BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Dhammapada Sutta
(Khuddaka Nikaya - Sutta Pitaka)

Giá Trị Thẩm Mỹ Trong Kinh Pháp Cú

Thích Huệ Quang


DẪN NHẬP

"Quế hương bất viễn thư hương viễn
Thế vị vô như đạo vị trường"

Hai câu thơ có nghĩa là hương thơm của quế không thoảng xa bằng mùi thơm của Kinh sách -- mùi ngon ngọt của đời không có kéo dài lâu xa bằng mùi vị của đạo pháp.

Muốn có một cuộc sống tốt đẹp và trở thành người cao thượng thì ta phải thực hiện một cuộc khởi sự, dấn thân với một niềm tin vững chắc. Có như thế mới mạnh dạn bước vào cuộc đời. Mà đời là cuộc hành trình vô tận mà mỗi người trong chúng ta đang tiến bước.

Ðức Phật là Bậc Ðạo Sư vĩ đại. Ngài đã khám phá ra con đường xuyên qua cách rừng vô minh đen tối, và muốn chỉ cho chúng ta thấy con đường đó nếu chúng ta có đủ trí tuệ sáng suốt để lắng nghe những gì Ngài nói.

Nước biển mênh mông vô tận nhưng đều bắt từ nguồn. Dù là nước trăm sông nhưng đều đổ về biển cả và thuần một vị -- vị mặn. Cũng thế, Giáo Pháp Ðức Phật thuyết giảng trong 49 năm, dù nhiều vô lượng nhưng chỉ có một vị -- đó là vị giải thoát, là Bồ Ðề, là Niết Bàn tịch tĩnh.

Thời gian đã điểm cánh trên những chiếc lá vàng rơi và làm phôi pha tuổi trẻ, khiến con người thêm trưởng thành, thêm Kinh nghiệm, và cả những bài học đau khổ. Do đó, ta càng thêm sáng mắt ra, nhận rõ chân tướng vạn sự vạn vật và tác phong đạo đức, tư tưởng của ta càng được thấm nhuần đạo hạnh.

Kinh Pháp Cú là những lời vàng mà Ðức Phật đã truyền dạy cách đây hơn 2500 năm, đã làm rung động đến tận cùng tâm thức của những hàng đệ tử. Trên con đường Ðức Phật chỉ bày mỗi bước đi lên là mỗi bước tới gần ánh sáng diệu kỳ của chân lý. Trên bầu trời Ðạo Pháp, Ðức Phật như vầng Thái Dương lộng lẫy, sáng rực ban ánh từ bi xuống muôn loài vạn vật. Trong vạn vật đó, con người là tối linh trong vạn vật vì có khả năng hướng thượng và thành tựu các sự nghiệp thế gian và xuất thế gian. Con người là tối thắng vì có khả năng thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Ðề và chuyển biến được nội tâm cùng hoàn cảnh, làm cho y báo -- chánh báo được thù thắng trang nghiêm.

Tiền bạc sẽ hết, địa vị sẽ mất -- chỉ có đạo đức, chí khí, hành động hữu ích là còn tồn tại và đơm hoa kết quả tốt đẹp cho đời.

Kinh Pháp Cú xưa nay thường được xem như là cao điểm của tư tưởng hướng thượng hiền thiện của con người trong cuộc sống. Thường suy niệm về những lời vàng ngọc trong ấy và đem ra thực hành trong đời sống hàng ngày, tự thanh lọc thân tâm rồi ta sẽ thấy đó là người bạn cố tri luôn đem lại nguồn cảm hứng, an ủi, nâng đỡ, hộ trì và cải thiện tâm linh trên những bước thăng trầm trong cuộc sống.

Trong tinh thần đi tìm một giá trị đích thực, một phương thức tối ưu để xây dựng cuộc sống đúng nghĩa -- bản thân người viết từ lâu đã hằng ngưỡng mộ, kính quý những kim ngôn mỹ từ hàm chứa tư tưởng thẩm mỹ ưu việt của Kinh Pháp Cú mà người viết hằng suy niệm và lấy đó làm kim chỉ nam trên suốt cuộc hành trình về xứ Phật.

Trong ý nghĩa đó, bài luận văn này được ra đời. Tuy nhiên, chỉ với một vai trò thật khiêm tốn. Song, dù sao cũng là một đánh dấu quan trọng với thành quả trong quá trình học tập của người viết. Chính vì vậy, nơi đây người viết thành kính dâng lên niềm tri ân sâu xa đối với Hòa Thượng Hiệu Trưởng Thích Minh Châu, Thượng Tọa Hiệu Phó Thích Chơn Thiện, Ngài Hiệu Phó Tống Hồ Cầm, Ngài Tổng Thư Ký -- Giáo Sư Trần Tuấn Mẫn, Giáo Sư Mỹ Học Hoàng Thiệu Khang, Thầy Bổn Sư, Thượng Tọa Thích Thánh Tâm...đã tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho người viết hoàn thành bài luận văn tốt nghiệp này.

Người viết chọn phương cách tổng hợp phân tích nhằm liễu giải vấn đề trên phương diện Mỹ học, với chút tham vọng là đi vào nghiên cứu Kinh Pháp Cú để từ đó tìm ra nét đẹp nhân văn, sự huyền nhiệm Vô Ngã và Hiện Hữu của Pháp Cú trong tâm hồn con người. Khả năng của người viết có hạn, chỉ xin nguyện hết sức nỗ lực trong việc trình bày, khai triển theo sự nhận thức giới hạn của mình. Nếu bài luận có đem lại sự đồng cảm và sự xây dựng khiêm tốn nào đối với người đọc. Ðó chính là sự cảm thông sâu sắc giữa người viết và người đọc rồi. Ngưỡng mong các Bậc Tôn Sư cao minh, uyên bác từ bi hoan hỷ chỉ giáo thêm.

CHƯƠNG I

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT VỀ KINH PHÁP CÚ

A/ GIẢI THÍCH ÐỀ KINH

Kinh Pháp Cú: Là một bản Kinh tập, lựa những câu kệ, tụng có sẵn ở tản mác trong các Kinh Luật -- Luận thuộc Nam Truyền và Bắc Truyền.

Kinh Pháp Cú: Nam phạn dịch là Dhammapada, Bắc phạn dịch là Dharmapada, Hoa tạm dịch là Ðàm Bát . Ðây là một danh từ khó dịch, bởi vì có rất nhiều ý nghĩa mà ý nghĩa nào cũng thấu lý đạt tình.

Trong chữ Dhammapada -- Dhamma là Phật ngôn, là Pháp ngữ hay những lời giáo huấn của Ðức Phật.

Dhamma có ý nghĩa là kỷ luật, phép tắc, tín ngưỡng, hình thức sinh hoạt.

Dharmma cũng có ý nghĩa là Giáo ngôn, Giáo ngữ, là Chân Thiện Mỹ, là nguyên nhân hay năng lực đưa đến giải thoát giác ngộ.

Trong Dhammapada -- Pada là cú (câu), đường lối, lối đi.

Vậy tổng nghĩa của Dhammapada là con đường dẫn tới Ðạo lý. Chân tu.

Pada có nghĩa là nền tảng, căn bản, là bàn chân, bước chân.

Do đó Dhammapada có thể có nghĩa là những bước chân đưa đến giác ngộ, giải thoát, đưa đến Chân -- Thiện -- Mỹ. Ðược hiểu như là "Ðường lối của Giáo Pháp, con đường chân lý, chánh tịnh đạo, con đường đạo hạnh..."

Ngoài ra, Dhammapada còn được hiểu là vạn hữu -- chân thật -- chánh lý -- đạo nghĩa, mà các học giả Ðông Tây rất chú trọng và phát huy trong các bản dịch và chú giải.

Các bản dịch và chú giải

Kinh Dhammapada được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Không có Kinh nào được dịch ra nhiều thứ tiếng như tập Dhammapada.

Hầu hết các ngôn ngữ quan trọng trên thế giới đều có bản dịch này và nhiều học giả đã xem bộ Dhammapada như là Thánh Thư của Ðạo Phật.

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) gồm 423 bài kệ, chia làm 26 phẩm:

1. Song Yếu 14. Phật Ðà
2. Không Phóng Dật 15. An Lạc
3. Tâm 16. Hỷ Ái
4. Hoa 17. Phẫn Nộ
5. Kẻ Ngu 18. Cấu Uế
6. Hiền Trí 19. Pháp Trụ
7. A La Hán 20. Ðạo
8. Ngàn 21. Tạp Lục
9. Ác 22. Ðịa Ngục
10. Hình Phạt 23. Voi
11. Già 24. Tham Ái
12. Tự Ngã 25. Tỷ Kheo
13. Thế Gian 26. Bà La Môn

Tất cả đều bao hàm tinh hoa giáo lý Ðức Phật, thích hợp với tâm tánh, trình độ, căn cơ khác nhau của người nghe.

