Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Xuất Ly Độ
(Nekkhamma Pāramitā)

Tỳ khưu Chánh Minh

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG II

Xuất ly Balamật
(Nekkhammapāramī)

 Như đã trình bày ở trên, chúng ta hiểu rõ ý nghĩa xuất gia (pabbajja) là:

- Về hình thức: Có phẩm mạo khác kẻ thế.

- Về tâm lý: Có ý muốn thoát ra những ô nhiễm, giữ tâm không cho đắm nhiễm vào dục lạc.

Trong hai phần này, chủ yếu về phần tâm lý, một hành giả dù ở phẩm mạo chư thiên hay cư sĩ đang tinh cần hành pháp để trừ diệt những ô nhiễm (nhất là dục lạc), vị ấy vẫn được gọi là bậc xuất gia, như Phật ngôn:

“Hatthasaññato pādasaññato, vācāyasaññato saññatuttamo

Ajjhattarato samāhito, eko santusito taṃ ahu bhikkhuṃ.

Điều phục tay lẫn chơn; điều phục lời và ý [1] .

Thỏa thích trong thiền định [2] ; một mình và biết đủ,

 Ta gọi người ấy là Tỳkhưu” [3] .

Hay: “Sabbaso nāmarūpasmiṃ, yassa natthi mamāyitaṃ.

Asatā ca na socati, sa ve bhikkhu’ti vuccati.

“Tất cả danh và sắc; không nghĩ “ta”, “của ta”.

Không thích (ý) và không sầu; người ấy được gọi Tỳkhưu” [4]

Chữ nekkhamma (xuất ly) chỉ chung cho tất cả ai đang tầm cầu sự giải thoát, chịu đựng trước những quyến rũ của năm dục lạc, cố gắng thoát ra mọi vướng mắc, trói buộc của năm dục lạc.

Năm dục lạc này ở khíaa cạnh khác là : Được lợi, được danh, lời khen và hạnh phúc của đới thường. Chính tâm đắm nhiễm trong 5 dục lạc, khi không đượcnhư ý thì phát sinh buồn phiền, phẫn hận….. Nói cách khác, mặt trái của 5 dục lạc chính là: mất lợi, mất danh, bị chê và đau khổ

Chính tâm lý xuất gia mới là mối liên hệ giữa xuất ly và xuất gia. Tuy có hình tướng xuất gia, nhưng tâm vướng mắc vào năm dục lạc, được gọi là “tu sĩ giả hiệu”, như trong Hạnh Tạng phẩm xuất ly độ, câu chuyện của Bồtát Somanassa [5] , tóm lược như sau:

Thuở xưa, ở quốc độ Kuru (Câu Lâu) kinh thành Uttarapañcalā, đức vua Renu trị vì vương quốc này.

Ẩn sĩ Mahā Rakkhita cùng 500 đồ chúng của mình xuống đồng bằng để tìm muối dấm, hữu duyên được vua Renu thỉnh vào an cư mùa mưa nơi vườn Ngự Uyển, cúng dường vật thực đến các vị ẩn sĩ chu đáo.

Mãn mùa mưa, ẩn sĩ Mahā Rakkhita từ giã đức vua Renu trở về Tuyết sơn, Đức vua ao ước có một Hoàng nam để kế vị ngôi vua.

Trên đường về Tuyết sơn, các ẩn sĩ ngồi nghĩ dưới bóng cây râm mát, bàn luận về ước muốn của vua Renu, ẩn sĩ Mahā Rakkhita quán xét về ước nguyện của Đức vua Renu, Ngài bảo rằng:

- Này các Hiền giả! Đêm nay vào lúc rạng đông, một vị thiên tử sẽ giáng sanh vào thai bào của Hoàng hậu.

Nghe vậy, một tu sĩ trong nhóm suy nghĩ: “Ta hãy trở thành người tâm phúc của Hoàng gia”.

Y tìm cách trở lại, không về núi Tuyết cùng các vị ẩn sĩ.

Khi đến Hoàng cung, y tâu dối rằng: “Với thiên nhãn, thần thấy có một thiên tử giáng sanh vào thai bào của Hoàng hậu, e ngại tai họa có thể xẩy đến cho thai bào, nên Thần đến đây báo tin cho bệ hạ biết”.

Thế là, y được trú trong vườn Ngự Uyển, dùng những loại vật thực thượng vị, đồng thời được tán tụng là Dibbacakkhuka (người có thiên nhãn).

Bồtát sau khi sanh ra, Ngài được đặt tên là Somanassa kumāra (Vương tử Hoan lạc).

Khi Bồtát được bảy tuổi, biên cương có giặc loạn Đức vua thân chinh dẹp loạn, giao việc chăm sóc tu sĩ giả hiệu cho Bồtát.

Một hôm, Bồtát đến viếng thăm vị tu sĩ, thấy ông đang chăm sóc cây, Ngài nghĩ: “Ông này tu giả hiệu, lo làm vườn chứ chẳng lo phận sự tu hành”. Ngài hỏi:

- Ông đang làm gì thế? Hỡi này kẻ làm vườn phàm tục.

Tu sĩ giả hiệu, vô cùng tức giận, nảy ác ý muốn sát hại Bồtát, khi Đức vua trở về đến thăm y, y giả vờ bị đánh đập tàn nhẫn.

Đức vua hỏi thì y vu khống cho Bồtát đã hành hạ y. Và tuyên bố rằng “vương quốc này sẽ tiêu vong, hoàng gia sẽ bị hoại diệt, nếu như Hoàng tử Somanassa “người xúc phạm đến bậc tu hành” còn sống”.

Không kịp suy xét, Đức vua nổi giận ra lệnh chém Bồtát.

Bồtát trình bày rõ ràng uẩn khúc, với sự chứng minh của dân thành Kuru, tu sĩ giả danh bị dân chúng bao vây đánh chết.

Bồtát ngán ngẫm cảnh Đế vương nên xin cha mẹ xuất gia, Ngài đi vào Tuyết sơn tu tập chứng đắc Thiền định.

Đức Phật có dạy:

“Anikkasāvo kāsāvaṃ. Yo vatthaṃ paridahessati

Apeto damasaccena. Na so kāsāv’assa.

“Không thoát khỏi nhơ bẩn. Người đấp chiếc y vàng

Không khử trừ kiêu mạn. Không tự chế, không thật.

Không đáng với y vàng.” [6]

Rõ ràng hình thức xuất gia không phải là “xuất ly độ”.

Do lìa bỏ nhà sống không nhà là nền tảng của xuất ly balamật, vào thời không có Giáo pháp của Đức Chánh giác, để tu tập xuất ly balamật, Bồtát xuất gia tu khổ hạnh như những samôn (samana) hay những khất sĩ (người lang thang) theo “thuyết nghiệp báo - kamma vādi” và “thuyết thực hành - kiriya vādi”.

Tuy nhiên, khi Đấng Giác ngộ xuất hiện trên thế gian, Bồtát gia nhập vào tăng đoàn theo giáo pháp của Đức Phật.

Khi xuất gia Bồtát đã tự đặt mình trong giới hạnh và nghiêm trì cẩn trọng giới hạnh.

Mặt khác, để làm cho giới này được trong sạch, chói sáng, Bồtát còn thực hành thêm những hạnh nhiệt cần (ātappa) là dhutaṅga (đầuđà).

Ba bậc xuất ly balamật.

Ý chính của xuất ly balamật (pāramī) là “thoát ra” và “tầm cầu”.

A- Về sự thoát ra.

Có ba loại thoát ra: Thoát ra dục lạc, thoát ra sắc tưởng và thoát ra luân hồi.

Dục lạc là chướng ngại đầu tiên khiến cho tâm dính mắc. Đức Phật có dạy chư Tỳkhưu bài kinh “Bẩy mồi” [7] , Ngài nêu ra hình ảnh người thợ săn đặt bẩy, trong bẩy có những vật thực làm mồi để đặt bẩy những đàn nai.

Có bốn đàn nai trong đó chỉ có đàn nai thứ tư là thoát ra bẩy mồi của gả thợ săn. Và:

“Nivāpo ti kho bhikkhave pañcann’ etaṃ kāmaguṇānaṃ adhivacanaṃ:

“Chư Tỳkhưu, đồ mồi đồng nghĩa với năm dục tăng trưởng.”

Nevāpiko ti kho bhikkhave Mārassa’ etaṃ pāpinato adhivacanaṃ:

“Chư Tỳkhưu, người thợ săn bẩy mồi đồng nghĩa với ác Ma [8] .

Nevāpikaparisā ti kho bhikkhave Mārapariyāy’ etaṃ adhivacanaṃ:

Chư Tỳkhưu, quyến thuộc của người thợ săn bẩy mồi đồng nghĩa với quyến thuộc của ác Ma [9] .

Migajātā ti kho bhikkhave samaṇabrāhmaṇān’ etaṃ adhivacanaṃ:

“Chư Tỳkhưu, đoàn nai đồng nghĩa với các Samôn Bàlamôn.

Đức Thế Tôn mô tả bốn đoàn nai:

- Đoàn nai thứ nhất vì tham mồi trong bẩy của gả thợ săn, nên bị gả thợ săn bắt. Cũng vậy, có những Samôn Bàlamôn vì tham đắm trong ngũ dục nên bị phiền não tham (ma) bắt giữ, không thể thoát ra sự trói buộc của phiền não ma. Đây là hạng người chưa thoát ra dục lạc.

- Đoàn nai thứ hai, thấy nguy hiểm của bẩy mồi, lui sâu vào trong rừng. Cuối tháng mùa hạ, thiếu lương thực, thân thể yếu gầy sức lực kiệt quệ. Vì yếu sức lực, chúng trở lại bẩy mồi, thế là bị gả thợ săn bắt giữ.

Cũng vậy, có những Samôn Bàlamôn thực hành những tà khổ hạnh, dần dần suy kiệt nên trở lại tham đắm trong ngũ dục. Đây là hạng người ban đầu cố ý thoát ra dục lạc, về sau lại trở về hưởng thụ dục lạc

- Đoàn nai thứ ba khôn ngoan, ẩn một nơi mà gả thợ săn không thể thấy. Rồi chúng ăn những mồi ấy nhưng không bị người thợ săn bắt được. Người thợ săn suy nghĩ “đàn nai này khôn ngoan”, y làm những cột trụ to lớn, cứng chắc cùng các bẩy rập khắp nơi. Và đàn nai thứ ba lại bị gả thợ săn bắt giữ.

Cũng vậy, có những Samôn Bàlamôn tu tập chứng được thiền định, nhưng vẫn còn tà kiến về “thường” hay “đoạn", nên cũng không thoát khỏi phiền não ma là tham ái, chấp trước. Đây là hạng người chứng đạt thiền , thoát ra dục lạc, nhưng chưa thoát ra sắc tưởng.

- Đoàn nai thứ tư ám chỉ những Samôn Bàlamôn hoàn toàn giải thoát không còn bị phiền não ma (là tham) bắt giữ. Đây là vị Thánh dù là hữu học hay Vô học, các Ngài thoát ra khỏi luân hồi.

 Như vậy, trong một ý nghĩa hẹp, thoát ly khỏi tà kiến xem như “xuất ly bậc cao”, tức là không còn “ý nghĩ TA và CỦA TA”.

