BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Đạo đức Phật giáo và Hạnh phúc con người

Hòa thượng Thích Minh Châu
Phật lịch 2546, TL. 2002


Phần II


[3]

ĐẠO PHẬT VÀ NỀN VĂN HOÁ VIỆT NAM

Như mọi người đều biết vào thế kỷ thứ nhất sau kỷ nguyên, đạo Phật du nhập vào Việt Nam trong khi đất nước đang bị phong kiến phương Bắc đô hộ.

Trước đó, nhân dân Việt Nam đã xây dựng được một nền văn hóa rực rỡ, độc đáo, có bản sắc riêng, mà hiện nay các nhà sử học và khảo cổ học gọi là "Nền văn minh sông Hồng". Đó là một nền văn minh xóm làng dựa trên một nông nghiệp trồng lúa trước với kỹ thuật luyện đồng và luyện sắt đã phát triển từ rất sớm. Phong kiến phương Bắc đã tiến hành một sự đồng hóa cưỡng bức về văn hóa nhưng dân chúng Việt Nam phải đấu tranh quyết liệt để bạo vệ nền văn hóa truyền thống và cũng là để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc.

Người Việt Nam vốn có một thái độ bao dung cởi mở về văn hóa và tín ngưỡng, ít có những thành kiến tôn giáo, sẵn sàng chọn lọc trong những nền văn hóa bên ngoài những yếu tố làm phong phú nền văn hóa độc đáo của họ. Người Việt Nam cũng có thể chấp nhận những tín ngưỡng khác nhau từ bên ngoài và dung hòa chúng với tín ngưỡng cổ truyền.

Phật giáo đã bắt rễ dễ dàng trên mảnh đất Việt Nam. Những người nông dân Việt Nam đang đau khổ và khát vọng sự giải thoát, đã tiếp nhận Phật giáo một cách tự nhiên.

Các nhà sư Ấn Độ và Trung Á đã đến Việt Nam vào khoảng đầu công nguyên. Giao Châu - Việt Nam thời đó - đã là nơi dừng chân của nhiều khách thương Ấn Độ cũng như các Tăng sĩ Ấn Độ. Thương gia Ấn Độ thường phải ở lại đây cho đến năm sau, chờ gió mùa đông bắc để trở về Ấn Độ . Còn một số nhà sư Ấn Độ có thể ở lại lâu hơn. Cũng từ đây, một số thành tựu văn hóa vật chất, ngôn ngữ và tinh thần Ấn Độ được người Việt tiếp thu, trong đó có Phật giáo.

Sự tiếp nhận này dường như không gây ra sự thay đổi nào đột ngột trong đời sống tinh thần của người Việt. Họ thờ cúng Chư Phật cũng như đã thờ cúng các vị thần vốn có của họ.

Trung tâm Phật giáo cổ nhất ỏ Việt Nam là Luy Lâu, cách Hà Nội khoảng 30 km về phía Bắc. Ở đây có bốn ngôi chùa được dựng từ thời các nhà sư Ấn Độ đầu tiên đến đây, có tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, tức Mây, Mưa, Sấm, chớp. Bốn ngôi chùa này đồng thời thờ bốn vị nữ thần là Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Đàn, Bà Tướng. Rõ ràng đó là các nữ thần nông nghiệp. Cho đến ngày nay, người ta vẫn còn thờ các loại nữ thần đó trong các chùa này. Như vậy là ngay trong bước du nhập đầu tiên, Phật giáo đã được những người nông dân trồng lúa Việt Nam dung hòa với các tín ngưỡng cổ truyền của họ.

Từ thế kỷ hai trở đi. Phật giáo Giao Châu đã có những bước phát triển đáng kể. Tăng đoàn đã khá đông. Nhiều chùa tháp được dựng. Các nhà sư Ấn Độ và Trung Á đã bắt đầu tổ chức việc dịch kinh ở Luy Lâu. Ngoài nhiều bộ kinh đã được dịch, đã xuất hiện những quyển sách bàn luận về Phật giáo. Những trung tâm dịch kinh và nghiên cứu Phật giáo đồng thời cũng là những trung tâm giáo dục. Những thế hệ Tăng sĩ người Việt dần dần được hình thành. Chẳng hạn như Đạo Thanh là học trò của Chi Cương Lương Tiếp (Kalàsìvi) trong thế kỷ III, và Huệ Thắng là học trò của Đạt-Ma-Đề-Bà (Dharmadeva) trong thế kỷ V... Từ thế kỷ VI trở đi, Phật giáo ở Việt Nam càng phát đạt. Các phái Thiền Tông Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam trong thế kỷ VI và thế kỷ IX. Cũng vào thời gian này, xuất hiện nhiều cao tăng người Việt, có đạo đức sâu rộng, trong số đó có những người như Phụng Đình Pháp sư, Duy Giám Pháp sư, được vua nhà Ðường mời sang Trường An (Chánh An) để giảng kinh luận. Nhiều cao tăng Việt Nam khác cũng đã đến Ấn Độ như Vận Kỳ Giải Thoát Thiên (tên Sanskrit là Moksadeva), Khuy Xung (tên Sanskrit là Prajnadeva). Đặc biệt là ngài Đại Thừa Đăng (tên Sanskrit là Mahayànapradìpa), đã nhiều năm tu hoc ở Ấn Độ, tinh thông tiếng Sanskrit, đã chú giải tác phẩm Duyên Sinh Luận (Nidàna-sastra). Vị này đã tới học ở tự viện Nalanda và cuối cùng mệnh chung ở chùa Parinirvana tại Kusinara vào thế kỷ VII.

Cũng một phần qua các hoạt động của các tăng sĩ như vậy mà văn hóa Việt Nam đón nhận ảnh hưởng của văn hóa thế giới. Nhưng điều quan trọng trong thời kỳ này là Phật giáo đã góp phần phát triển và bảo vệ nền văn hóa dân tộc.

Khi đã thấm sâu vào tín ngưỡng của nhân dân, Phật giáo đã có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Các ngôi chùa lại trở thành các trung tâm văn hóa giáo dục trong các làng xã. Chùa không phải chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là nhà trường. Các em bé đến chùa không phải chỉ để sau này trở thành các Tăng sĩ mà là để học chữ. Chư Tăng không những làm việc tôn giáo mà còn là thầy học hoặc thầy thuốc ở nông thôn. Chư Tăng là người hiểu biết trong xóm làng, làm cố vấn cho nông thôn trong nhiều công việc và được nông dân kính trọng.

Chính vì vậy, rất tự nhiên, trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Phật giáo đã đúng vào phía những người yêu nước. Nhiều Tăng sĩ trong hoạt động tôn giáo của mình, đã nhen nhóm một tinh thần tự chủ. Và có những tín đồ Phật giáo đã trực tiếp cầm đầu nhân dân đứng lên làm cuộc chiến tranh giải phóng. Cuộc khởi nghĩa của Lý Phật Tử cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII là một ví dụ. Trong tiếng Việt, "Phật tử" có nghĩa là tín đồ Phật giáo. Như vậy là Phật giáo Việt Nam, trong những bước phát triễn đầu tiên, đã nhập thân vào dân tộc. Chính vì vậy mà người Việt Nam không ngạc nhiên khi thấy trong lịch sử, vua Lý Nam Đế, khi xây dựng một nhà nước độc lập ngắn ngủi vào thế kỷ VI, đã cho xây ngôi chùa có tên là Khai Quốc, nghĩa là "mở nước". Chùa Khai Quốc là tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay ở Hà Nội.