Kinh Pháp Cú được dịch theo thể kệ 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, văn xuôi bởi những Học Giả thuộc nhiều thời đại và có những tên khác nhau.

a/ Bản dịch Hán văn gồm 4 loại:

- Pháp Cú Kinh Dhammapada gồm có 2 quyển của Duy Chi Nan (224 A.D) Ðời Ngô.
- Pháp Cú Thí Dụ Kinh Dhammapada -- Padàna gồm 4 quyển của Pháp Cự và Pháp Lập (209 -- 306) Ðời Tây Tấn.
- Xuất Diệu Kinh Apadàna, gồm 30 quyển của Tăng Già Bạt Trừng Tương Lai và Phù Tần Trúc Phật (398 -- 399 A.D) Ðời Tống.
- Pháp Tập Yếu Tụng Kinh Dhammapada của Thiên Tức Tai (180 -- 1000 A.D) Ðời Tống.

b/ Bản phiên dịch Anh Văn gồm 6 loại:

Collection of Verses on Religion của FAUSBOLL.
A Collection of Verses của ROCKHILL.
The Footsteps of Religion của GOGERLY.
The Path of Virtue của S. HARDY.
Hymns of the Faith của EDMUNDS.
Path of Virtue của MAX MULER.

Theo các Học Giả Trung Hoa thì dịch giả Kinh Dhammapada là Arya Dharmatrata.

Bản truyện dẫn giải Kinh Dhammapada Attkakathà được coi là tặc phẩm của Ngài BUDDHAGHOSA -- một Bà La Môn thông thái theo Ðạo Phật và nổi tiếng một thời vào khoảng 400 năm trước công nguyên. Là người đã chú thích Tiểu Bộ Kinh (Nikàyas) và tác phẩm Visuddhimagga, dẫn giải Kinh Vinaya cùng nhiều tác phẩm xuất sắc khác nữa.

c/ Bản dịch tiếng Việt:

- Pháp Cú Kinh của Á Nam Trần Tuấn Khải dịch (1963) từ quyển Path of Virtue của Max Muler trong phần Anh -- Hán đối chiếu hòa dịch của Bác sĩ Thường Bàn Ðại Ðịnh (Nhật Bản).

- Kinh Pháp Cú của Phạm Kim Khánh dịch (1971) từ Dhammapada -- nguyên tác Pàli của Ngài Nàrada.

- Kinh Pháp Cú của Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch (1989) từ nguyên tác Pàli.

Phần lớn các bản dịch và chú giải đều được dịch rất sát với nguyên văn theo lối thi kệ hay văn xuôi, rất dễ thuộc, dễ nhớ và có sức cảm hóa rất mạnh.

B/ LỊCH SỬ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA KINH PHÁP CÚ

a/ Duyên khởi hình thành.

Ðức Phật giảng Kinh Pháp Cú không giống như hình thức ta thấy ngày nay.

Ba tháng sau khi Ngài nhập Niết Bàn. Chư Thinh Văn, A La Hán tụ họp trong kỳ triệu tập đầu tiên tại hang Thất Diệp để nghe đọc lại những lời giáo huấn của Ngài rồi kết tập lại thành chương những kim ngôn mỹ từ đầy thi vị mà Ngài đã truyền dạy trong khoảng 300 trường hợp, trên đường hoằng pháp kéo dài 49 năm.

Về thời đại lập thành bản Kinh Dhammapada cũng chưa có được một xác định nào khả dĩ cả. Tuy nhiên, chúng ta có thể đoán định rằng, thời đại đó tùy thuộc vào thời đại lập thành Kinh tạng -- Tipitaka.

Theo lời Ngài Huyền Trang thì bộ Tipitaka được soạn vào hồi cuối kỳ kết tập Kinh điển lần một -- Gọi là Giáo hội kỳ I.

Nghiên cứu niên đại các Kinh Phật, người ta nhận thấy các công việc biên soạn Kinh -- Luật và Luận Tạng đang được lưu truyền đến ngày nay, đều đã được hoàn thành vào cuối kỳ kết tập lần hai và trước kỳ kết tập lần ba.

Theo lịch sử thì kỳ kết tập lần hai, Giáo Hội được triệu tập để cứu xét về 10 điều vượt ra ngoài giáo luật mà Kinh Vinaya -- Pitaka hay Luật Tạng chưa kịp ứng phó. Ðiều đó chứng tỏ rằng Kinh Vinaya -- Pitaka đã biên thành trước kỳ kết tập lần hai.

Do đó Kinh Dhammapada -- một bộ phận của Kinh tạng (Sutta -- Pitaka) và Luật tạng (Vinaya -- Pitaka) cũng có thể được coi là thuộc thời kỳ Phật Giáo nguyên thủy nghĩa là hoàn thành vào kỳ kết tập lần một, là thời kỳ mà Kinh Phật đã chỉnh lý.

Theo sự nhận xét của các Học Giả đáng tin cậy, thì những lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú đều liên quan tới những biến cố đã xảy ra trong thời Phật tại thế, và theo ý nghĩa những lời Phật dạy cũng được diễn bày bằng những ẩn dụ mà tục truyền là Pháp môn mà Ðức Phật thường dùng để thuyết pháp chúng sanh.

b/ Quá trình phát triển:

Kể từ khi Kinh Pháp Cú được hình thành trong thời kỳ kết tập lần một tại Rajaghra vào năn 477 B.C. Ðến nay trải qua nhiều công phu biên khảo, phiên dịch và chú giải của các Bậc Trí Giả trên toàn thế giới đã khẳng định một giá trị siêu việt có tính triết lý cao siêu. Mỗi một ai đi tìm chân lý, dẫu theo tín ngưỡng nào cũng đều có thể thấy hứng thú và bổ ích khi đọc quyển sách trí tuệ này.

Tại các nước theo Phật giáo Nam Tông như: Thái Lan, Sri-Lanka, Miến Ðiện... Kinh này được các Sa Di học thuộc lòng và hằng tâm niệm.

Với 26 phẩm trong 423 bài kệ hàm chứa tinh túy bất tuyệt giáo lý Ðức Phật do chính Ðức Phật thân thuyết và -- khi đọc những bài kệ này, chúng ta cảm thấy dường như được nghe chính lời Phật dạy nơi kim khẩu của Ngài từ hơn 2500 năm trước vang vọng lại.

Pháp âm vang truyền tự ngàn xưa để lại những lời vàng cao siêu mầu nhiệm. Giá trị là ở ngay đây khi mà mỗi lần đọc lại, chúng ta cảm thấy như không còn sự trung gian diễn dịch của các vị Tổ Sư kết tập Kinh điển, các Bậc Thức Giả uyên thâm...mà tất cả đều hòa quyện đọng lại thành bao nhiêu lộc tinh hoa để kết nên cuộc đời và những vần giai tác.

CHƯƠNG II

TƯ TƯỞNG CHỦ YẾU CỦA KINH PHÁP CÚ

A/ BỐI CẢNH LỊCH SỬ THỜI PHẬT TẠI THẾ.

Ðức Phật thị hiện ra nơi đời là để "Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến"

Vì muốn độ sanh phải đản sanh
Khơi nguồn Phật Ðạo. Ðạo viên thành
Ta Bà trân trọng truyền Giáo Pháp
Hiện tướng Niết Bàn, có tử sanh.

Thì sự hiện thân của Ngài là ngọn đuốc soi đường cho chúng sanh trong đên trường tăm tối của phiền não, vô minh, đi tìm một cứu cánh giải thoát. Thực trạng bi đát của cuộc đời và thân phận bất hạnh của kiếp người là động lực thúc giục chúng ta nhanh chóng tinh cần tu tập, thoát ly sinh tử.

Khi Ðức Phật bắt đầu thuyết pháp hành Ðạo, Ngài đã gặp phải một số rất đông các bậc Ðạo Sư khác như Lục Sư ngoại đạo, Du sĩ ngoại đạo, Tà mạng ngoại đạo, Giáo phái thờ lửa, thờ rắn, v.v...và rất nhiều Ðoàn thể, Giáo phái khác biệt, giáo lý riêng biệt, phương pháp tu hành riêng biệt và đoàn thể riêng biệt. Nên một mặt Ðức Phật phải dùng những định nghĩa thật rõ ràng và chính xác để nói lên phần Giáo Lý, Pháp môn của mình sai khác với ngoại đạo như thế nào. Mặt khác, Ðức Phật phải tìm hiểu thật chính xác giáo lý và phương pháp tu hành của giáo phái ngoại đạo ra làm sao, để xác định lập trường giáo lý và pháp môn của mình bằng những định nghĩa và ví dụ thực tiễn trong cuộc sống.

