Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

GƯƠNG BẬC XUẤT GIA
(Anagāriyūdāharana)

Dhammarakkhita Bhikkhu
(Tỳ khưu Hộ Pháp)


Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

ÐOẠN KẾT

KẾT TẬP TAM TẠNG LẦN THỨ NHẤT

Hệ phái Theravāda là hệ phái tuân theo tôn chỉ của chư Ðại Trưởng Lão trong kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhất gồm có 500 bậc Thánh A-ra-hán, là những bậc đã chứng đắc Tứ tuệ phân tích, Lục thông..., thông thuộc Tam tạng và Chú giải, do Ðại Trưởng Lão Mahākassapa chủ trì.

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhất được tổ chức vào thời kỳ sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn được 3 tháng 4 ngày, tại động Sattapanni gần thành Rājagaha xứ Māgadha.

Lễ kết tập Tam tạng lần này, Ðại Trưởng Lão Mahākassapa đọc tuyên ngôn (ñatti) và thành sự ngôn (kammavācā) có đoạn quan trọng như sau:

Ngài Ðại Trưởng Lão Mahākassapa đọc tuyên ngôn đoạn chót rằng:

"... Yadi saṃghassa pattakallaṃ, saṃgho appaññattaṃ nappaññapeyya, paññattaṃ na samucchindeyya, yathā paññattesu sikkhāpadesu sammādāya vatteyya. Esā ñatti"...

"Nếu lời tuyên ngôn hợp thời đối với chư Tăng, xin chư Tăng không nên chế định điều nào mà Ðức Phật không chế định; không nên xóa bỏ điều nào mà Ðức Phật đã chế định. Chúng ta phải nên giữ gìn, thực hành nghiêm chỉnh đúng theo những điều học mà Ðức Phật đã chế định. Ðó là lời tuyên ngôn cần phải biết".

Tất cả chư Tăng 500 bậc Thánh A-ra-hán đều đồng tâm nhất trí tuân theo lời tuyên ngôn của Ðại Ðức Mahākassapa, cho nên đoạn cuối lời thành sự ngôn Ngài khẳng định lại một lần nữa rằng:

"... Saṃgho appaññattaṃ nappaññapeti, paññattaṃ na samucchindati, yathā paññattesu sikkhāpadesu samādāya vattati, khamati saṃghassa, tasmā tuṇhī evametaṃ dharayāmi".

[Vinayapiṭaka, Cūḷavaggapāḷi, phần Sangitinidāna].

"... Chư Tăng không được chế định điều nào mà Ðức Phật không chế định; không được xóa bỏ điều nào mà Ðức Phật đã chế định. Chúng ta cần phải giữ gìn, duy trì, thực hành nghiêm chỉnh đúng theo những điều học mà Ðức Phật đã chế định. Sự hài lòng đối với chư Tăng. Cho nên tất cả chư Tăng đều làm thinh. Tôi ghi nhận sự hài lòng này bằng trạng thái làm thinh như vậy".

Ðại Trưởng Lão Mahākassapa tụng tuyên ngôn và thành sự ngôn xong, tất cả chư Tăng 500 bậc Thánh A-ra-hán đồng hoan hỉ theo lời dạy của Ngài; cuộc kết tập bắt đầu là Luật tạng, vì Luật tạng là nền tảng căn bản, là tuổi thọ của Phật giáo.

Chư Thánh A-ra-hán chứng minh rằng:

"Vinayo nāma Buddhasāsanassa āyu.
Vinaye ṭhite, sāsanaṃ ṭhitaṃ hoti".

[Vinayapiṭaka, Pārājikakaṇḍa Aṭṭhakathā, Nidānakathā]

"Luật tạng là tuổi thọ Phật giáo.
Khi Luật tạng được trường tồn,
Thì Phật giáo được trường tồn".

Luật tạng được kết tập xong, kết tập đến Kinh tạng và Vi diệu pháp tạng. Cuộc kết tập Tam tạng lần thứ nhất trong suốt thời gian 7 tháng mới hoàn thành đầy đủ Tam tạng và bộ Chú giải, bằng cách khẩu truyền (Mukhapātha), chưa ghi chép bằng chữ viết.

Cuộc kết tập Tam tạng lần này do nhờ đức vua Ajātasattu trị vì xứ Māgadha hộ độ.

Giáo pháp của Ðức Phật thuyết giảng từ khi chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác cho đến khi tịch diệt Niết Bàn suốt 45 năm được kết thành tạng (piṭaka), gồm 3 tạng:

Luật tạng (Vinayapiṭaka).
Kinh tạng
(Suttantapiṭaka).
Vi diệu pháp tạng
(Abhidhammapiṭaka).

- Kết tập thành bộ (nikāya) gồm 5 bộ:

1- Trường bộ kinh (Dīghanikāya).
2- Trung bộ kinh (Majjhimanikāya).
3- Ðồng hợp bộ kinh
(Saṃyuttanikāya).
4- Chi bộ kinh (Aṅguttaranikāya).
5- Tiểu bộ kinh
(Khuddakanikāya).

