BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


HẠNH PHÚC AN LÀNH - 3

NHẪN NẠI

Tỳ khưu Hộ Pháp Dhammarakkhita


Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

- [2] -

Biết nhẫn nại là thắng

Trong bài kinh Asurindakasuṭṭa (Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Asurindakasuṭṭa) được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Veluvana gần kinh thành Rājagaha. Khi hay tin hai người anh là Bhāradvāja và Akkosaka đã xuất gia trở thành Tỳ khưu nơi Đức Thế Tôn, ông Bà la môn Asurindaka nổi giận, khổ tâm, đến gặp Đức Thế Tôn, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ Ngài bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc Thiện trí.

Mặc dù ông Bà la môn Asurindaka nói lời thô tục, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ như vậy, nhưng Đức Thế Tôn nhẫn nại, Ngài vẫn im lặng.

Khi ấy, ông Bà la môn Asurindaka tuyên bố với Đức Thế Tôn rằng:

-- Sa môn Goṭama, tôi đã thắng Sa môn rồi! Sa môn Goṭama, tôi đã thắng Sa môn rồi!

Đức Thế Tôn thuyết dạy bằng bài kệ rằng:

Này ông Bà la môn!
Người nói lời thô tục, với người khác lặng im,
Không đối đáp trả lại, tự cho mình đã thắng.
Bậc Thiện trí cao thượng, nhẫn nại là tối thắng,
Người nào hay nổi giận, trả thù kẻ giận mình,
Người ấy thấp hèn hơn, kẻ giận mình gấp bội,
Người không giận trả đũa, với kẻ đã giận mình,
Gọi là người chiến thắng, mà người thường khó thắng.
Người nào biết ai giận, có chánh niệm giữ mình,
Dập tắt mọi phiền não, người ấy gọi là người,
Thực hành pháp nhẫn nại, giữ gìn sự lợi ích,
Cho mình và cho người, cả hai bên cùng lợi.
Người giữ gìn lợi ích, cả cho mình lẫn người,
Những người không trí tuệ, không biết rõ thiện pháp,
Hiểu lầm người ấy rằng: "Một hạng người khờ dại".

Lắng nghe lời dạy của Đức Thế Tôn, ông Bà la môn vô cùng hoan hỉ tán dương, ca tụng Ngài, ông phát sanh đức tin trong sạch, rồi xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng và kính xin Đức Phật cho phép ông được xuất gia thọ Sa di, thọ Tỳ khưu nơi Ngài.

Đức Thế Tôn cho phép ông Bà la môn Asurindaka xuất gia trở thành Tỳ khưu theo như ý nguyện. Sau khi trở thành Tỳ khưu không lâu, Tỳ khưu Asurindaka hoan hỉ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, tiến hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc A-ra-hán cao thượng trong giáo pháp của Đức Phật Goṭama.

Nhẫn nại được lợi ích cao thượng

Trong bài kinh Vepaciṭṭisuṭṭa được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jeṭavana gần kinh thành Sāvaṭṭhi, Ngài dạy chư Tỳ khưu rằng:

-- Này chư Tỳ khưu, sự việc đã từng xảy ra, trong cuộc chiến tranh giữa nhóm chư thiên cõi Tam thập tam thiên với nhóm thiên Asurā, để tranh giành ưu thế ở cõi Tam thập tam thiên.

(Asurā có 3 hạng: 1- Deva Asurā: hạng thiên Asurà ở phía dưới cõi Tam thập tam thiên. 2- Petti Asurā: nhóm ngạ quỷ Asurā. 3- Niraya Asurā: nhóm địa ngục Asurā.)

Này chư Tỳ khưu, khi ấy thống tướng Vepaciṭṭi là chủ soái nhóm thiên Asurā truyền lệnh rằng: "Này các binh tướng, cuộc chiến tranh giữa Asurā chúng ta với nhóm chư thiên cõi Tam thập tam thiên, nếu chúng ta thắng, còn nhóm chư thiên bại, thì các ngươi hãy bắt Đức vua Sakka cầm đầu nhóm chư thiên, trói chặt năm chỗ (hai tay, hai chân và cổ) rồi giải về kinh thành của ta".

-- Và này chư Tỳ khưu, cùng khi ấy, Đức vua Sakka cầm đầu nhóm chư thiên cõi Tam thập tam thiên cũng truyền lệnh rằng: "Này chư thiên tướng, cuộc chiến tranh giữa chư thiên chúng ta với nhóm thiên Asurā, nếu chúng ta thắng, còn nhóm thiên Asurā bại, thì các ngươi hãy bắt thống tướng Vepaciṭṭi, chủ soái nhóm thiên Asurā, trói chặt năm chỗ rồi giải về hội trường Sudhammasabhā, tại cung Tam thập tam thiên của trẫm".

Này chư Tỳ khưu, cuộc chiến lần đó, nhóm chư thiên thắng, còn nhóm thiên Asurā bị bại, chư thiên cõi Tam thập tam thiên bắt thống tướng Vepaciṭṭi, chủ soái nhóm thiên Asurā, trói chặt năm chỗ, giải về hội trường Sudhammasabhā, ở cung Tam thập tam thiên của Đức vua Sakka.

Này chư Tỳ khưu, khi thống tướng Vepaciṭṭi bị trói ở giữa hội trường, y đã chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ Đức vua Sakka bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc Thiện trí.

Này chư Tỳ khưu, khi ấy vị thiên nam Māṭali, hầu cận Đức vua Sakka tâu bằng bài kệ rằng:

Thần muôn tâu Bệ hạ!
Đức vua trời Sak-ka, có uy lực phi thường,
Mà nghe lời thô tục, chửi mắng và hăm doạ,
Của Ve-pa-ciṭ-ṭi, chủ soái A-su-rā,
Nhẫn nại được như vậy, vì sợ hay yếu hèn?

Đức vua trời Sakka truyền dạy rằng:

Trẫm có đức nhẫn nại, giữ gìn tính cao thượng,
Chịu đựng lời thô tục, của soái A-su-rā,
Không phải vì sợ hãi, cũng không phải yếu hèn,
Bậc Thiện trí như trẫm, sao đáp lại kẻ ác.

Vị thiên nam Māṭali tâu:

Thần muôn tâu Bệ hạ!
Bệ hạ không trừng phạt, kẻ ác càng lộng hành,
Tạo thêm nhiều tội ác, làm khổ não cho nhau.
Vì vậy người có quyền, phải trừng trị kẻ ác,
Bằng hình phạt nặng nề, để răn dạy kẻ khác.

Đức vua trời Sakka truyền dạy:

Biết người khác nổi giận, ta nên có chánh niệm,
Có trí tuệ biết mình, dập tắt mọi phiền não,
Giữ thâm tâm an tịnh, như những bậc Thiện trí,
Chính là cách hình phạt nặng nề với kẻ ác.

