BuddhaSasana Home Page

VU Times font


THERAVĀDA
Phật Giáo Nguyên Thủy

Chú giải Ngạ quỷ sự

Dịch từ Pāli sang Anh ngữ: PETER MASEFIELD
Việt dịch: Tỳ khưu MINH HUỆ

Ấn bản 2007

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


  

CHƯƠNG III

TIỂU PHẨM
(CŪḶAVAGGA)

*

III.1 BẤT ÐÁNG QUỶ SỰ
(ABHIJJĀMANA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Mà không làm rẽ nước".

Pháp thoại này được thuyết giảng trong khi Bậc Ðạo sư đang trú ngụ ở Veḷuvana, liên quan đến một Ngạ quỷ nọ mà đã từng làm một người thợ săn.

Tương truyền rằng: ở bên kia sông Hằng, về phía tây của thành Ba-la-nại, khi bạn đi tới ngôi làng Vāsabha thì tại đó có một người thợ săn nọ ở trong ngôi làng tên là Culdaṭṭhila. Anh ta thường giết nai trong rừng, ăn phần thịt ngon nhất mà anh ta đã nướng trên lửa than, rồi bỏ phần còn lại trong một cái giỏ lá và mang khối thịt này trên một cái sào, rồi trở về làng. Khi những đứa trẻ nhỏ trông thấy anh ta ở cổng làng thì chúng chạy đến anh ta với hai bàn tay xoè ra mà nói rằng, "hãy cho con thịt! hãy cho con thịt!". Mỗi lần như thế anh ta cho chúng một ít thịt. Rồi một hôm nọ, anh ta không kiếm được thịt. Anh ta bèn trang sức vào người bằng những bông hoa uddāla, và cũng mang nhiều bông hoa trong tay anh ta đi đến ngôi làng.

Khi những đứa trẻ nhỏ trông thấy anh ta ở cổng làng, chúng chạy đến anh ta với những bàn tay xoè ra mà nói rằng. "Hãy cho con thịt, hãy cho con thịt!" Anh ta cho mỗi đứa trong bọn chúng một nhánh hoa. Ðến đúng lúc, anh ta chết và sanh vào cõi ngạ quỷ, bị trần truồng, xấu xí và trông khủng khiếp vì không biết đến đố ăn hay thức uống, ngay cả trong những giấc mơ của anh ta cũng không, và với những bó hoa uddāla được buộc vào đầu, anh ta đi bộ ngược dòng sông Hằng mà không làm rẽ nước, khi nghĩ rằng, "Ta sẽ kiếm một cái gì đó trước mặt những quyến thuộc của ta ở Culdaṭṭhila". Lúc bấy giờ, vị quan đại thần của vua Bimbisāra, tên là Koliya, đang trở về sau khi dẹp yên cuộc dấy loạn ở vùng biên giới; sau khi đã truyền lịnh cho đoàn Tượng binh và mã binh v.v... đi trên đường bộ, chính trị ấy đi bằng thuyền xuôi dòng sông Hằng; khi vị ấy trông thấy con Ngạ quỷ ấy đang đi đến trong trạng thái ấy, bèn nói lên câu kệ này để dò hỏi:

1. "Ngươi đang đi ở đây mà không làm rẽ nước của sông Hằng; Người trần truồng, tuy nhiên nửa phần trước của ngươi thì không giống một Peta, có trang sức, mang những tràng hoa. Này Peta, ngươi đang đi đâu, và chỗ ngụ của ngươi sẽ ở nơi đâu?"

Bấy giờ, để cho thấy điều được nói ra vào lúc bấy giờ bởi Ngạ quỷ và bởi Koliya, những người kiết tập Tam Tạng đã nói lên những câu kệ này:

2.... "Tôi đang đi đến Culdaṭṭhila", Ngạ quỷ nói, "ở chính giữa của ngôi làng Vāsabha, trong vùng lân cận của Ba-la-nại".

3. Và khi trông thấy nó, vị quan đại thần, là vị Koliya nổi tiếng, bèn cho Peta một bữa cơm lúa mạch, vật thực cùng một bộ y phục màu vàng.

4. Khi chiếc thuyền của vị ấy dừng lại, vị ấy bèn bảo người cho những thứ ấy đến người thợ cạo; khi chúng đã được cho đến người thợ cạo ngay tức thì chúng bỏ được trông thấy ở trên thân của ngạ qủi.

5. Nhân đó, nó được mặc vào những y phục tốt, được trang sức, và mang những tràng hoa; khi đã tin chắc rằng vật thí có lợi ích cho Ngạ quỷ ấy, do vậy người nên cho ra nhiều lần vì lòng thương tưởng đến những Ngạ quỷ".

Bấy giờ vị quan đại thần Koliya, khi cảm thấy thương hại cho Ngạ quỷ ấy, đã tạo ra hình thức bố thí ấy và rồi đi xuống dòng sông và đến Ba-la-nại vào lúc mặt mọc. Ðức Thế Tôn, khi đã đi xuyên qua hư không để tiếp độ cho họ, đang đứng ở trên bờ sông Hằng. Vị quan đại thần Koliya xuống thuyền và, rất vui sướng, thỉnh mời đức Thế Tôn khi nói rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, cầu xin đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn mà nhận lời mời của con để thọ thực ngày hôm nay. Ðức Thế Tôn im lặng nhận lời. Ngay tức thì vị ấy dựng lên ở một chỗ đất khả ái một nhà mát bằng những cành cây, có trang hoàng ở bên trên và có nhiều màu sắc,và rồi dâng đến đức Thế Tôn chỗ ngồi mà vị ấy đã sửa soạn ở trong đó. Ðức Thế Tôn ngồi vào chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Rồi vị quan đại thần đi đến đức Thế Tôn, cúng dường ngài những vật thơm và những bông hoa v.v..., đảnh lễ ngài và ngồi xuống ở một bên, kể lại với đức Thế Tôn những điều mà vị ấy đã nói và câu đáp lại của Ngạ quỷ như đã được nêu ra ở trên. Ðức Thế Tôn chú nguyện rằng, "chúng Tỳ khưu hãy đến đây!" Ngay khi ngài chú nguyện câu này thì chúng Tỳ khưu, bị thúc dục bởi oai lực của Ðức Phật, đến vây quanh vị Pháp vương, như một đàn thiên nga vàng vây quanh thiên nga chúa Dhataratha, là chúa của những thiên nga vàng. Ngay tức thì dân chúng kéo đến vì nghĩ rằng, "sắp có một thời thuyết pháp lớn". Khi trông thấy cảnh này, vị quan đại thần, với lòng tịnh tín trong tâm, làm thoả mãn chúng Tỳ khưu, có đức Phật dẫn đầu, bằng thức uống và những đồ ăn gồm cả loại cứng và loại mềm. Khi Ngài đã thọ thực xong thì đức Phật, vì lòng bi mẫn đối với dân chúng, bèn tập trung vào ý nghĩ "Hãy để những ai trú ngụ trong vùng gần Ba-la-nại đến hội họp ở đậy". Và tất cả các hạng người ấy, do sức mạnh về năng lực thần thông của Ngài đã kéo đến đó.

Rồi ngài khiến cho số lượng đông đảo những Ngạ quỷ hiện ra, và dân chúng nhận biết chúng bằng chính mắt của họ. Một số trong bọn chúng thì mang những tấm vải rách rưới và bị xé thành những mảnh rất nhỏ; một số thì có cái gọi là xấu hổ, được che phủ chỉ bằng tóc của chính chúng mà thôi; trong khi một số khác thì trần truồng như ngày chúng sanh ra, bị đói và khát, với da và những tấm thân của chúng teo tóp đến nỗi chỉ còn xương, đi vất vưởng chỗ này chỗ kia. Rồi đức Thế Tôn thị hiện những năng lực thần thông của Ngài để tất cả Ngạ quỷ hội họp trong cùng một chỗ, và công bố với dân chúng những ác nghiệp mà chúng tạo nên:

Những vị kiết tập Tam Tạng nói lên câu kệ này để giải thích vấn đề:

6. "Những Ngạ quỷ, một số mặc những giẻ rách, số khác che người bằng tóc của chúng, khi đi khắp để kiếm thực phẩm, ra đi các hướng.

7. Một số chạy đi cách xa nhưng đã quay lại vì không kiểm được gì, đói, mệt lả, bước đi lảo đảo và chìm xuống trong đất.

8. Và một số mà ngã qụy xuống ở đó, khi chìm xuống trong đất, bị hành hạ tựa như bởi ngọn lửa vì đã không làm việc phước nào trong quá khứ, chúng nói rằng:

9. "Trong quá khứ, chúng ta là những người vợ và những người mẹ trong những gia đình tốt, nhưng lại có tánh ác; dầu những vật thí ở trong tầm tay, nhưng chúng ta đã không làm chỗ nương tựa cho chính chúng ta.

10. Dầu có nhiều đồ ăn và thức uống, nhiều đến nỗi nó bị quăng đi, tuy nhiên chúng ta chẳng cho gì đến những người mà đã chứng đạt Pháp cao tột, đến những bậc đã xuất gia.

11. Chỉ muốn làm điều gì mà không nên làm, lười biếng, muốn những cái ngọt ngào và tham ăn, chúng ta là những người cho những miếng, những cục và mắng nhiếc những người thọ lãnh.

12. Những căn nhà, những người hầu ấy và những vật trang sức ấy của chúng ta - bây giờ những thứ này được thọ hưởng bởi những người khác, trong khi số phận của chúng ta là đau khổ".

13. Họ sẽ là những người làm thúng mà bị coi khinh và những người làm xe quỷ quyệt, họ sẽ là những chiên đà la chịu khó khăn lớn, và thỉnh thoảng làm những người hầu tắm.

14. Bất cứ gia đình nào thấp kém và chịu khó khăn lớn; chỉ riêng trong số những người này họ sẽ sanh vào, đây là số phận của những người bỏn sẻn.

15. Trong khi những người bố thí, không bỏn sẻn, trong quá khứ đã làm những việc thiện, sẽ làm sung mãn thiên giới và làm sáng rực Nandana.

16. Khi họ đã vui chơi trong cung điện Vejayanta và làm hài lòng tất cả những ước muốn của họ, họ sẽ sanh lên có địa vị cao trong những gia đình giàu có khi họ mạng chung ở cõi ấy.

17. Trong căn nhà có tháp nhọn và trong các cung điện, trên chiếc giường được trải bằng lông cừu dài, với những chi thể của họ được quạt bởi những người cầm chiếc quạt bằng lông của con chim công, họ sanh đến một gia đình như vậy, biết rõ tất cả những tiện nghi của họ.

18. Ðược trang điểm, họ sống trong vòng tay của nhiều người, mang những tràng hoa; những vú nuôi hầu hạ họ vào buổi sáng và buổi chiều, cố gắng làm cho họ thư thái.

19. Nandana thanh bình và hấp dẫn này là khu vườn lớn của cõi Tam thập, Tam thiên, chỉ dành riêng cho những người đã làm những việc phước, không phải dành cho những người mà chưa làm những việc phước.

20. Ðối với những người mà chưa làm những việc phước thì không có hạnh phúc trong đời này và đời sau; trong khi đó, đối với những người mà đã làm những việc phước thí thì có hạnh phúc ngay tại đây và cả mai sau nữa.

21. Nhiều việc thiện nên làm đối với những người muốn thân cận với họ, vì những người làm những việc phước sẽ được của cải và sự vui sướng trong cõi chư thiên.

Khi những Ngạ quỷ ấy đã cho biết chung chung như vậy về số phận của những nghiệp được làm bởi chúng và số phận của những việc phước, đức Thế Tôn bèn thuyết pháp một cách chi tiết, thích hợp với những căn tánh của những người đã hội họp ở đó, dẫn đầu là vị quan đại thần Koliya, có tâm đã được làm xúc động nhờ thời pháp ấy. Vào lúc kết thúc của thời pháp này, tuệ quán sanh lên trong Tám mươi bốn ngàn chúng sanh.

*

III.2 QUỶ SỰ VỀ SĀNUVĀSI
(SĀNUVĀSI PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Vị Trưởng lão của thành phố Kuṇḍi".

Pháp thoại này được thuyết giảng khi Bậc Ðạo sư đang ngụ ở Veḷuvana, liên quan đến những quyến thuộc quá vãng của Trưởng lão đáng kính Sānuvāsi.

Tương truyền rằng đã lâu trong quá khứ, tại Ba-la-nại, đứa con trai của vua Kitava đang trở về sau khi vui chơi ở một chỗ vui chơi nọ trong vườn ngự uyển, khi ấy vị ấy trông thấy vị Phật Ðộc Giác Sumetta đang rời khỏi thành phố sau khi đã khất thực trở về. Say sưa với ngã mạn về uy quyền và bị ô nhiễm trong tâm, vị ấy suy nghĩ, "làm sao mà tên đầu trọc ấy dám đi qua mà không chào ta!" Hoàng tử xuống khỏi lưng voi và, khi vị ấy nói với Ngài rằng, "Ta tự hỏi không biết ngươi có kiếm vật thực gì không?" Vị ấy giựt cái bát khỏi tay của ngài, ném nó xuống đất và làm vỡ nó. Rồi trêu chọc Ngài khi Ngài đứng như thế nhìn với lòng thanh tịnh, mắt nhìn xuống, thanh thoát, an nhàn và tràn ngập lòng bi mẫn, không bị nhiễu loạn vì đã đạt đến pháp chứng như thực trong tất cả mọi tình huống. Hắn bỏ đi và nói lời hiểm độc do tánh độc ác được đặt không đúng chỗ của hắn, "Ê! ngươi không biết rằng ta là con trai của vua Kitava chăng? Ngươi có thể làm gì đến ta mà chỉ đứng nhìn như thế?" Nhưng ngay khi hắn đang bỏ đi thì một sức nóng mãnh liệt phát lên trong người của hắn giống như sức nóng của ngọn lửa địa ngục. Với thân bị hành hạ dữ dội, bị những cảm thọ đau đớn cùng cực, hắn chết và sanh trong Ðại Ðịa ngục Avīji. Ở đó, hắn bị luộc trong tám mươi bốn ngàn năm khi hắn đứng quay quanh trong nhiều cách, khi thì xoay bên phải, khi thì xoay về bên trái, khi thì ngẩn mặt lên và cúi mặt xuống. Rồi khi hắn mạng chung ở cõi đó, hắn lại chịu khổ đói và khát v.v... trong thời gian vô hạn định ở cõi Ngạ quỷ. Khi hắn mạng chung từ cõi ấy, hắn lại tái sanh trong ngôi làng của những người chài lưới gần thành phố Kuṇḍi trong suốt thời gian của đức Phật này. Có sanh đến cho hắn khả năng nhớ lại những kiếp quá khứ. Khi nhớ lại bằng phương tiện này về nỗi thống khổ mà trước kia hắn đã chịu trong quá khứ thì hắn thường không đi, do sợ những ác nghiệp là bắt cá chung với những quyến thuộc của hắn, cho dù hắn đã trưởng thành. Khi họ đang đi thì hắn lại trốn vì không muốn giết cá. Trong khi hắn đi thì hắn làm hư những cái lưới hoặc nắm lấy những con cá còn sống và thả chúng xuống nước. Những quyến thuộc của hắn, không tán thành những hành động của hắn, đã tống cổ hắn ra khỏi nhà của họ. Tuy nhiên, một người anh của hắn lại đem lòng thương hại hắn. Bấy giờ vào thời ấy, Ðại Ðức Ānanda đang ngụ ở trên núi Sānuvāsin gần thành phố Kuṇḍi và đứa con trai của người chài lưới ấy mà đã bị phủ nhận bởi những quyến thuộc của anh ta, đang đi rảo quanh ở chỗ này chỗ nọ, rồi đến tại chỗ ấy và đi đến Trưởng lão vào lúc Ngài đang thọ thực. Khi Trưởng lão hỏi anh ta, thì Ngài nhận ra rằng anh ta cần vật thực, bèn cho anh ta một bữa ăn và, khi bữa ăn đã xong, Trưởng lão biết ra toàn thể vấn đề. Khi Trưởng lão biết rằng, chỉ cần một thời Pháp mà anh ta đã có lòng tịnh tín trong tâm, bèn hỏi rằng, "anh có muốn xuất gia không, này anh bạn?" Anh ta bèn đáp lại rằng, "Vâng, thưa Ngài, con muốn xuất gia". Khi Trưởng lão đã cho anh ta xuất gia thì Ngài đi với anh ta đến trước mặt Bậc Ðạo sư. Rồi Bậc Ðạo sư nói với Trưởng lão rằng: "Này Ānanda, ngươi có lòng thương tưởng đối với vị sadi này". Bởi vì vị sadi chưa làm việc thiện nào nên vị ấy sẽ nhận được ít ỏi vật thực; bởi vậy, Bậc Ðạo sư, để giúp đỡ anh ta, bèn khuyên anh ta hãy châm đầy những hũ nước để chư Tăng dùng. Khi trông thấy điều này thì thiện tín bèn cung cấp thường xuyên cho anh ta nhiều vật thực. Ðến đúng lúc anh ta thọ Ðại giới và chứng đắc đạo quả A-la-hán và sau khi trở thành một vị Trưởng lão, trú ngụ ở trên núi Sānuvāsin cùng với mười hai vị Tỳ khưu. Dầu có đến năm trăm quyến thuộc của anh ta, do không tích lũy những thiện nghiệp và chỉ tích lũy những ác nghiệp như lòng bỏn sẻn v.v..., họ đã chết và tái sanh trong cõi Ngạ quỷ. Tuy nhiên, mẹ và cha của anh ta lại không chịu đi đến trưởng lão, bởi vì họ lúng túng khi nghĩ rằng, "Ðây là người mà trước kia chúng ta đã quăng ra khỏi nhà của chúng ta", bèn sai người anh đi - là người mà đã có lòng thương tưởng Sānuvāsin. Người kia hiện ra cho thấy khi Trưởng lão đi vào làng khất thực; khi quì bằng đầu gối phải ở trên đất và chấp tay đảnh lễ, Ngạ quỷ nói những câu kệ bắt đầu bằng, "Bạch Ngài, cha mẹ của Ngài". Tuy nhiên năm câu kệ bắt đầu bằng "vị Trưởng lão của thành phố Kuṇḍi v.v..." được lồng vào bởi những vị kiết tập Tam tạng, với mục đích cho thấy văn cảnh của chúng:

1. "Vị Trưởng lão của thành phố Kuṇḍi, là người sống ở trên núi Sānuvasin tên là Poṭṭhapāda, là một vị Sa-môn, các căn đã được tu tập.

2. Mẹ, cha và anh của vị ấy đã đi đến kiếp sống đau khổ trong cõi Yama (Diêm vương). Khi đã làm những ác nghiệp, họ đi từ đây đến cõi Ngạ quỷ.

3. Rơi vào kiếp sống đau khổ, bị kim chích vào mình, mệt mỏi, trần truồng và gầy ốm, kinh sợ, ở trong tình trạng khiếp đảm lớn và có bàn tay dính đầy máu, chúng thường không để lộ chính mình.

4. Người anh của vị ấy, sửng sờ, trần truồng và một mình ở trong một con hẻm, cong xuống đất ở cả bốn chỗ, lộ hình ra ở trước mặt của Trưởng lão.

5. Nhưng Trưởng lão không quan tâm và đi qua trong im lặng; bởi vậy, nó báo cho Trưởng lão biết rằng, "Tôi là anh của Ngài, đã sanh làm một Ngạ quỷ.

6. Thưa Ngài, mẹ và cha của Ngài đã đi vào kiếp sống đau khổ của Yama. Khi đã làm những ác nghiệp, họ đã đi khỏi đây và đến cõi của những Ngạ quỷ.

7. Khi đã đi đến kiếp sống đau khổ, bị kim chích mệt mỏi, trần truồng và gầy ốm, kinh sợ, bị kinh hãi lớn và có bàn tay dính máu, họ không chịu hiện ra.

8. Ngài có lòng thương xót, hãy thương xót. Khi Ngài đã bố thí, hãy hồi hướng cho chúng tôi; vì chính do những vật thí đã được cho ra bởi Ngài mà những kẻ có bàn dính máu được nuôi sống".

Rồi những vị kiết tập Tam Tạng đọc những câu kệ này để cho thấy cách hành động được thực hiện bởi Trưởng lão, khi vị ấy nghe qua điều này.

9. "Khi Trưởng lão và mười hai vị Tỳ khưu đã đi khất thực, họ hội họp ở cùng một chỗ với mục đích san sẽ bữa ăn.

10. Trưởng lão nói với tất cả họ rằng, "Hãy cho đến tôi cái đã được thọ lãnh; tôi sẽ đổi nó thành bữa ăn cho chư Tăng vì lòng bi mẫn đối với quyến thuộc của tôi."

11. Họ trao nó cho Trưởng lão và Trưởng lão mời chư Tăng. Khi đã cho ra, Trưởng lão bèn hồi hướng phước thí ấy đến cho mẹ, cha và anh của Ngài khi nói rằng, "xin cho phước thí nầy dành cho những quyến thuộc của tôi, xin những quyến thuộc của tôi được hạnh phúc".

12. Ngay khi vị ấy hồi hướng phước thí này thì vật thực hiện ra, sạch sẽ, hảo hạng, được khéo sửa soạn, và được thêm gia vị bằng nhiều loại hương vị, nhân đó người anh của vị ấy hiện ra, đẹp trai, mạnh khoẻ và an vui, khi nói rằng, "vật thực này có nhiều, thưa ngài, nhưng xem ra chúng tôi vẫn còn trần truồng. Thưa Ngài, xin hãy tự mình cố gắng bằng cách nào đó để chúng tôi có thể có được những y phục".

14. Trưởng lão lượm về tất cả những miếng vải từ những đống rác. Khi vị ấy đã biến những miếng vải thành một chiếc y, vị ấy cho nó đến chư Tăng từ bốn phương.

15. Khi đã cho rồi, Trưởng lão bèn hồi hướng nó cho mẹ, cha anh của Trưởng lão, khi nói rằng, "Xin cho phước thí này thấu đến những quyến thuộc của tôi. Xin cho những quyến thuộc của tôi được hạnh phúc."

16. Ngay khi vị ấy hồi hướng những phước thí này thì những y phục hiện ra, nhân đó người anh của vị ấy, ăn mặc những y phục xinh đẹp, hiện ra trước mặt Trưởng lão. Khi nói rằng:

17. "Nhiều y phục như ở trong toàn cõi của Vua Nanda. Còn nhiều hơn thế nữa, thưa Ngài, là những y phục và những đồ trải của chúng tôi.

18. Bằng vải lụa và vải len, vải lanh và vải bông. Chúng có nhiều và đắt giá, chúng còn thòng xuống từ trên trời.

19. Và chúng tôi chỉ mặc vào cái chúng tôi ưa thích. Xin hãy tự cố gắng, thưa Ngài, bằng cách nào đó để chúng tôi có thể có được nhà ở.

20. Khi Trưởng lão đã dựng lên một thảo am, vị ấy dâng nó đến tứ phương Tăng. Khi đã cho rồi, Trưởng lão hồi hướng phước ấy cho mẹ, cha và anh của Ngài khi nói rằng: "Xin cho những phước thí này thấu đến những quyến thuộc của tôi. Xin cho những quyến thuộc của tôi được hạnh phúc!"

21. "Ngay khi vị ấy hồi hướng phước thí này thì những căn nhà hiện ra - những nhà ở có tháp nhọn được chia ra thành những ngăn đều nhau.

22. Cái giống như những căn nhà của chúng tôi ở đây thì không được tìm thấy trong nhân loại; những căn nhà như của chúng tôi ở đây giống như những căn nhà được tìm thấy trong cõi chư thiên.

23. Chói lọi, chúng chiếu sáng khắp bốn hướng. Xin hãy tự mình cố gắng, thưa Ngài, bằng cách nào đó để chúng tôi có thể có được nước".

