BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Con đường xưa
Hòa thượng Piyadassi
Minh Châu và Ðặng Tấn Hậu trích dịch


[03]

Con Ðường Thoát Khổ - Bát Chánh Ðạo

-oOo-

Bốn chân lý cao thượng gồm có:

- Khổ Ðế cần phải nhận thức,

- Tập Ðế cần phải hiểu biết,

- Diệt Ðế cần phải chứng nghiệm,

- Ðạo Ðế cần phải thực hành.

Nếu nước biển chỉ có một vị là vị mặn thì đạo Phật chỉ có một vị là vị giải thoát. Thực hành con đường Ðức Phật chỉ dạy, ta sẽ được tự do giải thoát. Tự do, an toàn là tiếng kèn thúc quân của Ngài.

Ta hãy nhìn người khách bộ hành đứng cạnh vực thẳm. Anh ta biết tiếp tục theo đường củ, anh sẽ rơi vào hố sâu không lối thoát. Anh ta nhận thức từ lâu nay mình đã đi lầm đường. May mắn thay! anh ta gặp được một người từ ái, chỉ anh một nơi an toàn có thể đến. Người ấy lại còn vẻ cho anh một bản đồ chỉ dẫn đường đi đến bến an toàn đó. Bây giờ, anh ta chỉ cần không do dự cất bước theo bản đồ để đi đến đích.

Cùng thế đó, chúng sanh sống theo thói quen ngày càng lúng sâu vào cõi sa bà đầy đau khổ. Khi có một ít tỉnh ngộ, phát tâm sợ khổ, ta lại ngơ ngác không biết đi theo hướng nào đến bến tự do, giải thoát. Ðức Phật đã chỉ con đường tối thượng dẫn đến sự hiểu biết chân chánh và tự do. Con đường đó là Ðạo Ðế, hay Bát Chánh Ðạo gồm tám pháp tu song hành:

1. Chánh Kiến
2. Chánh Tư Duy
3. Chánh Ngữ
4. Chánh Mạng
5. Chánh Nghiệp
6. Chánh Tinh Tấn
7. Chánh Niệm
8. Chánh Ðịnh

Tất cả lời dạy của Phật không ngoài cách diệt trừ tâm ô nhiểm tham ái, sân hận và si mê dựa trên Bát Chánh Ðạo. Bất cứ ai muốn tìm hạnh phúc tối thượng đều có thể sửa đổi và bước theo Con Ðường Xưa mà tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đều đi qua. Ðó là con đường dẫn đến giải thoát. Một người khó giác ngộ ngay tức khắc. Tuy nhiên nếu tu tập không ngừng, người nầy sẽ tiến đến mục tiêu giác ngộ.

-oOo-

 

Chánh Kiến (Samma Ditthi)

Pháp tu đầu tiên trong Bát Chánh Ðạo là chánh kiến, sự hiểu biết chân chánh về đời sống. Chánh kiến thuộc pháp trau dồi trí tuệ.

Trên thế giới ngày nay ở phương đông cũng như phương tây, với sự tiến triển của khoa học, con người quá bận rộn trong đời sống vật chất, thường quên đi đời sống tâm linh. Các lời quảng cáo. Tuyên truyền làm đời sống của con người trở nên máy móc. Thêm vào đó, bị tiêm nhiễm bởi một số giáo điều, phim ảnh, truyền hình và truyền thanh nhồi sọ, con người không còn sáng suốt, nhìn đời với cặp mắt giành giựt chấp thủ, thù hận, ích kỷ, ganh tỵ. Con người trở thành con rối do bên ngoài điều khiển. Sự gây gổ thù oán, chiến tranh đều bắt nguồn từ sự thấy sai lầm của tham ái và sân hận. Con người cần có cái nhìn chân chánh để tâm được bình an.

