BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Nền tảng của đạo Phật

Tiến sĩ Peter D. Santina
Tỳ kheo Thích Tâm Quang dịch


[02]

BÀI III - BỐN CHÂN LÝ CAO QUÝ

PHẦN III.1

Chúng ta đi vào phần trọng tâm của Ðạo Phật và chúng tôi muốn nói ít lời về Tứ Diệu Ðế.

Tứ Diệu Ðế là một khía cạnh rất quan trọng của Phật Pháp đã được Ðức Phật xác định. Ngài dạy vì lẽ chúng ta không hiểu Bốn Chân Lý Cao Quý này cho nên chúng ta phải trôi lăn mãi mãi trong vòng sinh tử, luân hồi. Ðiều này cho thấy tầm quan trọng của Tứ Diệu Ðế, việc hiểu biết Giáo Lý của Ðức Phật, và thấu rõ mục đích lời dạy của Ðức Phật. Trong bài pháp thuyết giảng đầu tiên trong Kinh Dhamma-chakkappavattana (Chuyển Pháp Luân) cho năm thầy tu trong vườn lộc uyển gần Ba Lã Nại (Benares), Ðức Phật trước hết nói về Tứ Diệu Ðế và Trung Ðạo. Nơi đây chúng ta thấy hai điều quan trọng về ý nghĩa của Tứ Diệu Ðế. Tứ Diệu Ðế là sự đúc kết giáo lý Ðức Phật, cả từ mặt học thuyết hay lý thuyết và từ quan điểm thực hành.

Cho nên Tứ Diệu Ðế là chân lý của khổ đau, chân lý của nguồn gốc đau khổ, chân lý của việc chấm dứt khổ đau và chân lý của con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau. Chúng ta có nền móng giáo lý của Ðức Phật để hiểu biết và tu tập.

Trước khi nghiên cứu Tứ Ðiệu Ðế, chúng tôi xin nói qua về bản chất của Pháp này. Và trong phạm vi này, chúng ta nhớ lại những tiến bộ y khoa trong thời cổ Ấn. Một trong những tiến bộ đó gồm có bốn bước: căn bệnh, chẩn bệnh, điều trị, và chữa hết bệnh. Bây giờ nếu suy nghĩ kỹ về bốn bước này trong thực nghiệm y khoa để chữa bệnh, quý vị sẽ thấy chúng rất phù hợp với Tứ Diệu Ðế. Nói một cách khác, khổ đau tương ứng với bệnh, chẩn bệnh hay nói rõ hơn tìm nguyên nhân bệnh, chấm dứt khổ đau tương ứng với điều trị, và con đường chấm dứt khổ đau với việc chữa trị hết bệnh.

Trên đây nói đến tính cách trị liệu của Tứ Diệu Ðế và những giai đoạn mà nó tượng trưng, chúng tôi muốn nói thêm về ý nghĩa của nó. Tuy nhiên điều quan trọng là cần hiểu biết Tứ Diệu Ðế thật đúng. Khi Shariputra (Xá Lợi Phất) một trong hàng Ðệ Tử đầu tiên của Ðức Phật đến gặp Ashavajit (A-Nhã Kiều Trần Như, một trong năm nhà Sư thọ nhận bài pháp đầu tiên của Ðức Phật) và hỏi Ashavajit về lời dạy của Ðức Phật, Ashavajit nói "Tôi không thể nói với ông chi tiết vì tôi mới theo học giáo lý của Ngài nhưng tôi có thể tóm tắt cho ông". Xá Lợi Phất liền nói "Rất tốt, xin tóm tắt cho tôi nghe", và Ashavajit đã lược thuật lời dạy của Ðức Phật như sau:

Mọi sự vật đều phát sinh do một nguyên nhân, và đều phải chấm dứt như Nhà Tu Khổ Hạnh Vĩ Ðại đã dạy.

Xá Lợi Phất vô cùng ngạc nhiên về lời tóm tắt này, bèn đi tìm người bạn Maudgalyayana (Mục Kiền Liên) và cả hai đều gia nhập Tăng Ðoàn và trở thành những đại đệ tử của Ðức Phật. Lời tóm tắt giáo lý của Ðức Phật nói lên rằng quan điểm chính nằm trong Tứ Diệu Ðế.

Ðiều đó cho ta thấy tầm quan trọng của sự liên hệ giữa nhân và quả. Quan niệm nhân quả là trọng tâm giáo lý của Ðức Phật và cũng là trọng tâm của Tứ Diệu Ðế. Nhưng trong ý nghĩa nào? Rõ rệt có một điểm khởi đầu, vấn đề khổ đau. Vấn đề này do nhiều nguyên nhân gây nên. Cuối cùng vì có khổ đau, có nguyên nhân của khổ đau, cho nên phải có sự chấm dứt khổ đau và nguyên nhân để chấm dứt khổ đau. Trường hợp trên đây là một việc tiến trình tiêu cực. Nói một cách khác, khi loại trừ nguyên nhân khổ đau thì khổ đau chấm dứt.