24. Khi Trưởng lão đã chăm đầy một lu nước, Ngài cho nó đến Tứ phương Tăng. Khi đã cho rồi, Trưởng lão bèn hồi hướng nó đến mẹ, cha và anh của Ngài khi nói rằng "Xin cho phước thí này thấu đến quyến thuộc của tôi! Xin cho những quyến thuộc của tôi được hạnh phúc!"

25. Ngay khi vị ấy hồi hướng phước thí này, thì nước hiện ra; những hồ sen khéo hiện bày sâu và có bốn góc, khéo hiện bày.

26. Với nước trong vắc và những bờ hồ xinh đẹp, mát và thơm ngát, được che phủ bằng hoa sen và hoa súng, nước có đầy những phấn sen.

27. Khi họ đã tắm và uống nước trong đó, họ lại hiện ra trước mặt của Trưởng lão, khi nói rằng, "Nước này có nhiều, thưa Ngài, nhưng những bàn chân của chúng tôi bị nứt nẻ đau đớn.

28. Khi dạo đi đây đó, chúng tôi đi khập khiểng trên sỏi và trên cỏ Kusa có gai nhọn. Xin hãy tự mình cố gắng, thưa Ngài, bằng cách nào đó để chúng tôi có thể có đủ phương tiện đi lại".

29. Khi Trưởng lão đã có được một đôi giày, vị ấy bèn dâng nó đến tứ phương Tăng. Khi đã cho rồi, Trưởng lão bèn hồi hướng phước thí này đến cha mẹ và anh của vị ấy khi nói rằng, "Xin cho phước thí này đến những quyến thuộc của tôi! Xin cho những quyến thuộc của tôi được hạnh phúc!"

30. Ngay khi vị ấy hồi hướng phước thí này thì những Ngạ quỷ đi đến bằng xe kéo, khi nói rằng, "Thưa Ngài, Ngài đã thể hiện lòng bi mẫn bằng vật thực và y phục này,

31. Nhà này và vật thí về nước uống - cả những cái này và vật thí về xe này. Thưa Ngài, chúng tôi đã đến để đảnh lễ bậc hiền trí có lòng bi mẫn đối với Thế gian".

Trưởng lão nêu lên vấn đề ấy với đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy vấn đề làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên khi nói rằng, "cũng giống như những Ngạ quỷ ở đây, cũng vậy trong kiếp sống ngay trước của ngươi, ngươi cũng đã làm một Ngạ quỷ chịu nhiều thống khổ", và khi được thỉnh cầu bởi Trưởng lão, Ngài bèn kể lại quỷ sự sợi chỉ và thuyết giảng chánh pháp cho hội chúng đã hội họp ở đó. Khi đã nghe qua thời pháp này, dân chúng, đầy xúc động, trở nên có những xu hướng về những việc phước như bố thí v.v...

*

III.3 TẠO XA QUỶ SỰ
(RATHAKĀRA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Có cột bằng ngọc bích, rực rỡ, chiếu sáng".

Pháp thoại này được thuyết giảng trong khi Bậc Ðạo sư đang ngụ ở Savatthi, liên quan đến một nữ Ngạ quỷ nọ.

Tương truyền rằng cách đây đã lâu, trong thời của đức Thế Tôn Kassapa, có một người đàn bà nọ có hạnh kiểm tốt và tìm thấy đức tin trong giáo pháp do sự thân cận với bạn lành. Nàng dựng lên một chỗ ngụ, trông rất khả ái, được khéo làm cân đối bằng những bức vách có trang hoàng, những cột trụ, những bậc thang và nền nhà. Nàng thỉnh các vị Tỳ khưu ngồi ở đó, dâng cúng vật thực thượng vị đến các Ngài và dâng thảo am đó đến chúng Tỳ khưu. Ðúng lúc nàng chết và, do bởi nghiệp ác khác biệt, nàng sanh làm một Vimānapetī gần hồ Rathakāra ra trên vùng Himālaya, chúa của các núi. Do năng lực của thiện nghiệp về việc bố thí ấy đến chư Tăng nên có sanh lên, ở giữa hồ ao, và được trang sức bởi lạc viên như Nandana, một cung điện cao vút được làm toàn bằng những báu vật, và ở tất cả các mặt thì cực kỳ hấp dẫn, mê ly và khả ái, trong khi chính nàng thì có nước da màu vàng ròng, trông xinh đẹp khả ái và hấp dẫn lạ thường. Nàng sống ở trong đó, hưởng sự vinh quang của chư thiên, nhưng cô đơn chẳng có người nam nào. Bất mãn sanh lên trong nàng vì sống mà không có người đàn ông nào trong trong thời gian lâu dài ấy. Nàng trở nên bất mãn và suy nghĩ rằng, "Ta sẽ bày một mẹo!", Nàng thả vào trong con sông một số xoài chín của chư thiên. Mọi chuyện nên được hiểu theo cùng cách như đã được kể lại trong quỷ sự Kaṇṇnamuṇḍa. Tuy nhiên ở đây, một chàng trai là dân cư của thành Ba-la-nại, trông thấy một trong những trái xoài ấy ở trong sông Hằng. Ðến đúng lúc, anh ta lên đường để tìm kiếm xem nó từ đâu đến, và trông thấy con sông ấy; và bằng cách đi theo con sông này, đã đến tại chỗ ngụ của nàng. Khi nàng trông thấy anh ta nàng bèn dẫn anh ta vào trong chỗ ngụ của nàng, đón chào anh ta và mời anh ta ngồi. Khi trông thấy sự thù thắng của nàng, anh ta bèn nói lên những câu kệ này để dò hỏi về nó:

1. "Có cột bằng ngọc bích, lấp lánh, rực rỡ và có vô số những bức tranh, đó là cung điện mà nàng đã trú ngự rực rỡ và nàng nghỉ ở đó, hỡi Devī có đại oại lực, trông như ánh trăng rằm.

2. Và nước da của nàng giống như vàng tan chảy, tướng mạo chói sáng của nàng trông vô cùng khả ái, nhưng nàng lại ngồi một mình trên chiếc giường vinh quang vô song của nàng, xem ra nàng không có chồng.

3. Và nàng có những hồ sen này ở khắp bốn hướng, có nhiều hoa, với nhiều hoa sen và hoàn toàn được trải lên bằng bụi vàng; bùn và bèo tấm thì không được biết đến ở đó.

4. Những con thiên nga trông khả ái và dễ thương, lội quanh ở trên mặt nước luôn khi và kéo đàn với nhau, tất cả chúng đều duyên dáng, hót với giọng thanh tao như những tiếng trống định âm.

5. Chói sáng, lộng lẫy trong sự vinh quang của nàng, nàng nằm tựa lưng trong chiếc thuyền của nàng, với đôi mi rậm, vui vẻ và giọng nói khả ái; tay chân nỏn nà, nàng vô cùng rực rỡ.

6. Cung điện này không có tỳ vết và đứng ngang bằng; có những công viên làm tăng thêm sự vui thích và khoái lạc của nàng. Hỡi công nương có sắc đẹp tột bậc, ta ước rằng ta có thể vui hưởng với nàng ở đây giữa khoái lạc nầy".

Khi chàng trai đã nói như vậy, thì nàng Vimānadevatā, để trả lời vị ấy, bèn nói câu kệ này:

7. "Hãy làm một công việc để được thọ hưởng ở đây và hãy khiến cho tâm của chàng thiêng về đây, khi chàng đã làm một việc để được ở đây như vậy, chàng sẽ được xem là người làm thoả mãn tất cả mọi ước muốn của chàng.

Khi chàng trai đã nghe điều mà tiên nữ đã phải nói ra, vị ấy bèn rời khỏi chỗ ấy, đến những con đường nhân loại, vị ấy giữ tâm chuyên chú vào những chỗ ấy và thực hành những việc phước thích hợp và chẳng bao lâu sau, khi mạng chung, tái sanh ở đó, cọng trú với Petī ấy. Những vị Kiết tập Tam Tạng đã nói lên câu kệ kết thúc để giải thích vấn đề.

8. Vị ấy đã đồng ý với nàng khi nói rằng: "Tốt lắm" và làm các việc phước để được sống ở đó; khi đã tích luỹ thiện nghiệp để sống ở đó, chàng trai tái sanh cọng trú với nàng.

Khi họ đã hưởng sự vinh quang của chư Thiên ở tại đó trong một thời gian dài, vị thiện nam chết do hết phước của nghiệp ấy, nhưng nàng tiên nữ thì vẫn còn sống ở đó trong một trung gian Phật thời do phước của nàng đã gieo vào mảnh ruộng đó. Rồi khi đức Thế Tôn của chúng ta đã xuất hiện trong thế gian và đã lăn bánh xe chánh pháp, và đến đúng lúc đang trú ngụ ở Jetavana, Ðại Ðức Moggallana vào một hôm nọ, khi đang đi trên những ngọn núi, trông thấy cung điện của nàng Vimānapetī ấy và hỏi nàng những câu kệ bắt đầu bằng: "có một trụ bằng ngọc bích, lấp lánh, rực rỡ..." Nàng bèn thuật lại biến cố ấy với Ngài ngay từ đầu, và khi đã nghe qua điều này, Trưởng lão bèn đi đến Sāvatthi và nêu lên vấn đề ấy với đức Thế Tôn.

Ðức Thế Tôn lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết giảng chánh Pháp cho hội chúng đã tụ họp ở đó. Khi đã nghe qua Pháp thoại này, dân chúng đã thực hành những việc phước như bố thí v.v... Và trở nên có sự ưa thích với chánh Pháp.

*

III.4 QUỶ SỰ VỀ TRẤU
(BHUSAPETVATTHU)

"Một người thì sáng kiến trong khi lại một người khác".

Pháp thoại này được Bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ ở Sāvatthi, liên quan đến bốn Ngạ quỷ.

Tương truyền rằng tại một ngôi làng nọ không cách xa thành Sāvatthi, có một người thương buôn bất lương nọ, kiếm sống bằng nghề đong lường gian dối v.v... Ông ta thường lấy một ít võ trấu, trộn thêm đất sét nâu để làm tăng thêm trọng lượng và rồi trộn cái này với lúa đỏ mà ông ta bán ra khi ấy. Ðứa con trai của ông ta trở nên tức giận khi nghĩ rằng, "ông ta đã không hành động một cách đáng kính đối với những bạn bè của ta và những người tốt bụng của ta khi họ đi đến nhà". Và chộp lấy miếng da lót cái ách đánh một cái vào đầu mẹ của anh ta. Ðứa con dâu của ông thì ăn bằng cách lấy trộm thịt được dự định cho tất cả và khi được gọi đến một lần nữa bởi họ, để giải thích sự kiện, chính nàng đã thề rằng, "nếu thịt ấy được ăn bởi tôi, thì xin cho tôi ăn thịt sau khi móc ra từ cái lưng của tôi kiếp nầy đến kiếp khác". Vợ của ông ta nói với những người đến xin những phương tiện kiếm sống rằng không có gì cả, và khi bị nài ép bởi họ, bà ta thề bằng cách nói dối rằng, "Nếu có một cái gì đó mà tôi lại nói là không có gì thì xin cho tôi kiếm ăn bằng phẩn ở bất cứ chỗ nào mà tôi sanh ra!"

Ðến đúng lúc, bốn người này chết và sanh làm Ngạ quỷ trong khu rừng Viñjha. Ở đó, người thương buôn bất lương, do quả của những ác nghiệp của ông ta, thường cầm trấu cháy đỏ ở cả hai tay và rải nó ở trên đầu của ông ta và do vậy phải chịu đau khổ lớn. Ðứa con trai của ông ta thường tự làm bể cái đầu của chính mình bằng những cái búa sắt và chịu đau đớn không xiết kể. Nàng dâu của ông ta, do quả những ác nghiệp của nàng, chịu đau đớn vô hạn vì phải ăn lấy thịt mà nàng móc ra liên tục từ cái lưng của nàng bằng móng tay lớn, rất dài và bén của nàng. Trong khi đó, ngay sau khi bữa ăn bằng cơm sạch và thơm mà những hạt gạo đen đã được lấy đi từ đó, được dâng đến cho vợ của ông ta thì nó trở thành phẩn có mùi hôi thối và ghê tởm; bị làm thủng lỗ chỗ bởi nhiều loại sâu, bà ta thường nắm chắc phẩn ấy bằng hai bàn tay và cảm thọ đau khổ lớn khi ăn lấy nó.

Bấy giờ, khi bốn người này đã sanh trong cõi Ngạ quỷ và đang chịu đau khổ lớn thì Ðại Ðức Moggallāna, khi đang đi dạo quanh những ngọn núi vào một ngày nọ, đi đến tại chỗ ấy và trông thấy chúng. Trưởng lão dò hỏi những nghiệp mà chúng đã tạo bằng câu kệ này:

1. "Một người thì cầm trấu trong tay trong khi có người nữa; và người đàn bà này thì ăn thịt và máu của chính mình; còn ngươi thì ăn phẩn dơ dáy và gớm ghiếc - đây là kết quả của nghiệp nào?"

Khi Trưởng lão đã dò hỏi như vậy về những ác nghiệp mà chúng đã làm, người vợ của vị thương nhân bất lương khi ấy bèn nói những câu kệ này để giải thích những nghiệp được làm bởi tất cả họ:

2. Người này trong quá khứ đã làm hại mẹ của mình, trong khi người này là một vị thương nhân bất lương. Người này ăn thịt và dối gạt bằng sự nói dối.

3. Về phần tôi khi còn ở dương thế, tôi là một người vợ nhà và là nữ gia chủ của toàn thể gia đình. Dầu ở trong tầm tay, tôi đã giấu cái này và chẳng cho đến một ai một miếng nào của cái này, tự che đậy mình bằng cách nói dối rằng, " không có cái gì trong ngôi nhà này cả; nếu có mà tôi đã đem giấu thời xin cho vật thực của tôi sẽ là phẩn!".

4. Chính do kết quả của nghiệp ấy và do bởi sự kiện rằng tôi đã nói dối nên bữa ăn bằng gạo thơm này biến thành phẩn dành cho tôi.

5. Các nghiệp không phải không có quả, cũng chẳng có nghiệp nào tiêu diệt, vì tôi phải ăn và uống phẩn có những con dòi và có mùi hôi thối này.

Khi Trưởng lão đã nghe qua điều mà Petī ấy đã phải nói ra, vị ấy nêu lên vấn đề ấy với đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy nó làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết Pháp cho hội chúng đã hội họp ở đó. Thời pháp đó đem lại lợi ích cho những người ấy.

*

III.5 TIỂU NHI QUỶ SỰ
(KUMĀRA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Trí tuệ của đấng Thiện Thệ thật vi diệu".

Ðây là Tiểu nhi quỷ sự. Câu chuyện ấy xuất phát như thế nào?

Tương truyền rằng tại thành Sāvatthi có nhiều thiện tín tự tổ chức thành một nhóm Phật tử và đã dựng lên ở trong thành phố ấy một phước xá lớn và trang hoàng nó bằng những tấm vải có đủ màu sắc. Vào lúc sáng sớm, họ thỉnh Bậc Ðạo sư và chư Tăng đến và thỉnh chư Tăng có đức Phật dẫn đầu ngồi trên những chỗ ngồi được trải bằng những tấm khăn trải đắc giá, có phẩm chất cao nhất, cúng dường các Ngài những vật thơm và những bông hoa v.v... và tổ chức một cuộc lễ cúng dường long trọng. Khi trông thấy cảnh này thì một người đàn ông nọ, có tâm bị che ám bởi bợn nhơ của lòng bỏn sẻn, không thể chịu đựng sự cúng dường như vậy, bèn nói rằng, "Thật tốt hơn tất cả nếu những thứ này được mang vào trong đống rác còn hơn là cho đến những tên đầu trọc nầy". Khi nghe qua điều này thì những thiện tín, tâm của họ bị xúc động, bèn suy xét rằng, "Quả thật trầm trọng thay ác nghiệp đã sanh lên trong người đàn ông bằng điều mà ông ta xúc phạm đến chư Tăng có đức Phật dẫn đầu". Họ thuật lại vấn đề ấy với mẹ của anh ta và nói rằng, "Bà nên đi và sám hối đức Thế Tôn và những thinh văn đệ tử của Ngài". "Tốt lắm", bà ta đồng ý và khi đã quở trách đứa con trai của bà ta, đe doạ hắn, bà đi đến đức Thế Tôn và chúng Tỳ khưu và sám hối, thú nhận điều lầm lỗi mà con trai của bà đã vị phạm, và cúng dường đức Thế Tôn và chư Tăng trong bảy ngày bằng những vật thí có món cơm dẻo.

Chẳng bao lâu sau, đứa con trai của bà ta chết và sanh vào trong bào thai của một cô gái điếm sống bằng những việc làm nhơ bẩn. Bấy giờ nàng nhận ra rằng nó là một đứa con trai ngay khi nó vừa sanh ra và sai người bỏ nó trong bãi tha ma. Nó nằm ở đó, được bảo vệ bởi năng lực của những việc phước của nó và, không bị quấy rầy bởi ai cả, ngủ an vui tựa như trong lòng mẹ của hắn. Người ta nói rằng những những vị chư Thiên đã bảo vệ hắn. Rồi khi đến rạng sáng, đức Thế Tôn đã xuất khỏi đại bi định và đang dò xét thế gian bằng Phật nhãn của Ngài, Ngài trông thấy đứa bé bị bỏ hoang trong bãi tha ma và vào lúc mặt trời mọc, đi đến bãi tha ma ấy. Dân chúng kéo đến khi nói rằng, "Bậc Ðạo sư đã đến đây; chắc Ngài có mục đích nào đó ở đây". Ðức Thế Tôn nói với hội chúng đã hội hợp ở đó rằng, "đứa bé này không nên bị coi thường; cho dù bây giờ nó bị bỏ trong bãi tha ma này trong trạng thái bơ vơ, nhưng trong tương lai nó sẽ được sự thù thắng cao tột cả trong đời sống này và cả trong đời sống mai sau". Ðược hỏi bởi những người ấy, "Bạch đức Thế Tôn, nó đã làm nghiệp gì trong kiếp quá khứ"; Ngài bèn giải thích nghiệp mà đứa bé đã làm và sự vinh quang mà nó sẽ đạt được trong tương lai, bằng những câu kệ bắt đầu rằng:

"Vinh dự cao tột đang được thể hiện bởi dân chúng đến chư Tăng có đức Phật dẫn đầu trong khi người kia thì có sự lầm lẫn trong tâm và có lời nói lời thô lỗ, những lời nói khiếm nhã".

Ngài thuyết giảng chánh pháp thích hợp với những căn tánh của chúng sanh đang hội họp ở đó và sau đó thuyết diệu pháp mà chính chư Phật đã giác ngộ (khổ, tập, diệt, đạo). Vào lúc kết thúc của thời Pháp ấy, tuệ quá sanh lên trong tám mươi bốn ngàn chúng sanh. Và trước mặt đức Thế Tôn một người đàn ông giàu có, có đến tám mươi koṭi, đã nhận nuôi đứa bé khi nói rằng, "Nó sẽ là con của tôi." Ðức Thế Tôn nói rằng, "Ðứa bé này được bảo vệ bởi tài sản lớn như vậy và được sự giúp đỡ của mọi người". Và Ngài đi về tinh xá, và đúng lúc, khi người đàn ông giàu có chết, cậu ta kế thừa tài sản được để lại bằng di chúc của ông ta và khi tổ chức công việc trong gia đình, cậu ta trở thành một gia chủ có tài sản lớn trong cùng thành phố ấy và hăng say làm những việc phước như bố thí v.v... Rồi một hôm nọ, các vị Tỳ khưu bắt đầu bàn luận với nhau trong giảng đường chánh pháp rằng, "Quả thật kỳ diệu thay về lòng bi mẫn của Bậc Ðạo sư đối với chúng sanh; Ðúng vậy, ngay cả đứa bé ấy là kẻ mà lúc bấy giờ đang ở trong trạng thái bơ vơ nay lại thọ hưởng sự vinh quang vĩ đại và đang thực hành những việc phước cao cả".

Khi nghe qua điều này, Bậc Ðạo sư trả lời rằng, "Này các Tỳ khưu, sự vinh quang của cậu ta không chỉ bấy nhiêu đâu; vì quả thật vậy, vào lúc thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ tái sanh làm con của Sakkha, vua của chư thiên, trong cõi ba mươi ba và được sự vinh quang lớn của chư Thiên.". Khi nghe qua điều này, các vị Tỳ khưu và dân chúng bèn tán dương trí tuệ vô song của Bậc Ðạo sư, người ta nói rằng, "khi đức Thế Tôn toàn tri trông thấy điều cần được làm thì Ngài đi đến đó, giúp đỡ người mà đã bị bỏ đi trong bãi tha ma hôi hám ấy ngay khi cậu ta mới sanh ra", và nói về biến cố liên quan đến người ấy trong suốt cuộc đời của họ. Những vị kết tập Tam tạng nói những câu kệ để giải thích vấn đề này:

1. "Trí tuệ của đức Thiện Thệ thật vị diệu. Bậc Ðạo sư đã trả lời theo cá nhân: Dầu có tràn đầy phước báu nhưng có người trở thành hạ sanh, trong khi dầu có phước báu giới hạn nhưng có người lại trở nên cao quý.

2. Ðứa bé này bị bỏ rơi trong bãi tha ma, vẫn sống suốt đêm bằng sự ẩm ướt của ngón tay cái. Chẳng phải những quỷ Dạ Xoa hay những loài bò sát mà có thể quấy rầy đứa bé, là một người đã làm những việc phước rồi.

3. Tuy nhiên, những con chó liếm chân của nó trong khi những con quạ và những con giả can thì vây quanh nó; những đàn chim lấy đi những thứ nhơ uế của sự sanh con, trong khi những con quạ thì lấy đi ghèn từ con mắt của nó.

4. Không ai đem đến cho nó sự bảo vệ, cũng chẳng cho nó thuốc men hay sự hun khói bằng hạt cải, họ cũng chẳng chú ý những sự liên kết của các vì sao hay thậm chí rải ra tất cả những hạt ngũ cốc.

5. Bị rơi vào trong trạng thái khốn khổ như bị mang đi vào lúc ban đêm và bị bỏ rơi trong bãi tha ma và, run rẫy như khúc bơ tươi, đời sống không chắc chắn, tuy nhiên vẫn tồn tại.

6. Người được chư Thiên cung kính và loài người trông thấy vị ấy; vừa khi trông thấy nó, bậc Vô thượng tri bèn công bố rằng, "Ðứa bé này sẽ thành người thuộc gia đình cao cả nhất của thành phố này do bởi tài sản của nó".

7. "Nó đã thọ trì điều gì, bấy giờ phạm hạnh của nó là gì? Do kết quả của thiện hạnh nào khiến sau khi đi đến cảnh ngộ như vậy, nó lại có thể tiếp tục hưởng một tiềm năng như thế này?"

Bấy giờ đức Thế Tôn, khi được hỏi theo cách ấy bởi những thiện tín ấy, bèn trả lời theo đó; những vị kiết tập tam tạng nói lên bốn câu kệ để chứng minh điều này.

8. Mọi người đang thể hiện sự tôn kính cúng dường cao tột đến chư Tăng có đức Phật dẫn đầu, trong khi cậu ta thì có sự lầm lạc trong tâm và nói những lời thô lỗ, khiếm nhã.

9. Khi cậu ta đã loại trừ ý nghĩ ấy và sau đó có được sự hoan hỷ và lòng tịnh tín, cậu ta đã hầu hạ Ðức Tathāgata mà đang ngụ ở Jetavana, trong bảy ngày, bằng món cơm dẻo.

10. Ðó là sự thực hành của cậu ta, đó là phạm hạnh của cậu ta, đây là kết quả của thiện hạnh ấy, sau khi đã đi đến một cảnh ngộ như vậy, cậu ta có thể đi tiếp để hưởng một tiềm lực như thế này.

