Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Minh Sát Tu Tập
(Vipassanā Bhavana )

ACHAAN NAEB MAHANIRANONDA
Thiền viện Boonkanjanaram

Tỳ kheo PHÁP THÔNG dịch
Thiền viện Viên Không, Bà Rịa,
PL. 2547 - TL. 2003

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


II. PHỤ LỤC - THẨM VẤN THIỀN SINH (tiếp theo) 

(Ngày khác. Vị sư đầu tiên)

A: - Sư cảm nhận như thế nào về pháp hành của sư?

T: - Việc thực hành trước đây chỉ là lý thuyết.

A: - Làm sao sư biết được đó là lý thuyết hay không phải lý thuyết?

T: - Giờ đây tôi biết bằng trí tuệ minh sát (bhāvanāpaññā, khác vipassanāpaññā là tuệ minh sát -- (xem lại phần 1.5.1 nói về ba loại tuệ thực hành), tuy thế vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.

A: - Sư nhận ra văn tuệ (suta paññā), thẩm nghiệm tuệ (cintā paññā) và tu tuệ hay minh sát tuệ (bhāvanā paññā) bằng cách nào?

T: - Ðêm qua khi nằm xuống, tôi thấy sắc nằm chứ không phải tôi nằm. Chỉ một chút thôi nhưng không rõ lắm. Rồi nó biến mất. Do đó, tôi biết việc thực hành của tôi trước đây chỉ là lý thuyết.

A: - Minh sát tuệ nhận ra thực tánh rằng sắc nằm đang hiển bày, nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng thấy. Có thể chợt thấy, và nó liền biến mất. Mặc dù chúng ta thấy nó chỉ một thoáng như vậy, song chúng ta biết nó hoàn toàn khác. Rồi tuệ thực hành lại tiếp tục. Và sát-na hiện tại vuột mất. Nhưng điều đó không sao. Chỉ tại minh sát tuệ không nảy sanh thôi.

Ngay lúc này, sư có cảm giác là sư đang thực hành hay không? Nếu sư cảm thấy mình đang hành, cảm giác ấy là sai. Cảm giác đó đã che án trí tuệ. Sư phải ngồi trước đã, và sau đó sư mới quán sắc ngồi. Rồi khổ sanh lên và sư phải thay đổi oai nghi để chữa khổ. Không phải ngồi để thấy sắc, mà là để thấy khổ.

T: - Làm thế nào chúng ta có thể ngăn ngừa được ý nghĩ rằng chúng ta đang hành thiền?

A: - Sư phải có tác ý đúng. Sư phải thay đổi oai nghi bởi khổ buộc sư phải thay đổi. Cũng như sư phải nhận ra rằng sư phải ngồi, nằm, đi, đứng... mặc dù sư không muốn như vậy. Sư cần phải yoniso thường xuyên. Nhờ đó, có thể ngăn tham ái không lẻn vào. Lúc nào sư cũng phải cố gắng loại trừ tham ái cho đến khi sư đạt đến sự thanh tịnh, như vậy sư có thể có được kết quả đúng. Giới phòng hộ các căn (indriyasaṃ-varasīla) của sư như thế nào? Có giữ gìn tốt không?

T: - Có. Tôi luôn luôn áp dụng giới chế ngự các căn này.

A: - Nếu sư không có "lục căn thu thúc giới" thì thật là tai hại. Nó cũng giống như uống thuốc mà không theo lời chỉ dẫn vậy. Nếu sư uống thuốc theo cách đó, bệnh sẽ không đỡ hơn. Cũng thế, nếu sư chỉ có thực hành mà không phòng hộ các căn thì thật là vô ích. Vì vậy, sư phải có giới thu thúc lục căn đó để việc thực hành tốt hơn. Chẳng hạn, "danh nghe" hay "danh thấy" là phòng hộ các căn, bởi vì "sư" không đang nghe và "sư" không đang thấy.

(Ngày khác, vị sư thứ hai)

A: - Sư nói pháp hành của sư khá hơn, ý sư muốn nói gì?

T: - Ý tôi muốn nói là tôi đang thực hành việc quán Danh-Sắc trong sát-na hiện tại rất liên tục, nhưng có lúc đó chỉ là tuệ thẩm nghiệm (cintā paññā).

A: - Sao sư biết được đó là cintāpaññā hay là bhāvanāpaññā? Cintāpaññā nghĩa là sư đang thực hành, nhưng theo cách sư được thiền sư chỉ bảo. Bhāvanāpaññā là sư tự mình biết. Bhāvanāpañña (minh sát tuệ) là kết quả phát sanh khi sư quán Danh-Sắc trong sát-na hiện tại. Danh-Sắc ấy đang dạy cho sư đi đúng hướng. Nhờ vậy, sư biết được kết quả sẽ là đúng.

T: - Hai ba hôm vừa rồi tôi cảm thấy mệt.

A: - Mệt có phải là Pháp hay không?

T: - Phải.

A: - Sư nghĩ đó là Pháp như thế nào? Mệt mỏi là thực tánh Pháp, bởi vì khổ là đối tượng của Pháp. Sư đến đây thực hành để thấy khổ. Sư càng thấy khổ, sư sẽ càng nhàm chán (yếm ly) đối với khổ. Khi sư thấy ít khổ sư sẽ không nhận chân được nó. Chẳng hạn, thọ khổ trong tứ oai nghi. Khi sư bị khổ nhiều, sư không còn muốn nhìn vào nó nữa. Chẳng hạn như khi sư bị bệnh. Phớt lờ khổ làm cho sư thoải mái, nhưng sư không thể đoạn tận khổ theo cách đó. Thực sự mà nói thì ai cũng có khổ, nhưng họ không thực chứng Thánh đế này. Tại sao? Bởi vì họ muốn cứu chữa cái khổ đó, hoặc làm cho nó biến mất. Khổ thì có rất nhiều, nhưng họ nghĩ rằng nó vô ích, bởi vì khổ chỉ làm cho họ khó chịu, làm cho họ yếu đuối, mệt mỏi. Nếu họ không quán sát cái khổ ấy, làm sao họ có thể đạt đến Thánh đế được, bởi vì khổ là Ariyasacca (Thánh đế).