B/ KINH PHÁP CÚ -- CAO ÐIỂM CỦA TƯ TƯỞNG HƯỚNG THƯỢNG HIỀN THIỆN CỦA CON NGƯỜI TRONG CUỘC SỐNG

Thật cần thiết biết bao để có được những tư tưởng chân chính trong tâm hồn -- đưa đến thành công trong cuộc sống và trở nên người lương thiện.

Tư tưởng cũng như hạt giống, hạt giống phát sinh ngôn ngữ và hành động. Tư tưởng hiền thiện mang lại hạnh phúc, tư tưởng xấu xa dẫn đến khổ đau.

"Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy
Hận thù không thể nguôi." (Pháp Cú 3)

"Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy
Hận thù được tự nguôi." (Pháp Cú 4)

Vì vậy thật là dễ thấy những tư tưởng sai lầm, ngôn ngữ điêu ngoa, hành động bất chánh, tất cả đều bắt nguồn từ vô minh. Nhưng tư tưởng chân chánh, ngôn ngữ hiền thiện, hành động cao thượng đều pháp xuất từ trí tuệ.

Vì lòng từ mẫn, với sự tin tưởng ở khả năng hướng thượng của con người, Ðức Phật nói đến hoa sen nở trên đống rác bụi đời mà vẫn tươi đẹp, trong sáng.

"Như giữa đống rác nhớp
Quăng bỏ trên đường lớn
Chổ ấy hoa sen nở
Thơm sạch đẹp ý người" (Pháp Cú 58)

Cái nhìn của Ðức Phật bao giờ cũng là cái nhìn hướng thượng. Cái nhìn đến tiềm lực hiền thiện của con người khi Ngài nhìn thấy được hoa sen nở trên đống rác bụi đời. Con người, dù là người thấp hèn, cùng khổ đến thế nào đi nữa vẫn ngầm tỏa bên trong một tánh cách cao thượng. Cũng như sen mọc trong bùn vẫn tìm cách vươn lên, loài người dù không mấy ai hiểu Ðạo vẫn hướng tới một cái đẹp thuần tịnh, cao khiết.

Chúng ta tu học bằng vọng thức nhưng chứng đắc bằng chân tâm. Bản tâm thanh tịnh không thể diễn đạt, bặt ngôn ngữ, bặt suy lường. Khi vọng thức khởi lên ý niệm để thoát ly sinh tử, lìa ngũ ấm, thì ngay lúc ấy ta gặp chân tâm. Chân tâm hiện ra ở đây cũng như đón sen tinh khiết vươn lên từ vũng bùn tục lụy.

"Dẫu cho hắc ám muôn vàn cảnh
Vẫn giữ thanh cao một tấm lòng"

Tức đã lìa vọng tưởng điên đảo, thấy ngay chân tâm hướng thượng hiền thiện của mình.

"Ai cắt được, phá được
Tận gốc nhổ tâm ấy
Người trí ấy diệt sân
Ðược gọi người hiền thiện" (Pháp Cú -- 263)

Kinh Pháp Cú lấy tư tưởng đó làm cao điểm hành động đi vào cuộc đời. Bằng sự thực tu, thực chứng, từ sự nổ lực tinh tấn mà tâm ta dung thông được tất cả với từ bi, trí tuệ tỏa sáng nơi Ðạo tràng tự thân. Những hình thức -- nghi lễ cầu kỳ với một tinh thần trống rỗng sẽ chẳng thuyết phục được ai. Bởi vì ngay chính mình còn không độ được huống chi là giáo hóa người khác, thật chỉ là vọng tưởng điên đảo.

"Không phải nói lưu loát
Không phải sắc mặt đẹp
Thành được người lương thiện
Nếu ganh, tham, dối trá" (Pháp Cú -- 262)

Thật thế, đối với người không bị vật chất chi phối nên tâm hồn luôn trong sáng, bao dung, chan hòa với tất cả mọi chúng sanh. Cửa lòng có mở rộng, có bao dung, từ bi thì mọi người mới có thể đến với mình. Bởi vì từ bi là tình thương chân thật không biên giới, phát ra từ tâm địa cao thượng hiền thiện rộng mở.

"Những ai hành trì pháp
Theo chánh pháp khéo dạy
Sẽ đến bờ bên kia
Vược ma lực khó thoát" (Pháp Cú 86)

Tâm lượng ấy không bị hệ lụy vào bất cứ một ràng buộc nào, vì thế nó phát ra một cách tự nhiên, chân thật và mầu nhiệm. Cho nên dù có cõi an lạc tuyệt đối của Niết Bàn. Ðức Phật cũng không thể an hưởng một mình "Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập..."

Chính vì chúng sanh đau khổ mà Ðức Phật lăn xả vào cuộc đời để tạo dựng an lạc, hạnh phúc cho con người. Chính trong hạnh lợi hành hóa tha ấy, Phật dạy ta phải tự thánh thiện hóa nhân cách cá nhân mình, tự đưa mình vào lãnh địa giải thoát, giác ngộ.

"Thân tịnh lời an tịnh
An tịnh, khéo thiền tịnh
Tỳ kheo bỏ thế vật
Xứng danh "Bậc Tịch Tịnh" (Pháp Cú -- 378)

Rồi vì lòng từ bi thương xót chúng sanh vô hạn lượng, Ðức Phật đã cảm nghiệm được căn tánh, sự hướng tìm giải thoát của chúng sanh và sự tham đắm si mê của những chúng sanh đam mê dục lạc đến nỗi phải trôi lăn hoài trong sinh tử.

"Ít người giữa nhân loại
Ðến được bờ bên kia
Còn số người sót lại
Xuôi ngược chạy bờ này" (Pháp Cú -- 85)

Trong đời sống hiện nay, con người chạy theo những trào lưu nhân loại, những dục lạc thế gian để tạm tìm quên những khổ đau phát sinh từ cuộc sống. Muốn giáo hóa được chúng sanh trong thời đại này quả là không dễ dàng gì. Nhưng chúng ta -- những người con Phật, những kẻ thế thừa trong lâu đài Pháp Giới của Như Lai phải tự khẳng định vị trí, hoài bão độ sinh và hạnh nguyện tốt đẹp của mình, đừng nên xa rời thực tại cuộc đời mà phải luôn tự đặt mình trong tiến trình thăng hóa siêu việt không ngừng.

"Không lửa nung sắt kia không thành thép
Không bùn nhơ sen nọ chẳng mùi thơm"

Có như thế mới có thể xuất trần -- nhập thế, thổi bùng lên ánh sáng Chân -- Thiện -- Mỹ đang hiu hắt giữa đống tàn tro biến chất của cõi đời ô trược này.

C/ TINH THẦN VÔ NGÃ VÀ HIỆN HỮU TRONG KINH PHÁP CÚ.

Thực tại cuộc sống vốn sinh động mầu nhiệm vượt ngoài tính ước lệ của tư tưởng, để rồi từ đó hiển lộ ra nhân cách cao thượng của Vô Ngã và Hiện Hữu thoát hiện từ cái bi của trần gian đau khổ, thoát ra từ cái thường của cõi đời phiền trược để mà vươn lên vầng sáng cao khiết của cái Ðẹp diệu kỳ, bàng bạc trong đó là cả một lịch trình tư tưởng thẩm mỹ hoàn thiện tinh thần Vô Ngã và Hiện Hữu trong Kinh Pháp Cú.

Thật thế -- Kinh Pháp Cú là một bộ Kinh của Phật Giáo nguyên thủy, dù trải qua nhiều thế kỷ vẫn nhuần đậm một giá trị trác tuyệt siêu việt thể hiện sức sống tràn đầy lý tưởng: Vô Ngã là Niết Bàn.

Ngôn ngữ Pháp Cú là cái ngôn ngữ bình dị nhưng sâu xa, chân thành.

"Ai mặc áo cà sa
Tâm chưa rời uế trược
Không tự chế, không thực
Không xứng áo cà sa" (Pháp Cú -- 9)

Những hình ảnh ví dụ đầy cảm tính.

"Như mái nhà vụng lợp
Mưa liền xâm nhập vào
Cũng vậy tâm không tu
Tham dục liền xâm nhập" (Pháp Cú -- 13)

Trong Pháp Cú biểu hiện tư tưởng thông qua cách kết cấu song hành, đối lập chuẩn xác, mang tính thuyết phục cao và hiệu quả thông tin nhanh chóng theo lối so sánh.