Vị thiên nam Māṭali tâu:

Thần muôn tâu Bệ hạ!
Hạ thần xét thấy rằng: đức tính nhẫn nại ấy,
Với kẻ ác cho rằng: vì sợ nên nhẫn nại,
Kẻ ác càng lộng hành, đàn áp bậc Thiện trí,
Ví như bò thắng trận, đuổi theo bò bại trận.

Đức vua trời Sakka truyền dạy:

Kẻ ác tự cho rằng: người ấy có nhẫn nại,
Vì sợ ta hay không, điều ấy không quan trọng.
Trong tất cả lợi ích, lợi cho mình đệ nhất.
Lợi ích hơn nhẫn nại, không thể có trong đời!
Người nào có quyền lực, mà nhẫn nại người yếu, Đức nhẫn nại người ấy, bậc Thiện trí tán dương.
Người có đức nhẫn nại, đức tính cao thượng nhất.
Người yếu đuối nhẫn nhục, với người chức quyền cao,
Là việc thường trong đời, có gì đáng ca tụng.
Bậc Thiện trí dạy rằng: sức mạnh của kẻ ác,
Đàn áp kẻ yếu hèn, không có gì đáng khen!
Người nói lời thô tục, với tâm sân giận dữ,
Không thể làm lay động, tâm của người hô pháp.
Người giận lại kẻ giận, tội ác hơn gấp bội.
Bậc không giận kẻ giận, giữ đức tính nhẫn nại,
Gọi là bậc chiến thắng, mà người thường khó thắng.
Người nào biết ai giận, có chánh niệm giữ mình,
Dập tắt mọi phiền não, người ấy gọi là người,
Thực hành pháp nhẫn nại, giữ gìn sự lợi ích,
Cho mình và cho người, cả hai đều có lợi.
Người giữ gìn lợi ích, cả cho mình lẫn người,
Những người không trí tuệ, không biết rõ chánh pháp,
Hiểu lầm người ấy rằng: "Một hạng người khờ dại".

Sau đó, Đức Thế Tôn dạy rằng:

-- Này chư Tỳ khưu, Đức vua trời Sakka trị vì cõi Tam thập tam thiên, hưởng sự an lạc trên ngai vàng nơi cung trời ấy, do quả của phước thiện mà Đức vua Sakka đã tạo ở tiền kiếp trong quá khứ.

Này chư Tỳ khưu, các con đã xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Như Lai, các con phải là người có giới hạnh trong sạch, có hành vi, cử chỉ trang nghiêm, có đức tính nhẫn nại. Như vậy sẽ giúp cho các con tiến hoá tốt đẹp trong giáo pháp của Như Lai.

Pháp hành trở thành Đức vua Sakka

Ngôi vị Đức vua trời Sakka trị vì cõi Tam thập tam thiên, không phải do một vị nào truyền ngôi, hoặc được tấn phong; sự thật là do quả báu của phước thiện, pháp hành mà Đức vua trời đã tạo trong những kiếp quá khứ.

Những pháp hành nào để trở thành Đức vua Sakka?

Trong kinh Paṭhamadevasuṭṭa (Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Paṭhamadevasuṭṭa) tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jeṭavana gần kinh thành Sāvaṭṭhi, Ngài dạy rằng:

-- Này chư Tỳ khưu, tiền kiếp của Đức vua trời Sakka trị vì cõi Tam thập tam thiên, khi sanh làm người đã từng thọ trì đầy đủ 7 pháp hành, sau khi chết, do nhờ phước thiện của 7 pháp hành ấy cho quả hoá sanh lên cõi Tam thập tam thiên, ở ngôi vị Đức vua trời Sakka.

Bảy pháp hành là:

1- Ta phụng dưỡng cha mẹ suốt đời.
2- Ta cung kính bậc trưởng lão trong dòng họ và trong thế gian suốt đời.
3- Ta nói lời êm dịu suốt đời.
4- Ta không nói lời đâm thọc, chia rẽ suốt đời.
5- Ta không nên có tâm keo kiệt, bỏn xẻn trong của cải, là tâm ô nhiễm của người tại gia; ta nên có thiện tâm trong sạch, đem của cải bố thí đến người thọ thí đúng theo nhu cầu của họ; ta nên hoan hỉ làm phước bố thí suốt đời.
6- Ta nói lời chân thật suốt đời.
7- Ta không sân hận suốt đời.

Này chư Tỳ khưu, tiền kiếp của Đức vua trời Sakka, khi sanh làm người đã từng thọ trì nghiêm chỉnh và đầy đủ 7 pháp hành này. Cho nên, sau khi chết, do nhờ phước thiện của 7 pháp hành ấy cho quả hoá sanh làm Đức vua trời Sakka trị vì cõi Tam thập tam thiên".

Những hạng phàm nhân và bậc Thánh Hữu Học: bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai vẫn còn bất thiện tâm: tham tâm, sân tâm, si tâm, tuỳ theo mỗi hạng người. Nhưng tham tâm hoặc sân tâm hoặc si tâm có phát sanh hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào nhân duyên của mỗi bất thiện tâm. Nếu hội đủ nhân duyên của bất thiện tâm nào, thì bất thiện tâm ấy mới phát sanh.

Trường hợp tiền kiếp của Đức vua trời Sakka, khi còn ở cõi người là hạng phàm nhân, song ông đã phát nguyện thọ trì 7 pháp hành nghiêm chỉnh và đầy đủ. Do đó, dù có tham tâm, sân tâm, si tâm nhưng không thể phát sanh, vì không đủ nhân duyên. Khi bất thiện tâm không sanh, thì chắc chắn thiện tâm phát sanh.

Đức tính nhẫn nại, tâm không sân hận được rèn luyện từ những tiền kiếp. Cho nên, kiếp hiện tại, là Đức vua trời Sakka khi nghe lời thô tục, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ của Vepaciṭṭi thống tướng nhóm thiên Asurā, Đức vua Sakka vẫn có đức tính nhẫn nại, tâm sân hận không phát sanh, để giữ gìn sự lợi ích cho mình và cho người.

Sân tâm không sanh chưa hẳn là nhẫn nại.

Trong kinh Kakacūpamāsuṭṭa (Majjhimanikāya, Mūlapaṇṇāsa, kinh Kakacūpamāsuṭṭa) có một đoạn nói về nữ gia chủ tên Vedehikā tóm lược như sau:

Trong kinh thành Sāvaṭhi, có nữ gia chủ tên Vedehikā, nổi tiếng tốt lành, lan truyền rằng: "Nữ gia chủ Vedehikā là người hiền thục, nữ gia chủ Vedehikā là người khiêm tốn, nữ gia chủ Vedehikā là người trầm tĩnh".

