong, nhân dân hỏi: Tâu Ðại vương nay ba điều kinh khủng đã sanh trong thành nầy. Trước đây bảy triều đại không có sự kinh khủng như thế nầy bao giờ. Ðến triều đại của Ðại vương lại phát sanh. Nếu Ðại vương là vị minh quân hành đúng theo thiện pháp thì không khi nào có sự kinh khủng như thế nầy được.

Ðức vua liền truyền cho hội hết tất cả các quan và các vị bô lão lại nơi tiếp dân của nhà vua xong. Ðức vua liền dạy: Nay những điều kinh khủng đã sanh làm khổ cho nhân dân vậy chư hiền khanh cùng các vị bô lão hãy rán nghiên cứu coi trẫm có làm điều gì phi pháp mà trời hành dân lành như thế nầy chăng? Chư hiền khanh và quí vị nên thật tình trình bày cho trẫm rõ.

Khi ấy các quan cùng các vị bô lão cố hết sức tìm coi nhà vua có phạm vào những điều tối quan trọng nào chăng, không hề thấy dầu một lỗi rất nhỏ của nhà vua, nên mới tâu rằng: Tâu Ðại vương, chúng thần đã tìm hết, nhưng không thấy Ðại vương có lỗi gì. Thật ra Ngài là người vô tội.

Rồi các quan và các vị bô lão mới bàn với nhau rằng: Vậy tại sao tai nạn kinh khủng lại đến với chúng ta như vầy. Trong nhóm các vị ấy có người có ý kiến là: Phải tế thần. Có vị nói: Phải tế thần lửa. Có người bảo: Phải làm lễ cầu xin với các đấng Thiên thần. Có người bảo: Phải thỉnh sáu vị Tổ sư của sáu tôn giáo lớn nhất đến đây. Khi các Ngài đến là tai qua nạn khỏi vì các vị ấy là người có đức hạnh cao thượng. Có người nói: Hiện nay đã có đức Chánh đẳng Chánh giác trong thế gian nầy rồi. Ngài là đấng có oai đức vô lượng vô biên, Ngài là Thiên Nhơn Sư, ngài là đấng Ðại từ bi, Ngài là đấng cứu độ nhơn sanh thoát khỏi trầm luân. Nếu mà Ngài ngự đến đây, tức nhiên những tai nạn kinh khủng thảy đều phải tiêu diệt.

Phần đông các quan và các vị bô lão đều tán thành ý kiến của người ấy. Rồi hỏi nhau rằng: Ai biết hiện giờ đấng Ðại Từ Bi cứu khổ cứu nạn ấy đang ngự ở đâu?

Khi ấy lại cận ngày nhập hạ, và đức Thế Tôn đã thuyết pháp độ được đức Bình Sa Vương đang ngự tại Trúc Lâm tịnh xá. Trong nhóm ấy có vị hoàng thân xứ Vesàlì và ông Mahàlì là vị đắc Tu-đà-hườn quả một lượt với đức Bình Sa Vương.

Khi ấy đức vua xứ Vesàlì và các quan cùng các vị bô lão đồng ý là cử ông Mahàlì là vị quan Ðại thần đem chiếu thỉnh cầu đức Thế Tôn với những lễ vật quí báu. Ðức vua dạy, trước hết phải vào chầu đức vua Bình Sa Vương trước cho Ngài biết rằng đến thỉnh đức Thế Tôn xong rồi hãy vào thỉnh đức Thế Tôn.

Hai vị vâng chiếu chỉ ra đi. Khi đến Vương Xá thành vào triều kiến đức vua Bình Sa Vương và bày tỏ tự sự. Ðức vua Bình Sa Vương liền phán: Vậy quí Ngài hãy tùy tiện vào hầu Phật và thỉnh cầu Ngài.

Hai vị liền vào hầu Phật và bạch: Bạch hoá đức Ðại Từ Bi, ba điều tai nạn kinh khủng đã phát sanh tại thành Vesàlì. Quốc vương của chúng tôi cùng triều thần và dân chúng đồng lòng ngưỡng cầu thỉnh đức Thế Tôn ngự đến cứu độ chúng tôi. Khi đức Thế Tôn ngự đến thì tất nhiên tất cả nạn tai kinh khủng thảy đều tiêu diệt.