"Ai sống một trăm năm
Ác tuệ, không thiền định
Tốt hơn sống một ngày
Có tuệ, tu thiền định" (Pháp Cú -- 111)

"Ai sống một trăm năm
Khống thấy pháp sinh diệt
Tốt hơn sống một ngày
Thấy được pháp sinh diệt" (Pháp Cú -- 113)

Hàm chứa giá trị nghệ thuật với cái nhìn vào chân linh, soi rọi lại nột tâm, nhận rõ được nguồn tâm đích thực của mình -- Ðó gọi là Phong Cách Học (Stylestique).

"Người hiền thấy là ác
Khi thiện chưa chín muồi
Khi thiện được chín muồi
Người hiền thấy là thiện" (Pháp Cú -- 120)

Chân lý chỉ tìm ở đó, không đâu xa. Bởi vì chân lý hiện thực đó chính là nguồn cội tâm linh và cũng chính là thực tại tuệ giác.

Thực tại tuệ giác đó chính là hình ảnh phần của tâm linh. Tâm không có chỗ chỉ, nói đến nguồn cội của tâm linh cũng không có chỗ chỉ, nhưng khi phát ra ý niệm phù hợp với bản tâm thanh tịnh thì ngay lúc ấy hoàn toàn giác ngộ.

"Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Tâm ý giữ trong sạch
Chính lời Chư Phật dạy" (Pháp Cú -- 183)

Kinh Pháp Cú hàm tàng những phương pháp để con người thanh lọc thân tâm của chính mình và tự thăng hoa mình trong đời sống tâm linh.

Bởi khi mà - Một phút chân tâm chưa to; thì, Trăm năm huyền thể mỏi mòn.

Theo cách truyền thừa của Ðức Phật trong Pháp Cú là ở chổ tự thực nghiệm ngay chính bản thân, liễu triệt được yếu chỉ thì sẽ đi đến chỗ không lý luận -- điều này nằm ngoài ngôn ngữ văn tự, từ nơi tâm thức giao cảm mà liễu đạt chân tướng vạn pháp.

"Ai hiểu rõ hoàn toàn
Sinh tử các chúng sanh
Không nhiễm, khéo vượt qua
Sáng suốt chân giác ngộ
Ta gọi Bà La Môn" (Pháp Cú -- 419)

Cho nên, sống phù hợp với thể vắng lặng, chân thật, với chân tánh của phước đức thì chính nơi đó là diệu dụng bất tư nghì vậy. Vì nó không có chỗ để tư duy trù lượng, nó là Vô ngôn. Mà ngôn ngữ của Pháp Cú nằm trong khái niệm Vô Ngôn.

"Dẫu nói ngàn câu kệ
Nhưng không gì lợi ích
Tốt hơn nói một câu
Nghe xong được tịnh lạc" (Pháp Cú -- 101)

Khác vọng giải thoát mọi khổ đau, phát triển tâm linh và trí tuệ, nâng mình lên đến đỉnh cao tri thức là một chứng tỏ về sự hiện hữu của con người -- Hiện hữu chứ không phải là tồn tại.

Hiện hữu là ý chí sống, năng lực sống. Cái Ngã dễ đưa ta vào vòng phù du nhưng ta phải phân biệt ý chí sống. Không phải Vô Ngã là đè bẹp ý chí sống đâu! Vì cái Vô Ngã không hề mâu thuẩn với ý chí sống, mà dường như càng tư duy Vô Ngã thì càng đầy tràn ý chí sống.

"Tất cả pháp vô ngã
Với tuệ quán thấy vậy
Ðau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh" (Pháp Cú -- 279)

Cho nên, Kinh Pháp Cú cho ta nhận thức rằng Ta phải có mặt trong cuộc đời này như một hiện hữu chứ không phải là một sự tồn tại.

Xuyên suốt linh hồn Kinh Pháp Cú, tự thân pháp triển của con người là một quá trình chuyển hóa từ vô minh đến thành con người hiện hữu -- trí tuệ.

"Khó thay được làm con người
Khó thay được sống còn
Khó thay nghe diệu pháp
Khó thay Phật ra đời" (Pháp Cú -- 182)

Muốn diệt trừ khổ đau chúng ta phải xóa sạch bóng tối vô minh trong lòng mình, mà muốn xóa sạch vô minh phải dùng tới năng lực của trí tuệ. Trí tuệ thông đạt thì vi tế vô minh cũng được tẩy trừ, với trạng thái tâm thức bình lặng và sáng suốt như vậy, tức đã thể nhập Như Lai tự tánh, thấy được nguồn cội uyên nguyên của vũ trụ.

CHƯƠNG III

GIÁ TRỊ TRIẾT HỌC VÀ LUÂN LÝ CỦA KINH PHÁP CÚ

A/ GIÁ TRỊ TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO:

Chân lý cao thượng nằm trong những câu Pháp Cú, thể hiện rõ ràng sự giáo huấn mang tính luân lý và triết học của Ðức Phật.

Nhà Ðại khoa học -- THOMAS HUXLEY đã nói:

"Phật giáo là một hệ thống triết học không tin có Thượng Ðế theo quan niệm triết lý Tây Phương, cũng không tin thuyết linh hồn con người là bất tử, mà chỉ tin vào những khả năng tinh tấn tu tập của chính mình để tự giải thoát".

"Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo" (Pháp Cú -- 1)

Nhà Ðại Hiền Triết Ấn Ðộ SWAMI VIVEKANANDA đã viết về Ðức Phật như sau:

"Lịch sử đã minh chứng cho tôi thấy rằng Ðức Phật là một đấng cao quý hơn tất cả. Toàn thể nhân loại chỉ có thể tìm thấy một nhân vật độc nhất như Ngài với một tình thương rộng lớn và những lời dạy cao thâm cùng tột. Là một Ðại triết gia Ngài đã lưu truyền một nền đạo lý cao cả, một lòng từ bi bao la bao trùm khắp mọi chúng sanh ngay đến với loài vật bé nhỏ nhất. Lịch sử muôn loại đã tôn Ngài như là hiện thân của một phối hợp tuyệt vời giữa tâm và trí". (Trích Lectures on Karma Yoga)

Thi sĩ SHAKESPEARE có viết

"There is some soul of goodness in things evil. Would men observingly distill it out"

Nghĩa là "Có những tánh chất thiện trong những vật xấu xa. Người ta phải để ý để khơi sáng những tánh chất thiện, những tư tưởng thiện ấy ra".

Ta nhận thấy rằng ý nghĩa của hai câu thơ này không khác với câu "tất cả chúng sanh đều có Phật tánh" hoặc gần gũi hơn cả là "...gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Như vậy, triết học Phật Giáo được xem như là triết lý của cuộc sống thực tại, nhằm hướng dẫn con người ra khỏi những nô lệ huyễn hoặc, dập tắt mọi ảo tưởng về cái ta, và cái của ta -- Chuyển cuộc sống trần cấu ô nhiễm thành nếp sống thánh thiện, Vô ngã vị tha. Xây dựng hạnh phúc an lạc ngay cuộc đời này là đỉnh cao tối hậu, là sự trở về với bản tâm thanh tịnh thường hằng hiện hữu trong mỗi chúng ta.

Ðức Phật xác định rằng: "Khi tôi thanh tịnh, tôi thấy thế giới thanh tịnh".

Ðây là quan điểm vô cùng nhân bản và độc đáo mà Ðức Phật đã ân cần trao cho nhân loại.

1/ Pháp Cú -- ngôn ngữ linh động và thực tại trong cuộc đời:

Ðọc qua những phương ngôn vàng ngọc, hằng suy niệm và nhận thấy rằng -- Ðức Phật đã dạy cho ta những bài học tuyệt vời về cuộc sống, cách sống. Những kim ngôn mỹ từ ấy phải được áp dụng thật vào cuộc sống hằng ngày một cách chân thành và hữu lý sẽ kiến tạo được một cõi Tịnh độ nhân gian.

Người thấm nhuần Giáo Pháp luôn sống trong an lạc và hạnh phúc.

"Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại thêm hương
Cũng vậy, lời khéo nói
Có làm, có kết quả." (Pháp Cú -- 52)

Ngôn ngữ Pháp Cú rất giản dị, chân thành để cho mọi người dù căn cơ, trình độ nào cũng có thể hiểu được và cảm nhận theo sự suy lý của mình. Ðức Phật dùng nhiều hình ảnh ví dụ rất sát thực, rất đời thường như:

Bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe, mái nhà khéo lợp, người thợ làm tên, con ong hút mật...

