Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Trì Giới Độ
(Sīla Pāramitā)

Tỳ khưu Chánh Minh

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


IV- Giới Balamật.

Như con Cāmarī, chúng tôi đã dịch là "bò Yak Tây tạng". Đây là loại bò chở hàng ở Tây Tạng, nó cho sữa và thịt. Lông đuôi của nó được làm quạt, là một trong năm biểu tượng của vua (cờ, quạt, lọng trắng, gươm và hài).

Loại bò này sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ cái đuôi dầu chỉ một sợi lông, cũng như Đức vua thà chết chứ không chịu mất nước dù chỉ một tấc đất.

Để tránh không làm hư đuôi, con Cāmarī sẽ tự kết liễu mạng sống, khi chỉ một túm lông đuôi nhỏ bất thình lình bị kẹt vào trong các nhánh cây.

Bồtát Sumedha tự nhắc nhở mình "hãy lấy hình ảnh con Cāmarī làm gương và giữ giới trong sạch, cho dù phải hy sinh mạng sống".

Đại luận sư Buddhaghosa có nêu:

"Như gà mái giữ trứng.
Như trâu mao giữ đuôi.
Như người giữ con cưng.
Hay một mắt còn lại.

Cũng vậy, khi đã nguyện.
Gìn giữ các cấm giới.
Hãy luôn luôn cẩn thận
.
Và biết sợ phạm giới [1].

Tất cả những hình ảnh "bảo vệ" như: "người một mắt bảo vệ con mắt còn lại", "người mẹ bảo vệ đứa con yêu quí", "gà mái bảo vệ trứng". Là nói đến ý nghĩa "người yêu kính giới", người vi pạhmgiới xem như người không quý trọng, yêu kính giới.

Ở phần Giới balamật có nêu ra rằng:

"Ẩn sĩ Sumedha sau khi được thọ ký thành bậc Chánh giác trong tương lai, đã suy xét 10 pháp Balamật, là bố thí, trì giới....Nhưng điều này không ám chỉ: "vị ấy nên thực hành bố thí trước, rồi sau đó tiếp đến trì giới...".

  Thật ra, khi suy xét các yếu tố thành bậc Chánh giác, Bồtát Sumedha (Thiện Huệ) vận dụng trí quán balamật (pāramī vicaya ñāṇa), chính bố thí Ba la mật xuất hiện đầu tiên trong trí nhãn, rồi đến giới, xuất gia, trí...

Thứ tự các pháp balamật được nêu ra trong kinh sách là thứ tự mà chúng xuất hiện trước con mắt tâm của ẩn sĩ Sumedh, vì không thể nào vị ấy thấy được cả mười pháp Balamật cùng một lúc. Chúng được suy xét lần lượt từng pháp và vì thế  mới có thứ tự như vậy.

Bố thí balamật là pháp đầu tiên, nhưng không có nghĩa Bồtát bố thí trên nền tảng"không giữ giới", phải nói rằng: "Bồtát bố thí trên nền tảng giữ gìn giới hạnh". Và điều này chứng tỏ "10 pháp balamật là trình tự thuyết giảng, không phải là trình tự thực hành".

Trong thực hành, bố thí được trong sạch, tăng trưởng khi thí chủ an trú trong giới, bố thí có kết quả tốt đẹp, đáng hài lòng khi có sự thọ trì giới trước.

Đó là lý do khiến các vị tỳ khưu thường khuyên thí chủ thọ trì giới trước khi cúng dường.

Muốn bố thí trước tiên phải có vật thí, cũng vậy muốn chúng sanh tin và thực hành thiện pháp, trước tiên Bồtát phải là người có giới.

Giới được trong sạch theo bốn phương cách sau:

a- Trong sạch sự "cố ý" (ajjhāsaya visuddhi). Là có tâm hổ thẹn (hiri) và ghê sợ (ottappa) tội lỗi. Người có hai pháp này sẽ cố ý lánh xa tội lỗi, không có ý vi phạm giới dù trong giấc ngủ.

b- Nhận sự chỉ bảo từ người khác, để trở nên an tịnh giới (samādana): Tức là khi thọ giới từ vị thầy, cố gắng tìm hiểu cặn kẻ về cách phạm giới để tránh và thể thức không phạm để thực hành.

