BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Tì-kheo Na-tiên

Thiện Nhựt


  

KINH TÌ-KHEO NA-TIÊN

C.- Phần Tìm hiểu Nghĩa Ý (tt)

IX.- Vấn-đề: Con người và thuyết Vô-ngã

Thắc-mắc to lớn nhứt trong đời người là: Con người là ai? Phật-giáo trả lời rất cương-quyết: Chẳng có gì là con người cả. Một trong ba đặc-tướng của vũ-trụ là vô-ngã.

Trong phần Tìm hiểu về vấn-đề nầy đã được cuốn sách ''Tì-kheo Na-Tiên'' nêu ra và giải-quyết như thế nào, xin xét qua các tiểu-mục:

số 051: ''Cái gì'' là Người?
số 052: Mắt và tâm cùng thấy;
số 053: Giác-quan và tâm phối-hiệp nhau;
số 054: Vui-sướng nghĩa là gì?
số 055: Giác-tri là gì?
số 056: Sở-niệm là gì?
số 057: Thế nào là nội-động?
số 058: Các tâm-niệm phối-hiệp nhau rồi chẳng tách ra riêng từ món được;
số 060: Năm giác-quan;
số 061: Tại sao có sự bất-bình-đẳng giữa loài người?
số 063: ''Lộc riêng'' phải chăng là Nghiệp-lực?
số 075: Sa-môn giữ-gìn thân, chớ chẳng mến thân;
số 096: Phân-tách kỹ thân-tâm ra, đó là vô-ngã chăng?

Xem các tiểu-mục nêu trên theo thứ-tự trước sau, ta thấy có được sự may-mắn là trọn vấn-đề được xét thẳng một mạch, liên-tục, từ trang 43 cho đến trang 51; một sự may-mắn mà ta rất ít gặp nơi quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' nầy, vì các câu hỏi tùy-hứng của vua Di-Lan, gặp đâu hỏi đó, nên toàn-bộ cuộc vấn-đáp giữa hai người có vẻ hơi thiếu mạch-lạc phần nào.

Thế thì, trong 13 tiểu-mục vừa nêu trên, ý-nghĩa chánh-yếu của cuộc đàm-luận giữa vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên là gì? Khi giải-đáp các thắc-mắc của nhà Vua, vị Tì-kheo đặt trọng-tâm vào việc chứng minh rằng, nơi thân-tâm con người chẳng hề có một chút gì, vật-chất hay tinh-thần, mà thường-hằng và tự-lập, chẳng thay-đổi trong thời-gian con người đó còn sanh-hoạt.

Muốn chứng-minh điều ấy, Na-Tiên đã phân-tách thân-tâm con người ra các bộ-phận, và chỉ cho thấy rõ: (1) chẳng có yếu-tố nào làm chủ cả; (2) các hoạt-động của con người đều do sự phối-hiệp giữa các yếu-tố vật-chất và tâm-linh, chẳng thấy có ai hoặc cái gì đứng ra làm chủ-chốt để ta có thể gọi ai đó hoặc cái gì đó là một con người đang có các hành-động ấy.

Kết-luận tất-nhiên của lập-luận chứng-minh nầy phải là sự Vô-ngã, chẳng có ''cái Ta'' của con người, mặc dầu thuyết vô-ngã nầy chẳng được Tì-kheo Na-Tiên minh-thị nói rõ thêm ra trong sách.

*

150.- Thế-gian chẳng có ''người''.

Bắt đầu bằng câu hỏi của Vua Di-Lan, nơi tiểu-mục số 051:

- Người ở thế-gian là có ''người'' hay là chẳng có ''người''?

Câu trả lời của Na-Tiên rất là quả-quyết, phủ-nhận hoàn-toàn:

- Xét nghĩ cho kỹ, thế-gian chẳng thể nào có ''người'', thì gọi ''ai'' hay ''cái gì'' là ''người'' cho thích-hợp được.

Câu trả lời phủ-định của vị Tì-kheo chẳng giải-tỏa được thắc-mắc của nhà Vua, nên Vua hỏi tiếp:

- Mạng sống trong thân là ''người'' chăng?

Có lẽ, nhà Vua nhìn thấy các sanh-vật chung quanh đây, sở dĩ khác với các vật vô-tri như sỏi, đá, là ở chỗ có ''cái gì đó'' bên trong các sanh-vật ấy đã làm cho chúng hoạt-động được, chớ chẳng như các thi-thể nằm chết bất-động. ''Cái gì đó'' đã thúc-đẩy hành-động của sanh-vật, nên nhà Vua mới gọi là mạng sống, và nơi loài người, mạng sống ấy nằm trong thân người. Vì thế, nhà Vua mới nghĩ ra và hỏi Na-Tiên: ''Mạng-sống trong thân đó là người chớ gì?

Na-Tiên bác-bỏ ý phỏng-đoán đó của Vua Di-Lan về mạng sống trong thân là con ''người'', bằng một tràng lý-luận rất dài-dòng, mà ta có thể tóm-tắt lại như vầy: Nếu mạng sống nằm ngay tại mắt, hay tại giác-quan khác, cớ sao một giác-quan như mắt, hoặc tai, hoặc mũi,.. chẳng thể vừa nghe, ngửi, nếm, sờ... Rồi Na-Tiên đi đến kết-luận:

- Người theo mắt thấy hình-sắc, tâm-thần chuyển-động, tâm-thần chuyển-động tức sanh sướng-khổ, cùng với ý-niệm hiệp lại; tai, mũi, miệng, ý cũng cùng hiệp nhau lại làm cho tâm-ý có ý-niệm là tâm-thần chuyển-động. Tâm-thần chuyển-động tức sanh sướng-khổ, tòng theo sướng-khổ mà sanh ra ý, ra niệm, cứ triển-chuyển cùng nhau mà thành, ắt chẳng hề có một vị chủ thường-hằng nào cả.

Xin hãy tìm hiểu ý-nghĩa của lời kết-luận trên của Na-Tiên, và sẽ đưa ra nhận-xét có liên-quan đến lý-thuyết vô-ngã tiếp theo đó.

Khi Na-Tiên bảo ''Tâm-thần chuyển-động'', tức là nói đến cái ''mạng sống'', mà Vua Di-Lan muốn nói đến, đang thúc-đẩy các hành-động trên thân-thể. Sự chuyển-động của tâm-thần đó đã được Na-Tiên vạch rõ là do sự ''phối-hiệp giữa các gíác-quan: mắt, tai, mũi, miệng, ý, cùng hiệp nhau lại làm cho tâm-ý có ý-niệm là tâm-thần chuyển-động''. Vậy thì, khiến cho tâm-thần phải chuyển-động chính là sự phối-hiệp giữa tất cả giác-quan, chớ đâu phải là mạng sống tại một giác-quan.

Khi Na-Tiên bảo, ''Tâm-thần chuyển-động tức sanh sướng-khổ; tòng theo sướng-khổ mà sanh ra ý, ra niệm, cứ triển-chuyển cùng nhau mà thành, ắt chẳng hề có một vị chủ thường-hằng nào cả.'', ta nên chia câu nầy ra bốn đoạn ngắn, để tìm hiểu:

a.- ''Tâm-thần chuyển-động tức sanh sướng-khổ'': đây là lúc các cảm-giác tại các giác-quan được chuyển vào ý-thức nơi tâm, để trở thành tri-giác, tức là sự ''sướng-khổ'' đó;

b.- ''tòng theo sướng-khổ mà sanh ra ý, ra niệm'': đây là lúc có sự phối-hiệp tại tâm, ảnh-hưởng của mỗi tri-giác, hoặc sướng, hoặc khổ, chịu thêm ảnh-hưởng của các tri-giác khác, hoà-hiệp nhau lại mà tạo thành một tâm-trạng chung, gọi đó là ý, niệm.

c.- ''cứ triển-chuyển cùng nhau mà thành'': đây là lúc tâm-trạng chung được phát-triển và biến-đổi theo ảnh-hưởng của mỗi tri-giác mà thúc-đẩy thành ra hành-động; '' cùng nhau mà thành'' tức là cái tâm-trạng chung của các tri-giác phối-hiệp lại cùng nhau mà thành ra hành-động''.

d.- ''ắt chẳng hề có một vị chủ thường-hằng nào cả'': đây chính là kết-luận tất-nhiên phải đi đến: chẳng hề có một ''ai'' hoặc một ''cái gì'' chẳng bị biến-đổi, còn hoài ở đó (=thường-hằng) đứng ra làm ''chủ'' điều-khiển mọi việc, từ cảm-giác ở các giác-quan, qua sự phối-hợp thành tâm-trạng chung, cho đến khi sanh ra hành-động. Nơi mỗi giai-đoạn tâm-sanh-lý nầy, chỉ thấy các yếu-tố từ bên ngoài (cảm-giác) và các yếu-tố bên trong (tri-giác, tâm-trạng) hoạt-động phối-hợp nhau mà thôi.

Đã chẳng có ''ai'' làm vị chủ thường-hằng nơi thân-tâm nầy, thì gọi thân-tâm nầy là vô-chủ, vô-ngã, chẳng đúng hay sao?

Sau đây là phần nhận-xét về tiểu-mục số 051, về: ''Cái gì'' là ''Người''?:

1) Để bác-bỏ câu nói của vua Di-Lan: Mạng sống trong thân là con ''người'', Na-Tiên đã dùng sáu giả-thiết: nếu mạng sống ở mắt, ở tai, ở mũi, ở miệng, ở thân và ở thức, để chứng-minh rằng ở mỗi một trong sáu căn đó, mạng-sống chẳng hoàn-toàn làm chủ được, hoặc chỉ thấy ở mắt, hoặc chỉ nghe ở tai, mà chẳng thể dùng mắt để nghe, để ngửi, nếm,.. và như thế, đáng lý ra Na-Tiên phải nên đi đến kết-luận là ''mạng-sống nếu nằm ở một trong các căn thì đâu thể nào là một ''con người'' cho đầy-đủ trọn-vẹn được'', nhưng rất tiếc là Na-Tiên lại chỉ trách nhà Vua rằng: ''Lời nói của Đại-Vương trước sau chẳng tương-ứng nhau'' mà thôi, khiến cho người nghe, bị chìm ngập trong sáu giả-thiết quá dài-dòng, chẳng thấy ra được cái kết-luận tất-nhiên vừa kể đó.

2) Na-Tiên lại đưa ra ba thí-dụ: (1) Ngồi trong tòa điện nầy, nếu phá rộng các cửa, vách ra, mắt có thể nhìn thấy xa được; nhưng nếu mở bét mắt lớn ra, vểnh tai rộng thêm ra, nghểnh mũi to ra, lè lưỡi dài ra, banh da cho rộng ra, khai ý cho bao-quát ra, thì cũng chẳng thể nào thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ, nghĩ, được thêm ra chút nào. Khi kể xong thí-dụ nầy, đáng lý Na-Tiên đi đến kết-luận, nếu ''mạng sống'' ở các căn, thì sao con ''người'' có ''mạng sống'' đó vẫn còn bị giới-hạn khi các căn được mở rộng?; đằng nầy Na-Tiên chỉ biết trách nhà Vua ''lời nói của Đại-Vương trước sau chẳng tương-ứng nhau'' mà thôi.- (2) Nhìn thấy người giữ kho vua đứng trước mặt, rồi khi anh ta quay đi, nhà Vua cũng biết rõ lúc anh còn trước mặt, lúc anh đi khỏi. Kể xong thí-dụ nầy, Na-Tiên chẳng thấy có kết-luận nào về thí-dụ đó (và lần nầy chẳng thấy trách Vua hai lời nói chẳng được tương-ứng). Đúng ra, thí-dụ nầy cho ta thấy, khi mắt nhìn đối-tượng bên ngoài, cảm-giác được truyền vào tâm, phối-hiệp với thức mà trở thành tri-giác, bấy giờ sẽ tạo nên một tâm-trạng bên trong. Đây là một thí-dụ chỉ cho thấy rõ sự phối-hiệp nơi tâm, giữa ba yếu-tố có tánh-cách tâm-sanh-lý: trần (= người giữ kho), căn (= mắt vua nhìn) và thức (= tâm vua nhận-thức), tạo thành một tâm-trạng; và chính tâm-trạng đó đưa đến hành-động của ý ( là biết) tiếp theo.- (3)Thí-dụ thứ ba lại khá ''buồn cười'': có thùng rượu ngon, đè cổ một người rồi nhận đầu y vào thùng, và hỏi kẻ bị đè cổ đã ''thưởng-thức'' rượu ra sao! Kẻ ấy làm sao mà biết vị rượu ngon hay dở được, đã bị sặc muốn chết mà còn hỏi? Nhưng thí-dụ nầy chỉ cho ta thấy sự triển-chuyển của tâm-trạng do sự phối-hiệp, của ba yếu-tố tâm-sanh-lý, ở bên trong: bị đè cổ, lại sặc rượu là yếu-tố sanh-lý, làm khởi lên cảm-giác khó thở, khiến cho việc lưỡi nếm được vị của rượu, bị che-mờ khuất mất nơi thức, nên chẳng thể ''thưởng-thức'' nổi rượu ngon hay dở (yếu-tố tâm-lý). Nhưng Na-Tiên lại chẳng nêu ra cho ta thấy rõ sự phối-hợp của các yếu-tố và sự triển-chuyển bên trong tâm-thần, mà chỉ tiếp-tục trách nhà Vua trước sau nói chẳng tương-ứng.