Nữ gia chủ có một đứa tớ gái tên Kāli, là cô gái siêng năng, cần mẫn, đảm đang trong mọi công việc gia đình, thường thức khuya dậy sớm, sắp đặt nhà cửa thật gọn gàng, sạch sẽ, không thể chê trách được.

Một hôm, đứa tớ gái Kāli nghĩ rằng: Tiếng tốt lành của bà chủ ta lan truyền: "Nữ gia chủ Vedehikā là người hiền thục, nữ gia chủ Vedehikā là người khiêm tốn, nữ gia chủ Vedehikā là người trầm tĩnh". Như vậy, bà chủ của ta có sân tâm mà không phát sanh hay không có sân tâm. Sở dĩ bà chủ của ta có tâm sân mà không phát sanh, là vì ta siêng năng, cần mẫn, đảm đang, lo mọi công việc gia đình đều chu toàn, không thể chê trách được, chứ không phải không có sân tâm. Vậy, ta nên thử xem bà chủ là người như thế nào?

Sáng hôm sau, cô Kāli thức dậy trễ, nữ gia chủ Vedehikā gọi đứa tớ gái Kāli lại và nói rằng:

-- Này Kāli, tại sao hôm nay thức dậy trễ, ngươi có bị bệnh gì hay không?

-- Thưa bà chủ, con không bị bệnh gì cả.

-- Này, nếu ngươi không có bệnh gì, thì tại sao ngươi thức dậy trễ? Đứa tớ gái hư đốn! Bà chủ Vedehikā nổi giận, mặt mày cau có.

Cô Kāli nghĩ rằng: Bà chủ của ta có tâm sân mà không phát sanh, chứ không phải không có tâm sân. Sở dĩ tâm sân không phát sanh, là vì ta siêng năng, cần mẫn, đảm đang lo mọi công việc gia đình đều chu toàn. Vậy, ta nên thử thêm một lần nữa.

Ngày hôm sau nữa, cô Kāli thức dậy trễ hơn hôm trước, bà chủ Vedehikā gọi tớ gái Kāli với giọng bực tức:

-- Này Kāli, tại sao mày lại thức dậy trễ nữa.

-- Thưa bà chủ, không sao cả.

Nghe vậy, bà chủ tức giận, chửi rủa, mắng nhiếc đứa tớ gái, bà lấy cây đánh trên đầu đứa tớ gái, làm bể đầu, máu chảy xuống mặt, khi ấy người tớ gái chạy sang nhà bên cạnh tố cáo rằng:

-- Thưa quý bà con, quý bà con hãy xem hành động của bà chủ Vedehikā mà quý bà con cho là nữ hiền thục, là người khiêm tốn, là người trầm tĩnh đây!

Từ đó về sau, tiếng xấu của nữ gia chủ lan truyền khắp mọi nơi rằng: "Nữ gia chủ Vedehikā là người độc ác, nữ gia chủ Vedehikā là người không khiêm tốn, nữ gia chủ Vedehikā là người không trầm tĩnh".

Qua câu chuyện trên đây, để hiểu rõ tâm sân không phát sanh không hẳn là do nhẫn nại, sở dĩ tâm sân không sanh, là vì chưa gặp đối tượng làm cho bất bình. Nếu khi gặp phải đối tượng làm cho bất bình, không hài lòng, thì tâm sân phát sanh, làm hại mình, hại người.

Sân tâm không sanh do đức tính nhẫn nại

Người nào có đức tính nhẫn nại thật sự, thì dù tiếp xúc với bất cứ đối tượng xấu hoặc tốt như thế nào, người ấy vẫn giữ gìn thiện tâm trong sáng hợp với tính nhẫn nại, nên chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi đối tượng xấu hoặc tốt ấy.

Như Đức Phật dạy: Trong đời này, người ta nói với mình có 5 trường hợp:

1- Nói hợp thời hay nói không hợp thời.
2- Nói thật hay nói không thật.
3- Nói lời hoà nhã hay nói lời thô tục.
4- Nói lời lợi ích hay nói lời vô ích.
5- Nói với tâm từ hay nói với tâm sân.

Đức Phật dạy: Người ta nói hợp thời hay nói không hợp thời; nói thật hay nói không thật; nói lời hoà nhã hay nói lời thô tục; nói lời lợi ích hay nói lời vô ích; nói với tâm từ hay nói với tâm sân; như vậy, dù bất cứ điều nào, các con nên có trí nhớ giữ mình, thực hành như vầy: "Ta vẫn giữ thiện tâm hợp với đức tính nhẫn nại vững chắc, không để bị ảnh hưởng, chi phối bởi đối tượng ấy, ta không nên nói đáp lại bằng lời thô tục, nên tiếp độ người ấy với đức tính nhẫn nại của ta, để giữ gìn sự lợi ích cho mình và cho người, ta không để tâm sân phát sanh, mà nên có tâm từ phát sanh rải đến người ấy và đến khắp tất cả chúng sinh, mọi phương hướng không có giới hạn, cầu mong tất cả chúng sinh không oan trái lẫn nhau, không làm khổ lẫn nhau, cầu mong tất cả chúng sinh được thân tâm an lạc".

Người có đức tính nhẫn nại là người biết gìn giữ sự lợi ích cả cho mình và lẫn người.

Nhân duyên có sắc đẹp

Phàm là phụ nữ, ai ai cũng muốn có sắc đẹp, duyên dáng, dễ thương, song không phải người phụ nữ nào cũng có sắc đẹp, duyên dáng như mình muốn.

Trong đời này, có số phụ nữ xinh đẹp, có số phụ nữ xấu xí. Do nguyên nhân nào lại có số phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng, dễ thương và do nguyên nhân nào lại có số phụ nữ xấu xí, vô duyên?

Để hiểu biết rõ nguyên nhân, nên tìm hiểu bài kinh Mallikāsuṭṭa (Aṅguṭṭaranikāya, Caṭukanipāṭa, kinh Mallikāsuṭṭa), được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại chùa Jeṭavana gần kinh thành Sāvaṭṭhi. Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Pasenadi-kosala đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bà bạch rằng:

1- Kính bạch Đức Thế Tôn, do nhân nào, duyên nào cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; còn là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém?

2- Kính bạch Đức Thế Tôn, do nhân nào, duyên nào cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; nhưng là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý?

3- Kính bạch Đức Thế Tôn, do nhân nào, duyên nào cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; nhưng là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém?

4- Kính bạch Đức Thế Tôn, do nhân nào, duyên nào cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; còn là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý?

