Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Khái niệm và Thực tại
trong Tư tưởng Phật giáo nguyên thủy

Luận đề về ‘Papañca’ và ‘Papañca-Saññā-Saṅkhā’

Bhikkhu Ñāṇananda
Tỳ khưu Giác Lộc dịch

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[II]

Những Bình Giải Về Papañca và Papañca-Saññā-Saṅkhā

Trong cố gắng của chúng tôi nhằm xác định và đánh giá ý nghĩa của ‘papañca’và ‘papañca-saññā-saṅkhā’, chúng tôi có dịp tham khảo rải rác một số giải thích khác được đưa ra bởi các học giả xưa và nay. Tuy nhiên, trong đó chúng tôi đã không cố gắng làm bất cứ nghiên cứu chi tiết hoặc so sánh nào trong nhiều cách lý giải, vì việc đó có thể làm cản trở sự mạch lạc của luận đề này. Do vậy bây giờ chúng tôi sẽ trích dẫn chúng, cùng với những bình luận thích hợp nơi nào cần thiết, nhằm mục đích giúp cho độc giả đôi điều để noi theo phòng khi người đó tìm thấy đánh giá của chúng tôi về đề tài này là không thể chấp nhận.

Những định nghĩa thuộc chú giải xưa nhất về các từ ‘papañca’ và ‘papañca saṅkhā’ sẵn có cho chúng ta là những định nghĩa trong chú giải kinh điển Mahā Niddesa. Ở đó chúng ta được biết:

(I) Papañcā yeva papañcasaṅkhā, taṇhā-papañcasaṅkhā, diṭṭhi-papañcsaṅkhā, māna- papañcsaṅkhā. - Nid. I. 280.

‘Các Papañca chính chúng là Papañcasaṅkhā, tức là: các papañcasaṅkhā của ái, các kiến giải và mạn.’

(II) Papañcā yeva papañcasaṅkhā, taṇhā-papañcasaṅkhā diṭṭhipapañcasaṅkhā. Katamaṃ taṇhāpapañcassa mūlaṃ? Avijjā mūlaṃ, ayonisomanasikāro mūlaṃ, asmimāno mūlaṃ ahirikaṃ mūlaṃ anottappaṃ mūlaṃ uddhaccaṃ mūlaṃ. Katamaṃ diṭṭhipapañcassa mūlaṃ? Avijjā m ūlam...uddhaccaṃ mūlaṃ’. - ibid. 344-5

‘Các Papañca chính chúng là papañcasaṅkhā: các papañcasaṅkhā của ái và của các kiến giải. Gốc của papañca ái là gì? Vô minh là gốc, phi như lý tác ý là gốc, mạn ‘tôi là’ là gốc, vô tàm là gốc, vô quý là gốc, phóng dật là gốc. Gốc của các papañca kiến giải là gì? Vô minh ... phóng dật là gốc.

Hai từ ở đây được coi như là đồng nghĩa. Tuy nhiên, chúng không được định nghĩa liên quan với từ nguyên của chúng. Thay vào đó chúng ta tìm thấy một định nghĩa mở rộng, nó nêu ra ba trường hợp của papañca. Một cố gắng đi sâu vào các gốc của papañca cũng rõ ràng nhưng không đủ hàm súc về bất cứ ý nghĩa căn bản nào có thể gắn liền với papañca.

Trong Nettippakaraṇa chúng ta bắt gặp một cố gắng rõ ràng hơn để lần ra manh mối ý nghĩa của từ đó.

(I) Papañcā nāma taṇhādiṭṭhimānā tadabhisaṅkhatā ca saṅkhārā. - Netti. 37

‘Các papañca là ái, các kiến giải và mạn và bất cứ hành gì được tạo tác bởi chúng.’

(II) Yo cāpi papañco, ye ca saṅkhārā yā ca atītānāgata-paccuppannassa abhinandana, idaṃ ekattaṃ. - ibid. 38.

‘Bất cứ papañca nào, bất cứ các hành nào và bất cứ hỷ nào trong quá khứ, tương lai và hiện tại - tất cả những pháp này là giống nhau.’

(III) Papañco nāma vuccati anubandho. – ibid. 38.

‘Papañca được gọi như thế bởi vì nó là một sự truy tầm.’

Người ta dường như nhìn lướt qua khái niệm bành trướng được ngụ ý bởi papañca trong ba định nghĩa trên. Trước hết, sự việc là papañca được trích dẫn để muốn nói không những ái, mạn và các kiến giải, mà còn các hành hoặc các trợ duyên tinh thần được tạo tác bởi chúng, là một sự cải tiến đáng kể. Thứ hai, có xu hướng coi papañca, các hành, và hỷ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, như là đồng nghĩa. Loại hỷ được đề cập cuối cùng này khơi lại một cách mạnh mẽ phương thức Madhupiṇḍika về tưởng và cũng là sự công nhận ngầm sự bành trướng đồng dạng trong tư tưởng. Thứ ba, khi gọi papañca là một ‘sự truy tầm’, thậm chí một ẩn ý khác cùng phương hướng đã được nêu ra.

Theo Milindapañha, vua Milinda, cũng mong mỏi được một giải pháp rõ ràng cho vấn đề mà lôi cuốn sự chú ý của chúng ta bây giờ. Đối với kết luận này vua hỏi Nāgasena như vầy:

Bhante, Nāgasena, bhasitampetaṃ bhagavatā ‘nippapañcārāmā bhikkhave viharatha nippapañcaratino’ti. Katamaṃ taṃ nippapañcanti?

Thưa ngài Nāgasena, điều này được Thế tôn thuyết: ‘Này các tỳ kheo, các ngươi nên trú hoan hỷ trong nippapañca và được hoan hỷ bởi nippapañca.’ Bạch ngài, nippapañca đó là gì?’

Tuy nhiên, trả lời của Nāgasena là không chính xác và chưa được thỏa đáng. Ngài chỉ nói:

Sotāpattiphalaṃ Mahārāja nippapañcaṃ, sakadāgāmiphalaṃ nippapañcaṃ, anāgāmiphalaṃ nippapañcaṃ, arahattaphalaṃ nippapañcaṃ. - Milp. 262

‘Thưa Đại vương, quả dự lưu là nippapañca, quả nhất lai là nippapañca, quả bất lai là nippapañca, quả A la hán là nippapañca.’

Do vậy sự liên quan của Milindapañha với vấn đề hiện tại chỉ là ý thức của nó về bản thân vấn đề.

Khi bàn đến Buddhaghosa, chúng ta tìm thấy một số trường hợp mà ngài đã bình luận về papañca và papañca-saññā-saṅkhā. Sau đây là một vài đoạn trong số đó:

(I) ‘Papañcasaññāsaṅkhā’ti, tayo papañcā taṇhāpapañco, mānapapañco diṭṭhipapañco’ti. Tattha aṭṭhasatataṇhā-vicaritaṃ taṇhāpapañco nāma, navavidho māno mānapapañco nāma, dvāsaṭṭhidiṭṭhiyo diṭṭhipapañco nāma. Tesu idha taṇhāpapañco adhippeto. Kenatthena papañco? Mattapamattākārapāpanaṭṭhena.’ - D. A. II. 721

‘Papañcasaññāsaṅkhā có nghĩa là ba papañca – các papañca về ái, mạn và các kiến giải. Trong đó, phạm vi của một trăm lẽ tám loại ái được gọi là ‘taṇhā-papañca’; chín loại mạn là ‘māna-papañca’; và sáu mươi hai kiến giải được gọi là ‘diṭṭhipapañca’. Trong đó ‘taṇhāpapañca’ muốn nói đến trong ngữ cảnh này. Nó là ‘papañca’ trong ý nghĩa nào? Trong ý nghĩa nó đưa đến sự say đắm và trì hoãn.’