3) Thiện Nhựt thấy có hai thí-dụ giản-dị, dễ hiểu, có thể giúp ta hé thấy được phần nào chơn-lý vô-ngã nơi thân-tâm năm uẩn nầy. Đó là hai câu chuyện, một thuộc về địa-hạt nhơn-sanh, một thuộc về thời-tiết:

a.- Vua muốn chọn người làm quan giữ kho-tàng, truyền lịnh cho các ứng-viên mặc quần-áo nhẹ, mỏng, đi ngang qua một hành-lang hẹp, có ánh-sáng lờ-mờ, hai bên vách để rất nhiều vật kim-châu bảo- ngọc. Khi ra khỏi đường hầm, ai bước đi nhẹ-nhàng thoăn-thoắt là người ngay-thẳng. Còn ứng-viên nào bước nặng-nề vì sợ các vật quí-giá lấy trộm dấu trong mình rơi xuống, là những kẻ có tham-tâm. Những gì đã xảy ra trong khoảng hành-lang lờ-mờ ánh-sáng? Mắt nhìn thấy bảo-vật (căn và trần phối-hiệp) bụng khởi lòng tham (thức làm khởi lên tâm-sở tham) tay đớp lấy, dấu kín vào người (gây thành hành-vi bất-thiện). Thời-gian họ đi ngang qua hành-lang, chính là lúc mà sự phối-hợp của các yếu-tố tâm-sanh-lý đang triển-chuyển để biến thành hành-vi bất-thiện. Chỉ có các yếu-tố tâm-sanh-lý đang hoạt-động, chớ chẳng thấy ''con người'' nào nằm bên trong thân-tâm các ứng-viên đã thúc-dục họ vì tham-tâm mà hành-động bất-chánh.

(Thú-tội: Thiện Nhựt đã lén ăn cắp mẩu chuyện trên đây trong nền văn-chương Pháp-quốc, tại một tác-phẩm của văn-hào Voltaire)

b.- Trời vần-vũ sắp mưa. Gió to, sét chớp nhoáng, sấm nổ ầm-ầm. Rồi mưa ào ào đổ xuống. Người bình-dân ít học thì bảo: óng Trời giận đánh bà Trời, bà Trời khóc! nên mưa to. Kẻ mê-tín, ghiền truyện Tàu bảo: Bắc-hải Long-vương (vua Rồng) đang huy-động Vân-đồng (thần mây), Điển-mẫu (bà sấm-sét) và Thủy-thần (thần nước) hóa ra một trận mưa to! Một hiện-tượng thời-tiết, có gió, có sấm-sét, có mây mưa, ngày nay khoa-học giải-thích: khí trời nóng, hơi nóng bốc lên gặp khí lạnh thành gió chuyển, hơi nước gặp nắng bốc lên không, gặp khí lạnh rơi xuống thành mưa. Nào có đâu ông Trời với bà Trời đánh nhau, nào có thấy bóng-dáng của chú Vân-đồng, bà Điển-mẫu, Thủy-thần với Ngài Long-vương?

c.- Hai thí-dụ cho thấy: (a) ở địa-hạt tâm-sanh-lý, chỉ có sự phối-hợp giữa các yếu-tố bên ngoài và bên trong, sanh ra tâm-trạng, rồi triển-chuyển đưa đến hành-động, chớ nào có một ''con người'' ẩn-núp trong thân-tâm năm-uẩn nầy để chủ-xướng ra hành-động. - (b) ở địa-hạt thời-tiết, chỉ có sự chênh-lệch giữa áp-suất không-khí mới gây nên gió, mưa, bão-tố, chớ nào có vai-trò nào của thần-thánh.

4) Một điểm quan-trọng trong giáo-lý nhà Phật là Lý Duyên-sanh theo đó, bất cứ một sự-việc nào xảy ra cũng phải có nguyên-nhân: ''cái nầy có, nên cái kia có; cái nầy diệt, nên cái kia diệt''. Vì chẳng thấu-triệt được mối liên-hệ chặt-chẽ giữa nguyên-nhân hậu-quả cho rõ ràng, nên ta thường có những lối giải-thích các hiện-tượng một cách sai-lạc, rời xa sự-thật. Một trong những ý-kiến sai-lạc nầy là ngã-kiến, cho rằng trong thân-tâm nầy có ẩn-tàng một ''con người'', một cái ''Ta'', một cái ''Ngã'', đứng làm chủ mọi hành-động, rồi lại chính cái ''Ngã'' ấy lại được đi đầu-thai để tiếp-tục cuộc sống mãi mãi mà hưởng-thọ. Sự sai-lầm của ngã-kiến là chẳng xét trong thân-tâm nầy, mọi hành-động, từ vật-chất đến tinh-thần, cũng đều có nguyên-nhân cả, hoặc do yếu-tố vật-chất, hoặc do yếu-tố tâm-linh, chớ thật chẳng hề do một người nào ở trong thân-tâm nầy chủ-xướng. Nói lên sự vắng-bóng của ''con người'' trong thân-tâm nầy, chính là lý-thuyết vô-ngã. Bao giờ người học Phật bỏ đi được sự chấp-thủ vào cái ngã, cũng như người trí-thức đã bỏ được lối giải-thích sai-lầm của kẻ ngu như ''khi trời mưa, cho là ông Trời đánh bà Trời'', thì bấy giờ mới thấy được, rõ-ràng và thênh-thang, con đường giác-ngộ và giải-thoát do đạo Phật chủ-trương.

*

151.- Từ nhãn-thức đến ý-thức .

Sau tiểu-mục dài và khó vừa qua, ta lại đến một tiểu-mục kế, số 052, chẳng kém rắc-rối, mặc dầu vấn-đề, nếu xét kỹ ra, chẳng quá phức-tạp. Tiểu-mục kế nầy bàn về Mắt và Tâm cùng thấy.

Nhắc lại: sau khi được Na-Tiên giải-tỏa thắc-mắc ''chẳng có cái gì gọi là con người trong thân-tâm nầy cả'', Vua Di-Lan lại hỏi:

- Khi con người mắt thấy, thì mắt và tâm có cùng nhau phát-sanh hay không?

- Dĩ nhiên, cả hai đồng thời cùng phát-sanh.

- Mắt thấy trước hay là tâm thấy trước?

- Mắt thấy trước, tâm thấy sau.

(Thiện-Nhựt xin mở một dấu ngoặc: Vua và Na-Tiên đang nói đến nhãn-thức ý-thức. Phật-học, theo Nam-tông, phân-biệt sáu sự hiểu-biết gọi là sáu thức: (1) nhãn-thức (thấy ở mắt), (2) nhĩ-thức (nghe ở tai), (3) tĩ-thức (ngửi ở mũi), (4) thiệt-thức (nếm ở lưỡi), (5) thân-thức (xúc-chạm trên thân) và (6) ý-thức (sự hiểu-biết nơi tâm-ý). Năm thức trước, Bắc-tông gọi là tiền ngũ thức (tiền= trước; ngũ= năm; thức= biết), xảy ra tại năm giác-quan ở bên ngoài; còn ý-thức, là thức thứ sáu, ở bên trong tâm, thường có tánh-cách phối-hiệp.)

Câu hỏi kế-tiếp của Di-Lan có vẻ hơi ''ngớ-ngẩn'':

- Cả hai có nói với nhau như vầy chăng? Mắt nói với Tâm, chỗ tôi thấy trước, anh nên theo sau mà thấy. Tâm nói với Mắt, chỗ anh đã thấy, tôi nên theo đó mà thấy sau.

- Cả hai chẳng nói với nhau gì hết.

Nếu ta cho câu hỏi của vua Di-Lan là ''ngớ-ngẩn'', thì câu trả lời vắn-tắt của Tì-kheo Na-Tiên như trên cũng quá đủ rồi. Nhưng thắc-mắc của nhà Vua chẳng phải ''ngớ-ngẩn'' đâu, khi Ngài hỏi tiếp:

- Khanh há chẳng có nói, ''đồng thời cùng nhau phát-sanh'' hay sao? Vì cớ gì mà cả hai lại chẳng nói với nhau như vậy?

Chỗ thắc-mắc của nhà Vua chẳng ''ngớ-ngẩn'' chút nào, vì nhà Vua nghĩ rằng, nếu chẳng có ''nói với nhau'' trước, thì tại sao Tâm lại biết nhìn thấy đúng vào chỗ mà Mắt đã thấy? Nhưng phải chăng lời-lẽ của nhà Vua còn quá đơn-sơ, khi Ngài bảo, Mắt nói với Tâm, và Tâm nói với Mắt; làm sao mà hai cơ-quan vật-lý (mắt) và tâm-lý (tâm) lại có khả-năng biết nói cho được? Lẽ ra, nhà Vua nên hỏi như vầy: ''Khanh nói cả hai, Mắt và Tâm, đồng-thời cùng nhau phát-sanh, thì có phải chăng là đã có một sự liên-lạc, một sự cảm-ứng, giữa hai nơi Mắt và Tâm? Nếu vấn-đề được đặt ra như thế, thì có lẽ bốn thí-dụ dài-dòng, rắc-rối về (1) nước chảy theo xuống dưới; (2) hai người cùng đi theo hướng cửa; (3) đi theo vết xe trước; (4) tính-đếm theo số, của Na-Tiên chẳng còn cần-thiết nữa vì quá rườm-rà.

Sao lại hỗn-hào dám bảo bốn thí-dụ của Na-Tiên là chẳng còn cần-thiết và rườm-rà? Trước, hãy xét qua bốn thí-dụ Na-Tiên đưa ra nhằm chứng-minh rằng, Mắt và Tâm chẳng nói với nhau gì hết.

1.- Trên núi cao có mưa lớn. Sau trận mưa đầu, nước theo triền núi chảy xuống. Đến trận mưa sau, nước cũng chảy xuống, theo con đường mà nước trước đã chảy. Nước trước, nước sau có nói gì với nhau đâu, mà cùng chảy xuống theo phiá dưới. Rồi Na-tiên kết-luận: ''Mắt và Tâm cũng lại như thế, chẳng nói gì với nhau. Đó gọi là đi theo xuống dưới.''

2.- Thành-trì chỉ có một cửa ra vào. Một người ra trước, đi theo hướng cửa mà ra khỏi thành. Kẻ khác, đi sau, cũng đúng theo lối hướng cửa mà ra. Cả hai chẳng có dặn bảo gì với nhau, mà cùng theo hướng cửa. Rồi Na-Tiên kết-luận: ''Mắt và Tâm cũng lại như thế, chẳng có nói với nhau gì cả. Đó gọi là đi theo hướng cửa. Tai, mũi, miệng, thân và ý, cũng lại như thế.''

3.- Trên một con đường, xe đi trước, bánh lăn để lại vết trên mặt đường. Xe đi sau lăn bánh theo vết xe trước. Hai xe đâu có nói gì với nhau. Rồi Na-Tiên cũng kết-luận: ''Cũng vậy, Mắt chẳng nói với Tâm, ... tai, mũi, miệng, thân và tâm, cũng chẳng nói gì với nhau.

4.- Thí-dụ thứ tư: ''đi theo số'' rất khó hiểu. Na-Tiên bảo: ''Theo số là tính đếm. Sách vở, học vấn là số. Tai, mắt, mũi, miệng, thân, tâm từ từ biết rõ, rồi cùng hiệp lại sáu sự-việc đó cho đến khi thành chỗ hay-biết, mà chỗ hay-biết nầy chẳng phải chỉ tòng theo sự hay-biết của mỗi một nơi nào cả.'' Nghe xong, vua khen: ''Lành thay!'' Chẳng biết Vua đã hiểu thí-dụ nầy như thế nào mà lại khen, chớ riêng Thiện Nhựt còn ngu-dốt lại thấy khó hiểu quá. Nơi bản dịch Anh-văn của N.K.G. Mendis, thí dụ thứ tư nầy được dịch như sau:

''As, sire, a beginner is clumsy in the crafts of reckoning on the fingers, calculation, reckoning and writing, but after a time by practice in careful working he becomes deft, even so, sire, it is through practice that where eye-consciousness arises there too mind-consciousness arises. There is no conversation between them. They arise because of practice.''

