BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thoát đến thực tế

Ananda Pereira
Phạm Kim Khánh dịch (1967)

Nguyên tác: "Escape to reality", The Wheel Publication No. 46/47,
Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka


 -II-

(tiếp theo)


SỢ SỆT

Người nhận thấy cái sợ trong những việc không đáng sợ,
Và không sợ những việc đáng sợ,
Là còn mang tà kiến và phải chịu trạng thái đau khổ.
PHÁP CÚ KINH

Theo lời dạy của Ðức Phật, chỉ có một việc ta cần phải sợ. Nhưng bất hạnh thay! Chính đó là điều mà phần đông những người phàm như chúng ta ít sợ nhất. Ðiều duy nhất đáng cho ta sợ là hành ác, tạo nghiệp bất thiện (Akusala Kamma), bất luận dưới hình thức nào. Hành động (Kamma) bất thiện là những hành động bắt nguồn từ tham, sân, si, là những hành động có khuynh hướng tăng trưởng lòng tham, sân, si vì nó cũng tăng trưởng và kéo dài sự đau khổ trong vòng luân hồi, sanh tử triền miên. Bậc trí tuệ thì rất sợ và cố gắng lánh xa những hành động bất thiện, những hạng cuồng si thì thấy không có gì hại, lắm khi còn thấy vui sướng và đáng làm, đáng khen. Do đó có những hạng phụ huynh khuyên dạy con em "lăn xả vào đời", làm bất luận việc gì, có ngờ đâu đứa trẻ phải trả một giá rất đắc và rất đáng ghê sợ về sau, để hưởng trong hiện tại những tiến bộ vật chất tạm bợ, nhất thời, thật ra không đáng.

Một đàng khác người thế gian ghê sợ những điều mà đối với Ðức Phật, không có gì đáng sợ. Ta sợ những tai họa vật chất, những lỗ lả về tài chánh, ta sợ bệnh, sợ mất quyền thế, mất tiếng tăm và bao nhiêu cái sợ khác phụ thuộc vào hoàn cảnh ta đang sống. Ðối với Ðức Phật những cái sợ ấy và vô căn cứ. Khi nó phát sanh Ngài tự nghĩ "nó chỉ phát sanh ở hạng cuồng si, không thể phát sanh ở bậc trí tuệ". Ðó là một bài học cho người còn nhận thấy cái sợ trong những việc không đáng.

Ngày kia, có một đạo sĩ Bà-La-Môn đến hỏi Ðức Phật rằng người tu ẩn sĩ, một mình ở giữa rừng vắng vẻ quạnh hiu, khi mà chưa nhập định được thì có sợ không? Câu trả lời của Ðức Phật thật là sáng tỏ. Ngài nói "Thầy đã trả lời, này đạo sĩ, Thầy đã trả lời, và Ngài giải thích rằng những người tu ẩn sĩ, vì một lý do nào, chưa được chuẩn bị đầy đủ để sống đời cô độc ở giữa rừng sâu sẽ còn sợ sệt. Lúc chưa đắc quả Chánh Ðẳng Chánh Giác, Bồ Tát hằng tìm những nơi rùng rợn, ghê tởm sợ và sống một mình ở đó chờ cảm giác ghê sợ phát sanh để cố gắng chẽ ngự và dập tắt nó. Lúc ấy Ngài đã có tham thiền nhiều làm rồi và đã đạt được nhiều kết quả tinh thần rất cao, nên mỗi khi cái sợ phát sinh thì Ngài cố gắng vận dụng tâm lực để dập tắt và lần lần tiến đến mức thanh tịnh tuyệt đỉnh, chỉ có thể so sánh với một vị Phật. Tuy nhiên, Ðức Phật xác nhận rằng có sợ, đã nhìn thấy nguyên nhân của nó và Ngài nhìn nhận đối với người thế gian, tinh thần chưa được vững bền, đạo đức chưa được chắc chắn thì sợ là một sự thật. Thi sự có sự sợ sệt.

Ðành rằng, như Ðức Phật dạy, cái sợ chỉ phát sinh cho hạng cuồng si. Nhưng người thế gian thật sự là cuồng si. Cũng vì thế mà ta còn là người thế gian. Chúng ta luyến ái vật kia vật nọ, cố bám bíu lấy nó, giành giựt, ganh ghét lẫn nhau vì nó, và càng đi sâu càng bị màn vô minh che lấp. Vì thế ta đâm ra sợ. Nếu đôi khi chúng ta quyết can đảm lên, thế thường sự can đảm ấy có những lý do lầm lạc. Thí dụ như người thợ săn can đảm, với những khí giới tối tân, không sợ một thớt tượng. Trong khi mang theo súng ống đầy đủ để trừ một cái sợ nhỏ trong những cái không đáng sợ thì người thợ săn lại không sợ cái đáng lẽ phải sợ là tạo nghiệp bất thiện. Sự si cuồng tăng lên gấp đôi.

Chỉ có một con đường để thoát ra khỏi cái sợ. Ðó là con đường mà Ðức Phật đã vạch. Ngày nào mà ta chưa đến mức cuối cùng của con đường ấy, chừng nào mà ta chưa được hoàn toàn giải thoát, thì ta còn sợ. Nhưng ít ra, từ bây giờ ta hãy nhận ra nó và tìm hiểu nó là gì. Có phải là hậu quả bất hạnh của tham, sân, si không?

-ooOoo-

THOÁT RA KHỎI CÁI SỢ

Tất cả đều sợ hình phạt.
Tất cả đều sợ chết.
Hãy so bụng ta với bụng người,
Không nên sát sanh và không nên làm cho người khác sát sanh.
PHÁP CÚ KINH

Người có đạo đức, nhờ căn bản đạo đức, làm cho người khác yên tâm khi nghĩ đến mình. Con người đạo đức không khi nào là một dọa nạt, không khi nào giết người, không khi nào cướp giựt của ai, không cám dỗ, không nói xấu hay xay sưa phá rối. Một người đã nghiêm trì ngũ giới hẳn là trong sạch, là một người bạn láng giềng dễ chịu.