(II) ‘Papañcasaññāsaṅkhā’ti ettha saṅkhā’ti koṭṭhāsā: papañcasaññā’ti taṇhādiṭṭhipapañ-casampayuttā saññā, saññānāmena vā papañcāyeva vuttā; tasmā papañca-koṭṭhāsāti ayamettha attho. - M. A. II. 75

‘Papañcasaññāsaṅkhā: nơi đây ‘saṅkhā’ nghĩa là ‘những phần’; ‘papañcasaññā’ nghĩa là những tưởng được kết hợp với taṇhā- và diṭṭhi-papañca; hoặc là chính các papañca được ngụ ý bởi từ ‘saññā’; do vậy ‘những phần của papañca’ là tất cả điều muốn nói ở đây.’

(III) Papañco’ti ca mattapamattākārabhāvena pavattānaṃ taṇhādiṭṭhimānānaṃ etaṃ adhi-vacanaṃ. - M. A. 10

‘Papañca: đây là một đồng nghĩa cho ái, các kiến giải và mạn mà tự biểu hiện trong hình thức của sự say đắm và trì hoãn.

(IV) Iñjitāniādīni’, yasmā imehi kilesehi sattā iñjanti ceva phandanti ca papañcitā ca honti pamattākārappattā. - S. A. III. 73

‘Iñjitāni v.v... vì do những phiền não này chúng sanh bị lay động, rung động và tùy thuộc vào papañca, tức là chúng trở nên hầu như lười nhác.’

(V) Papañco’ti taṇhādiṭṭhimānavasena pavatto madanākārasaṇṭhito kilesapapañco. - A. A. III. 348.

‘Papañca: đây là papañca với những khuynh hướng ô nhiễm, nó thuộc về một tính cách đầu độc, tự biểu hiện bằng hình thức của ái, các kiến giải và mạn.’

Buddhaghosa đã nhìn nhận đúng đắn tam thể hợp nhất của papañca, nhưng tính hợp lý trong định nghĩa của ngài về diṭṭhi là đáng ngờ vì những lý do chúng tôi đã phát biểu trước. Sự tác hợp ‘papañca’ và ‘papañca-saṅkhā’ như là đồng nghĩa và chuyển dịch từ ngữ ‘saṅkhā’ bằng ‘koṭṭhāsā’ trình bày hai vấn đề khác mà chúng tôi đã bàn luận khá chi tiết rồi. Ngoài những điều này, sự phát triển quan trọng là rõ ràng trong sự cố gắng để định nghĩa ‘papañca’ liên quan với pamatta (sự say sưa hoặc trì hoãn) hoặc bất cứ nghĩa nào trong những nghĩa tương quan. Sự phát triển ngữ nghĩa đặc biệt này dường như có một lịch sử thật là thú vị đằng sau nó. Trong việc thảo luận ý nghĩa từ nguyên cơ bản của ‘papañca’ chúng tôi đã nhận xét rằng nghĩa ‘khuếch tán’ khi được ứng dụng với phạm vi ngôn từ, nó truyền đạt những nghĩa như ‘tính rườm rà’ hoặc ‘quanh co’. Những từ sau này có ý tưởng ngấm ngầm về sự trì hoãn trong việc phát biểu chính xác sự kiện thích hợp. Nó chỉ là một bước từ sự trì hoãn này trong lời nói đến sự trì hoãn trong hành động và trong cách dùng phổ biến ‘papañca’ trở nên được dùng thật bừa bãi trong cả hai nghĩa, là do có sự đồng dạng. Sở thích theo chú giải về cách dùng bừa bãi không cần được cho là vấn đề nghiêm trọng đang bàn, nếu nó không cản trở sự giải thích đúng các kinh. Nhưng về điều này chúng ta có những nghi ngờ, vì do sự đồng hóa ‘papañca’ với ‘pamāda’, phần lớn ý nghĩa triết học và tâm lý sâu hơn của từ trước có khuynh hướng trở nên khó hiểu. Chúng tôi đã nêu ra rằng khía cạnh triết lý mà ‘papañca’ gánh vác trong việc ứng dụng của nó với phạm vi tinh thần là quá sâu đến nổi ngay cả từ mật mã ngắn nhất (ví dụ ‘Ta’) giúp tránh papañca ngôn từ, có thể xuất đầu lộ diện là papañca tinh thần. Nếu trường hợp như thế đối với hai phạm vi gần kề của tư tưởng và lời nói, người ta có thể hình dung rõ sự phân rẽ mà tồn tại giữa papañca trong tư tưởng và papañca trong hành động. Đồng hóa ‘sự khuếch tán trong tư tưởng’ với ‘tính trì trệ trong hành động’ do vậy gạt bỏ papañca khỏi những sắc thái triết lý sâu sắc của nó. Sự thúc đẩy tâm lý cá biệt đằng sau việc đồng hóa này rất có thể là sự lôi cuốn của thuật ngữ ‘pamāda’ đầy ý nghĩa về mặt luân lý. Từ này được dùng rộng rải theo nghĩa hẹp là sự chểnh mảng trong nỗ lực để chứng Nibbāna. Mặt khác, những chỗ xuất hiện của từ ‘papañca’ là không thường , nhưng người ta cảm thấy rằng chính sự hiếm có này lẽ ra đã khuyến cáo trước các nhà chú giải. Tuy nhiên, như sự việc đã xảy ra, ‘pamāda’ đã đắc thắng – do chú giải ưa chuộng một thuật ngữ thuộc luân lý – và cướp đi sắc thái tế nhị và sâu sắc rất thiết yếu cho việc giải thích các kinh.

Lập trường chẳng khác gì, nếu không nói là tệ hơn, trong trường hợp các chú giải của Dhammapāla. Từ ‘papañca’ bây giờ được thừa nhận như một đồng nghĩa hợp lý cho ‘kilesa’ (các phiền não) và nó khơi dậy trí tưởng tượng của chú giải bằng một cung cách nhẹ hơn nhiều:

(I) papañcasaṅkhā pahānan’ti, papañcenti yattha sayaṃ uppannā taṃ santānam vitthārenti, ciraṃ ṭhapentī’ti papañcā; kilesā, visesato rāga dosa moha diṭṭhi mānā. Tathā hi vuttaṃ rāgapapañco dosapapañco mohapapañco diṭṭhipapañco taṇhāpapañco mānapapañco’ti. Api ca saṅkilesattho papañcattho kacavarattho papañcattho. Tattha rāgapapañcassa subhasaññā nimittaṃ, dosapapañcassa āghātavatthu, mohapapañcassa āsavā, taṇh-āpapañcassa vedanā , diṭṭhipapañcassa saññā, mānapapañcassa vitakko nimittaṃ. Tehi papacehi sahagatā saññā papañcasaññā papañcasaññānaṃ saṅkhā bhāgā koṭṭhāsā papañcasaññāsaṅkhā. - Ud.A. 372

‘Papañcasaṅkhāpahāna: các papañca được gọi thế bởi vì chúng phát sanh sự trì hoãn, bất cứ nơi nào người ta sanh ra; chúng kéo dài sự tương tục, khiến người ta chần chừ lâu dài. Chúng là những phiền não, đặc biệt là tham, sân, si, các kiến giải và mạn.Vì vậy có lời rằng: rāgapapañco dosapapañco mohapapañco diṭṭhipapañco taṇhāpapañco mānapapañco.’ Hơn nữa, ‘papañca’ có nghĩa của phiền não ô trược. Trong đó, đối tượng của tham là tưởng về tịnh , đối tượng của sân là trường hợp chỉ cho ác ý, đối tượng của si là các lậu hoặc, đối tượng của ái là thọ, đối tượng của các kiến giải là các tưởng, đối tượng của mạn là tầm. Tưởng đó đồng sanh với các papañca kia là ‘papañcasaññā’. Số lượng, những phân đoạn, những phần của papañcasaññā đó được gọi là ‘papañcasaññāsaṅkhā’.

(II) ... sattasantānaṃ saṃsāre papañcenti vitthārentī’ti. Papañcā. - Thag. A. II. 219.

‘Papañca được gọi thế bởi vì nó kéo dài tâm tương tục của chúng sanh trong luân hồi.’

(III) ...Papañcā nāma rāgādavo kilesā, tesaṃ vūpasamatāya tadabhāvato ca lokuttarā dhammā nippapañcā nāma. - Thag. A. III. 70

‘Papañca là những phiền não như tham. Các pháp siêu thế gọi là nippapañca, trong ý nghĩa rằng chúng có khuynh hướng làm lắng dịu các phiền não và chấm dứt chúng.’