Do vai trò của Phật giáo trong cuộc chiến đấu giải phóng, khi nền độc lập của Việt Nam được giành lại trong thế kỷ X, Phật giáo đã có một vị trí to lớn trong xã hội. Từ thế kỷ X đấn thế kỷ XIV là giai đoạn phát triển cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, mà đỉnh cao là trong hai triều đại Lý (1010-1225) và Trần (1225-1400). Phật giáo trở thành quốc giáo. Nhiều cao tăng làm cố vấn cho nhà vua trong công việc đối nội và đối ngoại. Nhiều nhà vua tin sùng Phật giáo, sau khi truyền ngôi cho con, đã xuất gia tu hành. Phần lớn quan lại quý tộc là tín đồ Phật giáo.

Chùa tháp mọc lên khắp nơi trong nước. Ngày nay, ở những tỉnh miền núi của Việt Nam như Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, các nhà khảo cổ học đã tìm được di tích những ngôi chùa cổ trong thời kỳ này. Điều đó có nghĩa là bấy giờ, Phật giáo đã thâm nhập vào các dân tộc thiểu số trên đất Việt Nam.

Phật giáo đã thấm sâu vào các làng xã. Người Việt Nam chúng ta có câu: "Đất vua, chùa làng". Đất của vua có nghĩa là đất đai trong nước thuộc quyền sở hữu của nhà vua, một hình thức sở hữu ruộng đất phổ biến ở phương Đông cổ đại. Còn chùa là của làng, nói lên rằng mỗi công xã có một ngôi chùa riêng. Nhà chùa thường được hưởng hoa lợi trên một số ruộng đất gọi là ruộng chùa, lấy ra trong bộ phận ruộng công của làng xã. Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam hiện nay cho rằng đình, ngôi nhà chung của cư dân làng xã mà ở đó thường tiến hành những sinh hoạt công cộng, chỉ xuất hiện về sau này. Còn trong thời kỳ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, chưa có đình, mà chùa là nơi sinh hoạt công cộng của cư dân làng xã. Như vậy trong giai đoạn này chùa không chỉ là nơi tiến hành các sinh hoạt tôn giáo, mà cũng như đình sau này, còn là nơi sinh hoạt văn hóa của dân làng xã. Làng xã Việt Nam bao giờ cũng là nơi ấp ủ sức sống của văn hóa truyền thống của người Việt Nam . Như vậy là từ trong cái tế bào của xã hội Việt Nam cổ truyền, văn hóa dân tộc đã tiếp xúc với Phật giáo.

Sau thế kỷ X, cùng với việc giành lại chủ quyền đất nước văn hóa Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển rực rở, bừng lên như môt cuộc hồi sinh hay phục hưng. Đặc điểm của nền văn hóa trong giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV là biểu hiện một ý thức dân tộc rất cao.

Trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc thời đó, Phật giáo Việt Nam có những đóng góp to lớn. Có thể nói rằng văn hóa Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV vừa mang tính chất dân tộc vừa mang tính chất Phật giáo. Và hai đặc điểm này hoàn toàn không mâu thuẫn nhau.

Như đã nói ở trên, Phật giáo Việt Nam đã tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc từ trước thế kỷ X, nên khi giành lại được nền độc lập, các Tăng sĩ vẫn mang một ý thức quốc gia mạnh mẽ. Nhiều cao tăng như Khuông Việt (tên hiệu này có nghĩa là "giúp nước Việt"), Vạn Hạnh, Pháp Thuận đã thực sự tham gia hoạt động chính trị với mục đích giữ gìn một nhà nuớc độc lập mới được xây dựng. Phật giáo thời kỳ này mang một màu sắc nhập thế rõ ràng, hay nói cho đúng hơn, có nhiều chiều hướng phục vụ quốc gia dân tộc.

Vả lại, các nhà sư thời kỳ này đều thuộc các phái Thiền. Đối với các Thiền sư, mọi công việc của đạo của đời đều không ngăn cản đạt được bát nhã (Prajna). Vì vậy ngồi trên chiếu thiền, hay lên yên đuổi giặc, các vị ấy đều tự do. Tuệ Trung thượng sĩ, một nhà thiền trong cuộc kháng chiến chống Nguyên, đã trình bày điều đó trong hai câu thơ rất hay:

"Đi là thiền, mà ngồi cũng là thiền,
Bao giờ cũng là một đóa sen tươi trong lò lửa đỏ rực. "

Ý thức dân tộc biểu hiện mạnh mẽ trong văn học và nghệ thuật. Thời kỳ này mà chư Tăng là người mở đầu dòng văn học đó. Bài thơ sớm nhất mà ngày nay được biết đến trong lịch sử văn học Việt Nam là của pháp sư Khuông Việt, cố vấn cho các vua Đinh và Lê trong thế kỷ X. Đó là một bài thơ tiễn môt sứ giả Trung Quốc về nước. Bài thơ được làm trong công việc ngoại giao, biểu hiện một ý thức quốc gia mạnh mẽ nhưng vẫn có tính nghệ thuật cao.

Ngày nay, những gì còn lại trong kho tàng văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XII, tuyệt đại bộ phận là văn học Phật giáo. Hầu hết là thơ của các thiền sư. Trong số đó có những bài thơ rất hay, đã giữ một vị trí rất xứng đáng trong lịch sử thi ca Việt Nam.

Đây là bài thơ ngắn của nhà sư Mãn Giác(1052-1096):

"Mùa xuân đi trăm hoa rụng,
Mùa xuân đến trăm hoa nở,
Việc đời trôi qua trước mắt,
Tuổi già đến từ trên đầu.

"Nhưng chớ nói rằng mùa xuân tàn thì tất cả các hoa đều rụng
Đêm hôm qua trước sân, một cành hoa mai đã nở".

Có thể các tác giả bài thơ muốn dùng hình ảnh cành hoa mai để biểu hiện bản thể bất sinh bất diệt của vạn pháp. Nhưng mọi người Việt Nam lại tìm thấy ở bài thơ này một cảm xúc về sự vươn lên của cuộc sống không gì dập tắt được.

Và đây là bài thơ nhỏ của nhà sư Không Lộ (mất năm 1119):

"Chọn được nơi ở trên một thửa đất đẹp.
Cái thú ở thôn quê khiến cho suốt ngày, niềm vui không dứt,
Có lúc, ta chèo lên đỉnh núi cao chót vót,
Kêu dài một tiếng, làm lạnh cả bầu trời.

Trong khi hứng siêu thoát rất độc đáo của tác giả. người Việt Nam lại thấy một sự khảng định con người giữa tự nhiên mênh mông.

Văn học Việt Nam từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIV phong phú hơn, đa dạng hơn và có một tinh thần dân tộc sâu sắc hơn. Nhưng văn học Phật giáo vẫn còn là một bộ phận quan trọng, đó là chưa kể ảnh hưởng của Phật giáo đến văn học nói chung. Một nhà thơ nổi tiếng có đóng góp cho nền thơ ca Việt Nam là Pháp sư Huyền Quang (1254-1334), giỏi Phật học nhưng thơ rất bình dị. trong thơ Ngài, thiên nhiên hiện lên tuyệt đẹp và rung cảm của con người thật là tươi mát. Nhưng đôi khi, bên cạnh những bức tranh đẹp của thiên nhiên, ta gặp những dòng thơ chia sẻ nỗi đau khổ của con người. Chẳng hạn bài thơ của Ngài viết khi gặp những người tù đi đày bị áp giải:

"Ta muốn viết một bức thư bằng máu để nhắn tin
Như chim nhạn cô đơn bay vút qua tầng mây,
Đêm nay, bao nhiêu nhà buồn dưới ánh trăng,
Hai nơi xa nhau nhưng cùng một nỗi đau".

Huyền Quang là tổ thứ ba của phái thiền Trúc Lâm. Việc xây dựng một phái thiền riêng trong thời Trần cũng là một biểu hiện của ý thức dân tộc. Vị tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm là vua Trần Nhân Tông (1258-1308), người anh hùng dân tộc, nhà sư và cũng là nhà thơ.