Chứng tỏ trí tuệ của Ðức Phật siêu việt thượng thừa trong cách trình bày chân lý cao thâm vời những danh từ thông thường, dễ hiểu, không rườm rà, phiền phức.

Ðức Phật thường áp dụng phương pháp giảng dạy trực tiếp, đôi khi dùng oai lực, thần thông để rọi sáng cho những người kém trí tuệ, hoặc để chứng minh một chân lý.

"Cười gì, hân hoan gì
Khi đời mãi bị thiêu
Bị tối tăm bao trùm
Sao không tìm ngọn đèn" (Pháp Cú -- 146)

"Hãy xem bong bóng đẹp
Chổ chất chứa vết thương
Bệnh hoạn nhiều suy tư
Thật không gì trường cửu" (Pháp Cú -- 147)

Có nhận thức được thực trạng khổ đau mới đủ dũng lực để tự rèn luyện vững vàng đời sống thánh thiện chân tu. Học Ðạo vô thượng, tu Ðạo Bồ Tát là sự thực nghiệm ngay chính bản thân, điều này nằm ngoài ngôn ngữ văn tự.

Thế nên sống và thực hành theo tinh thần Pháp Cú tức là dùng trí tuệ công phá vô minh phiền não. Nghĩa là tự thân hiện thực trong cuộc sống bằng huệ đức, tỏa về chính bản thân của cuộc sống bằng từ bi. Ðó chính là ngôn ngữ linh động ảo diệu trong thực tại cuộc đời.

2/ Sự huyền nhiệm rất thực của Pháp Cú trong tinh thần con người.

Bao giờ cũng vậy, lời khuyên của Ðức Phật là lời khuyên của đấng Cha Lành muốn con cháu làm lành tránh ác, và tin tưởng rằng con cháu mình có thể làm được khi đã chấp nhận thuyết nghiệp báo, nhân quả...

Có phân biệt được chánh -- tà, thiện -- ác thì tất cả sẽ cương quyết tránh xa điều bất thiện, bước vào nẻo Thánh đường lành.

"Chớ chê khinh điều thiện
Cho rằng: "Chưa đến mình"
Như nước nhỏ từng giọt
Rồi bình cũng đầy tràn
Người trí chứa đầy thiện
Do chất chứa dần dần" (Pháp Cú -- 122)

Khi đã tạo các nghiệp hiền thiện, con người sẽ cảm thấy an lạc và có quyền thốt lên nỗi niềm vui sướng.

"Nay vui, đời sau vui
Làm phước, hai đời vui
Nó vui, nó an vui
Thấy nghiệp tịnh mình làm". (Pháp Cú -- 16)

"Nay sướng, đời sau sướng
Làm phước, hai đời sướng
Nó sướng "Ta làm thiện"
Sanh cõi lành, sướng hơn". (Pháp Cú -- 18)

Muốn cho niềm vui tồn tại lâu dài, nuôi dưỡng lớn thiện nghiệp, con người nên tu sửa Thân -- Khẩu -- Ý thuần thiện.

"Tâm tư khéo phòng hộ
Thân chớ làm điều ác
Hãy giữa ba nghiệp tịnh
Chứng Ðạo Thánh nhân dạy" (Pháp Cú -- 281)

Bao lâu con người còn thấy mình ngụp lặn trong khổ đau tan hoại thì con người còn phải cố gắng vươn mình lên để tìm một lối thoát.

Người ngước mắt đang ngữa tay chờ đón những phép mầu do một bàn tay từ cõi vô hình ban xuống. Kẻ cúi mặt xuống đất đang ra tay đào xới vật chất để xây lấy một thiên đường cát bụi.

Trải qua bao nhiêu thế kỷ..., người ngước mặt lên đón nhận được một bong bóng hạnh phúc hay chưa? Kẻ cúi mặt xuống đất đã xây xong thiên đường cát bụi chưa?

Lòng nghi ngờ đã bắt đầu nảy nở, Như Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: "Sống là đánh đu với chốn hồ nghi. Bao giờ chúng ta ra khỏi đời này thì nỗi hồ nghi kia mới không tồn tại nữa". Con người khổ nạn đi qua hết những chông nhọn của đời, rốt cuộc ngồi lại nghĩ ngợi và mĩm cười. Thôi thì không thể làm bạn với thần linh, không thể làm bạn với khoa học thì hãy làm bạn với chính mình vậy. Con người từ lâu vốn đã bỏ quên mình để cầu xin nhờ vả vào kẻ khác. Nên sau những kinh nghiệm đau thương và thất vọng, đã nhận được bài học thấm thía và bắt đầu hồi tâm, quay về nhìn lại mình tìm kiếm những gì của mình đã và sẵn có.

"Trong nhà sẵn ngọc tìm đâu nữa,
Ðối cảnh vô tâm hỏi chi thiền." (Cư Trần Lạc Ðạo -- Trần Nhân Tông)

"Tự mình y chỉ mình
Nào có y chỉ khác
Nhờ khéo điều phục mình
Ðược y chỉ khó được." (Pháp Cú -- 160)

Sống và hành trì theo Pháp Cú, sẽ cảm nhận được một sự huyền nhiệm vô biên bàng bạc trong cuộc sống tinh thần nhân loại trong thời đại hiện nay.

B/ GIÁ TRỊ LUÂN LÝ PHẬT GIÁO

Phật giáo thích hợp cho cả hai hạng người: Ðại chúng và Trí thức.

Phật giáo có sữa cho trẻ em và cũng có thức ăn đầy đủ cho người khỏe mạnh. Phật giáo cung ứng một lối sống cho Tăng Ðoàn và một lối sống khác cho người Phật Tử. Bao nhiêu những đặc điểm trên được diễn đạt đầy đủ trong Kinh Pháp Cú.

Có thể nói, Kinh Pháp Cú với một trình độ luân lý cao thượng mà Ðức Phật hằng mong hàng đệ tử sẽ đạt được. Lấy tâm làm khuôn vàng thước ngọc để đo lường giá trị luân lý. Luân lý ấy dựa trên căn bản công bằng triết lý thiên nhiên và không bắt buộc con người phải theo các luật lệ nghiêm khắc, và nhờ thế mà các nước Ðông Phương nói chung, quốc gia Việt Nam nói riêng đã có một nền văn hiến riêng biệt và căn bản.

"Biết thân như đồ gốm
Trú tâm như thành trì
Chống ma với gươm trí
Giữ chiến thắng không tham" (Pháp Cú -- 40)

1/ Tính nhân văn

Pháp âm từ muôn xưa lan tỏa rộng cho mãi tới muôn sau, làm nở hoa cho cuộc thế để trang điểm cho cuộc đời thêm tươi đẹp, giúp con người xóa tan đi những phiền não, nỗi đau khổ triền miên của kiếp sống và để lòng vững niềm tin tưởng ở một ngày mai tươi sáng.

"Pháp kệ trổ nên hoa
Hoa theo ngọn suối mát
Nhuần thắm cõi Ta Bà
Ướp trang Kinh giải thoát"

Chất nhân văn sâu lắng dạt dào trong từng lời kệ ngọc. Có thể nói, Pháp Cú tiêu biểu cho tinh thần nhân văn Phật giáo, cũng như cho triết học Phương Ðông.

2/ Sự hiện hữu của con người qua nhận thức Pháp Cú.

Trong cõi nhân sinh thăng trầm, để xây dựng một xã hội người theo đúng nghĩa chữ Nhân Bản, Nhân Văn, tiến bộ và giải thoát thì -- công bằng mà nói, ta thấy Ðạo Phật xây dựng trên một lý thuyết "Nhân bản toàn diện" vượt xa trên tất cả những chủ thuyết có xu hướng nhân bản hiện nay. Con người phải làm chủ cuộc sống của chính mình.

"Ai dùng các hạnh lành
Làm xóa mờ nghiệp ác
Chói sáng rực đời này
Như trăng thoát mây che" (Pháp Cú -- 173)

Muốn xây dựng hạnh phúc thì con người phải tự phấn đấu để làm sáng lên những hành động thiện lành, làm đẹp cho chính bản thân và cho cuộc sống.

"Giữ tâm như đuốc sáng
Trau thân như gìn vàng
Mỗi ý là hạt ngọc
Mỗi lời là hoa thơm" (Suối nguồn vi diệu -- kệ 230)

Con người phải tự mình chuyển hóa cái tiền đề sinh thể người này, sao cho nó mang bản chất nhân tính -- và điều kiện để thực thi cuộc chuyển hóa này là xã hội. Karl Max nói:

"Ðiều kiện tự nhiên người, chính là điều kiện xã hội của nó" và con người không ngừng phát triển, sáng tạo.