Một dấu hiệu về nghĩa năng động của ‘papañca’ được thấy xuất hiện trong từ vitthārenti (kéo dài) trong những định nghĩa của Dhammapāla, nhưng ngài cho nó một xu hướng luân lý bằng sự liên kết nó với ý tưởng trì hoãn lâu dài trong luân hồi.

Căn cứ vào những phát triển ở trên trong chú giải, nó có vẻ rằng sự tìm tòi ý nghĩa nguyên thủy của ‘papañca’ và ‘papañca-saññā-saṅkhā’ chủ yếu phải tiến hành trên cơ sở phân tích ngữ cảnh của các kinh. Mặc dù các chú giải làm sáng tỏ phần nào chủ đề, bản thân chúng bị kềm kẹp với khá nhiều sự phát triển ngữ nghĩa. Do vậy người ta phải đến với các kinh để hiểu những gì chính các kinh muốn nói.


[III]

Prapañca Trong Phật Giáo Mahāyāna

Trong Mahāyāna, từ ‘prapañca’ duy trì phần lớn về những ẩn ý triết lý sâu sắc của mình và Mahāyāna có một vai trò đáng kể để thủ vai trong phép biện chứng Mādhyamika cũng như trong thuyết duy thức của Vijñānavādins. Cả hai hệ thống phát động cuộc tấn công mạnh mẽ vào tất cả những tâm tạo tác và nhấn mạnh sự cần thiết của sự lắng dịu hoàn toàn prapañca (prapañcopasama). Đối với Mādhyamika, chân lý tuyệt đối là trên tất cả những mối liên hệ ngôn ngữ. Do vậy trong Mādhyamika Kārikā:

Aparapratyayaṃ sāntaṃ – prapañcairaprapañcitaṃ
nirvikalpaṃ anānārtham – etat tatvasya lakṣanaṃ - XVIII. 9.

‘Không quan hệ, tĩnh lặng – không bị kẹt bởi các khái niệm, giải thoát những tâm tạo tác và sai biệt - đây là tướng của chân lý.

Prapañcayanti ye buddhaṃ – prapañcātitamavyayaṃ
Te prapañcahatāh sarve- na pasyanti tathāgataṃ. - XXXIII.15

‘Những ai khái niệm hóa Đức Phật, bậc đã vượt xa phạm vi phức tạp của lời nói và bậc bất diệt, không ai trong chúng sẽ thấy Như Lai, vì chúng bị chinh phục bởi các khái niệm.’

Chúng ta đã thảo luận với sự đề cập đặc biệt đến từ ‘Suññatā’, một số điều kiện hạn chế của phép biện chứng Mādhyamika. Khái niệm của chúng về Trung đạo biện chứng, thậm chí nó đã khiến chúng tuyên bố rằng lập trường của mình là không ‘lập trường’, cuối cùng đã đương đầu với những trở ngại do thiếu sự đánh giá cách tiếp cận thực tiễn. Về cách tiếp cận sau, các Theravādin đã hiểu nó bằng biện pháp tốt, ngay cả đến tầm mức phớt lờ ý nghĩa biện chứng của từ ‘papañca’. Do vậy bất cứ sự tái lập quan hệ thân hữu nào giữa hai hệ thống về vấn đề papañca sẽ có lợi ích hỗ tương, vì cả hai sẽ có nhiều điều để học và chưa được học nhờ đối chiếu những chú dẫn.

Các Vijñānavādin, đã đưa ra một Ālaya Vijñāna (tàng thức), thanh tịnh về mặt bản chất và bất nhị, họ đã chủ trương rằng chính vì những tâm tạo tác che khuất và làm vẫn đục thực tính của nó. Do vậy họ cũng coi ‘prapañca’ như một từ chủ yếu trong hệ thống triết học của họ. Người ta đọc trong Laṅkāvatāra Sūtra:

Jalpaprapañcābhiratā hi bālas –
Tatve na kurvanti matiṃ visālāṃ
Jalpo hi traidhātukadukhahetus –
Tatvaṃ hi duhkhasya vināsahetuh’
- L. S. (Nanjio) III. 73

‘Những kẻ ngu có thói quen bàn chuyện phiếm vu vơ qua các khái niệm, họ không đạt đến trí tuệ rộng lớn liên quan với chân lý. Chuyện phiếm như thế, chắc chắn, là căn nguyên của khổ đau trong ba cõi và chân lý là nhân tận diệt khổ đau đó.’

Evamanāgatodhunāpi dharmatayā nirvikalpāh tathāgatāh sarvavikalpaprapañcātitah... - ibid.p.19.

‘Do vậy trong tương lai cũng như ở hiện tại, do pháp tính các Như Lai không có những tâm tạo tác; các Ngài vượt qua tất cả tâm tạo tác và ngôn thuyết chi ly.’

Sự đề cập đến một thức vốn sáng chói nhưng bị ô nhiễm bởi những phiền não ngoại lai, xảy ra ở Aṅguttara Nikāya (I.10). Như trường hợp tâm của vị A la hán được nói là thoát khỏi các phiền não khái niệm. Tuy nhiên trong kinh điển pāli không có sự gợi ý về một thức tuyệt đối như là thực tại cùng tột như trong trường hợp của Vijñānavāda. Ngay cả viññāṇa cuối cùng chấm dứt khi vị A la hán chết vì nó chỉ là một trong năm uẩn:

Abhedi kāyo, nirodhi saññā, vedanā sītirahaṃsu sabbā, vūpasamiṃsu saṅkhārā, viññāṇaṃ attham agamā. - Ud. 93.

‘Thân bị tan rã, tưởng diệt, tất cả thọ được lắng đọng, các hành được bình lặng và thức chấm dứt.’

Lại nữa, sự đề cập đến một thức vốn thanh tịnh không bị lẫn lộn với ý tưởng về một thực thể tuyệt đối, như một bản ngã, đã ăn sâu trong mỗi chúng sanh. Sự chói sáng của thức là một tiềm năng mà trở thành một thực tại chỉ khi các điều kiện cần thiết được tròn đủ. Các điều kiện này được gọi chung là ‘bhāvanā’, một từ mà gợi ý theo nghĩa đen là sự phát triển. Nó có ý nghĩa rằng đoạn văn Aṅguttara đề cập ở trên thật sự là một sự cổ vũ nhấn mạnh tầm quan trọng của bhāvanā (phát triển tâm). Do vậy, theo Pāli Nikāya, người ta phải chuyển hóa sự chói sáng của thức. Nó không phải là cái gì tồn tại trước trong nghĩa siêu hình nào đó, sẵn sàng bị tách ra bằng phương tiện biện chứng hoặc phương tiện khác. Hoa sen không thể bị truy nguyên một cách siêu hình là do hạt giống hoặc thực vật. Nó phải trổ hoa trước để là một hoa sen.

Tuy nhiên một sự cải cách khác của Vijñānavādins là chủ thuyết duy thức triệt để với sự trợ giúp của sự phân cấp của tám thức. Ở đây lần nữa chúng ta có một cực đoan. Ngoài những ý tưởng về nhân duyên của các hiện tượng, của các điều kiện hạn chế về bộ máy cảm giác, về ngôn ngữ và luận lý, trong Phật giáo nguyên thủy người ta không tìm thấy bằng chứng của một ‘A lại da thức’ tạo ra tất cả danh pháp và sắc pháp.