Khi khổ khởi lên, thường sẽ có hai loại -- khổ thọ (dukkha vedanā) hoặc hành khổ (sankhāra dukkha). Nhưng hành giả rất khó thấy, khó nhận ra. Ðiều này có nghĩa là ngay cả khi thay đổi oai nghi cũng có khổ. Khổ tướng (dukha lakkhana) -- tức Tam tướng và Khổ Thánh đế (Dukkha Ariyasacca) thậm chí còn khó hơn nữa. Khổ thọ (cái đau thông thường nơi các oai nghi) rất dễ thấy, và hành giả có thể giác ngộ nhờ quán nó.

Ðiều quan trọng ở đây, nếu không muốn nói là tất yếu, là đừng bao giờ thay đổi oai nghi bởi vì sư nghĩ là sẽ được ngồi để thực hành, hay đi để thấy sắc đi, thay vì oai nghi phải thay đổi đơn giản là vì khổ cần được chữa, thế thôi.

(Vị sư đầu tiên)

T: - Hai ba hôm rồi tôi không thể chú tâm trong sát-na hiện tại

A: - Bởi vì sư có quá nhiều định nên sư buông mất sát-na hiện tại. Sư cần phải có sự tỉnh thức hơn nữa, cố gắng tỉnh thức hơn nữa. Còn điều khác, là sư quán khổ quá ít, vì thế mà khổ qua mặt sư. Sư phải nhận ra sự thực của sabhāva (thực tánh). Khổ là sự thực (chân lý). Danh và Sắc là sự thực. Tại sao nó là sự thực? Bởi vì nó không nằm trong sự kiểm soát của sư. Và sự thực (chân lý) chúng ta không thể thay đổi được. Chẳng hạn, sắc không thể đổi thành danh và danh cũng không thể đổi thành sắc được. Tứ oai nghi là sắc, và nó là sự thực. Phóng tâm cũng là sự thực nữa.

Khi sư thay đổi oai nghi, sư yoniso (tác ý) như tbế nào?

T: - Vì khổ buộc phải thay đổi.

A: - Sư thay đổi oai nghi bao nhiêu lần trong một ngày?

T: - Rất nhiều.

A: - Như vậy, ý sư muốn nói rằng khổ phát sanh quá nhiều lần đến độ sư không thể nhớ nổi. Thế thì tại sao sư có thể nghĩ là sư thoải mái? Sư không thấy khổ, bởi vì sư ít quán sát khổ. Trước tiên khổ phải nảy sanh đã, rồi sư mới thay đổi oai nghi. Sư cần phải theo dõi điều này. Khi thay đổi oai nghi, sư phải ghi nhận xem phiền não có mặt hay không. Bởi vì phiền não làm cho sư có tác ý không chân chánh. Sư phải biết là sắc ngồi khổ chứ không phải sư khổ, và tác ý chân chánh này sẽ ngăn không cho phiền não (sân) lẻn vào. Hơn nữa, sư cũng phải biết là sư buộc phải thay đổi sang oai nghi mới và điều đó sẽ ngăn không cho tham khởi lên. Khi sư không có khổ, nhưng sư muốn thấy khổ và mong cho khổ phát sanh. Sư không nên làm như vậy, bởi vì đó là tham. Phiền não rất là vi tế. Nếu như sư không biết nó vi tế như thế nào, sư có thể không để ý tới nó, và nó sẽ lẻn vào khi sư đang quán sát mà không chân chánh tác ý. Do đó, sư phải chú ý khi sư thực hành để xem coi phiền não có lẻn vào hay không. Sự chú ý này chúng ta gọi là sikkhati (quán sát pháp hành). Pháp hành minh sát cũng giống như việc nghiên cứu bất cứ một môn học nào, sư phải biết cả lý thuyết lẫn thực hành. Khi thực hành cũng như giờ làm thí nghiệm, ở đây, sư áp dụng cái lý thuyết mà sư đã học. Nếu sư có sự quán sát tốt trong lúc thực hành thì khi phiền não xâm nhập, sư sẽ biết kịp thời.

Ðiều quan trọng là sư phải luôn luôn có Danh-Sắc làm đối tượng một cách liên tục. Ðừng tập trung vào một phần nào của sắc -- hãy thấy toàn thể sắc. Khổ phải khởi lên trước rồi sau đó sư mới nhận ra nó. Ðừng cố gắng dự đoán trước. Nếu như sư đang chờ đợi khổ, sư sẽ mất sát-na hiện tại. Cũng giống như mở một cánh cửa. Sư mở hé thì phiền não nhỏ chui vào. Còn mở lớn thì phiền não lớn đi vào vậy. Nếu sư ở trong sát-na hiện tại thì tựa như sư đã đóng cánh cửa lại, phiền não không thể lẻn vào được.

T: - Có lúc tôi quên và không quán Danh-Sắc, vì thế tôi cảm thấy có tội là mình đã đãng trí.

A: - Khi sư quên và cảm thấy hối hận, điều đó có nghĩa là sư đã buông mất sát-na hiện tại. Hối hận là tâm sân và nó cũng là phiền não. Vì thế, phiền não đã có mặt. Phiền não rất là vi tế, nó có thể lẻn vào bất cứ lúc nào. Nếu như sư không có tác ý chân chánh sư không thể thực hành được, sư sẽ không hiểu được rằng cảm giác (tội lỗi) ấy là phiền não.