11. Sau khi trãi qua cuộc sống hiện tại trong một trăm năm, được cung cấp bằng tất cả mọi điều mong muốn mà vị ấy muốn, vào lúc thân hoại mạng chung, ra đi cọng trú với Vāsava trong cuộc sống kế tiếp".

*

III.6 QUỶ SỰ SERINĪ
(SERINĪ PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Ngươi trần truồng và có hình tướng xấu xí".

Pháp thoại này được Bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ ở Jetavana, liên quan đến nữ Ngạ quỷ Serinī.

Tương truyền rằng tại Hatthinipura, trong vương quốc của những người Kuru, có một cô gái điếm tên là Serinī. Bấy giờ có những vị Tỳ khưu từ chỗ này chỗ nọ kéo đến đó với mục đích làm lễ Uposatha và trở thành một hội chúng đông đảo những vị Tỳ khưu. Khi trông thấy cảnh này, những người dân sửa soạn những vật thí như mè, gạo v.v.... thục tô, bơ tươi và mật ong v.v... và tổ chức một buổi lễ cúng dường lớn.

Bấy giờ vào thời ấy, cô gái điếm ấy chẳng có đức tin hay lòng tịnh tín, và tâm của nàng bị che ám bởi bợn nhơ của lòng bỏn sẻn. Mặc dù dân chúng đã ra sức thuyết phục nàng khi nói rằng, "Hãy đến và tỏ lòng tùy hỷ của cô với sự bố thí vật thực này!" Nhưng nàng vẫn tỏ ra hoàn toàn không có lòng tịnh tín khi nói rằng, "Có lợi ích gì trong việc bố thí đến những vị Sa-môn trọc đầu này? Tại sao tôi phải cho đi dầu chỉ một vật nhỏ nhặt?" Ðúng lúc nàng chết và tái sanh làm một Petī trong một hào rãnh của một thị trấn của biên giới nọ.

Bấy giờ, một thiện nam nọ của vùng Hatthinipura đã đi đến thành phố ấy để buôn bán và trải qua suốt đêm, lúc gần sáng, anh ta đi đến cái hào ấy để làm một công việc nọ. Khi nàng trông thấy anh ta ở đó, nàng bèn nhận ra anh ta và, khi đứng không cách xa, tự hiện ra trần truồng với thân chỉ có da và xương còn lại mà thôi, một cảnh tượng nhờm gớm vô cùng. Khi anh ta trông thấy nàng, anh ta bèn hỏi nàng câu kệ này:

1. "Nàng trần truồng và có hình tướng xấu xí, gầy ốm với những đường gân lộ ra, này kẻ gầy ốm với những xương sườn lộ ra, bây giờ nàng là ai mà đứng ở đây?"

Nàng cũng nói cho anh ta biết về mình bằng câu kệ này:

2. "Thưa ông, tôi là một nữ Ngạ quỷ, đã đi đến kiếp sống đau khổ trong cõi Yama. sau khi đã tạo ác nghiệp, tôi đã ra đi từ đây đến cõi Ngạ quỷ".

Anh ta bèn hỏi nàng một lần nữa về nghiệp mà nàng đã tạo bằng câu kệ này:

3. "Bây giờ ác nghiệp nào được làm bởi nàng, bằng thân, khẩu hoặc ý? Do kết quả của nghiệp nào khiến nàng đi từ đây đến cõi Ngạ quỷ?"

Và rồi nàng bèn kể cho anh ta nghe về nghiệp mà nàng đã tạo và, thêm nữa, điều cần được làm bởi anh ta để đem lại lợi ích cho nàng, bằng sáu câu kệ này:

4. "Tôi đã kiếm những đồng tiền ở những nơi tắm công cộng; dầu những vật thí ở trong tầm tay nhưng tôi đã không làm chỗ nương tựa cho tôi.

5. Bị khát bỏng, tôi đi đến con sông, nhưng nó trở nên trống rỗng; giữa sức nóng tôi đi đến bóng mát nhưng nó trở nên bị thiêu đốt bởi mặt trời.

6. Và một cơn gió như ngọn lửa thổi lên người tôi, đốt cháy tôi, nhưng tôi đáng bị như thế này, thưa ông. Và sự đau khổ khác còn kinh khủng hơn thế này.

7. Khi ông đi đến Hatthinipura, ông nên nói với mẹ tôi rằng: "tôi đã trông thấy con gái của bà đã đi đến kiếp sống đau khổ trong thế giới của Yama. Sau khi đã làm ác nghiệp, nàng đã đi từ đây đến cõi Ngạ quỷ ".

8. Ở đây, có cái được để dành nhưng không được công bố bởi tôi. Khoảng bốn trăm ngàn ở dưới chiếc giường.

9. Từ món tiền này, bà nên bố thí giùm cho tôi; bà cũng có thể dùng một phần số tiền ấy để cung cấp cho sự nuôi mạng của bà, nhưng khi bà đã cho những vật thí nên hồi hướng phước thí ấy cho tôi; thời tôi sẽ hạnh phúc và có được dồi dào những điều mà tôi muốn."

Khi Petī ấy đã nói như vậy, vị thiện nam liền đồng ý với điều mà nàng đã nói. vị ấy làm xong công việc của mình ở đó, đi đến Hatthinipura và thuật lại vấn đề với mẹ của nàng. Ðể giải rõ sự kiện này, những vị kiết tập Tam Tạng nói rằng:

10. "Tốt lắm," Vị ấy đồng ý và đi đến Hatthinipura, nói với mẹ của nàng rằng: "Tôi đã trông thấy con gái của bà đã đi đến kiếp sống đau khổ trong thế giới của Yama. Sau khi đã làm ác nghiệp, nàng đã ra đi từ đây đến cõi của những Ngạ quỷ.

11. Khi ấy nàng ra sức thuyết phục tôi khi nói rằng, "ông nên nói với mẹ của tôi rằng, tôi đã trông thấy con gái của bà đã đi đến kiếp sống đau khổ trong thế giới của Yama. Sau khi đã làm ác nghiệp nàng đã ra đi từ đây đến cõi của những Ngạ quỷ.

Ở đây có cái được để lại nhưng không được công bố bởi tôi. Chừng bốn trăm ngàn ở dưới gầm giường.

13. Từ món tiền này, bà nên bố thí vật thực giùm cho tôi, số tiền ấy cũng có thể nuôi mạng cho bà. Và khi bà đã cho ra những vật thí, mẹ của tôi nên hồi hướng phước thí ấy đến cho tôi. Rồi tôi sẽ được hạnh phúc và có dồi dào những gì mà tôi mong ước.

14. Nhân đó bà ta cho ra những vật thí và hồi hướng phước thí ấy đến cho nàng; và Petī ấy được hạnh phúc và có thân trông xinh đẹp.

Khi đã nghe qua điều này, mẹ của nàng bèn cho ra những vật thí đến chúng tăng và hồi hướng những vật thí này đến cho nàng. Ðược an trú trong sự thù thắng về những phương tiện kiếm sống mà nàng đã thọ lãnh theo cách này, nàng hiện ra trước mặt của mẹ nàng và giải thích nguyên nhân của nó. Mẹ của nàng báo tin cho các vị Tỳ khưu biết và các vị Tỳ khưu nêu lên vấn đề ấy với đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy vấn đề ấy là nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết pháp đến hội chúng đã tụ họp ở đó. Thời pháp ấy đem lại lợi ích cho hội chúng ở đó.

*

III.7 LIỆP LỘC QUỶ SỰ
(MIGALUDDA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Ngươi còn trẻ và được tôn kính bởi những người nam và những người nữ".

Pháp thoại này được thuyết giảng trong khi Ðức Thế Tôn đang ngụ ở Veḷuvana, liên quan đến một Ngạ quỷ mà trước kia là người săn nai.

Tương truyền rằng, tại thành Vương-xá, có một người thợ săn nọ kiếm sống bằng nghề săn bắn và giết nai. Anh ta có một người bạn là một thiện nam, là người mà, vì không thể thuyết phục anh ta từ bỏ những ác nghiệp luôn khi, bèn thức tỉnh anh ta làm những việc phước vào lúc ban đêm khi nói rằng, "này bạn, hãy từ bỏ sát sanh vào lúc ban đêm đi." Anh ta thường không làm điều này vào lúc ban đêm và thường sát sanh chúng sanh chỉ trong ban ngày mà thôi. Ðúng lúc, anh ta chết và sanh làm một Vimāna Peta ở gần Rājagaha, chịu nhiều thống khổ suốt ngày, nhưng thường làm hài lòng cho chính mình, với đầy đủ dục lạc vào lúc ban đêm. Khi trông thấy anh ta, thì Trưởng lão đáng kính Nārada bèn hỏi anh ta bằng câu kệ này:

1. "Ngươi còn trẻ và được tôn kính bởi những nam nhân và những nữ nhân; ngươi trông rất xinh đẹp nhờ những dục lạc, nhưng vào lúc ban ngày thì ngươi lại thọ lãnh quả khổ. Ngươi đã làm gì trong kiếp quá khứ của ngươi?"

Khi nghe qua điều này, Ngạ quỷ nói những câu kệ này để cho Trưởng lão biết những nghiệp mà nó đã làm:

2. Trong quá khứ, ở thành Rājagaha xinh đẹp, ở Giribbaja khả ái ấy, tôi đã làm một người thợ săn độc ác và có bàn tay dính máu.

3. Bị ô nhiễm trong tâm, tôi sống không có sự thu thúc, luôn luôn hướng đến sự làm hại những kẻ khác, vô cùng độc ác đối với những chúng sanh vô tội, là những sanh vật ở khắp nơi.

4. Tôi có một người bạn có tâm từ ái, là một thiện nam có đức tin, và người ấy khi cảm thấy thương hại, đã nhiều lần khuyên tôi khi nói rằng:

5. "Ðừng làm những ác nghiệp, này bạn, đừng đi đến trạng thái đau khổ, nếu bạn muốn được hạnh phúc sau khi chết, hãy tránh xa sự sát sanh một cách bừa bãi này".

6. Tôi lắng nghe nghững lời này của vị ấy đang muốn cho tôi được hạnh phúc, và mong mỏi cho tôi được hạnh phúc. Tuy nhiên tôi, vì đã lâu quen với những ác nghiệp và do thiếu trí suy xét, đã không làm theo đầy đủ lời khuyên của anh ta.

7. Một lần nữa, con người rất có trí tuệ ấy, do lòng bi mẫn, đã khuyên tôi tỏ sự thu thúc khi nói rằng, "Nếu ban ngày bạn phải sát sanh, thời hãy thu thúc vào lúc ban đêm."

8. Bởi vậy tôi chỉ giết chúng sanh vào lúc ban ngày mà thôi, nhưng thu thúc vào lúc ban đêm, không làm những điều ấy; và nay, vào ban đêm tôi tự làm thoả mãn chính mình nhưng vào lúc ban ngày thì tôi có một kiếp sống đau khổ và bị ăn thịt.

9. Do bởi thiện nghiệp ấy nên vào lúc ban đêm tôi hưởng những dục lạc của chư Thiên, trong khi đó vào lúc ban ngày thì những con chó săn hùng hổ sống vào tôi từ khắp các hướng để ăn thịt tôi.

10. Bấy giờ những người mà tiếp tục đặt mình vào, và thường xuyên chuyên tâm vào lời dạy của Ðức Sugata; thiết nghĩ, riêng những người này sẽ đạt đến trạng thái bất tử.

Chú giải:

Khi nó đã nói như vậy thì Trưởng lão bèn nêu lên vấn đề ấy với Bậc Ðạo sư. Bậc Ðạo sư lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết pháp đến hội chúng đã hội họp ở đó. Mọi chuyện đều giống y như đã được nêu ra ở trên.

*

III.8 ÐỆ NHỊ LIỆP LỘC QUỶ SỰ

"Trong ngôi nhà có tháp nhọn và trong cung điện."

Pháp thoại này được thuyết giảng trong khi Bậc Ðạo sư đang ngụ ở Veḷuvana, liên quan đến một Ngạ quỷ khác mà trước kia cũng là một thợ săn nai.

Tương truyền rằng tại Rājagaha, có một chàng trai trẻ thợ săn nọ, do có tài săn bắn, đã từ bỏ những tiện nghi về của cải của anh ta và ngày đêm đi đây đó để săn nai. Một vị thiện nam nọ là bạn hữu của anh ta, do lòng bi mẫn, cho anh ta lời khuyên này, "Này bạn, hãy từ bỏ sát sanh, e rằng sẽ có đau khổ dành cho bạn trong một thời gian dài". Nhưng anh ta chẳng quan tâm. Rồi vị thiện nam ấy thỉnh một vị Trưởng lão nọ mà đã có tâm tu tiến và đã đoạn trừ các lậu hoặc, khi nói rằng, "Bạch Ngài, xin Ngài hãy thuyết pháp đến một người đàn ông đó đó bằng cách nào đó để anh ta từ bỏ sự sat sanh." Bởi vậy vào một hôm nọ, vị Trưởng lão ấy, trong khi đang đi quanh thành Rājagaha để khất thực, đứng tại cửa nhà của anh ta. Khi trông thấy Ngài, thì người săn nai, đầy tôn kính, đi ra để đón Ngài, mời Trưởng lão vào nhà và dâng chỗ ngồi đến Truởng lão. Trưởng lão ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Khi anh ta đi đến Trưởng lão, anh ta cũng ngồi xuống. Trưởng lão nói cho anh ta biết về những quả dữ của sự sát sanh và rồi giải thích những lợi ích của sự kiêng tránh, nhưng khi anh ta nghe qua điều này thì anh ta không muốn từ bỏ nó. Rồi Trưởng lão nói với anh ta rằng, "Này bạn, nếu bạn không thể từ bỏ hoàn toàn được, thì tối thiểu cũng hãy từ bỏ nó vào lúc ban đêm". "Tốt lắm, thưa Ngài, con sẽ tránh xa". Phần còn lại tương tự như câu chuyện ở ngay trước, ngoại trừ rằng ở chỗ mà những câu kệ có liên quan đến thì Trưởng lão hỏi anh ta bằng ba câu kệ này:

1. Trong ngôi nhà có tháp nhọn và trong cung điện, ở trên chiếc giường được trải bằng lông cừu dài, ngươi vui thích với âm thanh ngọt ngào của năm loại nhạc.

2. Rồi vào lúc tàn đêm, đến khi mặt trời mọc, ngươi lại đi đến bãi tha ma, ở đó ngươi chịu nhiều thống khổ.

3. Bây giờ ác nghiệp nào được làm bởi ngươi do thân khẩu, hoặc ý? Do kết quả của nghiệp nào khiến ngươi chịu sự thống khổ này?"

Rồi Ngạ quỷ ấy giải thích vấn đề với Trưởng lão:

4. "Trong thành Rājagaha khả ái, ở Giribbaja xinh đẹp ấy, trong quá khứ con là thợ săn nai, con là người độc ác, không tự chế.

5. Con có một người bạn có tâm từ ái, là một vị thiện nam có đức tin và, một vị Sa-môn, một vị Sāvaka của đức Gotama, thường sống nhờ vào gia đình của anh thiện nam bằng sự để bát; dầu vị ấy, có lòng thương hại đến con, khuyên can con nhiều lần. Khi nói rằng:

6. "Ðừng làm những ác nghiệp, này bạn, đừng đi đến trạng thái đau khổ; nếu bạn muốn được hạnh phúc sau khi chết; thời hãy tránh xa sự sát sanh này."

7. Con lắng nghe những lời này của vị ấy, là người muốn cho con được hành phúc và mong mỏi cho con được lợi ích, tuy nhiên con, vì quá lâu đã quen với điều ác và thiếu trí tuệ, nên không làm theo lời khuyên của vị ấy.

8. Lại một lần nữa con người có trí tuệ vô cùng ấy, do lòng bi mẫn, khuyên con hãy tỏ sự tự chế, khi nói rằng, "Nếu ban ngày bạn phải giết những chúng sanh thời hãy tỏ sự tự chế vào lúc ban đêm."

9. Bởi vậy con chỉ sát sanh vào lúc ban ngày, nhưng tự chế vào lúc ban đêm không làm điều ấy - và vào lúc ban đêm con làm hài lòng chính mình, nhưng ban ngày con có một kiếp sống đau khổ và bị ăn thịt.

10. Vì thiện nghiệp ấy nên vào lúc ban đêm con hưởng những dục lạc của chư thiên, trong khi ban ngày thì những con chó hung hăng rơi vào con từ khắp các hướng để ăn thịt con.

11. Bấy giờ những người mà tiếp tục chuyên tâm, thường xuyên chuyên chú vào giáo pháp của đấng Sugata; riêng những người này, xét nghĩ, sẽ đạt đến trạng thái bất tử, là chỗ vô vi."

*

III.9 TRÁ KHI QUỶ SỰ
(KŪTAVINICCHAYIKA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Mang tràng hoa, đội mão và đeo vòng tai".

Pháp thoại này được thuyết giảng trong khi Bậc Ðạo sư đã ngụ ở Veḷuvana, liên quan đến một Ngạ quỷ đã từng chấp theo tà kiến.

Bấy giờ, Ðại vương Bimbisāra thường thọ trì Bát Quan Trai sáu ngày trong một tháng, và noi theo gương của vị ấy, nhiều người khác cũng thọ trì Bát Quan Trai giới. Ðức vua thường hỏi những người mà đến yết kiến vị ấy rằng, "Nào nào, ngươi có thọ trì Bát Quan Trai giới hay không?" Rồi một người đàn ông, được bổ nhiệm vào triều đình của vị ấy, là người có lời nói đâm thọc, gian lận, quen ăn hối lộ và làm những hành động bạo quyền đã nói rằng, "Tâu bệ hạ, thần có thọ trì nó", vì sợ phải nói ra rằng ông ta đã không thọ trì nó. Rồi khi ông ta đang rời khỏi tầm nhìn của đức vua, thì một người bạn nói với ông ta rằng, "Nào nào, này bạn, bạn có thọ trì nó ngày hôm nay không?". "Này bạn, tôi nói như vậy là do sợ hãi đó thôi khi mặt đối mặt với Ðức vua, nhưng tôi chẳng có thọ trì nó," Sau đó người bạn này nói với ông ta rằng, "Dầu vậy, bạn vẫn còn có thể thọ trì nửa ngày Bát Quan Trai giới cho ngày hôm nay, vậy hãy nguyện thọ trì Bát Quan Trai giới đi." "Tốt lắm", ông ta nói và đồng ý với điều mà người bạn nói, rồi đi về nhà, chẳng ăn gì, súc miệng và thọ trì Bát Quan Trai giới.

Ðêm hôm ấy, khi đã đi đến giường, thì những cơn đau khốc liệt, dữ dội, gây ra bởi cơn gió mạnh sanh lên, do bụng trống, đã đoản mạng của ông ta và, ngay sau khi chết ông ta sanh làm một Vimāna Peta ở một chỗ sâu hút trong một ngọn núi. Do thọ trì chỉ một đêm của ngày Bát Quan Trai giới mà ông ta nhận được một cung điện với tùy tùng gồm mười ngàn tiên nữ, và hưởng sự vinh quang thần tiên vĩ đại; Nhưng vì sự nói dối và nói đâm thọc của ông ta, nên ông ta phải ăn thịt sau khi đã móc ra từ chính lưng của ông ta. Ðại Ðức Nārada, khi đi xuống từ núi Kỳ-xà-quật, trông thấy vị ấy và Trưởng lão hỏi vị ấy bằng bốn câu kệ, sau đó vị ấy trả lời vấn đề cũng bằng bốn câu kệ:

1. "Ngươi có đeo tràng hoa, đội mão và đeo vòng, và khắp người của ngươi được phủ bằng trầm hương; nét mặt của ngươi rạng rỡ và ngươi chiếu sáng như mặt trời.

2. Những người hầu này của ngươi, những vị phi nhân này trong hội chúng của ngươi, và đây là những nữ hầu của ngươi, mười ngàn thiếu nữ này.

3. Chúng mang những vòng xuyến và những vòng đeo tay, và đầu của chúng được trang sức bằng những vòng hoa đội đầu bằng vàng - Ngươi có oai lực lớn và tướng mạo của ngươi làm dựng tóc.

4. Tuy nhiên ngươi lại ăn thịt mà chính ngươi đã móc ra từ lưng của ngươi: bây giờ ác nghiệp nào được làm bởi ngươi do thân khẩu hay ý? do kết quả của nghiệp nào khiến ngươi ăn thịt từ lưng của ngươi?"

5. "Ở trong thế giới hữu tình, tôi đã làm suy sụp chính tôi bằng những lời nói dối và đâm thọc, bằng sự gian trá và lường gạt.

6. Khi tôi đã đi đến một hội chúng ở đó và đến lúc để nói ra sự thật thì tôi lại không nói đúng sự thật và không nói những điều đem lại lợi ích cho tôi, lại còn đi theo con đường sái quấy.

7. Cũng như tôi ngày hôm nay ăn thịt từ chính lưng của tôi, cũng vậy người nào mà làm người nói xấu sau lưng cũng phải ăn thịt của chính mình.

8. Chính Ngài đã trông thấy điều này, thưa Ngài Nārada. Những người mà có lòng bi mẫn và có thiện tâm thường nói rằng, "Ðừng nói đâm thọc cũng đừng nói dối và đừng làm người nói xấu sau lưng!"

Tất cả phần còn lại đều được nêu ra như ở trên.

*

III.10 GIỚI BẤT KỈNH THẤP QUỶ SỰ
(DHĀTUVIVAṆṆA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Khi đứng trong không trung".

Ðây là quỷ sự về sự coi thường. Khi Ðức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn giữa hai cây Sāla trong rừng cây Sāla Upattana của những người Malla tại Kusinārā và những Xá-lợi của Ngài đã được phân chia, vua Ajātasattu lấy phần Xá-lợi của mình và, khi niệm hồi tưởng những ân đức của Ðức Phật, bèn tổ chức một buổi lễ lớn để cúng dường Ngài kéo dài trong bảy năm, bảy tháng, và bảy ngày, trong suốt thời gian ấy có vô số người sanh tâm tịnh tín và đạt đến thiên giới. Tuy nhiên, có đến tám mươi sáu ngàn người bị ô nhiễm vì đã từ lâu không có đức tin, chấp theo tà kiến và, dầu ở trong những điều kiện có thể làm khởi sanh lòng tịnh tín, vẫn bị ô nhiễm trong tâm và bị tái sanh trong cõi Ngạ quỷ.

Cũng trong thành Rājagaha ấy, một người vợ, đứa con gái và con dâu của một vị phú hộ nọ, là người có của cải, với lòng tịnh tín trong tâm, họ đã suy nghĩ rằng, "Chúng ta hãy cúng dường đến Xá-lợi", và mang một ít vật thơm và những bông hoa v.v... Rồi lên đường đi đến chỗ mà Xá-lợi được tôn trí. Người đàn ông giàu có ấy tỏ thái độ coi thường của ông ta về sự tôn kính Xá-lợi và phỷ báng Xá-lợi khi nghĩ rằng, "Có lợi ích gì mà tôn kính những khúc xương?" họ chẳng quan tâm đến lời mà ông ta nói và đi đến chỗ ấy, cúng dường đến Xá-lợi và, khi đã trở về nhà, họ bị phát bệnh đến nỗi chẳng bao lâu sau họ chết, tái sanh trong cõi Devaloka do nhờ việc phước ấy.

Tuy nhiên, về phần ông phú hộ, bị che ám bởi lòng sân hận và chẳng bao âu sau cũng chết, tái sanh trong cõi Ngạ quỷ do bởi ác nghiệp ấy. Rồi một hôm nọ, Ðại Ðức Mahā Kassapa, do lòng bi mẫn đối với chúng sanh, thị hiện những năng lực thần thông của Ngài bằng cách nào đó để dân chúng có thể trông thấy cả những Ngạ quỷ và những vị chư thiên. Khi Ngài đã làm điều này, đứng trong khuôn viên của Bảo tháp ấy và hỏi ba câu kệ đến con Ngạ quỷ mà xưa kia đã tỏ thái độ khinh thường Xá-lợi, và rồi Ngạ quỷ đáp lại:

1. "Khi đứng trong không trung, ngươi toả ra mùi xú uế, hôi hám, và những con dòi rúc rỉa cái miệng hôi thối của ngươi. Ngươi đã làm nghiệp gì trong quá khứ?