Hay khi vô tâm phạm giới, được người có trí nhắc nhở, tâm hoan hỷ thọ lãnh lời chỉ giáo.

c- Không vi phạm (avītikkamana). Là tự nguyện khép mình vào khuôn khổ của giới luật. Hay với tâm hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi cương quyết không vi phạm học giới đã thọ trì.

d- Sửa chữa trong trường hợp phạm tội (paṭipākatika karana).

Nếu do dễ duôi vi phạm một hay hai giới, khi đó nhờ "cảm giác" hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, người đó nhanh chóng sửa chữa theo những cách thích hợp như: sám hối, chịu phạt để giới được trong sạch trở lại.

(Theo Luật tạng, khi vị Tỳ khưu phạm trọng giới như Tăng tàng (saṅghadisesa) thì vị ấy phải chịu phạt parivāsa (che dấu bao nhiêu ngày thì bị phạt cấm phòng bấy nhiêu ngày) và tiến hành nghi thức "làm cho chư Tăng hoan hỷ trong sáu ngày" (manatta), ngoài trọng giới ra, những giới còn lại chỉ sám hối là trong sạch giới, riêng cư sĩ hay Sadi thì phải xin giới lại).

Có hai loại giới được làm trong sạch bằng bốn phương cách nói trên  là: Kiêng tránh giới (vāritta sīla) và hạnh giới (cāritta sīla).

1) Bồ Tát giữ kiêng tránh giới (vāritta sīla) như thế nào?

Giới kiêng tránh của Bồtát là thập ác giới.

Về thân.

- Bồtát có tâm từ rộng lớn đến tất cả chúng sanh, không hề nuôi dưỡng sự giận dữ đối với bất kỳ ai dù là trong giấc mơ, do vậy mà Bồtát tránh sát sanh.

- Vì có tâm đại thí để giúp đỡ người khác, Bồ tát xem hành động "trộm cắp tài sản của người khác", như việc nắm giữ một con rắn độc. Và ngài xa lánh "không lấy của không cho" như xa lánh con rắn độc.

- Khi Bồtát là samôn hay tỳ khưu, Ngài luôn xa lánh hành dâm. Tuy có kiếp làm đạo sĩ, bất ngờ nhìn thấy trước thân hình kiều diễm của Hoàng hậu Mudulakkhaṇa, Bồtát đánh mất thiền lực cùng thắng trí, nhưng sau đó Ngài tỉnh ngộ, khôi phục được thiền lực và thắng trí. Ngài trở về núi Tuyết, không trở lại kinh thành đầy nguy hiểm nữa[2].

Không chỉ tránh quan hệ tình dục với người nữ mà Bồ Tát còn tiết chế không có bảy hành động tối thiểu liên quan đến tình dục (methuna saṃyoga), được đề cập đến trong Tăng chi bộ kinh, đó là:

a- Thích thú với sự vuốt ve, xoa bóp và chà xát của người nữ.
b- Thích thú nói đùa và cười với người nữ.
c- Thích thú nhìn chằm chằm vào mắt người nữ.
d- Thích thú nghe người nữ cười, hát, khóc từ bên kia tường.
e- Thích thú gợi lại những lạc quá khứ mà vị ấy đã từng có với một số người nữ.
f- Thích thú xem ai đó hưởng cảnh lạc và nắm giữ cảnh dục lạc đó.
g- Sống một cuộc sống cao thượng với mong mỏi chứng đắc được pháp cao quý.

Do tránh được các ràng buộc nhỏ nhặt của ái dục như vậy, nên tội thông dâm không thể có với Bồ tát, Ngài tiết chế để không phạm phải tội.

Khi tái sanh là gia chủ, Bồtát không nuôi dưỡng ý nghĩ tội lỗi: "say mê vợ của người khác".

Về lời.

Khi nói, Bồtát tránh tà ngữ mà chỉ nói điều có thật, lời nói mang lại sự hòa thuận, lời ái ngữ và chỉ nói chánh pháp với sự thận trọng. Tứ1c là lánh xa bốn lời ác ngữ.

Về ý.

Tâm Bồtát có khuynh hướng lánh xa tham-sân và có tri kiến đúng về nghiệp quả, Bồtát nhận thức rằng: "Ta là kẻ thừa hưởng nghiệp đã tạo " (kammassakata ñāṇa)[3]. Bồtát tin tưởng và tỏ thiện ý với các samôn, những vị đang thực hành đúng đắn.

Do tránh những điều làm ô nhiễm thân- ngữ- ý dẫn đến bốn khổ cảnh và vững trú trong những điều trong sạch dẫn đến cõi chư thiên và Nípbàn.