- Kết tập thành chi (aṅga) gồm 9 chi:

1- Sutta: gồm những bài kinh lẫn kệ và Luật tạng được ghép vào chi này.
2- Gayya: gồm những bài kinh bằng những bài kệ.
3- Veyyākaraṇa: gồm những bài kinh bằng văn xuôi và Vi Diệu pháp tạng được ghép vào chi này.
4- Gathā: gồm những bài kệ (không có tên bài kinh).
5- Udāna: gồm những bài kệ do cảm ứng tự thuyết.
6- Itivuttaka: gồm những bài kinh bắt đầu bằng: "Vuttaṃ hetaṃ Bhagavatā...".
7- Jātaka:
Tiền thân của Ðức Phật gồm có 547 tích truyện, bắt đầu tích Apannakajātaka đến tích cuối cùng Vessantarajātaka.
8- Abbūtadhamma: gồm những bài kinh có những pháp phi thường chưa từng có từ trước.
9- Vedalla: gồm những bài kinh vấn đáp bằng trí tuệ hợp với hỷ.

- Kết tập thành pháp môn (Dhammakkhandha) gồm 84.000 pháp môn.

- Luật tạng gồm có 21.000 pháp môn.
- Kinh tạng gồm có 21.000 pháp môn.
- Vi diệu pháp tạng gồm có 42.000 pháp môn.

Trong kinh Mahāparinibbānasutta (Dīgha Nikāya) (kinh Ðại Niết Bàn) Ðức Phật gọi Ðại Ðức Ānanda khuyên dạy rằng:

- Này Ānanda, đôi khi trong nhóm các con có ý nghĩ rằng: "Sau khi Ðức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn rồi, Ðức Tôn Sư của chúng ta không còn nữa (natthi no satthā)". Các con chớ nghĩ như vậy!

Ðức Phật dạy:

- Yo vo Ānanda mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto, so vo mamaccayena satthā...

"Này Ānanda "Dhammo": Pháp nào Như Lai đã thuyết giảng, và "Vinayo": Luật nào Như Lai đã chế định, ban hành đối với các con, chính Pháp và Luật ấy là Ðức Tôn Sư của các con sau khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn...".

Trong Chú giải đoạn kinh này Ðức Phật giải thích:

- "Vinayo", Luật: đó là Luật tạng.
- "Dhammo", Pháp: đó là Kinh tạng và Vi diệu pháp tạng.

Tam tạng gồm 84.000 pháp môn.

Ðức Thế Tôn giải thích rằng:

- "Iti imāni caturāsiti dhammakkhandhasahassāni tiṭṭhanti, ahaṃ ekova parinibbayāmi.
Ahañca kho pana dāni ekakova ovadāmi anusāsāmi, mayi parinibbute imāni caturāsiti dhammakkhandhasahassāni tumhe ovadissanti anusāsissanti".

"Như vậy, 84.000 pháp môn tồn tại, chỉ có một mình Như Lai tịch diệt Niết Bàn.

Và ngay bây giờ, chỉ có một mình Như Lai dạy dỗ, nhắc nhở chỉ bảo các con, khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn rồi, thì 84.000 pháp môn dạy dỗ, nhắc nhở chỉ bảo các con".

Qua đoạn Chú giải trên, chứng tỏ, Chú giải là lời thuyết giảng, giải thích của chính Ðức Phật gọi là Pakiṇṇakadesanā, hoặc lời giải thích của chư bậc Thánh A-ra-hán trong thời kỳ Ðức Phật còn tại thế và trong các thời kỳ kết tập Tam tạng và Chú giải.

Cho nên Ðức Phật dạy:

- So vo mamaccayena Satthā.

"Luật và Pháp, hay 84.000 pháp môn ấy, là Tôn Sư của các con, sau khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn".

Cuộc kết tập Tam tạng và Chú giải xong, chư Ðại Ðức phân chia phận sự giao phó cho các hàng đệ tử của mình học thuộc lòng mỗi tạng, hoặc có khả năng học thuộc trọn bộ Tam tạng. Như Ðại Ðức Upāli có bổn phận dạy cho các đệ hàng tử học thuộc lòng tạng Luật... để duy trì giáo pháp của Ðức Phật.

Giáo pháp của Ðức Phật được giữ gìn duy trì đầy đủ Tam tạng và Chú giải, tất cả chư Tỳ khưu Tăng nghiêm chỉnh thực hành theo tôn chỉ của chư Ðại Trưởng Lão suốt 100 năm, hoàn toàn trong sạch.

KẾT TẬP TAM TẠNG LẦN THỨ NHÌ

Giáo pháp của Ðức Phật được giữ gìn duy trì đúng theo chánh pháp trải qua được 100 năm, thì có nhóm Tỳ khưu Vajjīputta xứ Vesāli đặt ra 10 điều không hợp với pháp luật của Ðức Phật là:

1- Kappati siṅgiloṇakappo: Tỳ khưu cất giữ muối trong ống bằng sừng với tác ý rằng để làm đồ gia vị thức ăn ngày hôm sau, cũng được.

2- Kappati dvaṅgulakappo: Tỳ khưu thọ thực quá ngọ mặt trời ngã qua hai lóng tay, cũng được.

3- Kappati gāmantarakappo: Tỳ khưu đã ngăn cản vật thực rồi tự nghĩ rằng: bây giờ ta đi vào xóm để dùng vật thực nữa mà không cần làm đúng theo Luật, cũng được.

4- Kappati āvasakappa: Trong cùng Mahāsīmā, có nhiều nhóm riêng rẽ hành uposathakamma, cũng được.

5- Kappati anumatikappa: Chư Tăng trong nhóm hành Tăng sự nghĩ rằng: sẽ cho phép Tỳ khưu đến sau, cũng được.

6- Kappati ācinnakappa: Tỳ khưu hành theo pháp mà Thầy Tổ của mình thường thực hành, cũng được.