Dukkha (khổ), cho dù sư chỉ thấy một chút ít, điều đó cũng tốt. Song nếu sư thấy nhiều dukkha hơn, sư sẽ nhận ra rằng Khổ là chân lý. 

(Ngày khác. Vị sư thứ hai)

A: - Sư nói "thoải mái", ai là người thoải mái? Có phải năm uẩn thoải mái không? Chỉ có một uẩn có thể xem là danh thoải mái. Ðiều này có nghĩa là sư có lạc điên đảo (sukkha-vipallāsa) về tâm. Nếu sư hành đúng cách sư sẽ không cảm thấy thoải mái. Bởi lẽ người hành thiền không bao giờ nghĩ là mình thoải mái cả; nghĩ như vậy là không hợp với những nguyên tắc của Ðức Phật. Hành giả không nên nghĩ là ta thoải mái, bởi vì điều đó không đúng. Hành giả phải nhận ra khổ. Khi sư nhận ra khổ, sư sẽ thấy không có thoải mái.

Sư đã thấy dukkha (khổ) chưa? Sư không thấy khổ bởi vì sư không quán, hay bởi vì không có khổ?

T: - Tôi cảm thấy khổ nhưng không nhiều lắm. Nếu tôi ngồi lâu hơn nữa cho đến khi bị đau nhức nhiều để thấy khổ, rồi tôi có thể thay đổi oai nghi và thấy khổ hơn nữa, như thế có đúng không?

A: - Không, hành như vậy không đúng. Tại sao sư lại muốn thấy khổ, điều đó có nghĩa là phiền não đã có mặt. Khi sư không muốn thay đổi oai nghi là tham ái đã xen vào, bởi vì tham ái muốn thấy khổ.

T: - Khi tôi thực hành, tôi rất dễ bị hoảng sợ.

A: - Người nào có định sẽ rất dễ hoảng sợ. Ðịnh là vậy. Khi sư đang hành và khi sư không thực hành, sư có nhận ra sự khác biệt gì không?

T: - Khi tôi tập trung vào hành xứ (kammaṭṭhāna: - đề mục tham thiền), tôi cảm thấy buồn ngủ.

A: - Sư cảm thấy buồn ngủ là vì định. Ðừng tập trung vào kammaṭṭhāna. Nếu sư làm như vậy, định sẽ sanh. Khi thọ khổ khởi lên nếu sư cố tình không thay đổi oai nghi thì điều đó có nghĩa là sư đang tập trung vào hành xứ. Theo cách bình thường, khi thọ khổ khởi sư phải thay đổi oai nghi. Nếu sư không thay đổi là sư đang tập trung vào kammaṭṭhāna và định sẽ theo sư.

Vì vậy, đừng có làm điều gì bất thường. Nếu sư cảm thấy là mình đang tập trung vào hành xứ, chỉ cần dừng lại.

(Ngày khác, vị sư đầu tiên)

A: - Sư hành ra sao rồi? Có khả quan không?

T: - Có, rất khả quan, nhưng Danh-Sắc vẫn chưa hiện khởi rõ ràng.

A: - Trong pháp hành vipassanā, Danh-Sắc rất quan trọng. Trước tiên, sư phải có Danh-Sắc trong sát-na hiện tại đã, rồi sau đó Danh-Sắc sẽ hiện khởi thường xuyên, và sư sẽ nhận ra thực tánh -- cái chúng ta gọi là Danh-Sắc ấy.

Tôi cảm thấy rằng việc thực hành của sư vẫn còn xen lẫn với tâm mong muốn. Sư phải loại trừ cái tâm mong muốn đó. Ðừng muốn thấy sự sanh diệt của Danh-Sắc và cũng đừng muốn thấy tam tướng. Ðừng có bất kỳ một ước muốn nào cả. Bởi vì ước muốn đó là tham ái. Phận sự của sư là chỉ việc thấy Danh-Sắc khi chúng khởi lên hay phát sanh. Sư phải nhớ là việc thấy ấy cũng giống như đang xem một vở kịch. Trước tiên sư phải có trí tuệ biết được Danh-Sắc khi chúng hiện khởi, sau đó sự thực của Danh-Sắc là tam tướng sẽ theo sau. Trí tuệ không thể khởi nếu không có Danh-Sắc trong sát-na hiện tại. Ðầu tiên sư biết Danh-Sắc bằng pháp học hay lý thuyết, sự hiểu biết ấy sẽ giúp sư nhận ra Danh-Sắc trong khi thực hành. Khi Danh-Sắc hiện khởi trong pháp hành với tuệ minh sát, chúng ta gọi là Tuệ Phân Tích Danh-Sắc (Nāma-rūpa-paricchedañāṇa) -- Tuệ thứ nhất. Từ đó sư sẽ chứng nghiệm Danh-Sắc trong 16 Tuệ minh sát.

Sư thực hành theo nguyên tắc nào để nhận ra Danh-Sắc?

T: - Tôi phải có yoniso (tác ý chân chánh).

A: - Chẳng hạn, khi thấy, sư yoniso như thế nào?

T: - Khi thấy, tôi yoniso rằng đó là danh thấy.

A: - Cách sư yoniso như vậy sẽ tạo cho sư có chánh niệm tỉnh giác. Cách sư có sự tỉnh thức rất quan trọng trong việc làm cho Danh-Sắc hiện khởi. Nếu sư tỉnh thức liên tục trong suốt bảy ngày, Danh-Sắc chắc chắn sẽ hiện khởi -- điều đó không có gì phải nghi ngờ nữa. Chánh niệm -- tỉnh giác nghĩa là sự tỉnh thức trong đối tượng Danh-Sắc ở sát-na hiện tại. Nếu sư chỉ có chánh niệm, định sẽ xen vào. Sư thấy sắc nhưng không biết sắc gì hay danh gì, tức là sư không biết đó là sắc đi hay sắc ngồi, v.v... Như thế là sai. Nếu sư có sự tỉnh thức đúng cách, định mạnh không thể xen vào. Sư nên nhớ, định được dùng làm căn bản cho tuệ minh sát là sát-na định (khanikasamādhi), có sự tỉnh thức trong sát-na hiện tại và chỉ đủ để ngăn phiền não (các triền cái) không cho xen vào và để cho tuệ minh sát khởi sanh.