Nhờ khuynh hướng vô tham, vô sân và có tri kiến đúng, nên thân, ngữ của Bồtát được trong sạch, thực hành giới độ với sự "mong mỏi chúng sanh được lợi ích vàan lạc".

2) Những đặc điểm do kiêng tránh giới mang lại.

-"Tránh xa sát sanh", Bồtát bố thí sự vô hại cho tất cả chúng sanh, dễ dàng dẫn đến sự tăng trưởng tâm từ, đồng thời có được 11 điều thuận lợi[4] để tu tập tâm từ.

Ngoài ra, còn có những thuận lợi như: có sức khoẻ, tráng kiện, sống lâu và nhiều an lạc. Với ba đại nhân tướng: "Gót chân thon dài, ngón tay - ngón chân dài và tay chân mềm mại."[5] là do Bồtát từ bỏ sát sanh, chế ngự sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ. đối với tất cả chúng sanh, ba đạc tướng này đã nói lên  khuunh hướng vô sân của Bồtát.

- "Tránh lấy của không cho (adinnādāna)", Bồtát có được tài sản và của cải mà không bị phiều nhiễu bởi năm kẻ thù (nước, lửa, trộm đạo, vua quan tước đoạt và kẻ thừa tự phá hoại), Bồtát là người đáng mến, nhã nhặn và đáng tin cậy.

Không dính mắc vào tài sản của người khác, là khuynh hướng vô tham của Bồtát, loại trừ nhưng xu hướng dẫn đến tham đám (lobha vasana).

- "Không nói lời giả dối (musāvāda)", Bồtát rất được chúng sanh kính trọng, tin tưởng và tin cậy. Lời nói của Bồtát có ảnh hưởng mạnh mẽ và được nhiều người chấp nhận.

Đặc tướng đại nhân: "Mỗi lỗ chân lông có một sợi lông" (sđd) là thành tựu từ sự "không nói dối.

- "Không nói đâm thọc (pisuna vāca)", Bồtát có cơ thể khỏe mạnh và không bị phân chia bởi những mưu mẹo của người khác, có niềm tin vững chắc vào chánh Pháp, là người bạn tin cậy, dễ thương với chúng sanh.

- "Không nói thô lỗ (pharusa vāca)", Bồtát là người được nhiều người thương kính. Với điều này Bồtát có được  giọng nói có tám tính chất.[6]

- "Không nói phù phiếm (samphappalāpa vāca)", Bồtát là người đáng kính trọng qua lời nói, vì Ngài nói với sự cân nhắc, lời nói của Ngài được nhiều người chấp nhận.

Khi chưa thành Phật, Ngài có kỹ năng trả lời ngay những câu hỏi của người khác.

Khi trở thành Phật, Ngài có kỹ năng thông hiểu mọi thứ tiếng (người, chư thiên hay phạm thiên) và trả lời tất cả các câu hỏi của các hạng chúng sanh ấy.

Ngài trả lời với ngôn ngữ Magadhi,  là ngôn ngữ được nhiều chủng tộc khác nhau hiểu thấu đáo.

- "Khuynh hướng không tham ác(abhijjhā)", Bồtát không khó khăn đạt được những gì mình muốn: được giàu như mong muốn, được các vị đại vương, các bàlamôn, các gia chủ tôn kính.

Bồtát không bao giờ bị kẻ thù chế ngự, không bị khiếm khuyết trong mắt, tai, mũi... và là người không ai bằng.

- "Khuynh hướng không sân ác (vyāpāda)", Bồtát được mọi người ngưỡng mộ, Ngài dễ dàng an trú người khác vào đức tin với tâm từ.

-"Khuynh hướng xa lánh tà kiến ác", Bồtát có những người bạn tốt, Ngài không từ bỏ những thiện pháp cho dù phải hy sinh mạng sống. Vì Ngài luôn có ý nghĩ "Chúng sanh có nghiệp là của mình".

Bồtát không tin vào những điều mê tín,[7] Ngài chỉ tin tưởng vào chánh pháp và có niềm tin vững chắc vào pháp của bậc Chánh đẳng giác.

Như thiên nga chúa không thích thú đống phân, cũng vậy, Bồtát không hoan hỷ với những tín ngưỡng không có chánh kiến (sammā ditthi). Bồtát có kỹ năng lĩnh hội đầy đủ ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã.

