BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Hành Hương Xứ Phật

Phạm Kim Khánh


-01-

KATHMANDU

Trạm dừng chân đầu tiên của đoàn hành hương là Kathmandu, kinh đô xứ Nepal. Trong dòng lịch sử, biên giới xứ Nepal đã có lần thâu hẹp, chỉ bao gồm vùng Kathmandu, và đôi khi cũng mở rộng về cả hai phía, Đông và Tây. Vào thế kỷ thứ XVII vùng Thung Lủng Kathmandu có ba vương quốc độc lập. Đến năm 1768 một trong các vì vua của ba quốc gia nhỏ ấy gồm thâu và trị vì luôn cả ba nước. Vào năm 1817, người Anh xâm chiếm, và đến năm 1858 thì trả nền độc lập lại cho Nepal. Trong khi hầu hết các quốc gia nhỏ trong vùng Á Châu và Phi Châu đều bị chiếm làm thuộc địa thì xứ Nepal đã khéo xoay trở để bảo tồn tình trạng độc lập của mình, trở thành một thành viên của Liên Hiệp Quốc, và năm 1955 được bầu vào Hội Đồng Bảo An trong hai năm.

Mặc dầu Ấn Độ Giáo là tôn giáo chánh thức của xứ này, một số lớn người Nepal -- có thể lối một phần ba -- là Phật tử. Phật Giáo lần đầu tiên được Hoàng Đế Asoka (A Dục) từ Ấn Độ đưa vào Thung Lủng Kathmandu khoảng năm 250 trước Dương Lịch. Sau đó có một số đông người Tây Tạng, di cư và lập nghiệp tại đây. Dầu sao Phật Giáo được người Nepal xem là một triết học và một hệ thống luân lý, hơn là như một tôn giáo, nên có sự pha trộn rất phức tạp giữa Ấn Độ Giáo và Phật Giáo. Trong vùng Thung Lủng có rất nhiều đền thờ Ấn Độ Giáo xây cất kế cận các chùa hay các tháp Phật Giáo. Nhiều đền đài cổ xưa của hoàng cung nằm lẫn lộn với những kiến trúc tân thời ngay trong vùng Durbar Square của thành phố. Patan là thành phố lớn thứ nhì trong vùng thung lủng, tọa lạc ngay bên cạnh Kathmandu. Thành phố này có một ngôi chùa Phật Giáo xinh đẹp, được xây cất vào thế kỷ thứ XII do những thương gia Tây Tạng, lúc bấy giờ qua lại buôn bán. Bên trong chùa có nhiều hình ảnh và tượng Phật đẹp đẻ nguy nga và nhiều hình vẽ rực rỡ.

Trên đỉnh đồi nằm vào phía Đông thành phố có ngôi cổ tự Swayambhunath rộng lớn và nổi tiếng là một trong tám thắng cảnh đẹp nhất của xứ Nepal. Từ đồi nhìn bao quát về thành phố Kathmandu là một bức tranh tuyệt đẹp, nhất là về lúc trời sẩm tối khi đèn điện thành phố vừa bật sáng lên. Tháp Swayambhunath, cổ kính nhất của xứ Nepal, được xây dựng vào khoảng 2,000 năm nay.

Bảo tháp khác, Bodhnath, được xem là một trong những tháp to lớn nhất trên thế giới. Tháp này được kiến tạo cách nay độ khoảng năm thế kỷ, nằm gần phi trường, cách xa thành phố độ 8 cây số về phía Bắc. Bodhnath là trung tâm văn hóa Tây Tạng trong xứ Nepal, và là nơi có nhiều người Tây Tạng sinh sống. Ngoài bảo tháp còn có sáu ngôi chùa Phật Giáo, tất cả đều mới được xây cất gần đây, sau phong trào di cư của người Tây Tạng vào những thập niên năm mươi và sáu mươi.

Trong khắp đó đây trong vùng ta cũng thấy nhiều pho tượng thờ theo truyền thống Ấn Độ Giáo như Thần Brahma, vị tạo hóa, Thần Vishnu (vị Thần có nhiều tay), thần bảo tồn và duy trì, và Thần Shiva, vị thần tiêu diệt và tái tạo. Ngoài ra có những pho tượng như của thần Kalo Bhairab, tìm ra người nói láo (người ta tin rằng người nói láo mà thề trước mặt Ngài là phải chết ngay), thần chữa bệnh trái trời v.v...

-ooOoo-

 

ĐỌC TỤNG KINH MAHĀA PARITTA SUỐT NGÀY

Trước khi sang Mỹ Ngài Thiền Sư Khippapañño đã có hành đạo tại Nepal bảy tháng và quen biết một số huynh đệ tại đây. Khi hay tin Ngài hướng dẫn đoàn hành hương ghé ngang qua thì "Hội Phụ Nữ Phật Tử Nepal" có nhã ý cung thỉnh hơn một trăm năm mươi vị Tăng và Ni, tổ chức đọc kinh Mahā Paritta trong suốt ngày tại chùa Nagar Mandap Srikirti Vihar, Kathmandu, để phúc chúc an lành cho Ngài và phái đoàn. Danh từ Pāli "Paritta" (Sanscrit là Paritrana) có nghĩa chánh là "bảo vệ". Danh từ này mô tả những bài kinh do Đức Phật thuyết giảng, được xem là có tánh cách bảo vệ và giúp thoát khỏi những ảnh hưởng xấu. Nghi thức đọc tụng và lắng nghe những bài kinh bảo vệ (Paritta sutta) bắt đầu từ quá khứ xa xưa trong lịch sử Phật Giáo. Chắc chắn rằng đọc những bài kinh này có tạo trạng thái tâm an lành cho những ai lắng nghe một cách hiểu biết và tin tưởng nơi chân lý của Phật ngôn. Tâm trạng an lành như vậy có thể giúp một người bệnh sớm phục hồi và cũng có thể giúp đưa đến thái độ tinh thần an lạc, hạnh phúc. Vào thời xưa, tại Ấn Độ những người nghe chính Đức Phật nói lên bài kinh Paritta, hiểu biết ý nghĩa của lời kinh, thì có rất nhiều linh nghiệm. Chính Đức Phật cũng được người khác đọc kinh Paritta cho Ngài và có khi Ngài cũng yêu cầu người khác đọc cho các đệ tử của Ngài, khi các vị này lâm bệnh. Nghi thức này vẫn còn thạnh hành trong các quốc gia Phật Giáo.

Đức Phật và chư vị A La Hán có thể gom tâm vào những bài kinh Paritta mà không cần ai giúp. Tuy nhiên, khi đau ốm bệnh hoạn, các Ngài nghe người khác đọc rồi trụ tâm vào Giáo Pháp chứa đựng trong kinh thì dễ dàng hơn là chính các Ngài suy niệm Giáo Pháp. Trong những trường hợp như bệnh nặng, tâm trí mệt mỏi, nếu có ai gợi lên cho ta ý nghĩ hướng về Giáo Pháp thì dễ có nhiều linh hiệu hơn là chính ta tự kỷ ám thị.

Phật Giáo không phải là một lối sống tuyệt đối trí thức hay hoàn toàn duy lý, cũng không phải chỉ thiên về những nghi thức lễ bái tụng niệm, mà bao gồm cả hai sắc thái, trí thức và xúc cảm, của đời sống con người. Thái độ của Đức Phật đối với cuộc sống không phải chỉ là trí thức suông mà thực dụng. Lối sống của người Phật tử không tùy thuộc suông nơi sự hiểu biết trên lý thuyết hay thuần túy trí thức, mà trên một giáo lý dẫn đến thực hành, và chính sự phối hợp giữa lý thuyết và thực hành đã hướng dẫn người tín đồ đến giác ngộ và giải thoát cùng tột.