Trong thời không có giáo pháp của Đức Chánh giác, sự thoát ra sắc tưởng (là chứng đắc thiền Vô sắc) là đỉnh cao của xuất ly balamật.

Trong thời có Giáo pháp của Đức Chánh giác, chứng đắc Nípbàn là đỉnh cao của xuất ly balamật.

Các Giáo Thọ sư có dạy : Xuất ly balamật có ba bậc: Bậc thường, bậc trung và bậc thượng.

1- Ba bậc Balamật đối với phẩm mạo xuất gia.

Môi trường có nhiều phiền não do 5 dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc) mang đến chính là đời sống tại gia. Rừng là nơi trú ấn của những loài thú dữ, cũng vậy, đời sống tại gia là môi trường khiến nhiều phiền não dục sinh khởi.

Tuy đời sống tại gia cũng có thể thành tựu những pháp thượng nhân như thiền định, đạo quả, nhưng số lượng Thánh cư sĩ đắc Alahán hay Thánh quả Hữu học cùng thiền định so với chư Tăng thì rất khiêm tốn.

Người có tâm ý thoát ly những vướng bận do dục lạc gây nên thì phẩm mạo xuất gia là bước tiên khởi. Đời sống xuất gia là môi trường thuận lợi cho sự thành tựu những pháp thượng nhân.

a--Thế nào là xuất ly balamật bậc thường?

Đây là người thấy được nguy hiểm của năm dục lạc, từ bỏ gia đình, vợ con, tài sản, vương quyền, xuất gia hành phạm hạnh để thoát ra dính mắc trong năm dục, như tiền thân Đức Phật là Bồtát Mahā Kañcana [10] . Tức là từ khước những gì thuộc ngoại thân, để thành tựu phẩm mạo xuất gia.

b- Thế nào là xuất ly balamật bậc trung?.

Là người thấy được nguy hiểm của năm dục, quyết chí xuất gia để thoát ra năm dục lạc, cho dù phải hy sinh một phần thân thể cũng không từ nan. Như tiền thân Đức Phật là Bồtát Temiya [11] . Tức là chấp nhận hy sinh một phần cơ thể để thành tựu phẩm mạo xuất gia.

c- Thế nào là xuất ly balamật bậc thượng?.

Là người thấy được nguy hiểm của năm dục lạc, quyết chí xuất gia để thoát ra năm dục lạc, cho dù phải hy sinh mạng sống cũng không từ nan, như Công tử Sudinna [12] , Công tử Ratthapāla [13] .

Về trú xứ của bậc xuất gia.

Bậc xuất gia thường trú nơi thanh vắng, đó là một trong 10 điều tâm niệm [14] .

Lẽ thường, trú trong rừng tốt hơn trú trong thành phố cho dù là trú trong ngôi nhà trống. Trú trong rừng nhưng ở cội cây tốt hơn so với ở thảo am.

Như vậy, trú trong rừng và ở dưới cội cây là bậc thượng, trú trong rừng nhưng ở thảo am, hang động là bậc trung. Trú trong ngôi nhà trống gần thành phố hay trong thành phố là bậc hạ.

Tuy nhiên, chưa hẳn ở trong rừng là hoàn toàn tốt, nếu như tâm ý không tốt. Đức Upāli có bạch hỏi Đức Thế Tôn:

“Kati nu kho, bhante, āraññikā’ti?

 “Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu hạng người trú trong rừng?”

Đức Thế Tôn đáp:

Pañcime, Upāli, āraññikā. Katame pañca?

“Này Upāli, có năm hạng người trú trong rừng. Thế nào là năm?”

1’- Mandattā momūhattā āraññiko hoti.

Hạng ngụ trong rừng vì bản tính khù khờ, si mê.

2’- Pāpiccho icchāpakato āraññiko hoti.

Hạng ngụ trong rừng có ước muốn xấu xa và bị ước muốn ấy thúc giục.

(Là hạng ngụ trong rừng với ý nghĩ: “Nếu ta ngụ trong rừng, mọi người sẽ cung kỉnh, cúng dường nhiều đến ta…”).

3’- Ummādā cittakkhepā āraññiko hoti.

Hạng ngụ trong rừng do điên khùng, do mất trí.

4’- Vaṇṇitaṃ buddhehi buddhasāvakehīti āraññiko hoti.

Hạng ngụ trong rừng (nghĩ rằng): “Được Đức Phật và chư Thinh văn của Chư Phật khen ngợi”.

5’- Api ca appicchaññeva nissāya santuṭṭhiññeva nissāyasallekhaññeva nissāya pavivekaññeva nissāya idamatthitaññevanissāya āraññiko hoti.

Hạng ngụ trong rừng vì ít ham muốn, biết đủ, tự chế và hiểu rõ lợi ích của sự tách ly.

Ime kho, Upāli, pañca āraññikā’ti”.

“Này Upāli, đây là năm hạng người ở rừng” [15] .

Chỉ có hạng người thứ năm là cao quý, đáng tán thán.

Một trú xứ lý tưởng là một trú xứ có 5 chi phần như sau:

“Idha, bhikkhave senāsanaṃ nātidūraṃ hoti nāccāsannaṃ gamanāgamanasampannaṃ.

- Ở đây, này các tỳkhưu, trú xứ không quá xa (thành phố), không quá gần (thành phố), thuận tiện cho đến và đi [16] .

“Divā appākiṇṇaṃ rattiṃ appasaddaṃ appanigghosaṃ.

Ban ngày không nhộn nhịp, ban đêm ít tiếng động, không huyên náo.

“Appaḍaṃsamasakavātātapasarīsapasamphassaṃ.

Ít xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời và các loài rắn rết.

“Tasmiṃ kho pana senāsane viharantassa appakasirena upajjhanti cīvarapiṇḍapātasenāsanagilānapaccayabhesajjaparikkhārā.

Tại trú xứ này, tìm các vật dụng như vật thực, y phục, sàng tọa, dược phẩm trị bịnh không khó khăn, không mệt nhọc.

“Tasmiṃ kho pana senāsane therā bhikkhū viharanti bahussutā āgatāgamā dhammadharā vinayadharā mātikādharā…

“Tại trú xứ này, là nơi ở của các Trưởng lão tỳkhưu đến ở, là những bậc nghe nhiều, là bậc trì pháp, trì luật, nắm giữ tổng thuyết… [17] .

Lại nữa, trong Trung bộ kinh, bài kinh Khu rừng [18] , Đức Phật có dạy khi ở rừng có 4 trường hợp tóm lược như sau:

1’- Các pháp tu tập [19] không tấn hóa, các vật dụng cần thiết cho đời sống Samôn như: Vật thực, y phục, sàng tọa, dược phẩm tìm được khó khăn thì cần phải đi ngay:

“Tena bhikkhave bhikkhunā rattibhāgaṃ vā divasabhāgaṃ yātaṃhā vanapathā pakamitabbaṃ, na vatthabbaṃ

“Này các Tỳkhưu, vị tỳkhưu ấy phải từ bỏ ngôi rừng ấy, không được ở lại, ngay lúc ban ngày hay lúc ban đêm.

(Theo bản sớ giải thì: Khi vị tỳkhưu quán xét thấy rõ điều này, thì lập tức đi ngay dù khi đó là ban ngày hay ban đêm).

2’- Các pháp tu tập không tấn hóa, các vật dụng cần thiết cho đời sống Samôn được dồi dào, nên bỏ đi.

3’- Các pháp tu tập tấn hóa, các vật dụng tìm được khó khăn: Nên ở lại.

4’- Các pháp tu tập tấn hóa, các vật dụng tìm được dễ dàng: Phải ở lại khu rừng cho đến trọn đời không được bỏ đi.

2- Ba bậc Balamật về nguyên nhân xuất gia.

a. Xuất gia bậc thường.

Là sự xuất gia như một truyền thống, hay như một khuynh hướng có từ trước, điển hình là câu truyện của Bồtát Mahā Kañcana [20]

Bồtát Mahā Kañcana.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì vương quốc Bāraṇasī (Balanại), Bồtát sinh vào một đại gia tộc Bàlamôn có gia sản trị giá 800 triệu đồng vàng, Ngài có tên là Mahā Kañcana.

Khi Ngài biết đi chập chửng thì một bé trai khác ra đời, có tên là Upa Kañcana. Khi Upa Kañcana biết đi chập chửng thì một bé trai khác được sinh ra. cứ như thế Bồtát có 6 người em trai và cô em gái út có tên là Kañcana devī (Tiểu thư Kañcana).

Bồtát khi lớn lên theo học mọi nghiệp nghệ ở kinh thành Takkasilā, song thân Ngài bảo Ngài lập gia đình, Ngài từ chối. Lần lượt các em trai lẫn nàng Kañcana devī cũng theo gương Ngài, quyết ý sống độc thân.

Khi song thân qua đời, Bồtát cùng với các người em hào phóng phân phát hết gia sản đến những người khổ như hành khất, du sĩ… Rồi tất cả đi vào rừng Tuyết xuất gia, một nữ tỳ và một gia nhân cũng xin đi theo các vị ấy.

Đoàn người đi vào Tuyết lãnh, tìm được vùng đất vừa ý gần một hồ sen, mỗi người xây dựng một thảo am cho riêng mình để ẩn cư tu hành.

Thời gian đầu, mọi người cùng nhau đi tìm vật thực là trái rừng, củ rừng … mỗi người đi riêng lẻ, khi tìm được vật thực thì gọi nhau đến để hái, nhặt rồi cùng ăn.

Bồtát suy nghĩ: “Chúng ta bỏ cả gia sản 800 triệu đồng vàng, để rồi vào rừng đi quanh quẩn tìm thức ăn, thật không hợp lý chút nào.”

Ngài hội tất cả những đạo sĩ lại, nói rằng:

“Chúng ta xuất gia với mục đích tu tập để thành tựu những pháp thượng nhân, nếu mãi tìm thức ăn để sống thì thật là vô bổ. Kể từ hôm nay, các em hãy ở đây tu tập, ta sẽ đi tìm vật thực về cho các em”.

Đạo sĩ Upa Kañcana thưa rằng:

- Các em theo anh để tu tập, vậy chính anh sẽ ở tại thảo am tu tập, trong rừng có nhiều bất trắc, vậy nữ đạo sĩ Kañcana devī cùng nữ đạo sĩ nữ tỳ cũng ở tại thảo am tu tập. Những người còn lại sẽ thay nhau, mỗi ngày một người đi tìm vật thực cho tất cả nhóm.

Tất cả đều đồng ý với sự kiện này. Do tu tập tứ vô lượng tâm nên các vị Thọ thần hoan hỷ trợ giúp thực phẩm đến các đạo sĩ đầy đủ.

Các đạo sĩ tinh cần hành pháp với một nỗ lực phi thường, khiến cho chiếc ngai vàng của vua trời Sakka (Đếthích) nóng rang.

Sau khi quán xét vua Trời biết rõ sự kiện, Ngài suy nghĩ: “Những đạo sĩ này thoát khỏi tham dục chưa nhỉ? Ta hãy thử xem sao”.