2. Nhân đó, có những kẻ khác cầm những con dao của họ và khoét vào thịt của ngươi nhiều lần lập đi lập lại; chúng phun vào ngươi chất kiềm và rồi lại khoét ngươi nhiều lần lập đi lập lại.

3. Bây giờ ác nghiệp nào được làm bởi ngươi do thân, khẩu hoặc ý? Do kết quả của nghiệp nào khiến ngươi phải chịu sự thống khổ như thế này?"

4. "Trong thành Rājagaha xinh đẹp, là thành Giribbaja khả ái ấy, thưa Ngài, tôi là chủ của rất nhiều của cải và ngũ cốc.

5. Tôi đã ra sức ngăn cản người vợ này, đứa con gái và nàng dâu của tôi khi họ đang mang những bông hoa Tamāla, những hoa sen xanh và những dầu xức đắt giá đi đến bảo tháp. Ðây là ác nghiệp được làm bởi tôi.

6. Chúng tôi đang lãnh chịu tám mươi sáu ngàn loại khổ thọ; sau khi đã tỏ thái độ coi thường về sự tôn kính Xá-lợi, chúng tôi đã bị nấu sôi cùng cực như trong địa ngục.

7. Ngài hãy tách rời những người mà mở miệng nói lời bất lợi ra khỏi hội chúng đang cử hành đại lễ cúng dường Xá-lợi của bậc A-la-hán.

8. Hãy xem những người này đang đi đến, mang những tràng hoa và có trang sức, họ đang thọ hưởng kết quả của những bông hoa - họ rực rỡ và vinh hoa.

9. Và khi đã trông thấy sự kiện kỳ diệu làm ngạc nhiên và làm tóc dựng đứng này, những bậc trí tuệ sẽ tán dương và đảnh lễ Ngài, thưa đại hiền trí.

10. Bây giờ khi đã ra đi khỏi đây và lại được tái sanh trong cõi người, tôi sẽ nghiêm trang cúng dường ở bảo tháp nhiều lần lập đi lập lại.

Ðại Ðức Mahā Kassapa lấy vấn đề mà được nói như vậy bởi Ngạ quỷ làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết pháp đến hội chúng đã hội họp ở đó.

Quỷ sự về sự coi thường đã kết thúc - như vậy phần trình bày về ý nghĩa của chương ba, Tiểu phẩm, được tô điểm bởi mười câu chuyện trong những câu chuyện Ngạ quỷ của bộ Khuddhaka Nikāya đã kết thúc.

-ooOoo-

CHƯƠNG IV

ÐẠI PHẨM
(MAHĀVAGGA)

*

IV.1 QUỶ SỰ AMBASAKKHARA
(AMBASAKKHARA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Có một thành phố của người Vajji tên là Vesāli".

Ðây là quỷ sự Ambasakkhara. Câu chuyện bắt nguồn như thế nào?

Khi Ðức Thế Tôn đang ngụ ở Jetavana thì một vị vua Licchavi tên là Ambasakkhara, là người có tà kiến và chấp theo học thuyết Natthika, cai trị ở Vesāli. Lúc bấy giờ, ở trong thành Vesāli, có một quãng đường lầy lội ở gần cửa tiệm của một vị thương nhân nọ, làm trắc trở cho nhiều người đi qua ở đó, khiến người ta phải nhảy qua nó, một số thì làm văng bùn. Khi trông thấy điều này, thì vị thương nhân kia suy nghĩ rằng, "Những người này không cần phải đi bộ qua bùn", và sai đặt xuống chỗ lầy lội ấy một cái đầu lâu của một con bò mà không còn mùi hôi thối và có màu giống như xà cừ. Về bản tánh, ông ta là người có giới đức, không nóng giận, có lời nói nhỏ nhẹ và thường khen ngợi ân đức của những người khác về điều mà họ có. Rồi một hôm nọ, khi người bạn của ông ta đang tắm và thiếu đề phòng cẩn mật, ông ta giấu áo quần của người kia cho vui, chỉ cho lại chúng sau khi ông ta làm cho người kia phải chịu khổ sở. Tuy nhiên, đứa cháu trai của ông ta mang về những đồ ăn cắp được từ những nhà khác và gởi chúng vào trong cửa tiệm của ông ta. Những chủ nhân của những đồ vật ấy sau khi đã khám phá ra những đồ vật của họ, bèn đem nộp ông ta và đứa cháu trai của ông ta cùng với những thứ bị mất cắp ấy trước mặt đức vua. Ðức vua truyền lịnh rằng, "hãy cắt đầu người này, nhưng đâm xuyên đứa cháu trai của ông ta" và quân hầu của đức vua đã làm y như lịnh truyền.

Khi ông ta chết, ông ta sanh vào cõi của những vị chư thiên địa cầu, có được một con Bạch mã của chư thiên, chạy nhanh như tâm ý, vì kiếp trước ông đã làm chiếc cầu ấy bằng cái đầu của con bò và mùi hương của chư thiên toát ra thừ thân của vị ấy do bởi những lời nhận xét của ông ta để khen ngợi những người có giới đức, nhưng ông ta bị trần truồng vì đã đem giấu y phục. Chính do kết quả của việc nhìn lại những nghiệp này mà ông ta đã làm trong quá khứ nên ông ta trông thấy đứa cháu trai của ông ta bị đâm xuyên. Tâm của vị ấy bị rung động bởi lòng thương xót, vị ấy liền cỡi trên con Bạch mã chạy nhanh như tâm ý và đi vào lúc nửa đêm đến chỗ mà đứa cháu trai của vị ấy bị đâm xuyên và, khi đứng không cách xa, mỗi ngày mỗi nói rằng, "Này bạn, hãy cố gắng, vì còn sống thì tốt hơn".

Lúc bấy giờ vua Ambasakkhara đang đi vòng quanh thành phố theo chiều phải, cỡi trên lưng của con voi kiết tường, vị ấy trông thấy một người đàn bà đã mở cánh cửa sổ ở trong một ngôi nhà nọ và đang xem vẻ uy nghi của vua. Ðức vua đem lòng yêu thương nàng và ra hiệu cho một người đàn ông ngồi ở gần đó tựa như muốn nói rằng, "Ngươi hãy xem ngôi nhà ấy và người đàn bà ấy", và đúng lúc đi vào chỗ ngụ trong hoàng cung và sai người đàn ông ấy đi khi nói rằng, "ta truyền lịnh rằng ngươi hãy đi và tìm hiểu xem liệu người đàn bà ấy đã có chồng hay chưa? "Người kia đi và khi ông ta thấy rằng nàng đã có một người chồng, bèn báo tin cho đức vua biết. Ðức vua khi nghĩ về một cách nào đó mà nhờ đó vị ấy có thể lấy nàng làm vợ, bèn cho mời người chồng của nàng đến và nói rằng, "Ta truyền lịnh ngươi hãy đến và phục vụ cho ta". Vì sợ hãi, anh ta miễn cưỡng hầu hạ đức vua, khi nghĩ rằng, nếu vị ấy không làm điều mà đức vua ban truyền, thời đức vua sẽ trừng phạt vị ấy; và hằng ngày đi hầu đức vua. Ðức vua sai cho anh ta vật thực và tiền công. Khi vài ngày đã trôi qua, đức vua nói với anh ta khi anh ta đến hầu vua vào lúc sáng sớm, "Ta truyền lịnh ngươi hãy đi đến nơi mà có hồ sen và kiếm về từ đó một ít đất sét đỏ và hoa súng đỏ; Nếu ngươi không trở về trong chính ngày hôm nay thời ngươi sẽ mất mạng", và khi anh ta đã đi rồi, thì bảo người giữ cửa rằng, 'Tất cả các cổng đều phải được đóng lại ngay khi mặt trời vừa lặn."

Bấy giờ hồ sen ấy cách thành Vesāli tối thiểu là ba do tuần, nhưng cho dù người đàn ông ấy, vội vã đi vì nỗi sợ chết, đã đi đến hồ sen với sức nhanh của gió trước lúc đứng bóng. Bởi vì anh ta đã nghe trước rằng hồ sen ấy có vị phi nhân thường lui tới, nên anh ta sợ hãi đi quanh hồ khi tự hỏi rằng, "có nguy hiểm nào ở đây không?" Khi trông thấy anh ta thì một vị thần bảo vệ hồ sen ấy đem lòng thương hại cho anh ta và đi đến anh ta trong hình tướng của loài người mà nói rằng, "anh đến đây với mục đích gì, hỡi ông bạn?" Anh ta bèn kể lại toàn thể câu chuyện của anh ta cho vị ấy nghe. "Nếu sự thể là như vậy thời ngươi hãy lấy bất cứ cái gì mà ngươi cần đến". Vị ấy nói và biến mất sau khi cho thấy tướng mạo chư thiên của vị ấy. Anh ta lấy một ít đất sét và hoa súng đỏ ở đó và đi đến cổng thành ngay trước khi mặt trời lặn. Người giữ cổng trông thấy anh ta và đóng cổng lại, anh ta bèn gọi người đàn ông bị đâm xuyên ở gần cổng ấy làm nhân chứng cho anh ta khi nói rằng, "Khi tôi đến ngay trước khi mặt trời lặn thì họ lại đóng cổng ngay khi tôi đang gọi đến. Ông hãy biết rằng tôi đã đến thật đúng lúc và về phần tôi chẳng có lỗi lầm nào cả". Khi người kia nghe điều này thì nói rằng, "Tôi đang đối diện với cái chết, đang bị hành hình bằng sự đâm xuyên. Làm sao tôi có thể làm nhân chứng cho ông được. Tuy nhiên, có một vị Peta có đại thần thông lực sắp đi đến gần tôi. Ông hãy nhờ vị ấy làm chứng cho ông".

"Nhưng làm sao tôi có thể trông thấy vị ấy?" "Nếu ông nán lại ngay tại chỗ này thời chính ông sẽ trông thấy vị ấy". Anh ta đứng chờ ở đó và trông thấy vị Peta ấy vào canh giữa của đêm và nhờ vị ấy làm chứng cho anh ta. Vào lúc rạng sáng, khi đức vua truyền lịnh rằng, "ngươi đã đi ngược mệnh lệnh của ta - là một vị vua, do đó ta phải trừng phạt ngươi." Anh ta bèn nói rằng, "Tâu bệ hạ, thần đã không làm trái lệnh của Bệ hạ; Thần đã đến đây trước khi mặt trời lặn". Vậy ai làm chứng cho ngươi? Anh ta bèn chỉ cho thấy rằng người làm chứng cho anh ta là một Peta trần truồng mà đã đến trước mặt người đàn ông bị đâm xuyên và, khi vua nói rằng, "Làm sao chúng ta tin vào điều này được?" Anh ta nói rằng, "Trong đêm nay, hãy gởi theo thần một người đàn ông mà bệ hạ tin cậy". Khi nghe qua điều này thì chính đức vua đi theo cùng anh ta và đứng ở chỗ ấy. Khi vị Peta đi đến và nói rằng, "Hãy rán sống, này bạn, vì sống thì tốt hơn", vua bèn hỏi vị ấy bằng năm câu kệ và câu kệ đầu, "Có một thành phố của dân Bạt Kỳ tên là Vesāli", được lồng vào bởi những vị kiết tập Tam tạng với mục đích cho thấy nội dung của chúng:

1. "Có một thành phố của người Bạt kỳ tên là Vesāli; chính tại đó có vị Licchavi Amba-sakkhara, sau khi đã trông thấy vị Peta ở ngoài thành phố, bèn hỏi vị ấy ngay tại đó, vì muốn biết nguyên nhân của vị ấy."

2. "Ðối với hắn, không có việc nằm ngồi hay bước tới bước lui. Ðối với hắn cũng chẳng có khoái lạc về việc thọ hưởng y phục và vật thực để ăn, uống hay nhai.

3. Trong quá khứ, những người đã là những quyến thuộc của hắn, những người tốt bụng của hắn, có lòng bi mẫn, được người ta trông thấy và được nghe là đã ở chung với hắn. Bây giờ những người này cũng không thể trông thấy được hắn, tình cảnh của hắn là tình cảnh bị bỏ đi bởi những người ấy.

4. Những người mà mạng chung rồi thì không có bạn bè - những bạn bè đã bỏ ngươi khi họ biết về sự thiếu thốn của ngươi; Trong khi đó họ chỉ vây quanh ngươi khi nào họ thấy sự vinh quanh thịnh vượng của ngươi, những người thịnh vượng mới có nhiều bạn bè.

5. Khi đã mất tất cả những tài sản của mình, buồn khổ, bị lấm lem và thân bị tan rã như giọt sương đang lơ lửng, sự chấm dứt mạng sống của người ấy sẽ đến ngày hôm nay hoặc mai.

6. Khi đã bị đi đến cảnh đau khổ hoàn toàn như bị đâm xuyên trên một cái cọc bằng gỗ Nimba. Như vậy, này Yakkha, bằng dấu hiệu nào, khiến ngươi có thể nói rằng, "Hãy sống, này bạn, vì sống thì tốt hơn cả?"

Khi được hỏi như vậy bởi đức vua, vị Peta ấy bèn nói bốn câu kệ để giải thích cho vị ấy rõ điều mà vị ấy muốn nói:

7. "Người ấy là quyến thuộc máu mủ của tôi. Tôi đã nhớ đến trong kiếp sống quá khứ. Khi tôi trông thấy nó, tôi có lòng thương hại cho nó vì nghĩ rằng, "đừng để kẻ ác ấy phải rơi vào địa ngục."

8. Khi nó rời khỏi đây, hỡi Licchavi, thì người này, người đã làm những ác nghiệp này, sẽ sanh trong địa ngục có đông tội đồ vô cùng nóng nực, kinh khủng và đáng sợ.

9. Cái cọc này tốt hơn vô số lần địa ngục ấy; đừng để nó phải rơi vào địa ngục vô cùng đau đớn, đau khổ, đáng sợ và khắc nghiệt ấy.

10. Bây giờ nếu nó nghe được những lời của tôi thời nó sẽ bị đau khổ và có thể trút hơi tàn của nó. Do đó, tôi không nói trước mặt của nó, e rằng sự chấm dứt mạng sống của nó sẽ đến do bởi riêng tôi."

Khi vị Peta ấy đã giải thích như vậy điều mà vị ấy muốn nói thì đức vua thốt lên câu kệ này để xin phép hỏi vị Peta một lần nữa về vấn đề ấy:

11. "Nhưng sự kiện về người đàn ông này đã được biết đến rồi; chúng tôi muốn hỏi luôn Ngài về những điều khác nữa. Nếu Ngài cho phép chúng tôi, thời chúng tôi sẽ hỏi Ngài, nhưng Ngài không được giận chúng tôi."

12. "Chắc chắn tôi đã đồng ý rồi - không có sự bàn bạc với người mà không được tin cậy. Khi miễn cưỡng cho rằng bệ hạ là người có lời nói có thể được tin cậy, khi hành động như vậy, bệ hạ có thể hỏi tôi điều nào bệ hạ muốn và nếu có thể được thời tôi sẽ trả lời."

Những câu kệ này là cuộc nói chuyện qua lại giữa vị Peta và đức vua.

Khi đã được vị Peta cho phép như vậy, đức vua bèn nói lên câu kệ này:

13. Bất cứ điều gì mà trẫm có thể trông thấy bằng chính mắt của trẫm, thời trẫm có thể tin tất cả điều ấy. Nếu trẫm trông thấy một điều gì đó mà trẫm vẫn không tin thời Ngài nên giúp đỡ trẫm, thưa Yakkha."

Khi nghe qua điều này, vị Peta ấy bèn nói lên hai câu kệ này:

14. "Hãy cho ta có được lời hứa của bệ hạ rằng sau khi nghe pháp, bệ hạ sẽ có được lòng tịnh tín thích hợp, vì bệ hạ mong mỏi được biết và tâm của bệ hạ không bị ô nhiễm nên ta sẽ công bố tất cả giáo pháp đúng như đã được phân giải, dầu bệ hạ đã nghe hay chưa nghe."

Từ đây trở đi là những câu kệ trong cuộc nói chuyện giữa hai người trong bọn họ.

15. "Trên một con ngựa trắng có trang sức, ngài đi đến với người mà đã bị đâm xuyên; con ngựa này thật kỳ diệu và trông khả ái. Ðây là kết quả của nghiệp nào?"

16. "Ở trung tâm của thành phố Vesāli có một cái vũng nước trên con đường lầy lội. Với lòng tịnh tín trong tâm của tôi, tôi đã lấy một cái đầu lâu màu trắng của một con bò và đặt nó xuống trong vũng bùn ấy.

17. Nhờ đặt bàn chân của chúng tôi trên cái đầu lâu này, nên cả chúng tôi và những người khác có thể đi qua được. Con ngựa này, kỳ diệu và trông khả ái, là kết quả của nghiệp ấy."

18. "Bây giờ sắc của ngài sáng rực trong tất cả các hướng và mùi hương của ngài làm tràn ngập khắp các hướng. Ngài có oai lực lớn và đã đạt được năng lực thần thông này của một vị Yakkha. Tuy nhiên, Ngài lại trần truồng. Ðây là kết quả của nghiệp gì?"

19. "Tâm của tôi không sân hận và thường xuyên có lòng tịnh tín, tôi đi đến mọi người với giọng nói nhỏ nhẹ. Sắc tướng chư thiên của tôi thường xuyên chiếu sáng, đây là kết quả của nghiệp ấy.

20. Khi tôi thấy danh vọng và tiếng tăm của những người được an trú trong pháp thì tôi công bố họ với lòng tịnh tín trong tâm của tôi; mùi hương chư thiên của tôi toả ra liên tục, đây là kết quả của nghiệp ấy.

21. Trong khi những người bạn của tôi đang tắm ở chỗ tắm thì tôi chỉ để đùa giỡn và không có ác tâm, đã lấy y phục của họ và giấu chúng ở một chỗ đất cao. Vì lý do này khiến tôi trần truồng và sống một cuộc đời phiền toái".

22. "Ðối với người mà làm điều ác để vui đùa, thì đó là kết quả về nghiệp của vị ấy. "Nhưng đối với người mà làm điều ấy không phải để vui đùa, thì người ta sẽ nói gì là quả nghiệp của người ấy?"

23. "Những người mà có mục đích đồi bại và có tâm bị ô nhiễm và có thân khẩu bất tịnh thời số phận của họ vào lúc thân hoại mạng chung là, không nghi ngờ gì, họ phải rơi vào địa ngục.

24. Nhưng những ai mà, khao khát một kiếp sống hạnh phúc, thoả thích trong sự bố thí và có tánh thương người thì số phận của họ vào lúc thân hoại mạng chung, không nghi ngờ gì, là họ sẽ được đi đến nhàn cảnh."

Khi những quả nghiệp đã được giải thích bằng sự phân tích tóm tắt do bởi vị Peta ấy thì đức vua nói lên câu kệ này, vì không tin điều mà vị ấy đã nghe!

25. "Làm sao trẫm có thể biết chắc điều này, rằng đây là quả của những nghiệp thiện và ác? Hay trẫm sẽ tin vào điều gì mà trẫm đã trông thấy? Hay, ai có thể làm cho trẫm tin vào điều này?"

Khi đã nghe qua điều này, vị Peta bèn nói những câu kệ này để giải thích cho đức vua rõ vấn đề một cách hợp lý:

26. "Khi bệ hạ đã thấy và đã nghe, bệ hạ phải tin rằng đây là kết quả của những thiện nghiệp và ác nghiệp. Nếu cả thiện nghiệp và ác nghiệpkhông tồn tại thì làm sao những chúng sanh có được kiếp sống hạnh phúc hay đau khổ?

27. Và nếu những kẻ còn sanh tử không làm những nghiệp ở đây, là những nghiệp thiện và bất thiện trong thế giới của loài người, thời sẽ không có những chúng sanh có được những kiếp sống hạnh phúc hay đau khổ, chẳng có ai cao và thấp trong cõi người.

28. Nhưng vì chúng sanh còn sanh tử, còn làm những nghiệp, là thiện nghiệp và ác nghiệp trong cõi người; do đó, có những chúng sanh có được kiếp sống hạnh phúc và đau khổ, là những kẻ cao quý và thấp hèn trong cõi người.

29. Trong hiện tại, người ta nói rằng kết quả của nghiệp có hai: Những nghiệp sẽ được thọ lãnh là hạnh phúc và những nghiệp phải bị thọ lãnh là đau khổ; những vị chư thiên thì làm cho chính mình được vui sướng, trong khi những kẻ ngu thì không thấy tánh hai mặt nên bị nấu đốt.

Liên quan đến câu hỏi của đức vua, "Nhưng tại sao, khi tin vào quả của các nghiệp, Ngài lại chịu đau khổ như vậy?". Rồi vị ấy nói lên câu kệ này:

30."Không có những nghiệp của tôi được làm bởi chính tôi; ngay cả cũng không có người nào, mà sau khi đã cho y phục, giường nằm, đồ ăn và thức uống, chịu hồi hướng cho tôi. Vì lý do này mà tôi phải bị trần truồng và sống một cuộc sống phiền toái."

Khi nghe qua điều này thì đức vua, vì muốn cho vị ấy có được y phục v.v... bèn nói lên câu kệ này:

31. Có thể nào để có một cách nào đó, hỡi Yakkha, mà nhờ đó Ngài có thể có được y phục không? Hãy nói cho trẫm biết xem có phương tiện nào để chúng tôi lắng nghe một câu nói nào đó về những điều hiện mà có thể tin được."

Rồi vị Peta ấy nói lên những câu kệ này để cho đức vua biết cách:

32. "Ở đây có một vị Tỳ khưu tên là Kappitaka, là một vị thiền sư, có giới hạnh tốt, một vị A-la-hán, đã giải thoát và đã khéo hộ phòng các căn, là phước điền, có thu thúc trong những điều luật của Pātimokkha, là người đã trở nên mát lạnh và đã đạt đến tri kiến rốt ráo rồi;

33. Nói hiền hòa, nhã nhặn, khéo thuyết, có gương mặt hiền từ, rành mạch và là người nói rất từ ái, là phước điền, là người sống trong sự thanh bình và là người sống đáng thọ lãnh sự cúng dường của chư Thiên và nhơn loại.

34. An tịnh, thiểu dục, không bị phiền não, không tham muốn, đã giải thoát, không buồn rầu, không vị kỷ, chánh trực, không còn cội rễ, là người mà đã đoạn trừ tất cả các chướng ngại, là người đã chứng đắc ba loại trí tuệ, chiếu sáng.

35. Không được biết đến và không dễ nhận ra được ngay khi đã trông thấy, giữa những người bạn bè người ta gọi vị ấy là "Bậc hiền trí"; các vị Yakkha biết vị ấy là đã thoát khỏi ái dục, rảo đi trong thế gian với bản tánh thiện.

36. Nếu bệ hạ cho vị ấy một đôi hay hai cái, khi hồi hướng phước thí này cho tôi, và những vật thí này được thọ lãnh, thời bệ hạ sẽ trông thấy tôi được mặc những y phục".

Rồi đức vua dò hỏi về chỗ ngụ của Trưởng lão:

37. "Vị Sa-môn ấy trú ngụ ở chỗ nào để bây giờ chúng tôi có thể đến thăm vị ấy, là người mà ngày hôm nay có thể đoạn trừ giùm cho ta những hoài nghi về điều không đoan chắc, là sự luồn lách của tà kiến này?"

