Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Kinh Tăng Nhất A-Hàm

Việt dịch: Hòa thượng Thích Thanh Từ
Hiệu đính: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
PL 2541 - TL 1997


XXXX.1. Phẩm Thất nhật (1)

1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, rất nhiều Tỳ-kheo, sau khi thọ thực, tụ tập tại giảng đường Phổ Hội luận nghị thế này:

- Núi Tu-di này rất rộng lớn, các núi khác không thể bì kịp; rất kỳ đặc, cao rộng chót vót. Như thế mà không bao lâu cũng sẽ bị bại hoại không còn gì cả. Nương núi Tu-di lại có những núi lớn cũng lại bị bại hoại.

Bấy giờ Thế Tôn dùng Thiên nhĩ nghe những Tỳ-kheo ấy luận nghị như thế, liền từ tòa đứng lên đến giảng đường và đến chỗ ngồi. Khi ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các Thầy ở đây bàn luận những gì? Muốn thi hành điều gì?

Các Tỳ-kheo đáp:

- Mọi người tụ tập ở đây luận bàn việc pháp, điều vừa luận bàn đều đúng pháp.

Thế Tôn bảo:

- Lành thay! Tỳ-kheo! Các Thầy xuất gia đúng là phải nên luận bàn hợp pháp, lại cũng không bỏ sự im lặng của Hiền Thánh. Vì sao thế? Nếu Tỳ-kheo tụ tập một chỗ, nên thi hành hai việc. Thế nào là hai? Một là cùng nhau luận bàn Phật pháp; hai là hãy im lặng như Hiền Thánh. Các Thầy luận hai việc này trọn sẽ được an ổn, không mất thời nghi. Các Thầy vừa rồi luận nghị như pháp những gì?

Các Tỳ-kheo đáp:

- Nay chúng Tỳ-kheo tụ tập ở giảng đường này luận nghị như vầy: Thật là kỳ đặc! Núi Tu-di này rất là cao lớn rộng rãi, nhưng núi Tu-di này như thế chẳng bao lâu sẽ bị bại hoại và các núi Thiết Vi ở bốn bên cũng sẽ bại hoại như thế. Vừa rồi chúng con tụ tập ở đây bàn luận pháp như thế.

Thế Tôn bảo:

- Các Thầy có muốn nghe sự biến đổi bại hoại của cảnh giới thế gian này không?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

- Nay thật đúng lúc, cúi mong Thế Tôn hãy diễn thuyết khiến cho chúng sanh tâm được giải thoát.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các Thầy hãy khéo suy nghĩ, ghi nhớ trong lòng!

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, Thế Tôn bảo:

- Núi Tu-di rất là rộng lớn, các núi không bì kịp. Nếu Tỳ-kheo muốn biết núi Tu-di vượt trên mặt nước khoảng tám vạn bốn ngàn do-tuần, ăn sâu vào nước cũng tám vạn bốn ngàn do-tuần. Núi Tu-di do bốn loại báu làm thành là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly. Lại có bốn góc, cũng làm bằng bốn thứ báu: vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly. Thành vàng quách bạc, thành bạc quách vàng, thành thủy tinh quách lưu ly, thành lưu ly quách thủy tinh. Trên núi Tu-di có năm bậc Trời cư ngụ ở đó, đều do túc duyên mà trụ. Năm bậc nào? Trong thành bạc kia có trời Tế Khước ở. Trong thành vàng kia có Trời Thi-lợi-sa cư ngụ, trong thành thủy tinh có Trời Hoan Duyệt cư ngụ; trong thành lưu ly có Trời Lực Thạnh ở đấy.

Giữa thành vàng và bạc có Tỳ-sa-mô Thiên vương cư ngụ, cùng các Dạ-xoa nhiều không thể kể. Giữa thành vàng và thành thủy tinh có Tỳ-lưu-bác-xoa Thiên vương, cùng các Long thần cư ngụ. Giữa thành thủy tinh và thành lưu ly có Tỳ-lưu-lặc-xoa cư ngụ. Giữa thành lưu ly và thành bạc có Ðề-đầu lại-tra Thiên vương cư ngụ.

Tỳ-kheo nên biết, dưới núi Tu-di có A-tu-la cư trú. Nếu lúc A-tu-la muốn đánh nhau với trời Ba mươi ba, trước hết họ đánh nhau với trời Tế Khước; nếu thắng được, họ lại đến thành vàng đánh với trời Thi-lợi-sa; thắng trời Thi-lợi-sa rồi, họ lại đến thành thủy tinh đánh trời Hoan Duyệt; thắng rồi, họ lại đến thành lưu ly; thắng được trời đó mới cùng trời Ba mươi ba đánh nhau.

Tỳ-kheo nên biết! Trời Ba mươi ba cư ngụ trên đỉnh núi Tu-di, ngày đêm chiếu ánh sáng, tự chiếu lẫn nhau nên đến như thế, nước vào núi Tu-di có mặt trời, mặt trăng di chuyển. Nhật thiên tử có thành quách rộng năm mươi mốt do-tuần, Nguyệt thiên tử có thành quách rộng ba mươi chín do-tuần; ngôi sao lớn nhất rộng một do-tuần, ngôi sao nhỏ nhất rộng hai trăm bộ. Trên đỉnh Tu-di, Ðông, Tây, Nam, Bắc rộng tám vạn bốn ngàn do-tuần. Gần núi Tu-di, về phía Nam có núi Ðại Thiết Vi, dài tám vạn bốn ngàn do-tuần, cao tám vạn dặm. Ở ngoài núi này có núi Ni-di-đà bao bọc núi ấy, cách núi Ni-di-đà lại có núi tên là Khư-la, cách núi này lại có núi tên Tỷ-sa, cách núi này lại có núi tên Mã Ðầu, rồi lại có núi tên Tỳ-na-da; kế núi Tỳ-na-da lại có núi tên Thiết Vi Ðại Thiết Vi. Ở giữa Thiết Vi có tám địa ngục lớn, giữa hai địa ngục có mười sáu bức ngăn. Núi Thiết Vi có nhiều lợi ích cho cõi Diêm-phù-đề. Diêm-phù-đề nếu không có núi Thiết Vi có núi Hương Tích, bên núi Hương Tích có tám vạn bốn ngàn bạch tượng vương sống ở đó, mỗi con có sáu ngà và đeo vàng bạc. Trong núi Hương Tích có tám vạn bốn ngàn hang, có voi ở đó. Con voi tối thượng do vàng bạc thủy tinh, lưu ly tạo thành. Thích-đề-hoàn-nhân cỡi voi tối thượng, còn Chuyển luân Thánh vương cỡi voi thấp nhất. Bên núi Hương Tích có hồ nước Ma-đà, sanh toàn hoa Ưu-bát Liên và hoa Câu-mâu-đầu; những con voi kia bới rễ mà ăn. Bên cạnh hồ nước Ma-đà có núi Ưu-xà-già-la, núi ấy mọi rất nhiều cây cỏ, chim chóc, cọp (trùng) báo đều nương núi này, có những vị thần thông đắc đạo ở đó. Kế đó lại có núi tên Bàn-trà-bà, kế đó lại có núi tên Kỳ-xà-quật. Ðây là nơi cõi Diêm-phù-đề nương tựa.

Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc thế gian này muốn bại hoại, khi ấy trời chẳng mưa, những hạt mầm gieo trồng không lớn lên, bao nhiêu khe suối, sông nhỏ đều khô kiệt, tất cả các hành đều quy về vô thường, không tồn tại lâu dài.

Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc bốn dòng sông lớn là Hằng Hà, Tư-đầu, Tất-đà, Bà-xoa cũng đều khô cạn tất cả. Ðúng thế Tỳ-kheo, vô thường trăm lần biến đổi, chính là thế.

Tỳ-kheo, hoặc có lúc, thế gian có hai mặt trời xuất hiện, khi ấy trăm thứ cỏ cây đều rơi rụng, điêu tàn. Ðúng thế, Tỳ-kheo , vô thường biến đổi không có bền lâu. Lúc ấy các nguồn suối, dòng nước nhỏ đều khô cạn. Tỳ-kheo nên biết, khi hai mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn khô cạn, trong khoảng một trăm do-tuần, dần dần đến bảy trăm do-tuần, nước tự nhiên cạn.

Tỳ-kheo nên biết, lúc thế gian có ba mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn trong vòng một ngàn do-tuần, tự nhiên khô cạn, dần dần đến bảy ngàn do-tuần nước tự nhiên cạn.

Tỳ-kheo nên biết, nếu lúc bốn mặt trời xuất hiện ở thế gian, thì nước bốn biển sẽ rút sâu một ngàn do-tuần. Ðúng vậy, Tỳ-kheo, tất cả hành đều vô thường không có bền lâu.

Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc năm mặt trời xuất hiện ở thế gian, khi đó nước bốn biển chỉ còn bảy trăm do-tuần, dần dần đến một trăm do-tuần.

Tỳ-kheo nên biết, lúc năm mặt trời xuất hiện, khi ấy nước biển còn một do-tuần, dần dần khô cạn không còn gì hết. Nếu lúc năm mặt trời xuất hiện, còn đúng bảy thước nước. Lúc năm mặt trời xuất hiện, bốn biển khô cạn không còn chút nước nào. Tỳ-kheo nên biết, tất cả hành vô thường không được bền lâu.

Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc sáu mặt trời xuất hiện, cõi đất dày sáu vạn tám ngàn do-tuần này sẽ bốc khói hết. Núi Tu-di cũng dần dần chảy tan. Lúc sáu mặt trời xuất hiện, tam thiên đại thiên quốc độ này đều chảy tan hết, ví như người thợ gốm đốt đồ gốm. Lúc ấy tam thiên đại thiên cõi nước cũng lại như thế, lửa dậy khắp mọi nơi.

Tỳ-kheo nên biết, lúc sáu mặt trời xuất hiện, tám địa ngục lớn cũng bị tiêu diệt, mọi người chết hết. Năm bậc Trời ở núi Tu-di cũng mạng chung, trời Ba mươi ba, trời Diệm thiên, cho đến trời Tha hóa tự tại cũng mạng chung, cung điện trống trơn. Nếu lúc sáu mặt trời xuất hiện, núi Tu-di và tam thiên đại thiên cõi nước đều trống không chẳng còn gì. Ðúng vậy Tỳ-kheo, tất cả hành vô thường, không có bền lâu.

Tỳ-kheo nên biết, có lúc bảy mặt trời xuất hiện ở đời, đất này tuy dày sáu vạn tám ngàn do-tuần và tam thiên đại thiên cõi nước thảy đều bốc lửa. Lúc bảy mặt trời xuất hiện, núi Tu-di dần dần tan chảy, trăm ngàn do-tuần tự nhiên đổ vỡ không còn gì cả, không còn thấy một phần khói bụi huống là thấy tro.

Khi ấy từ trời Ba mươi ba cho đến trời Tha hóa tự tại, tất cả cung điện đều bốc lửa, lửa hừng nóng đến trời Phạm thiên. Thiên tử mới sanh ở cung trời ấy, vì chưa thấy kiếp thiêu, thấy ánh lửa nóng này thảy đều hoảng sợ, lo sẽ bị lửa đốt. Nhưng những vị Thiên tử sống lâu, đã từng thấy kiếp thiêu liền đến an ủi những Thiên tử sanh sau: 'Các ông chớ khiếp sợ, lửa này không đến thấu đây'.

Tỳ-kheo nên biết, lúc bảy mặt trời xuất hiện, từ cõi đời này đến sáu từng trời cõi dục cho đến tam thiên đại thiên quốc độ đều thành tro đất, không còn bóng dáng hình chất. Ðúng vậy, Tỳ-kheo, tất cả hành vô thường, chẳng thể bảo đảm lâu bền, tất cả đều đi đến hoại diệt.