Khi Ngài nghe lời thỉnh cầu ấy, Ngài liền dùng trí tuệ quan sát coi và Ngài thấy rõ rằng: Khi ta thuyết bài kinh Rattanasutta tại thành Vesàlì thì oai đức bài kinh ấy sẽ phổ biến sâu rộng đến cả muôn ngàn người hưởng hương vị của Thánh quả và tai nạn kinh khủng ấy sẽ tiêu diệt. Ðức Thế Tôn liền nhận yêu cầu.

Ðức vua Bình Sa Vương hay tin đức Thế Tôn nhận lời ngự đến xứ Vesàlì , Ngài liền ra lịnh truyền cho dân chúng biết và chính mình Ngài vào hầu đức Thế Tôn và bạch hỏi rằng: Bạch đức Thế Tôn, Ngài đã nhận lời thỉnh cầu ngự đến thành Vesàlì rồi phải chăng?

- Tâu Ðại Vương, phải vậy.

- Nếu vậy xin đức Thế Tôn đình chỉ lại. Rồi Ngài về truyền lịnh phải sửa chữa đường cho thật bằng thẳng từ Vương Xá thành đến bờ sông Ganga là năm do tuần; mỗi một do tuần đều có nhà mát để đức Thế Tôn nghỉ và thọ thực; và cũng cho dân chúng hay biết ngày giờ nào đức Thế Tôn ngự đến đâu, để dân chúng tiếp đón rất trọng thể. Trên đường đi của đức Thế Tôn phải trải bông đủ năm màu và rất thơm mà phải cao cho tới đầu gối. Hai bên đường phải treo cờ phướn làm cho mát cả đường. Mỗi một vị Tỳ khưu đều có một cây lọng một tầng che. Còn đức Thế Tôn thì phải che lọng hai từng. Ðức Thế Tôn ngự tới bờ sông Ganga là đúng năm ngày. Ðức vua Bình Sa Vương đã trang bị thuyền rất đẹp ở bên bờ sông bên nầy. Ngài liền cho quan hầu cho tin đức vua Licchavì hay tin và chuẩn bị tiếp rước đức Thế Tôn.

Dân thành Vesàlì cùng đức vua và cả hoàng tộc hội nhau lại bàn về bố thí của đức vua Bình Sa Vương, và định phải làm cao hơn gấp đôi. Liền truyền cho nhân dân làm đường rộng từ bờ sông Ganga đi ba do tuần đến thành Vesàlì. Làm cây lọng có bốn tầng dành che cho đức Phật, còn lọng hai tầng che cho chư Tăng.

Khi thuyền cập bến, đức vua Bình Sa Vương, Ngài truyền kéo màn từ thuyền đến bờ không cho nắng r?i vào thân hình đức Thế Tôn và chư Tỳ khưu, chung quanh tấm màn che nắng đều kết hoa lạ thơm. Bảo tọa để Phật ngự làm bằng vàng và nạm bảy thứ ngọc quí. Ðức Thế Tôn ngự trên bảo tọa có chư Thánh Tăng ngồi hầu chung quanh. Khi đức vua Bình Sa Vương đưa đức Thế Tôn xuống thuyền, Ngài lần đi xuống nước, khi nước sâu tới cổ đức vua mới bạch đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, trẫm sẽ ở đợi đức Thế Tôn nơi nầy đến khi đức Thế Tôn trở lại. Rồi Ngài mới truyền cho thủy thủ chèo thuyền đi.

Thuyền đi đến một do tuần mới đến ranh giới hai nước Ma Kiệt Ðà và Vesàlì. Vua và hoàng tộc cùng dân chúng xứ Vesàlì tiếp rước rất trọng thể. Ðức vua bận đồ triều phục đi lần xuống nước khi nước tới cổ đến bên thuyền đức vua đỡ mũi thuyền từ từ dìu vào bờ, chính Ngài đỡ cây đòn dài. Khi đức Thế Tôn vừa đứng dậy để bước đến be thuyền thì trời kéo mây đen kịch, tiếp theo là trận mưa xối xả. Ðã lâu không mưa nên trận mưa nầy là trận mưa đầu tiên thật to, có nơi nước ngập tới bắp vế tới lưng quần. Những tử thi vô chủ bị nước lũ trôi xuống sông Ganga chảy ra biển cả. Ðất được thấm nước mùi hôi thúi hết hẳn.