Trong kiếp chót khi trở thành Phật, Ngài đạt Tuệ vô ngại giải (anāvarana ñāṇa - không có chướng ngại trong sự biết tất cả pháp).

"Giới là nền tảng cho tất cả những thành tựu, là cội rễ, là khởi nguồn của tất cả những pháp tính của Đức Chánh giác, là khởi đầu cho tất cả các balamật".

Khi quán xét và tôn sùng giới, Bồtát phát triển năng lực niệm và lĩnh hội bốn vấn đề là kiểm soát thân - khẩu, phòng ngự các căn, chánh mạng và quán tưởng khi sử dụng bốn món vật dụng cần thiết.

Bồtát giữ giới với sự cẩn trọng, xem sự khoe khoang, tự mãn về giới là kẻ thù đội lốt bạn bè.

3) Bồtát tu tập hạnh giới (cāritta sīla) như thế nào?

Bồtát luôn đón chào những người bạn tốt, chào mừng họ với điệu bộ kính trọng và nhã nhặn bằng cách giang rộng đôi tay và phục vụ họ.

Bồtát tự chăm sóc người bệnh và giúp đỡ họ một cách hữu ích.

Bồtát bày tỏ sự hoan hỷ sau khi nghe Pháp, tán dương các giới hạnh, tán dương bậc có giới đức.

Bồtát nhẫn nại trước những ác xấu do người khác gây ra cho mình, Ngài hồi tưởng lại những gì mà họ đã phục vụ mình, để rồi tâm Ngài tha thứ những lỗi lầm của họ.

Bồtát hoan hỷ với hành động thiện của người khác và cúng dường phước đến Giác ngộ,

Bồtát hành Pháp cẩn trọng và trong sạch; nếu thình lình phạm tội thì Bồ Tát thấy nó như vậy (không cố che giấu) và thú tội trước những người bạn Pháp của mình. Bồ Tát cảng ngày càng phát triển hành Pháp, tiến lên mức độ ngày cảng cao trong các giai đoạn thành tựu.

Ngoài ra, Bồtát có kỹ năng phục vụ cho chúng sanh trong những vấn đề "lợi mình và lợi người", khi họ bị tai họa đe dọa... Bồtát cố gắng giảm nhẹ cho họ càng nhiều càng tốt.

Khi bất hạnh (vyasana) xảy đến với họ liên quan đến người thân, tài sản, sức khoẻ, danh tiếng, giới và đức tin thì Bồtát an ủi (với người đang bị tổn giảm về thân tộc, tài sản và danh tiếng), hoặc khiển trách đúng đắn những ai cần phải khiển trách (là người đang làm cho giới, đức tin và trí tuệ bị suy giảm) chỉ với mục đích giúp họ không làm điều ác và làm điều thiện.

Bồtát luôn giúp đỡ những ai xứng đáng được giúp đở.

Khi nghe về pháp hành tối cao của các vị Bồtát trong quá khứ, những cách mà các vị ấy thuần thục các pháp khó thực hiện không tưởng tượng nổi, và các phương pháp đem đến lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh, Bồtát không hề sợ hãi hay thối chí.

Bồtát quán xét: "Tất cả các vị Bồtát vĩ đại trong quá khứ cũng giống như ta, chỉ là người nhân loại mãi tu tập giới, định và tuệ, các vị ấy đạt Giác ngộ tối cao.

Giống như các vị Bồtát ngày xưa, ta cũng sẽ phải trải qua việc tu tập hoàn toàn giới, định và tuệ. Bằng cách này, sau khi hoàn tất, cưối cùng thì ta cũng sẽ đạt được mục đính thành Chánh đẳng giác tương tự".

Do vậy, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ đặt trên nền tảng đức tin, Bồ tát thực hiện hoàn tất việc tu tập giới ...

Bồtát không khoe khoang về những hành động thiện của mình, thay vào đó Ngài ấy sám hối những tội lỗi mà mình vi phạm không hề giấu diếm.

Bồtát thích dộc cư thiền tịnh, tránh vướng mắc những rắc rối trong xả hội, chịu đựng được gian khổ và không tham đắm cũng không bị người khác kích động.

Bồtát không ngã mạn, không khiếm nhã, không lỗ mãng, không nói lời vô ích; vị ấy yên lặng, bình tĩnh và thoát khỏi những cách sống sai trái như gian trá...