Nếu bạn nhìn vào Tứ Diệu Ðế, bạn sẽ thấy pháp này chia thành hai nhóm. Hai Ðế đầu: Khổ đau và nguyên nhân của khổ đau thuộc vòng sinh tử. Chúng được tượng trưng bằng một vòng tròn với ý nghĩa chúng chạy theo vòng tròn. Nguyên nhân của đau khổ dẫn đến khổ đau, khổ đau tạo nguyên nhân của khổ đau, và nguyên nhân của khổ đau tạo đau khổ. Chúng cứ trôi lăn như vậy vì chúng thuộc về luân hồi (samsara). Hai Ðế kế tiếp, chấm dứt khổ đau và con đường đi đến để chấm dứt khổ đau, được tượng trưng bằng hình soắn ốc. Lúc này sự chuyển động không còn là vòng tròn nữa. Chúng chuyển động theo hướng thượng. Nếu ta giữ hình ảnh của tư tưởng nhân quả trong tâm ý, chúng ta sẽ am hiểu Tứ Diệu Ðế dễ dàng. Cũng vậy, nhớ đến nguyên tắc nhân quả là điều rất tốt cho chúng ta khi học tập giáo lý của Ðức Phật, khi xét đến nghiệp báo và tái sinh cũng như vấn đề duyên sinh. Tóm lại, qua tất cả giáo lý của Ðức Phật, chúng ta thấy nguyên tắc nhân quả cuốn tròn như một sợi chỉ.

Bây giờ chúng ta hãy xét Ðế Thứ Nhất của Tứ Diệu Ðế là chân lý của Khổ (Dukkha). Nhiều người không phải là Phật Tử và ngay cả đến một số Phật Tử cũng cảm thấy khó chịu khi chọn khổ là Ðế Thứ Nhất của Tứ Diệu Ðế vì họ cho rằng việc chọn lựa này là dấu hiệu của bi quan. Chúng tôi thường thấy người không phải là Phật Tử hỏi: "Tại sao Phật Giáo lại bi quan đến thế? Tại sao lại chú trọng đến cái khổ ngay lúc ban đầu?"

Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Một số các bạn đã biết phân biệt giữa bi quan, lạc quan và hiện thực chủ nghĩa. Ý chúng tôi muốn nói như thế này: nếu một người đau bệnh mà không cho là mình đau, người đó không phải là lạc quan mà điên khùng. Kẻ đó chẳng khác gì con đà điểu chôn đầu mình trong cát. Nếu có một vấn đề khó khăn, điều phải làm là nhìn nhận khó khăn ấy và tìm cách loại trừ nó. Thứ hai, nếu Ðức Phật dạy chân lý về Khổ rồi ngừng lại, lúc bấy giờ có lý do để kết tội giáo lý của Ngài là rất bi quan Nhưng giáo lý của Ngài không ngừng ở Ðế Khổ vì Ngài không những chỉ dạy về Khổ mà còn dạy về nguyên nhân của nó. Và quan trọng hơn nữa là Ngài dạy phương pháp diệt Khổ.

Với tất cả chúng ta, nếu quả thật chúng ta thành thật với chính mình, phải chấp nhận đời sống có những khó khăn. Sự vật không phải như mình tưởng. Có những điều ở nơi nào đó không đúng. Dù chúng ta tìm cách tránh né nó vào lúc này hay lúc khác, có khi vào nửa đêm, có khi ở trong đám đông, có khi lúc đang làm việc; chúng ta phải đối đầu với chính chúng ta, bởi vì sự vật không luôn như vậy mà có điều gì sai khác ở một nơi nào đó. Ðó là điều khiến ta phải tìm giải pháp. Chúng ta tìm giải pháp cho những việc cụ thể, hoặc tìm giải pháp bằng cách sửa sai.

Nói rộng ra trong đạo Phật, chân lý Khổ được chia ra làm hai loại: vật chất và tinh thần. Những cái khổ về vật chất là những cái khổ sinh, già, bệnh và chết. Trước đây chúng tôi có nói đến Ðức Phật gặp ba cảnh bệnh, già và chết khi Ngài nhìn thấy một người bệnh, một người già và một xác chết. Chúng ta còn thấy cái khổ thứ tư là cái khổ sinh. Sinh khổ là cái đau đớn vật chất mà hài nhi phải chịu đúng, và sinh tạo những đau đớn khác. Sinh là cửa ngâ dẫn đến nhiều đau khổ theo sau không tránh được về bệnh tật, già nua và chết. Bất cứ ai cũng phải chịu đau đớn vì bệnh tật, già nua và chết. Hầu hết chúng ta đều đã đau đớn vì bệnh, và chúng ta cũng thấy bạn bè và người thân của chúng ta đau đớn về bệnh như vậy. Tất cả chúng ta đều nhận thấy cái khổ của tuổi già, bất lúc, không hoạt động được và đãng trí. Chúng ta đã nhận thấy cái khổ của chết, sự đau đớn, và sợ hãi mà người chết phải chịu đúng. Tất cả những cái khổ đó là một phần không tránh khỏi của cuộc đời. Dù đời sống có hạnh phúc đến đâu đi nữa, những cái khổ về sinh, già, bệnh, chết tuyệt đối không tránh được.