Vua Trời ĐếThích dùng thần lực của mình dấu mất phần ăn của đạo sĩ Mahā Kañcana suốt cả ba ngày. Ngày thứ nhất, Bồtát suy nghĩ: Có lẽ phần ăn của ta bị bỏ quên”, Ngài im lặng, ngày thứ hai Bồtát vẫn không thấy phần ăn của mình, Ngài suy nghĩ: “Có lẽ ta đã phạm một lầm lỗi gì chăng?”, ngày thứ ba lại không thấy phần ăn, Ngài suy nghĩ: “Nếu thật sự ta đã phạm lỗi, ta hãy hòa giải với các đạo sĩ”.

Vào buổi chiều, Bồtát cho đánh chiêng hội tất cả lại, khi tất cả đến hội đầy đủ rồi. Các đạo sĩ hỏi:

- Bạch Ngài, ai đã đánh chiêng vậy?

- Này các hiền giả, chính ta đấy.

- Bạch Ngài, có chuyện gì vậy?

- Này các hiền giả, hôm nay là ngày thứ ba ta không có phần ăn. Ngày đầu tiên ta không thấy phần của mình, ta nghĩ “người chia phần có lẽ quên phần của ta”, ngày thứ hai cũng không có , ta nghĩ “có lẽ ta đã phạm lỗi chi chăng?”, ngày hôm nay ta cũng không có phần ăn, ta nghĩ “nếu ta có phạm lỗi, ta hãy hòa giải với các hiền giả”. Do đó, ta đánh chiêng hội các hiền giả lại.

Các đạo sĩ đều xác nhận “có mang phần ăn đến cho Bồtát”, Ngài dạy rằng:

“Như vậy, chúng ta phải tìm xem ai là người trộm các phần ăn ấy. Chúng ta đã từ bỏ thế tục và tham dục ở đời, mà còn trộm cắp dù chỉ là một củ sen, đó là việc làm không xứng đáng.”

Vị đạo sĩ Upa Kañcana xin được chứng minh mình là người vô tội, khi được Bồtát đồng ý, vị ấy nguyện rằng:

“ Mong người trộm phần ăn của Tôn giả, người ấy sẽ là vị đại đế có nhiều trâu, ngựa, nhiều quốc độ…, nhiều tài sản, châu ngọc, có vợ đẹp và nhiều con trai lẫn gái”.

Nghe câu nguyện này, các đạo sĩ đều bịt tai và kêu lên: “Ôi lời thề quá nặng”. Bồtát bảo: “ Này hiền giả, lời thề trên chứng tỏ hiền giả vô tội, này hiền giả hãy ngồi vào chỗ mình đi”.

Lần lượt tất cả đều chứng tỏ mình vô tội qua các lời nguyện như sau:

Vị thứ hai nguyện: “Mong nguời trộm phần ăn của Tôn giả, người ấy sẽ là vị Quốc vương hùng mạnh, có nhiều lãnh thổ trù phú với nhiều tài sản, châu ngọc, mả não …”

Vị thứ ba nguyện: “Mong người trộm phần ăn của tôn giả, sẽ là một đại gia chủ giàu có, nhiều y phục sang trọng luôn luôn thọ hưởng mọi dục lạc.”

Vị thứ tư nguyện: “Mong người trộm phần ăn của Tôn giả, người ấy sẽ là đại trưởng giả có nhiều danh vọng, nhiều ruộng vườn, nhà kho, con cái..”

Vị thứ năm nguyện: “Mong người trộm phần ăn của tôn giả, người ấy sẽ là vị Đại tướng quân danh tiếng, khắp mọi nơi đều khiếp sợ.”

Vị thứ sáu nguyện: “Mong người trông phần ăn của Tôn giả, sẽ là một tu sĩ thông thạo khoa chiêm tinh, hiểu thông các vì sao, là một chiêm tinh gia thân cận của Đức vua, hưởng mọi vinh hoa phú quý từ Đức vua ban cho”.

Vị thứ bảy (là gia nhân) nguyện: “Mong người trộm phần ăn của Tôn giả, sẽ là một thôn trưởng có quyền uy, có nhiều lộc bổng.”

Vị thứ tám (cô em gái) nguyện: “ Mong người trộm phần của Tôn giả, sẽ là người nữ tuyệt thế giai nhân, là Hoàng hậu của vị Đại đế hùng mạnh.”

Vị thứ tám (cô nữ tỳ ) nguyện: “Mong người trộm phần ăn của Tôn giả, sẽ là Hoàng hậu sủng ái của một Đức vua có nhiều quyền lực”.

Bồtát nghe các vị đạo sĩ nguyện như vậy, Ngài nghĩ: “Nếu ta không nguyện, hẳn các đạp sĩ sẽ nghĩ rằng: “ta không mất phần ăn, nay lại vu khống cho họ”.

Nghĩ xong, Ngài nguyện rằng : “Người không mất phần ăn, lại bảo mất, mong rằng người này luôn thọ hưởngmọi dục lạc, khi sắp mệnh chung tâm vẫn còn chìm trong dục lạc”.

Nghe các lời nguyện của các đạo sĩ, vua Trời Đế Thích hiện ra và thú nhận “mình dấu mất ba ngày ăn của Đạo sĩ trưởng, nhằm mục đích xem tâm lý của các đạo sĩ có chán nản với 5 dục trần không.”

 Ý chính của câu truyện này là: “xuất gia do nhàm chán ngũ dục”, nên được xem là “xuất ly bậc thường”.

b- Xuất gia bậc trung.

Là sự xuất gia phát sinh do động tâm. Như câu chuyện Bồtát Yudhañjāya [21] .

Bồtát Yudhañjāya là con trưởng của vua Sabbadatta, vua Sabbadatta có ngàn vị vương tử. Khi Bồtát Yudhañjāya trưởng thành, Ngài được phong là Phó vương.

Một hôm, vào buổi sáng ngự lên chiếc vương xa lộng lẫy của mình, đi đạo chơi trong vườn ngự uyển, Ngài trong thấy những giọt sương lóng lánh như những hạt ngọc đọng trên lá cây, ngọn cỏ, ngạc nhiên Ngài hỏi : “Đó là gì thế?”. Những người hầu cận giải thích cho Ngài biết: “Đó là những hạt sương”.

Vào buổi chiều, khi Ngài quay về lối cũ, không còn trông thấy những hạt ngọc ban sáng, hỏi rằng:

- Những hạt sương ban sáng đâu rồi?

 - Bạch Ngài, khi mặt trời lên, những giọt sương tan biến rồi.

Nghe xong, Bồtát cảm thán rằng: “Đời người chẳng khác gì hạt sương, sớm có chiều không. Ta phải thoát ra gánh nặng luôn thay đổi, không bền vững này thôi”.

Thế là Ngài từ bỏ vương quyền ra đi xuất gia.

c- Xuất gia bậc cao.

Cũng là xuất gia do động tâm, giữa hai sự động tâm có sự khác biệt nhau là: Sự động tâm d0 nhận thức tính vô thường và sự động tâm do nhận thức khổ.

Chính sự động tâm do kinh cảm sự khổ cao hơn sự động tâm do nhận thức vô thường, như sự động tâm của Bồtát Ayoghara.

Vì sao sự động tâm do nhận thức khổ cao hơn sự động tâm do nhận thức được tính vố thường?.

Vì rằng: Tuy có nhận thức được vô thường nhưng chưa hẳn cho là khổ. Một số người biết “mọi sự đều thay đổi”, nhưng trong lúc khổ đang có, họ mong mõi “khổ sẽ thay đổi, để lạc sinh lên”. Tức là “khổ bị vô thường sẽ là lạc”.

Trái lại, người có trí sẽ nhận thức rằng “cái khổ cũ đã diệt, cái khổ mới đang sinh lên và sẽ hiện bày trong tương lai”. Do đó, Đức Thế Tôn thường hỏi chư tỳkhưu:

“Cái gì vô thường là lạc hay là khổ?”. Và chư tỳkhưu đã trả lời:

“Bạch Thế Tôn, là khổ”.

Bồtát Ayoghara [22] .

Trong một kiếp quá khứ Hoàng hậu của vua Brahmadatta trị vì xứ Bāraṇasī (mẹ của Bồtát Ayoghara), gây oan trái với một nữ nhân lấy chung chồng.

Trong kiếp ấy, bà là một nữ nhân vô sinh, buộc phải cưới một người vợ kế cho chồng để có người nối dõi gia tộc. Vì e ngại gia tài sẽ thuộc về người vợ kế, nếu người này có con, nên bà đã hai lần tìm cách phá hại thai bào của nữ nhân, lần thứ ba thì cả mẹ và con đều chết. Người vợ kế kết oan trái với bà, nguyện sẽ trả mối hận này.

Khi Hoàng hậu sinh ra một vương tử, người vợ kế khi xưa nay là một nữ dạ xoa, đã hiện ra, bắt hài tử ăn sống rồi biến đi, lần thứ hai cũng thế.

Đức vua cho vời các cố vấn đến hỏi:

- Hoàng hậu sinh ra hoàng nhi, đều bị dạ xoa đến bắt lấy ăn thịt. Vậy phải làm sao để hoàng nhi không bị tai hại?

Các cố vấn đưa ra nhiều cách, có người nói rằng:

- Dạ xoa rất sợ nhà sắt, hãy cho làm nhà sắt nuôi Hoàng tử trong đó.

Đức vua đồng ý với cách thức này, cho xây dựng ngôi nhà sắt kiên cố ngay trong kinh thành trong 9 tháng.

Khi Bồtát sinh ra, Ngài được nuôi dưỡng trong ngôi nhà sắt ấy, nên có tên Ayoghara kumāra (Vương tử nhà sắt), riêng nữ dạ xoa vì khát nước, đi đến hồ Anotatta (Vô nhiệt trì) uống nước, đã bị những dạ xoa giữ hồ nước chém chết.

Khi Bồtát được 16 tuổi, Ngài được phong địa vị Phó vương, Đức vua cho rước Bồtát ra khỏi nhà sắt, Ngài đi du ngoạn một vòng kinh thành, trông thấy những hoa viên xinh đẹp muôn màu rực rỡ. Ngài hỏi người hầu:

-Kinh thành này rất xinh đẹp, vì sao cha ta không cho ta ra ngoài, bắt ta phải ở trong nhà sắt?

Người hầu cho Bồtát biết rõ nguyên do, Ngài suy nghĩ:

“Ta chịu khổ trong bụng mẹ suốt 10 tháng, như người đang chịu khổ hình trong địa ngục Chảo sắt hay địa ngục Phẩn dơ.

Khi ra khỏi thai bào, suốt 16 năm ta phải sống trong ngôi nhà sắt không có cơ hội ra ngoài, chỉ vì sự chết đe dọa. Giờ đây tuy không bị chết do dạ xoa, nhưng sự chết vẫn không buông tha ta, chắc chắn ta phải chết”.

Kinh cảm trước sự chết sẽ đến, Bồtát quyết ý xuất gia. Đây là xuất gia bậc thượng.

Chúng ta có thể hiểu như sau: Bồtát Siddhattha (Sĩđạtta) khi thấy già, bịnh, tâm Ngài kinh cảm là kinh cảm bậc trung; khi Ngài thấy sự chết, tâm Ngài kinh cảm, là kinh cảm bậc cao.