Một trào lưu văn học có tính chất dân tộc thời Trần là sáng tác bằng ngôn ngữ Việt Nam và ghi lại bằng thứ chữ Việt Nam gọi là chữ Nôm. Trần Nhân Tông, Huyền Quang cũng đã để lại những tác phẩm văn học Phật giáo bằng chữ Nôm. Những tác phẩm đó ngày nay vẫn còn, và trở thành những tài liệu vô cùng quý báu .

Sự hưng thịnh của Phật giáo trong các thế kỷ X-XIV ở Việt Nam đã kéo theo sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hội hoạ. Nhiều chùa tháp đã mọc lên ở các kinh đô Hoa Lư, Thăng Long (Hà Nội ngày nay) cũng như ở nhiều nơi khác trong nước. Đáng tiếc là phần lớn các kiến trúc này nay không còn nữa, do thời gian và do chiến tranh xâm lược. Ngày nay chỉ còn lại tháp đá Phổ Minh (tỉnh Hà Nam Ninh) 14 tầng, cao 21m, xây dựng năm 1305 và tháp gạch Bình Sơn (tỉnh Vĩnh Phú), 11 tầng, cao 15m, xây vào thế kỷ XIV là còn khá nguyên vẹn. Đó là những niềm tự hào kiến trúc cổ Việt Nam.

Cùng phát triển với kiến trúc là điêu khắc. Tiêu biểu cho điêu khắc thời kỳ này, ngoài những phù điêu trang trí cho các kiến trúc Phật giáo là những pho tượng bằng đá như tượng A Di Đà (Amitabha) ở chùa Phật Tích (tỉnh Hà Bắc), các tượng kim Cương (Vajrapani) ở chùa Long Đọi (tỉnh Hà Nam Ninh). Đó là những pho tượng đẹp thời Lý. Thời Trần ngày nay ít tượng hơn, nhưng lại tìm được rất nhiều bệ tượng bằng đá. Đó là những khối chữ nhật ghép đá mà trên đó những nhà điêu khắc đã trang trí bằng các phù điêu.

Phong cách điêu khắc Lý mềm mại, phong cách điêu khắc Trần khoẻ khoắn. Một hình tượng trang trí phổ biến của thời kỳ này là hình hai con rồng uống khúc nằm giữa hai chiếc lá cây bồ đề. Lá bồ đề tượng trưng cho Phật giáo và rồng tượng trưng cho dân tộc Việt Nam. Thủ đô Hà Nội thời đó có tên là Thăng Long, có nghĩa là "rồng bay lên". Một lần nữa, ta lại thấy sự quyện nhập giữa tinh thần Phật giáo và ý thức dân tộc trong các biểu hiện của văn hóa giai đoạn này.

Từ giữa các thế kỷ XIV, Nho giáo bắt đầu lớn mạnh và Phật giáo bị chèn ép. Nhưng từ giữa thế kỷ XVI, Phật giáo Việt Nam bắt đầu phục hồi và hưng khởi lại. Thời kỳ phát triển này đạt đến đỉnh cao của Phật giáo vào thế kỷ XVIII.

Phật giáo hưng khởi trở lại, kiến trúc và nghệ thuật tạo hình Phật giáo cũng theo đó mà phát triển. Nhiều ngôi chùa lớn ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam ngày nay là được xây dựng trong thời kỳ này. Tượng Phật thời kỳ này trở lên đa dạng. Đặc biệt là xuất hiện nhiều tượng Tuyết Sơn và tượng Quan Âm (Avalokitesvara) đẹp. Nổi tiếng nhất là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tạc năm 1656, ở chùa Bút Tháp (tỉnh Hà Bắc). Bên cạnh tượng Phật là tượng La-hán (Arhat) mà đặc sắc nhất là loạt tượng La-hán ở chùa Tây Phương (Hà Nội), cuối thế kỷ XVIII.

Đây cũng là một thời kỳ xuất hiện nhiều tác phẩm văn học Phật giáo mà nội dung phổ biến là sự dung hòa tư tưởng Phật giáo với tinh thần Nho giáo và Đạo giáo.

Nhiều nhà văn Việt Nam cũng đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Ngay Nguyễn Trãi, nhà tư tưởng và nhà yêu nước, cũng đã từng viết những dòng thơ:

Tào Khê rửa ngàn tăm suối [1]
Sạch chẳng còn một chút phàm

Còn nhà thơ lớn Nguyễn Du, một tên tuổi chói sáng trong lịch sử văn hóa Việt Nam, thì lại tỏ ra có một căn bản vũng chắc về thiền học, khi ông viết:

Tôi đã học kinh Kim Cương hơn nghìn lần,
Trong đó có nhiều điều sâu sắc tôi chưa hiểu được .
Nhưng đến khi đứng trước đài đá chia kinh này mới biết kinh không có chữ là kinh chân chính.
[2]

Nay nhìn lại sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể không chú đến sự đóng góp của đạo Phật. Đạo Phật đã có mặt trên đất nước này gần 2.000 năm. Vai trò Phật giáo đã đóng góp trong việc xây dựng nền văn hóa Quốc gia Việt Nam không phải luôn luôn giống nhau ngang qua lịch sử. Nhưng thật kỳ diệu là Đạo Phật không bao giờ xây dựng lại nền văn hóa dân tộc. Khi nào nền văn hóa dân tộc bị lâm nguy có thể bị tiêu diệt, thời phần đông Phật tử với nhân dân Việt Nam đã đứng lên để bảo vệ.

Nhân dân Việt Nam tiếp thu từ Đạo Phật những gì thích hợp với tâm tư trí óc của mình, như thế trí tuệ và từ bi, tình thương đén mọi loài hữu tình, sự cương quyết cố gắng làm điều thiện, điều lành, sự giải thoát tâm hồn, và sự mong muốn hòa bình và hạnh phúc cho mọi gia đình . Đức Phật hiện ra trong các truyện thần thoại Việt Nam, với nụ cười hiền lành, đem lại hạnh phúc cho mọi người. ví dụ ông Bụt đã cho Tấm, cô gái Cinderella Việt Nam trong các câu truyện nhân gian, những áo quần đẹp nhất để đi dự dạ hội... Ngang qua các thần thoại và các bài ca dân gian, ông Bụt hiền lành đã hiện vào trong giấc mộng của các trẻ em Việt Nam. Những người lớn tuổi đã tìm trong Đức Phật một gương mẫu noi theo để chống lại các cám dỗ tội lỗi, nhờ vậy gìn giữ sự trong sáng trong các hành vi và tâm tư của mình.

Do những đức tánh như vậy Đạo Phật đã tồn tại hài hòa tốt đẹp với tâm tư và văn hóa Việt Nam trải qua 2.000 năm. Hiện nay các Phật tử Việt Nam đang cố gắng làm cho sinh động và đề cao những truyền thống tốt đẹp của Đạo Phật quá khứ và cùng với nhân dân Việt Nam đang xây dựng một nền văn hóa mới phù hợp với thời đại mới.

Chú thích:

[1] Tào Khê (Tsao Chi): tên con sông nhỏ ở Trung Quốc, nơi đó có chùa Bảo Lâm (Pao-Lin) mà nhà sư Huệ Năng (Huei-Neng), tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Quốc đã tu hành.

[2] Chỉ cái đài bằng đá mà nơi đó, Thái tử Chiêu Minh (Chao-ming), con vua Lương Vũ Ðế (Liang Wu-di, 501-549) ở Trung Quốc phân phát kinh Phật.

* * *

[4]

ĐẠO PHẬT THIẾT THỰC VÀ HIỆN TẠI

Lịch sử Đức Phật Thích ca là lịch sử một con người, nhờ công phu tập bản thân, đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian, con người vĩ đại nhất sinh ra ở đời này, theo lời ca ngợi Phật của nhà thi hào Ấn Độ nổi tiếng Tagore.

