BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lá thư bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001


  

[12]

Tản mạn về Ðạo

-ooOoo-

Ði hát là một cái đạo chứ không phải cái nghề, vì người nghệ sĩ đứng trên sân khấu có cái gì đó rất thiêng liêng. Cái đạo ấy thật cao đẹp, vừa nói lên tiếng nói của tâm hồn, vừa thể hiện cái chất trí tuệ của con người trong cuộc sống. Nó không phải là một nghề như buôn bán, và nếu nhờ đi hát mà có cơm ăn áo mặc thì cũng chỉ là chuyện thứ yếu mà thôi" (Soạn giả cải lương Lê Hoài Nở). (Trích hồi ký của nghệ sĩ Bảy Nam "Trôi theo dòng đời", trang 11).

Chép lại câu nói của bậc tác giả tiền bối của nghệ thuật cải lương Việt Nam (thập niên 40-50) thay cho lời mở đầu của Lá thư bạn đọc kỳ này, tôi muốn nhân đây, khẳng định những suy nghĩ của mình từ lâu rồi đối với nghề nghiệp Tổ.

Ðạo - nói nôm na, theo ông bà - là cái gốc để giữ cho con người thật sự là con người lương thiện, biết sống, làm việc có ích lợi cho con người, biết yêu thương, biết cảm thông, biết chia sẻ cùng nhau những cảnh đời cùng khốn. Thiếu Ðạo ở bất cứ một quốc gia nào, một gia đình nào, một con người nào, cuộc đời sẽ khó mà tồn tại như nó đã tồn tại từ triệu năm này sang triệu năm khác. Thiếu đạo, con người thật ra khó thể trả lời cho mình câu hỏi: "Sống để làm gì?".

Có một lúc 3 cái Ðạo: Ðạo Phật, Ðạo làm người, Ðạo trong nghệ thuật ... đã hòa trộn trong tôi, miên man, sâu lắng, khó phân biệt. Nhưng cũng có khi tôi bất chợt nhận ra sự tốt đẹp, điều quý báu, niềm hạnh phúc của mọt con người ngộ ra từ trong cuộc sống, dựa trên "3 cái Ðạo" mà tôi vừa nói trên.

Ðạo ông bà cho tôi cái cốt lõi quan trọng trong cuộc sống. Ở đây, một con người được sinh ra từ cha mẹ, từ nguồn cội tổ tông ... gia phả, dân tộc, đất nước ... Con người này sống và biết rằng những suy nghĩ, những hành động của mình từ nơi nào ra và từ đâu đi về; với tổ tông, cách đối xử, cư xử giữa cha con, chồng vợ, ông bà, chú bác, dì cô, với hàng xóm làng nước ...

Ðạo nghệ thuật biến một con người trở nên đẹp hơn với chính mình bởi những lời lẽ đạo ý, thiện lương, bởi những cảnh đời trong nghệ thuật vui, buồn, thương, ghét, tha thứ, hận thù, cao sang, hạ tiện, ngã mạn, khiêm cung... mà tác giả đã bày ra trong tác phẩm. Tác phẩm, tức vở diễn với sự đoàn kết của đồng đội : Ðạo diễn, họa sĩ, công nhân, nhạc sĩ..v.v... để từ đây, người diễn viên nghệ sĩ thể hiện nhân vật đồng nghĩa với bày tỏ tình cảm, thái độ của nhân vật, để rồi trước sàn diễn, người khán giả tìm thấy được sự đồng cảm với nhân vật, với người diễn. Vở diễn có thể là một tiểu ý thức về thân phận người, có thể là chuyển trải một dòng triết học nào đó, có thể là một tiếng chuông cảnh tỉnh, là một bản tin về "dự báo thời tiết" cho viễn cảnh sống tương lai của nhân loại, một lời báo động về đạo đức suy đồi, một bản anh hùng ca của dân tộc..v.v... Có không biết bao nhiêu đề tài cho những vở diễn, những tác phẩm nghệ thuật và hàng hàng lớp lớp những thế hệ những người làm nghệ thuật lúc thịnh, lúc suy, lúc được hoan nghênh, lúc bị rẻ rúng, cả những thời điên đảo của thế giới còn bị bắn giét, tra tấn, tù đày. Chính ở những thời điểm nóng bỏng của nhân loại, của dân tộc, ý thức về sự chuyển tải đạo qua nghệ thuật đã hình thành tính cách độc đáo của nghề và nhân cách của người làm nghề - hát cho đời vui, hát để hun đúc tinh thần những chiến sĩ ra trận, hát để chia sẻ đau thương, uất hận với những người cùng khổ, hát để khơi gợi cái đẹp trong tâm hồn mỗi con người; hát để nhắc nhở con người chớ quên cội quên nguồn, quên lịch sử hào hùng của dân tộc... Ðẹp biết bao và cũng lớn lao biết bao khi nhận ra và trân trọng cái Ðạo trong nghệ thuật.

Sau hết, và cũng quan trọng biết chừng nào, đó là đạo Phật. Chính ở đạo Phật, từ đạo Phật, con người nếu có được duyên may đi vào con đường giác ngộ, người đó sẽ nhận biết được mình là ai, từ đâu tới, tới để làm gì và sẽ đi về đâu. Con người với giáo lý, với bài học của đức Phật để lại, sẽ tự tìm cho mình câu trả lời lớn nhất và xứng đáng nhất, để từ đó biết điều khiển mình trong cái vòng quây của nhân loại, biết tự điều chỉnh để tuy là một nhưng là tất cả, là tất cả nhưng vẫn không nhòe cái một của mỗi người. Như ông bà đã nói : "Biết mình biết ta", biết mình quan trọng trong cái thấy chung mọi vật trong vũ trụ cũng quan trọng như mình. Con người có một cảm nhận, một cái nhìn công bằng trong hành xử với đời, với người, với mọi sự vật. Con người đó có mặt ở đâu đem ánh sáng thiện lương đến đó, lòng nhân ái chan hòa khắp mọi nơi. Ðó chính là con người mà ai trong chúng ta cũng muốn hướng tới, muốn trở thành.

Ngày hôm qua cho chúng ta tri thức trong quá khứ, ngày hôm nay cho chúng ta tri thức trong hiện tại. Cả hai tri thức này, chúng ta bằng hành động thiết thực, bằng trái tim từ ái, gộp lại để tặng cho tương lai món quà tri thức lớn hơn, đẹp hơn, quý báu hơn, cần thiết hơn. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể giải đáp trung thực, hữu ích những câu hỏi lớn của nhân loại về lẽ sinh tử, về lục đạo, về luân hồi, về giác ngộ...

Và cũng từ bao giờ, "3 cái Ðạo" trong tôi là một nhưng cũng rất là 3. Một cho xác thân, một cho tri thức, và cái thứ ba đó là điều mà đức Phật đã nêu tấm gương sáng ngời cho chúng ta : "Ngài là Phật đã thành và chúng sanh là Phật sẽ thành". Chúng ta hướng theo ánh mắt Tổ Sư và quyết tâm đi tới.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Trang kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-04-2001