Theo Phật Giáo, tâm dính liền với thân, mật thiết đến độ những trạng thái tâm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tình trạng an lành của cơ thể vật chất. Có vài bác sĩ cũng nói rằng không có chi thuần túy là bệnh cơ thể. Như vậy ta có thể sửa đổi để làm cho sức khỏe tâm linh và tình trạng an lạc của thân có thể theo đó mà cải thiện. Rung động của những âm thanh mà kinh Paritta tạo nên làm êm dịu thần kinh và đưa đến trạng thái tâm thanh bình an lạc, hòa điệu với toàn thể hệ thống.

Bằng cách nào đọc kinh Paritta có thể đối trị những ảnh hưởng xấu của các chúng sanh bất thiện? -- Chúng ta biết rằng ảnh hưởng xấu ấy là kết quả của những suy tư bất thiện. Như vậy có thể đối trị nó bằng cách dùng trạng thái tâm thiện thay thế các tư tưởng bất thiện. Những trạng thái tâm tốt này sanh khởi do sự lắng nghe những lời dạy của kinh Paritta một cách hiểu biết và với niềm tin vững chắc. Chăm chú lắng nghe giúp gom tâm. Tâm an trụ nhiệt thành theo dõi chân lý của lời Phật dạy sẽ tiêu trừ những tư tưởng bất thiện.

Kinh là lời dạy của Phật. Lời kinh tự nó có một oai lực vô cùng hùng mạnh. Nhưng nếu để yên, không ai đọc tụng hay nghĩ đến thì kinh chỉ có một oai lực "tịnh", không "động". Thành tâm tụng lên câu kinh một cách hiểu biết, hay chú tâm suy niệm ý nghĩa của kinh cũng tựa hồ như thổi vào lời kinh một luồng sống, hay nói cách khác, là khơi động sự sống, khơi động oai lực của kinh. Đức hạnh càng thanh cao và trong sạch, sự chú tâm càng dễ dàng và thâm sâu. Tâm an trụ càng vững chắc, tâm lực càng dũng mãnh. Tâm lực càng dũng mãnh sức khơi động lời kinh càng mạnh, và do đó oai lực của lời kinh càng vững vàng, và lời kinh càng linh nghiệm. Chư Tăng là những vị đã nghiêm trì Cụ Túc Giới. Nhiều vị Tăng cùng hợp lại đọc kinh suốt ngày, những rung động của lời kinh quả thật là nhiệm mầu và sắc bén. Nếu đoàn hành hương chúng tôi thành tâm gắn bó theo dõi lời kinh một cách hiểu biết, trong niềm tin vững chắc, thì thời kinh ắt sẽ mang lại nhiều thành quả tốt đẹp, và trước hết lời kinh sẽ là oai lực "bảo vệ' cho chúng tôi trong cuộc hành trình. Và cũng vì lẽ ấy mà trong suốt cuộc đi, mỗi lần có chút thì giờ rảnh là Ngài Thiền Sư đều có đọc kinh Paritta.

Kinh Paritta có đem lại kết quả mong mỏi mỗi lần đọc tụng hay không? Trả lời một câu hỏi tương tợ của Vua Milinda, "Tại sao trong mọi trường hợp kinh Paritta không bảo vệ ta khỏi chết?" Đại Đức Nagasena nói có ba nguyên nhân làm cho kinh Paritta có thể không linh nghiệm: 1) chướng ngại của nghiệp. Nếu nghiệp của đương sự là phải chết, ắt không thể tránh; 2) chướng ngại của những ô nhiễm trong lòng đương sự. Nếu nghe kinh mà lòng đầy tham ái, sân hận, si mê thì lời kinh sẽ không linh nghiệm; và 3) đương sự không đủ niềm tin.

Kinh Paritta gồm hai mươi ba bài do Đức Phật thuyết giảng và được ghi chép đó đây trong năm bộ A Hàm, hợp chung thành Tạng Kinh (Sutta Pitaka). Trong hai mươi ba bài kinh này thường chỉ đọc ba bài chánh là Mangala Sutta (Hạnh Phúc Kinh), Ratana Sutta (Tam Bảo Kinh) và Mettā Sutta (Từ Bi Kinh). Ngoài ra còn có những bài quan trọng khác như Dhammacakkapavattana Sutta (Kinh Chuyển Pháp Luân), bài Paticca Samuppāda (Kinh Tùy Thuộc Phát Sanh, hay Thập Nhị Nhân Duyên), Saccavibhanga Sutta (Kinh Phân Giải Bốn Chân Lý) hoặc bài Bojjhanga Sutta (Kinh Thất Giác Chi, hay Thất Bồ Đề Phần). Tại Kathmandu, chư Tăng, Ni đọc tụng không những ba bài kinh chánh mà một số lớn trong hai mươi ba bài, nên gọi là Mahā Paritta.

Dưới đây xin kể lại một vài mẫu chuyện xảy diễn trong thời Đức Phật cho thấy sự linh nghiệm của kinh Paritta. Mẫu chuyện sau đây được ghi lại trong Bản Chú Giải kinh Pháp Cú:

Chúng tôi có nghe rằng tại thành Sāvatthi (Xá Vệ) có năm trăm vị tỳ khưu, sau khi được nghe Đức Phật dạy về những đề mục hành thiền có thể dẫn đến Đạo Quả A La Hán thì quyết định cố gắng thực hành. Các Ngài đi đến một làng nọ cách xa lối trăm dặm và chọn một địa điểm thích hợp tại khu rừng cách xóm làng không xa, có thể đi trì bình dễ dàng nhưng không bị tiếng ồn trong làng làm xao lảng.

Tại khu rừng có những vị thọ thần sống trên cây, khi thấy chư Tăng đến thì xuống ngồi dưới đất và bàn thảo với nhau, "Có những vị tỳ khưu vừa mới đến. Nếu các Ngài ở luôn nơi đây thì rất là bất tiện, tất cả chúng ta sẽ phải dời xuống, vì các Ngài ở dưới đất mà chúng ta ở trên thì không phải lẽ. Nhưng chắc các Ngài chỉ ở tạm một đôi ngày rồi sẽ đi." Luận như vậy chư thọ thần ngồi dưới đất chờ. Chờ mãi đến mười lăm ngày mà chư Tăng vẫn còn lưu lại trong khu rừng.

Chừng ấy chư thọ thần nghĩ, "Chắc chắn là những vị tỳ khưu này còn ở lại lâu dài. Chúng ta phải có cách gì làm cho các Ngài rời khỏi chỗ này." Theo chiều hướng của ý nghĩ ấy các vị tạo ra những hình bóng ma, có đầu không mình, hoặc có mình không đầu, ngày đêm rên rỉ la hét. Cùng lúc ấy các vị sư bị nhảy mũi, ho, và nhiều chứng bệnh lắt nhắt khác, tuy không nghiêm trọng nhưng vô cùng khó chịu. Chư Tăng bàn với nhau hãy trở về bạch với Đức Phật tìm cách rời khỏi chốn này.

Khi về đến nơi, vào đảnh lễ Ngài và ngồi lại một bên thì Đức Thế Tôn hỏi, "Có phải là các con không thể ở nơi đó không?"

-- Bạch Hóa Đức Thế Tôn, khi ở đó chúng con thấy nhiều điều đáng kinh sợ nên phải rời bỏ, trở về đây với Ngài.

-- Này chư tỳ khưu, vì lúc ra đi các con không mang theo khí giới. Lần này đi, các con phải nhớ đem theo khí giới.

-- Bạch hóa Đức Thế Tôn, chúng con phải đem theo loại khí giới nào?

-- Như Lai sẽ cho chúng con một loại khí giới để đem theo phòng thân.

Rồi Đức Phật đọc trọn bài kinh về tâm Từ (Mettā Sutta), bắt đầu bằng những câu "karaniyam atthakusalena, yam tam santam padam abhisamecca." có nghĩa là: Người có tài trong việc mưu tìm lợi ích cho mình và có ước nguyện thành đạt trạng thái vắng lặng, nên hành động (như thế này:-) ..."