Bồtát hành xử thân - ngữ thích đáng và an trú tâm vào những án xứ thiền, Ngài thấy được nguy hiểm trong lỗi nhỏ nhặt và gìn giữ cẩn trọng các nguyên tắc tu tập, không cho tâm bị dính mắc vào thân hay thế gian.

Bồtát có tâm hướng đến quả Chánh đẳng giác, Ngài không ngừng nỗ lực thực hành những pháp trong sạch, cho dù có hy sinh cả mạng sống.

Bồtát từ bỏ mọi dính mắc vào bản ngã lẫn thế gian, đồng thời cũng loại trừ các yếu tố làm ô nhiễm tâm như sân, ác ý... làm đứt giới.

Bồtát không tự mãn với những thành tựu nhỏ nhoi mà nỗ lực để đạt được thành tựu cao hơn. Bằng sự nỗ lực như vậy, những thành tựu của Bồtát trong thiền... không hề giảm bớt hay đứng lại chút nào mà lại còn lớn mạnh, đạt đến các giai đoạn cao tột.

Ngoài ra, Bồtát giúp người mù đến nơi mong muốn hay chỉ họ con đường đúng, giao tiếp với người tiếc và câm bằng những cử chỉ ra dấu (bằng tay), đưa ghế hay xe cho người què hay tự mình khiêng họ đến nơi bất cứ nơi nào họ muốn.

Bồtát chuyên cần hành động để những người thiếu đức tin có thể phát triển đức tin, người lười biếng có thể tinh tấn, người lơ là, không chú tâm có thể chú tâm, người phóng dật và hay lo lắng có thể định và người thờ ơ có thể phát triển tuệ.

Bồtát nỗ lực giúp những người loại trừ những chướng ngại gây rối, giúp những người đang bị những suy nghĩ sai trái về dục lạc, sân và độc ác đè nặng có thể loại trừ chúng.

Với những ai đã từng giúp mình, Bồtát đón chào họ với những lời lẽ quý mến, cho họ những lợi ích tương tự hay thậm chí còn nhiều hơn những gì mà họ đã dành cho mình, khi họ bị bất hạnh, Bồtát giúp họ như một người bạn hào phóng.

Biết được tâm tánh tự nhiên của nhiều chúng sanh, Bồtát giúp họ thoát khỏi những gì không trong sạch và làm những điều trong sạch. Bồtát giúp họ đạt được nhu cầu và ước mơ.

Ở đây, điều này có nghĩa là Bồtát thực hành bốn nhiếp pháp (saṅgahadhamma) bằng cách bố thí cho những ai thích vật thí, nói những lời quý mến (piya vācā) với những ai thích nói lời quý mến, chỉ ra cuộc sống lợi mình lợi người (atthacariya) cho những ai tán thành với cuộc sống như vậy và cùng thực hành chung thiện sự (samānattatā) với những ai muốn được như vậy.

Ngoài ra, với mong muốn có được lợi ích cho người, Bồtát không làm hại hay cãi nhau với người khác, không làm cho họ bị bẽ mặt, không làm cho họ phải hối hận. Bồ tát không nhìn vào người khác để tìm lỗi, không đặt mình trên vị trí cao hơn để đối xử với người, Ngài không kiêu căng mà nhún nhường.

Bồtát không hoàn toàn tách biệt với những người khác, cũng không thân mật quá mức hay giao thiệp phi thời.

Bồ tát chỉ giao thiệp đúng thời, đúng chỗ, đúng đối tượng. Không nói xấu người khác khi có mặt bạn bè của họ, không tán dương những ai không xứng đáng, không kết bạn với những ai không thích hợp.

Bồtát không từ chối lời mời thích hợp nhưng không chìu theo những đòi hỏi quá đáng hay không nhận những gì vượt quá nhu cầu.

Bồtát hoan hỷ và khuyến khích niềm tin bằng bài pháp về những giá trị của đức tin.

Ngoài ra, Bồtát hoan hỷ khuyến khích những ai giữ giới, bố thí và tu tập tuệ qua những bài phápnói lên giá trị của những tính chất này.

Nếu trong một kiếp sống nào đó, Bồtát chứng đạt thiền định (jhāna) hay thắng trí (abhiññāṇa), với những năng lực ấy, Bồtát đánh thức đức tin cho những chúng sanh lơ đễnh (làm điều thiện), bằng cách chỉ cho họ thấy những cảnh ghê rợn trong các cõi khổ, Ngài làm sanh khởi đức tin cho những ai chưa có đức tin, làm tăng trưởng đức tin cho những ai đã có đức tin nơi chánh pháp.