Có người cố làm giảm thiểu giá trị của 5 giới căn bản, cho rằng đó là những quy tắc "tiêu cực". Họ không chịu nghĩ đến hậu quả tích cực của nó là cái không khí yên lành mát mẽ mà người trì giới nghiêm chỉnh tạo quanh mình. Ðôi khi ta quên rằng điều mà phần đông mong mỏi không phải là sự trợ giúp tích cực mà chính là sự tự do, không bị phiền phức, không bị ai chen vào công việc mình. Người ta có thể tự mình lo công việc của mình và muốn được để yên. Ðó cũng là một điều mà người có tâm nhiệt thành với công tác xã hội nên lưu ý. Trong cái thế gian tranh chấp và phiền não lo âu này, không khí vui vẻ thuận hòa và yên tĩnh hẳn là đáng quý. Người nào có thể tạo nên một hoàn cảnh tương tợ là đã phục vụ nhân loại rất nhiều.

Ðã có bao nhiêu nhà tu ẩn sĩ, sống cô độc ở giữa rừng sâu mà không mang theo mình một loại khí giới nào. Vậy mà rất ít khi, nếu không phải là chưa bao giờ, ta nghe nói có vị nào bị thú dữ hành hung. Ðó vì chính những con thú rừng cũng nhạy cảm và tương ứng với không khí an lành từ ái mà các vị ấy đã tạo. Về điểm này, có nhiều lý do để tin rằng thú rừng tốt hơn người. Rất có thể loài thú không bao giờ làm tổn thương đến những nhân vật như chúa Jesus hay Giordano Bruno.

Người Phật tử tin chắc rằng một hành động có phương hại đến người khác không khi nào đem lại lợi ích cho mình. Vì vậy mà trong toàn thể lịch sử Phật Giáo không có trang nào bị máu làm hoen ố. Không có một người nào bị giết chóc hay bị hành hung vì không tin ở Ðức Phật. Phật Pháp là một lối sống tự do và cao thượng, chỉ thích hợp với một hạng người. Người Phật tử không tìm cách bắt buộc người khác phải chấp nhận lối sống ấy, bởi vì bắt buộc là đi ngược lại với tự do. Người Phật tử cũng không chủ trương rằng muốn được giải thoát hoàn toàn thì phải theo đạo Phật tức khắc. Vẫn còn thì giờ. Còn rất nhiều thì giờ. Còn cả một thời gian vô hạn. Những người không chấp nhận được Giáo Lý của Ðức Phật ngày hôm nay sẽ chấp nhận một ngày khác. Ta không cần phải lo sợ cho họ, cũng không nên làm ra vẻ ta đây là Cứu Tinh. Họ sẽ tự cứu lấy họ, mặc dầu chậm trễ, mặc dầu không phải bằng những phương tiện mà hiện nay họ đang tin tưởng.

Bây giờ, người Phật tử phải có thái độ như thế nào đối với người khuyên mình đổi tôn giáo theo về với họ? Thái độ của ta phải là hiểu biết, từ ái và nhẫn nại. Dầu sau, dẫu có trá hình đi nữa, đó cũng là một cử chỉ thân thiện. Người Phật tử phải lấy thiện ý đáp lại thiện ý. Ta hãy nói qua cho họ biết một ít về Phật giáo.

-ooOoo-

TINH THẦN QUỐC GIA

Không phải trên không trung, giữa biển sâu,
Hay trong hang đá của ngọn núi nào,
Cũng không thể tìm ra một nơi nào trên thế gian này để ẩn náu,
Mà khỏi phải chết.
PHÁP CÚ KINH

Lời kêu gọi của Ðức Phật gởi đến mọi người, mọi thời đại. Ngài sanh trưởng trong hoàng tộc dòng Thích Ca (Sakya), ở miền Bắc Ấn Ðộ. Nhưng khi tưởng niệm đến Ngài, chúng ta không hề nghĩ rằng Ngài là người Ấn hay là một người của dòng họ Thích Ca. Ngài quá cao quý và đã vượt lên khỏi những điều ấy.

Ðối với người đi theo con đường của Ðức Phật thì tinh thần quốc gia không có ý nghĩa gì. Tại sao ta cất tiếng lên hát bản quốc nhiều với tất cả tâm hồn và một niềm tin đầy thiện cảm khi mà, theo lời dạy của Ðức Phật, chắc chắn ta phải chết một ngày nào, và sau khi chết, ta có thể tái sanh trong một quốc gia khác. Tinh thần quốc gia có thể có đầy đủ ý nghĩa đối với người không thể nhìn xa hơn kiếp sống này. Những người không tin ở sự tái sanh. Hơn nữa, tinh thần quốc gia bắt nguồn từ ý niệm lầm lạc về "Ta" và "của Ta". Ðức Phật dạy rằng không có cái gì trường tồn bền vững trong một chúng sanh. Không có cái chi mà ta có thể nói rằng "đây là Ta" "Cái này là của Ta". Vậy thì làm sao người Phật tử thành thật có thể nói đây là "quốc gia của Ta" hay đây là "dân tộc của Ta". Nếu thật sự ta đã chấp nhận giáo lý của Ðức Phật thì ta không thể nghĩ rằng ta là người của một quốc gia riêng biệt nào. Một cách chính xác, ta cũng không thể nghĩ đến ta như một con người, vì cho đến cái trạng thái người của ta cũng là tạm bợ, nhất thời. Ta chỉ có thể coi ta như là một chúng sanh, nghĩa là một diễn tiến của dòng Danh Sắc, Tâm Thể Xác, luôn luôn biến đổi, luôn luôn sanh, trụ rồi diệt.

Trên nhiều phần đất của thế gian ngày nay tinh thần quốc gia hẹp hòi hình như càng ngày càng bành trướng. Con người có khuynh hướng càng ngày càng mạnh rằng mình có dân của quốc gia này hay quốc gia khác, thay vì là một chúng sanh sáng suốt. Cũng như một cái ung thư nguy hiểm, tinh thần quốc gia hẹp hòi ấy ăn dần vào tất cả cái gì cao quý và quảng đại nhất của con người, khoét dần tình thương và đức tính liêm khiết, thanh bạch, để thay vào đó bằng những tế bao xấu xa bẩn thỉu. Nhiều người xem đó là một thay đổi trong sạch. Nhưng không có người Phật tử chân chánh nào giẫm chân trên con đường lầm lạc ấy.