Chánh Kiến là thấy sự vật đúng với thực tướng của nó, không dựa bề ngoài hay ảo tưởng. Chánh kiến là suy tư về sự tham ái của năm uẩn, thấy rỏ bản chất của nó và trực giác được nó. Ðây là phương pháp quan sát và suy luận.

Trong Bát Chánh Ðạo, chánh kiến quan trọng nhất vì sự hiểu biết chân chánh sẽ đưa tư tưởng, lời nói và hành động chân chánh. Chính nhờ chánh kiến mà chúng ta diệt trừ được ác nghiệp và tinh tấn thực hành chánh niệm.

Chánh tinh tấn và chánh niệm sẽ dẫn đến chánh định. Do đó, chánh kiến là phần chủ yếu ảnh hưởng đến các chi khác trong Bát Chánh Ðạo.

Chánh kiến phát triển qua hai cách nghe giảng giáo pháp và suy luận. Cách thứ nhất chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, có thể sánh như thức ăn tinh thần giúp ta tránh xa điều ác. Cách thứ hai thuộc về nội tâm đòi hỏi ta phải ý thức liên tục sự việc trong đời sống hằng ngày. Danh từ yoniso manasikara có nghĩa là nhận thấy sự vật thâm sâu, tường tận thay vì chỉ thấy phớt bên ngoài.

Hành giả đi tìm chân lý không thỏa mản với sự biết hời hợt. Họ nhìn thấy sự vật một cách tổng quát, rồi suy niệm thâm sâu dùng phương pháp phân tích mổ xẻ sự vật cho đến đơn vị thật nhỏ; nhờ đó, chân lý tối thượng sẽ được tỏ bày.

Giống như nhà khoa học phân tích thân thể con người gồm có tứ chi, mỗi chi có các mớ thịt, các thớ thịt có tế bào, Ðức Phật là nhà phân tích tài danh dạy ta hãy dùng chánh kiến phân tích từng phần cho đến khi thấy rỏ thực tướng của con người. Nhờ chánh kiến, ta sẽ trực nhận và hiểu rỏ lý nhân quả và pháp sanh diệt. Chân lý giáo pháp nhà Phật dựa trên sự phân tích, không thể dựa trên đức tin mù quáng hay lý luận mơ hồ.

Ðức Phật dạy "Giáo Pháp dành cho người thiện chí, không phải cho người ngu", ý muốn nói một người không suy niệm hay thiền định quán tưởng sẽ không hiểu được giáo pháp.

Chánh kiến là hiểu về sự khổ, nguyên nhân khổ, sự chấm dứt khổ và con đường chấm dứt khổ. Không hiểu Tứ Diệu Ðế thì không thể nào hiểu được thực tướng vạn pháp. Vì không hiểu biết về chân lý, con người có ý-muốn-bảo-vệ-cái-ta và tái sanh luân hồi mãi mãi. Hiểu biết về Tứ Ðế là sự thông suốt về bản chất phức tạp của đời sống. Hành giả hiểu biết hoàn toàn về Tứ Ðế được xưng tán là bậc thiện trí chứng ngộ.

"Khi Như Lai hiểu tường tận về Tứ Ðế, Như Lai tuyên bố sự chứng ngộ toàn giác".

Có hai loại chánh kiến: thế gian và xuất thế gian. Sự hiểu biết về lý nhân quả gọi là chánh kiến thế gian pháp, vì sự hiểu biết nầy cần thiết nhưng không đủ để giác ngộ giải thoát. Sự hiểu biết giác ngộ tánh không qua thiền định gọi là sự hiểu biết xuất thế gian, dẫn đến giải thoát sanh tử luân hồi.

Vì thiếu chánh kiến, người thế gian không thấy thực tướng vạn pháp, không thấy đời sống bất toại nguyện. Ðiều nầy rất thông thường cho những ai đang sống trong đời sống thế tục, nô lệ các căn trần, chối bỏ thực tại khổ đau. Họ có biết đâu dù họ chối bỏ khổ đau, khổ đau vẫn hiện hửu trong đời sống của họ.