Ðức vua Licchavì truyền dừng bước khi đi hết một do tuần; vì nơi ấy có chỗ để đức Thế Tôn an tọa và nhà vua cùng hoàng tộc với dân chúng cúng dường Phật bảo và Tăng bảo vật thực. Từ bờ sông Ganga đến thành Vesàlì phải đi ba ngày đường. Ðức vua cùng dân chúng làm lễ cúng dường thật là long trọng gấp đôi đức vua Bình Sa vương đã cúng dường.

Thiên vương Ðế Thích và nhiều chư Thiên đến nơi Phật ngự hầu Phật. Vì Thiên vương Ðế Thích và các vị chư Thiên đức trọng đến hầu Phật, nên loài Ngạ quỉ, A tu la lấy làm kinh sợ bỏ trốn hết không dám ở gần.

Ðến chiều lại, đức Thế Tôn ngự nơi cửa thành Vesàlì gọi Ðại Ðức Ananda đến dạy rằng: Ananda nầy, ngươi nên học thuộc lòng bài kinh tên RATTANASUTTA nầy, rồi cùng đi với một vị Hoàng thân Licchavì , đọc bài kinh quanh thành Vesàlì ba vòng.

Ðại Ðức Ananda học xong bài kinh của đức Thế Tôn dạy, lấy bát của đức Thế Tôn để đầy nước xong đứng tại cửa thành Vesàlì niệm tưởng đến công đức Phật. Kể từ khi phát nguyện thành bực Chánh đẳng Chánh giác là tu theo mười pháp ba la mật. Mười pháp ba la mật đến bờ trên và mười pháp ba la mật đến bờ cao thượng.

Năm pháp Ðại thí là: 1/Thí con. 2/ Thí vợ. 3/ Thí của. 4/ Thí thân thể. 5/ Thí sanh mạng.

Ba pháp Hành là: 1/ Hành cho lợi kỷ. 2/ Hành cho lợi tha. 3/ Hành hầu chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tư cách giáng sanh vào lòng mẹ trong kiếp chót. Tư cách ra đời. Tư cách xuất gia. Tư cách tu khổ hạnh. Tư cách cảm thắng Ma vương dưới cội Bồ đề. Tư cách chứng quả Chánh Biến Tri trên Bồ đoàn. Tư cách Chuyển Pháp Luân và chín pháp Thánh là (bốn Ðạo, bốn Quả và một Niết Bàn). Khi quán tưởng xong rồi Ðại Ðức Ananda mới vào thành đi cả ba vòng thành đọc kinh Rattanasutta trọn cả đêm. Nước thánh của Ðại Ðức Ananda rải làm cho kinh động bọn ma quái. Bọn ấy khi bị nước thánh của đức Ananda vừa đọc ba câu đầu là Yànidha Bhưtàni samàkatàni là không thể nào ở lại nơi ấy được đồng cùng nhau chạy trốn. Nước thánh mà Ðại Ðức Ananda rải ra xem như là những tràng ngọc trắng trong thật là xinh đẹp, trong khi ấy những người bịnh chưa chết đều được lành mạnh.

Dân chúng trong thành lo tạo ra Tăng đường để trai Tăng giữa kinh thành. Tại Tăng đường có treo những hoa thơm để cúng dường đức Thế Tôn và chư Thánh Tăng. Ðức Thế Tôn ngự giữa Tăng đường có chư Tăng ngồi hầu và có nhà vua cùng hoàng tộc với dân chúng thật là cảnh trang nghiêm, những vết tích chết chóc và sự kinh khủng hãi hùng tiêu diệt hết. Ðức Thiên Vương Ðế Thích và các vị chư Thiên ngự trên không trung. Ðại Ðức Ananda đọc kinh Rattanasutta ấy cả đêm không nghỉ. Ðến sáng ngày mới vào hầu Phật.

Khi ấy dân chúng và hoàng tộc cùng nhà vua mới cúng dường vật thực cho chư Thánh Tăng có đức Thế Tôn làm tọa chủ. Ðức Thế Tôn cũng thuyết bài kinh Rattanasutta như Ðại Ðức Ananda đọc khi đêm. Ðức Thế Tôn ngự tại thành Vesàlì bảy ngày, Ngài cũng vẫn thuyết bài kinh Rattanasutta luôn cả bảy ngày. Ngài biết rằng: Sự tai hại hãi hùng trong thành Vesàlì đã hết. Nên Ngài liền kiếu từ đức vua trở về Vương Xá thành. Ðức vua cùng dân chúng tiễn đưa Ngài thật là long trọng. Khi đến bờ sông Ganga, đức vua Licchavì và dân chúng cầu xin đức Thế Tôn ngự tại bờ sông để cúng dường thêm ba ngày nữa.