Ngoài những cái khổ về vật chất, còn có những cái khổ về tinh thần. Khổ vì phải chia ly với những người thân, khổ vì người thân chết, khổ vì người thân phải ra đi hay vì chúng ta phải xa lìa họ. Rồi khổ vì phải gặp các người mà ta ghét hay những người ghét chúng ta. Có cái khổ trong những hình thức nhẹ nhàng, chẳng hạn một đồng nghiệp tại sở đối lập với chúng ta, chúng ta e ngại khi đi làm vì lẽ chúng ta biết người đó sẽ tìm lỗi nơi chúng ta. Có những hình thức ghê gớm hơn như hành hạ, tra tấn, vân vân... Cuối cùng khổ vì cầu bất đắc, khổ khi chúng ta không đạt điều mong muốn, khi không có công ăn việc làm, khi không đạt được địa vị thèm khát, khi không thắng lướt được việc này hay người nọ. Những cái khổ về vật chất và tinh thần như chỉ đan chằng chịt trên mảnh vải của cuộc sống chúng ta. Nhưng thế nào là hạnh phúc? Ðời có hạnh phúc hay niềm vui không? Lẽ dĩ nhiên là có. Nhưng lạc thú và hạnh phúc mà chúng ta có trong đời sống không lâu bền. Chúng ta thụ hưởng những giây phút vui vẻ, chúng ta vui có người yêu kề bên, chúng ta yêu thích tuổi trẻ, nhưng tất cả những hình thức của hạnh phúc đó không trường cửu lâu bền. Không chóng thì chầy, chúng ta cũng phải chịu khổ đau.

Nếu thật ra chúng ta muốn tránh khổ đau, giải quyết vấn đề khổ đau, chúng ta phải tìm nguyên nhân của khổ đau. Nếu không có điện và chúng ta muốn điều chỉnh cho đúng, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân. Chúng ta phải tìm ra hoặc một mạch điện hư, hoặc một cầu chì bị cháy hoặc luồng điện chánh bị cắt. Tương tự như vậy, khi chúng ta công nhận có khổ đau, chúng ta phải tìm nguyên nhân của nó. Khi hiểu được nguyên nhân chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề.

Ðức Phật dạy nguyên nhân khổ đau là gì? Là khao khát dục lạc hay ham muốn, khao khát thú vui, khao khát vật chất, khao khát đời sống vĩnh cửu, muốn bất diệt là nguyên nhân chính của khổ đau. Tất cả chúng ta đều muốn ăn ngon, thích nghe nhạc hay, và vui thích có bạn bè. Chúng ta vui với những điều đó, và chúng ta càng ngày càng muốn những thú vui đó nhiều hơn nữa. Chúng ta muốn kéo dài những thứ vui đó. Nhưng chúng ta chẳng bao giờ được toại nguyện. Chúng ta thích ăn một món ăn đặc biệt nào đó, nhưng khi ăn đi ăn lại món đó, chúng ta cũng thấy chán. Chúng ta tìm kiếm món ăn khác, chúng ta khoái, nhưng ăn đi ăn lại mãi rồi cũng chán. Rồi chúng ta đi tìm một thứ gì khác, và chúng ta chán bè bạn. Và cứ thế chúng ta đi tìm nhiều hơn nữa. Ðôi khi, những cuộc chạy theo lạc thú dẫn đến việc hủy hoại nhân cách như rượu chỗ và ma túy. Tất cả những thứ đó là do khao khát muốn được toại nguyện và ham muốn hưởng lạc thú. Người ta nói rằng muốn thỏa mãn ham muốn để hưởng lạc thú chẳng khác gì uống nước mặn khi ta khát. Nếu ta uống nước mặn để khỏi khát, khát không hết mà lại càng khát thêm.

Chúng ta không những thèm muốn lạc thú mà chúng ta cũng thèm muốn vật chất. Ðiều này chúng ta nhìn thấy rõ ràng ở những trẻ nít. Hãy đem một đứa trẻ vào một tiệm bán đồ chơi, đứa bộ này sẽ thích hết tất cả đồ chơi trong tiệm. Mua cho nó một thứ. Nhưng rồi sau khi mua món đồ chơi này, nó lại bắt đầu thấy chán và không thích, và chỉ trong một vài ngày, đồ chơi đã bị quăng tại một góc phòng và nó lại đòi một đồ chơi khác. Chúng ta thấy rõ ràng con nít có lòng ham muốn, vậy chúng ta có khác gì chúng không? Sau khi mua một xe mới, chúng ta còn muốn một xe khác không? Sau khi mua một căn nhà mới, chúng ta có nghĩ: "Nhà này đẹp thật, nhưng thích hơn nếu mua được một căn tốt hơn. Một mảnh vườn và một căn nhà bốn phòng, một gác xép, hay căn nhà công quản (condo), cái nào hơn?". Rồi chúng ta nghĩ hết cái này đến cái nọ: nào hoặc xe lửa, xe đạp, máy thâu hình hay chiếc xe Mercedes Benz. Ham muốn của cải hay tài sản, lệ thuộc vào ba cái khổ chính. Cái khổ đầu tiên là cái khó khăn để có được. Bạn phải làm việc, dành dụm tiền bạc để mua xe hay mua nhà. Thứ hai khổ là phải giữ gìn nó. Bạn sẽ lo sợ người nào đó làm trầy sát xe bạn, bạn lo sợ vì nhà bạn bị cháy, hay bị mưa gió làm hư hại. Rốt cục là bạn sợ hết vì cuối cùng nhà cửa hay xe cộ cũng sẽ tiêu tan.