Các thành ngữ đặc biệt ‘papañca-saṅkhā’ và ‘papañca-saññā-saṅkhā’, mà chúng ta bắt gặp trong kinh điển Pāli, dường như vắng mặt rõ rệt trong các luận Mahāyāna. Từ ‘prapañca’ chính nó có thể được coi như là có khả năng truyền đạt tất cả những nghĩa động từ và danh từ. Tuy nhiên , trong kinh điển Pāli chúng ta chú ý vài cơ sở để phân biệt giữa ‘papañca’ ở một mặt và ‘papañca-saññā-saṅkhā’ ở mặt khác. Trong khi ‘papañca’ trong nghĩa động được dùng để chỉ ba khuynh hướng bành trướng của thức, thì ‘papañca-saṅkhā’ và ‘papañca-saññā-saṅkhā’ biểu thị những khái niệm có vẻ tĩnh do khuynh hướng đặc biệt đó làm cho tạp nhiễm hoặc có nét đặc trưng. Như thế, trong trường hợp của ‘papañca’ sự nhấn mạnh vào khuynh hướng tâm lý sâu kín đặt trọng tâm vào ý tưởng ngã, nhiều hơn là vào bản sao bên ngoài của nó, khái niệm hoặc tục đế. Do sự triệt tiêu papañca ở chính nguồn của nó, bậc thánh chấm dứt papañca-saṅkhā hoặc papañca-saññā-saṅkhā, nhưng vị ấy tự do dùng các khái niệm thế gian (lokasamaññā, lokaniruttiyo, lokavohārā, lokapaññattiyo) không có sự lo sợ nào về việc bị áp đảo bởi chúng. Vì vậy, sự đấu tranh thực sự được chiến đấu nơi tâm, hơn là trong tranh luận. Thật đáng ngờ rằng tất cả nghĩa thích hợp đằng sau cách dùng từ đặc biệt này có thể được truyền đạt đầy đủ bằng từ đơn độc ‘prapañca.’


[IV]

Prapañca Trong Vedānta

Sự liên hệ theo thứ tự thời gian chính xác có được giữa khái niệm về papañca trong các Pāli Nikāya và khái niệm về prapañca trong Vedānta là một vấn đề cho sự suy đoán. Đây là vì sự kiện rằng khái niệm này không được biết đối với các Upanisad chủ yếu như Brhadāraṇyaka và Chāndogya, mà thường được công nhận như là tiền Phật giáo. Nó được tìm thấy đề cập trong các Upaniṣad về sau như Māṇḍukya và Svetāsvatara. Thực ra, đoạn văn trong Māṇḍukya chứa đựng một lời ám chỉ đến ‘prapañca’ là một phần bổ sung có ý thức về các lý thuyết đã được phác họa trong Brhadāraṇyaka Upaniṣad. Mặc dù như thế sự liên hệ theo thứ tự thời gian là không đủ rõ ràng, có vài dấu hiệu về sự trùng hợp giữa các quan niệm Vedātic và Phật giáo nguyên thủy về prapañca.

Māṇḍukya Upanisad, (1) tự mình tận tụy với sự thảo luận về ý nghĩa huyền bí của vần Om, diễn tả một cách chi tiết bốn phần tư của bản ngã. Ba trạng thái đầu tiên của bản ngã là ‘trạng thái thức’ (jāgaritasthāna), ‘trạng thái mơ’ (svapnasthāna) và trạng thái ngủ say (suṣuptasthāna), tương đương với ba yếu tố ngữ âm (mātrā) ‘a’, ‘u’, và ‘m’, chúng thành lập vần ‘Om’. Trạng thái thứ tư của bản ngã là không có một yếu tố và nó được nói rằng với nó không thể có sự phân chia (avyavahāryah), đó là chấm dứt sự phát triển (prapañcopasamah), nhân từ (sivah) và không có một cái thứ hai (advaitah). Do vậy ba trạng thái đầu tiên được coi chung như là prapañca. Ba trạng thái này được định nghĩa trước tiên liên quan với ‘phần thứ tư’.

Jāgaritasthāno bahisprajñah saptaṅga ekonaviṃsati mukhahsthūlabhugvaisvanarah pra-thamah pādah. - III

‘Phần đầu tiên là Vaisvānara, phạm vi hoạt động của người là trạng thái thức, người ý thức về đối tượng bên ngoài, người có bảy tay chân và mười chín miệng, kinh nghiệm của người bao gồm những đối tượng vật chất thô.’

Svapnasthāno’ntahprajñah saptāngah ekonaviṃsatimukhah praviviktabhuktaijaso dvitiyah pādah. - IV

‘Phần thứ hai là Taijasa, phạm vi hoạt động của người là việc mơ, người ý thức về những đối tượng bên trong, người có bảy tay chân và mười chín miệng, người kinh nghiệm những đối tượng vi tế.’

Yatra supto na kaṃcana kāmaṃ kāmayate, na kaṃcana svapnam pasyati tatsuṣuptaṃ, suṣuptasthāna ekībhūtah prajñānaghana evā ‘nandamayo hyānandabhuk cetomukham prājñāstrtīyah pādah. - V

‘Đó là trạng thái ngủ say trong đó người ngủ không khao khát bất cứ đối tượng nào cũng không thấy bất cứ giấc mơ nào. Phần thứ ba là Prājña, phạm vi của người là ngủ say, tất cả (kinh nghiệm) nơi người trở thành hợp nhất hoặc không phân biệt được, người chắc chắn là một nhóm toàn thể ý thức, người đầy sự hân hoan và kinh nghiệm hân hoan, người là con đường dẫn đến minh trí (của hai trạng thái kia).

Ba trạng thái tương tự bây giờ được định nghĩa liên quan với ba yếu tố ngữ âm:

Jāgaritasthāno vaisvānaro ‘kārah prathamā mātrā’ āpterādimatvādāpnoti ha vai sarvān-kāmānādisca bhavati ya evaṃ veda. - IX

‘Người là Vaisvānara, đối với phạm vi hoạt động của nó có trạng thái thức, người là mẫu âm đầu tiên (của Aum) vì tất cả sự tràn lan của nó hoặc vì là âm đầu tiên (những cái này là đặc điểm chung của cả hai). Người biết điều này đạt đến tất cả thỏa nguyện và trở thành trạng thái đầu tiên (của tất cả).

Svapnasthānastaijasa ukāro dvitīyā mātrotkrṣādubhayatvā-dvotkarsati ha vaijñāna-saṃtati Samānasca bhavati nāsyābrahma-vitkule bhavati ya evam veda.

‘Taijasa, phạm vi hoạt động của người là trạng thái mơ, là U, mẫu âm thứ hai (của Aum) vì tính ưu việt hoặc vì ở giữa hai trạng thái. Người biết điều này đạt đến minh trí siêu việt, được xem là bình đẳng do giống nhau và không tìm thấy ai trong dòng giống của người mà không phải là một người biết Brahman.’

Suṣuptasthānah prājño makārastrtīyā mātrā miterapiter vā minoti ha vā idaṃ sarvamapītissa bhavati ya evaṃ veda. - XI

‘Prājña, phạm vi của người là ngủ say, là ‘M’, mẫu âm thứ ba của Aum, bởi vì nó vừa là sự suy lường vừa là trạng thái nơi đó tất cả trở thành một. Người biết điều này (hợp nhất Prājña và M) có thể đo lường tất cả (nhận thức bản chất thật của thế giới) và cũng hiểu rõ tất cả bên trong chính mình.’

Hình tượng hóa ngữ âm của ba trạng thái đầu tiên dường như thu hút sự chú ý quen thuộc. Mẫu âm ‘a’ biểu thị trạng thái thức được kết hợp với sự chứng đạt (āpti) tất cả nguyện ước và trở thành đầu tiên trong tất cả (ādimatva). Điều này gợi chúng ta nhớ đến khía cạnh taṇhā trong Phật giáo nguyên thủy.

Trạng thái ngủ, mẫu âm ‘u’ đồng hóa với nó, được liên kết với sự siêu việt hoặc sự phấn khởi (utkarṣa) và sự trung gian (ubhayatva). Người biết điều này được nói là có khả năng chứng đạt siêu việt trí và trở thành bình đẳng (samāna). Trạng thái này dường như liên hệ nào đó với khía cạnh māna (mạn) của papañca.

Trạng thái ngủ say được tượng trưng bằng ‘m’ kết hợp với ý tưởng suy lường hoặc dựng lên thế giới (miti) và nhập vào nguyên thể (apīti). Điều này mang dáng dấp về khía cạnh diṭṭhi của papañca.