Khi vị Peta ấy đã nói điều này, thì đức vua bèn nói lên câu kệ này khi muốn đi thăm vị Trưởng lão ấy ngay:

39. "Bây giờ trẫm sẽ đi và làm điều mà ngài đề nghị, trẫm sẽ khoác vào vị Sa-môn ấy một cặp y và nếu những thứ này được thọ lãnh rồi thời chúng ta sẽ trông thấy ngài có mang những y phục trên thân".

Rồi vị Peta ấy nói lên câu kệ này để cho thấy rằng, bởi vì Trưởng lão đang thuyết pháp đến những vị chư thiên, do đó chưa phải lúc để đi đến với Ngài:

40. "Ðừng đi đến người đã xuất gia khi chưa đúng lúc. Hỡi đấng Licchavi, đây không phải tục lệ dành cho bệ hạ. Hãy đi đến vị ấy sau, vào thời gian thích hợp, và thăm vị ấy ngay tại đó khi Ngài đang ngồi một mình."

Khi vị Peta đã nói điều này thì đức vua đồng ý nói rằng, "Lành thay", và trở về chỗ ngụ của vị ấy. Khi thời gian thích hợp lại đến, đức vua đi đến Trưởng lão, sai mang theo tám bộ y phục. Khi đã ngồi xuống ở một bên, vị ấy nói lời chào hỏi thân mật với Trưởng lão và nói rằng, "Bạch Ngài, xin hãy nhận lãnh tám bộ y phục này". Khi nghe qua điều này thì Trưởng lão, để bắt đầu cuộc nói chuyện với đức vua, bèn hỏi rằng, "Tâu Ðại Vương, trước kia Ðại vương không có đức tánh bố thí và đàn áp các vị Sa-môn và Bà-la-môn. Làm sao mà bây giờ bệ hạ lại muốn cho những y phục thù thắng này? Khi nghe qua điều này, đức vua bèn kể cho Trưởng lão nghe qua lý do, thuật lại cho Trưởng lão nghe về cuộc gặp mặt của mình với vị Peta và tất cả những điều mà mỗi người trong họ đã nói, và rồi dâng đến Trưởng lão những y phục và hồi hướng phước thí kia đến cho Peta ấy. Do bởi điều này khiến Peta hiện ra trước mặt Trưởng lão và đức vua, đang mặc y phục và có trang sức, mang những y phục của chư thiên và cỡi trên con ngựa. Khi trông thấy vị ấy, đức vua rất hoan hỉ, vui sướng và đầy hỷ lạc và nói rằng, "Ta chắc chắn đã trông thấy bằng chính mắt của ta quả của các nghiệp. Bây giờ ta sẽ không làm những ác nghiệp, ta sẽ làm những việc phước mà thôi." Và nhờ vị Peta ấy làm chứng cho lời nói của mình. Vị Peta nói rằng, "Hỡi vua Licchavi, nếu bệ hạ từ nay trở đi từ bỏ những lối sống bất chánh và sống đúng với pháp thời chỉ tôi sẽ là kẻ chứng nhận cho ngài và đi đến trước mặt của bệ hạ. Hãy thả nhanh người bị đâm xuyên ra khỏi chiếc cọc. Sau khi đã lấy lại mạng sống của vị ấy như vậy và ăn ở theo đúng với Pháp vị ấy còn có thể thoát khỏi đau khổ đang chờ vị ấy. Thỉnh thoảng hãy đi đến Trưởng lão và lắng nghe pháp, hãy làm những việc phước", và rồi vị Peta ấy sau đó ra đi.

Ðức vua đảnh lễ Trưởng lão và ra đi trở lại kinh đô. Vị ấy gấp rút triệu tập tất cả những người Licchavi lại, và với sự đồng ý của họ, giải thoát người đàn ông ra khỏi chiếc cọc và truyền lịnh cho những y sĩ của mình làm cho người ấy khoẻ mạnh trở lại. Vị ấy đi đến Trưởng lão và hỏi rằng, "đối với một người mà đã làm một nghiệp sẽ dẫn người ấy đến địa ngục, bạch ngài, có thể nào vẫn có con đường để người ấy thoát khỏi địa ngục không?" "Có thể được, tâu Ðại vương. Nếu người ấy làm những việc phước cao cả, thời người ấy có thể thoát khỏi được." Trưởng lão đáp lại và rồi an trú cho đức vua vào trong Tam quy và Ngũ giới. Khi được an trú ở trong đó và trú vững chắc trong lời khuyến giáo của Trưởng lão, vị ấy trở thành một vị Sotāpanna (Tu-đà-huờn) . Tuy nhiên, người bị đâm xuyên thì trở nên khoẻ mạnh trở lại, đầy xúc động, bèn xuất gia theo các vị Tỳ khưu, và chẳng bao lâu sau chứng đắc đạo quả A-la-hán. Những vị kiết tập Tam Tạng đọc lên những câu kệ này để chứng minh sự kiện này:

41. "Khi nói rằng, "Hãy làm như vậy", vị ấy rời khỏi chỗ ấy, và được vây quanh bởi một nhóm gồm những nô lệ, vị Licchavi ấy đi đến thành phố và đi đến giường nằm trong chỗ ngụ của chính vị ấy.

42. Rồi vào buổi sáng, khi đức vua đã chăm lo những phận sự trong nhà của mình, vị ấy tắm và uống nước; khi thời gian thích hợp đến, đức vua chọn tám bộ y phục từ một cái rương và vị Licchavi ấy sai nhóm nô lệ đem chúng đi theo.

43. Vị ấy đi đến chỗ ấy và trông thấy vị Sa-môn mà đã trở nên mát lạnh ngồi với tâm an tịnh dưới một cội cây, đã trở về sau khi đã đi khất thực.

44. Ðức vua đi đến Trưởng lão và nói điều này với Trưởng lão khi hỏi thăm sức khoẻ và sự an vui của Trưởng lão, "Tôi là một vị Lic-chaviVesāli, thưa Ngài, người ta biết tôi là vị Licchavi Ambasakkhara.

45. Bạch Ngài, xin Ngài hãy hoan hỷ nhận lãnh tám bộ y xinh đẹp này của trẫm; trẫm xin dâng chúng đến Ngài. Chính riêng mục đích này khiến trẫm đã đến đây và trẫm sẽ được vui sướng nếu Ngài hoan hỷ thọ lãnh."

46. "Các vị Sa-môn và Bà-la-môn tránh xa chỗ ngụ của bệ hạ; trong chỗ ngụ của bệ hạ, những cái bát của họ thường bị đập vỡ và ngay cả y phục của họ cũng bị xé rách.

47. Hơn nữa, các vị Sa-môn bị lột trần và bị làm cho té nhào, đó là sự quấy rầy do bệ hạ gây nên đến các vị Sa-môn và những người xuất gia.

48. Bệ hạ chẳng cho gì dầu một cọng cỏ cũng không, bệ hạ cũng không chỉ đường cho những người bị lạc, chính bệ hạ cũng thường giựt lấy cây gậy từ tay một người mù, bệ hạ quả thật rất keo kiệt và không thu thúc. Bây giờ vì lý do gì, chính điều gì bệ hạ đã trông thấy khiến bây giờ bệ hạ chia những cái này cho chúng tôi."

49. "Trẫm thừa nhận điều mà Ngài nói, bạch Ngài; trẫm đã quấy rầy các vị Sa-môn và Bà-la-môn. Tuy nhiên, ngay cả ác nghiệp này của trẫm được làm chỉ có tánh cách vui đùa và không có sự ô nhiễm trong tâm.

50. Một vị Yakkha, sau khi đã làm những ác nghiệp trong cuộc chơi, thọ lãnh đau khổ, sự thọ hưởng của vị ấy không được hoàn toàn. Vị ấy có tánh chất trẻ trung, nhưng trạng thái trần truồng là số phận của vị ấy; bây giờ đối với vị Yakkha ấy có sự đau khổ nào hơn thế nữa!

51. Khi trẫm trông thấy vị ấy thì trẫm đầy xúc động, bạch Ngài, đó là lý do khiến trẫm dâng cúng vật thí này. Xin hãy nhận lãnh tám bộ y này, bạch Ngài, và xin cho phước thí này thấu đến vị dạ xoa ấy."

52. "Chắc chắn sự bố thí sẽ được người ta tán dương bằng nhiều cách; bây giờ cầu xin cho điều này hằng không bị cạn hết đối với bệ hạ, là người đã bố thí nó. Tôi nhận lãnh tám bộ y này của bệ hạ. Mong rằng phước thí này thấu đến vị Yakkha ấy."

53. Rồi vị Licchavi làm lễ sám hối và dâng đến Trưởng lão tám bộ y khi nói rằng, "Xin hãy thọ lãnh những thứ này". Nhân đó Trưởng lão nói rằng, "Bây giờ hãy xem vị Yak-kha, đã được khoác lên người những y phục"

54. Vị ấy trông thấy Yakkha, có xức bằng dầu gỗ trầm thượng hạng, cưỡi trên một con ngựa thuần chủng, với nước da tuyệt hảo, trang sức lộng lẫy, mặc những y phục đáng kính nể, có tuy tùng vây quanh, có năng lực thần thông vĩ đại của một dạ xoa.

55. Khi đức vua trông thấy vị ấy thì rất vui sướng, phấn chấn, tâm của vị ấy rộn lên niềm hoan hỉ, khuôn mặt rạng rỡ; vị ấy trông thấy nghiệp của mình và kết quả vĩ đại và thực có của nó bằng chính mắt của vị ấy, đã trông thấy điều này bằng chính mắt của vị ấy.

56. Vị ấy đi đến dạ xoa và nói điều này với dạ xoa, "Trẫm sẽ cho ra những vật thí đến các vị Sa-môn và Bà-la-môn vì không có cái gì của trẫm mà trẫm không cho ra. Ngài đã đem đến cho trẫm một sự giúp đỡ lớn, thưa Yakkha ."

57. "Và bệ hạ đã cho một phần vật thí để hồi hướng đến cho tôi, hỡi đấng Licchavi, điều này không phải vô ích; tôi sẽ làm nhân chứng của bệ hạ, một vị phi nhân làm chứng cho một con người."

58. "Ngài là định mạng, là quyến thuộc, là chỗ nương tựa và là bạn của trẫm, và hơn nữa là vị Devatā của trẫm. Thưa Yakkha, vì trẫm mong được thấy lại ngài, vậy trẫm xin chấp tay cung kính cầu xin Ngài."

59. "Nếu bệ hạ trở thành người không có đức tin, tỏ ra bỏn sẻn và có tâm tội lỗi thời bệ hạ sẽ không được trông thấy tôi chút nào cả, trong khi đó cho dù tôi có trông thấy bệ hạ, tôi cũng sẽ không nói với bệ hạ.

60. Nhưng nếu bệ hạ phát triển lòng tôn kính đối với pháp bảo, thoả thích trong việc bố thí, có bản tánh thương người và trở thành một con suối phun nước cho các vị Sa-môn và Bà-la-môn, thời bằng cách này bệ hạ sẽ được trông thấy tôi; và khi tôi trông thấy bệ hạ, tôi sẽ nói chuyện với bệ hạ, tâu bệ hạ.

61. Bây giờ hãy nhanh chân phóng thích người đàn ông này ra khỏi chiếc cọc, vì nhờ người ấy mà tôi trở thành nhân chứng của bệ hạ; tôi thiết nghĩ, chính do bởi người bị đâm xuyên mà chúng ta trở thành nhân chứng của nhau.

62. Và nếu người đàn ông này được phóng thích nhanh ra khỏi chiếc cọc, thời người ấy vẫn còn có thể chuyên tâm trong các thiện pháp một cách chính đáng, thoát khỏi địa ngục và thoát khỏi nghiệp ấy, trở thành người được thọ hưởng ở một chỗ khác.

63. Khi đã đi đến vị Kappitaka trong thời gian thích hợp và chia phần với vị ấy cái gì mà bệ hạ có, hãy ngồi xuống gần và hỏi thẳng vị ấy, và vị ấy sẽ công bố về đề tài này.

64. Chỉ đi đến vị Tỳ khưu ấy và hỏi vị Tỳ khưu ấy. Vì bệ hạ mong mỏi được biết và khi tâm của bệ hạ không bị ô nhiễm, vị ấy sẽ công bố tất cả về giáo pháp đúng như đã được phân tích, dầu bệ hạ đã nghe hay chưa nghe."

65. Khi đức vua đã nói chuyện riêng ở đó với vị Phi nhân ấy và đã khiến vị ấy làm nhân chứng cho mình, đức vua ra đi và trước mặt các vị Licchavi, vị ấy nói với hội chúng mà đang ngồi với nhau rằng:

66. "Hãy lắng nghe, thưa quý vị, chỉ một lời của trẫm mà thôi, trẫm xin quý vị một ân huệ mà nhờ đó trẫm sẽ được lợi ích. Người đàn ông ấy có những hành động ác, đã bị đâm xuyên, đã thọ lãnh hành phạt rồi, đã có hình tướng của người gánh chịu sự thọ hình của vua ban.

67. Ðã hai mươi ngày gánh chịu hậu quả khiến người bị đâm xuyên ấy bây giờ đang sống dỡ, chết dỡ Bây giờ trẫm muốn thả người ấy ra, xin chúng dân hãy cho phép trẫm hành động như trẫm nghĩ là thích hợp."

68. "Hãy nhanh chóng phóng thích người này và những người khác, ai dám nói lời chống lại bệ hạ khi hành động theo cách ấy? Bệ hạ nên làm điều gì người nghĩ là cần thiết, chúng dân sẽ cho phép bệ hạ hành động như bệ hạ thấy là thích hợp."

69. Vị ấy vội vàng đi đến chỗ ấy và phóng thích cho người bị đâm xuyên. "Ðừng sợ, này bạn", đức vua nói với tội nhân và sai những vị y sĩ săn sóc cho vị ấy.

70. Rồi đức vua đi đến Kappitaka trong thời gian thích hợp và chia phần cho Trưởng lão cái mà vị ấy có. Khi ngồi xuống ở gần kề, vị Licchavi bèn hỏi vị Trưởng lão ngay tại chỗ ấy, mặt đối mặt, mong mỏi một phương cách nào đó.

71. "Người đàn ông có những ác nghiệp ấy bị đâm xuyên rồi và đã bị trừng phạt rồi và xem ra đã gánh chịu điều này đến hai mươi ngày. Kết quả là người đàn ông bị đâm xuyên ấy phải sống dở chết dở.

72. Nhưng, bạch Ngài, bây giờ con đã đi và phóng thích cho người ấy rồi, vì đây là lời của vị Yakkha ấy. Có thể có cách nào mà nhờ đó vị ấy không đi địa ngục chăng?

73. Bạch Ngài, hãy nói cho con biết xem có điều kiện nào không, vì chúng con muốn lắng nghe một câu nói về những điều kiện mà có thể tin được. Phải chăng không thể có sự tiêu diệt những ác nghiệp ấy, không thể có sự chấm dứt những ác nghiệp ấy ở đây mà không phải bị thọ lãnh chăng?"

74. "Nếu người ấy chuyên tâm đúng mức trong các thiện pháp với sự siêng năng cả ngày lẫn đêm, người ấy vẫn có thể thoát khỏi địa ngục và nghiệp ấy sẽ trở thành nghiệp mà sẽ được thọ lãnh ở một nơi khác."

75. "Những sự kiện về người đàn ông này đã được biết đến. Bạch Ngài, bây giờ xin hãy rủ lòng lân mẫn đến con. Hãy khuyên con, hãy sách tấn con, hỡi bậc trí tuệ cao cả, bằng cách nào đó để con có thể không đi vào địa ngục."

76. "Bệ hạ nên quy y Phật trong chính ngày hôm nay, quy y Pháp và Tăng với lòng tịnh tín trong tâm của bệ hạ, dường thế ấy, bệ hạ nên thọ trì ngũ giới, không bị sứt mẻ và trọn vẹn.

77. Và bệ hạ nên tránh xa ngay việc sát sanh và tránh xa cái gì không được cho đến trong đời này; bệ hạ không nên làm người uống những chất say và bệ hạ cũng không nên nói dối, trong khi đó bệ hạ nên vừa lòng với chính vợ của bệ hạ.

78. Và bệ hạ nên thọ trì những thiện nghiệp này dẫn đến hạnh phúc mà thuộc về của bậc Thánh và những thiện nghiệp ấy được làm cho viên mãn bởi tám điều học.

79. Với lòng tịnh tín, bệ hạ nên bố thí đến những bậc chánh trực những y phục và vật thực; những vật dụng và chỗ ngụ, đồ ăn và thức uống, vật thực cứng, vải vóc và chỗ ngụ.

80. Bệ hạ nên làm thoả mãn bằng đồ ăn và thức uống cho các vị Sa-môn có giới đức, không tham ái và đa văn, phước sẽ tiếp tục sanh lên.

81. Khi chuyên tâm đúng mức như vậy trong các thiện pháp, với sự tinh tấn cả ngày lẫn đêm, bệ hạ vẫn có thể thoát khỏi địa ngục và nghiệp ấy trở thành nghiệp sẽ được thọ lãnh ở một nơi khác."

82. "Chính ngày hôm nay con sẽ quy y Phật, Pháp, Tăng, với lòng tịnh tín trong tâm của con; dường thế ấy con cũng sẽ thọ trì ngũ giới, không sứt mẻ và trọn vẹn.

83. Con sẽ tránh xa ngay sự sát sanh và tránh không lấy cái gì không được cho đến ở trong đời này; con sẽ không làm người uống những chất say, con cũng sẽ không nói dối, trong khi đó con sẽ vừa lòng với chính vợ của con.

84. Con sẽ thọ trì những thiện pháp dẫn đến hạnh phúc, được thành tựu bởi tám thánh pháp.

85. Những y phục và vật thực cúng dường, những vật dụng và chỗ ngụ, đồ ăn và thức uống, vật thực cứng, vải vóc và chỗ ngụ con sẽ cho ra, không ngập ngừng và nhiệt tâm trong giáo pháp của chư Phật, đến các vị Tỳ khưu có giới đức, đã thoát khỏi tham ái và đa văn học rộng."

86. Con người như vậy là Licchavi Amba-sakkhara, một vị thiện nam ở thành Vesāli có đức tin, là người hiền lành và hữu dụng, và là người mà bây giờ nuôi dưỡng chư Tăng bằng sự chăm sóc chu đáo.

87. Và người bị đâm xuyên thì trở nên khoẻ mạnh trở lại và vui sướng tự ý đi vào trạng thái không nhà. Do nhờ Kappitaka, là vị Tỳ khưu cao quý nhất, cả hai người kia đều đã chứng đạt các quả do kết quả từ đời sống phạm hạnh của một vị ẩn sĩ.

88. Kết hợp với những bậc Ứng cúng sáng suốt và thánh thiện đem lại quả báu lớn đến nỗi người bị đâm xuyên đạt đến quả báu cao nhất, trong khi Ambasakkhara thì đạt đến quả thánh thấp hơn."

Khi Trưởng lão nói như vậy rồi thì đức vua sanh tâm

Ðại Ðức Mahākappitaka đi đến Sāvatthi, đảnh lễ Bậc Ðạo sư và nêu vấn đề với Ðức Thế Tôn về điều đã được nói như vậy giữa đức vua, vị Peta và chính Trưởng lão, Bậc Ðạo sư lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết Pháp cho hội chúng đã tụ họp ở đó. Thời Pháp ấy đem lại lợi ích cho hội chúng ấy.

*

IV.2 QUỶ SỰ SERISSAKA
(SERISSAKA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Hãy lắng nghe ở chỗ mà cuộc gặp gỡ giữa vị Yakkha và các tiên nhân."

Ðây là Quỷ sự Serissaka. Bởi vì không có sự khác biệt giữa câu chuyện này và thiên cung sự Serissaka, nên điều gì sẽ được nói đến ở đây về nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và những câu kệ cũng giống như đã được nêu ra trong phần trình bày về những câu chuyện thiên cung trong phần giải thích này về ý nghĩa bên trong. Do vậy nó cũng nên được hiểu đúng như đã được nêu ra ở trong đó.

*

IV.3 NAN ÐÀ QUỶ SỰ
(NANDAKA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Vị vua tên là Piṅgalaka".

Ðây là Quỷ sự Nandaka. Câu chuyện bắt nguồn như thế nào?

Sau một thời gian hai trăm năm từ khi Bậc Ðạo sư nhập Niết-bàn, ở trong vương quốc Suraṭṭha, có một vị vua tên là Piṅgala. Tướng quân của vị ấy tên là Nandaka, có tà kiến và quan điểm đồi bại, và thường đi quanh công bố quan niệm sai lạc rằng, "Không có điều gì là bố thí cả..." v.v... Ðứa con gái của ông ta tên là Uttarā, là một tín nữ và đã được gả cho một gia đình thích hợp.

Bấy giờ khi Nandaka chết, ông ta tái sanh làm một vị Vimāna Peta trong một cây đa to trong khu rừng Viñjha. Vào lúc ông ta chết, Uttarā cúng dường đến một vị Trưởng lão đã đoạn trừ các lậu hoặc một đĩa đựng đầy bánh, có hương vị thơm ngon, được làm bằng sữa đông, và một bình nước được đổ đầy nước sạch, mát và thơm và hồi hướng chúng khi nói rằng, "Xin cho phước thí này đem lại lợi ích cho cha của tôi." Do nhờ phước thí ấy, cô hiện ra cho ông ta nước của chư Thiên và vô số bánh. Khi ông ta trông thấy những thứ này, ông ta suy nghĩ rằng, "chắc chắn ta đã làm một ác nghiệp trong việc khiến cho mọi người chấp theo quan kiến sai lầm rằng không có cái gì là bố thí cả.." v.v... Tuy nhiên, bây giờ vua Piṅgalaka đã đi và khuyên vua Dhammāsoka và sẽ trở về khi vị ấy đã cho lời khuyên này đến vị Vua kia. thôi được, tốt hơn ta nên đoạn trừ tà kiến ấy đi .

Chẳng bao lâu sau, khi vua Piṅgalaka đang đi dọc theo con đường, trở về sau khi đã cho lời khuyên đến vua Dhammāsoka, vị Peta khiến cho con đường dẫn đến chỗ ngụ của vị ấy. Ðức vua đi dọc theo con đường ấy trong khoảng thời gian giữa trưa. Khi vị ấy đi dọc theo con đường thì đằng trước của vị ấy có thể được trông thấy, nhưng ở đằng sau của vị ấy thì biến mất. Khi người đàn ông mà ở sau cùng hết trông thấy con đường mà đã biến mất thì ông ta hoảng sợ và, khi kêu lên trong đau khổ, chạy đến báo tin cho đức vua.

Khi nghe qua điều này thì đức vua, hoảng sợ và tâm bị giao động, đứng ở trên lưng con voi của vị ấy dò xét ở bốn hướng. Khi vị ấy trông thấy chỗ ngụ là cây đa của vị Peta, vị ấy đi đến đó, được tháp tùng bởi bốn đội binh. Khi đã đến lúc đức vua đi đến chỗ ấy thì vị Peta, ăn mặc rực rỡ, đi đến đức vua và nói lời chào hỏi thân mật với vị ấy, sai đem nước và bánh đến mời vị ấy. Ðức vua và những quân hầu tắm, ăn bánh và uống nước, và khi cơn mệt của vị ấy do đi đường xa đã lắng dịu, đức vua hỏi vị Peta rằng, "Ngài có phải là một Devatā, một Gandhabba không?" v.v...

Khi vị Peta đã nói cho đức vua nghe câu chuyện của mình ngay từ đầu và đã đoạn trừ tà kiến cho đức vua, bèn an trú cho đức vua trong tam quy và ngũ giới. Ðể chứng minh điều này, những vị kiết tập Tam Tạng đã nói lên những câu kệ này:

1. Ðức vua tên là Piṅgalaka, là người cai trị của dân tộc Suraṭṭha, đang trở về lại Suraṭṭha sau khi đã đi hầu những vị Moriya.

2. Vào lúc ban trưa nóng cháy, đức vua đến ở một bãi lầy và trông thấy một con đường khả ái, là con đường cát của vị Peta ấy.