Đức Thế Tôn thuyết dạy rằng:

1- Này Mallikā, trong đời này có số phụ nữ có tính sân hận, thường hay khổ tâm, bực tức, khi bị xúc phạm chút đỉnh, tâm sân hận liền phát sanh, nổi cơn giận dữ, có trạng thái hung hãn, dữ dằn, biểu hiện rõ nỗi bất bình, không hài lòng; lại là người không hoan hỉ tạo phước thiện bố thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến Sa môn, Bà la môn, và còn là người có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, hay ngăn cản, cắt đứt lợi lộc… bởi do tính ganh tị. Số phụ nữ này sau khi chết, do thiện nghiệp khác cho quả, nếu được tái sanh trở lại làm người, thì là người phụ nữ có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; còn là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém trong đời.

Này Mallikā, đó là nhân, là duyên cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; còn là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém.

2- Này Mallikā, trong đời này có số phụ nữ có tính sân hận, thường hay khổ tâm, bực tức, khi bị xúc phạm chút đỉnh, tâm sân hận liền phát sanh, nổi cơn giận dữ, có trạng thái hung hãn, dữ dằn, biểu hiện rõ nỗi bất bình, không hài lòng; nhưng là người hoan hỉ tạo phước thiện bố thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến Sa môn, Bà la môn, và còn là người không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, không ngăn cản, không cắt đứt lợi lộc… bởi do tính không ganh tị. Số phụ nữ này sau khi chết, do thiện nghiệp ấy cho quả, nếu được tái sanh trở lại làm người, thì là người phụ nữ có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; nhưng là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý trong đời.

Này Mallikā, đó là nhân, là duyên cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; nhưng là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý.

3- Này Mallikā, trong đời này có số phụ nữ không có tính sân hận, thường không khổ tâm, bực tức, dù bị xúc phạm nhiều, tâm sân hận vẫn không phát sanh, không nổi cơn giận dữ, không có trạng thái hung hãn, không dữ dằn, không biểu hiện rõ nỗi bất bình, không tỏ ra sự không hài lòng; nhưng là người không hoan hỉ tạo phước thiện bố thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến Sa môn, Bà la môn, và còn là người có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, hay ngăn cản, cắt đứt lợi lộc… bởi do tính ganh tị. Số phụ nữ này sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả, nếu được tái sanh trở lại làm người, thì là người phụ nữ có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; nhưng là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém trong đời.

Này Mallikā, đó là nhân, là duyên cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; nhưng là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém.

4- Này Mallikā, trong đời này có số phụ nữ không có tính sân hận, thường không khổ tâm, bực tức, dù bị xúc phạm nhiều, tâm sân hận vẫn không phát sanh, không nổi cơn giận dữ, không có trạng thái hung hãn, không dữ dằn, không biểu hiện rõ nỗi bất bình, không tỏ ra sự không hài lòng; lại là người hoan hỉ tạo phước thiện bố thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến Sa môn, Bà la môn, và còn là người không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, không ngăn cản, không cắt đứt lợi lộc… bởi do tính không ganh tị. Số phụ nữ này sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả, nếu được tái sanh trở lại làm người, thì là người phụ nữ có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; lại là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý trong đời.

Này Mallikā, đó là nhân, là duyên cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; lại là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý.

Nghe Đức Thế Tôn thuyết dạy và giải đáp xong những câu hỏi, bà Chánh cung Hoàng hậu Mallikā bèn bạch rằng:

-- Kính bạch Đức Thế Tôn, tiền kiếp của con là người có tính sân hận, thường hay khổ tâm, bực tức, khi bị xúc phạm chút đỉnh, tâm sân hận liền phát sanh, nổi cơn giận dữ, có trạng thái hung hãn, dữ dằn, biểu hiện rõ nỗi bất bình, không hài lòng; cho nên, kiếp hiện tại này con có da dẻ không mịn màng, thân hình không xinh đẹp, không đáng chiêm ngưỡng.

* Tiền kiếp của con là người hoan hỉ tạo phước thiện bố thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến Sa môn, Bà la môn; cho nên, kiếp hiện tại này con là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải.

* Tiền kiếp của con là người không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác; cho nên, kiếp hiện tại này con có địa vị cao quý nhất.

-- Kính bạch Đức Thế Tôn, những người phụ nữ trong nước, trong dòng dõi Bà la môn, trong hoàng tộc, trong cung điện này, con là người phụ nữ có địa vị cao quý hơn tất cả những người phụ nữ ấy.

Kính bạch Đức Thế Tôn, kể từ nay về sau, con không dám có tính sân hận, thường không khổ tâm, bực tức, dù bị xúc phạm nhiều, tâm sân hận vẫn không phát sanh, không nổi cơn giận dữ, không có trạng thái hung hãn, dữ dằn, biểu hiện rõ nỗi bất bình, không hài lòng; con sẽ hoan hỉ tạo phước thiện bố thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến Sa môn, Bà la môn; con không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, không ngăn cản, không cắt đứt lợi lộc,… bởi do tính không ganh tị nữa.

Kính bạch Đức Thế Tôn, lời dạy của Ngài rõ ràng quá! Kính bạch Đức Thế Tôn, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!

Con xin hết lòng thành kính nương nhờ nơi Đức Thế Tôn, Đức Pháp, Đức Tăng, kính xin Ngài nhận biết con là người cận sự nữ đã quy y Tam bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

(Xong bài kinh Mallikāsuṭṭa).

Qua bài kinh trên, có thể hiểu rằng:

-- Người có tính sân hận, khi tâm sân phát sanh cơn giận dữ, bực tức, mặt mày trông đáng ghê sợ, cho nên người ta thường xa lánh. Tâm sân là tâm bất thiện (tâm ác), có nghiệp bất thiện (nghiệp ác); nếu nghiệp bất thiện này cho quả, thì người ấy có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm, ví như tích bà Chánh cung Hoàng hậu Pañcapāpi và tích Đức vua Kusa (Xem tích truyện đầy đủ trong quyển "Tìm hiểu phước Bố thí" của cùng soạn giả).

-- Người không có tính sân hận, có tâm từ, có đức tính nhẫn nại, gương mặt trông dễ thân thiện kính mến, cho nên, người ta thường gần gũi, thân cận. Tâm từ hoặc đức tính nhẫn nại thuộc tâm thiện có nghiệp thiện; nếu nghiệp thiện này cho quả thì người ấy có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng, ví như tích nàng Ummadandī (Xem tích truyện đầy đủ trong quyển "Tìm hiểu phước Bố thí" của cùng soạn giả).

-- Người có tính keo kiệt trong tài sản, của cải của mình, không chịu đem của cải làm phước thiện bố thí đến những người khác, cho nên, chư bậc Thiện trí, những người khác thường không gần gũi, thân cận. Nếu nghiệp bất thiện này cho quả, thì người ấy là người nghèo khó, thiếu thốn của cải.

-- Người có tính nhân từ, hoan hỉ tạo phước thiện bố thí, đem của cải phân phát, bố thí đến những người khác, cho nên, chư bậc Thiện trí, những người khác thường gần gũi, thân cận. Nếu nghiệp thiện này cho quả, thì người ấy là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao.