3- Ba bậc Balamật về tâm lý xuất gia.

Tâm lý xuất gia ám chỉ “sự thoát ra tham ái”.

a- Thế nào là xuất gia balamật bậc thường?

Là quyết ý thoát ra “trói buộc” của năm dục: Sắc, thinh, hương, vị xúc. Nói cách khác là: Bậc xuất gia không có tâm tham ái đối với 5 dục, có tâm nhàm chán, kinh cảm sự tai hại do đắm nhiễm 5 dục mang lại, như câu truyện Bồtát Mahā Kañcana ở trên.

b- Thế nào là xuất gia bậc trung?

Là không có tâm tham ái đối với các chi thể như tay, chân, mặt mày… như Bồtát Temiya, Bồtát phải giả tê liệt suốt 16 năm.

c- Thế nào là xuất gia bậc cao?

Là quyết ý thoát ra 10 trói buộc (đã nêu ở trên). Nói cách khác, là bậc xuất gia không còn dính mắc với “cái ta” và “của ta”.

Như tiền thân Đức Phật khi là Bồtát Cūla Sutasoma [23] . Là xuất gia bậc thượng.

Câu chuyện của Bồtát Cūla Sutasoma cũng tương tự như câu truyện Bồtát Mahā Janaka, nhưng có sai khác những chi tiết.

Đức vua Cūla Sutasoma sau khi thấy sợi tóc bạc trên đầu, Ngài quyết chí xuất gia, Ngài cho triệu tập triều thần lại, công bố ý định của Ngài, triều đình van nài Ngài hãy ở lại ngôi vua, nhưng không làm thay đổi được ý Ngài. Tiếp theo là cha, me. vợ, con… níu kéo Ngài, nhưng tất cả đều thất bại. Và Ngài xuất gia theo như ý nguyện.

Nói cách khác, sở dĩ sự xuất gia của Đức vua Cūla Sutasoma gọi là xuất gia bậc cao, vì Đức vua vượt ra khỏi đầy đủ 10 trói buộc.

B- Về sự tầm cầu.

Xuất ly balamật là các tâm thiện cùng các tâm sở hợp, với ý thoát ra dục lạc hay thoát ra các cảnh giới tái sinh (các cõi).

Nói rõ hơn, khi tạo những phước lành mà có tâm mong mỏi thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, đó chính là bước tiên khởi của xuất ly.

Xuất ly balamật là sự tìm kiếm những pháp thượng nhân (uttara manussadhammā), nói gọn: Pháp thượng nhân có hai là: Thiền định và Đạo quả Siêu thế (lokuttara dhammā).

Thoát ra các dục lạc là thành tựu trước tiên của xuất ly, khi đã áp chế được chướng ngại tham dục (kāmacchandanīvaraṇa), hành giả chứng đắc Sơ định, như kinh văn:

“Bhikkhu vivicc’eva kāmehi vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ pīti sukhaṃ paṭhamajjhānaṃ upasampajja viharati.

“Vị Tỳkhưu xa lià (vicca) dục, xa lìa bất thiện pháp, chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do xa lìa dục sanh lên, có tầm có tứ” [24] .

Từ đó làm nền tảng để tu tập minh sát (vipasanā), tiến đạt Níp-bàn thoát ra khỏi dần sinh tử luân hồi và quả vị A-la-hán là cao tột, thoát ra khỏi sinh tử luân hồi, chấm dứt trọn vẹn vô minh.

“Chandamūlakā sabbe dhammā: Các pháp lấy ước muốn (chanda) làm căn bản”.

Manasikārasambhavā sabbe dhammā: Các pháp lấy tác ý làm sinh khởi [25] .

Ước muốn (chanda), nói gọn có hai là:

- Ước muốn dục lạc (kāmacchanda) là: “Ước muốn thuộc về bất thiện”, là loại ước muốn thụ hưởng sắc, thinh, hương, vị và xúc.

- Ước muốn pháp (dhammacchanda): “ Ước muốn thuộc về thiện”, là loại ước muốn thành tựu những pháp thượng nhân.

Tác ý (manasikāra), nói gọn cũng có hai:

- Tác ý không đúng (ayoni so manasikāra: phi như lý tác ý), là nền tảng cho các bất thiện pháp sinh khởi.

- Tác ý đúng (yoni so manasikāra: Như lý tác ý hay tác ý khéo), là nền tảng cho tất cả các thiện pháp, đi từ thấp dần lên cao. Trong tác ý đúng có “tác ý thoát ra”.

Có hai tác ý thoát ra: Thoát ra dục lạc và thoát ra vô minh.

1- Thoát ra dục lạc.

Vị Bồtát tu tập pháp xuất ly balamật sẽ nương theo truyền thống của bậc Thánh (ariyavaṃsa) để hạn chế dính mắc trong 5 dục.

“Cattārome bhikkhave, ariyavaṃsā aggaññā rattaññā vaṃsāsaññā porāṇā, asaṃkiṇṇā asaṃkiṇṇapubbā, na saṃkīyanti na saṃkīyissanti, appaṭikuṭṭhā samaṇehi brahmaṇehi viññūhi. Katame cattāro?

“Này các Tỳkhưu, có bốn truyền thống bậc thánh được biết là cao tột (aggaññā), được biết lâu đời (rattañnā), được biết là truyền thống cổ sơ (porāṇā), không có nhơ bẩn, trước không bị nhơ bẩn, không bị nghi ngờ (na saṃkīyanti), không bị (người khác) ngờ vực, không bị các Samôn, Bàlamôn có trí quở trách (appaṭikuṭṭhā). Thế nào là bốn.

Idha, bhikkhave, bhikkhu santuṭṭho hoti itarītarena cīvarena,…

Ở đây, vị tỳkhưu biết đũ với bất cứ y phục nào, ….

Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu santuṭṭho hoti itarītarena piṇḍapātena,…

Lại nữa, vị tỳkhưu biết đủ với bất cứ loại đồ ăn khất thực nào,…

Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu santuṭṭho hoti itarītarena senāsanena,…

Lại nữa, vị tỳkhưu biết đủ với bất cứ loại sàng tọa nào,…

Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu, bhāvanārāmo hoti bhāvanārato, pahānārāmo hoti pahānarato ….

 Lại nữa, này các tỳkhưu, tỳkhưu ưa thích tu tập, vui thích tu tập, ưa thích đoạn tận, vui thích đoạn tận, mà không khen mình chê người …” [26]

Vị Bồtát thực hành bốn pháp truyền thống của bậc Thánh (ariyavaṃsa), “hài lòng với bất kỳ y phục, vật thực và chỗ ngụ nào”.

Bồtát nỗ lực thành tựu truyền thống thứ tư, hoan hỷ trong tu tập (bhāvanārāma), hành pháp thích hợp theo cơ tánh của mình qua 40 đề mục thiền, cho đến khi đạt được cận định (upacārasamādhi), an trú định (appanāsamādhi), thành tựu các tầng thiền (jhāna).

a- Vì sao phải có tác ý thoát ra dục lạc?

Bồtát thấy rõ những nguy hại của dục lạc rằng: “Đời sống tại gia là nơi trú ngụ của nhiều ô nhiễm, đồng thời có những ràng buộc như vợ, con, tài sản ... đời sống tại gia là chướng ngại của sự thực hành giới hạnh, vì liên hệ đến nhiều hoạt động khác nhau như mua bán, trồng trọt, chăn nuôi…

Đời sống tại gia không phải là môi trường thích hợp để hạnh phúc xuất ly có thể thành tựu”.

Các lạc thú như giọt mật trên mũi nhọn của thanh gươm, chúng nguy hại hơn là thụ hưởng, lạc thú nhanh chóng qua đi như giọt sương đọng trên lá, sẽ tan biến khi nắng lên.

Lạc thú như vở diễn trên sân khấu chỉ được thấy bằng những ánh đèn ngắt quãng, lạc thú giống như những vật trang trí cho người điên, lạc thú ví như tấm lụa bọc thi hài đã thối rữa….

Lạc thú ví như thức ăn được đưa vào miệng một xác chết; lạc thú giống như khúc xương khô mà con chó cứ gậm, liếm mãi mà chẳng no lòng…

Sở dĩ chúng sinh đắm chìm trong lạc thú, vì bị chi phối bởi những ý nghĩ sai, bị chi phối bởi những tầm cầu sai.

Loại trừ được các ô nhiễm tâm với dòng nước sạch của giới, được củng cố bằng pháp hành dhutaṅga (đầuđà), Bồtát thực hành thân và lời nói trở nên trong sạch.

Cái gì là lạc thú ở đời?

“Yaṃ kho lokaṃ paṭicca uppajjati sukhaṃ somanassaṃ, ayaṃ loke assādo,

“Do duyên nào trong đời, thích thú (somanassa) khoái lạc (sukha) sinh lên, đó là lạc thú (assāda) ở đời” (A.i,258) [27] .

Bồ tát thấy rõ “chính do sắc, thinh, hương, vị, xúc đáng yêu, đáng hài lòng, đáng hấp dẫn, liên hệ đến ước muốn hưởng thụ chúng (kaamacchanda)”, dẫn đến sự dính líu, dính mắc nơi chúng. Nên Bồtát cố ý lánh xa dục lạc này.

Vì sao phải khước từ lạc thú (assāda)?

Vì thấy được những nguy hiểm của dục lạc. Các dục lạc luôn bị định luật vô thường chi phối, vui ít khổ nhiều.

“ Yaṃ loko anicco dukkho vipariṇāmadhammo, ayaṃ loke ādīnavo

“Cái gì ở đời là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hại ở đời”(sđd- A.i, 258).

Và:

“No cedaṃ, bhikkhave, loke ādīnavo abhavissa, nayidaṃ sattā loke nibbindeyyuṃ.

“Này các Tỳkhưu, nếu không có nguy hại ở đời, thì chúng sinh không có nhàm chán đời” (A.i, 260) [28] .

Có hai loại lạc thú (assāda): Lạc thú bên ngoài và lạc thú bên trong.

Lạc thú bên ngoài chính là 5 dục (kāmā: Sắc, thinh, hương, vị và xúc), lạc thú bên trong là “sự thích thú với các tầng thiền”.

“No cedaṃ, bhikkhave, loke assādo abhavissa, nayidaṃ sattā loke sārajjeyyuṃ

“Này các Tỳkhưu, nếu không có lạc thú ở đời, thời các hữu tình không bị dính mắc (sārajjeyyuṃ) với đời” (sđd,A.i, 260).

Khi mở rộng phạm vi hoạt động thì lạc thú bên ngoài bao gồm những gì có liên hệ đến sắc, thinh hương, vị, xúc như: Hội chúng, danh tiếng, lợi đắc, được cung kỉnh … Câu truyện Tôn giả Kapila là minh chứng.

 

Tôn giả Kapila [29] .

Tương truyền, sau khi Đức Thế Tôn Kassapa (Cadiếp) đã Vô dư Nípbàn. Có hai anh em thuộc gia tộc trưởng giả, xuất gia trong Giáo pháp của Đức Phật Kassapa, người anh tên là Sodhana, người en là Kapila, người mẹ là Sādhinī và người em gái là Tāpanā cũng xuất gia làm tỳkhưu ni.