Khi đọc xong bài kinh về tâm Từ (Mettā Sutta) Đức Phật dạy các vị tỳ khưu nên trở về nơi cũ, và đọc kinh này khi vào rừng. Chư vị tỳ khưu đảnh lễ, bái từ Đức Bổn Sư rồi lên đường trở lại khu rừng. Đến nơi, trước khi vào rừng các Ngài đọc bài kinh về tâm Từ (Mettā Sutta). Lúc ấy các vị thọ thần ở khắp nơi trong rừng cảm nghe nhẹ nhàng thoải mái và kỉnh mộ chư Tăng, cùng nhau đến đón mừng, chia nhau canh gát quanh khu rừng và cùng sống chung với các Ngài.

Kể từ đó chư vị tỳ khưu không còn bị khuấy nhiễu, cuộc sống trở nên an tĩnh, ngày đêm tận lực cố gắng trau giồi và phát triển tuệ minh sát.

Một câu chuyện khác thuật rằng vào một lúc nọ dân chúng trong thị trấn Vesāli trù phú mắc phải ba thiên tai -- nạn chết đói, nạn bị ma quỉ phá rầy và nạn dịch hạch. Trước tiên, vì mùa màng thất thoát, nhiều người nghèo không đủ ăn, phải chết đói. Xác chết nằm la liệt, mùi hôi thúi thu hút cảnh âm bất thiện và sau cùng gây nên bệnh dịch hạch truyền nhiễm rất tai hại.

Trước những tai trời ách nước vô cùng nguy hiểm này, trong lúc dân chúng đang xôn xao bấn loạn thì bỗng nhiên họ nảy sanh ra ý nghĩ cung thỉnh Đức Phật, lúc ấy đang lưu ngụ tại thành Rājagaha gần đó.

Hai vị quý tộc dòng Licchavi dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu liền lên đường sang Rājagaha, hầu Phật và thuật lại tình trạng đau thương vô cùng tuyệt vọng của họ. Đức Tôn Sư chấp nhận lời thỉnh cầu và cùng Đại Đức Ānandađông đảo chư Tăng rời Rājagaha, qua sông Ganges, đến Vesāli.

Khi Đức Phật vừa đến thành Vesāli thì một trận mưa to tầm tã ào xuống, quét sạch thành phố và thanh lọc ô nhiễm trong không khí. Khi ấy Đức Phật giảng bài kinh Ratana Sutta (Tam Bảo Kinh) cho Ngài Ānanda rồi dạy Ngài cùng với chư Tăng và đông đảo dân chúng vừa đi khắp thị trấn vừa đọc kinh này. Ngài Ānanda ôm theo bình bát của chính Đức Phật, đựng nước trong đó và rải nước có đọc kinh cùng khắp. Bản Chú Giải nói rằng khi chư Tăng vừa đi vừa đọc kinh thì các chúng sanh bất thiện trong cõi âm hoảng sợ rút lui. Bệnh dịch hạch cũng tan biến dần. Sau khi chư Tăng đọc kinh để bảo vệ dân chúng trong thành phố xong thì trở về Hội Trường, có Đức Phật chờ ở đó. Nhân cơ hội Đức Phật giảng giải kinh Ratana Sutta cho đám đông. Dân trong làng dâng lễ vật cúng dường để tạo phước và hồi hướng công đức ấy đến chư Thiên và tất cả chúng sanh, mong cầu âm siêu dương khởi.

Một mẫu chuyện khác kể lại rằng ngày nọ, trong lúc đi trì bình, tỳ khưu Angulimāla (Vô Não) nghe tiếng kêu la rên siết bên đàng và được biết rằng đó là một người phụ nữ lâm bồn đang gặp khó khăn. Động lòng bi mẫn, Ngài đem câu chuyện đau thương ấy bạch lại với Đức Phật. Đức Bổn Sư khuyên Ngài quày trở lại đọc những lời xác nhận sau đây:

"Này đạo hữu, từ ngày được sanh vào Thánh tộc tôi chưa hề cố ý tiêu diệt đời sống của một sanh vật nào. Do lời chân thật này, ước mong cô được mẹ tròn con vuông."

Những câu kinh đọc để bảo vệ này được lưu truyền đến ngày nay dưới tên là Angulimāla Paritta. Ngài Angulimāla học thuộc lòng bài kinh Paritta này rồi đi đến nơi, ngồi cách người phụ nữ một bức màn, đọc lại. Người mẹ đau khổ liền sanh được dễ dàng. Đến nay bài kinh này vẫn còn linh nghiệm.

Trên đây là một vài mẫu chuyện cho thấy sự mầu nhiệm của kinh bảo vệ (Paritta).

Trước khi bắt đầu cuộc hành hương đến bốn chỗ động tâm, chiêm bái các Thánh tích, đoàn hành hương được hằng trăm rưởi Tăng, Ni, đọc kinh Paritta suốt ngày thì quả thật là hữu phúc. Lại nữa, đây cũng là cơ hội hy hữu để tạo phước. Mỗi người trong đoàn có thể dâng cúng tứ vật dụng và lễ vật đến các Ngài. Chúng tôi xin có lời thành kính đa tạ tất cả quý vị trong Hội Phụ Nữ Phật Tử Nepal đã tổ chức cuộc tụng kinh Mahā Paritta long trọng này.

Được biết hội phụ nữ này được thành lập vào năm 1981 nhằm mục đích:

1. Giúp người Phật tử Nepal thông hiểu Giáo Pháp của Đức Phật;

2. Tích cực tham gia vào những công trình bảo tồn văn hóa và nghệ thuật Phật Giáo tại Nepal;

3. Giúp cải thiện hoàn cảnh người phụ nữ Nepal và giúp họ tự trau giồi và phát triển về mặt giáo dục, xã hội và kinh tế; và

4. Nhằm củng cố sự giao dịch tốt đẹp với những hội đoàn quốc gia và quốc tế cùng có chung một chí hướng.

Hình ảnh: Chư Tăng tụng kinh Mahā Paritta

 

 

-ooOoo-

BÁNH XE CỦA ĐỜI SỐNG

Trong hầu hết các chùa Tây Tạng đều có vẽ Bánh Xe Của Đời Sống hoặc trên tường, hoặc trước cổng vào. Toàn thể giáo lý của đạo Phật được diễn tả trọn vẹn qua các biểu tượng của hình vẽ này.

Trung Tâm Của Bức Họa: Ba Căn Bất Thiện. Phần nòng cốt của bức hình vẽ là trung tâm điểm đối với những ai còn mãi mãi sống trong vòng luân hồi. Ngay giữa bức họa có một con gà, một con rắn và một con heo, con này cắn đuôi con kia, tiếp nối nhau chạy vòng quanh. Đó là ba con vật tượng trưng cho lòng tham ái, sân hận và si mê. Theo Phật Giáo, một cách vắn tắt, tất cả những hành động bằng thân, khẩu, ý, bắt nguồn từ tham, sân, si đều được xem là bất thiện. Được vẽ ngay trung tâm vì đó là căn cội, là nguyên nhân của tất cả những nghiệp bất thiện và do đó, cũng là căn nguyên của mọi thọ cảm đau khổ trong vòng luân hồi.