Sư sẽ là một vị thầy hướng dẫn thiền, vì thế sư phải biết pháp hành của hành giả mà sư dạy dó đúng hay sai, tại sao. Sư cũng phải biết những gì mà người ấy đang làm là đúng hay sai nữa. Nếu họ làm sai, sư phải biết lý do tại sao và sửa lại cho họ.

(Ngày khác, vị sư thứ hai).

A: - Việc hành của sư thế nào rồi?

T: - Niệm của tôi đã khá hơn trước.

A: - Chỉ có sati khá hơn, còn sự tỉnh thức không khá được, như vậy thì định có thể xen vào. Nếu sư chỉ thuần quán oai nghi ngồi, đó không phải là sự tỉnh thức, không phải là vipassanā. Sư phải biết rằng đó là sắc ngồi (tỉnh giác). Người nào quán sắc ngồi, thì trí tuệ quán đó là tinh tấn -- chánh niệm -- tỉnh giác (ātāpi -- sati -- sampajañña). Nếu sư chỉ có niệm và chỉ biết oai nghi ngồi thôi thì không thể thay đổi được tà kiến nghĩ rằng chính tự ngã của ta đang ngồi. Vì thế, đó không phải là pháp hành minh sát, mà là định.

Khi sư có sự tỉnh thức đúng thì Danh-Sắc sẽ hiện khởi. Trước khi đi đến giai đoạn thực hành sư đã học hỏi để biết cái gì là sắc, cái gì là danh. Sư chỉ biết các tên gọi và những định nghĩa của nó, mà chưa biết được bản chất thực của chúng. Khi sư thực hành, lúc ấy sư sẽ thấy được thực chất của chúng, tức là sư sẽ biết những đặc tánh của sắc ngồi, biết khi nào và chỗ nào [1] sắc ngồi hiện khởi. Chẳng hạn như khi sư đi học, sư đọc "a", "b", "c",... nhưng sư không biết hình dáng chữ mà chỉ biết âm thanh, nên khi thấy mặt chữ, sư không thể đọc được cho đến khi sư học được cách nhận dạng mặt chữ. Ðối với pháp hành cũng thế, sư phải biết cả lý thuyết lẫn thực hành -- hình dáng và âm thanh. Khi Danh-Sắc hiện khởi trong tuệ minh sát, sư biết được ngay những đặc tánh của Danh-Sắc ấy. Khi thay đổi oai nghi, sư có quán sát hay không?

T: - Có, nhưng đa phần là tôi không thể theo dõi được.

A: - Khi cái đau phát sanh, sư thay đổi oai nghi mà không yoniso. Sư thay đổi oai nghi mà không biết nguyên nhân. Như vậy có nghĩa là chánh niệm -- tỉnh giác không hoàn hảo. Khi đau nhức sanh, dục muốn thay đổi oai nghi, ái muốn một sắc mới. Do đó, sư phải cố gắng có yoniso để bảo cho sư biết rằng sư phải thay đổi oai nghi.

T: - Mỗi sáng sớm chuông chùa đổ quá lớn làm tôi không thể hành được.

A: - Sư không muốn nghe tiếng ồn của chuông à? Nhưng chánh kiến thiền tuệ buộc chúng ta phải nghe. Khi có đủ duyên (âm thanh và tai), cái nghe phải phát sanh, chúng ta không thể kiểm soát nó được. Tâm nghe là vô ngã. Ðừng cảm thấy khó chịu. Chỉ việc quán danh nghe, và sư sẽ thấy không có người nào nghe, không phải sư nghe.

Danh-Sắc hiện khởi, bất luận đó là Danh-Sắc gì cũng đều có lợi cho trí tuệ minh sát. Tuy nhiên, đa số thiền sinh chỉ muốn chọn Danh-Sắc nào mà họ thích, và vì thế mà phiền não mới có cơ hội xen vào. Do đó, sư phải có tác ý chân chánh.

T: - Có nhiều lúc tôi không thể ngủ được, không hiểu tại sao?

A: - Bởi vì sự tỉnh thức đã khá hơn nên đôi lúc sư không thể ngủ được. Ðiều ấy có nghĩa là việc quán chiếu của sư đã tiến bộ hơn. Sư cần ít ngủ lại. Nếu sư không có sự tỉnh thức (chánh niệm - tỉnh giác), si mê (moha) có thể xen vào và làm cho sư cảm thấy buồn ngủ. Nếu sư có tỉnh thức, ngay cả khi đang ăn sư cũng không thưởng thức hương vị món ăn, song sư vẫn ăn no đủ. Ðiều đó có nghĩa là phiền não đã giảm rất nhiều, bởi vì sư biết là sư phải ăn (chứ không phải vì muốn ăn). Sư biết vị, nhưng không có sự khoái khẩu. Sư phải ăn bởi vì sư biết mình buộc phải ăn chứ không phải vì muốn ăn. Nếu sư có thể ngăn ngừa phiền não như vậy một cách thường xuyên, chắc chắn trí tuệ sẽ sơm phát sanh vậy.

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất và thứ nhì)

A: - Quý sư hiểu như thế nào về pháp hành?

T: - Tôi cảm thấy việc thực hành của mình đã tiến bộ hơn. Tôi biết nhân quả và khi những chướng ngại phát sanh, tôi biết cách làm thế nào để chữa nó.

A: - Sư chữa những chướng ngại bằng cách nào, hay là những chướng ngại ấy tự diệt đi?