''Tâu Bệ-hạ, như kẻ mới học nghề còn vụng-về trong các kỹ-xảo về ước-tính trên đầu ngón tay, sự tính-toán, ước-lượng, và viết-lách, nhưng sau một thời-gian bằng sự thực-tập làm việc cẩn-thận, người ấy trở nên khéo-léo; mặc dầu vậy, tâu Bệ-hạ, chính nhờ sự thực-tập mà nơi nào nhãn-thức phát-khởi thì ý-thức cũng phát-khởi theo. Chẳng hề có cuộc nói chuyện nào giữa chúng cả. Cả hai phát-khởi do sự thực-tập.''

Bây giờ, giả-dụ như ta quên phứt đi năm hàng chữ Việt ở đầu trang 196 nầy, và lấy ý và lời của bản Anh-văn, thì ta có thể hiểu được thí-dụ thứ tư nầy, một cách dễ-dàng: Mắt và Tâm chẳng nói gì với nhau cả; chính do sự thực-tập mà nhãn-thức và ý-thức cùng nhau phát-khởi lên đồng-thời.

Nhưng mà chẳng lẽ tác-giả quyển ''Na-Tiên Tì-kheo Kinh'' lại chẳng thấy chỗ ''dài-dòng và rườm-rà'' của bốn thí-dụ đó mà lại viết ra tiểu-mục số 052, dài như thế. Tác-giả có thâm-ý muốn chứng tỏ một điều gì đây mà ta chưa kịp nhìn thấy để hiểu chăng? Tiểu-mục 052 tiếp theo Tiểu-mục số 051 nói về ''Cái gì là ''người''?'', trong đó tác-giả chứng-minh nơi thân-tâm nầy chẳng có ''ai'' hoặc ''cái gì'' đã làm, đã nói, như ''con người'' cả, mà chỉ có các yếu-tố tâm-sanh-lý phối-hiệp nhau mà đưa đến các hành-vi của thân, miệng, và ý thôi. Chính tại nơi Tiểu-mục số 052 nầy, lại một lần nữa, tác-giả muốn chứng-minh: khi mắt thấy, chẳng có ''ai'' hoặc ''cái gì'' đã nói, từ mắt đến tâm, cả; chỉ có nhãn-thức khởi lên gây thành một cảm-ứng đến tâm, khiến cho ý-thức cùng phát-khởi theo. Mấy yếu-tố vật-lý, sanh-lý, và tâm-lý (mắt thấy vật đối-tượng, nhãn-thức, ý-thức, tâm) đó phối-hợp nhau ở tâm, khiến cho ý-thức khởi lên, rồi mới có sự hay-biết đang thấy vật. Chỉ có thế, chớ chẳng có ''người'' nào nói lên điều gì cả. Nếu vấn-đề chỉ là như thế, thì tại sao ta chẳng chọn một vài thí-dụ khác, để chỉ rõ mối liên-lạc giữa mắt (nhãn-thức) với tâm (ý-thức), và sở dĩ mắt đã thấy và rồi tâm cũng hay-biết rằng đang thấy theo, đó là do sự phối-hiệp ở bên trong tâm giữa nhãn-thức với ý-thức mà thành ra tri-giác: thấy?

Trí thô-thiển của Thiện Nhựt nghĩ ra được một thí-dụ, chẳng biết có thích-hợp cho vấn-đề nêu trên hay không:

- Một nút bấm-điện có dây điện nối liền với một động-cơ. Gần nút bấm-điện có một bóng đèn nhỏ, phát cháy lên khi có luồng điện chạy qua dây. Bật nút bấm-điện, đèn cháy và động-cơ quay. Khi thấy đèn cháy, có ''ai'' đã đứng đó quát lên bảo với động-cơ phải chạy chăng? Nguyên-nhân làm động-cơ quay chính là luồng điện đã chạy qua dây rồi đến động-cơ làm cho máy nầy phát-động lên. Nếu chẳng có dây điện, nếu chẳng có luồng điện, làm gì máy chạy được. Cùng thế ấy, mắt nhìn vật, cảm-giác nầy được truyền vào trong, do hệ-thống thần-kinh từ mắt đến não, khiến cho tâm bên trong nhận-biết là mắt đang thấy vật: mắt như bóng đèn ở nút bấm-điện; sợi dây truyền điện cũng như hệ-thống thần-kinh, động-cơ cũng tựa như não và tâm bên trong. Như thế, ta thấy rõ, nhãn-thức được truyền vào trong tâm, nơi đây ý-thức liền phối-hiệp với cảm-giác mà thành ra một tri-giác: hay-biết rằng đang thấy vật được mắt nhìn đến.

Độc-giả khó tánh sẽ bảo, quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' được soạn cách đây gần hai ngàn năm, làm gì nhơn-loại đã biết đến điện-khí mà đưa ra một thí-dụ như thế. Thế thì, Thiện Nhựt xin nói lại, để phù-hợp với sức hiểu-biết của người ít học ngày xa-xưa: Ngoài cổng chùa có sợi dây chuyền vào cửa chùa bên trong, đầu dây nầy buộc vào một cái chuông. Hễ có ai giựt-giựt đầu dây ngoài cổng, thì chuông bên trong chùa kêu bon-bon, sẽ có người ra mở cửa. Kẻ muốn vào chùa, người ra mở cổng, hai người đâu có nói gì với nhau, sao lại cùng biết là có khách muốn vào chùa? Chẳng qua, có cái chuông. Nhưng mà, giá mà dây chuông bị cắt đứt, giá mà chẳng giựt-giựt đầu dây, chú tiểu trong chùa có biết mà ra mở cổng chăng?

Thiện-Nhựt thấy hai thí-dụ '''vô-duyên'' của mình cũng đã quá dài, và quá rườm-rà lắm rồi, nên chỉ biết chắp tay lại sám-hối và nguyện- cầu cho người đọc nhìn thấy ra được lẽ vô-ngã nằm ẩn-sâu trong bốn thí-dụ của Na-Tiên: chẳng có ''ai''trong thân-tâm nầy cả!

*

152.- Giác-quan và tâm phối-hiệp sanh ra sướng-khổ .

Vua lại hỏi Na-Tiên:

- Mắt người khi nhìn thấy, có cùng với sự sướng-khổ sanh ra một lượt chăng?

- Mắt thấy và sự sướng-khổ đồng sanh ra, đều theo nhau hiệp lại mà sanh ra.

- Thế nào là hiệp?

Câu hỏi của nhà Vua và lời giải-đáp của Na-Tiên đều qui về sự phối-hiệp của nhãn-thức với ý-thức nơi tâm, sanh ra cảm-thọ: sướng hay khổ. Tiểu-mục số 053, trang 48 nầy tiếp-tục khai-triển ý-chánh của vấn-đề: ''Con người và thuyết Vô-ngã''; tiếp-tục và khai-triển ở điểm: các cảm-thọ sướng hay khổ là do sự phối-hiệp của nhãn-thức (hoặc các thức khác) nơi ý-thức ở tâm, chớ chẳng có một ''người'' nào trong thân-tâm nầy đã gây ra và gánh chịu lấy cảm-thọ đó cả.

Lời đáp của Na-Tiên tiếp theo đã giải-thích, bằng hai thí-dụ, thế nào là hiệp. Điều đáng tiếc là Na-Tiên chẳng nhân cơ-hội nầy để khai-triển thêm thuyết vô-ngã, thêm một lần nữa, để người học Phật thấy cho tường-tận, cảm-thọ chỉ là cảm-thọ (tức là một yếu-tố tâm-lý của thân-tâm), chớ cảm-thọ chẳng phải là ''người'' đang có cảm-thọ đó.

Na-Tiên đưa ra hai thí-dụ về sự phối-hiệp (giống với Xúc trong Lý 12 Nhân-Duyên): (1) hai bàn tay nắm nhau lại, một ví cho mắt, một thế cho hình-sắc, hiệp nhau lại thành phối; (2) hai hòn đá hiệp nhau; một hòn làm tâm, một hòn làm ý-chí, cả hai hiệp nhau thành phối.

Kế đó, Vua lại hỏi Na-Tiên, nơi tiểu-mục số 054:

- Sướng có mấy loại?

Na-Tiên chẳng trả lời có mấy loại vui-sướng, chỉ giải-thích thế nào và khi nào, thì sướng. Theo Na-Tiên, vui-sướng là tự-mình giác-tri, tức là tự mình biết mình... sướng.

Rồi Na-Tiên kể ra hai thí-dụ về khi nào sướng: (1) kẻ hiền-lành, tận-tâm phục-vụ Vua, được Vua ban thưởng tiền-bạc. Kẻ ấy đem tiền ra tiêu-phí, tự-nghĩ ta phụng-sự Vua, được Vua thưởng tiền, nên ta vui sướng; (2) người làm điều thiện, nói lời thiện, tâm-niệm thiện được sanh lên cõi Trời, hưởng mọi lạc-thú, tự nghĩ mình nay sung-sướng là nhờ khi còn ở trần-gian lúc nào cũng tuân theo điều thiện.

Đến Tiểu-mục số 055, Vua hỏi tiếp:

- Giác là như thế nào?

Câu trả lời của Na-Tiên rất ngắn: Tòng theo sự hiểu-biết là giác. Và Na-Tiên đưa ra thí-dụ người giữ kho vua biết trong kho có bao nhiêu vàng bạc, châu ngọc... đó gọi là giác-tri. Vua Di-Lan khen: ''Lành thay!''.

Nhưng Thiện Nhựt thấy chưa thoả-mãn về thí-dụ và lời giải-thích về giác, giác-tri, của Na-Tiên. Chưa thỏa mãn ở điểm nào?

1.- Chữ Hán-Việt Giác có nghĩa là hiểu-biết, được chánh-thức dùng trong Phật-học để dịch chữ Phạn Bodhi, giác, giác-giả; tức là người đã giác-ngộ và giải-thoát như Đức Phật. Theo ý nầy, (1) Tự-giác là tự mình đã hiểu thấu lẽ sống chết được giải-thoát khỏi cảnh Khổ của Luân-hồi: đây là người biết tu-hành theo đạo Phật. (2) Giác-tha đem sự giác-ngộ của mình ra chỉ dạy cho kẻ khác, để họ được giác-ngộ theo: đây là hạng Bồ-tát. (3) Giác-hành viên-mãn là việc tự-giác cùng với công-cuộc giác-tha đã thi-hành xong trọn-vẹn: đây là bực đại-giác, tức là Đức Phật.

2.- Chữ Hán-Việt giác-tri được Vua Di-Lan và Na-Tiên dùng để chỉ sự hiểu-biết, thì trong hai chữ ''giác'' ''tri'', cả hai đều có nghĩa là hiểu-biết cả; nếu nói cả hai, thì thừa-thãi đi một chữ. Nhưng nếu sắp thứ-tự trước sau lại, để giác-tri thành ra tri-giác thì ý-nghĩa của chữ nầy được dùng trong Phật-học lại khác hẳn. Vì tri-giác là một yếu-tố tâm-lý trỏ vào việc một cảm-giác từ một giác-quan bên ngoài đưa vào bên trong tâm, phối-hiệp với ý-thức, trở thành một tri-giác. Trong năm uẩn của thân-tâm, thọ-uẩn gồm có các cảm-giác; còn tưởng-uẫn chính là sự tập-họp của các tri-giác. Thí-dụ: khi có cảm-giác nóng ở tay, tâm thấy khó chịu mới sanh ra khổ, đó là tri-giác.

3.- Còn thí-dụ của Na-tiên về người giữ kho vua, người ấy biết trong kho có bao nhiêu vàng bạc, châu báu, v.v. sự hiểu-biết đó, nói cho đúng nghĩa đen của danh-từ nầy thì chẳng phải là tri-giác, hoặc giác-tri được; sự hiểu-biết đó chẳng qua chỉ là một kiến-thức, nằm sẵn trong ý-thức, hoặc trong tiềm-thức của anh ta mà thôi.

Kế-tiếp là tiểu-mục số 056, Vua hỏi Na-Tiên:

- Con người có sở-niệm của mình. Có bao nhiêu sở-niệm?

Na-Tiên chẳng trả lời có bao nhiêu sở-niệm? mà chỉ giải-thích nhân khi nào mà có sở-niệm. Na-Tiên bảo, con người có sở-niệm, nhân vì có sở-tác. Rồi đưa ra hai thí-dụ: (1) một người pha thuốc độc rồi uống, hoặc cho kẻ khác uống, thì mình bị khổ, kẻ kia cũng khổ; (2) kẻ làm ác, lại dạy người khác cũng làm ác, khiến cho cả hai phải sa địa-ngục.

Mục-tiêu-mục của tiểu-mục nầy là chỉ cho thấy rõ ảnh-hưởng của ý-định khởi lên trong tâm đưa đến hành-động bên ngoài. Hễ có ý-định ác thì hành-động sẽ ác theo.Ngược lại nếu có ý-định lành, thì sẽ làm hành-động thiện.