Khi ấy nhân dân chết hết, sinh vào quốc độ phương khác hoặc sanh lên Trời. Các chúng sanh ở trong địa ngục nếu tội cũ đã xong thì sanh lên Trời hoặc cõi nước phương khác. Tỳ-kheo nên biết, nếu lúc bảy mặt trời xuất hiện, không còn dấu vết của ánh sáng mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Khi đó mặt trời, mặt trăng đã hoại diệt, không còn ngày đêm. Này Tỳ-kheo, đó là do báo duyên nên bị bại hoại như thế.

Tỳ-kheo lại nên biết, lúc kiếp thành tựu trở lại, lúc ấy lửa tự diệt mất, trong hư không có đám mây lớn nổi lên, dần dần mưa xuống, khi đó ba ngàn đại thiên thế giới tràn ngập nước, lên đến trời Phạm thiên. Tỳ-kheo nên biết, lúc đó nước dần dần dừng lại rồi tự tiêu diệt, lại có gió nổi lên gọi là Tùy lam (khí núi) thổi nước này tụ vào một chỗ. Khi ấy, gió kia làm nổi lên ngàn núi Tu-di, ngàn núi Kỳ-di-đà, ngàn núi Ni-di-đà, ngàn núi Khư-la, ngàn núi Y-sa, ngàn núi Tỳ-na, ngàn núi Thiết Vi, ngàn núi Ðại Thiết Vi; lại sanh tám ngàn địa ngục, lại sanh ngàn núi Mã Ðầu, ngàn núi Hương Tích, ngàn núi Bàn-trà-bà, ngàn núi Ưu-xà-già, ngàn Diêm-phù-đề, ngàn Cù-da-ni, ngàn Phất-vu-đệ, ngàn Uất-đơn-việt, lại sanh nước ngàn biển, lại sanh ngàn cung Tứ thiên vương, ngàn trời Ba mươi ba, ngàn Diễm thiên, ngàn Ðâu-suất thiên, ngàn Hóa tự tại thiên, ngàn Tha hóa tự tại thiên.

Tỳ-kheo nên biết, lúc ấy nước diệt, đất lại sanh trở lại, trên mặt đất tự nhiên có lớp đất màu mỡ, rất là thơm ngon hơn cả cam lồ. Nên biết mùi vị của lớp đất màu mỡ này ví như rượu ngọt bồ đào.

Tỳ-kheo nên biết, khi ấy trời Quang Âm bảo nhau: 'Chúng tôi muốn đến Diêm-phù-đề ngắm xem hình thể cõi đất ấy lúc hoàn thành trở lại'.

Chư Thiên trời Quang Âm liền xuống thế gian, thấy trên đất có lớp đất màu mỡ này liền lấy tay quẹt đưa vào miệng nếm và ăn. Khi ấy Thiên tử nào ăn lớp đất mày này nhiều thì trở nên mất oai thần, cũng không có ánh sáng, thân thể trở nên nặng nề, sanh ra xương thịt, mất hết thần túc, không bay được nữa. Thiên tử nào ăn đất màu ít, thân thể không nặng, không mất thần túc, cũng có thể phi hành trong hư không. Lúc đó các Thiên tử mất thần túc, cùng nhau kêu khóc và bảo nhau: 'Hôm nay, chúng ta thật là nguy khốn, mất hết thần túc, phải ở thế gian, không lên trời được nữa!'. Họ bèn ăn lớp đất màu này và nhìn nhau sắc nhau. Người nào dục ý nhiều thì thành đàn bà, rồi làm tình dục, cùng nhau vui thú.

Này Tỳ-kheo, đó là lúc thế gian mới thành lập, có sự dâm dục lan tràn thế gian. Ðó là cách thức thông thường của đàn bà xuất hiện ở đời, cũng là pháp cũ không phải mới có đây.

Khi ấy, các Thiên tử Quang Âm khác, thấy các thiên tử này đọa lạc, đều đến trách mắng họ: 'Các Ông vì sao lại làm hạnh bất tịnh này?' Khi đó các chúng sanh nghĩ: 'Chúng ta phải tìm cách nào tiện nghi để ăn ở với nhau cho người chẳng thấy'. Rồi từ từ họ làm nhà cửa để che thân thể. Tỳ-kheo, đó là nguyên nhân ngày nay có nhà cửa.

Tỳ-kheo nên biết, lúc đó, lớp đất màu mỡ tự nhiên chui vào đất, sau lại sanh lúa gạo, rất tươi tốt, sạch sẽ không có lớp vỏ, rất thơm ngon khiến người ăn mập trắng. Sáng, người ta thu thập, chiều nó lại sanh; nếu chiều thu thì sáng sanh ra. Tỳ-kheo, từ đó mới sanh ra tên lúa gạo. Tỳ-kheo, khi ấy nhân dân lười biếng, chẳng siêng năng sinh hoạt, họ nghĩ: 'Nay ta ngày ngày đi thu gạo thóc làm chi. Hãy để hai ngày đi gom một lần'. Khi ấy, người kia để hai ngày mới đi thu một lần. Nhân dân lần lượt có thai. Do đây mới có việc sanh đẻ. Lại có chúng sanh bảo người kia:

- Chúng ta cùng đi thu lúa gạo đi!

Người kia đáp:

- Tôi đã lấy lương thực hai ngày rồi.

Người này nghe xong liền tự nghĩ: 'Mình nên chứa lương thực bốn ngày'. Rồi liền lo lương thực bốn ngày. Lại có người bảo người ấy rằng:

- 'Nên cùng nhau ra ngoài thu lúa gạo'.

Người này đáp:

- 'Tôi đã thu lương thực bốn ngày'.

Người kia nghe xong liền nghĩ: 'Ta nên lo lương thực tám ngày'. Và người ấy lo dự trữ thức ăn tám ngày. Khi ấy lúa gạo kia không sanh ra nữa. Mọi người đều nghĩ: 'Thế gian có tai nạn lớn. Nay lúa gạo này không còn như cũ. Hãy chia lúa gạo này ra'.

Rồi họ chia lúa gạo. Bấy giờ chúng sanh lại nghĩ: 'Nay ta hãy giấu lúa gạo của mình và hãy ăn trộm lúa gạo người khác'.

Khi ấy, chúng sanh kia giấu lúa gạo của mình rồi ăn trộm lúa gạo người khác. Người chủ kia thấy trộm lúa gạo mới bảo người ấy:

- 'Ông vì sao lấy lúa gạo của ta. Lần này ta tha tội cho Ông, chớ có tái phạm'.

Bấy giờ, thế gian bắt đầu có tâm trộm cắp. Lại có chúng sanh nghe lời này liền nghĩ: 'Nay ta nên giấu lúa gạo của mình và ăn trộm lúa gạo người khác'.

Khi ấy, chúng sanh kia bỏ vật của mình và lấy trộm của người. Người chủ kia thấy rồi bảo người ấy rằng:

- 'Nay Ông vì sao lấy lúa gạo của ta?'.

Nhưng người đó im lặng không đáp. Lúc đó người chủ mới dùng nắm tay mà đánh nhau:

- 'Từ nay về sau chớ có xâm phạm'.

Khi ấy, rất nhiều người nghe chúng sanh ăn trộm lẫn nhau, mỗi người đều nhóm họp bảo nhau rằng:

- 'Thế gian có việc phi pháp này, mỗi người cùng ăn trộm lẫn nhau. Nay hãy lập người giữ ruộng, để giữ gìn ruộng rẫy. Có chúng sanh tài cao, thông minh, hãy lập làm chủ giữ ruộng'.

Bấy giờ, họ chọn lựa điền chủ và bảo:

- 'Các Ông nên biết, thế gian có sự trộm cắp phi pháp này. Nay Ông giữ ruộng hãy coi sóc bông hạt, nhưng người đến lấy lúa gạo của người khác thì nêu tội họ'.

Khi ấy liền đặt điền chủ.

Tỳ-kheo nên biết! Bấy giờ người giữ ruộng gọi là dòng Sát-lợi. Ðó là pháp cũ, chẳng phải là pháp mới.

Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ này:

Ðầu tiên dòng Sát-lợi,
Cao nhất trong các dòng,
Người thông minh cao tài,
Ðược Trời Người cung kính.

Bấy giờ có nhân dân nào xâm phạm vật của người khác thì dòng Sát-lợi sẽ trừng phạt họ. Nhưng sau người kia không sửa lỗi, lại phạm nữa, chủ Sát-lợi ra lệnh làm đao gậy chặt đầu người kia. Lúc ấy thế gian mới bắt đầu có sát sanh. Nhiều người nghe lệnh giết này: 'Người ăn trộm lúa gạo người khác, Sát-lợi chủ sẽ bắt giết' đều sợ hãi, lông tóc dựng ngược. Ai nấy đều cất nhà cỏ, ngồi Thiền trong đó, nhất tâm tu Phạm hạnh, bỏ lìa nghiệp nhà, vợ con, hầu thiếp. Một mình ở chỗ vắng vẻ, dốc chí tu Phạm hạnh. Nhân đây về sau có tên họ của Bà-la-môn.

Khi đó, có hai chủng tánh xuất hiện ở đời. Tỳ-kheo nên biết, khi ấy do trộm cắp mà có sát sanh, do sát sanh nên có dao gậy. Sát-lợi chủ bảo nhân dân:

- 'Người nào đoan chính tài cao, hãy cho thống lãnh nhân dân này'.

Sát-lợi chủ lại bảo họ rằng:

- 'Nhân dân nào ăn trộm thì cho trừng trị tội nó'.

Khi đó liền có chủng tánh Tỳ-xá xuất hiện ở đời. Có nhiều chúng sanh nghĩ rằng: 'Ngày nay chúng sanh sát sinh lẫn nhau đều do tiền nghiệp gây ra. Nay ta nên qua lại xoay vần để tự sinh sống'.

Bấy giờ liền có chủng tánh Thủ-đà-la xuất hiện thế gian.

Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ này:

Trước tiên dòng Sát-lợi,
Kế có Bà-la-môn,
Thứ ba là Tỳ-xá,
Tiếp là họ Thủ-đà.
Có bốn chúng tánh này,
Lần lần sanh lẫn nhau,
Ðều là thân Trời đến,
Cùng đồng là một vẻ.

Tỳ-kheo nên biết, lúc có tâm giết và trộm này, không còn có lúa gạo tự nhiên hiện nữa. Khi ấy, liền có năm loại ngũ cốc: rễ, cọng, cành, hoa, trái, và sanh các hạt giống khác. Ðó là năm hạt giống đều là từ cõi nước phương khác theo gió thổi đến, người ta lấy trồng dùng đây để sống.

Như thế, Tỳ-kheo thế gian có điềm ứng này, liền có sanh, già, bệnh, chết đến, khiến hôm nay có thân năm ấm, chẳng dứt được mé khổ. Ðây gọi là sự biến đổi của kiếp thành hoại. Ta nói với các Thầy! Việc đáng làm của chư Phật Thế Tôn, nay Ta đã nói hết cho các Thầy, hãy ưa thích chỗ vắng vẻ, nên nhớ tọa thiền chớ giải đãi, ngày nay nếu không tinh thành, sau hối hận vô ích. Ðây là lời dạy của Ta.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

2. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở thành La-duyệt trong vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.

Bấy giờ, vua A-xà-thế nước Ma-kiệt nói với quần thần rằng:

- Nước Bạt-kỳ rất thịnh vượng, dân cư đông đúc. Ta sẽ chinh phạt chiếm đất nước đó.

Lúc ấy, vua A-xà-thế lại bảo Bà-la-môn Bà-lợi-ca rằng:

- Nay Ông đến chỗ Thế Tôn, đem tên họ ta thăm hỏi Thế Tôn, lễ kính, thừa sự rồi thưa rằng: 'Vua A-xà-thế bạch đức Thế Tôn, vua có ý muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ có được hay không?' Nếu Như Lai có nói gì, Ông hãy khéo suy nghĩ rồi về nói cho ta. Vì sao thế? Như Lai nói không hai lời.