Ta phải thừa nhận rằng lý giải này rất là ước đoán và ba trạng thái đó được giải thích một cách riêng biệt trong những giới Vedāntic chính thống. Vì vậy, nó có vẻ rằng sự trùng hợp đó người ta cũng lờ đi rõ ràng. Tuy nhiên sự định nghĩa về trạng thái thứ tư đã thu hút sự chú ý của tiến sĩ Saratohandra, vì sự tương đồng với đoạn kệ ngôn 874 của Sutta Nipāta. Ông trích dẫn nó không có nhiều bình luận trong thảo luận của ông về vấn đề papañca. (2) Bây giờ chúng ta có thể so sánh đoạn văn Upaniṣadic có liên quan và kệ ngôn đang bàn đến theo một số chi tiết.

Nāntahprajñaṃ na bahisprajñaṃ nobhayatahprajñaṃ na prajñaṃ nāprajñam.Adr-ṣtamavahāryavahāryamalakṣanamacintyamavyapadesyamekātmapratyayasāraṃ prapañco-

pasamaṃ sāntaṃ sivam-advaitaṃ caturthaṃ manyate sa ātmā sa vijñeyah. - VII

‘Turīya không phải những gì ý thức về thế giới (chủ quan) bên trong, cũng không phải những gì ý thức về thế giới (khách quan) bên ngoài, cũng không phải những gì ý thức về cả hai, cũng không phải những gì là một nhóm của tất cả khả năng tri giác, cũng không phải những gì là ý thức đơn giản, cũng không phải những gì là khả năng vô tri giác. (Nó là) không được thấy (bởi bất cứ giác quan nào), không liên hệ với bất cứ gì, khó hiểu bởi (thức), không thể suy luận, không thể suy tư, không thể diễn tả, chủ yếu về bản chất của ý thức cấu thành tự ngã, phủ định tất cả hiện tượng, bình lặng, hân hoan khắp cả và không hai. Đây là những gì được biết như là trạng thái thứ tư (Turīya). Đây là Ātman và nó phải được nhận thức.

Na saññasaññi na visaññasaññi
No pi asaññī vibhūtasaññi
Evaṃ sametassa vibhoti rūpaṃ
Saññānidānā hi papañcasaṅkhā. - Sn. 874.

‘Không phải một người có tưởng bình thường cũng không phải người có tưởng phi thường, cũng không phải người ở trong trạng thái vô tưởng, cũng không phải người chấm dứt tưởng – ‘sắc’ ngưng vận hành đối với người được cấu tạo như vậy ; vì các khái niệm được đặc trưng bởi khuynh hướng bành trướng có tưởng là nguồn gốc của chúng.’

Từ một nghiên cứu ngữ cảnh trong đó kệ ngôn ở trên thuộc Kalaha-vivāda Sutta được tìm thấy, nó có vẻ rằng kệ ngôn này đưa ra giải pháp cuối cùng cho vấn đề được đặt ra trong kệ ngôn đầu tiên của kinh đó: ‘Từ nơi nào phát sanh những bất hòa và tranh luận, bi thương và sầu muộn cùng với sự bỏn xẻn; ngạo mạn và kiêu mạn cùng với vu khống; những điều này phát sanh từ nơi nào? Cầu xin ngài hãy cho con biết điều này (Sn. 862). Căn nguyên cơ bản của xung đột bên ngoài và bên trong dần dần phơi bày khi chính kinh này khai mở bằng hình thức một cuộc đàm thoại. Những mối liên kết trong chuỗi nhân duyên này là như sau:

I. Kalaha-vivāda (những bất hòa và tranh luận), parideva-soka (bi thương và sầu muộn), macchaya (bỏn xẻn), mānāti-māna (ngạo mạn và kiêu mạn), pesuṇa (vu khống).

II. Piyā (những điều được xem là thân ái), āsā-niṭṭhā (những mong cầu và thỏa mãn).

III. Chanda (dục), vinicchayā (sự đánh giá), kodha (phẫn nộ), mosavajja (sự gian dối), kathaṃkathā (nghi ngờ).

IV. Sātaṃ-asātaṃ (điều hài lòng và không hài lòng), vibhava-bhava (phi hữu và hữu).

V. Phassa (xúc), pariggahā (sự nắm chặt), mamatta (tính tự cao).

VI. Nāma-rūpa (danh và sắc), icchā (khao khát), sukha-dukkha (lạc và khổ). (3)

Mặc dù kệ ngôn đang bàn có ý nghĩa là đưa ra giải pháp cuối cùng cho vấn đề đầu tiên được phát biểu trong đoạn kệ ngôn 862, đặc biệt hơn – nó là đáp án cho vấn đề sau đây trong đoạn kệ ngôn 873: ‘theo tính cách nào đối với người có ‘sắc’ (rūpa) ngưng vận hành (vibhoti), cũng như những ý niệm về lạc và khổ? Hãy cho con biết làm thế nào sắc này ngưng vận hành . ‘Xin cho con biết điều đó’ – đó là sở nguyện của con.

Bây giờ, phát biểu ‘sắc’ ngưng vận hành được trình bày trong đoạn kệ 874 như là một nghịch lý rối rắm. Trong khi nơi đó, người ta không phải ở trong tưởng bình thường của mình cũng không phải không có tưởng. Người ta không phải vô tưởng cũng không phải chấm dứt tưởng. Định thức khó hiểu này làm cho chúng ta nhớ lại chủ đề Añña-phalasamādhi được thảo luận trước trong tác phẩm này. Vì anidassana-viññāṇa của vị A la hán không ‘soi sáng’ danh và sắc, khái niệm ‘sắc’ không thể vận hành nữa và với điều này xúc cũng diệt..(4) Làm thế nào anidassana-viññāṇa này dùng làm một nơi trú ẩn hoặc một hòn đảo cho vị A la hán, giữa dòng dồn dập của các xúc xứ, đã được thảo luận. Chỉ châm ngôn trong dòng cuối cùng của kệ này (saññānidānā hi papañca-saṅkhā – đối với các khái niệm được đặc trưng bởi khuynh hướng bành trướng có tưởng là nguồn gốc của chúng) cần sự đề cập đặc biệt vì nó tiêu biểu cho toàn thể vấn đề.

Trong kệ ngôn kế tiếp, người đối thoại thú nhận rằng những câu hỏi của vị ấy đã được trả lời, nhưng vị ấy tiếp tục muốn giải quyết một vấn đề khác:

Yan taṃ apucchimha akittayī no
aññaṃ taṃ pucchāma tad iṅgha brūhi
Ettāvataggaṃ nu vadanti h’eke
Yakkhassa (5) suddhiṃ idha paṇḍitāse
Udāhu aññampi vadanti etto. - Sn. 875.

‘Bất cứ điều gì chúng con đã hỏi ngài, ngài đã giải thích điều đó cho chúng con. Một câu hỏi khác chúng con muốn hỏi ngài; hãy trả lời một cách chắc chắn cho chúng con điều đó. Phải chăng một số người được xem là những bậc hiền trí tuyên bố sự thanh tịnh tối thượng của ngã với riêng điều này, hay là họ phát biểu bất cứ điều gì vượt qua điều này?’

Nơi đây ý định có lẽ để biết chắc tình trạng đặc biệt đó đã được đề cập đến trong kệ ngôn trước là sự thanh tịnh tối thượng của ngã thể hay không. Người đối thoại, mặc dù thừa nhận rằng vấn đề của vị ấy về ‘sự xung đột phổ biến’ bây giờ đã được giải quyết, rõ ràng không được thỏa mãn cho đến khi vị ấy yêu cầu nói lại cho rõ lý thuyết về ngã..(6) Trong hai kệ ngôn cuối của kinh này tiếp theo đó, ta thấy rằng quan điểm của vị ấy là sai lầm.

Ettāvataggampi vadanti h’eke
yakkhassa suddhiṃ idha paṇḍitāse
Tesaṃ puneke samayaṃ vadanti
Anupādisese kusalā vadānā - Sn. 876.

‘Một số người được xem là những bậc thiện trí thức (paṇḍitāse) ở đây gọi chính điều này là sự thanh tịnh tối thượng của ngã thể, lại nữa có một số trong chúng, tự cho là người tinh thông trong sự diệt không có những cơ sở, nói về sự tận diệt.’