Thiện Nhựt thiển nghĩ: chữ sở-niệm đây, mặc dầu chẳng được Na-Tiên định-nghiã, nhưng nó mang lấy ý-nghĩa của chữ ý-định. (Theo nghĩa gốc, sở-niệm = sở là chỗ; niệm là nghĩ nhớ trong lòng; còn sở-tác = sở là nơi, tác là làm, là có hành-động). Nếu ta xét chữ sở-niệm của Na-Tiên dùng theo khiá-cạnh: ý-định trong lòng, thì tiểu-mục số 056 nầy sẽ dễ hiểu hơn, vì ý-định đưa đến hành-vi thiện hoặc ác.

Đến tiểu-mục số 057: Thế nào là nội-động? phải thú-thật là lời văn trong Bản Phỏng-dịch mù-mờ và hơi khó hiểu. Nhưng cứ xin chép lại đoạn nầy và thử đề-nghị một lối tìm hiểu khác:

Vua hỏi Na-Tiên:

- Thế nào là nội-động?

- Ý-chí bên trong nổi lên là nội-động.

- Động và Hành thời ra sao?

- Thí-dụ như chậu đồng, nồi đồng có người đến đốt nấu lên; các khí-cụ đó phát ra tiếng và có dư-âm, đó là hành. Con người cũng như vậy, ý-chí khởi lên, nhân đó mà có hành-động.

Vua khen: Lành thay!

1)- Trước hết, xin tìm hiểu nghĩa chữ của các danh-từ quan-trọng:

a.- Nội-động có nghĩa là chuyển-động ở bên trong. Cái gì chuyển động? Câu trả lời của Na-Tiên nói rõ: đó là ý-chí bên trong nổi lên.

b.- Ý-chí là gì? Đó là ý-muốn quyết-tâm hành-động, một yếu-tố tâm-lý ở trong tâm.

c.- Động là gì? Đó phải là ''ý-chí bên trong nổi lên'' vừa nói.

d.- Hành là gì? Hành nghĩa thường là làm; ở đây có lẽ nói đến các hành-động được làm ra bên ngoài.

e.- Dư-âm là gì? Nghĩa đen là âm-thanh vẫn còn kéo dài, tuy nhỏ hơn tiếng nghe lúc ban đầu. Tại đây, chữ dư-âm trỏ vào Hành.

2)- Kế đó, Ý-chánh của tiểu-mục nầy là gì? - Đó là: ''Ý-chí khởi lên trong tâm đưa đến hành-động bên ngoài.'' Ý-chánh nầy có liên-hệ với tiểu-mục trước (số 056) nói về sở-niệm sở-tác, tức là có chỗ nghĩ ác thì làm ác, có chỗ nghĩ thiện thì làm lành. Vậy mục-tiêu của tiểu-mục nầy là bổ-túc cho tiểu-mục trước: chỉ rõ thêm, sở-niệm (chỗ nghĩ thiện-ác), chịu ảnh-hưởng của ý-chí khởi lên (nội-động) mà có hành-động ra bên ngoài (sở-tác).

3)- Giờ đây, nếu tóm-tắt hai tiểu-mục liên-tiếp lại, ta thấy tác-giả muốn nói: ''Khi trong tâm khởi lên ý-chí, một yếu-tố tâm-lý như các sở-niệm khác ở trong tâm (lúc đó gọi là nội-động) thì đưa đến các hành-động (sở-tác) thiện hay ác ở bên ngoài.'' Như vậy, chung qui vấn-đề chỉ giản-dị là: ''Vì ý-chí mạnh hơn các sở-niệm khác, khi đang động-tâm, nên đưa đến sở-tác, tức là hành-động thiện-ác bên ngoài.''

4)- Còn lại cái thí-dụ nồi đồng đun sôi có ý-nghĩa gì? - Cái nồi đồng đun nước sôi sùng-sục ví với cái tâm-trạng đang động ở bên trong (nội-động); khi bớt lửa, tiếng nước reo còn văng-vẳng (dư-âm), được ví với các hành-động thiện-ác ở bên ngoài.

5)- Sau khi tìm hiểu nghĩa ý của tiểu-mục số 057 xong như trên, Thiện Nhựt nhân khi thấy nói đến nội-động, xin có vài nhận-xét, liên-quan đến Tâm, nhìn hai dưới khiá-cạnh: (a) giáo-lý Phật-học và (b) Tâm-lý-học hiện-đại.

a.- Giáo-lý Phật-học chia thân-tâm con người ra làm hai phần: (1) thân, gồm các phần về vật-chất, gọi là sắc, kể chung hết các bộ-phận trên thân là sắc-uẩn; (2)tâm, gồm các yếu-tố tinh-thần, vô-hình, phân ra bốn nhóm: thọ-uẩn (các cảm-giác), tưởng-uẩn (các tri-giác), hành-uẩn (các tâm-sở), và thức-uẩn (các sự hiểu-biết bên trong). Như thế, tâm chẳng phải là một bộ-phận, hay cơ-quan nào riêng-biệt mà do bốn uẩn kia kết-hợp lẫn-lộn lại. Vì lẽ đó, vào bất kỳ một lúc nào, tình-trạng hỗn-hợp của tâm cũng khó giữ cho yên-tịnh được, bởi các yếu-tố tâm-lý cứ thay phiên nhau khởi lên, kéo dài rồi qua đi, khiến cho tâm-trạng (= tình-trạng của tâm ) cứ liên-miên thay đổi mà chính cá-nhơn đó cũng chẳng ngờ và hay-biết rõ đến được. Sự thay-đổi của tâm-trạng đó, được gọi là nội-động, sự biến-động xảy ra bên trong. Thế cho nên, khi Tì-kheo Na-Tiên gọi ý-chí khởi lên là nội-động, có lẽ chẳng chính-xác cho lắm; vì ý-chí chỉ là một yếu-tố tâm-lý cũng như các yếu-tố khác, (trong Phật-học gọi các yếu-tố tâm-lý là các tâm-sở); các tâm-sở nầy cũng có thể khởi lên trong tâm như ý-chí vậy. Trong các yếu-tố tâm-lý, có thứ mạnh, có thứ yếu, có thứ dai-dẳng, có thứ phớt qua; nhưng ý-chi vừa mạnh-mẽ lại vừa bền-bỉ, cho nên mới đưa tới được hành-động ra bên ngoài.

Nhân nói tới nội-động, sự biến-động trong tâm, ta tự-hỏi, có một tình-trạng tâm nào được hoàn-toàn yên-ổn, vắng-lặng chẳng bị biến-động không, tâm-trạng an-tịnh đó gọi là gì, và có cách nào để tu-tập cho được an-tâm? - Tâm chẳng bị nội-động, an-ổn, vắng-lặng, được gọi là tâm an, khi nào tất cả các ý-niệm dừng lại, và hành-giả sắp bước vào định, nên còn gọi là định-tâm. Khi tu-tập theo ba môn học vô-lậu là Giới-Định-Huệ hết sức chuyên-cần, thì hành-giả chẳng những đắc được định-tâm trí-huệ cũng được phát-triển thêm. Bước đầu trong việc tu-tập theo Giới-Định-Huệ là làm sao cho chánh-niệm lúc nào cũng luôn sáng-tỏ trong tâm. Chánh-niệm là một niệm chánh, niệm đó có nhiệm-vụ chiếu soi lên các tâm-sở khác, qui-tụ được tâm-tư vào trong khung-cảnh: đây bây giờ, khiến cho các vọng-niệm phải chìm lặng xuống. Tu-tập là giữ sao cho thân-tâm lúc nào cũng tỉnh-táo, biết rõ-ràng rằng mình ngay bây giờ đang làm gì, đang nghĩ gì đây. Chỉ có thế mà thôi! Nhưng nên biết rằng, giữ được chánh-niệm hăm bốn giờ trong ngày, thì chỉ có bực đại-giác như chư Phật, chư Bồ-tát mới làm được. Sao lại khó như vậy? Vì lòng người luôn luôn chuyển-động, ngay cả trong giấc ngủ cũng còn nằm mơ.

b.- Tâm-lý-học hiện-đại chia tình-trạng củaTâm ra làm ba vùng hay là ba bình-diện: (1) vùng ý-thức, sáng-tỏ mà ta có thể hay-biết rõ được các ý-tưởng, kiến-thức, hoặc tình-cảm nào hiện có mặt nơi tâm; (2) vùng tiềm-thức, lờ-mờ, mà các tư-tưởng, tình-cảm, hiểu-biết, tuy chẳng còn nhớ thấy được rõ-ràng, nhưng chúng có thể trồi trở lên, hơi mơ-hồ, tại vùng ý-thức lại; (3) vùng vô-thức, mờ-mịt, tuy các tình-cảm, tư-tưởng, kiến-thức, nay chẳng còn nhớ nghĩ rõ đến được nữa, nhưng chúng có thể gặp lúc bất-thần nào đó có đủ cơ-duyên thì trở lại vùng tiềm-thức hay vùng ý-thức.

6)- Và trước khi tạm kết-thúc việc tìm hiểu tiểu-mục số 057 nầy, Thiện-Nhựt xin nhắc lại một mẩu chuyện lý-thú trong Pháp-Bảo-Đàn có liên-quan đến vấn-đề nội-động. Nơi Phẩm I, Hành-Do, Kinh Pháp-Bảo-Đàn, có thuật việc Lục-Tổ Huệ-Năng, bấy giờ còn là cư-sĩ, đến chùa Pháp-Tánh. Trước sân chùa, gió thổi ngọn phướn phất-phơ, có hai vị Tăng đang tranh-cãi nhau. Người nói, ''gió động'', kẻ cãi lại, ''phướn động'', tranh-luận nhau mãi chẳng thôi. Huệ-Năng bước ra nói: ''Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm hai ông đang động đấy!'' Mọi người kinh-ngạc nhìn vị cư-sĩ quê-mùa nói một câu chí-lý. Pháp-sư Ấn-Tông, trụ-trì chùa Pháp-Tánh, nghe mọi người bàn-tán, mới ra mời Ngài Huệ-Năng lên ngồi trên chiếu và trọng-đãi. Sau đó, nhà sư nhận ra vị cư-sĩ nầy chính là Lục-Tổ, nên bái nhận Ngài làm ''Thầy'', rồi mới làm lễ thí-phát cho.

Tại sao: ''chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động''? (Phướn, chữ Hán-Việt là phan, hoặc tràng phan, tức là lá cờ dài, hẹp, treo lên cao, đòng-đưa theo ngọn gió). ''Chẳng phải gió động'', vì làm sao mà biết có gió động, nếu chẳng thấy có lá phướn phất-phơ cuốn bay theo cơn gió? ''Chẳng phải phướn động'', vì còn chưa thấy rõ cái gì đã làm cho phướn phải lung-lay? Hóa ra sự chuyển-động ở bên ngoài, mà hai nhà Sư đang tranh-cãi, đúng ra, là do ở nguyên-nhân hỗ-tương giữa gió và phướn; chấp riêng vào gió cũng sai, mà chấp riêng vào phướn cũng lầm. Còn chỗ đúng-đắn nhứt, mà ít người trông thấy ra được, lại chính là sự chuyển-động ở bên trong tâm (sự nội-động) của hai vị Tăng: tâm họ đang ôm chặt ý-kiến riêng của mình để chống-đối lại ý-kiến của kẻ kia. Xét thấu tận đến tâm của những kẻ khác, có lẽ chỉ các bực đã giác-ngộ như Ngài Lục-Tổ, mới nhìn được và thấy ra sự nội-động ở trong cả hai tâm-trạng của hai vị tu-hành còn cố-chấp đó.

*

153.- Các tâm-sở đã phối-hiệp rồi chẳng tách ra được .

Nhắc lại: Vấn-đề IX: ''Con người và thuyết Vô-ngã'' đang được cứu-xét từ tiểu-mục số 051, đến tiểu-mục số 058, sắp được ta tìm hiểu, đều có mục-đích chứng-minh rằng trong thân và trong tâm nầy chẳng hề có một ''con người'' nào cả, mà chỉ có các yếu-tố tâm-sanh-lý đã phối-hiệp nhau đưa đến sự cảm-nhận, sự suy-nghĩ và hành-động, tựa hồ như có một ''con người'' đang cảm-nhận, đang suy-nghĩ và đang hành-động vậy.

Nơi tiểu-mục số 058, Vua hỏi Na-Tiên:

- Hiệp, trí, niệm, ý, động, những thứ đó hiệp nhau lại, rồi sau muốn phân-biệt mỗi thứ ra được chăng?

- Nếu đã khiến hiệp nhau lại rồi thì chẳng phân-biệt ra mỗi thứ được nữa.

