[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Tìm hiểu ngôn ngữ kinh tạng Phật Giáo
Thích Tâm Thiện, Sài Gòn, 1998


I.2 Phân loại thể tài của ngôn ngữ kinh điển

Trước khi đi vào khảo sát các đặc trưng của ngôn ngữ kinh điển Phật giáo, cần thiết thảo luận về vấn đề "thể loại văn học" trong kinh điển. Như đã trình bày, cách phân loại thể tài trong kinh điển chỉ mang tính cách ước lệ, nghĩa là sự phân loại được tựa vào một số nét đặc trưng trên cơ sở "nhân duyên thuyết pháp", cách trình bày khi thuyết pháp, cách ghi nhận của thời thuyết pháp và nội dung của giáo pháp. Thông qua bốn cơ sở này mà có sự phân loại khác nhau về thể tài ngôn ngữ của kinh điển. Và, sự phân loại thể tài này cũng được Ðức Phật xác định trong kinh "Ví dụ con rắn" như sau (4): "Kinh, ứng tụng, giải thuyết, kệ tụng, cảm hứng ngữ, như thị ngữ, bổn sanh, vị tằng hữu pháp, phương quảng". Từ đó, trên cơ sở này, chúng ta có thể phân loại 9 thể tài trên theo bốn nhóm như sau:

* Nhóm 1: (1) Ứng tụng - (2) Kệ tụng
* Nhóm 2: (3) Như thị ngữ - (4) Bổn sinh, Bổn sự - (5) Vị tằng hữu
* Nhóm 3: (6) Cảm hứng ngữ
* Nhóm 4: (7) Phương quảng - (8) Giải thuyết

Trong bốn nhóm này, thực tế chỉ có 8 loại, vì kinh là tên gọi chung cho tất cả, như trình bày trong biểu đồ. Trong 8 loại và được chia thành bốn nhóm trên, chỉ có nhóm 1, bao gồm Ứng tụng là kệ tụng, là thể tài chung của kinh điển. Ba nhóm còn lại (2, 3 và 4) được phân chia theo đặc tính của từng thể loại.

I.3- Ý nghĩa của các thể tài

1)- Kinh (Sùtra): Những điều Ðức Phật dạy cho hàng đệ tử tu tập để đi đến giác ngộ, giải thoát.

2)- Ứng tụng (Gaya): Sự (truyền tụng) ghi lại lời Ðức Phật dạy theo thể tản văn.

3)- Kệ tụng (Gàthà): Sự (truyền tụng) ghi lại lời Ðức Phật dạy theo thể thơ, kệ.

4)- Như thị ngữ (Itivuttaka): Sự ghi chép lại những điều được nghe từ Ðức Phật nói, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong Tiểu Bộ kinh, tập IV, HT Thích Minh Châu đã ghi chú về ý nghĩa của "Như thị ngữ" như sau:

"... Sở dĩ được gọi là "Itivuttaka: Thuyết như vậy", là vì phần lớn các kinh này đều bắt đầu với câu: "Ðây là điều đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A La Hán nói đến và tôi đã được nghe", và được kết luận với câu "Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe". Và (theo truyền thống), trong tập sớ của Dhammapàla nói rằng, có một nữ cư sĩ tên là Khujjyuttarà, nàng thường ngồi sau bức màn để nghe mỗi khi Ðức Phật thuyết pháp, và do đó, đã trở thành bậc đa văn - thông tuệ. Về sau, Vua Udena đã mời nàng nói lại giáo pháp và nàng đã được Ðức Phật khen ngợi là đa văn đệ nhất (5).

5)- Bổn sanh (Jàtaka): Sự ghi chép lại chuyện tiền thân của Ðức Phật theo lời Ðức Phật kể.

6)- Vị tằng hữu (Adbhutahdarma): Sự ghi chép lại những sự việc hy hữu (hiếm có) trong đời, như chuyện các Ðức Phật quá khứ v.v... do Ðức Phật kể lại.

7)- Cảm hứng ngữ (Udana) - còn gọi là kinh Phật tự thuyết hay Vô vấn tự thuyết: Sự ghi chép lại những điều do Ðức Phật tự nói ra trong những nhân duyên (trường hợp) đặc biệt.