Ete ca ñatvā upanissitāti
ñatvā munī nissaye so vimaṃsī
ñatvā vimutto na vivādameti
Bhavābhavāya na sameti dhīro. - Sn. 877.

‘Biết rằng họ dựa vào những quan điểm tư biện, bậc thánh có trí tinh tế về các quan điểm đó, sau khi đã giải thoát hoàn toàn qua trí, không dự vào tranh luận. Bậc thật sự sáng suốt (dhīro) không tích trữ bất cứ loại hữu nào.’

Trong khi một số ‘bậc trí’ đồng hóa trạng thái nghịch lý được đề cập ở trên như là sự thanh tịnh tối thượng của ngã, tuy nhiên những bậc trí khác nói về điều đó liên quan đến sự đoạn diệt. Cả hai quan điểm này là kết quả của những quan điểm tư biện dựa vào ảo tưởng về cái ngã. Do vậy bậc thánh, biết rõ sự vô nghĩa của chúng, không thừa nhận bất cứ hình thức của hữu nào, vì vị ấy đã thực chứng sự diệt của tất cả hữu - Niết bàn (bhavanirodho nibbānaṃ).

Từ ‘hiền trí’ (paṇḍita) dường như đã được dùng ở đây trong một nghĩa châm biếm, xét theo giọng điệu của đoạn kệ ngôn 876. Hai trường phái của những ‘bậc hiền trí’ mà đang tranh cãi qua hai khía cạnh của cùng tấm lá chắn – cái ngã - ở trong sự xung đột muôn thuở giữa hai sự lựa chọn ‘hiện hữu hoặc không hiện hữu’. Bây giờ, từ hai quan điểm này, cái trước có biểu hiện mạnh nhất của nó trong truyền thống Upaniṣadic. Chúng tôi đã cố gắng cho thấy rằng có những dấu hiệu về sự tương đương giữa thuyết tượng trưng ngữ âm về ba trạng thái đầu tiên của cái ngã trong Māṇḍukya và định nghĩa về papañca trong Phật giáo. Nếu điều này hợp lý, người ta có thể phỏng đoán thêm rằng trong trạng thái thứ tư (Turiya) – không những nó có phần nào tính cách nghịch lý như Aññā-phala, mà còn có sự đề cập đặc biệt đến sự lắng dịu papañca (prapañco-pasama)- chúng ta có một hình thức khác so với lời dạy của Đức Phật về papañca. Thật rõ ràng từ đoạn văn Māṇḍukya rằng từ ‘prapañcopasama’ đã được triển khai để định phẩm chất trạng thái thứ tư vốn là không hai. Do vậy những giả định bản thể luận liên quan đến thực tại của một cái ngã được xác nhận lần nữa ở đây với sự trợ giúp của từ ở trên. Việc này rất có thể là một cố gắng để ghép Phật pháp về vấn đề papañca vào hệ thống Upaniṣadic, đồng thời, duy trì nguyên vẹn cái sườn kiên cố của lý thuyết về ngã. (7) Lập luận này nhắc chúng ta nhớ đến trường phái đầu tiên của những bậc hiền trí được nói đến trong đoạn kệ ngôn 875, đối với kẻ đó Aññaphala samādhi nghịch lý là sự thanh tịnh tối thượng của cái ngã.

Svetāsvatara Upaniṣad (8) dùng từ ‘prapañca’ để biểu lộ thế giới hiện tượng đa dạng, nó quan niệm thế giới như một sự bắt nguồn từ Bậc chủ tể, Đấng sáng tạo.

Sa vrṣakālākrtibhih paronyo
- yasmāt prapañcah parivartate ‘yaṃ
dharmāvahaṃ pāpanudaṃ bhagesaṃ
- natvātmasthaṃ amrtaṃ visvadhāma. - VI. 6.

‘Người cao hơn và khác hơn cây thế giới, thời gian và các hình thể,
Từ nơi người vùng rộng lớn này tiếp tục,
Người mang lại lẽ phải, người xóa bỏ cái xấu, chúa tể của sự thịnh vượng,
Hãy biết Người như trong tự ngã của mình là đấng bất tử trên tất cả.

Yastantunābha iva tantubhih pradhānajaih
Svabhāvatah deva ekah svamāvrṇoti sa no dadhād
Brahmāpyayam. - VI 10.

Bậc chủ tể theo tự tính của người, bao phủ chính mình như một con nhện với những sợi tơ được tạo ra từ chất liệu không thấy được, cầu mong Ngài ban cho chúng con sự thể nhập Brahman.

Eko vasī niṣkriyānaṃ bahūnaṃ
ekaṃ bījaṃ bahudhā yah karoti
Tamātmasthaṃ ye’nupasyanti dhīrās
-tesāṃ sukhaṃ sāsvataṃ netareṣāṃ - VI. 12.

‘Bậc điều khiển đa loại không hoạt động
khiến cho một hạt giống thành sai biệt.
Những trí giả nhận ra Người khi trú trong tự ngã –
Họ và không phải ai khác có an lạc trường cửu.’

Nghĩa của sự sai biệt được truyền đạt bởi ‘prapañca’ ở đây có ý nghĩa khoa học luận nhiều hơn. Nó giả định một đấng sáng tạo sinh thành thế giới sai biệt này từ chất liệu không thấy của vị ấy (pradhāna), cũng như con nhện tự bao phủ với những sợi tơ được tạo ra từ chất liệu hữu cơ của riêng nó. Quá trình sáng tạo do vậy được quan niệm như một sự bắt nguồn thật sự từ Bậc chủ tể, là một đấng điều khiển đằng sau thế giới trùng điệp. Một hạt giống vị ấy làm thành sai biệt.

Người ta phải biết rằng quan niệm phiếm thần giáo về prapañca không có gì liên quan với quan niệm trong kinh điển Pāli. Ở đấy, như chúng ta đã thấy, sự sai biệt của thế giới không giả định là một Đấng như nguồn khởi phát thật sự. Có chăng, đó là ảo tưởng về cái ngã bao gồm ba bội số năng động, nó kết hợp với các căn môn không toàn hảo để cho chúng ta ấn tượng về một thế giới sai biệt như thực. Toàn bộ hoạt động này được tạo sẵn cho chúng ta qua các khái niệm – do vậy có những từ ‘papañcasaṅkhā’ và ‘papañca- saññā-saṅkhā’. Tuy nhiên, khi được thấy căn cứ vào trí tuệ, thế giới không phải là đồng nhất (ekatta) cũng không phải là sai biệt(nānatta). Tất cả những khái niệm phân biệt này biến mất với sự đoạn trừ papañca.

* * *

CHÚ THÍCH CHƯƠNG IV:

1. Tṛ - Swāmi Nikhilānanda.

2. Buddhist Psychology of Perception, p.9, n.19.

3. Chuỗi nhân duyên này được phân ra khá nhiều nhánh. Những mắc xích chính do vậy được gạch dưới.

4. Theo các chú giải (Mahā Niddesa và Paramatthajotikā), đoạn kệ ngôn 874 chứa đựng lời ám chỉ đối với ‘người trên đường đến các vô sắc giới’ (arūpamaggasamaṅgī -Nid- I. 280). Bằng sự giải thích bốn phủ định trong kệ đó, Niddesa đã không thừa nhận bất cứ khả năng nào rằng lời ám chỉ đó là sự chứng ngộ các thiền vô sắc (...vibhūtasaññino vuccanti catunnaṃ arūpasamāpattīnaṃ lābhino; na pi so catunnaṃ arūpasamāpattīnaṃ lābhi’). Khả năng rằng điều này có thể là sự đề cập đến Nirodha Samāpatti (sự chứng ngộ thiền diệt) cũng bị loại trừ trong những bình luận của Niddesa về những từ ‘no pi asaññi’. Do vậy cách duy nhất ra khỏi ngõ cụt, được thấy nằm trong sự đồng hóa của công thức khó hiểu với trạng thái trung gian mập mờ nào đó của sự ‘hướng tâm về phía’ (cittaṃ abhiniharati abhininnāmeti) thiền chứng vô sắc nào đó. Sự giả định rằng kệ ngôn đó ám chỉ, ít ra là ngấm ngầm, đến thiền chứng vô sắc (arūpa) nào đó, có lẽ là do sự nhấn mạnh sai vào những từ ‘vibhoti rūpaṃ’ (Đối chiếu. Sn. vv. 1113, 1121). Như chính Niddesa đề cập (p. 227), sự vượt qua sắc trong vô sắc giới chỉ là một trong bốn hình thức vượt qua có thể có. Do vậy, rất có thể rằng sự vượt qua có ý nói trong ngữ cảnh hiện tại là sự vượt qua cơ bản hơn nhiều liên quan với Aññā-phalasamādhi của vị A la hán. Sau đây là vài manh mối nữa để gỡ rối thêm cho chứng cứ về điểm này.