Rồi để chứng-minh, Na-Tiên lấy một thí-dụ ... khá ''ngon-lành''! Vua sai đầu-bếp nấu canh, canh phải có nước, thịt, hành, tỏi, gừng, muối, bột. Canh nấu xong dưng lên, Vua bảo lấy vị gừng riêng ra, để nếm, có được không? Lấy riêng làm sao được? Canh đã nấu rồi, đâu có thể tách mỗi vị riêng-biệt ra được.

Na-Tiên liền kết-luận:

- Các sự-việc ấy lại cũng như thế, một khi đã hiệp chung thành một rồi thì chẳng thể lấy riêng ra được, đây là sướng-khổ, đây là trí, đây là động, đây là ý-niệm.

Câu hỏi của nhà Vua, lời đáp và thí-dụ của Na-Tiên cần được đào sâu thêm:

1)- Các tâm-sở: hiệp, trí, niệm, ý, động, do nhà Vua đưa ra, đem so với các thuật-ngữ dùng trong Phật-học ngày nay, thì lời nói của Vua chẳng được chính-xác cho lắm:

a.- Hiệp: khi một giác-quan đối trước với vật đối-tượng bên ngoài, có sự tiếp-xúc; sự tiếp-xúc giữa giác-quan và đối-tượng, trong Phật-học ngày nay ta gọi đó là Xúc. Vậy thay vì nói Hiệp như trong bản dịch Hán-Văn, ta thấy nếu Na-Tiên dùng chữ Xúc, thì sẽ phù-hợp với Lý Mười Hai Nhân-Duyên hơn, vì khi có Lục-nhập (tức là sáu căn, hay là sáu giác-quan), thì sẽ có Xúc, tức là sự tiếp-xúc của Lục-nhập với đối-tượng.

b.- Trí: Vua và Na-Tiên dùng các chữ chí, giác, giác-tri, trí như cùng một nghĩa với nhau, để nói đến các tri-giác trong Phật-học. Thế nào là tri-giác? - Khi các cảm-giác tại các giác-quan được truyền vào tâm, liền có sự phối-hợp giữa ý-thức với các thức ở giác-quan, để tạo thành tri-giác, nghĩa là, tâm đang nhận-biết hiện có cảm-giác ở ngoài vào. Rồi từ sự nhận-biết đó mà sự sướng-khổ khởi-sanh lên.

c. Niệm Y: Hai chữ nầy thật ra chẳng khác gì nhau, thông-thường ta thấy khi nói một niệm tức là muốn nói đến một ý, hoặc một tư-tưởng. Trong Phật-học, ý, hay niệm, hay tư-tưởng, đều là những tâm-sở, hiện-diện trong một thời-gian nơi tâm, và có ảnh-hưởng đến tâm-trạng của cá-thể. Nếu ta hiểu hai chữ Y Niệm như trong Phật-học ngày nay, thì hai chữ Niệm, Y trong câu hỏi của nhà Vua nêu ở tiểu-mục số 058, tất phải có một chữ thừa-thải, vì trùng với chữ kia.

d.- Động: chẳng biết nhà Vua muốn hỏi chữ Động là theo ý chữ nội-động mà Na-Tiên đã cắt nghĩa như là ý-chí, hay là theo nghĩa chữ động trong hành-động? Nếu năm chữ ''hiệp, trí, niệm, ý, động'' nói đến các tâm-sở, thì chữ động, chữ thứ năm trong năm chữ, phải có nghĩa là ý-chí, tức là ý-muốn quyết-tâm sẽ làm, nhưng còn chưa làm; còn nếu chữ động, chữ thứ năm ấy, lại chỉ về một động-tác bên ngoài, thì đó là một hành-động, đã biểu-hiện ra ngoài rồi, chớ chẳng còn ở trạng-thái một tâm-sở bên trong nữa.

e.- Tóm-tắt lại việc tìm hiểu về năm chữ ''Hiệp, trí, niệm, ý, động'' trong câu hỏi của vua Di-Lan, ta thấy ý nhà Vua muốn hỏi như vầy: từ các cảm-giác bên ngoài đưa vào tâm cho đến lúc thành ra các tri-giác, thì các tâm-sở đã được phối-hiệp nhau rồi, có thể nào phân-tách riêng ra lại từng món được nữa không?

2)- Tại sao các tâm-sở phối-hiệp thành một tâm-trạng chung thì chẳng thể tách riêng ra được? Na-Tiên đã dùng lý-luận tương-tự để trả lời câu hỏi vừa nêu đó: món canh thịt ''ngon'' kia có nhiều gia-vị đã nấu chín xong rồi, các món gia-vị đã hoà-tan hết trong nước canh thì làm sao tách riêng ra được. Cách lập-luận tương-tự nầy dùng chỗ giống nhau giữa canh tâm-trạng, để chứng-minh sự bất-khả-phân của nhiều tâm-sở đã được phối-hiệp; nhưng lập-luận tương-tự ấy đã chẳng vạch rõ được, để cho ta thấy, tại sao chẳng thể nào phân-tách nổi. Lý-do ''chẳng thể tách ra được'' là vì, từ bước đầu ở các cảm-giác, qua các giai-đoạn kế: tri-giác, sướng-khổ, rồi đến ý-chí, để chuyển thành hành-động, thì các tâm-sở vừa được kể đó đã bị biến-thái, chịu ảnh-hưởng lẫn nhau rồi phối-hiệp lại với nhau mà thành một tâm-trạng chung; và tâm-trạng chung nầy, tuy do các yếu-tố tâm-sở trước mà có, nhưng các yếu-tố đó đã cùng biến-thái theo tâm-trạng, đâu còn giữ y nguyên nữa, mà hòng tách ra để tìm lại. Vậy, để bổ-túc cho lập-luận tương-tự của Na-Tiên, ta nên nói thêm:

''Các sự-việc lại cũng như thế, một khi đã hiệp chung nhau lại làm một rồi, thì chẳng lấy riêng ra được'' ... Vì các tâm-sở đã phối-hiệp nhau thành tâm-trạng chung, nay đã biến-thái theo tâm-trạng, nên chẳng còn giữ nguyên-trạng nữa. Do vậy, chẳng thể tách rời chúng riêng ra được.

3)- Trước khi kết-thúc việc tìm hiểu tiểu-mục số 058, xin được phép nói sơ qua về các Tâm-sở. Tâm-sở là gì? Tâm là lòng; sở là chỗ; tâm-sở là những gì hiện đang có mặt ở trong lòng. Theo Duy-Thức-học của Phật-giáo Bắc-Tông, tâm-lý con người chia ra làm 6 tâm-vương 51 tâm-sở. Tâm-vương là các hoạt-động chánh của sáu thức: nhãn-thức, nhĩ-thức, tị-thức, thiệt-thức, thân-thức ý-thức. Còn tâm-sở là các hoạt-động phụ-thuộc khởi lên tiếp theo các tâm-vương; thí-dụ, nhãn-thức nhận biết thấy có bông hồng, liền khởi ý-muốn ngắt bông hồng đó; khởi lên ý-muốn đó là tâm-sở tác-ý.

Một cách tổng-quát, 51 tâm-sở chia thành (1) tâm-sở thiện, như tâm-sở tín (tin-tưởng), tâm-sở tinh-tấn (cố gắng), tâm-sở tàm (biết thẹn với lòng mình), và (2) tâm-sở bất-thiện, như tâm-sở tham, tâm-sở sân...

*

154.- Vai-trò của các giác-quan .

Nhắc lại: qua các tiểu-mục từ số 051 đến số 059 060 sắp tìm hiểu ở đây, Vua Di-Lan và Na-tiên bàn về các giác-quan và tâm, làm khởi lên tri-giác, sướng-khổ đưa đến hành-động. Chính các cảm-giác tại giác-quan ở ngoài, các tri-giác, sướng-khổ ở trong tâm, đã chủ-động khiến cho cá-thể có sự nhận-biết đưa đến hành-động ở bên ngoài; tuyệt-nhiên chẳng có một ''ai'', hoặc một ''cái gì'' đã đứng ra nhận-biết hay hành-động cả: đó là thuyết vô-ngã, cho rằng bên trong thân-tâm nầy, chẳng có cái ''Ta'', cái ''Ngã'' chủ-động nào cả. Tiếp theo đây là hai đoạn văn trong quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' xét về vai-trò và ảnh-hưởng của các giác-quan đến thân-tâm nầy.

Nơi tiểu-mục số 059, nhan-đề Vị của muối, có một đoạn nói về vai-trò của mắt. Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Người dùng mắt nhìn muối có thể riêng biết vị của muối chăng?

- Đại-Vương có thể biết được mhư thế không?... Mắt chẳng thể nào biết được vị của muối ...

Đây là một điều thường-thức hết sức sơ-đẳng mà ai ai cũng biết: vai-trò riêng-biệt của mỗi giác quan. Mắt chỉ để nhìn, tai chỉ để nghe, mũi chỉ để ngửi, lưỡi chỉ để nếm, thân để xúc-chạm ...

Nhưng câu hỏi của nhà Vua đâu phải chỉ hỏi về điều sơ-đẳng đó, mà là: mắt nhìn thấy muối, có biết muối mặn không? Tức là, có phải là do nhờ mắt nhìn thấy được muối, rồi liền biết được ngay vị mặn của muối không? Chắc-chắn là mắt chẳng biết được vị; nhưng khi mắt nhìn thấy muối, thì tại sao ta lại có thể biết ngay là muối mặn? Câu trả lời là: mắt chỉ thấy muối, còn tâm thì biết vị của muối là mặn. Như thế, từ mắt vừa thấy, đến tâm biết vị của muối, đã có những gì xảy ra, hay là đã có ''ai'' hoặc ''cái gì''xen vào làm cho biết được vị? Người hiểu biết đôi chút về Tâm-lý-học sẽ trả lời dễ-dàng: Mắt chỉ có nhiệm-vụ là nhìn thấy; còn nơi Tâm ý-thức phối-hợp cảm-giác mắt cùng với ký-ức (= nhớ lại, vì trước kia đã có lần nếm muối rồi, nên nay biết nó mặn) mà tạo nên tri-giác: biết muối mặn. Quá-trình tâm-lý nầy, Phật-học diễn-tả lại dưới hình-thức sau đây: Mắt (nhãn-căn) nhìn đối-tượng muối bên ngoài, khởi lên cảm-giác thấy muối, cảm-giác nầy truyền vào tâm, gặp ý-thức (đang nhận-biết rằng mắt đang thấy muối), phối-hợp với hồi-niệm (= kinh-nghiệm cũ có lần nếm muối mặn), và tri-giác biết vị của muối là mặn liền khởi lên trong tâm, khiến cho kẻ thấy muối liền biết ngay là muối mặn.

Kế đó, nơi tiểu-mục số 060, Vua lại hỏi Na-Tiên về các tri-giác:

- Nơi thân con người, dùng ngũ tri thành mọi sự-việc, hay là làm một sự-việc mà thành?

Câu hỏi nầy quá mù-mờ, chẳng cho thấy rõ-ràng ý người hỏi đã muốn hỏi gì. Ngũ tri đây có nghĩa là năm tri-giác, do các cảm-giác từ các giác-quan bên ngoài đưa vào, phối hợp với ý-thức bên trong tâm mà thành. Nói cách khác, tại các căn (= giác-quan), nhãn-thức, nhĩ-thức, tị-thức, thiệt-thức, thân-thức truyền cảm-giác vào tâm, cùng với ý-thức kết-hợp lại thành ra nămtri-giác. Nay nếu ta hiểu nghĩa chữ ngũ tri là năm tri-giác, do từ các cảm-giác ở năm căn bên ngoài (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) đưa vào, kết-hợp với ý-thức bên trong tâm mà thành, thì câu hỏi của nhà Vua có nghĩa là: con người dùng năm tri-giác mà thành mọi sự-việc, hay là chỉ cần một tri-giác mà thôi?

Lời Na-Tiên đáp lại cũng chẳng kém mù-mờ, khó hiểu:

- Làm thành mọi sư-việc, chớ chẳng phải do một sự-việc mà thành.

Nếu ta hiểu chữ ''sự-việc'' đây là các tâm-trạng còn ở bên trong, hoặc các hành-động đã lộ ra bên ngoài, thì lời đáp của Na-Tiên có nghĩa là, mọi ''sự-việc'' đều do cả năm tri-giác phối-hợp lại mà thành, chớ chẳng phải chỉ do một tri-gác. Điều nầy cũng dễ hiểu, vì mọi tâm-trạng đều do các tâm-sở kết thành, trong số các tâm-sở đó hoặc có một tri-giác hoặc nhiều tri-giác. Hay là mọi hành-động cũng đều do nhiều tri-gác bên trong thúc-đẩy ra bên ngoài, chớ chẳng phải chỉ riêng có một tri-giác. Hiểu theo lối nầy thì mới phù-hợp với ý-nghĩa trong tiểu-mục trước nói về trong nước canh đã nấu chín, chẳng thể tách riêng ra từng vị được, vì đã có sự phối-hợp giữa các vị-nếm rồi. Tiểu-mục số 060 nầy chỉ nhắc lại cái ý-tưởng phối-hợp đó, chung cho cả năm loại tri-giác, tạo nên hai thứ ''sự-việc'' là (1) tâm-trạng, và (2) hành-động. Thế thôi! Và ta lại thấy thí-dụ trồng ngũ cốc trên một thửa đất, do Na-Tiên đưa ra thêm, cũng chẳng còn cần-thiết nữa.