Bằng cuộc đời của Ngài và bằng những lời dạy của Ngài được các đệ tử kết tập lại trong ba tạng kinh điển, Đức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng, bất cứ người nào, với nỗ lực bản thân và tu tập đúng hướng, cũng có thể đạt tới đích an lạc, giác ngộ và giải thoát, trở thành bậc thánh giữa cõi thế, một hoa sen thơm mọc giữa bùn lầy mà không vẩn mùi bùn.

Đó chính là ý nghĩa nhân bản cao cả của Đao Phật, một tôn giáo đặt niềm tin lớn vào con người, đề cao con người ngang hàng với bậc Thánh, vì con người thật sự có sẵn trong mình khả năng, mầm mống để trở thành bậc Thánh, nếu con người muốn mà quyết tâm tiến theo con đường Đức Phật đặt ra.

Đạo Phật không hứa với chúng ta một thiên đàng xa xôi siêu thế. Đạo Phật yêu cầu chúng ta nhìn thẳng vào thực tại, tìm ra những nguyên nhân gì gây ra cho chúng ta bất hạnh và đau khổ, ưu tư và sợ hãi, rồi chỉ chúng ta phương pháp thiết thực để đoạn trừ những nhân tố.

Đức Phật thường nói Ngài thuyết pháp để cho người biết, người thấy, không phải người không biết, không thấy; và pháp của Ngài giảng là thiết thực và hiện tại, giúp chúng ta ngay bây giờ, ở đây, đoạn tận mọi khổ đau và mê lầm, sống an lạc và hạnh phúc hướng tới giải thoát và giác ngộ.

Đức Phật Thích Ca, vì bổn sư vô cùng tôn quý, đã sanh ra giữa loài người, đã đến với chúng ta như một người, thì những điều gì Ngài tuyên bố hay giảng thuyết, con người có thể hiểu được và làm được. Lời dạy của Ngài cò giá trị thiết thực và hiện tại, có thể giúp chúng ta giải quyết tốt đẹp các vấn đề của cuộc sống.

Sanh ra ở đời, ai cũng muốn hạnh phúc, không ai muốn đau khổ, mà Đạo Phật chính là đạo giúp con người thoát khổ đau và sống an lạc, giúp con người đoạn tận khổ đau ngay tại đời này bằng những phương pháp thiết thực và hiện tại, mà mọi người chúng ta đều hiểu được và làm được, không phải là những chuyện gì xa xôi, huyền bí, siêu thực.

Đức Phật đến với chúng ta như một con người, với sự phấn đấu kiên trì của bản thân, Ngaì đã trở thành bậc thánh, và Ngài lại vạch ra con đường để mọi người có thể noi theo, phấn đấu kiên trì, cuối cùng cũng được giác ngộ và giải thoát như Ngài. Đó là con đường đạo tám nhánh – Bát chánh đạo – mà mọi người đều có thể học tập và tu chứng, không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, trí hay ngu, thậm chí cũng không có phân biệt, trong quá khứ, người đó đã sống như thế nào, đã phạm lỗi lầm gì.

Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài có độ cho hai người thật đặc biệt. Đó là Angulilama, một tướng cướp khét tiếng tàn ác ở vương quốc Kosala, và Ampapali, một kỹ nữ nổi danh tài sắc ở thành phố Veisàli. Cả hai người, sau khi xuất gia đều trở thành A-La-Hán tức là bậc Thánh đã thoát vòng sanh tử, là ruộng phước vô thường ở đời, xứng đáng để tất cả chúng ta đảnh lễ cúng dường.

Những lời Đức Phật dạy mặc dù nói lên cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm, nhưng vẫn còn giá trị lớn lao và thiết thực đối với tất cả chúng ta, đối với con người ở cuối thế kỷ XX này.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta thật sự sống đúng theo lời Phật dạy, thì dù tại gia hay xuất gia, cuộc sống của chúng ta sẽ giảm bớt được nhiều bất hạnh và đau khổ, sẽ được an lạc hơn, hữu ích hơn đối với bản thân, đối với gia đình và xã hội. Vì đó là nếp sống đạo đức và hướng thượng, đảm bảo hạnh phúc an lạc cho mình và con người, cho đời này và cho đời sau. Với nếp sống hướng thượng theo đúng lời Phật dạy, chúng ta sẽ tiến dần dần, một cách chắc chắn, tới đích giác ngộ và giải thoát, dù rằng trên tiến trình đó, chúng ta còn phải trải qua nhiều kiếp.

Thái độ của Đức Phật đối với thiện và ác là một thái độ phân biệt rõ ràng, phân biệt trong kết quả của nó trong hiện tại và tương lai, phân biệt cả trong nguyên nhân của chúng là tham, sân, si nếu là ác; và không tham, không sân, không si, nếu là thiện.

Trong một bài kinh, Đức Phật nói với tôn giả A Nan Đà: "Ta tuyên bố một cách dứt khoát rằng, này A Nan Đà, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là điều không nên làm. Nếu làm những điều không nên làm ấy, thời có những nguy hại như sau được chờ đợi: Tự mình chê trách mình; sau khi biết thời kẻ trí chê trách; tiếng ác đồn xa; bị suy ám khi mệnh chung; sau khi chết, sinh vào cõi dữ, cõi ác... "

Như vậy là Đức Phật khẳng định rất khoát rằng, người ác ngay trong đời sống hiện tại ít nhất cũng chịu khổ trên bốn phương diện. Một là tự mình chê trách mình, lương tâm cắn dứt dày vò, nội tâm như lửa đốt, ưu não, nhiệt não, khổ não. Hai là bị người có trí chê trách. Ba là bị quần chúng lên án chê bai, vì vậy mà người làm ác đi đâu cũng sợ hãi, xấu hổ. Bốn là khi mệnh chung, tâm người ác bị hôn mê si ám, dù có muốn cũng không trối trăn gì được cho người thân. Và sau khi chết, thân hoại mạng chung, người ác tái sanh vào cõi ác, cõi dữ.

Còn đối với người thiện, Đức Phật nói như sau: "Này A Nan Đà, ta tuyên bố dứt khoát rằng, thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện là điều nên làm. Nếu làm những điều nên làm ấy thì những lợi ích như sau được chờ đợi: Tự mình không chê trách mình; khi được biết thời kẻ trí sẽ tán thán; tiếng lành đồn xa; khi mệnh chung không bị suy ám; sau khi chết được tái sinh vào cõi trời, cõi đời này". (Tăng Chi I, 70).

Luật nhân quả nghiệp báo là công bằng và hợp lý. Ai làm, người ấy chịu . Gieo nhân ác chịu quả ác. Gieo nhân thiện được quả lành. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy: "Người là chủ nhân của nghiệp, đồng thời cũng là kẻ thừa tự của nghiệp... "(Trung Bộ III, 361).

Nhưng vấn đề khó khăn là nhân và quả khác thời, từ khi tạo nhân cho tới khi sanh quả, phải trải qua một thời gian nhất định. Nếu quả báo cuộc đời này thì gọi là hiện báo, cuộc đời sau gọi là sinh báo, thuộc các đời sau nữa gọi là hậu báo. Nhưng dù là hiện báo, sinh báo, hay hậu báo, con người cũng không thể nào tránh được quả báo do nghiệp nhân tại ra. Vì vậy mà cụ Nguyễn Du đã viết:

"Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lật trời gần trời xa.

Nghiệp do chính mình làm chớ không do ai quàng vào cho mình. Mà đã do mình làm, thì mình mang lấy vào thân chứ không thể có ai mang hộ cho mình.

Kệ 127, kinh Pháp cú viết:

"Không trên trời giữa biển,
Không lánh vào đồng núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp".