I. Yathā nāmañca rūpañca- asesaṃ uparujjhati
paṭighaṃ rūpasaññā ca- ettha sā chijjate jaṭā. - S.N. I. 13 .

Trong nơi nào danh và sắc; cảm thọ và khái niệm về sắc hoàn toàn bị tận diệt, nơi đó chính là sự rối ren bị đoạn trừ.

II. Yassa vitakkā vidhūpitā - ajjhattaṃ suvikappitā asesā
taṃ saṅgaṃ aticca arūpasaññi- catuyogātigo na jātiṃ eti. - Ud. 71

‘Nơi người mà các tầm được tạo ra bên trong đã hoàn toàn bị thiêu rụi, sau khi đã vượt qua sự ràng buộc đó, vị ấy là người không tưởng về sắc (theo nguyên văn!, như thường lệ , không ‘tưởng về vô sắc’, tức là ‘a-rūpa-saññi; không phải ‘arūpa-saññi’). Vị ấy đã siêu xuất bốn ách phược và không còn tái sanh nữa.’

5. Một cách khác thường từ ‘yakkha’ được dùng như một thuật ngữ triết học chỉ cái ngã thể’. – P.T.S Dict. ‘Yakkha’ 7.

6. Một tình huống tương tự phát sanh ở Poṭṭhapāda Sutta (D.N. I.185) khi Poṭṭhapāda cố gắng hiểu lời giảng của Đức Phật về sự diệt của các tưởng liên quan đến một cái ngã. Nỗ lực của ông đã gặp phải sự khước từ ôn hòa từ Đức Phật, nhưng ông được một bình luận sắc bén từ Buddhaghosa trong hình thức của ví dụ con heo.(D.A.)

7. Sarvaṃ hyetadbrahmāyamātmātmā brahma soyamātmā catuṣpāt.- (Māṇḍ II).

‘Tất cả điều này quả thật là Brahman. Ātman này là Brahman. Ātman này có bốn phần.’

8. Tr. của R.E. Hume.


[V]

Các Học Giả Hiện Đại Nói Về Papañca
và Papañca-Saññā-Saṅkhā

Hầu như không có bất cứ sự nhất trí ý kiến nào trong số các học giả hiện đại về việc dịch đúng và ý nghĩa chính xác của ‘papañca’ và ‘papañca-saññā-saṅkhā’, khi chúng xuất hiện trong kinh điển Pāli. Do vậy tự điển P. T. S bắt đầu lời bình của nó về ‘papañca’ với một vẻ không chắc chắn:

‘Trong ý nghĩa Pāli của nó, không chắc giống với prapañca Sanskrit (pra + pañca - tỏa ra, nghĩa là ‘sự mở rộng, sự khuếch tán, sự sai biệt’); có vẻ hợp lý hơn như được gợi ý bởi từ nguyên học và ý nghĩa của Lat. ‘Im-ped-iment-um’ (chướng ngại vật), được nối kết với pada, như vậy có lẽ theo nghĩa chính ‘pa-pad-ya,’ tức là cái gì ở trước (tức là làm vướng) chân (như một chướng ngại):

- vật cản, chướng ngại vật, một gánh nặng mà gây ra sự trì hoãn, sự cản trở, sự chậm trễ ...
- ảo tưởng, sự ám ảnh, chướng ngại cho sự tiến bộ tinh thần ...
- sự khuếch tán, sự dồi dào.
- Papañca-saṅkhā – dấu hiệu hoặc tướng của sự ám ảnh.
- Papañca-saññā (saṅkhā) – ý tưởng về sự ám ảnh, điều ám ảnh, ảo tưởng.

Thật là khó khăn để liên hệ ý nghĩa của Skt. ‘Prapañca’ với sự diễn giải được tìm thấy trong các chú giải Pāli, việc ấy đã thúc đẩy những nhà biên soạn từ điển để gợi ý một từ nguyên học mới ‘pa-pad-ya’. Nhưng từ nguyên học được gợi ý này dường như hơi gượng ép. Nếu mục đích của nó chỉ là để cố giải thích những nghĩa được chấp nhận như ‘vật cản, chướng ngại vật, sự trì hoãn hoặc chướng ngại’, thế thì điều đó thậm chí không cần thiết, vì như chúng tôi đã nêu ra đây là những nghĩa thứ yếu của ‘papañca trong lời nói’, nó đảm đương một ý nghĩa chính trong trường hợp của ‘papañca trong hành động’. Chúng tôi đã cho thấy làm thế nào các nhà chú giải, do sự ưa thích đặc biệt của họ đối với từ có ý nghĩa luân lý ‘pamāda’, ‘papañca’ được ứng dụng tương ứng cũng vào phạm vi của hành động. Từ điển giải thích ‘papañca-saññā-saṅkhā’ như là dấu hiệu hoặc tướng của sự ám ảnh. Sự kết nối giữa ‘saṅkhā’ và các khái niệm dường như đã bị bỏ sót.

Trong từ điển Phật học, Đại trưởng lão Nyanātiloka gợi ý những nghĩa sau đây cho ‘papañca’: ‘sự mở rộng, sự khuếch tán, sự trình bày chi ly, sự phát triển, sự sai biệt, sự đa dạng (thế giới), sự phân biệt, sự phụ thuộc. Ngài thu hút thêm sự chú ý vào phương thức Madhupiṇḍika về tưởng, một phần trong đó ngài trích dẫn và dịch:

‘...yaṃ vitakketi taṃ papañceti, yaṃ papañceti tatonidānaṃ purisaṃ papañcasaññāsaṅkhā samudācaranti, tôi mạo muội dịch câu này như vầy: ‘bất cứ cái gì vị ấy phân biệt, do nhân duyên đó, những ý tưởng và những xét đoán phân biệt (papañca-saññā-saṅkhā) phát sanh trong vị ấy’.

Ta có thể nói rằng trong việc dịch ‘papañca’ theo nghĩa ‘sự phân biệt’, khuynh hướng bành trướng của các khái niệm đã được gợi ý. Ý nghĩa của ‘papañca-saññā-saṅkhā’ như được đưa ra ở đây cũng gần hơn ý nghĩa mà chúng tôi đã gợi ý, mặc dù động từ ‘samudācaranti’ ở đây được trích dẫn theo nghĩa ‘sự phát sanh’ trong khi đó chúng tôi dịch nó để muốn nói đến ‘sự áp đảo’.

K. E Neumann trong những bản dịch tiếng Đức của ông, dịch ‘papañca’ với Vielheit (tính sai biệt) hoặc Sonderheit (tính đa dạng). Lối dịch này có sự bất lợi cho việc kết hợp với định đề luận lý và bản thể học của nó về sự đồng nhất hoặc duy nhất. Nó có thể hòa hợp với tư tưởng Vệ đà nhưng không hòa hợp với Phật giáo nguyên thủy

T. W. và bà Rhys David, trong bản dịch Dīgha Nikāya (Diologues of the Buddha, II, S.B.B III p.312 fn) gợi ý ‘sự ám ảnh’ như một từ tương đương cho ‘papañca-saññā’. Họ nhấn mạnh những hàm ý luân lý được gán cho từ này bởi Buddhaghosa khi ngài giải thích nó với cụm từ ‘mattapamattā-kārapāpana’. Các dịch giả này thêm bình luận kế tiếp cũng quan tâm đến sự quan trọng của từ đó.