*

155.- Sự bất-bình-đẳng nơi loài người .

Tiếp theo nơi tiểu-mục số 061, Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên, vì sao có sự bất-bình-đẳng trong loài ngưuời; có người đẹp kẻ xấu, người sang kẻ hèn, người khoẻ-mạnh, kẻ tàn-tật, người được tôn-kính kẻ bị khinh-khi... Tì-kheo Na-Tiên đưa ra thí-dụ cây cối có trái chua quả ngọt, có đắng, có cay, và loài người cũng lại như vậy. Lý-do của sự bất-bình-đẳng, có sẵn từ lúc mới ra đời và lại kéo dài cả cuộc sống, đó là vì, theo lời Đức Phật dạy:

- Tùy người làm điều thiện-ác mà tự mình phải đắc được điều thiện-ác ấy; có người hào-quí, có người bần-cùng, tất cả đều do mạng sống đời trước đã làm điều thiện-ác, mỗi người đều tùy theo đức-hạnh của mình mà được như thế.

Ta thấy lời Đức Phật dạy về sự bất-bình-đẳng, mà Na-Tiên nhắc lại đây, thường được nghe giảng trong Giáo-lý về lý-thuyết Nghiệp-quả: bởi đời trước làm điều bất-thiện nên nghiệp-quả đã dẫn dắt tái-sanh vào chỗ khốn-khó, phải gánh-chịu lấy ác-nghiệp, tức là ảnh-hưởng còn sót lại của các hành-vi cố-ý xấu-ác ở đời trước. Chính thuyết nghiệp-quả nầy đã giải-thích được, một cách hữu-lý, sự chênh-lệch giữa thân-phận của mọi người. So với các thuyết khác, định-mạng, hoặc ngẫu-nhiên, thuyết nghiệp-quả có phần cao-thâm hơn:

- vì thuyết nghiệp-quả tôn-trọng và đề-cao tự-do cá-nhân: hạnh-phước con người đâu có lệ-thuộc vào một đấng Thượng-đế nào đã áp-đặt sẵn, mà chính mình tự-tạo nghiệp ra lấy cho mình để gánh-chịu: lúc đầu mình làm chủ tạo ra nó, về sau nó trở lại làm chủ mình.

- vì tin ở thuyết nghiệp-quả, hành-động của con người trở nên đứng-đắn hơn, có tinh-thần trách-nhiệm hơn, biết giữ-gìn đức-hạnh cho thanh-cao hơn.

- vì thuyết nghiệp-quả đã giải-thích một cách rất ư công-bằng sự bất-bình-đẳng trong thân-phận của mọi người: đời nầy cứ tha-hồ làm ác, rồi đời sau sẽ phải chịu khổ, thì trách ai?

*

156.- ''Lộc riêng'' hay là chính đó là Nghiệp-lực?

Tiểu-mục số 063, khá dài, tuy bàn về chuyện lửa ở dưới địa-ngục, nhưng nếu suy-nghĩ kỹ lại, thì thấy ý-chánh của tiểu-mục có liên-quan đến một khiá-cạnh của nghiệp-lực. Vua Di-Lan đang thắc-mắc về địa-ngục, nên mới hỏi Na-Tiên như vầy:

- Chư sa-môn các khanh có nói, lửa ở thế-gian chẳng giống với lửa ở địa-ngục. Lại nói, cầm một hòn đá nhỏ đốt trong lửa ở thế-gian mãi cho đến chiều tối, cũng chẳng tiêu-tan, mà cầm một hòn đá lớn đốt trong lửa địa-ngục thì tiêu-tan ngay được. Do đó, Ta chẳng thể tin được. Các khanh cũng lại nói, người làm ác, khi mất, phải chịu sa vào địa-ngục hằng ngàn vạn năm còn chưa chết tiêu được; do đó, Ta lại càng chẳng thể tin lời nói đó được.

Sự thắc-mắc của nhà Vua gồm có hai điểm: (1) lửa ở thế-gian chẳng giống với lửa địa-ngục; (2) thời-gian mạng sống ở thế-gian và địa-ngục khác nhau. Thắc-mắc chính-đáng đó có thể được giải-tỏa ngay được phần nào, bằng một câu trả lời giản-dị: thế-gian và địa-ngục là hai cảnh-giới hoàn-toàn khác nhau, vì thế, lửa thời-gian ở hai nơi phải khác nhau. Tuy nhiên câu trả lời đó lại gây thêm một thắc-mắc khác:

Hai cảnh-giới thế-gian và địa-ngục đó khác nhau như thế nào, và làm cách sao mà biết được?

Đến cái thắc-mắc mới nầy, thì xin chịu thôi (!), chẳng thể nào làm cho người thế-gian biết rõ được cảnh-giới ở địa-ngục, trừ phi có một người còn sống đi vào được địa-ngục rồi trở về thuật lại những gì đã nghe thấy nơi cảnh-giới ấy: một việc chẳng có thường-nhơn nào ở thế-gian nầy làm được cả.

Vì chẳng thể nào trỏ cho người ở thế-gian thấy được việc xảy ra ở điạ-ngục, Na-Tiên phải dùng lý-luận tương-tự để chứng-minh rằng:

(1) ngay tại thế-gian nầy, có những sự-vật vẫn còn tồn-tại được, trong khi các sự-vật khác, cùng một hoàn-cảnh, lại bị tiêu-tan;

(2) ở địa-ngục cũng thế, tội-nhơn chịu cực-hình chết đi sống lại trong thời-gian rất dài mà chẳng tiêu-tan.

Căn-bản của lập-luận tương-tự nầy là các bào-thai trong bụng mẹ cứ tiếp-tục nẩy nở trong bụng mẹ, mà các thực-phẩm do mẹ ăn vào trong bụng lại được tiêu-hóa hết. Chỗ tương-tự mà Na-Tiên muốn nhấn mạnh đến là, cùng trong bụng mẹ, thai-nhi thì còn, mà thực-phẩm lại tiêu-tan. Na-Tiên đưa ra rất nhiều thí-dụ mang thai, từ giao-long cái, giáp-ngư cái, sư-tử cái, cọp cái, chó cái, trâu cái, ngựa cái,... cho đến các vị phu-nhơn, có bà trưởng-giả ''có bầu'' cứ ăn-uống như thường mà thai-nhi vẫn được trưởng-dưỡng, trong khi các thực-phẩm thì bị tiêu-hóa ra ngoài. Lý-do là các thai-nhi nhờ có ''lộc riêng'' mà tồn-tại được. Và sau mỗi thí-dụ đó, Na-Tiên nhắc đi nhắc lại nhiều lần cái kết-luận về việc xảy ra ở địa-ngục:

- Người nơi địa-ngục cũng lại như vậy, sở dĩ ngàn vạn năm chẳng chết tiêu là do ở đời trước làm việc ác còn chưa được giải hết, vì thế mà chẳng chết tiêu. Người ở nơi địa-ngục, lớn lên ở địa-ngục, rồi già-nua cho đến tận thì mới chết được.

Chẳng biết vua Di-Lan đã hiểu chữ ''lộc riêng'' như thế nào và lập-luận tương-tự của Na-Tiên cho rằng ''lộc riêng'' đó giống với ''việc ác còn chưa được giải hết'' có ''thấm vào'' trí hiểu-biết của nhà Vua chút nào không, mà nhà Vua lại khen lập-luận ấy: Lành thay!

Thiện Nhựt lại nghĩ khác, vì Giáo-lý và khoa-học dường như chẳng chấp-thuận sự giải-thích bằng lập-luận tương-tự như thế đó.

Sản-khoa trong y-học dạy rằng, khi mang thai, nếu mẹ dùng đến thực-phẩm hay dược-phẩm nào có tánh-chất kỵ-thai, có thể bị ... hư thai.

Về mặt Giáo-lý, Phật-học có dạy, nơi lý-thuyết Mười Hai Nhân-Duyên, khi có mặt Vô-minh thì Hành (= hành-nghiệp) nổi lên; khi Hành khởi-sanh thì Thức (= nghiệp-thức) phát-động và đi vào bào-thai nơi bụng mẹ mà trở thành Danh-sắc (= thai-nhi) có được mạng sống. Chính mạng-sống cùng nghiệp-thức đã khiến thai-nhi lớn lên để sau nầy sanh ra khỏi bụng mẹ. Vậy, có lẽ chữ ''lộc riêng'', mà Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên đã dùng, trỏ ngay vào sự phối-hợp giữa hành-nghiệp mạng sống đó chăng? Nhưng theo nghĩa đen của chữ Hán-Việt, ''lộc'' là phước riêng của một cá-nhơn, như nói ''người được hưởng lộc'', như gọi người chết là ''thất lộc''. Thiện Nhựt lấy làm lạ tại sao tác-giả, hay dịch-giả Hán-văn, chẳng dùng đến chữ ''Nghiệp'' thay thế cho chữ ''lộc'' trong quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' nầy, mà lại lấy chữ ''lộc'' vừa tốt vừa quí ở thế-gian đây, để ví với ''tội cũ'' đã vừa xấu lại vừa dữ còn chưa được giải-tiêu ở địa-ngục kia.

Nếu còn có người thắc-mắc, làm sao biết chắc có địa-ngục, và địa-ngục ra làm sao, thì tưởng nên căn-cứ vào Giáo-lý mà nói: những người đắc-đạo như Ngài Mục-kiền-liên chẳng hạn, có thể dùng phép thần-thông mà vào ra điạ ngục để thăm mẹ, như trong Kinh Vu-lan có nhắc đến. Và khi mình tu chưa đắc-đạo, tưởng cũng chẳng nên nôn-nóng muốn biết sự-việc ở các cảnh-giới khác, sao lại chẳng chịu nhớ rằng, việc cần-cấp hiện giờ là phải chuyên-cần tinh-tấn tu-tập ngay?

*

157.- Nên có thái-độ nào đối với thân-tâm nầy?

Như đã xét qua các tiểu-mục vừa kể trong Vấn-đề IX nầy: Con người và thuyết Vô-ngã, thân-tâm nầy đã là vô-ngã, chẳng có chủ, thì đối với nó, ta nên có thái-độ như thế nào. Đó là ý-chánh của tiểu-mục số 075, phần Phỏng-dịch. Tiểu-mục nầy cách xa các tiểu-mục vừa cứu-xét, nhưng ý-chánh lại liên-quan đến vấn-đề mà ta đang tìm hiểu.

Vua hỏi Na-Tiên:

- Sa-môn có mến-thương thân-thể của mình chăng?

- Sa-môn chẳng tự thương-mến thân mình.

- Sa-môn đã chẳng mến-thương thân mình, cớ sao khi nghỉ-ngơi lại muốn nằm nơi êm-ả, khi ăn uống lại muốn vật ngon của đẹp, tự săn-sóc mình như thế?

Câu hỏi nầy của Vua, tuy xác-đáng, nhưng có hơi ''mỉa-mai'' một chút, cho nên lời đáp của Na-Tiên cũng khá ''dí-dỏm'' để đối lại. Na-Tiên hỏi ngược lại nhà Vua: Khi nhà Vua ra trận bị thương thì làm sao? Vua đáp, thì băng-bó vết thương lại. Na-Tiên hỏi tiếp:

- Đại-Vương vì mến-thương vết thương mà dùng thuốc, dùng cao và bông gòn băng-bó vết thương chăng?

- Ta chỉ mong-muốn vết thương mau lành, chớ đâu có mến-thương nó.

- Sa-môn cũng lại như vậy, chẳng mến-thương thân mình; tuy ăn uống, tâm chẳng vui-khoái... mà chỉ muốn cho thân-thể khoẻ-mạnh để có thể phụng-hành giới-luật, kinh-kệ của Phật...

Rồi nhân đó, Na-Tiên trích-dẫn một đoạn Kinh: ''Thân người có chín lỗ hổng, tựa như chín vết đâm của mâu-thương; từ nơi chín lỗ đó chảy ra chất dơ hôi-thúi...''

Ta đã biết, thân-tâm nầy là vô-thường, sẽ có ngày tan-rả, nhưng nó rất quí-báu vì nhờ nó mà ta mới có thể học đạo giải-thoát. Do đó, thái-độ đứng-đắn đối với thân-tâm vô-ngã nầy là phải giữ-gìn nó cho được khoẻ-mạnh để mà học Đạo, chớ chẳng phải cung-phụng nó để cho nó chạy theo các thú-vui vật-chất.