Thường, những người chối bỏ khổ đau tin tưởng họ có thể tìm hạnh phúc trong đời sống vô thường. Họ tự tin có thể tạo tương lai vững chắc trong một đời sống không chắc chắn, nên họ luôn cố gắng bồi đấp cho đời sống vật chất khá hơn. Lòng tự tin nầy bắt nguồn từ một cái ngã (ego) lớn lao, tự cho rằng mình giỏi hơn người nên có thể làm những việc người coi là khó, ngay cả việc "không chấp nhận đau khổ". Trên thực tế, dường như càng tranh đấu, họ càng bất toại nguyện, không tìm được hạnh phúc thật sự. Rồi họ trở nên bực bội khó chịu với tất cả mọi người và các hoàn cảnh chung quanh. Người có con mắt trí tuệ sẽ thấy rỏ bản chất đời sống là bất toại nguyện. Ðó là lối nhìn thực tế, không bi quan yếm thế như một số người thiếu hiểu biết thường ngộ nhận.

Theo kinh Sammaditthi Sutta, bài kinh số chín trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), chánh kiến gồm có bốn:

Chánh kiến về lý nhân quả;
Chánh kiến về Tứ Diệu Ðế;
Chánh kiến về pháp nuôi dưởng;
Chánh kiến về lý sanh diệt

Chánh kiến về lý nhân quả liên hệ đến sự hiểu biết về thập thiện và thập ác. Thập thiện dẫn đến hạnh phúc. Thập ác dẫn đến đau khổ.

Ðức Phật dạy "cái gì có tác ý là nghiệp". Sự hiểu biết lý nhân quả giúp hành giả không làm ác và làm điều thiện. Hành giả ý thức hành động thiện hay ác sẽ ảnh hưởng đến đời sống chính mình. Hành giả ý thức sự khác biệt trong đời sống con người trên cõi sa bà do nghiệp tốt hay xấu do con người tạo ra. Chính sự hiểu biết chân chánh nầy dẫn đến sự chấp nhận mọi hoàn cảnh, sự chứng ngộ về đời sống có điều kiện và sự chứng ngộ Tứ Diệu Ðế.

Phật dạy: "Nầy chư vị! năm uẩn vô thường, cái gì vô thường là đau khổ. Ðó là cái nhìn chân chính đúng với thực tướng. Người có trí tuệ nhìn sự vật như thị. Tâm họ không bị ô nhiễm bởi ái dục. Họ hoàn toàn giải thoát". Khi vô minh chấm dứt, trí tuệ phát sanh, tham ái không còn; tất nhiên không còn ý-muốn-tái-sanh, sanh tử chấm dứt.

Chánh kiến về Tứ Diệu Ðế là sự hiểu biết về năm uẩn. Qua sự suy niệm, quán chiếu, người thấy được các uẩn vô thường, khổ nảo, vô ngã là người có chánh kiến.

Không những năm uẩn vô thường, bất toại nguyện và vô ngã, các nhân và điều kiện gây ra năm uẩn cũng vô thường, bất toại nguyện và vô ngả. Phật dạy "sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vô thường; tất cả những gì sanh ra sắc, thọ, tưởng, hành thức đều vô thường".

Thường, chúng ta không thấy thực tướng sự vật vì chúng ta quen sống theo thế tục quy ước, tham ái, sân hận, thích hay không thích, chúng ta chạy theo ảo tưởng. Các giác quan sẽ làm chúng ta mờ tối, không thấy sự vật đúng với thực tướng của nó. Do đó, chúng ta có cái nhìn sai lầm, thấy thường còn trong vô thường, thấy hạnh phúc trong đau khổ, thấy cái ngã trong vô ngả, thấy cái đẹp trong cái xấu. Bắt đầu từ cái nhìn và hiểu biết sai lầm, ta suy nghỉ và hành động sai lầm.