Quả báo phát sinh khác thời với nghiệp nhân, sách Phật gọi là quả Dị Thục. Dị Thục là chín muồi và đổi khác. Không những khác về thời gian mà còn khác về quy mô và hình thức. Người phàm phu vì không hiểu lẽ dị thục, cho nên không hiểu và không tin luật nhân quả, phạm tội ác bừa mà không biết sợ. Người có trí hiểu lẽ dị thục, cho nên thận trọng, biết sợ hãi ngay đối với những lỗi nhỏ. Một mồi lửa có thể đốt cháy cả cánh đồng. Một con sâu con, nếu sinh sôi nảy nở có thể phá trụi cả khu rừng hoa quả. Một hạt thóc, gieo xuống đất ruộng, trở thành cây lúa với nhiều bông. Lẽ dị thục là như vậy. Nó được chứng minh là đứng đắn trong thiên nhiên, ngoài xã hội, xung quanh chúng ta, nếu chúng ta biết nhìn và biết suy nghĩ.

Kệ 71, kinh Pháp cú viết:

"Nghiệt ác đã được làm,
Cháy ngầm theo kẻ ngu,
Như sữa không đông ngay,
Như lửa, tro che đậy".

Kệ 67 và 68 viết:

"Nghiệp làm không chánh thiện,
Mắt nhuốm lệ khóc than,
Và nghiệp làm chánh thiện,
Hoan hỷ, ý đẹp lòng,
Làm rồi sanh ăn năn.
Gánh chịu quả dị thục "

Người có trí hiểu lẽ dị thục của luật nhân quả nghiệp báo, cho nên vừa tránh mọi lỗi lầm nhỏ nhặt, vừa siêng năng làm việc thiện, việc lớn củng như việc nhỏ, trong mọi trường hợp. Nếu một mồi lửa nhỏ có thể đốt cháy cả cánh đồng thời một việc thiện, dù nhỏ củng thể đem lại phước báo vô lượng, nếu việc thiện đó được làm với tâm hồn trong sáng vô tư, vô ngả, không vị kỷ. Trong sách Phật, có danh từ "phước điền", nghĩa là ruộng phước, chỉ cho quý vị xuất gia, sống cuộc sống thánh hạnh, thánh tịnh. Quý vị đó là ruộng phước. Thế nhưng một người, xuất gia hay tại gia, nếu biết chánh niệm tỉnh giác, hộ trì các căn, tu tập đến chổ thuần tịnh, trong sáng, mọi cấu uế tham sân, si đều được gạn lọc sạch, thời mỗi việc làm thiện của người đó, dù là nhỏ, cũng đem lại phước báo vô lượng. Vì sao? Vì bản thân họ đã là ruộng phước, vì tâm địa họ cũng rộng lớn vô lượng.

Như quý vị đều biết, Đạo Phật khẳng định có tái sinh, có luân hồi, có nhiều cõi sống khác cõi sống loài người. Có cõi sống thiện, có cõi sống ác. Cõi người, cõi trời là những cõi sống thiện. Cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục là các cõi sống ác. Đức Phật và các bậc Thánh đã thoát khỏi cảnh luân hồi sinh tử, không những dạy chúng ta con đường thoát khỏi sinh tử mà còn chỉ bày cho chúng ta nếp sống đạo đức, thiện lành, hướng thượng để giúp chúng ta tuy vẩn còn luân hồi sinh tử nhưng luân hồi sinh tử trong các cõi thiện, cõi lành mà thôi.

Kệ 182, kinh Pháp cú viết ;

"Khó thay được làm người,
Khó thay nghe diệu pháp,
Khó thay được sống còn,
Khó thay Phật ra đời"

Bốn cái khó trên, hầu như chúng ta ở đời đều đạt được cả. Đức Phật tuy nhập Niết-bàn cách đây hơn 2.500 năm, nhưng Phật có để lại diệu pháp mà chúng ta được nghe, được học. Chúng ta có được thân người là việc hy hữu. Thân người tuy bị bệnh, bị già, bị chết, nhưng ngày nào chúng ta còn được sống, thì thân người vẫn là phương tiện để chúng ta tập làm thiện sự và Phật sự, hướng tới giác ngộ và giải thoái.

Nếp sống thiện là nếp sống an lạc hạnh phúc. Nếp sống bất thiện là nếp sống bất hạnh và đau khổ. Ý nghĩa thiết thực của đạo đức Phật giáo là ở chỗ đó.

Kinh Phật phân biệt thiện hay ác theo ba loại:

- Thứ nhất là thiện ở nơi hành động của thân, tức là không sát sinh mà còn phóng sinh, trân trọng sự sống của muôn loài; không lấy của không cho mà còn bố thí, giúp người khác bằng của cải vật chất (tài thí), bằng đạo lý (pháp thí), bằng lấy sức che chở kẻ yếu (vô uý thí), hay là tìm cách chia sẻ niềm vui với người khác (tùy hỉ thí); không tà dâm, tà hạnh mà sống trong sáng bình dị. Ba điều thiện về thân, nếu đảo ngược lại, thành ba điều ác, như sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục.

- Thứ hai là thiện ở lời noí. Cụ thể là nói lời chân thật, không nói dối; nói lời diệu hiền, dễ nghe, không nói lời thô ác; nói lời đoàn kết, không nói lời chia rẽ; nói lời có ích, có lợi, không nói lời vô nghĩa.

- Thứ ba là thiện ở trong ý nghĩ, cụ thể là không tham lam, không giận dữ, không si mê. Kinh Phật thường nói tắt là không tham, không sân, không si.

Ba điều thiện này là ba điều thiện gốc, căn bản, vì từ đó khởi sinh mọi lời nói thiện và việc làm thiện.

Chính vì vậy mà đạo Phật khuyên chúng ta phải tu tập tâm, như là căn bản của mọi sự tu tập.

Trong kinh Tăng Chi, tập 1, trang 12, đức Phật khẳng định rằng, tâm không tu tập là tâm khó sử dụng, tâm tu tập là tâm dễ sử dụng, tâm không tu tập đem lại tác hại lớn, tâm tu tập đem lại lợi ích lớn, tâm không tu tập đem lại đau khổ, tâm tu tập đem lại an lạc...

Đức Phật nói tiếp, "Này các tỷ -kheo, ta không thấy một pháp nào khác, đem lại lợi ích lớn như tâm được điều phục, tâm được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ, tâm được đặt đúng hướng... " (Tăng Chi 1, 15-16)

"Này các tỷ- kheo, vị tỷ-kheo với tâm hồn đặt đúng hướng, làm minh sinh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn. Sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các tỷ -kheo, ví tâm được đặt đúng hướng... "

Tâm đặt đúng hướng là đúng hướng thiện, hướng giải thoát và giác ngộ. Tâm đặt sai hướng là ác, hướng tà, hướng cỏi ác, cõi khổ. Chính vì vậy mà đạo Phật khuyên chúng ta tu tập tâm, phải hàng giờ, hàng ngày, thường xuyên gạn lọc nhơ bẩn của tâm, mọi cấu uế của tâm, khiến tâm có tham trở thành tâm không tham, tâm có sân trở thành tâm không sân, tâm có si trở thành tâm không si. Tâm được gội sạch mọi cấu uế từ ngoài vào, đức Phật gọi là tâm sáng chói, tâm nhu nhuyến dễ sử dụng, tâm không bị khấu đục. Đức Phật dạy:

"Này các Tỷ-kheo, với tâm không bị khấu đục, biết được lợi ích của mình, biết được lợi ích của người hay biết được lợi ích cả hai, sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến, thù thắng, xứng đáng là các bậc thánh. Sự kiện như vậy có xảy ra. Vì cớ sao? Vì rằng tâm không bị khấu đục, này các Tỷ-kheo " (Tăng Chi 1, tr. 17)

Mọi công phu tu tập của chúng ta đều phải hướng tới nhổ cho sạch mọi cấu uế tham sân si làm nhơ bẩn tâm chúng ta. Nếu như tâm nhơ bẩn, đầy dẫy tham sân si, thì lời nói và hành động cũng sẽ nhơ bẩn, gây đau khổ và bất hạnh. Trái lại, nếu tâm được tu tập, được làm cho sạch, gạn lọc hết tham sân si, thì lời nói và hành động cũng sẽ tự nhiên được thiện lành trong sáng, đem lại cho chúng ta an lạc và hạnh phúc, hướng chúng ta đến giác ngộ và giải thoát. Chính vì vậy mà Đức Phật khuyên răn chúng ta hãy thận trọng từ trong ý nghĩ, phải luôn luôn chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm là ý nghĩ chân chánh, không nghĩ xấu, nghĩ bậy. Tỉnh giác là tỉnh táo, theo dõi mọi ý nghĩ, mọi niệm, đảm bảo mọi ý nghĩ, mọi niệm trong tâm chúng ta đều chân chánh, thiện lành, không để cho xen vào bất cứ một ác thiện nào. Chúng ta phải luôn luôn, thường xuyên tỉnh táo, đề phòng khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị... không để cho trong tâm, mống khởi lên bất cứ một ý niệm nào, một tà niệm nào. Nếu một ác niệm hay tà niệm nào nổi lên, thì lập tức tìm ra nguyên nhân và đoạn trừ.