Bấy giờ Bà-la-môn vâng lời vua dạy, đến chỗ Thế Tôn, thưa hỏi rồi ngồi một bên. Khi đó, Bà-la-môn bạch Phật:

- Vua A-xà-thế lễ kính Thế Tôn, thừa sự, thăm hỏi.

Và Bà-la-môn ấy bạch thêm rằng:

- Ý vua muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ, trước đến hỏi Phật xem có được không?

Khi ấy Thế Tôn thấy Bà-la-môn kia lấy y che đầu, chân mang giày ngà voi, lưng đeo kiếm bén, chẳng nên thuyết pháp cho ông ta. Thế Tôn mới bảo A-nan:

- Nếu dân chúng Bạt-kỳ-tu bảy pháp thì trọn không bị ngoại xâm tiêu diệt. Thế nào là bảy? Nếu nhân dân Bạt-kỳ tụ tập một nơi không phân tán thì không bị nước khác phá hoại. Ðó là pháp đầu tiên không bị giặc ngoài phá hoại.

Lại nữa A-nan, người nước Bạt-kỳ trên dưới hòa thuận, thì nhân dân Bạt-kỳ không bị người ngoài cầm giữ. A-nan! Ðó là pháp thứ hai không bị giặc ngoài phá hoại.

Lại nữa A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không dâm dục với đàn bà của người khác. Ðó là pháp thứ ba không bị giặc ngoài phá hoại.

Lại nữa A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không đem việc ở đây truyền đến chỗ kia, cũng lại không đem việc đàng kia truyền lại đàng này... Ðó là pháp thứ tư không bị giặc ngoài phá hoại.

Lại nữa A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, thừa sự, lễ kính người Phạm hạnh... Ðó là pháp thứ năm không bị giặc ngoài phá hoại.

Lại nữa A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không tham lam tài sản của người khác... Ðó là pháp thứ sáu không bị giặc ngoài phá hoại.

Lại nữa A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ đều đồng một lòng không theo thần tự, chuyên tinh ý mình, liền chẳng bị giặc ngoài phá hoại. Ðó là pháp thứ bảy không bị giặc ngoài phá hoại.

A-nan, đó là người Bạt-kỳ tu bảy pháp này, trọn không bị giặc ngoài phá hoại.

Khi ấy Phạm chí bạch Phật:

- Dù cho người nước Bạt-kỳ chỉ thành tựu một pháp thôi, cũng không thể phá hoại được, huống là đến bảy pháp thì làm sao phá hoại được. Thôi, thôi! Bạch Thế Tôn, việc nước bề bộn tôi muốn trở về chỗ mình.

Bấy giờ Phạm chí liền từ tòa đứng lên mà đi. Ông ta đi chưa xa, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nay Ta sẽ nói bảy pháp bất thối chuyển, các Thầy nên lắng nghe, khéo suy nghĩ.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, Thế Tôn bảo:

- Thế nào là bảy pháp bất thối chuyển? Tỳ-kheo nên biết, Tỳ-kheo tụ họp chung một chỗ, hòa thuận với nhau, trên dưới kính nhường, càng lúc càng tiến lên, tu các pháp lành không thối chuyển, không để Ma được lợi thế. Ðó là pháp bất thối chuyển đầu tiên.

Lại nữa, chúng Tăng hòa hợp, thuận theo lời dạy càng tiến lên, không thối chuyển, chẳng bị Ma vương phá hoại. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ hai.

Lại nữa, Tỳ-kheo không đắm công việc, không tập tành việc đời, cứ tiến tới, không để Thiên ma được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ ba.

Lại nữa, Tỳ-kheo, không tụng đọc sách tạp, suốt ngày thúc liễm tình ý càng tiến lên, không để Ma vương được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ tư.

Lại nữa, Tỳ-kheo chuyên cần tu pháp trừ khử thùy miên, hằng tự răn nhắc tỉnh táo, càng tiến lên trên, không để Ma được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ năm.

Lại nữa, Tỳ-kheo, không học toán thuật, cũng không khiến người tập thành nó, ưa chỗ vắng vẻ, tu tập pháp này, ngày càng tiến lên, không để Ma được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ sáu.

Lại nữa, Tỳ-kheo, khởi lên ý tưởng 'tất cả thế gian không có gì đáng ưa thích', tu tập Thiền hạnh, kham nhẫn theo các pháp được dạy, càng tiến lên, không để Ma được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ bảy. Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp này, hòa thuận với nhau, thì Ma sẽ không được tiện lợi.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ:

Trừ bỏ các sự nghiệp,
Không suy nghĩ loạn bậy,
Nếu không hành điều này,
Cũng chẳng được tam-muội.
Người hay vui với pháp,
Phân biệt nghĩa pháp này,
Tỳ-kheo ưa hạnh này,
Sẽ đến tam-muội định.

Thế nên, Tỳ-kheo, hãy cầu phương tiện thành tựu bảy pháp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

3. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nay Ta sẽ nói về bảy sử. Các Thầy hãy khéo nghĩ nhớ.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Khi ấy, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:

- Thế nào là bảy? Tham dục sử, sân nhuế sử, kiêu mạn sử, si sử, nghi sử, kiến sử, dục thế gian sử.

Này Tỳ-kheo, đó là bảy sử khiến cho chúng sanh thường ở trong u tối, bị trói buộc thân mình, lưu chuyển trong thế gian không hề ngừng nghỉ, cũng không thể biết cội rễ sanh tử. Ví như hai con trâu một đen, một trắng, mang chung một ách cùng kéo dẫn nhau, không cách xa được. Chúng sanh cũng như thế, bị tham dục sử, vô minh sử, trói buộc không lìa nhu được. Năm sử kia cũng lại đuổi theo; năm sử vừa theo, bảy sử cũng thế. Người phàm phu bị bảy sử này trói buộc, lưu chuyển trong sanh tử không giải thoát được, không thể biết nguồn gốc của khổ.

Tỳ-kheo nên biết, do bảy sử này bèn có ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do bảy sử này không thể qua khỏi cảnh giới tệ Ma. Nhưng bảy sử này lại có bảy phương thuốc. Thế nào là bảy? Tham dục sử thì có niệm giác ý trị. Sân nhuế sử có trạch pháp giác ý trị. Tà kiến sử có tinh tấn giác ý trị. Dục thế gian sử có hỷ giác ý trị. Kiêu mạn sử có khinh an giác ý trị. Nghi sử có định giác ý trị. Vô minh sử có hộ (xả) giác ý trị. Này Tỳ-kheo! Ðó là bảy sử dùng bảy giác ý trị.

Tỳ-kheo nên biết! Lúc Ta chưa thành Phật, đang hành hạnh Bồ-tát, ngồi dưới cây Bồ-đề, khởi niệm này: 'Chúng sanh cõi dục bị những gì trói buộc?' Rồi lại nghĩ: 'Chúng sanh bị bảy sử trói buộc lưu chuyển trong sanh tử, mãi mãi không giải thoát được. Nay Ta cũng bị bảy sử này trói buộc không được giải thoát'. Lúc ấy Ta lại nghĩ: 'Bảy sử này dùng gì để trị?'. Ta lại suy nghĩ nữa: 'Bảy sử này sẽ dùng Bảy giác ý trị'.

Ta nên tư duy Bảy giác ý. Lúc Ta tư duy Bảy giác ý, tâm hữu lậu được dứt, liền được giải thoát. Sau thành đạo Vô Thượng Chánh Chân.

Trong bảy ngày ngồi kiết-già, tư duy Bảy giác ý này một lần nữa.

Thế nên các Tỳ-kheo! Nếu muốn bỏ bảy sử, nên nhớ tu hành pháp Bảy giác ý. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

4. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, họ là phước điền vô thượng của thế gian. Thế nào là bảy hạng người? Ðó là: Hành từ, hành bi, hành hỉ, hành hộ (xả), hành không, hành vô tướng, hành vô nguyện. Ðó là bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là phước điền vô thượng của thế gian. Vì sao thế? Nếu có chúng sanh hành bảy pháp này thì ở trong hiện pháp thu hoạch được quả báo.

Bấy giờ A-nan bạch Thế Tôn:

- Vì cớ sao Thế Tôn không nói Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật và Phật mà lại nói bảy pháp này?

Thế Tôn bảo:

- Người hành từ cho đến bảy pháp hành cùng với Tu-đà-hoàn cho đến Phật, việc này không đồng. Dù cúng dường Tu-đà-hoàn cho đến Phật cũng không được quả báo hiện tại; nhưng cúng dường bảy người này, ở hiện đời được quả báo. Thế nên, A-nan, nên chuyên cần dũng mãnh thêm để hoàn thành bảy pháp. Như thế, A-nan, nên học điều này!

Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

5. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở Tỳ-xá-ly, bên ao Di-hầu, cùng với năm trăm chúng đại Tỳ-kheo.

Khi ấy Thế Tôn đến giờ đắp y, ôm bát, cùng A-nan vào Tỳ-xá-ly khất thực. Bấy giờ trong thành Tỳ-xá-ly có đại trưởng giả tên Tỳ-la-tiên, giàu có, nhiều tài sản chẳng thể tính kể, nhưng lại keo kiệt tham lam không có lòng bố thí, chỉ hưởng phước cũ, không tạo thêm phước mới. Lúc đó trưởng giả ấy đang cùng các dâm nữ ở hậu cung đàn hát, ca xướng vui chơi.

Thế Tôn đi đến hướng ấy, Ngài biết mà vẫn hỏi Tôn giả A-nan:

- Nay Ta nghe tiếng hát xướng, kỹ nhạc là ở nhà nào?

A-nan bạch Phật:

- Ðó là ở nhà trưởng giả Tỳ-la-tiên.

Phật bảo A-nan:

- Trưởng giả này sau bảy ngày sẽ chết và sanh trong địa ngục Thế Khốc. Vì sao thế? Ðó là lẽ thường. Nếu người đoạn căn lành thì lúc mạng chung đều sanh trong địa ngục Thế Khốc. Nay trưởng giả này phước cũ đã hết, lại không chịu tạo phước mới.

A-nan bạch Phật:

- Có nhân duyên nào khiến trưởng giả này sau bảy ngày không chết chăng?

Phật bảo A-nan:

- Chẳng có nhân duyên nào mà làm ông ta không chết được. Những hạnh ông ta gieo trồng ngày xưa, hôm nay đã hết. Ðiều này không thể tránh khỏi.

A-nan bạch Phật:

- Có cách nào khiến trưởng giả này không sanh vào địa ngục Thế Khốc chăng?

Phật bảo:

- A-nan! Có cách này có thể khiến trưởng giả không vào địa ngục.

A-nan bạch Phật:

- Những nhân duyên nào khiến trưởng giả không vào địa ngục?

Phật bảo A-nan:

- Nếu trưởng giả này chịu cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì có thể khỏi tội này được.

A-nan bạch Phật:

- Nay con có thể khiến cho trưởng giả này xuất gia học đạo.

Bấy giờ Tôn giả A-nan từ giã Thế Tôn, đi đến đứng ngoài cửa nhà ông trưởng giả. Lúc ấy, Trưởng giả từ xa trông thấy A-nan đến liền ra cửa tiếp đón thỉnh ngài vào ngồi. Rồi A-nan bảo trưởng giả:

- Nay tôi ở bên bậc Nhất Thiết Trí được nghe Như Lai thọ ký Ông sau bảy ngày sẽ chết và sanh vào địa ngục Thế Khốc.

Trưởng giả nghe xong lông tóc dựng ngược, kinh hãi bạch Tôn giả A-nan:

- Có nhân duyên gì làm tôi trong bảy ngày không chết chăng?

A-nan bảo:

- Không có nhân duyên nào khiến Ông trong bảy ngày khỏi chết.

Trưởng giả lại bạch:

- Có nhân duyên nào khiến tôi chết không sanh vào địa ngục Thế Khốc chăng?

A-nan bảo:

- Thế Tôn cũng có dạy rằng nếu Trưởng giả cạo tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo sẽ không phải vào địa ngục Thế Khốc. Ông phải nên xuất gia học đạo, đến được bờ kia.