7- Kappati amathitakappa: Tỳ khưu đã ngăn cản vật thực rồi, dùng sữa tươi đã biến chất, chưa biến thành sữa chua, cũng được.

8- Kappati jaḷogiṃ pātuṃ: Tỳ khưu uống rượu nhẹ chưa thành chất say, cũng được.

9- Kappati adasakaṃ nisīdanaṃ: Tỳ khưu dùng tọa cụ không có đường lai, cũng được.

10- Kappati jātarūparajataṃ: Tỳ khưu thọ nhận vàng bạc, cũng được.

Ðó là 10 điều do nhóm Tỳ khưu Vajjìputta đề xướng không đúng theo chánh pháp của Ðức Phật.

Ngài Ðại Trưởng Lão Yassa Kākaṇṇakaputta (Mahāyassa), nghe tin nhóm Tỳ khưu Vajji xứ Vesāli đặt ra 10 điều như vậy, Ngài liền đến tận nơi hội họp chư Tỳ khưu Tăng giải thích để cho họ hiểu rõ đó là 10 điều sai lầm, không hợp với luật pháp của Ðức Phật.

Ðây cũng là nguyên nhân khiến Ðại Trưởng Lão Yassa Kākaṇṇakaputta triệu tập kỳ kết tập tam tạng lần thứ nhì tại ngôi chùa Vālikārama, gần thành Vesāli khoảng 100 năm sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn.

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhì này gồm có 700 bậc Thánh A-ra-hán có đầy đủ Tứ tuệ phân tích, Lục thông, thông thuộc Tam tạng, Chú giải... do Ngài Yassa Kākaṇṇakaputta làm chủ trì, Ðại Trưởng Lão Revata vấn, Ðại Trưởng Lão Sabbakāmi giải đáp... Công cuộc kết tập thực hiện trong suốt thời gian 8 tháng mới hoàn thành xong trọn bôï Tam tạng và Chú giải, hoàn toàn y theo bổn chánh của kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhất.

Kỳ kết tập Tam tạng lần này cũng bằng khẩu truyền (mukhapātha, chưa ghi chép bằng chữ viết), được đức vua Kālāsoka xứ Vesāli hộ độ.

Giáo pháp của Ðức Phật một lần nữa được giữ gìn duy trì đúng theo chánh pháp, tất cả chư Tỳ khưu thực hành nghiêm chỉnh giới luật làm cho những người chưa có đức tin nơi Tam bảo, lại phát sanh đức tin; những người nào đã có đức tin trong sạch nơi Tam bảo rồi, lại càng tăng thêm.

KẾT TẬP TAM TẠNG LẦN THỨ BA

Sau kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhì, Phật giáo càng ngày càng phát triển, chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni càng đông, cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo càng nhiều, làm phước hộ độ cúng dường tứ vật dụng đến chư Tỳ khưu rất đầy đủ. Nhất là vào thời kỳ đức vua Dhammāsoka là bậc minh quân, trị vì toàn cõi Nam thiện bộ châu, có đức tin trong sạch trong Phật giáo, hộ độ cúng dường tứ vật dụng đến chư Tỳ khưu rất đầy đủ, sung túc; ngược lại các nhóm tu sĩ ngoại đạo thì đời sống thiếu thốn khổ cực. Do đó, một số tu sĩ ngoại đạo xâm nhập vào sống chung với chư Tỳ khưu, về mặt hình thức thì giống Tỳ khưu, nhưng về mặt nội tâm vẫn giữ nguyên tà kiến cố hữu của mình không hề thay đổi.

Vì vậy Tỳ khưu thật chánh kiến và Tỳ khưu giả tà kiến sống chung không thể hành Tăng sự được, tình trạng này kéo dài suốt 7 năm. Chư Tỳ khưu trình sự việc này lên đức vua Dhammāsoka (Asoka) và nhờ uy quyền của Ðức vua để thanh lọc Tỳ khưu giả ngoại đạo tà kiến.

Ðức vua Asoka là đấng minh quân và cũng là một cận sự nam có đức tin trong sạch hộ độ Tam bảo, Ðức vua học giáo pháp của Ðức Phật với Ðại Trưởng Lão Moggali-puttatissa, nên hiểu rõ chánh kiến trong Phật giáo và các tà kiến của ngoại đạo. Ðức vua thỉnh tất cả Tỳ khưu thật và Tỳ khưu giả xét hỏi từng vị một; qua cuộc xét hỏi này đã loại bỏ được 60.000 Tỳ khưu giả có tà kiến ngoại đạo, Ðức vua bố thí mỗi người một bộ đồ trắng, bắt buộc hoàn tục, trở thành người cư sĩ; còn lại tất cả Tỳ khưu thật có chánh kiến trong Phật giáo đoàn kết cùng nhau hành tăng sự trở lại.

Nhân dịp này, Ðại Trưởng Lão Moggalipputtatissa đứng ra triệu tập kỳ kết tập tam tạng lần thứ ba.

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ ba này tổ chức tại chùa Asokàràma xứ Pàỉaliputta, khoảng thời gian 235 năm sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn.

Kỳ tập Tam tạng lần thứ ba này gồm có 1.000 bậc Thánh A-ra-hán đắc Tứ tuệ phân tích, Lục thông, thông thuộc Tam tạng, Chú giải... do Ngài Moggaliputtatissa làm chủ trì, công cuộc kết tập thực hiện trong suốt thời gian 9 tháng mới hoàn thành trọn bộ Tam tạng và Chú giải hoàn toàn giống như bổn chánh của hai kỳ kết tập trước.