Ðiểm bắt đầu tranh chấp trong đời sống thường là một người không đủ dử kiện để hiểu biết sự việc, áp đặt cái nhìn và ý muốn riêng của mình vào sự việc ấy. Rồi người đó suy bụng ta ra bụng người, nổi cơn sân hận, buông lời chỉ trích, kết tội, thóa mạ người khác. Người ấy bắt đầu tạo phiền não cho mình và cho người. Người bị chỉ trích có hai cách phản ứng. Thông thường, thiếu bình tỉnh và thiếu chánh kiến, người ấy sẽ trả đủa lại, lời qua tiếng lại, sân hận gặp sân hận. Cuối cùng, phiền não thù hận tiếp diển và hai bên vẫn không có được sự hiểu biết rỏ ràng về sự việc hiểu lầm đầu tiên. Cách phản ứng thứ hai là người có chánh kiến sẽ nhận thức người kia chỉ trích mình sai lầm vì người ấy sống trong ngu muội thiếu hiểu biết. Nhìn biết như vậy, người nầy sẽ để mọi việc hiểu lầm trôi qua không vướng mắc, như gió bay qua màn lưới. Ngọn lửa sân hận đầu tiên bắn ra nhưng không trúng được mục tiêu sẽ chóng tàn, không gây hại đến người khác. Chánh kiến là diệt trừ các ảo tưởng và nhận chân thật tướng mọi việc. Ðiều nầy chỉ xảy ra khi trí tuệ phát sanh như mây mù bay đi để lộ trăng rằm.

Một chúng sanh không phải là cái gì bất động mà chính là sự thay đổi không ngừng và liên tục. Sự thay đổi của tổng số các uẩn nhanh chóng đến độ làm cho ta có cảm tưởng thân-tâm không thay đổi. Ta không thấy sự sanh diệt của các uẩn. Người chánh kiến là người hiểu không có một cái ngã hay một linh hồn thường còn bất biến mà tất cả do duyên hợp, thay đổi không ngừng.

Khi một người chưa thấy sự vật duyên hợp thay đổi, không thể hiểu được pháp Vô Ngã. Vì thế, nhiều người thắc mắc: "nếu không có linh hồn thì cái gì nhận lấy quả do nghiệp đã gieo? cái gì đi tái sanh?". "Nếu sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải tôi, vậy cái tôi nào nhận lãnh quả đã gieo?".

Ðức Phật giảng: "Thật sai lầm khi nói có người gieo nhân và người gặt lấy quả. Ðời sống là một chuổi tiến trình của tâm và vật lý. Ðó là sự liên tục của kinh nghiệm không dứt đoạn. Ðó chỉ là một chuổi tiến trình thân-tâm. Không có một người mà chỉ có sự thấy, sự cảm v.v. Ðó là vô ngã, đó là tánh không. Ði tìm một cái ngã, một linh hồn thường còn bất biến, là không có chánh kiến. Ðây là điểm đặc biệt chỉ có trong đạo Phật.

-oOo-

 

Chánh Tư Duy (Samma Samkappa)

Chánh tư duy là sự suy nghĩ, là tư tưởng chân chánh phát sinh từ sự biết chân chánh. Chánh tư duy là kết quả do chánh kiến mang lại. Tư tưởng chân chánh sẽ ảnh hưởng đến lời nói và hành động chân chánh. Chánh tư duy là pháp tu thứ hai trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm trí tuệ.

Hai câu kệ đầu trong kinh Pháp Cú dạy:

Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiểm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo

Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình

Lời dạy nầy nhấn mạnh tư tưởng ảnh hưởng lời nói và hành động. Mỗi tư tưởng ô nhiểm sẽ làm ta đau khổ. Lời nói hay hành động ác là sự diễn dịch sai lầm của tư tưởng. Nếu con người có tâm trong sạch hạnh phúc do tâm mang đến sẽ theo sau.