Trong lúc đang sống kiếp người hãy có đủ sáng suốt để tự nhận là một con người, thay vì là người Tích Lan, người Hoa Kỳ, người Miến Ðiện hay là người Nga. Không nên có những ý tưởng ty tiện về ngôn ngữ, y phục, tập quán, nghi thức, lễ tiết.

Ðức Phật như mặt trời. Pháp của Ngài như ánh sáng, bao trùm tất cả mọi người, không cần biết ai nói tiếng gì, mặc y phục gì hay ở xứ nào. Ngôn ngữ Ðức Phật là Chân Lý, y phục của Ngài là Chân Lý và quê hương của Ngài là vũ trụ bao la, bởi vì Chân Lý là một, ở mọi nơi, mọi thời đại.

-ooOoo-

DANH TỪ

Chỉ một câu mà đem lại sự vắng lặng cho người nghe.
Còn hơn cả bài Pháp dài hàng ngàn chữ
Mà không chứa đựng ý nghĩa bổ ích nào.
PHÁP CÚ KINH

Nó tràn ngập chúng ta. Mỗi khi ta giở ra một tờ báo, mỗi khi ta vặn máy phát thanh thì nào là danh từ, danh từ, danh từ... Ai nói lên những danh từ ấy? Ai viết nó ra trên giấy? Lắm khi chúng ta cũng không màn tìm hiểu. Ta không có thì giờ. Nhưng âm thầm, lặng lẽ, tế nhị và khôn ngoan, những danh từ mà ta nghe, những danh từ mà ta đọc dần dần gieo ảnh hưởng đến ta. Cũng vì lẽ đó mà người ta chịu tốn bao nhiêu tiền để đăng mấy cột quảng cáo trên mặt báo hay để được phát thanh trong chương trình thương mại. Người ta biết rằng danh từ làm được rất nhiều việc. Những danh từ khéo chọn và khéo ráp lại với nhau có thể đưa trí tưởng tượng của ta đi dễ dàng. Người ta biết rằng những danh từ khêu gợi, lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ được chấp nhận như một chân lý.

Ai là người bền công, chịu khó tận dụng sự công hiệu của danh từ? Chắc chắn rằng đó là những người muốn bán một món hàng. Hàng có thể là một dược phẩm, có thể là một năm bảo hiểm, có thể là một ý thức hệ chánh trị. Họ cố gắng tung ra thị trường một món hàng và họ dùng những danh từ - danh từ hãi hùng rùng rợn, những danh từ khêu gợi sự thèm muốn và kích thích cảm xúc. Ít khi, nếu không phải là không khi nào, có những danh từ khêu gợi lý trí và trí tuệ.

Khêu gợi lý trí và trí tuệ là khuyến khích người nghe suy gẫm và đó là một điều tối kỵ đối với ai muốn bán một món hàng. Gợi những khát vọng và kích thích những cảm xúc của khách hàng hẳn là có lợi hơn.

Khát vọng thì mênh mông, cảm xúc thì có rất nhiều loại, phạm vi hoạt động của khách rao hàng thật là rộng rãi. Nghiên cứu kỹ càng một bài quảng cáo đăng trên mặt báo ta sẽ thấy nó vừa bổ ích vừa lý thú. Ta được biết rằng chỉ có những người "sang trọng nhất" mới mặc cái áo "hiệu này" hay "hiệu nọ". Người ta không cho ta biết tại sao, cũng không khuyến khích ta tìm hiểu tại sao. Ta chỉ được biết rằng trong xã hội có một hạng người gọi là "sang trọng nhất" và chỉ có hạng người này mới mặc cái áo "hiệu này" hay "hiệu nọ". Bao nhiêu đó đủ khêu gợi đủ làm cho người ta muốn cũng mặc cái áo như vậy. Phần lý thú của câu chuyện là đánh giá cái bản chất của nhân loại như vậy tỏ ra là xác đáng. Bởi vì hiệu áo này bán chạy một cách khả quan.

Rồi lại có sự khêu gợi bản tính sợ sệt. Các công ty bảo hiểm khai thác cái bản tính này một cách quá đáng. Người ta thúc giục nên đi bảo hiểm mọi tai họa. Người ta không cho biết tại sao công ty bảo hiểm lại hết sức sốt sắng muốn bảo hiểm cho ta và cũng không gợi ý tò mò của ta. Người có hùn vốn trong công ty thì biết tại sao, vì mỗi tháng câu trả lời nằm trọng vẹn trong bản báo cáo chia lời. Phần đông những người đi bảo hiểm không cần phải được bảo hiểm. Nếu không phải vậy thì các công ty bảo hiểm đã phá sản.

Trong giới chánh trị cũng vậy. Muốn bán món hàng của mình người ta khêu gợi sự thèm thuồng và kích thích cảm xúc nhiều hơn là lý trí và sự sáng suốt. Người ta dùng danh từ, ngàn này đến ngàn kia danh từ khêu gợi, có khuynh hướng bóp chết khả năng suy gẫm, phê bình. Người ta lặp đi, nhắc lại nhiều lần trên diễn đàn, trên mặt giấy, trên những làn sóng điện và rốt cùng, người khác sẽ chấp nhận những danh từ ấy như sự thật. Người ta làm như vậy một cách quả quyết. Bị chận ngăn bên trong làn sóng tuyên truyền thì rất khó mà nhận định rõ ràng và mạch lạc. Và các chính trị gia đã hiểu như vậy. Công việc của họ không phải là khuyến khích người ta suy gẫm rõ ràng và mạch lạc.

Tuy nhiên, từng cá nhân, chính ta phải suy gẫm. Ðó là bổn phận của chúng ta nếu ta muốn giữ mình được liêm khiết, trong sạch. Trong tất cả bao nhiêu ngàn danh từ mà người buôn hàng tung ra tràn ngập ta, không có một chữ có thể đem lại cho ta sự vắng lặng của tâm. Chỉ có những danh từ làm cho ta muốn vật này hay vật kia, những món hàng mà người ta muốn bán.

Nhưng sự vắng lặng của tâm thì không có ai bán. Nó chỉ là một món quà mà ta tự cho ta. Nếu ta có trí tuệ, nó là món quà mà từ ngàn xưa hạng người trí tuệ tự cho mình. Nếu ta có thể đóng những cái cửa của tâm lại, gát ra ngoài bao nhiêu lời kêu gọi, rao hàng, của những người cố gắng bán cho ta những vật không có giá trị nào thì chừng ấy ta có thể nghe câu nói đầy ý nghĩa, câu nói đem lại cho ta sự vắng lặng, câu nói mà Ðức Phật đã dạy:

"Trong thế gian này, người nào kiểm soát được cái khát vọng vô lối và bất kham của mình thì phiền não sẽ rời mình cũng như những giọt nước rời lá sen để rớt xuống".