Bài kinh Sangiti Sutta, số 33, của bộ Trường A Hàm (Dīgha Nikāya) có ghi: "Có ba căn bất thiện: tham, sân, si. Và có ba căn thiện: không-tham, không-sân và không-si." Ở đây, danh từ "căn" được phiên dịch từ chữ Pāli "mūla", có nghĩa là rễ cây, và hiểu rộng là cội rễ, nguồn cội. Theo tinh thần của Bản Chú Giải, "mūla" hay "căn" là sự nâng đỡ vững chắc, hay nền tảng kiên cố, là nguyên nhân hay điều kiện làm phát sanh. Theo nghĩa bóng của danh từ, cũng có thể hiểu đó là một thứ nhựa (một thể chất có sức dinh dưỡng, như nhựa cây) thiện hay bất thiện, nuôi sống các trạng thái tâm đồng phát sanh, và cũng là nhựa sống dưỡng nuôi các hành động xuất phát từ những "căn" ấy. Một cách giản dị, "căn" là nguyên nhân tạo điều kiện đưa đến hành động, thiện hay bất thiện, và cũng là những trạng thái tâm nằm phía sau các hành động ấy.

Chữ "thiện" được dịch từ Phạn ngữ "kusala". Về ý nghĩa bao quát của danh từ này, sách Atthasālini giải thích là khỏe mạnh (ārogya); là vô tội về phương diện đạo đức (anavajja); và có khả năng tạo quả thuận lợi, an vui, hạnh phúc (sukha vipāka). Như vậy:

1. Thiện (kusala) là tinh khiết, khoẻ mạnh, hiểu theo nghĩa không mang những chứng bệnh vật chất hay tinh thần, do dục vọng gây nên.

2. Thiện (kusala) là vô tội, hiểu theo nghĩa không bị dục vọng đẩy đưa, lôi cuốn đến hành động tạo nghiệp bất thiện, hay gây tội ác.

3. Thiện (kusala) có khả năng tạo quả an vui, hạnh phúc, trạng thái dịu dàng, thoải mái, tiện nghi, thơ thới -- cả vật chất lẫn tinh thần.

Xét theo những ý nghĩa khác nhau của hai danh từ "căn" và "thiện", có thể hiểu rằng "thiện căn" (kusala mūla) là nguồn cội, căn nguyên xuất phát trong sạch, tinh khiết, là nguyên nhân tạo quả an vui, hạnh phúc. Và những hành động nào -- biểu hiện bằng thân, khẩu hay ý -- bắt nguồn từ thiện căn, sẽ tạo thiện nghiệp, đưa đến hậu quả an vui, đáng được ưa thích. Ngược lại, "bất thiện căn" (akusala mūla) là nguồn cội bất tịnh, không tinh khiết, là nguyên nhân tạo quả đau khổ. Và những hành động nào -- biểu hiện bằng thân, khẩu, hay ý -- bắt nguồn từ bất thiện căn sẽ tạo nghiệp bất thiện, đưa đến hậu quả đau khổ, không đáng được ưa thích.

Ba căn bất thiện là tham, sân, si. "Tham" được dịch từ Phạn ngữ "lobha", và chữ này xuất nguyên từ căn "lubh", có nghĩa là bám chặt vào, hay cột lại, hiểu rộng là luyến ái, bám bíu, đeo níu theo. Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), "tham" là một tâm sở sâu kín ngủ ngầm dai dẳng bên trong chúng sanh, làm cho chúng sanh tự cảm thấy thiếu thốn, cần phải có, thèm muốn, khát khao, và tìm phương thế tự thỏa mãn một cách bền lâu. Người tham luôn luôn muốn đem vào và bám chặt vào điều mình muốn, không bao giờ biết đủ. Lòng tham không thể được thỏa mãn hoàn toàn.

"Sân" được dịch từ Phạn ngữ "dosa", hay "patigha". "Dosa" xuất nguyên từ căn "dus", có nghĩa là không bằng lòng, không thỏa mãn, không vừa ý, bất toại nguyện. "Patigha" do căn "pati" là chống lại, và "gha" là chạm vào, đụng chạm, tiếp xúc. Danh từ này bao gồm những tư tưởng ác ý, thù hận, oán ghét, bất toại nguyện, ở nhiều mức độ khác nhau, từ những hình thức sân hận thô kịch đến những bất mãn vi tế nhất. Thí dụ tâm sân có thể phát sanh khi quyền lợi riêng tư của mình bị mất mát, hoặc tự ái của mình bị đụng chạm -- hình thức thô kịch. Nhưng cũng có những xúc cảm bất toại nguyện ẩn núp, biểu hiện dưới hình thức tiêu cực như buồn bã, chán nản, thất vọng, phiền muộn, lo âu v.v... trước đặc tướng vô thường, bất ổn định, bất an toàn của mọi kiếp sinh tồn.

"Si" được dịch từ Phạn ngữ "moha", và chữ này xuất nguyên từ căn "muh" có nghĩa lầm lạc, ảo tưởng, hiểu biết sai lầm. Chính si mê bao trùm đối tượng như một đám mây mờ và làm cho chúng sanh không thấy rõ thực tướng của sự vật. Đây là trạng thái tâm lý mù mờ, hoang mang, như người trong bóng tối mập mờ, nhìn sợi dây thấy là con rắn. Si là nguyên nhân chính đưa đến tham và sân, mà cũng là bạn đồng hành, cùng phát sanh và cùng diệt với tham, sân. Vì mê muội, không nhận thức được thực tướng của sự vật nên con người lầm lạc, khư khư cố chấp ngũ uẩn là "Tự Ngã", là cái "Ta" của mình, là "chính mình". Và từ đó, điều gì vừa lòng cái "Ta" ấy thì ưa thích, thèm muốn, khát khao cố đem vào càng nhiều càng tốt, và khi được rồi thì bám vào, càng chặt càng hay. Trái lại, điều gì nghịch ý với "Ta" thì phật lòng, bất toại nguyện, cố xua đuổi ra. Con người luôn luôn đứng trước sự lựa chọn: thích và không thích. Thích thì khát khao, luyến ái, bám níu -- tức tham. Không thích thì bất mãn, không vừa lòng, giận dữ, cố đẩy lui ra xa -- tức sân.

Chính tham cũng là nguyên nhân đưa đến sân. Điều mong muốn mà không được toại nguyện, điều ưa thích, đã được rồi lại mất, vật hay người ngăn cản hoặc cạnh tranh không cho thành đạt tham vọng, tất cả những tình trạng ấy đều làm cho tâm sân hận phát sanh. Con người chẳng những chỉ tham thỏa mãn nhục dục ngũ trần mà cũng tham quyền thế, tham danh vọng, tham lấn áp người khác v.v..., và lòng tham mà không được thỏa mãn sẽ đem lại phiền não, âu sầu, tuyệt vọng, ganh tỵ v.v... tất cả những trạng thái tâm ấy đều thuộc về tâm sân, hiểu theo nghĩa của Phạn ngữ "patigha", mong muốn một chiều mà sự việc xảy diễn ngược lại, chận đứng, chống lại, hoặc hướng đi chiều khác.

Si mê làm cho con người mù quáng, và do sự mù quáng ấy, con người không nhận chân được hiểm họa vô cùng tai hại trong khi chạy theo dục vọng, cũng như không ý thức được thế nào là phúc lợi thật sự của mình.

Con người văn minh tân tiến của thời hiện đại tự hào đã chế ngự được thiên nhiên và đem lại nhiều tiện nghi vật chất cho đời sống, nhưng thật sự về phương diện tinh thần vẫn chỉ là những con bệnh ươn yếu, luôn luôn bị đẩy đi rồi bị kéo về, bên trong cái tâm mà họ không thể kiểm soát.

Không ngừng bị lòng tham kéo tới, rồi bị tâm sân đẩy lui, nhưng trong tâm trạng mù quáng, con người không hiểu biết được rằng cái thắng để hảm chậm lại, hay dừng hẳn các năng lực tâm linh bất thiện ấy vẫn nằm trong tầm tay và trong phạm vi có thể làm được của tâm trí mình.

Đối nghịch với ba căn bất thiện, tham, sân, si có ba căn thiện là không-tham, không-sân và không-si. Tuy được gọi bằng những danh từ tiêu cực (không... không...) nhưng ba căn thiện này cũng bao gồm luôn những sắc thái hoàn toàn tích cực.