Kỳ kết tập Tam tạng lần này cũng bằng khẩu truyền (Mukhapātha, chưa ghi chép bằng chữ viết) được đức vua Asoka xứ Pāṭaliputta hộ độ.

KẾT TẬP TAM TẠNG LẦN THỨ TƯ

Ðức vua Asoka không những hộ độ giúp Phật giáo được phát triển trong nước, mà còn gởi các phái đoàn chư Tăng sang các nước láng giềng khác để truyền bá Phật giáo, như phái đoàn chư Tăng do Ðại Ðức Mahinda dẫn đầu sang truyền bá Phật giáo ở đảo quốc Srilankā.

Trên đất nước Srilankā Phật giáo được thịnh hành và phát triển tốt, từ Ðức vua cho đến quan quân và dân chúng đều có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đã xuất gia trở thành Tỳ khưu và Tỳ khưu ni rất đông.

Một thời đất nước Srilankāø gặp phải cuộc phiến loạn, dân chúng gặp cảnh thiếu thốn, nên đời sống của chư Tỳ khưu cũng chịu ảnh hưởng, có số Tỳ khưu sức khỏe yếu kém, nên phận sự ôn lại Tam tạng và Chú giải thuộc lòng rất vất vả. Khi cuộc phiến loạn đã dẹp xong, chư Ðại Ðức suy xét về sau này, trí nhớ và trí tuệ con người càng ngày càng kém dần. Cho nên, chư Tỳ khưu học thuộc lòng Tam tạng, Chú giải để giữ gìn duy trì cho được đầy đủ không phải là việc dễ dàng.

Một hôm, Ðức vua Vaṭṭagāmanī ngự đếân chùa Mahāvihāra, nhân lúc ấy, chư Ðại Trưởng Lão thưa Ðức vua rằng:

- Thưa Ðại vương, từ xưa đến nay, chư Ðại Ðức Tăng có phận sự học thuộc lòng Tam tạng, Chú giải để giữ gìn duy trì giáo pháp của Ðức Phật. Trong tương lai, đàn hậu tấn là những Ðại Ðức khó mà học thuộc lòng Tam tạng, Chú giải một cách đầy đủ đầy đủ được. Như vậy, giáo pháp của Ðức Thế Tôn sẽ bị tiêu hoại mau chóng theo thời gian.

Thưa Ðại vương, muốn giữ gìn duy trì Tam tạng, Chú giải được đầy đủ, vậy nên tổ chức kỳ kết tập Tam tạng, Chú giải ghi chép bằng chữ viết trên lá buông, để lưu lại đời sau.

Ðức vua Vaṭṭagāmanī hoan hỉ với lời của chư Ðại Trưởng Lão, nên thỉnh quý Ngài kết tập Tam tạng.

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ tư được tổ chức tại động Ālokalena vùng Matulajanapada xứ Srilankā, khoảng thời gian 450 năm sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn. Chư Ðại Ðức Tăng tham dự kết tập gồm 1.000 bậc Thánh A-ra-hán đắc Tứ tuệ phân tích, do Ðại Trưởng Lão Mahādhammarakkhita làm chủ trì, công cuộc kết tập kéo dài suốt một năm, mới hoàn tất việc ghi chép trọn bộ Tam tạng, Chú giải bằng chữ viết trên lá buông. Sau đó, chư bậc Thánh A-ra-hán kết tập tam tạng bằng cách khẩu truyền một lần nữa, hoàn toàn y theo bổn chánh của ba kỳ kết tập Tam tạng lần trước. Ðây là lần kết tập Tam tạng đầu tiên ghi chép bằng chữ viết trên lá buông đầy đủ bộ Tam tạng, Chú giải, gọi là: "Potthakaropanasaṅgiti", do Ðức vua Vaṭṭagāmanī Abhaya hộ độ.

KẾT TẬP TAM TẠNG LẦN THỨ NĂM

Dưới thời vua Asoka có gởi phái đoàn chư Tăng do Ðại Ðức Soṇa và Ðại Ðức Uttara sang vùng Suvaṇṇa-bhūmi gồm các nước: Indonesia, Myanmar, Thai Lan, Campuchia, Lào... để truyền bá Phật giáo. Phật giáo ở các nước trong vùng này trải qua bao cuộc thăng trầm tùy theo vận mệnh của mỗi nước.

Ðất nước Myanmar vào thời đại Vua Mindon đóng đô tại kinh thành Mandalay, Ðức vua là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, nhiệt tâm hộ trì Tam bảo, nghĩ rằng: "Phâït giáo thường liên quan đến sự tồn vong của quốc gia, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, kẻ thù thường đốt kinh sách Phật giáo".

Ðức vua muốn bảo tồn giáo pháp của Ðức Phật, nên thỉnh chư Ðại Trưởng Lão tổ chức cuộc kết tập Tam tạng, khắc chữ trên những tấm bia đá, để giữ gìn duy trì Tam tạng pháp bảo được lâu dài. Chư Ðại Trưởng Lão vô cùng hoan hỉ chấp thuận theo lời thỉnh cầu của Ðức vua, tổ chức kỳ kết tập Tam tạng lần thứ năm tại kinh thành Mandalay xứ Myanmar Phật lịch 2404.