-ooOoo-

SI MÊ

Tất cả những bợn nhơ trong tâm hẳn là xấu xa,
trong thế gian này và trong thế gian kế.
Cái bợn nhơ to lớn và tệ hại hơn tất cả là si mê.
Này hỡi các Tỳ Khưu, hãy gội rửa bợn nhơ ấy
Và trở nên toàn thiện.
PHÁP CÚ KINH

Ðôi khi người ta hỏi người Phật tử tại sao Ðức Phật không dạy những điều chúng ta đã khám phá ra ngày nay mà lúc bấy giờ chưa ai biết. Người ta hỏi, nếu Ðức Phật là toàn tri toàn giác thì hẳn Ngài đã thông suốt tất cả các hiện tượng trong vũ trụ, và đã biết rõ Thái Dương Hệ, Giãi Ngân Hà v.v... Như vậy tại sao Ngài không sửa chữa lại những tin tưởng sai lầm của thời bấy giờ.

Một câu hỏi như vậy thật là hợp lý, bởi vì người nêu lên nó cảm thấy đầy đủ, cảm thấy bằng lòng với sự biểu biết của mình ngày hôm nay và bằng lòng với sự không biết một điều nào về mục đích của đời sống Ðức Phật. Trước tiên, ta có nên thật sự quả quyết một cách độc đoán rằng những hiểu biết của chúng ta ngày nay sẽ không bị chứng minh là sai lầm một ngày nào không? Bởi vì những điều mà ta biết ngày hôm nay có thể cũng cách xa chân lý như những hiểu biết của người ở thời đại thạch khí. Ngàn năm sau, nếu khí giới nguyên tử không biến quả địa cầu ra một hành tinh chết thì người ta sẽ sắc nhắc đến những tư tưởng ngày nay cũng tương tợ như hiện nay ta nhắc lại tư tưởng của người sống trước thời Copernic. Ðối với trí tuệ của Ðức Phật những tư tưởng sẽ thạnh hành trong một ngàn năm sau vẫn còn chưa được vững.

Tuy nhiên, những điều mà Ðức Phật muốn dạy ta còn quan trọng hơn những thắc mắc ấy nhiều, vì là tối cần thiết để giải thoát. Ngày kia, khi đi ngang qua một cụm rừng, Ðức Phật nắm trong tay một nắm lá và nói rằng những điều Ngài dạy chỉ như số lá trong tay và sự hiểu biết của Ngài thì cũng như tất cả lá trong rừng. Tuy nhiên bao nhiêu điều dạy ấy rất đầy đủ để giúp cho ta giải thoát. Ngài không bỏ sót một điều cần thiết nào.

Bây giờ chắc chắn rằng ta không còn ngây ngô quả quyết rằng một nhân vật như Ðức Phật lại còn thắc mắc ái ngại với những việc như sửa sai quan niệm lầm lạc của chúng sanh về những hiện tượng vật chất và những cơ cấu vũ trụ. Cũng như làm cha mẹ, thấy con vui mừng tin tưởng nơi ông già Noẽl thì cho đó là không có gì hại, Ðức Phật thấy rằng những tin tưởng lầm lạc về cơ cấu của vũ trụ cũng không có gì là hại. Ðối với Ngài, dầu chúng sanh tin rằng mặt trời xoay chung quanh quả địa cầu hay là trái đất xoay quanh mặt trời thì cũng không sao. Mặc dầu tin rằng nếu đi mãi, đi mãi, một ngày kia ta sẽ đến chân trời, người kia vẫn có thể hiền lành và thông minh sáng suốt. Có rất nhiều người trí tuệ và hiền lành hơn ta biết mấy mà vẫn tin như thế.

Ðức Phật không quan niệm rằng chính sự hiểu biết là mục đích cứu cánh. Nhưng tại sao Ngài dạy rằng si mê là cái bợn nhơ vĩ đại và tệ hại hơn tất cả. Bởi vì chính si mê nằm chẻn ngang trên con đường giải thoát của chúng sanh. Chính si mê nuôi dưỡng lửa tham và lửa sân. Chính si mê dẫn dắt chúng ta triền miên trôi vạt trong vòng luân hồi, hết kiếp này đến kiếp khác.

Mặc dầu nghĩ thế nào về sự khôn ngoan sáng suốt của ta, tất cả chúng ta vẫn còn chìm đắm trong si mê. Chúng ta vẫn chưa chứng nghiệm được rằng vạn hữu là vô thường, không đáng cho ta ham mê bám bíu, rằng tất cả đều biến đổi và tiêu tan, tất cả đều tạm bợ. Như vậy ta ưa thích, luyến ái, rồi bám bíu, rồi hy vọng, rồi mưu toan, thảo kế hoạch. Ta gieo những hạt giống, tạo những kiếp sống tương lai trên một thế gian đầy phiền não, trong cảnh giới ảo huyền, giữa những hình bóng luôn luôn biến đổi. Như vậy thì biết rằng trái đất xoay quanh mặt trời có lợi ích gì? Tất cả những gì mà khoa học đã khám phá không giúp cho nhân loại tiến lên được tấc đất nào trên con đường hạnh phúc. Thật vậy, sự điên cuồng của con người quả là trọng đại. Càng hiểu biết thêm cái thế gian vật chất này ta càng nhận ra là mình bé nhỏ và bần tiện. Ngày nay nhân loại đã trở thành bần tiện đến đỗi chúng ta có cảm giác như đang luận phiên tự sát, giống như loài bò cạp, tự chích lấy đuôi mình đến chết, chết vì nọc độc của chính mình. Nếu đó là hậu quả của sự hiểu biết thì thà kém hiểu biết còn hơn. Có lẽ Ðức Phật đã thấy trước như vậy khi Ngài giữ lại bao nhiêu hiểu biết mà không dạy thế gian. Ngài dạy một lối sống khả dĩ mở mang trí tuệ mà không đề cập đến những hiểu biết vô ích và có thể nguy hại.