"Không-tham" cũng bao hàm ý nghĩa vị tha bất cầu lợi, rộng lượng, quảng đại, tâm buông bỏ, từ khước. Không-tham cũng là có những tư tưởng, lời nói, hay việc làm có tánh cách hy sinh, san sẻ, chia sớt với người khác những gì mình có.

"Không-sân" cũng có nghĩa từ ái, hảo tâm, thiện ý, bi mẫn, ưu ái, tình giao hảo, khoan dung tha thứ, không gắt gỏng gây phiền muộn mà lấy tình huynh đệ đối xử với mọi chúng sanh.

"Không-si" là minh mẫn sáng suốt, trí tuệ, tri kiến rộng rãi, hiểu biết đúng, tuệ minh sát, sự vật như thế nào thì mình thấy và hiểu biết sự vật đúng như thế ấy, bản chất thật sự của đời sống là vô thường, khổ, vô ngã, thì nhận thức đúng là vậy, không lầm lạc tưởng đời là thường, lạc, và hữu ngã. Không-si cũng là trí phân biện minh bạch, tâm quân bình.

Những hành động cố ý, xuất phát từ sáu căn trên được gọi là nghiệp -- thiện hay bất thiện. Những việc làm hay lời nói cố ý, bắt nguồn từ ba căn bất thiện, cố tình làm hại người, là bất thiện. Theo Phật Giáo, đó là thân và khẩu bất thiện nghiệp. Những tư tưởng xuất nguyên từ ba căn bất thiện -- muốn làm tổn thương, hay muốn sát hại sinh vật, muốn trộm cắp, muốn tà dâm v.v... tuy không biểu hiện ra ngoài bằng việc làm hay lời nói, nhưng về phương diện cá nhân vẫn tạo ý bất thiện nghiệp.

Đức Phật dạy: "... Ngọn lửa tham thiêu đốt người tham lam bị nhục dục ngũ trần làm ô nhiễm. Ngọn lửa sân thiêu đốt người hay nóng giận, người bị thù hận, oán ghét, thúc đẩy đến những hành động gây tổn thương hay sát hại sanh vật. Ngọn lửa si thiêu đốt hạng cuồng si, những người không thể thấy Giáo Pháp cao thượng." (Bài kinh số 33 của bộ Itivuttaka)

Thử nhìn bếp lửa đang cháy. Ngọn lửa từ cây củi phát ra, vừa làm hao mòn chính cây củi ấy, vừa hựt ra hơi nóng, vừa bắt cháy lan tràn sang những cây khác. Cũng cùng thế ấy, ba ngọn lửa tham, sân, si vừa tiêu hao sinh lực người ấp ủ nuôi dưỡng nó, vừa tạo bầu không khí bất an lành chung quanh, vừa lan tràn đầu độc kẻ khác. Và cũng như một đớm lửa nhỏ có thể lan tràn thiêu đốt tàn rụi cả một khu rừng rộng lớn mênh mông, đớm lửa tham, đớm lửa sân, hoặc đớm lửa si, dầu nhỏ nhoi yếu ớt, có tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng và lan tràn gây tai hại, thiêu đốt cả một thế gian.

Thiện Nghiệp Và Bất Thiện Nghiệp.- Từ trung tâm bức họa, vòng tròn bọc quanh chia làm hai phần, một bên sáng và một bên tối. Trong phần nền sáng ai nấy ăn mặc chỉnh tề, đi đứng ngay ngắn, và tiến đến một pho tượng có hào quang. Đó là những vị có hành động tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu, ý, những người đi từ tối tăm đến ánh sáng, hoặc từ sáng đến nơi sáng sủa hơn, luôn luôn hướng về lối sống chân chánh. Hạng trước, đi từ bóng tối đến ánh sáng, là những người đã tạo bất thiện nghiệp trong quá khứ, phải ở trong cảnh nghèo khổ, khó khăn, tuy có ít cơ hội, nhưng tận lực cố gắng thực hành Giáo Pháp, vì lợi ích cho mình và lợi ích cho kẻ khác. Hạng sau, đi từ sáng đến nơi sáng sủa hơn, là những người đã thành đạt khá nhiều phước báu và có nhiều cơ hội trong kiếp sống hiện tại, nhờ nghiệp tốt đã tạo trong quá khứ. Trong hiện tại, những người này tiếp tục con đường đi lên bằng cách gia công thực hành Giáo Pháp.

Trong phần đen của vòng tròn chúng sanh trần truồng, ngả nghiêng ngả ngửa một cách hổn độn, vô trật tự. Trạng thái trần truồng biểu hiện tâm tánh không biết hổ thẹn tội lỗi, không ngại ngùng khi làm điều bất thiện, và trạng thái vô trật tự hàm ý rằng điều ác luôn luôn đưa đến tình trạng hổn độn. Ngả nghiêng có nghĩa là những người ấy đang ngả té và đang đi xuống, vì đã có hành động thấp kém hơn loài người. Những người này đang hướng đến trạng thái tương xứng với hành động của họ, tức thích ứng với nghiệp mà họ đã tạo.

Trong bức tượng, những người này bị cột chùm lại với nhau và từ trên có một nhân vật, tượng trưng quỉ ái dục, đang xô họ xuống. Là quỉ, vì nó vô hình, và con quỉ ái dục không ở bên ngoài người đi trên đường bất thiện mà ở ngay trong tâm họ.

Trên con đường này cũng có hai hạng người. Hạng đi từ ánh sáng vào bóng tối và những người từ bóng tối đến nơi tối tăm hơn. Hạng người trước, đi từ sáng vào tối, có cơ hội tốt trong đời nhưng không biết xử dụng hoặc nữa, họ đã lợi dụng những cơ hội tốt đẹp ấy để làm điều bất thiện, và như thế, họ đã hoang phí những quả phúc đã tạo trong tiền kiếp mà không tạo thêm được gì trong hiện tại để tích trử cho tương lai. Thay vì tạo nghiệp tốt, do tâm si, họ lại chọn đường lối tích trử nghiệp bất thiện ở hiện tại, để rồi phải gặt hái quả dữ trong tương lai, lo sợ và sầu muộn. Những người đi từ bóng tối đến nơi tối tăm hơn còn không có được những ưu điểm của hạng người trước. Họ sanh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ mọi mặt, do nghiệp xấu quá khứ. Chính quả dữ ấy đưa đẩy họ vào những cảnh khổ, và trong hoàn cảnh bất hạnh, họ càng tạo thêm nghiệp xấu.

Những Cảnh Giới Sinh Tồn.-- Bên ngoài hai vòng tròn kể trên là phần biểu tượng cho những cảnh giới mà chúng sanh có thể tái sanh vào. Theo các bức hình vẽ của Tây Tạng thì có năm phần, hai cảnh giới hữu phúc và ba cảnh giới bất hạnh. Hai cảnh giới hữu phúc là cảnh của các vị trời (deva) và cảnh người. Ba cảnh khổ là ngạ quỷ, cảnh thú và địa ngục.

Sự kiện tái sanh vào một cảnh giới nào là hậu quả. Hành động của người ấy trong đời sống là nhân. Quả trổ sanh trong hiện tại do nhân đã tạo trong quá khứ. Một người mãi làm ác, đến lúc lâm chung ắt sẽ thấy cảnh tượng có liên quan đến hành động ác đã làm, hoặc thấy cảnh giới mà hành động bất thiện sẽ đưa mình đến. Khi cơ thể vật chất hiện tại không còn thích hợp để làm nền tảng nâng đỡ đời sống, tâm người ấy sẽ tạo một cơ thể mới. Và chừng ấy, người kia bắt đầu thọ cảm những khổ đau của cảnh giới mà họ đang ở trong đó.