Trưởng giả bạch:

- Ngài A-nan hãy đi trước đi, tôi sẽ đến ngay.

Khi ấy, Tôn giả A-nan liền bỏ đi. Trưởng giả liền nghĩ: 'Nói bảy ngày cũng còn xa, nay ta nên vui chơi ngũ dục, rồi sau hãy xuất gia học đạo'.

Tôn giả A-nan ngày hôm sau đến nhà trưởng giả, bảo ông ta:

- Một ngày đã qua, còn có sáu ngày, phải xuất gia đi!

Trưởng giả bạch:

- Ngài A-nan hãy đi trước, tôi sẽ theo sau ngay.

Nhưng trưởng giả ấy vẫn không đi. Ngài A-nan, hai ngày, ba ngày cho đến sáu ngày đến nhà trưởng giả, bảo ông ta:

- Bây giờ hãy xuất gia, nếu không sau hối không kịp. Nếu không xuất gia hôm nay sẽ chết, rồi sanh trong địa ngục Thế Khốc.

Trưởng giả bạch A-nan:

- Tôn giả hãy đi trước, tôi sẽ theo sau.

A-nan bảo:

- Trưởng giả! Hôm nay Ông dùng thần túc nào đến kia được mà bảo ta đi trước? Ta muốn đi một lượt với Ông.

Khi ấy A-nan dẫn trưởng giả này đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy và bạch Phật:

- Nay trưởng giả này muốn được xuất gia học đạo, cúi mong Như Lai hãy cạo bỏ râu tóc cho ông ta, để ông ta được học đạo.

Phật bảo A-nan:

- Nay chính Thầy có thể độ trưởng giả này.

A-nan vâng lời Phật dạy tức thời cạo tóc cho trưởng giả, dạy đắp ba pháp y và học Chánh pháp. Lúc ấy A-nan dạy Tỳ-kheo đó rằng:

- Ông nên nhớ tu hành, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Thôi dứt, niệm Hơi thở, niệm Thân, niệm Tử. Nên tu hành pháp như thế. Tỳ-kheo hành mười niệm này sẽ được quả báo lớn, được pháp vị cam lồ.

Khi ấy Tỳ-la-tiên tu hành pháp như thế rồi; ngay ngày ấy mạng chung sanh trong Tứ thiên vương. A-nan liền trà-tỳ thân ông ta, trở về chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.

Bấy giờ A-nan bạch Thế Tôn:

- Vừa rồi Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên đã mạng chung, sẽ sanh về đâu?

Thế Tôn bảo:

- Nay Tỳ-kheo này mạng chung sanh lên cõi trời Tứ thiên vương.

A-nan bạch Phật:

- Ông ta ở đó mạng chung sẽ sanh về đâu?

Thế Tôn bảo:

- Ông ta ở đó mạng chung sẽ sanh trời Ba mươi ba, lần lượt sanh Diệm thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên. Từ đó ông ta mạng chung lại sanh trở lại cho đến trời Tứ thiên vương. A-nan! Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên, bảy phen xoay vần trong Trời, Người. Cuối cùng ông ta được thân người xuất gia, học đạo, sẽ dứt mé khổ. Vì sao thế? Vì ông ta có tín tâm đối với Như Lai. A-nan nên biết! Cõi Diêm-phù-đề này, Nam Bắc hai vạn một ngàn do-tuần; Ðông Tây bảy ngàn do-tuần. Nếu có người cúng dường người khắp cõi Diêm-phù-đề, phước đó có nhiều không?

Tôn giả A-nan bạch Phật:

- Rất nhiều, rất nhiều, bạch Thế Tôn.

Phật bảo A-nan:

- Nếu có chúng sanh chỉ trong một khoảng khắc, không dứt tín tâm tu hành mười niệm này, phước chẳng thể lường, không thể lường được. Như thế, A-nan! Hãy cầu phương tiện tu hành mười niệm. Như thế A-nan, hãy học điều này!

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

6. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Ta sẽ thuyết pháp cực diệu, ban đầu, ở giữa và rốt sau đều lành, nghĩa lý thâm sâu, đầy đủ để tu Phạm hạnh. Kinh này gọi là 'Pháp sạch các lậu'. Các Thầy khéo suy nghĩ đó.

Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:

- Tại sao gọi là 'pháp sạch các lậu'? Hoặc có hữu lậu duyên kiến mà được đoạn, hoặc có hữu lậu nhờ thân cận được đoạn, hoặc có hữu lậu do xa lìa được đoạn, hoặc có hữu lậu do vui thích được đoạn, hoặc có hữu lậu do oai nghi được đoạn, hoặc có hữu lậu do tư duy được đoạn.

Thế nào là hữu lậu do kiến được đoạn? Ở đây, người phàm phu chẳng gặp Thánh nhân, không thuận theo pháp Như Lai, chẳng thể ủng hộ pháp Hiền Thánh, chẳng gần gũi Thiện tri thức, chẳng phụng sự Thiện tri thức. Họ nghe pháp, điều đáng suy nghĩ cũng không phân biệt được; điều không nên suy nghĩ thì lại suy nghĩ; dục lậu chưa sanh liền sanh, dục lậu đã sanh liền tăng thêm nhiều; hữu lậu chưa sanh liền sanh, hữu lậu đã sanh liền tăng thêm nhiều; vô minh lậu chưa sanh liền sanh, vô minh lậu đã sanh liền tăng thêm nhiều. Ðây là pháp chẳng nên tư duy mà lại tư duy.

Thế nào là pháp đáng tư duy mà không chịu tư duy pháp này? Pháp nên tư duy là dục lậu chưa sanh, khiến cho chẳng sanh, dục lậu đã sanh thì tiêu diệt đi; hữu lậu chưa sanh khiến cho chẳng sanh, hữu lậu đã sanh thì tiêu diệt đi; vô minh lậu chưa sanh khiến cho chẳng sanh, vô minh lậu đã sanh thì tiêu diệt đi. Ðó là pháp đáng nên tư duy mà không tư duy; pháp không nên tư duy thì tư duy, pháp nên tư duy lại không chịu tư duy; dục lậu chưa sanh liền sanh, dục lậu đã sanh tăng thêm; hữu lậu chưa sanh liền sanh, hữu lậu đã sanh liền tăng thêm; vô minh lậu chưa sanh liền sanh, vô minh lậu đã sanh liền tăng thêm.

Người ấy suy nghĩ thế này: 'Thế nào là có quá khứ lâu xa? Nay ta phải có quá khứ lâu xa'.

Người ấy lại suy nghĩ: 'Không có quá khứ lâu xa. Thế nào mà có quá khứ lâu xa? Thế nào lại có tương lai lâu xa? Nay ta sẽ có tương lai lâu xa. Hay lại nói không có tương lai lâu xa? Thế nào sẽ có tương lai lâu xa. Ai có tương lai lâu xa? Thế nào ở đây có chúng sanh từ lâu xa? Chúng sanh lâu xa này từ đâu mà đến, từ đây mạng chung sẽ đi về đâu?'.

Người ấy khởi ý nghĩ chẳng lành này, liền nổi lên sáu kiến chấp lần lượt sanh tư tưởng tà vạy: Có ngã kiến, xét rõ có kiến này; không có ngã kiến xét rõ khởi lên cái kiến này; có ngã kiến, không ngã kiến, trong đó khởi xét rõ sanh kiến; lại tự quán thân rồi khởi kiến chấp; ở nơi mình mà không thấy mình, lại khởi cái chấp này; ở chỗ vô ngã mà không thấy vô ngã, trong đó khởi kiến chấp. Khi ấy người kia sanh tà kiến này: 'Ngã đời này cũng là ngã đời sau, thường còn ở đời không có hư hoại, cũng không biến đổi, cũng chẳng di động'. Ðó gọi là nhóm tà kiến. Tà kiến khổ hoạn, ưu bi, khổ não, đều do đây sinh không thể trị liệu, cũng bỏ không được, bèn tăng thêm gốc khổ. Do đó không phải là hạnh của Sa-môn, đạo Niết-bàn.

Lại nữa, Tỳ-kheo đệ tử bậc Hiền Thánh tu hành pháp này không mất thứ tự, khéo hay ủng hộ và ủng hộ cho Thiện tri thức. Người ấy có thể phân biệt, pháp chẳng thể tư duy cũng có thể biết; pháp nên tư duy cũng có thể biết; pháp không nên tư duy, người ấy cũng chẳng tư duy; pháp nên tư duy thì tư duy.

Thế nào là pháp chẳng nên tư duy thì chẳng tư duy? Ðối với các pháp dục lậu chưa sanh mà sanh, dục lậu đã sanh liền tăng thêm; hữu lậu chưa sanh liền sanh, hữu lậu đã sanh liền tăng thêm; vô minh lậu chưa sanh liền sanh, vô minh lậu đã sanh liền tăng thêm. Ðó là pháp không nên tư duy.

Những pháp nào nên tư duy thì tư duy? Ðối với các pháp dục lậu chưa sanh liền chẳng sanh, dục lậu đã sanh liền tiêu diệt; hữu lậu chưa sanh liền chẳng sanh, hữu lậu đã sanh liền tiêu diệt; vô minh lậu chưa sanh liền chẳng sanh, vô minh lậu đã sanh liền tiêu diệt. Ðây là pháp đáng nên tư duy, điều chẳng nên tư duy người ấy không tư duy. Ðiều nên tư duy liền tư duy. Người ấy tư duy như thế liền diệt được ba pháp. Thế nào là ba? Thân tà giới, trộm, nghi. Nếu không thấy biết thì tăng thêm hạnh hữu lậu. Nếu người thấy, nghe, nhớ, biết thì chẳng tăng thêm hạnh hữu lậu. Ðã biết, đã thấy thì hữu lậu chẳng sanh. Ðây là lậu do kiến mà đoạn được.

Thế nào là lậu nhờ cung kính mà đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo! Kham nhẫn đói lạnh, chịu khổ gió mưa, muỗi mòng, lời ác nhục mạ, thân sanh đau đớn, rất là phiền phức, mạng sắp muốn dứt mà có thể nhẫn được. Nếu không dứt được liền khởi khổ não, nếu người có thể kham nhẫn được, như thế chẳng sanh. Ðó là lậu do cung kính được đoạn.

Thế nào là lậu do thân cận được đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo! Giữ tâm thọ nhận y, không đòi trang sức, chỉ muốn giữ gìn thân thể, muốn trừ lạnh nóng; muốn mưa gió không chạm vào thân. Lại che thân thể không lộ ra ngoài. Lại giữ tâm theo thời khất thực, không khởi tâm tham nhiễm, chỉ muốn gìn giữ thân thể, cho bệnh cũ được lành, bệnh mới chẳng sanh; giữ gìn các hạnh không xúc phạm, được an ổn lâu dài mà tu Phạm hạnh được lâu bền ở đời. Lại giữ gìn tâm ý, gần gũi sàng tòa, cũng không đắm nhiễm phục sức vinh hoa; chỉ muốn trừ đói lạnh, gió mưa, muỗi mòng, che chở thân thể để hành đạo pháp. Lại giữ gìn tâm, gần gũi thuốc men, chẳng sanh tâm nhiễm đắm, đối với thuốc men chỉ muốn bịnh tật được lành, thân thể được an ổn. Nếu không thân cận thì sanh hoạn hữu lậu, nếu thân cận thì không sinh hoạn hữu lậu. Ðó là lậu do thân cận được đoạn.

Thế nào là hữu lậu do xa lìa được đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo! Trừ khử loạn tưởng, xem nó như voi ác, lạc đà, trâu ngựa, cọp beo, chó, rắn độc, hầm sâu bờ hiểm, gai góc, sườn dốc, bùn sình, thảy đều xa lìa chúng, chớ theo phụng thờ Ác tri thức, cũng không gần gũi người ác, hay nghiền ngẫm ở trong lòng chớ bỏ qua. Nếu không ủng hộ thì sanh hữu lậu, nếu ủng hộ thì không sanh hữu lậu. Ðó là hữu lậu do xa lìa mà đoạn.