Sau khi theo vị Tế độ sư học tập và làm tròn bổn phận với vị Tế độ sư và Giáo thọ sư một cách thành kính. Một hôm, hai vị hỏi Thầy Tế độ:

- Bạch Ngài, trong Giáo pháp này có bao nhiêu phận sự phải làm?

- Này các tỳkhưu, trong giáo pháp này có hai phận sự là: Học pháp và hành pháp.

Ngài Sodhana suy nghĩ: Ta đã già, ta hãy thực hành pháp. Sau khi nhận đề mục thích hợp với cơ tánh của mình từ vị thầy tế độ, Ngài đi vào rừng tinh cần hành pháp và chứng quả Alahán.

Ngài Kapila suy nghĩ: “Ta còn trẻ, ta hãy học pháp. Khi tuổi cao, ta sẽ thực hành pháp”.

Ngài tinh cần học thông Tam tạng, nương nhờ vào ân đức pháp học, Ngài Kapila có danh tiếng, có đồ chúng đông và phát sinh nhiều lợi đắc.

Thích thú với kiến văn và biện tài của mình, đồng thời bị dục trần chi phối, Ngài Kapila trở nên kiêu mạn. Ngài thường dùng biện tài của mình để bác bỏ ý kiến người khác, khi người nói đúng pháp thì Ngài bảo là sai pháp, khi người nói đúng luật Ngài bảo là nói sai luật, việc đáng có tội Ngài lại bảo là không tội… Ngoài ra, điều phi pháp, Ngài cho là hợp pháp, điều phi luật Ngài cho là hợp luật, điều vô tội Ngài cho là có tội…

Các bậc Samôn hiền trí nhắc nhở Ngài Kapila về Pháp luật của Đức Thế Tôn, thì Ngài khinh miệt rằng:

- Các ông hiểu biết được gì? Hỡi những con cá rỗng kia.

Rồi Tôn giả Kapila nhục mạ người nhắc nhở mình, biết được việc này, Ngài Sodhana đi đến nhắc nhở Tôn giả Kapila, nhưng Tôn giả Kapila vẫn bỏ ngoài tai. Sau ba lần nhắc nhở vẫn không thấy Kapila sữa đổi, Ngài Sodhana nói rằng:

- Này Kapila, em sẽ phải nhận ác quả vì những việc làm của mình.

Và Ngài Sodhana bỏ đi.

Chẳng những Tôn giả Kapila chế nhạo, khinh thường chư Tăng, ngay cả mẹ và em gái của Kapila cũng a tùng theo tỳkhưu Kapila, binh vực, bảo vệ cho Kapila đồng thời mắng chưởi, chế nhạo chư tỳkhưu.

Từ đó chư Tăng hiền thiện xa lánh tỳkhưu Kapila, tỳkhưu Kapila quy tụ một số chúng đệ tử có sở hành giống như ông [30] .

Một ngày nọ, vào ngày Bốtát (uposatha), tỳkhưu Kapila đi vào giảng đường, với ý nghĩ “Ta sẽ tụng đọc Giới bổn”.

Khi vị ấy ngồi pháp tọa, tuyên hỏi Luật theo thường lệ:

-“ Thưa chư Tôn giả, phải chăng hôm nay là ngày Bốtát?”.

Chư tỳkhưu đều im lặng, càm thấy mình bị xúc phạm, tỳkhưu Kapila nói rằng:

- Này các Tôn giả, nơi đây không có Pháp cũng không có Luật. Các vị có nghe hay học luật cũng như không nghe không học luật mà thôi.

Nói xong, ông bước xuống pháp tọa, tỳkhưu Kapila đã thóa mạ chư Tăng, đồng thời ông xúc phạm đến Pháp luật của Đức Phật. Khi mệnh chung, ông cùng với mẹ và em gái rơi vào địa ngục Atỳ (avīciniraya).

Vào thời Đức Phật Gotama còn hiện tiền, tỳ khưu Kapila tái sinh làm con cá có thân màu vàng óng ánh ở dòng sông Aciravatī, 500 thanh niên dân chài đã đánh bắt được con cá này, mang đến bán cho vua Pasenadi. Khi con cá hả miệng ra, mùi thối lan khắp nơi.

Nhân câu truyện này, Đức Thế Tôn thuyết lên bài kinh Dục (kāmasuttaṃ), bài kinh này được ghi chép vào Kinh Tập (suttanipāta), trong Tiểu bộ kinh (Khuddakanikāya). Xin trích lục vài đoạn như sau:

“Khettaṃ vatthuṃ hiraññaṃ vā; gavassaṃ dāsaporisaṃ.

Thiyo bandhū puthukāme; yo naro anuggijjhati. (Sn 775)

Người nào tham đắm dục (anuggijjhati); ruộng đất, vàng, bò, ngựa.

Người nô tỳ, phục vụ; nữ nhân (thiyo) và bà con.

“Abalā naṃ balīyanti; maddantenaṃ parissayā.

Tato naṃ dukkhamanveti; nāvaṃ bhinnamivodakaṃ.(Sn-776)

“Như người không sức lực; bị các dục chinh phục (balīyanti).

Tai họa (parissaya) dẫm đạp (maddante) nó; khổ đau bước theo nó.

Như nước úa tràn vào; chiếc thuyền bị vỡ nát.

“Tasmā jantu sadā sato; kāmāni parivajjaye.

Te pahāya tare oghaṃ; nāvaṃ sitvāva pāragūti. (Sn- 777).

Do vậy, người thường niệm, từ bỏ các loại dục.

Bỏ dục, vượt bộc lưu; tát thuyền đến bờ kia [31] .

Một câu truyện khác cho thấy người từ bỏ dục lạc, thành đạt lợi ích lớn, đó là câu truyện của Tôn giả Poṭhila.

 

Tôn giả Poṭhila [32] .

Khi Đức Thế Tôn ngự tại Jetavanavihāra (Tinh xá Kỳviên), có Trưởng lão Poṭhila là người tinh thông Pháp luật do Đức thế Tôn giảng dạy, Ngài có đồ chúng là 5oo vị tỳkhưu.

Có lần, Ngài Poṭhila cùng đồ chúng đi đến yết kiến Đức Thế Tôn, quán xét thấy được duyên lành của Tôn giả Poṭhila, Đức Thế Tôn phán gọi Tôn giả Poṭhila là “Poṭhila rỗng không”.

Ngài Poṭhila suy nghĩ : “Ta tinh thông Pháp luật của Đức Thế Tôn chỉ dạy, là giáo thọ sư của 5oo vị tỳkhưu, vì sao Đức Thế Tôn gọi ta là Poṭhila rỗng không?”

Rồi Ngài suy gẫm rằng: “Chỉ vì ta chưa chứng đạt được pháp thượng nhân nên Đức Thế Tôn gọi ta là “rỗng không”.

Ngài Poṭhila giải tán hội chúng, đi vào rừng quyết định tu tập, Ngài đi cách xa thành Sāvatthī 120 dotuần (yojana), đến một trú xứ có 30 vị Trưởng lão Alahán ẩn cư. Ngài Poṭhila đến đảnh lễ vị Đại trưởng lão trưởng hội chúng, xin học tập nơi Ngài. Vị Đại trưởng lão nói:

- Này Tôn giả, Ngài là vị giảng sư danh tiếng, chúng tôi còn phải học nơi Ngài, vì sao Ngài lại yêu cầu chúng tôi dạy Ngài?

- Bạch ngài, vì Đức Thế Tôn gọi con là “Poṭhila rỗng không”, con biết mình chưa thành tựu được pháp thượng nhân, nên tìm đến đây mong học tập pháp hành nơi các Ngài.

Vị Đại trưởng lão suy nghĩ: “Poṭhila là vị giảng sư đa văn, hẳn vẫn còn kiêu mạn về sở học của mình, chúng ta hãy giúp Poṭhila diệt trừ ngã mạn (māna)”, Ngài giới thiệu Poṭhila đến vị Đại trưởng lão thứ hai, cứ thế cho đến vị Sadi 7 tuổi trong nhóm.

Tôn giả Poṭhila vẫn nhẫn nại tìm đến vị Sadi 7 tuổi, nhờ thế nên kiêu khí của Ngài đã giảm nhiều.

Vị Sadi Alahán bảo rằng:

- Nếu Ngài kham nhẫn được thì tôi sẽ dạy Ngài.

- Bạch Ngài, tôi kham nhẫn được.

- Vậy Ngài hãy giúp tôi múc nước hồ, đổ đầy vào các lu nước của các vị Đại trưởng lão đi.

Ngài Poṭhila làm theo lời của vị Sadi, khi xong rồi, vị Sadi dạy rằng:

- “Này Tôn giả, ví như có con Kỳ đà trú trong hang, hang ấy có sáu lối ra vào. Muốn bắt con Kỳ đà ấy, phải đóng kín 5 lối ra vào, con Kỳ đà sẽ đi ra ngỏ thứ sáu và nó sẽ bị bắt. Cũng vậy, Tôn giả hãy thu thúc, gìn giữ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; hãy nhận thức ý căn”.

Nghe xong, với phẩm chất thông minh Ngài Poṭhila đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa của vấn đề, Ngài nói rằng:

“Thưa Ngài, như thế đã đủ rồi”.

Và Ngài Poṭhila ngồi xuống tập trung quán xét tâm mình. Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngự cách xa nơi ấy 120 dotuần, Ngài thấy được duyên lành đạo quả Alahán của Tôn giả Poṭhila, nhưng Tôn giả Poṭhila cần có sự trợ giúp, nên Đức Thế Tôn phóng hào quang hiện thân trước mặt Tôn giả Poṭhila, thuyết lên kệ ngôn:

“Yogā vejāyati bhūri. Ayogā bhūri saṅkhayo

Etaṃ dvedhā pathaṃ ñatvā. Bhavāya vibhavāya ca

Tath’ attānaṃ niveseyya.Yathā bhūri pavaḍḍhati”.

Tu tập [33] sinh nhiều trí [34] . Không tu tập, trí hư hoại [35]

Biết rõ hai con đường. Tái sinh và không tái sinh

Hãy tự mình chọn lấy [36] . Giúp trí tuệ vững mạnh [37] .

Dứt kệ ngôn, tôn giả Pothila chứng thánh quả A-la-hán.

b- Chuẩn bị tâm lý xuất gia.

Cần phải chuẩn bị tâm lý xuất gia, vì đời sống “xuất gia thật sự” rất khó khăn, gặp phải nhiều cám dỗ, gặp nhiều chướng ngại.

“Yañhi taṃ, Kassapa, sammā vadamāmo vadeyya- “upaddutā brahmacārī brahmacārūpaddavena abhipaddavena abhipatthanā brahmacārī brahmacāri-abhipatthanenā’ti, etarahitaṃ, Kassapa, sammā vadamāno vadeyya.