T: - Chẳng hạn khi đang quán sắc ngồi và định phát sanh, tôi biết nó và liền thay đổi sang oai nghi khác.

A: - Nếu sư không đổi oai nghi, liệu định có biến không?

T: - Cũng có khi nó tự biến, dù tôi không đổi oai nghi.

A: - Danh-Sắc đã khởi lên chưa?

T: - Thỉnh thoảng tôi có thấy nó.

A: - Sư thấy Danh-Sắc bằng pháp học hay bằng thực hành? Chúng giống hay khác nhau?

T: - Tôi đã thấy được bằng pháp hành. Biết bằng pháp học và biết bằng pháp hành khác nhau.

A: - Sư nói thấy bằng pháp học và thấy bằng pháp hành khác nhau. Cái khác ấy là gì?

T: - Nó khác với pháp học bởi vì nó được cảm nhận, chứ không phải bằng tư duy.

A: - Sắc nào sư đã thấy nhiều hơn?

T: - Tôi thấy sắc trong mọi oai nghi. Còn danh, tôi thấy danh nghe và danh thấy nhiều hơn, nhưng không được rõ lắm.

A: - Sư biết bằng pháp hành, sư dùng phương pháp nào?

T: - Tôi phải tỉnh thức (thấy với sự tỉnh thức) đối với bất cứ danh hay sắc nào tôi đang quán.

A: - Ðúng. Ðó là phương pháp đúng nhằm làm cho Danh-Sắc hiện khởi. Và sư cần phải có sự tỉnh thức liên tục cho đến khi có kinh nghiệm nhiều hơn. Nếu sư chỉ quán mà không biết sắc gì (sắc ngồi hay sắc đi v.v...) hoặc không biết các danh khác nhau thì sư sẽ thấy danh và sắc chỉ là một thứ, là "Sư" -- và nguyên khối tưởng (ghanasaññā) che án sự thực này sẽ không được tách bạch ra.

Sự tỉnh thức là cái làm việc quán sát, còn Danh-Sắc là những đối tượng. Vì vậy sư phải tỉnh thức đối với danh gì và sắc gì sư đang quán thường xuyên. Nếu sư không làm như vậy, Danh-Sắc sẽ không hiện khởi. Nếu sư làm đúng, chắc chắn Danh-Sắc sẽ hiện khởi và sư sẽ thấy mỗi danh, mỗi sắc như chúng thực sự là. Nếu sư luôn có tỉnh thức như thế này, các đối tượng khác (như phóng tâm) không thể xen vào được. Nếu sư chỉ quán danh và sắc suông (mà không biết danh gì sắc gì) thì sự tỉnh thức sẽ dần dần yếu đi và dĩ nhiên không thể nào ngăn được lòng tham muốn. Khi đi, sư quán như thế nào?

T: - Khi đi, tôi quán sắc đi và tôi cũng quán bàn chân khi nó chạm sàn nữa.

A: - Sư quán sắc đi và sư quán cả sắc chạm (xúc). Thế là sai. Sư đang sử dụng tới hai đối tượng một lúc. Sắc đi là ở thân (kāya), còn xúc chạm thì nằm trong các đối tượng của Pháp quán niệm xứ (Dhammānupassanā-satipaṭṭhāna). Nếu sư quán như vậy sư không thể nào theo dõi được sắc đi và rồi sư sẽ trở nên đãng trí và định sẽ xen vào. Sư phải quán sắc đi mà thôi.

Sư quán sắc đi như thế nào? Sư nói là sư quán bước chân đi, nhưng quán như vậy là sai. Phận sự của vipassanā là nhằm tiêu diệt tà kiến nghĩ rằng "Sư" đi. Do đó, sư phải quán toàn bộ sắc đi để diệt tà kiến ấy.

T: - Có lúc tôi muốn nghiêng về định nhiều hơn, bởi vì định phát sanh rất thường -- nhưng có lúc tôi lại không thể làm được như vậy. Ðịnh giúp tôi tập trung dễ hơn.

A: - Vì sao sư lại muốn định?

T: - Tôi muốn thử xem sao.

A: - Mỗi sát-na khi mà sư quán sát sư đã có định trong minh sát rồi. Khi phóng tâm nảy sanh, sư quán cái gì?

T: - Tôi quán danh phóng tâm.

A: - Phải. Sư quán như vậy rất đúng. Tuy nhiên, khi đã biết phóng tâm nảy sanh rồi thì sư phải trở lại quán sắc ngồi, hay một sắc nào khác mà sư đang quán. Ðừng để cho đến khi phóng tâm biến mất mới trở lại quán sắc và cũng đừng tác ý đến câu chuyện phóng tâm. Sư phải thấy đó như là danh phóng tâm (chứ không phải sư). Câu chuyện phóng tâm thuộc về sự thực chế định (paññatti), không phải sự thực tối hậu hay thực tánh (paramattha hay sabhāva). Còn phóng tâm tự nó là sự thực tối hậu (thực tánh). Phóng tâm rất dễ thấy. Nếu biết điều này, sẽ rất có lợi cho sư trong việc phát triển trí tuệ. Bởi vì phóng tâm là danh, phóng tâm nằm ngoài sự kiểm soát của sư, nó không phải là "Ta".

Quý sư đến thực hành thiền minh sát, nhờ vậy quý sư có thể thấy bản chất của Danh-Sắc theo những cách khác. Tam Tạng Kinh Ðiển (Tipitaka) không phải ở đâu khác, nó ở chính trong quý sư. Chúng ta đến đây thực hành minh sát, các phận sự khác không phải là chuyện quan tâm của quý sư. Phận sự của quý sư là thực hành làm sao để tam tướng trong Danh-Sắc được hiển lộ. Tuy nhiên, dù cho trí tuệ có sanh hay không cũng đừng bận tâm. Phương pháp mà quý sư sử dụng để làm hiển lộ tam tướng phải bao gồm luôn cả yoniso (tác ý chân chánh). Ðây là điều hết sức quan trọng.