Thế nào là hữu lậu do vui thích được đoạn?

đây, Tỳ-kheo! Sanh dục tưởng mà chẳng xa lìa, nếu khởi sân giận cũng chẳng xa lìa, nếu lại khởi tưởng đố kỵ cũng chẳng xa lìa. Nếu không xa lìa thì sanh hữu lậu, người có thể xa lìa thì có thể chẳng khởi hữu lậu. Ðó là hữu lậu do vui thích được đoạn.

Thế nào là hữu lậu do oai nghi mà đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo! Nếu mắt thấy sắc không khởi sắc tưởng, cũng không khởi tâm nhiễm ô, đầy đủ nhãn căn, cũng không thiếu sót mà hộ nhãn căn. Nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, đều không khởi tâm nhiễm ô, cũng không khởi tưởng chấp trước mà gìn giữ ý căn. Nếu không nhiếp hộ oai nghi thì sanh hữu lậu, nếu nhiếp hộ oai nghi thì không có hoạn hữu lậu. Ðó là hữu lậu do oai nghi được đoạn.

Những hữu lậu nào do tư duy được đoạn? Ở đây Tỳ-kheo! Tu niệm giác ý, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu; tu trạch pháp giác ý, tinh tấn giác ý, hỷ giác ý, khinh an giác ý, định giác ý, hộ (xả) giác ý, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu. Nếu không tu điều này thì sanh hoạn hữu lậu, nếu người hay tu thì không sanh hoạn hữu lậu. Ðó là hữu lậu do tư duy mà đoạn.

Này Tỳ-kheo! Nếu ở trong Tỳ-kheo có các hữu lậu, người do kiến đoạn được thì hãy dùng kiến đoạn, người do cung kính đoạn hãy dùng cung kính đoạn, người do thân cận đoạn hãy dùng thân cận đoạn, người do xa lìa đoạn hãy dùng xa lìa đoạn, người do oai nghi đoạn hãy dùng oai nghi đoạn, người do tư duy đoạn hãy dùng tư duy đoạn. Này Tỳ-kheo! Ðó là đầy đủ tất cả oai nghi có thể đoạn kiết sử, bỏ được ái dục qua được bốn dòng, dần dần vượt khỏi khổ.

Này Tỳ-kheo! Ðó là pháp trừ hữu lậu. Chư Phật, Thế Tôn thường thi hành niệm từ với tất cả loài hữu tình, nay Ta đã thi hành. Các Thầy nên ưa thích chỗ vắng vẻ, dưới gốc cây, chuyên cần tinh tấn chớ có giải dãi; nếu nay không chuyên cần sau hối vô ích. Ðây là lời dạy của Ta.

Bấy giờ Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.


XXXX.2. Phẩm Thất nhật (2)

7. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở bên bờ sông A-du-xà cùng với năm trăm chúng đại Tỳ-kheo.

Khi ấy Ðại Quân-đầu đang ở chỗ nhàn vắng nghĩ rằng: 'Có nghĩa này hằng thêm công đức hay không có lý này?'.

Quân-đầu liền đứng dậy đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Bấy giờ Quân-đầu bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vừa rồi con ở chỗ vắng vẻ có nghĩ: 'Có lý làm các việc được thêm công đức hay không?'. Nay con hỏi Thế Tôn, cúi mong thuyết cho.

Thế Tôn bảo:

- Có thể được tăng thêm công đức.

Quân-đầu bạch Phật:

- Ðược tăng thêm công đức thế nào?

Thế Tôn bảo:

- Tăng thêm có bảy việc, phước ấy không thể cân lường, cũng không ai có thể tính toán được. Thế nào là bảy? Ở đây, con nhà vọng tộc trai hoặc gái, chưa từng cất già lam cho Tăng, liền lập già-lam. Phước này không thể kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam, thiện nữ, có thể đem giường tòa thí cho tăng-già-lam và cho Tỳ-kheo Tăng. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ hai không thể tính kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam, thiện nữ dùng thức ăn bố thí Tỳ-kheo Tăng. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ ba không thể tính kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam, thiện nữ cấp áo che mưa cho Tỳ-kheo Tăng. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ tư, không thể tính kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Nếu trai gái nhà vọng tộc đem thuốc men cho Tỳ-kheo Tăng. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ năm không thể tính kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam, thiện nữ ở đồng trống làm giếng tốt. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ sáu không thể tính kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Thiện nam, thiện nữ làm nhà gần đường cho người sẽ đi qua có chỗ trú ngụ. Ðó là phước thứ bảy không thể tính kể.

Ðây là, này Quân-đầu! Pháp bảy công đức, phước không lường được. Hoặc đi hoặc ngồi, cho dù mạng chung, phước cũng theo sau như bóng theo hình, đức này không thể tính kể mà bảo rằng có bao nhiêu phước. Cũng như nước biển lớn không thể dùng thăng đấu đong rồi bảo có bao nhiêu nước; bảy công đức này cũng lại như thế, phước không có hạn lượng.

Thế nên Quân-đầu! Thiện nam, thiện nữ hãy cầu phương tiện hoàn thành bảy công đức. Như thế, Quân-đầu, hãy học điều này!

Bấy giờ, Quân-đầu nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

8. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các Thầy hãy tu hành về tưởng chết, tư duy tưởng chết.

Khi ấy có Tỳ-kheo Thượng tọa bạch Thế Tôn:

- Con thường tu hành tư duy tưởng chết.

Thế Tôn bảo:

- Thầy tư duy tu hành tưởng chết thế nào?

Tỳ-kheo bạch Phật:

- Con tư duy tưởng chết rằng: 'Chỉ còn sống bảy ngày nữa, nên tư duy thất giác ý, ở trong pháp Như Lai có nhiều lợi ích, sau khi chết không hối hận'. Bạch Thế Tôn, con tư duy tưởng chết như thế.

Thế Tôn bảo:

- Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Ðây chẳng phải tu hành về tưởng chết. Ðây gọi là pháp phóng dật.

Lại có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Con có thể kham nhận tu hành tưởng chết.

Thế Tôn bảo:

- Thầy tu hành tư duy tưởng chết thế nào?

Tỳ-kheo bạch Phật:

- Nay con nghĩ rằng: 'Ý muốn còn có sáu ngày, suy nghĩ Chánh pháp Như Lai rồi sẽ chết. Ðiều này có ích'. Con tư duy tưởng chết như thế.

Thế Tôn bảo:

- Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Thầy cũng theo pháp phóng dật, chẳng phải là tư duy tưởng chết.

Lại có Tỳ-kheo bạch Phật: 'Muốn còn năm ngày, hoặc bốn ngày, hoặc ba ngày, hai ngày, một ngày'.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Ðây cũng là pháp phóng dật, chẳng phải là tư duy tưởng chết.

Khi ấy lại có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Con có thể kham nhẫn tu hành tưởng chết như vầy: Con đến giờ đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, xong lại ra khỏi thành Xá-vệ trở về chỗ mình. Về trong thất vắng, con tư duy thất giác ý rồi mạng chung. Ðây là tư duy tưởng chết.

Thế Tôn bảo:

- Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Ðây cũng chẳng phải tư duy tu hành tưởng chết. Lời nói của các Thầy đều là hạnh phóng dật, chẳng phải là pháp tu hành tưởng chết.

Lúc đó Thế Tôn lại bảo Tỳ-kheo:

- Người có thể làm được như Tỳ-kheo Bà-ca-lợi. Ðây gọi là tư duy tưởng chết. Tỳ-kheo ấy khéo hay tư duy tưởng chết, chán ghét thân này là nhơ nhớp bất tịnh. Nếu Tỳ-kheo tư duy tưởng chết, buộc ý ở trước, tâm không di động, nhớ số hơi thở ra vào, qua lại, trong đó tư duy thất giác ý, thì ở trong pháp Như Lai được nhiều lợi ích. Vì sao thế? Tất cả các hạnh đều không, đều tịch; khởi và diệt đều là huyễn hóa, không chân thật. Thế nên Tỳ-kheo! Nên ở trong hơi thở ra vào mà tư duy tưởng chết thì sẽ thoát sanh, già, bệnh, chết, sầu lo khổ não. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học như vậy!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

9. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra lệnh cho quần thần: 'Mau sửa soạn xe vũ bảo. Ta muốn đến chỗ Thế Tôn, lễ bái thăm hỏi'.

Rồi Ðại vương ra khỏi thành đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Khi ấy Như Lai đang thuyết pháp cho vô số chúng vây quanh.

Lúc này có bảy Ni-kiền Tử, lại có bảy người lõa hình, lại có bảy hắc Phạm chí, lại có bảy Bà-la-môn lõa hình, đi qua cách Thế Tôn không xa. Khi ấy, vua Ba-tư-nặc thấy những người này đi qua chỗ Thế Tôn không xa, liền bạch Phật:

- Con xem những người này đi qua không dừng lại, đều là người thiểu dục tri túc không có gia nghiệp. Nay ở thế gian, những người này là thượng thủ nhất trong hàng A-la-hán. Vì sao thế? Họ ở trong mọi người mà rất là khổ hạnh, không tham lợi dưỡng.

Thế Tôn bảo:

- Ðại vương! Ông trọn chưa biết chân nhân La-hán, chẳng do lộ bày hình thể mà gọi là A-la-hán. Ðại vương nên biết! Ðây đều không phải hạnh chân thật. Nên nhớ quán sát lâu đài cho chính đáng; rồi lại nên quán đáng thân biết thân, đáng gần biết gần. Vì sao thế? Thời quá khứ lâu xa có bảy Phạm chí cùng học một nơi, tuổi đã già yếu, lấy cỏ làm y phục, ăn quả hạt của cỏ, khởi các tà kiến, mỗi người nghĩ: 'Chúng ta tu pháp khổ hạnh này để sau làm đại Quốc vương, hoặc cầu làm Phạm Tứ thiên vương'.

Bấy giờ có Thiên sư A-tư-đà là tổ phụ của các Bà-la-môn, biết tâm niệm các Phạm chí kia, liền từ trời Phạm thiên hiện xuống chỗ bảy Bà-la-môn. Khi ấy Thiên sư A-tư-đà bỏ phục sức của Trời, hiện hình Bà-la-môn đi kinh hành ngoài trời, bảy Phạm chí xa thấy A-tư-đà kinh hành ai nấy nổi giận mà nói:

- Ðây là hạng người đắm trước dục lạc nào mà lại đi trước những người Phạm hạnh chúng ta? Nay ta sẽ chú cho nó tiêu thành tro.

Rồi bảy Phạm chí lấy tay bụm nước rảy Phạm chí kia chú rằng:

- Nay Ông mau thành tro đất.

Nhưng Bà-la-môn càng ôm sân giận, thì nhan sắc Thiên sư càng thêm đoan chánh. Tại sao thế? Vì lòng từ có thể diệt sân.

Bấy giờ bảy Phạm chí liền nghĩ: 'Chúng ta chẳng phải cấm giới sắp thối chuyển sao? Chúng ta ngay khi khởi sân hận, người kia liền được đoan chánh'.

Khi ấy bảy Phạm chí liền nói kệ này với Thiên sư:

Là Trời, Càn-thát-bà,
Hay La-sát Quỷ thần,
Lúc này gọi là gì?
Chúng tôi muốn được biết.
Khi ấy Thiên sư A-tư-đà liền đáp kệ:
Không phải Càn-thát-bà,
Không Quỷ thần, La-sát,
Thiên sư A-tư-đà,
Nay chính là thân ta.

Nay ta biết tâm các Ông nghĩ gì nên từ trời Phạm thiên xuống đây. Phạm thiên cách đây thật là xa xôi; thân Trời Ðế Thích cũng lại như thế, Chuyển luân Thánh vương cũng chẳng thể được. Chẳng thể dùng khổ hạnh này mà làm Phạm Tứ thiên vương.