“Này Kassapa, ai nói chân chánh như sau: “Người sống phạm hạnh phải chịu đựng những hiễm nạn của Phạm hạnh, người sống Phạm hạnh phải bị bức não bởi những áp bức của Phạm hạnh. Nói như vậy, này Kassapa là nói một cách chân chánh” [38] (HT. Thích Minh Châu dịch)

Và câu truyện trong chú giải kinh Pháp cú sau đây minh họa cho “đời sống xuất gia cần phải cố gắng chống lại mọi cám dỗ của dục lạc”.

Tương truyền, khi Thế Tôn trú ngụ ở Mahāvana (Đại Lâm), một Hoàng tử xứ Vajjī (Bạtkỳ) xuất gia trong Tăng đoàn.

Ngài sống ẩn cư trong khu rừng gần thành Vesāli. Vào ngày trăng tròn tháng Kattika, kinh thành Vesāli mở hội vui chơi cho đến suốt đêm.

Ở trong rừng, nghe tiếng âm nhạc từ kinh thành vọng lại, vị Tỳkhưu nhớ lại những buổi lễ hội náo nhiệt khi còn là Tử hòang vị ấy hưởng thụ; giớ đây nơi rừng vắng chỉ có mảnh trăng treo là bạn, Ngài nổi cơn phiền muộn than rằng:

“Ekakā mayaṃ araññe vihārama. Apaviddhaṃva vanasmiṃ dārukaṃ;

Etādisikāya rattiyā. Kosu nāmamhehi papiyo’ti”.

“Trong rừng, ta cô đơn. Như khúc cây bị bỏ.

Trong đêm dài hôm nay. Có ai khổ bằng ta”.

Bình thường Ngài giữ gìn giới hạnh nghiêm túc, thực hành hạnh đầu đà (dhutaṅhga) ẩn lâm, như trong lúc này, các dục lạc xưa kia kéo về, nên Ngài buốn khổ than lên như thế.

Vị thọ thần gần đấy biết được, nghĩ rằng: “Ta nên sách tấn vị Tỳkhưu có giới hạnh này”. Thọ thần nói lên kệ ngôn:

“Ekakovā tvaṃ araññe viharasi,

Apaviddhaṃva vanasmiṃ dārukaṃ;

Tassa te bahukā pihayanti,

Nerayikā viya saggagāminaṅti”.

Ngài cô đơn trong rừng. Như khúc cây vứt bỏ.

Nhiều người ước như thế. Như kẻ đọa địa ngục

Ganh với người thiên giới”.

Nghe lời sách tấn của Thọ thần, hôm sau Ngài đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch lại câu chuyệm đêm rồi. Nhân đó Đức Thế Tôn dạy:

“Duppajjaṃ durabhirama. Durāvāsā gharā dukhā.

Dukkho’samānasaṃvāso. Dukkhānupatitaddhagū

Tasmā na c’addhagū siyā. Na ca dukkhānupatito siyā”.

“Vui hạnh xuất gia khó. Tại gia sinh hoạt khó,

Sống bạn không đồng, khổ. Trôi lăn luân hồi, khổ,

Vậy chớ sống luân hồi. Chớ chạy theo đau khổ” (HT. Thích Minh Châu dịch) [39] .

c- Tiến trình tu tập.

Nên ghi nhận lời dạy của Đức thế Tôn :

“Pubbeva me, bhikkhave, sambodhā anabhisambuddhassa bodhisattasseva satto etadahosi…

“Này các Tỳkhưu, trước khi Ta giác ngộ, chưa thành bậc Chánh Giác, còn là Bồtát, Ta suy nghĩ như sau…” [40] .

Có thể hiểu lời dạy khi còn là Bồtát” như sau:

- Là kiếp chót trước khi Ngài thành bậc Chánh giác.

- Khi còn là Bồtát trong những kiếp quá khứ.

Vì rằng: Những lời dạy của Đức Thế Tôn là sự thực chứng, là kinh nghiệm mà Ngài đã thực hành, là đường lối tu tập của Ngài đã đi qua.

Khi thành bậc Chánh giác, Ngài dạy lại cho chư Tỳkhưu những pháp môn mà Ngài đã thực hành trong quá khứ, lẫn hiện tại; những pháp môn mà Ngài đã chứng nghiệm được trong quá trình thực hành pháp.

“Seyyathāpi, bhikkhave, sālisūkaṃ vā yavasūkaṃ vā sammāpaṇihitaṃ hatthena vā pādena vā akkantaṃ hatthaṃ vā pādaṃ vā bhaccati lohitaṃ vā uppādessatīti ṭhānametaṃ vijjati.

Này các Tỳkhưu, tay hay chân đè lên sợi râu lúa mì hay hay lúa mạch được đặt đúng hướng, có thể bị xuyên thủng da tay hay da chân, hay có thể bị đổ máu, việc này có thể xảy ra.

Taṃ kissa hetu? Sammāpaṇihitattā, bhikkhave, sūkassa.

Do nhân nào? Này các Tỳkhưu, do sợi râu được đặt đúng hướng.

“Evamevaṃ kho, bhikkhave, so vata bhikkhu sammāpaṇihitena cittena avijjaṃ bheccati, vijjaṃ upādessati, nibbānaṃ sacchikarissatīti ṭhānametaṃ vijjati.

“Cũng vậy, này các Tỳkhưu, vị Tỳkhưu đặt tâm đúng hướng, có thể phá vỡ vô minh, khiến minh sinh lên, chứng đạt Nípbàn; điều này có thể xảy ra”.

Taṃ kissa hetu? Sammāpaṇihitattā, bhikkhave, cittassā’ti.

Do nhân nào? Này các Tỳkhưu, do tâm được đặt đúng hướng [41] .

Tâm được đặt đúng hướng có hai:

1’- Trong dục lạc.

“Yāvakīvañcāhaṃ, bhikkhave, sattā lokassa assādañca assādato ādīnavañca ādīnavato nissaraṇañca nissaraṇavato yathābhūtaṃ nābbhaññāsuṃ.

“Này các Tỳkhưu, cho đến khi nào chúng sinh, chưa thật biết rõ lạc thú (assāda) trong đời là lạc thú, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly.

 Neva tāva, bhikkhave, sattā sadevakālokā samārakā sabrahmakā sassamaṇabrahmaṇiyā pajāya sadevamanussāya nissaṭā visaṃyuttā vippamuttā vimariyādīkatena cetasā vihariṃsu.

Không (biết) ba pháp này, này các Tỳkhưu, chúng sinh (là) thiên giới, ma giới, là Samôn, là Bàlamôn, là hội chúng Samôn, là hội chúng Bàlamôn, là hội chúng chư thiên, loài người; không thể an trú tâm với thoát ly (nissaṭā), với không trói buộc (nisaṃyuttā), với giải thoát (vippamuttā), với vô hạn lượng (vimariyādikatena).”(sđd).

Và:

“Ye keci, bhikkhave, samaṇā vā brahmaṇā vā lokassa assādañca assādato ādīnavañca ādīnavato nissaraṇañca nissaraṇavato yathābhūtaṃ nappajānanti,

“Này chư Tỳkhưu, các Samôn hay Bàlamôn nào, không như thật biết rõ lạc thú trong đời là lạc thú, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly,

“na me te, bhikkhave, samaṇā vā brahmaṇā vā samaṇesu vā samaṇasammatā brahmaṇesu vā brahmanasammatā..

“Này các Tỳkhưu, đối với Ta, người ấy không được thừa nhận là Samôn trong hội chúng Samôn, không được thừa nhận là Bàlamôn trong hội chúng Bàlamôn…

Vì thế, trước tiên phải thấy rõ các nguy hại của dục lạc, rồi đến sự nguy hại của các cảnh giới tái sinh (sinh hữu), sự thấy rõ các nguy hại ấy là trí nguy hại (ādīnava ñāṇa).

Và khi thấy rõ như thế, người có tâm “tầm cầu thượng nhân pháp, sẽ đặt tâm thoát ra những dục lạc”

2’- Trong các cõi.

Bất kỳ cảnh giới tái sinh nào, người muốn thoát ra sinh tử luân hồi đều không thích thú. Đức Phật có dạy:

“Seyyathāpi bhikkhave, appamattakopi gūtho duggandho hoti; evamevaṃ kho ahaṃ, bhikkhave, appamattakampi bhavaṃ na vaṇṇemi, antamaso accharāsaṅghātamattampi.

“Ví như, này các Tỳkhưu, một ít phân có mùi hôi thối. Cũng vậy, này các tỳkhưu, Ta không tán thán về hiện hữu, dầu cho có chút ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay.”(HT. Thích Minh Châu dịch) [42] .

Khi tạo bất kỳ việc lành nào, người có tâm muốn thoát ra các cảnh giới tái sinh, muốn thoát ra sinh tử luân hồi, không mong mỏi bất kỳ cảnh giới nào, bấy giờ người ấy là Bồtát. Với những ai khi tạo việc lành còn mong cầu hưởng phước hữu vi, còn mong sinh về thiên giới hay trở thành phạm thiên, người ấy chưa thật sự là Bồtát.

d- Thực hành.

Trước tiên, vị xuất gia nên nhận biết và tìm hiểu điều “lợi ích cho mình, lợi ích cho người, lợi ích cả hai”, điều “có hại cho mình, có hại cho người, có hại cả hai”.

“Uppajjati kāmavitakko, so evaṃ pajānāmi: Uppanno kho me ayaṃ kāmavitakko, so ca kho attabyābādhāya pi saṃvattati, parabyābādhāya pi saṃvattati, ubhayabyābādhāya pi saṃvattati, paññānirodhiko vighātapakkhiko anibbānasaṃvattatīti.

“Khi dục tầm khởi lên, Ta biết: Dục tầm này khởi lên nơi ta, và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Nípbàn” [43] .

Và Đức Thế Tôn dạy “mỗi khi biết dục tầm này đưa đến tự hại” thỉ dục tầm này biến mất; “mỗi khi bết dục tầm đưa đến hại người” thì dục tầm này biến mất….

Điều “tự hại” là đắm nhiễm trong sắc, thinh, hương, vị, xúc, xinh đẹp; tuy không tạo ác nghiệp, nhưng cũng chính vì thế mà phải trôi lăn trong luân hồi dục giới, còn đắm nhiễm trong các thiền chứng thì phải trôi lăn trong Sắc và Vô sắc giới.

Điều “hại người”, là chính vì tìm kiếm những dục lạc này mà chúng sinh mãi quây quần bên bờ này, không thể đến bờ kia:

“Ye taranti aṇṇavaṃ saraṃ setuṃ katvāna visajja pallalāni.

Kulaṃ hi jano pabandhati; tinnā medhāvi janā’ti.

“Những ai làm cầu vượt biển trùng dương, bỏ lại đất sủng đầm ao, trong khi người phàm phu đang cột bè.

Những người ấy thật là những vị được trí tuệ giải thoát. [44]

Điều “tự hại lẫn hại người”, là cũng từ năm trần dục này, chúng sinh tạo ác nghiệp như trộm cắp…làm tổn thất lợi ích cú người khác.

Tương tự như thế với sân tầm, điều “tự hại” là: Sân là một bất thiện pháp, là một chướng ngại cho sự chứng đắc thiền định; sân ở đây chỉ cho trạng thái chán nản trong thích thú trong tu tập, khó chịu…

Điều “hại người” là: Cũng vì sân mà chúng sinh lao vào ác nghiệp, tạo ác nghiệp dẫn đến khổ cảnh trong tương lai, như “ngạ quỷ trăn”, “ngạ quỷ đầu heo”, được ghi trong chú giải Kinh Pháp cú.