Các vị Long vương ở bờ sông Ganga thấy sự cúng dường của hai vị vua trọng thể như vậy mới nghĩ rằng: Người đ?i làm lễ cúng dường đến Như Lai thật là trọng thể. Vậy chúng ta phải làm gì đây? Chư Long vương liền hóa ra ba thứ thuyền là một thứ bằng vàng, một thứ bằng bạc và một thứ bằng ngọc. Trên mỗi chiếc đều có bảo tọa, ghe bằng thứ gì thì bảo tọa cũng bằng thứ ấy. Trên thuyền trang điểm bằng hoa sen đủ năm màu tươi đẹp lạ thường. Rồi đến thỉnh cầu đức Thế Tôn ngự trên thuyền của mình để trở về Vương Xá thành.

Khi ấy, người và chư Thiên cùng Long vương tranh nhau làm lễ cúng dường đến chư Tăng và đức Thế Tôn thật là trọng hậu. Chư Thiên Phạm Thiên đến nơi đang bố thí dựng cờ phướn lợp trời. Cờ và phướn cao tận hư không, thật là một cảnh huy hoàng trang nghiêm không từng có bao giờ.

Sau cùng vì lòng từ bi đức Thế Tôn liền ngự lên một chiếc thuyền bằng ngọc của Long vương hiện ra. Còn mỗi vị Tỳ khưu cũng đi trên một chiếc tùy thích của mình. Long vương liền đưa đức Thế Tôn và chư Ðại Ðức Tăng về cõi Long vương cúng dường rất trọng thể. Sau cùng, đưa về nơi đức vua Bình Sa Vương đang chờ đón. Khi ấy, cũng có chư Thiên đợi tiếp rước về Vương Xá thành. Thật là một chuyến đi vô cùng long trọng.

Khi về đến Vương Xá thành thì ngày hôm sau chư Tỳ khưu còn phàm mới hội nhau nơi pháp đường để bàn về chuyến đi lạ lùng và oai đức của đức Thế Tôn làm cho ba điều tai hại kinh khủng tiêu diệt. Vì sự trong sạch với Phật bảo, mà hai vị Quốc vương làm ra con đường dài hằng tám do tuần theo ven bờ sông Ganga rất bằng thẳng.

Khi các vị đang bàn tán về việc ấy thì đức Thế Tôn đã ngự đến và hỏi các Ngài đang bàn về việc gì? Các Ngài bạch đang bàn về việc tiếp rước long trọng và sự cúng dường của chư Thiên, Long vương, thật oai đức của Phật bảo vô lượng vô biên.

Ðức Thế Tôn dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, sự cúng dường trọng thể như vậy, không phải do nơi oai đức của Phật bảo hoặc Long vương hay chư Thiên mà lại do nơi một quả bố thí rất nhỏ riêng của cá nhân Như Lai trong kiếp quá khứ mà thôi.

Ðức Thế Tôn dạy câu nầy không phải ý muốn phỉ báng Phật bảo, nhưng Ngài muốn chỉ quả của sự cúng dường với tâm trong sạch. Khi ấy chư Tỳ khưu yêu cầu đức Thế Tôn thuyết Túc Sanh Truyện.

Ðức Thế Tôn dạy: Trong kiếp quá khứ, tại xứ Takkasilà có một gia đình của thầy Bà la môn tên là Sankha có một người con trai tên là Susima. Khi người con ấy được mười sáu tuổi thưa với cha rằng Thưa cha, con muốn xin cha cho phép con đi đến xứ Bàrànasì để học phép mầu.

- Con ơi, cha có một người bạn chí thân là vị Bà la môn rất thông về pháp mà con muốn học, ông ta cũng ở xứ Bàrànasì ; vậy con đến học với ông ta.

Người con vâng lời cha đi đến thành Bàrànasì vào hầu người bạn của cha. Khi ông Bà la môn biết là con của bạn cũ. Ông hết lòng săn sóc và dạy thật là chu đáo. Cậu Susima thật là thông minh phi phàm, học mau hiểu và hiểu rất chu đáo. Khi cậu học không bao lâu kinh luật và tất cả mọi việc đều lão thông. Cậu cảm thấy không được rốt ráo còn lắm chỗ nghi ngờ liền vào hầu thầy và thưa rằng: Thưa thầy, con đã học thuộc hết cả rồi, nhưng con cảm thấy hình như chưa hoàn toàn tới nơi tới chốn, ý con muốn nói chưa đoạt được hết lý lẽ trong lời mà con đã học.