Cái gì là tư tưởng chân chánh, chánh tư duy? Ðó là ý muốn khước từ, tư tưởng thiện và lòng từ-bi, tâm bồ đề, dẫn đến Niết Bàn. Nghịch lại là tham ái, tư tưởng ác và ý muốn tổn hại chúng sanh dẫn đến đau khổ.

o tưởng hay vô minh chỉ có thể diệt trừ qua chánh kiến. Tham ái và sân hận chỉ có thể diệt trừ qua chánh tư duy. Vì thế muốn diệt trừ tham-sân-si, ta phải có chánh kiến và chánh tư duy. Một người để tham ái và sân hận làm chủ, không kiểm soát, không thể nào có cái nhìn rõ ràng. Cố gắng kiểm soát tâm tham ái, sân hận và thay thế bằng tâm khước từ và tâm bồ đề từ ái, người nầy sẽ dần dần sáng suốt phân biệt được ảo tưởng và chân lý. Chánh kiến và chánh tư duy được sự hổ trợ và bổ túc bởi các chi còn lại trong Bát Chánh Ðạo.

Diệt trừ tư tưởng ái dục hay sân hận không có nghĩa chận đứng tư tưởng phát sanh, mà phải dùng ý chí và tinh tấn trực nhận lấy nó, tìm hiểu tư tưởng ái dục hiện ra thế nào? chấm dứt thế nào? bản chất của nó ra sao?

Có người nghĩ ái dục là hiện tượng tự nhiên không nên kềm chế; người khác nghĩ ta nên đè nén nó. Thực ra, tham ái hay ái dục chỉ là tư tưởng. Trước khi đè nén hay buông thả, ta nên nhìn thẳng vào nó để thấy đâu là nguyên nhân của tư tưởng nầy. Khi giác quan (căn) đụng với sự vật bên ngoài (trần), thọ phát sanh; nếu thọ đau khổ khởi lên, nó trở thành nguyên nhân của sân hận, ghét bỏ. Nếu thọ khoái lạc khởi lên, nó trở thành nguyên nhân của ái dục.

Quả thật, khi sự vật kích thích các giác quan, các tư tưởng tham ái, sân hận phát sanh do ảo tưởng gây ra. Khi một người bị ảo tưởng chế ngự, thọ phát sanh, người nầy sẽ bám víu vào sự vật bên ngoài hoặc chối bỏ nó. Ðời sống con người luôn luôn bị hai lực hấp dẫn hay chối bỏ chi phối. Khi nào con người còn bị hai lực nầy chi phối, khi đó, các điều kiện thăng trầm sẽ tiếp tục chế ngự ta. Ngược lại, khi kiểm soát được hai lực nầy, ta sẽ không còn chịu ảnh hưởng của các điều kiện thăng trầm.

Giáo lý nhà Phật rất quy củ. Ðức Phật tùy theo căn tánh của mỗi chúng sanh mà thuyết pháp. Khi thì ngài giảng về bố thí, khi thì giới luật, khi thì đời sống hạnh phúc trên cõi trời. Cho một người có căn tánh khá, Ðức Phật giảng về Tứ Ðế. Ðúng vậy! một người chỉ hiểu được Tứ Ðế khi họ có ý muốn từ bỏ tư tưởng ái dục. Khi có được tư tưởng chân chánh nầy, họ thấy được chân lý và có chánh kiến. Vì vậy, chánh tư duy và chánh kiến liên hệ chặc chẻ với nhau đưa đến trí tuệ.

Khước Từ

Ðặc tánh đầu tiên của chánh tư duy là tâm khước từ, từ bỏ nô lệ các giác quan và đời sống thế tục lợi dưởng. Khước từ là ý chí hy sinh, thúc dục hành động để tiến đến quả lành diệt trừ tham ái.

