Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
SUTTAPIṬAKA - KHUDDAKANIKĀYA

Đạo Vô Ngại Giải
Paṭisambhidāmagga

Bhikkhu Ñāṇamoli dịch từ tiếng Pāḷi sang tiếng Anh:
THE PATH OF DISCRIMINATION

Nguyễn Văn Ngân dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt
2006

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

 [ XXIII - LUẬN VỀ CHỨNG NGỘ ĐỒNG THỜI* ]
«Abhisamayakathā »

* Abhisamaya. Là một trong những khái niệm căn bản về phương pháp thiền quán của đạo Phật, abhisamaya là sự tu tập thực tiễn để chứng ngộ chân lý trong đạo Phật, nó luôn luôn được phối hợp với toàn thể tiến trình giác ngộ. Trong tạng Pāḷi, paññā là yếu tố chính của sự giác ngộ và abhisamaya là phương thức căn bản để thực chứng sự giác ngộ đó. Giác ngộ không phải chỉ là ý niệm mà còn có thể thực chứng được bằng cách quán và hiểu biết trọn vẹn đúng như thật các hiện tượng. Với người nỗ lực để chứng ngộ, điều quan trọng nhất là sự thực có thể tự nó hiển bầy bằng cách trực tiếp quán đúng như thật các hiện tượng đúng như chúng đang là. Abhisamaya mang đặc tính như thế. Khi giảng dạy, Đức Phật dùng chữ rất bình thường giản dị như ‘thấy’ (passati), sự kiện này đã giải thích những gì vừa nói trên. ‘Người nào thấy dhamma, người ấy thấy Ta’: yo dhammaṁ passati so maṁ passati (S iii 120)... người nào thấy lẽ phát sanh do tùy thuộc, người ấy thấy dhamma (M i 190f)... Nói về paññā là cách tu thực tiễn, đức Phật đề cập tới ba loại tu tập: nghe (sutamayā), suy nghĩ (cintāmayā) và tham thiền (bhāvanāmayā). Sau khi bàn xong nghĩa tổng quát về abhisamaya, ta nói tới phần ứng dụng đặc biệt của nó là phương pháp hành thiền khi các đệ tử của đức Phật áp dụng nó vào con đường giải thoát. Đến đây, ta có thể nói rằng từ khởi thủy, phương pháp hành thiền của đạo Phật là quán bốn Chân Lý Cao Cả, và sự hiểu biết trọn vẹn bốn Chân Lý Cao Cả này (saccābhisamaya) đã được coi là cách nhìn thấy sự thực (dhammānupassanā, dhammābhisamaya) nhờ những hoạt động dựa trên trí tuệ (paññā). Vì thế, sự nghiên cứu về abhisamaya là cần thiết vì: (1) hiểu được rằng abhisamaya có giá trị ngang bằng với giác ngộ, nibbana (niết bàn) và vimokkha (giải thoát), từ đó, nó là một loại giác ngộ; (2) hiểu trọn vẹn được abhisamaya đã đóng vai trò như thế nào trong các giai đoạn tu tập và phép thiền của các đệ tử; (3) làm sáng tỏ mối liên hệ giữa abhisamayapaññā từ những điểm giống nhau giữa MahāyānaTheravāda... Đọc Kyòshò Hayashima, Abhisamaya trong Encyclopædia of Buddhism, Vol. I, [Government of Ceylon, 1961] trang 105-114.

Trong quyển này, tỳ kheo Ñāṇamoli đã dịch chữ abhisamaya là convergence (đồng quy). Chắc muốn bao hàm câu nói của tôn giả Gavampati với đại ý là người chứng được một Chân Lý Cao Cả thì cũng chứng luôn ba Chân Lý Cao Cả kia (S v 437). Khi giảng đoạn kinh S v 437 này, Ngài Kaccāna Thera (có lẽ thế kỷ thứ 2 trước tây lịch) nói là ‘có sự chứng ngộ cả bốn Chân Lý Cao Cả xảy ra đồng thời, vào một sát na, trong một tâm, không trước không sau.’ Đọc Kaccāna Thera, Peṭakopadesa trang 134 (Piṭaka-Disclosure  đ. 539, tr 180). Trong Visuddhimagga tr 690 (The Path of Purification, ch. XXII đ. 92), ngài Buddhaghosa (thế kỷ thứ 5 tây lịch) viết: ‘vào lúc hiểu trọn vẹn các Chân Lý Cao Cả, mỗi trí của bốn đạo thi hành cùng một lúc bốn nhiệm vụ: hiểu trọn vẹn, từ bỏ, thực chứng và phát triển.’