"Những người thường giác tỉnh
Ngày đêm siêng tu học
Chuyên Tâm hướng Niết Bàn
Mọi lậu hoặc được tiêu" (Pháp Cú -- 226)

Ở đây ta có thể khẳng định rằng cái tinh thần tự chủ mà Phật đã dạy cho con người quả là một yếu tính, một nền tảng vững chắc để xây dựng nền văn hóa văn minh của loài người.

C/ SỰ CẢM NHẬN VÀ MỐI TƯƠNG QUAN VI DIỆU GIỮA VÔ NGÃ VÀ HIỆN HỮU

"Xem trời, ngắm đất rồi trở lại lòng tìm ra nơi hội thông cũng gọi là thiên địa chi tâm. Vượt tầm tai mắt để mà nghĩ ngợi, để mà định đoạt con đường, thực hiện sự tiến hóa của mình -- có nghĩa là một đường lối có ngoại cảnh và có nội tâm. Cho nên có thể gọi con đường thực nghiệm vượt xa hẳn những lối ma thuật, mơ mộng một cách thiên lệch". (Chữ Thời -- trang 166)

Pháp Cú trình bày Hiện Hữu -- Vô Ngã như là đích đến của một tiến trình. Như vậy, Hiện Hữu -- Vô Ngã là một năng lực trở nên của chữ Thời. Hiện hữu là hiện hữu của cái ta (self). Ðó là một bản ngã cá biệt (ego). Nó buộc phải xuất hiện trong logic của Thời, trong chuỗi dây duyên nghiệp -- nó đi về trong Nhân Quả. (Giác Ngộ nguyệt san, 2 -- trang 21)

Một khi tâm thức ta thể nghiệm chánh pháp, sống với chánh pháp và là chánh pháp thì cá thể ta lúc ấy đã một với toàn thể vạn hữu vũ trụ.

"Hư không không dấu chân
Ngoài đây không sa môn
Các hành không thường trú
Chư Phật không dao động" (Pháp Cú -- 255)

Mầu nhiệm của nhập thể chính là nhất thể đi vào đa tạp.

"Lìa ái dục mê chấp
Thể nhập cõi Ðạo mầu
Như đóa sen giải thoát
Tự tại giữ đầm sâu" (Pháp Cú -- 352)

Ðây là một ý nghĩa mà con người có thể sẽ không hiểu trọn vẹn nếu không bước vào con đường Ðạo và có kinh nghiệm tâm linh. Vấn đề không phải là Trở nên (becoming) nhưng là sự khám phá (Uncovering) ra chính mình và sống thực với lòng mình, vượt qua thế giới đầy mơ mộng, hoang tưởng, bước và chổ tột cùng của Tánh Không. Nghĩa là không còn thấy mình, thấy người, thấy hào quang, âm thanh...mà tất cả đều rỗng lặng, uyên nguyên.

D/ VƯƠN LÊN SỰ HOÀN THIỆN VÀ MỤC ÐÍCH SỐNG ÐẸP CỦA CON NGƯỜI

"Sát na từng sát na
Gội trừ dần cấu uế
Như thợ lọc vàng ròng
Khơi lửa hồng, kéo bể" (Suối nguồn vi diệu -- kệ 239)

Giá trị của con người là lòng thương rộng lớn và trí óc minh mẫn. Cần phải đặt mọi hoạt động nhân bản, làm chủ tể mình phải là mình. Một nền văn minh chân chính, ngày nay và ngày mai phải đặt trên nền tảng con người, phải xem con người như một tạo hóa.

"Vị tịnh mặc rừng sâu
Quán vô lượng cõi khổ
Thành tựu muôn hạnh lành
Cõi hồng xe pháp độ" (Suối nguồn vi diệu -- kệ 423)

"Anh có cho tôi làm hoa sen không, tôi trong lý lịch có bùn.
Thân phận người mà ai chẳng có bùn đen.
Giết chết một mùi hương -- dễ thôi, cứ quậy bùn lên để giết.
Nhưng vượt lên bùn, sen cứ ngát hương sen"
(Hương sen -- Di cảo Thơ Chế Lan Viên)

Cát bụi trở về với cát bụi nhưng thỏi vàng ròng lấp lánh tâm linh sẽ luôn tồn tại trường tồn, bất diệt, không bị thời gian làm Oxy hóa.

"Thiên thần giữa thù địch
Ôn hòa giữa hung hăng
Không nhiễm giữa nhiễm trước
Ta gọi Bà La Môn" (Pháp Cú -- 406)

Với tư tưởng thâm sâu của Kinh Pháp Cú và phong thái ưu việt của Ðức Thế Tôn -- đã gây nên niềm xúc cảm vô biên của hàng hậu học, giúp chúng ta nhận ra được nội tâm đích thực và một lối sống mới đầy chất liệu nhân bản siêu việt, khiến ta có một cái nhìn trực qua sinh động vào đời sống thực tại, xây dựng lại mọi đổ vỡ tang thương từ chính mình và cuộc sống, tự hoàn thiện nhân cách và mục đích sống đẹp của đời người, kiến tạo nên mỗi người chúng ta thành những con người tri thức chân chánh toàn vẹn.

"Chánh tín và giới hạnh
Là gia tài Thánh Nhân
Dù thôn mai phố bụi
Ai ai cũng ân cần" (Suối nguồn vi diệu -- kệ 303)

CHƯƠNG IV

THẨM MỸ VÔ NGÃ -- HIỆN HỮU TRONG KINH PHÁP CÚ

A/ GIÁ TRỊ THẨM MỸ.

1/ Quan điểm Mỹ Học

Mỹ Học là một khoa học nghiên cứu mối quan hệ thẩm mỹ giữa chủ thể thẩm mỹ và đối tượng thẩm mỹ. Ðây là cả một vấn đề tư duy triết học.

Mỹ Học tùy thuộc vào cái đẹp nhân tính, mang tính chất khách quan trên cơ sở quan điểm về thế giới của con người. Bản thể cái đẹp là yếu tố vĩnh hằng và sinh mệnh của cái đẹp mang tính bất tử. Một khi cảm nhận được cái Ðẹp rạng rỡ diệu kỳ giữa chủ thể và đối tượng, thì cái bi -- cái hài -- cái trác tuyệt sẽ rơi đi.

Mỹ Học là sự hòa nhập thần kỳ giữa Hữu và Vô. Không -- tự hủy mình để trở thành Có, và Có -- cũng tự hủy mình để trở thành Không. Ðó chính là sự huyền nhiệm về cái Ðẹp cao viễn.

2/ Mỹ Học Phật giáo qua Pháp Cú Kinh

"Giở từng trang bối diệp
Ðọc lại lời Phật xưa
Thấy ngàn hoa pháp rụng
Bát ngát hương Ðại thừa"

Tư tưởng Pháp Cú là bức thông điệp muôn thuở, mà Ðức Phật đã truyền đạt cho con người trong cõi nhân gian với mục đích là dạy cho con người nhận chân được cuộc sống, sống đúng nghĩa, sống cao đẹp, hiền thiện.

Theo quan điểm các nhà Triết Học thì "Hệ thống Triết Học nào thì thẩm mỹ như thế".

Mỹ Học Phật giáo chính là cái đẹp tâm linh toàn mỹ, tâm linh đó ở ngay chính nơi mỗi con người chúng ta.

Tư tưởng Kinh Pháp Cú như ánh quang minh lộng lẫy xuyên suốt cõi thế gian đau khổ, soi rọi và hướng dẫn tâm trí con người trong dòng thời gian biến dịch. Có ánh sáng trí tuệ là có giải thoát an lành, hòa duyệt. Ánh sáng tư tưởng cao viễn đó là Mỹ Học Pháp Cú, có công năng hướng dẫn nhân loại đến chân trời chân linh trác tuyệt. Ðó là cái đẹp tự tại nơi nhân cách cao thượng, thăng bằng với môi trường sống, tạo thành bản lĩnh nội tại trong mỗi người.

"Chống thiền trượng kim cương
Dũng mãnh bước giải thoát
An trụ cõi hoa hương
Niết Bàn vô thượng đạt" (Suối nguồn vi diệu -- kệ 23)

Cái đẹp trong tư tưởng Pháp cú không phải trong tháp ngà triết lý, cũng không ru người trong lý thuyết danh từ -- mà Pháp Cú đã hiện hữu nét thẩm mỹ tuyệt vời Chân Như Diệu Hữu vào đời sống thực tại.