3. Ðức vua nói với người đánh xe ngựa rằng, "Con đường này thật là khả ái, an lành, an toàn và báo điềm tốt. Này xa phu, chúng ta hãy đi dọc theo con đường này từ đây đến vùng lân cận của nước Soraṭṭha."

4. Vị Soraṭṭha khởi sự đi cùng với bốn đội binh của vị ấy. Một người đàn ông mà xem ra bối rối nói điều này với Soraṭṭha.

5. "Chúng ta đã đi sai con đường, là con đường đáng sợ và làm tóc dựng đứng, ở đằng trước con đường có thể được trông thấy, nhưng ở đằng sau nó không được trông thấy.

6. Chúng ta đã đi sai con đường để vào cộng trú với những người của Yama; mùi hôi thối của phi nhân thổi ra và những tiếng kêu than hãi hùng sẽ được nghe".

7. Vua Soraṭṭha, bị giao động, nói điều này với người đánh xe: "Chúng ta đã đi sai vào con đường đáng sợ và làm dựng tóc, ở đằng trước con đường có thể được trông thấy, nhưng ở đằng sau thì không được trông thấy.

8. Chúng ta đã đi sai con đường dẫn đến cộng trú với thần dân của Yama; mùi hôi thối của phi nhân thổi ra và những tiếng kêu rùng rợn sẽ được nghe".

9. Vị ấy trèo lên trên lưng voi và, khi quan sát ở bốn hướng, trông thấy một cây đa, "Kẻ uống nước từ cái chân", có đầy bóng mát, về hình thể thì giống như một đám mây đen, giống như sự hùng vĩ của một trận mưa giông.

10. Ðức vua nói với người đánh xe của vị ấy rằng, "Cái vật đồ sộ mà được trông thấy là cái gì, nó giống như một đám mây đen, giống như vẻ hùng vĩ của một trận mưa giông."

11. "Tâu Ðại vương, đó là một cây đa, là kẻ uống nước từ cẳng chân, là cây có đầy bóng mát, giống như sự hùng vĩ của một trận mưa giông".

12. Soraṭṭha lên đường đi về hướng mà cái vật được trông thấy, giống như một đám mây đen, giống như sự hùng vĩ của một trận mưa giông.

13. Ðức vua xuống khỏi lưng voi và đi đến cây ấy, rồi ngồi xuống ở gốc cây cùng với vị Tư tế quan và những tùy tùng của vị ấy, và trông thấy một lu nước đầy và một số bánh thơm ngon.

14. Người đàn ông có tướng mạo của một vị chư Thiên, khắp thân hình có trang sức, và trang phục lộng lẫy, đi đến và nói điều này với vua Soraṭṭha.

15. "Tâu Ðại vương, ngài cứ tự nhiên, ngài thật sự không phải đi đến chỗ xấu; hãy uống nước, tâu đức vua, hãy ăn những cái bánh, hỡi bậc chiến thắng kẻ thù".

16. Ðức vua cùng với những vị Tư tế quan và những tùy tùng của vị ấy uống nước và ăn những cái bánh; sau khi uống nước, Soraṭṭha nói điều này.

17. "Ngài là một Devatā, một Gandabba hay là Sakkhapuriṇḍada?" Vì không nhận ra ngài nên chúng tôi hỏi ngài "làm sao chúng tôi có thể nhận ra ngài?"

18. "Tôi không phải là Deva, hay Gandhabba hay ngay cả Sakkhapuriṇḍada, tâu đại vương, tôi là một Peta đã đến đây từ Soraṭṭha."

20. "Ngài đã có hạnh kiểm gì, hạnh nghiệp gì, trước kia khi còn ở Soraṭṭha. Do bởi phạm hạnh nào khiến oai lực này của ngài hiện ra?"

21. "Tâu Ðại vương, tôi là người của Soraṭṭha, và là một người có tâm ác, có tà kiến và cư xử xấu xa, bỏn sẻn và hay mắng nhiếc.

22. "Tôi có thói quen ngăn cản nhiều người mà đang bố thí và đang thực hành các thiện sự; trong khi những người khác đang bố thí thì tôi hành động như một vật chướng ngại.

23. Khi nói rằng, "Không có kết quả từ sự bố thí; Từ đâu có quả của sự tự chế? Quả thật không có Ðạo sư, như vậy ai sẽ điều phục những người chưa được điều phục?

24. Tất cả chúng sanh đều giống như nhau; thế thì tại sao cúng dường những bậc trưởng thượng? Không có năng lực hay sự tinh tấn; vậy sự tinh tấn của người có lợi ích gì?

25. Quả thật không có kết quả từ sự bố thí. Người mang hận thì không thể được tẩy sạch. Kẻ phàm phu nhận lãnh cái gì phải lãnh của người ấy qua sự thăng trầm của số phận.

26. Không có mẹ, cha hay anh em. Không có thế giới bên kia. Không có cái gì được cho ra, không có sự cúng dường hy sinh. Không có sự để dành được biết đến.

27. Nếu người đi giết chết một người hay cắt đầu một người khác, thì đó không phải là người giết người; cây kiếm chỉ đi vào bên trong giữa bảy nguyên chất đó thôi.

28. Cái gọi là linh hồn thì không thể hoại diệt hay chia chẻ được; nó có hình tám cạnh, hay hình cầu như trái banh, và cao năm trăm do tuần. Như vậy ai có thể tiêu diệt linh hồn được.

29. Cũng như cuộn chỉ khi được quăng đi thì chạy tiếp và tự nó nhả chỉ ra, cũng vậy trong cùng cách ấy linh hồn tiếp tục chạy, tự nó trải ra.

30. Cũng như người rời bỏ một ngôi làng và đi vào một ngôi làng khác, dường thế ấy, linh hồn cũng đi vào một thân khác.

31. Cũng như người rời bỏ một ngôi nhà và đi vào một ngôi nhà khác, dường thế ấy, linh hồn cũng đi vào một thân khác.

32. Trong tám mươi bốn ngàn đại kiếp, những người ngu và những kẻ trí đều phải bị trôi lăn trong vòng luân hồi trước khi họ chấm dứt đau khổ.

33. Hạnh phúc và đau khổ đều được đong lường bằng cái thùng Dona và cái thúng; Ðấng Trị Vì biết rõ tất cả, trong khi những người dân khác thì lúng túng.

34. Trong quá khứ, tôi đã có tri kiến như vậy; tôi lúng túng và bị che phủ bởi vô minh, đầy những tà kiến và đã cư xử tệ bạc, bỏn sẻn và hay chê bai.

35. Cái chết của tôi sẽ đến trong sáu tháng nữa,và tôi sẽ rơi xuống địa ngục kinh khủng dữ dội.

36. Có bốn góc và bốn cổng, nó được chia thành những phần bằng nhau, được bao quanh bởi một bức tường sắt với mái bằng sắt ở bên trên.

37. Cái nền nóng sáng của nó được làm bằng sắt chảy đỏ; Nó trải rộng khắp quanh một trăm do tuần, đứng mãi mãi như thế.

38. Sau một trăm ngàn năm, có một âm thanh sẽ được nghe. Ðây là Lakkha, tâu Ðại vương, sau một phần trăm của một Koṭi (10.000.000) năm.

39. Trong một trăm ngàn Koṭi, người mà có những tà kiến, là những người sống ác và là những người hay phỷ báng những bậc Thánh, bị nấu sôi trong địa ngục.

40. Ở đó trong một thời gian dài, tôi sẽ thọ lãnh những cảm thọ đau đớn, là những ác nghiệp của tôi. Vì lý do này tôi vô cùng sầu khổ.

41. Hãy lắng nghe điều này, tâu Ðại vương, hỡi đấng chinh phục những kẻ thù và đấng mở rộng bờ cõi, xin chúc lành đến Ðại vương. Tôi có một đứa con gái tên Uttarā, tâu Ðại vương,

42. Là người làm những thiện nghiệp và là người chuyên tâm thọ trì với ngũ giới và Bát Quan Trai giới, có tự chế, bàn tay mở rộng, nhã nhặn và không bỏn sẻn.

43. Nàng là người thọ trì ngũ giới không bị sức mẻ và là một nàng dâu đối với những người trong một gia đình khác. Nàng là một tín nữ của bậc hiền trí Sakya, của Đức Phật, Ðức Thế Tôn.

44. Một vị Sa-môn có giới đức, có đôi mắt nhìn xuống, có chánh niệm, các căn của vị ấy được hộ phòng, khéo kiểm soát, đi vào làng để khất thực theo từng nhà và đã đến chỗ ngụ của nàng.

45. Xin chúc lành đến Bệ hạ, tâu đại vương. Khi Uttarā trông thấy vị ấy, nàng đã cúng dường đến vị ấy một bình nước và một số bánh ngon khi nói rằng, "Cha của con đã chết, bạch Ngài, xin cho phước thí này đem lại lợi ích cho vị ấy."

46. Ngay khi nàng hồi hướng phước thí này thì kết quả hiện ra. Tôi hưởng thụ bất cứ dục lạc nào mà tôi thích giống như vua Vessavana .

47. Hãy nghe đây, tâu Ðại vương, hỡi bậc chiến thắng kẻ thù và kẻ mở rộng lãnh thổ. Hỡi bậc chiến thắng kẻ thù, bệ hạ và gia đình của bệ hạ hãy quy y Phật. Ðức Phật là bậc được công bố trong thế gian này cùng với chư Thiên là vô thượng.

48. Hỡi đấng chiến thắng những kẻ thù, bệ hạ và gia đình của bệ hạ nên quy y Pháp, là Bát chánh đạo mà nhờ đó người ta đạt đến trạng thái bất tử.

49. Hỡi Ðấng chiến thắng những kẻ thù, Bệ hạ và gia đình của bệ hạ nên quy y Tăng, có bốn bậc, là những người đã đi vào các đạo và bốn bậc là những người đứng trong các quả, đây là Tăng gồm những bậc chánh trực, là những bậc đã an trú trong giới đức và tuệ quán.

50. Bệ hạ nên từ bỏ ngay sự sát sanh và hãy tránh xa trong đời này cái gì không được cho đến; Bệ hạ không nên làm người uống những chất say, bệ hạ cũng không nên nói dối, trong khi đó bệ hạ nên vừa lòng với chính vợ của bệ hạ".

51. "Hỡi Yakkha, ngài muốn cho tôi được tốt đẹp, ngài muốn cho tôi được lợi ích. Hỡi Devatā, tôi sẽ làm điều gì mà ngài nói, ngài là thầy của tôi.

52. Tôi sẽ quy y Đức Phật, Ðức Pháp, và tôi cũng sẽ quy y Tăng, vô thượng đối với chư Thiên và nhân loại.

53. Tôi sẽ tránh xa ngay sự sát sanh và tránh xa trong đời này cái gì không được cho; tôi sẽ không làm người uống chất say, tôi cũng sẽ không nói dối và tôi sẽ vừa lòng với chính vợ của tôi.

54. Tôi sẽ rủ bỏ như bỏ vào một cơn gió mạnh hay trong một dòng nước đang chảy nhanh, tôi sẽ từ bỏ ác kiến ấy, sẽ nhiệt tâm với giáo pháp của chư Phật".

55. Khi Suraṭṭha đã nói điều này, vị ấy từ bỏ ác kiến của mình, tỏ sự tôn kính đến Ðức Thế Tôn, và rồi bước lên chiếc long xa xoay mặt về hướng đông."

*

IV.4 QUỶ SỰ REVATĪ
(REVATĪ PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Hãy dậy, này Revatī, này kẻ có tánh rất ác."

Ðây là quỷ sự Revatī. Bởi vì không có sự khác biệt nào giữa câu chuyện này với thiên cung sự Revatī, do đó điều gì được nói đến ở đây về nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và về những câu kệ, tất cả phải được hiểu đúng như đã được nêu ra trong bộ chú giải Thiên cung sự. Câu chuyện này được xem là được bao gồm trong bài kinh của bộ thiên cung sự. Bởi vì Devaputta Naṇḍiya là một vị chư Thiên và cũng được bao gồm trong bài kinh này như là quỷ sự Revatī vì những câu kệ có liên quan đến Revatī (một nữ Ngạ quỷ).

*

IV.5 CAM GIÁ QUỶ SỰ
(UCCHU PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Khu vườn mía rộng lớn này của tôi".

Ðây là quỷ sự về cây mía. Chuyện bắt nguồn như thế nào?

Khi Ðức Thế Tôn đang ngụ ở Veḷuvana thì có một người đàn ông nọ đặt một bó mía trên vai của ông ta và vừa đi vừa nhai một cây mía. Bấy giờ một thiện tín nọ có giới đức và có tánh thiện đang đi sau anh ta với đứa con nhỏ. Ðứa bé trông thấy cây mía và kêu lên rằng, "Hãy cho con mía!" Vị thiện nam trông thấy đứa bé đang khóc và, khi đuổi kịp người đàn ông kia, ra sức bắt chuyện với ông ta. Nhưng người đàn ông không nói chuyện với anh chút nào cả. Ông ta cũng không cho đứa bé ngay cả một miếng mía do bởi ác ý của ông ta. Vị thiện nam chỉ về đứa con của anh ta và nói rằng, "đứa bé này đang khóc quá đỗi. Xin làm ơn cho nó một khúc mía. Khi nghe qua điều này người đàn ông, không thể chịu được điều này, tỏ vẻ khinh bỉ và với tánh cách làm nhục quăng một cây mía ở đằng sau ông ta. Ðến đúng lúc ông ta chết và tái sanh trong cõi Ngạ quỷ vì đã lâu ông ta bị nhiễm tánh tham lam rồi. Quả của điều này quả thật theo đúng với nghiệp ấy, vì có sanh lên cho ông ta một khu rừng mía mà được che phủ dày đặc bởi những cây mía đen huyền có cỡ bằng cái chày và trải ra che khắp một vùng đến tám mẫu. Nhưng ngay khi ông ta đi đến vườn mía ấy vì muốn ăn một ít, bèn nghĩ rằng, "Ta sẽ lấy một ít mía." thì cây mía ấy lại đánh vào đầu của Ngạ quỷ, vì thế mà nó té xuống và ngất xỉu. Rồi vào một hôm nọ, khi Ðại Ðức Mahā Moggallāna đang đi đến thành Rājagaha để khất thực, ngài trông thấy Ngạ quỷ ấy trên đường đi. Khi nó trông thấy Trưởng lão, nó bèn hỏi Ngài về nghiệp mà nó đã làm và theo sau đó là cuộc trao đổi đàm thoại bằng câu kệ giữa Peta và Trưởng lão.

1. Khu rừng mía lớn này của con sanh lên là quả của những việc phước không nhỏ, nhưng bây giờ nó không có ích gì cho con. Bạch Ngài, hãy nói cho con rõ rằng đây là kết quả của điều gì?

2. Con đã đến trạng thái khổ ưu và con bị băm xác khi con cố gắng, khi con tha thiết muốn ăn một ít mía. Sức mạnh của con đã mất và khi chịu sự khó khăn lớn, con kêu khóc. Đây là kết quả của điều gì?

3. Trong nỗi thất vọng, con nằm sấp trên đất và quằn quại trong sức nóng như kẻ sống trong nước; nước mắt của con chảy xuống khi con khóc. Bạch Ngài, hãy nói cho con biết đây là kết quả của điều gì?

4. Con bị đói, mệt và khát nước; con bị khô cháy và không tìm ra sự thoải mái hay an nhàn nào. Con hỏi Ngài về vấn đề này, bạch Ngài, làm sao con có thể dùng được cây mía này?"

5. "Trong quá khứ, chính ngươi đã tạo ra một nghiệp, trong một kiếp quá khứ trong khi còn ở trong cõi người. Bây giờ ta sẽ nói cho ngươi biết vấn đề này, nếu ngươi lắng nghe, ngươi sẽ hiểu vấn đề này.

6. Ngươi đã khởi sự lên đường, đang nhai một cây mía, khi ấy một người đàn ông đi đến đằng sau ngươi, ông ta nói với người bằng sự mong mỏi nhưng ngươi không chịu nói chuyện với ông ta một chút nào cả.

7. Và trước con người khinh khỉnh nín lặng của ngươi, ông ta đã nài xin rằng, "Thưa Ngài, xin vui lòng cho một ít mía". ông ta đã nói với ngươi. Ngươi cho ông ta một ít mía từ sau lưng của ngươi. Đây chính là kết quả của nghiệp ấy.

8. Hãy nhìn đây, ngươi có thể lấy một ít mía từ đằng sau, khi ngươi đã lấy một ít rồi ngươi có thể nhai nó đến chừng nào ngươi thích, bằng cách này ngươi sẽ trở nên hoan hỉ, vui sướng, phấn khởi và được thoả mãn".

9. Ngạ quỷ đến lấy một ít mía từ đằng sau, khi đã lấy một ít mía rồi, Ngạ quỷ nhai số mía ấy đến thoả thích, bằng cách này, nó trở nên hoan hỉ, vui sướng, phấn chấn và được thoả mãn.

Tuy nhiên biến cố liên quan đến Ngạ quỷ này được biết rõ trong cõi nhân loại. Dân chúng đi đến Bậc Ðạo sư và hỏi ngài về biến cố ấy. Bậc Ðạo sư giải thích đầy đủ chi tiết vấn đề ấy và rồi thuyết giảng chánh Pháp. Khi họ đã nghe qua Pháp thoại này thì hội chúng ấy bèn từ bỏ bợn nhơ của lòng bỏn sẻn.

*

IV.6 TIỂU NHI QUỶ SỰ
(KUMĀRA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Thành phố có tên là Sāvatthi".

Bậc Ðạo sư khi đang ngụ ở Jetavana, đã kể lại quỷ sự này, liên quan đến hai con Ngạ quỷ.

Tương truyền rằng tại Sāvatthi, có hai đứa con trai của vua Kosala, cả hai đều đẹp trai và đang ở trong thời kỳ thanh xuân của cuộc đời, nhưng lại say mê với sự ngã mạn về tuổi trẻ, chúng đi đến với những người vợ của những người đàn ông khác. Khi chúng chết, chúng tái sanh làm những con Ngạ quỷ trong cái hào, và vào lúc ban đêm, chúng thường kêu than bằng tiếng kêu khủng khiếp. Khi dân chúng nghe tiếng này, họ bị khiếp đảm. Họ bố thí vật thực đến Chư Tăng có Ðức Phật dẫn đầu với ý nghĩ rằng, "khi đã hành động như vậy, điều xấu này có thể bị vơi dịu đi", và nêu lên vấn đề ấy với Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn nói rằng, "Này các thiện tín, không có tai hoạ nào có thể đến với các nguơi do nghe tiếng kêu ấy". Và rồi Ngài nói lên những câu kệ này để giải thích nguyên nhân của nó và để thuyết pháp cho họ:

1. Thành phố mang tên là Sāvatthi nằm ở bên sườn của dãy núi Himālaya. Ta đã nghe rằng ở đó có hai cậu con trai của vua.

2. Say mê trong sự quyến rủ và đang tìm khoái lạc trong sự thoả mãn các căn của chúng, chúng thèm khát hạnh phúc hiện tại và không quan tâm đến tương lai.

3. Và, khi lìa bỏ kiếp người, chúng đi từ đây đến thế giới bên kia, bây giờ không được trông thấy, chúng than phiền về điều ác mà chúng đã làm trong quá khứ khi nói rằng:

4. "Dầu vật tặng và những vật thí cúng dường có nhiều, đã được sửa soạn rồi, nhưng chúng ta đã không thể làm ngay cả đến một chừng mức có giới hạn để đem lại hạnh phúc cho chúng ta.

5. Ðiều ác nào có thể lớn hơn điều ác này, khiến chúng ta rơi khỏi gia đình của vua và sanh trong cõi Ngạ quỷ, chịu đói và khát?"

6. Sau khi đã làm những người cai trị ở chỗ này, chúng không còn là những người cai trị ở chỗ kia nữa. Chúng đi lang thang trong sự đói khát; trong khi còn làm người, chúng đã từng có địa vị cao tột. Bây giờ chúng ở địa vị thấp nhất.

7. Khi sự bất lợi bắt nguồn từ sự say mê với quyền lực được nhận ra và sự say mê quyền lực này được từ bỏ, thì con người đi về thiên giới; vào lúc thân hoại mạng chung, con người có trí tuệ như vậy sẽ sanh trong cõi chư Thiên.

Khi Bậc Ðạo sư đã giải thích như vậy vấn đề về các Ngạ quỷ ấy, và khiến cho sự bố thí vật thực mà những người ấy đã làm đem hồi hướng đến những Ngạ quỷ ấy, Ngài thuyết giảng chánh pháp thích hợp với những căn tánh của hội chúng đã tụ họp ở đó. Thời pháp ấy đem lại lợi ích cho những người ấy.

*

IV.7 VƯƠNG NHI QUỶ SỰ
(RĀJAPUTTA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Những ác nghiệp được làm trong quá khứ".

Bậc Ðạo sư khi đang ngụ ở Jetavana, đã kể lại quỷ sự này, liên quan đến một Peta mà đã từng làm con trai của một vị vua.

Liên quan đến điều này, Ngạ quỷ kia là kẻ mà đã lâu là con trai của một vị vua tên là Kitava và cách đây đã lâu nó cũng đã xúc phạm đến một vị Phật Ðộc Giác, nên phải tái sanh trong cõi Ngạ quỷ như là một dư báo của chính nghiệp ấy; do bởi nghiệp ấy, nó đã bị nấu sôi trong địa ngục trong nhiều ngàn năm rồi, và chính nó là kẻ được nêu ra ở đầy bằng câu kệ "Vị Peta ấy là kẻ đã từng làm con trai của Ðức vua".

Câu chuyện về Ngạ quỷ này đúng như câu chuyện đã được nêu ra đầy đủ chi tiết trong quỷ sự Sānu-vāsiṃ và do đó câu chuyên ấy nên được xem theo cùng cách như nó đã được nêu ra ở đó. Khi Trưởng lão đang giải thích vấn đề về những quyến thuộc Ngạ quỷ của vị ấy thì Bậc Ðạo sư nói rằng, "đây không chỉ là trường hợp đối với quyến thuộc của ngươi, vì ngươi cũng từng làm một Peta trong kiếp ngay trước của ngươi và đã chịu đau khổ lớn", và theo lời thỉnh cầu của vị ấy, Bậc Ðạo sư kể lại Vương nhi quỷ sự.

1. Kết quả của những nghiệp được làm trong quá khứ thường làm nhiễu loạn tâm; đó là sắc, thinh, hương, vị, và xúc, tất cả đều làm cho tâm hoan hỷ.

2. Khi vị ấy đã hưởng sự nhảy múa, ca hát, khoái lạc và sự vui chơi đến một giới hạn không nhỏ, vị ấy vui chơi trong vườn Ngự uyển. Khi vị ấy đi vào Giribbaja.

3. Vị ấy trông thấy ẩn sĩ Sunetta, bậc đã nhiếp phục tự ngã và đã tập trung, thiểu dục, có sự độ lượng và thoả thích trong bất cứ cái gì phát sanh đến trong bát khất thực của Ngài.

4. Hoàng tử đi xuống khỏi lưng voi và nói rằng, "Thưa Ngài, Ngài có kiếm được cái gì không?" Khi ấy vị Sát-đế-lỵ giựt lấy cái bát của Ngài và đưa nó lên.

5. Rồi đập vỡ cái bát xuống đất cứng và rồi vừa đi vừa cười to, khi nói rằng, "Ta là con trai của vua Kitava. Ngươi có thể làm gì được ta, hỡi con người ăn xin như ngươi?". Kết quả của ác nghiệp ấy mà đứa con trai của đức vua phải lãnh chịu trong khi bị giam hãm trong địa ngục thật ác liệt.

7. Trong bốn lần tám mươi bốn của mười ngàn năm Nahuta, kẻ làm ác ấy chịu đau đớn dữ dội trong địa ngục.

8. Nó bị nấu sôi khi nằm ngưỡng mặt lên và úp mặt xuống dưới, ở bên trái và bên phải; hai chân bị treo ngược và chỉ đứng, kẻ ngu ấy bị nấu trong một thời gian dài.