Khi ấy Thiên sư A-tư-đà liền nói kệ:

Bao nhiêu niệm trong tâm,
Áo ngoài thì thô xấu,
Nếu cần tu chánh kiến,
Xa lìa hẳn đường ác.
Tâm giới hành thanh tịnh,
Miệng hành cũng như thế,
Xa lìa các ác niệm,
Ắt sẽ sanh lên trời.

Lúc ấy bảy Phạm chí thưa Thiên sư:

- 'Có đúng là Thiên sư chăng?'.

- 'Ðúng vậy. Nhưng này Phạm chí! Không phải do lõa hình mà được sanh lên trời, chưa chắc tu khổ hạnh này được sanh cõi Phạm thiên, lại chẳng phải lộ bày thân thể, làm bao nhiêu khổ hạnh mà được sanh cõi ấy. Ai có thể nhiếp tâm ý khiến không di động liền sanh lên trời, chứ không thể do chỗ tu tập của các Ông mà được sanh chỗ ấy'.

Ðại vương! Quán sát nghĩa ngày thì chẳng phải do lõa hình mà gọi là A-la-hán. Người phàm phu muốn biết được bậc chân nhân, việc này chẳng đúng. Nhưng chân nhân có thể phân biệt được chỗ tu tập hạnh của phàm phu. Lại nữa, người phàm phu không thể biết hạnh của phàm phu. Bậc chân nhân thì có thể biết hạnh của phàm phu. Nếu Ðại vương muốn biết họ, phải nên tìm phương tiện biết từ lâu xa đến nay, chứ chẳng phải ngay bây giờ mà dùng để quán xét họ. Ðúng vậy, Ðại vương, nên dùng phương tiện mà học điều này.

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:

- Như Lai thuyết rất hay! Chẳng phải người đời có thể hiểu rõ. Việc nước bề bộn, con muốn trở về.

Phật bảo vua:

- Ðã đúng lúc, Ðại vương!

Vua liền từ chỗ ngồi đứng lên cúi lạy Thế Tôn rồi lui đi.

Khi ấy vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

10. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật tại nước Thích-sĩ Ca-tỳ-la-vệ, trong vườn Ni-câu-lũ cùng chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.

Bấy giờ, Thế Tôn thọ thực xong, từ vườn Ni-câu-lũ đến làng Tỳ-la-da-trí ngồi dưới một gốc cây. Khi ấy Chấp Trượng họ Thích ra khỏi Ca-tỳ-la-vệ đến chỗ Thế Tôn, đứng trước mặt im lặng. Rồi ông ta hỏi Thế Tôn:

- Sa-môn dạy những gì? Luận những gì?

Thế Tôn bảo:

- Phạm chí nên biết! Ðiều luận của Ta không phải chỗ Trời, Rồng, Quỷ Thần có thể bì kịp. Cũng chẳng phải dính mắt vào đời, lại chẳng phải trụ ở đời. Ðiều luận của Ta chính như thế đó.

Khi ấy Chấp Trượng họ Thích cúi đầu than thở rồi lui đi. Như Lai liền từ chỗ ngồi đứng lên, trở về chỗ ở. Lúc đó Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Vừa rồi Ta ngồi trong vườn kia có Chấp Trượng họ Thích đến hỏi Ta rằng: 'Sa-môn có những luận gì?' Ta đáp: 'Ðiều luận của Ta, Trời, Rồng, Quỷ Thần chẳng thể bì kịp; chẳng phải dính mắc vào đời, cũng chẳng phải trụ ở đời. Ðiều luận của Ta chính là vậy'. Khi ấy Chấp Trượng họ Thích nghe lời này rồi liền lui đi.

Khi ấy có một Tỳ-kheo bạch Tỳ-kheo:

- Thế nào là không dính mắc vào đời, cũng không trụ ở đời?

Thế Tôn bảo:

- Như điều Ta luận đều không dính mắc vào đời, như nay đối với dục được giải thoát, dứt hết các hồ nghi của họ Thích, không có các tưởng. Ðiều luận của Ta chính là đây.

Như Lai nói thế xong, đứng lên vào thất. Lúc đó các Tỳ-kheo bảo nhau:

- Vừa rồi Thế Tôn nói sơ lược nghĩa của luận kia. Ai có thể kham nhậm nói rộng nghĩa này chăng?

Các Tỳ-kheo tự nói với nhau:

- Thế Tôn thường khen ngợi Tôn giả Ðại Ca-chiên-diên. Nay chỉ có Ca-chiên-diên có thể thuyết nghĩa này.

Khi ấy các Tỳ-kheo nói với Ca-chiên-diên:

- Vừa rồi Thế Tôn nói lược nghĩa này, cúi mong Tôn giả hãy giảng thuyết rộng rãi nghĩa này, phân biệt từng việc cho mọi người được hiểu.

Ca-chiên-diên đáp:

- Ví như ở làng xóm có người ra khỏi làng muốn tìm vật chân thật. Người ấy nếu gặp cây to liền đốn chặt, lấy cành lá, bỏ cây mà đi. Nay các Thầy cũng như thế, bỏ Như Lai rồi đi theo cành mà tìm thực. Nhưng Như Lai xem thấy khắp tất cả, chiếu sáng thế gian, là vị dẫn đường của Trời, Người. Như Lai là vị Chân chủ của pháp, các Thầy cũng sẽ có thời tiết, tự nhiên sẽ gặp lúc Như Lai nói nghĩa này.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Như Lai tuy là Chân chủ của pháp giảng rộng nghĩa này. Nhưng Tôn giả được Như Lai thọ ký đủ sức thuyết rộng nghĩa này.

Ca-chiên-diên đáp:

- Các Thầy lắng nghe, khéo suy nghĩ đó, tôi sẽ diễn thuyết phân biệt nghĩa này.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Rất tốt!

Khi ấy các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Ca-chiên-diên bảo:

- Nay Như Lai nói: 'Ðiều luận của Ta, chẳng phải Trời, Rồng, Quỷ thần có thể theo kịp. Cũng chẳng phải dính mắc vào đời, cũng chẳng phải trụ ở đời. Ta đối với đó được giải thoát, đoạn các hồ nghi, không còn do dự nữa. Như nay chúng sanh ưa thích tranh tụng, khởi các loạn tưởng'. Như Lai lại nói: 'Ta chẳng ở đó khởi tâm nhiễm trước'. Ðây là tham dục sử, sân nhuế, tà kiến, dục thế gian sử, kiêu mạn sử, nghi sử, vô minh sử, hoặc gặp sự báo ứng đao gậy đau khổ, tranh tụng với người, khởi bao nhiêu hạnh bất thiện, khởi các loạn tưởng, hưng hạnh bất thiện. Nếu mắt thấy sắc mà khởi thức tưởng, ba việc làm nhân cho nhau mà có. Xúc đã có xúc liền có thọ, đã có thọ liền có sở giác, đã sở giác liền có tưởng, đã có tưởng liền cân lường nó, khởi bao nhiêu niệm tưởng, chấp trước. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân lại xúc chạm, ý biết pháp mà khởi thức tưởng, ba việc làm nhân cho nhau mà có xúc, đã có xúc liền có thọ, đã có thọ liền có giác, đã có giác liền có tưởng, đã có tưởng liền cân lường chúng, rồi ở trong đó khởi bao nhiêu thứ niệm tưởng chấp trước. Ðây là tham dục sử, sân nhuế sử, tà kiến sử, kiêu mạn sử, dục thế gian sử, si sử, nghi sử, tất cả đều khởi lên sự nguy biến của đao gậy, và bao nhiêu tai biến khác, chẳng thể tính kể. Nếu có người nói rằng: 'Cũng không có mắt, cũng không có sắc, mà có xúc', việc này không đúng. Nếu lại có người nói: 'Không có xúc mà có thọ', đây cũng là không đúng. Nếu nói: 'Không thọ mà có tưởng dính mắc', việc này không đúng. Nếu có người nói: 'Không tai, không tiếng; không mũi, không mùi; không lưỡi, không vị; không thân, không xúc chạm; không ý, không pháp, mà nói có thức', trọn không có lý này. Nếu nói không thức mà có xúc, việc này chẳng đúng. Nếu không có xúc mà nói có thọ, việc này không đúng. Nếu nói không thọ mà có tưởng chấp trước, việc này không đúng.

Nếu lại có người nói có mắt có sắc, trong đó khởi thức; điều này đúng. Nếu nói tai và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc chạm, ý và pháp, ở trong đó khởi thức; việc này ắt đúng.

Chư Hiền nên biết, do nhân duyên này, đức Thế Tôn mới nói rằng: 'Ðiều luận của Ta, Trời và Người, Ma hay Thiên ma không thể tới kịp, cũng chẳng dính mắc vào đời, cũng chẳng trụ ở đời. Nhưng Ta ở nơi dục mà được giải thoát, dứt hồ nghi, không còn do dự'. Thế Tôn nhân nơi đây thuyết sơ nghĩa này.

Các Thầy nếu tâm không hiểu thì hãy đến chỗ Như Lai hỏi lại nghĩa này. Nếu Như Lai có nói gì, nên nhớ phụng trì.

Khi ấy, những Tỳ-kheo nghe Ca-chiên-diên nói, chẳng nói 'hay' cũng chẳng nói 'không phải', đứng lên mà đi, tự bảo nhau rằng: 'Chúng ta nên đem nghĩa này đến hỏi Như Lai, nếu Thế Tôn có nói gì chúng ta sẽ vâng làm'.

Rồi những Tỳ-kheo ấy đến chỗ Thế Tôn cúi lạy chân Phật, ngồi xuống một bên. Bấy giờ các Tỳ-kheo đem việc này bạch Thế Tôn đầy đủ. Khi ấy Như Lai bảo Tỳ-kheo:

- Tỳ-kheo Ca-chiên-diên thông minh biện tài, đã thuyết rộng nghĩa này. Nếu các Thầy đến chỗ Ta hỏi nghĩa này, Ta cũng nói với các Thầy như thế.

Khi ấy Tôn giả A-nan ở sau lưng Như Lai. A-nan bạch Phật:

- Kinh này nghĩa lý rất sâu xa. Ví như có người đi đường gặp được cam lồ, lấy mà ăn, rất thơm ngon, ăn không biết chán. Ðây cũng như thế, thiện nam, thiện nữ, đến nơi nghe pháp này không biết chán.

Và Tôn giả A-nan lại bạch Thế Tôn:

- Kinh này tên là gì, phải làm sao vâng làm?

Phật bảo A-nan:

- Kinh này tên là 'Cam lồ pháp vị' hãy nhớ phụng hành.

Bấy giờ Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỉ vâng làm.


XXXXI. Phẩm Mạc úy

1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở trong vườn Ni-câu-lũ, nước Thích-sĩ Ca-tỳ-la-vệ.

Khi ấy Thích sĩ Ma-ha-nam đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy chân Phật rồi ngồi một bên. Thích sĩ Ma-ha-nam bạch Thế Tôn:

- Con theo Như Lai được dạy rằng: 'Nếu có thiện nam, thiện nữ đoạn được ba kiết sử, được quả Tu-đà-hoàn, gọi là bất thối chuyển, chắc chắn sẽ thành đạo quả, chẳng tìm cầu các ngoại đạo dị học nữa, cũng không cần quán sát người khác nói nữa'. Nếu phải như vậy thì việc này không đúng. Còn nếu gặp trâu, ngựa, lạc đà hung dữ thì khiếp sợ, lông tóc dựng đứng. Rồi con nghĩ rằng: 'Nếu hôm nay ta ôm lòng khiếp sợ này mà mạng chung thì không biết sanh về đâu?'.