Điều “hại cả hai”, như đệ tử Ngài Mahā Kassapa chỉ vì bị thầy rầy, phát sinh sân hận đốt liêu thất của Ngài Mahā Kassapa.

Hại tầm cũng như thế.

Các bậc Thánh hiền trong hiện tại, thành tựu quả vị cao, nhanh chóng chứng đắc đạo quả thoát ra khỏi sinh tử luân hồi, vì trong quá khứ đã nhận thức “tội lỗi” khi ý vừa khởi lên một bất thiện pháp, hay vô tình làm “hại người”.

Câu truyện “trọng pháp Kuru (Kurudhamma)” [45] là minh họa. Tóm lược như sau:

Khi xưa trong vương quốc Kuru, Bồtát là vị quốc vương có tên là Dhañanjaya, Ngài trị vì quốc độ bằng thập vương pháp, Ngài là người gìn giữ nghiêm túc 5 giới. Theo gương Ngài, Hoàng thái hậu, Hoàng hậu, Phó vương (là em Ngài), những người tại gia, Bàlamôn, người đánh xe, người thủ kho, người gác cổng, người nữ tỳ, nàng kỹ nữ… ai ai cũng tuân thủ giới luật.

Vương quốc lân cận xứ Kuru là Kālinga. Xứ Kālinga lâu năm không mưa, phát sinh nạn đói, theo lời các quan đại thần, vua xứ Kālinga cho người đến xin voi hạnh phúc có tên là Añjana Vasabho của xứ Kuru mang về, nhưng trời vẫn hạn hán.

Vua xứ Kālinga tìm hiểu biết được rằng “từ vua cho đến chí dân đều giữ giới, nên xứ Kuru mưa thuận gió hòa”. Vua xứ Kālinga sai tám vị Đại thần mang trả lại voi hạnh phúc, đồng thời mang bảng vàng ghi chép giới hạnh của dân xứ Kuru.

Sau khi mang trả voi về cho vua Dhañanjaya, đoàn Bàlamôn thưa rằng:

- Thưa Đại vương, Đức vua của chúng tôi muốn học tập gương chánh pháp của quý quốc, xin Đại vương hãy dạy chánh pháp cho chúng tôi, chúng tôi ghi chép vào bảng vàng để phổ biến trong quốc độ của chúng tôi.

- Này các vị, ta có hành chánh pháp, nhưng ta đang nghi ngờ chánh pháp của ta không được trong sạch. Vì sao vậy?

Vì rằng, mỗi ba năm vào ngày trăng tròn tháng Kattika (rằm tháng mười âl, tính theo lịch Việt Nam), quốc độ thường tổ chức lễ hội, theo nghi thức lễ hội ta phải bắn đi bốn mũi tên ra bốn hướng, khi tìm lại những mũi tên bắn ra, chỉ tìm được ba mũi, mũi thứ tư rơi trên nước nên không tìm thấy. Ta suy nghĩ “có thể mũi tên này là chết sinh vật dưới nước”, nên tâm ta áy náy không yên.

Tuy nhiên, mẹ ta là người giữ giới tinh chuyên, các vị hãy tìm đến mẹ ta mà học tập.

- Thưa Đại vương, Ngài không cố ý sát sanh, thì không gọi là sát sanh được, một vô ý như thế mà Ngài còn không yên tâm thì còn nói gì đến sự cố ý. Xin Ngài hãy dạy cho chúng tôi chánh pháp đi.

Đức vua Dhañanjaya truyền 5 giới cho đoàn Bàlamôn. Đoàn Bàlamôn đi đến yết kiến Hoàng Thái Hậu xin học tập chánh pháp, Hoàng Thái Hậu cũng bảo giới của ta cũng không thật trong sạch trọn vẹn, nguyên nhân như vầy:

Có vị vua lân bang gởi tặng con ta những thứ dầu thơm làm bằng gỗ trầm rất quý, trị giá 100 ngàn đồng và chiếc vòng trang sức đeo cổ cũng có giá trị 100 ngàn đồng. Con ta đem dâng cho ta, ta nghĩ : “Ta không xức dầu thơm bằng gỗ trầm, cũng chẳng trang sức bằng vòng đeo cổ, ta hãy cho hai con dâu”. Rồi ta suy nghĩ : “Con dâu trưởng của ta là Hoàng hậu, ta hãy cho vòng đeo cổ để trang điểm, còn con dâu thứ thì nghèo, ta hãy cho dầu để thoa xức”. Sau khi cho xong, ta áy náy “ta đã thực hành chánh pháp, dâu con có nghèo hay giàu đâu có thành vấn đề, ta đã tỏ ra thiên vị con dâu trưởng, như vậy là không thích hợp”.

- Thưa lệnh bà, những gì thuộc về lệnh bà, bà cho như thế nào là tùy ý. Một việc nhỏ nhặt như thế mà lệnh bà còn áy náy thì làm sao lệnh bà gây tội lỗi cho được. Xin bà hãy dạy chúng tôi chánh pháp.

 Hoàng Thái hậu dạy cho đoàn sứ thần 5 giới, rồi bảo rằng:

“Con dâu ta thực hành chánh pháp rất thanh nghiêm, các vị hãy đến đó mà học tập.”

Theo lời Hoàng Thái hậu, đoàn sứ giả đếng viếng Hoàng hậu, Hoàng hậu bảo “ta có hành trì chánh pháp, nhưng giới của ta không trong sạch trọn vẹn”. Nguyên nhân là:

Trong một cuộc diễn hành long trọng quanh kinh thành, Hoàng hậu từ lầu cao nhìn xuống, trông thấy vị Phó vương xinh đẹp ngồi trên lưng voi phía sau Đức vua, bà bổng thương yêu Phó vương, ước ao rằng: “Khi Đức vua mất, Phó vương lên thay, mong chàng sẽ lấy ta làm Hoàng hậu”.

Thế rồi, bà hối hận: “Ta là người chấp trì chánh pháp, ta đã có chồng, vì sao ta lạ yêu thương người đàn ông khác, tâm ta ray rứt. Đây là một tỳ vết trong giới hạnh của ta”.

- Thưa Hoàng hậu, một ý nghĩ sai lầm đã bị phát hiện, đức hạnh không vì thế mà bị rạn nứt. Nhưng một ý nghĩ sai lầm như vậy, bà đã chận đứng và diệt trừ thì nói gì đến những tội lỗi từ thân và ngữ. Xin bà hãy dạy chánh pháp cho chúng tôi.

Hoàng Hậu dạy 5 giới cho đoàn sứ giả, rồi giới thiệu họ đến Phó vương.

Phó vương cũng tự trách giới hạnh của mình không được thanh nghiêm; nguyên nhân là: Thường mỗi buổi chiều, Phó vương cùng đoàn tùy tùng đến vấn an Đức vua.

Khi xe Phó vương đến cung điện của Đức vua, nếu Phó vương muốn trú lại trong đêm ở Hoàng cung cùng Đức vua,, Ngài sẽ gác dây cương cùng roi ngựa trên ách xe, nếu Ngài muốn ra ngay sau đó, Ngài sẽ để dây cương cùng roi ngựa vào trong xe, theo dấu hiệu đó đoàn tùy tùng sẽ ra về, sáng hôm sau sẽ trở lại Hoàng cung đón vị phó vương và người đánh xe cũng mang xe về, sáng hôm sau đến sớm để rước Phó vương. Hoặc tất cả đứng chờ đợi vị Phó vương ra về ngay sau đó.

Có lần, Phó vương đến vấn an Đức vua, Ngài muốn ra về sau khi đã vấn an, nên để dây cương cùng roi ngựa trên ách xe; bất ngờ một trận mưa lớn và kéo dài khởi lên, Đức vua không cho Phó vương về, Phó vương đành ở lại trong cung.

Sáng ra, khi Phó vương đến chỗ dừng xe của mình, thấy tùy tùng ướt át đang đứng đó, Ngài hối hận : “Chắc chắn giới hạnh của ta có tỳ vết” và Ngài ray rứt về việc vô ý của mình.

- Thưa Phó vương, Ngài không có ý làm cho đoàn tùy tùng khổ nhọc, đó chỉ là sự vô ý. Một lỗi vô ý mà Ngài còn ân hận, thì còn nói gì đến sự cố ý, xin ngài hãy dạy chúng tôi về Chánh Pháp.

 Phó vương dạy cho đoàn sứ giả 5 giới và giới thiệu đến người đánh xe của mình.

Câu truyện này rất dài, đọc giả có thể tìm đọc trong Chú giải Bổn sanh, số 276.

 Ở đây chỉ nêu ra: Một ý nghĩ vi phạm vào tội lỗi, các vị hiền trí thuở xưa đã nhận ra và ngăn chận ngay, như Hoàng hậu.

Ngay cả hành động vô ý các Ngài làm hại đến người, sau khi quán xét các Ngài không còn vi phạm nữa. Tuy nhiên, chính vì sự ray rứt đó là một chướng nạgi cho tâm lý.

Giờ đây, nhờ Đức Phật dạy, chúng ta hiểu rõ “cố ý mới tạo thành nghiệp và có quả báo nặng”, nên sau khi biết rồi, không vi phạm nữa, đồng thời không để tâm ray rứt vì đó là sân tầm, một loại tâm bất thiện.

 Chính sự kiểm soát mình, hiểu biết mình sẽ dẫn đến an lạc trong hiện tại lẫn vị lai, như Phật ngôn:

“Attanā coday’attānaṃ; paṭimāse attaṃ attanā.

So attagutto satimā; sukhaṃ bhikkhu vihāhisi.

“Tự mình kiểm soát mình; tự mình dò xét mình.

Hãy tự canh phòng và giác tỉnh; hỡi Tỳ khưu con sẽ an lạc”. (ông Phạm Kim Khánh dịch) [46] .

Tiếp theo, vị xuất gia thanh trừ dần những ác bất thiện pháp, trong đó sự đắm nhiễm trong dục lạc là điều cần thiết nhất. Bằng cách nào?

Bằng cách suy tưởng đến một tướng khác, như khi dục tầm sinh khởi thì suy tưởng đến ly dục tầm, khi sân tầm sinh khởi thì suy nghĩ đến ly sân tầm, khi hại tầm sinh khởi thì suy nghĩ đến ly hại tầm. Như Phật ngôn:

Adhicittaṃ anuyuttena bhikkhave bhikkhunā pañca nimittāni kālena kālaṃ manasikātabbāni, katamāni pañca: .

Chư Tỳkhưu, vị Tỳkhưu muốn thực tu tăng thượng tâm, cần phải thường thường suy tư năm tướng. Thế nào là 5?

Idha bhikkhave,bhikkhuno yaṃ nimittaṃ āgamma yaṃ nimittaṃ manasikaroto uppajjanti pāpakā akusalā vitakkā chandūpasaṃhitā pi dosūpasaṃhitā pi mohūpasaṃhitā pi.