*

158.- Thân-tâm nầy, khi phân-tách kỹ ra, là vô-ngã.

Nơi tiểu-mục số 096, câu hỏi cuối cùng của Vua Di-Lan có liên-quan đến thân-phận của con người. Đây là câu hỏi kết-thúc cuộc đàm-luận đầy lý-thú về Phật-Pháp giữa nhà Vua và vị Tì-kheo. Vua hỏi Na-Tiên:

- Được làm người, cái chi làm cho ta đắc được làm người? Mắt thì thấy sắc, tai thì nghe tiếng, mũi thì ngửi mùi, miệng thì nếm vị, thân thì biết chỗ thô, chỗ nhuyễn, trí thì biết phân-biệt điều lành, điều ác, thế thì cái chi làm cho ta đắc được làm người?

Ta nên tìm hiểu ý-nghĩa của câu hỏi quan-trọng nầy. ''Đắc được làm người'' tức là được làm ''người'', và nơi con người ấy, các căn: ''mắt, tai, mũi, miệng, thân và trí'' khi khởi-động, có phải đó là ''con người'' chăng? Hay là còn có đặc-điểm quan-trọng, chủ-chốt nào khác ở trong thân-tâm đó làm cho ta được thành ''con người''?

Na-Tiên chẳng trả lời ngay, mà hỏi ngược lại Vua:

- Thí dụ như có người khiến cho mắt nhướng lên ra khỏi đồng-tử thì có thấy được rộng xa hơn chăng, khiến cho vểnh tai to lên thì có nghe được tiếng ở thật xa chăng, khiến cho mũi hỉnh lớn lên thì có ngửi được mùi nhiều thêm chăng, khiến cho miệng mở hoác ra thì có nếm được nhiều vị chăng, khiến cho da thịt căng phồng rộng ra thì có biết thêm thô nhuyễn chăng, khiến cho trí vượt nổi lên thì có suy-niệm được nhiều thêm chăng?

- Chẳng được.

Xét ý-nghĩa của câu vừa qua mà Na-Tiên hỏi ngược lại Vua, ta thấy, Na-Tiên muốn hỏi: giả-dụ các căn có nới rộng giới-hạn thêm ra, thì các cảm-giác ở mắt, tai, mũi, miệng, da và sự suy-niệm ở trí có gia-tăng thêm lên chăng? Tức là, Na-Tiên ngầm cho rằng, các căn đó, dầu cho có nới rộng thêm ra, cũng chẳng phải là các ''cái'' đã làm cho ta ''đắc được làm người''. Dụng-ý đó của Na-Tiên đã được Vua đồng-ý, khi Ngài đáp: ''Chẳng được.''

Đọc tới nữa, ta lấy làm lạ, tại sao Na-Tiên (và tác-giả quyển ''Na-Tiên Tì-kheo Kinh'' nầy) đã bỏ lửng cái dụng-ý trên đây mà lại quay sang nói đến khả-năng siêu-việt của Đức Phật: ''...nơi chỗ làm, Ngài đã làm được việc thật khó; nơi chỗ biết, ngài đã biết rất thâm-diệu...'' khiến cho mạch-lạc đoạn văn nầy trở nên lỏng-lẻo và... lủng-củng! Đây ta thử đọc tiếp theo ngay đó, thì sẽ thấy rõ chỗ thiếu mạch-lạc:

Na-Tiên liền nói:

- Đức Phật tại chỗ làm, Ngài đã làm được việc thật khó; nơi chỗ biết, Ngài đã biết rất thâm-diệu.

- Chỗ đã làm việc thật khó, chỗ đã biết rất thâm-diệu, ý-nghĩa như thế nào?

- Đức Phật nói: Ngài có thể biết được các bộ-phận ở trong người, giải-thích được những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân sờ-chạm, cắt nghĩa các điều thành-bại, các việc nghi-ngờ, giảng rõ các tư-tưởng, ý-niệm, các vấn-đề tâm-linh.

Kế đó, Na-Tiên lại đưa một thí dụ về ngụm nước biển, như sau:

- Như có người ngậm một ngụm nước biển mặn, có thể nào phân-biệt ra được phần nước nào là nước từ suối chảy đến, phần nước nào từ sông chảy đến chăng?

- Nước hòa chung lại thành một, làm sao biết riêng được.

- Chỗ Phật đã làm một việc thật khó, là phân-biệt biết rõ hương-vị của mọi thứ nước, như nước biển mà nay Đại-Vương còn chưa phân-biệt được, như thần-trí con người vẫn chưa thấy được trong thân có sáu sự-việc chẳng thể thấy...

Sau thí dụ ngụm nước biển đó, Na-Tiên mới đi một kết-luận:

- Bởi thế cho nên, Đức Phật đã giải-thích, tòng theo tâm-niệm mà đến với mắt mới thấy vật, tòng theo tâm-niệm mà đến với tai mới nghe tiếng, tòng theo tâm-niệm mà đến với mũi mới ngửi mùi, tòng theo tâm-niệm đến với miệng mới nếm vị, tòng theo tâm-niệm đến với thân mới biết sướng khổ, nóng lạnh, thô cứng, tòng theo tâm-niệm đến với ý mới biết chỗ qui-hướng. Phật tất biết hết cả, phân-biệt giải-thích rõ-ràng hết cả.

Vương khen: Lành thay!

Tiểu-mục số 096 kết-thúc với lời Vua khen: Lành thay. Như thế, khi Vua hỏi, ''cái gì làm cho ta đắc được làm người'', Na-Tiên chẳng trả lời thẳng câu hỏi đó, mà lại nói về trí hiểu-biết siêu-việt của Phật, đã làm biết hết tất cả. Chính vì thấy chỗ ''trả lời ăn trớt'' đó, nên Thiện-Nhựt mới phạm tội hỗn-hào, nói tiểu-mục nầy hơi ''lủng-củng''.

Đọc kỹ lại tiểu-mục nầy nhiều lần, Thiện Nhựt thấy rất rõ-ràng: ý-chánh là nói về thuyết vô-ngã, nơi thân-tâm nầy chẳng có cái chi đứng làm chủ-chốt cả, chẳng có cái ''Ngã'' nào ở trong đó đứng ra làm cho Ta ''đắc được làm con người cả.'' Thiện Nhựt lấy làm lạ sao, khi có dụng-ý muốn nói, dầu cho các giác-quan có được mở rộng thêm giới-hạn (như mở bét mí mắt ra, vểnh vành tai lên...) cũng chẳng làm cho kẻ đó thấy-nghe-biết nhiều hơn lên thì, đương-nhiên phải đi đến kết-luận là: các giác-quan chẳng thể làm cho ta đắc được con người.

Nhưng rất tiếc, Na-Tiên lại quay sang nói về nhứt-thiết-trí (= trí hiểu biết tất cả) của Đức Phật. Hoặc giả, Na-Tiên muốn dựa lên trên nhứt-thiết-trí của Đức Phật để chỉ cho ta thấy rõ rằng ''tòng theo tâm-niệm mà đến với mắt, với tai, ... thì mới thấy được vật, nghe được tiếng'', để chứng minh rằng chính cái''tâm-niệm'' ấy, hoặc cái tiến-trình từ tâm-niệm đến các giác-quan mới khiến ''con người'' thấy, nghe, và biết... được. Nhưng tuyệt-nhiên, ta chẳng thấy trong tràng lý-luận của Na-Tiên có một chỗ nào minh-thị khẳng-định, hoặc phủ-định rằng, cái tâm-niệm đó chính là ''cái'' mà Vua Di-Lan đã muốn hỏi, tức là ''cái chi làm cho ta đắc được làm con người?''

Đến đây, ta thấy rõ, muốn trả lời thẳng câu hỏi của vua Di-Lan, thì Na-Tiên chỉ có một giải-pháp duy-nhứt, đúng theo Giáo-lý nhà Phật, là nói: Chẳng có ''cái chi'' trong thân-tâm nầy đã khiến cho ta đắc được làm ''con người''hết. đó là lý-thuyết vô-ngã được Đức Phật dạy trong Kinh Vô-ngã-tướng (Tương-Ưng Bộ-Kinh, Q.3, Ph. Tham-luyến, VII, trang 125-129) là bài Kinh thứ nhì của Đức Phật thuyết-giảng tại vườn Lộc-Uyển, sau bài Kinh Chuyển Pháp-Luân, có sự tham-dự nghe của năm anh em ông Kiều-Trần-Như. (Ông Kiều-Trần-Như chứng quả Thánh ngay sau khi nghe bản Kinh thứ nhứt; còn bốn vị kia, nhờ nghe thêm Kinh Vô-ngã-tướng mới chứng được đạo-quả.)

Nhưng, để trả lời câu Vua hỏi, nếu chỉ có mỗi một việc là cứ đáp, chẳng có ''cái chi'' trong thân-tâm nầy đã khiến cho ta đắc được làm ''con người'' đủ rồi, thì tại sao Na-Tiên lại dài-dòng trong thí-dụ về ngụm nước biển nhứt-thiết-trí của Thế-tôn?

Theo ngu-ý, Thiện Nhựt thấy chẳng phải Na-Tiên đã làm mất thời-giờ của nhà Vua chút nào đâu. Khi nêu lên thí-dụ đó, Na-Tiên muốn chỉ cho nhà Vua thấy rằng, chỉ có sự phân-tách hết sức tỉ-mỉ bằng nhứt-thiết-trí của Thế-tôn mới đưa đến sự ''phân-biệt giải thích rõ-ràng hết tất cả''. Nếu chẳng chịu khó phân-tích thân-tâm tỉ-mỉ như thế, thì làm sao có được một lời giải-thích rõ-ràng và chính-xác? Và khi phân-tách tỉ-mỉ thân-tâm nầy, ta chỉ thấy có nhiều yếu-tố, hoặc vật-lý như sự-vật đối-tượng bên ngoài, hoặc sanh-lý như các giác-quan, hoặc tâm-lý như các tâm-sở, tâm-niệm, cùng phối-hợp nhau, tác-động lên lẫn nhau, mà thành các sự thấy, nghe, hiểu, biết, hành-động của con người, chớ chẳng hề có một yếu-tố nào đứng làm ''con người''' vào nằm trong thân-tâm ấy để riêng tự mình mà đóng vai-trò hoàn-toàn chủ-động được cả. Đó chẳng phải lý-do chứng-tỏ rằng con người là vô-ngã hay sao?

Xin nhắc lại: ngay khi vừa tiếp-kiến Na-Tiên và phái-đoàn Tì-kheo đến hoàng-cung, Vua Di-Lan có hỏi: ''Ai là Na-Tiên? ... Đầu, ... mắt, tai, mũi, miệng là Na-Tiên chăng?'' (tiểu-mục số 013, trang 11). Và Na-Tiên đáp: ''Chẳng phải''. Đến câu hỏi cuối-cùng nầy, (tiểu-mục số 096, trang 76), Vua cũng hỏi lại: ''... mắt, tai, mũi... cái chi làm ta đắc được con người?'' Phải chăng, cả hai câu hỏi, câu hỏi đầu-tiên và câu hỏi cuối cùng của nhà Vua đều qui về chung một vấn-đề duy-nhứt, mà nhà Vua thắc-mắc hơn hết: ''Con người là ai?'' Và hai lời giải-đáp của Tì-kheo Na-Tiên, vào hai lúc trước và sau, cũng đều được nhà Vua tán-thưởng cả. Cho nên, một bực tinh-ý như Tì-kheo Na-Tiên tất nhận thấy rằng, có lẽ giờ đây chính là lúc nên kết-thúc cuộc đàm-luận và xin kiếu-từ ra về.

Cuộc đàm-luận lý-thú giữa bực Vương-giả với vị Tì-kheo lỗi-lạc có thể kết-thúc tại đây, nhưng công-việc Tìm hiểu Nghĩa Ý vẫn chưa thể gọi là xong-xuôi, vì đã bỏ sót vài câu hỏi của vua Di-Lan, còn chưa được xét đến. Các câu hỏi nầy chỉ có tầm quan-trọng thứ-yếu về các kiến-thức tổng-quát tại các tiểu-mục: số 059; số 064; số 079; và số 093. Vậy xin xét nốt tại Vấn-đề X: Các câu hỏi linh-tinh về kiến-thức tổng-quát.

-----*-----

X.- Vấn-đề: Các câu hỏi linh-tinh về kiến-thức tổng-quát

159.- Muối, nước biển và biển .

Tại tiểu-mục số 059, nhân thí-dụ của Na-Tiên về món canh có thịt, có muối, có gừng..., Vua Di-Lan nêu lên câu hỏi về vị của muối, như sau:

- Người dùng mắt nhìn vị của muối có thể riêng biết được chăng?