Theo cách này thì hạnh giới (cāritta sīla) của Bồ Tát như "suối nguồn" các hành động thiện vô hạn ngày càng lớn mạnh từ kiếp sống này đến kiếp sống khác.

Đây là phần tu tập giới balamật.

4) Giới balamật.

Như trên, chúng ta hiểu được hình thức giới (thân, ngữ), nội dung giới (ý).

Những giới này có khả năng hướng thiện, đưa tái sanh về nhàn cảnh, đắc thiền...

Tuy vậy, chưa rốt ráo là giới "đưa sang bờ kia". Vậy giới "đưa sang bờ kia" là gì?

Chính là ba chi phần Giới học của bát chánh đạo: Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

Có vị Tỷ kheo già, bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn! Mỗi nữa tháng chúng con phải đọc tụng giới bổn 150 điều. Con nay đã già, không thể nhớ hết 150 học giới. Bạch Thế Tôn! Xin Ngài hãy dạy cho con.

Đức Phật hỏi vị Tỷ kheo rằng:

- Này Tỷ kheo! Ông có thể làm cho tăng thượng Giới học, tăng thượng Tâm học, tăSng thượng Tuệ học không?

- Bạch Thế Tôn! Con làm được.

Và nhờ tinh cần làm tăng thượng Giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học, vị ấy trở thành vị Thánh Alahán.[8]

Thế đã rõ, tăng thượng giới học đưa "sang bờ".

Trong Hạnh Tạng (cariyapiṭaka) phẩm trì giới độ (sīlapāramita)[9] có nêu lên 10 câu chuyện giữ giới của Bồtát. Trong 10 câu chuyện ấy ghi nhận rằng: "Bồtát chế ngự được tâm sân".

Vậy giới Balamật có hai phần:

- Bên ngoài: Tránh vi phạm những sái quấy (dù nhỏ nhặt) về thân - ngữ qua chánh ngữ (nói đúng), chánh nghiệp (làm đúng) và chánh mạng (nuôi mạng chân chánh).

- Bên trong: Áp chế được  sân.

Vì sao không áp chế tham? Vì rằng "tham là nguyên nhân xa, còn sân là nguyên nhân gần khiến cho sự vi phạm giới về thân, ngữ hiển lộ rõ". Như giới "không làm quấy trong dục (giới thứ ba của 5 giới)" chẳng hạn, rõ ràng là do tham dục, nhưng Đức Phật gọi "Vị ấy từ dâm dục (đúng pháp) để sinh con".[10]

Hoặc như giới "lấy của không cho", "nói dối",  "uống rượu và chất say" có thể do tham, sân điều sử. Riêng giới sát sanh chỉ do tâm sân điều sử, nên nói "áp chế sân là nêu lên phần chủ yếu".

Điều rõ ràng nhất là: "Trong Dhammapāda (Pháp cú kinh), phẩm Sân hận (kodhavagga), những kệ ngôn phần lớn nói về giới". Như:

"Yo ve upatītaṃ kodhaṃ
Ratthaṃ bhantaṃ 'va dhāraye...

"Ai chận được phẩn nộ.
Như dừng xe đang lăn"
... (câu 222) 

"Sassaṃ bhaṇe na kujjheyya..: Nói thật, không phẫn nộ... (câu 224).

 Và trong bài kinh dạy về 9 giới phạm hạnh, giới thứ chín là "rải tâm từ" (xem ở trên) để làm sung mãn giới, đã nói lên ý nghĩa "áp chế sân".

Theo Luận Atỳđàm "nơi nào có tâm sở vô sân, nơi đó có tâm sở vô tham", khi tâm sở sân bị áp chế thì tâm sở vô sân (adosacetasika) sanh lên và thế là tâm sở vô tham có mặt, khi vô tham có mặt thì những giới như "lấy của không cho..." không bị vi phạm. 

5) Ba bậc của giới Balamật.

Giới balamật có ba cấp độ: Bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

Trì giới nhưng tâm vẫn liên hệ đến ái - mạn - kiến là giới bậc hạ.

Trì giới tâm không liên hệ đến ái - mạn - kiến nhưng không có trí là giới bậc Trung

Trì giới tâm không liên hệ đến ái- mạn - kiến lại có trí là giới bậc thượng

- Thế nào là giữ giới liên hệ đến kiến (diṭṭhi)?