‘Đây là một trong những quan niệm thường lập lại nhất của tăng thượng Phật giáo, hệ thống của Thánh đạo và là một trong nhiều cách trong đó những giới Phật giáo xưa tranh đấu để cho một ngụ ý luân lý và chính xác hơn đối với quan niệm Ấn về Avijjā. Nó cũng là một trong những từ chuyên môn thường bị hiểu lầm nhất ...’

Bà Rhys Davids dùng từ ‘sự ám ảnh’ trong Psalms of the Early Buddhists của bà (p. 343) như là tương đương cho những gì bà gọi là từ khó, ‘papañca’. Bà khẳng định lối dịch của tiến sĩ Neumann trên những cơ sở rằng phản nghĩa của ekatta (đồng nhất) là nānatta (sai biệt) và không phải là papañca. Đây có thể được coi như là ẩn ý hữu ích trong việc tìm kiếm ý nghĩa nguyên sơ của Papañca.

Cô I. B. Horner trích dẫn ‘papañca-saññā-saṅkhā’ trong nghĩa ‘một số ám ảnh và các tưởng’. Tính hợp lý của sự phân hai này về ‘papañca-saññā’ là đáng ngờ. Thật là thú vị để chú ý làm thế nào cô ta đã chọn từ ‘number’ (một số) như nghĩa tương đương cho ‘saṅkhā’, bằng cách xét qua ý nghĩa khác của nó ‘khái niệm’, mà chúng tôi thích hơn.

Ngài Ñāṇamoli có bình luận sau đây về ‘papañca’ trong The path of Purification (p. 578, fn. 17; cũng xem, The Guide, p. 60, fn. 202-3):

‘... Nghĩa trong ấy từ này được dùng trong các kinh là nghĩa đa dạng hóa và được chứng minh rõ ở M. I, 111: ‘Này các hiền giả, do mắt và sắc xứ nhãn thức phát sanh. Sự phối hợp của ba cái này là xúc. Với xúc làm duyên có thọ. Những gì một người cảm thọ cái đó anh ta tưởng tri. Những gì người đó tưởng tri thì có suy tính. Những gì người đó suy tính thì có đa dạng hóa (papañceti). Do sự đa dạng hóa của người đó, sự đánh giá về các tưởng đa dạng bám sát một người đối với các sắc xứ quá khứ, tương lai và hiện tại’ v.v... Loại ‘papañca’ này được các chú giải giải thích như là ‘do ái, mạn và các kiến giải (M.A. I. 25, II. 10, 75 v.v...) và nó có thể được trích dẫn như là hành động đa dạng, sự chọn lựa và sự loại bỏ, sự tán thành và phản đối (M. I. 65) được thực hiện bởi ái v.v... trên vật liệu đơn giản cung cấp bởi tưởng và tầm ...’

đây ý nghĩa xác thật của phương thức Madhupiṇḍika được biết đến ở một tầm mức lớn. Yếu tố phân hóa chắc chắn góp phần vào khái niệm bành trướng vốn là papañca. Đối với ‘Papañca-saññā-saṅkhā’, ngài Ñāṇamoli gợi ý thành ngữ ‘sự đánh giá về các tưởng đa dạng’, dùng số nhiều trong ngữ cảnh này và do vậy sẽ là thích hợp hơn để hiểu saṅkhā với ý nghĩa ‘những sự ước tính’ hoặc ‘các khái niệm’.

E. M. Hare, trong khi dịch Aṅguttara Nikāya (Gradual Sayings IV. 155 fn. 4), nhận xét: ‘Papañca theo nghĩa đen là sự khuếch tán, ảo tưởng, có lẽ là sự lan truyền điều bí ẩn. Trong ngữ cảnh đặc biệt đó ông chuyển dịch ‘papañca’ theo nghĩa ‘sự khuếch tán’ và ‘nippapañca’ theo nghĩa sự ‘đúng đắn’ hoặc ‘tính chính xác’. Nhưng có lẽ ông dịch phạm vi lời nói hơn là tinh thần. Tuy nhiên, khi dịch Sutta Nipāta, Hare thích dùng từ ‘chướng ngại’ hơn (Woven Cadences of Early Buddhists, pp. 2, 129). Ông đã dịch cụm từ ‘Saññānidānā hi papañcasaṅkhā’, được tìm thấy trong Kalahavivāda Sutta, như sau: ‘chướng ngại do ước tính là nguồn của tưởng’ (p.129). Cụm từ đó đã được giải thích ở đây theo thứ tự ngược, để làm nổi bật những từ ‘saññānidānā’. Do vậy, dường như ông phát hiện ý nghĩa của saṅkhā như là ‘sự ước tính’ hoặc ‘khuynh hướng’.

Trong Studies in the Origins of Budhism (pp. 474 fn), G.C.Pande lưu ý đến sự liên quan của ‘papañca’ với nghĩa tương đương của nó trong các nguồn Sanskrit Phật giáo và Vệ đà. Sau khi xem xét kỹ những tham chiếu như ‘sabbaṃ accagamā imaṃ papañcaṃ’ (SN. 8) và ‘anuvicca papañcanāmarūpaṃ’ (Sn.530), ông rút ra kết luận sau đây: ‘Papañca’ do vậy tương đương với ‘nāmarūpa’, khi chấm dứt Papañca là đạt đến chứng ngộ tối thượng’.

Chúng ta đã thấy làm thế nào hai tham chiếu ở trên, cũng như nhiều phần khác trong kinh điển Pāli, thích hợp cho sự giải thích tốt hơn khi papañca được cho một nội dung năng động hơn như khái niệm bành trướng hóa. Để đặt ngang hàng papañca với ‘nāmarūpa’, dựa vào những ngụ ý của nó trong những hệ thống tư tưởng khác, sẽ là khó hiểu một phần quan trọng của triết học Phật giáo nguyên thủy.

E. R. Sarathchandra, trong việc tìm kiếm ý nghĩa nguyên sơ của ‘papañca’ (Buddhist Psychology of Perception, pp. 4 ff), được hướng dẫn đến chừng mực nào đó theo ý nghĩa của từ này trong Vệ đà và ông cũng lý giải ‘papañca’ liên quan với ‘nāmarūpa’. Ông đã cố gắng chứng minh ý nghĩa này bất kể sự trùng lặp mà là kết quả của sự ứng dụng với kệ ngôn bắt đầu với ‘anuvicca papañcaṃ nāmarūpaṃ’. Tuy nhiên, ông đã thảo luận khá chi tiết sự liên quan của ‘papañca’ với tiến trình của tưởng và tầm quan trọng về triết lý thiết yếu của nó. Sự việc đồng hóa chính mình với tâm thức làm phát sanh papañca-saṅkhā đã được công nhận. Tuy nhiên ông đã chuyển dịch ‘papañca-saṅkhā’ như là ‘sự ám ảnh (saṅkhā) được biết là papañca’. Dường như ông đã ấp ủ hình thức ghép nào đó giữa ‘saṅkā’ (Skt shaṅkā) và kaṅkhā (Skt. kaṅkshā) - cả hai có nghĩa ‘sự không chắc chắn hoặc ‘sự nghi ngờ’ - khi vị ấy ngẫu nhiên dùng ‘saṅkhā’ để muốn nói đến ‘sự ám ảnh’.

Đây chỉ là một số lượng nhỏ trong nhiều cách giải thích được đề xuất bởi các học giả hiện đại. Chúng tôi không có ý định cũng không có khả năng thấu suốt trong mối liên hệ này. Tuy nhiên mẫu điển hình của những quan điểm mâu thuẫn này sẽ đủ để chứng minh rằng có một bức màn không chắc chắn trên ý nghĩa của ‘papañca’ và ‘papañca-saññā-saṅkhā’. Do vậy hy vọng rằng cố gắng của chúng tôi sẽ khích lệ một sự nghiên cứu sâu sắc và bao quát về chủ đề này hơn là những gì chúng tôi có thể trình bày qua những trang sách này.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 01c | 02

 

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
21-10-2005