Nghiệp đưa vào cảnh thú là hành động nặng về những gì mà loài người chia sẻ với loài thú. Nếu con người tăng cường tánh chất thú bên trong mình để trở thành "người-thú" thì không thể trông chờ gì khác hơn là tái sanh vào cảnh thú. Muốn giữ mình khỏi phải rơi vào cảnh ngộ ấy con người phải bảo vệ "tánh chất người" (manusa dhamma) của mình, bằng cách nghiêm túc hành trì năm giới. Chìm đắm xuống dưới mức phẩm hạnh của năm giới là đắm chìm xuống dưới mức độ bình thường của loài người.

Phật Giáo dạy rằng người có thể tái sanh vào cảnh thú vì đã tạo bất thiện nghiệp. Tuy nhiên, nếu có tích trử thiện nghiệp thích đáng, từ cảnh thú chết đi, cũng có thể tái sanh vào cảnh người. Một cách chính xác, ta phải nói rằng cái nghiệp đã biểu hiện dưới hình thức thú có thể biểu hiện dưới hình thức người, hay ngược lại. Cũng như luồng điện, biểu hiện dưới hình thức ánh sáng khi ta lắp vào một bóng đèn, có thể biểu hiện dưới hình thức hơi nóng nếu ta gắn vào một bàn ủi, hay trở thành động lực, vận chuyển một giàn máy v.v... Nghiệp đưa vào cảnh địa ngục thường là những hành động thiên về tâm sân, tánh ưa sát hại, hành hà dày xéo và hung bạo với chúng sanh. Con người tự đưa mình vào trạng thái cực kỳ đau khổ của địa ngục vì đã làm cho căn sân trở nên vô cùng hùng mạnh bên trong mình.

Đàng khác, chúng sanh trong cảnh người mà để cho căn tham của mình tăng cường quá độ, sống bỏn xẻn, luyến ái tiền của, ích kỷ, ganh tỵ, ắt sẽ đi đến cảnh giới vô hình có tâm ái dục mạnh mẽ đến độ không bao giờ thỏa mãn được. Vì lẽ ấy chúng sanh này được gọi là ngạ quỉ, tức quỉ đói, chúng sanh cảnh âm luôn luôn ở trong trạng thái đói.

Có lẽ để cho hình vẽ được giản dị, các bức tượng Tây Tạng chỉ mô tả năm cảnh giới, ba cảnh khổ và hai cảnh hữu phúc. Phần tâm lý học Phật Giáo (Abhidhamma) dạy rằng quả địa cầu chỉ là một điểm nhỏ trong vũ trụ bao la, không phải là nơi duy nhất trên đó có sanh linh, mà con người cũng không phải là chúng sanh duy nhất. Tùy theo nghiệp thiện hay bất thiện đã tạo, chúng sanh có thể tái sanh vào một trong ba mươi mốt cảnh nằm trong Tam Giới -- tức Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới -- được kể như sau:

* Dục Giới có bốn (4) cảnh khổ (apāya) là: địa ngục, thú vật, ngạ quỉ, và a-tu-la (asura yoni) .

Cảnh người (1), và Sáu (6) cảnh trời: Tứ Đại Thiên Vương, Đạo Lợi, Dạ Ma, Đấu Xuất Đà, Hoá Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại.

* Sắc Giới có mười sáu (16) cảnh:

Ba cảnh giới tương ứng với Sơ Thiền là Phạm Chúng Thiên, Phạm Thiên Purohita (những vị trời thân cận với các vị Phạm Thiên), Đại Phạm Thiên.

Ba cảnh giới tương ứng với Nhị Thiền là: Thiều Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Quang Âm Thiên.

Ba cảnh giới tương ứng với Tam Thiền là: Thiều Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên.

Ba cảnh giới tương ứng với Tứ Thiền là: Quảng Quả Thiên, Vô Tưởng Thiên, Vô Phiên Thiên. Cảnh Vô Phiên Thiên lại chia làm năm là: Aviha, cảnh giới trường cửu, atappa, cảnh giới thanh tịnh, Sudassa, cảnh giới đẹp đẽ, Sudassi, cảnh giới quang đãng, và Akanittha, cảnh giới tối thượng.

Chỉ có những vị đắc Thiền Sắc Giới mới tái sanh vào mười sáu (16) cảnh trời Sắc Giới kể trên. Trong mỗi tầng Thiền có nhiều bậc. Cũng cùng đắc một tầng, như Sơ Thiền chẳng hạn, mà có người ở bậc thấp còn người thì ở bậc cao. Bậc thứ ba là những vị đã nắm vững hoàn toàn tầng Thiền của mình.

* Vô Sắc Giới có (4) bốn cảnh là Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.

Nên ghi nhận rằng Đức Phật không nhằm mục đích truyền bá một lý thuyết về vũ trụ. Dầu những cảnh giới trên có hay không, điều ấy không ảnh hưởng gì đến giáo lý của Ngài. Theo Phật Giáo, không ai bị bắt buộc phải tin một điều nào, nếu điều ấy không thích hợp với sự suy luận của mình. Tuy nhiên, nếu bác bỏ tất cả những gì mà lý trí hữu hạn của ta không thể quan niệm được thì điều ấy cũng không phải là chánh đáng.

Thập Nhị Nhân Duyên.-- Vòng ngoài của hình vẽ, hay cái niềng của bánh xe, tượng trưng mười hai giai đoạn của pháp Tùy Thuộc Phát Sanh (Paticca Samuppāda) hay Thập Nhị Nhân Duyên. Đó là những giai đoạn, những vòng khoen nối liền nhau đưa toàn thể chúng sanh vào trạng thái luôn luôn trở thành, luôn luôn đau khổ. "Paticca" là bởi vì, hay tùy thuộc nơi; "samuppāda" là phát sanh, hay xuất nguyên. Nên hiểu phương pháp tương quan của Thập Nhị Nhân Duyên như sau: Bởi vì có A nên B phát sanh, bởi vì có B nên C phát sanh. Khi không có A tức không có B, khi không có B thì cũng không có C. Nói cách khác, cái này như vầy thì có cái kia; cái này không phải như vầy thì không có cái kia.

Thập Nhị Nhân Duyên là một bài giảng về tiến trình của hiện tượng sanh-tử chớ không phải là một lý thuyết triết học về sự tiến hóa của vũ trụ. Giáo lý này chỉ đề cập đến vấn đề nguồn gốc của vòng sanh tử luân hồi, tức nguồn gốc của sự đau khổ, và chỉ nhắm mục đích giúp chúng sanh thoát ra khỏi các phiền não của đời sống chớ không tìm giải thích những bí ẩn liên quan đến nguồn gốc cùng tột của vũ trụ. Pháp Thập Nhị Nhân Duyên chỉ giải thích "sự phát sanh của một trạng thái, tùy thuộc nơi trạng thái trước, kế đó".

Vòng khoen đầu tiên là Vô Minh (Avijjjā). Nói rằng Vô Minh là vòng khoen đầu tiên không phải xác nhận Vô Minh là nguyên nhân đầu tiên của những kiếp sinh tồn, mà là yếu tố do đó phát sanh đau khổ trong tiến trình sanh-tử. Tất cả mười hai yếu tố đều liên tục tiếp diễn.

Vô Minh là không hiểu biết những thực tại căn bản và chánh yếu của kiếp sinh tồn, tức không nhận thức chân lý về sự đau khổ, chân lý về nguồn gốc của sự đau khổ, chân lý về sự chấm dứt đau khổ, và chân lý về con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ, tức không hiểu biết Tứ Diệu Đế. Vì tình trạng không hiểu biết này, người thế gian mà không được dạy, mãi ôm ấp tà kiến, xem những gì vô thường là thường còn, cái khổ là vui sướng, cái vô ngã là linh hồn trường cửu, cái không có thần linh là thần linh, điều bất tịnh là tịnh, và cái không thực là thực. Lại nữa, vô minh là không nhận thức bản chất giả hợp của năm uẩn (pancakkhandha, ngũ uẩn), hay tâm và thân.