- Đại-Vương có biết được như thế không? Có thể nào dùng mắt nhìn mà biết được vị của muối hay sao?

- Mắt chẳng thể biết được vị của muối.

Ai cũng biết mỗi giác-quan có cơ-năng riêng: mắt thấy vật, tai nghe tiếng, lưỡi nếm vị, thì làm sao mà mắt có thể nếm được vị. Nhưng con người còn có kinh-nghiệm bản-thân về các vật đối-tượng bên ngoài, một khi có đã có kinh-nghiệm lưỡi nếm vị của muối mặn rồi, thì sau đó, mắt nhìn thấy muối, liền nhớ đến kinh-nghiệm cũ, nên biết ngay chất muối đó, vị của nó thì mặn.

Đến câu hỏi: ''Chiếc xe trâu chở muối có riêng biết vị của muối chăng?'', thì quả thiệt là ''ngớ-ngẩn'' quá, vì lẽ chiếc xe là vật vô-tri, có biết được cảm-giác nào đâu, mà hòng riêng biết vị của muối?

Lại đến một câu hỏi nữa: ''Vị của muối có thể cân-lường được chăng? cũng chẳng kém phần ''ngớ-ngẩn''. Vị thì chẳng thể nào đặt lên bàn-cân mà cân cho được, nhưng vị mặn, ít hay nhiều, mằn-mặn, mặn-chát, thì có thể được phân-biệt riêng ra, nhưng chỉ bằng lưỡi mà thôi. Còn cân-lường được, chẳng phải là vị của muối, mà là sức-nặng của muối kia. Mấy điều hiểu-biết thường-thức nầy, có lạ gì với một bực Vương-giả ''văn-võ toàn tài, lảu-thông thao lược'' như Vua Di-Lan.

Tới tiểu-mục số 093, nhà Vua hỏi vị Tì-kheo về biển nước biển. Câu trả lời của Tì-kheo Na-Tiên về nước biển có chỗ chẳng được chính-xác cho lắm. Na-Tiên nói:

- Sở dĩ người ta gọi là biển, vì trong nước biển có nửa phần nước, nửa phần muối.

Chỗ thiếu chính-xác đó là nước biển thường chỉ chứa nhiều lắm là một phần trăm chất muối, chớ chẳng phải đến năm mươi phần trăm. Trên thế-giới chỉ có biển-hồ Mer Morte, ở vùng Trung-Đông, có mật-độ muối trong nước lên đến hai mươi sáu phần trăm mà thôi.

*

160.- Tứ-đại là gì?

Nhân đang bàn chuyện lửa ở thế-gian, lửa ở địa-ngục, nhà Vua hỏi Na-Tiên (tiểu-mục số 064):

- Sa-môn các khanh có nói, đất trong thiên-hạ đều ở tại trên nước, nước ở tại trên gió, gió ở tại trên không, Ta chẳng thể tin là đúng như thế.

Thay vì trả lời thẳng câu Vua hỏi, Na-Tiên cầm bầu nước giơ lên và hỏi ngược lại Vua:

- Nước trong bầu nầy có phải do gió trì giữ chăng?

- Dĩ nhiên, do gió trì giữ.

- Gió trì giữ nước, cũng lại như vậy.

Vua khen: ''Lành thay!''

Chẳng biết Vua hiểu lời giải-thích của Na-Tiên như thế nào, nhưng Thiện Nhựt thấy cần lợi-dụng cơ-hội nầy để tìm hiểu thêm về Tứ Đại. Thế-giới vật-chất có bốn chất nguyên-tố, có mặt ở khắp nơi, gọi là Tứ Đại (tứ = bốn; đại = lớn). Vì có mặt ở khắp mọi nơi nên được gọi là Đại, lớn: địa-đại (đất, chất cứng), thủy-đại (nước, chất lỏng), hoả-đại (lửa, hơi nóng) và phong-đại (gió, chất khí). Bốn chất: cứng, lỏng, nóng và hơi nầy nương vào nhau mà tồn-tại. Chỗ nương vào nhau đó chính là chỗ mà Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên gọi là ''trì-giữ''.

Nương-tựa vào nhau là như thế nào? Trong đất, đã có nước, có nóng, có hơi; cũng như trong nước, cũng có các chất kia vậy. Và trong bốn đại, luôn luôn có sự tương-trì, khi thì hoà-thuận nhau; có sự tương-khắc nhau, khi thì chống-đối nhau, khiến cho có sự biến-chuyển luôn luôn nơi vật-chất, mà thành ra cái lẽ vô-thường của vạn-vật, luôn luôn biến đổi.

*

161.- Khóc .

Nhân khi nghe nói về Đức Phật tự mình thông-hiểu tất cả Kinh-kệ và Giới-luật, Vua Di-Lan mới hỏi Na-Tiên:

- Có kẻ khi cha mẹ chết thì than-khóc, lệ tràn; lại có người vì nghe Kinh Phật mà ứa lệ, hai lần chảy nước mắt có khác nhau không?

Lời đáp của Na-Tiên có vẻ hơi ''nghiêm-khắc'' đối với những người con bởi thương cha mẹ chết mà khóc, vì Na-Tiên bảo:

- Kẻ vì cha mẹ chết mà khóc là do thương-cảm, tâm-niệm ưu-sầu, đau-khổ; các sự ưu-sầu đó tức là ưu-sầu của sự ngu-si. Còn người ứa lệ vì nghe được Kinh Phật là do tâm-niệm từ-ái, nghĩ đến thế-gian khổ-nhọc, nên mới khóc, như thế được phước rất to lớn.

Xin đồng-ý với Na-Tiên là do tâm-niệm từ-ái nghĩ đến cảnh-khổ ở thế-gian mà khóc khi nghe được Kinh Phật, nhưng kẻ khóc vì cha-mẹ chết nào có khóc vì sự ngu-si đâu? Thật ra, cả hai cảnh khóc đều do tâm cảm-động mà ứa lệ. Cảm-động vì người mình thương nay chẳng còn nữa, nên mình mới khóc. Cảm-động vì từ trước đến giờ mình chẳng hiểu rõ thân-phận khốn-khổ của con người nơi thế-gian nầy, nay nghe Kinh Phật giải rõ chỗ ngu-si của mình ra, chỉ cho mình và các đồng-loại của mình thấy con đường thoát khổ, nên mình mới ứa lệ. Và cả hai cái khóc chơn-thành đều mang lại phước lành cả.

*

162.- Tâm-trạng của Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên sau cuộc đàm-luận về đạo-pháp .

Đến đây chỉ còn tóm-tắt vài trang ở đoạn chót nơi Phần III của cuốn ''Na-Tiên Tì-Kheo Kinh'', thì có thể kết-thúc việc Tìm hiểu Nghĩa Ý.

Sau câu hỏi chót về ''cái chi làm cho ta đắc được làm người?'', của nhà Vua, Tì-kheo Na-Tiên cảm thấy đã đến lúc nên kết-thúc cuộc đàm-luận kỳ-thú về Giáo-lý nhà Phật giữa hai người, nên thưa rằng:

- Đã quá nửa đêm rồi, tôi xin ra về...

Trước khi tiễn-biệt, vua nói lời khen tặng (mà cũng tự-khen nữa):

- Được vị Thầy dạy như Na-Tiên, và có đệ-tử như Ta, chắc là mau đắc Đạo lắm.

Kế đó, Vua sai mang mười vạn bộ y thật đẹp để cúng-dường, và mời Na-Tiên cùng các Tì-kheo hằng ngày cứ đến vương-cung để dùng cơm; ngoài ra, nếu có cần dùng điều chi Vua sẽ cung-phụng. Trước lời từ-chối khiêm-nhường của Na-Tiên, Vua Di-Lan thành-khẩn bảo, ''Na-Tiên nên nhận để tự giúp mình mà cũng để giúp cho Vua''. Na-Tiên thắc-mắc hỏi sao lại tự-giúp mình mà lại cũng giúp cho Vua nữa. Nhà Vua giải-thích rất khéo-léo:

- Sợ e người ngoài bàn-tán bảo rằng Ta keo-kiệt, Na-Tiên đã vì Vua giải hết các chỗ hồ-nghi mà Vua chẳng ban thưởng gì cả. Hoặc sợ e có kẻ khác bảo, Na-Tiên đã chẳng giải nổi được các chỗ Vua còn hồ-nghi, nên chẳng được Vua ban-thưởng gì cả. Na-Tiên mà nhận, đó là giúp Ta được phước, mà cũng giúp cho Na-Tiên giữ được tròn danh-tiếng...

Na-Tiên mới nhận tặng-phẩm và ra về, dưới ánh đuốc của các quan hầu-cận theo lịnh Vua đưa phái-đoàn Tì-kheo về chùa.

Đêm ấy, Vua nằm thao-thức, nghĩ rằng, ''đã hỏi Na-Tiên biết bao lời, Na-Tiên đều giải-đáp tất cả. Ta tự nhớ lại các chỗ đã hỏi, chẳng có câu nào Na-Tiên chẳng giải rõ ý Ta... '' Với ý-nghĩ ấy, nhà Vua tâm rất hoan-hỉ, nằm an nghỉ cho đến sáng.

Còn phần Na-Tiên, khi về đến chùa, cũng nghĩ, ''Đại-Vương đã hỏi tôi biết bao nhiêu sự-việc, tôi cũng đã vì Đại-Vương giảng-giải bấy nhiêu sự-việc. Tôi lại nghĩ, các chỗ Đại-Vương hỏi tôi, tôi đều phân-tách rõ hết...'' Với ý-nghĩ ấy, vị Tì-kheo lỗi-lạc tâm rất hoan-hỉ suốt đêm cho đến sáng...


Vài lời xin thưa nốt...

Kính thưa Quí-Vị Đạo-hữu,

Được quí vị đọc đến trang chót nầy, Thiện Nhựt xin chơn-thành cảm-tạ quí Vị đã chẳng ngại tốn-phí thời-giờ và đã chịu khó xem qua lời văn vụng-về, ý-kiến thô-thiển của Thiện Nhựt trong khi Tìm hiểu một bản ''Kinh-Luận'' rất nổi tiếng nầy.

Quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' xuất-hiện trong nền văn-chương Phật-học đã gần hai ngàn năm, dưới nhiều hình-thức từ chữ Phạn, chữ Hán, chữ Miến, chữ Tích-lan, chữ Anh, chữ Pháp, v.v..., với nội-dung khác nhau, tùy nơi xuất-bản. Thiện-Nhựt học giáo-lý nhà Phật qua Kinh-sách xuất-xứ từ Hán-Tạng, cho nên Thiện-Nhựt mới phỏng-dịch bản Kinh-Luận nầy trong Đại-Tạng. Thiện Nhựt chẳng dám dùng các chữ phiên-dịch, hay chuyển-ngữ, vì biết mình sức học còn non kém, phỏng theo cũng đã khó rồi, huống hồ là dám nghĩ mình dịch đúng. Xin chấp tay cúi đầu chờ đợi lời chỉ-giáo của các bực cao-minh.

Trong khi tìm hiểu nghĩa chữ nghĩa ý của bản kinh-luận nầy, Thiện Nhựt đã hơn một lần có lời vô-lễ, như ngớ-ngẩn, lủng-củng, xin quí Vị Đạo-hữu niệm tình tha cho cái tội ''bốc đồng'' của kẻ vừa mới bước chơn vào đường học Phật. Nhân đây, Thiện Nhựt cũng ngõ lời cam chịu tội với tác-giả và dịch-giả trong Hán-Tạng, vì Thiện Nhựt đã tự-tiện thêm vào các tiêu-đề, số tiểu-mục và các chữ nhỏ in nghiêng trong dấu ngoặc. Đó chẳng qua là vì muốn việc tra-cứu lại cho được dễ-dàng, và giải-thích thêm chỗ khó đã phỏng-dịch ra chẳng nổi. Tuyệt-nhiên Thiện Nhựt chẳng dám xen vào bản Phỏng dịch để có ý-kiến riêng của mình. Theo ý-hướng nầy, chỉ chép lại chỗ Tìm hiểu của mình riêng ra tại một phần ở sau, sau bản Phỏng-dịch.

Việc nghiên-cứu tên tác-giả, tên dịch-giả, bản nào đúng theo gốc chánh-văn, Thiện Nhựt chẳng dám nghĩ đến, xin chờ đợi sự khảo-sát với đầy-đủ bằng cớ của các học-giả khảo-cổ; và nguyện-cầu ý và lời trong Kinh-luận sẽ mang nhiều lợi-lạc cho đường tu của người đọc.

Trân-trọng,
Montreal, 2005- 03-28
Thiện Nhựt.

-ooOoo-

 Ðầu trang | A1 | A2 | A3 | B | C1 | C2 | C3 | D | Giới thiệu


Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2005)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 26-05-2005