"Như áng hương Vi diệu
Thoảng từ cội lan vàng
Miệng lành là khuôn ngọc
Việc lành là hào quang." (Suối nguồn vi diệu -- kệ 52)

Từ sự nhận thức tiến đến trình độ cao hơn của sự hiểu biết, thấu suốt mọi vấn đề -- thì trí tuệ đứng vai trò chủ đạo để dẫn dắt tâm hồn nhân loại đến Niết Bàn tịch tĩnh, tới cái đẹp hoàn mỹ -- miên viễn. Pháp Cú đề cao trí tuệ cao tột -- đại giác, lấy phương châm "Duy tuệ thị nghiệp" áp dụng vào đường hướng tu tập, vì Ðức Phật nhận thấy rằng tâm hồn con người vốn có tính hướng thượng, biết vươn lên dù trong nghịch cảnh.

"Tu thiền, trí huệ sanh
Bỏ thiền, trí huệ diệt
Biết con đường hai ngả
Ðưa đến hữu, phi hữu
Hãy tự mình nỗ lực
Khiến trí tuệ tăng trưởng" (Pháp Cú -- 282)

Tu tập đạt đến trí siêu việt thấu triệt được vạn pháp "Bổn lai vô nhất vật" chính nơi đó tỏa sáng cái Ðẹp vi diệu vô biên.

Thiền Sư Ngộ Ấn đời Lý đã chỉ ra cho đàn hậu học thấy được cái bất biến tuyệt vời của bản thể một khi đã ngộ nhập Chân Như.

"Diệu tánh hư vô bất khả phan
Hư vô tâm ngộ đắc, hà nan?
Ngọc phần sơn thượng, sắc thường nhuận
Liên phát lô trung, thấp vị càn"

Ý Thiền Sư muốn nói rằng: "Bản tính của vạn vật khó có thể quan niệm được: Chứng nghiệm được bản tính ấy rất khó. Nhưng một khi đã chứng ngộ được rồi thì nó hiển hiện bất diệt: Nó là hòn ngọc bị thiêu trên núi mà sắc vẫn tươi: Nó là hoa sen nở trong lò lửa mà vẫn không khô héo..." [1]

Thẩm Mỹ Phật Giáo qua Kinh Pháp Cú tức là trở về với tâm linh tuyệt đối bằng cái nhìn thể nhập qua sự vận hành của các Pháp, với sự rung cảm kỳ diệu từ mạch nguồn tâm linh đang trôi chảy trong dòng tương tục của chánh niệm và tỉnh giác.

B/ TƯ TƯỞNG THẨM MỸ PHÁP CÚ TRONG TINH THẦN NHÂN VĂN PHẬT GIÁO

Hội nhập giữa Ðạo và Ðời

Cây giác ngộ chỉ mọc ở đám đất đau khổ. Tinh thần được triển khai là do trí tuệ, một động lực vốn là kết quả của sự trì giới, thiền định và suy tư của con người mà có. Qua Kinh Pháp Cú, ánh sáng nhân văn Phật Giáo bao giờ cũng khoáng đạt, bao dung, thường hằng mà ảo diệu. Chân lý Pháp Cú là viên ngọc trân châu trong chéo áo kẻ lang thang, chỉ vì không nhận ra chân tướng cuộc đời mà phải chịu nửa đường lầm lạc.

Thực hành đúng những Giáo Pháp siêu việt nhiệm mầu của Ðức Phật, bến bờ giải thoát vô cùng linh diệu sẽ không còn xa xôi nữa.

"Những ai hành trì Pháp
Theo chánh pháp khéo dạy
Sẽ đến bờ bên kia
Vượt ma lực khó thoát" (Pháp Cú -- 86)

"Phật thị hiện, lành thay!
Chánh Pháp chuyển lành thay!
Mừng Tăng Ðoàn hòa hợp
Như hạc vàng tung bay
Ôi xuân về mười cõi,
An lạc đến muôn loài." (Suối nguồn vi diệu -- 194)

Ðạt được Pháp Tánh rồi thì đối cảnh vô tâm, diệu dụng không lường, tùy duyên hóa độ.

"Lòng người chớ mê hoặc
Chấp ta hay của ta
Không nệ vì danh sắc
Bực thượng thủ Tăng Già" (Suối nguồn vi diệu -- kệ 367)

An nhiên, tự tại giữa dòng trường lưu sanh tử. Chính vì có tự tại nên mới an nhiên, ung dung giữa cuộc đời. "Tự do là ung dung trong ràng buộc", và "Hạnh phúc là an lạc giữa khổ đau".

Từ đó tỏa ra cái Ðẹp diệu kỳ trong phẩm chất tốt đẹp của con người cao thượng. Ðẹp là vị tha, là hạnh phúc. Vị tha không phải là ban phát, bố thí, mà đó là thái độ hy sinh, trải rộng cõi lòng, từ hiện thực cuộc sống cá nhân nâng lên thành lý tưởng cao đẹp.

"Sống trong đời sống cần phải có một tấm lòng. Ðể làm gì em có biết không? Ðể gió cuốn đi..." [2]

Ðây là chất nhân văn xác thực nhất của chủ nghĩa nhân đạo trong hệ thống Phật Ðạo. Bên cạnh chất nhân văn thẩm mỹ ấy -- cái Ðẹp của thanh tịnh, an lạc hiển hiện rực rỡ trong cái Tâm Vô Ngã.

"Vượt quá, hiện, vị lai
Qua bờ sông ảo diệu
Tâm giải thoát tròn đầy
Như trăng vàng tỏa chiếu." (Suối nguồn vi diệu -- kệ 348)

Giữa đôi bờ hư -- thực. Bờ bên này là uế trược, ô nhiễm -- bờ của cái bi.

"Như sét từ sắt sinh
Sắt sinh lại ăn sắt
Cũng vậy, quá lợi dưỡng
Tự nghiệp dẫn cõi ác." (Pháp Cú -- 240)

Bờ bên kia là cái Ðẹp thuần tịnh, trong sáng.

"Bậc trí theo tuần tự
Từng sát na trừ dần
Như thợ vàng lọc bụi
Trừ cấu uế nơi mình" (Pháp Cú -- 239)

Hiện hữu một nhân cách siêu việt tự xác lập mình bằng năng lực tự thắng. Thắng hoàn cảnh đã khó, tự thắng mình lại càng khó khăn hơn.

"Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng" (Pháp Cú -- 103)

thể hiện một bản lĩnh tự tại -- cái bản lĩnh của Bậc Ðại Trí, Ðại Dũng.

Chính vì vô thường mà khổ sinh, lại cũng chính do vô ngã mà khổ diệt. Khi diệt sinh thì đạt đến Niết Bàn.

Ta đừng ngộ nhận lầm tưởng ngôi nhà bát ngát này là của ta vĩnh cửu. Ta chỉ tạm trú trong ngôi nhà thế gian này mà thôi.

"Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Trăm năm ở trọ ngàn năm..." (Trịnh Công Sơn) [2]

nên phải chịu tác động của dòng biến dịch: "Thịnh suy như lộ thảo đầu phô" [3] mặc cho thế sự vô thường sinh diệt "...Thịnh suy như giọt sương rơi đầu cành". Tất cả chỉ là mù khơi huyễn hóa.

Biết rõ như vậy thì nhất định tinh thần vô ngã hiển hiện rực rỡ hơn bao giờ.

"Vạn pháp đều vô ngã
Hư huyễn bóng mây đưa
Dưới mặt trời đại định
Thanh thoát một dòng thơ" (Suối nguồn vi diệu -- kệ 279)

Nên có câu, người tỏ ngộ tâm linh, ý chí hướng thượng, hiền thiện thì xúc cảnh ngộ duyên đều thể hiện cái nhân văn trác tuyệt, chẳng ra khỏi khu rừng Bồ Ðề, thường ở trong biển Hoa Tạng. Ðây là cái Ðẹp rất tự tại của người đạt Ðạo, nếu chẳng phải thức tâm thông đạt thì chẳng rõ biết được.

Kinh Pháp Cú lấy chỗ đại dụng không cùng mà giáo hóa tất cả. Ðức Phật đã hết lòng răn nhắc, cảnh tỉnh.

"Với hận diệt hận thù
Ðời này không có được
Không hận diệt hận thù
Là định luật ngàn thu" (Pháp Cú -- 5)

Khuyến khích nhân loại nỗ lực tự rèn luyện bản thân, ngõ hầu đóng góp công sức và trí thức làm lợi ích cho ngôi nhà Chánh Pháp mãi trường tồn, hưng thịnh.