Tu tập tâm là như vậy, nếp sống đạo đức Phật giáo là một nếp sống có phân biệt rõ rệt, dứt khoát thiện và ác, chính và tà. Phân biệt từ trong nguyên nhân, cội gốc là tham sân si hay là không tham, không sân, không si. Phân biệt trong sự thể hiện bằng lời nói và hành động, và phân biệt trong kết quả, kết quả cho mình và cho người khác, kết quả ở đời này và các đời sau. Hơn nữa, Đạo Phật còn dạy chúng ta phương pháp thiết thực hiệu nghiệm để từ bỏ ác, bất thiện để làm điều thiện, điều lành.

Có thể nói đó là một nền đạo đức hoàn chỉnh, tại gia hay xuất gia đều theo được.

Chúng ta tin tưởng rằng người sống theo nếp sống đạo đức Phật giáo, sẽ được sống đạo đức an lạc. Gia đình sống theo nếp sống đạo đức Phật giáo, sẽ được sống hòa thuận an vui. Nếu xã hội và thế giới thể hiện nếp sống đạo đức Phật giáo, thì cả xã hội và thế giới này sẽ được hòa bình, an lạc và hạnh phúc lâu dài.

* * *

[05]

TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT CỦA ĐỨC PHẬT KHI NGÀI THÀNH ĐẠO

Nhân dịpTập Văn xuất bản kỷ niệm lễ Đức Phật Thích Ca Thành Đạo, chúng tôi xin giới thiệu sau đây một bài kinh tên là Tapussa (Tăng Chi III, số 41 trang 273, bộ mới, năm 1988), nói đến tiến trình giải thoát của Đức Phật khi Ngài thành đạo.

Gia chủ Tapussa cùng với tôn giả Ananda đến hỏi Đức Phật, vì sao giới cư sĩ gia chủ, "thọ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục", xem đời sống viễn ly (nekkhamma) của các vị xuất gia như là vực thẳm. Tuy vậy trong Pháp và Luật của Thế Tôn lại có những Tỷ-kheo trẻ tuổi phấn khởi trong sự xuất ly, tịnh tín, an trú hướng tới xuất ly, và các vị này thấy trong sự xuất ly "Đây là an tịnh". Chính ở đây là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các Tỷ-kheo và phần đông quần chúng. Sự ngạc nhiên và khâm phục của Tapussa được Thế Tôn chấp nhận, và Đức Phật kể lại kinh nghiệm của Ngài trong tiến trình thành đạo của Ngài dưới gốc cây bồ đề, khi Ngài chưa thành bậc Chánh giác. Ngài diễn tả sự phấn khởi của Ngài trong tiến trình tu tập vượt qua các chướng ngại để đạt được các cảnh giới thiền, và vượt lên, đạt được các cảnh giới thiền cao hơn, tất cả đòi hỏi một sự phấn đấu kiên cường, sáng suốt, bền bỉ và tuần tự.

Và Ngài bắt đầu với cảnh giới Sơ Thiền và đối tượng cần phải gạt bỏ là các dục để chứng được Sơ Thiền. Ngài suy nghĩ: "Lành thay sự xuất ly! Lành thay đời sống viễn ly". Nhưng tâm của Ngài không có phấn khởi trong sự xuất ly ấy, không có tịnh tiến, không có an trú, không có hướng tới xuất ly, dù Ngài có thấy: "Đây là an tịnh". Rồi Thế Tôn suy nghĩ:

1) "Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không có phấn khởi trong xuất ly, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng tới, dù Ta có thấy: 'Đây là an tịnh'? Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ: 'Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong các Dục, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích của xuất ly chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không có phấn khởi trong xuất ly ấy, không tịnh tín, không an trú, không có hướng đến'. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: 'Nếu sau khi thấy sự nguy hiểm trong các Dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy, thời sự kiện này có thể xảy ra: Tâm của Ta có thể phấn khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú và hướng đến, vì Ta có thấy: Đây là an tịnh'.

"Rồi này, Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy được sự nguy hiểm trong các Dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'. Này Ananda, sau một thời gian Ta ly Dục... chứng đạt và an trú Sơ thiền.

2) "Do Ta trú với sự an trú này, các tương tác ý câu hữu với Tầm và Tứ vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vây, các tưởng tác ý câu hữu với Tầm và Tứ vẫn hiện hành ở nơi Ta, như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh.

"Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: 'Vậy Ta hãy chỉ tức các Tầm và Tứ ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có Tầm và Tứ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh'.

"Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không có Tầm và Tứ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh'? Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Vì Ta không thấy nguy hiểm trong các Tầm và Tứ, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích không có Tầm và Tứ chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không có Tầm và Tứ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến'.

"Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các Tầm và Tứ, vì Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có Tầm và Tứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi đối với không có Tầm và Tứ, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'.

"Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy được sự nguy hiểm trong các Tầm và Tứ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có Tầm và Tứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi đối với không có Tầm và Tứ, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'. Này Ananda, sau một thời gian, Ta diệt Tầm và Tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai.

3) "Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Hỷ vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vậy, các tưởng tác ý câu hữu với Hỷ hiện hành ở nơi Ta, như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh.

"Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: 'Vậy Ta hãy ly Hỷ... chứng đạt và an trú với Thiền thứ ba. Nhưng này Ananda, tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có Hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh'.

"Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Do nhân gì, do duyên gì, tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có Hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh''? Này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: 'Vì Ta không thấy sự nguy hiểm ấy trong Hỷ, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích không có Hỷ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không có Hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến'.

"Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Hỷ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có Hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi đối với không có Hỷ, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'.

"Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy được sự nguy hiểm trong Hỷ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có Hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi đối với không có Hỷ, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'. Này Ananda, sau một thời gian, Ta ly Hỷ... chứng đạt và an trú Thiền thứ ba.

4) "Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Lạc vẫn hiện hành. Đây đối với Ta là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vây, các tưởng tác ý cùng khởi với Lạc vẫn hiện hành ở nơi Ta, như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh'.

"Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: 'Vậy Ta hãy đoạn Lạc, đoạn Lạc... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không Lạc, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh'. Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không Lạc ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dù Ta có thấy 'Đây là an tịnh'?

"Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: 'Vì Ta không thấy nguy hiểm trong Lạc, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích của không Lạc chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không Lạc ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến. Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: 'Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Lạc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không khổ, không lạc, Ta thưởng thức lợi ích ấy, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi đối trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'.

"Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy được sự nguy hiểm trong Lạc, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không Lạc, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không Lạc, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy 'Đây là an tịnh'. Này Ananda, sau một thời gian, Ta xả Lạc ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư.

5) "Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý cùng khởi với xả lạc vẫn hiện hành, Như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vây, các tưởng tác ý cùng khởi với xả lạc hiện hành ở nơi Ta, như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh"...