Thèm muốn có một cuộc sống bất tử là nguyên nhân của đau khổ. Tất cả chúng ta đều khao khát tiền tài, và muốn sống mãi. Mặc dầu những đau khổ và thất bại trên đường đời, tất cả chúng ta vẫn khao khát cuộc đời. Và cũng chỉ vì tham sống mà chúng ta phải sinh tử, tử sinh. Rồi đến sự ham muốn hủy diệt, không tồn tại, là điều người ta gọi cái chết là trường cửu. Ðiều này chính nó được giải thích trong thuyết hư vô và tự vẫn. Khao khát sinh tồn là một cực đoan. Khao khát cho không sinh tồn là một cực đoan khác.

Bạn có thể hỏi: "Tham ái không thôi có đủ là nguyên nhân của đau khổ không? Tham ái không thôi đủ để giải thích đau khổ? Câu trả lời thật dễ dàng như vậy sao?" Câu trả lời là không. Có một điều sâu xa hơn tham ái là nền móng của tham đắm. Ðó là vô minh (Avidya, hay Aviya Phạn ngữ).

Vô minh là nhìn sự vật không đúng như thực, hay không hiểu sự thực của thử thách hay sự thực của cuộc đời. Những người có văn hóa cao cảm thấy khó chịu khi nghe thấy nói họ vô minh. Chúng tôi nhớ giáo Sư Lancaster của Hoa Kỳ đã nói đã nói câu đó khi thăm viếng Tân Gia Ba trong mấy tháng vừa qua. Ông nói thật là hết sức khó khăn để giải thích cho sinh viên đại học Hoa Kỳ khi họ bắt đầu học một lớp về Phật Giáo vì tất cả các sinh viên này đều tự hào và rất sung sướng vì là sinh viên đại học. Ở đây bạn lại nói họ vô minh (ngu si), họ sẽ phản ứng ngay tức thì: "Chúng tôi ngu si như thế nào? chúng tôi ngu si là nghĩa thế nào? Không có điều kiện đúng, không có sự huấn luyện đúng, và không có dụng cụ đúng, chúng ta không thể nhìn thấy đúng sự vật như thế nào.

Không một ai trong chúng ta biết làn sóng vô tuyến nếu không có máy thâu. Không một ai trong chúng ta biết có vi khuẩn trong một giọt nước nếu không có kính hiển vi để phát hiện được chúng, và không ai trong chúng ta biết sự cấu tạo của phân tử nếu không có kỹ thuật mới nhất của kính hiển vi điện tử. Tất cả những sự kiện trên trong đời sống, chúng ta chỉ được biết và thấy qua sự huấn luyện đặc biệt, điều kiện đặc biệt và dụng cụ đặc biệt. Chúng tôi nói vô minh (ngu si) là nhìn sự vật không đúng sự thật, nghĩa là nếu chúng ta không phát triển khả năng tập trung tư tưởng và quán chiếu nội tâm, chúng ta sẽ không thấy được thực chất của sự vật. Chúng ta thường sợ hãi khi nhìn thấy cái bóng bên lề đường trong khi về nhà một mình trong đêm khuya. Cái bóng đó có thể là một gốc cây. Vì ngu si làm chúng ta phải rảo cẳng, tay ta toát mồ hôi, và về nhà thất đảm. Nếu có một ngọn đèn chúng ta không còn lo sợ, khổ sở bởi lẽ không còn ngu si vì chúng ta đã nhìn ra cái bóng đó chính là gốc cây.