Vô Minh là nguyên nhân chánh làm động lực thúc đẩy, chuyển động bánh xe của đời sống.

Tùy thuộc nơi Vô Minh, Hành (Sankhārā) phát sanh. Phạn ngữ sankhārā (Hành) có rất nhiều nghĩa. ở đây Hành là những hành động tạo nghiệp, hay một cách chính xác, là tác ý (cetanā) nằm phía sau hành động. Chính nghiệp này sẽ đưa đi tái sanh. Tất cả những tư tưởng, lời nói và việc làm, thiện hay bất thiện, đều được bao hàm trong Hành (sankhārā). Những hành động có tác ý -- dầu thiện hay bất thiện -- đều trực tiếp xuất nguyên từ Vô Minh hay bị Vô Minh gián tiếp làm động cơ thúc đẩy, và nhất định phải tạo nghiệp, nghĩa là kéo dài thêm cuộc hành trình xa xôi của vòng luân hồi.

Vô Minh chiếm một phần quan trọng trong những hành động bất thiện, và vẫn có tiềm tàng ngủ ngầm trong những hành động thiện. Như vậy, cả hai loại hành động -- thiện và bất thiện -- đều được coi là bắt nguồn từ Vô Minh.

Tùy thuộc nơi Hành, tức hành động tạo nghiệp thiện hay bất thiện, trong kiếp sống vừa qua, phát sanh Thức (Viññāna). Thức này cũng được gọi là Thức-Tái-Sanh (patisandhi viññāna), hay Thức-Nối-Liền, vì là tâm thức nối liền hai kiếp -- quá khứ và hiện tại. Đây là thức đầu tiên trong một kiếp sống của chúng sanh.

Danh-Sắc (Nāma-Rūpa) phát sanh cùng lúc với Thức-Tái-Sanh. Danh từ kép "Danh-Sắc" gồm hai hợp tổ: "Danh" (phần vô hình) và "Sắc" (phần hữu hình) của một chúng sanh. Danh, phần tâm linh (vô hình), là ba uẩn: Thọ, Tưởng, Hành, cả ba cùng phát sanh một lượt với Thức, hay "Thức-Tái-Sanh". Sắc là cơ thể vật chất. Danh-Sắc như thế nào phần lớn là do nghiệp quá khứ, tức Hành, tạo nên.

Tùy thuộc nơi Danh-Sắc phát sanh Lục Căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Nếu không có Danh-Sắc ắt không có Lục Căn phát sanh. Bởi vì có Sắc hiện hữu (Rūpa) mới có các giác quan vật thể -- nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân -- và bởi vì có ý căn (manāyatana) những loại tâm khác nhau của các giác quan vật lý mới có thể sinh hoạt. Vì lẽ ấy, Danh-Sắc và Lục-Căn không thể không tương quan với nhau và tùy thuộc lẫn nhau.

Tùy thuộc nơi Lục Căn phát sanh Xúc. Mỗi căn -- nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý -- đều có những đối tượng và những sinh hoạt riêng biệt. Mỗi đối tượng của Lục Căn, tức lục trần -- sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp -- tiếp chạm với căn liên hệ, làm phát sanh một loại thức. Như sắc, chạm với nhãn, làm phát sanh nhãn thức, thinh chạm với nhĩ làm phát sanh nhĩ thức v.v... Điểm giao hợp của ba yếu tố liên quan -- căn, trần, và thức -- là Xúc. Xúc hoàn toàn khách quan.

Tùy thuộc nơi Xúc, Thọ phát sanh. Một cách chính xác, chính Thọ cảm giác một đối tượng khi đối tượng ấy tiếp xúc với giác quan. Chính Thọ thâu nhận quả lành hay quả dữ của những hành động trong hiện tại hay trong quá khứ.

Tùy thuộc nơi Thọ, Ái (tanhā) phát sanh. Ái hay ái dục, là tham lam, khao khát, ham muốn, dục vọng, nóng lòng thèm khát, mong mỏi, ước mơ, yêu đương, tình thương trong gia đình v.v.... Tất cả những hình thức thèm thuồng ham muốn đều được bao hàm trong Ái.

Có ba loại Ái là: ái dục duyên theo nhục dục ngũ trần (kāmatanhā); luyến ái đời sống (bhavatanhā); và luyến ái trong sự không có đời sống, vô sanh (vibhavatanhā). Theo các bản chú giải thì hai loại ái dục sau là ái dục duyên theo những khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ trương thường kiến, nghĩa là trong lúc thọ hưởng có ý nghĩ rằng vạn vật là trường tồn vĩnh cửu (sassataditthi) và những khoái lạc này sẽ mãi mãi tồn tại; và ái dục duyên theo những khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ trương đoạn kiến (ucchedaditthi)-- trong lúc thọ hưởng, nghĩ rằng tất cả đều tiêu diệt sau khi chết. Chết là hết. Bhavatanhā cũng có nghĩa là luyến ái trong Sắc Giới, và vibhavatanhā là luyến ái trong Vô Sắc Giới, vì rūparāga là ham muốn đeo níu trong Vô Sắc Giới, và ar|parāga là ham muốn đeo níu trong Vô Sắc Giới, cũng được xem là hai thằng thúc (sañyojanas), dây trói buộc cột chặt chúng sanh vào vòng luân hồi.

Đối với người thường trong dân gian, loại ái dục đeo níu theo nhục dục ngũ trần phát triển một cách rất tự nhiên. Chế ngự tình trạng khao khát của Lục Căn thật khó vô cùng. Vô Minh và Ái Dục là hai nguyên nhân chánh làm chuyển động bánh xe luân hồi.

Vô Minh là nguyên nhân trong quá khứ, tạo điều kiện cho hiện tại. Ái dục là nhân trong hiện tại, tạo điều kiện cho tương lai.

Tùy thuộc nơi Ái, phát sanh Thủ (upādāna), cố bám chặt vào vật ham muốn. Thủ là ái dục tăng trưởng đến mức cao độ. Ái dục như dò dẫm mò đường đi trong đêm tối để lấy trộm một vật. Thủ như chính sự trộm cắp. Nguyên nhân sanh ra Thủ là cả hai, luyến ái và lầm lạc. Do Thủ phát sanh ý thức sai lầm "Tôi" và "Của Tôi".

Tùy thuộc nơi Thủ, Hữu (Bhava) phát sanh. Bhava, hữu, có nghĩa là đang trở thành. Hữu là cả hai, hành động tạo nghiệp (kamma- bhava) thiện hay bất thiện (tiến trình tích cực của sự trở thành) và những cảnh giới của chúng sanh (tiến trình tiêu cực của sự trở thành.

Có sự khác biệt tế nhị giữa Hành (sañkhārā) và Hữu (kammabhava). Hành là hành động trong quá khứ. Hữu là hành động trong hiện tại. Cả hai đều là hành động tạo nghiệp. Hữu (kammabhava) tạo điều kiện cho sự tái sanh sắp đến trong tương lai.

Tùy thuộc nơi Hữu có Sanh (Jāti) trong kiếp kế. Một cách chính xác, Sanh là sự phát sanh của những hiện tượng tâm-vật-lý.

Lão và Tử (Jarāmarana) là hậu quả hiển nhiên của Sanh.

Trong bức họa, mỗi vòng khoen của Thập Nhị Nhân Duyên được mô tả bằng một hình vẽ tượng trưng. Như ba người mù mò mẫm đường đi là vô minh. Hai người thợ đồ gốm là hành, món đồ được tạo ra là nghiệp. Nếu món đồ tốt thì đó là thiện nghiệp, nếu xấu là bất thiện nghiệp. Hai con khỉ tượng trưng cho thức vì thức luôn luôn chạy nhảy. Danh-sắc được xem như thuyền với nước, lục căn như sáu cái cửa của một ngôi nhà v.v...