-- Người hay có tính ganh tị lợi lộc, địa vị… của người khác, cho nên người ta không yêu mến. Nếu nghiệp bất thiện này cho quả, thì người ấy có địa vị thấp kém trong đời.

-- Người không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị… của người khác, thường có tâm hoan hỉ lợi lộc, địa vị, sự an lạc của người khác, cho nên, được nhiều yêu mến. Nếu nghiệp thiện này cho quả, thì người ấy có địa vị cao quý trong đời.

Tóm lại, nghiệp và quả của nghiệp phân loại chúng sinh, muốn quả như thế nào, thì nên tạo nghiệp như thế ấy.

Quả của nghiệp tương xứng với nghiệp.
Nghiệp thiện cho quả tốt, an lạc.
Nghiệp ác cho quả xấu, khổ não.

 

Vấn-đáp về đề tài Nhẫn Nại

Vấn: Nhẫn nại là một đức hạnh cao thượng mà Đức Phật tán dương "Khanṭi paramaṃ ṭapo ṭiṭikkhā…". (Đức nhẫn nại là một pháp hạnh cao thượng). Vậy, làm cách nào để có được đức tính nhẫn nại?

Đáp: Muốn có được đức tính nhẫn nại cần phải thành tâm phát nguyện thọ trì pháp hạnh nhẫn nại rằng:

"Con xin thành tâm phát nguyện thọ trì pháp hạnh nhẫn nại suốt đời, dù tiếp xúc phải những đối tượng làm cho bất bình như: kẻ ác chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập, v.v… làm khổ con; con vẫn giữ vững đức tính nhẫn nại, không hề có tâm sân hận".

Khi đã thành tâm phát nguyện xong, ví như có một bức tường thành vô hình vững chắc bên ngoài, có một năng lực phi thường bảo vệ hành giả. Nếu tiếp xúc phải những đối tượng làm cho bất bình, những cảnh trái ý nghịch lòng, thì khi ấy có đức tính nhẫn nại bên trong chịu đựng một cách tự nhiên, chỉ có tâm sở vô sân đồng sanh với đại thiện tâm phát sanh, không hề có sân tâm phát sanh, bởi vì có đức tính nhẫn nại bảo vệ.

Vấn: Có đức tính nhẫn nại khi nào?

Đáp: Trong cuộc sống hằng ngày tiếp xúc những đối tượng đáng hài lòng, thì không có đức

tính nhẫn nại; chỉ khi nào tiếp xúc phải những đối tượng làm cho bất bình, những cảnh trái ý nghịch lòng,… khi ấy mới cần có đức tính nhẫn nại chịu đựng những đối tượng ấy một cách tự nhiên, không hề có sân tâm phát sanh do bởi đối tượng ấy.

Vấn: Những đối tượng làm cho bất bình như thế nào?

Đáp: Những đối tượng làm cho bất bình là những đối tượng không đáng hài lòng như:

-- Thời tiết, hoàn cảnh khắc nghiệt: nóng quá, lạnh quá, đói quá, khát quá, v.v….

-- Tiếp xúc với những kẻ ác: chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập, v.v….

-- Tiếp xúc cảnh trái ý nghịch lòng, không nhất thiết phải là đối tượng xấu, có thể là những đối tượng tốt mà mình không hài lòng, ví như: Đức Phật là một đối tượng hoàn toàn tốt, nhưng đối với những hàng ngoại đạo, Đức Phật là đối tượng làm cho họ bất bình, tâm sân hận phát sanh, do nghĩ sai lầm rằng: "Chính Đức Phật làm cho chúng ta mất nhiều lợi lộc v.v…".

Những đối tượng làm cho bất bình này dễ phát sanh tâm sân hận, song đối với những ai đã phát nguyện thọ trì pháp hạnh nhẫn nại từ trước, nay tiếp xúc với những đối tượng làm cho bất bình này, thì đây là cơ hội tốt để thực hành pháp hạnh nhẫn nại.

Vấn: Đức tính nhẫn nại với tâm từ giống nhau và khác nhau như thế nào?

Đáp: Đức tính nhẫn nại với tâm từ giống nhau về chi pháp, cả hai đều có chi pháp: vô sân tâm sở (adosaceṭasika) đồng sanh với thiện tâm.

Và khác nhau về đối tượng:

-- Đối tượng của đức tính nhẫn nại là những đối tượng làm cho bất bình, không đáng hài lòng, những cảnh trái ý nghịch lòng, v.v… gồm có nhiều đối tượng: người, chúng sinh, đồ dùng, thời tiết, v.v….

-- Đối tượng của tâm từ giai đoạn ban đầu là người đáng kính, đáng yêu, chúng sinh đáng kính, đáng yêu; cho đến khi tâm từ phát triển tốt, đối tượng tâm từ chuyển sang tất cả mọi người, tất cả mọi chúng sinh không phân biệt, không có giới hạn, để đạt đến tâm từ vô lượng.

Vấn: Khi tiếp xúc với đối tượng làm cho bất bình, suy xét bằng cách nào để có được đức tính nhẫn nại, mà tâm sân không hề phát sanh?

Đáp: Có nhiều cách để có được đức tính nhẫn nại, mà tâm sân không hề phát sanh như sau:

1- Suy xét về sự lợi ích:

Trong tất cả mọi sự lợi ích, sự lợi ích của đức tính nhẫn nại là hơn cả. Bởi vì, đức tính nhẫn nại đem lại sự lợi ích cả cho mình lẫn cho người. Hơn nữa, người có đức tính nhẫn nại dễ dàng giữ gìn giới hạnh được trong sạch và đầy đủ; tiến hành thiền định phát triển tốt; tiến hành thiền tuệ được tăng trưởng tốt, dẫn đến sự chứng đắc Thánh Đạo-Thánh Quả và Niết Bàn, đó là sự lợi ích cao thượng nhất. Do xét thấy lợi ích lớn lao ấy, nên cố gắng giữ gìn đức tính nhẫn nại.

2- Suy xét về nghiệp và quả của nghiệp:

Trường hợp có người đến làm khổ ta, nên có chánh kiến về nghiệp thấy đúng, hiểu đúng rằng: Đó là quả của ác nghiệp mà chính ta đã tạo trong kiếp hiện tại này hoặc trong những tiền kiếp của ta; nay đến thời kỳ cho quả của ác nghiệp ấy. Ta đã tạo ác nghiệp, nay ta phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, xem như đã trả xong một món nợ, đó là lẽ đương nhiên, hợp với tính chất công minh chính trực của định luật nhân quả, hoàn toàn không có sự bất công nào cả. Nhưng thật đáng thương cho người thi hành theo mệnh lệnh của ác nghiệp mà chính ta đã tạo, đến làm khổ ta như chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập, v.v… để rồi người ấy lại phải tạo nên ác nghiệp do bởi ta, thì thật đáng thương biết dường nào!