9. Trong nhiều Nahuta và trong nhiều ngàn năm nữa, kẻ làm ác ấy chịu đau khổ mãnh liệt trong địa ngục.

10. Ðó là tính khốc liệt dành cho những kẻ làm hại những kẻ vô tội. những người làm những ác nghiệp như lăng mạ một vị ẩn sĩ có tâm đạo nhiệt thành, thì phải bị nấu sôi.

11. Nó lãnh chịu nhiều đau khổ ở đó trong nhiều năm và khi nó rơi khỏi đó, nó làm một Ngạ quỷ thực sự bị đói và khát.

12. Khi điều bất lợi bắt nguồn từ sự say mê với quyền lực được nhận ra và sự say mê với quyền lực này được từ bỏ, thì người ta sẽ hành động bằng cách khiêm nhường.

13. Người mà có đầy đủ sự tôn kính đối với chư Phật thì trong chính đời sống này sẽ được khen ngợi; và vào lúc thân hoại mạng chung, con người có trí tuệ này sẽ sanh lên trong thiên giới.

Như vậy bằng bài pháp thoại này, liên quan đến Ngạ quỷ mà đã từng là con trai của một vị vua, Ðức Thế Tôn đã làm xúc động những người đã hội họp ở đó, và sau đó giảng giải tứ đế và vào lúc kết thúc của thời Pháp ấy, nhiều người chứng đắc quả thánh Tu-đà-huờn v.v...

*

IV.8 PHẨN THỰC QUỶ SỰ
(GŪTHAKHĀDAKA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Sau khi đứng dậy khỏi nhà xí".

Bậc Ðạo sư khi đang ngụ tại Jetavana, đã kể lại quỷ sự này liên quan đến một Ngạ quỷ ăn phẩn.

Tương truyền rằng trong một ngôi làng nọ không cách xa thành Sāvatthi, một người đàn ông giàu có đã sai dựng lên một tịnh xá dành cho một vị Tỳ khưu mà sống nhờ vào vật thí trong gia đình của ông ta. Các vị Tỳ khưu từ nhiều vùng khác nhau thường đến và trú ngụ ở đó. Khi trông thấy các Ngài thì dân chúng, với lòng tịnh tín trong tâm, bèn dâng cúng đến các Ngài bốn món vật dụng tốt nhất. Bấy giờ vị Tỳ khưu mà sống nhờ vào vật thí của gia đình ấy không thể chịu đựng điều này và, bị chế ngự bởi lòng ganh tỵ, bèn chọc tức vị gia chủ giàu có ấy bằng cách nói cho vị gia chủ biết những lỗi lầm của những vị Tỳ khưu mà sống nhờ vào vật thí trong gia đình của ông ta, lăng mạ họ.

Rồi vị Tỳ khưu sống nhờ vào vật thí của gia đình chết và tái sanh làm một Ngạ quỷ trong nhà xí của chính tịnh xá ấy, trong khi người đàn ông giàu có chết, ông ta tái sanh làm một Ngạ quỷ ở ngay trên đầu của con Ngạ quỷ kia. Khi Ðại Ðức Mahā Moggal-lāna trông thấy nó, Ngài bèn hỏi nó bằng câu kệ này:

1. "Ai mà đứng trong trạng thái khốn khổ sau khi đứng dậy khỏi nhà xí? Không nghi ngờ gì, ngươi là một kẻ làm ác - tại sao ngươi tạo ra tiếng ồn ấy".

Khi nghe qua điều này, Ngạ quỷ ấy bèn để lộ chơn tướng của mình bằng câu kệ này:

2. "Bạch Ngài, con là một Ngạ quỷ đã đi đến kiếp sống đau khổ trong thế giới của Yama. Sau khi đã làm ác nghiệp, con đã ra đi từ đây đến thế giới của những Ngạ quỷ".

Rồi Trưởng lão hỏi nó về nghiệp mà nó đã làm bằng câu kệ này:

3. "Vậy ác nghiệp nào được làm bởi ngươi bằng thân, khẩu hoặc ý? Do kết quả của ác nghiệp nào khiến ngươi bây giờ phải chịu đau khổ này?"

Rồi Ngạ quỷ ấy nói cho Trưởng lão biết về nghiệp mà nó đã làm bằng hai câu kệ này:

4. "Con đã từng cúng dường một người thường trú, là người có tánh ganh tỵ và bỏn sẻn, ở quanh gia đình của con; vị ấy luyến ái với gia đình của con, là người bần tiện và hay lăng mạ.

5. Khi con đã nghe điều mà vị ấy đã phải nói ra, con lăng mạ các vị Tỳ khưu, chính do kết quả của nghiệp ấy khiến con phải đi từ đây đến thế giới của những Ngạ quỷ".

Khi nghe qua điều này, Trưởng lão bèn nói lên câu kệ này để hỏi về số phận của vị Tỳ khưu kia:

6. Người mà sống nhờ vào gia đình của ngươi về vật thực, là một kẻ thù mang lốt một người bạn. Con người ngu si ấy đã đi đến sanh thú nào khi thân hoại mạng chung?

Chú giải:

6. Ở đây, TRONG LỐT CỦA MỘT NGƯỜI BẠN (Mitta vaṇṇena): Bằng tướng mạo của một người bạn, cải trang làm một người bạn.

Ngạ quỷ ấy lại giải thích vấn đề ấy với Trưởng lão:

7. Con đang đứng ở trên đầu, ở trên đỉnh đầu của chính người làm ác nghiệp ấy. Vị ấy đã đi đến cõi kia và làm một người hầu cho riêng con.

8. Bạch Ngài, cái gì mà những người khác thải ra thì cái đó trở thành vật thực của con; trong khi đó cái gì chính con thải ra thì Ngạ quỷ hầu ấy phải sống bằng cái đó".

Ðại Ðức Mahā Moggallāna nêu lên vấn đề với Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy vấn đè ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và, sau khi chỉ ra những qủa khổ của sự nói lăng mạ, bèn thuyết pháp đến hội chúng đã tụ họp ở đó. Thời pháp ấy đem lại lợi ích cho những người ấy.

*

IV.9 THỰC PHẨN QUỶ SỰ
(GŪDHAKĀDAKA PETAVATTHU VAṆṆANĀ)

"Sau khi đứng dậy khỏi nhà xí".

Quỷ sự này được nói đến khi Bậc Ðạo sư đang ngụ tại Jetavana, liên quan đến một nữ Ngạ quỷ ăn phẩn.

Câu chuyện của nàng tương tự như câu chuyện trước. Ở đó, vì tịnh xá được dựng lên bởi nàng tín nữ ấy, nên nó đã được kể lại liên quan đến tín nữ ấy. Tuy nhiên ở đây, đó là một tín nữ. Đây là sự khác biệt duy nhất. Trong phần còn lại của câu chuyện này và những câu kệ thì không có cái gì mà không có ở trong câu chuyện trước.

*

IV.10 QUẦN TẬP QUỶ SỰ
(GAṆA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Các ngươi trần truồng và có hình tướng xấu xí".

Quỷ sự này được kể lại trong khi Bậc Ðạo sư đang ngụ ở Jetavana, liên quan đến một số đông những Ngạ quỷ.

Tương truyền rằng, tại Sāvatthi có một số đông những người nọ làm thành một nhóm người không có đức tin cũng không có lòng tịnh tín, tâm của họ bị ám ảnh bởi bợn nhơ của lòng bỏn sẻn và chống lại các thiện hạnh như bố thí v.v... Chúng sống một thời gian dài và vào lúc thân hoại mạng chung, chúng tái sanh vào trong cõi Ngạ quỷ, ở gần với thành phố ấy. Bấy giờ vào một hôm nọ, khi Ðại Ðức Mahā Moggal-lāna đang đi đến Sāvatthi để khất thực, Ngài trông thấy những Ngạ quỷ ấy trên đường đi của Ngài và hỏi chúng bằng câu kệ này:

1. Các ngươi trần truồng và có hình tướng thô xấu, gầy ốm với những đường gân lộ ra. Các ngươi là những người ốm yếu với những xương sườn lồi ra, bây giờ các ngươi là ai, thưa các ngài?

Khi chúng nghe qua điều này, thì những Ngạ quỷ ấy bèn nói câu kệ này để cho biết rằng chúng là những Ngạ quỷ.

2. Bạch Ngài, chúng con là những Ngạ quỷ, đã đi đến kiếp sống đau khổ trong thế giới của Yama. Sau khi đã làm những ác nghiệp, chúng con đã đi từ đây đến thế giới của những Ngạ quỷ.

Trưởng lão lại hỏi một lần nữa về nghiệp mà chúng đã làm bằng câu kệ này:

3. "Vậy ác nghiệp nào được làm bởi các người bằng thân khẩu hay ý? Do quả của ác nghiệp nào khiến các ngươi phải đi từ đây đến thế giới của những Ngạ quỷ?"

Rồi chúng giải thích nghiệp mà chúng đã làm:

4. Ở những chỗ tắm công cộng, chúng con tìm kiếm những đồng tiền nhỏ; dầu những thí vật ở trong tầm tay nhưng chúng con không làm làm nơi nương tựa cho chính chúng con.

5. Chúng con đi đến con sông, cổ họng bị khô cháy, nhưng nó lại trở nên trống rỗng; giữa sức nóng, chúng con đi đến bóng mát nhưng nó trở nên bị thiêu đốt bởi mặt trời.

6. Và một làn gió như lửa thổi vào chúng con, đốt cháy chúng con, nhưng chúng con đáng bị điều này, bạch Ngài, và đau khổ khác còn kinh khủng hơn thế này.

7. Hơn nữa, chúng con đi xa những do tuần, bị đói và muốn vật thực, nhưng lại quay lui mà không kiếm được gì cả. Phước của chúng con thật là mỏng manh.

8. Bị đói, mệt lả, lảo đảo và chìm xuống đất, chúng con nằm ngửa xoài người ra hay chúng con té ngã úp mặt xuống đất.

9. Khi chúng con té ngay chỗ ấy, lịm người xuống đất, chúng con đánh rầm những cái đầu và ngực của chúng con. Quả thật phước của chúng con thật là mỏng manh.

10. nhưng chúng con đáng bị điều này, bạch Ngài, và đau khổ khác còn kinh khủng hơn thế này, vì dầu thí vật ở trong tầm tay, nhưng chúng con không làm chỗ nương tựa cho chính chúng con.

11. Rồi sau đó, khi chúng con đã ra đi khỏi đây và có được kiếp người trở lại, chúng con sẽ niềm nở, có giới đức và quyết tâm làm nhiều thiện nghiệp.

Trưởng lão nêu lên vấn đề ấy với Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết pháp đến hội chúng đã hội họp ở đó. Khi nghe qua pháp thoại này mọi người đều từ bỏ bợn nhơ của lòng bỏn sẻn và thiên về thiện hạnh, thực hành những việc phước như bố thí v.v...

*

IV.11 HOA TỬ QUỶ SỰ
(PĀṬALIPUTTA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Ngươi đã trông thấy những địa ngục và cõi súc sanh".

Quỷ sự này được kể lại khi Bậc Ðạo sư đang ngụ tại Jetavana, liên quan đến một Vimāna Peta nọ.

Tương truyền rằng nhiều thương nhân mà là những dân cư của thành Sāvatthi và thành Pāṭali-putta đang đi bằng những chiếc thuyền đến Suvaṇ-ṇabhūmi. Khi ấy một vị thiện nam nọ, luyến ái với một người đàn bà, bị ngã bệnh và chết. Dầu anh ta đã làm những thiện nghiệp nhưng anh ta không sanh trong cõi Devaloka mà lại sanh làm một vị Vimāna Peta ở dưới đại dương, do bởi lòng luyến ái của anh ta với người đàn bà ấy. Người đàn bà mà anh ta đã luyến ái đang trên đường đi trong chiếc thuyền đến Suvaṇṇabhūmi. Bấy giờ, vị Peta vì muốn bắt người đàn bà ấy, bèn ngăn chặn không cho chiếc thuyền di chuyển. Rồi những thương nhân ấy khi tự hỏi lý do gì có thể khiến cho chiếc thuyền không di chuyển, bèn chuyền quanh cái thăm mà có điềm xấu và, do bởi năng lực thần thông của phi nhân, cái thăm đến nằm với người đàn bà không dưới ba lần, chính người đàn bà mà vị ấy ái luyến. Khi trông thấy điều này thì những thương nhân thả xuống một bó tre trong biển và để người đàn bà xuống ở trên bó tre ấy, và ngay khi người đàn bà đã được để xuống thì chiếc thuyền di chuyền đi nhanh đến Suvaṇṇabhūmi. Vị phi nhân dẫn người dẫn người đàn bà lên đến cung điện của vị ấy và hưởng những thú vui tình ái với nàng. Khi nàng đã trải qua một năm ở đó, nàng trở nên bất mãn và xin vị Peta ấy khi nói rằng, "Chừng nào em còn sống ở đây thì em không thể hành động cho lợi ích của em ở thế giới sau. Xin hãy đưa em đến Pāṭaliputta, thưa Ngài"; Khi bị nài xin như vậy bởi nàng, vị ấy bèn nói lên câu kệ này:

1. Nàng đã trông thấy địa ngục và cõi súc sanh, những Ngạ quỷ, những vị A-tu-la, cũng như người và chư thiên; chính nàng đã trông thấy những quả nghiệp của một người rồi. Ta sẽ đưa nàng an toàn đến Pāṭaliputta. Khi nàng đã đi đến đó rồi, nàng phải làm những việc thiện.

Khi người đàn bà đã nghe điều mà vị ấy đã phải nói ra, nàng lấy làm hoan hỷ và nói lên câu kệ này:

2. Ngài muốn cho tôi được tốt, hỡi Yak-kha, Ngài muốn cho tôi được lợi ích. Hỡi Devatā, tôi sẽ làm điều gì mà ngài nói, Ngài là thầy của tôi. Tôi đã trông thấy những địa ngục và cõi súc sanh, những vị Peta, những vị Asura cũng như loài người và chư thiên; chính tôi đã trông thấy những quả nghiệp của một người. Những việc phước mà tôi quyết định sẽ làm không phải nhỏ.

Rồi vị Peta ấy dẫn người đàn bà đi xuyên qua hư không và đặt nàng ở giữa thành phố Pāṭaliputta rồi ra đi. Khi những người bạn và những quyến thuộc v.v.. của nàng trông thấy nàng, thì họ vui mừng nghĩ rằng, dầu họ đã nghe trước kia rằng nàng đã bị thả vào trong biển và đã chết, tuy nhiên bây giờ nàng được trông thấy và, đầy biết ơn, đã trở về an toàn. Và sau khi xúm lại quanh nàng hỏi nàng về biến cố. Nàng đã kể cho họ nghe mọi chuyện mà nàng đã thấy và đã trải qua, ngay từ đầu. Hơn nữa, những thương nhân mà là những dân cư của thành Sāvatthi đúng lúc đã đến tại Sāvatthi. Họ đi đến Bậc Ðạo sư trong thời gian thích hợp, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống ở một bên, nêu lên vấn đề với Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết giảng Chánh Pháp cho tứ chúng. Dân chúng, đầy xúc động, trở nên thiên về những thiện nghiệp như bố thí v.v...

*

IV.12 ÂM-BA QUỶ SỰ
(AMBA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Hồ sen này của ngươi thật vô cùng khả ái".

Quỷ sự này được Bậc Ðạo sư kể lại khi Ngài đang ngụ ở Sāvatthi, liên quan đến một Ambapeta.

Tương truyền rằng, tại Sāvatthi có một gia chủ nọ có của cải đã bị khánh kiệt. Vợ của ông ta đã chết và ông ta có một đứa con gái duy nhất, là người mà ông ta bỏ lại ở nhà của một người bạn và rồi, khi mang hàng hóa mà ông ta đã mua với số tiền vay một trăm Kahāpana, ông ta lên đường với một đoàn thương nhân để buôn bán, và chẳng bao lâu quay về nhà với đoàn thương nhân sau khi đã kiếm được một món tiền lời gồm năm trăm Kahāpana, phụ thêm với số tiền vốn. Trên đường đi, những tên cướp đi đến đoàn thương nhân và bao vây họ, và những người trong đoàn thương buôn bỏ chạy tứ tán. Tuy nhiên, vị gia chủ, để những đồng Kahāpana trong một cái bị và giấu gần đó, nhưng những tên cướp lại bắt và giết ông ta. Vì lòng tham lam của cải nên ông ta phải tái sanh làm một Peta trong chính chỗ ấy.

Khi những vị thương nhân trở lại Sāvatthi, họ thuật lại biến cố ấy với đứa con gái của ông ta, nàng đầy bất an và khóc than thảm thiết cho cả cái chết của cha nàng và khóc vì lòng mong mỏi phương tiện kiếm sống của chính nàng. Một người đàn ông giàu có mà đã từng là bạn của cha nàng khi ấy an ủi nàng, nói rằng, "Cũng như những cái nồi của người thợ gốm, tất cả đều có sự hoại diệt khi chúng kết thúc; do đó đời sống của chúng sanh cũng có sự hoại diệt vì sự kết thúc, cũng vậy đời sống của chúng sanh cũng có sự hoại diệt vì sự kết thúc của nó. Cái chết là thông thường đối với tất cả và không có loại thuốc chữa trị nào. Bởi vậy, con đừng nên ưu bi và ta thán quá mức cho cha của con. Ta sẽ làm cha của con và con sẽ là con gái của ta. Ta sẽ làm điều gì phải được làm cho cha của con. Con có thể sống hạnh phúc trong ngôi nhà này, không lo lắng, cũng như nó là nhà của cha con vậy". Nỗi sầu khổ của nàng được lắng dịu khi nghe những lời dạy này của ông ta và nàng trở nên có đầy sự tôn kính và tôn trọng đối với ông ta, tựa như ông ta chính là cha của nàng vậy; và do những hoàn cảnh khốn khổ của nàng, nàng trở thành người giữ nhà cho ông ta.

Khi thời gian trôi qua, nàng muốn tổ chức những lễ cúng cho người chết đến cha của nàng. Nàng nấu một ít cháo và trong một cái bát bằng đồng, nàng đặt một số trái xoài ngọt và đã chín lụng và có màu đỏ của chất tỳ sương, nàng sai người tớ gái mang cháo, những trái xoài đi theo nàng đến tịnh xá, vào đảnh lễ Bậc Ðạo sư và rồi nói như vầy, "Cầu xin Bậc Ðạo sư rũ lòng bi mẫn mà thọ nhận vật thí này của con". Bậc Ðạo sư, tâm của Ngài bị rung động bởi lòng đại bi, khi làm cho ước muốn của nàng được thành tựu viên mãn, bèn tỏ ý muốn rằng Ngài sắp ngồi xuống. Quá vui sướng,nàng trải ra một tấm vải sạch và mới mà nàng đã đem theo, và sửa soạn một chỗ ngồi cho đức Phật cao quý, rồi dâng cúng chỗ ngồi này. Ðức Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ ngồi đã được sửa soạn. Rồi nàng dâng món cháo đến Ðức Thế Tôn và Ðức Thế Tôn nhận lãnh món cháo. Rồi nàng cũng dâng cháo đến Chư Tăng, dành cho Chư Tăng. Sau khi nàng đã bố thí món cháo, một lần nữa với hai tay sạch sẽ, nàng dâng đến Ðức Thế Tôn những trái xoài và rồi Ðức Thế Tôn thọ thực. Nàng đảnh lễ Ðức Thế Tôn và tác bạch như vầy, "Bạch Ðức Thế Tôn, sự bố thí này mà con đã làm bằng vật thí gồm cái toạ cụ được trải ra, món cháo và những trái xoài, cầu xin cho vật thí ấy thấu đến cha của con"; Ðức Thế Tôn nói rằng, "chúc thành tựu như ý" và ban lời phúc chúc. Nàng đảnh lễ Ðức Thế Tôn, đi vòng quanh Ngài và hướng về hướng phải rồi ra đi.

Ngay khi nàng hồi hướng phước thí ấy thì vị Peta ấy có được một rừng xoài, một công viên, một lâu đài, một cây như ý và một hồ sen như là sự vinh quang của chư Thiên. Rồi vào một dịp khác nọ, khi những thương nhân ấy đang đi để buôn bán, họ đi đến chính con đường ấy và cắm trại qua đêm ở chỗ mà họ đã ngụ lúc trước. Khi trông thấy họ, vị Vimāna Peta hiện ra trước mặt họ cùng với công viên lâu đài v.v... của vị ấy. Khi trông thấy vị Peta ấy, những vị thương nhân bèn nói lên hai câu kệ này để hỏi về sự vinh quang mà vị ấy đã nhận được:

1. Hồ sen này của ngài thật vô cùng khả ái. Những bờ hồ xinh đẹp của nó bằng phẳng và nó có nhiều nước. Nó có nhiều hoa và lấm tấm khắp nơi những đàn ong. Làm sao Ngài sanh ra mà có được cái hồ khả ái này?

2. Và khu rừng xoài này của ngài thật vô cùng khả ái và có trái suốt bốn mùa. Nó đang nở hoa và lấm tấm khắp nơi những đàn ong. Làm sao Ngài sanh ra mà có được lâu đài này?

Khi nghe qua điều này, vị Peta bèn nói lên câu kệ này để giải thích cái gì là nguyên nhân khiến vị ấy có được hồ sen ấy v.v...:

3. Một vật thí bằng những trái xoài chín, nước và cháo, được cho ra bởi con gái của tôi. Chính do bởi điều này khiến cho tôi nhận được bóng che mát mẻ và khả ái này ở đây.

Khi đã nói như vậy, vị Peta dẫn những thương nhân đi và chỉ cho họ thấy năm trăm Kahapana khi nói rằng, "Các người có thể lấy một nửa của số tiền này và cho nửa kia đến con gái của tôi, bảo nàng hãy làm sạch món nợ của tôi và sống thanh thản".

Ðến đúng lúc, những thương nhân đi đến Sāvatthi, kể cho đứa con gái của ông ta biết và cho nàng mọi thứ bao gồm phần tiền mà ông ta đã trao cho họ. Nàng trả một trăm Kahāpana đến những chủ nợ của ông ta và cho phần còn lại đến người đàn ông giàu có mà đã là bạn của cha nàng và, đối với chính nàng, vẫn ở lại làm người giữ nhà cho ông ta. Nhưng ông ta cho lại nàng món tiền ấy khi nói rằng, "Tất cả món tiền này là của riêng con". Và cho nàng làm nữ chủ trong ngôi nhà của đứa con trai đầu lòng của ông ta. thời gian sau, nàng có một đứa con trai và nàng thường nói câu kệ này khi nàng chăm sóc nó:

4. Hãy xem kết quả, ngay trong đời sống này, của sự bố thí, của sự thu thúc và tự chế. Tôi là một nữ nô lệ trong gia đình của chủ tôi, và bây giờ là nàng dâu của ông ta, cũng là nữ gia chủ.

Rồi một hôm nọ Bậc Ðạo sư, sau khi đã xem kỹ sự chín muồi trong tâm của nàng, bèn phóng ra hào quang của Ngài và hiện ra tựa như đang đứng đối diện với nàng, và rồi nói lên câu kệ này:

5. Người mà không siêng năng, bị chinh phục bởi sắc khả ái của những kẻ không khả ái, bởi sắc tướng dễ thương của những kẻ không dễ thương và bởi sắc tướng khả ái của cái đem lại đau khổ.

Nghĩa là: Những người nào mà không siêng năng và chánh niệm không hiện hữu trong họ, thì bị ngự trị, bị chiến thắng và bị che mờ bởi sắc tướng hảo huyền của ba cái này.