Thế Tôn bảo Ma-ha-nam:

- Chớ khởi tâm sợ hãi. Nếu Thầy có mạng chung cũng không đọa vào ba đường ác. Vì sao thế? Nay có ba nghĩa tiêu diệt. Thế nào là ba? Như có đắm trước dâm dục thì khởi loạn tưởng, rồi khởi tâm hại đối với người khác, nếu không có dục này thì không khởi tâm sát hại, trong hiện tại không khởi khổ não. Các pháp ác, bất thiện thì tự hại mình, nếu không có điều này thì không có nhiễu loạn, không có sầu lo. Này Ma-ha-nam, đó là ba nghĩa của các pháp ác, bất thiện khiến phải đọa xuống, còn các pháp thiện thì ở trên. Cũng như bình bơ (tô) ở trong nước bị bể, khi ấy ngói đá thì chìm xuống dưới, còn bơ thì nổi ở trên. Ðây cũng như thế, các pháp ác bất thiện thì chìm xuống, các pháp thiện thì nổi ở trên.

Này Ma-ha-nam, ngày xưa lúc Ta chưa thành Phật đạo, sáu năm cần khổ ở Ưu-lưu-tỳ, chẳng ăn thức thơm ngon, thân thể gầy ốm như người trăm tuổi, đều vì không ăn. Nếu lúc Ta muốn đứng lên, liền té xuống đất. Khi ấy Ta nghĩ rằng: 'Nếu Ta ở đây mà mạng chung sẽ sanh về đâu?' Ta lại nghĩ: ' Nay Ta mạng chung chắc chắn chẳng sanh trong đường ác. Nhưng nghĩa thú chẳng thể đi từ vui đến vui, mà phải do khổ mà sau đến chỗ vui. Bấy giờ Ta lại dạo trong hang Tiên nhân, có nhiều Ni-kiền Tử đang học đạo ở đó. Khi đó Ni-kiền Tử giơ tay chỉ mặt trời, phơi thân học đạo, hoặc có người ngồi xổm mà học đạo. Khi ấy Ta đến đó bảo Ni-kiền Tử:

- 'Các Ông vì sao lại rời tòa ngồi giơ tay, kiễng chân thế?'.

Ni-kiền Tử ấy nói:

- 'Cồ-đàm nên biết! Ngày xưa Tiên sư của tôi làm hạnh bất thiện, nay sở dĩ tôi khổ như thế là muốn diệt hết tội kia. Nay tuy bày hình thể có phần hổ thẹn, nhưng cũng tiêu diệt được việc này. Cù-đàm! Ngài nên biết hành tận thì khổ cũng tận, khổ tận thì hành cũng tận. Khổ và hành đã tận thì đến Niết-bàn'.

Lúc ấy, Ta lại bảo Ni-kiền Tử:

- 'Việc này không đúng. Chẳng phải do hành tận mà khổ cũng tận; cũng chẳng do khổ tận mà hành cũng tận rồi đến được Niết-bàn. Nay nếu khổ hành tận đến Niết-bàn thì việc này đúng. Nhưng không thể từ vui đến vui'.

Ni-kiền Tử nói:

- 'Vua Tần-bà-sa-la đi từ vui đến vui, có khổ gì đâu?'.

Khi ấy, Ta lại bảo Ni-kiền Tử:

- 'Vua Tần-bà-sa-la vui đâu bằng cái vui của Ta!'.

Ni-kiền Tử đáp:

- 'Cái vui của Tần-bà-sa-la hơn cái vui của Ngài'.

Ta lại bảo Ni-kiền Tử:

- 'Vua Tần-bà-sa-la có thể khiến Ta ngồi kiết-già bảy ngày bảy đêm không nhúc nhích chăng? Cho dù sáu, năm, bốn, ba, hai cho đến một ngày ngồi kiết-già được chăng?'.

Ni-kiền Tử đáp:

- 'Không được, Cù-đàm'.

Ta bảo:

- 'Ta có thể đủ sức ngồi kiết-già, thân không lay động. Thế nào, Ni-kiền Tử, vua Tần-bà-sa-la vui hay Ta vui?'.

Ni-kiền Tử nói:

- 'Sa-môn Cù-đàm vui'.

Ðúng thế, Ma-ha-nam! Nên dùng phương tiện này để biết không thể từ vui đến vui mà phải từ khổ đến vui. Này Ma-ha-nam! Ví như một làng lớn, hai bên có ao nước to đầy nước, ngang dọc một do-tuần. Có người đến đó lấy một giọt nước. Thế nào, Ma-ha-nam? Nước ở chỗ nào nhiều? Nước của một giọt nhiều hay nước của ao nhiều?

Ma-ha-nam nói:

- Nước ao nhiều chứ không phải nước một giọt nhiều.

Thế Tôn bảo:

- Ðây cũng như thế. Ðệ tử Hiền Thánh các khổ đã hết, không còn có nữa. Cái còn lại như một giọt nước, như đạo giả thấp nhất trong chúng của Ta, chẳng qua bảy lần chết, bảy lần sống thì hết mé khổ. Nếu lại dũng mãnh tinh tấn thì liền đến bậc Gia-gia (A-na-hàm hướng) rồi chứng.

Bấy giờ Thế Tôn lại thuyết pháp vi diệu cho Ma-ha-nam một lần nữa. Ông ta nghe pháp rồi, đứng lên mà đi.

Khi ấy, Ma-ha-nam nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

2. Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Na-già-bà-la ở trong thành Lộc Dã. Khi ấy có một Bà-la-môn già lụ khụ, xưa có quen biết chút ít với Tôn giả Na-già-bà-la, đến chỗ Na-già-bà-la thăm hỏi rồi ngồi một bên.

Bấy giờ Phạm chí bảo Na-già-bà-la:

- Trong các sự vui, nay Ông thật là sung sướng nhất.

Na-già-bà-la nói:

- Ông xem những nghĩa gì mà nói trong các sự vui, tôi sung sướng nhất?

Bà-la-môn đáp:

- Trong bảy ngày vừa qua, tôi có bảy đứa con trai chết, những đứa này đều dũng mãnh, tài cao, trí tuệ ít người bì kịp, rồi trong sáu ngày gần đây, mười hai người làm cũng bị vô thường, họ rất siêng năng không có lười biếng. Kế đó năm ngày, bốn anh em của tôi chết, họ biết nhiều kỹ thuật, việc gì cũng làm được. Rồi cách bốn ngày, cha mẹ tôi mạng chung, tuổi vừa trăm tuổi bỏ tôi mà qua đời. Cách đây ba ngày, hai vợ tôi lại chết, họ dung mạo đoan chánh, thế gian ít có. Trong nhà tôi lại có tám hầm trân bảo, hôm qua đi tìm mà không biết chỗ. Ngày nay, như tôi gặp chuyện khổ não này không thể tính kể; mà Tôn giả thì hôm nay xa lìa hẳn hoạn nạn đó, không còn sầu lo, chỉ lấy đạo pháp làm vui thú. Tôi quán nghĩa này rồi mới nói: 'Trong các sự vui, Ông là sung sướng nhất'.

Khi ấy Tôn giả Na-già-bà-la bảo Phạm chí kia rằng:

- Tại sao Ông không tìm cách khiến cho bao nhiêu người ấy đừng chết?

Phạm chí đáp:

- Tôi cũng làm nhiều cách để mong không chết và không mất của tiền, tôi cũng tùy thời bố thí tạo công đức, cầu khẩn chư Thiên, cúng dường các trưởng lão Phạm chí, ủng hộ chư Thần, tụng các chú thuật, cũng hay xem tinh tú, rồi cũng trộn cỏ thuốc, cũng đem thức ăn uống ngon ngọt cho họ lúc nguy ngập. So như thế mà chẳng thể xứng hợp, chẳng thể cứu được mạng họ.

Khi ấy Tôn giả Na-già-bà-la liền nói kệ:

Có thuốc, các chú thuật,
Ðồ y phục, uống ăn,
Tuy thí mà vô ích,
Còn ôm thân khổ hạnh.
Cho dù tế miếu Thần,
Hương hoa và tắm rửa,
So sánh nguồn gốc này,
Không thể trị liệu được.
Giả sử cho các vật,
Tinh tấn trì Phạm hạnh,
So sánh nguồn gốc này,
Không thể trị liệu được.

Phạm chí bèn hỏi:

- Nên thi hành pháp gì để không bị khổ não này?

Tôn giả Na-già-bà-la liền nói kệ:

Gốc ân ái vô minh,
Nổi các hoạn khổ não,
Ðiều ấy diệt không sót,
Mới không có khổ nữa.
Phạm chí ấy nghe xong liền nói kệ:
Tuy già, không già lắm,
Việc làm như đệ tử,
Mong cho con xuất gia,
Ðể lìa tai nạn này.

Khi ấy Tôn giả Na-già-bà-la liền truyền ba y cho ông ta xuất gia học đạo, và bảo ông rằng:

- Này Tỳ-kheo! Nay Ông nên quán thân này từ đầu đến chân: Tóc, lông, móng, răng này từ đâu đến? Thân thể da dẻ, xương tủy, ruột bao tử đều từ đâu đến? Nếu từ đây đi sẽ đi đến đâu? Thế nên, Tỳ-kheo! Chớ lo nghĩ nhiều về thế gian khổ não, hãy nên quán trong một lỗ chân lông này, rồi tìm phương tiện thành tựu Tứ đế.

Rồi Tôn giả Na-già-bà-la nói kệ:

Trừ tưởng, chớ lo nhiều,
Chẳng lâu được pháp nhãn,
Vô thường hành như điện,
Không gặp may lớn này.
Mỗi mỗi quán chân lông,
Nguồn của sanh và diệt.
Vô thường hành như điện,
Ðể tâm hướng Niết-bàn.

Khi ấy trưởng lão Tỳ-kheo ấy nhận lời dạy như thế ở chỗ vắng vẻ tư duy nghĩa này. Ðây là pháp mà bậc vọng tộc, cạo bỏ râu tóc do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, muốn tu Phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa, như thật mà biết, và Tỳ-kheo ấy thành A-la-hán. Lúc ấy có một vị Trời vốn là người quen biết cũ của Tỳ-kheo ấy, thấy Tỳ-kheo ấy thành A-la-hán, liền đến chỗ Na-già-bà-la, ở trên không trung nói kệ:

Ðã được giới cụ túc,
Ở chỗ vắng vẻ kia,
Ðắc đạo, tâm vô trước,
Trừ các nguồn gốc ác.

Rồi vị Trời ấy lại dùng hoa trời rải lên Tôn giả rồi biến mất.

Bấy giờ, Tỳ-kheo và vị Trời kia nghe Tôn giả Na-già-bà-la nói xong, vui vẻ vâng làm.

*

3. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nên quán bảy xứ lành và quán bốn pháp thì ở trong hiện pháp này gọi là thượng nhân. Này Tỳ-kheo! Thế nào là quán bảy xứ lành?

Này Tỳ-kheo! Ở đây dùng tâm từ trùm khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, bốn phía trên dưới cũng lại như thế, đều đem lòng từ rải đầy khắp thế gian. Tâm bi, hỉ, xả, không, vô tướng, vô nguyện cũng lại như thế. Các căn đầy đủ, ăn uống lượng sức mình, hằng tự giác ngộ. Như thế, này Tỳ-kheo! Hãy quán bảy xứ lành.

Này Tỳ-kheo! Thế nào là quán sát pháp bốn chỗ? Ở đây Tỳ-kheo, nội tự quán thân, trừ bỏ sầu lo được thân ý chỉ (niệm xứ), ngoại lại quán thân thân ý chỉ, nội ngoại quán thân thân ý chỉ. Nội tự quán thọ thọ ý chỉ, ngoại tự quán thọ thọ ý chỉ, nội ngoại quán thọ thọ ý chỉ. Nội quán tâm tâm ý chỉ, ngoại quán tâm tâm ý chỉ, nội ngoại quán tâm tâm ý chỉ, trừ bỏ sầu lo, không còn khổ hoạn. Nội quán pháp pháp ý chỉ, ngoại quán pháp pháp ý chỉ, nội ngoại quán pháp pháp ý chỉ. Như thế, Tỳ-kheo! Hãy quán bốn pháp lành. Này Tỳ-kheo! Nếu ai có thể quán sát bảy xứ lành và bốn pháp như thế, thì ở trong hiện pháp này là bậc Thượng nhơn. Thế nên, Tỳ-kheo! nên tìm phương tiện thành tựu bảy xứ lành và quán bốn pháp. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

4. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Thích-sĩ Ca-tỳ-la-vệ, trong vườn Ni-câu-lũ cùng chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.