Tiếp tục như vậy, Ngài chứng thiền Không biên xứ, Vô sở hữu xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Diệt thọ tưởng định. Tại Không vô biên xứ thiền, Ngài vượt qua các sắc tưởng. Tại Thức vô biên xứ thiền, Ngài vượt qua Không vô biên xứ, chứng đắc Thức vô biên xứ. Tại Vô sở hữu xứ, Ngài vượt qua Thức vô biên xứ và chứng đắc Vô sở hữu xứ. Tại Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài vượt qua Vô sở hữu xứ và chứng đắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tại Diệt thọ tưởng định, Ngài vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ và chứng đắc Diệt thọ tưởng định: "Ta phấn khởi trong Diệt thọ tưởng định, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì ta thấy "Đây là an tịnh". Này Ananda, sau một thời gian, ta vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Ta thấy với trí tuệ và các lậu hoặc đi đến đoạn diệt".

Như vậy là tiến trình giải thoát, thành đạo của Đức Phật đi từ Thiền thứ nhất, vượt qua Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, vượt luôn bốn Thiền ở vô sắc giới, chứng đạt trú Diệt thọ tưởng định, với trí tuệ đoạn trừ các lậu hoặc để thành bậc Chánh giác. Cứ mỗi thiền chứng đạt, an trú và vượt qua, Thế Tôn cần phải nỗ lực kiên trì đối trị với các trở ngại bệnh chướng của mỗi thiền và cuối cùng chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài tuyên bố:

"Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú thiền chứng chưa được ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới này, với thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, với quần chúng sa môn, và Bà-la-môn, chư thiên và loài người, cho đến khi ấy ta không xác chứng Ta đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú thiền chứng này đã được Ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới này, với thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, với quần chúng sa môn, và Bà-la-môn, chư thiên và loài người, cho đến khi ấy Ta mới xác chứng Ta đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta, Ta biết rằng: 'Bất động là tâm giải thoát của Ta. Đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa'". (Tăng Chi III, 283).

Như vậy, tiến trình giải thoát của Đức Phật cho thấy sự giải thoát giác ngộ của Ngài là cả một quá trình tuần tự, từ Sơ thiền cho đến Diệt thọ tưởng định, để cuối cùng đoạn diệt các lậu hoặc, thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Trải qua 9 thiền chứng như vậy, và lại mỗi thiền chứng, Ngài phải phấn đấu vượt qua các chướng ngại, tiến lên thiền chứng kế tiếp, để cuối cùng chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy tiến trình thành đạo của Ngài là một tiến trình tuần tự tiến lên, từng thiền chứng một tiến lên thiền chứng kế tiếp, không có vấn đề nhảy vọt, vượt qua nhiều cấp bậc một lần. Tiến trình này cũng chứng tỏ không có vấn đề hoát nhiên đại ngộ. Sự thành đạo của Ngài là cả một quá trình tu chứng lâu dài kiên trì bền bỉ, luôn luôn hướng thượng, như trong kinh này đã diễn tả.

* * *

[06]

TIẾN TRÌNH TU TẬP ĐƯA ĐẾN GIẢI THOÁT, KHÔNG TRANH CHẤP

Nguồn gốc của tranh chấp là tưởng và hý luận. Chỉ có nhiếp phục tưởng và hý luận mới đưa đến không tranh chấp và giác ngộ. (Trích kinh Mật Hoàn, số 28, Trung Bộ I).

Đức Phật có nhiều lời tuyên bố, mới xem qua như là một tuyên bố thường tình, nhưng suy nghiệm kỹ sẽ vô cùng sâu sắc và có những tác động làm chúng ta choáng váng không ngờ... như khi được du sĩ ngoại đạo Dandapani hỏi: "Sa môn Gotama có quan điểm giảng thuyết những gì?" Thế Tôn đã trả lời: "Theo lời Ta dạy, trong thế giới với chư thiên, Ma và phạm thiên, với các chúng sa môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, không có tranh luận với một ai ở đời" (trang 109B). Một thời khác Ngài tuyên bố: "Vị đạo sư thuyết pháp không có tranh luận với một ai ở đời" (Tương Ưng III, 165) Rồi Ngài truy nguồn gốc các tranh chấp: "Các tưởng sẽ không có ám ảnh vị Bà-la-môn (tu hành) sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu". Từ các tưởng khởi lên các hý luận vọng tưởng, từ hý luận khởi lên các sự tranh chấp đấu tranh . Một khi con người đã làm chủ được các dục, không bị các phiền não chi phối, không phân vân, không có hối hận, không có tham ái đối với hữu và phi hữu, thời một con người như vậy được xem như hoàn toàn thoát khỏi các chi phồi của tưỏng. Và chính từ đây chấm dứt các tranh chấp, chống đối. Đến đây Đức Phật lại nói lên phương pháp đối trị các hý luận (papanca). Những hý luận có thể do bất cứ nhân duyên gì khởi lên, thời vị hành giả cần phải "không đón mừng, không hoan hỷ, không chấp thủ". Nếu đối với các hý luận có một thái độ không chấp thủ như vậy, thời 7 tùy miên: tham, sân, kiến, nghi, mạn, hữu tham và vô minh tùy miên đều được đoạn tận, và với sự đoạn tận của những pháp này, cũng sẽ đưa đến đoạn tận "chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ và như vậy mọi bất thiện pháp đều được đoạn tận, không còn dư tàn".

Lời giảng của Thế Tôn được chấm dứt ở nơi đây, rồi Ngài đi vào tịnh xá, và lời giảng của thế Tôn được tôn giả Mahà Kaccàna giải thích và phân tích như sau, theo lời yêu cầu của các Tỷ-kheo: "Do nhân 6 căn mắt tai lưỡi thân và ý với 6 trần sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp nên 6 thức khởi lên. Do có xúc nên khởi lên các cảm thọ. Những gì có cảm thọ thời có tưởng. Những gì có tưởng thời có suy tầm. Những gì có suy tầm (Vitakkti), thời có hý luận (papanceti). Do hý luận là nhân, một số hý luận vọng tưởng (papancasanasankha) hiện hữu cho một người trong các pháp". Do 6 căn nhận thức quá khứ, vị lai, hiện tại. Sự kiện này xảy ra khi nào có 6 căn, khi nào có 6 trần, khi nào có 6 thức, thời sự thi thiết của xúc được hiển lộ. Sự kiện này xảy ra khi có sự thi thiết của xúc thời có sự thi thiết của thọ. Khi nào có sự thi thiết của thọ thời có sự thi thiết của tưởng. Khi nào có sự thi thiết của tưởng thời có sự thi thiết suy tầm. Khi nào có sự thi thiết của suy tầm, thời một số hý luận vọng tưởng được hiển lộ.

Sự kiện này không xảy ra khi nào không có 6 căn, không có 6 trần, không có 6 thức, thời không có sự thi thiết của xúc. Khi nào không có sự thi thiết của xúc thời có sự thi thiết của thọ. Khi nào không có sự thi thiết của thọ thời không có sự thi thiết của tưởng. Khi nào không có sự thi thiết của tưởng thời không có sự thi thiết suy tầm.

Khi nào có sự thi thiết của suy tầm thời có sự hiện hành của một số hý luận vọng tưởng được Nhưng nếu các hý luận vọng tưởng khởi nên, vì nhân duyên này hay nhân duyên khác, thời Đức Phật dạy cho cách đối trị, là đối với những hý luận ấy "không có gì đáng cho chúng ta hoan hỷ, không có gì đáng cho chúng ta chấp thủ" và khi đã không có chấp thủ các hý luận, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu tham tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên. Từ sự đoạn tận 7 tùy miên này, đưa đến sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Và chính ở đây, tất cả bất thiện pháp được đoạn trừ, và như vậy vị ấy được xem như đã giải thoát giác ngộ.