Vào lúc kết thúc của câu kệ này, nàng được an trú trong quả Thánh Tu-đà-hườn; và ngày hôm sau, nàng bố thí vật thực đến Chư Tăng có Ðức Phật dẫn đầu, và rồi nêu lên vấn đề ấy với Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết pháp đến hội chúng đã tụ họp ở đó. Thời pháp ấy đem lại lợi ích cho những người ấy.

*

IV.13 MỘC TRỤC QUỶ SỰ
(AKKHARUKKHA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Khi một người cho ra thì không phải ngay ở đó".

Ðây là quỷ sự về người bố thí một cái trục xe. Câu chuyện bắt nguồn như thế nào?

Khi Ðức Thế Tôn đang ngụ ở Sāvatthi, thì có một vị thiện nam nọ, là dân cư của thành Sāvatthi chất đầy hàng hóa vào một số cỗ xe và đi đến Videha để buôn bán. Ông ta bán hàng hóa của ông ta ở đó và chất đầy những hàng hóa mà ông ta đã mua lại, cho vào trong những cỗ xe của ông và rồi đi vào con đường dẫn đến Sāvatthi. Khi ông đang đi dọc theo con đường ấy ở trong khu rừng thì cái trục xe của một trong những chiếc xe của ông bị gãy. Bấy giờ có một người đàn ông nọ mà sau khi đã rời khỏi ngôi làng của ông ta và đang cho người mang theo cái rìu và búa để đốn cây đem về, đang lang thang trong rừng và đi đến chỗ ấy. Ông ta trông thấy tâm trạng chán nản của vị thiện nam do vì cái trục xe bị gãy ấy, bèn nghĩ rằng, "Vị thương nhân này đang sầu khổ ở trong rừng do vì cái trục xe bị gãy ấy". Và khi đem lòng thương hại vị thương nhân ấy, ông ta đốn hạ một cây, làm một cái trục xe cứng cáp, tặng nó cho vị thương nhân và gắn nó vào cỗ xe. Ðến đúng lúc, ông ta chết và sanh làm một vị chư thiên địa cầu trong cùng chỗ ấy ở trong khu rừng.

Khi đã quán xét về những nghiệp của mình vào lúc ban đêm, ông ta đi đến nhà của vị thiện nam ấy và nói lên câu kệ này khi đứng ở cửa nhà:

1. Khi người bố thí thì nó không phải chỉ nằm ở đó thôi đâu, người nên cho ra những vật thí đi. Khi người đã bố thí rồi thì người sẽ vượt qua cả hai, người đi đến cả hai bằng phương tiện này. Hãy giác tỉnh! Ðừng dễ duôi!

Khi vị thương nhân đã làm xong điều gì ông ta cần phải làm, ông ta quay về và đúng lúc đến tại Sāvatthi vào ngày hôm sau. Ông ta đi đến Bậc Ðạo sư, đảnh lễ Ngài, và khi ngồi xuống ở một bên, ông ta nêu lên vấn đề với Ðức Thế Tôn. Bậc Ðạo sư lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết pháp đến hội chúng đã tụ họp ở đó. Thời pháp đã đem lại lợi ích cho những người đã tụ họp ở đó.

*

IV.14 SÚC TÀI QUỶ SỰ
(BHOGASAṂHARAṆA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Chúng ta tích lũy của cải".

Ðây là quỷ sự về sự tích lũy. Nó bắt nguồn như thế nào?

Tương truyền rằng khi Ðức Thế Tôn đang ngụ tại Veḷuvana, có bốn người đàn bà ở thành Rājagaha đang bận rộn trong việc buôn bán thục tô, mật ong, dầu và ngũ cốc v.v... kiếm lợi một cách phi pháp bằng sự đong lường gian dối và bằng những mánh khóe bịp bợm khác. Vào lúc thân hoại mạng chung sau khi chết, họ sanh làm những nữ Ngạ quỷ trong một cái hào ở bên ngoài thành phố. Vào lúc ban đêm, họ bị hành hạ bởi nỗi đau khổ và đi lang thang phát ra tiếng kêu to lớn và kinh khủng khi gào lên rằng:

1. "Chúng ta tích lũy của cải đúng pháp và phi pháp. Bây giờ của cải này được hưởng bởi những người khác, trong khi số phận của chúng ta là đau khổ".

Dân chúng lấy làm khiếp đảm khi họ nghe tiếng gào la này; và khi trời hừng sáng, họ tổ chức một cuộc bố thí vật thực lớn đến Chư Tăng có Ðức Phật dẫn đầu và khi thỉnh Bậc Ðạo sư và Tăng chúng đến, họ phục vụ các Ngài bằng vật thực thượng vị loại cứng loại mềm. Khi Ðức Thế Tôn đã thọ thực xong và tay rời khỏi bát, họ ngồi xuống ở gần kề và kể lại biến cố ấy. Ðức Thế Tôn nói rằng, "Nầy chư thiện tín, không có tai hoạ nào đến với các ngươi trong tiếng ấy cả. Ðó chỉ là bốn nữ Ngạ quỷ bị hành hạ đau khổ, đang ta thán kêu to trong nỗi thất vọng của chúng sau khi nói về ác nghiệp mà chúng đã làm, chúng đã nói câu kệ này:

2. Chúng ta tích lũy của cải đúng Pháp và không đúng pháp. Bây giờ của cải này được hưởng bởi những người khác, trong khi đó số phần của chúng ta là đau khổ".

Khi Ðức Thế Tôn đã nói câu kệ như vậy mà được thốt lên bởi những Ngạ quỷ và kể lại biến cố ấy, Ngài lấy đó làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết pháp đến hội chúng đã tụ họp ở đó. Sau khi giải thích bốn chân lý cao thượng và sau khi kết thúc thời pháp ấy, nhiều người chứng đắc quả thánh Tu-đà-hườn v.v...

*

IV.15 THƯƠNG TỬ QUỶ SỰ
(SEṬṬHIPUTTA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Trong sáu chục ngàn năm".

Ðây là quỷ sự về những đứa con trai của vị phú thương. Câu chuyện bắt nguồn như thế nào?

Ðức Thế Tôn đang ngụ ở Jetavana, tại Sāvatthī. Lúc bấy giờ vua nước KosalaPāsenadi, đang đi quanh thành phố trong uy quyền vĩ đại của vua, trong sự rực rỡ vĩ đại của vua, trang phục oai phong và cỡi trên con voi kiết tường nhất. Vị ấy trông thấy một người đàn bà có sắc đẹp giống như một nữ thần, nàng mở các cửa sổ ở gác trên của một ngôi nhà nọ và đang nhìn xuống xem sự vinh quang của vua. Với tâm bị ngự trị bởi sự tấn công dồn dập của những ô nhiễm đã nhanh chóng sanh lên trước một cảnh sắc mà vị ấy chưa hề trông thấy trước kia và dầu vị ấy đã có một hậu cung mà ở trong đó những cung nữ có những đặc tánh nổi bật như gia đình quý phái, sắc đẹp và thiện hạnh v.v.. Tuy nhiên đức vua vẫn đem lòng yêu thương người đàn bà ấy vì tâm của vị ấy dao động và khó nhiếp phục. Ðức vua ra hiệu cho người đàn ông ngồi ở gần tựa như muốn nói rằng, "Ngươi hãy để ý chỗ ngụ có tầng gác ấy và người đàn bà ấy", và rồi đi vào hoàng cung. Mọi điều khác sẽ được hiểu như đã giải thích ở trước rồi trong quỷ sự Ambasakkhara nhưng có sự khác biệt này. Ở đây, người đàn ông đi đến ngay trước khi mặt trời lặn, khi cổng thành bị đóng lại, và treo đất sét đỏ và những hoa súng mà anh ta đã mang về ở trên cột của cái cổng, và rồi đi đến Jetavana để ngủ. Trong khi đó đức vua, là người đã đi ngủ trong phòng ngủ của vua, vào canh giữa nghe bốn tiếng, "Du, sa, na, so", tựa như được thốt ra trong nỗi thất vọng từ cuống họng.

Tương truyền rằng đây là những chữ đầu của những câu kệ được thốt ra bởi bốn đứa con trai của vị phú thương mà đã lâu là những dân cư của thành Sāvatthi, và là những người mà trong thời thanh xuân của chúng đã say mê với sự ngã mạn về của cải và đi chung với vợ của những người đàn ông khác, nên đã gây ra nhiều tội lỗi. Về sau chúng chết và sanh ra trong một cái vạc sắt gần chính thành phố ấy. Khi chúng đang bị nấu sôi, chúng thường nổi lên ở bờ miệng của cái vạc sắt, mỗi người nói lên một câu kệ, nhưng ngay khi chúng thốt ra chữ đầu thì chúng bị những cảm thọ đau đớn giáng xuống và chìm vào cái vạc sắt.

Khi Ðức vua nghe tiếng ồn ào ấy, vị ấy đầy kinh hãi, bị giao động và tóc dựng đứng. Vị ấy trải qua phần còn lại của đêm trong đau khổ, và vào lúc trời rạng sáng sai gọi vị Tư tế quan đến và kể cho ông ta nghe biến cố ấy. Khi vị Tư tế quan ấy biết được sự sợ hãi của đức vua, thì vị ấy, vì tham lam lợi lộc, suy nghĩ rằng, "một cách kiếm lợi dành cho ta và những Bà-la-môn đã sanh lên", Và nói rằng, "Tâu đại vương, một tai hoạ lớn chắc chắn đã sanh lên. Ngài phải cúng tế bốn cái của mỗi loài sinh vật".

Khi nghe qua lời đáp lại này, đức vua bèn truyền lịnh cho những vị quan cố vấn đặc biệt rằng, "hãy sai sửa soạn bất cứ cái gì cần thiết cho cuộc cúng tế bốn vật của mỗi loại": Khi nghe qua lệnh truyền này, hoàng hậu Mallikā nói với đức vua rằng, "Tâu đại vương, tại sao ngài lắng nghe những lời của những vị Bà-la-môn ấy và bây giờ muốn tổ chức những buổi lễ mà trong đó vô số chúng sanh sẽ phải bị giết hại? Chắc chắn chính Ðức Thế Tôn là người vận dụng trí tuệ vô ngại trong tất cả các pháp, là người nên được hỏi đến và sau đó bệ hạ nên hành động đúng theo lời đáp lại của Ðức Thế Tôn".

Khi đức vua nghe qua điều mà nàng đã phải nói ra, vị ấy đi đến yết kiến Bậc Ðạo sư và nên lên vấn đề với Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn nói rằng, "Tâu đại vương, không có tai hoạ nào đến với với bệ hạ dù bất cứ điều gì từ nguyên nhân ấy". Và rồi giải thích vấn đề ngay từ đầu về những chúng sanh mà đã sanh trong địa ngục vạc dầu bằng sắt. Rồi Ngài làm cho đầy đủ những câu kệ mà mỗi chúng sanh ấy bắt đầu nói ra, khi nói rằng:

1. Cả thảy chúng ta đều bị nấu sôi trong địa ngục đủ sáu chục ngàn năm, khi nào mới hết bị như thế này?

2. Sẽ không có sự chấm dứt. Tại sao có sự chấm dứt? Không có sự chấm dứt ấy được vì đó là cách mà những ác nghiệp được làm bởi các bạn và tôi, thưa các Ngài.

3. Chúng ta đã sống một cuộc sống ác; dầu ở trong tầm tay nhưng chúng ta đã không bố thí từ đó - Dầu những vật thí ở trong tầm tay nhưng chúng ta không làm chỗ nương tựa cho chính chúng ta.

4. Như vậy, khi chúng ta đã đi khỏi đây và được sanh trong cõi người, tôi sẽ tỏ ra cởi mở, có giới đức và quyết tâm làm nhiều việc thiện.

Khi Bậc Ðạo sư đã nói những câu kệ này, Ngài thuyết giảng chánh pháp đầy đủ các chi tiết. Vào lúc kết thúc của thời pháp ấy, người đàn ông mà đã kiếm về đất sét đỏ được an trú trong quả thánh Tu- Ðà- hườn. Ðức vua đầy xúc động, bèn từ bỏ sự tham luyến vợ của người đàn ông khác và thoả mãn với vợ của chính mình.

*

IV.16 QUỶ SỰ VỀ SÁU CHỤC NGÀN CÁI BÚA
(SAṬṬHIKŪṬA SAHASSA PETAVATTHUVAṆṆANĀ)

"Tại sao ngươi, như một người điên?"

Quỷ sự này được kể lại trong khi Bậc Ðạo sư đang ngụ ở Veḷuvana, liên quan đến một Ngạ quỷ nọ.

Tương truyền rằng, cách đây đã lâu ở trong thành phố Ba-la-nại, có một người què nọ có tài trong việc búng sỏi. Khi ông ta đã đạt đến sự toàn hảo như vậy về nghệ thuật búng sỏi, ông ta thường ngồi ở gốc của một cây đa ở cổng thành và bằng cách bắn vào những ngọn lá của cây đa bằng những viên sỏi, ông ta thường tạo ra những mẫu hình về những con voi, những con ngựa, chiếc xe, người, những ngôi nhà tháp nhọn với những lá cờ, những cái lu đầy nước v.v... khiến cho chúng hiện ra trên những ngọn lá ấy. Những đứa trẻ của thành phố ấy thường trả công cho ông ta bằng những đồng tiền bỏ túi của chúng và bảo ông ta trổ tài theo ý thích của chúng.

Rồi một hôm nọ, khi đức vua của thành Ba-la-nại rời khỏi thành phố, vị ấy đi đến gốc của cây đa ấy. Ðức vua trông thấy nhiều hình thức và mẫu mã khác nhau như hình của con voi v.v... dính vào những ngọn lá của cây đa ấy và hỏi mọi người rằng, "ai đã tạo ra những hình thể và những mẫu mã khác nhau bằng cách này trên những ngọn lá đa này?" Dân chúng chỉ về người què mà nói rằng, "Tâu bệ hạ, chúng được làm bởi người đàn ông ấy". Ðức vua gọi người đàn ông ấy đến và nói rằng, "Hãy nhìn đây, có thể nào để ngươi làm đầy bụng một người đàn ông bằng những viên phân dê trong khi ông ta đang nói chuyện, mà không để cho ông ta biết, nếu ta chỉ cho thấy ông ta?" "Tâu bệ hạ, điều ấy có thể được". Ông ta đáp lại.

Đức vua dẫn ông ta đi đến hoàng cung và, chán nghe những lời lãi nhãi của vị Tư tế quan, đã cho gọi vị Tư tế quan ấy đến. Ðức vua ngồi chung với vị Tư tế quan trong một chỗ cách biệt được bao quanh bởi một vách màng, và trong khi tham khảo ý kiến với vị Tư tế quan, bèn cho gọi người què đến. Người què đi đến mang theo một ống tre chứa đầy những viên phân dê, khi lưu ý chỗ ngồi của đức vua, ngồi xuống xoay mặt về phía vị Tư tế quan, và khi miệng của vị Tư tế quan hả ra thì ông ta bắn vào những viên phân dê xuyên qua một lỗ hở trên bức màng, viên này đến viên khác, đến đầy cuống họng của vị Tư tế quan.

Do xấu hổ, không thể nôn ra trước mặt của đức vua, vị Tư tế quan đành phải nuốt hết tất cả những viên phân dê. Khi cái bao tử của vị Tư tế quan đã chứa đầy phân dê thì đức vua cho vị ấy ra về khi nói rằng, "Hãy đi, này ông Bà-la-môn, ông đã nhận lãnh kết quả của sự nói lảm nhảm của ông rồi đó. Khi ông đã uống thứ nước được làm từ trái cây được nghiền nát và những loại lá v.v... của cây Piyaṅgu thì ông sẽ nôn ra. Bằng cách này ông sẽ hoàn toàn khỏe lại", và, thoả thích với điều mà người què kia đã làm, bèn cho ông ta mười bốn ngôi làng.

Sau khi có được những ngôi làng này, chính ông ta được hạnh phúc và vui sướng luôn. Cả những người hầu của ông ta. Ông ta sống đầy đủ tiện nghi, nhưng không quên lãng những điều lợi ích trong cả đời sống này và thế giới bên kia và ông ta thường cho bất cứ cái gì cần thiết đến những ai cần đến như những vị Sa-môn và những vị Bà-la-môn; trong khi đó ông ta cho vật thực và sự hưởng công đến những người mà đã đến với ông ta khi họ học nghề của ông ta.

Rồi một người đàn ông nọ, đi đến với ông ta và nói như vầy, "Xin hãy làm thầy của con và dạy cho con về môn này, nhưng con không dùng gì đến vật thực của thầy gọi là sự trả công". Ông ta dạy cho người đàn ông ấy về môn búng sỏi của mình. Sau khi trở thành lão luyện trong nghệ thuật búng sỏi bằng cách bắn sỏi vào người, anh ta đã làm bể đầu của Ðức Phật Ðộc Giác Sumetta khi ngài đang ngồi trên bờ sông và Ðức Phật Ðộc Giác nhập Niết bàn ngay tại đó ở trên bờ sông. Khi dân chúng nghe tin về biến cố này, họ đánh anh ta ngay tại đó bằng những cục đất và những cây gậy v.v... Và đã giết chết anh ta.

Khi anh ta chết, anh ta tái sanh trong đại địa ngục Avīci và bị nấu sôi trong nhiều ngàn năm trong địa ngục ấy. Trong suốt thời kỳ của Ðức Phật này anh ta sanh lên, do bởi dư báo của nghiệp ấy, làm một Ngạ quỷ không cách xa thành Vương xá.

Vì kết quả phải theo đúng với nghiệp, sáu chục ngàn cái búa được đưa lên vào buổi sáng, trưa và tối do bởi lực thôi thúc của nghiệp ấy và rồi giáng xuống trên đầu của hắn; nhân đó, cái đầu của hắn bị đánh và bị bể ra khiến hắn phải lãnh chịu những cảm thọ đau đớn cùng cực. Hắn thường té xuống đất, nhưng ngay khi những cái búa đã đi khỏi rồi thì hắn đứng dậy với cái đầu của hắn trở lại như cũ. Rồi một hôm nọ, Ðại Ðức Mahā Moggallāna đi xuống từ núi Kỳ-Xà-Quật, trông thấy hắn và hỏi hắn bằng câu kệ này:

1. Tại sao ngươi, như một người điên, lao đi chỗ này chỗ kia như một con nai bị khiếp đảm vậy? Không nghi ngờ gì ngươi là một kẻ làm ác . Tại sao ngươi tạo ra tiếng ồn ấy?

Khi nghe qua điều này, Ngạ quỷ bèn đáp lại bằng hai câu kệ này:

2. Bạch Ngài, con là một Ngạ quỷ đã đi đến kiếp sống đau khổ của Yamma. Sau khi đã làm ác nghiệp, con đã đi từ đây đến thế giới của những Ngạ quỷ.

3. Cả thảy đủ sáu chục ngàn cái búa rơi xuống trên dầu của con và những cái búa này đập vỡ cái đầu của con.

Rồi Trưởng lão dò hỏi về nghiệp mà hắn đã làm bằng hai câu kệ:

4. Bây giờ ác nghiệp nào được làm bởi ngươi do thân, khẩu hoặc ý? Do kết quả của nghiệp nào khiến ngươi đã đi từ đây đến thế giới của những Ngạ quỷ?

5. Tại sao đủ cả thảy sáu chục ngàn cái búa rơi xuống trên đầu của ngươi, và tại sao những cái búa này đập bể cái đầu của ngươi?

Ngạ quỷ ấy nói lên ba câu kệ để giải thích nghiệp mà hắn đã làm:

6. Con đã trông thấy Ðức Phật Sumetta, là người mà trong đó các căn đã được tu tập, đang ngồi dưới một cội cây, đang thiền quán và không sợ gì từ bất cứ hướng nào.

7. Do một cú búng những viên sỏi của con, con đã làm bể cái đầu của Ngài, chính do kết quả của nghiệp ấy khiến con phải chịu đau khổ.

8. Ðủ cả thảy sáu chục ngàn cái búa rơi xuống trên đầu của con và những cái búa này đập bể cái đầu của con.

Khi nghe qua điều này Trưởng lão bèn nói lên câu kệ kết thúc, để cho thấy rằng quả của nghiệp trước mà bây giờ hắn đang nhận lãnh thật hoàn toàn đúng với việc mà hắn đã làm:

9. Thật đáng đời cho ngươi, một kẻ hèn hạ như ngươi, rằng cả thảy đủ sáu chục ngàn cái búa giáng xuống trên đầu của ngươi và những cái búa này đập bể cái đầu của ngươi.

Bấy giờ, khi Trưởng lão đã nói như vậy, ngài bèn đi từ đó đến thành phố để khất thực và khi ngài đã thọ thực xong, Ngài đi đến Bậc Ðạo sư vào buổi chiều và nêu lên vấn đề ấy với Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và, trong khi thuyết giảng Chánh Pháp đến tứ chúng, cho biết những đức tánh kỳ diệu của Chư Phật Ðộc Giác và tánh cách mà các nghiệp không bị vô hiệu. Mọi người đầy xúc động, đầy niềm tin; Họ từ bỏ những ác nghiệp và thiên về những việc phước như bố thí v.v...

Phần trình bày quỷ sự về sáu chục ngàn cái búa đã kết thúc- Như vậy phần trình bày về ý nghĩa của phẩm thứ tư, Ðại phẩm, gồm có mười sáu câu chuyện trong những câu chuyện Ngạ quỷ này của bộ Khuddaka Nikāya đã kết thúc.

-ooOoo-

NHỮNG LỜI NHẬN XÉT ÐỂ KẾT LUẬN

Như vậy:

1. Những kẻ mà đã sanh trong cõi Ngạ quỷ tất cả đều là những người đã làm ác nghiệp. Do bởi những ác nghiệp ấy, quả dành cho chúng là xấu và khốc liệt.

2. Sự chứng minh và giải thích điều này bằng lối vấn đáp là giáo lý cần thiết, khiến cho chúng sanh phải kinh cảm.

3. Bộ Ngạ quỷ ấy hình thành một thiện luận sự và được khéo thành lập trên một sự hiểu biết toàn diện về đề tài, nghĩa là, những quỷ sự mà đã được kiết tập bởi những bậc thầy vĩ đại.

4. Khi dựa vào trên đó, theo cách của bộ chú giải cổ xưa của chúng, để làm trong sáng ý nghĩa của chúng, tôi đã thực hiện phần trình bày này về ý nghĩa của chúng.

5. Nghĩa là, phần giải thích về ý nghĩa bên trong, làm sáng tỏ một cách đúng đắn những ý nghĩa bên trong ở nhiều chỗ trong đó.

6. Sự phân tích có thứ lớp này về những ý nghĩa vi tế mà bao gồm đến mười lăm phần tụng đọc về kinh bây giờ đã đến chỗ kết thúc rồi.

7-8. Do nhờ oai lực của bất cứ phước báu nào mà tôi đã làm được qua sự biên soạn bộ chú giải bằng cách này, cầu mong tất cả chúng sanh đều được thấm nhuần giáo pháp của Đấng Cứu Rỗi Thế Gian và cầu mong tất cả chúng sanh được nếm hương vị giải thoát qua hạnh kiểm thanh tịnh và giới đức đầy đủ v.v...

9. Cầu mong cho giáo pháp của Ðức Phật Toàn Giác được trường tồn trong thế gian và cầu mong cho tất cả chúng sanh luôn luôn có lòng kính mộ giáo pháp ấy.

10. Cầu mong thần mưa cũng rơi xuống thích hợp và đúng lúc, và cầu mong chúa của quả đất sùng mộ giáo pháp chân chánh và trị vì thế gian theo đúng với chánh pháp.

Như vậy phần trình bày về ý nghĩa của những Ngạ quỷ sự được thực hiện bởi Ðại đức Ācariya Dhammapāla, là vị Tỳ khưu và là bậc hiền trí cao quý và cũng là vị Sa-môn trú ngụ trong tịnh xá Badara-tittha, đã kết thúc.

Kết thúc bộ Chú giải Ngạ quỷ sự

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | Mục lục



[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 02-09-2007