Bấy giờ, nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Những Tỳ-kheo này bạch Thế Tôn:

- Chúng con muốn đến phương Bắc du hóa.

Thế Tôn bảo:

- Nên biết phải thời.

Thế Tôn lại bảo Tỳ-kheo:

- Các Thầy có từ giã Tỳ-kheo Xá-lợi-phất chăng?

Các Tỳ-kheo đáp:

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các Thầy, hãy đến từ giã Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Vì sao thế? Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thường giáo giới cho các người Phạm hạnh pháp này. Thầy ấy thuyết pháp không biết chán.

Rồi Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo nghe pháp xong đứng lên, cúi lạy Thế Tôn, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi lui đi.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở trong đền Thần Thích-sĩ. Những Tỳ-kheo ấy đến chỗ Xá-lợi-phất thăm hỏi rồi ngồi một bên. Những Tỳ-kheo ấy bạch Xá-lợi-phất:

- Chúng tôi muốn đến phương Bắc du hóa trong nhân gian, nay đã từ giã Thế Tôn rồi.

Xá-lợi-phất nói:

- Các Thầy nên biết nhân dân phương Bắc, Sa-môn, Bà-la-môn thảy đều thông minh, trí tuệ khó sánh kịp, lại có nhân dân ưa đến thi tranh luận. Nếu như họ hỏi các Thầy: 'Thầy của chư Hiền có những luận gì?'. Nếu họ hỏi thế, các Thầy định đáp thế nào?

Các Tỳ-kheo đáp:

- Nếu có người đến hỏi thế, chúng tôi sẽ dùng nghĩa này trả lời: 'Sắc là vô thường, mà vô thường tức là khổ, khổ thì vô ngã, vô ngã thì không; do không, vô ngã nên kia không. Như thế, bậc trí giả quán như vậy. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường, khổ, không, vô ngã. Kỳ thực không, đó là do vô ngã nên không. Như thế là chỗ người trí học hỏi. Ngũ ấm này thảy đều không tịch, do nhân duyên hòa hợp, đều sẽ trở về hoại diệt, không có lâu bền. Tám chánh đạo và Bảy giác chi; chỗ Thầy tôi nói chính là đây vậy. Nếu các người Sát-lợi, Bà-la-môn đến hỏi nghĩa với chúng tôi, chúng tôi sẽ dùng nghĩa này đáp'.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

- Các Thầy hãy giữ vững tâm ý, chớ có hấp tấp.

Rồi Xá-lợi-phất thuyết pháp vi diệu đầy đủ cho các Tỳ-kheo, và họ đứng lên đi. Khi các Tỳ-kheo ấy đi chưa xa, Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

- Nên hành Tám chánh đạo và pháp Bảy giác chi thế nào?

Khi ấy các Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất:

- Chúng tôi từ xa đến là muốn được nghe nghĩa này. Cúi mong Tôn giả nói cho.

Xá-lợi-phất đáp:

- Các Thầy lắng nghe, lắng nghe! Khéo suy nghĩ. Nay tôi sẽ nói.

Các Tỳ-kheo vâng lời dạy. Xá-lợi-phất nói:

- Nếu một lòng nhớ chánh kiến là niệm giác ý chẳng loạn; Ðẳng trị, là một lòng nhớ tất cả pháp là trạch pháp giác ý; Ðẳng ngữ là thân ý tinh tấn, tức tinh tấn giác ý; Ðẳng nghiệp, tất cả các pháp được sanh là hỷ giác ý; Ðẳng mạng, biết đủ với tài sản của Hiền Thánh, xả bỏ hết gia tài thân thể an ổn là ỷ giác ý (khinh an); Ðẳng phương tiện, được Tứ Ðế của Hiền Thánh, trừ sạch các kiết sử, là định giác ý; Ðẳng niệm, quán Tứ ý chỉ (Tứ niệm xứ), thân không bền chắc, đều không, vô ngã là hộ giác ý (xả giác ý); Ðẳng tam-muội, điều chưa được sẽ được, điều chưa độ sẽ độ, điều không chứng được khiến cho chứng được.

Nếu có người đến hỏi nghĩa này: 'Làm thế nào để tu Tám chánh đạo và Bảy giác chi?' Các Thầy nên đáp như thế. Vì sao? Nếu có Tỳ-kheo tu Tám chánh đạo và Bảy pháp này, thì tâm hữu lậu được giải thoát. Nay tôi lại bảo các Thầy một lần nữa; Nếu có Tỳ-kheo tu hành, tư duy Tám chánh đạo và Bảy pháp, Tỳ-kheo ấy sẽ thành tựu quả thứ hai, không có hồ nghi; sẽ đắc A-na-hàm hoặc A-la-hán. Thôi gác việc này, nếu không được nhiều, thì trong một ngày, người hành Tám chánh đạo và Bảy pháp này cũng được phước không thể tính kể, có thể đắc A-na-hàm hoặc A-la-hán.

Vì thế, chư Hiền! Nên tìm phương tiện tu hành Tám chánh đạo và Bảy pháp này, giữ đạo chớ có hồ nghi.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe lời Xá-lợi-phất dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

5. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ca-diếp:

- Nay Thầy tuổi đã già, không còn trai tráng nữa, hãy nên nhận thức ăn uống và y phục của các trưởng giả.

Ðại Ca-diếp bạch Phật:

- Con không kham nhận y thực ấy. Nay con mặc áo nạp này tùy thời khất thực, vui sướng vô cùng.Vì sao? Tương lại sẽ có các Tỳ-kheo, thân thể nhu nhuyến, tâm tham đắm y thực tốt đẹp rồi thối chuyển việc tham Thiền, lại không chịu khổ. Họ lại sẽ nói rằng: 'Các Tỳ-kheo ở thời Phật quá khứ, cũng nhận lời người thỉnh, nhận y thực của người. Vì sao chúng ta không làm theo pháp của Thánh nhân ngày xưa?'. Vì họ ngồi tham đắm y thực, nên sẽ bỏ pháp phục, làm cư sĩ, khiến các Hiền Thánh không còn oai thần nữa. Bốn bộ chúng dần dần giảm bớt. Thánh chúng đã giảm ít thì chùa chiền của Như Lai sẽ bị hủy hoại. Vì chùa Như Lai đã bị hủy hoại thì kinh pháp sẽ bị thất lạc. Khi ấy chúng sanh không còn tinh quang nữa, đã không có tinh quang thì thọ mạng sẽ ngắn ngủi. Khi ấy, chúng sanh kia mạng chung đều rơi vào ba đường ác. Cũng như ngày nay, chúng sanh vì phước nhiều nên đều sanh lên trời, đời tương lai vì làm tội nhiều sẽ vào địa ngục.

Thế Tôn bảo:

- Lành thay, lành thay! Ca-diếp có nhiều lợi ích, Thầy làm bạn tốt, làm phước điền cho người đời. Ca-diếp, Thầy nên biết! Sau khi Ta nhập Niết-bàn hơn ngàn năm, sẽ có các Tỳ-kheo thối chuyển việc tham Thiền, chẳng hành pháp đầu đà nữa, cũng không khất thực, mặc áo vá, mà tham nhận y thực của trưởng giả thỉnh. Cũng chẳng ở dưới gốc cây, nơi vắng vẻ, ưa thích trang hoàng nhà cửa, cũng không dùng đại tiểu tiện làm thuốc, chỉ đắm trước các dược thảo cực kỳ ngon ngọt, hoặc trong đó tham đắm tài sản, lẫn tiếc nhà cửa, thường cải vã nhau.

Bấy giờ đàn-việt, thí chủ dốc lòng tin Phật pháp, ưa thích bố thí chẳng tiếc của cải. Khi ấy, đàn-việt thí chủ sau khi mạng chung đều sanh lên trời; còn Tỳ-kheo giải đãi, chết sẽ vào địa ngục. Như thế, này Ca-diếp! Tất cả các hành thảy đều vô thường, không được bền lâu. Lại nữa, Ca-diếp nên biết! Ðời tương lai, sẽ có Tỳ-kheo cạo bỏ râu tóc mà tập theo gia nghiệp, tay trái bồng con trai, tay phải ôm con gái, lại cầm đàn sáo, đi khất thực trên các đường phố. Bấy giờ đàn-việt thí chủ thọ phước vô cùng, huống gì ngày nay có những người chí thành khất thực. Như thế này Ca-diếp! Tất cả các hành vô thường, không được bền lâu.

Ca-diếp nên biết, đời tương lai hoặc có Sa-môn Tỳ-kheo sẽ bỏ Tám chánh đạo và Bảy pháp như nay Ta đã tu tập pháp bảo ấy trong bao vô số kiếp. Các Tỳ-kheo đời tương lai dùng ca khúc, ở trong chúng khất thực để tự nuôi sống. Song các đàn-việt thí chủ cúng thức ăn cho các Tỳ-kheo ấy cũng còn được phước, huống gì ngày nay mà không được phước sao?

Nay Ta đem pháp này trao lại cho Tỳ-kheo Ca-diếp và A-nan. Vì sao? Nay Ta tuổi đã già đến tám mươi. Như Lai không bao lâu sẽ diệt độ. Nay đem pháp bảo phó chúc hai người, khéo ghi nhớ đọc tụng, giữ gìn đừng cho dứt mất, lưu truyền trong thế gian. Người nào có lỗi làm dứt tuyệt lời dạy của bậc Thánh sẽ bị đọa vào chốn biên địa. Cho nên hôm nay Ta dặn dò trao phó kinh pháp cho các Thầy, đừng để dứt mất.

Khi ấy, Tôn giả Ðại Ca-diếp và Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chấp tay bạch Phật:

- Do những cớ gì đem kinh pháp này trao phó hai chúng con mà không trao người khác? Trong chúng của Như Lai, lại có các vị thần thông đệ nhất không thể tính kể, sao không trao phó dặn dò?

Thế Tôn bảo Ca-diếp:

- Ta xem trong cõi Trời, cõi Người, trọn không thấy người nào có thể thọ trì pháp bảo này sánh bằng Ca-diếp, A-nan. Trong hàng Thanh văn cũng không ai hơn hai người này. Chư Phật đời quá khứ cũng có hai người thọ trì kinh pháp, như Tỳ-kheo Ca-diếp và A-nan ngày nay sánh rất là rất thù diệu. Vì sao? Tỳ-kheo hành đầu đà ở thời Phật quá khứ, khi pháp còn thì còn, pháp mất thì mất. Còn Tỳ-kheo Ca-diếp của Ta hôm nay còn lưu lại ở đời,đến Phật Di-lặc ra đời mới nhập diệt. Do nhân duyên này, Tỳ-kheo Ca-diếp ngày nay hơn chúng Tỳ-kheo thời quá khứ.

Lại nữa, Tỳ-kheo A-nan, vì sao hơn thị giả thời quá khứ? Thị giả chư Phật thời quá khứ nghe Phật nói rồi sau mới hiểu; còn nay Tỳ-kheo A-nan, Như Lai chưa nói ra đã hiểu. Như Lai không cần nói, Tỳ-kheo A-nan hơn các thị giả chư Phật thời quá khứ.

Cho nên, này Ca-diếp, A-nan! Nay Ta giao phó cho các Thầy, dặn dò các Thầy pháp bảo này, đừng để thiếu sót, diệt mất.

Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:
Tất cả hành vô thường
Khởi lên ắt có diệt
Không sanh thì không tử
Diệt này rất là vui.

Khi ấy, Tôn giả Ðại Ca-diếp và Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 1.4 | 1.5 | 1.6 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5 | 2.6 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6

 

Chân thành cám ơn đạo hữu HDC đã giúp bố trí đánh máy vi tính và đạo hữu NQ đã giúp dò soát
(Bình Anson, 02-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-02-2004