Ví dụ cụ thể để so sánh dễ hiểu:

Một tên cướp của giết người bị bắt tại trận, có tang chứng, vật chứng rành rành; toà kết án tử hình, thế là tội nhân mang bản án tử hình được giao cho người đao phủ thi hành theo phán quyết của toà án. Người đao phủ thừa lệnh thi hành bản án, giết chết tên tội nhân (theo lệnh toà án); mà hoàn toàn không có oán thù với y. Nhưng người đao phủ đã phải phạm giới sát sanh giết người, thì thật đáng thương biết dường nào! Nếu người kia không tạo ác nghiệp cướp của giết người, thì không có bản án tử hình, và người đao phủ cũng không phải phạm giới sát sanh giết người. Cũng như vậy, nếu ta không từng tạo ác nghiệp nào, thì không có quả khổ của ác nghiệp ấy, chắc chắn chẳng có một ai đến làm khổ ta được.

Ác nghiệp mà ta đã từng tạo trong quá khứ, một khi đến thời kỳ cho quả của ác nghiệp ấy, sẽ xui khiến cho người khác đến làm khổ ta. Người ấy phải thi hành theo mệnh lệnh quả của ác nghiệp mà chính ta đã tạo, để rồi người ấy lại tạo nên ác nghiệp do bởi ta. Như vậy, người ấy đáng thương hay đáng ghét?

Nếu cảm thấy người làm khổ ta đáng thương, thì tâm sân không phát sanh, chỉ có tâm bi đáng thương người ấy phát sanh mà thôi; bi tâm sở đồng sanh với thiện tâm phát sanh, không có tâm sân bực tức người ấy, mà có đức tính nhẫn nại chịu đựng một cách tự nhiên, như người thừa kế quả ác nghiệp của mình.

3- Suy xét về thiện nghiệp-ác nghiệp:

Trường hợp có người đến làm khổ ta như: chửi rủa, mắng nhiếc, vu oan giá hoạ, hăm doạ, đánh đập ta một cách tàn nhẫn. Khi ấy, ta nên có chánh kiến thấy đúng về nghiệp của mình (kammassakaṭā sammādiṭṭhi) rằng: Đó chỉ là quả khổ của ác nghiệp mà chính mình đã tạo trong quá khứ của kiếp hiện tại, hoặc trong những tiền kiếp của mình; nghiệp ác ấy đến thời kỳ cho quả khổ, dù muốn dù không ta cũng phải chịu đựng chấp nhận, mà không có quyền lựa chọn; nay ta có trọn quyền lựa chọn là:

-- Nếu ta sân hận, nổi cơn giận dữ, bực tức, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập, v.v… để trả thù lại người ấy, thì ta không những chịu quả khổ của ác nghiệp cũ, mà lại còn tạo thêm ác nghiệp mới, để rồi phải chịu quả khổ trong vị lai.

-- Nếu ta có đức tính nhẫn nại, không sân hận, nổi cơn giận dữ, bực tức, không chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập, v.v… không trả thù người ấy, thì ta không những chịu đựng trả quả khổ của ác nghiệp cũ, mà còn có cơ hội tạo thiện nghiệp mới, do nhờ đức tính nhẫn nại của mình, để rồi được hưởng quả an lạc trong vị lai.

4- Suy xét về tính chất công minh của nghiệp:

Trong cuộc sống của ta nói riêng, tất cả chúng sinh nói chung đều do quả của nghiệp chi phối, phân chia từng mỗi chúng sinh. Khi nghiệp cho quả, thì rất công minh chính trực, không hề thiên vị một ai, dù là Đức Phật.

Thiện nghiệp cho quả tốt, an lạc.
Ác nghiệp cho quả xấu, khổ não.

-- Khi thiện nghiệp đến thời kỳ cho quả, khiến cho nhiều người đối xử tốt với ta bằng thân, khẩu, ý để đem lại sự an lạc. Đó là quả của thiện nghiệp do chính ta đã tạo, ta thọ nhận dễ dàng.

-- Khi ác nghiệp đến thời kỳ cho quả, khiến cho người khác đối xử tệ với ta bằng thân, khẩu, ý để đem lại sự khổ não. Đó là quả của ác nghiệp do chính ta đã tạo, nếu ta không chịu chấp nhận, thì ta không công minh chính trực với mình.

Một người Phật tử có trí tuệ sáng suốt, có chánh kiến về nghiệp của mình (kammassakaṭā sammādiṭṭhi), hiểu biết đúng đắn rằng: "Tất cả mọi quả đã hiện hữu trong đời này, đều sanh từ nghiệp: quả an lạc sanh từ thiện nghiệp và quả khổ não sanh từ ác nghiệp; thiện nghiệp, ác nghiệp chính do ta tạo, rồi sẽ hưởng quả của nghiệp ấy". Người nào có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, tin ở sự công minh chính trực của nghiệp cho quả, thì chắc chắn không hề phiền trách ai làm khổ mình, người ấy sẽ có đức tính nhẫn nại chịu đựng quả khổ mà không hề phát sanh tâm sân hận.

Một số người quan niệm rằng: "Có sự bất công trong đời này", đó là cách nhìn rất thiển cận xét theo nhân hiện tại. Cuộc đời của mỗi chúng ta nói riêng, tất cả chúng sinh nói chung không chỉ tuỳ thuộc vào nhân duyên hiện tại, mà phần lớn tuỳ thuộc vào nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp, vô lượng kiếp trong quá khứ.

Ví dụ: Đức Bồ Tát Siddhaṭṭha, kiếp hiện tại trở thành bậc Chánh Đẳng Giác, nhưng sự thật, Ngài đã trải qua một quá trình tạo 30 pháp hạnh ba la mật; từ giai đoạn đầu phát nguyện trong tâm có ý nguyện trở thành bậc Chánh Đẳng Giác, thời gian suốt 7 a tăng kỳ (a tăng kỳ - asaṅkheyya: khoảng thời gian rất dài không thể tính bằng số lượng); đến giai đoạn giữa phát nguyện ra bằng lời nói, để chúng sinh đều nghe biết, suốt thời gian 9 a tăng kỳ; đến giai đoạn cuối cùng được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký trở thành Đức Bồ Tát cố định, còn phải tạo thêm 30 pháp hạnh ba la mật suốt 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua 24 Đức Phật thọ ký tiếp theo từng giai đoạn, cuối cùng đến Đức Phật Kassapa - vị thứ 24 thọ ký. Đức Bồ Tát tinh tấn không ngừng tạo 30 pháp hạnh ba la mật cho được đầy đủ, đến kiếp chót là Đức Bồ Tát Siddhaṭṭha xuất gia tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, tự mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo-4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, không có thầy chỉ dạy, do đó có Ân Đức Phật là Sammāsambuddho: bậc Chánh Đẳng Giác.