Ý nghĩa cuộc đời là sự sống cho ra sống, Sống không phải cố che đậy, những bất ổn bằng hình thức cầu kỳ, mà phải tự ý thức rằng mình đang sống từng giây, từng phút và nên hiểu biết rằng đời sống vốn là một mảnh vườn đầy kỳ hoa dị thảo mà bất cứ ai cũng có quyền hưởng thụ.

KẾT LUẬN

Pháp Cú -- nét đẹp nhân văn miên viễn trong tâm hồn nhân loại

"Hoa đàm dẫu rụng vẫn còn hương
Ngút tỏa mùi hương ngát diệu thường
Bốn biển trăng soi toàn thể Diệu
Vô vi tịch chiếu tuyệt suy lường"

Ðọc và thể nhập được những phương ngôn mỹ từ thâm diệu của Ðức Phật trong Kinh Pháp Cú, chúng ta cảm nhận được nhiều điều rất đời thường, rất thực tại mà bấy lâu nay ta cứ bỏ quên và không muốn nhìn thẳng vào bộ mặt cuộc sống.

Pháp Cú đâu phải là một học thuyết hay một kiến thức để đem ra nói đi nói lại -- Pháp Cú của Ðức Phật là vươn lên tất cả kiến thức, kinh nghiệm để không vướng mắc vào đâu cả. Ðức Phật không quan tâm đến những vấn đề nhằm thỏa mãn trí tò mò của con người, Ngài chỉ quan tâm đến nguyên nhân đưa đến khổ đau của con người -- và làm cách nào để chấm dứt sự đau khổ. Giáo Pháp của Ngài không đề cập đến những vấn đề siêu hình, nhưng có tính cách vô cùng thực tiễn, sáng bừng trong đó là tư tưởng thẩm mỹ nhân văn huyền nhiệm bất tuyệt, là đóa sen thơm ngát giữa lòng thế tục.

Tư tưởng Pháp Cú là tâm nguyện khẩn thiết và trung thực từ giữa nơi sâu thẳm của tình người và lòng người, được khai triển ra để lịch nghiệm cuộc đời. Bên này là dòng chuyển lưu cuồn cuộn cứ mãi trôi đi và bên kia là một chân trời đồng vọng không có đến.

Giáo Pháp của Phật ban rải khắp nơi với tâm đồng thể đại bi, trí tuệ phóng khoáng siêu nhiên, là sự quảng khai truyền thừa một cách linh động uyển chuyển cho khế hợp với mọi căn cơ, trình độ chúng sanh và hoàn cảnh xã hội.

Ứng dụng những lời dạy của Ðức Phật vào cuộc sống tu tập của mỗi người chúng ta một cách trang nghiêm -- thì chân lý sẽ tự đến với mình, đến một cách tự tại vô ngại và những phiền não vi tế đều biến thành hương se thơm mát. Ðó chính là hương vị giải thoát, là cái Ðẹp không thể nghĩ bàn vậy.

Kinh Pháp Cú biểu hiện sức sống sinh động, luân lý mẫu mực, hiện thực bất tuyệt trước không gian vô cùng và thời gian vô tận. Những lời vàng mầu nhiệm hàm chứa lòng từ vô lượng, bi vô lượng của Ðức Phật đã vang xa khắp tam thiên đại thiên thế giới, rót vào lòng đời ngũ trược Ta Bà -- đưa vớt những tâm hồn bị dồn nén vào chân tường không lối thoát, là diệu được hồi sinh cứu nguy cho những tâm hồn sa đọa đang hấp hối.

"Hiểu Khổ - Tập - Diệt - Ðạo
Nương giới luật chân thường
Tròn đầy giải thoát hạnh
Là người đáng kính thương" (Suối nguồn vi diệu -- kệ 217)

"Như cỏ hoa đồi suối
Mừng ai về cố hương
Quả phúc bực hiền đức
Chờ ai cõi lạc thường" (Suối nguồn vi diệu -- kệ 219-220)

Không thể sống như đàn kiến chạy quanh quẩn, nô đùa trên chén mật sinh tử -- mà chúng ta phải nhận thức được thực trạng khổ đau -- để bước lên con đường giải thoát, tìm về sự sống thanh thoát, an lành, hòa mình cùng vũ trụ bao la, tự tại vô ngại trong bầu trời tự do thanh khiết của Ánh Ðạo Vàng.

Ðọc Pháp Cú, hiểu Pháp Cú và thực hành theo những kim ngôn ấy -- nhân loại sẽ bớt tang thương lạnh lẽo và tâm linh không còn rách nát như cái độ nào...!

Pháp Cú là viên ngọc quý -- và cái đẹp thẩm mỹ siêu việt là những tinh anh lóng lánh, tỏa ra ánh sáng huyền ảo diệu kỳ vào cõi huyễn mộng nhân gian -- mà chỉ những ai có lòng tín thành kiên cố mới có thể ghé mắt trông vào. Muốn đạt được viên như ý bảo châu thì chỉ có sự tự rèn luyện mình trở nên con người cao thượng, hình thành nên một nhân cách trác tuyệt, một Chân -- Thiện -- Mỹ cho cuộc đời. Chính ngay lúc đó -- viên bảo châu vô giá đã nằm trong chéo áo của ta rồi đó! Nghĩa là ta đã đạt đến cõi thượng thừa tuyệt đỉnh trong bát ngát Chân Không.

Giá trị thẩm mỹ trong Kinh Pháp Cú là ở nơi đó không đâu xa, không phải là sự tìm cầu mà phải là sự thể nghiệm -- thắp lên ngọn lửa tâm linh và giữ đừng cho nó lụi tàn, phụt tắt. Ngọn lửa ấy rực sáng trong chánh định, trong thẩm sâu của tâm thức, của từ bi trí tuệ. Ðó là vầng sáng Ðẹp diệu kỳ rực rỡ từ nơi nguồn cội, đưa nhân loại đang tha hương phiêu bạt trên muôn dặm lang thang của ngũ lục, nếm trải đủ mùi phong sương lạnh giá, bị vùi dập giữa trận cuồng phong bão tố của luân hồi sinh tử -- trở về cội nguồn nhân bản đích thực, tìm lại gương xưa vĩnh tịch sáng suốt của mình.

"Cúng dường Kinh tạng thơ hoa
Trải tam thế mộng một tòa sắc hương
Kiếp sau làm trăng làm sương
Hiện chân thường giữa vô thường thế gian" (Phạm Thiên Thư)

Thích Huệ Quang

CHÚ THÍCH:

[1] Phật giáo và nền văn hóa Việt Nam -- trang 38 -- Thích Mãn Giác

[2] Trích bài hát "Một cõi đi về" của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn

[3] Cáo tật thị chúng của Vạn Hạnh Thiền Sư:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- DHAMMAPADA -- Pháp Cú Kinh -- Thường Bàn Ðại Ðịnh Bản Dịch Của A Nam Trần Tuấn Khải Bộ QGGD Xuất Bản. Lần 1 -- 1963
- Kinh Pháp Cú -- Nàrada -- Bản Dịch Phạm Kim Khánh. Xuất Bản 1971
- Kinh Pháp Cú -- Kinh Tạng Pàli. Thích Minh Châu Dịch -- Thiền Viện Vạn Hạnh -- Xuất Bản 1996
- Thẩm Mỹ Vô Ngã -- Hiện Hữu Trong Kinh Pháp Cú -- GS Hoàng Thiệu Khang. Trích Nguyệt San Giác Ngộ Số 2 - 1996
- Ðức Phật Và Giáo Pháp Của Ngài (The Buddha And His Teaching) Ernest K.S. Hunt. Tịnh Minh Dịch Và Chú Giải -- Xuất Bản 1993
- Tìm Hiểu Nhân Sinh Quan Phật Giáo -- Thích Tâm Thiện -- Thành Hội Phật Giáo -- Xuất Bản 1995
- Phật Giáo Và Nền Văn Hóa Việt Nam. Thích Mãn Giác -- Ban Tu Thư Ðại Học Vạn Hạnh -- Xuất Bản 1967
- Liên Hoa Nguyệt San -- Số 12 -- 1962
- Phật Học Tinh Hoa -- Thu Giang Nguyễn Duy Cần
- Suối Nguồn Vi Diệu -- Phạm Thiên Thư -- Cơ Sở Văn Chương -- Xuất Bản 1973
- Ðường Tu Không Hai -- Minh Tâm. Thanh Văn Xuất Bản 1994

-ooOoo-

Source: Phật học thường thức, http://www.phathocthuongthuc.com


[Mục lục Pháp Cú][Thư mục Việt ngữ]

last updated: 28-08-2002