Vui hạnh xuất gia khó
Tại gia sinh hoạt khó
Sống bạn không đồng khổ
Trôi lăn luân hồi khổ
Vậy chớ sống luân hồi
Chớ chạy theo đau khổ

Từ bỏ đời sống lợi dưỡng không phải dể. Ðức Phật không chờ mong tất cả đệ tử trở thành khổ hạnh tăng. Ðức Phật dạy đời sống xuất gia dể tu tập hơn đời sống cư sĩ bận bịu gia đình. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh dù tu sĩ hay cư sĩ, cả hai đều phải bắt đầu bằng tâm khước từ, cất bước đi trên cùng một con đường giới-định-tuệ, mới đến bờ giải thoát.

Vì tu sĩ chân chánh từ bỏ đời sống lợi dưởng, sống đời nghèo khó, độc thân, phục vụ chúng sanh vị kỷ và đạt tới giải thoát, thật là một phước lành cho xã hội và nhân loại.

Như ong chỉ lấy nhụy
Không hại hương sắc hoa
Cũng vậy vị sa môn
Ra vào giữa thôn làng.

Có hai hạng tu sĩ: Có vị chọn con đường thiền định liên tục, không ngừng nghĩ (vipassana dhura). Chư vị nầy sẽ rút vào nơi thanh vắng một mình thiền định, quán chiếu cho đến khi giác ngộ. Có hạng tu sĩ chọn đường phục vụ, vừa thiền định, vừa giảng dạy giáo pháp (gantha dhura).

Theo đạo Phật, chúng ta hoàn toàn tự do chọn đời sống xuất gia hay cư sĩ. Nếu đời sống xuất gia khó khăn, ta có thể hoàn tục mà không bị mặc cảm tội lổi.

Ðức Phật dạy: "Nầy chư vị! có hai hạnh phúc: đời sống cư sĩ và đời sống tu sĩ".

Tuy đời sống tu sĩ cao thượng hơn đời sống cư sĩ, ta đừng nghĩ chỉ tu sĩ mới có tâm khước từ, thực hành giáo pháp. Bát Chánh Ðạo là con đường chung cho tất cả mọi người. Thật khó cho người cư sĩ sống đời đạo hạnh khi còn mang trách nhiệm gia đình. Tuy nhiên, khó không có nghĩa không làm được. Có lắm bậc cư sĩ sống trong xã hội mà không luyến ái, không bám víu vào xã hội, không nô lệ vào vật chất. Người nầy sống tri túc, thu thúc lục căn, khước từ đời sống lợi dưỡng, chuyên tâm thực hành đạo pháp. Sự khước từ tùy thuộc vào nội tâm và lối sống của hành giả dù người đó là tu sĩ hay cư sĩ.

Một cư sĩ xuất gia mà sống đời không chân chánh, thân tâm loạn động, dầu sống trong rừng sâu cũng không đi đến giải thoát. Tốt hơn họ nên từ bỏ lối sống nầy, vừa phí thời giờ vừa gây ác nghiệp. Ngược lại, một người cư sĩ sống giữa chợ, thân-tâm an nhiên tự tại, đời sống nầy cao thượng, đáng quý hơn trăm lần người tu sĩ xuất gia không chân chánh.

Ngày nọ, đại đức Meghiya thấy một vườn xoài cạnh bờ sông rất thanh tịnh, xin Ðức Phật cho ngài đến nơi có thiền định. Ðức Phật từ chối ba lần nhưng sau cùng, ngài cho phép đại đức đi. Khi thiền định, đại đức nhận thấy dầu ở nơi thanh vắng, tâm sân hận, tham ái của ngài vẫn phát sanh. Ngài trở lại bạch với Ðức Thế Tôn và được Phật dạy: "Nầy Meghiya! năm điều kiện sau đây rất cần thiết cho những người căn tánh yếu kém: thiện hửu, giới luật, nghe pháp, tinh tấn diệt trừ tư tưởng ác, phát sanh tư tưởng thiện và có trí tuệ thấy sanh diệt".