Ở đây, vị Tỳkhưu y cứ tướng nào, suy tư tướng nào, các ác bất thiện tư duy liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sinh khởi.

Tena bhikkhave bhikkhunā tamhā nimittā aññaṃ nimittaṃ manasikātabbaṃ kusalūpasaṃhitaṃ,

Thời này, các Tỳkhưu, vị Tỳkhưu ấy cần phải suy tư một tướng khác liên hệ đến thiện không phải tướng kia”.(HT. Thích Minh Châu dịch) [47] .

Khi đã tạm thời trừ diệt ba loại tư duy bất thiện này, bằng ba loại tư duy thiện là ly dục, ly sân và ly hại, ví như dùng một cây nêm đánh bật cây niêm khác, xem như hành giả hoàn tất được xuất ly độ bậc hạ. Từ đây, hành giả tinh cần phát triên tuệ quá có thể chứng đạt Nípbàn, như trường hợp bà Visākhā, trưởng giả Cấpcôđộc, vua Bình sa …

“Kathañca bhikkhave, bhikkhu anāvilasaṇkappo hoti?

Và này các Tỳkhưu, như thế nào là Tỳkhưu các tư duy không có uế trược?

Idha, bhikkhave, bhikkhuno kāmasaṅkappo pahīno hoti, byāpādasaṅkappo, vihiṃsāsaṅkappo pahīno hoti. Evaṃ kho, bhikkhave bhikkhu anāvilasaṅkappo hoti.

 Ở đây, này các Tỳkhưu, Tỳkhưu đã đoạn tận dục tư duy, đã đoạn tận sân tư duy, đã đoạn tận hại tư duy. Như vậy, này các Tỳ khưu, là các tư duy không có uế trược”[48] .

Khi tu tập tinh cần, hành giả chứng được Sơ định, làm mù mắt ác ma, xem như hoàn thành xuất ly độ bậc trung.

Khi hành giả tu tập tuệ quán thấy được tam tướng, xem như hoàn thành cơ bản xuất ly đến bờ cao tột.

Duyên lành đầy đủ, phước báu hội tụ, hành giả chứng đạt Nípbàn, khi đoạn tận ba tà tư duy (dục tầm, sân tầm, hại tầm) vị ấy trở thành bậc Thánh Anahàm.

Katamā cānanda, pahānasaññā?

Và này Ānanda, thế nào là tưởng đoạn tận?

Idhānanda, bhikkhu uppannaṃ kāmavitakkaṃ nādhivāseti, pajahati vinodheti, byantīkaroti, anabhāvaṃ gameti.

 “Ở đây, này Ānanda, Tỳkhưu không chấp nhận dục tầm đã sinh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sinh khởi.

 Uppannaṃ byāpādavitakkaṃ nādhivāseti, pajahati vinodheti, byantīkaroti, anabhāvaṃ gameti.

Không chấp nhận sân tầm đã sinh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sinh khởi.

Upapnnaṃ vihiṃsavitakkaṃ nādhivāseti, pajahati vinodheti, byantīkaroti, anabhāvaṃ gameti

Không chấp nhận hại tầm đã sinh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sinh khởi.

Uppannupppanne pāpake akusale dhamme nādhivāseti, pajahati, vinodeti, byantīkaroti, anabhāvaṃ gameti.

Không có chấp nhận các ác bất thiện pháp tiếp tục khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, chấp dứt đi đến không sinh khởi.

Ayaṃ vuccatānanda, pahānasaññā.

Này Ānanda, đây được gọi là tưởng đoạn tận [49]

Sau cùng “thoát ra” mọi phiền não, chứng đạt Thánh vị Alahán.

 

Dứt phần xuất ly độ.

 

-ooOoo-

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Kinh Tạng PĀLI.

Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch:

- Dīgha Nikāya (Trường Bộ Kinh), I, II, III. (1972). Sài Gòn, Tu thư Viện Đại Học Vạn Hạnh.

- Majjhima Nikāya (Trung Bộ Kinh), I, II. (1973). Sài Gòn, Tu thư Viện Đại Học Vạn Hạnh.

- Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi bộ), I, II, III, IV, V. (1987 – 1988), Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam.

- Saṃyutta Nikāya (Tương Ưng bộ), I, II. (1982), Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh.

- Khuddaka Nikāya (Tiểu Bộ Kinh), (1982), Tu thư Đại Học Vạn Hạnh.

*- Suttanipāta (Kinh tập).

*- Itivuttaka (Như thị thuyết).

*- Dhammapāda (Kinh Pháp cú).

*- Jātaka atthakātha (Câu chuyện tiền thân).

- Đại trưởng lão Pháp Minh, Chú giải kinh Pháp cú I (1997), II (1998), III (2000) (Dhammapāda – Atthakathā), Thành hội Phật Giáo Tp Hồ Chí Minh.

- Đại Trưởng lão Bửu Chơn, (1962), Kho Tàng Pháp Bảo, Sài Gòn, nhà in Nguyên Ba.

- Đại trưởng lão Bửu Chơn (dịch), Từ Điển Pāli.

- Đại Trưởng lão Giới Nghiêm, (1962 – 1981), Mi Tiên vấn đáp I (Milindapañhā),

- Sớ giải Theragāthā. Đại Đức Thiện Phúc dịch (kn) (Trưởng lão Tăng kệ).

- Đại Đức Giác Giới, (kn), Tầm nguyên ngữ căn.

- Đại Đức Minh Huệ (dịch), Pháp duyên khởi.

- Đại Đức Minh Huệ (dịch), Đại Vương Thống sử (Mahāvaṃsa).

- Đại Đức Giác Nguyên (dịch), Phật Giáo sử (Buddhavaṃsa).

- Đại Đức Giác Nguyên (dịch), Độc Giác truyện.

- Sớ Giải Hạnh Tạng (cariyapitaka-Atthakātha).

- Sư cô Thích nữ Trí Hải (dịch), (2001), Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), Nxb Tôn Giáo.

 
Luật Tạng.

- Luật xuất gia tóm tắt - Đại trưởng lão Hộ Tông soạn (1993).

- Đại Đức Nguyệt Thiên (dịch) (2005), Luật Đại Phẩm (Vinaya- Mahā Vagga).

- Đại Đức Nguyệt Thiên (dịch) (2005), Tiểu Phẩm (CullaVagga).

- Đại Đức Nguyệt Thiên (dịch) (2005), Tập Yếu (ParivāraVagga).

- Đại Đức Giác Giới (dịch):

* (Kn) Luật Đại Phân Tích Tỳ Kheo (Mahā Vibhaṅga bhikkhu).

* Vibhaṅga

 

-ooOoo-

 



[1] - Sañatuttamo, nghĩa đen là “điều phục điểm cao nhất, là đầu”, nên dịch là “điều phục ý”

[2] - Ajjhattu, nghĩa đen là “bên trong”, ở đây chỉ cho đề mục thiền.

[3] - Dhp, kệ ngôn 362.

[4] - Dhp, kệ ngôn 367.

[5] - JA. Truyện 505.

[6] - Dhp, câu 9.

[7] - M.i, Nivāpasuttaṃ, bài kinh số 25.

[8] - Ác Ma ở đây chỉ cho phiền não ma, chính là tham dục.

[9] - Ám chỉ những sở hữu sinh chung với tham.

[10] - JA, truyện số 488

[11] - JA, truyện số 538.

[12] - Luật tạng, Phân tích giới Tỳkhưu, điều học thứ 1.

[13] - M. ii. Ratthapālasuttaṃ (Kinh Ratthapāla).

[14] - A.v, 87 (pháp 10 chi, kinh các pháp - Dhammāsuttaṃ).

[15] - Pariv (Tập yếu), Chương XV. Phẩm Đầuđà (dhutaṅgavaggo), 443.

[16] - Là thuận tiện cho vị tỳkhưu đi vào làng khất thực, thuận tiện cho những bậc đồng phạm hạnh đến trú ngụ, thuận tiện cho các cư sĩ đến để học hỏi đạo pháp hay cúng dường. Điển hình là các ngôi đại tự như Veḷuvana (Trúc Lâm Tịnh xá), Jetavana (Kỳviên Tịnh xá)…

[17] - A.v, 15.

[18] - M.i,Vanapatthasuttaṃ.

[19] - Là niệm chưa an trú không an trú, tâm không dịnh tỉnh, các pháp ngâm tẩm (āsava) chưa đoản trừ không đoạn trừ được.

[20] - JA. số 488.

[21] - JA. Câu truyện số 510

[22] - JA.510.

[23] - JA. truyện số 525.

[24] - D.i, Kinh Sa Môn Quả,(Sāmaññā-Phala sutta), (d.ii 75).

[25] - A.iv, 338 - chương 9, phẩm niệm (sativaggo), kinh Gốc rễ (mūlakasuttaṃ).

[26] - A.ii, 27, Pháp bốn chi, Phẩm Uruvela, kinh Truyền thống bậc Thánh (ariyavaṃsasuttaṃ).

[27] - A.i, 258; pháp ba chi, phẩm Chánh giác (sambodhavaggo), kinh Trước khi giác ngộ (Pubbevasambodhasuttaṃ)

[28] - A.i, 260, pháp ba chi, phẩm Chánh giác (sambodhavaggo), kinh Lạc thú số 2 (dutiya assādasuttaṃ).

[29] - DhpA, kệ ngôn số 334 - 337.

[30] - Trong hiện tại có những tỳkhưu giống như vậy không nhỉ? (Ns).

[31] - Bản dịch Việt ngữ của HT. Thích Minh Châu (1982), TP Hồ Chí Minh, Tu thư Phật Học Vạn Hạnh, tr.115 (từ số 766 - 771).

[32] - DhpA, kệ ngôn số 282.

[33] - Yogā, từ ngữ yogāvacara: người tu tập, người hành đạo.

[34] - Niveseyya.

[35] - Saṅkhaya.

[36] - Bhūri.

[37] - Pavaḍḍhati.

[38] - S.ii, 208: chương V: Tương ưng Kassapa (Kassapasaṃyuttaṃ); Tatiya-ovādasuttaṃ (Kinh Giáo giớ thứ ba);

[39] - DhpA, kệ ngôn số 302.

[40] - M.i, kinh Thánh cầu (Ariyapariyesana sutta) (kinh số 26 ) ; A.i, 258.

[41] - A.i, 8. Pháp một chi, Paṇihita-acchavaggo (Phẩm đặt hướng và trong sáng).

[42] - A.i,33- Pháp một chi, Chương XVIII: Makkhali

[43] - M.i; HT. Thích Minh Châu (d), kinh Song tầm (Dvedhāvitakkasutta) (1973); Tu thư Đại học Vạn Hạnh, tr.115.

[44] - D.iii ; HT. THC (d), kinh Đại bát Niết Bàn (Parinibbānasuttaṃ) (1972); Viện Đại học vạn Hạnh, tṛ 89.

[45] - JA; truyện số 276.

[46] - Dhp; kệ ngôn số 379.

[47] - M.i; kinh Đình chỉ tư duy ( Vitakkasanthaanasuttaṃ)

[48] - A.v, 29.

[49] - A.v, 108 ; kinh Girimānanda (Girimānandasuttaṃ).

 -ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01| 02

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 10-2006)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 13-10-2006