8)- Phương quảng (Vaipulya): Sự ghi chép lại những cuộc thảo luận của các vị Thánh đệ tử được Ðức Phật xác nhận là phù hợp với Phật ý, chánh pháp.

9)- Giải thuyết (Upadisa): Sự ghi chép lại những điều luận giải về chánh pháp của Ðức Phật và các bậc A La Hán.

I.4- Ðặc Trưng Của Các Thể Tài

1- Nguyên tắc chung: Mặc dầu được phân chia thành nhiều thể loại, nhưng sự ghi chép của các thể loại luôn luôn đi theo một nguyên tắc chung, gọi là nguyên tắc kết tập kinh điển.

Theo lịch sử, kinh điển được kết tập (ghi chép lại) sau khi Ðức Phật qua đời (5). Lần thứ nhất xảy ra sau Phật diệt độ khoảng một tuần, lần thứ hai cách 100 năm sau, lần thứ ba cách 218 năm, tức năm 325 trước Tây lịch. Trong những lần kết tập kinh điển, đại hội dùng phương pháp trùng tụng và ghi chép lại toàn bộ lời dạy của Ðức Phật. Do đó, mở đầu các văn bản kinh điển bao giờ cũng bắt đầu bằng bốn chữ "Tôi Nghe Như Vầy " (Như thị ngã văn - Evam me suttam). Ðiều này nhằm ám chỉ rằng những điều ghi chép lại là được nghe từ miệng của Ðức Phật. Từ đó, kinh (Sùtra) được hiểu là những gì do chính Ðức Phật nói ra, hoặc được sự chứng nhận của Phật. Ngược lại, những gì không phải do Ðức Phật nói, hoặc không được sự xác chứng của Phật thì không thể gọi là kinh. Vì thế, nguyên tắc chung của các thể tài kinh điển là sự ghi chép lại những điều Ðức Phật dạy hoặc những điều đã được Ðức Phật xác nhận bằng cách ngôn "Tôi nghe như vầy" (6) ở đầu tất cả các bản kinh.

2- Cách trình bày văn bản kinh điển: Ðây cũng là một nguyên tắc chung thứ hai dành cho tất cả các thể tài kinh điển. Ðó là sử dụng thể loại tường thuật trong khi ghi chép lại nội dung của kinh. Và, trong thể loại tường thuật này phải ghi rõ các nội dung như sau:

a) Lý do Ðức Phật nói (duyên khởi)
b) Ðịa điểm Ðức Phật nói (không gian)
c) Thời gian Ðức Phật nói (thời gian)
d) Ðối tượng nghe Ðức Phật nói (đối tượng)
e) Nội dung Ðức Phật nói (giáo pháp)

Về cách trình bày một bản kinh, gồm có 3 phần:

- Phần đầu: Giới thiệu về duyên khởi, không gian, thời gian, đối tượng, và vấn đề chính...

- Phần giữa: Trình bày nội dung của giáo pháp. Cách trình bày cũng được đề cập theo thứ tự, như một, hai, ba, bốn... Tuy nhiên, trong phần này, các kinh được trình bày rất khác nhau, tùy theo từng loại sự việc mà tường thuật như sự phân loại của các thể tài đã được đề cập.

- Phần cuối: Trình bày sự kết thúc của buổi thuyết pháp... và sự xác chứng của Phật cũng như sự hoan hỷ thực hành hoặc sự chứng ngộ của đối tượng nghe pháp.

3- Cấu trúc tiêu biểu của một bản kinh:

Tựa Ðề Kinh

A/- Mở Ðầu:

Duyên Khởi Của Kinh
Thời Gian-Không Gian
Người Nói - Chủ Thể
Nội Dung Thông Ðiệp chính
Người Nghe - Ðối Tượng

B/- Nội Dung:

1. Vào đề
2. Lý do của vấn đề
3. Giải quyết vấn đề
4. Lời tán dương- Thọ ký (xác nhận)

C/- Kết luận:

- Sự xác chứng của Phật
- Sự tỏ ngộ của đối tượng
- Sự hoan hỷ của chúng hội


[Mục lục][Chương kế]


[Main Index]

Last updated: 14-10-2004

Web master: binh_anson@yahoo.com