Như có người cho rằng: "Ba học giới (giới - định - tuệ) chỉ có trong Phật giáo, ngoài Phật giáo không hề có", đây là có liên hệ đến kiến (thấy sai - hiểu sai).

Thật ra, ba giới phần này trong hay ngoài Phật giáo đều có, như vị Độc Giác Phật cũng thành tựu giải thoát trong thời không có giáo pháp của Đức Phật.

Đức Phật có dạy: "Này Subhadda, trong pháp luật nào không có tám Thánh đạo, thời ở đấy không có  đệ nhất Samôn.... không có đệ tứ Samôn...

Này Subhadda, trong pháp luật này có tám Thánh đạo".[11]

Rõ ràng Đức Phật chỉ xác định "trong giáo pháp này có giới - định - tuệ, nhưng không nói rằng "giới - định - tuệ chỉ có trong giáo pháp này".

Và cho dù vào thời không có giáo pháp của Đức Phật Chánh giác hiển lộ, sự thật về "con đường diệt khổ vẫn có".

Lại nữa, cho rằng "đời sống phạm hạnh chỉ có giới hạnh trong sạch", lại là sự hiểu sai giáo pháp.

Ngài Punna Mantāniputta có dạy: "Giới tịnh dẫn đến tâm tịnh..." và " không phải vì giới thanh tịnh mà Ngài sống đời phạm hạnh trong giáo pháp này".[12]

Thế nào là giữ giới liên hệ đến Mạn (māna)?

Như có người giữ giới cho rằng: "Ta cao thượng hơn người, vì ta có giới, người khác không giữ giới tốt đẹp như ta".

"Vị ấy thành tựu giới đức, vì thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ tự mãn. Vì thành tựu giới đức, vị ấy khen mình chê người: "Ta trì giới, theo thiện pháp.Các vị tỳ khưu khác phá giới theo ác pháp".

Và Đức Phật gọi "là người tầm cầu lỏi cây, nhưng chỉ nhặt lấy vỏ ngoài mang về".[13]

- Thế nào là giữ giới liên hệ đến Ái (taṅhā)?.

Như có người giữ giới để mong sanh về cõi trời hoặc mong hưởng quả phước an lạc cõi người...

Đây là nói về ý giới.

6) Về hình thức của trì giới độ.

a- Trì giới độ bậc hạ.

Là hành giả giữ giới được trong sạch hoàn toàn, không vì tài sản, vợ con, ... mà vi phạm giới. Nói chung, tất cả những gì thuộc về ngoại thân, hành giả có thể hy sinh tất cả để không vi phạm giới hạnh của mình.

Như Bồtát Cūlabodhi (Tiểu Giác)[14], Ngài xuất gia làm đạo sĩ, vợ Bồtát cũng xuất gia theo Ngài .

Có lần hai vị đạo sĩ này đến kinh thành Bāraṇasī, Đức vua thấy  nữ đạo sĩ xinh đẹp, đã bắt bà vào nội cung, nữ đạo sĩ than khóc, chống cự nhưng vẫn bị lôi kéo. Bồtát nổi giận, chợt Ngài bừng tỉnh, đè nén cơn giận, nhủ thầm: "Vì mục đích giác ngộ, ta sẽ không bao giờ phạm giới, nữ Bàlamôn này không quan trọng so với quả vị Toàn giác mà ta mong mỏi".

b- Trì giới bậc trung.

Là hành giả giữ gìn giới hạnh trong sạch, cho dù phải hy sinh những gì liên hệ đến thân như: tay, chân, mắt, mũi,...

Câu chuyện Bồtát Bhūridatta [15].

Bồtát là một long vương (nāga) có uy lực ngang với thiên vương Virūpakkha (Quảng mục thiên vương).

Ngài nguyện giữ giới, đã bị gã bắt rắn Ālambana bắt Ngài hành hạ, rồi mang đi trình diễn khắp nơi, Ngài vẫn kiên nhẫn chịu đựng cho dù Ālambana đã làm thương tổn đến thân thể Ngài.

Mẫu truyện này, có câu hỏi rằng: "Bồ tát nguyện thọ trì 8 giới, vì sao lại nhảy múa theo lịnh của Ālambana?".

Đáp: Vào những ngày này thì Ngài không nhảy múa, do đó gã Ālambana đã hành hạ Ngài, nhưng Ngài nhẫn nại chịu đựng, vào ngày khác thì Ngài nhảy múa.

c- Trì giới bậc thượng.