Kỳ kết tập Tam tạng lần này gồm 2.400 vị Ðại Ðức là những bậc uyên bác Tam tạng và Chú giải, do Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Jāgara làm chủ trì; ngoài ra còn có những Ðại Ðức xuất sắc như Bhaddanta Narindabhidhaja,... bắt đầu khởi công khắc Tam tạng trên bia đá Phật lịch năm 2404 cho đến Phật lịch 2415, trải qua suốt 11 năm ròng rã, mới hoàn thành xong bộ Tam tạng trên 729 tấm bia đá:

- Luật tạng gồm có 111 tấm.
- Kinh tạng gồm có 410 tấm.
- Vi diệu pháp tạng gồm có 208 tấm.

Sau khi khắc bộ Tam tạng bằng chữ trên những tấm bia đá xong, Chư Ðại Trưởng Lão tổ chức cuộc kết tập Tam tạng bằng khẩu truyền suốt 6 tháng mới hoàn thành xong bộ Tam tạng y theo bổn chánh của bốn kỳ kết kết tập Tam tạng trước. Gọi là: "Selakkharāropanasaṅgīti".

Kỳ kết tập Tam tạng này do Ðức vua Mindon xứ Myanmar hộ độ. Lần đầu tiên toàn bộ Tam tạng được ghi khắc trên bia đá, những tấm bia đá này hiêïn nay vẫn còn nguyên vẹn ở kinh thành Mandalay xứ Myanmar. Các nhà in kinh sách Phật giáo đều y cứ vào những tấm bia đá này làm nền tảng căn bản.

Về sau có đạo sĩ "Khanti" đứng ra tổ chức khắc toàn bộ Chú giải trên những tấm bia đá, hiện nay vẫn còn nguyên vẹn tại Mandalay.

KẾT TẬP TAM TẠNG LẦN THỨ SÁU

Phật giáo đã trải qua thời gian khá lâu, Tam tạng, Chú giải, Ṭīkā... đã in ra thành sách, việc sao đi chép lại, in đi in lại nhiều lần, khó mà tránh khỏi sự sai sót. Do đó, các bộ Tam tạng, Chú giải... của mỗi nước có chỗ sai chữ dẫn đến sai nghĩa, làm cho pháp học Phật giáo không hoàn toàn giống y nguyên bổn chánh.

Chính phủ Myanmar thành lập hội Phật giáo có tên "Buddhasāsanasamiti" vào Phật lịch 2497 để lo tổ chức kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu, tại động nhân tạo Lokasāma (Kaba Aye) thủ đô Yangon, Myanmar, thỉnh tất cả mọi bộ Tam tạng, Chú giải hiện có trên các nước Phật giáo để làm tài liệu đối chiếu từng chữ, từng câu của mỗi bổn.

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu này gồm 2.500 vị Ðại Ðức thông hiểu Tam tạng, Chú giải... rành rẽ về ngữ pháp Pāḷi, chia thành nhiều ban đối chiếu sửa chữa lại cho đúng. Công việc bắt đầu từ ngày rằm tháng tư Phật lịch năm 2498 cho đến ngày rằm tháng tư Phật lịch năm 2500, ròng rã suốt 2 năm mới hoàn thành xong bộ Tam tạng, Chú giải, Ṭīkā... Sau đó, chính phủ Myanmar thỉnh chư Ðại Ðức kết tập Tam tạng bằng khẩu, do Ngài Ðại Trưởng Lão Revata chủ trì, Ðại Trưởng Lão Shobhana vấn, Ðại Trưởng Lão Vicittasārābhivaṃsa thông thuộc Tam tạng trả lời theo Tam tạng, Chú giải.

Trong buổi lễ này, Chính phủ Myanmar, đứng đầu là Thủ tướng U Nu, tổ chức khánh thành kết tập Tam tạng rất long trọng, có mời Nguyên thủ quốc gia của các nước Phật giáo cùng phái đoàn chư Tăng, câïn sự nam, cận sự nữ gồm có 25 nước trên thế giới đến tham dự, để đánh dấu lịch sử Phật giáo đã trải qua một nửa tuổi thọ, 2.500 năm, dưới sự bảo trợ hộ độ của Chính phủ Myanmar và Phật tử trong nước và ngoài nước.

Bộ Tam tạng, Chú giải được kết tập lần thứ sáu này được xem là mẫu mực cho các nước Phật giáo hệ phái Theravāda.

Phật giáo là gì?

Phật giáo dịch từ chữ Buddhasāsana: nghĩa là: lời giáo huấn của Ðức Phật, bằng ngôn ngữ Pāḷi, có ba loại:

- Pariyatti sāsana: pháp học Phật giáo.
- Paṭipatti sāsana: pháp hành Phật giáo.
- Paṭivedha sāsana: pháp thành Phật giáo.

- Pháp học Phật giáo: đó là học thuộc lòng, thông hiểu Tipiṭaka, Aṭṭhakathā, Ṭīkā... bằng ngôn ngữ Pāḷi, là ngôn ngữ mà Ðức Phật dùng để giáo huấn. Vì vậy, ngôn ngữ riêng của mỗi nước Phật giáo chỉ giúp để hiểu ý nghĩa đúng theo ngôn ngữ Pāḷi ấy, để thực hành cho đúng.

- Pháp hành Phật giáo có rất nhiều pháp, tóm lại có ba pháp hành chính là:

* Hành giới: đó là tác ý (cetanā) giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi điều bất thiện, cố gắng hành thiện. Do nhờ hành giới, có thể diệt từng thời những phiền não loại thô (vitikkamakilesa) không thể phát hiện ra thân và khẩu, làm nền tảng cho định phát sanh.