Tổng hợp các ý trên, trong quyển này, tôi dịch Abhisamaya = convergence là sự chứng ngộ đồng thời.

 

1. [215] Có sự chứng ngộ đồng thời. [1]

Vị tỳ kheo chứng ngộ đồng thời bằng cách nào?

Chứng ngộ đồng thời bằng tâm. [2]

Nếu vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm, như vậy, người không trí cũng chứng ngộ đồng thời?

Người không trí không chứng ngộ đồng thời; vị tỳ kheo chứng ngộ đồng thời bằng trí.

Nếu vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng trí, như vậy, người không tâm cũng chứng ngộ đồng thời?

Người không tâm không chứng ngộ đồng thời; vị tỳ kheo chứng ngộ đồng thời bằng tâm và bằng trí.

Nếu vị tỳ kheo chứng ngộ đồng thời bằng tâm và bằng trí, như vậy, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi dục giới và bằng trí?

Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi dục giới và bằng trí.

Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi sắc giới và bằng trí?

Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi sắc giới và bằng trí.

Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi vô sắc giới và bằng trí?

Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi vô sắc giới và bằng trí.

Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm là quả của nghiệp2* và bằng trí?

2* tâm là quả của nghiệp: gọi tắt là tâm quả.

Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm quả và bằng trí.

Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm là chủ của nghiệp và bằng trí?

Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm là chủ của nghiệp và bằng trí.

Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm tương thuận với sự thực và bằng trí?

Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm tương thuận với sự thực và bằng trí.

Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm quá khứ và bằng trí?

Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm quá khứ và bằng trí.

Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm tương lai và bằng trí?

Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm tương lai và bằng trí.

Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm thế tục đang hiện khởi và bằng trí?

Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm thế tục đang hiện khởi và bằng trí. Vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm hiện khởi ở sát na đạo lộ siêu thế và bằng trí.

Vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm hiện khởi ở sát na đạo lộ siêu thế và bằng trí như thế nào?

Ở sát na đạo lộ siêu thế, tâm với [bản chất] sanh khởi của nó có đặc tính ưu thắng là nguyên nhân và là điều kiện cho trí, [216] và tâm liên kết với [trí] đó lấy đoạn diệt làm lãnh vực của nó; và cũng thế, trí với đặc tính ưu thắng của nó là thấy rõ, là nguyên nhân và là điều kiện cho tâm; và cũng thế, trí liên kết với [tâm] đó lấy đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm hiện khởi ở sát na đạo lộ siêu thế và bằng trí như thế đấy.

2. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?

Không. Ở sát na đạo lộ siêu thế có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến; có chứng ngộ đồng thời của hướng tâm trụ vào, vốn là chánh tư duy; có chứng ngộ đồng thời của giữ gìn lời nói, vốn là chánh ngữ; có chứng ngộ đồng thời của nguồn sanh khởi, vốn là chánh hành; có chứng ngộ đồng thời của giữ trong sạch, vốn là chánh mạng; có chứng ngộ đồng thời của nỗ lực, vốn là chánh tinh tấn; có chứng ngộ đồng thời của thiết lập (nền tảng), vốn là chánh niệm; có chứng ngộ đồng thời của không tán loạn, vốn là chánh định. Có chứng ngộ đồng thời của thiết lập (nền tảng), vốn là yếu tố tạo thành giác ngộ của chánh niệm... [và cứ thế với các yếu tố tạo thành giác ngộ kế tiếp]... có chứng ngộ đồng thời của tư duy, vốn là yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản. Có chứng ngộ đồng thời của không lay chuyển vì không tin, vốn là tín lực... [và cứ thế với các lực kế tiếp]... có chứng ngộ đồng thời của không lay chuyển vì vô minh, vốn là tuệ lực. Có chứng ngộ đồng thời của cả quyết, vốn là năng lực gây ảnh hưởng của tín... [và cứ thế với các năng lực gây ảnh hưởng kế tiếp]... Có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Có chứng ngộ đồng thời của các năng lực gây ảnh hưởng theo nghĩa ưu thắng; có chứng ngộ đồng thời của các lực theo nghĩa không lay chuyển; có chứng ngộ đồng thời của các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa lối thoát; có chứng ngộ đồng thời của các đạo lộ theo nghĩa nguyên nhân; có chứng ngộ đồng thời của các nền tảng của quán niệm theo nghĩa thiết lập (nền tảng); có chứng ngộ đồng thời của chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực; có chứng ngộ đồng thời của nền tảng của thần thông theo nghĩa thành tựu; có chứng ngộ đồng thời của các sự thực theo nghĩa chân như (hiện thực). Có chứng ngộ đồng thời của tĩnh lặng theo nghĩa không phân tâm; có chứng ngộ đồng thời của quán thực tánh theo nghĩa quán tưởng; có chứng ngộ đồng thời của tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất; có chứng ngộ đồng thời của sóng đôi theo nghĩa không vượt quá. Thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự là chứng ngộ đồng thời; thanh lọc tâm theo nghĩa không tán loạn là chứng ngộ đồng thời; thanh lọc quan điểm theo nghĩa thấy rõ là chứng ngộ đồng thời; giải thoát theo nghĩa tự do là chứng ngộ đồng thời; minh trí theo nghĩa hiểu rõ là chứng ngộ đồng thời; tiêu dao theo nghĩa dứt bỏ là chứng ngộ đồng thời; trí biết về tuyệt diệt theo nghĩa cắt đứt là chứng ngộ đồng thời. Theo nghĩa nguồn gốc, ý muốn làm là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa nguồn sanh khởi, suy xét là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa gom lại, xúc là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa trước hết, [217] định là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa ưu thắng, quán niệm là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa cao nhất, tuệ là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa cốt lõi, tiêu dao là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa kết cuộc, nibbana trồi lên từ bất tử là chứng ngộ đồng thời. [3]

3. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?

Không. Ở sát na đạo lộ nhập giòng: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [và cứ thế như ở đ. 2]... trí biết về tuyệt diệt theo nghĩa cắt đứt là chứng ngộ đồng thời. Theo nghĩa nguồn gốc, ý muốn làm là chứng ngộ đồng thời... [và cứ thế như ở đ. 2]... theo nghĩa kết cuộc, nibbana trồi lên từ bất tử là chứng ngộ đồng thời.

4. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?

Không. Ở sát na quả vị nhập giòng: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [và cứ thế như ở đ. 2]... trí biết về không sanh khởi theo nghĩa làm lắng dịu là chứng ngộ đồng thời. Theo nghĩa nguồn gốc, ý muốn làm là chứng ngộ đồng thời... [và cứ thế như ở đ. 2]... theo nghĩa kết cuộc, nibbana trồi lên từ bất tử là chứng ngộ đồng thời.

5. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?

Không. Ở sát na đạo lộ trở lại một lần: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 3]...

6. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?

Không. Ở sát na quả vị trở lại một lần: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 4]...

7. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?

Không. Ở sát na đạo lộ không trở lại: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 3]...

8. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?

Không. Ở sát na quả vị không trở lại: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 4]...

9. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?

Không. Ở sát na đạo lộ arahant: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 3]...

10. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?

Không. Ở sát na quả vị arahant: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 4]...

11. [Khi bậc thánh] này từ bỏ nhiễm lậu, [4] [thì] vị ấy từ bỏ nhiễm lậu quá khứ, từ bỏ nhiễm lậu tương lai, từ bỏ nhiễm lậu đang hiện khởi?

[Hãy giả định là] vị ấy từ bỏ nhiễm lậu quá khứ.

Nếu vị ấy từ bỏ nhiễm lậu quá khứ, vị ấy hủy diệt cái đã bị hủy diệt rồi, chấm dứt cái đã bị chấm dứt rồi, làm tan biến cái đã bị tan biến rồi. Cái gì thuộc về quá khứ, hiện không có, mà vị ấy lại từ bỏ?

Như vậy, vị ấy không từ bỏ nhiễm lậu quá khứ. [Hãy giả định là] vị ấy từ bỏ nhiễm lậu tương lai.

Nếu vị ấy từ bỏ nhiễm lậu tương lai, vị ấy từ bỏ cái chưa sanh ra, từ bỏ cái chưa phát sanh, từ bỏ cái chưa sanh khởi, từ bỏ cái chưa biểu hiện. Cái gì thuộc về tương lai, hiện không có, mà vị ấy từ bỏ?

Như vậy, vị ấy không từ bỏ nhiễm lậu tương lai. [Hãy giả định là] vị ấy từ bỏ nhiễm lậu đang hiện khởi.

Nếu vị ấy từ bỏ nhiễm lậu đang hiện khởi, dù có bị tham khêu gợi, vị ấy từ bỏ tham; dù có bị sân hận tạo phiền não, vị ấy từ bỏ sân hận; dù có bị mê muội, vị ấy từ bỏ si mê; dù có bị ràng buộc, vị ấy từ bỏ ngã mạn (tự hào); dù có hiểu sai, vị ấy từ bỏ quan điểm [sai lạc]; dù có bị xao lãng, vị ấy từ bỏ dao động; dù không nhất quyết, vị ấy từ bỏ nghi hoặc; dù có thói quen lâu đời, vị ấy từ bỏ khuynh hướng ngủ ngầm; các trạng thái tối sáng xảy ra sóng đôi nhau, và có sự tu tập đạo lộ có nhiễm lậu. [218]

Như vậy, vị ấy không từ bỏ nhiễm lậu quá khứ, không từ bỏ nhiễm lậu tương lai, không từ bỏ nhiễm lậu đang hiện khởi.