Quỉ Vô Thường.- Trong bức họa, Bánh Xe Của Đời Sống nằm trọn vẹn trong nanh vút đáng kinh sợ của một con quỉ. Và đây là quỉ Vô Thường. Đầu đội mão, có nghĩa là quỉ này có nhiều oai quyền. Trong thực tế quyền uy của nó bao trùm toàn thể vũ trụ, bất luận cảnh giới nào trong Tam Giới (Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới). Nó cắn xé nghiến ngấu tất cả. Và tất cả, từ địa ngục đến các cảnh trời Vô Sắc, đều nằm vỏn vẹn trong bàn tay đầy móng nhọn của nó. Trên mão có năm sọ người, tượng trưng ngũ uẩn, biểu hiện đặc tướng vô thường của vạn pháp. Phía trên hai mắt của ác quỉ còn có con mắt thứ ba -- mắt trí tuệ -- ngụ ý rằng đối với hạng điên cuồng, lý vô thường là kẻ thù nghịch, nhưng với bậc thiện trí, chính luật vô thường ấy nâng đỡ các Ngài đến Giác Ngộ.

Vô thường là biến đổi. Do định luật vô thường, người tốt có thể trở thành xấu, nhưng cũng nhờ định luật vô thường mà người xấu có thể trở nên tốt. Do định luật vô thường, cành hoa tươi tốt vừa nở tung một cách huy hoàng buổi sáng phải héo xào vào buổi chiều; người tráng niên khỏe mạnh hôm nay sẽ trở nên già nua bệnh hoạn trong một ngày mai; gia đình đông con nhiều cháu, sum hợp vui vầy hạnh phúc trong hiện tại sẽ tan rã chia lìa dần dần, người đi cảnh này kẻ cảnh khác. Tuy nhiên, cũng do định luật vô thường hột trở thành cây, cây con trở thành cây lớn cành lá sum sê. Nhờ vô thường mà nụ trở thành hoa. Cũng nhờ vô thường, người sát nhân Angulimāla trở thành bậc Thánh nhân, nhờ có vô thường mà Vua Asoka (A Dục), có tiếng là hung ác bạo tàn, trở thành một đấng minh quân, đổi những trận giặc xâm lăng khốc liệt ra những chiến dịch truyền bá giáo lý cao siêu, đượm nhuần từ bi và trí tuệ của Phật Giáo để mưu cầu hạnh phúc cho một phần nhân loại.

Vô thường là đặc tướng của tất cả các pháp hữu vi, là bản chất của vạn pháp, và như thế, dính liền với mọi kiếp sinh tồn. Nếu không có vô thường ắt không có cải tiến. Nhưng nếu để định luật vô thường biến đổi mình từ tốt ra xấu, từ trong sạch đến nhiễm ô, từ sáng suốt đến mê lầm, thì quả là tệ hại. Giáo Pháp dạy ta tinh tấn, kiên trì tinh tấn, tận lực tinh tấn, không ngừng nỗ lực lợi dụng bản chất vô thường để gội rửa bợn nhơ trong tâm, làm cho tâm trở nên thanh khiết và chuyển dần từ ác đến thiện, từ bóng tối vô minh đến Ánh Sáng Chân Lý, từ bờ mê đến bến giác. Đức Phật dạy:

"Này chư tỳ khưu, sắc này là vô thường. Cái gì là nguyên nhân và cái gì tạo duyên cho cơ thể vật chất này được cấu thành cũng vô thường. Như vậy, có thể nào sắc -- được tạo nên do những gì vô thường -- lại có thể thường còn không?

"Thọ này là vô thường..., tưởng này là vô thường ..., hành này là vô thường ..., thức này là vô thường. Cái gì là nguyên nhân tạo duyên cho thọ, tưởng, hành, thức phát sanh cũng là vô thường. Như vậy có thể nào, thọ, tưởng, hành, thức là thường còn không?

"Thông hiểu như thế, này chư tỳ khưu, bậc đệ tử cao quí đã được giảng dạy đầy đủ không luyến ái sắc, không luyến ái thọ, không luyến ái tưởng, không luyến ái hành, không luyến ái thức. Vì đã chấm dứt mọi luyến ái, vị này có tâm buông xả, không bám níu vào chính mình. Nhờ buông bỏ, vị này đã giải thoát, và trong khi giải thoát, vị này biết mình đã giải thoát và thấu hiểu rằng mọi tái sanh đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh đã viên mãn thành tựu, những gì phải làm đã được hoàn tất như ý nguyện, không còn trở lại trạng thái này hay trạng thái kia nữa." - (Tạp A Hàm, Phẩm Khanda Vagga, XXII, 18)

Kết Luận.- Trong tình trạng vô minh ta hành động, tạo nghiệp, gieo nhân. Nhân đã gieo ắt quả trổ sanh. Nhân trong quá khứ là vô minh và hành. Quả trổ sanh trong hiện tại là thức, danh-sắc, lục căn, xúc, thọ. Có ba loại thọ: thọ lạc, thọ khổ và thọ vô ký. Ái là phản ứng của ta đối với thọ. Không phải chỉ có thọ lạc mới tạo duyên cho ái phát sanh, mà những cảm giác khổ đau và khó chịu cũng vậy. Một người trong cảnh khốn cùng khát khao mong muốn thoát ra khỏi trạng thái đau khổ và ước vọng được hạnh phúc và thảnh thơi. Người giàu có, khoẻ mạnh, khát khao ham muốn có thêm khoái lạc. Ái dục không cùng tận. Cũng như trâu bò thả ăn ngoài đồng, luôn luôn di chuyển để tìm cỏ xanh tươi mới, cùng thế ấy, con người chạy theo những dục lạc phù du huyền ảo cũng không ngừng tìm nhiên liệu cho ngọn lửa tham của đời sống. Khi được điều mong mỏi thì ôm chặt, bám chắc vào, tức thủ. Rồi có những hành động mới, hữu, để bảo tồn cái đã có và thêm những cái mới. Đây là hành động trong hiện tại, và nghiệp này sẽ trổ quả trong tương lai là sanh và lão, rồi tử. Hai vòng khoen đầu -- vô minh, hành -- thuộc về quá khứ. Tám vòng khoen giữa thuộc về hiện tại. Trong tám vòng khoen này năm vòng đầu -- thức, danh-sắc, lục căn, xúc, thọ -- là quả trổ sanh trong hiện tại (do nhân vô minh và hành trong quá khứ), và ba vòng sau -- ái, thủ, hữu, là nghiệp được tạo trong hiện tại. Nghiệp này sẽ trổ quả trong tương lai là sanh và lão, tử.

Tiến trình nhân và quả liên tục diễn tiến vô cùng tận. Sanh rồi tử, tử rồi sanh, triền miên tiếp diễn:

"Chính vô minh dẫn dắt ta đi vòng quanh ảm đạm rày đây mai đó, của chuỗi dài sanh-tử, tử-sanh vô cùng tận". (Buddha's Teaching, Chalmers, câu 729-730)

Không thể nhận ra được khởi điểm của tiến trình ấy vì ta không thể quan niệm được lúc nào trong dòng thời gian vô tận, luồng sống của ta không bị màn vô minh bao phủ.

Quả phát sanh vì có nhân. Nếu không có nhân tức không có quả. Nếu nhân bị diệt tức nhiên quả cũng diệt. Nguyên nhân của vòng quanh đau khổ là Vô Minh và Ái Dục. Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến chấm dứt Vô Minh và Ái Dục, và Tứ Niệm Xứ là pháp hành nhằm mục tiêu tận diệt Vô Minh và Ái Dục.

Chấm dứt hai tệ hại này bậc Thánh nhân phá vỡ Bánh Xe Của Đời Sống và hoàn toàn giải thoát.

-ooOoo-

Bánh xe luân hồi:

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | Mục lục


Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 09-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 15-09-2004