* Hành định: đó là tiến hành thiền định để cho tâm an trú trong một đề mục nhất định, có thể đưa đến sự chứng đắc các bậc thiền sắc giới, thiền vô sắc giới, thọ hưởng sự an lạc của bậc thiền ấy. Do nhờ hành định nên có thể chế ngự được các phiền não loại trung (pariyuṭṭhānakilesa) không để cho phát sanh trong tâm, làm nền tảng cho tuệ phát sanh.

* Hành tuệ: đó là tiến hành thiền tuệ để phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp; sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, nên hiện rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, đưa đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Do nhờ pháp hành tuệ có thể diệt đoạn tuyệt được phiền não loại vi tế (anussayakilesa).

- Pháp thành Phật giáo: là kết quả của pháp hành. Ðó là 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, gọi là 9 Siêu tam giới pháp.

Trong ba loại Phật giáo này, pháp học Phật giáo là gốc, là nhân chính làm nền tảng căn bản để cho pháp hành và pháp thành Phật giáo có khả năng phát triển. Nếu không có pháp học Phật giáo, nghĩa là pháp học mà không hiểu đúng theo ý nghĩa lời giáo huấn của Ðức Phật, thì pháp hành và pháp thành cũng không thể có được.

Phật giáo đến nay đã trải qua 2.546 năm kể từ khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, các nước Phật giáo hệ phái Theravāda vẫn trung thành theo tôn chỉ lời giáo huấn của Ðại Trưởng Lão Mahākassapa trong kỳ kết tập tam tạng lần thứ nhất, cố gắng giữ gìn duy trì Tam tạng, Chú giải y nguyên theo bổn chánh, do nhờ chư Tỳ khưu, Sa di theo học các lớp Tipiṭaka, Aṭṭhakathā, Ṭīkā... bằng ngôn ngữ Pāḷi, để giữ gìn chánh pháp. Chư Ðại Trưởng Lão vẫn giữ gìn được truyền thống và mọi cách hành tăng sự bằng ngôn ngữ Pāḷi, y theo Luật tạng làm nền tảng căn bản. Do đó, Tỳ khưu của mỗi nước tuy khác nhau về ngôn ngữ riêng của mình, nhưng khi hành tăng sự thì giống nhau, và những nghi lễ tụng kinh Parittapāḷi cũng hầu hết giống nhau, có thể hòa đồng tụng chung với nhau được.

Những người tại gia, cận sự nam, cận sự nữ của mỗi nước vẫn còn giữ được truyền thống nghi lễ thọ Tam quy, ngũ giới, bát giới... tụng kinh bằng ngôn ngữ Pāḷi. Cho nên ngôn ngữ Pāḷi trở thành ngôn ngữ chung cho các hàng xuất gia và tại gia trong các nước Phật giáo thuộc hệ phái Theravāda.

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭthasmiṃ.

Cầu mong Chánh pháp được trường tồn trên thế gian.
Cầu mong Chánh pháp được trường tồn trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Tổ Ðình Bửu Long,
Phật lịch 2546
Tỳ khưu Hộ Pháp


PHẦN PHỤ LỤC

Chú Thích Những Từ Có Nghĩa Rộng Trong Tích Công Chúa Sumedhā

I- ÐỨC VUA MANDHĀTURĀJĀ

Tóm lược tích tiền thân của Ðức Phật là Ðức vua Mandhāturājā [Bộ Jātaka, câu chuyện Mandhāturājajātaka.]

Ðức vua Mandhātu là một vị Chuyển luân thánh vương ở thời kỳ tuổi thọ con người 1 a tăng kỳ năm, lên ngôi trị vì 4 châu lớn thiên hạ, gồm có 2.000 châu nhỏ, có nhiều thần thông. Khi cần thất bảo, lấy bàn tay phải vổ bàn tay trái, thất bảo từ hư không rơi xuống như mưa. Dầu vậy, cũng không thể làm hài lòng tâm tham muốn trong ngũ trần của Ðức vua.

[A tăng kỳ: tính theo số lượng, gồm số 1 đứng trước và theo sau là 140 số không (0); viết tắt: 10**140].

Một hôm, Ðức vua cảm thấy ngũ trần cõi người chưa đủ, muốn biết còn có cảnh giới nào có ngũ trần sung túc hơn. Một vị quan tâu rằng:

- Tâu Hoàng Thượng, cõi Tứ đại thiên vương có ngũ trần sung túc hơn cõi người.

Ðức vua Mandhātu dùng xe báu dẫn đầu chở các quan, quân tùy tùng lên cõi Tứ đại thiên vương. Tứ đại thiên vương cung kính đón rước rồi dâng ngai vàng đến Ðức vua Mandhātu. Ðức vua Mandhātu lên ngôi một thời gian lâu cũng cảm thấy ngũ trần chưa đủ, muốn biết còn có cảnh giới nào có ngũ trần sung túc hơn. Tứ đại thiên vương tâu rằng:

- Tâu Hoàng Thượng, cõi Tam thâïp tam thiên có ngũ trần sung túc hơn cõi Tứ đại thiên vương này.