Ðức Phật giảng nhiều lần về sự nguy hại của ái dục. Ngài thường đưa thí dụ ái dục như xác chết, cỏ khô, nhà cháy, đầu rắn. Ái dục dẫn đến sự bất toại nguyện, đau khổ. Sự nguy hại của ái dục vô cùng tận.

Phật dạy: "Sự khoái lạc của các căn không thật và vô thường. Những người thích đời sống vật chất không thích lời khuyên nhủ khước từ của ta. Người có trí tuệ thấy đây là sự thật. Khước từ là tiến bước trên con đường diệt trừ khổ não".

Tâm Từ

Người có tư tưởng chân chánh sẽ có lòng từ và lòng bi. Ðây là hai đức tính đặc biệt của Tứ Vô Lượng Tâm. Hai đức tính nầy sẽ diệt trừ tánh ích kỷ và tăng trưởng lòng vị tha. Tâm nầy gọi là vô lượng vì không giới hạn chủng tộc, tôn giáo hay mầu da. Tâm nầy mang lại an lành cho tất cả chúng sanh. Hai tâm nầy cần phải trau dồi và thiền định sẽ dẫn đến quả thiền cao thượng. Ðức Phật dạy ngài Rahula: "Nầy Rahula! Con hãy trau dồi lòng từ để diệt trừ tư tưởng ác. Con hãy trau dồi lòng bi để diệt trừ tâm sân." Lòng từ bi nghịch nghĩa với tâm ác và tâm sân hận.

Sân hận phát sanh từ căn và trần. Khi các giác quan mắt, tai, mủi, lưỡi, thân, ý ghi nhận thấy một đối tượng, ta khởi niệm ham thích hay ghét bỏ. Ðó là ái dục hay tham ái. Nếu ta thấy đối tượng ham thích, nhưng đối tượng không cùng một ý niệm, hay ta không nắm giử được đối tượng, đau khổ hay sân hận sẽ phát sanh.

Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm niệm tà
Gây ác cho tự thân

Kẻ thù gây khổ cho ta là tham ái, dục vọng. Muốn tâm an định chân chánh, ta cần phải kiểm soát, không để tâm nô lệ ái dục sắc trần.

Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Không bằng tự thắng mình
Thật chiến thắng tối thượng

Tham ái đưa đến sân hận khổ nảo. Ðối đầu với sân hận là tâm từ.

Tâm từ là ước muốn chúng sanh được an vui và hạnh phúc. Ta cần hiểu sự khác biệt giữa tình thương vị kỷ (tham ái) và lòng từ vị tha:

Tình ái sinh ưu tư
Tình ái sinh sợ hãi
Ai giải thoát tình ái
Không ưu, không sợ hãi.

Khi thương yêu luyến ái một người mà phải xa lìa người đó, tự nhiên ta sẽ đau khổ. Khổ đế dạy: "gần người ghét là khổ, xa người thương là khổ". Lòng từ là tình thương cao thượng không tham ái, không vị kỷ. Lòng từ khiến ta có lòng thương vô hạn đối với người, dù thân thuộc hay xa lạ. Khác với tình thương luyến ái, sự sanh tử chia ly không tạo khổ não cho người có lòng từ. Vì lý do đó, ta cần thực tập để phát sinh tình thương không tham ái.

Ðức Phật dạy: "Người thực hành lòng từ không có ác mộng, các vị trời bảo vệ họ, người nầy không bị người giết hại. Nếu người nầy không đắc đạo quả, cũng sẽ tái sanh vào cõi trời".

Mỗi khi gặp đệ tử, Ðức Phật thường thăm hỏi: "Các con có khỏe không? Thức ăn có đầy đủ không? Các con có sống hòa thuận với nhau như sửa và nước hay không?".

Ðức Phật là hiện thân của lòng từ. Ngài không bao giờ nóng giận hay có lời dử kể cả đối với kẻ chống đối với ngài. Ðức Phật không bao giờ xem họ là kẻ thù. Khi tranh luận Phật Pháp cùng với ngoại đạo, ngài không bao giờ mất kiên nhẫn.