Ðặc biệt trong đạo Phật, chúng ta nói đến vô minh là nói đến cái ta, lấy cái ta là thật. Ðó là nguyên nhân căn bản của khổ đau. Chúng ta cho thân xác ta, ý nghĩ, cảm xúc là của ta, là cái Ngã thật tướng như chúng ta thấy cái gốc cây là kẻ có thể tấn công ta. Khi chúng ta tin có ta, chúng ta thường có ý nghĩ rằng ở ngoài có những gì khác biệt với chúng ta. Một khi đã nghĩ như vậy, chúng ta tưởng rằng ở ngoài có những gì ích lợi hay bất lợi. Ðiều đó có thể thích thú hay không thích thú đối với chúng ta. Do ý nghĩ về cái ta nói trên, chúng ta tham ái và sân hận. Khi chúng ta tin vào sự hiện hữu của chúng ta, cái "chúng ta" thật sự hiện hữu, có thật độc lập, riêng rẽ hẳn với người khác, và riêng biệt hẳn tất cả mọi thứ vật chất chung quanh chúng ta, chúng ta tham đắm và khao khát và muốn các thứ đó đem lợi ích cho chúng ta và chúng ta chối bỏ những gì không đem lợi lạc cho chúng ta, làm thiệt hại và không giúp đỡ được gì cho chúng ta. Vì không nhìn thấy được bên trong thân và tâm này, không có một cái ta độc lập, thường còn, nên không thể tránh được tham lam và sân hận phát sinh. Từ gốc rễ và thân cây vô minh này mọc ra những cònh cây tham dục, ham muốn, tham lam, ác ý, nóng giận, hận thù, đố kÿ, ghen ghét, tự hào và cả vô số điều như vậy. Tất cả những cònh cây trên mọc ra từ thân và rễ cây vô minh sẽ mang trái đau khổ. Cho nên vô minh là nguyên nhân cơ bản, tham dục, ác ý, tham lam và nóng giận là những nguyên nhân thứ hai hay nguyên nhân phụ.

Sau khi biết được những nguyên nhân của khổ đau, ta có thể chấm dứt được đau khổ. Cũng như khi biết đau ở bụng dưới phía bên trái là bệnh ruột dư, ta có thể làm hết đau đớn. Ta có thể chấm dứt khổ đau bằng cách loại trừ nguyên nhân của nó, bằng cách loại trừ tham sân si. Ðây ta tới phần của Ðế Thứ Ba, chân lý chấm dứt khổ đau.

Nói về chân lý chấm dứt khổ đau, chướng ngại thứ nhất ta phải vượt qua là sự nghi ngờ hiện hữu trong một số tâm trí cho rằng liệu việc chấm dứt khổ đau có thật sự thực hiện được không. Phải chăng ta có thể thực sự chấm dứt được khổ đau, phải chăng ta có thể thực sự chữa khỏi được. Trong phạm vi này việc tin tưởng hay niềm tin đóng một vai trò quan trọng trong Phật đạo. Khi ta nói về tin tưởng hay niềm tin không có nghĩa là chấp nhận một niềm tin mù quáng. Chúng ta nói đến niềm tin trong ý nghĩa công nhận hay cho rằng có khả năng hoàn tất mục tiêu chấm dứt khổ đau. Nếu không tin bác sĩ có thể chữa khỏi đau trong bụng, bạn chẳng bao giờ đi đến bác sĩ, bạn chẳng bao giờ uống thuốc, hay giải phẫu và hậu quả là bạn chết về chứng bệnh có thể chữa được đó. Cho nên tin tưởng vào khả năng có thể chữa trị được là điều kiện tiên quyết.

Cũng tại đây, như trong các trường hợp khác, người ta có thể nói: "Làm sao tôi có thể tin tưởng có Niết Bàn? Làm sao tôi có thể chấm dứt khổ đau mà tôi chưa từng biết? Vậy thì, như chúng tôi đã trình bày trước đây, không một ai trong chúng ta biết những làn sóng vô tuyến, nếu người ta không phát minh ra máy thâu, và không một ai trong chúng ta biết dến những sinh vật nhỏ li ti nếu không phát minh ra kính hiển vi. Ngay bây giờ ngoại trừ có một nhà vật lý học trong phòng này, không một ai thấy âm điện tử, nhưng chúng ta chấp nhận chúng vì có một số người trong chúng ta được huấn luyện đặc biệt, và có dụng cụ đặc biệt đã quan sát chúng. Cũng vậy, nói về việc chấm dứt khổ đau, và việc đạt Niết Bàn, chúng ta không nên bác bỏ hoàn toàn nay chỉ vì chúng ta chưa từng kinh nghiệm, chỉ vì chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy cả.

Ða số các bạn đều biết câu chuyện con rùa và con cá. Một hôm con rùa bò khỏi hồ nước và phơi mình một vài giờ trên bờ hồ. Khi nó xuống nước trở lại, nó liền kể cho cá nghe những gì nó thấy ở trên bờ. Cá không tin. Cá không tin có một nơi đất khô ráo không giống như nơi nó rất quen thuộc. Cá không tin có một nơi mà sinh vật đi chứ không bơi, và thở bằng không khí chứ không thở bằng nước, vân vân... Có nhiều những thí dụ lịch sử về khuynh hướng bác bỏ những điều khác với những điều chúng ta tin và quen thuộc. Sau chuyến du hành tại Viễn Ðông, Marco Polo trở về Ý, và ông bị bỏ tù vì câu chuyện của ông không đúng với những điều lúc bấy giờ người ta tin tưởng về bản chất của Vũ Trô. Khi Copernicus trình bầy lý thuyết mặt trời không quay chung quanh trái đất mà đúng ra trái đất phải quay chung quanh mặt trời, ông không được người ta tin mà còn bị chế nhạo.