-ooOoo-

NĂNG LỰC CỦA CHÂN LÝ

Trên thế gian này chắc chắn là có đạo đức, có thiện tâm.
Có sự gội rửa, có sự cải thiện
Do nơi sự kiện này ta quả quyết xác nhận chân lý.
TÚC SANH TRUYỆN

Người phương Đông từ lâu nay vẫn tin rằng có một năng lực phi thường trong sự "xác nhận chân lý". Có rất nhiều trường hợp được ghi nhận trong kinh điển Phật Giáo chỉ rằng năng lực của chân lý được sử dụng với những mục đích khác nhau, như để chữa bệnh chẳng hạn. Chân lý đặc biệt có hiệu năng khi người xác nhận nó rõ ràng có đầy đủ tư cách, như khi người biền lương đạo đức nói lên hoặc quán tưởng: "Do nơi oai lực của Chân Lý cho rằng có đạo đức và thiện tâm trên thế gian, mong rằng bệnh tật của ông... được tiêu tan". Ta có thể hiểu được rằng người hiền lương đạo đức như vậy xác nhận chân lý với một niềm tin vững chắc hơn là một người xấu xa gian ác, và tâm của người ấy chuyển đạt năng lực chân lý dễ dàng hơn. Chắc chắn rằng niềm tin rất là thiết yếu.

Có một thời nào, người ta cho rằng ai là người tân tiến, theo kịp thời đại, phải chê bai và chế nhạo, không tin những gì mà ngũ quan không ghi nhận được. Như tâm lực chẳng hạn. Nhưng ngày nay, ở Á Ðông, cho đến người sống theo chủ nghĩa duy vật cũng được cnảh tỉnh nhận rằng tâm thật sự có một năng lực phi thường mà khoa học hiện tại không thể giải thích được. Ngay đến vật chất cũng đã không còn là một cái gì bền vững trường tồn như một vài năm trước và đã phản bội con người duy vật. Vật chất chỉ còn là một biểu hiện của năng lực. Vậy năng lực là gì? Không ai biết. Người ta chỉ gọi nó bằng những danh từ khác nhau và nêu lên thí dụ của những hình thức biểu hiện của nó như điện, từ tính, sức hấp dẫn, sức nóng và ánh sáng. Như vậy có hợp lý chăng, khi ta giả thiết rằng tâm cũng là một hình thức năng lực và tâm lực của thể ảnh hưởng đến cái mà ta gọi là thế gian vật chất.

Lẽ dĩ nhiên, không phải là tất cả mọi người đều có thể dùng tư tưởng của mình mà chẻ đôi được một tảng đá hay cất lên một vật nhẹ như cái lông chim đi nữa. Tuy nhiên ta hỏi lại, bao nhiêu người biết làm cách nào để phát sanh ra đầy đủ điện lực để chẻ đôi một tảng đá hay cất lên một cái lông chim? So với số đông đảo dân chúng, tỷ số thật là thấp, rất thấp. Vậy mà không ai phủ nhận năng lực của điện.

Ðiểm khác biệt trọng yếu giữa tâm lực và điện lực là trong cái thế gian tân tiến này, điện lực đã trở thành khí cụ cho bất luận kẻ điên cuồng nào biết bấm một cái nút, còn tâm lực thì chỉ phát sanh trong từng cá nhân. Từng cá nhân phải tự mình cố gắng để phát động tâm lực vì không thể giúp ai có được tâm lực, ngoại trừ bằng những lời khuyên thích hợp. Mỗi người phải tạo lấy cho mình cái máy phát tâm lực và tự luyện tập để sử dụng nó. Mỗi người phải là một chuyên viên và một trắc nghiệm viên lành nghề.

Ở phương đông, chúng ta không thiếu gì huấn luyện viên, và ngày nay nhiều phương pháp đã được trình bày rành rẽ trong sách vở. Vị thầy cao cả nhất là Ðức Phật. Ngài đã thấu triệt bản chất của tâm lực hơn tất cả và Ngài biết một phương pháp tương đối dễ để phát động tâm lực. Phương pháp ấy là "Xác Nhận Chân Lý". Tuy nhiên, ta phải nhận định rằng mục đích duy nhất của Ðức Phật là dạy chúng sanh làm cách nào để thoát ra khỏi cảnh khổ não triền miên dính liền với kiếp nhân sinh chớ không phải là để phát triển tâm lực. Tâm lực chỉ đến tự nhiên như một sản phẩm phụ. Ðức Phật không cho riêng nó một giá trị.

Dầu sao ta không thể phủ nhận rằng phàm nhân chúng ta đôi khi phải cần đến tâm lực để giúp đỡ kẻ khác. "Xác Nhận Chân Lý" một cách thích đáng tất tạo nên năng lực. Nhưng ta phải có đủ tư cách. Hành động của ta phải biểu lộ cái Chân Lý mà ta muốn tạo năng lực để xử dụng. Ðịnh luật thiên nhiên không cho phép một người chơi bời phóng túng lạm dụng chân lý về đạo đức hay một người bỏn xẻn keo kiết lạm dụng chân lý về thố thí. Nếu ta có đủ tư cách để sử dụng nó thì sự xác nhận chân lý là một nguồn năng lực chẳng sai.

Với năng lực ấy ta có thể giúp một người bệnh được khỏe mạnh, làm cho người điên được tỉnh trí, đưa những tia hy vọng đến cho người thất chí và đổi sận hận oán ghét ra tình thương.

Ngày nay, đối với người có đủ lương tri để giúp cho thế gian này khỏi trở thành một lò sát sanh, thì "thiện tâm lực" là điều tối cần. Bài này được viết ra với hy vọng rằng tất cả những người có thiện tâm, bất luận thuộc tôn giáo nào, sẽ tận dụng tâm lực mình để phục vụ nhân loại.

