Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Giác niệm về hơi thở
(Mindfulness with Breathing)

Bhikkhu Buddhadàsa
(Tỳ kheo Phật Lệ)

Thiện Nhựt phỏng dịch


Nguyên tác: Mindfulness with Breathing - Unveiling the secrets of life (A manual for serious beginners).

Giác niệm về hơi thở - Phát hiện các bí ẩn của đời sống
(Thủ bản cho các bạn Phật tử mới quyết tâm tu học).

Nguyên tác Thái ngữ: Bhikkhu Buddhadasa (1986).
Bản dịch Anh ngữ: Bhikkhu Santikaro (1988).
Bản dịch Việt ngữ: Cư sĩ Thiện Nhựt (2004).

-ooOoo-

Mục lục

Tựa
Thiện Nhựt xin thưa vài lời.

Phần Pháp thoại:
Bài 1: Tại sao lại Pháp?
Bài 2: Bắt đầu dấn bước.
Bài 3: An tịnh thân hành.
Bài 4: Làm chủ các cảm thọ.
Bài 5: Quán tưởng Tâm.
Bài 6: Tối thượng.
Bài 7: Các lợi lạc cao nhứt.

Phần Phụ lục:
Phụ lục 1: Năm nhu yếu của đời sống.
Phụ lục 2: Thế nào là Giác Niệm về Hơi thở?
Phụ lục 3: Quán tưởng về Định trong Phật giáo
Phụ lục 4: Đúc kết của Tỳ kheo Santikaro.

Phần Tự vựng:
Tự vựng Pali Việt.

Phần Kinh văn:
Kinh Nhập tức Xuất tức Niệm
(Ànàpànasati)

-ooOoo-

Tựa

Chào mừng đến với Giác Niệm Về Hơi Thở!

Giác niệm về hơi thở là một kỹ thuật quán tưởng cắm sâu vào hơi thở của chúng ta. Đó là một phương tiện tinh vi để thám hiểm đời sống xuyên qua ý thức tế nhị và sự điều nghiên tích cực về hơi thở và đời sống. Hơi thở chính là đời sống; ngừng thở là chết. Hơi thở thiết yếu cho đời sống, làm cho êm dịu, tự nhiên, và năng phát hiện. Hơi thở là bạn đồng hành luôn luôn ở với chúng ta. Bất cứ nơi nào chúng ta đi đến, vào mọi thời, hơi thở hộ trì đời sống và cống hiến cơ hội cho sự phát triển tâm linh. Do sự quán tưởng về hơi thở, chúng ta phát triển và củng cố các khả năng tinh thần và đức tánh tâm linh của chúng ta. Chúng ta học hỏi được sự thư giãn của thân thể và an tịnh của tâm hồn. Khi tâm thức lắng dịu và trở nên trong sáng, chúng ta xét nghiệm được cuộc sống, thân và tâm của ta, hiển lộ ra như thế nào. Chúng ta khám phá được sự thật căn bản về sự hiện hữu của nhơn sanh và học hỏi được nghệ thuật sống đời sống chúng ta như thế nào cho hoà điệu với sự thật đó. Và trong suốt chuỗi thời gian, chúng ta cắm sâu vào hơi thở, được hơi thở nuôi dưỡng và hộ trì, được hơi thở xoa dịu và làm quân bình, cảm ứng với hơi thở ra, hơi thở vào. Đấy là sự thực tập của chúng ta.

Giác niệm về Hơi thở là một hệ thống quán tưởng, hay là huấn luyện tinh thần (citta bhàvanà, tâm quán), được Đức Phật Thích ca thường thực tập và đem ra giảng dạy. Đã hơn 2500 năm, đường lối thực tập nầy được giữ gìn và trao truyền lại về sau. Đường lối ấy là phần thiết yếu trong đời sống của các Phật tử thuần thành ở Á châu và khắp nơi khác trên thế giới. Các tôn giáo khác cũng có đường lối tu tập tương tự như thế nữa. Thật ra, các hình thức của Giác niệm về Hơi thở đã có trước thời Đức Phật. Các hình thức đó đã được Ngài làm hoàn hảo thêm để bao trùm toàn bộ Giáo pháp và các khám phá mới của Ngài. Như thế, hình thức bao quát của Giác Niệm về Hơi Thở được Ngài chỉ dạy mới đưa đến sự thành tựu tiềm năng cao quí nhứt của nhơn loại là sự giác ngộ. Ngoài ra, còn có các thành quả khác hiến tặng cho cả nhơn loại, ở mọi giai tầng xã hội và mọi trình độ phát triển tâm linh, những giá trị ngắn và dài hạn, những lợi lạc thế tục và siêu thế.