Chúng ta đừng cho rằng không thể chấm dứt khổ đau và đạt Niết Bàn vì chúng ta không biết điều đó. Một khi chúng ta tin chấm dứt được khổ đau, có thể chữa được khỏi bệnh, chúng ta có thể tiến từng bước một để chữa hết bệnh. Cho đến khi nào chúng ta tin rằng có thể chữa khỏi bệnh, thì sự thành công trong việc điều trị không còn gì nghi ngờ nữa. Cho nên để nhận thức những tiến bộ trên con đường này, để chấm dứt khổ đau, ít nhất ta phải tin tưởng vào khả năng hoàn tất mục tiêu, và khả năng đạt đến Niết Bàn.

PHẦN III.2

Khi chúng ta nói đến chấm dứt khổ đau, chân lý của diệt khổ, chúng ta đang nói đến mục tiêu mà người Phật Tử đang bước tới. Trong kinh có chỗ Ðức Phật nói đại dương dù rộng lớn cũng chỉ có một vị, vị ấy là muối mặn, và giáo lý của Ngài cũng như vậy. Mặc dù những lời dạy của Ngài bao la như đại dương, nhưng chỉ có một vị, và đó là vị Niết Bàn. Như quý vị thấy, mặc dù Phật dạy rất nhiều như Tứ Diệu Ðế, ba phương pháp thực hành, lý nhân duyên, tam tướng, vân vân... tất cả giáo lý ấy chỉ có một mục tiêu, và mục tiêu đó là diệt khổ. Ðó là mục tiêu dạy trong giáo lý mà ta thấy đường hướng và mục đích đó trong đạo Phật. Chấm dứt khổ đau là mục tiêu của người Phật tử phải tu tập nhưng chấm dứt khổ đau không phải chỉ là một điều siêu việt và tối thượng.

Có lần có người hỏi chúng tôi về sự phát triển Do Thái Giáo như sau: "Xin cho biết mục tiêu cuối cùng của Do Thái Giáo và sự khác biệt giữa mục tiêu tinh thần của Do Thái Giáo và đạo Phật?" Về Do Thái Giáo, chúng tôi nghĩ phải công bình mà nói tôn giáo này có hai mục tiêu. Một liên quan đến đời sống hiện tại, được giải thích là xây dựng một vương quốc của tình thương, thịnh vượng và công bằng trên thế giới này. Mục tiêu thứ hai cao hơn liên quan đến việc lên thiên đàng sau khi chết. Nhưng trong đạo Phật, đường lối của chúng ta toàn diện hơn. Nói một cách khác, mục tiêu chấm dứt khổ đau mà Ðức Phật nói rất là rộng rãi và toàn diện theo đúng nghĩa. Vì lẽ khi chúng ta nói chấm dứt khổ đau, chúng ta muốn nói chấm dứt khổ đau tại thế, ngay bây giờ, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Chúng tôi xin nói rõ với nhiều chi tiết. Tỉ dụ, chúng ta đang trong cảnh nghèo khó, thiếu thực phẩm, thuốc men, trường học, vân vân... Có những khổ đau như sinh, đau yếu, bệnh tật, và tuổi già, chia lìa người thân, gặp gỡ những người mình không ưa. Khi chúng ta cải thiện tình trạng đó tại đây và ngay bây giờ bằng thịnh vượng, phát triển hệ thống y khoa và giáo dục, đau khổ sẽ giảm thiểu. Ðạo Phật dạy chúng ta sung sướng hay đau khổ trong cõi đời này là do những hành động trong quá khứ.

Nói một cách khác, nếu chúng ta được may mắn, đó là kết quả của những điều thiện hay những hành động lành trong quá khứ. Tương tự, những người thấy mình không may mắn vì là kết quả của những hành động bất thiện làm trong quá khứ.

Ðạo Phật dạy cách nào để chấm dứt khổ đau? Nói vắn tắt, kết quả tu tập giáo lý là một đời sống tương đối hạnh phúc. Nếu hạnh phúc là vật chất, chúng ta sẽ có những điều kiện vật chất tốt hơn, và nếu là tinh thần, chúng ta sẽ có được bình an và thoải mái hơn. Tất cả những điều này có thể đạt được ngay trong cõi đời này và ngay bây giờ. Ðó là một chiều hướng của sự chấm dứt khổ đau trong đời này. Và điều này tương đương với cái mà Do Thái Giáo gọi là vương quốc trên trái đất. Ngoài ra, chấm dứt khổ đau có nghĩa là tạo hạnh phúc và thịnh vượng cho kiếp sau. có nghĩa là tái sinh trong hoàn cảnh sung túc, hạnh phúc, thịnh vượng, khoẻ mạnh, sung sướng, thành công, vân vân... Ðiều đó có thể có được cho con người trên trái đất hay trên thiên đường. Chúng ta có thể so sánh Thiên đàng của Do Thái Giáo đã nói. Mục tiêu tiên khởi của đạo Phật là hạnh phúc và thịnh vượng trong kiếp này và kiếp sau. Nhưng mục tiêu của đạo Phật không phải chỉ có bấy nhiêu thôi và điều này khác biệt với Do Thái Giáo vì đạo Phật không những hứa hẹn hạnh phúc và thịnh vượng cho kiếp này và kiếp sau, đạo Phật chủ trương giải thoát, nhập Niết Bàn, và chấm dứt khổ đau một cách tuyệt đối, hoàn toàn và vĩnh viễn. Ðó là mục tiêu chủ yếu và tối thượng của đạo Phật.