Tôi mong quý sư sẽ hiểu được sự khác biệt giữa cái biết nảy sinh từ định và cái biết nảy sanh từ tuệ. Nếu cái biết đó không phải là thực tánh như nó thực sự là, thì cái biết đó chỉ là định. Khi sư quán cái thấy, sư phải biết rằng cái thấy ấy là định; biết "danh" thấy là tỉnh giác (sampajañña), hay trí tuệ. Nếu quý sư nhận ra thực tánh như chúng thực sự là, đó là chân lý và cũng là trí tuệ.

Cả hai quý sư đều đã hiểu pháp hành và việc thực hành của quý sư cũng khả quan hơn. Hai sư đều ở trong sát-na hiện tại được thường xuyên như vậy là rất tốt.

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất)

A: - Sư có chướng ngại gì trong việc thực hành không?

T: - Không nhiều lắm, chỉ một ít thôi.

A: - Ðó là gì?

T: - Khi định xen vào, tôi cảm thấy rỗng không, không có gì cả.

A: - Ðịnh xen vào ở oai nghi nào?

T: - Một vài oai nghi.

A: - Nếu sư biết oai nghi nào có nhiều định, đừng quán oai nghi đó. Chẳng hạn khi quán sắc ngồi, nếu sư trượt khỏi sắc ngồi, tức là chỉ biết có ngồi mà không biết cái gì đang ngồi, sư phải theo dõi xem tâm sư ở đâu. Tâm sư ở trong định và định là danh, hay tâm sư rỗng không (không danh hay sắc gì cả). Hoặc nó đang trú vào một đối tượng khác. Khi sư biết được tâm sư ở đâu, cái rỗng không đó sẽ biến mất.

Khi sư đến đây thực hành, sư có biết tại sao sư đến thực hành không?

T: - Tôi đến thực hành để thấy Danh-Sắc.

A: - Ðúng vậy. Do đó, sư không phải làm điều gì cả. Sư chỉ việc quán danh và sắc. Ví như có người đưa cho sư một "bạt" (baht - đơn vị tiền tệ Thái) và nhờ sư xem kỹ coi nó có đúng là tiền không. Ðối với Danh-Sắc cũng vậy. Sư nhìn vào nó để thấy xem nó có phải là "ta", hay là một con thú, tự ngã; hoặc Danh-Sắc mà sư lầm tưởng là tự ngã của mình. Nếu sư hiểu được điều này, lúc đó sư mới biết được lý do tại sao sư đến đây thực hành.

(Ngày khác. Vị sư thứ hai)

A: - Khi sư có phóng tâm, sư quán như thế nào?

T: - Tôi cảm thấy không thoải mái.

A: - Sư cảm thấy không thoải mái, bởi vì sư không muốn tâm sư có phóng tâm, phải không? Thực ra, danh phóng tâm cho thấy ba đặc tánh (tam tướng) rõ hơn bất kỳ danh nào khác, ngay cả với danh nghe và danh thấy cũng vậy. Phóng tâm là paramattha [2]. Nhưng sư không muốn thấy nó, đúng không?

T: - Ðúng vậy.

A: - Sư không thích cái gì là paramattha sao? Như vậy là không đúng. Sư thích sự an lạc. An lạc ấy, cũng giống như phóng tâm, nghĩa là phải sanh diệt vậy. Thế thì tại sao sư lại thích an lạc hơn phóng tâm?

Phóng tâm và định, dù đối nghịch nhau, nhưng có cùng hiệu quả là làm đối tượng (cho việc quán sát). Sư không thích phóng tâm bởi vì nó làm cho sư không được thoải mái, và vì sư thích cảm thọ lạc hơn.

Phóng tâm có phải là Thánh đế hay không?

T: - Phải, nó là Thánh đế (Ariyasacca).

A: - Thánh đế khởi lên, sư biết, nhưng lại không muốn thấy nó. Sư đến đây hành thiền minh sát để thấy Thánh đế, nhưng sư lại có cảm giác rằng sư không thích phóng tâm.

Khi ăn, sư phải biết lý do chánh đáng và lý do không chánh đáng của việc ăn. Lý do chánh đáng là để chữa khổ -- không phải để vui thích. Người dạy thiền vipassanā phải biết thiền sinh của mình hành đúng hay sai. Chẳng hạn, khi một thiền sinh có quá nhiều định, có thể tạo ra một sự căng thẳng trên tâm, vị thầy lúc ấy phải bảo thiền sinh ngưng hành trong một lúc, làm một ít công việc gì đó để trở lại bình thường.

Tâm của người hành thiền rất quan trọng. Nếu người ấy hơi mất quân bình, họ sẽ rất dễ mất sự tiếp xúc với thực tại hoặc khổ do ảo giác. Do đó, khi một thiền sinh đến đây hành thiền, vị thầy phải yêu cầu họ cho biết là họ đã hành thiền ở đâu trước đây và có kinh nghiệm gì về những chướng ngại tinh thần không.

Nếu đối tượng nào khiến cho định sanh thái quá thì không nên dùng đối tượng ấy. Chẳng hạn, nếu oai nghi ngồi dẫn đến quá nhiều định, hãy đổi sang oai nghi khác một lát. Sư phải chọn một đối tượng mà sư ít quen thuộc nhất, bởi vì những đối tượng sư dùng quá quen (như sắc ngồi chẳng hạn) có khuynh hướng tạo ra định thái quá.

(Ngày khác. Một vị sư người Hoa)

A: - Việc thực hành của sư thế nào rồi?

T: - Khi thời tiết nóng bức nó làm cho tôi bị phóng tâm. Nhưng nếu trời mát, tôi lại không bị phóng tâm nhiều.