Bài dạy này của Đức Phật, xem các tưởng, các hý luận là nguyên nhân căn bản của các đấu tranh, tranh chấp cũng chỉ đích danh đây là nguồn gốc của chiến tranh và muốn xây dựng hòa bình cũng không có thể để cho các lý luận, các vọng tưởng chi phối con người, Hãy chặn đứng các vọng tưởng, hãy chấm dứt các lý luận, mới hy vọng xây dựng một xã hội an bình giàu tình người tốt đẹp.

Trong kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống (Trường Bộ kinh) đức Phật xác nhận cho các ngoại đạo rõ là Ngài thuyết pháp không phải để dành lấy đệ tử của người khác, không phải để ngoại đạo từ bỏ kinh tạng của họ, không phải vì muốn xác tín cho các ngoại đạo đối với các pháp bất thiện mà truyền thống từ xưa đã xem là bất thiện, không phải vì muốn cho ngoại đạo từ bỏ những thiện pháp mà truyền thống tổ sư đã xem là thiện pháp. Đức Phật xác nhận rất rõ ràng với các ngoại đạo mục đích thuyêt pháp của Ngài là: "Có nhửng bất thiện không được từ bỏ làm cho cấu uế, đưa đến tái sanh, đem lại đau khổ, đem già bệnh chết cho tương lai; những pháp ấy ta thuyết pháp để diệt trừ chúng. Nếu các ngươi thực hành đúng theo lời giảng dạy, các pháp thanh tịnh được tăng trưởng, và các ngươi sẽ tự chứng ngộ đạt đến an trú ngay trong hiện tại, trí tuệ cụ túc viên mãn" (Trường Bộ III, 57)

* * *

[07]

KHẤT THỰC THANH TỊNH HAY AN TRÚ KHÔNG TÁNH

Khất thực là hạnh hằng ngày của chư tăng, nuôi sống bằng cách đi khất thực, và đức Phật trong kinh này giới thiệu mội phương pháp làm cho hạnh khất thực trở thành thanh tịnh hằng ngày, đúng với sở nguyện tu hành của người xuất gia. Một thời Thế Tôn ở tại vương xá Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Tôn giả Sàriputta vào buổi chiều, từ thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn, đảnh lể Ngài rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với tôn giả Sàriputta: "Này Sàriputta, các căn của Thầy rất sáng suốt, sắc da của Thầy thanh tịnh trong sáng, Thầy đang phần lớn an trú với loại an trú nào?" Tôn giả Sàriputta trả lời: "Con đang phần lớn an trú với Không trú". Thế Tôn tán thán Tôn giả Sàriputta đang phần lớn an trú pháp của bậc Ðại nhân, an trú pháp của bậc Ðại nhân tức là Không tánh rồi đức Phật giải thích an trú Không tánh, người hành giả trước hết suy tư trong khi đi vào làng để khất thực, tại trú xứ khất thực và trên con đường khất thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, trong ta có khởi lên các pháp dục, tham, sân, si, hận tâm, biết có khởi lên, thời vị Tỷ-kheo phải tinh tấn đọan trừ các pháp bất thiện ấy. Nếu vị Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết rằng trên con đường đi khất thực, trong khi đi khất thực, hay trên con đường đi khất thực trở về không có khởi lên các pháp ấy, thời vị Tỷ-kheo phải an trú với tâm hoan hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp. Cũng vậy, đối với tiếng do tai nhận thức, đối với hương do mũi nhận thức, đối với vị do lưỡi nhận thức, đối với xúc do thân nhận thức, đối với pháp do ý nhận thức. Như vậy, sự khất thực của vị Tỷ-kheo trở thành thanh tịnh, cùng một lúc, các căn của vị được sáng suốt, và sắc da được thanh tịnh trong sáng.

Lại nữa, Tỷ-kheo cần phải tư duy như sau: "Ta đã đoạn tận năm dục trưởng dưỡng chưa?" Nếu trong khi suy tư, biết rằng chưa đoạn tận năm dục trưởng dưỡng, thời vị Tỷ -kheo phải tinh tấn đoạn trừ năm dục trưởng dưỡng. Nhưng nếu trong suy tư biết rằng năm dục trưởng dưỡng đã được đoạn trừ thời vị Tỷ-kheo phải an trú trong hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm tu học trong thiện pháp. Đối với năm dục trưởng dưỡng tức là sắc đẹp, tiếng hay hương thơm, vị ngon, xúc êm diu, vị Tỷ-kheo suy tư xem có hay không có khởi lên năm dục trưởng dưỡng . Nếu có, thời tinh tấn lên để đoạn trừ, nếu không có thời hoan hỷ tu học trong Chánh pháp... Nay đối với năm triền cái: tham, sân, hôn trầm thùy miên, trầm hối, nghi, vị Tỷ -kheo cũng có những suy tư như trên, nếu chưa đoạn tận năm triền cái thời tinh tấn lên mà đoạn trừ, nếu đã đoạn tận thời an trú trên hân hoan, hoan hỷ ngày đêm tu học trong Chánh pháp. Pháp kế tiếp là năm thủ uẩn: sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn, vị Tỷ -kheo suy tư đối với Năm thủ uẩn này, vị Tỷ -kheo có liễu tri được hay không. Nếu chưa liễu tri chưa được thời phải cố gắng làm cho liễu tri được. Và sau khi suy tư, biết rằng đã liễu tri Năm thủ uẩn thời vị Tỷ-kheo nên an trú trong hoan hỷ, ngày đêm tu học trong thiện pháp. Các pháp kể trên là Ba mươi bảy pháp trợ đạo, tức là Bốn niệm xứ, Bốn chánh Cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành. Vị Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã tu tập Bốn niệm xứ chưa?" Nếu chưa tu tập ta phải tinh tấn tu tập Bốn niệm xứ, nếu đã tu tập Bốn niệm xứ rồi thời an trú trong hân hoan, ngày đêm tu tập các thiện pháp. Cũng vậy, đối với Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo Tám ngành. Vị Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập Thánh đạo tám ngành chưa?". Nếu chưa tu tập thời phải tinh cần tu tập Thánh đạo Tám ngành, nếu đã tu học rồi thời phải an trú tâm trong hoan hỷ, ngày đêm tu học thiện pháp.

Pháp kế tiếp là chỉ và quán. "Ta chỉ tu tập chỉ và quán chưa?". Nếu chưa tu tập chỉ và quán thời tinh tấn tu học chỉ và quán. Nếu sau khi suy tư, biết được đã tu tập chỉ và quán rồi, thời an trú trong hân hoan, ngày đêm tu tập các biện pháp.

Cuối cùng, vị Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã chứng ngộ minh và giải thoát chưa?" Sau khi suy tư, được biết mình chưa chứng ngộ minh và giải thoát, thời vị Tỷ-kheo cần phải tinh cần tu tập để chứng ngộ và giải thoát. Nếu sau khi suy tư biết rằng mình đã chứng ngộ minh và giải thoát thời vị Tỷ-kheo cần phải an trú trong hân hoan, ngày đêm tu học trong thiện pháp.

Cuối cùng Đức Phật kết luận: "Tất cả những vị Sa môn, Bà-la-môn trong thời quá khứ, trong thời vị lai, trong thời hiện tại làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy làm cho khất thực được thanh tịnh bằng cách suy tư như vậy. Và Thế Tôn khuyên Tôn giả Sàriputta cần phải học tập như sau: "Sau khi suy tư như vậy chúng ta sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh".

Đây là pháp môn không những làm cho khất thực được thanh tịnh an lành, còn giúp cho vị hành giả được các căn sáng suốt, sắc da thanh tịnh, trong sáng, xứng đáng là vị đệ tử đầu tay của thế Tôn.

* * *

Ðầu trang | Mục lục | Phần I | Phần II | Phần III | Phần IV | Phần V

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã hỗ trợ công tác vi tính (Bình Anson, 04-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-05-2003