Thế là, Ðức vua Mandhātu lại ngự lên cõi Tam thâïp tam thiên. Ðức vua trời Sakka cõi trời này cung kính đón rước, rồi dâng đến Ðức vua Mandhātu một nửa giang sơn cõi Tam thâïp tam thiên. Ðức vua Mandhātu làm vua cõi Tam thâïp tam thiên thời gian trải qua 36 đời vua trời Sakka băng hà, (mỗi Ðức vua trời Sakka có tuổi thọ cõi trời là 1.000 năm, so với cõi người có 36 triệu năm. Như vậy, 3636 triệu năm = 1.296 triệu năm), mà Ðức vua Mandhātu vẫn còn sống. Ðức vua Mandhātu phát sanh tâm tham, muốn truất phế Ðức vua trời Sakka, để một mình làm vua cai trị toàn thể cõi Tam thâïp tam thiên. Ðức vua Mandhātu không thể truất phế đức vua trời Sakka được. Tâm tham muốn đã thiêu đốt làm cho tuổi thọ suy thoái, đức vua Mandhātu có sắc thân là con người, vì vậy không thể băng hà trên cõi trời, nên rơi xuống cõi người tại vườn Thượng uyển.

Người giữ vườn đi trình cho các quan trong triều đình và hoàng tộc được rõ. Các quan đến chầu, đem long sàng cho Ðức vua Mandhātu yên nghỉ, Ðức vua phán rằng:

- Các ngươi loan báo cho tất cả dân chúng rằng: Ðức vua Mandhātu Chuyển luân thánh vương trị vì bốn châu lớn thiên hạ, gồm 2.000 châu nhỏ; còn làm vua trị vì cõi trời Tứ đại thiên vương suốt thời gian lâu dài, và làm vua trị vì một nửa cõi Tam thập tam thiên thời gian trải qua 36 đời vua trời Sakka. Thế mà, lòng tham muốn trong ngũ trần chưa đủ đã phải băng hà.

Ðức vua Mandhātu phán như vậy xong thì băng hà.

Ðức vua Mandhātu là tiền thân của Ðức Phật Gotama.

II- CÂU CHUYỆN NƯỚC MẮT

Trong kinh Assusutta [Samyuttanikāya, bộ Nidānavagga, kinh Assasutta], Ðức Phật có dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, vòng tử sanh luân hồi này từ vô thủy đến vô chung, không thể biết được. Ðối với chúng sinh có vô minh che án, có tham ái trói buộc, dắt dẫn trong vòng tử sanh luân hồi không thể thấy rõ được sự bắt đầu.

Các con nghĩ gì về điều này, trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, nước mắt của các con đã chảy vì gặp phải chuyện không hài lòng, vì xa lìa người hay vật hài lòng, trong suốt thời gian lâu dài như thế ấy, so với nước bốn biển đại dương, phần nước nào nhiều hơn?

Chư Tỳ khưu bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, chúng con được nghe, được hiểu biết theo lời giáo huấn của Ðức Thế Tôn thuyết giảng rằng: "Trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, phần nước mắt của chúng con đã chảy vì gặp phải chuyện không hài lòng, vì xa lìa người hay vật hài lòng, trong suốt thời gian lâu dài như thế, nhiều hơn phần nước bốn biển đại dương. Phần nước bốn biển đại dương không nhiều hơn nước mắt của chúng con". Bạch Ngài.

Ðức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, đúng vậy, các con đã hiểu biết rõ lời giáo huấn của Như Lai...

Này chư Tỳ khưu, sự thật như vậy! Cũng đủ để cho các con nhàm chán ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này; cũng đủ để cho các con diệt tâm tham ái; cũng đủ để cho các con mong muốn giải thoát khổ tử sanh luân hồi...

III- CÂU CHUYỆN SỮA

Trong kinh Khirasutta [Samyuttanikāya, bộ Nidānavagga, kinh Khirasutta], Ðức Phật có dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, vòng tử sanh luân hồi này từ vô thủy, vô chung không thể biết được. Ðối với chúng sinh có vô minh che án, có tham ái trói buộc, dắt dẫn trong vòng tử sanh luân hồi không thể thấy rõ được sự bắt đầu.

Các con nghĩ gì về điều này, trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, dòng sữa mẹ đã nuôi dưỡng con trong suốt thời gian lâu dài như thế ấy, so với nước bốn biển đại dương, phần nước nào nhiều hơn?

Chư Tỳ khưu bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, chúng con được nghe, được hiểu biết theo lời giáo huấn của Ðức Thế Tôn thuyết giảng rằng: "Trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, phần sữa mẹ đã nuôi dưỡng chúng con trong suốt thời gian lâu dài như thế, nhiều hơn phần nước bốn biển đại dương. Phần nước bốn biển đại dương không nhiều hơn phần sữa mẹ đã nuôi dưỡng chúng con". Bạch Ngài.

Ðức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, đúng vậy, các con đã hiểu biết rõ lời giáo huấn của Như Lai...

Này chư Tỳ khưu, sự thật như vậy! Cũng đủ để cho các con nhàm chán ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này; cũng đủ để cho các con diệt tâm tham ái; cũng đủ để cho các con mong muốn giải thoát khổ tử sanh luân hồi...

IV- BỘ XƯƠNG

Trong kinh Puggalasutta [Samyuttanikāya, bộ Nidānavagga], Ðức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, vòng tử sanh luân hồi này từ vô thủy đến vô chung, không thể biết được. Ðối với chúng sinh có vô minh che án, có tham ái trói buộc, dắt dẫn trong vòng tử sanh luân hồi không thể thấy rõ được sự bắt đầu.

Các con nghĩ gì về điều này, trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, khi mỗi chúng sinh sanh rồi tử, tử rồi lại sanh chỉ suốt trong một đại kiếp. Nếu có thể gom những bộ xương ấy lại chồng chất lên thì cao bằng ngọn núi cao Vepulla này...