Khi nói đến Niết Bàn, chúng ta rất khó giải thích vì khi chúng ta nói đến kinh nghiệm, và bản chất xác thực của kinh nghiệm này không thể truyền đạt được. Niết Bàn chỉ có thể tự mình biết lấy. Ðiều đó đúng cho mọi kinh nghiệm trong bất cứ trường hợp nào như những kinh nghiệm về mùi vị của muối, đường sô-cô-la, hay bất cứ gì khác. Tất cả kinh nghiệm không thể nào diễn tả cho đúng được. Tôi thường hỏi ý kiến người Tân Gia Ba về điểm này. Quý vị hãy tưởng tượng chúng tôi mới đặt chân tới một xứ có trái sầu riêng. Chúng tôi chưa bao giờ ăn trái này bao giờ. Làm sao tả đúng mùi vị của trái này khi tôi chưa bao giờ ăn? Chúng ta chỉ có thể diễn tả bằng cách so sánh hay đối chiếu hay nghĩ sai. Chẳng hạn, bạn có thể nói là sầu riêng hơi chua, và có chất bột. Bạn cũng có thể nói nó giống như trái mít, hay bạn cũng có thể nói nó không giống chuối. Cho nên chúng ta gặp nhiều khó khăn tương tự khi chúng ta giải thích Niết Bàn. Chúng ta thấy Ðức Phật và các pháp sư dùng miêu tả Niết Bàn như sau.

Ðức Phật mô tả Niết Bản là hạnh phúc tối thượng, là hòa bình, là bất tử. Giống như vậy, Ngài diễn tả Niết Bàn như không có tạo tác, không hình tướng, ở ngoài đất, nước, lửa, gió, ở ngoài mặt trời, mặt trăng, khó dò, không thể đo lường được. Cho nên chúng ta có hai lối diễn tả Niết Bàn. Một cách tích cực là chúng ta so sánh Niết Bàn với những gì ta thấy ở trên đời này như hạnh phúc tràn trề và niềm an lạc sâu xa trong tâm khảm, hoặc ta tưởng tượng Niết Bàn như là một hình ảnh thoáng qua. Mít không giống sầu riêng. Cũng vậy, chúng ta có thể nói Niết Bàn không giống một thứ gì trên thế giới này cả, và cũng không giống những gì chúng ta thấy hàng ngày. Niết Bàn không có tạo tác. Nó vượt ra ngoài mặt trời, mặt trăng. Nó vượt ra ngoài tất cả những danh xưng và hình tướng mà chúng ta thường dùng để chỉ định những gì chúng ta thấy ở trên thế giới này.

Vấn đề then chốt là phải hiểu rằng Niết Bàn chỉ do chính ta tự thấy mà thôi. Chẳng cần biết trái sầu riêng giống trái gì, chúng ta cứ ăn đi. Bàn tán, mô tả trái sầu riêng chẳng bằng cứ ăn nó đi. Ta có kinh nghiệm chấm dứt khổ đau của chính bản thân, và đường lối thực hành là loại trừ nguyên nhân sinh ra khổ đau -- những ô-trược của tham dục (Raga), sân hận (Dosha) và si mê (Avidya). Khi ta loại trừ được tất cả những nguyên nhân của khổ đau, ta sẽ đạt được Niết Bàn cho chính bản thân của chúng ta.

-ooOoo-

BÀI IV - BÁT CHÁNH ĐẠO

Làm sao diệt trừ được những nguyên nhân của khổ đau? Những phương cách nào dùng để loại trừ những ô-trược dẫn đến khổ đau? Ðó là con đường Phật dạy. Ðó là Trung Ðạo, con đường tiết chế điều độ. Quý vị nhớ lại cuộc đời của Ðức Phật có hai giai đoạn khác nhau trước khi Ngài giác ngộ. Giai đoạn trước khi Ngài từ bỏ trần tục sau khi vui hưởng một đời sống xa hoa. Chẳng hạn, Ngài có ba lâu đài, mỗi lâu đài dùng cho một mùa. Ngài sống xa hoa đến độ mà ta không thể tưởng tượng nổi. Rồi giai đoạn vàng son này thay thể bằng sáu năm tu hành cực kỳ khổ hạnh và hành xác sau khi Ngài từ bỏ thú vui trần tục để sống màn trời chiếu đất, quần áo tồi tàn và chịu đói khát trong một thời gian dài. Ngoài những thiếu thốn trên, Ngài còn chịu các đau đớn dày vò thân thể khi tu tập hành xác, khi ngủ trên giường gai, ngồi giữa đống lửa dưới cái nóng gay gắt của mặt trời lúc ban trưa. Sau khi đã có kinh nghiệm về những sự xa hoa và thiếu thốn đến cùng cực này, Ngài nhận thấy chúng thật phù phiếm, và khám phá ra con đường Trung Ðạo để tránh cực đoan của sự ham mê lạc thú và hành xác. Nhận thức bản chất của hai cực đoan đó do kinh nghiệm bản thân, Ngài tiến tới Trung Ðạo là con đường tránh cả hai cực đoan. Chúng ta sẽ thấy ở phần sau, Trung Ðạo có những phần giải thích sâu xa và ý nghĩa, nhưng quan trọng và thiết yếu nhất là sự điều hòa trong lối sống, thái độ, và mọi việc của mình.