Trong vòng tử sanh luân hồi, vô số tiền kiếp của Đức Phật, là những Đức Bồ Tát cũng có khi tạo ác nghiệp, cho nên khi đã thành bậc Chánh Đẳng Giác rồi, trong cuộc đời suốt 45 năm của Ngài, có khi ác nghiệp có cơ hội cho quả xấu, như: bị nàng kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā giả làm người đàn bà mang thai, rồi vu oan giá hoạ cho rằng: Đức Phật ăn ở với nàng có thai…. Và chuyện Tỳ khưu Devadaṭṭa tìm mọi cách hãm hại Đức Phật, nhưng chắc chắn không có một ai có thể hại Ngài được. Những sự kiện như trên xảy ra trong cuộc đời Đức Phật đều do quả của ác nghiệp, mà tiền thân của Ngài là những kiếp Đức Bồ Tát trong quá khứ đã tạo; ở kiếp hiện tại, dù Ngài đã trở thành bậc Chánh Đẳng Giác, cũng không thể tránh khỏi quả của ác nghiệp, huống hồ gì những người như chúng ta làm sao tránh khỏi ác nghiệp đến thời kỳ cho quả. Nghiệp và quả của nghiệp rất công minh với chính nó.

Do đó, ta nên có đức nhẫn nại chịu đựng.

5- Suy xét về chúng sinh:

Đức Phật dạy: Trong vòng tử sanh luân hồi trải qua vô số kiếp từ vô thủy không sao biết được cho đến kiếp hiện tại này, một chúng sinh chưa từng là mẹ của mình, không dễ gì tìm thấy được (nghĩa là đã từng là mẹ của mình trong tiền kiếp), bởi vì trong vòng tử sanh luân hồi vô số kiếp từ vô thuỷ cho đến kiếp hiện tại, trải qua thời gian quá lâu dài không sao kể xiết.

Cũng như vậy, một chúng sinh chưa từng là cha, ông, bà, chú, bác, cô, dì, anh, em,… không dễ gì tìm thấy được. Nghĩa là bất cứ một chúng sinh nào cũng đã từng là thân bằng quyến thuộc của ta, gần trong kiếp hiện tại hoặc xa trong những tiền kiếp quá khứ. Chính ta đã mang ơn họ, dù họ có làm khổ ta, bởi do ác nghiệp của ta đến thời kỳ cho quả, chẳng lẽ ta lại căm thù người ấy, nghĩa là ta căm thù ân nhân là thân bằng quyến thuộc gần hoặc xa của ta hay sao!

Do suy xét về sự biết ơn và đền đáp công ơn đối với ân nhân của ta, nên tâm sân hận và căm thù không phát sanh; đức tính nhẫn nại đó là vô sân tâm sở đồng sanh với đại thiện tâm phát sanh chịu đựng mọi nỗi khổ một cách tự nhiên.

6- Suy xét về đức tính nhẫn nại là pháp hạnh ba la mật:

Ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Toàn Giác, Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác cần phải tạo đầy đủ các pháp hạnh ba la mật tuỳ theo mỗi bậc:

-- Để trở thành Đức Phật Toàn Giác cần phải tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba la mật: 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường, 10 pháp hạnh ba la mật bậc trung, 10 pháp hạnh ba la mật bậc thượng.

-- Để trở thành Đức Phật Độc Giác cần phải tạo đầy đủ 20 pháp hạnh ba la mật: 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường, 10 pháp hạnh ba la mật bậc trung.

-- Để trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác cần phải tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường.

10 pháp hạnh ba la mật đó là:

1) Bố thí ba la mật.
2) Giữ giới ba la mật.
3) Xuất gia ba la mật.
4) Trí tuệ ba la mật.
5) Tinh tấn ba la mật.
6) Nhẫn nại ba la mật.
7) Chân thật ba la mật.
8) Chí nguyện ba la mật.
9) Tâm từ ba la mật.
10) Tâm xả ba la mật.

Như vậy, nhẫn nại là một trong mười pháp hạnh ba la mật để trở thành Đức Phật Toàn Giác, Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác, để làm duyên lành dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo-Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, được an lạc tuyệt đối.

Trong 10 pháp hạnh ba la mật, pháp hạnh nhẫn nại ba la mật có tính chất đặc biệt về đối tượng, còn lại 9 pháp hạnh ba la mật khác có thể tạo trong bất cứ đối tượng nào, bất cứ thời gian nào theo ý muốn của mình. Riêng đối tượng của pháp hạnh nhẫn nại ba la mật không thể tạo theo ý muốn của mình. Vì sao?-Bởi vì những đối tượng làm cho bất bình, không đáng hài lòng, cảnh trái ý nghịch lòng, v.v… xảy ra không ngờ trước.

Ví dụ: Bỗng nhiên có người nào đến chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập ta,… những đối tượng này dễ làm cho tâm sân hận, nổi cơn giận dữ, bực tức phát sanh, nhưng đây chính là các đối tượng của đức tính nhẫn nại, của pháp hạnh nhẫn nại ba la mật. Cho nên, khi nào bổng nhiên có người nào đến chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập ta…, khi ấy mới có cơ hội tốt để cho ta rèn luyện đức tính nhẫn nại cao thượng, để tạo được pháp hạnh nhẫn nại ba la mật.

Sự thật, ta có được đức tính nhẫn nại cao thượng, tạo được pháp hạnh nhẫn nại ba la mật, là nhờ đâu?-Nhờ người khác bỗng nhiên đến chửi rủa, mắng nhiếc,… đánh đập ta. Như vậy, người ấy trở thành ân nhân giúp đỡ ta tạo được đức tính nhẫn nại cao thượng, tạo được pháp hạnh nhẫn nại ba la mật; ta cần phải biết ơn người ấy, do đức tính biết ơn nên tâm sân hận, nổi cơn giận dữ, bực tức người ấy không thể phát sanh, chỉ có đức tính nhẫn nại là đại thiện tâm phát sanh mà thôi. Hơn nữa, người ấy còn là người thật đáng thương. Vì sao?-Bởi vì họ thi hành theo mệnh lệnh vô hình do năng lực ác nghiệp của ta đến thời kỳ cho quả, rồi tự tạo nên ác nghiệp của họ. Nghĩa là người ấy tạo ác nghiệp do bởi ta, nên thật đáng thương; ta có tâm bi đầy thương cảm, nên tâm sân hận, nổi cơn giận dữ, bực tức người ấy không thể phát sanh, chỉ có đức tính nhẫn nại là đại thiện tâm phát sanh mà thôi.