V- MẸ VÀ MẸ CỦA MẸ (Bà Ngoại)

Trong kinh Tiṇakaṭṭhasutta [Samyuttanikāya, bộ Nidānavagga], Ðức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, vòng tử sanh luân hồi này từ vô thủy đến vô chung, không thể biết được. Ðối với chúng sinh có vô minh che án, có tham ái trói buộc, dắt dẫn trong vòng tử sanh luân hồi không thể thấy rõ được sự bắt đầu.

Các con nghĩ gì về điều này, này chư Tỳ khưu, ví như, một người đàn ông chặt cỏ, cây, cành trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này, gom lại thành một đống. Chặt, chẻ ra thành mỗi que dài 4 lóng tay. Lấy 1 que đặt xuống chế định rằng, đây là mẹ tôi; lấy que thứ 2 chế định đây là mẹ của mẹ tôi (bà ngoại tôi); theo tuần tự "mẹ của mẹ" như vậy. Tính ngược chiều thời gian về quá khứ "mẹ của mẹ" chưa đến chỗ cùng, mà cỏ, cây, cành trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này đã hết sạch. Ðiều ấy tại sao vậy? Bởi vì, trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, khi mỗi chúng sinh sanh rồi tử, tử rồi lại sanh không thể biết được...

Này chư Tỳ khưu, sự thật như vậy! Cũng đủ để cho các con nhàm chán ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này; cũng đủ để cho các con diệt tâm tham ái; cũng đủ để cho các con mong muốn giải thoát khổ tử sanh luân hồi...

VI- CHA VÀ CHA CỦA CHA (Ông Nội)

Trong kinh Paṭhavisutta [Samyuttanikāya, bộ Nidānavagga], Ðức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, vòng tử sanh luân hồi này từ vô thủy đến vô chung, không thể biết được. Ðối với chúng sinh có vô minh che án, có tham ái trói buộc, dắt dẫn trong vòng tử sanh luân hồi không thể thấy rõ được sự bắt đầu.

Các con nghĩ gì về điều này,

Này chư Tỳ khưu, ví như, một người lấy đất trên địa cầu này, viên thành viên nhỏ đặt xuống chế định rằng: đây là cha tôi, viên thứ 2 chế định, đây là cha của cha tôi (ông nội tôi); theo tuần tự "cha của cha" như vậy. Tính ngược chiều thời gian về quá khứ "cha của cha" chưa đến chỗ cùng, mà đất của địa cầu đã hết. Ðiều ấy tại sao vậy? Bởi vì trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, khi mỗi chúng sinh sanh rồi tử, tử rồi lại sanh không sao biết được...

Này chư Tỳ khưu, sự thật như vậy! Cũng đủ để cho các con nhàm chán ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này; cũng đủ để cho các con diệt tâm tham ái; cũng đủ để cho các con mong muốn giải thoát khổ tử sanh luân hồi...

VII- CON RÙA MÙ

Trong kinh Chiggaḷasutta [Samyuttanikāya, bộ Nidānavagga], Ðức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, ví như mặt đất này bị nước tràn ngập sâu như biển. Một người ném một tấm ván xuống mặt nước biển, tấm ván có một lỗ nhỏ vừa đầu con rùa chui vào; hễ gió hướng đông, tấm ván trôi về hướng tây; gió hướng tây, tấm ván trôi về hướng đông; gió hướng nam, tấm ván trôi về hướng bắc; gió hướng bắc, tấm ván trôi về hướng nam... Có con rùa mù ở dưới đáy biển sâu ấy, cứ trải qua 100 năm, ngoi đầu lên một lần.

Các con nghĩ thế nào, con rùa mù kia, cứ trải qua 100 năm, nổi lên một lần chui đầu ngay vào cái lỗ của tấm ván ấy có được dễ dàng không?

Chư Tỳ khưu bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, con rùa mù kia, phải trải qua 100 năm nổi lên một lần, chui đầu ngay vào cái lỗ nhỏ của tấm ván, thật là một điều quá khó!

Ðức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, được tái sanh làm người là điều khó hơn thế nữa.

Ðức Chánh Ðẳng Giác xuất hiện trên thế gian là điều quá khó hơn nữa.

Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng được phát triển trên thế gian này là điều vô cùng khó hơn thế nữa.

Nay các con đã được sanh làm người rồi !

Ðức Chánh Ðẳng Giác cũng xuất hiện trên thế gian này rồi !

Chánh pháp của Như Lai đã thuyết giảng đang phát triển trên thế gian này rồi !

Này chư Tỳ khưu, vì vậy, các con hãy nên tinh tấn không ngừng tiến hành thiền tuệ, hầu mong chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế: Khổ thánh đế, Nhân sanh Khổ thánh đế, Diệt khổ thánh đế và Pháp hành Bát chánh đạo đưa đến sự chứng ngộ Niết Bàn, pháp diệt Khổ thánh đế.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Vinayapiṭaka và Aṭṭhakathā, Ṭīkā.
- Suttantapiṭaka và Aṭṭhakathā, Ṭīkā.
- Padarūpasiddhi của Ngài Bhaddanta Buddhappiyācariyatthera.
- Upasampadakammavācā của Ngài Mahāsi sayadaw.
- Mahābuddhavaṃsa của Ngài Vicittasārābhi-vaṃsa sayadaw.
- v.v...

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 2.1 | 2.2 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2 | 4.3 | 4.4 | 4.5 | 5.0

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-06-2003