A: - Thời tiết có thể làm duyên cho phiền não. Tuy nhiên, trời nóng hay lạnh đều là sự thực. Sư có biết cái gì khiến cho sư phải khổ không? Bởi vì sư có ngũ uẩn, chính ngũ uẩn là cái gây ra khổ, chứ không phải thời tiết. Nếu sư yoniso (tác ý) chân chánh, sư sẽ hiểu được nóng chỉ là sắc (rūpa), và nóng là thực tại tuyệt đối (paramattha). Nếu như sư cố gắng làm cho cái nóng biến mất - đó là điều mà sư không thể làm được - sư sẽ cảm thấy khó chịu, vì sư đã tác ý không đúng. Sư nghĩ "sư" đang nóng, chứ không phải sắc nóng. Ðức Phật nói năm uẩn là khổ và vô ngã. Nếu sư biết điều đó, sư sẽ không cảm thấy khó chịu, và dĩ nhiên lúc ấy, thích và không thích không thể nào phát sanh được và cả phiền não cũng không xen vào được.

Thường thường, nếu sư không có sát-na hiện tại, phóng tâm sẽ nảy sanh, nhưng nếu sư biết đó là danh phóng tâm thì cái biết ấy là sát-na hiện tại, phóng tâm lúc đó sẽ dừng lại. Nhưng nếu sư quán để làm cho phóng tâm biến đi, thì điều đó không đúng. Sư phải biết là trong sát-na hiện tại vẫn có định (sát-na định hay thời khắc định), và đó là lý do tại sao phóng tâm không thể khởi lên. Tuy nhiên, nếu sư trú trong sát-na hiện tại chỉ được một chút thì sư sẽ có nhiều phóng tâm.

Tôi muốn sư lưu ý rằng tâm trú trong sát-na hiện tại và tâm không trú trong sát-na hiện tại khác nhau, và vì sao chúng khác nhau. Nếu sư biết khi nào thì tâm không trú trong sát-na hiện tại, lúc ấy sư có thể trở lại với sát-na hiện tại được liền.

Ðiều quan trọng là, khi phóng tâm khởi lên, đừng quên rằng đó là danh phóng tâm. Trong mọi oai nghi đều có sự phóng tâm này. Khi phóng tâm sanh trong lúc đi, với tâm tỉnh thức, sư hãy trở lại với sắc đi. Lúc này, sư chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó sư phải hành cho đến khi có nhiều kinh nghiệm hơn. Mặc dù sư hiểu pháp hành, nhưng sư vẫn phải thực hành thường xuyên. Về các ấn chứng thì sao? Sư vẫn có những ấn chứng chứ?

T: - Không có ấn chứng. Nhưng tôi bị phóng tâm nhiều hơn.

A: - Sư có nhiều phóng tâm, bởi vì sư chỉ có một chút sát-na hiện tại. Nếu sư có sát-na hiện tại nhiều hơn, sư sẽ ít phóng tâm. Nếu sư phóng tâm nhiều quá, sư sẽ không có ấn chứng. Nếu sư có ấn chứng, sư sẽ không phóng tâm.

Như một đối tượng trong thiền minh sát (vipassanā kammaṭṭhāna), phóng tâm cũng có những lợi ích của nó, bởi vì nó là Pháp quán niệm xứ (Dhammānupassanā satipaṭṭhāna). Tuy nhiên, nó không phải là Thân quán niệm xứ (Kāyānupassanā satipaṭṭhāna) mà ở đây chúng ta đang hành. Nimitta (ấn chứng) không thể được sử dụng như một đối tượng trong thiền minh sát, mà nó chỉ có thể được dùng cho thiền chỉ (samattha). Do đó, cả hai có những lợi ích khác nhau.

T: - Khi phóng tâm phát sanh, tôi cố gắng kéo nó trở lại việc quán sắc ngồi, nhưng nó vẫn không chịu trở lại. Có lúc tôi bị phóng tâm rất lâu.

A: - Ðừng chiến đấu với phóng tâm như vậy -- bởi vì phóng tâm là thực tánh pháp, và đây là chuyện tự nhiên. Sư không thể nào kiểm soát được nó. Sư có ý niệm sai lầm cho rằng phóng tâm không phải là pháp, vì thế sư mới không thích phóng tâm. Khi sư nhận ra phóng tâm, điều ấy có nghĩa là sư đã thấy pháp (Dhamma), và sư cũng biết luôn rằng phóng tâm là "Danh" chứ không phải "Sư".

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất)

T: - Hai ba ngày qua, tôi nghĩ là tôi đã quán Danh-Sắc tốt hơn.

A: - Sư nói là sư đã quán Danh-Sắc tốt hơn. Ðối tượng nào sư thường có trong sát-na hiện tại?

T: - Phóng tâm đã giảm, và tôi quán sắc hiều hơn danh. Không phải là suy nghĩ, mà tôi thực sự cảm nhận đó là sắc ngồi, sắc nằm. Khi tôi ở trong oai nghi nào, tôi biết đó chỉ là sắc. Cảm giác ấy khác với những gì trước đây.

A: - Ðây là sự thiện xảo. Vì thế, sư nên cố gắng và duy trì kinh nghiệm này. Chánh tinh tấn - pháp thứ hai trong Ba mươi bảy Trợ Ðạo Pháp (Bodhipakkhiyadhamma) -- sẽ giúp cho sư đạt đến Tâm đạo (Maggacitta) và Tâm quả (Phalacitta), chứng ngộ Tứ Thánh Ðế [3]. Nếu sư đang quán sắc ngồi và sắc nằm, có lúc nào đó chúng trở nên ít rõ hơn thì sư phải ngưng quán một lát. Sau đó mới bắt đầu quán trở lại.

T: - Ðôi lúc đang quán, có cái gì đó làm cho tôi cảm thấy sợ hãi. Thế là tôi không thể thấy Danh và Sắc rõ ràng nữa.