Nếu ta có tâm sân phát sanh bên trong, cố nhịn nhục, không có biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói thô tục hoặc hành vi, cử chỉ thô bạo, thì cũng không thể gọi là đức tính nhẫn nại cao thượng, không tạo được pháp hạnh nhẫn nại ba la mật, do tâm bị ô nhiễm bởi phiền não sân hận.

Vậy, để đạt được đức tính nhẫn nại cao thượng, pháp hạnh nhẫn nại ba la mật, thì ta nên có đức tin trong sạch nơi nghiệp và quả của nghiệp; có chánh kiến về nghiệp của mình; có trí tuệ thấy rõ biết rõ sự tai hại của tính không nhẫn nại và sự lợi ích của đức tính nhẫn nại; cho nên, dù tiếp xúc với đối tượng làm cho bất bình như thế nào hay gặp cảnh trái ý nghịch lòng ra sao, thì vô sân tâm sở đồng sanh với đại thiện tâm phát sanh, mà sân tâm không hề phát sanh; giữ gìn thiện tâm tăng trưởng để tạo pháp hạnh ba la mật cho được đầy đủ, ngõ hầu mong trở thành Đức Phật Toàn Giác, Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác, đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng tịch diệt Niết Bàn, giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

-ooOoo-

ĐOẠN KẾT

Đức tính nhẫn nại thuộc về tâm sở vô sân (adosacetasika) trong thiện tâm, có trạng thái hiền lành, không làm khổ mình, không làm khổ mọi người, mọi chúng sinh.

Tính không nhẫn nại thuộc về tâm sân trong ác tâm, có trạng thái sân hận, giận dữ, bực tức, tự làm khổ mình, làm khổ mọi người, mọi chúng sinh.

Đức tính nhẫn nại như là một thành luỹ vững chắc để tránh xa mọi ác nghiệp do thân, khẩu, ý và làm nền tảng để tạo mọi thiện nghiệp do thân, khẩu, ý, hỗ trợ cho mọi thiện pháp được phát sanh và tăng trưởng tốt như:

-- Đức tính nhẫn nại hỗ trợ giữ gìn giới hạnh được trong sạch và đầy đủ; hỗ trợ việc tiến hành thiền định được phát triển tốt, dẫn đến sự chứng đắc các bậc thiền sắc giới, bậc thiền vô sắc giới; hỗ trợ việc tiến hành thiền tuệ được tăng trưởng tốt, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo-Thánh Quả và Niết Bàn.

-- Đức tính nhẫn nại là vật trang sức của bậc Thiện trí, là pháp hạnh của bậc Phạm hạnh, là sức mạnh bảo vệ của bậc xuất gia, hàng tại gia.

-- Người có đức tính nhẫn nại dễ có tâm từ vô lượng phát sanh, chúng sinh gần gũi thân cận hưởng được sự mát mẻ; có danh thơm tiếng tốt được lan truyền khắp gần xa; giữ gìn được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho cả mình lẫn mọi người, mọi chúng sinh.

-- Người có đức tính nhẫn nại là người thực hành theo lời giáo huấn của Đức Phật, cúng dường Đức Phật một cách cao thượng nhất.

* Quả báu của đức tính nhẫn nại trong kiếp hiện tại là:

-- Người có đức tính nhẫn nại được phần đông chư thiên và nhân loại thương yêu, kính mến, mong muốn được gần gũi, thân cận.

-- Không gây oan trái với ai, nên được nhiều người yêu thương.

-- Không tạo mọi tội lỗi, ác pháp, mà chỉ có tạo mọi phước thiện, nên thiện tâm lúc nào cũng được an lạc tự nhiên, mặt mày trông đáng kính mến.

-- Đến lúc lâm chung, cuối cùng của cuộc đời, tâm không mê muội, tâm trí sáng suốt, minh mẫn, có trạng thái an nhiên tự tại.

* Quả báu của đức tính nhẫn nại trong kiếp vị lai là:

Tâm trí sáng suốt, minh mẫn có trạng thái an nhiên tự tại lúc lâm chung, cho nên sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh cõi thiện giới:

-- Nếu dục giới thiện nghiệp cho quả, thì được tái sanh làm người trong cõi người, sẽ là hạng người có đủ tam nhân (vô tham, vô sân, vô si = trí tuệ), hoặc hoá sanh làm chư thiên ở một trong 6 cõi trời dục giới tuỳ theo năng lực thiện nghiệp của mình.

-- Nếu sắc giới thiện nghiệp cho quả, thì được hoá sanh làm Phạm thiên ở một trong 16 cõi trời sắc giới tuỳ theo bậc thiền sở đắc của mình.

-- Nếu vô sắc giới thiện nghiệp cho quả, thì được hoá sanh làm Phạm thiên ở một trong 4 cõi trời vô sắc giới tuỳ theo bậc thiền sở đắc của mình.

-- Nếu là bậc Thánh A-ra-hán, thì tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Trong đời này, chẳng có ai yêu thương mình bằng mình cả. Yêu thương mình đúng với ý nghĩa, thì cần phải có đức tính nhẫn nại, vì chỉ có đức tính nhẫn nại cao thượng này mới đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho mình thật sự; mới có thể nâng đỡ mình lên bậc cao thượng. Yêu thương người đúng với ý nghĩa, thì cũng phải có đức tính nhẫn nại, vì chỉ có đức tính nhẫn nại cao thượng này mới thật sự đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho mọi người, mọi chúng sinh.

Người có đức tính nhẫn nại, nên giữ gìn, duy trì đức tính nhẫn nại ở trong tâm mình, để làm nền tảng cho mọi thiện pháp được phát triển tốt.

Người chưa có đức tính nhẫn nại, nên thành tâm phát nguyện thọ trì rằng:

"Con xin thành tâm phát nguyện thọ trì pháp hạnh nhẫn nại suốt đời, dù tiếp xúc phải những đối tượng làm cho bất bình như: kẻ ác chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập, v.v… làm khổ con; con vẫn giữ vững đức tính nhẫn nại, không hề có tâm sân hận".

Sau khi đã phát nguyện thọ trì xong, đức tính nhẫn nại ví như một thành luỹ vững chắc bảo vệ mình; mỗi khi có người đến làm khổ mình, đó là cơ hội tốt để mình rèn luyện đức tính nhẫn nại cao thượng, để tạo pháp hạnh nhẫn nại ba la mật cần thiết cho đầy đủ các pháp hạnh ba la mật, làm duyên lành hầu mong giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Mùa an cư nhập hạ Pl.2546
Núi rừng Viên Không
Bà Rịa - Vũng Tàu
Sư Hộ Pháp

-ooOoo-

Ðầu trang | Phần 1 | Phần 2

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2003).


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 01-06-2003