-ooOoo-

CON ÐƯỜNG HẠNH PHÚC

Ai đã dứt bỏ các thằng thúc ở cảnh người
và vượt ra khỏi những vấn vương ở cảnh trời
là đã hoàn toàn thoát ra khỏi mọi ràng buộc.
Như Lai gọi người ấy là bậc thiện trí thức.
PHÁP CÚ KINH

Ðức Phật đã vạch con đường để thoát ra khỏi mọi sự trói buộc ở cảnh giới người và trời, con đường dẫn đến tự do tuyệt đối. Ðối với người thế gian, còn vấn vương trong những thằng thúc của thế gian như khát khao danh vọng, tiền tài, thì chắc là khỏi cần phải đề cập đến các dây trói buộc ở cảnh trời. Người như vậy chưa kịp nhận ra ý nghĩa của tự do thì cái chết đã sù sù đến trước mặt. Họ sống với những rung động của lòng tham trần tục, và chết với những rung động ấy. Nếu đến giờ lâm chung mà những khát vọng ấy chưa được thỏa mãn như bao nhiêu trường hợp đã xảy ra - vì có bao giờ ta biết là đủ - thì hy vọng có được một tái sanh tốt đẹp thật là mỏng manh.

Tuy nhiên cũng có người sáng suốt, biết từ khước những khát vọng thô lỗ của thế gian để tìm cái gì thanh tao cao quý hơn. Những người ấy nhận định rằng cái chết phải đến với tất cả mọi người, và chết nghĩa là bỏ tất cả của cải, sự nghiệp, danh vọng và quyền thế trần gian. Thay vì nghĩ đến những thành công ở hiện tại, họ sống với một con mắt hướng về tương lai. Người ta có thể cho rằng họ không thực tiễn, là họ sống ngoài thế gian. Thật ra họ chỉ thấy xa. Hơn là không thực tiễn. Họ cũng như người kia nhịn xài, để ra một số tiền, tạo vốn làm ăn, thay vì làm ra bao nhiêu thì xài hết. Như vậy họ vẫn thực tiễn, vẫn sống trong thế gian này.

Thấy xa vẫn có lợi, trong hiện tại và trong các kiếp tương lai, Ðức Phật dạy như vậy. Sáng suốt vẫn có ích. Người tối tăm khờ dại không có lý do nào để cảm thấy mình hơn người trí tuệ vì mình không cần nghĩ đến ngày mai. Và khi ngày mai đến, người khờ dại không có lý do nào để bào chữa cho sự rung sợ của mình trong những hoàn cảnh bất hạnh.

Người trí tuệ bỏ vốn trong hiện tại để hưởng lợi ở tương lai thì không phải là không thực tiễn. Người ấy sẽ gặt hái quả lành như là phần thưởng cho sự thấy xa của mình. nhưng dầu có được tái sanh trong cảnh trời đi nữa, nhưng phần thưởng ấy vẫn còn là phàm tục. Người ấy vẫn còn vấn vương trong những dây trói buộc và vẫn còn phải chết. Tuổi thọ trong những cảnh trời thật là dài, dài lắm. Nhưng rồi một ngày nào, khi duyên kỳ đến, nghiệp lực dứt, thì người kia phải chết, và từ cảnh trời sẽ tái sanh vào cảnh giới tương xứng với chiều hướng của luồng nghiệp lúc lâm chung. Người ấy có thể tái sanh vào cảnh người trở lại mà cũng có thể tái sanh vào một cảnh giới thấp hơn. Và như thế mẫu chuyện của đời sống liên tục tiếp diễn, mãi mãi, triền miên, đến khi chứng ngộ đạo quả Niết Bàn. Tất cả chúng ta đều sống ở thế gian và tất cả những ước vọng của chúng ta về một kiếp sống hạnh phúc và an toàn là phàm tục, nếu ta không thể vượt lên và đi xa hơn nữa.

Cái nguy cơ đáng sợ là tính cách biến đổi không ngừng của tâm. Người kia có một đời sống lương thiện và sáng suốt, tích trữ nghiệp lành, và nhờ đó, tái sanh vào cảnh trời. Nhưng có thể là trong cảnh giới đầy lạc thú này người ấy không còn lương thiện và sáng suốt nữa. Giai đoạn nhộng của người tinh tấn, vững bước trên đường tiến bộ ở kiếp sống này có thể biến thành giai đoạn bướm trong cảnh trời, ở kiếp sống kế. Và nếu tái sanh trở lại vào cảnh người, quên hết dĩ vãng, người ấy không biết tại sao mình được giàu sang may mắn và có thể trở nên phóng túng hư hèn.

Vì lẽ ấy, Ðức Phật khuyên ta nên tháo bỏ mọi trói buộc ở cảnh người và cảnh trời để tiến đến mức giải thoát hoàn toàn. Bỏ vốn để hưởng lợi trong kiếp tương lai là tốt, nhưng chưa đủ. Trong khi bỏ vốn ra, ta phải hướng nó về con đường dẫn đến Niết Bàn. Hạnh phúc tương lai và an toàn phải là những phương tiện đưa ta đến cứu cánh. Cứu cánh là Tự Do, là Giải Thoát Hoàn Toàn.

-ooOoo-

XUẤT GIA

Không nên mật thiết với người thân.
Không bao giờ mật thiết với người mình không thích.
Xa lìa người thân và chạm mặt với người không thích đều là phiền não.
PHÁP CÚ KINH

Những tư tưởng về "Ta" và "Của Ta" là nguyên nhân của tất cả sự ưa thích và oán ghét. Ta có thể nghĩ rất tốt về một người, vì đức hạnh cao quý của người ấy, và có những ý nghĩ xấu xa về người khác vì các tệ đoan của họ. Nhưng ta không thể thương yêu người này hay oán ghét người kia nếu không tiếp xúc với họ. Khi xa lìa người thân yêu, ta cảm thấy như mất một cái gì. Khi bị bắt buộc phải chung sống với người mà ta ghét thì ta cảm thấy khó chịu. Cả hai cảm giác (thọ) đều là phiền não.

Ðức Phật thấy rằng các cảm giác ấy phát sinh từ ảo kiến về cái "Ta" và được kích thích do sự tiếp xúc bản thân. Cái khái niệm về bản ngã là một yếu tố không thay đổi và tồn tại đến chừng nào ta nhận ra thực tướng của vạn hữu. Trong những bước đầu tiên trên con đường Giác Ngộ, dầu ta có tự hào là đã diệt được cái khái niệm sai lầm ấy cũng vô ích. Vậy ta hãy chấp nhận nó và ứng phó với những tiếp xúc bản thân, làm cho sự va chạm càng nhẹ càng hay.