Nơi Tam Tạng Kinh Điển, hệ Pali, sự thực tập giác niệm về hơi thở được gọi là Ànàpànasati, có nghĩa là "có giác niệm về hơi thở vào và hơi thở ra". Toàn bộ hệ thống thực tập được mô tả trong các bản Kinh Pali và sau đó được giải thích rộng ra trong các Chú giải. Cùng với thời gian, cả một công trình văn chương đồ sộ được phát triển. Từ các nguồn xuất xứ đó, và nhứt là từ các lời dạy của Đức Phật, Pháp sư Phật Lệ (Ajahn Buddhadàsa) đã rút ra phương pháp thực tập riêng của chính ông. Do kinh nghiệm đó, Người đã trình bày thành một hệ thống thật rộng rãi để giải thích rõ thế nào và tại sao phải nên thực tập Giác niệm về Hơi thở. Quyển sách nầy ghi lại các buổi giảng pháp gần đây nhứt của Người về sự thực tập quán tưởng.

Các bài giảng pháp được tuyển chọn ở đây vì hai lý do. Thứ nhứt, các bài pháp đó được thuyết giảng trước các người Tây phương tham dự các khoá hàng tháng tu học tại Suan Mokkh (Suan Mokkhabalàràma, Khu vườn của Năng lực Giải thoát, một tu viện Phật giáo ở miền Nam nước Thái). Khi diễn giảng cho thiền sinh Tây phương, Pháp sư đã dùng cách nói bộc trực chẳng quanh co. Người chẳng cần đi sâu vào các điểm hứng thú văn hoá của truyền thống Phật giáo Thái lan, Người thích chọn một thái độ khoa học, hợp lý, và phân tách. Và thay vì giới hạn sự chỉ dẫn dành cho các Phật tử, Người nhấn mạnh đến khía cạnh phổ quát, tự nhiên, đầy nhơn tính của Ànàpànasati, Giác niệm về hơi thở. Xa hơn nữa, Người cố gắng đáp ứng các nhu cầu, khó khăn, câu hỏi, và khả năng của các thiền sinh Tây phương mới bắt đầu, nhứt là đối với các thân hữu đến thăm viếng Suan Mokkh.

Thứ hai, quyển sách nầy nhắm vào các "người mới bắt đầu đứng đắn" (serious beginners). Khi nói "người mới bắt đầu" (beginners)chúng tôi muốn nói tới những người còn chưa được quen thuộc lắm với sự thực tập nầy cùng lý thuyết của nó. Vài người chỉ vừa mới bắt đầu, trong khi các người khác đã có những kinh nghiệm thực tập nhưng còn khiếm khuyết các điều chỉ dẫn về cách thức làm thế nào để đẩy xa hơn nữa sự thực tập của họ. Cả hai hạng người đó đều có thể được lợi lạc nhờ nghe các lời giảng dạy trong sáng liên quan đến hiện trạng của họ và mục tiêu tổng quát.

Khi nói "đứng đắn" (serious), chúng tôi muốn nói tới những người quan tâm đến vấn đề một cách sâu xa hơn là sự hiếu kỳ suông. Họ sẽ đọc, đọc đi đọc lại một cách cẩn thận quyển thủ bản nầy, sẽ suy tư về tài liệu nầy một cách thích nghi, và sẽ ứng dụng, một cách chân thành và tận tình, các kiến thức vừa thâu thập được. Mặc dầu có vài người thích nghĩ rằng chúng ta đâu cần phải đọc sách về thiền quán, chúng ta chỉ thực tập quán tưởng thôi, nhưng ta cũng phải nên cẩn thận để biết rõ những gì chúng ta đang thực hành. Chúng ta phải bắt đầu với các tài liệu đầy đủ và rõ ràng, để có thể thực tập một cách có ý nghĩa. Nếu chúng ta chẳng được thân cận bên một vị minh sư, thì một cuốn sách như quyển thủ bản nầy rất cần thiết vậy. Người mới bắt đầu cần phải có các tài liệu vừa giản dị, để có được một hình ảnh rõ ràng về trọn vẹn tiến trình thực tập, vừa phải đầy đủ chi tiết để biến hình ảnh đó thành sự thật. Quyển thủ bản nầy dung hoà được hai đòi hỏi đó. Nó cũng đủ để hướng dẫn một cuộc thực tập đến chỗ thành công, nhưng nó chẳng quá rườm rà để khiến cho mọi việc trở thành rắc rối và làm ta bị tràn ngập. Những người đứng đắn tuy vừa mới bắt đầu sẽ chẳng gặp khó khăn chi trong việc tìm thấy ở đấy những gì họ đang cần dùng đến.