Nếu vị ấy không từ bỏ nhiễm lậu quá khứ, không từ bỏ nhiễm lậu tương lai, không từ bỏ nhiễm lậu đang hiện khởi thì không có sự phát triển đạo lộ, không có sự chứng quả đạo lộ, không có sự chứng ngộ đồng thời các hiện tượng?

Không phải thế. Vẫn có sự phát triển đạo lộ, có sự chứng quả đạo lộ, có sự chứng ngộ đồng thời các hiện tượng.

Bằng cách nào?

12. Giả sử có một cây non chưa sanh trái, và một người cắt đứt rễ của nó thì trái chưa sanh vẫn mãi không sanh và sẽ không sanh ra, chúng vẫn mãi không phát sanh và sẽ không phát sanh, chúng vẫn mãi không sanh khởi và sẽ không sanh khởi, chúng vẫn mãi không biểu hiện và sẽ không biểu hiện. Cũng thế, sanh khởi là nguyên nhân, sanh khởi là điều kiện cho sự phát sanh nhiễm lậu. Thấy rõ nguy hiểm trong sanh khởi, nên tâm đi vào (lao vào) không sanh khởi. Với tâm đi vào (lao vào) không sanh khởi, nhiễm lậu lẽ ra được phát sanh có sanh khởi làm điều kiện vẫn mãi không sanh và sẽ không sanh ra... vẫn mãi không biểu hiện và sẽ không biểu hiện. Nên với sự đoạn diệt của nguyên nhân nên có đoạn diệt của khổ đau... Tiếp tục tái diễn là nguyên nhân... Điều kiện để còn sanh tử là nguyên nhân... Tích lũy là nguyên nhân... tích lũy là điều kiện cho phát sanh nhiễm lậu. Thấy rõ nguy hiểm trong tích lũy, nên tâm đi vào (lao vào) không tích lũy. Với tâm đi vào (lao vào) không tích lũy, nhiễm lậu lẽ ra được phát sanh có tích lũy làm điều kiện vẫn mãi không sanh và sẽ không sanh ra... vẫn mãi không biểu hiện và sẽ không biểu hiện. Nên với sự đoạn diệt của nguyên nhân nên có sự đoạn diệt của khổ đau. Như vậy có sự phát triển đạo lộ, có sự chứng quả đạo lộ, có sự chứng ngộ đồng thời các hiện tượng.

CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ CHỨNG NGỘ ĐỒNG THỜI.


[1] Để dịch chữ abhisamaya là convergence (đồng quy), < Ñāṇamoli đã có ý định viết một chú thích, nhưng tìm không thấy chú thích ấy. Lời dịch này mang tính cách ngữ nguyên, có lẽ muốn diễn đạt sự hiểu rõ bốn Sự thực như là sự hiểu rõ duy nhất, là sự ‘đồng quy, hội tụ’. Hãy so sánh với PsA trang 164 ấn bản của PTS. Ở trang 102, để giải thích chữ sam ở đây, Mahānāma hình như dùng chữ sammā, nghĩa là ‘đi thẳng vào’, dù bản của Miến Điện viết là sam-ā, vốn tán đồng ý tưởng của Ñāṇamoli; hơn nữa, PsA trang 686 viết là sam-ā mà không ghi lại sự biến hóa hình thái của chữ này. Tuy nhiên, Aggavaṁsā (Sadd trang 419 và 884) ở đây hỗ trợ chữ sammā, như thế, chữ sam-ā có thể chỉ là sự ‘tu chính’ vội vàng. Theo ngữ nguyên, chữ sammā vốn có nghĩa là ‘đi cùng’. So với V. 91>

[2] Viết là: Kena abhisameti? Cittena abhisameti. Hañci cettena, ...

[3] Về đoạn này, hãy so với Luận I đ 26 và 360.

[4] Viết là:Yvāyaṁ kilese pajahati, atīte kilese pajahati, anāgate.... Chú giải nói là ‘Yvāyan ti ayaṁ maggaṭṭho ariyo puggalo’ (PsA 512 Se). Bản của Miến Điện diễn đạt ý tưởng này bằng cách viết như sau: ‘Yvāyaṁ yo ayaṁ abhisamayo’ hình như không hoàn toàn đúng lắm.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 01c | 01d | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | Bảng tra thuật ngữ

Chân thành cám ơn đạo hữu Nguyễn Văn Ngân đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2006)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-10-2006