Sự kết hợp mật thiết với người thân yêu, cũng như với người mình oán ghét, là nguyên nhân của sự khổ. Ðàng khác, sự lánh xa có khuynh hướng làm nhẹ bớt mức độ của những cảm xúc ấy và do đó, giảm phần khổ não. Ðó là lời dạy của Ðức Phật, rõ ràng, minh bạch và không thể lầm lẫn. Mỗi người chúng ta đều có đủ tự do để chọn lối sống cho ta. Có thể có người chỉ trích rằng lời dạy của Ðức Phật là lạnh nhạt và vô nhân đạo. Người ta có thể nói: "Thà đã có thương yêu rồi mất còn hơn là không có thương gì hết". Những người ấy có đủ tự do để thương yêu rồi mất, bao nhiêu lần cũng được, trong đời sống hiện tại và trong các kiếp sống tương lai, đến chừng nào họ nhận định rằng họ đang làm những việc điên cuồng. Cũng có kẻ lấy làm hãnh diện thấy mình oán ghét nhiều người. Những người này cũng vậy, có đủ tự do để tiếp tục cuộc hành trình trên con đường của họ, đến khi nào hoàn cảnh đau thương tấp nập tới, dạy cho họ biết rằng người có tật ưa oán ghét làm hại mình nhiều hơn là người mình ghét.

Có rất ít, thật là ít người hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của Ðức Phật. Họ là những người trưởng thành, những lữ khách quen thuộc từ bao giờ trong vòng luân hồi, những người đã quá chán chê với mọi cảm xúc thương và ghét. Họ đã bắt đầu cảm thấy rằng muốn đạt tự do phải ra đi, lánh xa. Ðó là những người mà Ðức Phật muốn nhắn nhủ. Những người khác chỉ tình cờ có mặt để nghe những lời vàng ngọc ấy, nhưng họ nghe bằng tai, không phải bằng tấm lòng.

Ta có thể nói rằng hành động như vậy là ích kỷ không? Chắc chắn là không, vì đó là lối sống dẫn đến sự diệt kỷ. Kết hợp mật thiết với người khác không phải là vị tha. Ðó là loại phân bón để bồi bổ cái cây "Ta", giúp cho cây chóng to và trổ quả sum suê, những quả khổ của đời sống. Lánh xa thì trái ngược lại. Lánh xa là loại phân bón để bồi bổ cái cây "Trí Tuệ", giúp cho nó chóng to và trổ quá sum sê, quả Giác Ngộ.

Ta không nên lầm lẫn, mải mê trong ảo tưởng. Cái thế gian mà ta sống đây được xây dựng trên khái niệm sai lạc về cái "Ta". Ðức Phật dạy nên diệt bỏ khái niệm ấy. Tất cả những sinh hoạt của thế gian, tất cả những lợi lộc của thế gian đều dính liền với ý niệm căn bản ấy. Người nào từ khước lối sống của phần đông bị coi là phản xã hội. Lánh xa là từ khước lối sống của phần đông. Người trí tuệ có cần phải đổi thái độ không?

-ooOoo-

VẮNG LẶNG

Cũng như ở giữa lòng đại dương thì không có sóng gió.
Tất cả đều yên lặng.
Này hỡi các Tỳ khưu, hãy giữ tâm bình thản;
Không nên để tính ngã mạn chi phối.
TUVATAKA SUTTA

Sâu dưới lòng đại dương, nơi mà biến thật là sâu, ở nửa cây, một cây, hai cây số cách xa mặt nước, tất cả đều yên lặng. Không sóng gió. Không bão bùng. Ở đây không có những phiền phức, những xáo động ầm ĩ như ở phía trên.

Trạng thái của những vị đã hoàn toàn giải thoát cũng dường thế ấy. Những vị ấy đã đạt đến mức vắng lặng cùng tột. Các vị ấy không còn bị xáo động ầm ĩ, phiền phức, không còn lo âu sợ sệt, không còn ham muốn, thèm thuồng những sinh hoạt vô lý của thế gian.

Trong câu Pháp Cú trên, Ðức Phật khuyên nhủ các vị tỳ khưu nên sống yên tĩnh. Lời khuyên này vẫn thích hợp với hàng cư sĩ. Mặc dầu người thế gian chúng ta chưa đạt đến trạng thái vắng lặng hoàn toàn, nếu cố gắng luyện tâm được thanh tịnh thì ta cũng có thể, đến mức độ nào, chứng nghiệm được cái bóng lu mờ của sự vắng lặng ấy.

Tại sao phải tập luyện để giữ tâm thanh tịnh? Câu trả lời rất là giản dị. Trong khi di chuyển, ta không thể nhận định rõ ràng những chuyển động ở quanh ta. Hai chiếc xe chạy song song cùng một tốc độ, một chiều hướng, ngồi trong xe ta có cảm tưởng như cả hai chiếc đều dừng lại. Trái lại, cây cối hình như chuyển động. Cảm tưởng của ta về cảnh vật xung quanh luôn luôn bị sự di chuyển của chính ta chi phối. Tâm của ta cũng vậy. Khi tâm bị xáo động thì khó mà nhận định được những chân lý cao thâm và vĩnh viễn. Chấp nhận là vững bền, những pháp luôn luôn biến đổi. Trái lại, các pháp thật sự trường cửu, như những chân lý vô thường, khổ não, vô ngã (Anicca, Dukkha, Anatta) thì không hề nhận ra. Tâm của ta mãi bận rộn với những hiện tượng luôn luôn biến đổi, luôn luôn bị phiền phức, không thể nhận định rõ ràng và không thể thấu triệt chân lý.

Vì thế Ðức Phật khuyên nên giữ tâm yên lặng. Toàn thể những đề mục mà Ngài dạy ta quán tưởng đều nhằm vào mục đích làm cho tâm yên lặng (Samatha bhavana, Thiền vắng lặng). Khi mọi tư tưởng trần tục đều được gội rửa, tâm an trụ gôm vào một đề mục thiền định (Kammatthana, Đề mục thiền định) và trở nên vắng lặng. Tâm lực càng ngày càng hùng mạnh, đến mức độ có thể phát triển thần thông như thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông, túc mạng minh v.v.. Tuy nhiên những năng lực ấy chỉ là những sản phẩm phụ của thiền Samattha Bhavana. Mục đích duy nhất của thiền này là làm cho tâm trở nên vắng lặng. Sự vắng lặng đem lại quan kiến rõ ràng, sáng suốt, sâu sắc và chân thật.