Phần chánh yếu của quyển thủ bản nầy bao gồm một loạt các bài pháp được thuyết giảng tại khoá tu học thiền quán vào tháng Chín 1986. Pháp sư Poh (Đại đức Bodhi Buddhadhammo, người có sáng kiến mở các khoá thiền) thỉnh cầu Pháp sư Phật Lệ (Buddhadàsa) đứng ra trực tiếp thuyết giảng. Mỗi buổi sáng, sau khi điểm tâm xong, các thiền sinh tụ tập tại Khúc Thạch (Curved Rock), khoảng đất rộng dùng làm giảng trường lộ thiên của Suan Mokkh, để nghe Pháp sư Buddhadàsa giảng pháp bằng tiếng Thái, được thông dịch ra Anh ngữ. (...)

Trong các buổi giảng pháp khác, gần đây hơn, Pháp sư Buddhadàsa có thảo luận thêm về các viễn tượng của Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) còn chưa được đào sâu trong các buổi pháp thoại trước vào tháng Chín. Các kiến thức mới nầy được ghi lại trong Phần Phụ lục ở sau (...). Một bài Tổng kết của dịch giả Anh ngữ tóm tắt bảy bài pháp của Pháp sư Buddhadàsa được ghi tiếp theo đó. Và sau cùng, bản Kinh Ànàpànasati, do chính Đức Phật thuyết giảng bằng tiếng Pali, được chép lại dưới hình thức bản dịch (...) (bằng Việt ngữ, trích trong Đại Tạng Việt Nam, Trung Bộ Kinh, kinh số 118, các trang 249 đến 264 -- Người dịch)(...) Chúng tôi hi vọng khi đọc tụng, các lời Kinh bình dị và trực tiếp của Đức Phật sẽ qui chiếu tất cả lời pháp thoại trước đây về một tiêu điểm thật rõ ràng. Tiêu diểm ấy, dĩ nhiên, phải nhắm vào mục đích thực sự của đời sống -- Niết-bàn (Nibbàna).

Nếu bạn còn chưa chịu ngồi xuống và theo dõi hơi thở của bạn, quyển sách nầy sẽ chỉ cho bạn thấy vì sao bạn phải làm như thế và làm theo cách nào. Tuy nhiên, cho đến lúc bạn bắt đầu làm thử, và tiếp tục thử mãi luôn, thì vẫn còn khó cho bạn hiểu thật rõ và thật đầy đủ những gì nói trong quyển sách nầy. Thế cho nên, bạn hãy đọc suốt qua một lần, hoặc nhiều lần nữa, cốt để nhận ra được đại ý của việc thực tập. Rồi thì, trong khi bạn thực tập, bạn hãy đọc đi đọc lại những đoạn có liên quan mật thiết đến những gì bạn hiện đang làm hoặc sắp làm. Lời lẽ trong sách chỉ nổi bật lên rõ ràng khi nào được đem ra ứng dụng, và nhờ có sự củng cố đó mà chúng mới hướng dẫn bạn tiến triển một cách an toàn hơn. Bạn cần đủ trí thông minh để thấu hiểu rõ ràng về những gì bạn cần phải làm và phải làm các điều đó như thế nào. Trong khi bạn chú tâm đến mức yêu cầu gần của buổi thực tập ngày hôm nay, bạn đừng quên mất mục tiêu xa của toàn thể con đường tu tập, sự cấu trúc, phương pháp và mục đích cứu cánh của nó. Thế là bạn sẽ thực tập với niềm tự tín vào sự thành công.