A: - Sư cảm thấy hoảng sợ hay sư cảm thấy sợ hãi, rồi sư không thể thấy Danh-Sắc một cách rõ ràng, là bởi vì sư có ít sự tỉnh thức. Vì vậy, hãy cố gắng có sự tỉnh thức thêm nữa, rồi sư sẽ ít sợ hãi. Nếu sư thấy Danh-Sắc rõ ràng với sự tỉnh thức trọn vẹn, sư sẽ không cảm thấy sợ hãi.

(Hai vị sư thứ nhất và thứ hai)

A: - Pháp hành của sư thế nào rồi?

T: - Trước đây, tôi hay phóng tâm, nhưng bây giờ tôi đã hiểu được pháp hành rõ hơn. Vì thế, tôi mơ đến việc đi dạy thiền cho những người bà con của tôi hay cho mọi người.

A: - Sư có phóng tâm bởi vì sư đã rơi khỏi sát-na hiện tại. Sư có biết tại sao sư rơi khỏi sát-na hiện tại không? Bởi vì sư đang nghĩ đến việc sẽ làm một thiện sự (kusala) nào đó, chẳng hạn như nói đạo hay dạy thiền... Và sư đã làm gì để cho phóng tâm biến mất?

T: - Phóng tâm tự nó biến mất, lúc đó, tôi đang quán sắc nằm.

A: - Nếu sư quán sắc ấy lâu hơn, sư sẽ thấy được thực tánh của sắc đó một cách rõ ràng. Nếu sư chỉ quán được một chút, sư cũng sẽ chỉ thấy được một chút sự thật của nó thôi vậy. Sư càng quán sắc được nhiều, sư sẽ càng thấy sắc nhiều hơn và rõ hơn. Song nếu sư quán quá lâu, nó sẽ khiến cho sư có ít tỉnh thức lại. Khi sư bị như vậy, sư ngưng lại một lát rồi bắt đầu khởi quán trở lại với nhiều tỉnh thức hơn.

T: - Ðôi khi đang quán sắc tôi lại cảm thấy như mình muốn khóc lên vậy.

A: - Sư có biết vì sao sư cảm nhận như vậy không? Sư phải biết lý do tại sao sư cảm thấy như vậy. Chẳng hạn, khi sư thấy một tử thi, sư có một cảm giác nào đó. Tương tự như vậy nếu sư thấy một người đẹp,... Sư phải cố gắng tìm hiểu xem tại sao cảm giác ấy khởi lên. Nhưng thường thì sư không biết tại sao. Giải pháp ở đây là sư phải có sự tỉnh thức thật rõ ràng, tức là tỉnh thức về những gì sư đang làm, biết lý do tại sao hành động (khóc) ấy xảy ra, và vì sao nó biến mất. Nó xuất hiện bởi vì đối tượng đã thay đổi từ sắc ngồi sang cái khóc, chẳng hạn, mà cái khóc ấy là buông khỏi sát-na hiện tại. Vậy lý do sư khóc chính là vì sư buông khỏi sát-na hiện tại. Cả hai vị đều có những vấn đề tương tự, nhưng cùng một nguyên nhân (yếu tỉnh thức). Quý sư đã thấy Danh-Sắc là không có thực thể (vô ngã), một người thì sợ, còn người kia thì muốn khóc. Tuy nhiên, việc thực hành của hai vị dù sao cũng đã tiến bộ hơn.

Pháp nào không Danh-Sắc là rỗng không. Khi sư thực hành, chính là để thấy pháp, đó không phải là ta, không phải ta ngồi. Cách chúng ta thực hành ở đây là để quán sắc ngồi,... nên nếu sư chỉ quán oai nghi ngồi mà không biết được cái gì đang ngồi, có nghĩa là sư đã không thấy được pháp, và không nhận ra pháp. Khi sư nhận ra pháp, điều đó có nghĩa là sư đã thấy cái gì là sắc, cái gì là danh. Có rất nhiều pháp, và chúng đều xuất phát từ danh và sắc. Nếu sư không quán Danh-Sắc, nghĩa là tâm sư không ở trong niệm xứ (satipaṭṭhāna).

T: - Tôi có thể ngăn ngừa tham ái không cho xen vào lúc đang hành bằng cách nào?

A: - Danh-Sắc không nảy sanh từ tham muốn. Danh-Sắc phải khởi lên một cách tự nhiên, không có sự sáng tạo của chúng ta. Thí dụ, khi cái nghe xảy ra, đó không phải là do ước muốn của chúng ta. Bởi thế, chúng ta dùng cái nghe ấy để làm cho tuệ nảy sanh. Tuệ ở đây chính là khi sư biết cái nghe đó là danh nghe. Trường hợp Danh-Sắc nảy sanh do ước muốn, tức là do sư cố tình làm cho nó hiện khởi, đó không phải là Danh-Sắc. Vì vậy, khi thay đổi oai nghi, sư phải biết lý do. Mặc dù sư không muốn thay đổi, sư cũng phải thay đổi, như vậy mới ngăn được tâm tham muốn. Khi không có phiền não, trí tuệ sẽ hiện ra.


[1] "chỗ nào", ở đây muốn nói tới chỗ mà hành giả thấy được sắc ngồi trong toàn bộ oai nghi.

[2] Paramattha: thực tại tuyệt đối (tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn) - chân đế. Một đặc tánh chung cho tất cả thực tại tuyệt đối này là vô ngã (anatta).

[3] Xem lại Bodhipakkhiyadhamma (các phần Bồ đề) và Maggacitta, Phalacitta (Tuệ thứ 12) -- tâm đạo, tâm quả.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 2.0 | 3.0 | 4.1 | 4.2 | 4.3 | 4.4

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Pháp Thông đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2003)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-08-2003