Ðức Phật đã dùng lòng từ để cảm hóa kẻ cướp Angulimala và ngạ quỉ Alavaka.

Hận thù diệt hận thù
Ðời nầy không thể có
Từ bi diệt hận thù
Là định luật thiên thu.

Một ngày nọ, Ðức Phật đến thành Rajagaha, một người cuồng tín chưởi mắng ngài. Ngài Ananda thỉnh Phật đi nơi khác. Ðức Phật trả lời "nếu ta đi nơi khác lại có kẻ phỉ báng, ta sẽ đi đâu? Nầy Ananda! Ta hãy nhận chịu cho đến khi phỉ báng chấm dứt như voi giữa trận."

Ta như voi giữa trận
Hứng chịu cung tên bắn
Nhận chịu mọi phỉ báng
Ðời nhiều kẻ phá giới

Tâm Bi

Ðặc điểm thứ ba của chánh tư duy là lòng bi. Ðặc tính của lòng bi là tâm rung động trước sự khổ của chúng sanh, luôn luôn muốn cứu giúp người khác thoát khổ, đến nơi chốn an lành. Ðức Phật là tấm gương đại bi sáng chói. Lòng bi là nền tảng chung của giới đức. Tâm bồ đề cũng như tất cả bồ tát giới đều dựa trên lòng bi.

Ta đứng lầm lẫn lòng bi với sự bi ai sầu não. Khi ta khóc vì thua lỗ mất mát tài sản, hay vì chia lìa người thân, đó không phải là lòng bi mẫn đối với chúng sanh. Hãy can đảm nhìn nhận đây là khổ não do lòng luyến ái mang đến. Ta khóc vì mất đi hạnh phúc cá nhân, vì hối tiếc quá khứ, vì không thay đổi được định luật vô thường. Ta đang kinh nghiệm những khổ não do ái dục tham ái mang đến.

Ngược lại, khi ta nhìn cảnh thiên hạ đói khát, chết chóc, thấy người bị hành hạ, tù đày, ta động lòng cảm xúc, chảy nước mắt, muốn ra tay cứu với để người bớt khổ đau. Ðó là lòng bi.

Cùng thế đó, khi ta cứu giúp người khác để đổi lấy tiếng tăm hay tài lộc, đó không phải tâm bi vì hành động phát sanh từ tham ái tiếng tăm hay tài lộc.

Khi cứu giúp người, ta không nên nghĩ đến kết quả tốt của hành động sẽ trở lại ta, vì tư tưởng nầy sẽ làm tăng thêm lòng tham ái của ta như đổ dầu vào lửa. Ta chỉ cần thấy có người đói, ta bố thí lương thực, người nầy hết đói và vui vẻ, ta sẽ phát tâm hỷ, thấy hạnh phúc và an lạc.

Lòng từ bi không chỉ giới hạn giữa con người, mà bao gồm tất cả chúng sanh. Tất cả hành động với tâm vị tha, với lòng từ ái là từ bi.

Khi giới của Ðức Phật là từ bi và chân lý. Ngài đã chế ngự voi dử Nalagiri, kẻ giết người Angulimala bằng tâm từ bi. Vào thế kỷ thứ ba trước tây lịch, chính đặc điểm từ bi của đạo Phật đã làm vua A Dục mềm lòng. Trước khi trở thành phật tử, vua A Dục là vị vua háo chiến. Về sau, khi hiểu được giáo lý từ bi của nhà Phật, ngài từ bỏ chiến tranh và đi vào đường chân chánh. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần đến ánh sáng từ bi của đạo pháp để xoa dịu lòng sân hận và nỗi thống khổ trên thế gian.

-oOo-

Chương trước | Mục lục | Chương kế


Update: 24-07-2000


[Trở về trang Thư Mục]