Cùng với mục đích quan trọng là chỉ dạy cách thức thực tập Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati), quyển sách nầy còn nhắm đến một mục tiêu khác nữa mà các độc giả lơ là thường bỏ qua. Với sự nghiên cứu cẩn thận thường được nhắc đến trong sách, các bạn sẽ khám phá ra sách nầy còn đề cập đến các điểm giáo lý căn bản của nền Phật học, được bảo tồn nguyên vẹn dưới hình thức Phật giáo nguyên thủy. Do đó, nó đã cống hiến một đại cương về các giáo pháp căn bản. Và theo cách nầy, sự đào luyện trí năng của ta còn được hội nhập vào sự tu tập tâm linh nữa. Bởi vì có cách nào mà bạn tách rời ra hai việc đó? Để hiểu được trọn vẹn những gì đang thực tập, thì ta cần phải học thuộc kỹ lưỡng về Chánh Pháp (Dhamma) và ngược lại, muốn thông suốt Chánh pháp, ta cũng phải nhuần nhã trong việc thực tập. Nơi đây có đủ cả hai (lý thuyết lẫn thực hành), điều nầy giúp cho những ai còn phân vân chưa biết những gì cần học và phải học bao nhiêu. Bạn chỉ cần thông thuộc tất cả những điều bàn luận trong sách nầy, bấy nhiêu đó cũng đủ.

Các lợi lạc do sự thực tập đúng cách và miên mật liên quan đến Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) có rất nhiều, cả trên phương diện tôn giáo thuần túy lẫn trong đời sống thế tục hằng ngày. Mặc dầu Pháp sư Buddhadàsa đã giảng rộng trong bảy bài pháp, chúng tôi tưởng cũng nên nêu ra một vài lợi lạc ngay tại buổi đầu. Trước nhứt, Giác niệm về hơi thở mang lợi ích đến cho sức khoẻ vừa vật chất vừa tinh thần. Hơi thở dài, sâu và an hoà rất tốt cho thân thể. Biết thở đúng cách khiến ta trở nên bình thản và giúp ta trừ được sự căng thẳng, áp huyết cao, khích động thần kinh và ung độc đã tàn phá rất nhiều đời sống hiện nay. Chúng ta có thể học được thế ngồi giản dị, đẹp đẽ, chẳng còn chút nào căng thẳng, lo âu và bận rộn đến khuấy rối. Sự an tịnh êm dịu nầy còn có thể duy trì ngay cả trong các động tác thường nhựt khác và giúp ta hoàn tất mọi việc hằng ngày một cách khéo léo và ... duyên dáng.

Giác niệm về hơi thở còn đưa ta đến gần với thực tế và thiên nhiên. Chúng ta sống quá nhiều với cái đầu của chúng ta: tư tưởng, mơ mộng, ký ức, kế hoạch, lời nói và tất cả những thứ khác nữa. Vì thế, chúng ta còn đâu cơ hội để hiểu biết về tấm thân của chính chúng ta, chẳng hề dùng thời giờ để tìm hiểu tấm thân ấy (ngoại trừ khi bị bịnh hoạn dày vò hoặc lúc tình dục ngây ngất). Với giác niệm về hơi thở, chúng ta cảm ứng được với thân tâm ta và bản thể của nó. Chúng ta thấm nhập sâu xa và vững chắc vào thực tế căn bản của nhơn sanh, để khôn khéo đương đầu với các cảm thọ, tình cảm, tư tưởng, ký ức và những tâm trạng khác trong nội tâm. Hết còn bị các thứ kinh nghiệm đó thổi bạt làm chúng ta phải nghiêng ngửa, chúng ta mới dễ chấp nhận chúng đúng y như chúng đang là như thế và học được bài học mà chính các kinh nghiệm đó đang dạy chúng ta. Chúng ta bắt đầu học hỏi được cái gì là cái gì, cái gì chân thật, các gì giả dối, cái gì cần thiết, cái gì tầm thường, thế nào là xung đột, thế nào là an hoà.