Ông thầy bảo: Con ơi, chính thầy cũng như con, không hiểu rõ hết lý của lời dạy ấy.

- Thưa thầy, có chắc rằng: Trong vũ trụ nầy cũng không còn ai thông hiểu nữa chăng?

- Con ơi, chỉ có những ông đạo sĩ ở trong rừng Isipatana mới là bực thông suốt những lời kinh mà con đã học. Con nên đến nơi ấy hỏi coi.

Cậu Susima liền đến rừng Isipatana vào hầu chư Phật Ðộc Giác và hỏi những sự nghi ngờ rằng: Thưa chư Ðại Ðức, Ngài có thông hiểu những điều nầy chăng?

Chư Ðộc Giác Phật dạy: Chúng ta thông hiểu ráo rốt mọi sự việc.

- Vậy cúi xin Ngài từ bi chỉ dạy cho tôi.

- Rất tiếc là chúng ta không thể dạy người không xuất gia.

Cậu Susima liền chịu xuất gia để học những sự mình đang nghi ngờ. Xuất gia không bao lâu ông cũng đắc quả Bích Chi Phật (là Ðộc Giác Phật). Nhưng tuổi thọ Ngài không được trường thọ nên lại nhập diệt trước khi về giáo hóa cha già.

Nói về ông Bà la môn Sankha nhớ con nên đến thành Bàrànasì để thăm con. Khi ấy người bạn mới cho biết là con ông muốn hiểu thông triệt để những sự nghi ngờ mà từ xưa đến nay chưa có vị Tổ sư nào giải nổi, nên đã đến rừng Isipatana học với các vị đạo sĩ. Ông Bà la môn Sankha lật đật đến nơi ấy để thăm con. Nhưng khi đến nơi chư Ðộc Giác Phật cho hay rằng: Con ông đã nhập diệt và có dựng phù đồ thờ để dân chúng đến cúng dường. Ông Bà la môn lấy làm đau khổ vì mất đứa con yêu quí. Ông đến nơi chân phù đồ (là Tháp) nhổ cỏ dại, cởi lấy khăn choàng của mình ra đi hốt cát trắng sạch đem lại trải nơi chân phù đồ, bẻ hoa thơm đến trải lên cúng dường, lấy vải làm lọng che phù đồ và làm phướn treo quanh phù đồ, rồi ông mới ra về.

Khi nhắc qua chuyện quá khứ, Ngài lại dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, Ông Bà la môn tên Sankha ấy chính là Như Lai hiện tại đây. Như Lai đã nhổ cỏ dại ở chân phù đồ của đức Ðộc Giác Phật; do nhờ phước báu ấy nên đường đi của Như Lai được dọn bằng phẳng. Quả của sự cúng dường hoa thơm nên được trải hoa thơm theo đường đi. Làm lọng che phù đồ và phướn nên được có lọng và phướn che mát theo đường đi và chư Thiên cũng đem đến cúng dường rất trọng thể.

Nầy các thầy Tỳ khưu, sự cúng dường và vật cúng dường mà các ông đã thấy không phải do nơi oai đức của Phật bảo mà do nơi sự cúng dường của Như Lai khi là vị đại Bồ Tát.

Ðức Thế Tôn liền dạy câu kệ:

MITTASUKHU PARICCAGA
PASSE CE VIPULMA SUKHAM.
CAJE MATTASUKHAM DHIRO.
SAMPASSAM VIPULAM SUKHAM.

Nghĩa: Nếu bực trí thức trông thấy sự an vui vĩ đại vì sự dứt bỏ sự an vui vừa phải. Dứt bỏ sự an vui vừa phải sẽ được an vui cao quí.

Chú giải: Ý nói bực trí thức khi nhận thấy mình cúng dường của cải mà mình đã có tùy theo sức mình trong kiếp hiện tại nầy thì sẽ được an vui cao quí ngày vị lai, ý nói cúng dường vừa phải là đồ cúng dường ấy tùy theo của mình đã có chớ không phải đem hết của cải đã có ra cúng.

Sau khi dứt thời pháp có rất nhiều vị đắc Tu-đà-hườn quả.

-ooOoo-

Trang trước | Ðầu trang | Mục lục | Trang kế


Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 04-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 25-04-2001