Người cư sĩ thường bị trở ngại trong đời sống hàng ngày. Phần lớn các trở ngại ấy không phải là những phận sự xã hội, mặc dầu công việc này chiếm mất rất nhiều thì giờ. Trở ngại quan trọng nhất là sự lo âu sợ sệt. Ta thường lo âu về những việc đã làm, đang làm và những việc mà ta dự định sẽ làm. Ta sợ cho những điều đã hay đang xảy ra và những điều có thể sẽ xảy ra. Ðức Phật dạy rằng những lo âu sợ sệt ấy là vô ích và điên cuồng.

Làm thế nào để chặn đứng nó? Một hình ảnh thích hợp có thể giúp ta. Trong những lúc lo âu, ta hãy hình dung cảnh vắng lặng ở giữa lòng đại dương.

-ooOoo-

NHIỆT TÂM

Này hỡi các Tỳ khưu,
Như Lai ân cần nhắc nhở các thầy.
Tất cả các pháp đều vô thường.
Với tâm đạo nhiệt thành, hãy cố gắng đạt đến mục tiêu.
MAHA PARINIBBANA SUTTA

Ðó là lời dạy tối hậu của Ðức Phật. Những lời giản dị, rõ ràng, thẳng thắn, đưa ngay vào đề. Ngài đã trải qua vô lượng kiếp sống, tự trau giồi, tiến đến mức toàn thiện, để rồi dạy chúng sanh một lần cuối cùng, con đường thoát ra khỏi sự đau khổ. Trong kiếp sống cuối cùng của vòng luân hồi, Ðức Phật đã dành tất cả năng lực hùng hậu của Ngài đê dắt dẫn chúng sanh, không bao giờ tiếc công, không bao giờ gát lại ngày mai những gì có thể làm hôm nay. Và sau cùng, trong giờ phút tối hậu của một kiếp sống vô cùng vinh quang rạng rỡ, đó là lời dạy của Ngài. Tất cả giáo lý của Ngài nằm vỏn vẹn trong câu phật ngôn ấy. Mọi người Phật tử đều có thể coi đó là cái tinh hoa của Phật Giáo và lấy đó làm phương châm cho việc tu học.

Nếu so với Ðức Phật và chư vị A La Hán thì chúng ta quả thật là yếu kém. Phần đông chúng ta quan niệm rằng đời sống đáng được ưa thích và chúng ta luyến ái, bám bíu lấy nó, chúng ta muốn sống, ham sống. Ta cũng đọc đi, lập lại những lời của Ðức Phật và yên trí là đang đi theo dấu chân Ngài. Nhưng bất hạnh thay! hành động của ta còn thiếu nhiệt thành, cố gắng của ta không do đạo tâm trọn vẹn làm nòng cốt. Một cách thê thảm, chúng ta còn thiếu những yếu tố cần thiết để thành công. Chúng ta cũng tựa như những người nối đuôi nhau nhẫn nại đứng chờ xe buýt. Chuyến xe "Phật Gotama" vẫn chưa thấy đến. Chúng ta vẫn còn mong đợi, kẻ trước người sau, sắp thành hàng dài và, để tiêu khiển thì giờ, chúng ta đem những chuyện xe cộ, những vấn đề tổ chức xe buýt ra bàn nhãm, nói khào. Chúng ta đang chờ đợi để bỏ ra vài đồng tiền, mua lấy cái vé đi Niết Bàn và, khỏi cần phải cố gắng ti ti nào, ta chỉ nhẫn nại chờ Ðức Phật Di Lạc đến, đưa ta đi với đầy đủ tiện nghi. Trên thế gian này không còn gì khuyến khích ta rảo bước trên đường.

Nhưng thảm đạm thay, những công tác thật sự không phải là một loại xe buýt hay một phương tiện di chuyển có thể đưa ta đến Niết Bàn. Chư Phật chỉ là những vì hướng đạo, theo ý nghĩa đầy đủ và cao quý nhất của danh từ. Các Ngài dẫn dắt chúng ta đi trên "Con Ðường Giải Thoát". Giáo Pháp của Ðức Phật Gotama vẫn còn tồn tại. Nếu chúng ta không thể lãnh hội và bắt đầu cố gắng lên đường, tiến dần đến mục tiêu, thì dẫu có mong đợi Ðức Phật Di Lạc cũng vô ích, vì Ngài sẽ ban cho ta một giáo pháp y hệt. Lời dạy của Ðức Phật rất là rõ ràng, không thể rành rẽ hơn nữa. Nếu có một điều gì thiết sót thì sự thiếu sót ấy do chính nơi ta.

Vậy bây giờ ta phải làm gì? Trước tiên, đứng về phương diện tinh thần, ta không nên đứng chờ ở bến xe. Ta phải nhận định rằng đạo quả Niết Bàn chỉ có thể thành tựu với sự tinh tấn riêng của mỗi người chớ không phải là một cảnh thiên đàng mà có một vị Phật nào có thể đưa ta đến. Ðức Phật có rất nhiều oai lực, nhiều hơn tất cả chúng sanh, nhưng Ðức Phật không thể thành tựu đạo quả Niết Bàn cho ta. Mỗi chúng sanh phải tự lực đạt lấy cứu cánh của mình.

Ðã nhận định như vậy, ta phải tức khắc lên đường, từ ở đây, từ giờ phút này, theo đúng lời dạy của Ðức Phật và thành thật, cố gắng, ghép mình vào một nếp sống khả dĩ đưa đến đạo quả Niết Bàn. "Hãy cố gắng với một tấm lòng nhiệt thành", Ðức Phật dạy như vậy. Ta hãy học lấy nằm lòng. Ta hãy nghiêm trì giới hạnh với một tấm lòng nhiệt thành. Hãy hành các Pháp Ba-La-Mật với tấm lòng nhiệt thành. Với một tấm lòng nhiệt thành ta hãy giữ tâm vắng lặng và trong sạch, theo đúng phương pháp mà Ðức Phật đã dạy.

Hãy tận dụng những cơ hội mà ta đang có, ở đây và trong hiện tại.

-HẾT-

-ooOoo-

Ðầu trang | Phần I | Phần II

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 09-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 18-09-2002