Với Giác niệm về hơi thở, chúng ta học được lối sống trong hiện tại, và chỉ có khoảng thời gian nầy chúng ta mới thật sự sống. An trú trong quá khứ, thì quá khứ đã chết mất rồi, hoặc mơ mộng về tương lai, thì tương lai lại mang cái chết đến, cả hai thời nầy đều chẳng phải thật sự là sống cuộc đời đáng sống của con người. Trong khi đó, mỗi hơi thở là một sự thật sống động trong cái đây và bây giờ, đâu có bờ bến nào giới hạn. Biết rõ ràng được hơi thở đang thở, chính là đang sống, sẵn sàng để tăng trưởng và để đón nhận bất cứ những gì sẽ tiếp theo sau.

Sau cùng, trong khuôn khổ hạn hẹp của cuộc đàm luận nầy, Giác niệm về hơi thở (Ànàpànasati) giúp ta dũa mòn được và vứt bỏ đi sự ích kỷ hiện đang phá hoại đời sống chúng ta và của cả thế giới nữa. Xã hội và hành tinh của chúng ta đang bị dày xéo vì vắng bóng hoà bình. Vấn đề nầy rất khẩn thiết, khiến cho các chánh trị gia, ngay cả các kỹ nghệ gia quân sự cũng rêu rao hứa hẹn hoà bình. Nhưng còn chưa thấy thực hiện nổi những gì để thật sự khiến nền hoà bình chân chính được nở hoa. Chỉ thấy có những biện pháp hời hợt, phiến diện được đề ra, trong khi đó nguồn gốc của sự tranh chấp lại nằm bên trong nội tâm của mọi người, của mỗi người trong chúng ta. Các cuộc xung đột, tranh biện, chiến đấu, và cạnh tranh, mọi sự bạo hành và tội phạm, sự bóc lột cùng sự bất lương, đều khởi lên từ các nỗ lực đã bắt nguồn nơi các ý nghĩ ích kỷ của chúng ta. Giác niệm về hơi thở giúp ta nhổ bật được gốc rễ của cái "Ta" khả ố và những cái "của Ta" đáng ghét, là các mầm mống của lòng ích kỷ đó. Cần chi hô hào ầm ỉ về hoà bình, chúng ta chỉ cần đến luồng hơi thở nhẹ nhàng cùng với sự tỉnh giác sáng suốt.

Niềm khát khao hoà bình của chúng tôi, hoà bình cho nội tâm cá nhơn cũng như hoà bình cho thế giới, đã được các quí khách chia xẻ, khi họ đến viếng thăm Suan Mokkh. Với những ai hiện đang tầm cầu con đường hoà bình của Đức Phật, và nhận đó là bổn phận và nguồn hạnh phúc của tất cả mọi người, chúng tôi xin hiến tặng quyển sách nầy. Chúng tôi hi vọng quyển sách sẽ làm phong phú thêm sự thực tập Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) của các bạn để đời bạn được thăng hoa lên.

Nguyện cầu mọi người chúng ta đều đạt được mục đích đời sống đầy ý nghĩa của mình.

Tỳ kheo Santikaro
Suan Mokkhabalarama
Tân niên (P.L.) 2531 (1988)

-ooOoo-

Thiện Nhựt xin thưa vài lời ...

Kính thưa Quí vị Đạo hữu,

Trong rừng Giáo lý nhà Phật, tìm được một bản Kinh chỉ rõ vừa lý thuyết vừa thực hành là điều rất khó. Kinh Nhập tức Xuất tức Niệm (Ànapànasati) đã được Pháp sư Phật Lệ trình bày lại dưới hình thức mươi bài pháp thoại rõ ràng và giản dị, chỉ rõ con đường tu tập, từng bước một, để đi đến sự giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Ngay tại trang bìa, có ghi rõ sách dành cho các Phật tử quyết tâm mới bắt đầu tu tập (For serious beginners).

Nếu đã thấy bấy lâu nay cứ chạy lòng vòng đi tìm một pháp môn thích hợp với mình, thì tôi thiển nghĩ đây là một quyển sách, cần đọc đi đọc lại nhiều lần, và nhứt là cần được đem ra thực tập ngay. Nếu có quyết tâm, kết quả sẽ đến với ta rất rõ rệt và rất đáng ước mong.

Trân trọng.
Montréal, 16-02-2004.

Thiện Nhựt kính trình.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13

 

Chân thành cám ơn cư sĩ Thiện Nhựt, Montréal, Canada, đã có thiện tâm giúp chuyển dịch cẩm nang hành thiền này.
(Bình Anson, 03-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-03-2004