Chúng ta thí dụ lấy ba sợi dây của một cây đàn để tượng trưng Trung Ðạo. Ðức Phật có người đệ tử tên Sona hành thiền quá sức đến nỗi không tiếp tục được nữa. Sona muốn hồi tục. Hiểu rõ vấn đề, Ngài liền hỏi: "Sona, trước khi con trở thành tu sĩ, con là một nhạc sĩ phải không?". Sona trả lời: "Thưa đúng như vậy". Ngài tiếp: "Là nhạc sĩ con biết dây đàn nào tạo âm điệu hay và du dương? Dây thật căng? '" Thưa không" Sona trả lời " Dây căng quá thì đàn không kêu và sẽ bị đứt bất cứ lúc nào". "Dây đàn trùng quá thì sao? " "Thưa dây trùng quá thì đàn cũng không kêu, muốn cho đàn kêu hay thì dây phải không căng quá và cũng không trùng quá". Cũng giống như đời sống xa hoa quá thì buông lung, và vô kỷ luật. Ðời sống hành xác thì quá khắt khe, quá căng thẳng, khiến tinh thần và thân thể suy sôp, giống như dây đàn quá căng sẽ bị đứt bất cứ lúc nào.

Ðặc biệt, con đường của người Phật Tử đi đến mục đích giống như một toa thuốc. Một vị bác sĩ giải trị một bệnh nhân đau nặng, toa thuốc không những để chữa bệnh thể xác mà còn chữa bệnh tâm thần nữa. Chẳng hạn, nếu một người đau bệnh tim, người bệnh này không chỉ chữa bằng thuốc men không thôi mà phải ăn uống kiêng khem và tránh những điều làm căng thẳng thần kinh. Lại nữa, nếu ta đọc những lời chỉ dẫn để chấm dứt khổ đau, ta thấy những lời dạy không những chỉ nói đến thân thể, hành động và lời nói, mà còn nói đến cảm nghĩ.

Nói một cách khác, Bát Chánh Ðạo Cao Quý là một con đường chấm dứt khổ đau, dễ hiểu và là một phương pháp chữa trị tổng hợp. Phương pháp này đặt ra để chữa trị bệnh qua việc loại trừ nguyên nhân, và do cách điều trị không những về thân mà cũng còn về tâm thần nữa.

Chánh Kiến (hiểu biết chánh đáng) là bước đầu của Bát Chánh Ðạo và theo sau là Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh. Tại sao lại bắt đầu bằng Chánh Kiến? Vì lẽ muốn trèo một quả núi thì ta phải nhìn thấy rõ ràng đỉnh núi. Ðiều này có nghĩa là bước đầu tùy thuộc vào bước cuối. Chúng ta phải thấy mục tiêu trong tầm mắt nếu chúng ta phải đi qua một con đường để tiến tới mục tiêu đó. Trong ý nghĩa này, Chánh Kiến chỉ hướng đi và hướng dẫn các bước theo sau. Chúng ta thấy nơi đây hai bước đầu tiên, Chánh Kiến và Chánh Tư Duy thuộc về tâm. Nhờ Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, chúng ta loại trừ si mê, tham lam và sân hận.. Chỉ nói Chánh Kiến và Chánh Tư Duy loại trừ vô minh, tham lam và sân hận chưa đủ. Chúng ta cần phải thanh tịnh thân xác để đạt đến hai đức tính này. Muốn thế, chúng ta phải tu tập sáu bước còn lại. Chúng ta thanh tịnh thân để thanh tịnh tâm dễ hơn, và khi thanh tịnh tâm, chúng ta đạt đến Chánh Kiến dễ dàng hơn.

Vì lợi ích, theo truyền thống Bát Chánh Ðạo được chia làm hai lối tu tập hay ba cách thực hành: đức hạnh (Giới), thiền định hay rèn luyện tâm (Ðịnh) và trí tuệ (Huệ). Tám bước được chia làm ba cách thực hành như sau - Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng thuộc giới hạnh; Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh thuộc về cách trau giồi tâm - Chánh Kiến và Chánh Tư Duy thuộc về trí tuệ. Vì lẽ rất cần thiết để thanh tịnh lời nói (khẩu) và hành động của chúng ta trước khi thanh tịnh tâm.

Vì Bát Chánh Ðạo là phương tiện để tiến tới mục tiêu của đạo Phật, chúng ta đi vào phần ba phương cách thực hành sau đây.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thích Tâm Quang, Chùa Tam Bảo, California, đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 03-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 06-04-2002