Là hành giả giữ gìn giới hạnh, cho dù hy sinh cả mạng sống.

Như Bồtát Alīnasattu[16], Ngài thay thế vua cha để nộp mình cho Dạ xoa, sau khi giáo hóa Dạ xoa, Dạ xoa muốn tha Ngài, bảo Ngài hãy tìm cũi nhóm lửa để Ngài trốn di, nhưng Ngài giữ giới không bỏ trốn, dù biết là phải hy sinh mạng sống.

Hay tích Bồtát Saṅkhapāla[17], là chúa loài rồng đã bị những người thợ săn đâm cọc nhọn, chặt bằng dao nhưng Bồtát vẫn không giận dữ cho dù phải hy sinh mạng sống.

Dứt Trì giới độ.

-ooOoo-

Sách tham khảo.

Luật tạng:

Đại Đức Giác Giới (dịch):  - Luật phân tích Tỳ khưu giới.
Đại Đức Nguyệt Thiên (dịch): - Luật Đại phẩm; Luật Tiểu phẩm.
Ông Cao Huy Thuần: - Thượng đế....

Kinh tạng:

Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch):

- Trường bộ kinh: I, II, III, IV.
- Trung bộ kinh: I, II, III.
- Tương ưng bộ kinh: I, II, III, IV.
- Tăng chi bộ kinh: I, II, III, IV, V.
- Tiểu bộ kinh gồm:

*- Phật tự thuyết.
*- Trưởng lão Tăng kệ.
*- Kinh tập.
*- Kinh Pháp cú.

Đại trưởng lão Nārada (soạn): - Kinh Pháp cú (ông Phạm Kim Khánh dịch).
Đại trưởng lão Pháp Minh (dịch): - Sớ giải kinh Pháp Cú.
Đại trưởng lão Ñāṇamoli (Sư cô Thích nữ Trí Hãi dịch): - Trung bộ kinh (1, 2, 3).
Đại trưởng lão Bửu Chơn: - Kho tàng pháp bảo.
Đại Đức Minh Huệ (dịch): - Sớ giải Ngạ quỷ sự.
Đại Đức Giác nguyên (dịch): - Minh giải thiền quán.
Đại Đức Thiện Minh (dịch): - Hạnh tạng.
Sư cô Thích nữ Trí Hãi (dịch): - Thanh tịnh đạo.
Bà Trần Phương Lan (dịch): - Sớ giải kinh Bổn sanh.

Luận Tạng:

Đại trưởng lão Tịnh Sự (dịch): - Pháp tụ.

-ooOoo-



[1] - Visdhm, 98 - Sư cô Thích nữ Trí Hãi dịch.

[2] - JA, truyện số 66.

[3] - Hoàn toàn có trách nhiệm với tất cả hành động của mình dù tốt hay xấu.

[4] - Xem trang 167, cuốn 1, Pt. 1, Anudīpanī.

[5] - D.iv, Tướng kinh (lakkhan.asutta).

[6] - Theo bài kinh Mahagovinda Sutta trong Phẩm Maha Vagga của Digha Nikāya, tám đặc tính của giọng nói của Phạm thiên Sanankumara: (1) lưu loát,  (2) dễ hiểu, (3) dịu ngọt, (4) rõ ràng, (5) sung mãn, (6) phân minh, (7) thâm sâu và vang rộng và (8) không vượt khỏi đại chúng. Giống như Phạm thiên, các vị Bồtát cũng có giọng nói với tám đặc tính này.

[7] - Diṭṭha suta mutamangala. Tipitaka P.M.D mô tả đó là nghĩa của akotuhalamangala (được đề cập trong chú giải của Cariya Piṭaka - Hạnh tạng) mà được giải thích như "niềm tin không có trí qua năm giác quan khi thấy, nghe, ngửi, nếm và đụng".

[8] - A.i, 230.

[9] - Hạnh Tạng, Tỳ khưu Thiện Minh dịch.

[10] - A.iii, 223.

[11] - D.iii, kinh Đại viên tịch (mahānibbāna).

[12] - M.i, kinh Trạm xe (Ratthavivūtasutta).

[13] - M.i, Ví dụ lỏi cây tiểu kinh(Cūḷasāropama sutta)

[14] - JA. Câu truyện số 443.

[15]  - JA. Câu truyện số 543

[16] - JA. Câu truyện số 513.

[17] - JA. Câu truyện số 524.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01| 02 | 03.a | 03.b | 04

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 11-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 03-01-2005